THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

 

Năm Thánh Gia Huynh Đệ 2021

 

 

TẤT CẢ CHO MỌI NGƯỜI

Đức Ông Giuse Nguyễn Đức Minh

 Kỷ Yếu 60 Năm Linh Mục

 

 

Nội Dung

 

Quá Trình Một Đời Linh Mục

Đức Ông Nguyễn Đức Minh

Hành Hương với TĐCTT

Sinh Hoạt với TĐCTT

Cử Hành với TĐCTT

Lễ Tạ Ơn 60 Năm Hồng Ân Linh Mục với TĐCTT

 

 

QUÁ TRÌNH MỘT ĐỜI LINH MỤC

 

 

Tâm Tình của chính Vị Linh Mục Mừng Kỷ Niệm 60 Năm

(Bài viết để đáp lại lời mời gọi: "Cha có muốn viết gì cho tập Kỷ Yếu không Cha?")

Nội dung

Những Chuyến Đi... Tìm Tự Do

Bước Vào Thế Giới Tự Do

Cuộc Đới Du Học

Đời Sống Linh Mục

Những cảm Nghĩ Chân Thành

Những Chuyến Đi... Tìm Tự Do

Trong lịch sử Việt Nam, 1945 là một cái mốc lớn, cái mốc rất quan trọng. Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, sau cuộc đột kích chớp nhoáng, rất thần kỳ, Nhật đã đảo chính Pháp tại Việt Nam, để cho ra mắt tổ chức "Đại Đông Nam Á", liên kết các nước Đông Nam Á Châu chống Pháp và đồng minh Âu Châu. Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình rất vui mừng hưởng ứng.

Nhưng mấy tháng sau chúng tôi lại được chứng kiến cuộc bỏ bom nhà máy Trường Thi, cạnh thành phố Vinh, mở đầu cuộc chiến chống Nhật, do Mỹ và Đồng Minh chủ trương. Sau đó là hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Okinawa, dẫn đến việc Nhật Bản đầu hàng, chấm dứt Thế Chiến II.

Việt Nam bỗng nhiên có Ngày Lễ Độc Lập 2/9/1945, do Việt Minh tổ chức. Sau bao nhiêu năm khát khao độc lập, chấm dứt nền đô hộ Pháp, toàn dân Việt Nam vui mừng hưởng ứng: Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) vội vàng giới thiệu Hồ Chí Minh Chủ Tịch toàn quốc, với một chính phủ hoàn toàn mới lạ. Có vẻ như liên minh nhiều tổ chức yêu nước. Sau đó là Lễ Độc Lập tại các Tỉnh, nói được là do toàn dân hưởng ứng.

Thành phố Vinh treo lên trước nhà thờ Cầu Rầm một lá cờ đỏ sao vàng lớn nhất, che phủ từ trên tháp cao đến tận nền nhà thờ. Có cả đoàn chủng sinh và một số linh mục mặc áo chùng thâm tới tham dự, để chứng tỏ sự đoàn kết toàn dân, và chính quyền Việt Minh có vẻ rất tôn trọng tôn giáo.

Tiếp theo là một tin lớn: Hoàng đế Bảo Đại thoái vị, nhường quyền cho chính phủ Việt Minh, với một lời tuyên bố rất thời danh và đáng khâm phục: "Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ!" Đáp lại thiện chí của cựu hoàng, Hồ chủ tịch cử phái đoàn vào Huế nhận kiếm ngọc ấn vàng, tặng huy hiệu công dân danh dự số một, và mời công dân Vĩnh Thụy ra Hà Nội làm cố vấn tối cao.

Sau đó là cuộc vận động toàn dân gia nhập các đoàn thể cứu quốc: "Thiếu hhi cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc v.v. Tất cả là một mặt trận, và mặt trận là tất cả nhân dân!" "Nhân dân toàn khối đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo anh minh của Hồ chủ tịch!"

Tiếp đó là Tuần Lễ Vàng. Hồ chủ tịch kêu gọi mọi người dân rộng tay đóng góp cho việc xây dựng một nước Việt Nam Độc Lập, và cán bộ cứu quốc đứng lên khắp nơi, về mọi làng xóm, có khi tới thăm từng nhà, nhất là những gia đình khá giả, để tất cả nhân dân cùng tích cực đóng góp cho Việt Nam Độc Lập. Kết quả là Việt Minh đã thu được một số vàng kếch xù để xây dựng chính quyền, và bộ đội nhân dân do Hồ chủ tịch lãnh đạo.

Rồi đến Bầu Cử Toàn Quốc. Đây là chuyện mới lạ đối với người dân thời đó. Vì qua bao nhiêu thế kỷ chỉ biết chế độ vua quan của nền quân chủ truyền sang từ Trung quốc, và thêm 60 năm dưới quyền bảo hộ của Pháp. Hơn nữa, về luân lý và công dân học, thì hầu hết là dựa vào Khổng học của trung quốc: Vua quan là "phụ mẫu chi dân", người dân chỉ biết tuân phục và trung thành với các ngài, theo gương cha mẹ, ông bà, tổ tiên... tự ngàn đời để lại!

Đa số người dân sống theo truyền thống đang bỡ ngỡ trước một cuộc bầu cử vĩ đại, mới lạ - "Không sao đâu, xin đồng bào yên tâm!" Cán bộ cứu quốc lên tiếng trấn an, và đưa ra ở mỗi tỉnh một danh sách ứng cử viên, do những người yêu nước đề ra, trong đó có tên những đồng chí của Hồ chủ tịch, những người đã tham gia mặt trận cứu quốc, những vị thức giả đã góp phần tranh đấu để giành độc lập, rồi thêm vào một vài vị, kể cả Phật giáo, Công giáo v.v., do mặt trận cứu quốc giới thiệu v.v. Có nơi còn gộp tên các ứng viên cứu quốc bằng thơ lục bát, cho đám bình dân học thuộc lòng, để khi vào phòng phiếu thì đọc lên, rồi có cán bộ ghi dùm vào lá phiếu!

Tất cả những hiện tượng này chứng tỏ mưu trí cao thâm và biệt tài vận động tuyên truyền của Việt Minh... Nhưng dân chúng, nhất là vùng Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn thầm thì hỏi nhau: Hồ Chí Minh là ai? Mặt Trận Việt Minh từ đâu ra? Phải chăng là "ruột đỏ vỏ xanh?" Cuối cùng, tuần báo Đa Minh đã mạnh dạn đăng lên trang bìa một tít lớn: Chính phủ là Cộng sản?

Cũng vào dịp đó, Cha Lê Hữu Từ, dòng Châu Sơn, được Tòa Thánh Rôma đặc cử làm Giám mục Địa phận Phát Diệm. Hồ chủ tịch vội vã gửi phái đoàn vào dự lễ, và mời ngài làm cố vấn chính phủ. Nhưng cũng trong dịp đó, các đại diện các địa phận có một buổi họp đặc biệt để bàn về nhiệm vụ người Công giáo với tình hình đất nước. Kết quả là quyết định thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam để thi hành hai nhiệm vụ cao cả: Phụng sự Thiên Chúa và Phục vụ Tổ quốc.

Sau đó, Địa phận Vinh đã nhanh chóng thành lập Liên đoàn Địa phận và tất cả các xứ. Nhờ một số cán bộ trẻ trung, tích cực và Cha Tuyên úy Trương văn Liệu, vị mục tử đầy Thần Khí, với khẩu hiệu: "Sáng Suốt, Sốt Sắng, Sẵn Sàng", toàn khối Công giáo Nghệ-Tĩnh-Bình đã sống đạo một thời vui vẻ, hăng hái và nhất trí.

Phía chính quyền cũng dần dà thay đổi thái độ, và tăng cường hoạt động, bằng cách tổ chức học tập, cải tạo, đề ra nhiệm vụ dân công, đóng thuế... Dưới chiêu bài kháng chiến chống ngoại xâm, họ tăng cường việc kiểm soát giao thông, vận tải, phát triển guồng máy công an, cả nổi, cả chìm, huấn luyện trẻ em cộng tác với an ninh v.v Rồi đến thuế nông nghiệp, qui định thành phần xã hội, giảm tô, giảm tức, Tòa án nhân dân với nhiệm vụ dẹp phản động v.v. Và kinh hoàng nhất là vụ Đấu Đòn năm 1952, như một bước tiến mở đầu cho cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Riêng về Địa phận Vinh thì có cuộc Di tản Tòa Giám mục và Ban Giám đốc Đại và Tiểu Chủng viện Vinh, từ 17/1 đến 17/8/1954.

Trước đó, đã hơn một lần tôi cố gằng bàn hỏi với một vài người bạn tâm phúc, rồi đi về phía bờ biển để tìm cách thoát thân khỏi vùng Việt Minh, nhưng đều gặp thất bại. Tệ hơn nữa, một lần tôi đã bị bắt vì tội tình nghi "dinh tế", bị giam giữ để điều tra xét xử... Với cảm tưởng đời sống tôi đã tận số, tôi chỉ biết lần hạt, cầu nguyện.

Kết quả ngạc nhiên: sau 10 ngày biệt giam và xét hỏi, tôi được trả tự do, với một bài học thấm thía: tất cả mưu trí, tinh khôn của người trần thế đều vô hiệu! Tôi chỉ biết chạy đến với Chúa từ nhân với tất cả tin tưởng, phó thác.

Rồi lại một ngạc nhiên khác: với sự giúp đỡ của một anh công an xã hội, xin được giấy giới thiệu của một xã, huyện rồi lên tỉnh xin được thông hành đi Thanh Hóa buôn bán làm ăn... Nhưng bằng phương tiện gì? Phương pháp độc nhất là đi bộ thôi!...

Với bộ đồ nâu và một xắc vai nhẹ gọn, chân đi dép lốp, tôi đã xuất phát từ Cầu Giát, Nghệ An, lúc 3 giờ sáng, ôm ấp trong lòng chỉ có hai chữ tín thác... Một mình một thân cuốc bộ trên quốc lộ số 1... Đến lúc tảng sáng, thấy được mặt người thì... xoạt, xoạt, một chiếc xe đạp xoạt qua tôi, cùng đi về hướng Bắc, làm tôi giật mình rồi nghe như có ai gọi tên tôi! Tôi bắt đầu lo sợ... Chiếc xe đạp vừa qua tôi một quãng thì quay lại phía tôi, giơ cao tay như muốn chặn tôi lại!... Thì ra là Nguyễn đăng Khoa, một bạn chủng sinh, đã từng học với tôi ở chủng viện Vinh. Anh ta che miệng, hạ giọng và vừa nhỏ nhẹ hỏi tôi vừa làm dấu tay: "Anh đi ra... (tay chỉ về phương Bắc) phải không?" Tôi chỉ gật đầu...

Chỉ vào người thanh niên vừa quay xe đạp lại chỗ tôi đứng, anh nói tiếp: "Đây là người bạn thân đã chở tôi đi, nếu anh muốn thì lên xe, ta cùng đi". Tôi trố mắt nhìn hai người...thì anh bạn đã kéo tôi lại và hốt tôi leo lên guidon xe đạp, và anh nhẩy lên ngồi trên thân xe, sát lưng tôi, và người thanh niên bắt đầu đạp xe đi... Thế là ba người trên một chiếc xe đạp từ từ tiến lên theo hướng Bắc. Cho đến xế chiều thì đến Thanh Hóa, và chạy thẳng vào một nhà Dòng xin trú ngụ. Đó là nơi tôi dự định gặp một linh mục để xin hướng dẫn cách thức ra vùng tự do, như ngài đã từng ra vào đôi ba lần. Thật không may, nhà Dòng cho biết "chuyến này ngài đi vào tháng rồi chưa về!"

Tối hôm ấy, ông bạn chủng sinh quyết định ở lại Thanh Hóa để xếp đặt công việc, còn người bạn đạp xe thì sẵn sàng chở tôi đi Nam Định, rồi trực chỉ Hà Nội... Cuối cùng tôi đã tới đích là Dòng Chúa Cứu Thế ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà Ấp để xin trú ẩn, và dò hỏi về con đường đi Hải Phòng. Sau một tuần lễ quan sát ở nhà ga xe lửa Hà Nội, tôi đã nhờ được một hành khách phúc hậu mua vé dùm, và thừa cơ vắng mặt công an ở cửa chính ra sân tầu, tôi đã lên xe lửa trực chỉ Hải Phòng là nơi thuộc quyền chính phủ quốc gia trong thời hạn cuối cùng.

Lọt bến tự do là nỗi vui mừng khôn tả, như người chết sống lại, tôi cảm nghiệm rõ ràng một bài học thực sự và thấm thía hơn nữa, đó là tất cả mưu trí và cố gắng của người trần thế đều là vô hiệu. Chỉ khi nào có bàn tay thần lực của Chúa tình thương dẫn dắt, nâng đỡ mới mong kết quả. Lạy Chúa, con xin ghi lòng tạc dạ để cảm tạ Chúa suốt đời.

 

Bước Vào Thế Giới Tự Do

Sau một hành trình cam go thử thách..., và nhờ sự an bài của Chúa quyền năng và từ bi nhân hậu, tôi đã thoát được cảnh sống khắt khe dưới bàn tay sắt của Việt Minh cộng sản, để tới được Hải Phòng là ngưỡng cửa của thế giới tự do.

Được ban di cư tiếp đón, giúp đỡ, lại gặp được 7 anh em chủng sinh Vinh và 2 cán bộ Liên đoàn Công giáo Vinh, chúng tôi hợp lại thành một gia đình vào trú ngụ tại Trại Chùa (Camp Pagoda) Hải Phòng là nơi đã có hàng ngàn người đang chờ đợi phương tiện đi vào Miền Nam tự do.

Sau một tuần lễ nằm lều chuẩn bị, chúng tôi được đặc ân bay vào Sài Gòn để tìm cơ hội định cư. Sau vài ngày liên lạc được với trụ sở của các cha Vinh di cư, nhóm chủng sinh chúng tôi từ giã lều trại, lên ở chung với các cha già và Cha Trương Cao Khẩn là Cha Chính của Giáo phận Vinh di cư.

Công việc đầu tiên chúng tôi vui mừng tham gia là đi đón tiếp những đoàn người di cư từ miền Bắc vào Nam, tại bến cảng Sài Gòn, hoặc sân bay Tân Sơn Nhất. Việc thứ hai là phụ giúp Cha Nguyễn Viết Cư tổ chức mấy lớp bổ túc, giúp anh em chủng sinh mới di cư vào Sài Gòn chuẩn bị gia nhập vào hệ thống giáo dục tân tiến của thế giới tự do. Đồng thời chúng tôi cũng phải cố gắng hết sức và lo liệu mọi sự để tiếp tục việc tu học đã bị dang dở từ ngoài Bắc, và cùng lúc góp phần vào việc giúp định cư một số đồng hương mới di cư vào Nam.

Mùa Xuân năm 1956, thày Cao Viết Chỉnh và tôi được Bề trên Địa phận Vinh gửi đi du học Hoa Kỳ, nhưng phải chuẩn bị giấy tờ và chờ thông hành cho đến cuối Thu 1956 mới được dứt khoát rũ áo lên đường.

Cuộc Đời Du Học

Một ngày cuối tháng mười 1956, thày Cao Viết Chỉnh và tôi được một số bà con, bạn hữu và các Xơ Mến Thánh Giá Gò Vấp Sài Gòn tiễn đưa lên sân bay Tân Sơn Nhất để lên đường du học.

Sau mấy tiếng đồng hồ nghỉ chân ở Manila Phi Luật Tân, máy bay đưa chúng tôi đến San Francisco. Ở đây, người tiếp đón chúng tôi là ông Hai, một người Minh Hương, nói được cả tiếng Tầu, tiếng Việt và tiếng Anh. Vỏn vẹn trong ba ngày, ông Hai đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi đi xem thành phố, và gặp thăm mấy kiều bào Việt Nam, như Bà Hồ, người Việt lớn tuổi nhất tại Mỹ lúc bấy giờ, và anh Peter Nghiêm v.v.

Sau đó, chúng tôi lấy xe lửa tốc hành: Thày Chỉnh đi Oregon, nhập học chủng viện Saint Benedictin, còn tôi trực chỉ Chicago, Illinois, nơi đó tôi được gặp Cha Emmanuel Jacques, vị phụ trách chương trình học bổng giúp sinh viên Việt Nam, Cha Vũ Viết Hiền đương kim tuyên úy sinh viên Việt Nam, và một số sinh viên, như anh Ngô Khôn Đình, Võ Giáo Huấn.

Vị chậm được thông hành nên cuối tháng 10 năm 1956 tôi mới tới Mỹ, trong khi trường Mt St Mary's ở Cincinnati, Ohio, nơi nhận tôi tới học đã khai giảng từ đầu tháng chín! Vì thế nhà trường đã buộc tôi phải chờ sang năm học sau mới vào trường được.

Thật may mắn, Cha Jacques đã xin cho tôi nhập học tạm thời tại St Procopius College của Dòng Benedictin tại Lisle Illinois. Nhờ đó tôi được chuẩn bị thêm về Anh văn và bắt đầu làm quen với đời sống và lối học của Mỹ thêm một học kỳ. Sau đó, một giáo sư ở Procopius lại xin cho tôi một học bổng để dự khóa hè 1957 tại Đại học Notre Dame, Indiana.

Lại một lần nữa tôi thấy rõ bàn tay quan phòng của Chúa từ bi nhân hậu khuyến khích tôi luôn luôn cố gắng, kiên nhẫn chấp hành ý Chúa.

Thế rồi tháng 9 năm 1957, tôi đã tới Chủng viện St Mary's ở Cincinnati, Ohio, để tiếp tục đời tu học suốt 4 năm. Việc học xuôi chảy là do Chúa Thánh Linh hướng dẫn, và thày thương bạn mến. Mấy kỳ hè tôi được bạn giới thiệu tới ở và cắt cỏ cho Dòng Bác Ái Thánh Giuse ở Cincinnati, không xa Chủng viện St Mary's. Chúa Tình Thương đã nâng đỡ dìu dắt tôi từng ngày cho đến năm 1960 thì tôi được thụ phong phụ-phó tế (subdeacon) và phó tế (deacon). Mùa hè năm đó tôi cũng được giới thiệu về Đại học Công giáo Washington, D.C. dự một khóa về giảng thuyết Lời Chúa rất hiệu quả.

Thế là bàn tay thần lực của Chúa Tình Thương lại đến nâng đỡ tôi thêm một bước chuẩn bị rất đắc lực trước khi hoàn thành nhiệm vụ học tập và tu đức, để đến cuối năm học 1960-1961 thì tôi được gọi lên làm linh mục của Chúa.

Vào thời đó vấn đề đi lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất khó khăn, đắt đỏ nên việc mời đại diện gia đình sang Mỹ dự lễ phong chức là một việc không tưởng. Nhưng Chúa quan phòng lại ban cho tôi những món quà vô giá: gia đình bà Mary Aufdemkamp sẵn lòng bảo trợ ngày phong chức và lễ mở tay của tôi (27-5 và 28-5/1961). Đồng thời  có được 4 sinh viên (Ngô Khôn Đình, Ngô Đình Tuấn, Võ Giáo Huấn và Nguyễn Thăng Long) tới Cincinnati dự lễ mừng cho tôi.

Việc đó khiến tôi cảm nghiệm sâu xa hơn và quyết tâm đáp ứng tình thương vô biên của Chúa từ nhân, bằng cách tận hiến cho đời mục vụ với khẩu hiệu Omnia Omnibus - Tất cả cho mọi người.

Đời Sống Linh Mục

Nói về đời sống linh mục, một cách vắn tắt, tôi có thể chia ra làm 3 thời kỳ:

1- Vừa làm vừa học (1961-1973)

Sau khi thụ phong linh mục, tôi về Jamaica NY. Xin được ở Nhà xứ Đức Mẹ Dâng Mình (Presentation of Mary), vừa giúp mục vụ vừa đi học ở St John's University gần đó. Vì được cử làm tuyên úy sinh viên, và phụ trách việc giảng quyên để giúp các Địa phận ở Việt Nam, tôi phải xếp đặt để liên lạc, thăm viếng và giúp tổ chức và tới họp hai đại hội với sinh viên Việt Nam. Đồng thời phải xếp đặt việc xin tới giảng ở một số nhà thờ trong nước Mỹ để lạc quyên giúp đỡ Trung Tâm Công Giáo Sài Gòn.

2- Vừa dạy học vừa mục vụ (1973-2007)

Sau khi đi học thêm và khảo nghiệm tại Anh và Pháp, tôi trở về Mineola, Long Island, NY, tham gia mục vụ phó xứ Corpus Chriti toàn thời và dạy học bán thời tại Don Bosco College, New Jersey và St. John's ở Jamaica NY, từ 1973 đến 1981. Sau đó xuống Baltimore dạy học toàn thời và mục vụ bán thời cho các cộng đoàn Việt Nam chung quanh.

Từ 1983, tôi được Dòng Ngôi Lời mời về giúp Chủng viện Ngôi Lời ở Epworth, Iowa toàn thời, rồi đi giúp mục vụ bán thời cho các cộng đoàn chung quanh, cho đến năm 1991 thì rời Iowa về giúp Chủng viện St John's ở Camarillo, CA. Từ 2004 đến 2007, tôi đi giúp mục vụ toàn thời cho Địa phận Los Angeles, cho đến lúc nghỉ hưu.

3- Thời kỳ nghỉ hưu và viếng thăm, giúp đỡ quê hương Việt Nam (2007- hiện tại)

Hiện nay (2021) là thời kỳ cuối cùng: chuẩn bị trở về quê hương vĩnh cửu với Chúa từ bi nhân hậu.

 

Những cảm Nghĩ Chân Thành

Nhìn lại quãng đời thơ ấu, thiếu niên... tôi thấy rõ ràng Chúa đã cho tôi được bao bọc và dẫn dắt qua tình thương đậm đà của cha mẹ, anh chị và các thày cô dạy dỗ...

Từ lúc dâng mình vào chủng viện năm 1942, tôi cũng thấy rõ Chúa từ nhân đã đổ tràn đầy ơn thiêng giúp tôi học tập và tu đức cho đến ngày nay.

Rõ ràng nhất là chuyến đi êm xuôi lạ lùng từ vùng Việt Minh cộng sản đến vùng tự do, sau khi đã cố gắng thử các mưu lược tính toán của người trần thế nhưng đều thất bại thê thảm.

Rồi đặc ân xuất ngoại, tu học ở nước ngoài, cho đến lúc được Chúa gọi lên làm linh mục của Chúa, để đem tình thương vô hạn của Chúa đến cho mọi người, và dẫn đưa mọi người về với Chúa từ nhân, đã cho tôi thấy rõ Chúa thương tôi quá sự mong chờ và sức tưởng tượng của tôi.

Sáu mươi năm linh mục đã ghi khắc vào tâm tư xương cốt của tôi một cảm nghiệm sâu xa không cách nào diễn tả nổi. Với tất cả lòng thành xin Chúa tiếp tục nâng đỡ, dìu dắt con và giúp con thấy Chúa rõ ràng hơn, mến yêu Chúa thiết tha hơn, và theo Chúa khắng khít hơn.

Amen.

Người đánh máy bài tự thuật viết tay cho vị linh mục tác giả, xin có 2 cảm nhận sau đây:

1- Tự truyện này xuất phát từ lời người đánh máy này gợi ý với ngài: "Cha ơi, Cha có muốn viết gì cho tập Kỷ yếu không Cha?

     Và ngài đã trả lời với tôi đại ý như sau: Chắc tôi sẽ viết về chuyện tôi trải qua trong giai đoạn bị Việt Minh bắt đi cải tạo...

     Tôi thấy ngài rất chú trọng đến giai đoạn định đoạt đời ngài này, một giai đoạn mà nếu ngài không vượt qua được thì đã chẳng còn 60 năm hồng ân linh mục.

    Tuy ngài không viết rõ trong bài tự thuật này, nhưng ngài đã thuật lại khi người đánh mày này phỏng vấn ngài về lý do tại sao ngài gia nhập Nhóm TĐCTT.

    Nếu cần, xin bấm vào cái link Đức Ông Giuse Nguyễn Đức Minh: 60 Năm Linh Mục để đọc và xem nhiều hình ảnh của ngài hơn trong tập Kỷ yếu này, trong đó có cả cái link thâu âm về cuộc phỏng vấn ChaNguyenDucMinh-60NamLinhMuc.mp3 ở phần cuối cùng của tập Kỷ yếu này: Cử Hành với TĐCTT

2- Tự truyện này cho thấy rõ chẳng những về cuộc đời của tác giả mà còn cả con người của tác giả nữa. Ở chỗ nào? Ở chỗ:

     Cuộc đời của tác giả là một cuộc vượt qua từ sự chết sang sự sống, từ khốn khó thử thách sang ân sủng may lành, nhờ đó, nhờ cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Quan Phòng thần linh liên lỉ trong cuộc đời của mình mà con người của tác giả đã được biến đổi, để thật sự trở thành như một cuộc thần hiển, như một bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2), nghĩa là cuộc đời chông "gai" hay "gai" góc của ngài đã được lòng thương xót Chúa như "lửa bốc cháy", nhưng chẳng những đã không "thiêu rụi" ngài, mà còn biến cả cuộc đời ngài tỏa sáng thương xót hơn bao giờ hết qua việc phục vụ hết mình và tận tình của một con người chỉ còn biết dấn thân "trở nên tất cả cho mọi người" (1Corinto 9:22).

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

 

 

I- Đời Theo Đuổi Ơn Thiên Triệu Linh Mục Ở Việt Nam

 

27/2/1928:       Bé Nguyễn Đức Minh vào đời tại Đức Thọ Hà Tĩnh

                          (trên giấy tờ là ngày 1/5/1935 - ngài cho biết: "đó là giấy tờ lúc trốn ra khỏi vùng Việt cộng được một anh em làm dùm cho")

29/2/1928:       Lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy

1942:               Gia nhập Tiểu Chủng Viện Giáo phận Vinh

1950:               Hiệu Trưởng trường Trung Học Công Giáo Vĩnh Ký, Xã Đoài, Vinh

1951-1954:     Dạy học tại Tiểu Chủng Viện Giáo phận Vinh

17/1-8/1954:   Đúng 7 tháng phải cùng các cha trong Giáo Phận làm việc ở Tòa Giám Mục và chủng viện đi học tập cộng sản

1954-1956:     Vào Sàigòn giúp đón tiếp và định cư cho đồng bào, trong thời gian cùng các chủng sinh phổ biến tờ Luyện Thép

 

II- Đời Du Học kiêm Hoạt Động Văn Hóa, Xã Hội và Mục Vụ Miền Đông Bắc Hoa Kỳ

 

1956:               Du học Hoa Kỳ - Cincinnati, Ohio

1961:               Thụ Phong Linh mục ngày 27 tháng 5 năm 1961 tại Cincinnati, Ohio

1961:               Được cử làm Tuyên Uý Sinh Viên Việt Nam tại Hoa Kỳ

1962:               Phụ trách việc quyên giúp cho các địa phận nghèo ở Việt Nam

1968:               Tốt nghiệp Tiến Sĩ về Triết Lý Khoa Học tại Đại học St. John, New York

1968-1969:     Nghiên cứu về Á Đông Học

1969-1973:     Du học tại Anh Quốc.

Cha đã sang Pháp gặp Cựu Hoàng Bảo Đại năm 1972 về vấn đề tại sao vua thoái vị?

1973:               Tốt nghiệp Tiến Sĩ về Văn Hoá và Lịch Sử Á Đông tại Đại Học London, Anh Quốc

1973-1981:     Phó xứ Mỹ tại Giáo Xứ Corpus Christi, Long Island, New York

1975:               Đón tiếp và giúp định cư 50 gia đình Việt Nam tại New York.

Thành lập và quản nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Long Island, New York

1976:               Giáo phận Rockville Center vinh danh “Man of the Year”

 

III- Đời Dạy Học kiêm Mục Vụ Cộng Đoàn và Cộng Đồng TGP Los Angeles CA

 

1975-1981:      Dạy Triết Học tại Đại Chủng Viện St. Don Bosco, New Jersey, và

      Đại Học St. John, New York

1981-1983:      Dạy Đại Học Đại Chủng Viện Mount St. Mary, Maryland

1983-1991:      Dạy học tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời, Epworth, Iowa

1991-2004:      Dạy Triết Học tại Đại Chủng Viện St. John, Camarillo, California

1994:                Cha sang Pháp gặp Cựu Hoàng Bảo Đại lần nữa về vấn đề ấn vàng kiếm ngọc ở đâu?

1991-2005:      Thành lập và quản nhiệm Cộng Đoàn Thánh Gia Thất, Camarillo, California

1997-1999:      Kiêm Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, Canoga Park, California

1996-2002:      Đại Diện Liên Lạc của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Tổng Giáo Phận Los Angeles, CA

 

IV- Đời Hưu Trí nhưng vẫn phụ giúp Mục Vụ Giáo Xứ và Cộng Đồng GP Orange CA

 

2002-2005:      Về thăm giúp chủng sinh và người nghèo ở Vinh, Việt Nam

2004-2005:      Phó Xứ Giáo Xứ St. Julie Billiart, Newbury Park, California

2005-2007:      Phó Xứ Giáo Xứ St. Catherine Labouré, Torrance, California, kiêm Quản nhiệm Cộng Đoàn Thánh Phêrô, Torrance, California

2007- 2021:     Hưu trí gần bên Giáo Xứ La Vang, Santa Ana, GP Orange, phụ giúp phụng vụ và mục vụ cho giáo xứ này

  kiêm mục vụ giúp người già yếu, bệnh tật và các giáo xứ lân cận

3/9/2017:         Được phong tước Đức Ông, trong số 15 vị, tại Nhà Thờ Chính Tòa TGP Los Angeles California

12/11/2017:     Lễ Tạ Ơn tước Đức Ông được cử hành ở Nhà Thờ GX Lavang GP Orange có ĐHY Mahony hiện diện                      

V- Đời Hưu Trí nhưng vẫn sinh hoạt với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

2014:                Hành Hương Tia Sáng Từ Balan 12 ngày với Nhóm TĐCTT dịp ĐTC GP II hiển thánh CN 27/4 (24/4-5/5)

4/5/2014:          Gia nhập Nhóm TĐCTT ở Đền Thánh LTXC Balan và giúp làm Phó Tổng Linh Hướng

2017:                Hành Hương Thời Điểm Maria 13 ngày với Nhóm TĐCTT mừng Bách Niên Fatima 13/5 (10-22/5)

8/12/2017:       Tuyên Hứa Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ với một số TĐCTT để gia nhập Đạo Binh Dàn Trận của Trái Tim Mẹ Toàn Thắng

2019:                Hành Hương Thánh Địa - Tuần Thánh Vượt Qua 11 ngày với Nhóm TĐCTT (12-22/4)

2014-2021:      Cha Phó Tổng Linh Hướng đã luôn phục vụ nhu cầu thiêng liêng của Nhóm

                          bằng việc cử hành phụng vụ, nhất là vào các Ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Đầu Tháng 2018-2020.

 

GIA ĐÌNH

 

Gia phả giòng họ của Đức Ông Nguyễn Đức Minh từ thế kỷ 13 với Nguyễn Sĩ

- vị đã phò Vua Lê Lợi để thực hiện cuộc Cách Mạng Lam Sơn.

Một trong các chi họ từ thời ấy đã về ở Hà Tĩnh để trở thành chi họ của Đức Ông,

- Chi họ này kéo dài đến đời của Đức Ông là đời thứ 8 ở Hà Tĩnh.

 

Ông Bà Cố: Phêrô Nguyễn Tùng và Maria Lê Thị Quyền

Cha Giuse Nguyễn Đức Minh: chính giữa

 

Từ trên xuống dưới bên trái:

1- LM Nguyễn Trọng Ân, người anh cả

 2- LM Nguyễn Văn Bân

                        Từ trái sang phải:                         

3- Ông Nguyễn Mậu Hân "Bị giết hại vì nạp đơn xin di cư vào Nam năm 1954"

4- Ông Nguyễn Huyên "Mất tích trên đường vượt biển 1979"

5- Bà Nguyễn Thị Huê "Thứ bẩy theo thứ tự trong gia đình"

Từ dưới lên trên bên phải:

6- Bà Nguyễn Thị Hinh "Thứ sáu theo thứ tự"

7- Bà Nguyễn Thị Thiền "Thứ tư theo thứ tự"

Gặp người chị lần cuối ở VN 10/2015

Gặp lại bà chị ở VN coi ngài từ nhỏ

 

Theo Đuổi Ơn Gọi Linh Mục

   Đại Chủng Viện Giáo Phận Vinh 1951-1954







Thụ phong linh mục 1961





Thánh Lễ mở tay 1961



Tuyên Úy Sinh Viên Việt Nam Hoa Kỳ

(Sau thụ phong Lm, vì trong lễ thụ phong của ngài bấy giờ, không có một người Việt nào, ngoài trừ 4 nam sinh viên Việt Nam)

Tuyên Úy Sinh Viên cũng phục vụ rửa chén bát

 

Tâm Tình của Sinh Viên với Vị Linh Mục Tuyên Úy



Hoạt Động Bác Ái Xã Hội cả trước lẫn sau Năm 1975







Viếng thăm và trợ giúp Cô Nhi Viện Sài Gòn năm 1972





Thăm viếng và giúp đỡ Cộng Đoàn Việt Nam ở New Jersey năm 1975





Dạy Đại Chủng Viện Dòng Ngôi Lời Epworth, Iowa và Saint John TGP Los Angeles

Dạy Đại Chủng Viện Ngôi Lời 1983-1991

Các chủng sinh về họp mặt thăm cha Joseph Đức Minh tại California 1989

 

Dạy Đại Chủng Viện Thánh Gioan TGP Los Angeles, 1991-2004

Cùng với LM giám đốc, chủng sinh VN, St John's Seminary, Camarillo, CA - TGP Los Angeles, 1991-2004

Hình kỷ niệm với chủng sinh tại St john 1992

Cùng bốn tân chủng sinh St John

 

Với Giáo Hoàng, với cựu hoàng Bảo Đại và với Các Vị Giám Mục

Cha Đức Minh triều yết ĐTC Gioan Phaolô II ngày 24/11/1988

sau khi được đồng tế với ĐTC, cùng với 1 vị giám mục và linh mục hôm ấy, tại nhà nguyện riêng của ĐTC

Cha Đức Minh đã sang Pháp hội kiến với cựu hoàng Bảo Đại 2 lần: 1972 và 1994

Los Angeles Congress 2002 với các vị Giám Mục (từ trái sang phải:)

Đức Cha Tagle Phi Luật Tân, Tổng Giám Mục Manila hiện nay là Hồng Y mới phục vụ ở Tòa Thánh Roma;

Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên, nguyên Giám Mục GP Vinh, bạn học với Đức Ông Đức Minh;

Đức Cha Edward Clark, Giám Mục phụ tá TGP Los Angeles, CA.

 

 

Phục Vụ "những người anh em hèn mọn nhất" của Chúa Kitô ở Việt Nam 1990-1998, 2001-2006







Với Đức Cha Cao Đình Thuyên, bạn học, Giám Mục Giáo Phận Vinh.


Thăm giúp trung tâm mồ côi, khuyết tật GP Vinh 2015.



Mừng Thụ Phong Linh Mục: 40 Năm và 50 Năm ở Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam

Lớp Linh Mục học trò GP Vinh của Cha Nguyễn Đức Minh dịp 40 Năm Linh Mục

LM Việt Nam TGP Los Angeles

Đức Cha Phụ Tá và Một Số LM VN ở Nhà Thờ GX Lavang

Quí Linh Mục VN cùng Đức Cha Phụ Tá GP Orange

Đức Cha và Quí Linh Mục GP Đà Lạt

Hình kỷ niệm với các nữ tu, và Lm lễ Kim khánh 2011

Các Lm cầu nguyện và ban phép lành sau Thánh lễ cho Đức ông

 

 

Được Phong Tước Đức Ông và Mừng Tạ Ơn cả ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam

 

Với cháu chắt 2017 trên cung thánh Nhà Thờ Chính Tòa TGP Los Angeles dịp nhận tước Đức Ông

Lễ Tạ Ơn Tước Đức Ông tại Giáo Xứ Lavang Giáo Phận Orange CA ngày 12/11/2017

5 chắt dâng của lễ dịp mừng kỷ niệm thụ phong linh mục 40 năm ở Việt Nam

Cháu chắt ở Việt Nam 2018 mừng tước Đức Ông

Chắt Linh Mục Dương Sĩ Nho VN 2018

Với cháu chắt dịp tân linh mục chắt ở Hạt Cầu Giắt Việt Nam

 

 

Tâm Tình của Một Linh Mục học trò ở GP Orange CA

 

Mừng 60 Năm Cha Giáo Giuse Nguyễn Đức Minh

 

Đức Ông Giuse Đức Minh từng là Cha giáo thuộc phân khoa Triết học tại Đại chủng viện Thánh Gioan, thuộc thành phố Camarillo, quận Ventura. Khi tôi bắt đầu đến học phân khoa Thần học tại ĐCV Thánh Gioan vào mùa Thu 1998, tôi luôn nghe các chủng sinh triết học khen Cha giáo Đức Minh dạy bài dễ hiểu sinh động nhưng khi chấm bài thì ngài không kém phần nghiêm chỉnh.

Trong suốt thời gian ở Đại chủng viện, tôi thường xuyên thấy Cha giáo giữ thời khóa biểu của ngài thật nghiêm túc, ngoài giờ kinh nguyện, lần chuỗi, thánh lễ, ngài còn dành thì giờ mỗi ngày đi bộ tập thể dục dưỡng sinh, nhờ đó ngài sống khỏe ít bệnh.

Sau khi về hưu, ngài về cư ngụ tại tư gia bà con ngài, tọa lạc gần giáo xứ Đức Mẹ La Vang, thành phố Santa Ana, nơi cha Giuse Nguyễn Văn Luân đang là chánh xứ. Khi ấy tôi cũng là cha phó tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang, và tôi có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ ngài, qua những thánh lễ hoặc nghe giải tội hàng tuần. Ngài vẫn giữ tính cách năng động của một giáo sư như thời ngài còn là Cha giáo trong Đại chủng viện.

Mới gần đây, Cha giáo được trưởng thưởng với tước danh là Đức Ông. Trong thánh lễ nhận tước danh Đức Ông, chúng ta mới thấy tấm lòng ưu ái quý mến Đức Ông thật sâu sắc và chân thành của mọi người, từ Đức cựu Hồng y Mahony đến quý giáo sĩ, tu sĩ và đặc biệt là quý giáo dân.

Có vài lần ngài ngã bệnh và tôi được may mắn chở ngài nhập viện, hoặc khi ngài yếu, thì chở ngài đi gặp bác sĩ. Tất cả những lần này tôi thấy ngài rất bình thãn, không than vãn, sống lòng cậy trông và hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào lòng yêu thương và quảng đại của Thiên Chúa.  

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục của Đức Ông Giuse – Cha giáo Đức Minh, cùng với quý cha học trò của ngài trong nhiều thập niên qua, và cùng với quý ông bà anh chị em, chúng tôi xin kính chúc Đức Ông Giuse thật nhiều niềm vui, tràn đầy ơn Chúa, sức khỏe dồi dào, và luôn có Chúa, Mẹ, thánh Bổn mạng Giuse, đồng hành suốt cuộc lữ hành đức tin. Ad multus annos! Gloriosque annos vivas!

 

Lm. Thái Quốc Bảo

chánh xứ giáo xứ thánh Cêcilia, Tustin

 

 

 

Tâm Tình của một cặp Giáo Dân TGP LA với Vị Linh Mục Cựu Quản Nhiệm

 

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

 

Hơn sáu mươi năm trước, chàng thanh niên tuổi đôi mươi Nguyễn Đức Minh rời bỏ gia đình thân thương tại Khu Tư, để lên đường theo một tình yêu đã ấp ủ từ những ngày còn rất trẻ. Khuôn mặt tuấn tú nhưng cương nghị, tâm hồn phơi phới, với bao hoài bão trong tim, chàng trai trẻ lên đường theo đuổi một lý tưởng. Đáp lời Chúa gọi, sau những tháng ngày tu học tại Tiểu Chủng Viện Giáo Phận Vinh, chàng thanh niên từng bước, đã có những bước thật dài, trong bình an hay giữa hiểm nguy, từ quê nhà gần gũi, đến những bước xa, rất xa, đến tận những bến bờ của những quốc gia châu Mỹ, châu Âu…chàng trai đó vẫn trung kiên tiếp bước theo con đường đã chọn, và trở thành linh mục của Chúa. Ngày thụ phong linh mục, 27 tháng 5 năm 1961 tại Cincinatti, Ohio, vì gia đình quê hương cách xa nửa vòng trái đất, bạn bè chẳng có mấy ai, ngoài bốn người bạn Việt Nam hiện diện trong ngày rất đáng nhớ đó. Năm nay, 2021, kỷ niệm 60 năm ngày trọng đại, xin được cùng Linh mục Giuse Nguyễn Đức Minh nhìn lại quãng đời đã qua trong tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. 

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống Công Giáo lâu đời, theo tiểu sử được ghi lại trong quyển Lịch Sử Giáo Phận Vinh (Tập II – sắp xuất bản), do Ông Augustinô Vương Đình Chữ (+) chủ biên, đã nhắc đến chàng thanh niên Đức Minh này như một trong những khuôn mặt nổi bật của Giáo Phận nhà. Sinh năm 1928 (Bính Thìn), tại xứ Nghĩa Yên, Xã Định Trường, Phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc Giáo phận Vinh. Là con Út trong gia đình 9 anh chị em: 5 trai và 3 gái; trong đó có hai người anh là Linh mục Phêrô Nguyễn Trọng Ân (1910-1987), thụ phong linh mục 1942 tại Qui Nhơn, thuộc giáo phận Kontum, và Linh mục Phêrô Vianney Nguyễn Văn Bân (1912-1991), thụ phong linh mục năm 1943 tại Xã Đoài. Trong dòng họ, còn có linh mục Simon Nguyễn Ngọc Thạch, hiện nay đang làm mục vụ truyền giáo ở Đài Loan, là con trai của Ông Nguyễn Mậu Hân, người anh thứ tư trong gia đình.

 

Vị linh mục trẻ tuổi thông minh, với ý chí ham học hỏi và nghiên cứu, đã đạt được hai bằng tiến sĩ: Triết Lý Khoa Học tại Đại học St. John, New York, Hoa Kỳ, và Văn Hoá - Lịch Sử Á Đông tại Đại Học London, Anh Quốc. Không để bị cầm chân lại với sách vở, nghiên cứu, chàng thanh niên linh mục có dịp gần gũi với các sinh viên du học khi được cử làm Tuyên Úy cho Hội Sinh Viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, một Hội đoàn không phân biệt tôn giáo, cùng sinh hoạt để nâng đỡ tinh thần các sinh viên xa nhà, xa quê hương. Tinh thần hòa đồng rõ nét khi Hội Trưởng là một Phật tử trong một thời gian dài. Tâm hồn phóng khoáng quảng đại đã tạo nên tình hòa đồng tôn giáo; giữa các sinh viên, tình thân càng thêm gắn bó dưới sự hướng dẫn của vị linh mục tuyên úy này trong suốt bao năm qua. 

Trong suốt thời gian dài, linh mục Giuse Đức Minh được mời dạy Triết Học tại Đại Chủng Viện St. Don Bosco, New Jersey, và Đại Học St. John, New York, Đại Chủng Viện Mount St. Mary, Maryland và Đại Chủng Viện Ngôi Lời, Epworth, Iowa. Sau 30 tháng 4 năm 1975, lúc vận nước đổi thay, linh mục Nguyễn Đức Minh đã đón tiếp và giúp định cư cho 50 gia đình Việt Nam. Lễ Giáng Sinh năm 1975 cũng là dịp ra mắt cộng đoàn Việt Nam đầu tiên tại Long Island, New York, Hoa Kỳ. Rồi ngài tiếp tục phục vụ giúp cho các giáo xứ thuộc các tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ. Chặng dừng chân sau cùng là miền Nam California, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Từ năm 1980, linh mục Đức Minh giảng dạy tại Đại Chủng Viện St. John, thành phố Camarillo, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles. Nhiều chủng sinh, sinh viên là học trò của ngài tại Đại Chủng Viện này nay đã là linh mục quản nhiệm, chánh xứ tại nhiều giáo xứ trong Tổng Giáo Phận Los Angeles và Giáo Phận Orange. Ngài cũng từng là linh mục Đại Diện Liên Lạc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Tổng Giáo Phận Los Angeles và đã là diễn giả hướng dẫn nhiều khóa học tại Religious Education Congress, một Đại Hội về Giáo Dục Công Giáo của Tổng Giáo Phận Los Angeles đã có mặt trong hơn 65 năm qua. 

Bên cạnh việc giảng dạy tại Đại Chủng Viện St. John, Camarillo, nơi có nhiều chủng sinh Việt Nam theo học, ngài cũng đảm trách việc mục vụ cho giáo dân Việt Nam tại các giáo xứ quanh vùng, như góp phần thành lập và là quản nhiệm Cộng Đoàn Thánh Gia Thất, Camarillo. Đặc biệt trong thời gian kiêm nhiệm vai trò linh mục quản nhiệm tại cộng đoàn Đức Mẹ La Vang, thuộc giáo xứ St. Joseph the Worker, Canoga Park, chương trình Giáo Lý Dự Tòng có sự nâng đỡ của ngài, đã đem lại nhiều hoa trái tốt đẹp. Nhiều chương trình mục vụ đã có dấu ấn đóng góp hỗ trợ đặc biệt của ngài.  

Trong thời gian đó, ngài vừa dạy học tại Đại Chủng Viện St. John, và cuối tuần phải lái xe từ chủng viện về Canoga Park để thăm viếng giáo dân, dâng thánh lễ, làm công tác mục vụ cho cả hai cộng đoàn Thánh Gia Thất và cộng đoàn Đức Mẹ La Vang. Những ngày tháng này thật vất vả cho một linh mục đã có tuổi, phải rong ruổi từ Camarillo, sau khi lo cho cộng đoàn Thánh Gia Thất xong, thì lái một đoạn đường dài, qua con dốc từ Ventura County trên freeway 101 về San Fernando Valley, để có mặt từ sáng Chúa nhật tại Giáo Xứ St. Joseph the Worker. Giáo dân cộng đoàn thương quý cha, biếu vài hộp bánh, gói kẹo thường là cha để dành cho các học viên lớp Giáo Lý Dự Tòng để khích lệ tinh thần các anh chị em đang tìm hiểu đạo. Từng là giáo sư dạy các Đại Chủng Viện cho các thầy, các cha, vậy mà trong những năm tháng đó, ngài thường đến và lặng yên ngồi cuối lớp nghe các giáo lý viên chia sẻ, hướng dẫn cho các dự tòng về đức tin vào Chúa và Giáo Hội. Có hiện diện tại chỗ mới thấy được sự khiêm nhường của vị linh mục mang tên thánh bổn mạng Giuse. Ngài đã từng nói: “Hôm nay tôi có cảm tưởng mình là Maria được ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Ngài...” Nhìn thấy sự biến đổi tuyệt vời qua những hoa quả là các bạn tin nhận Chúa trong các khóa Giáo Lý Dự Tòng đó, ngài luôn tạ ơn Chúa, tiếp tục âm thầm hỗ trợ các giảng viên theo cung cách của mình qua từng bữa ăn, tấm bánh, sách vở, và những lời thăm hỏi chân tình. Anh chị em Tân Tòng không thể bày tỏ hết lòng tri ân gửi đến Cha giáo về sự đỡ nâng và tình thương mến của Cha đã dành cho.  

Tuy xa quê hương đã lâu, nhưng tâm lòng của linh mục Giuse luôn nhớ đến những gian nan của gia đình trong thời thơ ấu, cũng như nỗi khó khăn của đồng bào ở quê nhà. Khi dâng Thánh lễ tại cộng đoàn, trong các bài chia sẻ, Cha thường nhắc về quê hương Việt Nam đang đau khổ, và kể lại những ước mơ, dự án giúp đỡ cho những người đang gặp khó khăn vật chất cũng như bị kềm kẹp về tinh thần. Nhiều bổng lễ và quà tặng của anh chị em giáo dân đã được Cha gom lại và chuyển về cho đồng bào ở quê nhà nghèo khó, cũng như những nơi bị thiếu thốn, khổ đau do thiên tai hoặc nhân tai. Cha luôn ước ao được về thăm quê, với tấm lòng luôn hướng về quê mẹ đất Vinh, ngài đã sắp xếp xin về để được dạy học, trao tặng kiến thức đã được học ở nước ngoài cho các chủng sinh ở quê nhà, nhưng vì hoàn cảnh tế nhị của đất nước, hoài bão đó đã không thực hiện được. Mỗi khi có dịp đóng góp cho Giáo Phận nhà, ngài luôn sẵn sàng cách này cách khác …Dù gặp nhiều khó khăn trắc trở, cuối cùng ngài cũng đã về thăm quê đôi lần để trực tiếp thực hiện công việc bác ái qua những chương trình cụ thể giúp đỡ các chủng sinh, những người gặp khó khăn có phương tiện tự giúp để vượt khó, giảm nghèo. 

Nếu có dịp thân tình với ngài, chúng ta sẽ bắt gặp được một con người đơn sơ với trái tim mẫn cảm và tình cảm chứa chan. Nhớ trong dịp gây quỹ giúp cho người bất hạnh ở quê nhà, ông cụ linh mục đã gần 80 tuổi đội chiếc nón lá Việt Nam và múa nón thật khéo với các chị em để tạo niềm vui, gây quỹ cho người nghèo. Ngài thường chia sẻ với một vài bạn hữu thân tình mà ngài gọi là “những người bạn đồng hành chia sẻ vui buồn cũng như các bài viết về lịch sử, chính trị, văn học…Có lần ngài thích thú chia sẻ câu chuyện của tác giả Tâm Thanh trong truyện ngắn “Đèn Kéo Quân” được đăng trong Tạp Chí Thế Kỷ 21. Câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng dễ thương được ngài in ra, phân tích và cùng trao đổi những chi tiết trong câu truyện, thú vị nhắc lại chuyện tình dễ thương của cô học trò và người thầy giáo cũ. Trái tim xuân trẻ của chàng trai ngày trước vẫn còn đập nhịp yêu thương cuộc đời trong con người vị linh mục khả kính đã có tuổi. Một vài dịp được cùng  ngài thăm bệnh nhân, trên tuyến đường dài, cha kể lại những kỷ niệm của thời thanh xuân và ngâm bài thơ bằng giọng miền Trung thật dễ thương…“Nắng Saigon anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…” Trong Cha tràn đầy lòng yêu thích thiên nhiên, và liên kết với tâm tình đạo đức như đã ghi trong một Lưu Bút: “Được dịp ghé lại ngôi nhà thân yêu có nhiều kỷ niệm thân thương với nhiều ấn tượng sâu đậm, tôi có cảm tưởng về thăm nhà Bêtania của Lazarô với Maria và Martha. Đặc biệt lần này là buổi ngắm trăng. Trăng đêm nay hiền dịu và sáng đẹp như tình Chúa thương ta…Sau một đêm nghỉ ngơi an lành, chúng ta được tế lễ với Chúa tình thương. Thật là tuyệt vời! Chớ gì chúng ta được trở nên những tấm gương nhỏ để phản ánh “Trăng Đẹp” là Tình Thương diệu vời của Chúa và sống đời chứng nhân như Gioan Tiền Hô, Lễ Kính hôm nay...” 

Khi được hưu trí, sau một thời gian “tất bạt” qua một vài giáo xứ, vị linh mục hưu trí là cha Đức Minh đã chọn về sống tại một “mobile home” đơn sơ, gần ngay cạnh giáo xứ Đức Mẹ La Vang, thành phố Santa Ana, thuộc Giáo Phận Orange, nơi có nhiều giáo dân đồng hương người Việt, để mỗi ngày có thể đi bộ qua dâng Thánh Lễ, để được tiếp tục gặp gỡ và nâng đỡ, hướng dẫn tâm linh cho người giáo dân. Phải nhìn thấy hình ảnh linh mục tuổi đã ngoài 90, dáng gầy với cặp kính trắng, hàng ngày chắp tay lặng yên hiệp thông đồng tế nơi bàn thờ bên cạnh vị chủ tế hay với một vài linh mục trẻ học trò trong các Thánh Lễ, mới thấy sự trung tín khiêm hạ của vị linh mục. Sau mỗi Thánh Lễ dâng hàng ngày, ngài thường ngồi tòa giải tội, thăm viếng người đau yếu, neo đơn bịnh tật hoặc cần xức dầu. Cha thường giúp đưa tiễn người ra đi đến tận nơi an nghỉ tại nghĩa trang khi có nhu cầu. Trong thời gian dịch bệnh, các nhà thờ đều phải đóng cửa, thì Cha vẫn giúp giải tội khi hối nhân có nhu cầu xin hẹn gặp ở nhà.  

Tuy tuổi đã cao, ngoài những việc giúp cho các tín hữu khi đến giáo xứ Đức Mẹ La vang gần nhà, Cha còn nhiệt thành phục vụ trong vai trò Phó Tổng Linh Hướng của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương, một hội đoàn Công giáo tiến hành mới mẻ và nhỏ bé trong Giáo Hội, đã được Giáo Hội công nhận từ năm 2014 cho đến nay. Thêm vào đó, Cha âm thầm đồng hành với một số anh chị em tân tòng khi cùng với họ cầu nguyện, giúp hướng dẫn tĩnh tâm, dâng Thánh Lễ vào những chiều thứ bảy hàng tuần tại nhà thờ Santa Barbara, giáo phận Orange. 

Nhiều bạn hữu biết cha có nhiều kỷ niệm, liên hệ với những người nổi tiếng như Cựu Hoàng Bảo Đại, nhà thơ Huy Cận, nên xin Cha dành thì giờ ghi lại như là một hồi ký thú vị để lại cho đời sau…Nhưng dường như đối với Cha, sau khi hoàn tất công việc dạy học tại các Đại Chủng Viện đóng góp vào việc đào tạo các linh mục, tất cả thời gian hưu trí của Cha chỉ dành để phục vụ giáo dân và những nhu cầu tâm linh của họ. Có lẽ ngài yêu mến và nhận biết đó chính là ơn gọi và sống trọn vẹn thiên chức của đời linh mục. Thời giờ còn lại, Cha thường đọc sách báo tôn giáo, lịch sử và những gì liên quan đến quê hương đất nước. Ngài có thói quen khi đọc thì ghi chú cẩn thận những điểm cần quan tâm, gạch xanh, gạch đỏ, tô vàng, tô cam những đoạn mà ngài thấy có thể sử dụng trong mục vụ hoặc chia sẻ nhân sinh.  

Cuộc sống của vị linh mục hưu trí cứ thế âm thầm trôi, tưởng rằng như thế đã quá đủ cho một đời linh mục hưu dưỡng sau suốt cuộc đời hy sinh. Tuy nhiên, đó chưa phải là chấm dứt. Trong Tuần Thánh năm 2017, ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua lời đề nghị của anh em linh mục và của Đức Cha Jose Gomez, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Los Angeles, ban cho ngài tước hiệu Đức Ông.  

Theo thông tin của Tòa Thánh Vatican, từ năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giới hạn việc ban tước Đức Ông, và chỉ ban danh dự này cho những linh mục có lòng yêu mến Chúa Giêsu sâu xa, biểu hiện qua cuộc sống chứng nhân tông đồ đem Tin Mừng đến cho muôn dân, đặc biệt quan tâm đến người nghèo và người bị quên lãng. Và tâm tình này được nhắc lại cụ thể trong thư của Đức Hồng Y Roger Mahony, nguyên Tổng Giám Mục Los Angeles, viết ngày 14 tháng 4 năm 2017 gửi cho cha Giuse: 

“Đức Ông Giuse thân mến, 

Thật là một niềm vui khi viết thư này chúc mừng vì Cha đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để phục vụ với tước vị Tuyên Úy cho Giáo Hoàng (Chaplain of His Holiness). Có lẽ cha cũng nhớ vào năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giới hạn vinh dự và tước vị Đức Ông chỉ dành cho những linh mục đã biểu lộ tình yêu sâu đậm mật thiết với Đức Kitô, những vị đã sống và là chứng nhân như môn đệ của Chúa Giêsu, những vị đã giúp đem Tin Mừng đến cho mọi người, đó là sứ vụ của những linh mục phục vụ cách đặc biệt người nghèo, bất hạnh và những người bị quên lãng giữa chúng ta.  

Tôi đã từng chia sẻ niềm vui khi lao nhọc trong phần vụ của mình tại Vườn Nho của Chúa với Cha trong rất nhiều năm qua, tôi đã chứng kiến Cha thật là mẫu gương đáp ứng niềm mong đợi của Đức Thánh Cha Phanxicô. 

Nguyện xin cho những năm tháng sắp đến của Cha tiếp tục mang lại kết quả thiêng liêng và mục vụ cho Dân Chúa, và mong ước Cha luôn “thấm mùi chiên” trong quan hệ của Cha với mọi người Cha gặp gỡ…” 

Vì thế, trong Thư Mời dự Thánh Lễ Tạ Ơn dịp phong tước này được tổ chức vào mùa thu năm 2017, đã được ghi như sau: 

Linh mục là thiên chức được Chúa mời gọi và quảng đại đáp lời theo gương Thầy Chí Thánh GiêsuĐấng đã đến để phục vụ, không phải để được phục vụ (Ministrare non ministrari) (Mt 20:28). Cuộc đời Linh Mục luôn gắn kết sâu xa với Thầy để phục vụ và làm tấm bánh bẻ ra cho muôn người, đặc biệt những người bất hạnh, khổ đau. 

Tấm áo và dây đai mới của một Đức Ông là gì nếu không phải là tiếp nối hình ảnh của Chúa Giêsu mô tả trong Phúc Âm: “Sau bữa ăn tối, Chúa đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (Ga 13, 4 b).  

Thật vậy, linh mục Giuse Đức Minh đã đến giai đoạn bước vào dùng bữa ăn tối, nhưng vẫn chưa nghỉ ngơi, khi được ban tước Đức Ông, ngài lại tiếp tục rửa chân cho các tín hữu qua việc phục vụ hàng ngày, tiếp tục lau chùi những vết thương tâm linh, những đau yếu của tâm hồn lìa xa Chúa.  

Cuộc sống và nơi ăn chốn ở của linh mục về hưu Giuse thật đơn sơ, khiêm tốn. Gia tài của Cha là rất nhiều sách báo mà sau này Cha sẽ trao lại cho các chủng viện, dòng tu. Cha ăn uống đơn giản, không đòi hỏi gì cao sang, món ăn ruột của Cha là canh chua - cá kho tộ. Đi đâu, đến tiệm ăn nào hoặc gia đình nào mời cơm, Cha chỉ xin món tủ này. Cha đã từng nói…“tôi có các cháu kho cá kho tộ ngon ‘tận thiện tận mỹ.’” Nhờ ăn uống cẩn thận kiêng khem như vậy, Cha ít đau ốm bệnh tật. Trước hết là nhờ ơn Chúa ban và sự cẩn thận trong cách thế ẩm thực, không mấy ai biết được rằng, để có được sức khỏe và điều kiện để phục vụ đến ngày hôm nay, Chúa đã thương ban cho Cha có những người cháu trong gia đình gọi cha bằng Chú ruột: chị Minh Tâm đã và đang hàng ngày âm thầm phục vụ cha từng bữa ăn, lo từng chiếc áo. Chị chăm sóc người Chú thân yêu và cũng là linh mục của muôn người khi trái gió trở trời, ra vào bệnh viện. Vì tuổi tác, khả năng thính giác của Cha bị giới hạn, nên những chuyện cần liên lạc nhắn gửi cho Cha nên chị còn kiêm làm thư ký giúp ghi và chuyển lại. Khi cần tổ chức lễ mừng cho Chú, thì người cháu trai lớn trong gia đình là anh Mạnh Dũng gánh vác chuyện chung. Những dịp lễ Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, Cha luôn là người gửi thiệp trước cho các thân hữu, giáo dân và tự tay viết những lời chúc với nét chữ rất đẹp trên những tấm thiệp in rất mỹ thuật. Đó là nhờ hai cô cháu Thu Hoài và Thu Nguyệt vẽ kiểu, chuẩn bị danh sách, dán tem thư, và gửi đi cho những người thân quen của Cha thật chu đáo. Hình ảnh này gợi nhớ đến việc Chúa Giêsu xưa kia khi đi rao giảng, đã có biết bao hy sinh của những người phụ nữ là thân nhân và bạn hữu đóng góp trong âm thầm. Nay Đức Ông Giuse có các cháu, và những giáo dân, người thân yêu chăm sóc sức khỏe và lo lắng những nhu cầu cần thiết của tuổi già để Cha có được sự an lạc phục vụ cộng đồng dân Chúa cho đến ngày hôm nay. Không những vậy, các cháu của Cha cũng âm thầm đóng góp, tử tế và tốt lành theo gương của người Chú linh mục, chia sẻ cho tha nhân khi có người cần giúp. Xin tạ ơn Chúa đã ban cho Cha có gia đình với gương sáng là hai người anh linh mục, thêm một người cháu hiện đang theo gương phục vụ của Chú Bác, cùng những người cháu luôn bên cạnh đỡ nâng, tiếp tay trong việc làm chứng cho tình thương của Chúa. 

Chúc mừng Đức Ông – Cha Giáo Giuse Nguyễn Đức Minh dịp 60 năm kỷ niệm thụ phong Linh Mục là để cùng nhau hiệp lòng tạ ơn Thiên Chúa vì ý thức rằng: TẤT CẢ LÀ HÔNG ÂN. Hồng ân Thiên Chúa đã thương ban chọn và gìn giữ Cha trong suốt chặng đường 60 năm qua trong sứ vụ linh mục. Dịp này không phải để vinh danh cho những thành đạt riêng của Cha, nhưng là để cùng ngợi khen tình thương Thiên Chúa và tạ ơn về những hồng ân Chúa đã thương ban cho một con người đã suốt đời theo Chúa, là gương sáng cho tất cả những người đã được gần gũi người linh mục của Chúa. Từ các cha anh, bề trên còn sinh tiền hay đã về Nhà Cha trên trời, đến gia đình huyết tộc thân thương, các bạn đồng tu ngày xưa trong đó có giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, đến những học trò linh mục, những thân nhân âm thầm hy sinh đóng góp cho cuộc đời linh mục của cha, và những giáo dân cộng tác với ngài hoặc được ngài chăm sóc, chúng ta đều có lý do để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và khi chia vui với ngài, cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập trong đời của Cha, cũng để mọi người chúng ta noi gương sống trung tín và luôn cùng Mẹ Maria hát lên lời ca vang chúc tụng… 

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1: 48-49)

 

 

Tâm Tình của một nữ Giáo Dân ở GP Orange đã từng phụ ngài mục vụ bác ái


(muốn biết rõ về cuộc đời bác ái yêu thương của vị linh mục trí thức khoa bảng bậc thày này thì hãy đọc bài viết của một nhân chứng trực tiếp lâu đời dưới đây)



YÊU NHIỀU... THƯƠNG NHIỀU


Chúng con có một người cha tuyệt vời. Ngài luôn có kế hoạch trên mỗi con người, những ai đến với Ngài thì đời sống của mình được đổi thay. Ngài chịu hạ mình xuống để cứu cả nhân loại, thậm chí Ngài đã hy sinh trên thập giá, và đã phục sinh ở với mỗi người chúng ta từng phút giây trong đời sống. Ai cũng đều biết đến Cha, Người Cha khiêm nhường, yêu thương, tha thứ che chở gìn giữ mọi người. Đó là Chúa Giêsu, một Người Cha vĩ đại của nhân loại.

Ngoài ra, mỗi người đều có một người cha đời. Riêng con thì mồ côi từ bé tí teo, chưa bao giờ thấy mặt cha, chưa bao giờ bập bẹ gọi Ba ơi! Cha ơi! Nhưng con có một người cha tinh thần. Đó là Cha Đức Minh kính yêu của chúng con, vị linh mục nhân hậu, người tông đồ nhiệt thành. Ngài đã gần bách niên của một đời người. Vào tuổi này người bình thường đi đứng không vững, phải dùng xe lăn wheelchair, nhưng cha vẫn hoạt động như người khỏe mạnh trẻ trung. Ngài có vóc người gầy gò và hơi cao, mái tóc bạc phơ, hai con mắt hiền từ. Ngài đi nhanh và lưng thẳng, không cần gậy. Đôi chân ngài đã đi rất nhiều nơi để rao giảng Lời Chúa. Bàn tay ngài làm những dấu bình an. Những lời ngài nói ra đem đến niềm an ủi yêu thương cho nhiều người già yếu, bệnh tật, đói nghèo không nhà, cả những em bé tí chưa chào đời nữa...

Cha Đức Minh đã về hưu ở Tổng Giáo phận Los Angeles, nhưng vì yêu mến người Việt, nên cha xin về một quận hạt có nhiều Người Việt nói chung và tín hữu Công giáo Việt Nam nói riêng nhất hải ngoại để phục vụ đồng hương và đồng đạo. Bề trên cho phép cha về Orange County giúp cộng đồng Việt Nam. Cha được Đức cha Brown chấp thuận và ban năng quyền cử hành Thánh lễ và ban các Bí tích, ở Giáo xứ Đức Mẹ Lavang, một giáo xứ mới được thiết dựng và thành lập, với Cha Xứ đầu tiên là Cha Sơn từ năm 2007.

Nhà thờ Đức Mẹ Lavang mới xây dựng năm 2006, chưa hoàn tất. Thời gian này Cha Sơn rất bận rộn xếp đặt nhà thờ, trong khi đó nhà xứ thì chưa có, đang được xây lên. Cha Sơn mời Cha Đức Minh giúp cha phục vụ giáo xứ. Cha Đức Minh bấy giờ sống tá túc tại nhà ông bà Trị ở Santa Ana. Sau đó, khi Cha Sơn có được nhà xứ rồi, với 3 phòng ngủ, thì ngài đã mời Cha Đức Minh về sống chung cho gần giáo xứ. Thời gian đầu tiên này Cha Đức Minh sống rất êm đềm trong nhà xứ với Cha Sơn. Đến khi Cha Sơn về UCI dạy học theo lệnh bề trên vào năm 2008, thì Đấng Quan Phòng Thần Linh vô cùng khôn ngoan và yêu thương đã muốn Cha Đức Minh được thông dự hơn vào thân phận với Người Con Thiên Chúa Làm Người, với Vị Emmanuel ở giữa loài người mà lại "không có chỗ dựa đầu" (Mathêu 8:20; Luca 9:58), nhờ đó ngài được thánh hóa hơn, được nhựa sống thần linh của Cây Nho Giêsu thông sang cho, như cành nho đã kết quả lại càng sai trái thiêng liêng hơn nữa nơi các linh hồn được Chúa sai đến cho ngài phục vụ.

Thế là chúng con đến phụ giúp Cha già Đức Minh dọn nhà ngay. Ngài mê đọc sách báo lắm, với đầy 33 thùng, vừa to, vừa nặng. Chỉ có 1 năm mà cha dọn đi chỗ này chỗ kia 4 lần. Khi thì chủ nhà cho ở garage, khi thì ở bên ngoài mà không có restroom, phải đi chung, nên rất bất tiện cho người già đêm hôm đi vệ sinh. Cha già bị té, phải ngồi xe lăn, còn bị bệnh Gao nữa..., mà còn bị nói những lời không đẹp, như "sao ở lì thế, không chịu đi đi" v.v., vì gấp và khó kiếm nhà quá. Cha già rất buồn, nên sinh bệnh, phải vào Saint Joseph Hospital. Sau khi xuất viện, một trong các người cháu của cha ở Orange County là Chị Tâm nói với anh chị em của mình rằng: Chú đi lung tung, không được đâu! Nên cha đã đến ở chung với các cháu được vài tháng. Vì gia đình cháu đông người, nên các cháu của cha đã hùn tiền mua cho cha một mobile home để cha ở cho tới bây giờ.

Chúng con gặp cha già ở đây năm 2007, khi được Cha Sơn cho phép thành lập Hội Đạo Binh Đức Mẹ Legio Mariae. Thế là chúng con đã mời Cha Đức Minh làm linh hướng cho hội 2 nhiệm kỳ. Tuần nào chúng con họp với nhau, cha cũng đến giảng dạy Lời Chúa và ban huấn từ cho chúng con, với những lời dạy chân tình, sâu sắc, xúc tích, nhất là yêu thương thực hành bằng những giờ công tác thăm viếng các bệnh nhân, người già yếu ở dưỡng lão viện, ở bệnh viện, hay tại gia, hoặc cùng đi feed homeless với chúng con... Cha già rất yêu thương những người bệnh, an ủi bằng những lời an ủi, bắt tay, ban phép lành... Mặc dù cha đã hưu, nhưng sinh hoạt hằng tuần với chúng con. Cha sống hết tình thương yêu con chiên. Mỗi khi ai tỏ ý cần đến cha, cha đi phục vụ ngay, bất kể giờ giấc, dù là giờ nghĩ trưa theo thói quen, lắm khi tới tận 11 giờ đêm v.v.... "Thôi ta đi" Cha hay nói thế khi con đến chở ngài đi.

Cha già kính yêu của chúng con tuổi già, thế mà luôn hăng say hoạt động phục vụ mọi người. Khi cần thì lên đường ngay. Có những lần sau lễ 9:30 sáng, hai cha con đã đi, mãi đến 3 giờ chiều mới xong chuyến viếng thăm tại gia, vì đông bệnh nhân. Vừa mệt, vừa đói meo. Hai cha con ghé ăn trưa rồi mới về. Cha thích phở gà đùi, không da, ở phở 86. Mệt vậy đó, thế mà vừa mới về đến nhà, chưa kịp nghỉ ngơi, có người đợi xưng tội, hay cần xức dầu, ngài liền đi tiếp. Có lần cha mệt, ngài đã la con! Vậy mà vài tháng sau đó, cha lại hỏi con: "Có ai cần nữa không con?" Hoặc vào thời điểm gần tới Lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh, con lại nghe thấy ngài thúc giục: "Cha con mình đi thăm các bác nha con" v.v.

Ôi cha già yêu Chúa, quên cả mệt mỏi của thân già. Chỉ có Chúa là số 1 thôi. Tình thương Chúa của cha già là thế đấy! Đến tháng 3/2013, khi chúng con lập ra nhóm "Bạn Các Linh Hồn", chúng con cũng mời cha già làm linh hướng, và nhận Thánh Giuse làm quan thày, vì bấy giờ đang ở trong Tháng Thánh Giuse và Thánh Giuse lại là bổn mạng của cha già. Cha rất ân cần sốt sắng làm những việc mục vụ cần thiết cho các linh hồn.

Chúng con hay nói Cha già là Thánh Maria Vianney thứ hai, vì cha rất giống Cha Thánh cả từ vẻ bề ngoài lẫn trong tâm hồn, luôn yêu thương mọi người, thích ngồi giải tội nhiều giờ, không mệt mỏi, ban những lời khuyên chân tình thực tế, bằng lòng thương cảm, nhất là bằng việc yêu thương tha thứ. Mỗi khi cha giải tội, mọi người tuốn đến với cha rất nhiều, dù hàng rất dài và phải chờ lâu. Đến mùa lễ lớn, các giáo xứ lân cận giải tội cho giáo dân, cha già cũng đáp lời mời luôn sẵn sàng đến giúp mọi người. Cha già nhờ con chở cha đi, như con vẫn dẫn cha đi làm việc tông đồ mục vụ ở các nơi trong hạt Orange. Bởi cha già bị đụng xe 2 lần nên DMV đã không cho cha lái xe nữa.

Cha già rất yêu quê nghèo Việt Nam, nhất là người đói khổ, bệnh tật, trẻ em nghèo không tiền học... Mỗi năm cha về thăm giúp đỡ, ở lại Việt Nam 3 tháng, trong khoảng thời gian những  năm 1990-1998 và 2001-2006. Khi về quê hương đất nước của mình, cha cộng tác với Đức Cha Thuyên, cùng bạn học ngày xưa, để đi giúp đỡ người khuyết tật, cả 500 người, người nghèo khổ, trẻ em thất học, mồ côi... Ngài còn vận động được nhiều nữ tu, gây phong trào LTXC ở các nơi, cho đến bây giờ, họ vẫn tiếp tục cầu nguyện lúc 3 giờ chiều.

Con còn nhớ, vào năm 2007, với sự đồng ý của Cha Sơn, Cha Đức Minh kêu gọi quyên góp tiền về Việt Nam để cha mua miếng đất nhỏ làm "nghĩa trang đồng nhi" cho các thai nhi và các em khuyết tật ở Xã Đoài, Vinh, bên cạnh Tòa Giám mục, sau nhà hưu dưỡng của các cha, để làm nơi chôn cất các thai nhi, do các Sơ Thừa Sai Bác Ái và các thày phụ trách việc chôn cất. Từ đó đến nay, mỗi năm cha già vẫn tiếp tục gửi tiền về giúp đỡ, để các thày và các sơ chăm lo, khi có em khuyết tật nào về với Chúa cũng được chôn cất ở đây: Trung Tâm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolô II / Hà Tĩnh. Cha già còn đỡ đầu cho nhà trẻ em khuyết tật Thánh Giuse, theo tên cũ. Sau đó, chính quyền đặt lại tên là Trung Tâm Mồ Côi Khuyết Tật Mười Chín Tháng Ba (19/3) cho đến bây giờ, nơi Nhóm TĐCTT chúng con đã ghé thăm và tặng quà, như cha già đã nhắn nhủ dặn dò chúng con trước khi về, trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2016, chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên tại quê hương đất nước vào chính Năm Thánh Thương Xót lần đầu tiên của Giáo Hội trong thời vị giáo hoàng thương xót Phanxicô.

Cha không về Việt Nam năm 2007 và 2008, vì chính quyền Việt Nam không cấp visa cho cha. Nhưng đến năm 2009, cha lại tiếp tục về Việt Nam, hai năm một lần, để làm việc bác ái, bằng những đồng tiền cha dành dụm được, từ nhiều giáo dân giúp đỡ. Cả các em nghèo không tiền học, hay những gia đình đói đông con, bệnh tật... Cha giúp đỡ thường xuyên hằng năm. Không về, thì cha gửi tiền về, lúc 20 ngàn, lúc 10 ngàn Mỹ kim, cho các Sơ Thừa Sai Bác Ái chăm lo.

Ngoài ra, có những buổi chiều hằng tuần, vào tháng chúng con đi lo ăn cho những người anh chị em vô gia cư - feed homelss tại các khu cư trú shelter ở Santa Ana, ở Los Angeles, hay dọc đường, con có hỏi cha già đi không? Cha sẵn sàng đi theo chúng con. Cha rất vui đi ngay. Hoặc những lúc đi công tác thăm viếng ở trên xe của con, con thường có đồ để cho homeless, như bánh kẹo, nước chai, áo lạnh, dọc đường, thấy ai là cha già bảo con ghé vào để cha đưa cho người anh chị em đó quà, và cả Chuỗi Mân Côi nữa. Cha giơ tay chào, ban phép lành cho họ; họ rất vui, chắp tay gật đầu... Nét mặt cha già vui thấy rõ.

Cha già của chúng con là thế đấy! Là người cha khiêm nhường, hiền lành, yêu thương mọi người. Ôi tấm lòng yêu Chúa bao la, thương Chúa biết bao của Bố già Đức Minh!

 

Nhóm Xin Vâng