SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

"Thày là Sự Sống"
(Gioan 11:25)



Tái Sinh Thần Linh


Phụng Vụ Lời Chúa Tuần III Phục Sinh


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.

Vậy chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho cả Chúa Nhật lẫn các ngày trong tuần lễ thứ ba của Mùa Phục Sinh như thế nào, nếu không phải, so sánh với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho các tuần còn lại, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần III Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Bánh Sự Sống là bản thân Người nói chúng và mình máu của Người nói riêng để nuôi dưỡng những ai được tái sinh bởi Người.

Chúa Nhật


Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục Sinh, tuy vẫn còn các bài Phúc Âm trình thuật về 3 cuộc hiện ra khác nhau của Chúa Kitô Phục Sinh, nhưng cả 3 bài đều đã bắt đầu hướng về chủ đề "Thày là sự sống" ở khía cạnh Bánh Sự Sống là chính Bản Thân Chúa Kitô nói chúng và Mình Máu Người nói riêng, một thực tại về Người là Bánh Sự Sống đã được Người tỏ cho hai môn đệ đi Emmau bằng Thánh Kinh và cử chỉ bẻ bánh trong bài Phúc Âm Năm A; một thực tại về Người là Bánh Sự Sống cũng được Người tỏ ra cho chung các tông đồ vào lần hiện ra đầu tiên của Người, khi Người dùng chính các dấu khổ nạn của Người cùng những lời Thánh Kinh để chứng tỏ Người đã phục sinh như trong bài Phúc Âm Năm B; một thực tại về Người là Bánh Sự Sống cũng tiếp tục tỏ cho các tông đồ nơi sự kiện Người trao cho các vị bánh và cá nướng của Người, như trong bài Phúc Âm Năm C.  
Năm A 

Cuộc tái sinh thần linh đã xẩy ra nơi hai môn đệ đi Emmau sau khi gặp Đấng Phục Sinh.
Phúc Âm (Luca 24:13-35, bài Phúc Âm như Thứ Tư Bát Nhật Phục Sinh):

"Bấy giờ Người bảo họ: 'Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?' Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: 'Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn'. Người liền vào với các ông. Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: 'Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?'"


Bài đọc 1 (Tông Vụ 2:14,22-28) - sự sống ở nơi Chúa Kitô và từ Chúa Kitô là Bánh Sự Sống: "Đức Giêsu Nazarét... đã bị nộp và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hạnh hạ rồi giết đi... Thiên Chúa đã cho Người phục sinh"
Bài đọc 2 (1Phêrô 1:17-21) - sự sống ở nơi Chúa Kitô và từ Chúa Kitô là Bánh Sự Sống: "Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền không tì ố... Nhờ Người anh em tin vào Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Người sống lại từ trong cõi chết". 

Năm B 
Cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi chung các tông đồ sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh để có thể sửa soạn làm chứng nhân cho Người.  

Phúc Âm (Luca 24:35-48, bài Phúc Âm như Thứ Năm Bát Nhật Phục Sinh): "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: 'Ở đây các con có gì ăn không?' Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: 'Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh'. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh". 


Bài đọc 1 (Tông Vụ 3:13-15,17-19) - sự sống ở nơi Chúa Kitô và từ Chúa Kitô là Bánh Sự Sống:: "Đấng ban sự sống thì anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".
Bài đọc 2 (1Gioan 2:1-5a) - sự sống ở nơi Chúa Kitô và từ Chúa Kitô là Bánh Sự Sống: "Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta".

Năm C 
Cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi sự kiện các tông đồ đã không còn sợ hãi và ra khỏi nhà đi đánh cá, nhất là riêng Tông Đồ Phêrô đã tỏ thái độ nhiệt tình đáp ứng lòng mong ước của Đấng Phục Sinh. 
Phúc Âm (Gioan 21:1-14 hay 1-19, bài Phúc Âm như Thứ Sáu Bát Nhật Phục Sinh): "Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: 'Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây'. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: 'Các con hãy lại ăn'. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi 'Ông là ai?', vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế". 



B
ài đọc 1 (Tông Vụ 5:27b-32,40b-41) - sự sống ở nơi Chúa Kitô và từ Chúa Kitô là Bánh Sự Sống: "Đấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Người làm thủ lãnh và làm Đấng Cứu Độ".
Bài đọc 2 (Khải Huyền 5:11-14) - sự sống ở nơi Chúa Kitô và từ Chúa Kitô là Bánh Sự Sống: "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quí, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". 

Bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan cho chu kỳ phụng vụ Năm C, theo chiều hướng và ý nghĩa, là bài Phúc Âm tiếp theo 2 bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, một cho Năm A và một cho Năm B, hai bài phúc âm thuật lại biến cố Chúa Kitô hiện ra với chung các môn đệ lần thứ nhất để chứng thực với các vị là Người quả thực đã sống lại từ trong kẻ chết (Phúc Âm Năm A), và để hướng các vị về sứ vụ chính yếu là "làm chứng" về Người và cho Người bằng tất cả những gì các vị đã thấy nơi Người (Phúc Âm Năm B), một sứ vụ làm cho nhân loại tin vào Người, chẳng khác gì như những tay chài lưới bắt cá người, tiêu biểu như 7 vị tông đồ ở trong Bài Phúc Âm (Năm C) được Thánh Gioan thuật lại.

Bài Phúc Âm cho Năm C của Thánh ký Gioan hôm nay còn được Giáo Hội bao gồm cả phần cuối (không buộc đọc) là phần liên quan đến tông đồ Phêrô, vị tông đồ đã phải khẳng định với Thày mình 3 lần rằng "con yêu mến Thày". Sở dĩ đoạn Phúc Âm cuối này không buộc đọc là vì theo ý nghĩa nó chỉ liên quan đến nội bộ Giáo Hội hơn truyền giáo là chiều hướng chung của ba bài Phúc Âm A-B-C, như đã nhận định trên đây.

Sự kiện tông đồ Phêrô phải tuyên xưng lòng mến của ngài với Thày của mình không phải chỉ để bù lại cho 3 lần ngài đã chối bỏ Thày mà nhất là còn cho thấy khả năng thiết yếu bất khả thiếu để thi hành sứ vụ thủ lãnh Giáo Hội của ngài, liên quan đến 3 trách vụ chính yếu của ngài nói riêng và của hành giáo phẩm nói chung, đó là thánh hóa ("chăm nuôi đám chiên con của Thày" - "feed my lambs"), giảng dạy ("chăn dắt chiên lớn của Thày" - "tend my sheep", nhất là những con chiên cho mình là khôn lớn nên bị lầm lạc) và cai quản ("chăn dắt chiên lớn của Thày" - "tend my sheep", kể cả các vị giám mục trong hàng giáo phẩm).

Tông đồ Phêrô, vị thay mặt Chúa Kitô đầu tiên trong Hội Thánh để chăn dắt đoàn chiên của Người đây không thể nào chăm nuôi và chăn dắt chiên con và chiên lớn của Người nếu không yêu mến Người gấp đôi các chiên con và gấp ba chiên lớn, nhờ đó, nhờ lòng yêu mến này, ngài mới có thể hiệp nhất nên một với Đấng đã tin tưởng ủy thác đoàn chiên của Người cho ngài, đến độ ngài dám thí mạng sống mình vì chiên như Người, đúng như lời tiên báo của Chúa Kitô về thân phận đóng vai trò lãnh đạo thay Người của ngài, nhưng nhờ thế ngài đã thực sự trở thành chứng nhân đích thực của Người.

C
ái tuyệt vời ở đây là sự liên kết chặt chẽ hết sức mạch lạc giữa các bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho các Chúa Nhật nói riêng rất ăn khớp với nhau và liên tục với nhau theo đúng chủ đề chung. Điển hình nhất là bài Phúc Âm của Thánh Ký Gioan cho Năm C trên đây, liên quan đến vai trò mục tử của Thánh Phêrô sẽ được diễm phúc trở nên giống như vai trò Mục Tử Nhân Lành của Chúa Kitô hy sinh cho chiên được sống, và vai trò mục tử nhân lành gương mẫu này của Người được mạc khải cho thấy rõ ràng trong cả 3 bài Phúc Âm A-B-C của Tuần IV Phục Sinh kế tiếp

(xin xem lại bài 
Chủ Đề "Thày là sự sống" cho Các Chúa Nhật Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
  Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh
    

Thứ Hai

Phúc Âm (Gioan 6:22-19)


Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Hai trong Tuần III Phục Sinh về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu nói như thể Người muốn nói rằng ai được tái sinh thần linh (theo chiều hướng sự sống của Tuần II Phục Sinh) phải là những người làm việc của Thiên Chúa, tin vào Chúa Kitô: 
"'Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu'. Họ liền thưa lại rằng: 'Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?' Chúa Giêsu đáp: 'Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến'".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy người Do Thái biết được Chúa Kitô thường xuất hiện ở chỗ nào nhất, do đó, ai đã đến đúng nơi đó:

"Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" 

Và khi họ gặp được Người thì Người cho họ biết được chính cái cốt lõi của toàn bộ Thánh Kinh, của dự án cứu độ thần linh, đó là "công việc của Thiên Chúa", một "công việc" có hai mặt, mặt mạc khải thần linh về phía Thiên Chúa và mặt đức tin tuân phục về phía nhân loại. Ở chỗ, "công việc của Thiên Chúa" hay "việc làm của Thiên Chúa" về phía Thiên Chúa đó là việc Ngài liên lỉ tỏ mình ra cho nhân loại, và "việc làm của Thiên Chúa" về phía nhân loại đó là "tin", là nhận biết mạc khải thần linh của Ngài và chấp nhận mạc khải thần linh của Ngài là chính Chúa Giêsu Kitô Con Ngài. Có thể tóm lại cả hai mặt thành một ở chỗ "công việc của Thiên Chúa" hay "việc làm của Thiên Chúa" đó là làm cho nhân loại tin vào Ngài bằng cách tỏ mình ra cho họ vậy.

Chủ đề "Thày là sự sống" ở trong bài Phúc Âm hôm nay như thế nào, nếu không phải ở chỗ "của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi" và ở chỗ: "các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến". Thật vậy, "của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi", một "của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời" đây chính là những gì Chúa Giêsu nói và làm để cho dân của Người tin vào Người mà được sự sống.

Thoạt nghe thì tín hữu Công giáo hiểu "của ăn Con Người sẽ ban cho" họ đây ám chỉ về Thánh Thể, như Người sẽ từ từ tiết lộ trong đoạn Phúc Âm 6 của Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho ngày thường của Tuần III Phục Sinh này. Nhưng ở đây bao gồm tất cả những gì Người nói và làm, nhất là chính bản thân Người là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, một bản thân sẽ hoàn toàn tỏ hiện trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người. Tất cả những gì Người nói và làm đều là bánh ban sự sống thần linh bất diệt cho những ai tin tưởng đón nhận.

Nếu "của ăn của Thày là làm theo ý Đấng đã sai và hoàn tất công việc của Ngài" (Gioan 4:34) thì khi Chúa Giêsu nói và theo tất cả mọi sự theo ý Cha của Người là Người đang cống hiến cho chúng ta chính "của ăn" của Người, chính lương thực của Người. Bởi thế, đối với Thiên Chúa thì việc của Ngài là tỏ mình ra qua Chúa Giêsu Kitô Thiên Sai của Ngài, như thể Thiên Chúa ban cho con người lương thực thần linh để được sống, còn việc của con người là thành phần được Thiên Chúa tỏ mình ra hay ban bánh sự sống thần linh cho họ là "tin vào Đấng Ngài sai".  


Bài Đọc I (Tông Vụ 6:8-15)
Điển hình nhất trong số thành phần tái sinh làm việc của Thiên Chúa là tin vào Chúa Kitô, Bánh Sự Sống của họ, được bài đọc 1 hôm nay cho thấy đó là Phó Tế Stephanô, một con người đúng là đã được tái sinh thần linh theo ý nghĩa Chúa Kitô nói trong bài phúc âm, một con người làm việc của Thiên Chúa và tin vào Chúa Kitô nên mới có thể làm chứng cho Người trước thành phần đối chất với ngài nhưng thất bại nên tìm cách sát hại ngài:  
"Trong những ngày ấy, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. ... Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. .... Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần".

Thứ Ba
Phúc Âm (Gioan 6:30-35):



Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Ba trong Tuần III Phục Sinh về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu nói về chính bản thân mình là Người sẽ trở thành bánh sự sống cho thành phần tái sinh thần linh được một sự sống viên mãn, không còn đói khát thiết tha bất cứ sự gì phàm tục thấp hèn trên trần gian này nữa: 
"'Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian'. Họ liền thưa với Ngài rằng: 'Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi'. Chúa Giêsu nói: 'Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ'".



Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy câu Chúa Giêsu khẳng định "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ", liên quan đến chính bản thân của Người là mạc khải thần linh và đến cả dân Do Thái liên quan đến đức tin tuân phục.

Trước hết, liên quan đến Người là "bánh ban sự sống", một thứ "bánh ban sự sống" chẳng những cần phải là "vật từ trời" chứ không phải từ một nơi nào khác, mà còn phải có khả năng "ban sự sống" nữa, bằng không cho dù có "từ trời" nhưng vẫn không phải là chính "bánh ban sự sống", nhưng chỉ giống như manna nuôi dân Do Thái tạm thời trong thời gian họ băng qua sa mạc tiến về đất hứa vậy thôi, nên khi ăn thứ lương thực cũng rớt xuống từ trời này vào tổ phụ dân Do Thái vẫn chết.

Chúa Giêsu quả thực "là bánh ban sự sống", như hôm qua đã chia sẻ, ở nơi chính bản thân Người là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, Đấng "đã ban cho các ngươi bánh từ trời" nơi lời nói và việc làm của Con Ngài, nhất là nơi cuộc khổ nạn và tử giá của Người. Chúa Giêsu "là bánh ban sự sống" nơi lời Người nói: "lời Thày nói với các con đều là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63), và nơi việc Người làm: "Tôi sẽ hiến sự sống mình cho những con chiên này" (Gioan 10:15).

Thế nhưng, "Bánh ban sự sống" là Chúa Kitô đây vẫn không thể ban sự sống cho người Do Thái đến với Người bấy giờ như Người nói: "Ai đến với Ta sẽ không hề đói", bởi vì họ đến với Người chỉ vì "của ăn hay hư nát" như Người đã hóa bánh ra nhiều nuôi họ mà thôi, một "dấu lạ" tỏ tường trước mắt họ mà họ vẫn chưa chấp nhận, cứ đòi một dấu lạ khác theo ý của họ.

Bởi thế, cho dù có đến với Người, có tìm Người, có biết được chỗ ở của Người, nhưng họ vẫn khát, vì họ chưa tin vào Người, chưa chịu "làm công việc của Thiên Chúa" như Người khuyên họ trong bài Phúc Âm hôm qua. Do đó Người mới tiếp tục "làm việc của Thiên Chúa" đó là tỏ mình ra cho họ như "bánh sự sống" để họ từ từ nhận biết Người, tin vào Người như chúng ta sẽ thấy trong bài phúc âm ngày mai.

Bài Đọc I (Tông Vụ 7:51-59):
Điển hình của thành phần được tái sinh thần linh bởi Chúa Kitô và được nuôi bằng Bánh Sự Sống là chính Chúa Kitô này là một Phó Tế Staphanô trong bài đọc 1 hôm nay, vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, một tạo vật mới tràn đầy Thánh Thần, tràn đầy sự sống viên mãn của Chúa Kitô, đến độ ngài đã sống chính Chúa Kitô nên mới có thể tỏ ra một thái độ giống hệt như Chúa Kitô trên thập tự giá đối với thành phần ra tay sát hại mình:  

"Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: 'Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa'. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con'. Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: 'Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này'. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa".

Thứ Tư
Phúc Âm (Gioan 6:35-40)



Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Tư trong Tuần III Phục Sinh 
về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu khẳng định về ý muốn của Chúa Cha đối với những ai được tái sinh thần linh, tức những ai tin vào Chúa Kitô là Bánh Sự Sống của họ và cho họ:  
"Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

Vậy "ý của Cha" được Chúa Kitô tiết lộ đây bao gồm hai chiều kích, chiều kích mạc khải thần linh và chiều kích đức tin tuân phục. Chiều kích mạc khải thần linh liên quan đến Chúa Kitô: "ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại". Chiều kích đức tin tuân phục liên quan đến phần rỗi của nhân loại: "ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

Tóm lại, Chúa Cha muốn ban sự sống cho nhân loại, nhưng Ngài ban qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, nên chỉ có những ai tin Con Ngài mới có sự sống đó mà thôi: "Thiên Chúa đã ban sự sống đời đời cho chúng ta và sự sống này ở nơi Con của Ngài. Ai có Con (tức là tin Con) là có sự sống, ai không có Con (tức là không tin Con, không chấp nhận Con) thì không có sự sống" (1Gioan 5:11-12). 

Đó là lý do ngay ở đầu bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ". Tuy nhiên, vì Chúa Kitô tự mình là một mầu nhiệm (xem Epheso 3:4), bởi thế con người không thể nào có thể nhận biết Người, cho dù Người có tự tỏ mình ra cho họ chăng nữa.

Bởi thế, cũng Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: "Các ngươi đã thấy Ta, (hay đã đến với Ta) nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài". Nghĩa là, cho dù người Do Thái có "đến" với Chúa Giêsu, "thấy" Người, vẫn chưa "tin" Người, vẫn không nhận biết và chấp nhận Người.

Vì chỉ có "những ai Cha Ta đã ban cho Ta (mới có thể) đến với Ta", cho dù họ không phải là người Do Thái là dân tộc đã được tuyển chọn và được Thiên Chúa tỏ mình ra cho trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, hay cho dù họ chỉ là một tội nhân như viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn (xem Luca 19:1-10), hay như người trộm bị đóng đanh ở bên phải Thánh Giá Chúa Kitô (xem Luca 23:39-43), hoặc như người phụ nữ tội lỗi có tiếng trong thành (xem Luca 7:36-49).

Bài Đọc I 
(Tông Vụ 8:1-8)
Điển hình trong thành phần được tái sinh thần linh này là trường hợp của một Phó Tế Philipphê trong bài đọc 1 hôm nay, một phó tế được nuôi dưỡng bằng Bánh Sự Sống là Chúa Kitô nên đã được tràn đầy sự sống nơi lời rao giảng hoàn toàn thuyết phục về một Đức Kitô Thiên Sai mà ngài đã tin tưởng, và lời rao giảng của ngài còn được kèm theo quyền năng làm phép lạ ở một thành thuộc Xứ Samaria, khiến cho thành này như được biến đổi: 
"Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả".

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy những gì quan phòng thần linh của Thiên Chúa thật tuyệt vời, vượt trên tất cả mọi dự tính hoàn toàn tự do của con người, ở chỗ, ngay khi quyền lực sự dữ bắt đầu công khai dữ dội tấn công cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi ở Giêrusalem thì lại chính là thời điểm Giáo Hội được dịp lan rộng ra khỏi biên giới giáo đô Do Thái giáo Giêrusalem, đầu tiên là sang Samaria, cho tới tận cùng trái đất, đúng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ trước khi Người về trời (xem Tông Vụ 1:8).

Thứ Năm
Phúc Âm (Gioan 6:44-51)


Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Năm trong Tuần III Phục Sinh về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu khẳng định về bản thân Người là bánh ban sự sống, đặc biệt cho những ai tin vào Người, tức cho những ai được tái sinh thần linh bởi Người:
"Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy:

1- Manna tuy từ trời xuống nhưng không phải là thứ bánh ban sự sống thiêng liêng, sự sống đời đời như Bánh Sự Sống là chính Chúa Kitô từ trời xuống, vì manna chỉ nuôi phần xác nên ai ăn vẫn chết như thường, còn ai ăn Chúa Kitô là Bánh Sự Sống "thì khỏi chết" mà còn "sẽ sống đời đời";

2- "Ăn" Bánh Sự Sống là Chúa Kitô đây tức là "nhận biết", "chấp nhận" Chúa Kitô, là "tin vào" Chúa Kitô, vì nhờ đó họ mới "có sự sống đời đời": Vậy "ai ăn bánh này sẽ sống đời đời" cũng chính là "ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời";

3- Tuy nhiên, nếu "những ai Cha Ta đã ban cho ta thì đến với Ta" như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm qua, thì trong bài Phúc Âm hôm nay Người tái khẳng định một cách rõ ràng hơn nữa là: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy" - Đúng thế, Bánh Sự Sống là những gì vô cùng cao quí, không phải ai muốn ăn cũng được, cũng xứng đáng, trái lại, cần phải được tuyển chọn, cần phải được mời gọi đặc biệt đến Bàn Tiệc Thánh Nước Trời;

4- Cũng trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn mạc khải thêm về bản thân là Bánh Sự Sống của mình nữa, ở chỗ, Người xác định Bánh Sự Sống ấy không phải chỉ là chính bản thân Người "Ta là" mà còn là "thịt" của Người nữa: "Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta cho thế gian được sống" - ở đây Người dường như ám chỉ tới cuộc tử nạn của Người: "Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con" (Luca 22:19) nói riêng và biến cố Vượt Qua của Người nói chung.

Thật vậy, nếu "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" thì những ai không phải Kitô hữu Công giáo hay Chính Thống giáo, như Kitô hữu thuộc các giáo phái Tin Lành, hay thành phần Do Thái giáo, hoặc Hồi giáo hay lương dân nói chung, chẳng lẽ phần lớn nhân loại không ăn bánh Sự Sống được chúng ta vẫn nghĩ là Thánh Thể này sẽ không được "sống đời đời" hay sao? 

Theo tôi, Bánh Sự Sống đây, trước hết và trên hết là chính bản thân Chúa Kitô, ai tin vào Người thì được cứu độ, tức được sự sống đời đời. Thế nhưng, Chúa Kitô đã chứng tỏ mình là Bánh Sự Sống bằng việc "bẻ ra", nghĩa là bằng Khổ Giá, cũng như bằng việc thông ban Thánh Linh của Người cho các tông đồ khi thở hơi trên các vị từ thân xác phục sinh của Người. Bởi thế, Sự Sống đời đời xuất phát từ Chúa Kitô được chất chứa nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm được Giáo Hội hằng tưởng niệm mỗi khi cử hành Thánh Thể, cử hành máu của Người đã đổ ra (tử giá) và mình của Người (đã bị nộp nhưng cũng sống lại), như thứ tự được Thánh Luca thuật lại khi Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể (22 câu 17 về "máu Tháy" và câu 19 về "mình Thày"). Như thế, nếu Chúa Kitô là Bánh Sự Sống nhờ cuộc Vượt Qua của Người thì những ai chấp nhận Mầu Nhiệm Vượt Qua, tức chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai (xem Gioan 17:3) như chính Người đã chứng thực, bằng cuộc tử giá của Người, và được chính Chúa Cha chứng thực bằng việc Ngài làm cho Người sống lại từ trong kẻ chết, để trở thành Đấng Cứu Thế. Nghĩa là ai chấp nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Thế thì được sự sống đời đời, vì Người chính là Bánh Bởi Trời xuống ban sự sống cho thế gian vậy.

Bài Đọc I (Tông Vụ 8:26-40)
Điển hình của thành phần được tái sinh thần linh đó là viên quan ở Ethiopia trong bài đọc 1 hôm nay, một nhân vật được tái sinh thần linh bởi Phó Tế Philipphê, nhờ vị phó tế này dẫn giải Thánh Kinh về Đức Kitô Thiên Sai là Bánh Sự Sống được vị phó tế tin tưởng và rao giảng, để Chúa Kitô trở thành Bánh Sự Sống cho những ai tin vào Người nhờ lời chứng và chứng từ của những ai sống sự sống Người ban như Phó Tế Philiphê:  
"Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: 'Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?' Philipphê nói: 'Nếu ông tin hết lòng thì được'. Nhà quan đáp lại: 'Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa'. Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình".

Thứ Sáu

Phúc Âm 
(Gioan 6:53-60)


Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Sáu trong Tuần III Phục Sinh về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu khẳng định về máu thịt ban sự sống của Người, vì máu thịt của Người đã Vượt Qua, đã tử giá để tiêu diệt tội lỗi cùng sự chết và phục sinh để thông ban Thánh Linh và sự sống, đặc biệt cho những ai "ăn thịt" "uống máu" của Người, nghĩa là cho những ai tin vào Người là Đấng Tử Giá và Phục Sinh, tức cho những ai nhờ Người mà được tái sinh thần linh
"Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta".
Bài Đọc (Tông Vụ 9:1-20)
Điển hình của thành phần được tái sinh thần linh là trường hợp của một nhân vật biệt phái hết sức nhiệt tình với Do Thái giáo trong bài đọc 1 hôm nay, một nhân vật được tái sinh thần linh bởi một người môn đệ tên là Anania ở Damasco, và ngay sau khi được chữa lành cái mù lòa về cả thể xác lẫn tâm linh của mình, nhân vật tên Saolê ấy liền công khai rao giảng về Đấng là Bánh Sự Sống vừa mới bị chàng bách hại trước đó, nhưng lại là Đấng đã trở thành Bánh Sự Sống cho chàng, khiến chàng đã tràn đầy sức sống thần linh để có thể làm chứng cho Người: 
"Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: 'Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần'. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa".

Thứ Bảy 

Phúc Âm (Gioan 6:60-69)


Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Bảy trong Tuần III Phục Sinh về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến thái độ kiên trì của các tông đồ, một thái độ tin tưởng cho dù có trái tai bất khả chấp nhận theo bản tính tự nhiên, một thái độ được bày tỏ qua lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô đại diện cho Nhóm 12 về niềm tin của mình về Đức Kitô, Thày của các vị, Bánh Sự Sống đã nuôi dưỡng và làm tăng sức sống thần linh trong các vị đến độ các vị chẳng những không thể nào bỏ Người (như trong Bài Phúc Âm) mà còn thông ban sự sống thần linh của Người cho tha nhân nữa (như trong Bài Đọc I hôm nay): 

 

"Thầy đã bảo anh em: 'không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho'. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: 'Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?' Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: 'Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa'". 

 

Bài Đọc (Tông Vụ 9:31-42)
Cũng nhờ niềm tin tưởng này của thành phần được tái sinh thần linh như các vị mà các tông đồ đã rao giảng về Đấng Phục Sinh một cách đầy quyền lực, đến độ các vị có thể chữa lành và hồi sinh con người ta, như trường hợp của Tông Đồ Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay đã thực hiện ở 2 nơi khác nhau, khiến cho nhiều người được tái sinh thần linh trong Chúa Kitô ở chỗ họ tỏ ra tin tưởng vào Người
"'Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy'. Lập tức anh đứng dậy. Tất cả những người cư ngụ ở Lốt và đồng bằng Sa-ron thấy anh, và họ trở lại cùng Chúa... 'Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy!' Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Gia-phô đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa".