THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM BÍ MẬT THƯƠNG XÓT 2019

 

HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA - TUẦN THÁNH VƯỢT QUA

(12-22/4/2019)

Biên soạn - TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

kèm theo hình ảnh trong máy chụp điện thoại sumsung 8 của mình

 

Thứ Năm Ngày 18/4

Phần 1  

Sáng: Hang Belem,

Trưa: Cổ Thành Jerusalem,

Chiều: Nhà Thờ Kinh Lạy Cha trên Núi Cây Dầu

Phần 2

 Cử Hành Thứ Năm Tuần Thánh:

Chiều: Lễ Ở Nhà Thờ Chúa Khóc và Kính Viếng Vườn Cây Dầu;

Tối: Nghi Thức Đêm Thứ Năm Tuần Thánh Ở Nhà Thờ Vườn Nhiệt;

 Đêm: Theo Con Đường Bắt Giải Chúa từ Vườn Nhiệt đến Dinh Caipha

 

 

Phần 1

 

Đường đến Belem

Bêlem là quê quán của Vua Đavít, nơi đã được Rehoboam là miêu duệ của vua xây dựng nên một trong những thành trì ở Giuđêa,

nơi sau này trở thành sinh quán của Chúa Giêsu Kitô.

1Samuel 16: Xức dầu Ðavit

1 Yavê phán với Samuel: "Ðến bao giờ nữa ngươi còn than khóc Saul, trong khi Ta đã phế bỏ nó, khiến nó hết được làm vua trên Israel? Hãy đổ đầy sừng dầu của ngươi mà đi. Ta muốn sai ngươi đến với Ysai, người Bêlem, vì Ta đã kén lấy một người con của nó làm vua". 2 Samuel thưa: "Ði thế nào? Saul nghe biết được, nó giết tôi mất!" Nhưng Yavê nói: "Ngươi sẽ dắt nơi tay một con bê cái và nói: Tôi đến để tế lễ kính Yavê. 3 Ngươi sẽ mời Ysai dự lễ tế, còn Ta, Ta sẽ cho ngươi biết ngươi phải làm gì, ngươi sẽ xức dầu cho Ta kẻ Ta sẽ nói cho ngươi hay". 4 Samuel đã thi hành điều Yavê phán dạy, ông đến Bêlem, và các kỳ mục trong thành đã run sợ mà ra đón ông. Họ nói: "Ngài đến, phải chăng là bình an?" 5 Ông nói: "Bình an! Tôi đến để tế lễ cho Yavê, các ngươi hãy thánh tẩy mình đi và các ngươi sẽ đến dự lễ với tôi". Ông đã thánh tẩy Ysai và con cái; ông đã mời họ dự lễ tế. 

2 Sử Biên 11: Hoạt động của vua Rơ-kháp-am (1 V 12:21-24)

1 Về tới Giê-ru-sa-lem, vua Rơ-kháp-am tập họp nhà Giu-đa và chi tộc Ben-gia-min, được một trăm tám mươi ngàn quân tinh nhuệ để giao chiến với Ít-ra-en và thu hồi vương quốc về cho Rơ-kháp-am.2 Nhưng có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Sơ-ma-gia-hu, người của Thiên Chúa rằng:3 "Hãy nói với Rơ-kháp-am con của Sa-lô-môn vua Giu-đa, với toàn thể Ít-ra-en tại Giu-đa và tại Ben-gia-min rằng:4 "ĐỨC CHÚA phán thế này: Các ngươi không được lên giao chiến chống anh em các ngươi; ai nấy cứ về nhà mình, vì mọi chuyện là do Ta." Họ nghe lời ĐỨC CHÚA, và quay về, không đi đánh vua Gia-róp-am nữa. 5 Vua Rơ-kháp-am ngự tại Giê-ru-sa-lem và xây dựng một số thành trì kiên cố tại Giu-đa.6 Các thành đó là: Bê-lem, Ê-tham, Tơ-cô-a,7 Bết Xua, Xô-khô, A-đu-lam,8 Gát, Ma-rê-sa, Díp,9 A-đô-ra-gim, La-khít, A-dê-ca,10 Xo-rơ-a, Ai-gia-lôn, và Khép-rôn. Các thành ở Giu-đa và Ben-gia-min này đều là những thành trì vững chắc.11 Vua củng cố các thành trì ấy, đặt trấn thủ, lập kho dự trữ lương thực, dầu và rượu.12 Thành nào cũng có nhiều khiên thuẫn, giáo mác, và lực lượng được tăng cường tối đa. Thế là Giu-đa và Ben-gia min hoàn toàn thần phục vua.

Mica 5: Triều đại tương lai của ĐỨC CHÚA ở Xi-on

1 Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.

Bêlem ở về phía nam Thành Giêrusalem, cách khoảng 10 cây số hay 6.2 dặm đường, với dân số khoảng 25 ngàn, đa số là tín đồ Hồi giáo.

Phái đoàn hành hương TĐCTT đang từ Quảng Trường Giáng Sinh tiến đến Thánh Đường Giáng Sinh

và chờ để được chui vào Thánh Đường này qua một cửa hầm nhỏ hẹp bên phải Thánh Đường

 

Thánh Đường Giáng Sinh (the Church of Nativity)

Thánh Đường Giáng Sinh là Thánh Đường của Chính Thống giáo, chứ không phải của Công giáo.

Các phái đoàn hành hương không được vào qua cửa chính của Thánh Đường này,

mà là phải chui qua một cái đoạn ngắn như cái hang mà vào bên trong Thánh Đường,

như thể muốn tạo cho khách hành hương cái cảm giác đầu tiên là họ đang chui vào Hang Belem chật hẹp vậy...(!?!)

Sau khi lọt vào bên trong thánh đường rồi thì các phái đoàn hành hương đi bên phải cho tới đầu cung thánh,

nơi sẽ dẫn xuống chính Hang BeLem ở tầng dưới hầm thánh đường,

nhưng phải chờ đợi tới phiên của mình mới tới lúc được diễm phúc kính viếng nơi Chúa Kitô Giáng Sinh và Máng Cỏ của Người

Our Lady of Bethlehem - Ảnh Đức Mẹ Belem

Vị trí Chúa Kitô Giáng Sinh ở ngay vòng tròn tâm điểm của ngôi sao 14 cánh

Luca 2: Đức Giê-su ra đời. Những người chăn chiên đến viếng thăm (Mt 1:18 -25 )

1 Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết."16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

Vừa xuống hết cầu thang từ nhà thờ thì ngay bên trái là nơi Chúa Kitô Giáng Sinh

Máng cỏ của Người ở bên góc phải cầu thang, sâu hơn mấy bậc

Sau khi kính viếng chính vị trí Chúa Kitô Giáng Sinh, khách hành hương quay lại ngắm máng cỏ ở bên góc trái

rồi sau đó tiến sâu vô hẳn bên trong để nhường chỗ cho phái đoàn đến sau,

và ở ngay đó có thể hát 1 bài về giáng sinh tùy theo ngôn ngữ của mình

Vị tour host gợi ý hát bài Silent Night có tính cách quốc tế,

nhưng bé tĩnh xin phái đoàn của mình hát bài "Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời" của Hải Linh,

có tính cách dân tộc tính và cảm tính Việt Nam về Giáng Sinh hơn và thuộc hơn là bài Đêm Thánh Vô Cùng

Chưa hết, bé tĩnh còn đề nghị phái đoàn của mình ngay sau hát mừng Chúa Giáng Sinh thì quì phục xuống

thờ lạy và tôn vinh "Lời đã hóa thành nhục thể vào ở giữa chúng ta - Emmanuel" (Gioan 1:14)

Từ cửa phía bắc của Nhà Thờ Giáng Sinh, khách hành hương bước ngay vào Nhà Thờ Thánh Catarina thành Alexandria

Nhà Thờ Thánh Caterina này là nhà thờ Công giáo của cộng đoàn tín hữu Công giáo ở Belem,

nơi hằng năm phát hình Thánh Lễ Giáng Sinh Đêm khắp thế giới

Tiến vào nhà thờ này để xuống Hang Động Thánh Giêrônimô, vị Thánh Giáo Phụ Tiến Sĩ Hội Thánh về Thánh Kinh

Ở dưới hầm Nhà Thờ Thánh Catarina này thật ra có một số hang động khác nhau nữa,

nhưng chính yếu vẫn là Hang Động Thánh Giêrônimô

Ngoài ra còn có một nguyện đường kính Thánh Giuse và một nguyện đường kính Các Thánh Anh Hài

Thánh Giêrônimô ở hang động này để chuyển dịch Thánh Kinh từ tiếng Hy Lạp và Do Thái sang tiếng Latinh,

trong thời khoảng từ 386 đến năm 404. Và bản dịch của ngài là bản dịch được Giáo Hội coi là bản dịch chính thức của mình và gọi là Bản Vulgata.

Ngoài ra, ngài còn diễn giải Thánh Kinh một cách rất kỹ lưỡng đâu vào đó nữa.

Ngài là vị thánh học giả thánh kinh uyên bác và tiên khởi của thế giới Kitô giáo,

nên được tôn kính bởi tất cả các Giáo Hội Kitô giáo (Công giáo và Chính Thống) và giáo phái Kitô giáo (Anh giáo và Tin Lành)

  

Thật ra Thánh Giêrônimô là một nhà trí thức tìm kiếm chân lý và đã trở lại Kitô giáo như Thánh Âu Quốc Tinh vậy.

Ở Roma, ngài được quen biết bởi một số phụ nữ thế giá và học thức,

như các bà góa Lea, Marcella và Paula cùng với 2 con gái của bà Paula là Blaesilla và Eustochium.

Vào Tháng 8/385, ngài rời Roma và cuối cùng ở Thánh Địa với em trai của mình là Paulinian cùng Paula và Eustochium.

(Trong 4 nhân vật 2 nữ và 2 nam trong hình trên đây, nhân vật có hình sáng là Thánh Jeronimo)

Vào mùa hè năm 1978, sau 2 tháng giúp cộng đoàn VN ở Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Oklahoma City, GP Oklahoma,

bé tĩnh đột nhiên được tác động thần linh đang khi tìm cách trau dồi khả năng tự nhiên để hoạt động mục vụ được năng hiệu hơn trong tương lai,

ở chỗ, có một vấn nạn bất ngờ hiện lên trong đầu của bé:

Trên trần gian này cái gì khôn ngoan nhất? - Lời Chúa (bé tĩnh tự nhiên phản ứng trong đầu);

cái gì mãnh lực nhất? - Lời Chúa; cái gì trọn hảo nhất? - Lời Chúa!

Vậy thì con đang tìm gì ở đời này vậy?

Thế là từ đó, bé tĩnh cảm thấy:

1- "Chỉ có một điều cần duy nhất" (Luca 10:42) đó là:

2- "Lời Thày là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63).

Để rồi từ đó, bé tĩnh đã say mê đọc Lời Chúa trong Thánh Kinh và đã đọc toàn bộ Thánh Kinh 8 lần liền trong vòng 2 năm.

Cho đến nay hằng ngày bé tĩnh vẫn đọc Lời Chúa theo Phụng Vụ hằng ngày của Giáo Hội.

Trong lòng nhà thờ Thánh Catherine Alexandria và một bàn thờ cạnh trong nhà thờ

 

Sửa soạn rời Nhà Thờ Giáng Sinh

 

Phố Belem

Xuống parking của xe tour bus để lên xe đi tiếp lịch trình hành hương trong ngày

 

Từ Belem về Jerusalem shopping trưa

Từ parking xe tour bus ở Jerusalem, phái đoàn hành hương TĐCTT tiến lên Cổ Thành Jerusalem

Dặn dò và hẹn hò nhau sau 1 tiếng ăn trưa hay/và shopping tái ngộ tại vị trí khởi đi này

 

Khu Vực buôn bán của Cổ Thành Jerusalem

Tiệm kỷ vật đầu tiên khá đầy đủ các thứ hợp thị hiếu và nhu cầu mua sắm

đã được nhiều anh chị em phái đoàn hành hương TĐCTT chiếu cố một lúc

 

 Cảnh Sắc ven theo Cổ Thành Jerusalem

 

Trở về điểm khởi đầu, ra xe đi đến Núi Cây Dầu

 

Từ Cổ Thành Jerusalem đến Núi Cây Dầu

 

Nhà Thờ Chúa Giêsu Thăng Thiên

 

Nhà Thờ Kinh Lạy Cha

Nhà Thờ Kinh Lạy Cha là nhà thờ thuộc về Đan Viện Carmelo

chung quanh nhà thờ có cả trăm bản Kinh Lạy Cha bằng các ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Việt

Phái đoàn hành hương TĐCTT cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt ở nơi được cho là Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ kinh này

Sau Kinh Lạy Cha, Cha Đức Minh ban phép lành cho nhóm

Thật ra, theo Phúc Âm, cả của Thánh Mathêu lẫn Luca, nhất là của Thánh Mathêu thì địa điểm Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ Kinh Lạy Cha

không phải ở Giuđêa trên Núi Cây Dầu này mà là ở Núi Bát Phúc thuộc Galilêa Miền Bắc, nơi phái đoàn đã tới

Bên trong nhà thờ, bị chặn ngay cuối nhà thờ như không muốn ai vào hẳn bên trong mà chỉ ngắm thôi,

chắc vì thuộc nội vi của nữ Đan Viện Carmelo dòng kín này.

Cả bên trong nhà thờ cũng có các bản Kinh Lạy Cha

Trong loạt bài Giáo Lý về Kinh Lạy Cha, Thứ Tư Tuần Thánh 17/4/2019, ĐTC Phanxicô đã nói đến danh xưng "Cha"

liên quan đến Tam Nhật Vượt Qua như sau, bài giáo lý được bé tĩnh dịch ngay khi đang hành hương Thánh Địa,

nhờ chiều hôm qua Thứ Tư Tuần Thánh phái đoàn hành hương TĐCTT đi Giuđêa về sớm hơn mọi ngày:

Trong những tuần lễ này chúng ta đang suy niệm về kinh “Lạy Cha”. Giờ đây, vào ngày vọng Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta dừng lại trước mấy lời Chúa Giêsu sử dụng để cầu cùng Cha trong cuộc Khổ Nạn của Người.

Lời nguyện cầu đầu tiên này xẩy ra sau Bữa Tiệc Ly, khi Chúa “ngước mắt lên Trời mà nói: ‘Lạy Cha, giờ đã đến; xin hãy tôn vinh Con của Cha… xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Gioan 17:1,5). Chúa Giêsu xin được tôn vinh, một yêu cầu dường như mâu thuẫn vào lúc sắp xẩy ra Cuộc Khổ Nạn. Đây là loại tôn vinh gì vậy? Theo Thánh Kinh, vinh quang là những gì Thiên Chúa mạc khải Bản Thân Mình; nó là một dấu hiệu chuyên biệt về sự hiện diện cứu độ của Ngài nơi loài người. Bấy giờ Chúa Giêsu là Đấng tỏ hiện tất cả sự hiện diện và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Và Người thực hiện như thế vào dịp Phục Sinh, ở chỗ được treo trên thập tự giá (xem Gioan 12:23-33). Ở đó Thiên Chúa cuối cùng đã tỏ vinh quang của Ngài ra: Ngài cất đi tấm màn che phủ cuối cùng khiến chúng ta bằng hoàng chưa bao giờ thấy. Thật vậy, chúng ta khám phá ra rằng tất cả vinh quang của Thiên Chúa là tình yêu: tình yêu tinh tuyền, điên dại và ngoài dự tưởng, vượt ra ngoài mọi giới hạn và đo lường.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy lấy lời nguyện của Chúa Giêsu làm của mình, ở chỗ, chúng ta hãy xin Chúa Cha hãy cất đi những bức màn che khỏi mắt của chúng ta để trong những ngày này, khi nhìn lên Đấng Tử Giá, chúng ta có thể hiều được rằng Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta thường coi Ngài là Chủ Tể chứ không phải là Cha; chúng ta thường nghĩ về Ngài như là một Quan Án nghiêm trị hơn là một Đấng Cứu Thế nhân từ! Tuy nhiên, vào dịp Phục Sinh, Thiên Chúa giảm bớt khoảng cách, khi tỏ mình ra một cách khiêm hạ của một tình yêu muốn được tình yêu chúng ta đáp ứng. Bởi thế, chúng ta tôn vinh Ngài khi chúng ta sống tất cả những gì chúng ta làm bằng tình yêu, khi chúng ta thực hiện từng việc một tận đáy lòng của chúng ta, chỉ vì Ngài (xem Colosê 3:17). Vinh quang đích thực là vinh quang của tình yêu, vì nó là thứ vinh quang duy nhất cống hiến cho thế gian sự sống. Vinh quang này thật sự là thứ vinh quang ngược lại với vinh quang trần thế, thứ vinh quang trần thể được khen tặng, chúc tụng, hoan hô: khi tôi được chú ý tới. Trái lại, vinh quang của Thiên Chúa là những gì ngược đời: không vỗ tay, không bái kiến. Cái ‘tôi’ không phải là tâm điểm: vào Lễ Phục Sinh chúng ta thật sự thấy rằng Cha tôn vinh Con trong khi Con tôn vinh Cha. Chẳng Ngôi Vị nào tôn vinh chính bản than mình. Hôm nay chúng ta tự vấn xem: “Tôi đang sống cho vinh quang nào đây, vinh quang của tôi hay của Thiên Chúa? Tôi chỉ muốn lãnh nhận từ người khác hay cũng cống hiến cho người khác?”

Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu vào Vườn Nhiệt và cả ở đó nữa, Người cầu cùng Cha. Trong khi các môn đệ không thể tỉnh thức thì Giuđa kéo lính đến, Chúa Giêsu bắt dầu cảm thấy “sợ hãi và buồn khổ”. Người cảm thấy tất cả nỗi sầu thương đang đợi chờ Người: bị phản bội, bị khinh bỉ, chịu khổ đau và thất bại. Người cảm thấy “buồn” và ở đó, trong vực thẳm của lẻ loi cô độc, Người dâng lời êm ái ngọt ngào nhất lên Chúa Cha: “Abba”, tức là Cha Ơi (xem Marco 14:33-36). Trong cơn thử thách, Chúa Giêsu dạy chúng ta gắn bó với Chúa Cha, vì trong khi nguyện cầu cùng Người thì có một sức mạnh thấm vào nỗi sầu đau. Trong cơn gian lao, lời cầu nguyện là những gì khuây khỏa, tín thác và ủi an. Khi bị tất cả bỏ rơi, khi cảm thấy lẻ loi cô độc nôi tâm, Chúa Giêsu vẫn không phải chỉ có mình Người; Người ở với Chúa Cha. Trái lại, chúng ta, trong Vườn Nhiệt của mình, thường muốn ở một mình hơn là thưa cùng “Cha” và phó mình cho Ý muốn của Ngài như Chúa Giêsu, một ý muốn là sự thiện duy nhất của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta khép kín bản thân mình khi bị thử thách là chúng ta đào một đường hầm bên trong, một chiều hướng thu mình đớn đau độc đạo bao giờ cũng đắm chìm vào bản thân mình. Vấn đề quan trọng nhất không phải là nỗi đớn đau mà là cách đương dầu. Tình trang cô độc không cho thấy lối thoát; cầu nguyện lại cho thấy, vì nó là mối liên hệ, nó là việc phó thác. Chúa Giêsu phó thác hết mọi sự và hết mọi sự được phó thác cho Chúa Cha, trao cho Ngài những gì Người cảm thấy, dựa vào Ngài trong cơn chiến đấu. Khi chúng ta tiến vào Vườn Nhiệt - mỗi người chúng ta đầu có một Vườn Nhiệt riêng hay đã có nó hoặc sẽ có nó, chúng ta hãy nhắc nhở mình cầu cùng Chúa Cha như thế này: “Cha ơi”. Chúng ta cần phải nhớ cầu như vậy: “Cha ơi”.

Sau hết, Chúa Giêsu dâng lời cầu lần thứ ba lên cùng Cha cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc mình làm” (Luca 23:34). Chúa Giêsu cầu cho những ai gian ác đối với Người, cho thành phần sát hại Người. Phúc Âm cho thấy rằng lời cầu này xẩy ra vào lúc tử nạn. Nó có lẽ xẩy ra vào lúc đớn đau nhất khi các cái đinh đóng vào cổ tay và chân của Người. Bấy giờ, vào lúc tột đỉnh đớn đau, Người vươn tới tuyệt đỉnh yêu thương, phá tan cái vòng sự dữ.

Khi cầu “Kinh Lạy Cha” trong những ngày này, chúng ta có thể xin một trong những ơn này, đó là sống các ngày đời của chúng ta cho vinh quang của Thiên Chúa, tức là sống bằng tình yêu thương; đó là biết tín thác vào Cha trong gian nan thử thách mà kêu lên rằng “Cha ơi”, và xin cho được ơn tha thứ và lòng can đảm thứ tha khi gặp gỡ Cha. Những ơn đó đi với nhau. Cha tha cho chúng ta nhưng Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm để chúng ta có thể tha thứ.

 

(xin xem tiếp)

Phần 2

 Cử Hành Thứ Năm Tuần Thánh:

Chiều: Lễ Ở Nhà Thờ Chúa Khóc và Kính Viếng Vườn Câu Dầu;

Tối: Nghi Thức Đêm Thứ Năm Tuần Thánh Ở Nhà Thờ Vườn Nhiệt;

 Đêm: Theo Con Đường Bắt Giải Chúa từ Vườn Nhiệt đến Dinh Caipha