THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM BÍ MẬT THƯƠNG XÓT 2019

 

HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA - TUẦN THÁNH VƯỢT QUA

(12-22/4/2019)

Biên soạn - TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

kèm theo hình ảnh trong máy chụp điện thoại sumsung 8 của mình

 

Thứ Ba Tuần Thánh Ngày 16/4

Phần 1: Đi Đường Thánh Giá Nội Bộ

 Phần 2: Kính Viếng Các Nơi Thánh ở Cổ Thành Jerusalem

 

 

Phần 1: Đi Đường Thánh Giá Nội Bộ

 

Điểm tâm sáng nào cũng từ 6 giờ

Đúng là manna bởi trời

Đì hành hương có khác - chẳng phải lo lắng và vất vả nấu nướng gì.

Ngày ngày đi thăm viếng đó đây, về có bữa ăn liền, ăn ngon lành, ăn thịnh soạn, sau đó ngủ nghỉ, rồi dậy ăn tiếp, đi tiếp.

Phái đoàn hành hương TĐCTT được vị hướng dẫn viên cho biết trên đường từ Galilêa về Jerusalem hôm qua,

đó là hôm nay, Thứ Ba Tuần Thánh (của Kitô giáo), nhưng lại là ngày Do Thái giáo bắt đầu ăn bánh không men.

Bởi thế, ngay sau bữa tối hôm qua, ngắn giờ hơn mọi bữa tối khác, họ đã thu dọn tất cả mọi sự những gì liên quan đến men.

Và tấm bánh không men hay thứ bánh không men của họ có hình thù như tấm hình trên đây.

Nhiều anh chị em TĐCTT, bao gồm cả Cha Đức Minh, cũng thích ăn loại bánh không men này... sắp nghiện thì không còn được ăn nữa!

Ngày nào cũng có nhân viên khách sạn phục vụ ở quầy làm trứng bóp-la,

và nhân viên làm một số bánh nướng (waffle và pan cake) ngon lành, và cả hai nơi đều được nhiều người yêu thích chờ chực để thưởng thức.

Tuy nhiên, Thứ Bảy hằng tuần là Ngày Hưu Lễ của Do Thái giáo, không có nhân viên của 2 quầy này nữa.

Thậm chí trong Ngày Thứ Bảy Hưu Lễ hằng tuần của họ, có một trong các thang máy ngưng lại ở từng tầng lầu,

với hàng chữ ở ngay ngoài thang máy là: "Shabbat elevator stops on every floor", thường chỉ có người Do Thái dùng và giành cho họ thôi.

Nếu họ sử dụng thang máy khác là phạm luật Ngày Hưu Lễ của họ.

Đúng là họ hiểu theo nghĩa đen của lề luật, nên đã bị Chúa Kitô nghiêm trọng, công khai và thẳng thắn khiển trách họ nhiều lần.

Nếu Ngày Hữu Lễ của họ là ngày nghỉ thì tại sao họ vẫn mở cửa khách sạn để nhận thêm khách và nấu nướng phục vụ các bữa ăn cho khách chứ?

Tuy nhiên, họ có thể thay thế nhân viên Do Thái bằng nhân viên Palestine,

như trường hợp các nam dọn phòng hằng ngày người Do Thái đã được thay thế bằng các nữ Palestine vào Ngày Hưu Lễ.

Tuy nhiên, ở phòng ăn và phòng khách vẫn là nhân viên Do Thái, bất khả thiếu.

Vậy thì những nhân viên Do Thái này được châm chước không phải giữ Ngày Hưu Lễ hay sao? Ai châm chước, hay tự diễn giải tùy theo lợi lộc của mình??

Ngày nào cũng thế, điểm tâm xong, thường kéo dài 1 tiếng, từ 6 đến 7 giờ,

phái đoàn hành hương TĐCTT sửa soạn ra xe lên đường theo lịch trình hành hương của mình.

Nếu ai không cẩn thận thì bị trễ là thường, bởi thang máy bấy giờ rất bận, không nhanh như mình tưởng, nếu không trừ giờ chờ đợi thang máy.

 

TĐCTT Đi Đường Thánh Giá

Để thuận tiện hơn, lịch trình hành hương đươc uyển chuyển thích nghi giữa 2 ngảy Thứ 3 và Thứ 5.

Bởi Thứ Ba Tuần Thánh, ban tổ chức chúng em xin vị hướng dẫn giúp riêng phái đoàn hành hương TĐCTT có được một cuộc Viếng Đàng Thánh Giá riêng,

sớm hơn giờ đi chung với cộng đồng hành hương vào chính Thứ Sáu Tuần Thánh sau đó, để tránh bầu khí ồn ào náo nhiệt ở Cổ Thánh Jerusalem.

Tuy nhiên, thay vì đến sớm từ 7 giờ thì mãi đến 7:20 mới bắt đầu chặng Thứ Nhất,

vì thế, để kịp lễ lúc 8 giờ tại Mồ Thánh rất quan trọng, quan trọng còn hơn cả chính Đường Thánh Giá chỉ có tính cách đạo đức hơn là phụng vụ,

thay vì viếng trọng thể 1 tiếng với tài liệu dọn sẵn và trao cho từng người ngay trên chuyến xe từ khách sạn đến cổng cổ thành Giêrusalem,

phái đoàn hành hương TĐCTT đã làm rất vắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa sâu xa và giá trị siêu linh,

bằng cách, tại mỗi chặng, chỉ đọc chung với nhau công khai 1 Lời Nguyện của Chuỗi Kinh Thương Xót như sau:

"Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha mình và máu, linh hồn và thiên tính của Con chí ái Cha là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con,

để đền bù tội lỗi chúng con và toàn thế giới

- Vì cuộc khổ nạn đau thương của Người, (ở chặng Đường Thánh Giá này), xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới".

Đường đi hơi trơn, dễ té ngã. Chúa Giêsu ngã xuống đất 3 lần vào năm 33 tuổi,

phái đoàn hành hương TĐCTT ở vào tuổi đa số gấp đôi tuổi của Người ai mà té ngã vào tuổi 66 tức là ngã lần thứ 2.

Nơi Thứ 1

Quan Phi-la-tô luận giết Ðức Chúa Giêsu

Phúc Âm (Gioan 19)

12 Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng: "Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da."13 Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha.14 Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: "Đây là vua các người! "15 Họ liền hô lớn: "Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá! " Ông Phi-la-tô nói với họ: "Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao? " Các thượng tế đáp: "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da."16 Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu là Vua cả trên trời dưới đất, là Ðấng thiên hạ ước ao lâu đời, mà Philatô luận giết Chúa con cách xấu hổ nhuốc nha dường ấy. Xin ban cho con ăn năn đền tội, cho đáng Chúa con cứu lấy con nơi toà phán xét sau này.

Nơi Thứ 2

Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Phúc Âm (Math êu 27)

27 Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người.28 Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ,29 rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! "30 Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người.31 Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu đánh nát cả và mình ra cùng vác Thánh Giá nặng vì tội chúng con. Xin ban ơn cho con chịu các sự khốn khó trong bậc con, như Thánh Giá Ðức Chúa Trời đã định cho con phải chịu mà theo chân Ðức Chúa Giêsu cho trọn.

Nơi Thứ 3

Ðức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Thiên Chúa đã đặt lên Người các tội lỗi của tất cả chúng ta” (xem Is 53:6).

“Tất cả chúng ta như chiên hoang lạc; chúng ta đã lang thang mỗi người một ngả; song Chúa đã đặt lên Người lầm lỗi của tất cả mọi người chúng ta” (Is 53:6).

Chúa Giêsu ngã xuống đất dưới cây thập tự giá. Điều này xẩy ra ba lần trên “đoạn đường đau thương” tương đối ngắn. Tình trạng kiệt sức đã khiến Người ngã xuống. Thân xác của Người vấy máu bởi cuộc hành hình, đầu Người đội triều thiên gai. Tất cả những điều này làm cho Người yếu đi. Do đó Người đã ngã xuống và sức nặng của cây thập giá đè Người xuống mặt đất.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu nhiều sự khốn khó cùng nhịn đói, vác Thánh giá nặng yếu nhọc hết sức, thì ngã xuống đất. Xin ban ơn cho con giữ mình cho đến chết, chớ để con phạm tội lỗi gì mất lòng Chúa con.

 

Nơi Thứ 4

Ðức Mẹ gặp Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

“Xin Maria đừng sợ, vì người đã được ơn nghĩa trước mặt Chúa. Và này người sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai mà người sẽ đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu của Đavít tổ phụ Ngài, và Ngài sẽ cai trị nhà Giacóp đến muôn đời; vương quốc của Ngài sẽ vô tận” (Lk 1:30-33). Mẹ Maria đã ghi nhớ những lời này. Mẹ thường âm thầm nhớ lại những lời ấy trong lòng mình. Khi Mẹ gặp Con Mẹ trên con đường thập giá thì có thể chính những lời này lại hiện lên một cách đặc biệt mãnh liệt trong tâm trí của Mẹ. “Ngài sẽ cai trị... Vương quốc của Ngài sẽ vô tận”, vị thiên sứ đã nói như thế.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Mẹ, khi trước thấy Con ra đời thì Thiên Thần hát mừng, mà rầy thấy Con nát cả và mình ra trong tay quân dữ đem đi giết, thì lòng Ðức Mẹ đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Xin Ðức Mẹ cầu bầu cho chúng con được lòng ăn năn đau đớn, và cầu cho kẻ có tội được trở lại cùng Ðức Chúa Trời.

Nơi Thứ 5

Ông Simon vác cây Thánh Giá

Phúc Âm (Luca 23)

26 Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Khi quân dữ thấy Ðức Chúa Giêsu yếu nhọc hầu chết, thì nó bắt ông Simong vác Thánh Giá đỡ Ðức Chúa Giêsu. Thương ôi. Nào con chiên Chúa con đâu hết mà để Thánh giá nặng cho kẻ ngoại vác làm vậy. Xin ban ơn giúp sức cho con cùng kẻ thuộc về con được chịu mọi sự khó bằng lòng, như vác đỡ Thánh giá Ðức Chúa Giêsu vậy.

Nơi Thứ 6

Bà Veronica trao khăn cho Ðức Chúa Giêsu lọt mặt

 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Vêrônica không có trong các sách Phúc Âm. Tên của bà không được nói tới trong số những tên của các người phụ nữ khác đi theo Chúa Giêsu. Bởi thế, danh xưng này có thể chỉ về việc làm của người phụ nữ ấy mà thôi. Thật vậy, theo truyền thống, trên đường lên Canvê, có một người phụ nữ đã xô đẩy những người lính đi kèm theo Chúa Giêsu ra để tiến đến lau mồ hôi máu trên khuôn mặt Chúa bằng tấm khăn chùm đầu của mình. Khuôn mặt đã được in trên tấm khăn chùm đầu này là một phản ảnh trung thực, một “ảnh tượng chân dung”.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Con khen lòng mạnh bạo bà Veronica chẳng sợ quân dữ, một mến Ðức Chúa Giêsu, mà thấy cả và mình máu chảy ra, thì trao khăn cho Người lau mặt đi. Xin in hình tượng Ðức Chúa Giêsu vào lòng con, như in vào khăn bà Veronica cho con được lòng mến Ðức Chúa Giêsu cho trọn.

Nơi Thứ 7

Ðức Chúa Giêsu Ngã xuống đất lần thứ hai

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

 

“Tôi là sâu bọ đất chứ không phải là người; bị người ta nhạo báng và bị dân chúng khinh khi” (Ps 22:6). Những lời Thánh Vịnh này hiện lên trong tâm trí chúng ta khi chúng ta thấy Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai dưới cây thập tự giá. Ở đây, Đấng Bị Kết Án ngã nằm xuống trên bụi đất. Ngài bị đè bẹp dưới sức nặng của cây thập tự giá Ngài vác. Sức lực của Ngài càng ngày càng mòn mỏi. Thế nhưng, với hết sức cố gắng, Ngài lại chỗi dậy tiếp tục tiến bước.

 

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Các sự khốn khó Ðức Chúa Giêsu chịu một ngày một hơn gượng đi chẳng được, thì ngã xuống đất lần nữa, quân dữ đạp dậy, giục đi cho chóng. Xin Ðức Chúa Giêsu ban ơn cho con được giữ lòng vững vàng đi đàng nhân đức một ngày một hơn.

Nơi Thứ 8

Ðức Chúa Giêsu đứng lại yên ủi con thành Giêsusalem.

Phúc Âm (Luca 23)

27Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người.28 Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.29 Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! "30 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi! , và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi!31 Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao? "32 Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu trăm nghìn sự thương khó cho được đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem như Cha yên ủi con trong cơn khóc lóc. Xin Ðức Chúa Giêsu yên ủi linh hồn con cùng các con chiên nước này, như yên ủi con thành Giêrusalem vậy, chớ bỏ chúng con mồ côi làm chi

Nơi Thứ 9

Ðức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Một lần nữa, Chúa Kitô lại ngã xuống đất dưới sức nặng của cây thập giá. Đám đông dân chúng nhìn thấy thì nghĩ thầm không biết Ngài còn đủ sức để chỗi dậy nữa chăng.

Thánh Phaolô viết: “Mặc dầu thân phận là Thiên Chúa, Ngài cũng không tự coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, song Ngài đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra theo hình ảnh con người. Để rồi, với thân phận con người, Ngài đã tự hạ vâng lời cho đến chết, dù chết trên thập giá” (Phil 2:6-8). Lần ngã thứ ba như thể nói lên điều ấy, nói lên việc tự hủy mình của Con Thiên Chúa, việc Ngài tự hạ dưới cây thập tự giá. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Ngài đã đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ (x Mt 20:28).

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu, đã gần đến núi Calavariô, chẳng còn ai nhìn, máu đã chảy ra hết thì ngã xuống đất một lần nữa. Ớ con cháu Adong, hãy xem Chúa mình ngã xuống đất nhiều lần làm vậy vì ai? Xin Ðức Chúa Giêsu thương chúng con cho đến sau hết, chớ bỏ con mọn yếu đuối dại dột làm chi.

Sau chặng thứ 9, phái đoàn hành hương TĐCTT tiến vào khu Mồ Thánh, nơi có 5 chặng cuối cùng

Ai cũng phải leo cầu thang lên như leo Đồi Canvê vậy, sau khi qua cổng và ở ngay bên phải cổng vào

 

Tuy nhiên, khi vừa lên tới nơi thì chẳng còn chặng Thánh Giá nào nữa.

Vì chặng X và XI thì một nhóm hành hương đang cử hành Thánh Lễ trước phái đoàn TĐCTT,

và chỉ còn chặng XII ngay bên cạnh là đang có khách hành hương sắp hàng âm thầm kính viếng.

Thế là phái đoàn hành hương TĐCTT tự động kính viếng 5 chặng cuối cùng bằng tất cả lòng đạo đức của mình.

Trong 14 chặng Đường Thánh Giá ở Thánh Địa, phải công nhận là 2 chặng linh thiêng nhất đó là Chặng XII và Chặng XIV.

Chặng XII là chặng Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá và Chặng XIV là Chặng táng xác Chúa Giêsu

Nơi Thứ 12

Ðức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá

Phúc Âm (Gioan 19)

28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát! "29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: "Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

 

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu mọi sự khó cho đến gần hết hơi, thì gục đầu xuống giã (biệt) Ðức Mẹ mà sinh thì, xin ban ơn cho con giữ đạo cho đến giờ sau hết được phó linh hồn trong tay Chúa con.

Ở dưới gầm bàn thờ của Chặng XII có một cái lỗ tròn,

chu vi khoảng bằng một gang tay 8 inches hay 20 cm và sâu khoảng 1 feet hay 32 cm,

một lỗ hổng được nói là nơi của chân Thánh Giá Chúa ngày xưa.

Bởi thế, ai cũng cố gắng chui vào hôn nơi chân Thánh Giá ấy và có người thò tay xuống cái lỗ ấy nữa.

 

TĐCTT Dâng Thánh Lễ tại Chặng Đường Thánh Giá Thứ XI: "Quân Dữ Đóng Đanh Chúa Giêsu"

Bàn thờ theo kiểu làm lễ quay lên như thời trước Công Đồng Chung Vaticanô II thập niên 1960 trở về trước,

nhưng vị chủ tế của phái đoàn hành hương TĐCTT làm lễ vẫn quay xuống bất cứ khi nào có thể.

"Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha mình máu, linh hồn và thiên tính của Con Chí Ái Cha là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con,

để đền bù tội lỗi chúng con và toàn thế giới"

"Vì cuộc khổ nạn đau thương của Người, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới"

Thánh Lễ được cử hành tại chính Chặng Thứ XI quá đau đớn này của Chúa Giêsu bị đóng đanh vào Thánh Giá,

như bức họa ở trần bên trên bàn thờ cho thấy.

Chặng XI cũng bao gồm cả Chặng thứ X "Quân dự lột áo Chúa Giêsu" trước khi chúng đóng đanh Người vào thập giá.

Nơi Thứ 10

Quân dữ lột áo Ðức Chúa Giêsu

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

 “Ngài chỉ nếm chứ không uống” (Mt 7:34). Ngài không muốn được mê dịu đi trong một tình trạng ý thức của Ngài bị lờ đờ trong cuộc thống khổ.  Ngài muốn hoàn toàn ý thức được việc Ngài chịu khổ trên cây thập giá để hoàn thành sứ vụ Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha.  Đó không phải là những gì các người lính phụ trách cuộc hành quyết quen làm. Vì phải đóng đanh người bị kết án vào thập giá nên họ cố gắng làm sao cho các giác quan và ý thức của người ấy trở nên lờ đờ. Thế nhưng, điều này không thể xẩy ra nơi trường hợp của Đức Kitô. Chúa Giêsu biết rằng cái chết trên thập giá của Ngài phải là một hy tế đền tội. Đó là lý do tại sao Ngài muốn giữ mình tỉnh táo cho đến cùng. Mất ý thức thì Ngài không thể nào hoàn toàn tự do chấp nhận được trọn vẹn mức độ khổ đau.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu, khi quân dữ toan đóng đanh Ðức Chúa Giêsu thì nó lột áo ra hết để cho xấu hổ cùng đau đớn, xin ban ơn cho con giữ mình cho khỏi chước ma quỷ cám dỗ. 

Nơi Thứ 11

Quân dữ đóng đanh Ðức Chúa Giêsu

Phúc Âm (Mathêu 27)

33 Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ,34 chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống.35 Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau.36 Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. 37 Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: "Người này là Giê-su, vua dân Do-thái."38 Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Lạy ơn Ðức Chúa Giêsu chịu đóng đanh vào Thánh Giá vì tội con, xin ban ơn cho con đóng đanh tính xác thịt con vào Thánh Giá Chúa con, kẻo còn phạm tội lỗi nữa. 

Vì nhiều lễ suốt ngày ở đây nên mỗi phái đoàn hành hương chỉ được phép cử hành Thánh Lễ nửa tiếng,

nên cộng đoàn hành hương TĐCTT cũng giới hạn những gì có thể, chẳng hạn hát Ca Nhập Lễ thôi và cha giảng thật vắn gọn thôi.

Nhờ đó phái đoàn đã đủ giờ chụp gấp 1 tấm hình kỷ niệm ngay cuối lễ.

Vì bé tĩnh ngay lúc hiệp lễ đã kịp xin phép vị có trách nhiệm đang ngồi canh ở góc phòng ở Chặng XII,

nơi thuộc về Chính Thống giáo, vị từng ngăn cản không cho chụp hình quá cận ở dưới bàn thờ ở chặng này,

để được phép chụp chung với nhau 1 tấm hình ở bên Chặng XII sau Thánh Lễ và đã được vị này dễ dàng đồng ý,

và may mắn thay lúc phái đoàn cần chụp hình ở Chặng XII lại là lúc vắng khách hành hương chui vào dưới bàn thờ để hôn chân Thánh Giá.

Sau tấm hình chung, anh chị em hành hương TĐCTT tự động cầu nguyện tại Chặng XII

Giữa Chặng XI và Chặng XII có Tòa Mẹ Đau Thương, Người Mẹ đứng kề bên Thánh Giá Chúa Giêsu Con Mẹ (Gioan 19:25)

Sau Chặng XII là Chặng XIII ở tầng dưới, qua các bậc thang từ Chặng XI và XII

Chặng XIII ở ngay một mảng đá rộng lớn hình chữ nhật được xức dầu vì nó

được cho là nơi đặt thi thể của Chúa Kitô sau khi Người được tháo đanh xuống khỏi Thập Giá

Nơi Thứ 13

Tháo đanh Ðức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Ðức Mẹ

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Họ đã đặt thân xác vô hồn của Người Con trong vòng tay của Mẹ Ngài. Các Phúc Âm không nói gì về cảm giác của Mẹ lúc ấy cả. Bằng việc im lặng của mình, các vị Thánh Ký như muốn tỏ ra tôn trọng nỗi sầu bi của Mẹ, những cảm giác của Mẹ và những hoài niệm của Mẹ. Hay các vị chỉ biết tỏ ra cho thấy cái bất lực của mình trong việc diễn tả những điều ấy ra. Việc tôn sùng qua các thế kỷ mới là những gì còn giữ lại hình ảnh “Sầu Bi” û, mới gợi cho Kitô hữu nhớ lại hình ảnh sầu thương nhất nơi mối liên hệ yêu thương không thể phai mờ, mối yêu thương được nẩy nở nơi tấm lòng của Người Mẹ vào ngày Truyền Tin và được chín mùi khi Mẹ đợi chờ hạ sinh Người Con thần linh.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Ai xem thấy hai ông thánh tháo đanh Ðức Chúa Giêsu, mà đem xác xuống cách thảm thiết làm vậy mà cầm nước mắt được ru? Xin ban ơn cho con gỡ mình cho khỏi các tội, như tháo đanh Ðức Chúa Giêsu vậy.

Tại Mồ Thánh là Chặng Đàng Thánh Giá thứ XIV đang có lễ nên những ai muốn viếng Mồ Thánh đều phải chờ,

trong đó có phái đoàn hành hương TĐCTT

Trong khi phái đoàn hành hương TĐCTT đa số đang chờ viếng Đường Thánh Giá "Nơi thứ 14 Táng xác Chúa Giêsu",

thì một số đi đến một "nơi" đặc biệt khác, cũng trong Khu Mồ Thánh, do bé tĩnh tự tìm cho anh chị em,

vì biết anh chị em mình cần đến "nơi" bất khả thiếu ấy vào lúc bấy giờ, từ khi rời khách sạn và sau 13 chặng và Thánh Lễ đã khá lâu thời gian.

Đúng là nhu cầu thể lý đôi khi át cả nhu cầu thiêng liêng,

chẳng hạn sắp tới lúc truyền phép linh thiêng nhất trong Thánh Lễ cái đau bụng không thể chần chờ đột hứng xẩy ra!

Bên trên ngay trước lối vô Mồ Thánh

 

Nơi Thứ 14

Táng xác Ðức Chúa Giêsu trong hang đá

Phúc Âm (Gioan 19)

38 Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống.39 Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.40 Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.41 Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.42 Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.

Nguyện Cầu (1 câu Chuỗi LTXC hay lời nguyện sau đây):

Ông thánh Giuse, ông thánh Nicôđêmô, ông thánh Gioan tắm xác Ðức Chúa Giêsu cho sạch các dấu, lấy thuốc thơm mà xức, lấy khăn sạch mà bọc cùng táng trong hang đá. Mọi sự khốn khó Ðức Chúa Giêsu chịu nào có khi nào khó khăn thiếu thốn cho bằng khi táng xác ru? Xin ban lòng mến cho con như thuốc thơm và lòng sạch sẽ như khăn sạch, cùng lòng vững vàng như hang đá và các ơn bởi sự thương khó Ðức Chúa Giêsu, cho con dọn mình chịu Mình Thánh, Máu Thánh Ðức Chúa Giêsu vào lòng như táng nhiện ở đời này, cho ngày sau được xem thấy tỏ tường Ðức Chúa Giêsu hằng sống hằng trị cùng Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

Sau khi băng qua ngưỡng cửa phía ngoài, khách hành hương kính viếng Mồ Thánh tiến vào 1 gian nhỏ bên trong

và chờ ở đó cho đến khi vị tu sĩ trực ở cửa mồ nhắc đợt vào gian bên trong là nơi án táng thi thể của Chúa Kitô Tử Giá ra để cho đợt sau vào

có lẽ chỉ có bé tĩnh may mắn chụp được tấm hình đặc biệt này ngay trong Mồ Thánh là nơi táng xác Chúa Kitô Tử Giá,

sau khi đã thầm lặng cầu nguyện và sau khi được vị tu sĩ canh sát ngay ngoài cửa mộ, vị có phận sự cho từng đợt 4 người vào

và nhắc đi ra cho đợt khác vô, nhưng ngay lúc ấy vị này bất ngờ đột biến đâu mất không còn đứng đó như trước.

Vượt Qua Ngưỡng Cửa Mồ Thánh này là vào bên trong chính nơi táng xác Chúa Kitô.

- bé tĩnh chụp được cửa bên trong này ngay trước khi ra khỏi nơi vô cùng linh thiêng ấy,

nơi Vị Thiên Chúa Tử Giá đã được an táng và sau đó đã sống lại ra khỏi mồ vào ngày thứ ba,

nơi các vị thiên thần đã nói với các bà ra thăm mồ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần rằng:

"Tại sao các bà lại tìm Người Sống nơi kẻ chết. Người không còn ở đây; Người đã sống lại rồi" (Luca 24:5-6)

 

(Bài giảng Lễ Đêm Vọng Phục Sinh 21/4/2019 của ĐTC Phanxicô được bé tĩnh chuyển dịch ngay tại Thánh Địa rất thích hợp với nơi Mồ Thánh này:)

Những người phụ nữ mang dầu thơm đến mồ, nhưng họ sợ rằng hành trình của họ vô bổ, bởi tảng đá to chặn ở ngay cửa mồ. Cuộc hành trình này của những người phụ nữ ấy cũng là cuộc hành trình của chúng ta; nó giống như cuộc hành trình cứu độ chúng ta đã thực hiện buổi tối hôm nay. Có những lúc mọi sự xẩy ra dường như chạm đến một tảng đá, chẳng hạn như vẻ mỹ lệ của tạo vật trái ngược lại với thảm cảnh của tội lỗi; việc giải phóng cho khỏi tình trạng nô lệ phản nghịch lại với tính cách bất trung của giao ước; những lời hứa của các vị tiên tri ngược nghịch lại với thái độ lãnh đạm khôn xiết của dân chúng. Cũng thế ở nơi lịch sử của Giáo Hội cũng như nơi lịch sử bản thân của chúng ta. Những nỗ lực của chúng ta dường như không bao giờ đưa chúng ta tới được đích điểm. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng niềm hy vọng bị hổng lỗ của chúng ta là một thứ luật hoang trống của đời sống.

Tuy nhiên, hôm nay chúng ta thấy rằng cuộc hành trình của chúng ta không phải là một cuộc hành trình vô bổ; nó không đụng chạm tới tảng đá chắn cửa mồ. Một câu nói làm cho người nữ bàng hoàng sửng sốt và làm biến đổi lịch sử đó là: “Tại sao các bà tìm kiếm người sống nơi kẻ chết?” (Luca 24:5). Tại sao anh chị em nghĩ rằng mọi sự chẳng còn hy vọng nào nữa, rằng không ai có thể loại đi tảng đá chắn cửa mồ của anh chị em? Tại sao anh chị em thoái lui và chào thua chứ? Phục Sinh là lễ của tảng đá chắn cửa mồ bị đẩy lui, những cục đá bị đẩy sang một bên. Thiên Chúa thậm chí có thể loại đi những tảng đả cứng nhất khiến các niềm hy vọng và niềm trông đợi của chúng ta bị tan vỡ: như sự chết, tội lỗi, nỗi sợ, thế tục. Lịch sử của nhân loại không kết thúc trước một tảng đá chắn cửa mồ, vì hôm nay đây nó gặp gỡ “tảng đá sống” (cf 1Phêrô 2:4) là Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta, như Giáo Hội, được xây dựng trên Người, và ngay cả lúc chúng ta cảm thấy chán chường và có khuynh hướng phán đoán tất cả mọi sự theo chiều hướng thua bại, Người đến dể làm cho tất cả mọi sự trở nên mới mẻ, để lật ngược hết mọi niềm thất vọng của chúng ta. Mỗi người chúng ta được kêu gọi, vào đêm nay đây, tái nhận thức vào Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã đẩy tảng đá nặng nhất ra khỏi lòng của chúng ta. Bởi vậy trước hết chúng ta hãy tự vấn xem: Đâu là tảng đá tôi cần loại bỏ, tên của nó là gì?

Cái thường ngăn chặn niềm hy vọng là tảng đá thất vọng. Một khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng hết mọi sự xẩy ra tồi tệ và không còn gì tệ hơn nữa là chúng ta đã tỏ ra chán nản và tin rằng sự chết mãnh liệt hơn sự sống. Chúng ta trở nên yếm thế, tiêu cực và ngã lòng. Đá chồng chất, chúng ta xây lên trong chúng ta một thứ bia kỷ niệm những gì là bất mãn của chúng ta: đó là Ngôi Mộ của niềm hy vọng / the sepulcher of hope. Đời sống trở thành một chuỗi dài đầy những than trách và tinh thần của chúng ta bị bệnh hoạn. Thay thế vào đó là một thứ tâm lý mồ mả (tomb psychology): hết mọi sự đều kết thúc ở đó, không còn niềm hy vọng nào tồn tại. Thế nhưng, vào lúc ấy, chúng ta vẫn còn nghe thấy một lần nữa câu vấn nạn của Lễ Sinh: Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết? Chúa không còn được tìm thấy nơi những gì là thoái lui. Người đã sống lại: Người không còn ở đó nữa. Đừng tìm kiếm Người ở nơi anh chị em không bao giờ thấy Người: Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống (xem Marco 22:32). Anh chị em đừng chôn vùi đi niềm hy vọng!

Có một tảng đá khác thường cha lấp tâm can khóa kín, đó là tảng đá tội lỗi. Tội lỗi là những gì quyến rũ; nó hứa hẹn những gì là dễ dàng và chóng vánh, những gì là thịnh vượng và thành công, thế nhưng sau đó chỉ lưu lại những gì là cô độc cùng chết chóc. Tội lỗi là những gì tìm kiếm sự sống nơi kẻ chết, vì ý nghĩa của đời sống chỉ ở nơi những gì qua đi. Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết? Tại sao anh chị em không quyết tâm từ bỏ tội lỗi, giống như một tảng đá ở trước cửa lòng của anh chị em, những gì ngăn cản ánh sáng của Thiên Chúa khỏi lọt vào chứ? Tại sao anh chị em không yêu chuộng Chúa Giêsu là ánh sáng chân thật (xem Gioan 1:9) hơn là những tia nhấp nhánh của giầu sang phú quí, của nghề nghiệp, của kiêu hãnh và của khoái lạc chứ? Tại sao anh chị em không nói với những sự vật trên thế gian này rằng anh chị em không còn sống cho chúng nữa, mà là cho Chúa của sự sống?

Chúng ta hãy trở lại với những người phụ nữ đi đến mồ của Chúa Giêsu. Họ bang hoàng khựng lại trước tảng đá đã bị lăn ra khỏi đó. Khi thấy các thiên thần thì, như Phúc Âm thuật lại, họ đứng đó “run sợ, và cúi đầu xuống đầt” (Luca 24:5). Họ không đủ can đảm để ngước đầu lên. Biết bao lần chúng ta cũng làm như thế? Chúng ta thích ở lại với những gì là hỗn độn trong các thứ thiếu sót của chúng ta, co cụm lại nơi những nỗi sợ hãi của chúng ta. Đó là những gì quái lạ, vậy mà tại sao chúng ta lại làm như thế? Không phải là không thường xuyên là vì, ủ rũ và khép mình lại, chúng ta mới cảm thấy làm chủ được mình, bởi ở một mình trong tối tăm nơi cõi lòng của mình thì thoải mái hơn mở lòng mình ra cho Chúa. Tuy nhiên, chỉ có Người mới có thể nâng chúng ta lên. Một thi sĩ đã từng viết rằng: “Chúng ta không bao giờ biết được chúng ta cao như thế nào. Cho đến khi chúng ta được kêu gọi chỗi dậy” (E. Dickinson). Chúa kêu gọi chúng ta chỗi dậy, chỗi dậy bằng lời của Người, để nhìn lên và để nhận thức rằng chúng ta được dựng nên cho trời cao, chứ không phải cho đất thấp, cho những đỉnh cao của sự sống, chứ không phải có hố thẳm của sự chết: Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết?

Thiên Chúa xin chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống như chính Ngài nhìn nó, vì nơi từng người chúng ta Ngài không ngừng thấy cái cốt lõi mỹ lệ bất khả chế ngự. Nơi tội lỗi, Ngài thấy những người con nam nữ của mình cần phải được phục hồi; nơi sự chết, những người anh chị em cần phải được tái sinh; nơi cô độc, những tấm lòng cần phải được canh tân. Vậy thì đừng sợ: Chúa yêu sự sống của anh chị em, ngay cả khi anh chị em sợ nhìn vào nó và nắm lấy nó trong tay. Nơi Phục Sinh Ngài cho anh chị em thấy Ngài yêu thương sự sống đó biết bao: thậm chí cho đến độ sống nó một cách trọn vẹn, khi cảm nghiệm nỗi sầu thương, tình trạng bị bỏ rơi, sự chết và âm phủ, để có thể chiến thắng mà nói với anh chị em rằng: “Các con không lẻ loi cô độc một mình đâu; hãy tin tưởng vào Cha!” Chúa Giêsu là một chuyên gia biến sự chết thành sự sống, biến việc khóc thương của chúng ta thành mừng vui hớn hở (xem Thánh Vịnh 30:11). Với Người, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm thấy một cuộc Vượt Qua (a Pasch – a Passover) - từ khuynh hướng qui ngã đến mối hiệp thông, từ nỗi cô độc đến niềm ủi an, từ sợ hãi đến tin tưởng. Chúng ta đừng cứ cúi gầm mặt xuống đất một cách sợ hãi, nhưng hãy hướng mắt của chúng ta về Chúa Giêsu phục sinh. Ánh mắt của Người làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng, vì nó nói với chúng ta rằng chúng ta không ngừng được yêu thương và cho dù chúng ta có đủ mọi thứ bê bối, tình yêu thương của Người vẫn không hề đổi thay. Đó là niềm tin tưởng duy nhất bất khả thương thuyết chúng ta có được trong đời: tình yêu thương của Người không thay đổi. Chúng ta hãy tự vấn xem: Trong đời sống của mình, tôi đang tìm kiếm ở đâu đây? Tôi đang hướng mắt về bãi tha ma hay tìm kiếm Đấng Đang Sống?

Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết? Những người phụ nữ nghe thấy những lời này của các vị thiên thần, những vị còn nói: Hãy nhớ những gì Người đã nói với các bà khi Người còn ở Galilêa” (Luca 24:6). Những người đàn bà này đã đánh mất niềm hy vọng, vì họ không thể nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, lời kêu gọi của Người xẩy ra ở Galilêa. Vì mất đi ký ức sống động về Chúa Giêsu nên họ mới cứ tìm kiếm ở nấm mồ. Đức tin bao giờ cũng cần trở lại Galilêa, để tái tấu tình yêu ban đầu của nó với Chúa Giêsu cũng như với ơn gọi của Người: hãy nhớ lại, hãy quay lại với Người bằng tất cả trí khôn của chúng ta và bằng tất cả tâm can của chúng ta. Việc trở lại với một tình yêu sống động của Chúa là những gì thiết yếu. Bằng không, đức tin của chúng ta chỉ là một “bảo tang viện”, chứ không phải là một đức tin Phục Sinh. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật trong quá khứ; Người là một con người đang sống động hôm nay đây. Chúng ta không biết Người theo các sử sách; chúng ta gặp gỡ Người trong cuộc sống. Hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến việc Chúa Giêsu đầu tiên đã kêu gọi chúng ta ra sao, Người đã không chế bóng tối tăm của chúng ta như thế nào, không chế việc kháng cự của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, và Người đã chạm đến cõi lòng của chúng ta bằng tình yêu của Người ra sao.

Những người phụ nữ, tưởng nhớ Chúa Giêsu, đã rời bỏ ngôi mộ. Lễ Phục Sinh dạy chúng ta rằng thành phần tín hữu đừng có lân la ở bãi tha ma, vì họ được kêu gọi tiến lên gặp gỡ Đấng Sống Động. Chúng ta hãy tự vấn xem: Tôi đang đi về đâu trong cuộc đời của mình đây? Đôi khi chúng ta chỉ đi theo hướng đầy giẫy các vấn đề của mình, và tiến đến với Chúa chỉ để được trợ giúp. Thế nhưng, sau đó, chính  nhu cầu riêng của mình, chứ không phải Chúa Giêsu, dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Chúng ta cứ tìm kiếm Đấng Sống Động nơi kẻ chết. Biết bao nhiêu lần, khi chúng ta đã gặp gỡ Chúa, chúng ta lại quay về với kẻ chết, càng đáng tiếc, đáng trách, đớn đau và khôn thỏa, không để cho Đấng Phục Sinh biến đổi chúng ta? Anh chị em thân mến: Chúng ta hãy lấy Đấng Sống Động làm trọng tâm của đời mình. Chúng ta hãy xin ơn đừng bị cuốn đi theo triều sóng, trong biển khơi những vấn đề của chúng ta; ơn đừng bị mắc cạn ở những chỗ nông cạn của tội lỗi hay bị dập nát ở những mảnh đá thất vọng và sợ hãi. Chúng ta hãy tìm kiếm Người nơi tất cả mọi sự và trên tất cả mọi sự. Với Người, chúng ta sẽ sống lại.

https://zenit.org/articles/pope-francis-homily-at-easter-vigil-full-text/

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Thánh Địa CN Phục Sinh 21/4/2019

 

(xin xem tiếp phần 2 của Ngày Thứ Ba Tuần Thánh này về những nơi thánh phái đoàn hành hương TĐCTT sau đó được dẫn đến kính viếng)

Thứ Ba Ngày 16/4: (phần 2) Kính Viếng Các Nơi Thánh ở Cổ Thành Jerusalem