SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 


Tuần 
XXXIII Thường Niên Năm B (Chúa Nhật) Năm Chẵn (trong tuần)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: Ðn 12, 1-3

"Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát".

Bài trích sách Tiên tri Ðaniel.

Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.

Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời.

Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Xướng: 1) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.

2) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát. - Ðáp.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 10, 11-14. 18

"Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời".

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Kh 2, 10c

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 13, 24-32

"Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

"Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi".

Ðó là lời Chúa.





Suy niệm

 


Chủ đề sự sống từ Mùa Phục Sinh được tiếp tục kéo dài suốt Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh ở Phụng Vụ Chúa Nhật mỗi Chúa Nhật hằng tuần, bao gồm cả Tuần XXXIII Thường Niên Năm B hôm nay.

Thật vậy, sự sống ở đây không phải là sự sống về thể lý, sự sống ở đời này mà là sự sống thần linh bất diệt ở đời sau, sự sống không bao giờ qua đi, cho dù trời đất trong vũ trụ này có qua đi khi tới ngày cùng tháng tận của chúng.

Đó là lý do Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay, được trích từ Sách Tiên Tri Đaniên, đã tiên báo về số phận của thành phần được cứu độ, nghĩa là thành phần "có tên được ghi trong sách", thành phần "sẽ được hưởng phúc trường sinh" sau thời gian "an giấc trong bụi đất chỗi dậy", chứ không phải thành phần cũng "chỗi dậy từ trong bụi đất" nhưng "bị tủi nhục muôn đời".

Chưa hết, Bài Đọc 1 còn báo trước về tác dụng của sự sống thần linh nơi thành phần được cứu độ ấy nữa, qua hình ảnh vinh quang rạng ngời của họ như thế này: "Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời".

Tuy nhiên, để được cứu độ, con người cần phải có đức tin và đức tin thì cần được thử thách, nhất là vào giai đoạn cuối thời, những gian nan thử thách vào thời cuối bấy giờ hết sức kinh hoàng khủng khiếp, đến độ, như Bài Đọc 1 tiên báo: "đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ".

Đúng thế, chính vì "nếu giai đoạn ấy không được rút ngắn lại thì không một con người nào được cứu độ" (Mathêu 24:22), mà trong Bài Đọc 1 hôm nay còn cho thấy một chi tiết then chốt rất quan trọng nữa là: "Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi". 

Chính vì ơn cứu độ là do Thiên Chúa, chứ không phải bởi nguyên "công nghiệp" của con người, hay nói đúng hơn, để được cứu độ, được vĩnh viễn hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, con người chấp nhận ơn cứu độ bằng niềm tin còn phải biết luôn đáp ứng ơn cứu độ nữa, nghĩa là phải biết sống "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) cho đến cùng: "ai bền vững đến cùng s được cứu độ" (Mathêu 24:12).

Bài Đáp Ca hôm nay đã chất chứa cảm thức đầy xác tín của những ai sống đức tin tuân phục, luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, ở chỗ: "luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt". Và cho dù có bị Ngài thử thách, như Ngài "bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ", họ vẫn "không nao núng", tới độ: "lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn". Nhờ đó, nhờ kiên trì sống theo "đường lối trường sinh" mà cuối cùng họ được hoan hưởng "sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!"

Thật vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài, nơi Đấng Thiên Sai Cứu Thế, vị mà, như Bài Đọc 2 hôm nay cho biết: "khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đy, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người". 

Là Thượng Tế xuất phát từ chính Thiên Chúa chứ không phải chỉ thuần túy là loài người mà Chúa Kitô chỉ cần hiến mình làm hy tế cứu độ một lần là có giá trị vĩnh viễn, có giá trị vô cùng, chứ không như "mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi", được Thánh Phaolô nói đến ở đầu Bài Đọc 1 hôm nay. 

Vâng, công ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống có một giá trị vĩnh viễn và vô cùng, bởi Người là Thiên Chúa, là Đấng vô cùng, một ơn cứu độ bởi thế chẳng những cứu được cả thế giới này, mà còn cứu được muôn vàn ức triệu thế giới khác nữa, cho dù mỗi thế giới kéo dài cả trăm ngàn triệu năm, và loài người có phạm vô số tội không thể nào đếm được, và phạm những tội vô cùng khủng khiếp nhất.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô đã cứu độ nhân loại rồi mà sự dữ vẫn còn tồn tại trên thế giới này, đến độ càng ngày càng gia tăng và kinh hoàng như thể tận thế đến nơi rồi vậy? 

Phải chăng là vì ơn cứu độ của Người và ở nơi Người, một ơn cứu độ vĩnh viễn hiệu lực, đã thắng được tất cả mọi quyền lực sự dữ (xem 1Gioan 3:6), đã "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:19), cần phải được hiện thực trên cả thế giới này cũng như nơi từng người, để cho thấy rằng "dù quyền lực hỏa ngục cũng không thể nào phá được" (Mathêu 16:18), "cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người". 

Biến cố Chúa Kitô tái giáng, theo chiều hướng ấy, là biến cố Người chính thức và công khai tỏ mình ra trước toàn thể muôn dân, chứ không phải chỉ riêng Dân Do Thái như lần đầu Người đến thế gian này, và vì thế Người cũng không phải tỏ ra mình ra như xưa trước mặt dân Do Thái như một tên tử tội bị treo trên thập tự giá không thể nào cứu được mình bằng cách tự mình xuống khỏi thập giá (xem Mathêu 27:42-43), mà là tỏ mình ra như một Đấng toàn thắng hiển vinh và toàn quyền chung thẩm muôn dân.

Trong Bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Marco đã chứng thực điều ấy, chứng thực là Chúa Kitô tái giáng là để tỏ mình ra như một Đấng toàn thắng hiển vinh và toàn quyền chung thẩm muôn dân, khi ngài ghi lại chính lời của Chúa Giêsu báo trước hình ảnh Người đến như một Đấng toàn thắng hiển vinh và toàn quyền chung thẩm muôn dân như thế này: 

"Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất".

Những gì được Chúa Kitô báo trước về ngày cùng tháng tận ở Bài Phúc Âm hôm nay, có những chi tiết cần phải lưu ý sau đây:

1- Biến cố Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai chỉ xẩy ra vào thời điểm "sau cảnh khốn cực", như Tiên Tri Đaniên đã tiên báo trong Bài Đọc 1 hôm nay: "thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ". Có thể hiểu là thời điểm thử thách cuối cùng liên quan đến một cuộc khủng hoảng đức tin chưa từng thấy, như chính Chúa Giêsu đã báo trước rằng "không biết khi Con Người đến có còn thấy đức tin trên thế gian này nữa hay chăng" (Mathêu 18:8). Vậy khi xẩy ra dấu chỉ thời đại là càng ngày càng mất đức tin thì biết rằng Chúa Kitô sắp sửa xuất hiện - phải chăng đang ứng nghiệm với giai đoạn lịch sử càng ngày càng quái gở trên thế giới hiện nay?

2- Biến cố Chúa Kitô xuất hiện lần thứ hai, như Bài Phúc Âm hôm nay cho biết, trước khi mở màn còn diễn ra một hiện tượng khác nữa, đó là: "mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển". Ở đây có thể hiểu cả về thể lý của vũ trụ này lẫn tâm linh của con người. 

Về thể lý, bởi vì không một cái gì là thụ tạo, dù là mặt trời cùng tinh tú tồn tại hầu như bất tận cũng phải tận, theo bản chất hữu hạn của chúng. Phải chăng chính con người càng văn minh càng gây nguy hiểm cho thiên nhiên tạo vật hiện nay, đến độ đang làm biến động cả trời đất, hết sức nguy hiểm đến số mệnh của chung loài người? 

Về tâm linh, bởi vì nếu đức tin được so sánh và đóng vai trò như ánh sáng, nên mới gọi là "ánh sáng đức tin - lumen fidei" (nhan đề của bức Thông Điệp được ĐTC Phanxicô ban hành ngày 29/6/2013), thì hiện tượng tối tăm xẩy ra bởi mặt trời, mặt trăng cùng các tinh tú trên bầu trời đây có thể hiểu về tình trạng khủng hoảng đức tin đang xẩy ra nơi thành phần "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), ở chung Kitô hữu (như tinh tú trên trời "hầu hết đã ra nguội lạnh" - Mathêu 24:12), nhất là riêng các đấng bậc trong Giáo Hội (sống theo tinh thần thế gian, thậm chí còn lạm dụng tình dục v.v.).

Hai biến cố trên đây là những dấu hiệu rõ nhất báo hiệu Chúa Kitô sắp sửa quang lâm tái giáng. Bởi thế, cho dù Chúa Giêsu, ở cuối bài Phúc Âm đã khẳng định: "Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi", Người vẫn xác nhận một cách dứt khoát và chắc chắn đến độ Người đã quả quyết trong cùng bài Phúc Âm: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi", về hai biến cố trên đây trước khi Người xuất hiện: "khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi".  

Thật ra, không phải là Chúa Kitô không biết được chính xác thời điểm tận thế, tức thời điểm "ngày đó hay giờ đó" để Người xuất hiện thì làm sao Người thực hiện được. Nếu vậy thì Người chẳng khác gì như một diễn viên đóng kịch mà chẳng biết lúc nào xuất hiện. Người biết nhưng biết không phải để nói ra, để tiết lộ, mà là để giữ kín. Như trường hợp một người chứa gạo trong nhà, và người khác đến xin gạo, họ nói là không có gạo, không phải là họ nói dối, vì gạo ấy thuộc về một người khác gửi họ giữ chứ không phải của họ để có quyền cho người khác

Không như các thiên thần là tạo vật không biết về thời điểm tận thế như con người, dù các ngài cũng tham dự vào biến cố cánh chung tận cùng này của loài người, như Sách Khải Huyền cho thấy, Chúa Kitô, với bản tính thần linh của mình, Người cũng biết về ngày giờ Người cần phải xuất hiện, nhưng không phải để tiết lộ ra, mà là giữ kín, nhờ đó loài người mới luôn hướng về Người và trông đợi Người đến, bằng một lòng tin tưởng mãnh liệt, bất chấp mọi gian nan khốn khó dù khủng khiếp như chưa bao giờ xẩy ra, có thế họ mới xứng với ơn cứu độ vô cùng quí báu của Người, và mới đáng hoan hưởng sự sống thần linh vinh phúc vĩnh hằng của Người và với Người: 

"Người sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa tội mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đời Người" (Do Thái 9:28).

 

Ngày 17 tháng 11

Thánh nữ Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

lễ nhớ bắt buộc

Why This Princess Chose the Poor, Service & Charity Over Wealth & Her Crown  | EWTN Ireland

Tiểu sử 
Thánh nữ sinh năm 1207. Năm lên mười bốn tuổi, thân phụ là An-rê, vua Hung-ga-ri, đem gả cho Lu-y miền Thu-rin-gi-a. Cả hai sống hạnh phúc được sáu năm, sinh được ba người con trai. Cả hai người đều nỗ lực sống lý tưởng của thánh Phan-xi-cô trong bậc gia đình. Năm 1227, Lu-y qua đời, chị đã nghe theo lời mời gọi sống đời nghèo khó, tận tâm phục vụ các bệnh nhân. Vì thế sức khoẻ chị sớm hao mòn và chị đã qua đời ở Mác-bua năm 1231.

 

Thánh nữ Ê-li-sa-bét nhận ra và yêu mến Đức Ki-tô nơi người nghèo

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách 17/11)

 

Trích thư của cha Côn-rát thành Mác-bua, linh hướng của thánh nữ, gửi đức thánh cha Ghê-gô-ri-ô IX, năm 1232.

Bà Ê-li-sa-bét sớm bắt đầu trổi vượt về các nhân đức. Cũng như suốt đời, bà đã là người an ủi những người nghèo, thì bây giờ bà hoàn toàn trở nên vị cứu tinh của những người đói. Bà ra lệnh xây một nhà thương gần lâu đài của mình, đón về đó nhiều người đau yếu tàn tật. Đối với mọi người đến xin của bố thí, bà đã làm các việc từ thiện cách rộng rãi, ở đây cũng như trong toàn lãnh thổ thuộc quyền cai trị của chồng bà. Bà đã phân phát tất cả hoa lợi do bốn lãnh địa của chồng bà đem lại, thậm chí cuối cùng bà đã cho bán hết cả đồ trang sức và y phục quý giá để giúp người nghèo.

Bà có thói quen mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, đích thân thăm viếng tất cả các bệnh nhân của bà. Những người bị bệnh ghê tởm nhất thì bà trực tiếp săn sóc, cho người này ăn, đỡ người kia nằm xuống, vác kẻ khác trên vai, và còn làm nhiều việc từ thiện khác nữa. Chồng bà, một người mà ai cũng thương nhớ, không bao giờ tỏ ra khó chịu vì những việc bà làm. Sau khi ông qua đời, bà muốn hướng tới sự hoàn thiện cao nhất, nên đã khóc lóc nài van con cho phép bà được đi ăn xin từ nhà này qua nhà khác.

Một ngày thứ Sáu Tuần Thánh kia, sau khi người ta đã lột khăn các bàn thờ, bà đã đặt tay trên bàn thờ một nhà nguyện trong thành của bà, nơi bà đã cho các Anh Em Hèn Mọn ở, trước sự hiện diện của một số nhân chứng, bà đã nguyện từ bỏ ý riêng, từ bỏ mọi vinh hoa của thế gian và những gì mà trong Tin Mừng, Đấng Cứu Thế đã khuyên từ bỏ. Sau đó, vì bà thấy rằng mình có thể bị chi phối bởi cảnh huyên náo của thế gian và vinh quang trần thế, trong đó bà đã sống cách vẻ vang khi chồng bà còn sống, nên bà đã theo con đến Mác-bua mặc dầu con không muốn. Trong thành này, bà xây một nhà thương, đón về đó những người đau yếu tàn tật, và cho những người khốn khổ nhất, những người bị khinh rẻ nhất, ngồi ăn cùng bàn với bà.

Ngoài những hoạt động bác ái bà làm, con xin tuyên bố trước mặt Thiên Chúa rằng con hiếm thấy một người phụ nữ nào có đời sống chiêm niệm cao hơn. Một số tu sĩ nam nữ đã nhiều lần thấy rằng : khi bà cầu nguyện một mình xong và đi ra thì bộ mặt bà toả sáng lạ lùng, và từ mắt bà phát ra những tia sáng như tia sáng mặt trời.

Trước lúc bà qua đời, con đã giải tội cho bà ; khi hỏi bà phải định đoạt thế nào về của cải và đồ đạc bà để lại, bà trả lời rằng tất cả những gì bà xem ra còn sở hữu đều là của người nghèo. Bà xin con phân phát tất cả cho họ trừ chiếc áo cũ bà đang mặc, và bà muốn được chôn cất cùng với chiếc áo ấy. Nói xong, bà rước Mình Thánh Chúa. Từ đó đến chiều, bà năng nói về những điều hay nhất bà đã nghe trong các bài giảng. Sau đó, bà sốt sắng phó thác cho Thiên Chúa mọi người đang hiện diện, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng như thiếp ngủ vậy.

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh nữ Ê-li-sa-bét nhận ra và tôn kính Đức Ki-tô nơi người nghèo khổ, xin nhậm lời thánh nữ chuyển cầu, mà ban cho chúng con luôn hết lòng mến yêu phục vụ những ai đang lâm cảnh khốn cùng. Chúng con cầu xin

 

 Thánh Nữ Elisabeth thành Thüringen - Đức


- Ngày lễ kính hàng năm trong Giáo Hội: 17 tháng 11
- Ngày lễ kính tại Giáo Hội Đức: 19 tháng 11
- Sinh năm 1207 tại Sárospatak miền Bắc Hung Gia Lợi
- Qua đời ngày 17-11-1231 tại Marburg - Đức
- Tên Elisabeth có nghĩa theo tiếng Do Thái: Thiên Chúa là sự giàu có
- Phong thánh vào năm 1235 bởi ĐGH Gregor IX.


Elisabeth là con gái đức vua Andreas II của Hung Gia Lợi. Trong năm sinh của Elisabeth có một cuộc giao lưu thi hòa nhạc nổi tiếng trong thành Wartburg gần thành phố Eisenach thuộc miền Thüringen. Tương truyền trong thơ phú và huyền thoại cho rằng lúc đó có mặt của các tài danh Hung Gia Lợi và nơi đây nói về tương lai của công chúa Elisabeth.

Vào năm 4 tuổi Elisabeth đã được hứa hôn với quận chúa Herman lúc đó 11 tuổi. Từ đó Elisabeth được giáo dục theo lối người Đức và sau đó Elisabeth được gửi đến Thüringen dưới sự dẫn dắt của mẹ chồng tương lai là bà Sophie. Cách thế này đã có người dì ruột (em của mẹ) của Elisabeth đã làm gương, đó là quận chúa Hedwig của Schlesien (sinh năm 1174 và qua đời ngày 15.10.1243, sau này được phong thánh và là vị nữ thánh nổi tiếng của người Đức, Thánh Hedwig được kính vào ngày 16 tháng 10). Nhưng vào năm 1216 Herman chết sớm khi Elisabeth mới được 9 tuổi. Năm sau cha của Herman cũng qua đời. Việc nối ngôi cai trị vùng Thüringen được trao cho người em là Ludwig lúc đó còn là vị thiếu niên. Đến lúc trưởng thành Ludwig lên ngôi và lấy danh hiệu Ludwig IV. Elisabeth khi ấy còn nhỏ và vẫn sống trong dinh quận chúa. Elisabeth sống đời đạo hạnh, hiền từ và có vẻ đẹp nhu mì. Điều này làm cho quận vương Ludwig để ý đến chị. Từ khi Herman qua đời cho đến lúc này thì có sự quyết định đưa Elisabeth trở về Hung Gia lợi. Nhưng Ludwig nhung nhớ yêu thương Elisabeth và tỏ ý cầu hôn giữ chị lại trong thành Wartburg. Năm 1221 Ludwig cưới Elisabeth lúc đó đúng 14 tuổi.

Một gia đình trẻ hạnh phúc và Elisabeth sinh được 3 người con. Vào năm 1225 các cha dòng Phanxicô đến Eisanach giảng dạy. Elisabeth thích đường lối nhà dòng là sống không cần của cải. Từ đó chị Elisabeth chăm sóc đến người bệnh hoạn, nghèo khó, thăm viếng các khu nhà ổ chuột. Việc này được chồng chị ủng hộ, nhưng họ hàng bên chồng chê bai cho là hoang phí tiền của. Họ nhà chồng vu oan chị lan ra những vùng xung quanh, nhưng chị luôn can đảm xác tín việc mình làm.

Truyền thuyết tường truyền rằng khi chị chăm sóc một người bệnh cùi và bị người nhà bắt gặp. Chị dấu người cùi trong chiếc mền đắp, người nhà lật tung lên và lúc đó chỉ thấy một cây thánh giá Chúa Giêsu bị đóng đinh trong chiếc mền ấy. Khi nạn đói vào năm 1226 xảy ra trong vùng, chị Elisabeth đã lấy hết thóc gạo và tiền của trong quỹ trợ giúp người nghèo. Lúc này nhà chồng khắc nghiệt lên án chị, thì chính lúc đó tự nhiên trong sân rơi đầy và phủ kín những hạt lúa mì. Người ta chất chứa vừa đủ vào các kho nẫm như cũ. Khi vua Friedrich II đến thăm Wartburg và quận chúa Ludwig tổ chức tiệc đón chào nhà vua thì lúc đó Elisabeth không còn chiếc áo đẹp nào cả để mặc chào đón đức vua, khi ấy có một thiên thần hiện đến trang điểm cho chị Eliasabeth lộng lẫy nhất trong bữa tiệc.

Phép lạ giỏ hoa hồng nổi tiếng nhất được truyền tụng cho đến ngày nay khi nói về Thánh Nữ Elisabeth. Người chồng Ludwig bị họ hàng lung lạc và reo vãi sự nghi kỵ về sự hoang phí nơi chị Elisabeth. Một hôm Elisabeth từ trên thành đi xuống với chiếc giỏ được cất dấu bánh mì vào trong đó. Bỗng chị nghe được tiếng của chồng: “Em đang mang gì vậy?”. Ludwig vội vàng đến bên chi hất tung tấm khăn che chiếc giỏ và chỉ thấy những cánh hồng đẹp nằm gọn trong đó. Tương truyền này được vẽ thành những bức họa chiếc giỏ bông hồng tượng trưng cho Thánh Nữ Elisabeth.

Vào năm 1227 Quận chúa Ludwig tham dự vào đoàn quân thứ 5 của Thập Tự Quân tại vùng Brindisi của Ý. Nơi đây ông ngã bệnh và qua đời sau 6 năm thành hôn với Elisabeth. Chị thật đau khổ thổn thức: „Với người chồng thương yêu một thế giới đã chết trong tôi”. Đau khổ hơn nữa, khi chưa đón được xác chồng từ mặt trận thì chị Elisabeth bị em chồng là Heinrich Raspe xua đuổi khỏi thành Wartburg với lý do phung phí tài sản chung vì người nghèo. Xuống phố Eisenach không tìm được chỗ nương náu, chị và 3 đứa con phải tá túc trong một chuồng nuôi heo. Sau một thời gian đoàn quân viễn chinh trở về với hài cốt của chồng cũng như chiếc nhẫn cưới được bảo quản trao lại cho Elisabeth. Sau khi chôn cất và qua sự can thiệp của ĐGH Gregror IX chị Elisabeth và 3 con được hưởng một phần gia tài.

Năm 1229 theo lời khuyên của cha linh hướng dòng Phanxicô là linh mục Konrad, chị Elisabeth rời Eisanach đến Marburg sinh sống theo tinh thần khó nghèo dòng Ba Phanxicô và hãm mình theo luật dòng. Chị đi gõ cửa từng nhà để xin ăn. Chị từ chối tất cả của cải mình được hưởng. Tuy nhiên theo sự hướng dẫn của cha linh hướng chị Elisabeth dùng gia sản này xây dựng một nhà thương lớn phục vụ người nghèo tại Marburg vào năm 1229 và đặt tên là nhà thương Thánh Phanxicô. Nơi đây chị phục vụ người nghèo như là một y tá cho đến khi qua đời.

Vào tháng 11 năm 1231 sức khỏe của Elisabeth yếu đuối và sa sút. Vài ngày trước khi qua đời chị được nhìn thấy một viễn tượng: một con chim bay đến gần chị hót vang như muốn mời gọi chị cùng hát lên. Khuôn mặt chị trở nên tươi sáng và trút hơi thở cuối cùng lúc 24 tuổi. Một cuộc sống kết thúc vì hy sinh tận tụy vì người nghèo, vì lo lắng cho người khác. Chị Elisabeth được chôn cất ngay trong nhà thương Thánh Phanxicô tại Marburg.

Chỉ 4 năm sau, vào năm 1235 công cuộc phong thánh đã được thực hiện nhanh chóng cho chị Elisabeth bởi ĐGH Gregor IX vì những nhân đức tuyệt vời phục vụ tha nhân. Người cùng thời là thánh nữ Mechthild von Magdeburg (von Helfta) - sinh năm 1208 và mất năm 1282 đã nhận định về chị Elisabeth như sau: “Đây là một sứ giả cho giới phụ nữ với cuộc sống tiết hạnh, tránh xa được lối cuốn xa hoa, diệt trừ các ích kỷ nhỏ nhen. Elisabeth được sinh ra như thế. Chị là gương mẫu cho những người nữ, là mẫu đo về sức mạnh và ý muốn”.

Tôn Kính Chị Thánh Elisabeth tại Đức:

- Năm 1245 trên hộp đựng xương thánh của Elisabeth được khắc ghi các dòng chữ “Gloria Teutonia” (Vinh danh nước Đức)
- Năm 1283 một đại thánh đường kiểu Gotik đầu tiên tại Đức thuộc thành phố Marburg được xây dựng kính Thánh Nữ Elisabeth.
- Vào thế kỷ 13 những dòng thác hành hương đến Marburg kính Thánh Elisabeth rất đông, người ta ví tầm quan trọng như nơi hành hương nổi tiếng Santiago de Compostela, vì ảnh hưởng của Thánh Elisabeth thời đó rất rộng lớn.
- 1907 sự tôn kính Thánh Nữ Elisabeth được lan rộng trong vùng Đức và Áo vào dịp mừng sinh nhật thứ 700 của chị Thánh.
- 2007 toàn nước Đức tổ chức năm hành hương Thánh Elisabeth tại giáo phận Erfurt dịp mừng sinh nhật thứ 800 của chị Thánh.
- Thành phố Kosice, phiá bắc nơi Elisabeth sinh ra đã trở thành một trung tâm tôn kính chị Thánh.
- Tại Đức hoa hồng là biểu tượng của Thánh Nữ Elisabeth
- Tại Đức nhiều địa danh và các hội đoàn nhận Thánh Nữ Elisabeth làm bổn mạng bảo trợ: Tiểu bang Thüringen và Hessen, Caritas Đức, các lò bánh mì, trẻ em mồ côi, người xin ăn, người bệnh nhân, người đau khổ, những người vô tội bị bắt bớ.
- Caritas Đức mỗi năm đều tổ chức cho hàng trăm ngàn thành viên thiện nguyện mừng lễ quan thày kính Thánh Nữ Elisabeth vào ngày 19 tháng 11.
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn

 

http://dongcong.net/CacThanh/GuongCacThanh/Thang11/Nov17.htm


 

 


Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 1, 1-4; 2, 1-5a

"Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải".

Khởi đầu sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Mạc khải của Ðức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người các điều sắp xảy ra. Vậy Người đã sai thiên thần loan báo cho tôi tớ người là Gioan, và Gioan làm chứng rằng tất cả những gì ông đã thấy là lời của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giêsu Kitô. Phúc cho ai đọc và nghe các lời tiên tri này, cùng tuân giữ những điều đã chép trong đó, vì thời giờ đã gần.

Gioan kính gởi bảy Giáo đoàn ở Tiểu Á. Nguyện chúc ân sủng và bình an cho anh em do từ Ðấng đang có, đã có và sẽ đến và do từ bảy thần linh đứng trước ngai của Người.

Tôi nghe Chúa phán bảo tôi: "Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Êphêxô rằng: 'Ðây là lời của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng. Ta biết việc làm của ngươi nổi bật và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung kẻ bất lương; ngươi đã thử thách những kẻ tự cho mình là tông đồ, mà kỳ thực thì không phải, nhưng ngươi đã thấu rõ họ là hạng gian dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn, ngươi đã chịu đựng vì danh Ta mà không sờn lòng. Nhưng Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu' ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 16, 31

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 18, 35-43

"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 



Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Một con người mù tối mà vẫn thấy được ánh sáng chiếu soi


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên, cũng là bài Phúc Âm theo Thánh Marco (10:46-52) được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm B, về phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu "cho một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường".

Tuy nội dung của 2 bài Phúc Âm này được cả hai Thánh Ký Marco và Luca thuật lại giống nhau, nhưng về chi tiết hơi khác nhau một chút. Chẳng hạn ở những chi tiết rõ ràng sau đây:

Trước hết, về nơi xẩy ra phép lạ Chúa, trong khi Thánh ký Marco thuật lại rằng "Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô", thì Thánh ký Luca trong bài Phúc Âm hôm nay lại viết rằng "Chúa đến gần thành Giêricô".

Sau nữa, về bản thân của nạn nhân mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường ở thành Giêricô này, trong khi Thánh ký Marco (một vị thánh ký viết Phúc Âm ngắn nhất trong bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm, nhưng lại khá chi tiết về các biến cố xẩy ra) cho biết rõ lý lịch của nạn nhân là "con ông Timê tên là Bartimê", thì Thánh ký Luca lại chẳng nói gì hết.

Còn nữa, về thái độ của người mù ngồi ăn xin bên vệ đường này, trong khi Thánh ký Marco cho biết rõ chi tiết về phản ứng của nạn nhân khi nghe thấy mình được Chúa Giêsu gọi đến là "anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu", thì Thánh ký Luca lại chỉ vắn tắt viết: "anh đến gần bên Người".

Sau hết, về lời truyền chữa lành của Chúa Giêsu phán cùng nạn nhân, trong khi Thánh ký Marco ghi lại rằng: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh", thì Thánh ký Luca ở đây lại chi tiết hơn Thánh ký Marco một chút như thế này: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

Ngoài ra, cả hai vị Thánh ký đều giống nhau ở thái độ của nạn nhân là khi nghe biết có Chúa Giêsu ở đấy thì van xin, và càng bị trấn át thì càng la to hơn, cho đến khi được Người gọi đến, và cũng giống nhau ở câu đối đáp giữa Chúa Giêsu và nạn nhân trước khi phép lạ xẩy ra, đó là Chúa Giêsu hỏi nạn nhân muốn Người làm gì cho nạn nhân và nạn nhân đã xin Người phục quang cho mình. 

Ở đây, để thêm vào các suy niệm và suy diễn đã được chia sẻ cho Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXX Thường Niên Chu Kỳ B, có hai chi tiết khiến chúng ta suy nghĩ không ít:

Chi tiết thứ nhất liên quan đến đấng chữa lành, đó là "Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người", và chi tiết thứ hai liên quan đến nạn nhân được chữa lành: "anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa".

Thật vậy, đây là quả là một vũ điệu thần linh tuyệt vời. Ở chỗ, tác động thần linh từ Đấng Chữa Lành đã được phản hồi hết sức tương xứng bằng một đáp ứng thần linh từ nạn nhân được chữa lành. 

Nạn nhân trước khi được chữa lành không hề dám tự động quẳng áo choàng đứng lên tiến đến gần Chúa Giêsu khi thoạt tiên vừa nghe thấy Người đến gần chỗ nạn nhân đang ngồi ăn xin, mà chờ đợi cho tới khi được Người gọi tới. Thái độ cứ ngồi yên một chỗ đợi chờ không phải là thái độ không nhiệt tình, mà là một thái độ tin tưởng hơn hết, ở chỗ, một đàng thì kêu la van xin cho bằng được, trong khi lại ngồi yên tại chỗ như thể nạn nhân cảm thấy mình hoàn toàn bất xứng không đáng đến gần Chúa Giêsu, cũng như bất lực không thể nào làm gì được nếu không có Người. 

Đúng thế, tác động thần linh bao giờ cũng đến trước đáp ứng thần linh của thụ tạo, như yếu tố thiết yếu và điều kiện bất khả thiếu để thụ tạo nhờ đó và do đó mới có thể bị động, mới có thể cảm động và mới có thể di động theo tác động thần linh. Bởi thế, chỉ khi nghe thấy Chúa Giêsu truyền gọi, nạn nhân mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường ở thành Giêricô này mới đến được và được đến với Người. 

Thực tế sống đạo cũng cho thấy thực tại nàyở chỗ, những ước muốn tốt lành của chúng ta cũng cần phải được Thiên Chúa tác động trước, hơn là tự chúng ta có được, vì chúng ta theo bản tính tự nhiên đã bị hư đi theo nguyên tội, luôn hướng hạ hơn là hướng thượng. Một khi chấp nhận ước muốn tốt lành bởi tác động thần linh khởi động ấy, chúng ta mới bày tỏ lòng khát vọng của chúng ta bằng lời cầu nguyện, nhờ đó Thiên Chúa được dịp ban cho chúng ta chính những gì Ngài đã muốn ban nên đã soi động chúng ta ước muốn trước khi van xin. 

Cuộc hội ngộ thần linh trong bài Phúc Âm hôm nay đã xẩy ra một cách hết sức ngoạn mục. Ở chỗ, nạn nhân khao khát được chữa lành, trong khi Thiên Chúa vô cùng nhân hậu đã sẵn muốn chữa lành cho nạn nhân rồi, và chỉ chờ đến giờ của mình là ra tay lập tức, tức là cho đến khi nghe thấy nạn nhân kêu xin mình thì đáp ứng ngay, như thể Đấng Chữa Lành thụ động còn nạn nhân chủ động, như xẩy ra trong trường hợp được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại. 

Nạn nhân mù ngồi ăn xin hằng ngày ở thành Giêricô tên Bartimê này, chắc đã lâu lắm rồi, với một thân phận nghèo khổ và tương lai mịt mù như bóng tối hằng che phủ đôi mắt của nạn nhân, có ngờ đâu lại bất ngờ được gặp và gặp được Đấng chữa lành cho mình, và như thế, quả thực cuộc đời của nạn nhân đã được Thiên Chúa sử dụng để tỏ mình Ngài ra, giống hệt như trường hợp của người mù từ lúc mới sinh trong Phúc Âm Thánh ký Gioan (9:3).

Phải chăng cảm nhận được như vậy, nạn nhân diễm phúc này đã không còn thiết gì thế gian này nữa, vì nạn nhân được sáng mắt không phải chỉ thấy được ánh sáng tự nhiên mà nhất là thấy được chính "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), một thứ ánh sáng thần linh ban sự sống đã chữa lành cho nạn nhân, và vì thế nạn nhân đã "đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa"? 

Bản thân của nạn nhân đã trở thành một cuộc thần hiển cho Thiên Chúa tỏ mình ra, chẳng những cho chính nạn nhân, mà còn cho cả cộng đồng gần xa của nạn nhân nữa. Mục đích của Thiên Chúa ban ơn cho bất cứ một ai không phải chỉ cho riêng người đó mà còn qua người đó cho các người khác nữa. Bao giờ cũng thế. Đó là nguyên tắc và đường lối tỏ mình ra của Ngài. Bởi thế, bài Phúc Âm hôm nay đã kết luận như sau: "Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa".

Người mù ăn xin bên vệ đường trong Bài Phúc Âm hôm nay, không phải giống như người mù từ lúc mới sinh (xem Gioan 9). Nghĩa là trước đây nạn nhân mù này sáng mắt, rồi sau đó, vì một nguyên nhân nào đó, bị tai nạn ra sao đó, do nhân tai hay thiên tai, mới bị mù và trở nên mù. Vậy khi được Chúa Giêsu chữa lành cho thì nạn nhân trở lại tình trạng sáng mắt như xưa, như thuở ban đầu. Đó là lý do trong Bài Đọc 1 hôm nay, Tông Đồ Gioan mới "nghe Chúa phán bảo tôi: 'Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Êphêxô rằng: 'Ðây là lời của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng... Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu' ".

Đúng thế, những tâm hồn luôn sáng mắt tâm linh, luôn ý thức được thân phận làm người thật là cao quí và ơn gọi làm Con Thiên Chúa chí tôn chí thánh, không bị mù tối bởi đam mê nhục dục, tính mê nết xấu, bởi những khynh hướng vị kỷ và hưởng thụ tự nhiên, bởi những chước cám dỗ của ngụy thần, họ mới được Thánh Vịnh 1 tặng khen ở Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

 

1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

3) Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.


      

Ngày 18/11

 

 Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ

 

12813 Den tho Phero va Phaolo

I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Ngày kỷ niệm cung hiến giáo đường thánh Phêrô (khoảng 350) và thánh Phaolô trên đường Ostia (khoảng 390), cử hành vào ngày 18 tháng 11, đã được nhắc đến ngay từ thế kỷ XI trong một quyển sách viết về cuộc tử đạo của thánh Phêrô. Năm 1568, Đức Giáo Hoàng Piô V đã cho ghi vào lịch phụng vụ Rôma ngày mừng lễ cung hiến này chung cho cả hai thánh đường.

Truyền thống kể rằng vương cung thánh đường thánh Phêrô nguyên thuỷ được hoàng đế Constantinô và các người kế vị xây dựng, được hoàn thành và cung hiến khoảng năm 350. Thánh đường này xây trên mộ của thánh tông đồ Phêrô ở Vaticanô, nằm trên khu nghĩa trang cổ (thế kỷ I và II) của người ngoại giáo và Kitô giáo, tại đây vào cuối thế kỷ II, người ta đã đào xuống thành ba tầng kế tiếp nhau. Một linh mục người Rôma tên là Caius, dưới thời Đức giáo hoàng Zéphirin († 217), đã để lại một chứng từ về tầng thứ ba của khu nghĩa trang, và được giám mục sử gia Eusèbe thành Césarê thuật lại: “Phần tôi, tôi có thể chỉ cho bạn thấy những chứng tích (phần mộ hay hài cốt) của các tông đồ. Nếu bạn đến Vatican hay trên đường Ostia, bạn sẽ thấy chứng tích của các vị đã sáng lập Hội Thánh.” (Lịch Sử Hội Thánh II, 25-7). Những cuộc khai quật ở thánh đường thánh Phêrô (1940-1949), dưới thời Đức Piô XII, đã khám phá ra khu nghĩa trang này, và có vẻ như đã khám phá ra phần mộ của thánh Phêrô.

Vào thế kỷ XV, dưới thời Đức Giáo Hoàng Nicolas V, người ta phá ngôi thánh đường cổ lúc đó đã đổ nát, nhưng việc xây dựng lại ngôi thánh đường này chỉ bắt đầu dưới thời Đức Giáo Hoàng Jules II (1503-1513). Đức giáo hoàng đã chọn mẫu thiết kế hình chữ thập Hy lạp của Bramante (1506). Công trình được kiến trúc sư Maderna thực hiện từ 1606 đến 1617. Theo lệnh Đức Giáo Hoàng Phaolô V, ông Maderna nối dài lòng nhà thờ thành hình chữ thập la-tinh và vẽ thiết kế phần mặt tiền. Michel-Angelo (1546) vẽ phần vòm thánh đường và phần này đã hoàn tất năm 1590. Bên dưới vòm là khu Thánh Phê-rô tuyên xưng, gồm nhà hầm mộ thánh tông đồ và bàn thờ chính đặt trên một phương du bằng đồng, tác phẩm của Bernin (1624). Công trường thánh Phê-rô, với hai hàng cột đặt theo hình bán bầu dục, cũng là tác phẩm của Bernin. Thánh đường thánh Phêrô được Đức Đức Giáo Hoàng Urbain VIII cung hiến lại năm 1626.

Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoài thành, theo truyền thống, cũng do hoàng đế Constantin và các người kế vị xây dựng trên mộ thánh Tông đồ. Được Đức Giáo Hoàng Sirice cung hiến vào cuối thế kỷ IV; một cuộc hỏa hoạn đã tàn phá thánh đường vào năm 1823 và được xây dựng lại theo cùng mẫu thiết kế cũ. Thánh đường được Đức Giáo Hoàng Piô IX cung hiến lại ngày 10 tháng 12 năm 1854, với sự tham dự của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới qui tụ về nhân dịp công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tuy nhiên, vì việc mừng kính thánh Phaolô trong phụng vụ không thể tách rời việc mừng lễ thánh Phêrô, nên lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường này (ngày 10 tháng 12) cũng được gộp chung vào ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường thánh Phêrô (18 tháng 11).

https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/hanh-cac-thanh/12813-ngay-18-11-cung-hien-den-tho-thanh-phero-va-den-tho-thanh-phaolo-o-roma.html

 

Hoàng đế Roma Constantino năm 323, sau khi công nhận đạo Công Giáo, mở ra kỷ nguyên chấm dứt thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị bắt bớ bách hại trong toàn đế quốc Roma, đã cho xây dựng Vương cung thánh đường trên ngôi mộ Thánh Phêrô ở chân đồi Vatican. Phần phía Nam của thánh đường nằm ở bên phần sân diễn trò xiếc giải trí của vua chúa Roma, nơi đây Thánh Phêrô dưới thời Hoàng đế Nero đã bị hành quyết đóng đinh ngược tử vì đạo năm 67 sau Chúa giáng sinh.

 

Ngôi mộ của Thánh Phêrô nằm ngay dưới bàn thờ chính của đền thờ. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio XII. vào thế kỷ 20. đã có cuộc khai quật khảo cổ, và tìm thấy ngôi mộ cùng dấu tích sùng kính Thánh Phêrô của giáo hữu thời xa xưa hồi thế kỷ thứ nhất và thứ hai.

 

Theo truyền thuyết kể lại, ngôi đền thờ thời Constantino được Đức Giáo Hoàng Silvester I thánh hiến ngày 18.11.326, và ngôi đền thờ được xây dựng hoàn thành vào giữa thế kỷ thứ 4 sau khi hoàng đế Constantino qua đời.

 

Trong thời kỳ các Đức Giáo Hoàng sống lưu vong ở Avignon bên Pháp từ 1309 – 1377, đền thờ bị xuống cấp hư hại. Nhưng sau đó từ năm 1450 đền thờ được sửa chữa lại. Sau cùng dười thời Đức Giáo Hoàng Julius II. năm 1506 ngôi đền thờ cũ có tuổi thọ 1200 năm bị phá hủy hoàn toàn. Và ngài đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi đền thờ mới như đang thấy ngày nay.

 

Công trình xây dựng đền thờ mới do Kỹ sư Bramente vẽ họa đồ và Kỹ sư Michelangelo thực hiện. Công việc xây dựng kéo dài trên 100 năm. Ngôi đền thờ mới cũng được xây ngay trên ngôi mộ của Thánh tông đồ Phêrô, và là thánh đường lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Urbano VIII. đã làm phép thánh hiến khánh thành ngôi đền thờ mới cũng vào ngày 18.11.1626, mà trước đó 1300 năm ngôi đền thờ cũ thời vua Constantino ngày 18.11.326 cũng đã được làm phép thánh hiến.

 

Đền thờ Thánh Phêrô là công trình xây dựng trổi vượt về hình thức nghệ thuật, và mang ý nghĩa trung tâm điểm của Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu.

 

Công trình này được các vị kỹ sư cùng điêu khắc danh họa góp công sức thực hiện từ Bramante đến Raffael, Peruzzi, Michaelangelo, Giacomo della Porta, phần trang trí nghệ thuật do những kiệt tác của danh họa thiên tài Michaelangelo, Bernini và nhiều người khác nữa.

 

Thánh Phaolô là vị Tông đồ dân ngoại đã loan truyền tin mừng Chúa Giêsu Kitô từ bên vùng Trung Đông nước Do Thái sang tận Âu châu. Đi tới đâu Ông thành lập Giáo đoàn Kitô giáo, và viết 14 thư mục vụ, như nền tảng giáo lý, gửi các Giáo đoàn Kitô giáo. Và sau cùng vào khoảng năm 64. chết chịu tử vì đạo dưới thời hoàng đế Nero ở Roma.

 

Ngay từ năm 200 đã có bảng ghi nhớ tưởng niệm ngôi mộ Thánh Phaolô ở Via Ostia. Hoàng đế Constantino theo dấu chứng đó đã cho xây ngôi đền thờ ở ngoài thành Roma năm 324 để kính Thánh Phaolô, và được Đức Giáo Hoàng Sylvester thánh hiến.

 

50 năm sau, năm 374 Hoàng đế Theodosius I. cho xây mở rộng ngôi đền thờ to lớn thêm ra. Đến thời Đức Giáo Hoàng Leo I (trị vì từ 440-461) ngôi đền thờ được xây dựng hoàn thành. Tháng Bảy 1823 ngôi đền thờ thời Constantino bị trận hỏa hoạn thiêu hủy hư hại nặng, chỉ phần hậu cung thánh với những bức tranh Mosaic từ thế kỷ thứ 5 và 13 còn nguyên vẹn không bị cháy.

 

Ngôi đền thờ mới kính thánh Phaolô ngoại thành được xây dựng lại ngày 10.12.1855 dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio IX. được làm phép thánh hiến.

 

Trong vương cung thánh đường Thánh Phaolô ở trên phần đầu tường chung quanh có hình vẽ khắc kiểu Mosaic các Đức Giáo Hoàng của Hội Thánh Công Giáo từ Thánh Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi cho tới vị Giáo hoàng đương kim.

 

Ngày 25.01.1959, vào ngày lễ kính Thánh Phaolô tông đồ trở lại, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. trong đền thờ này đã tuyên bố mở Công đồng chung Vaticano II 1960-1965. Đền thờ gọi là ngoại thành, vì nằm ở ngoài tường thành Roma do hoàng đế Aureliano xây bức tường bao quanh Roma năm 271 để ngăn chống các tấn công của các sắc dân từ bên ngoài vào trong thành Roma.

 

BIỂU TƯỢNG Ý NGHĨA THẦN HỌC:

 

Hai ngôi đền thờ vĩ đại Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Roma không chỉ to lớn bề thế về công trình lối kiến trúc đồ sộ vững chắc, và những trang hoàng ấn tượng mang dấu ấn rất nghệ thuật  thời trung cổ có một không hai từ xưa nay. Nhưng hai ngôi đền thờ còn là hình ảnh nói lên dấu chỉ về Thiên Chúa vô hình đang hiện diện giữa con người, với những hàng cột cao trong ngoài thán đường, những vòm chỏm tháp vươn cao lên không trung giữa thiên nhiên, những mầu sắc hài hoà của những tảng đá cẩm thạch cùng đường vân thiên nhiên hòa hợp với ánh sáng chiếu tỏa sự trong sáng nét đẹp của thiên nhiên.

 

Có thể nói được những ý tưởng mà các vị Kỹ sư và các vị danh Họa điêu khắc đã khắc ghi vào công trình gỗ đá xây dựng hai ngôi đền thờ này, bắt nguồn như thức ăn gợi hứng cho họ là con người, là người có lòng tin vào Chúa, là kỹ sư kiến trúc, là nhà danh hoạ chuyên môn, từ ba cuốn sách về thiên nhiên, cuốn sách Kinh Thánh và cuốn sách về Phụng vụ.

 

Vì thế, hai ngôi đền thờ kết hợp được cả ba mặt kiến trúc trong thời đại trần gian, về lịch sử ơn cứu độ của Chúa phần thiêng liêng, như Kinh thánh thuật lại, và về phụng vụ, nơi con người trần thế cử hành lễ nghi thờ phượng Thiên Chúa.

 

Hai ngôi đền thờ được xây dựng để kính hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng họ không phải là nền tảng cho hai đền thờ này. Chính Chúa Giesu Kitô mới là đá nền tảng niềm tin cho đền thờ (1 cor 3,10-11). Vì nơi hai đền thờ này mỗi khi mọi tín hữu Chúa Kitô tụ họp đọc kinh cầu nguyện, cử hành nghi lễ phụng vụ , là tưởng niệm sự sinh ra, chịu chết và sống lại của Chúa Kitô. Đó là nền tảng đức tin của Kitô giáo.

 

Chúa Giêsu Kitô là đá tảng nâng đỡ cho ngôi đền thờ đức tin của Giáo Hội được vững chắc. Nơi Chúa Giêsu chúng ta học và đọc được Lời của Chúa, cũng như từ nơi Ngài Giáo Hội nhận được sức sống, giáo lý và sự sai đi đến với con người.

 

Hai ngôi đền thờ này như hình ảnh biểu tượng cho Giáo Hội Công Giáo Roma, cũng đã trải qua những lần bị hư hại xuống cấp, bị hỏa hoạn cháy thiêu rụi, và được sửa chữa lại, xây dựng mới lại. Hai ngôi đền thờ kiến trúc công trình nghệ thuật đứng vững từ hàng bao thế kỷ nay là do luôn được quyét dọn, tân trang bảo trì sửa chữa liếp tục.

 

Đời sống trong Giáo Hội cũng vậy, có những giai đoạn thoái hóa lên xuống về mặt tinh thần đạo giáo cũng như tổ chức điều hành quản lý. Những khúc ngoặt hay bóng tối đó gây ra những tiếng tăm không tốt, hậu qủa tiêu cực.

 

Nhưng đồng thời đó cũng là dịp tốt để Giáo Hội nhìn ra biết mình mà điều chỉnh sửa chữa làm mới lại cho tốt lành đúng như ý Chúa muốn, cùng là nhân chứng cho Chúa giữa lòng xã hội con người trần thế. Có thế ngôi nhà đức tin Giáo Hội mới đứng vững được.

 _______________________

 

Hai ngôi đền thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Roma như cột trụ của Giáo Hội Công Giáo vừa về mặt tinh thần vừa về mặt kiến trúc cùng bề thế.

 

Hai vị Thánh tông đồ này cùng được mừng kính chung trong một lễ mừng ngày 29 tháng 06 hằng năm. Và hai ngôi đền thờ kính hai vị Thánh cùng được mừng nhớ đến ngày thánh hiến chung ngày 18.11. hằng năm.

 Thánh Phaolô viết nhắn nhủ về Giáo Hội Chúa Kitô: “Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: ”Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.” (1 cor 1,12)...

 

“Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.” (1 cor 3,6-9).

 

http://conggiao.info/cung-hien-den-tho-thanh-phero-va-den-tho-thanh-phaolo-o-roma-d-52198

 

 

 

Từ cây tháp bút ở giữa quảng trường (hình bên dưới) tới mặt tiền Ðền Thờ có khoảng cách 191 mét, trong khi khoảng cách giữa hai tượng thánh Phêrô và Phaolô là 76.73 mét.

 

 

 

Cả Ðền Thờ cũ cũng như Ðền Thờ mới đều được xây trên mộ của Thánh Phêrô tông đồ, được an táng trên sườn đồi Vatican, trong khu vực nghĩa trang cạnh hí trường của Hoàng Ðế Nerone.

Nhưng hiện nay mộ của ngài đang ở ngay bên dưới Bàn Thờ Chính của Đền Thờ Thánh Phêrô.

 

 

Mộ Thánh Phêrô ngay bên dưới bàn thờ Thánh Phêrô ở tầng trên của Đền Thờ Thánh Phêrô

Khu vực xây Ðền Thờ Thánh Phêrô trước kia là một nghĩa trang thời La Mã, và được khám phá trong thập niên 1930, được khai quật trong hai đợt: từ 1939 đến 1949, rồi từ 1953 đến 1958.

Hai hàng nhà mồ với những hốc mộ được khám phá, với rất nhiều bích họa, tranh khảm, cùng với một khu vực với những ngôi mộ đơn sơ hơn. 

Các cuộc khai quật dưới Bàn Thờ tuyên xưng Ðức Tin đưa tới sự khám phá mà Ðức Phaolô VI tuyên bố ngày 26-6-1968:

"Hài cốt thánh Phêrô được nhận diện đến độ chúng tôi coi là có lý".

 

(4 tấm hình chụp trên đây ngày 18/11/2021 của TĐCTT cao tấn tĩnh trong chuyến Hành hương Đức tin Chứng tích Phục sinh 12 ngày 8-19/2021)

 

 

 

Thứ Ba



 

 

Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 3, 1-6. 14-22

"Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà người ấy".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe Chúa phán bảo tôi rằng: "Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Sarđê rằng: 'Ðây là lời Ðấng có bảy thần linh Thiên Chúa và bảy ngôi sao: Ta biết các việc của ngươi làm; ngươi có tiếng là đang sống, nhưng ngươi đã chết. Hãy lo tỉnh dậy, hãy bồi dưỡng chút sinh khí sắp tàn. Vì Ta không thấy các việc ngươi làm trọn hảo trước mặt Thiên Chúa Ta. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã đón nhận và nghe lời Chúa thế nào, hãy giữ lấy lời ấy và hãy ăn năn hối cải. Vì nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến với ngươi như một kẻ trộm, ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ bất chợt đến cùng ngươi. Nhưng tại Sarđê ngươi có một số người đã không làm dơ bẩn áo của họ; và họ sẽ tháp tùng Ta trong bộ áo trắng của họ vì họ xứng đáng. Như vậy kẻ chiến thắng sẽ mặc áo trắng, và Ta sẽ không xoá bỏ tên người ấy khỏi Sách hằng sống, và Ta sẽ tuyên danh người ấy trước mặt Cha Ta và các thiên thần Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn.

"Hãy viết cho giáo đoàn Laođicia rằng: 'Ðây là lời của Amen, chứng nhân trung thực, nguyên thuỷ công trình sáng thế của Thiên Chúa. Ta biết các việc làm của ngươi: ngươi không lạnh mà cũng không nóng; phải chi ngươi lạnh hẳn hoặc nóng hẳn đi! Bởi vì ngươi hâm hẩm, không lạnh không nóng, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Bởi vì ngươi nói rằng: Tôi giàu có, tôi sung túc, tôi không thiếu thốn gì nữa. Bởi vì ngươi không biết rằng thực ra ngươi vô phúc, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần trụi. Vậy ngươi hãy nghe lời Ta khuyên bảo: Hãy mua vàng ròng mà làm giàu, mua áo trắng tinh mà mặc, hầu che giấu sự trần trụi xấu hổ của ngươi; hãy mua thuốc nhỏ vào mắt, cho mắt ngươi được sáng. Ta răn bảo và sửa dạy những kẻ Ta yêu thương. Vậy hãy sốt sắng hơn lên và hối cải đi. Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã chiến thắng và ngự với Cha Ta trên ngai của Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3, 21).

Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. - Ðáp.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. - Ðáp.

3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 21, 28

Alleluia, alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất".

Ðó là lời Chúa.





Suy Nghiệm Lời Chúa


Đang kín đáo tò mò ... thì bị gọi đích danh ... giật nẩy cả mình!


Hôm nay, Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên, Bài Phúc Âm ở đầu đoạn 19 của Thánh ký Luca, tiếp ngay sau Bài Phúc Âm hôm qua ở cuối đoạn 18.

Trong khi ở Bài Phúc Âm hôm qua, cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu mới "đến gần thành Giêricô", thì trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca ghi nhận tiếp về cuộc hành trình này, ở chỗ: "Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành".

Cuộc hành trình tiến về Giêrusalem của Người đã khiến Người gặp gỡ một số con người đặc biệt được thuật lại trong Phúc Âm, chẳng hạn trường hợp của người mù ngồi ăn xin ở vệ đường trong Bài Phúc Âm hôm qua, hay vị "thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có" "tên là Giakêu" trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Về trường hợp của người mù Batimê trong bài Phúc Âm hôm qua được thuật lại bởi Thánh ký Luca và Marco, nhưng câu chuyện về nhân vật thủ lãnh thu thuế này chỉ có trong Phúc Âm Thánh Luca mà thôi, vì Phúc Âm Thánh ký Luca là Phúc Âm về Lòng Thương Xót Chúa, một Phúc Âm chất chứa những dụ ngôn về Lòng Thương Xót Chúa rất cảm kích không có ở trong bất cứ Phúc Âm nào. 

Chẳng hạn 3 dụ ngôn tiêu biểu nhất sau đây: 1- Dụ Ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu (xem Luca 10:25-37); 2- Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu Với Hai Đứa Con Đáng Thương (xem Luca 15:11:32); 3- Dụ Ngôn Hai Người Lên Đền Thờ Cầu Nguyện (xem Luca 18:9-14) v.v. Cũng chỉ trong Phúc Âm Thánh ký Luca mới có câu: "Các con hãy thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót" (Luca 6:36), một Lòng Thương Xót đã được phản ảnh sống động nhất qua lời đầu tiên của Chúa Kitô khổ giá cũng chỉ ở trong Phúc Âm Thánh Luca: "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34).

Chính trong Bài Phúc Âm hôm nay có một câu nói của Chúa Giêsu về Lòng Thương Xót Chúa cũng chỉ có ở trong Phúc Âm Thánh Luca mà thôi, đó là câu: "Con Người đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư vong", điển hình nhất là viên trưởng ban thu thuế Giakêu được Thánh ký Luca thuật lại.

Nhân vật trưởng ban thu thuế Giakêu này thực sự "đã hư vong", tức đã sống một cuộc đời bê bối tội lỗi khi hành nghề thu thuế đầy những mánh khóe gian lận tiền bạc để có thể làm giầu cách bất chính, đã thực sự là thành phần tội nhân, chẳng những trước mặt dân Do Thái mà chính ngay cả bản thân của đương sự cũng phải chân nhận như thế, qua lời hứa hẹn của đương sự sau khi được gặp gỡ Chúa Giêsu: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn".

Nếu Chúa Kitô "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư hoại" thì Người rất nhậy cảm với những tâm hồn đang sống trong giầu sang phú quí với đầy nhưng băn khoăn khắc khoải không thỏa mãn làm sao ấy, như trường hợp của viên trưởng ban thu thuế Giakêu trong bài Phúc Âm hôm nay, đến độ nhân vật này đã phải sẵn sàng bỏ trạm thu thuế là nơi làm giầu hằng ngày của mình và lánh xa đám nhân viên thu thuế đồng nghiệp cùng gian lận dưới quyền mình, để quyết tâm đón gặp được Người, cho dù chỉ muốn "tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào" thôi, bằng cách "chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó". 

Đúng vậy, vì cố ý "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư hoại" mà Chúa Giêsu đã nhậy cảm đến độ, trong khi hình như không ai trông thấy nhân vật giầu sang phú quí và quyền hành này, đang ẩn nấp ở trên một cái cây bên đường, để một đàng vừa tránh được cái nhìn khinh bỉ của đám đông vẫn giành cho đương sự, đàng khác lại vừa dễ trông thấy Chúa Giêsu đi ngang qua theo lòng ước nguyện. 

Người quả thực đã nhìn thấy đương sự, nhìn thấy tận đáy lòng của đương sự ước muốn gặp Người, cũng như nhìn thấy hành động thiện chí như trẻ con trèo lên cây ẩn nấp trên đó của đương sự, nên Người đã tự động lên tiếng gọi đương sự làm cho đương sự giật nẩy mình lên, chẳng những vì đương sự bất ngờ bị lộ tẩy chân tướng trước mặt đám đông đối phương của đương sự, mà còn vì đương sự cảm thấy vô cùng sung sướng được Người gọi đích danh của mình, mà đương sự tưởng rằng Người không hề hay chưa hề biết đến đương sự bao giờ. 

Có một chi tiết liên quan đến việc gọi đích danh tên của viên trưởng ban thu thuế trong bài Phúc Âm này đó là hình như chỉ có những ai bê bối tội lỗi hay khổ đau mới được Người gọi đích danh mà thôi, còn những ai được Người đặc biệt yêu thương lại không được diễm phúc ấy, chẳng như như Tông Đồ Gioan là "người môn đệ được Chúa Giêsu thương" (Gioan 13:23; 19:26; 20:2; 21:7,20).

Thật vậy, những nhân vật đã từng sống cuộc đời bê bối đã được Chúa Giêsu gọi đích danh như đích danh "Giakêu" trong bài Phúc Âm hôm nay, hay như "Maria" Mai Đệ Liên (Gioan 20:16), một con điếm "đã được Người trừ bảy quỉ" (Marco 16:9), hoặc như "Simon" Phêrô (Gioan 21:15-17) đã từng trắng trợn và phũ phàng chối Người 3 lần, hay như "Saule" (Tông Vụ 9:4; 22:7; 26:14) là kẻ bách hại Người nơi thành phần tín hữu trong thời Giáo Hội sơ khai, hoặc như "Lazarô" là một thây ma đã chết 4 ngày trong mồ (Gioan 11:43).

Ôi tuyệt vời thay Lòng Thương Xót Chúa: "Tôi là vị mục tử nhân lành. Tôi biết các chiên tôi và chiên tôi biết Tôi" (Gioan 10:14). Trong khi tội nhân không hề biết Người, ở chỗ xúc phạm đến Người, thì Người lại biết họ và kêu gọi đích danh họ, vạch mặt chỉ tên họ, chứng tỏ Người hằng theo dõi cuộc đời của họ, và ngồi chờ họ ở những nơi sinh hoạt quen thuộc của họ, như ngồi chờ người đàn bà tội lỗi bên giếng Giacóp (xem Gioan 4:6-9), hay đi đến tận những nơi thầm kín của họ, như trường hợp của viên trưởng ban thu thuế Giakêu trong Bài Phúc Âm hôm nay, để cố ý cứu đương sự khỏi cuộc đời lén lút mờ mịt của đương sự.

Chúa Giêsu đã không nhắc đến tội lỗi của bất cứ tội nhân nào, khi mới gặp họ, dù Người biết rõ tội của họ hơn ai hết, mà chỉ tỏ lòng thương họ để họ nhờ đó có thể ăn năn thống hối thôi. Thậm chí Người không sợ gần gũi với tội nhân xấu xa nhơ nhớp đáng ghê tởm, cho dù có bị chê trách, như Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Vì họ mới là thành phần "bệnh nhân cần đến thày thuốc" như Người là một Vị Lương Y thần linh toàn năng có thể chữa lành cả hồn lẫn xác của họ (xem Mathêu 9:12)

Việc Người chẳng những tiến vào mà còn ở lại nhà của nhân vật tội lỗi Giakêu: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi", để giao tiếp với thành phần thu thuế tội lỗi như nhân vật này, thật sự là một hiện diện thần linh cứu độ: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điu gì đã hư mất".

Tác dụng của ơn cứu độ được Chúa Kitô mang đến cho chẳng những riêng nhân vật Giakêu mà còn cho cả "nhà" (gia đình) của đương sự nữa, thậm chí "nhà" đây còn có thể hiểu là bao gồm cả thành phần nhân viên thu thuế thuộc quyền lãnh đạo của đương sự nữa, nhất khi chính họ đích mắt thấy được lòng nhân lành cảm thương tha thứ của Người giành cho vị thủ lãnh của họ. 

Tác dụng xuất phát từ lòng cảm thương ấy của Chúa Giêsu đã biến đổi hẳn bản thân và cuộc đời của một nhân vật tội lỗi, đến độ đương sự chẳng những thật lòng ăn năn thống hối ở chỗ đền bù tội lỗi của mình đối với những ai bị thiệt hại vật chất bởi đương sự gian lận trước đó mà còn giành ra nửa phần gia tài để làm phúc bố thí nữa, nghĩa là kể như trở về tay không để được đổi lấy Nước Trời, lấy ơn cứu độ vô giá, không gì sánh được: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn".

Khi còn sống trong tội lỗi thì bất cứ ai, dù chẳng làm nghề buôn bán hay thu thuế như nhân vật Giakêu trong Bài Phúc Âm hôm nay, cũng sống trong tình trạng gian dối, (tự tội lỗi đã là gian dối), không đúng với sự thật về thân phận thụ tạo làm người trước nhan Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân

Bởi đó, hoán cải chính là tác động "đi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô 2:9). Sau cuộc đời sống gian dối bằng hành động gian lận tiền bạc của dân chúng với vai trò thu thuế của mình, nhân vật Giakêu đã bắt đầu sống hoàn lương trong chân lý, như thành phần công chính vậy, thành phần chiến thắng cả bản thân mình cũng như thế gian, đúng như lời Chúa phán hứa trong Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay: "kẻ chiến thắng sẽ mặc áo trắng, và Ta sẽ không xoá bỏ tên người ấy khỏi Sách hằng sống, và Ta sẽ tuyên danh người ấy trước mặt Cha Ta và các thiên thần Người".

Từ một viên trưởng ban thu thuế tham lam và gian lận về tiền bạc, chẳng khác gì như một con người, được Chúa diễn tả trong Bài Đọc 1 hôm nay: "có tiếng là đang sống, nhưng ngươi đã chết", một con người trước khi gặp gỡ Đấng chàng tò mò muốn được trông thấy lần đầu tiên, còn mang tâm trạng: "Tôi giàu có, tôi sung túc, tôi không thiếu thốn gì nữa", nhưng "thực ra vô phúc, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần trụi".

Tuy nhiên, ngay sau khi nghe chính Đấng mình muốn gặp gọi đích danh mình bằng ánh mắt ngước lên cao như mời gọi chàng xuống với Người, như thể Người muốn nói với lòng khao khát và lương tâm của chàng ngay lúc bấy giờ rằng: "Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ". Quả thực chàng đã quá bàng hoàng sung sướng liền đón tiếp Người ngay tại tư gia của chàng, để rồi, nhờ đó, nhờ "hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này" là chính nhà tâm hồn viên trưởng ban thu thuế Giakêu này bấy giờ, như thế con người: "nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã chiến thắng và ngự với Cha Ta trên ngai của Người".

Chàng trưởng ban thu thuế Giakêu từ đó về sau đã sống như thế nào chúng ta không được Phúc Âm thuật lại cho biết, nhưng căn cứ vào lời hứa với Chúa của chàng: "tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn", thì chàng quả thực đã được ơn Chúa biến đổi, trở thành một con người như Thánh Vịnh 14 ở Bài Đáp Ca hôm nay cho thấy:

 

1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

 

 

 



Thứ Tư


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 4, 1-11

"Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có và sẽ đến".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy: kìa cửa trời mở ra và tiếng tôi đã nghe trước kia nói cùng tôi như tiếng loa rằng: "Hãy lên đây, Ta sẽ cho ngươi thấy điều phải xảy ra sau này". Bỗng tôi xuất thần, và kìa, một ngai đã đặt trên trời, có Ðấng ngự trên ngai, và Ðấng ngự trên ngai rực rỡ như bích ngọc hoặc như hồng thạch; có mống cầu vồng màu lục thạch bao bọc ngai. Chung quanh ngai có hai mươi bốn toà, và trên đó, có hai mươi bốn trưởng lão, mặc áo trắng tinh, đầu đội triều thiên vàng. Từ nơi ngai phát ra những tia chớp, tiếng nói và tiếng sấm; lại có bảy cây đèn cháy trước ngai, đó là bảy Thần linh của Thiên Chúa. Phía trước ngai coi như có biển trong ngần như pha lê.

Còn chính giữa và chung quanh ngai có bốn con vật, đàng trước đàng sau chỗ nào cũng có mắt: Con vật thứ nhất giống như sư tử; con vật thứ hai giống như con bò; con thứ ba có dung mạo như mặt người; con thứ tư như chim phượng hoàng đang bay. Bốn con vật ấy con nào cũng có sáu cánh quanh mình, và trong mình đầy những mắt, ngày đêm không ngớt tung hô:

"Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có, và sẽ đến".

Và mỗi lần bốn con vật tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Ðấng ngự trên ngai, là Ðấng hằng sống muôn đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước Ðấng ngự trên ngai và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời; họ gỡ triều thiên của họ mà đặt trước ngai và tung hô rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đáng được vinh quang, danh dự và quyền năng, vì chính Chúa đã tạo thành vạn vật, chính do ý Chúa mà muôn vật mới có và được tạo thành".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4, 8b).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa trong Thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm. - Ðáp.

2) Hãy ngợi khen Người với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt đàn cầm. Hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tiếng tơ đàn, với ống tiêu. - Ðáp.

3) Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi gới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19 11-28

"Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:

"Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: "Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về". Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: "Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi". Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.

"Người thứ nhất đến và thưa: "Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén". Nhà vua bảo: "Ðược, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành". Người thứ hai đến thưa: "Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén". Nhà vua đáp: "Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành".

"Người thứ ba đến thưa: "Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo". Vua phán rằng: "Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời".

"Vua liền bảo những người đứng đó rằng: "Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén". Họ tâu rằng: "Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi". Vua đáp: "Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta". Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.

Ðó là lời Chúa.




Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Không muốn đối phương làm vua của mình mà lại giúp cho đối phương được phong vương

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên, tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Một chi tiết cho thấy điều đó, chẳng cần theo dõi kỹ về đoạn và câu của 2 bài Phúc Âm, đó là chi tiết liên quan đến địa điểm của cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu.

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm qua, nếu "Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành" thì trong Bài Phúc Âm hôm nay, "Người đã đến gần Giêrusalem", và chính "" thế, Phúc Âm hôm nay cho biết tiếp, "mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát". 

Bởi thế, Thánh ký Luca ghi nhận rằng: "Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa", một dụ ngôn chẳng những trực tiếp liên quan đến cuộc hành trình Giêurusalem của Người bấy giờ, mà còn liên quan đến "Nước Thiên Chúa", một thực tại thần linh đã từng được Người sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau để sánh ví trước đó nay Người muốn nói "thêm... nữa" vào lúc Người gần tới Thành Giêrusalem: "Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem". Và dụ ngôn ấy được Phúc Âm hôm nay cho biết đã bắt đầu như thế này:

"Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: 'Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về'. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: 'Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi'. Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu".

Trước hết, "người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về" đây phải chăng ám chỉ chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa ("quí tộc"), từ trời xuống trần gian ("đi phương xa") để hoàn tất công cuộc cứu chuộc trần gian của mình, ở chỗ được "treo lên" (Gioan 8:28) trên ngai tòa Thánh Giá (như "được phong vương", nhưng sau đó người đã tự mình sống lại ("rồi trở về").

Ý nghĩa "đi phương xa" cũng có thể hiểu có liên hệ mật thiết với lời tiên báo của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly về việc Người ra đi đến một nơi mà các môn đệ của Người không thể tới được và chẳng biết là ở chỗ nào để theo như tông đồ Toma cảm nhận (xem Gioan 14:5): "Thày chẳng còn ở với các con bao lâu nữa. Các con sẽ tìm kiếm Thày... Nơi Thày đi các con không thể nào tới được" (Gioan 13:33).

Trước khi lên đường "đi phương xa để được phong vương rồi trở về" như thế, "ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: 'Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về'", phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến Bữa Tiệc Ly là lúc Chúa Giêsu đã trao cho các vị, một điều bao gồm cả 10 điều răn Cựu Ước (ám chỉ "10 nén bạc") đó là "giới răn mới" (Gioan 13:34), ở chỗ các vị phải "yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con. Tất cả mọi người sẽ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ của Thày" (Gioan 13:34-35).

Thế nhưng, việc Chúa Kitô hành trình lên Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ cứu độ trần gian của Người như một ông vua như thế không được "dân của" Người là dân Do Thái vốn "ghét" Người đã ra mặt công khai chống đối: "Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi", bằng cách sát hại Người. Không ngờ, việc họ tự do sát hại Người một cách độc dữ tàn bạo chưa từng thấy lại giúp cho Người "được phong vương" - "Giêsu Vua Dân Do Thái" (Luca 23:38), Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18). 

"Ðược phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu". Đúng thế, khi "trở về" vào lúc quang lâm tái giáng của mình trong ngày sau hết, Chúa Kitô sẽ tính sổ sách về nén bạc được Người trao phó cho thành phần đầy tớ của Người thuộc hàng ngũ lãnh đạo đàn chiên của Người, từ các vị tông đồ đến thành phần thừa kế các vị trong hàng giáo phẩm (bao gồm cả giáo sĩ) dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội Người thiết lập.

Nén bạc đó đối với thành phần đầy tớ của Chúa Kitô (nếu hiểu về các vị chủ chiên trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ) quả thực là đức bác ái, như chính Người đã hỏi tông đồ Phêrô 3 lần có yêu mến Người hay chăng để Người trao phó các chiên của Người cho ngài cũng như cho các vị thừa kế ngài cùng tông đồ đoàn là các vị giáo hoàng và giám mục sau này trong Giáo Hội. Và quả thực, chính vì nén bạc đó là đức bác ái yêu thương phục vụ mà Người đã căn cứ vào đức bác ái này mà phán xét cùng thưởng phạt vậy (xem Mathêu 25:31-46).

Vấn đề ở đây là "người quí tộc" trong dụ ngôn đã trao cho 10 người đầy tớ của mình 10 nén bạc, nghĩa là mỗi người một nén bạc chứ không phải mỗi người 10 nén bạc, ám chỉ 10 điều răn, nhưng được tóm lại thành "một nén bạc" là "giới răn mới" được Chúa Kitô truyền lại cho các tông đồ. Vậy "10 người đầy tớ" đây là ai, nếu không phải ở trong Bữa Tiệc Ly bấy giờ là lúc các môn đệ được Chúa Kitô trao cho nén bạc "giới răn mới" có thể hiểu là ám chỉ 10 vị trong số 12, vì tông đồ Giuđa bấy giờ đã bỏ đi bàn việc nộp Người (xem Gioan 13:30), và Tông Đồ Gioan không kể vì vị tông đồ này tự bản chất và sứ vụ vốn gắn liền với "giới răn mới" qua cử chỉ dựa vào ngực Chúa Kitô (xem Gioan 13:23).

Ở bài Phúc Âm của Thánh Mathêu cho Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A, có nội dung tương tự như bài Phúc Âm của Thánh Luca hôm nay, nhưng hơi khác về số lượng nén bạc được trao phó cho các người đầy tớ. Trong khi Thánh Mathêu thuật lại ba cấp lượng nén bạc từ nhiều đến ít là 5, 2 và 1, thì Thánh Luca thuật lại 10 nén bạc, được trao cho 10 người, mỗi người chỉ có 1 nén.


Tuy nhiên việc sinh lợi nén bạc lại tùy theo trình độ khả năng và mức độ nỗ lực của mỗi người đầy tớ nữa. Bởi thế, trong 3 loại người đầy tớ tiêu biểu được chủ gọi đến trình bày trách nhiệm nén bạc của mình, có người sinh lợi được gấp 10 lần, nhưng cũng có người chỉ sinh lợi được gấp 5 thôi, như dụ ngôn của Bài Phúc Âm cho thấy. Ở Phúc Âm Thánh ký Mathêu cho Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A thì 5 nén phải sinh gấp trăm thành 5 nén khác, 3 thành 3 v.v., trong khi ở Phúc Âm Thánh ký Luca hôm nay 1 sinh 10 hay sinh 5.

Ở đây có thể hiểu nén bạc "giới răn mới" là "yêu nhau như Thày" nơi từng người đầy tớ sinh lợi nhiều như gấp 10, hay sinh lợi vừa như gấp 5, chẳng những tùy ở ơn gọi hay bậc sống của Kitô hữu, giáo dân hay giáo sĩ, mà còn tùy ở mức độ nên một với Chúa Kitô nữa, ở chỗ, càng hiệp nhất với Người thì Người càng yêu thương tha nhân như chính Người đã yêu họ, nghĩa là họ càng phản ảnh Chúa Kitô một cách trung thực nhất và sống động nhất, gấp 10 lần, hơn gấp 5 lần

Trong số thành phần đầy tớ cũng không thể thoát được có một thiểu số nào đó không đáp ứng trách nhiệm nén bạc được trao phó, ở chỗ sống vị kỷ, hưởng thụ hơn phục vụ, không phản ảnh bản chất đức ái trọn hảo của mình như "ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14) chiếu tỏa Chúa Kitô " ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12). Cả hai Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A và của Thánh ký Luca hôm nay đều giống nhau ở chỗ có 1 trong 3 người đầy tớ không chịu sinh lợi cho chủ từ cùng 1 nén bạc duy nhất được trao. Tuy nhiên, trong khi Thánh Mathêu ghi lại người đầy tớ không sinh lợi đem chôn nén bạc dưới đất thì Thánh Luca nói đem gói nén bạc trong khăn, và trong khi Thánh Mathêu thuật lại nén bạc nếu không sinh lợi thì gửi cho người đổi tiền thì Thánh Luca lại cho biết là gửi vào nhà băng.

Nếu họ cảm thấy "giới răn mới" là "yêu nhau như Thày yêu" là một lý tưởng quá siêu việt họ không thể nào với tới như lòng mong ước của chủ mình, nhất là như gương của chủ mình trong việc "được phong vương" trên Thánh Giá của chủ: "hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người" (Mathêu 20:28), thì ít nhất họ vẫn có thể sinh lợi nén bạc bác ái được trao cho họ, bằng cách gửi vào "nhà băng" thần linh, ở chỗ tin tưởng (trust) ký thác (deposit) vào Lòng Thương Xót Chúa, để chính Người bù đắp những yếu hèn bất lực thiếu sót của họ, nhờ đó Người "có thể lấy cả vốn lẫn lời" từ họ, như từ tên tử tội bị đóng đanh bên phải Người trên Đồi Canvê xưa (xem Luca 23:40-43)

Ở cuối dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay còn một chi tiết rất hay nữa, đó là "Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có", điển hình là người đầy tớ sinh lợi 10 nén nhiều nhất lại được thêm nén bạc của "người đầy tớ bất lương". Ở Phúc Âm của Thánh ký Luca không thấy nói đến chuyện người đầy tớ không sinh lợi bị trừng phạt khủng khiếp như Thánh Mathêu cho biết trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A, mà chỉ nói đến chuyện người đầy tớ ấy bị lấy lại nén bạc không sinh lợi ấy trao cho người sinh lợi 10 nén thôi.

Đúng thế, trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, những tâm hồn thánh thiện (chứ không phải chỉ ở tầm mức đạo đức thôi) thường được thêm nhiều ơn Chúa ban, những ơn mà tội nhân vì yếu đuối và mù quáng đánh mất, nhưng không phải để người đã có hoan hưởng một mình, trái lại, là để bù đắp cho chính tội nhân đã đánh mất đi ân sủng của họ được Chúa ban, nhờ đó chính tội nhân cũng được cứu độ. Ôi Lòng Thương Xót Chúa vô cùng khôn ngoan và tìm hết cách để cứu độ con người, cứu độ từng người. 

Ở đây, chỉ thấy nói đến người đầy tớ không sinh lợi cho chủ thì phải nhận một hậu quả tương xứng, còn những người đầy tớ sinh lợi không gấp trăm 5 thành 5 hay 2 thành 2 như trong Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm A, hoặc 1 thành 10 hay 1 thành 5 như trong Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, thì không được nhắc tới. Bởi vì, đối với LTXC, con người hèn yếu và bất toàn chúng ta chỉ cần một chút thiện chí cũng đủ. Chúng ta không biết chúng ta được Chúa trao cho chúng ta bao nhiêu nén, nhưng số nén sinh gấp trăm của chúng ta ở đây là chúng ta đã cố gắng hết mình, tức sinh gấp trăm, còn nếu chưa hết mình, như 1 sinh 5 hơn là sinh 10, cũng đẹp lòng Chúa rồi. Thậm chí chỉ gửi trong nhà băng cho sinh lợi mà chẳng làm gì, cũng OK với Chúa. Gửi vào nhà băng cho nén bạc tự nó sinh lợi đây đó là tin tưởng vào LTXC để được LTXC bù đắp tất cả khốn cùng của chúng ta.

Thực tế sống đạo cũng cho thấy, những ai sống đạo tốt lành, càng gắn bó với Thiên Chúa, thì càng chịu khổ hơn ai hết, thì càng sống LTXC hơn bao giờ hết, hay càng được LTXC tỏ hiện hơn ai hết. Vì họ phải sống gấp nhiều lần chính cuộc đời của họ, nghĩa là sống cho anh chị em họ nữa, như Chúa Kitô sống chết cho phần rỗi của loài người tội lỗi. Đó là lý do đời sống đạo đức tốt lành hơn người của họ, nhờ được thêm ơn của những ai đó, không phải cho một mình họ mà là cho anh chị em đáng thương của họ. Theo chiều hướng của LTXC thì thánh nhân nhờ tội nhân và tội nhân nhờ thánh nhân là như thế. Những tâm hồn Kitô hữu tốt lành thánh đức chính là những cành nho đã sinh hoa trái sẽ bị cắt tỉa cho càng sai trái hơn là như vậy (xem Gioan 15:2). Nén bạc của người đầy tớ bất lương vô dụng không thể nào trở thành đồ bỏ, mà trái lại, càng cần phải sinh hoa kết trái bởi người đầy tớ đã có tối đa 10 nén. 

Vì gần kết chu kỳ phụng vụ hằng năm, phụng vụ Lời Chúa, cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần, đều chất chứa những chi tiết liên quan đến ơn cứu độ tối hậu và lòng tin tưởng để được cứu độ. Nếu Bài Phúc Âm hôm qua và hôm nay đều liên quan đến ơn cứu độ tối hậu nơi viên trưởng ban thu thuế Giakêu và thành phần đầy tớ sinh lợi nén bạc được chủ trao và đòi tính sổ khi ông trở vềvà khi ông trở về thì ông đã được phong vương rồi, dù đối phương của ông muốn hay chăng, thậm chí dù họ không muốn ông lại càng trở thành một đức vua có quyền luận phán tối hậu, nhất là đối với thành phần đối phương không muốn tôn vương ông, cũng như đối với cả thành phần đầy tớ không trung tín với ông bằng cách sinh lợi những gì ông trao phó cho họ.

Hình ảnh về vị chủ nhân đi xa là đi chịu khổ nạn và tử giá, một mầu nhiệm vô cùng "xa" lạ và "xa" cách với tầm hiểu biết tự nhiên của thành phần đầy tớ được ông tuyển chọn và tin tưởng trao phó trách nhiệm phục vụ cho, để được phong vương bằng cuộc Vượt Qua từ Khổ Giá thương đau tới Phục Sinh vinh hiển, đã được tông đồ Gioan thị kiến thấy và diễn tả lại trong Sách Khải Huyền của ngài như sau:

 

"Kìa, một ngai đã đặt trên trời, có Ðấng ngự trên ngai, và Ðấng ngự trên ngai rực rỡ như bích ngọc hoặc như hồng thạch; có mống cầu vồng màu lục thạch bao bọc ngai. Chung quanh ngai có hai mươi bốn toà, và trên đó, có hai mươi bốn trưởng lão, mặc áo trắng tinh, đầu đội triều thiên vàng. Từ nơi ngai phát ra những tia chớp, tiếng nói và tiếng sấm... 'Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Ðấng đã có, hiện có, và sẽ đến'. Và mỗi lần bốn con vật tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Ðấng ngự trên ngai, là Ðấng hằng sống muôn đời, thì hai mươi bốn trưởng lão phủ phục trước Ðấng ngự trên ngai và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời; họ gỡ triều thiên của họ mà đặt trước ngai và tung hô rằng: 'Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đáng được vinh quang, danh dự và quyền năng, vì chính Chúa đã tạo thành vạn vật, chính do ý Chúa mà muôn vật mới có và được tạo thành'".

 

Đúng thế, tất cả thành phần đầy tớ, kể cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, được biểu hiệu nơi 24 vị trưởng lão (12 chi tộc và 12 tông đồ), thành phần sống đúng tinh thần Phúc Âm (4 cuốn) của Thiên Chúa, được biểu hiệu nơi 4 con vật, tỏ ra trung tín với Đấng đã trao phó trách nhiệm phục vụ cho mình, chính là thần dân, bằng đời sống của mình, hằng tôn vinh Vị Chủ Nhân Ông Tối Cao của mình, với tất cả tâm tình của Thánh Vịnh 150 trong Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Hãy ngợi khen Chúa trong Thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm.

2) Hãy ngợi khen Người với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt đàn cầm. Hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tiếng tơ đàn, với ống tiêu.

3) Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa.


 

 


Thứ Năm


Phụng Vụ Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 5, 1-10

"Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: "Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?" Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: "Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Ðavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong".

Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:

"Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19, 41-44

"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

Ðó là lời Chúa.



Suy Nghiệm Lời Chúa


Chúa Giêsu khóc thương Thành Thánh Giêrusalem phải chăng vì nó cho thấy một Giáo Hội cuối thời?!



Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, bài Phúc Âm tiếp tục thuật lại hành trình lên Giêrusalem của Chúa Kitô, ở chỗ, sau khi "Người đã gần đến Giêrusalem - he was near Jerusalemđược Thánh ký Luca ghi lại trong Bài Phúc Âm hôm qua, thì bài Phúc Âm hôm nay cho biết "Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem - coming within in sight of the city".

Thật ra giữa bài Phúc Âm hôm qua và bài Phúc Âm hôm nay cách nhau một khúc phúc âm không thích hợp vào thời điểm của Mùa Thường Niên Tuần XXXIII này, đó là khúc phúc âm về biến cố Chúa Giêsu vinh hiển tiến vào Thành Thánh Giêrusalem, một khúc phúc âm đã được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật Lễ Lá, ở phần nghi thức rước lá trước lễ. 

Và tầm mức gần Thành Giêrusalem của Chúa Giêsu đến độ mắt của Người có thể trông thấy được toàn cảnh của thành này, và vì trông thấy thành Giêrusalem như thế mà Người đã thổn thức khóc, như Phúc Âm thuật lại như sau:

"Trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: 'Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp lũy bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu khóc được Phúc Âm thuật lại; lần thứ nhất xẩy ra vào lúc trước khi Người hồi sinh Lazarô (xem Gioan 11:35). Vậy tại sao Người lại khóc khi thấy thành thánh Giêrusalem này, nếu không phải lý do ở ngay những lời Người nói với thành thánh ấy: phải chăng chính là vì thành thánh có đền thánh là nơi Thiên Chúa Cha của Người ngự này sẽ bị quân thù phá tan tành thành bình địa "không hòn đá nào trên hòn đá nào", hay là vì "ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng" nên sẽ bị nông nỗi kinh hoàng khủng khiếp chưa từng thấy ấy?

Chúa Kitô khóc lần thứ nhất trước ngôi mộ của Lazarô đã chết đến xông mùi sau 4 ngày (xem Gioan 11:39) không phải vì Lazarô là người bạn thân của Người đã chết sắp được Người hồi sinh, cho bằng vì Người thấy trước có một số môn đệ của Người sẽ bị vĩnh viễn hư đi trong mộ tử thần không bao giờ chỗi dậy được nữa, cho dù có nghe được tiếng Người gọi, hay hoàn toàn không còn nghe được tiếng Người nữa. 

Bởi vậy, lần khóc thứ hai này của Người trước hình ảnh của một thành thánh Giêrusalem nguy nga đồ sộ sẽ bị tàn phá liên quan đến hình ảnh về một Giáo Hội của Người cũng sẽ có ngày bị "các đạo quân Gog và Magog" công hãm, như Sách Khải Huyền đã tiên báo (20:9), khiến cho một số chi thể của Người bị tử thương muôn đời về phần rỗi của họ vô cùng tiếc xót! Tất cả những gì Chúa Giêsu tiên báo về số phận của một Giêrusalem bất hạnh bởi không nhận biết Đấng ngự giữa họ, ngay trong Đền Thờ của họ, Đấng đang đến viếng thăm họ nơi Con của Ngài là Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét, Đấng bấy giờ thực sự đã "đến gần Giêrusalem", đều được bao gồm trong "một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong", như Bài Đọc 1 hôm nay cho biết, nhưng không ai có thể và xứng đáng mở cuốn sách có những bí mật được niêm phong này, ngoài một mình "Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế" là "dòng dõi của Ðavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong".

Nếu không ai có thể tự cứu chuộc mình và cứu được cả người khác, tức có thể loan báo "sứ điệp mang lại hoà bình" cho trần thế đã bị đảo lộn bởi nguyên tội, ngoại trừ Vị Thiên Chúa ở giữa chúng ta là Emmanuel, bằng cuộc Vượt Qua của mình, như thể Người mạc khải tất cả dự án thần linh đầy yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa đã được giữ kín từ tạo thiên lập địa và qua các thế hệ (xem Colose 1:26), đó là dự án cứu chuộc nhân loại nơi Con của Người, Đấng được "bốn con vật cùng hai mươi bốn trưởng lão phủ phục... hát một bài ca mới rằng: 'Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu'".

 

Và chính vì được "Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa" như thế mà những ai nhận biết người đều thuộc về giòng dõi của 24 vị trưởng lão thuộc cả Cựu Ước Dân Chúa lẫn Tân Ước Giáo Hội, theo tinh thần của toàn bộ Phúc Âm 4 cuốn được biểu hiệu nơi 4 con vật, mà họ hân hoan mang tâm tình của Thánh Vịnh 149 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.

 


 

 

Ngày 21 tháng 11

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

lễ nhớ bắt buộc

Vượt lên trên những câu chuyện cổ kính thuật lại việc Đức Trinh Nữ Ma-ri-a dâng mình vào đền thờ, Hội Thánh Đông Phương và Tây Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội dâng mình cho Chúa từ lúc còn ấu thơ. Mọi Ki-tô hữu có thể nhận thấy nơi Đức Ma-ri-a “đầy ân sủng” gương mẫu cho đời sống hiến dâng.

Bài đọc 1 – Dcr 2, 14-17

"Hỡi thiếu nữ Sion, hãy hân hoan, đây Ta ngự đến".

Bài trích sách Tiên tri Giacaria.

Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta và Ta sẽ ngự giữa ngươi. Ngươi sẽ biết rằng Chúa các đạo binh đã sai Ta đến cùng ngươi”. Thiên Chúa sẽ chiếm lấy Giuđa làm sản nghiệp của Người trong thánh địa, và sẽ còn tuyển chọn Giêrusalem. Mọi xác phàm hãy thinh lặng trước nhan thánh Chúa, vì Người đã chỗi dậy trong thành thánh của Người.

Đó là lời Chúa.

 

Đáp Ca: 1 Sm 2, 1.4-5.6-7.8

Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).

1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôiđược gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuêđộ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

 

Allêluia – Lc 1, 28

All. All. - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - All.

 

PHÚC ÂM – Mt 12, 46-50

"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

Đó là lời Chúa.


 

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

 

Lễ Dâng Mình vào Đền Thánh của Ấu Nhi Maria được bắt đầu từ Đông Phương từ thế kỷ thứ 6, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 15 mới được phổ biến ở Tây phương. Thánh Giáo Hoàng Piô V đã bỏ qua lễ này, nhưng sau đó ĐTC Sixtus V tái thiết lập. Theo tài liệu từ cuốn Protevangelium of James, một tác phẩm từ thế kỷ thứ 2, nhưng không được Giáo Hội nhận vào sổ bộ Thánh Kinh, thì có nói đến việc tưởng nhớ đến biến cố này của Ấu Nhi Maria vào năm 3 tuổi, và việc Ấu Nhi Maria được cha mẹ của mình thực hiện là để hoàn tất lời hứa của các vị trong thời gian cả 2 son sẻ không sinh con cho đến khi có người con gái duy nhất là Bé Maria.

 

Ngoài ra, theo truyền thống Do Thái, người ta thường dâng con trẻ vào đền thờ để được thánh hiến và sau đó con trẻ sẽ ở trong đền thờ một thời gian giúp việc các vị chủ tế... Phúc Âm không đề cập đến thời thơ ấu của Ðức Trinh Nữ Maria. Nhưng theo Thánh Truyền thì Ðức Mẹ cũng đã thi hành tập tục nói trên. Tại đền thánh Giêrusalem, ngài đã thực hành biết bao hy sinh với một tâm hồn quảng đại.

Biến cố Ấu Nhi Maria dâng mình vào đền thánh, bề ngoài, có thể như là một truyền thống tự nguyện của người Do Thái, nhưng theo tinh thần và ý hướng của bản thân Mẹ, một con người duy nhất trên trần gian này được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, được đầy ân phúc ngay từ giây phút hoài thai trong lòng thai mẫu, được đầy Thánh Linh ngay khi mới vào đời, nhờ đó Mẹ đã nhận biết Thiên Chúa ngay lúc ấy, và kính mến Ngài trên hết mọi sự, bằng tất cả con người của mình, bao gồm cả hồn lẫn xác, một thân xác mà Mẹ đã chỉ muốn thuộc trọn về Ngài thôi, không hề biết đến nam nhân nào, như Mẹ đã rõ ràng và thực sự bày tỏ vào giây phút truyền tin Lời Nhập Thế (xem Luca 1:34)

Mười hai năm suy gẫm và cầu nguyện, chính là thời gian chuẩn bị cho chức vụ Mẹ Thiên Chúa. Theo thánh Hiêronimô, chương trình ngày sống của Ðức Mẹ trong đền thờ được phác họa như sau: Từ hừng đông đến 9 giờ sáng, Ngài cầu nguyện; từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, Ngài làm việc chân tay và sau đó ngài lại cầu nguyện, sốt sắng suy gẫm Thánh Kinh và siêng năng đọc Thánh Vịnh.

Ngày lễ Mẹ dâng mình như bước đầu dẫn tới Ðức Khiết Tịnh Kitô giáo. Sau Ngài, biết bao trinh nữ đã tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Vì thế Mẹ Maria thực là gương mẫu bất diệt, là Ðấng bảo trợ nhiệt thành và là Ðấng hướng dẫn chắc chắn trên đường nhân đức vậy.

Thật vậy, Giáo Hội tưởng nhớ biến cố Mẹ Maria Dâng Mình Vào Đền Thánh, một biến cố chẳng những chứng tỏ đức tin diễm phúc của Mẹ (xem Luca 1:45), ở chỗ, Mẹ muốn thuộc trọn về Chúa, hoàn toàn tin vào Chúa, để Ngài muốn làm gì thì làm cho bản thân Mẹ và trong cuộc đời của Mẹ, một tinh thần tôi tớ xin vâng sửa soạn cho biến cố Truyền Tin vô cùng trọng đại cho chung loài người, mà còn là một biến cố mở màn cho đời sống tu trì của Giáo Hội Tân Ước, một Giáo Hội noi gương bắt chước Mẹ là một Trinh Nữ Sinh Con, mẫu gương của một người môn đệ trung thực của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Làm Người.

Sau đây, chúng ta hãy đọc lại những gì do chính Mẹ Maria mạc khải về biến cố dâng mình này của Mẹ, và sau đó, đọc những gì Thánh Âu Quốc Tinh viết về đức tin của Mẹ, như mới được suy diễn trên đây về biến cố dâng mình này của Mẹ.


 ng Mình trong Đền Thờ

 

 (Trích Thần Đô Huyền Nhiệm, bản dịch của Phạm Duy Lễ, CRM)

 

 

Thánh Gioakim và thánh nữ Anna từ Nagiarét đưa Mẹ lên Đền Thờ Giêrusalem với mấy người thân thuộc đơn sơ. Khi tới Đền Thờ, ông bà cầm tay Con dẫn vào bên trong.  Cả ba cùng sốt sắng cầu nguyện, rồi ông bà dâng hiến Mẹ cho Thiên Chúa.  Mẹ cũng tự hiến dâng trọn vẹn trót mình dứt khoát cho Người.

 

Sau khi cầu nguyện, thánh Gioakim và Anna dẫn  Mẹ ra giới thiệu với một vị tư tế.  Vị này chúc lành cho Mẹ.  Rồi tất cả cùng đưa Mẹ tới khu nhà dành riêng cho việc giáo dục những thiếu nữ theo một kỷ luật đạo hạnh. Muốn tới khu nhà ấy, phải đi qua một cầu thang 15 bậc.  Vị có nhiệm vụ hướng dẫn Mẹ là một tư tế phẩm trật thấp nhất.  Ông đặt Mẹ lên bậc đầu cầu thang. Rồi quay về phía song thân,  Mẹ quì gối xin phép lành, hôn kính tay cha mẹ và xin cha mẹ dâng hiến mình cho Thiên Chúa.  Thánh Gioakim và Anna vừa bùi ngùi rơi lệ, vừa âu yếm chúc lành cho Con.  Sau đó, một mình Mẹ quả quyết bước lên thang, không quay nhìn lại, không rơi một giọt lệ, không chút phàn nàn vì phải lìa cha mẹ.

 

Thượng tế Simeon, đón nhận Mẹ và trao cho những cô giáo đạo đức việc đào tạo Đức Maria. Trong các cô giáo này, có bà tiên tri Anna, bà này đã được Chúa ban ơn soi sáng riêng, chỉ định làm giáo chức đảm nhiệm coi sóc Đức Nữ. Sau khi tiếp xúc với bà giáo Anna, Mẹ đi gặp mọi thiếu nữ trong viện, chào hỏi niềm nở đoan trang. Khi ở một mình trong phòng nhỏ, Me sấp mình xuống, thờ lậy cảm tạ Chúa và khấn cùng Chúa sẽ giữ khiết trinh, thanh bần, tuân phục và vĩnh viễn ở trong Đền Thờ.

 

Mẹ đi tìm bà Anna, nộp cho bà tất cả những gì song thân đã cho, để bà định đoạt tùy ý bà. Được Chúa soi sáng, bà Anna nhận lấy tất cả các đồ Mẹ nộp, chỉ để cho Mẹ y phục Mẹ mặc, cho nên Mẹ hoàn toàn nghèo khó. Trong khi các thiếu nữ khác trong viện vẫn còn giữ trọn của cải mình và sử dụng tùy ý. Sau đó, hội ý với Thượng tế Simêon, bà Anna vạch ra một luật sống cho Mẹ, đã vạch một chương trình sống cho Mẹ như sau:

 

“Con hãy đem hết lòng nhiệt thành tham dự các giờ tán tụng Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện cho Đền Thờ của Ngài, cho dân riêng Ngài và cho Đấng Cứu Chuộc mau đến. Buổi tối, con sẽ đi ngủ lúc tám giờ. Tảng sáng con sẽ thức dậy cầu nguyện cho tới chín giờ. Từ giờ đó tới chiều, con sẽ làm các việc thủ công và học tập Thánh Kinh. Trong bữa ăn con hãy dùng lương thực cách điều độ nghiêm cẩn. Trong mọi sự con hãy ở khiêm nhu, dễ yêu và hết sức tuân phục bà giáo, bà sẽ dạy con mọi việc phải làm”.

 

Mẹ nêu lên một đức khiêm nhượng cao cả khi xin cô giáo cho phép được phục vụ các bạn đồng song, được dùng vào những việc rất thấp hèn như quét nhà, rửa chén đĩa. Mẹ hết sức tiết độ trong bữa ăn, và sẵn sàng chịu mất ngủ, một giấc ngủ vốn đã rất ngắn. Không hề cho phép mình dùng một vật dụng nào thừa thãi, Mẹ tự cắn xén cả một đôi dụng cụ cần thiết. Mẹ dùng thời giờ rất thận trọng, giờ nào việc ấy khít khao nhau. Thời giờ Mẹ dùng nhiều nhất là thời giờ đọc Thánh Kinh, nhất là những trang liên quan tớiơn Nhập Thể Cứu Chuộc. Mẹ am tường ý nghĩa việc Nhập Thể, nhờ có tri thức Chúa ban dư tràn. Mẹ hiểu biết tất cả các nghi lễ cử hành trong Đền Thờ mà Mẹ tham dự, nhưng bề ngoài Mẹ vẫn đi học hỏi y như khoâng biết gì. Nhi nữ Maria cần phải được đau khổ làm cho nên hoàn thiện và phú quí.

 

Nỗi phiền sầu đầu tiên Mẹ phải chịu là không được thị kiến thấy Thiên Chúa và cả các thiên thần. Bất thình lình Mẹ phải rơi vào một đêm tối tăm. Con thử thách này không lâu, nhưng Mẹ đã chịu đựng nó trong dằn vặt thiêng liêng hơn tất cả các thánh. Với thử thách đó, Chúa Quan Phòng đã chuẩn bị cho Mẹ mạnh mẽ để chiến thắng một trận khác do rắn già hỏa ngục bày ra.

 

Thật vậy, Satan với cặp mắt hờn giận, vẫn dõi theo cuộc tiến bộ thánh thiện của Mẹ. Nó đã triệu tập một đại hội những tên quỉ hung dữ nhất trong hỏa ngục, tiết lộ mối lo sợ của nó là: Có lẽ Đức Maria là Người Nữ mà Thiên Chúa đã tỏ cho nó thấy ngày trước, và đe rằng Người sẽ đạp nát đầu nó. Nó thú nhận rằng Người làm cho nó rất kinh hoảng: nó căm giận, nó muốn giết Người đi cho rồi.  Nhiều phương pháp xảo trá được các quỉ dữ mang ra thảo luận trong đại hội. Sau cuộc âm mưu nham hiểm ấy, chúng kéo nhau lên tấn công Đô Thành Thiên Chúa là Đức Nữ Maria. Vẫn theo thói thường của chúng, Luxiphe chỉ huy các cuộc tấn công này. Vá nó là tên tấn công trước hết, rồi sau đó, cả bọn chúng mới đồng loạt xung phong.

 

Lúc Mẹ Maria còn đang chìm ngập trong đau khổ  vì vắng mặt Thiên Chúa, bỗng Mẹ cảm thấy bị những cám dỗ rất lạ xông đánh, muốn lôi kéo Mẹ rất xa khỏi những tư tưởng thánh đức cao cả tuyệt vời khôn tả của Mẹ. Không thể hiểu được tâm hồn rất trong trắng của Mẹ phải khổ sở vì chước quái ấy đến đâu. Rắn già thấy Mẹ sầu não khóc lóc, nó vội kết luận rằng chước quỉ quyệt của nó đã tiến bộ. Nhưng tất cả đều uổng công: Người ta càng đập vào một viên đá cứng rắn, viên đá càng nẩy lửa. Mẹ Maria là một viên đá kiên cố với những nhân đức tuyệt vời, nên những đợt tấn công của quỉ dữ càng mạnh, càng làm bắn thêm ra những khối lửa tình yêu mến Chúa nóng hổi. Vừa bị chói mắt, vừa bẽ mặt, vừa náo động, vừa căm giận, Satan thất vọng không thể thắng được một Nữ Nhi non nớt. Giữa những cám dỗ rất nhiều rất mạnh ấy, Mẹ Maria không hề mất bình tĩnh và thản nhiên. Linh hồn Mẹ vẫn cố định trên những tầng trời cao thẳm, rút ra từ những kinh nguyện liên lỉ một sức kháng cự vô địch.

 

Nhưng Satan không sao nhẫn nhục được với cuộc thất bại vừa chịu. Nó lại bắt đầu môn giảo quyệt của nó qua trung gian những thiếu nữ đồng tu với Mẹ để mưu hại Mẹ. Nó nhóm lên trong lòng các cô một ngọn lửa ganh ghét căm hờn, đến nỗi các cô nhỏ đó đồng ý nhau hành hạ Đức Nữ Maria.  Các cô xúm nhau buông lời nặng nhẹ chê bai, nói xấu Đức Maria đủ thứ.  Cứ hễ gặp Maria đâu là các cô xỉa xói, chua cay.  Các cô hùa nhau xử với Mẹ rất tàn nhẫn, buộc tội cho Mẹ là kẻ gây xáo trộn, kẻ giả hình, kẻ đưa điều, báo cáo ton hót với bề trên.  Trước những sỉ vả bêu riếu đó, Mẹ vẫn khiêm nhượng tự nhận là kẻ hèn hạ nhất. 

 

Các cô nói thẳng vào mặt Mẹ là trước mặt các cô, Mẹ chỉ là một con quỉ con thôi. Trước những sỉ vả beêu riếu đó, Mẹ vẫn khiêm nhượng trả lời: “Các chị đối xử với em như vậy là phải lắm. Em đúng là một kẻ hèn hạ nhất. Xin các chị tha cho em, và chỉ bảo cho em để từ nay, em làm vui lòng các chị hơn. Các chị đừng thôi thân ái với em. Em rất muốn thân ái với các chị, em vẫn tôn trọng, vẫn yêu thương các chị lắm. Các chị cứ ra lệnh cho em như tôi tớ các chị, em xin vâng lời các chị tất cả”.  

 

Những lời lành đó không uốn mềm được cõi lòng chai cứng của những cô nhỏ đáng thương kia.  Bị rắn già hỏa ngục xúi bẩy, tiêm nọc độc căm phẫn của nó vào, các cô dám mưu giết chết Mẹ cho rảnh. Nhưng Thiên Chúa không cho phép các cô thi hành những ý định đen tối dại dột đó.

 

Nhưng chưa hết đâu. Nhiều ngày sau, những cô nhỏ cuồng tín đáng thương ấy, say niềm phẫn nộ, kéo Đức Nữ Nhi Maria vào một phòng kín đáo xa Đền Thờ nhất. Ở đó, nghĩ mình được hoàn toàn tự do, các cô tha hồ rủa sả, nhục mạ Mẹ cho thỏa mối hờn thâm gan tím ruột, mong làm sao Mẹ hết nhẫn nại hiền từ, tỏ một vẻ tức giận nào ra cho hả. Nhưng không thể Mẹ Maria lại làm nô lệ cho một khuyết điểm nào dầu một phút một giây, Mẹ cứ nhẫn nhục vô địch, vì lúc đó là lúc cần nhẫn nhục nhất. Nổi tam bành vì không đạt được mục đích quá nham hiểm ấy, các cô vừa xô vào vừa đánh đập vừa la lối om xòm.

 

Tiếng ồn ào mắng nhiếc vang tới tận Đền Thờ.  Các cô giáo và tư tế bèn chạy đến ngay, hỏi xem duyên cớ.  Thế là các cô đồng thanh lớn tiếng tố cáo Maria, đổ mọi tội lỗi lên đầu Mẹ: Nào là con nhỏ Maria Nagiarét rất khó nết, tính nó kỳ quặc không ai chịu nổi.  Nào là không thể chung sống với nó được, cứ hễ vắng mặt thầy cô là nó chửi bới chúng con.  Nào là nó không lúc nào để chúng con yên tâm học hành, chỉ phá phách chọc nhạo mọi người.  Nào là nó kiêu căng hợm hĩnh, phách lối làm tàng:  Có trách bảo nó, nó lại lên mặt bà cụ non, sấp mình xuống đất, giả bộ khiêm nhượng xin lỗi, nhưng rồi chứng nào tật ấy.  Nào là con quỉ con Maria còn đưa điều, ăn không nói có, làm rộn chúng con không còn ai tin ai nữa.  Thôi thì đủ thứ tội mà các cô có thể tưởng tượng ra.  Lời các cô quả quyết làm cho các tư tế bị lừa.

 

Các ông dẫn Mẹ vào một căn phòng gần đó, quở trách và đe đuổi Mẹ ra khỏi Đền Thờ, nếu không chịu sửa mình. C3m động sa nước mắt, Mẹ trả lời: “Kính thưa các thày, con xin cám ơn các thày đã sửa mắng con. Con yếu đuối quá, xin các thày tha cho con. Xin các thày chỉ bảo cho con biết cách từ nay làm đẹp lòng Chúa và chị em con hơn”.

 

Các tư tế còn quở trách Mẹ ít điều nữa, rồi cho Mẹ đi. Mẹ đến gặp các bạn, sấp mình xuống dưới chân họ, khóc lóc xin họ tha thứ. Họ cũng tiếp nhận họ một cách hiền hòa hơn, ngờ là Mẹ khóc vì phải phạt, vì bị thày cô trách mắng. Tưởng mình đã gây được ảnh hưởng nơi các tư tế, các cô tiếp tục cố gắng nghĩ mưu mô hủy diệt tâm tình ưu ái thày cô từng có đốùi với Đức Nữ Maria. Do mưu quỉ lừa dối, các cô ngụy tạo nhiều chứng cớ gian manh để làm các tư tế và các cô giáo quở phạt Mẹ nhiều lần hơn nữa.

 

Nhưng điều làm Mẹ phiền não tê tái là cứ tiếp tục vắng mặt Chúa mãi. Các tư tế và cô giáo đã được Chúa giác ngộ, không còn tin lời vu khống của các nhi nữ, nên các cô nhỏ ấy dần dần bỏ cuộc, không bắt nạt Mẹ nữa. Nhưng một điều rất lạ lùng là Chúa kéo dài sự vắng mặt của Ngài đối với Mẹ trong mười năm trời. Mẹ phải chịu sự vắng mặt Chúa và thiên thần này tám ngày trước khi Thánh Gioakim giã thế, tức hồi Mẹ lên ba tuổi rưỡi, cho đến lúc Mẹ được mười hai tuổi, tức là tới khi thân mẫu của Mẹ qua đời. Tính ra là mười năm.

 

Bài đọc 2

Đức Mẹ đã nhờ lòng tin mà tin, thì cũng nhờ lòng tin mà thụ thai

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách 21/11)

Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục.

Tôi xin anh em hãy để ý xem Chúa nói gì khi Người giơ tay chỉ các môn đệ : Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã không thi hành ý muốn của Chúa Cha sao ? Người là đấng đã nhờ lòng tin mà tin, thì cũng nhờ lòng tin mà thụ thai ; Người được chọn để nhờ Người, Đấng cứu độ chúng ta ra đời ; Người được Đức Ki-tô tạo thành trước khi Đức Ki-tô được tạo thành nơi Người. Đức Ma-ri-a đã thi hành, hoàn toàn thi hành ý Chúa Cha ; vì thế, đối với Người, làm môn đệ của Đức Ki-tô thì quan trọng hơn là làm Mẹ của Đức Ki-tô. Mẹ càng sung sướng vì được làm môn đệ của Đức Ki-tô hơn là vì được làm Mẹ của Đức Ki-tô. Vậy, Đức Ma-ri-a được hạnh phúc vì đã cưu mang Thầy trước khi sinh ra Thầy.

Bạn hãy xem tôi nói có đúng không. Khi Chúa cùng đi đường với đám đông và làm phép lạ thì một bà nói : Sung sướng thay người mẹ đã cưu mang Thầy ! Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy ! Nhưng, để người ta đừng tìm sung sướng theo lẽ tự nhiên, thì Chúa đã trả lời ra sao ? Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Do đó, Đức Ma-ri-a diễm phúc vì đã nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa ; Người gìn giữ sự thật trong tâm trí hơn là cưu mang xác phàm trong lòng. Đức Ki-tô là sự thật, Đức Ki-tô là xác phàm : là sự thật, Đức Ki-tô ở trong tâm trí Đức Ma-ri-a ; là xác phàm, Đức Ki-tô ở trong lòng Đức Ma-ri-a. Việc Đức Ki-tô ở trong tâm trí Mẹ thì quan trọng hơn việc Người ở trong lòng Mẹ.

Đức Ma-ri-a thánh thiện, Đức Ma-ri-a diễm phúc, nhưng Hội Thánh còn hơn Đức Ma-ri-a. Vì sao ? Thưa vì Đức Ma-ri-a là một thành phần của Hội Thánh, là một chi thể thánh, chi thể cao trọng, chi thể tuyệt vời, nhưng vẫn là một chi thể của toàn thân. Nếu Người thuộc về toàn thân, thì chắc chắn thân mình phải hơn một chi thể. Đầu của thân thể là Chúa nhưng Đức Ki-tô toàn thể gồm đầu và thân mình. Tôi phải nói gì đây ? Chúng ta có vị thần linh là đầu, chúng ta có Thiên Chúa là đầu.

Vậy, anh em thân mến, xin anh em để ý : anh em vừa là chi thể của Đức Ki-tô, vừa là thân mình Đức Ki-tô. Hãy để ý xem anh em là thế nào mà Chúa lại nói : Đây là mẹ tôi, là anh em tôi. Anh em là mẹ Đức Ki-tô thế nào ? Thưa : Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. Tin tôi đi, tôi hiểu thế nào là anh em, là chị em của Đức Ki-tô : bởi vì chỉ có một gia sản, do đó, vì lòng thương xót, Đức Ki-tô, tuy là Con Một, đã không muốn chỉ mình được hưởng, nhưng muốn chúng ta được làm kẻ thừa tự của Chúa Cha và đồng thừa tự với Đức Ki-tô.

 

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con họp mừng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vinh hiển, cúi xin Chúa nhậm lời Người chuyển cầu mà ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc. Chúng con cầu xin



Thứ Sáu


Phụng Vụ Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 10, 8-11

"Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất". Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: "Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật". Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: "Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

Xướng: 1) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. - Ðáp.

2) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. - Ðáp.

3) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.

4) Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. - Ðáp.

5) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ. - Ðáp.

6) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 19, 45-48

"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Ðó là lời Chúa.





Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Thanh tẩy Đền Thờ - Uy quyền của đối phương được phong vương


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, tiếp tục với cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Kitô, ở chỗ, sau khi "Người đã gần đến Giêrusalemtrong Bài Phúc Âm hôm kia, sau đó "Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem" trong bài Phúc Âm hôm qua, và hôm nay "Chúa Giêsu vào đền thờ".

Phải, nếu đền thờ Giêrusalem là nơi Thiên Chúa ngự, là biểu hiệu cho sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa, thì sự kiện Chúa Giêsu có mặt ở đền thờ này cho thấy Người đã đến được đích điểm cuộc hành trình Giêrusalem của Người. 

Bởi Người đến "là để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), tức để làm cho dân của Người biết Cha của Người thực sự là Đấng nào, Vị Thiên Chúa đã từng tỏ mình ra cho họ trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ như là một Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không còn một vị Thiên Chúa nào khác, và vì thế họ phải hết mình kính mến Ngài, chỉ một mình Ngài thôi, "hết lòng, hết linh hồn và hết sức" của họ (xem Đệ Nhị Luật 6:4-5), nghĩa là trên hết mọi sự.

Bởi thế, không lạ gì, khi thấy cảnh tượng dân chúng buôn bán trong đền thờ "là nhà cầu nguyện", như chính Người nói trong Bài Phúc Âm hôm nay, đã bị "biến thành sào huyệt trộm cướp", thì làm sao Người là Đấng kính mến Cha Người hết mình và trên hết mọi sự, khi thấy nơi biểu hiệu cho sự hiện diện thần linh của Cha bị chính dân của Ngài tục hóa, có thể nào chịu đựng được, đến độ dù Người vốn "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29) cũng không thể nào không ra tay "xua đuổi các người buôn bán tại đó". 

Phải chăng đó là một trong những lý do chính yếu khiến Người vừa thấy thành thánh Giêrusalem, Người đã thổn thức khóc, như bài Phúc Âm hôm qua thuật lại? Người đã không khóc khi thấy Cha của Người bị xúc phạm cho bằng khóc thương dân của Người, vì họ không ngừng liên tục xúc phạm đến Cha của Người mà nguy hiểm đến phần rỗi đời đời của chính họ. Bởi thế mà trên đường vác thập giá lên Núi Sọ, Người đã khuyên đám phụ nữ thương khóc Người bấy giờ rằng: "Chớ khóc thương Tôi, một khóc thương các ngươi cùng con cháu của các ngươi" (Luca 23:27-28). 

Đúng vậy, nếu con người ta nói chung và những ai tin vào Người nói riêng thật sự biết khóc thương bản thân mình, ở chỗ tỏ ra ăn năn thống hối tội lỗi của mình, thì đó là tác động họ khóc thương Người rồi vậy, vì họ sẽ không dám xúc phạm đến Người nữa, họ sẽ không làm cho Người phải khổ sở vác thập giá của họ và cho họ nữa, thập giá do chính họ chất lên vai của Người. Tội lỗi của họ chính là thập giá mà Người phải vác vậy. Và thập giá cũng là biểu hiệu cho từng con chiên lạc Người cần phải tìm kiếm và vác trên vai mang về nhà Cha của Người vậy (xem Luca 15:5). 

Đó là lý do Người quả thật không hề ghét bỏ dân của Người qua hành động đánh đuổi họ như thế, trái lại, chỉ vì Người thương họ hơn bao giờ hết, khi thấy họ lầm lạc đến độ chính họ là dân được Thiên Chúa là Cha của Người tuyển chọn đã tục hóa một nơi thánh nhất của họ, chứ không phải bị tục hóa bởi dân ngoại không biết gì đến Vị Thiên Chúa của họ, như đã phũ phàng và trắng trợn xẩy ra vào thời kỳ hậu lưu đầy của họ, khi họ bị ngoại bang xâm chiếm và đô hộ, đến độ quyền lực ngoại bang bấy giờ đã ra tay tàn phá và tục hóa đền thờ ấy, một biến cố lịch sử đầy nhơ nhớp được Sách Macabê quyển thứ nhất diễn thuật trong Bài Đọc 1 Thứ Hai đầu tuần này.

Việc Chúa Giêsu "xua đuổi các người buôn bán tại đó" còn mang một ngậm ý trách móc cả thành phần lãnh đạo dân Chúa bấy giờ nữa, thành phần có thẩm quyền để hướng dẫn dân Chúa theo đường lối của Thiên Chúa, theo lề luật thánh lại để xẩy ra tình trạng tục hóa công khai này, một là vì chính họ cho phép, hai là vì họ cứ để cho dân chúng tha hồ tục hóa đền thờ linh thánh này, không hề ngăn cản tí nào, như thể vừa tán thành vừa đồng lõa với tội lỗi của dân.

Người biết rằng việc Người tự động "xua đuổi các người buôn bán tại đó" chắc chắn sẽ đụng chạm đến quyền bính của thành phần lãnh đạo này. Thế nhưng, vì Người đến cứu cả thành phần lãnh đạo mù quáng ấy nữa, nên Người vẫn bất chấp họ có tỏ ra hận thù Người hơn bao giờ hết, như được Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người".

Họ càng hận thù và tìm cách hại Người bao nhiêu thì chính họ là thành phần "không muốn" xẩy ra chuyện "phong vương" của Người càng được thành tựu, như ý nghĩa trọng dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm kia cho biết vào thời điểm Người "gần đến Giêrusalem" là nơi Người sẽ bị rơi vào tay họ như Người đã báo trước cho các môn đệ của Người về biến cố bất khả tránh này 3 lần, đúng như ý định vô cùng nhiệm mầu của Cha Người về cuộc hành trình Giêrusalem của Người là để Người được "phong vương" trên ngai tòa thập tự giá một cách danh chính ngôn thuận: "Giêsu Vua Dân Do Thái" (Luca 23:38).

Tuy nhiên, ngay lúc bấy giờ, lúc Người "xua đuổi các người buôn bán tại đó" thì họ còn sợ dân chúng, tức chưa đến giờ của người, nhờ đó, như Phúc Âm cho biết: "hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ". Và vì thế, từ ngày mai Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên cho tới hết tuần 34 Thường Niên là tuần cuối cùng của phụng niên hằng năm, chúng ta sẽ đọc thấy các bài Phúc Âm cho ngày thường trong tuần liên quan đến giáo huấn Giêrusalem của Người, những giáo huấn cuối cùng của hành trình Giêrusalem được Người công khai truyền dạy ở chính thành thánh Giêrusalem, giáo đô của Do Thái giáo, cũng là khởi điểm truyền giáo (xem Tông Vụ 1:8) ngay sau biến cố Thánh Linh Hiện Xuống của Giáo Hội được Người thiết lập.

Lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay khi Người đánh đuổi đám dân đã biến nhà Cha của Người thành sào huyệt trộm cướp là một sấm ngôn, một sấm ngôn ngọt ngào phát ra từ mội miệng của Vị Thiên Chúa làm người chỉ vì yêu thương nhân loại, muốn cứu nhân loại nói chung, nhất là dân riêng của Người vốn là dân thánh nói riêng, cho khỏi tất cả những gì là trần tục, tục hóa, bất xứng với Người, cũng bất xứng với Cha của Người, một sấm ngôn được thoát ra từ một cõi lòng cay đắng xót xa trước cảnh hư đốn băng hoại nơi dân của Người, đến độ khiến Người đã phải khóc, khi thấy trước được số phận thảm thương của họ sau này, như Người đã đề cập tới trong bài Phúc Âm hôm qua, và câu sấm ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay như thế Người cho họ biết rằng tại sao họ sẽ phải chịu số phận vô cùng khốn nạn như thế: sở dĩ họ "không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng" là vì họ mải mê lợi lộc trần thế vậy!

Chớ gì những sấm ngôn của Chúa, tiêu biểu cho những gì Thiên Chúa muốn và những giáo huấn của Người trở thành ngon ngọt cho những ai biết chấp nhận, nhờ đó họ mới cảm thấy "ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Mathêu 11:30), và cũng nhờ đó họ mới thực sự cảm nghiệm thấy tâm tình hân hoan của Thánh Vịnh gia trong Thánh Vịnh 118 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang.

2) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con.

3) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

4) Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con.

5) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ.

6) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.


 

Ngày 22 tháng 11

Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo

lễ nhớ bắt buộc

Tiểu sử 
Cuối thế kỷ V, câu chuyện về cuộc thương khó của các chứng nhân tử đạo Xê-xi-li-a, Va-lê-ri-a-nô và Ti-buốc đã ca ngợi đức đồng trinh của Ki-tô giáo, khiến cho tên tuổi của một thiếu nữ người Rô-ma tên là Xê-xi-li-a trở thành lừng lẫy. Chị đã chịu tử đạo và được mai táng ở nghĩa trang Ca-lít-tô. Một thánh đường đã được xây dựng để kính thánh nữ và một đoản văn trong câu chuyện trên đã khiến cho các nhạc sĩ chọn chị làm bổn mạng.

Bài đọc 2

Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa

Trích bài diễn giải thánh vịnh của thánh Âu-tinh, giám mục.

Hãy tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm ; kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một bài ca mới. Hãy cởi bỏ cái cũ kỹ ; anh em đã biết bài ca mới. Con người mới, giao ước mới, bài ca mới. Bài ca mới không thích hợp với những con người cũ. Bài ca đó, chỉ những con người mới mới học được, vì nhờ ân sủng họ đã được đổi mới từ tình trạng cũ kỹ và từ nay thuộc về giao ước mới, tức là Nước Trời. Tất cả tình yêu của chúng ta tha thiết hướng về Nước ấy và hát bài ca mới ; hãy hát bài ca mới, không phải bằng môi miệng nhưng bằng đời sống.

Hãy dâng Chúa một bài ca mới, hãy hát cho hay để mừng Người. Mỗi người tự hỏi phải hát mừng Thiên Chúa thế nào. Hãy hát mừng Người, nhưng đừng hát sai. Người không muốn bị chói tai. Hãy hát cho hay, hỡi anh em. Trước mặt một người sành âm nhạc, nếu người ta bảo bạn : “Hãy hát cho ông ấy thưởng thức”, mà bạn không được huấn luyện về âm nhạc, thì bạn sợ không dám hát kẻo làm mất lòng người nghệ sĩ. Thật thế, những lỗi người không thạo nhạc chẳng nhận ra, thì người nghệ sĩ sẽ thấy rõ. Vậy ai dám cho mình là hát hay để hát mừng Thiên Chúa, Đấng đánh giá người hát, Đấng xem xét mọi sự, Đấng nghe thấy tất cả ? Bao giờ bạn mới có thể hát cách điêu luyện đến mức không làm chói đôi tai thành thạo ấy chút nào ?

Đây chính Người chỉ cho bạn cách hát : đừng tìm lời, như thể bạn có khả năng diễn tả bằng lời điều làm cho Thiên Chúa ưa thích. Hãy hát mừng Người bằng tiếng reo vui. Hát bằng tiếng reo vui, đó là hát cho hay để dâng Chúa. Hát bằng tiếng reo vui là gì ? Phải hiểu rằng tiếng hát của tâm hồn không thể diễn tả bằng lời. Cũng như những người hát trong khi gặt lúa hoặc hái nho hay khi làm một công việc gì phấn khởi : thoạt đầu họ vui mừng hân hoan nhờ những lời của bài ca, sau đó họ như đầy tràn một niềm vui lớn lao đến nỗi không thể diễn tả bằng lời, nên họ không dùng lời nữa mà chuyển sang tiếng reo vui.

Reo vui là một tiếng phát ra để diễn tả rằng : tâm hồn đang trào dâng một điều gì đó không thể nói lên được. Tiếng reo vui ấy thích hợp với ai hơn là với Thiên Chúa, Đấng không gì diễn tả được ? Đấng không gì diễn tả được là Đấng bạn không thể nói lên được bằng lời. Nếu bạn không thể nói lên bằng lời, mà cũng không được phép thinh lặng, thì bạn còn cách nào hơn là reo vui ? Tâm hồn cứ hân hoan mà không cần lời để niềm vui vô biên không bị ngôn từ giới hạn. Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa.

Xướng đápTv 70 (71),8.23 ; 9,3

XMiệng con chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh.

ĐTheo nhịp đàn mừng Chúa, miệng con sẽ reo hò.

XMừng Ngài, con hân hoan nhảy múa, đàn hát kính danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao.

ĐTheo nhịp đàn mừng Chúa, miệng con sẽ reo hò.

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Xê-xi-li-a, chúng con đến dâng lời khẩn nguyện : Vì lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con được xứng đáng hát mừng danh thánh Chúa. Chúng con cầu xin

 


 

 

Thứ Bảy



Phụng Vụ Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 11, 4-12

"Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: "Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: 'Hãy lên đây'. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.

Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Ðức Chúa Trời".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).

Xướng: 1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. - Ðáp.

2) Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. - Ðáp.

3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài. - Ðáp.

 

  

Alleluia: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 20, 27-40

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".

Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.


 



Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Không có vấn đề luân hồi mà là phục sinh, là được biến đổi...

 


Hôm nay, Thứ Bảy, cuối Tuần XXXIII Thường Niên, Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc vẫn tiếp tục bài Phúc Âm hôm qua là bài Phúc Âm cho biết cuộc hành trình Giêrusalem của Người đã tới đích điểm của nó là chung thành thánh Giêrusalem và riêng đền thánh Giêrusalem, nơi Người thanh tẩy xong thì Người tiếp tục giảng dạy cho dân chúng.

Và giáo huấn cuối cùng trong cuộc hành trình Giêrusalem của Người ở chính giáo đô Giêrusalem là đích điểm tỏ mình ra của Người này, đặc biệt liên quan đến mầu nhiệm cánh chung và lai thời hậu thế, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, qua lời vấn đáp của Chúa Giêsu với "mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại", nên đã "đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng:

"Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ góa đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Qua thực đây là một câu hỏi của những người không tin có vấn đề sống lại, nghĩa là không tin có đời sau, hay có đời sau thì cũng không thể nào xẩy ra chuyện bao gồm cả thân xác hữu hình và hữu hạn này, nghĩa là thân xác con người không thể nào trở thành vô hình và vô hạn bất biến với thời gian sau thời gian ở đời này được. 

Theo lý lẽ tự nhiên thì không phải là họ không có lý. Và chính vì thế, họ mới phủ nhận sự kiện thân xác phục sinh, hay ngược lại, vì có ý nghĩ không thể nào có vấn đề phục sinh của thân xác mà họ mới đặt ra một trường hợp không bao giờ có thể xẩy ra, hoàn toàn không thực tế, hợp với tầm mức hiểu biết thiển cận theo tự nhiên của họ trên đây.

Tuy nhiên, họ đã lầm. Nhưng cũng may, họ vẫn còn thiện chí để nói ra, để hỏi han, lại hỏi ngay chính vị mà họ tin rằng, (hơn là cố ý thử Người như thường thấy nơi thành phần luật sĩ và biệt phái tin có sự sống lại), có thể giải đáp vấn đề then chốt nhất của họ, nhưng cũng là vấn đề hóc búa đến độ như thể bất khả nan giải của họ. 

Câu trả lời của Chúa Giêsu là Đấng tự thân sẽ sống lại đầu tiên từ trong kẻ chết như thế này, một câu trả lời đã được chính thành phần luật sĩ cũng có mặt ở đó bấy giờ hết sức khâm phục: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm", đến độ "họ không dám hỏi Người điều gì nữa". Và câu trả lời của Chúa Giêsu về chuyện xác loài người ta sẽ sống lại như sau:

"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".

Trong câu trả lời này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Đấng "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) bao gồm cả sự sống lại của thân xác và sự sống bất diệt đời sau của cả toàn thân con người cả hồn lẫn xác

Trước hết, về sự sống lại, lần đầu tiên Chúa Giêsu được dịp chính thức mạc khải cho biết rằng con người ta sẽ sống lại, mà sống lại là sự kiện trước hết liên quan đến thân xác đã chết đi của họ, nên vấn đề sống lại là vấn đề của thân xác, và một khi thân xác sống lại thì "sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa". 

Nghĩa là thân xác hữu hình và hữu hạn của con người khi còn tại thế, còn sống trong không gian và thời gian, khi sống lại sẽ trở thành thiêng liêng vô hình, trở thành bất tử và bất diệt, như thân xác phục sinh của Ngưòi sau này, có thể xuyên qua cả căn phòng khóa kín của các tông đồ đang sợ sệt trốn lánh bấy giờ.

Thế nhưng, tự mình thân xác hữu hình và hữu hạn của con người không thể nào sống nếu thiếu linh hồn vẫn được gọi là hồn sống của nó, thì cũng thế nó sẽ không tự mình sống lại và sống đời sau vô cùng nếu không có hồn thiêng bất tử của nó. 

Mà linh hồn của con người chỉ thực sự sống, sống sự sống thần linh, sống sự sống siêu nhiên, sống sự sống đời đời, sống sự sống trường sinh bất tử, dù ở đời này hay ở đời sau, ở chỗ nhận biết "Thiên Chúa chân thật duy nhất" được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô (xem Gioan 17:3), tức là nhận biết vị Thiên Chúa bất biến trước sau như một: "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp", vị Thiên Chúa hằng hữu và tồn tại dù con người có qua đi ba đời Abraham, Isaac và Giacóp, một khoảng thời gian không ai còn tồn tại trên trần gian thế mà Thiên Chúa hằng sống vẫn hiện hữu

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" là như thế, "vì mọi người đều sống cho Chúa", ở chỗ nhận biết Ngài như Ngài là, như Ngài đã tỏ ra nơi Chúa Giêsu Kitô là Người Con nhập thể và vượt qua của Ngài, nhờ đó "họ sẽ không thể chết nữa" cùng với thân xác của họ, với tư cách "là con cái Thiên Chúa" như Chúa Kitô, nhờ Thánh Linh là Đấng chứng tỏ họ là con cái Thiên Chúa (xem Roma 8:16; 1Gioan 4:13): "Nếu Thần Linh của Đấng đã làm cho Chúa Kitô từ trong kẻ chết sống lại thì cũng sẽ mang lại sự sống cho thân xác chết chóc của anh em, nhờ Thần Linh của Người ở trong anh em" (Rôma 8:11).

Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là nếu thân xác con người sống lại là nhờ linh hồn nhận biết Thiên Chúa hằng sống thì những linh hồn nào không nhận biết Thiên Chúa hằng sống có sống lại nơi thân xác của họ và với thân xác của họ hay chăng? 

Theo tín lý dạy thì tất cả mọi người đều sống lại, dù là "kẻ sống" hay "kẻ chết", kẻ lành hay kẻ dữ, kẻ được rỗi hay kẻ hư đi. Bởi vì, dù là thành phần kẻ dữ bị hư đi vì khi còn sống trên thế gian này họ không nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất để hội đủ điều kiện được cứu rỗi chăng nữa, khi qua khỏi trần gian này, khi không còn thời gian nữa thì trong cõi đời đời họ lại càng không thể chối cãi sự thật mà họ chối bỏ là chính Vị Thiên Chúa hằng sống của họ

Và vì các linh hồn hư đi sau khi qua khỏi đời này không thể không nhận biết Thiên Chúa hằng sống như Ngài đã tỏ tất cả mình ra là nơi Chúa Giêsu Kitô, một cách bất đắc dĩ không chân nhận không được, mà linh hồn hư đi ấy vẫn tồn tại với cả thân xác của họ, vô cùng ở đời sau, trong cõi đời đời. Nhưng tình trạng hư đi của họ hoàn toàn khác với tình trạng của các linh hồn được cứu rỗi là thành phần, nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất nhờ Thánh Thần, như lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, "xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết", một cách rạng ngời "giống như thân xác vinh hiển của Người (Chúa Kitô)" (Philiphê 3:21).

Nếu như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay "về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa", thì "hai chứng tá", ám chỉ "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), trong Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay, cho dù các ngài có bị satan là "con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài... Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: 'Hãy lên đây'. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài".

Đúng thế, thành phần chứng nhân của Chúa, là thành phần sống "đức  tin thể hiện qua đức ái", thành phần kẻ sống bất diệt ngay trên trần gian này, dù thế gian có gian ác mấy chăng nữa, có hận thù tàn sát họ chăng nữa, mà càng bị bách hại và sát hại, họ lại càng trung thực và sống động hơn bao giờ hết phản ảnh Vị Thiên Chúa hằng sống của họ, Đấng họ hoàn toàn tin tưởng và để Ngài có thể sống trong họ, và tỏ mình ra qua họ, nhờ đó chư dân mới có thể nhận biết Ngài mà được cứu độ, tức được sự sống của Vị "Thiên Chúa của kẻ sống", với tâm tình của Thánh Vịnh 143 ở Bài Đáp Ca hôm nay:


1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến.

2) Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.

3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài.

 

 

Ngày 24 tháng 11

Lễ Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc,

và các bạn Tử Ðạo

(Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam)

 

Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9

"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

 

(Khi mừng theo bậc Lễ Trọng thì có Bài Ðọc II này):

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: 1 Pr 4, 14

Alleluia, alleluia! - Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 10, 17-22

"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".

Ðó là lời Chúa.

 

Thánh Clêmentê ở Rôma

 Giáo Hoàng Tử Đạo

 

Who Was Clement of Rome?

 

 

Người ta biết được về thánh Clêmentê, vị giáo hoàng trị vì trong 10 năm chỉ nhờ bức "thư gởi giáo hữu Côrintô" thôi. Vào thế kỷ thứ IV có lưu hành những chứng thư đầy huyền thoại. Theo đó, cha Ngài là Phaustin thuộc dòng dõi Giacop. Sinh tại Roma, được nuôi dưỡng trong Do thái giáo.

 

Thánh Clêmentê đã nghe theo những diễn từ của các thánh tông đồ và trở thành môn đệ các Ngài. Ngài đã theo thánh Phaolô trong các hành trình đi truyền giáo và đã trở thành đấng kế vị thứ ba của thánh Phêrô. Vua Trajanô đang bách hại các Kitô hữu biết được rằng: vị giáo hoàng đã đem được nhiều người trở lại đạo. Ông kết án Ngài phải làm việc khổ sai tại các hầm mỏ bên kia Bắc Hải, trong các miền hoang vắng. Hai ngàn Kitô hữu đẽo đá tại đây chịu cảnh khát nước thảm khốc.

 

Tương truyền rằng thánh Clêmentê cầu nguyện rồi lên một ngọn đồi và thấy một con chiên ghi dấu chân đúng vào chỗ có dòng nước tươi mát vọt lên làm giảm khát cho người mang án. Các bức tranh cẩn đâu tiền còn diễn lại biểu tượng một con chiên đứng trên ngọn núi xanh. Nhà vua khi biết được rằng thánh Clêmentê đã dùng lời nói và phép lạ để an ủi các Kitô hữu, liền sai các sứ giả tới cột cổ Ngài vào một cái neo rồi ném xuống biển. Lệnh đường thi hành. Nhưng trong khi các tín hữu cầu nguyện trên bờ, họ thấy dòng nước rút đi một cách lạ lùng và có thể đưa xác vị tử đạo lên đất liền.

 

Điều chắc chắn chính là bức thư của thánh Clêmentê đã thành một trong các tài liệu quí giá của Kitô giáo thời Chúa xưa. Các Kitô hữu Côrintô chạy đến Đức giáo hoàng để tìm hoà giải những cuộc tranh chấp, đã kính cẩn đón tiếp thư của Ngài. Những thư này được đọc cho các cộng đoàn tín hữu. Thư của thánh Clêmentê chứng thực việc thánh Phêrô đến và chịu chết ở Roma, việc Nêrô bắt các Kitô hữu làm trò mua vui. Thư cũng gợi ý cho chúng ta việc tổ chức Giáo hội. Giữa các sự việc lớn lao khác, thánh Clêmentê đã nói:

 

- "Ai mạnh hãy lo cho người yếu. Người giầu hãy giúp đỡ người nghèo và người nghèo hãy chúc tụng Chúa và điều Ngài muốn cung ứng cho các nhu cầu của họ. Người khôn ngoan hãy tỏ ra khôn ngoan không phải chỉ trong lời nói mà còn trong các việc lành. Người khiêm tốn đùng nói gì về mình và đừng tìm phô diễn hành động của mình. Người lớn không thể tồn tại mà không có người nhỏ và người nhỏ cũng không thể tồn tại mà không có người lớn... Thân thể không thể bỏ qua sự phục vụ của những chi thể nhỏ bé hơn.

 

Các tín hữu còn học biết bằng qua những âu lo vô ích và sống đời sám hối, mỗi người phải biết vâng phục để trở nên tôi tớ hoàn tất vinh quang Thiên Chúa. Đức Kitô đã không đến trong kiêu sa, nhưng đã tự hạ, đã chịu khổ cực. Vậy phải nên thánh và tín thác cho Chúa.

 

Chỉ một bức thư này còn quan trọng trong sự thật vượt xa mọi truyện thần thoại.

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 28/2/2007 –

Bài Giáo Lý 32 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong mấy tháng qua, chúng ta đã suy niệm về những hình ảnh của từng vị tông đồ và là những vị chứng nhân tiên khởi của đức tin Kitô Giáo, những vị được đề cập tới trong các bản văn Tân Ước. Giờ đây, chúng ta quay sang các vị Tông Giáo Phụ , tức đến thế hệ thứ nhất và thứ hai của Giáo Hội sau các tông đồ. Nhờ đó chún g ta có thể thấy được cách thức Giáo Hội bắt đầu tiến bước trong lịch sử.

 

Thánh Clêmentê, Giám Mục Rôma trong những năm cuối cùng của thế kỷ thứ nhất, là vị thừa kế thứ ba của Thánh Phêrô, sau Đức Linus và Đức Anacletus. Chứng từ quan trọng nhất về đời sống của ngài được Thánh Irênê là giám mục Lyon viết mãi vào năm 202. Vị giám mục này cho rằng Thánh Clêmentê ‘đã từng thấy các vị tông đồ… đã được gặp gỡ các vị ấy’, và ‘vẫn còn văng vẳng bên tai giáo huấn của các vị, và vẫn còn thấy trước mắt truyền thống của các vị’ (Adv. Haer. 3,3,3). Những chứng từ sau này, giữa thế kỷ thứ bốn và thứ sáu, thì qui tước hiệu tử đạo cho Thánh Clêmentê.

 

Thẩm quyền và thế giá của vị Giám Mục Rôma này như vậy nên có một số bản văn được qui về cho ngài, thế nhưng chỉ có một bản văn chắc chắn là Bức Thư gửi cho Giáo Đoàn Côrintô.

 

Giáo phụ Eusebius thành Caesarea, một đại ‘lưu trữ viên’ của những gốc tích Kitô Giáo, đã trình bày về bức thư này bằng những lời lẽ như sau: ‘Một bức thư duy nhất của Đức Clêmentê đã được gửi xuống cho chúng ta được công nhận  là chân thực, trọng đại và tuyệt vời. Bức  thư này được ngài viết nhân  danh Giáo Hội Rôma gửi cho Giáo Hội ở Côrintô… Chúng ta biết rằng qua một thời gian dài, và cho tới cả ngày nay nữa, bức thư n ày được công khai đọc trong những cuộc tái hợp của tín hữu’ (Hist. Eccl. 3,16).

 

Một đặc tính hầu như có tính cách giáo luật được qui cho bức thư này. Ở đầu bản văn ấy, được viết bằng tiếng Hy Lạp, Đức Clêmentê xin lỗi nếu ‘những biến cố phức tạp và tai hại’ (1:1) đã xẩy ra vì một cuộc can thiệp chậm chạp. Những ‘biến cố’ ấy có thể được đồng hóa với cuộc bách hại của Domitian; bởi thế, ngày tháng của bức thư này được viết vào thời điểm ngay sau cái chết của vị hoàng đế ấy và trước khi chấm dứt cuộc bách hại, tức là ngay sau năm 96.

 

Việc can thiệp của Đức Clêmentê – chúng ta vẫn còn ở thế kỷ thứ nhất – được kêu gọi thực hiện vì những vấn đề trầm trọng Giáo Hội Côrintô đang trải qua; thật vậy, các vị linh mục của cộng đồng này đã bị loại trừ bởi một số thành phần trẻ trung mới tạo được uy thế. Biến cố đau thương này một lần nữa được ghi nhớ bởi Thánh Irênê, vị đã viết rằng: ‘Dưới thời Đức Clêmentê, xẩy ra một cuộc xung khắc trầm trọng giữa các người anh  em ở Corintô, Giáo Hội Rôma đã gửi cho giáo đoàn Côrintô một bức thư rất quan trọng để hòa giải họ trong an bình, để canh tân đức tin của họ và để loan báo một truyền thống họ đã lãnh nhận còn rất mới mẻ từ các vị tông đồ’ (Adv. Haer. 3,3,3).

 

Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng bức thư này là việc hành sử lần đầu tiên của một Vị Giáo Chủ ở Rôma sau cái chết của Thánh Phêrô. Bức thư của Thánh Clêmentê đã đụng chạm tới những đề tài thân thương với Thánh Phaolô, vị đã viết hai bức thư quan trọng cho giáo đoàn Côrintô, nhất là về vấn đề biện chứng thần học, bao giờ cũng thích hợp, giữa biểu thị của việc cứu độ và trách nhiệm dấn thân về luân lý.

 

Trước hết là việc công bố ơn cứu độ. Chúa thấy được là chúng ta cần gì và ban ơn tha thứ cho chúng ta, ban cho chúng ta tình yêu của Người, ban cho chúng ta ơn được làm người Kitô hữu, làm anh chị em của Người. Đó là điều rao giảng làm cho cuộc đời chúng ta hân hoan và giúp cho các hoạt động của chúng ta được vững chắc. Chúa Kitô luôn thấy được là các hành động của chúng ta cần đến sự thiện hảo của Người và sự thiện hảo của Chúa bao giờ cũng lớn hơn tất cả mọi tội lỗi của chúng ta.

 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải quyết tâm một cách gắn bó với tặng ân chúng ta được lãnh nhận ấy và đáp lại việc loan truyền ơn cứu độ bằng một đường lối quảng đại và can trường hướng tới việc hoán cải. So sánh với mô thức của Thánh Phaolô, thì cái mới mẻ là ở chỗ, tiếp theo sau phần tín lý và phần thực hành Thánh Clêmentê, có ‘một lời nguyện cầu long trọng’ để kết thúc bức thư một cách cụ thể.

 

Dịp trực tiếp của bức thư này đã tạo cơ hội cho vị Giám Mục Rôma để can thiệp một cách sâu rộng vào vấn đề căn tính của Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội. Thánh Clêmen tê ghi nhận là nếu có những c huyện lạm dụng xẩy ra ở Côrintô thì lý do cần phải lưu ý tới đó là ở tình trạng yếu kém về đức ái và những nhân đức cần thiết của Kitô Giáo. Đó là lý do tại sao ngài đã kêu gọi tất cả mọi tín hữu hãy sống khiêm nhượng và yêu thương huynh đệ, hai nhân đức thật sự là căn bản để làm phần tử của Giáo Hội. Ngài nói: ‘Chúng ta là phần thể của Đấng Thánh, nên chúng ta hãy làm tất cả những gì liên quan tới thánh thiện’ (30:1).

 

Đặc biệt vị Giám Mục Rôma này còn nhắc lại rằng chính Chúa Kitô, ‘Người muốn những điều ấy được thực hiện ở đâu và bởi ai, thì chính Người đã ấn định theo ý muốn tối cao của Người, để tất cả mọi sự, được thực hiện một cách đạo hạnh theo sở thích tốt lành của Người, đáng được Người chấp nhận…. Vì những việc phục vụ đặc biệt của Người là những gì được bổ nhiệm cho vị thượng tế, và nơi chốn thích hợp của những việc phục vụ ấy được qui định cho các vị linh mục, và những thừa tác vụ đặc biệt của những việc ấy được trao cho thành phần Lêvi. Thành phần giáo dân, theo luật, có trách nhiệm đối với những gì thuộc giáo dân’ (40:1-5: xin lưu ý là ở đây, trong bức thư từ cuối thế kỷ thứ nhất này, lần đầu tiên văn chương Kitô Giáo có chữ Hy Lạp ‘laikós’, mang ý nghĩa là ‘phần tử của vương quốc’, tức là thành phần ‘dân Chúa’).

 

Như thế, khi qui chiếu về phụng vụ của dân  Yến Duyên, Thánh Clêmentê cho thấy lý tưởng của ngài về Giáo Hội. Đó là một cuộc qui tụ bởi ‘một thần linh ân sủng được đổ xuống trên chúng ta’, cho thấy, qua các phần tử khác nhau của Thân Mình Chúa Kitô, tất cả được liên kết bất phân đều là ‘phần tử của nhau’ (46:6-7).

 

Việc phân biệt rõ ràng giữa thành phần ‘giáo dân’ và phẩm trật dù sao cũng không có nghĩa là một cái gì đó tương phản mà chỉ là một liên hệ theo cơ cấu của một thân thể, của một tổ chức có những phần hành khác nhau. Thật vậy, Giáo Hội không phải là một nơi hỗn độn và vô chủ, nơi mà ai muốn  làm gì thì làm vào bất cứ lúc nào, mỗi người trong cơ cấu có lớp lang này thực hành thừa tác vụ của mình theo ơn  gọi được  nhận lãnh.

 

Liên quan tới thành phần  lãnh đạo của các cộng đồng, Thánh Clêmentê xác định rõ về tín lý của việc kế thừa tông đồ. Những luật lệ chi phối điều này đều xuất phát từ chính Thiên Chúa một cách tối hậu. Chúa C ha sai Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến phiên mình thì sai các vị tông đồ. Rồi những vị này sai thành phần thủ lãnh đầu tiên  của các cộng đồng, và đã ấn định rằng họ cần phải được những con người xứng đáng tuân  theo. Bởi thế, tất cả mọi sự được tiến triển ‘một cách lớp lang, theo ý muốn của lời Chúa’ (42).

 

Với những lời này, với những câu ấy, Thánh Clêmentê muốn nhấn mạnh rằng Giáo Hội có một cấu trúc bí tích, chứ không phải là một cấu trúc chính trị. Các tác động của Thiên Chúa vươn tới chúng ta trong phụng vụ là những gì đi trước các quyết định và các ý nghĩ của chúng ta. Giáo Hội trước hết là một tặng ân của Thiên Chúa chứ không phải là một sản phẩm của chúng ta, bởi thế cấu trúc bí tích này chẳng những bảo đảm được trật tự chung mà còn là những gì tiền dẫn đến tặng ân của Thiên Chúa tất cả chúng ta cần đến.

 

Sau hết, ‘lời nguyện long trọng’ cống hiến một thứ hít thở vũ trụ cho việc bàn luận trước đó. Thánh Clêmentê ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa về sự quan phòng yêu thương cao cả của Ngài, Đấng đã tạo dựng nên  thế giới và tiếp tục cứu thế giới và chúc lành cho thế giới. Lời kêu cầu cho cơ cấu cai quản cũng được đặc biệt chú trọng. Sau các bản văn Tân Ước thì đây là lời cầu nguyện cổ kính nhất cho các tổ chức chính trị. Bởi thế, khi mới có việc bách hại, Kitô hữu, quá rõ là các cuộc bắt bớ sẽ tiếp tục xẩy ra, đã không thôi nguyện cầu cho chính những vị thẩm quyền đã lên án họ một cách bất chính.

 

Động lực ấy trước hết có tính cách Kitô học, đó là con người cần phải nguyện cầu cho thành phần bách hại mình, như Chúa Giêsu đã làm trên cây thập giá. Thế nhưng, lời cầu nguyện ấy cũng chất chứa một giáo huấn, qua giòng lịch sử, hướng dẫn thái độ của Kitô hữu trước các hoạt động chính trị và quốc gia.

 

Trong việc nguyện cầu cho các vị thẩm quyền, Thánh Clêmentê nhìn nhận tín h cách hợp lý của các cơ cấu chính trị theo trật tự được Thiên Chúa ấn định. Đồng thời ngài cũng bày tỏ mối quan tâm của ngài về việc những thẩm quyền này phải làm sao để dễ dạy đối với Thiên Chúa và ‘hành sử quyền hành được Chúa ban trong an bình và nhân ái xót thương’ (61:2).

 

Cêsa không phải là tất cả. Còn có một chủ quyền khác, mà nguồn gốc và yếu tính của nó không thuộc về thế giới này, mà là ‘từ trên cao’: đó là thẩm quyền của Sự Thật, một sự thật có quyền được lắng nghe cũng như có quyền đối chất với quốc gia.

 

Như thế, bức thư của Thánh Clêmentê nêu lên nhiều đề tài vẫn còn thực hữu. Điều này càng có ý nghĩa hơn, vì nó tiêu biểu, từ thế kỷ thứ nhất, mối quan tâm của Giáo Hội Rôma, một Giáo Hội chủ sự trong đức ái đối với tất cả mọi giáo hội khác.

 

Theo cùng tinh thần ấy, chúng ta thực hiện những lời cầu khẩn của chúng ta như ‘lời nguyện trọng đại’ này, nơi vị Giám Mục Rôma trở thành tiếng nói cho toàn thế giới, ‘vâng, lạy Chúa, xin chiếu tỏa dung nhan Chúa trên chúng con cho thiện  ích trong an bình, để chúng con được bàn tay quyền năng của Chúa bao che… chúng con ca ngợi Chúa qua vị thượng tế và là vị bảo hộ linh hồn của chúng con là Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà vinh quang và uy nghi được qui về Chúa bay giờ và qua mọi thế hệ cho tới muôn đời. Amen’ (60-61).



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/3/2007

 

 

 

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO Ở VIỆT NAM NGÀY 24/11 NĂM 2024 TRÙNG VÀO CHÚA NHẬT CHÚA KITÔ VUA, NỀN CÓ THỂ CỬ HÀNH VÀO THỨ BẢY 23/11

 

 

Ngày 24 tháng 11

THÁNH AN-RÊ TRẦN AN DŨNG LẠC
VÀ CÁC BẠN, TỬ ĐẠO

lễ trọng ở Việt Nam

Tiểu sử 

Hôm nay, phụng vụ kính nhớ 117 chứng nhân tử đạo Việt Nam. Các vị đã được tôn phong chân phước trong bốn đợt : Năm 1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII tôn phong 64 vị ; đức giáo hoàng Pi-ô X tôn phong 8 vị năm 1906 và 20 vị năm 1909. Năm 1951, đức giáo hoàng Pi-ô XII tôn phong 25 vị. Tất cả 117 vị đều được đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, kể từ lúc Tin Mừng bắt đầu được loan báo tại Việt Nam, thế kỷ XVI, cho đến cuộc bách hại khốc liệt thế kỷ XIX, đã có nhiều chứng nhân anh dũng cả người Âu lẫn người Việt hy sinh thân mình vì Chúa Ki-tô.

Hồ sơ phong thánh và Các Giờ Kinh Phụng Vụ đặc biệt chú ý đến các tên tuổi sau : Người Việt Nam : thánh An-rê Dũng Lạc, linh mục (+ 1839), thánh Tô-ma Trần Văn Thiện, chủng sinh (+ 1838), thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh, linh mục (+ 1857), thánh Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng, giáo lý viên và người cha trong gia đình (+ 1859). Các tu sĩ Đa-minh người Tây Ban Nha, thuộc Tỉnh Dòng Mân Côi : thánh Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Liêm, giám quản tông toà địa phận Đông đàng ngoài (+ 1861), thánh Va-len-ti-nô Be-ri-ô Ô-choa, giám mục (+ 1861) và một vị người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Pa-ri, thánh Tê-ô-phan Vê-na (+ 1861).

Tìm Hiểu Đôi Nét Về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam | Giáo Phận Thanh Hóa

thanh-tu-dao-vn – Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Bài đọc 2

Các vị tử đạo được thông phần
cuộc chiến thắng của Đầu là Đức Ki-tô

Trích thư của thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh gửi các chủng sinh chủng viện Kẻ Vĩnh năm 1843.

Tôi là Phao-lô, đang bị xiềng xích vì Đức Ki-tô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi dâng lời ca ngợi Thiên Chúa : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.

Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời : ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn phiền, cả ruồi muỗi rận rệp.

Nhưng Đấng đã giải thoát ba người thanh niên khỏi ngọn lửa bừng bừng vẫn luôn ở cùng tôi ; Người cũng đã giải thoát tôi khỏi những sự khốn khó này bằng cách làm cho trở nên ngọt ngào : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.

Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. Người là Thầy của chúng ta, Người mang tất cả sức nặng của thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất. Người không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính Người đang chiến đấu và chiến thắng. Vì thế, triều thiên vinh quang đã được đặt trên đầu Người, nhưng chi thể cũng được hân hoan vì vinh quang của đầu.

Lạy Chúa, làm sao con sống nổi khi hằng ngày con thấy quan quyền và thuộc hạ nói phạm đến thánh danh Chúa, Đấng ngự trên các thần kê-ru-bim và xê-ra-phim ? Kìa thập giá của Chúa bị kẻ ngoại chà đạp dưới chân ! Còn đâu là vinh quang Chúa ? Chứng kiến tất cả cảnh này, vì cháy lửa yêu mến Chúa, con thà chịu chết và chịu phân thây để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy quyền năng của Chúa, xin cứu giúp con, để trong sự yếu đuối của con, sức mạnh của Chúa được biểu lộ và tôn vinh trước mặt thế gian, kẻo những thù địch của Chúa lên mặt vì thấy con bị lung lạc.

Khi nghe biết những điều này, anh em hãy vui mừng dâng những lời tạ ơn bất tận lên Thiên Chúa là Đấng ban mọi ơn lành, và hãy cùng tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa yêu thương ta đến muôn đời. Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tôi tớ ; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi có phúc : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa ; ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người, vì Thiên Chúa đã chọn cái yếu đuối để hạ nhục cái mạnh mẽ, chọn cái hèn mạt để triệt phá cái cao sang. Thần Khí Chúa đã dùng miệng lưỡi tôi để hạ nhục những người khôn ngoan của thế gian, vì Chúa yêu thương ta đến muôn đời.

Tôi viết cho anh em những điều này để chúng ta hợp nhất với nhau trong đức tin. Giữa cơn bão táp này, tôi đã thả một cái neo vào tận ngai Thiên Chúa : đó là niềm hy vọng luôn sống động trong lòng tôi.

Anh em thân mến, hãy chạy đua thế nào để đạt được triều thiên ; hãy cầm khí giới của Thiên Chúa bên phải và bên trái, hãy mặc áo giáp là đức tin, như thánh Phao-lô quan thầy của tôi đã dạy. Thà chột mắt cụt chân mà được vào Nước Trời, còn hơn lành lặn mà bị ném ra ngoài.

Anh em hãy giúp đỡ tôi bằng lời cầu nguyện, để tôi chiến đấu hợp lệ, để tôi chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến đấu cao cả, và kết thúc tốt đẹp cuộc chạy đua.

Nếu chúng ta không còn được gặp nhau ở đời này, thì ở đời sau chúng ta sẽ được hạnh phúc gặp nhau mãi mãi : Chúng ta sẽ đứng trước ngai của Con Chiên tinh tuyền, và hân hoan ca tụng tôn vinh Người muôn đời. A-men.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhậm lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin