GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô Tông Du Phi Châu

Thăm 3 Nước Kenya, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi

 Viaggio Apostolico del Santo Padre in Kenya, Uganda e Repubblica Centrafricana, 25-30 novembre 2015

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển hợp và chuyển dịch

   các bài nói từ chính website của Tòa Thánh

                                           http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-africa-2015.html

                                                                                                     và các hình ảnh từ website Official Vatican Network

http://www.romereports.com/pope-in-africa
(xin xem các video clips trong chuyến tông du này tùy thích ở trong cái link trên đây)


Dẫn Nhập:

Đây là chuyến tông du quốc tế ngoài Ý quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô lần thứ 11, kể từ ngày (13/3/2013) ngài phục vụ Giáo Hội trong vai trò mục tử thừa kế Thánh Phêrô để đại dện Chúa Kitô trên trần gian dẫn dắt đoàn chiên của Chúa khắp thế giới. Trung bình trong 2 năm 8 tháng ngài đã thực hiện mỗi năm 5 chuyến tông du (2013 một, 2014 năm và 2015 năm), so với vị tiền nhiệm Biển Đức XVI (3 chuyến mỗi năm với 24 chuyến trong gần 8 năm) và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (4 chuyến mỗi năm với 104 chuyến trong 26 năm rưỡi).

Theo VIS (Vatican Information Service) của Tòa Thánh phổ biến ngày 19/11/2015, thì theo niên giám của Tóa Thành từ ngày 31/12/2014, Nước Kenya, Uganda và Cộng Hóa Trung Phi được thống kê như sau:

 

Diện Tích

Dân Số

Công Giáo

Giáo Sĩ Tu Sĩ

Cơ Cấu Giáo Phận

Mục Vụ Bác Ái

Kenya

580,367 km2

42,961 .000

13,862,000

38 Giám Mục,

2,744 linh mục

6303 tu sĩ (798 nam 5,505 nữ)

26 Giáo Phận,

925 Giáo Xứ,

6,542 Trung Tâm Mục Vụ

513 Bệnh Viện và Bệnh Xá

21 Trại Cùi  

117 Dưỡng lão Viện và khuyết tật viện,

1,173 Cô  nhi viện và  dưỡng nhi viện

110 trung tâm hướng dẫn gia đình,

11 trung tâm cải huấn

203 các tổ chức bác ái xã hội khác

Uganda

241,038 km2

36,497,000

17,148,000

32 Giám Mục

2180 linh mục,

4,266 tu sĩ (567 nam 3,699 nữ)

20 Giáo Phận,

540 Giáo Xứ,

6.900 Trung Tâm Mục Vụ

298 Bệnh Viện và Bệnh Xá

1 Trại Cùi,

16 Dưỡng lão Viện và khuyết tật viện,

62 Cô  nhi viện và  dưỡng nhi viện

130 trung tâm hướng dẫn gia đình,

8 trung tâm cải huấn

56 các tổ chức bác ái xã hội khác

Cộng Hòa Trung Phi

622,984 km2

4.621.000

1,724,000

16 Giám Mục

350 linh mục,

387 tu sĩ (44 nam 343 nữ)

9 Giáo phận,

119 Giáo Xứ,

2,017 Trung Tâm Mục Vụ

52 Bệnh Viện và Bệnh Xá

10 Trại Cùi  

11 Dưỡng lão Viện và khuyết tật viện,

18 Cô  nhi viện và  dưỡng nhi viện,

8 trung tâm hướng dẫn gia đình,

2 các tổ chức bác ái xã hội khác.

Trên chuyến bay của ngài còn có 74 phóng viên / ký giả truyền thông, trong đó có 4 phóng viên Kenya và nhiều phóng viên Pháp vì Châu Phi đã từng là thuộc địa của Pháp xưa. Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào họ và cuối cùng ngài nhắc họ đề phòng muỗi cắn: "Be careful of the mosquitos".


Trước khi lên đường, vào lúc 7 giờ 15 sáng ngày Thứ Tư 25/11/2015, tại Nhà Trọ Thánh Matta, ngài đã gặp 11 phụ nữ (Ý, Romania và Ukrainia) và 6 trẻ em ở Nhà Trú Ẩn của các nạn nhân bị bạo hành tại gia hay bị buôn người làm tình. Sau đó ngài đã lên xe ra phi trường Fiumicino để bay sang Nairobi thủ đô Nước Kenya và đến nơi sau 5 giờ một chút theo giờ địa phương.  

 

 

Thăm Nước Kenya

 

"Hãy vững mạnh trong đức tin, đừng sợ"

 




Với Chính Quyền và Ngoại Giao Đoàn ở State House, Nairobi Thứ Tư 25/11/2015

"Tôi đặc biệt xin quí vị hãy chứng tỏ mối quan tâm thực sự đối với các nhu cầu của người nghèo, những khát vọng của giới trẻ, và việc phân phối chính đáng các tài nguyên tự nhiên và nhân bản mà Thiên Chúa đã ban phúc cho xứ sở của quí vị".

...

Kenya đã từng được ân phúc không phải chỉ ở vẻ đẹp hùng vĩ, nơi các núi đồi của mình, nơi các sông hồ, các rừng cây của nó, nơi những thắng cảnh cùng những vùng bán sa mạc, mà còn ở các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nữa. Dân chúng Kenya có được một cảm nhận sâu xa về những kho tàng trời ban ấy và được nhận biết về một nền văn hóa bảo trì được anh chị em trân trọng. Cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi sinh đang đòi hỏi thế giới của chúng ta một cảm quan bén nhậy hơn đối với mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Chúng ta có trách nhiệm phải truyền đạt vẻ đẹp của thiên nhiên ấy một cách nguyên vẹn cho các thế hệ tương lai, và cần phải thực hiện vai trò quản lý chính đáng về các tặng ân chúng ta đã lãnh nhận. Những thứ giá trị này bắt nguồn sâu xa nơi linh hồn của dân chúng Phi Châu. Trong một thế giới tiếp tục khai thác hơn là bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, những thứ giá trị ấy cần phải tác động những nỗ lực của các vị lãnh đạo quốc gia trong việc cổ võ những mẫu thức hữu trách nơi việc phát triển về kinh tế. 

Thật vậy, giữa việc bảo vệ thiên nhiên và việc xây dựng một trật tự xã hội công chính và công bình có một mối liên hệ rõ ràng. Không thể nào có vấn đề cải tiến mối liên hệ của chúng ta với thiên nhiên nếu không cải tiến chính nhân loại (xem Laudato Sí, 118). Ở chỗ, trong khi các xã hội của chúng ta đang trải qua những thứ chia rẽ, về sắc tộc, tôn giáo hay kinh tế, thì tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm được kêu gọi để hoạt động cho sự hòa giải và hòa bình, thứ tha và chữa lành. Trong công cuộc xây dựng một thể chế quân chủ lành mạnh, thì việc củng cố sự gắn bó và hội nhập, sự khoan dung và tôn trọng người khác, việc theo đuổi công ích cần phải là đích nhắm chính yếu. Kinh nghiệm cho thấy rằng bạo lực, xung đột và khủng bố là những gì gây ra sợ hãi, bất tín, và thất vọng xuất phát từ nghèo khổ và hoang mang. Nói cho cùng thì cuộc đối chọi chống lại những kẻ thù của hòa bình và thịnh vượng này cần phải được thực hiện bởi những con người nam nữ hiên ngang tin vào và chân thực làm chứng cho những thứ giá trị thiêng liêng và chính trị cao cả đã tác động nên cuộc hạ sinh của đất nước.

Quí Tôn Vị Nữ Nam, việc gia tăng và bảo trì những thứ giá trị cao cả này được đặc biệt ký thác cho quí vị, thành phần lãnh đạo về đời sống chính trị, văn hóa và kinh tế của quốc gia quí vị. Đây là một trách nhiệm lớn lao, một ơn gọi thực sự, trong việc phục vụ toàn dân Kenya. Phúc Âm nói với chúng ta rằng ai được ban nhiều thì bị đòi hỏi nhiều (xem Luca 12:48). Theo tinh thần đó, tôi phấn khích quí vị hãy hoạt động một cách tinh tuyền và minh bạch cho công ích, và hãy duy trì tinh thần đoàn kết ở hết mọi tầng lớp trong xã hội. Tôi đặc biệt xin quí vị hãy chứng tỏ mối quan tâm thực sự đối với các nhu cầu của người nghèo, những khát vọng của giới trẻ, và việc phân phối chính đáng các tài nguyên tự nhiên và nhân bản mà Thiên Chúa đã ban phúc cho xứ sở của quí vị. Tôi bảo đảm cùng quí vị là những nỗ lực liên tục của cộng đồng Công giáo, qua những công cuộc giáo dục và bác ái, cống hiến việc đóng góp của mình nơi các lãnh vực ấy. 

...

Mungu abariki Kenya! Xin Chúa chúc lành cho Kenya!


Với Liên Tôn và Đại Kết ở Tòa Khâm Sứ, Nairobi Thứ Năm 25/11/2015

                                                                                            


"Việc đối thoại đại kết và liên tôn không phải là một thứ xa hoa. Nó không phải là một cái gì đó dư thừa hay tùy nghi mà là thiết yếu, một cái gì càng ngày càng cần thiết cho thế giới của chúng ta đang bị tổn thương bởi xung khắc và chia rẽ".

...

Thành thực mà nói mối liên hệ thân hữu này là những gì đang thách thức; nó đòi hỏi nỗ lực của chúng ta. Tuy nhiên, việc đối thoại đại kết và liên tôn không phải là một thứ xa hoa. Nó không phải là một cái gì đó dư thừa hay tùy nghi mà là thiết yếu, một cái gì càng ngày càng cần thiết cho thế giới của chúng ta đang bị tổn thương bởi xung khắc và chia rẽ.

Thật vậy, các niềm tin tôn giáo và việc thực hành đạo giáo qui định chúng ta là ai và chúng ta hiểu thế nào về thế giới chung quanh chúng ta. Đối với chúng ta chúng là một mạch nguồn sáng soi, khôn ngoan và đoàn kết, bởi đó chúng làm phong phú xã hội chúng ta sống. Nhờ chăm sóc cho việc gia tăng về tinh thần của các cộng đồng chúng ta, ở chỗ khuôn đúc các tấm lòng theo những thứ chân lý và giá trị học được nơi các truyền thống tôn giáo của chúng ta, chúng ta trở thành một ơn phúc cho các cộng đồng dân chúng của chúng ta sống. Trong những xã hội dân chủ và đa nguyên như Kenya, việc hợp tác giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và các cộng đồng trở nên một việc phục vụ quan trọng cho công ích.

Theo chiều hướng ấy, và trong một thế giới càng ngày càng độc lập, chúng ta thấy rõ ràng hơn bao giờ hết nhu cầu hiểu biết, thân hữu và hợp tác liên tôn trong việc bênh vực phẩm giá bẩm sinh của các cá nhân và các dân tộc, cũng như quyền sống trong tự do và hạnh phúc của họ. Bằng cách ủng hộ việc tôn trọng phẩm giá và những quyền lợi ấy, các tôn giáo đóng một vai trò thiết yếu trong việc hình thành lương tâm, tiêm nhiễm nơi giới trẻ các thứ giá trị thiêng liêng sâu xa về những truyền thống khả kính của chúng ta, và đào luyện thành phần công dân tốt có khả năng thẩm thấu vào xã hội dân sự những gì là chân thực, liêm chính và một thế giới quan coi trọng con người hơn là quyền lực và lợi lộc vật chất.  

Đến đây tôi nghĩ đến tầm quan trọng nơi niềm xác tín chung của chúng ta đó là Vị Thiên Chúa chúng ta theo đuổi để phụng sự là một Vị Thiên Chúa của hòa bình. Không bao giờ đươc sử dụng Danh Thánh của Ngài để biện minh cho hận thù và bạo lực. Tôi biết rằng những cuộc tấn công dã man ở Thương Xá Westgate Mall, ở Đại Học Garissa University College và ở Mandera vẫn còn tồn tại trong tâm trí của quí vị. Giới trẻ rất thường hay bị cực đoan hóa trong việc nhân danh tôn giáo để gieo rắc bất hòa và sợ hãi cùng phá hủy cơ cấu xã hội. Thật là quan thiết biết bao việc chúng ta trở thành những vị ngôn sứ hòa bình, những con người đi xây dựng hòa bình là thành phần đi kêu gọi các người khác sống hòa bình, hòa hợp và tương kính! Xin Đấng Quyền Năng đụng chạm tới tâm hồn của những ai đang dấn thân vào cuộc bạo động này, và ban hòa bình của Ngài cho các gia đình cùng cộng đồng của chúng ta. 

...

 

Bài Giảng trong Thánh Lễ ở Khu Đại Học Nairobi Thứ Năm 26/11/2015

 

 

"Các gia đình Kitô giáo có sứ vụ đặc biệt này, đó là chiếu tỏa tình yêu thương của Thiên Chúa, và làm tràn lan những giòng nước Thần Linh ban sự sống của Ngài".

 

Lời của Thiên Chúa nói với chúng ta trong thẳm cung của cõi lòng chúng ta. Hôm nay, Thiên Chúa nói với chúng ta rằng chúng ta thuộc về Ngài. Ngài làm nên chúng ta, chúng ta là gia đình của Ngài, và Ngài sẽ luôn hiện diện với chúng ta. Ngài nói với chúng ta rằng "Đừng sợ, Cha đã chọn các con và Ta hứa ban cho các con phúc lành" (xem Isaia 44:2).

 

Chúng ta đã nghe thấy lời hứa này ở Bài Đọc 1 hôm nay. Chúa nói với chúng ta rằng Ngài sẽ tuôn đổ nước nơi mảnh đất khát khô trong sa mạc; Ngài sẽ khiến cho con cái thuộc dân của Ngài nẩy nở như cỏ đồng nội và như những cây dương liễu xum xuê. Chúng ta biết rằng lời tiên tri này đã được hoàn tất nơi việc tuôn đổ Thánh Linh vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thế nhưng chúng ta cũng thấy lời tiên tri ấy được nên trọn ở bất cứ nơi nào Phúc Âm được rao giảng và những dân tộc mới trở nên phần tử của gia đình Thiên Chúa là Giáo Hội. Hôm nay đây chúng ta hân hoan vì lời tiên tri ấy đã được nên trọn nơi mảnh đất này. Nhờ việc rao giảng Phúc Âm mà anh chị em cũng đã thuộc về đại gia đình Kitô giáo.

 

Lời tiên tri của Isaia mời gọi chúng ta hãy nhìn đến các gia đình của chính chúng ta, và nhận thức được tầm quan trọng của nó biết bao nơi dự án của Thiên Chúa. Xã hội Kenya đã từng được chúc phúc từ lâu bởi đời sống gia đình vững mạnh, bởi một niềm tôn trọng sâu xa đối với sự khôn ngoan của các bậc lão thành và đối với tình yêu thương các con trẻ. Sự lành mạnh của bất cứ xã hội nào cũng đều lệ thuộc vào sự lành mạnh của các gia đình trong xã hội ấy. Vì họ cũng như vì thiện ích của xã hội, niềm tin tưởng của chúng ta nơi lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy nâng đỡ các gia đình trong sứ vụ của họ nơi xã hội, ở chỗ chấp nhận con trẻ như là một phúc lành cho thế giới chúng ta, cũng như ở chỗ bênh vực phẩm vị của từng con người nam nữ, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em trong cùng một gia đình nhân loại duy nhất. 

 

Tuân theo lời Chúa, chúng ta cũng được kêu gọi để chống lại những việc làm dung dưỡng tính cách kiêu căng ngạo mạn nơi con người, gây đau đớn hay khinh bỉ nữ giới và đe dọa sự sống của những bào thai vô tội. Chúng ta được kêu gọi để tôn trọng và phấn khích nhau cũng như để vươn tới tất cả những ai thiếu thốn cần thiết. Các gia đình Kitô giáo có sứ vụ đặc biệt này, đó là chiếu tỏa tình yêu thương của Thiên Chúa, và làm tràn lan những giòng nước Thần Linh ban sự sống của Ngài. Sứ vụ này đặc biệt là quan trọng hôm nay đây, vì chúng ta đang thấy tình trạng gia tăng những thứ sa mạc mới được tạo nên bởi một thứ văn hóa duy vật và dửng dưng lạnh lùng với người khác.

 

Ở nơi đây, giữa lòng của khu Đại Học này, nơi hình thành tâm trí của các thế hệ mới, tôi đặc biệt kêu gọi giới trẻ của đất nước này. Chớ gì các thứ giá trị cao cả của những truyền thống Phi Châu, sự khôn ngoan và chân thật của lời Chúa, và lý tưởng rạng ngời của tuổi trẻ các bạn hướng dẫn các bạn trong việc hình thành một xã hội công chính hơn bao giờ hết, bao hàm và trân trọng phẩm giá con người. Chớ gì các bạn luôn quan tâm đến nhu cầu của người nghèo, và loại bỏ tất cả những gì dẫn đến chỗ thành kiến và kỳ thị, vì những điều ấy chúng ta biết rằng không bởi Thiên Chúa. 

 

Tất cả chúng ta đều quen với dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về người xây nhà của mình trên cát hơn là trên đá. Khi giông tố xẩy ra thì bị sụp nát (xem Mathêu 7:24-27). Thiên Chúa là tảng đá chúng ta được kêu gọi xây lên. Ngài nói với chúng ta điều này trong Bài Đọc 1 và Ngài hỏi chúng ta rằng: "Ngoài Ta ra còn có một vị Thiên Chúa nào nữa hay chăng?" (Isaia 44:8). 

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, khi Chúa Giêsu Phục Sinh nói: "Thày được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18) là Người đang muốn nói với chúng ta rằng Người, Con Thiên Chúa, chính là tảng đá ấy. Ngoài Người ra không còn tảng đá nào khác. Là Đấng Cứu Tinh duy nhất của nhân loại, Ngài muốn kéo con người nam nữ thuộc mọi thời và mọi nơi đến cùng Người, nhờ đó Người có thể mang họ về cùng Cha. Người muốn tất cả chúng ta xây dựng cuộc đời của chúng ta trên nền tảng vững chắc lời của Người.  

 

Đó là trách nhiệm Chúa trao phó cho từng người chúng ta. Người muốn chúng ta trở nên thành phần môn đệ thừa sai, nên những con người nam nữ tỏa rạng sự thật, sự mỹ và quyền năng thông ban sự sống của một ngôi nhà sừng sững. Một ngôi nhà là gia đình, nơi mà cuối cùng anh chị em sống với nhau một cách hòa hợp và tương kính, theo ý muốn của Vị Thiên Chúa chân thật, Đấng đã tỏ cho chúng ta thấy, nơi Chúa Giêsu, con đường dẫn đến tự do và bình an là những gì tất cả mọi tâm can đều mong muốn. 

 

Xin Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, tảng đá chúng ta xây nhà của mình, hướng dẫn anh chị em và gia đình của anh chị em trên con đường thiện hảo và tình thương suốt cả cuộc sống của anh chị em. Xin Người chúc lành cho tất cả nhân dân Kenya bình an của Người.

 

"Hãy kiên vững trong đức tin! Đừng sợ!" Vì anh chị em thuộc về Chúa.

Mungu awabariki! (Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!)

Mungu abariki Kenya! (Thiên Chúa chúc lành cho Kenya!)


(Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha gặp gỡ thành phần tu sĩ và chúng sinh ở sân vận động Trường Thánh Maria)

 

Thăm Văn Phòng Liên Hiệp Quốc ở Nairobi Kenya Thứ Năm 26/11/2015

 

"Công việc của Liên Hiệp Quốc cũng như của tất cả hoạt động đa diện của tổ chức này chớ gì trở thành 'một bảo chứng cho một tương lai an toàn và hạnh phúc của các thế hệ mai sau. Và để được như vậy thì thành phần đại diện các Quốc Gia cần phải gạt đi những lợi lộc bè phái và ý hệ, cùng thành thật nỗ lực để phục vụ cho công ích'"

 

.... 

Trên đường đến sảnh đường này, tôi được yêu cầu trồng một cái cây trong khu vườn của Trung Tâm Liên Hiệp Quốc đây. Tôi đã hân hoan thực hiện tác động tiêu biểu đơn sơ đầy ý nghĩa nơi nhiều nền văn hóa này.

 

Việc trồng một cái cây, trước hết và trên hết, là một lời mời gọi hãy tiếp tục chiến đấu chống lại hiện tượng như phá rừng và sa mạc hóa. Nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo toàn và trách nhiệm quản trị "những buồng phổi phong phú các sự sống khác nhau nơi hành tinh của chúng ta", bao gồm ở châu lục này, "những lòng chảo Congo" (biệt chú của người dịch: Lòng chảo Congo này ám chỉ một khu vực tràn đầy sự sống, nơi ở Phi Châu đầy những thú vật, sông ngòi và rừng cây bao gồm 6 quốc gia: Cameroon, Cộng Hòa Trung Phi, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Cộng Hòa Congo, Equatorial Guinea và Gabon), một nơi thiết yếu "cho toàn trái đất cũng như cho tương lai của nhân loại". Nó cũng ám chỉ đến nhu cầu cần phải cảm nhận và phấn khích "việc dấn thân của các cơ quan quốc tế cùng những tổ chức xã hội dân sự trong việc lôi kéo sự chú ý của quần chúng về những vấn đề này, cùng cống hiến việc hợp tác quan thiết, bằng cách sử dụng các phương tiện thúc đẩy hợp lệ, để bảo đảm rằng mỗi một chính phủ đều thi hành trách nhiệm thích đáng và bất khả chuyển nhượng của họ hầu bảo trì môi sinh cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của xứ sở họ, mà không nhường lại cho những thứ lợi lộc giả tạo của địa phương hay của quốc tế" (Thông Điệp Laudato Sí, 38).  

 

Việc trồng một cái cây cũng là một sự khích lệ trong việc gìn giữ niềm tin tưởng, hy vọng, và nhất là hoạt động một cách cụ thể để đảo ngược tất cả những tình trạng bất công và suy thoái tụt hậu chúng ta hiện đang trải qua.  

 

Trong ít ngày nữa, một cuộc họp quan trọng về tình trạng thay đổi khí hậu sẽ được tổ chức ở Paris, nơi cộng đồng quốc tế lại đối đầu với những vấn đề này một lần nữa. Thật là đáng buồn, thậm chí tôi dám nói rằng còn thật là thảm thương nữa, khi mà các lợi lộc riêng biệt thắng vượt công ích và dẫn tới chỗ mạo dụng tín liệu để bảo vệ các hoạch định và các dự phóng riêng của họ

 

Trong bối cảnh quốc tế này, chúng ta đối đầu với một thứ chọn lựa không thể nào bỏ qua, ở chỗ một là cải tiến hai là hủy hoại môi sinh, thế thôi. Hết mọi cố gắng chúng ta thực hiện, dù lớn hay nhỏ, dù riêng hay chung, trong việc chăm sóc cho thiên nhiên tạo vật đều mở ra một con đường vững chắc cho "một sự sáng tạo bao rộng và xứng đáng có thể mang lại những gì tốt đẹp nhất nơi con người" (cùng nguồn vừa dẫn, 211). 

 

"Khi hậu là một thứ công ích, thuộc về tất cả mọi người và nhắm đến tất cả mọi người"; "tình trạng thay đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu bao gồm cả những thứ liên can hệ trọng về môi sinh, xã hội, kinh tế, chúng trị và việc phân phối các sản vật; nó tiêu biểu cho một trong những thách đố chính mà nhân loại đang phải đương đầu trong thời đại chúng ta đây" (cùng nguồn vừa dẫn, 23 và 25). Việc chúng ta đáp ứng cái thách đố này "cần kết hợp chặt chẽ với một phối cảnh xã hội quan tâm đến những quyền lợi nồng cốt của người nghèo cũng như của những ai bất hạnh" (cùng nguồn vừa dẫn, 93). Vì "việc lạm dụng và hủy hoại môi sinh cũng được kèm theo bởi một tiến trình loại trừ tàn nhẫn" (Diễn Từ với Liên Hiệp Quốc ngày 25/9/2015). 

 

COP21 là biến cố tiêu biểu cho một giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển một hệ thống năng lượng mới lệ thuộc vào việc sử dụng tối thiểu những thứ nhiên liệu từ hóa thạch, nhắm đến chỗ hiệu lực năng lượng và giúp vào việc sử dụng các nguồn năng lượng ít hay không còn chứa thán chất. Chúng ta đang đối diện với một trách nhiệm lớn lao về chính trị và kinh tế trong việc nghĩ lại và điều chỉnh những hội chứng rối loạn và méo mó của thứ mẫu thức phát triển hiện nay

 

(Biệt chú của người dịch về COP21: COP21 là chữ tắt của cụm từ Conference Of Parties thứ 21 trong năm 2015 ở Paris Pháp quốc, từ 30/11/2015 đến 11/12/2015. Hội Nghị của Các Phần Tử hằng năm, đặc biệt là lần 21 này sẽ có 147 trong số 195 vị lãnh đạo quốc gia phần tử tham dự. Mục đích chính của hội nghị hằng năm của các phần tử trong cuộc này là để kiểm điểm việc áp dụng Thỏa Ước được ký kết ở Thượng Nghị Trái Đất tại Rio Ba Tây - the Rio Earth Summit - năm 1992, một hiệp định đã chấp nhận cái sườn về vấn đề thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc - the UN Framework on Climate Change gọi tắt là UNFCC, trong việc tác hành để làm sao ổn định tình trạng cô đọng không khí gây ra bởi các thứ khí thải nhân tạo -greenhouse gases (GHGs) hầu tránh "bị chi phối bởi việc phòng uế nguy hiểm cho cơ cấu khí hậu". Theo tiến trình của Hội Nghị Các Phần Tử COP hằng năm này thì COP1 ở Bá Linh Đức quốc năm 1995, sau đó có một số COP đã thêm những văn bản quyết định và áp dụng như COP3 với Kyoto Protocal, COP11 với Montreal Action Plan, COP17 ở Durban Phi Châu với việc thiết lập Quĩ Khí Thải - Green Climate Fund. COP21 ở Paris Pháp quốc lần này sẽ là lần đầu tiên trong 20 năm trong những lần thương thảo của Liên Hiệp Quốc nhắm đến chỗ làm sao để có được một thỏa hiệp toàn cầu về khí hậu có tính cách bó buộc về pháp lý để giữ cho tình trạng hâm nóng toàn cầu ở dưới mứ 2%C). 

...............

 

Đồng thời chúng ta tin rằng "nhân loại, trong khi có khả năng trở nên thành phận tệ hại nhất, cũng có khả năng vượt lên trên chính mình, biết lại chọn những gì là tốt đẹp và bắt đầu lại" (Thông Điệp Laudato Sí, 205). Niềm xác tín này dẫn chúng ta đến chỗ hy vọng rằng, trong lúc giai đoạn hậu kỹ nghệ có thể được tưởng nhớ rõ ràng như là một trong những giai đoạn vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, thì "nhân loại ở vào lúc rạng đông của thế kỷ 21 sẽ được tưởng nhớ vì đã quảng đại gánh vác những trách nhiệm nặng nề của mình" (cùng nguồn vừa dẫn, 165). Nếu điều ấy xẩy ra thì nền kinh tế và chính trị cần phải được sử dụng để phục vụ các dân tộc, nhờ đó "con người ta, hợp với thiên nhiên, kiến tạo nên toàn thể hệ thống sản xuất và phân phối, để làm sao các khả năng và nhu cầu của từng người được thể hiện một cách tương xứng trong đời sống xã hội". Đó không phải là một thứ lý tưởng huyền hoặc mà là một viễn tượng thiết thực làm cho con người cùng với phẩm vị của con người trở thành khởi điểm và là đích điểm của hết mọi sự" (xem Diễn Từ cho Các Phong Trào Quần Chúng ngày 9/7/2015). 

......................

Có nhiều gương mặt, nhiều câu truyện và nhiều tác dụng hiển nhiên nơi đời sống của hằng ngàn ngàn những con người mà nền văn hóa tụt hậu và thải trừ đã biến thành vật tế thần cho những thứ ngẫu tượng lợi lộc và hưởng thụ. Chúng ta cần phải báo động về một dấu hiệu buồn thảm nơi "thứ toàn cầu hóa dửng dưng lạnh lùng": ở chỗ chúng ta từ từ trở nên quen thuộc với khổ đau của người khác, như thể nó chỉ là những gì bình thường vậy thôi (xem Sứ Điệp Ngày Thế Giới Lương Thực, 16/10/2013, đoạn 2), hay thậm chí chiều theo những thứ "sử dụng và thải trừ" thái quá và tệ hại, cùng với việc loại trừ về xã hội như là các hình thức mới nô lệ, buôn người, bắt ép lao động, làm điếm và buôn bán các cơ phận thân thể con người. "Một thảm trạng đã xẩy ra nơi số người di dân tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khổ đang trở nên trầm trọng do bởi tình trạng thoái hóa về môi sinh. Họ không được các hiệp định quốc tế công nhận như là thành phần tị nạn; họ chịu đựng việc mất mát sự sống họ để lại sau lưng nhưng không được hoan hưởng bất cứ sự bảo vệ nào về pháp lý gì hết" (Thông Điệp Laudato Sí, 25). Nhiều cuộc sống, nhiều câu truyện, nhiều mộng ước đã bị chìm xuồng ở thời đại chúng ta đây. Chúng ta không thể giữ thái độ dửng dưng lạnh lùng trước tình trạng này. Chúng ta không có quyền làm thế. 

 

Cùng với việc coi thường môi sinh, chúng ta còn chứng kiến thấy hiện nay đang diễn ra một tiến trình nhanh chóng tình trạng thành thị hóa, một tình trạng trong nhiều trường hợp rất tiếc đã dẫn đến "một thứ gia tăng chênh lệnh và phóng túng nơi nhiều thành phố là những nơi đã trở thành thiếu lành mạnh để sống một cách hụt hẫng" (cùng nguồn vừa dẫn, 44). Ở đó chúng ta đang thấy gia tăng những dấu hiệu trục trặc về một tình trạng đổ vỡ về xã hội gây ra "bạo lực hơn nữa cùng với các hình thức mới về việc xâm lược xã hội, buôn bán ma túy, giới trẻ càng hút sách, mất đi căn tính" (cùng nguồn vừa dẫn, 46), "một tình trạng thiếu cội rễ và vô danh xã hội" (cùng nguồn vừa dẫn, 149). 

.............

Phi Châu đang cống hiến cho thế giới một vẻ đẹp và phong phú thiên nhiên là những gì tác động nên việc chúc tụng Đấng Hóa Công. Gia sản này của Châu Phi cũng như của toàn thể nhân loại được liên lỉ phơi bày ra trước cái nguy cơ bị hủy hoại gây ra bởi cái vị kỷ đủ loại của con người cũng như bởi việc lạm dụng các trường hợp nghèo khổ và loại trừ. Trong bối cảnh của những mối liên hệ về kinh tế giữa các Quốc Gia cũng như giữa các dân tộc, chúng ta không thể câm lặng trước những hình thức buôn chuyển bất hợp pháp xuất phát từ các trường hợp nghèo khổ mà ngược lại dẫn tới chỗ càng bị nghèo khổ hơn và bị loại trừ hơn nữa. Thương vụ buôn chuyển bất hợp pháp nơi các thứ kim cương và các thứ đá quí, các thứ kim loại hiếm hoi hay những giá trị chiến lược lớn lao, cây cối, những sản phẩm về thể chất và thú vật sinh học, như việc buôn bán ngà voi và sát hại những con voi liên hệ, đều là những gì gây bất ổn về chính trị, gây ra chủ nghĩa khủng bố và tội ác có tổ chức. Cả tình trạng này nữa cũng đang là một tiếng kêu vang lên từ nhân loại và chính trái đất, một tiếng kêu cần được nghe thấy bởi cộng đồng quốc tế. 

 

Trong cuộc viếng thăm Tổng Hành Dinh của Liên Hiệp Quốc mới đây của mình ở Nữu Ước, tôi đã bày tỏ niềm ước muốn và hy vọng rằng công việc của Liên Hiệp Quốc cũng như của tất cả hoạt động đa diện của tổ chức này chớ gì trở thành "một bảo chứng cho một tương lai an toàn và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau. Và để được như vậy thì thành phần đại diện các Quốc Gia cần phải gạt đi những lợi lộc bè phái và ý hệ, cùng thành thật nỗ lực để phục vụ cho công ích" (Diễn Từ với Liên Hiệp Quốc ngày 25/9/2015).

.................

 


​(Trước khi đến khu ổ chuột Kangemi dưới đây, ĐTC đã gặp gỡ giới trẻ ở Vận Động Trường Kasarani)

 

 

Thăm Khu Ổ Chuột Kangemi ở Nairobi Thứ Sáu 27/11/2015

"Những thực tại vừa được tôi đề cập tới không phải là một thứ tổng hợp ngẫu nhiên các vấn đề chẳng có liên hệ gì với nhau đâu. Chúng là thành quả từ những hình thức mới mẻ của chủ nghĩa thực dân muốn biến các xứ sở Phi Châu thành 'những cơ phận của một cái máy, thành những cái mấu khớp của một bánh xe khổng lồ'"

...............

Trước hết tôi muốn tỏ ra ủng hộ những giá trị anh chị em đang thực hành, những thứ giá trị không được định giá trong cuộc trao đổi cổ phần, không phải là vấn đề của đầu tư tích trữ và cũng không có cái giá ở trên thị trường. Tôi chúc mừng anh chị em, tôi hỗ trợ anh chị em và tôi muốn anh chị em biết rằng Chúa không bao giờ quên anh chị em đâu. Đường lối của Chúa Giêsu được bắt đầu từ những nơi xa xôi hẻo lánh, nó đến từ người nghèo và với người nghèo mà hướng đến những người khác. 

 

Để thấy được những dấu hiệu ấy của việc sống tốt đẹp đang hằng ngày gia tăng giữa anh chị em không phải là bỏ qua tình trạng bất công đáng sợ của việc loại trừ ở thành thị. Đó là những vết thương gây ra bởi thiểu số thành phần bám lấy quyền lực và phú quí, thành phần sống phung phí một cách vị kỷ trong khi đó đa số càng ngày càng gia tăng đang buộc phải lẩn trốn ở những nơi xa xôi hẻo lánh bị bỏ rơi, bẩn thỉu và kiệt quệ.  

 

Tình trạng này thậm chí còn tệ hơn nữa khi chúng ta thấy việc phân phối đất đai bất công (nếu không ở nơi vùng lân cận này thì cũng ở các vùng khác) dẫn đến nhiều trường hợp tất cả gia đình phải trả những thứ thuê mướn thái quá và bất công hoàn toàn không xứng đáng với vấn đề cư trú. Tôi cũng nhận thấy vấn đề trầm trọng áp đặt bởi những "nhà khai triển tư" vô hình dung là thành phần đầu cơ tích trữ những miền đất và thậm chí cố gắng để chiếm hữu những sân chơi thuộc các học đường của trẻ em. Đó là những gì đang xẩy ra vì chúng ta quên rằng "Thiên Chúa đã ban tặng trái đất cho toàn thể loài người để bảo dưỡng tất cả các phần tử của họ, mà không loại trừ hay thiên vị một ai" (Thông Điệp Bách Niên, 31). 

 

Về khía cạnh này có một vấn đề rất nghiêm trọng đó là thiếu phương tiện về hạ tầng cơ sở cùng các dịch vụ căn bản. Tôi cố ý nói đến những nhà vệ sinh, những cống rãnh, nơi chứa rác rưởi, điện lực, đường xá, cũng như trường học, nhà thương, trung tâm giải trí và thể thao, các xưởng vẽ và công xưởng cho các nghệ sĩ và thủ công viên. Tôi đặc biệt nói đến phương tiện có được nước uống. "Phương tiện có được nước có thể an toàn uống được là một quyền lợi căn bản và phổ quát của con người, vì nó là những gì thiết yếu cho việc sống còn của con người, và vì thế, là một điều kiện cho việc hành xử các quyền lợi khác của con người. Thế giới của chúng ta nặng nợ về xã hội với người nghèo đang thiếu phương tiện có được nước uống, vì họ bị chối từ quyền có được một đời sống hợp với phẩm giá bất khả nhượng của họ" (Thông Điệp Laudato Sí, 30). Từ chối nước với một gia đình nào đó bằng bất cứ cái bình phong quan liêu nào bất kể đều là một thứ bất công cả thể, nhất là khi người ta kiếm lợi từ nhu cầu này. 

 

Tình trạng dửng dưng và thù hằn được cảm nghiệm thấy nơi những vùng lân cận nghèo nàn ấy đang trở nên trầm trọng hơn khi bạo lực lan tràn cùng với các tổ chức tội ác, vì quyền lợi kinh tế hay chính trị, sử dụng trẻ em và giới trẻ như là "những con cờ thí - canon fodders" cho các thương vụ nhẫn tâm của họ. Tôi cũng cảm phục những cuộc đối chọi của những nữ nhân anh hùng chiến đấu để bảo vệ những người con trai và con gái của mình khỏi rơi vào những thứ nguy hiểm ấy. Tôi xin Thiên Chúa cho các vị thẩm quyền có thể cùng với anh chị em dấn thân vào đường lối bao hàm xã hội, giáo dục, thể thao, hoạt động cộng đồng, và bảo vệ các gia đình, vì đó là việc bảo đảm duy nhất của một thứ hòa bình chân chính, đích thực và bền bỉ.

 

Những thực tại vừa được tôi đề cập tới không phải là một thứ tổng hợp ngẫu nhiên các vấn đề chẳng có liên hệ gì với nhau đâu. Chúng là thành quả từ những hình thức mới mẻ của chủ nghĩa thực dân muốn biến các xứ sở Phi Châu thành "những cơ phận của một cái máy, thành những cái mấu khớp của một bánh xe khổng lồ"(Tông Huấn Giáo Hội ở Phi Châu, 52). Thật vậy, các xứ sở này thường bị áp đảo phải chấp nhận những chính sách theo mô mẫu của thứ văn hóa thải trừ, như các chính sách nhắm đến chỗ hạ mức độ sinh sản xuống, những chính sách tìm cách "hợp pháp hóa mô mẫu hiện nay về vấn đề phân phối, được một thiểu số tin rằng họ có quyền hưởng thụ một cách không bao giờ có thể phổ quát hóa" (Thông Điệp Laudato Sí, 50). 

...................

Các anh chị em cận nhân thân mến, anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, làm việc và dấn thân để bảo đảm rằng hết mọi gia đình có được nhà ở, có được nước uống, nhà vệ sinh, có các nguồn nhiệt lượng soi sáng khả tín, có phương tiện nấu nướng và cải tiến nhà cửa của họ; bảo đảm rằng hết mọi khu lân cận có được đường xá, quảng trường, học đường, nhà thương, những khu vực thể thao, giải trí và nghệ thuật; bảo đảm có được các dịch vụ căn bản cho từng người anh chị em; bảo đảm là những lời thỉnh cầu của anh chị em và những lời yêu cầu của anh chị em có thể được cơ hội lắng nghe hơn; bảo đảm rằng tất cả mọi người có thể hoan hưởng hòa bình và an ninh họ có thực sự xứng đáng được hưởng dựa trên phẩm vị làm người vĩnh viễn của họ. 

 

Mungu awabariki! Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!

 

Xin anh chị em làm ơn đừng quên cầu nguyện cho tôi.


​(ĐTC đang từ giã Kenya để sang Uganda)

 


Thăm Nước Uganda

"Các con sẽ là chứng nhân của Thày"



Gặp gỡ Chính Quyền và Ngoại Giáo Đoàn 

Conference Hall of the State House, Entebbe (Uganda)
Th
ứ Sáu 27 /11/2015


"Những lý tưởng cao cả này đặc biệt cần đến những con người nam nữ như quí

 vị đây, thành phần có trách nhiệm để bảo đảm việc quản trị tốt đẹp và thanh liêm,

 việc phát triển toàn vẹn con người, việc tham phần rộng rãi vào sinh hoạt của đất

 nước, cũng như việc phân phối cách khôn ngoan và chính đáng các thứ sản

 vật đã được Đấng Hóa Công dồi dào ban xuống trên những mảnh đất này". 


... Chuyến viếng thăm của tôi trước hết là để tưởng nhớ đến ngày kỷ niệm 50 năm vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh cho các vị tử đạo Uganda. (Biệt chú của người dịch: có 45 vị tử đạo, trong đó có 23 Kitô hữu Anh giáo và 22 Kitô hữu Công giáo, cùng tử đạo trong thời khoảng 1885-1887).....

Các vị tử đạo, cả Công giáo lẫn Anh giáo, đều là các vị anh hùng dân tộc. Các vị làm chứng cho các nguyên tắc chỉ đạo được diễn tả nơi biểu hiệu của Uganda - Cho Thiên Chúa và Cho Xứ Sở của Tôi. Các vị nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của vai trò thể hiện của đức tin, sự chính trực về luân lý và việc dấn thân cho công ích, và tiếp tục thể hiện nơi đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị của xứ sở này. Các vị cũng nhắc nhở chúng ta rằng, bất chấp niềm tin và xác tín của mình, tất cả chúng ta đều được kêu gọi tìm kiếm chân lý, được kêu gọi để hoạt động cho công lý và cho việc hòa giải, cũng như để tôn trọng, bảo vệ và giúp nhau như là phần tử của một gia đình duy nhất. Những lý tưởng cao cả này đặc biệt cần đến những con người nam nữ như quí vị đây, thành phần có trách nhiệm để bảo đảm việc quản trị tốt đẹp và thanh liêm, việc phát triển toàn vẹn con người, việc tham phần rộng rãi vào sinh hoạt của đất nước, cũng như việc phân phối cách khôn ngoan và chính đáng các thứ sản vật đã được Đấng Hóa Công dồi dào ban xuống trên những mảnh đất này. 

Chuyến viếng thăm của tôi cũng nhắm đến chỗ kéo chú ý tới toàn thể Phi Châu, đến sự hứa hẹn của châu lục này, đến các niềm hy vọng của nó, đến những cuộc đối chọi của nó cùng những thành đạt của nó. Thế giới nhìn đến Phi Châu như là một châu lục của niềm hy vọng. Uganda thực sự đã được Thiên Chúa chúc phúc với dồi dào tài nguyên thiên nhiên là những gì quí vị được thách đố để quản trị chúng như là thành phần quản lý hữu trách. Thế nhưng trước hết quốc gia này đã được chúc phúc nơi dân tộc của mình: nơi các gia đình vững mạnh, nơi giới trẻ của nó và thành phần lão thành của nó...

....

Ở Phía Đông Phi Châu này, Uganda đã chứng tỏ cho thấy mối quan tâm trổi vượt về việc đón nhận các người tị nạn, giúp họ có thể tái thiết đời sống của họ một cách an toàn và có thể cảm thấy cái phẩm giá xuất phát từ việc tự mưu sinh tay làm hàm nhai. Thế giới của chúng ta, bị vướng mắc vào các cuộc chiến tranh, bạo động, và những hình thức bất công khác nhau, đang chứng kiến một cuộc di chuyển dân chúng chưa từng thấy. Việc chúng ta làm thể nào để giải quyết vấn đề này là một thử thách của nhân loại chúng ta, của việc chúng ta tôn trọng phẩm giá con người, và nhất là của việc chúng ta đoàn kết với những người anh chị em đang cần thiết của chúng ta. 

Cho dù chuyến viếng thăm của tôi ngắn ngủi, tôi cũng hy vọng phấn khích nhiều nỗ lực âm thầm đang được thực hiện để chăm sóc cho người nghèo, người bệnh và những ai đang gặp bất cứ rắc rối nào. Chính ở nơi những dấu hiệu nhỏ nhặt ấy mà chúng ta mới thấy được hồn sống thực sự của một dân tộc. Thế giới của chúng ta đang gần gũi nhau hơn nơi rất nhiều cách thức; tuy nhiên chúng ta đồng thời cũng lo ấu về thứ toàn cầu hóa "một thứ văn hóa sa thải" là những gì làm cho chúng ta mù lòa trước những giá trị linh thiêng, những gì làm cho lòng chúng ta chai cứng trước nhu cầu của người nghèo, và là những gì cướp đi mất niềm hy vọng của giới trẻ.

....

Mungu awabariki!

Xin Thiên Chúa chúc lành cho quí vị!



Gặp gỡ các Giáo Lý Viên và Giáo Viên 

ở Kampala (Uganda) Thứ Sáu, 27 /11/2015

 

"Sứ điệp anh chị em mang đến sẽ đâm rễ càng sâu xa vững mạnh hơn vào cõi lòng của dân chúng nếu anh chị em chẳng những là một thày dạy mà còn là một chứng nhân nữa"


"Thày dạy!" Danh xưng này tuyệt vời biết bao! Chúa Giêsu là thày dạy đệ nhất và cao cả nhất của chúng ta. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội của Người chẳng những các vị tông đồ và mục tử, mà còn cả các thày dạy nữa, để xây dựng toàn thân trong đức tin và đức mến. Cùng với các vị giám mục, linh mục và phó tế là thành phần được phong chức thánh để giảng dạy Phúc Âm và chăm sóc cho đàn chiên của Chúa, anh chị em, thành phần giáo lý viên, đang đóng một vai trò trổi vượt trong việc mang Tin Mừng đến cho hết mọi làng mạc và nhà cửa ở xứ sở của anh chị em. Anh chị em đã được chọn để thi hành thừa tác vụ dạy giáo lý.

.........

Tôi biết rằng công việc của anh chị em cũng không dễ dàng gì mặc dù là đáng làm. Bởi vậy tôi phấn khích anh chị em hãy kiên trì, và tôi xin các vị giám mục và linh mục của anh chị em hãy nâng đỡ anh chị em về việc huấn luyện anh chị em trong lãnh vực tín lý, tu đức và mục vụ là những gì có thể giúp anh chị em làm việc cách hiệu năng hơn trong việc phục vụ của anh chị em. Thậm chí khi mà công việc dường như quá nhiều, tài liệu lại quá ít, trở ngại thì quá lớn, anh chị em vẫn không được quên rằng công việc của anh chị em là một công việc thánh hảo. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: công việc của anh chị em là một công việc thánh hảo. Thánh Linh hiện diện ở bất cứ nơi đâu loan truyền danh Chúa Kitô. Ngài ở giữa chúng ta bất cứ khi nào chúng ta nâng tâm trí của chúng ta lên cùng Thiên Chúa lúc cầu nguyện. Ngài sẽ ban cho anh chị em ánh sáng và sức mạnh cần thiết! Sứ điệp anh chị em mang đến sẽ đâm rễ càng sâu xa vững mạnh hơn vào cõi lòng của dân chúng nếu anh chị em chẳng những là một thày dạy mà còn là một chứng nhân nữa. Điều này cũng rất quan trọng: anh chị em cần phải là những thày dạy, nhưng như thế vẫn chưa đủ; anh chị em cũng phải trở thành chứng nhân nữa. Gương sống của anh chị em cần phải nói với hết mọi người về vẻ đẹp của việc cầu nguyện, về quyền lực của tình thương và lòng tha thứ, về niềm vui của việc tham phần vào Thánh Thể với tất cả anh chị em của chúng ta.

Cộng đồng Kitô hữu ở Uganda đã lớn mạnh nhờ chứng từ của các vị tử đạo. Các vị làm chứng cho chân lý là những gì giải thoát con người; các vị đã sẵn sàng đổ máu mình ra để trung thành với những gì các vị biết là thiện hảo, mỹ lệ và chân thật. Chúng ta đang đứng ở Munyonyo này hôm nay đây là nơi Vua Mwanga đã nhất quyết diệt trừ những kẻ theo Chúa Kitô. Ông ta đã thất bại làm như thế, như Vua Hêrôđê không giết được Chúa Giêsu. Ánh sáng đã chiếu soi trong tăm tối và tăm tối không thể nào át được ánh sáng (xem Gioan 1:5). Sau khi chứng kiến thấy chứng từ hiên ngang của Thánh Anrê Kaggwa cùng đồng bạn của ngài, thành phần Kitô hữu Uganda đã càng xác tín hơn về những lời hứa hẹn của Chúa Kitô

...............

Omukama Abawe Omukisa! (Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!)

 

 

Thánh Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Uganda

tại Khu Vực Đền Thánh Công Giáo Các Vị Tử Đạo ở Namugongo (Uganda)

Th Bảy 28/11/2015




"Như các vị tử đạo, nếu hằng ngày chúng ta nung nấu tặng ân Thần Linh

 là Đấng đang ngự trong cõi lòng của chúng ta, thì chúng ta mới thực sự trở nên

 thành phần môn đệ thừa sai như Chúa Kitô muốn kêu gọi chúng ta​".


"Các con sẽ nhận được quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con; và các con sẽ là chứng nhân của Thày ở Giêrusalem, toàn thể Giuđêa và Samaria, cho tới tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8).

Từ thời các Tông Đồ cho tới thời đại của chúng ta đây, có cả một đám mây nhân chứng đã từng vươn lên để loan truyền Chúa Giêsu cũng như để tỏ ra quyền năng của Thánh Linh.....

Cả chúng ta cũng nhận được tặng ân Thần Linh này, để làm cho chúng ta thành những người con trai con gái của Thiên Chúa, thế nhưng cũng là để chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Giêsu và làm cho Người được nhận biết và yêu mến ở khắp nơi. Chúng ta đã lãnh nhận Vị Thần Linh này khi chúng ta được tái sinh nơi Phép Rửa, và chúng ta được kiên cường nhờ các tặng ân của Ngài nơi Phép Thêm Sức của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta đều được kêu gọi để đi sâu vào sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống của chúng ta, để "nung nấu - fan into flame" tặng ân tình yêu thần linh của Ngài, nhờ đó chúng ta mới có thể trở thành một nguồn mạch khôn ngoan và sức mạnh cho người khác.

Tặng ân Thánh Linh là một tặng ân cần phải được chia sẻ. Tặng ân Thánh Linh liên kết chúng ta lại với nhau như là các tín hữu và là các phần tử sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta không lãnh nhận tặng ân Thần Linh cho riêng bản thân của chúng ta, mà là để xây dựng nhau trong đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nghĩ đến Thánh Giuse Mkasa và Charles Lwanga, những vị sau khi được người khác dạy giáo lý cho thì muốn truyền lại tặng ân các vị đã lãnh nhận. Các vị làm điều ấy vào thời điểm nguy hiểm. Không phải chỉ có mạng sống của các vị bị đe dọa mà còn có cả mạng sống của thành phần các trẻ nam nhi được các vị chăm sóc nữa. Vì các vị chăm sóc đức tin của mình và đã sâu đậm hóa tình yêu Thiên Chúa của mình, mà các vị đã hiên ngang mang Chúa Kitô đến cho những người khác, cho dù có phải trả giá bằng mạng sống của các vị. Đức tin của các vị đã trở thành chứng từ; ngày nay, được tôn kính như những vị tử đạo, gương sống của các vị vẫn tếp tục tác động dân chúng khắp thế giới. Các vị tiếp tục loan báo Chúa Giêsu Kitô và quyền năng cây Thánh Giá của Người.

Như các vị tử đạo, nếu hằng ngày chúng ta nung nấu tặng ân Thần Linh là Đấng đang ngự trong cõi lòng của chúng ta, thì chúng ta mới thực sự trở nên thành phần môn đệ thừa sai như Chúa Kitô muốn kêu gọi chúng ta. Cho gia đình của chúng ta và bạn hữu của chúng ta là điều chắc chắn, mà còn cho cả những ai chúng ta chưa quen biết, nhất là những ai không thân thiện, thậm chí là thù địch với chúng ta. Việc cởi mở này với người khác đầu tiên được bắt đầu trong gia đình, trong nhà của chúng ta là nơi chúng ta học biết sống bác ái và tha thứ, và tình thương cùng tình yêu của Thiên Chúa được nhận biết nơi tình yêu của cha mẹ chúng ta. Tình yêu ấy cũng được nhận thấy nơi việc chúng ta chăm sóc cho người già và người nghèo, cho cô nhi quả phụ. 

Chứng từ của các vị tử đạo cho tất cả mọi người đã nghe thấy câu chuyện của các vị xưa nay rằng các thứ khoái lạc trần gian và quyền lực trần thế này là những gì không mang lại niềm vui và bình an bền bỉ. Trái lại, lòng trung thành với Thiên Chúa, lòng chân thành và tính liêm chính trong đời sống, cùng mối quan tâm thực sự cho thiện ích của người khác là những gì mang lại cho chúng ta thứ bình an thế gian không thể cung cấp. Điều này không làm cho chúng ta giảm bớt mối quan tâm của chúng ta với thế giới này, như thể chúng ta chỉ tìm kiếm đời sau thôi. Trái lại, nó cống hiến cho đời sống chúng ta trên thế gian này có được đích nhắm, và giúp chúng ta vươn tới những ai thiếu thốn cần giúp đỡ, giúp chúng ta hợp tác với người khác vì công ích, và xây dựng một xã hội chân chính hơn trong việc cổ võ phẩm giá con người, bênh vực tặng ân sự sống của Thiên Chúa và bảo vệ các kỳ công của thiên nhiên, tạo vật của Ngài cũng là ngôi nhà chung của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đó là di sản mà anh chị em đã lãnh nhận từ các vị tử đạo Uganda - những cuộc đời đầy quyền năng của Thánh Linh, những cuộc sống cho dù tới nay vẫn đang chứng thực quyền năng biến đổi của Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô. Di sản này không phải là để hưởng thụ như là một cơ hội để tưởng nhớ, hay được trân trọng cất giữ ở một bảo tàng viện như một thứ trang sức quí báu. Trái lại, chúng ta tôn kính các vị, cũng như tất cả mọi vị thánh, đó là khi chúng ta tiếp tục chứng từ của các vị về Chúa Kitô, nơi gia đình và hàng xón của chúng ta, nơi công xưởng và xã hội dân sự của chúng ta, cho dù chúng ta không bao giờ đi đâu hay chúng ta đi đến hang cùng ngõ hẻm của thế giới.

 ....

 

Omukama Abawe Omukisa! (Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!)



Gặp gỡ giới trẻ 

Kololo Air Strip, Kampala (Uganda)

Thứ Bảy 28/11/2015




"Đừng quên trở thành những sứ giả của niềm hy vọng ấy! Và đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn băng qua bất cứ vũng lầy nào các bạn gặp thấy trên đường đi!"

ĐTC: Omukama Mulungi! (Thiên Chúa thiện hảo!)

Giới Trẻ: Obudde bwonna! (Đến muôn muôn đời!)

Giới Trẻ thân mến,

Tôi lấy làm sung sướng được ở đây diể chia sẽ những giây phút này với các bạn... Hôm nay, nếu các bạn cho phép, tôi muốn củng cố đức tin của các bạn, phấn khích đức mến của các bạn và nhất là kiên cường đức cậy của các bạn. 

Đức cậy Kitô giáo không phải chỉ là vấn đề lạc quan; nó còn cao hơn thế nữa. Nó được bắt nguồn nơi sự sống mới chúng ta lãnh nhận trong Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng niềm hy vọng ấy không làm cho chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Thánh Linh khi chúng ta lãnh nhận phép rửa (xem Roma 5:5). Niềm hy vọng này giúp chúng ta có thể tin tưởng vào những lời hứa hẹn của Chúa Kitô, tin vào quyền lực của tình yêu Người, vào sự tha thứ của Người, vào tình hữu nghị của Người. Tình yêu ấy mở cửa cho sự sống mới. Bất cứ khi nào các bạn cảm thấy bị trục trặc, thoái lui, thua bại, lòng của các bạn cần phải bám lấy tình yếu ấy, vì nó có quyền năng biến sự chết thành sự sống và làm tan biến đi hết mọi sự dữ

Bởi thế, chiều hôm nay tôi xin mời các bạn, trước hết, hãy cầu xin để tặng ân này được gia tăng trong các bạn, cũng như xin ơn trở thành các sứ giả của niềm hy vọng. Có rất nhiều người chung quanh chúng ta đang trải qua tâm trạng lo âu sâu xa, thậm chí còn tuyệt vọng nữa. Chúa Giêsu đang cất những đám mây này đi nếu chúng ta để Người làm việc ấy. 

Tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn một ít ý nghĩ về một số những trở ngại các bạn có thể gặp trong cuộc hành trình hy vọng của các bạn. Tất cả các bạn đều muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, muốn có công ăn việc làm, muốn có sức khỏe và thịnh vượng. Đó là điều tốt. Các bạn muốn chia sẻ các tặng ân của các bạn, các hứng khởi của các bạn và lòng nhiệt thành của các bạn với những người khác, cho thiện ích của đất nước cũng như của Giáo Hội. Đó cũng là điều rất tốt. Thế nhưng, khi các bạn gặp phải nghèo khổ, khi các bạn cảm thấy thiếu cơ may, khi các bạn bị thất bại trong đời sống, đôi khi cảm thấy tuyệt vọng nữa. Các bạn có thể bị thử thách đến mất đi niềm hy vọng.   

Các bạn có bao giờ thấy một em nhỏ dừng chân trước một vũng lầy bẩn thỉu trên con đường trước mặt chưa? Một vũng lầy mà em không thể nào nhẩy qua hay đi vòng qua? Em có thể cố thử nhưng rồi em bị vấp ngã và ướt sũng. Thế rồi sau khi đã cố gắng cựa quậy, em gọi cha của em đến, người nắm lấy tay em và hất em sang mé bên kia. Chúng ta như đứa nhỏ ấy. Cuộc sống đưa đến cho chúng ta nhiều vũng lầy bẩn thỉu. Thế nhưng chúng ta không cần phải thắng vượt tất cả những vấn đề ấy và tự mình vượt qua. Thiên Chúa ở đó để nắm lấy tay của chúng ta nếu chúng ta kêu lên Ngài. 

Điều tôi đang muốn nói ở đây là tất cả chúng ta cần phải như đứa bé ấy, cho dù là vị Giáo Hoàng!Vì chỉ khi nào chúng ta nhỏ bé và khiêm hạ chúng ta mới không sợ kêu lên Cha của chúng ta. Nếu các bạn đã cảm nghiệm được ơn trợ giúp của Ngài thì các bạn biết những gì tôi đang nói đến đây. Chúng ta cần biết đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi Ngài, ý thức rằng Ngài luôn vì chúng ta mà có đó. Ngài ban cho chúng ta lòng tin tưởng và can đảm. Thế nhưng - điều quan trọng là ở chỗ này - thật là sai lầm khi không chia sẻ cảm nghiệm tuyệt vời này cho người khác. Chúng ta tỏ ra sai lạc khi không trở thành những sứ giả của niềm hy vọng cho người khác

Có một vũng lầy đặc biệt có thể làm cho giới trẻ run rẩy khi họ muốn lớn lên trong mối thân tình với Chúa Kitô. Đó là nỗi lo sợ bị thất bại trong việc chúng ta dấn thân yêu thương, nhất là thất bại trước cái lý tưởng hôn nhân Kitô giáo trọng đại và cao sang. Các bạn có thể lo sợ không thể trở thành một người vợ và một người mẹ tốt lành, không thể làm một người chồng và một người cha tốt lành. Nếu các bạn đang nhìn vào vũng lầy ấy, các bạn thậm chí thấy được cả những yếu hèn và nỗi sợ hãi được phản chiếu nơi các bạn. Xin các bạn đừng lui bước trước những điều ấy! Đôi khi đó là những nỗi sợ hãi xuất phát từ ma quỉ là kẻ không muốn các bạn được hạnh phúc. Đừng nhé! Hãy kêu lên Thiên Chúa, hãy mở lòng mình ra cho Ngài và Ngài sẽ bồng các bạn lên trong cánh tay của Ngài và chỉ cho các bạn biết yêu thương ra sao. Tôi đặc biệt xin các cặp vợ chồng trẻ hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúc lành cho tình yêu của họ và đời sống của họ bằng ân sủng của Ngài nơi bí tích hôn phối. Tặng ân yêu thương của Thiên Chúa là tâm điểm của hôn nhân Kitô giáo, chứ không phải những thứ tiệc tùng tốn phí thường làm lu mờ đi ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của ngày hân hoan cử hành này với gia đình cùng bạn hữu. 

Sau hết, một vũng lầy mà tất cả chúng ta đang phải đối diện đó là nỗi sợ trở thành dửng dưng lạnh lùng, sợ đi ngược lại với khuynh hướng của một xã hội đang gia tăng áp lực trên chúng ta trong việc theo đuổi các mẫu thức thỏa mãn và hưởng thụ xa lạ với những giá trị sâu xa nhất của nền văn hóa Châu Phi. Các bạn hãy nghĩ về điều này! Các vị tử đạo Uganda nói sao về việc lạm dụng phương tiện truyền thông của chúng ta, những phương tiện mà giới trẻ được gợi lên cho thấy những hình ảnh cùng với những quan điểm méo mó về tình dục làm thoái hóa phẩm vị con người, dẫn đến chỗ buồn thảm và trống rỗng? Các vị tử đạo Uganda phản ứng ra sao trước tình trạng gia tăng lòng tham lam và bại hoại đang xẩy ra ở giữa chúng ta? Chắc chắn là các vị sẽ kêu gọi chúng ta hãy trở thành những người Kitô hữu mô phạm, tin tưởng rằng tình yêu Chúa Kitô của các bạn, lòng trung thành với Phúc Âm của các bạn, và việc các bạn khôn ngoan sử dụng những tặng ân Thiên Chúa ban mới là những gì có thể làm phong phú, thanh tẩy và thăng hoa đời sống của xứ sở này mà thôi. Các vị tiếp tục tỏ cho các bạn thấy con đường ấy. Đừng sợ soi chiếu đức tin của các bạn trong gia đình của các bạn, nơi trường học của các bạn và các nơi làm việc của các bạn. Đừng sợ tham gia đối thoại một cách khiêm tốn với người khác là người có thể thấy sự vật khác với các bạn. 

Các bạn trẻ thân mến, khi tôi nhìn vào gương mặt của các bạn tôi cảm thấy tràn đầy niềm hy vọng: hy vọng cho các bạn, hy vọng cho xứ sở của các bạn, và hy vọng cho Giáo Hội. Tôi xin các bạn hãy cầu xin để niềm hy vọng các bạn đã lãnh nhận từ Thánh Linh tiếp tục tác động những nỗ lực của ban trong việc lớn lên trong khôn ngoan, quảng đại và thiện hảo. Đừng quên trở thành những sứ giả của niềm hy vọng ấy! Và đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn băng qua bất cứ vũng lầy nào các bạn gặp thấy trên đường đi!

Hãy hy vọng nơi Chúa Kitô và Người sẽ giúp các bạn có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. Và nếu các bạn thấy khó cầu nguyện, nếu các bạn thấy khó lòng mà hy vọng thì đừng sợ hướng về Mẹ Maria, vì Mẹ là Mẹ của chúng ta, Mẹ của Niềm Hy Vọng. Sau hết, xin làm ơn đừng quên cầu nguyện cho tôi! Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn!

 

(sau khi gặp gỡ giới trẻ, ĐTC đến Nhà Bác Ái Nalukolonge thăm bệnh nhân, khuyết tật nhân và bụi đời)



Gặp Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ và Chủng Sinh

St Mary's Cathedral, Kampala (Uganda)

Thứ Bảy 28/11/2015


"Anh chị em là ai, với tư cách là linh mục hay linh mục tương lai, và với tư cách là

 những con người tận hiến?...

Anh chị em được kêu gọi làm gì hơn nữa khi sống ơn gọi đặc biệt của anh chị em?"

....

Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra vào ngày áp Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, một mùa mời gọi chúng ta hãy nhìn đến những khởi đầu mới. Mùa Vọng này chúng ta cũng đang sửa soạn bước qua ngưỡng cửa của Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương mà tôi đã mở ra cho toàn thể Giáo Hội

Vì chúng ta đang tiến tới Năm Thánh Tình Thương, tôi xin hỏi anh chị em hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất: anh chị em là ai, với tư cách là linh mục hay linh mục tương lai, và với tư cách là những con người tận hiến? Ở một nghĩa nào đó thì câu trả lời này dễ dàng thôi: chắc chắn anh chị em là những con người nam nữ sống cuộc đời được hình thành nên bởi "một cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu Kitô" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 3). Chúa Giêsu đã chạm đến tâm can của anh chị em, đã kêu gọi đích danh anh chị em, và đã xin anh chị em theo Người bằng một con tim gắn bó trong việc phục vụ dân thánh của Người. 

Giáo Hội ở Uganda đã được chúc phúc, trong giòng lịch sử tuy ngắn mà khả kính, với một đám mây to lớn các chứng nhân - giáo dân, giáo lý viên, linh mục và tu sĩ - thành phần đã từ bỏ mọi sự vì yêu mến Chúa Giêsu: nhà cửa, gia đình, và nơi trường hợp của các vị tử đạo, cả mạng sống của các vị nữa. Trong đời sống của anh chị em, dù nơi thừa tác vụ linh mục hay nơi việc thánh hiến tu trì của anh chị em, anh chị em đều được kêu gọi thi hành di sản trọng đại ấy, trước hết bằng những tác động âm thầm của việc khiêm tốn phục vụ. Chúa Giêsu muốn sử dụng anh chị em để đụng chạm đến tâm hồn của những con người khác: Người muốn sử dụng môi miệng của anh chị em để loan báo lời cứu độ của Người, muốn sử dụng cánh tay của anh chị em để ôm lấy người nghèo được Người yêu thương, muốn sử dụng bàn tay của anh chị em để xây dựng các cộng đồng thành phần môn đệ thừa sai chân thực. Chớ gì chúng ta đừng bao giờ quên rằng tiếng "xin vâng" của chúng ta với Chúa Giêsu cũng là tiếng "xin vâng" với dân của Người. Các cửa ngõ của chúng ta, những cửa ngõ của nhà thờ chúng ta, thế nhưng, trên hết là các cửa ngỏ của tâm can chúng ta, cần phải liên lỉ mở ra cho dân Thiên Chúa, dân của chúng ta. Vì chúng ta là ai ở chỗ đó.

Câu hỏi thứ hai tôi muốn hỏi anh chị em tối nay là: Anh chị em được kêu gọi làm gì hơn nữa khi sống ơn gọi đặc biệt của anh chị em? Vì bao giờ chúng ta cũng có thể làm gì hơn nữa, một dặm nữa cần phải bước đi trong cuộc hành trình của chúng ta.

Dân của Thiên Chúa, thật vậy tất cả mọi người, đều mong ước sự sống mới, ơn tha thứ và sự bình an. Buồn thay, trên thế giới của chúng ta đây đang xẩy ra nhiều tình trạng rắc rối cần chúng ta cầu nguyện, bắt đầu với những thực tại gần chúng ta nhất. Tôi đặc biệt cầu cho dân tộc thân yêu Burundi, xin Chúa thức tỉnh nơi các vị lãnh đạo của đất nước này cũng như nơi toàn thể xã hội một cuộc dấn thân đối thoại và hợp tác, hòa giải và hòa bình. Nếu chúng ta hỗ trợ những ai đang đau khổ, thì như ánh sáng chiếu qua những cửa sổ kính mầu của Vương Cung Thánh Đường này, chúng ta cần phải để cho quyền năng và việc chữa lành của Thiên Chúa thông qua chúng ta. Chúng ta trước hết hãy để các làn sóng tình thương của Ngài tuôn xuống trên chúng ta, thanh tẩy chúng ta và đổi mới chúng ta, nhờ đó chúng ta mới có thể mang tình thương đó cho những người khác, nhất là cho những ai ở các nơi xa xôi hẻo lánh.

Tất cả chúng ta đều biết rằng điều này khó khăn biết bao. Có rất nhiều việc cần phải làm. Đồng thời cuộc sống tân tiến cũng gây ra rất nhiều phân tâm có thể làm cùn nhụt đi lương tâm của chúng ta, làm tiêu hao đi lòng nhiệt thành của chúng ta, và thậm chí lôi kéo chúng ta vào "một thứ thế tục thiêng liêng" là những gì gặm mòn những cội gốc của đời sống Kitô giáo. Việc hoán cải - thứ hoán cải là trọng tâm của Phúc Âm Chúa Giêsu (xem Marco 1:15) - cần phải đựợc thực hiện mỗi ngày, trong cuộc chiến đấu nhận ra và chế ngự những thói tật và đường lối suy nghĩ có thể gây tự mãn thiêng liêng. Chúng ta cần kiểm điểm lương tâm của chúng ta, với tư cách cá nhân cũng như cộng đồng. 



​T
ừ Giã Uganda sáng Chúa Nhật 28/11/2015 ở Phi Trường Thủ Đô Kampala



Thăm Cộng Hòa Trung Phi

(Central Africa Republic hay CAR)

 

"Chúng ta hãy băng qua bờ bên kia" 

 


Đến Nước Cộng Hòa Trung Phi sáng Chúa Nhật cùng ngày ở Phi Trường Thủ Đô Bangui


Dẫn nhập của người dịch: 

Tại đất nước Cộng Hòa Trung Phi này, một quốc gia được hân hạnh thay cho toàn thể Phi Châu, lần đầu tiên được một vị giáo hoàng chính thức khai mở một Năm Thánh, Năm Thánh Tình Thương 2016, bằng tác động Mở Cửa Năm Thánh ở Vương Cung Thánh Đường chính thủ đô Bangui của xứ sở này trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng tối hôm nay, dù xẩy ra 9 ngày trước thời điểm chính thức khai mạc Năm Thánh Tình Thương 8/12/2015. 

Đây là một cử chỉ rất ngoại lệ nhưng đáng thực hiện ở đất nước mà vị lãnh đạo lâm thời của quốc gia này là một người nữ, Bà Catherine Samba-Panza, bởi vì, theo diễn biến chính trị trong 2 năm qua tại đất nước này, thì hai lực lượng Hồi Giáo Séléka và Kitô Giáo Balaka đối chọi quá sức là dữ dội và đầy những tàn ác không thể nào tưởng tượng nổi, gây ra một làm sóng di cư ào ạt tràn sang cả các quốc gai lân bang, đến độ Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo là có thể sẽ đi đến chỗ bị diệt chủng, và vì thế ban tổ chức cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần đã muốn bãi bỏ biến cố này, bởi lo sợ chính quyền không đủ sức bảo toàn an ninh cho ngài. 

Ngoài ra, đất nước vn là thuộc địa của Pháp cho đến năm 1960 này là một quốc gia nghèo nhất thế giới, cho dù phong phú nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đồng ruộng, nước nôi, hầm mỏ cùng với các thứ kỹ nghệ như vàng bạc, kim cương, gỗ rừng và chất uranium. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng chủ trương Giáo Hội nghèo và cho người nghèo vẫn muốn hiên ngang xông pha (go forth) tiến đến những chỗ xa xôi hẻo lánh bần cùng nhất theo chủ trương "peripheries" của ngài.


Với Chính Quyền và Ngoại Giao Đoàn

Presidential Palace, Bangui (Central African Republic)

Sunday, 29 November 2015


"Chắc hẳn là một điều thừa thải khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng chính yếu của sự

 chỉ đạo và quản trị chính trực nơi các vị thẩm quyền trong quần chúng. Họ cần phải

 là người đầu tiên liên lỉ hiện thực các giá trị về hiệp nhất, phẩm giá và nỗ lực, bằng

 việc phục vụ như là những mô phạm cho đồng bào của họ".

...

Trong khi Nước Cộng Hòa Trung Phi đang tiến chuyển bất chấp các thứ khó khăn để hướng đến tình trạng bình thường hóa đời sống xã hội và chính trị của mình thì tôi đến đất nước này lần đầu tiên, theo chân vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi. Tôi đến đây như là một người hành hương của hòa bình và như là một tông đồ của niềm hy vọng... 

Từ chân trời sáng lên với câu tâm niệm của Nước Cộng Hòa Trung Phi: Hiệp Nhất - Phẩm Giá - Nỗ Lực, một câu tâm niệm đã cho thấy niềm hy vọng của những ai khai phá mở đường cùng ước mộng của các vị cha ông sáng lập. Ngày nay, hơn bao giờ hết, câu tâm niệm tam diện này đang thể hiện các khát vọng của mỗi một người dân Trung Phi. Bởi thế, nó chính là địa bàn thực sự cho các vị thẩm quyền được kêu gọi để léo lái số phận của xứ sở này. Hiệp Nhất, Phẩm Giá, Nỗ Lực! Ba ch rất ý nghĩa, mỗi một chữ của chúng đều tiêu biểu như nhau về một dự án xây dựng như là một chương trình kéo dài, một cái gì đó cần phải được không ngừng đan kết.

Trước hết là chữ hiệp nhất. Chúng ta biết đây là một giá trị trụ cột cho tình trạng hòa hợp của các dân tộc. Nó cần phải được sống và thiết lập trên căn bản của đa dạng tính lạ lùng của môi trường chúng ta, tránh khuynh hướng sợ hãi kẻ khác, sợ hãi kẻ xa lạ, sợ những gì không thuộc về nhóm sắc tộc của chúng ta, không thuộc về quan điểm chính trị của chúng ta hay không thuộc về niềm tin đạo giáo của chúng ta. Trái lại, hiệp nhất cần đến việc kiến tạo và phát động một tổng hợp những gì là phong phú được từng người cống hiến. Hiệp nhất trong đa dạng là một thách đố liên lỉ, một thách đố cần đến tính chất sáng tạo, đến lòng quảng đại, đến việc hy sinh mình và tôn trọng người khác. 

Rối đến phẩm giá. Giá trị về luân lý này thật sự đồng nghĩa với sự chân thành, thành tín, độ lượng và tôn kính là những gì biểu thị cho thấy con người nam nữ ý thức được các quyền lợi và nhiệm vụ của họ, và là những gì dẫn họ đến chỗ tương kính. Tôi cảm thấy hứng thú khi biết rằng Nước Trung Phi này là xứ sở có châm ngôn "Zo kwe zo", một xứ sở là nơi hết mọi người đều là một ai đó. Cần phải làm hết sức để bảo vệ vị thế và phẩm giá của con người. Những ai có phương tiện để hoan hưởng một cuộc sống khá giả, thay vì coi mình thuộc hạng ưu tú, cần phải tìm cách giúp đáp những ai nghèo khổ hơn chính họ để những người ấy đạt được những điều kiện sống xứng đáng, nhất là nhờ ở khả năng phát triển về nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội của họ. Bởi thế, phương tiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe, việc chiến đấu chống lại tình trạng yếu dinh dưỡng cùng với những nỗ lực để bảo đảm có được nhà ở tươm tất cho hết mọi người cần phải là những gì tiên phong cho một thứ phát triển liên quan đến phẩm giá con người. Thật vậy, nhân phẩm của chúng ta được thể hiện qua việc chúng ta hoạt động cho phẩm giá của anh chị em đồng loại chúng ta

Sau hết là nỗ lực. Chính nhờ làm việc mà quí vị mới có thể cải tiến đời sống gia đình của quí vị. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: "Con cái không cần phải thu tích cho cha mẹ mà cha mẹ cần phải thu tích cho con cái" (2Corinto 12:14). Công việc của cha mẹ là những gì thể hiện tình yêu của họ đối với con cái của họ. Một lần nữa, Nước Trung Phi của quí vị có thể cải tiến mảnh đất kỳ diệu này bằng việc khôn khéo khai thác nhiều tài nguyên của nó. Xứ sở của quí vị được định vị ngay trong một miền được coi là một trong hai buồng phổi của nhân loại về tính đa dạng sinh học ngoại thường của nó. Về vấn đề này, để nhắc lại Thông Điệp Laudato Sí của mình, tôi đặc biệt kêu gọi hết mọi người, thành phần công dân cũng như lãnh đạo quốc gia, các hội viên quốc tế và những xã hội đa quốc, hãy quan tâm đến trách nhiệm nặng nề của mình trong việc sử dụng các nguồn môi sinh, trong những quyết định và dự phóng phát triển có thể ảnh hưởng đến toàn thể hành tinh này một cách nào đó. Công việc xây dựng một xã hội thịnh vượng cần phải trở thành một nỗ lực hợp tác chung. Sự khôn ngoan của dân tộc quí vị đã từng hiểu được chân lý ấy, như qua câu tục ngữ sau đây: "Những con kiến dù li ti nhỏ bé nhưng vì chúng quá nhiều nên chúng vẫn có thể tạo thành một kho tích trữ".

Chắc hẳn là một điều thừa thải khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng chính yếu của sự chỉ đạo và quản trị chính trực nơi các vị thẩm quyền trong quần chúng. Họ cần phải là người đầu tiên liên lỉ hiện thực các giá trị về hiệp nhất, phẩm giá và nỗ lực, bằng việc phục vụ như là những mô phạm cho đồng bào của họ.

............


Phụ dẫn thêm của người dịch: 

Sau khi gặp gỡ thành phần chính trị gia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ghé thăm một trại tị nạn ở thủ đô Bangui này. Ngài đã nói buông với họ theo tâm tình của ngài bấy giờ: 



"Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, bất kể nhóm sắc tộc hay tôn giáo của chúng ta... Chúng ta cần phải hoạt động, cầu nguyện và làm hết sức có thể cho hòa bình... Hòa bình không thể nào có nếu thiếu vắng yêu thương, thân tình, khoan dung và tha thứ". 


Khi nói với các em nhỏ vây quanh mình, ngài đã nói với các em rằng ngài đã đọc thấy những hàng chữ các em viết "hòa bình, tha thứ, hiệp nhất và yêu thương": 

"Cha muốn các con sống trong bình an, bất chấp các con thuộc nhóm sắc tộc nào, bất kể văn hóa của các con, tôn giáo của các con và tình trạng xã hội của các con... hết mọi người sống trong hòa bình vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau". 

Rồi ngài bảo những ai hiện diện bấy giờ cùng nhau hô lên rằng: "Tt cả chúng ta đều là anh chị em với nhau". 

Trong chuyến viếng thăm Nước Cộng Hòa Trung Phi này, ngài cũng bất chợt ghé thăm một bệnh viện nhi đồng ở thủ đô Bangui.




Gặp Gỡ Các Cộng Đồng Tin Lành ở Thủ Đô Bangui Chúa Nhật 29/11/2015



"Làm thế nào Chúa Cha có thể không ban ơn hiệp nhất được chứ, dù là chưa trọn

 vẹn, cho con cái của Ngài là thành phần đang cùng nhau chịu khổ, và trong các

 trường hợp khác, cùng nhau phục vụ anh chị em của mình?"

Đã quá lâu rồi nhân dân của quí vị đã trải qua những rắc rối và bạo động, gây ra biết bao nhiêu là đau khổ. Tình trạng này khiến cho việc loan báo Phúc Âm càng trở thành cần thiết và khẩn trương. Vì chính xác thịt của Chúa Kitô đang đau khổ nơi những người con nam nữ thân yêu nhất của Người: những người nghèo nhất của dân tộc quí vị, thành phần yếu bệnh, thành phần già lão, thành phần bị bỏ rơi, các trẻ em mất cha mất mẹ hay bị bỏ bê không được dẫn dắt và giáo dục.Cũng có những người cảm thấy lo âu sợ hãi trong tâm hồn hay thân xác bởi hận thù ghen ghét và bạo lực, những người bị chiến tranh cướp đi hết mọi sự, nào là công ăn việc làm, nào là nhà cửa và những người thân yêu. 

Thiên Chúa không phân biệt giữa những ai đang chịu đau khổ. Tôi thường gọi tình trạng này là vấn đề đại kết bởi máu. Tất cả mọi cộng đồng của chúng ta đều chịu đau khổ như nhau gây ra bởi những gì là bất công và lòng hận thù mù quáng do ma quỉ hoành hành. Đến đây tôi muốn bày tỏ sự gắn bó và tình đoàn kết của tôi với Mục Sư Nicholas là vị có ngôi nhà được sử dụng làm nơi gặp gỡ cho cộng đồng của ông vừa bị lục soát và đốt cháy. Trong những hoàn cảnh khó khăn ấy, Chúa vẫn xin chúng ta hãy tỏ ra cho mọi người thấy sự êm ái dịu dàng, lòng cảm thương và tình thương của Người. Nỗi đau chung và sứ vụ chung này là một cơ hội thuận lợi cho chúng ta để cùng nhau tiến triển trên con đường hiệp nhất; chúng cũng là một thứ hỗ trợ thiêng liêng bất khả châm chước. Làm thế nào Chúa Cha có thể không ban ơn hiệp nhất được chứ, dù là chưa trọn vẹn, cho con cái của Ngài là thành phần đang cùng nhau chịu khổ, và trong các trường hợp khác, cùng nhau phục vụ anh chị em của mình?

Các bạn thân mến, tình trạng thiếu hiệp nhất nơi thành phần Kitô hữu là một thứ gương mù, trước hết là vì nó phản lại với ý muốn của Thiên Chúa. Nó cũng là một gương xấu khi chúng ta coi hận thù và bạo lực đang xâu xé nhân loại, cùng nhiều hình thức chống đối mà Phúc Âm Chúa Kitô gặp phải. Tôi cảm nhận được tinh thần của niềm tương kính và hợp tác đang hiện hữu giữa thành phần Kitô hữu nơi xứ sở của quí vị, và tôi phấn khích quí vị hãy tiếp tục con đường phục vụ chung trong yêu thương bác ái này. Nó là một thứ chứng từ về Chúa Kitô giúp vào việc xây dựng mối hiệp nhất vậy. 


Thánh Lễ với Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Lý Viên và Giới Trẻ

ở Vương Cung Thánh Đường Thủ Đô Bangui tối Chúa Nhật 29/11/2015

 


 

"Là những người theo Chúa Kitô, các vị linh mục, tu sĩ nam nữ và các cán sự mục vụ giáo dân thân mến, ở nơi xứ sở này, theo tên gọi gợi ý của nó, nằm ngay tâm điểm của Châu Phi và được kêu gọi nhận thức Chúa là tâm điểm đích thực của tất cả những gì là thiện hảo, ơn gọi của anh chị em là hiện thực hóa chính tấm lòng của Thiên Chúa giữa anh chị em đồng hương của mình".

 

Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng này, một mùa phụng vụ của niềm hân hoan trông đợi Đấng Cứu Thế và là một biểu hiệu cho niềm hy vọng của Kitô giáo. Thiên Chúa đã đưa tôi đến đây giữa anh chị em, ở mảnh đất này, trong lúc Giáo Hội hoàn vũ đang sửa soạn khai mạc Năm Thánh Tình Thương. Tôi đặc biệt lấy làm vui là chuyến viếng thăm mục vụ của tôi lại trùng vào thời điểm khai mạc Năm Thánh này ở xứ sở của anh chị em...

Thế nhưng, như Tông Đồ Phêrô và Gioan trên đường lên Đền Thờ, chẳng có vàng hay bạc để tặng cho người bất toại thiếu thốn, tôi cũng đến đây để cống hiến sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa; vì những sự ấy mang lại cho chúng ta sự chữa lành, giúp chúng ta đứng lên và giúp chúng ta có thể bắt đầu một cuộc sống mới, để "băng qua phía bên kia" (xem Luca 8:22). 

Chúa Giêsu không bắt chúng ta băng qua phía bên kia một mình đâu; trái lại, Người xin chúng ta hãy băng qua với Người, khi mỗi một người trong chúng ta đáp lại ơn gọi riêng biệt của mình. Chúng ta cần nhận thức rằng việc băng qua này chỉ có thể thực hiện với Người mà thôi, bằng cách giải phóng mình khỏi những quan niệm ly gián về gia đình và huyết nhục để xây dựng một Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa, hướng đến hết mọi người, quan tâm đến những người thiếu thốn nhất. Điều này bao hàm việc gần gũi với những người anh chị em của chúng ta; nó chất chứa tinh thần hiệp thông. Nó chính yếu không phải là vấn đề về phương tiện tài chính; mà chỉ cần chia sẻ vào đời sống của dân Chúa, bằng niềm hy vọng trong chúng ta (xem 1Phêrô 3:15), bằng việc làm chứng cho tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng được Bài Đáp Ca của phụng vụ Chúa Nhật này cho thấy "nhân lành và dẫn đường chỉ lối cho các tội nhân" (Thánh Vịnh 24:8). Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Cha trên trời của chúng ta "làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ dữ lẫn người lành" (Mathêu 5:45). Tự bản thân cảm nghiệm được ơn tha thứ, chúng ta cũng cần phải thứ tha cho người khác. Ơn gọi chính yếu của chúng ta là: "Các con vì thế hãy nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48). 

Một trong đặc tính thiết yếu của ơn gọi nên trọn lành này đó là tình yêu thương những người thù địch của chúng ta, một tình yêu bảo vệ chúng ta khỏi khuynh hướng tìm cách trả thù cũng như khỏi cơn xoáy mắt đền mắt răng đền răng chẳng bao giờ cùng. Chúa Giêsu đã đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh này nơi chứng từ Kiô giáo (xem Mathêu 5:46-47). Bởi thế, những ai truyền bá phúc âm hóa cần phải là thành phần thực hành tha thứ đầu tiên và trên hết, thành phần chuyên viên về hòa giải, chuyên nghiệp về tình thương. Đó là cách chúng ta có thể giúp cho anh chị em chúng ta "băng qua phía bên kia" - bằng việc tỏ cho họ thấy cái bí mật của sức mạnh chúng ta, của niềm hy vọng chúng ta, và của niềm vui chúng ta, tất cả những gì đều được bắt nguồn nơi Thiên Chúa, vì chúng được sâu xa thâm tín rằng Ngài đang ở trong thuyền với chúng ta. Ngài đã thực hiện với các vị tông đồ lúc hóa bánh ra nhiều thế nào thì Chúa cũng ký thác các tặng ân của Ngài cho chúng ta như vậy, nhờ đó chúng ta có thể lên đường mà phân phối những tặng ân ấy khắp nơi, bằng việc loan báo những lời cam kết của Ngài: "Này đây, đang đến những ngày Ta sẽ hoàn trọn lời Ta đã hứa với nhà Yến Duyên (Israel) và nhà Giuđa" (Giêrêmia 33:14). 

Trong các bài đọc của phụng vụ Chúa Nhật này, chúng ta có thể thấy những khía cạnh khác nhau của việc cứu độ được Thiên Chúa loan báo ấy; chúng hiện lên như những dấu đường để hướng dẫn chúng ta trong sứ vụ của chúng ta. Trước hết, niềm hạnh phúc được Chúa hứa hẹn hiện lên như là công lý. Mùa Vọng là thời điểm chúng ta nỗ lực mở lòng mình ra để lãnh nhận Đấng Cứu Thế, Đấng công chính duy nhất và là Vị Thẩm Phán duy nhất có thể ban cho mỗi người cách xứng hợp. Ở nơi đây cũng như ở các nơi khác, có vô số những con người nam nữ đang khao khát những gì là tôn trọng, là công lý, là bình đẳng, mà chẳng thấy những dấu hiệu tích cực nào hiện lên ở chân trời. Đó là thành phần mà Người đến để mang tặng ân công chính của mình cho họ (xem Giêrêmia 33:15). Người đến để làm phong phú lịch sử chung riêng của chúng ta, làm phong phú những niềm hy vọng còn lỗ hổng của chúng ta và làm phong phú những nỗi ước vọng cằn cỗi của chúng ta. Người sai chúng ta đi để loan báo đặc biệt cho những người bị áp bức bởi thành phần quyền lực trên thế giới này, hay thành phần bị đè nén bởi gánh nặng tội lỗi của họ, hầu "Giuđa sẽ được cứu và Giêrusalem sẽ cư ngụ cách an toàn. Và đó là danh xưng Ngài sẽ được gọi 'Chúa là sự chính trực của chúng ta'" (Giêrêmia 33:16). Phải, Thiên Chúa là sự chính trực; Thiên Chúa là sự công chính. Bởi vậy, đó là lý do tại sao Kitô hữu được kêu gọi trên thế giới này là để hoạt động cho một thứ hòa bình trên nền tảng công lý.  

Ơn cứu độ của Thiên Chúa mà chúng ta đang trông chờ cũng hợp với yêu thương. Trong việc dọn mình cho mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta sống lại cuộc hành trình sửa soạn cho dân Chúa đón nhận Người Con, Đấng đến để tỏ cho thấy Thiên Chúa chẳng những chính trực mà trên hết còn là tình yêu (xem 1Gioan 4:8). Ở hết mọi nơi, thậm chí ở cả những nơi đang bấn loạn với bạo động, hận thù ghen ghét, bất công và bách hại, Kitô hữu cũng được kêu gọi để làm chứng cho Vị Thiên Chúa là tình yêu này. Trong việc phấn khích các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và thành phần giáo dân dấn thân, ở xứ sở này, có những lúc sống một cách anh hùng những nhân đức Kitô giáo, tôi nhận thấy rằng khoảng cách giữa lý tưởng đòi hỏi này với chứng từ Kitô giáo có những lúc rộng lớn. Vì thế, tôi xin lập lại lời nguyện cầu của Thánh Phaolô: "Thưa anh chị em, xin Chúa làm cho anh chị em gia tăng và dồi dào tình yêu thương nhau cũng như yêu thương tất cả mọi con người nam nữ" (1Thessalonica 3:12). Có thế những gì được các dân ngoại nói về những Kitô hữu sơ khai mới luôn tồn tại với chúng ta như một ngọn hải đăng: "Kìa họ yêu thương nhau biết bao, họ thực sự yêu thương nhau biết là chừng nào" (Tertullian, Apology, 39,7).

Sau hết, ơn cứu độ được Thiên Chúa loan báo có một quyền lực bất bại cuối cùng sẽ làm cho nó thắng thế. Sau khi báo cho các môn đệ của mình biết về những dấu hiệu kinh hoàng sẽ xẩy ra trước khi Người đến, Chúa Giêsu đã kết thúc: "Khi các sự ấy bắt đầu xẩy ra thì hãy ngước mắt lên và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc của các con gần tới" (Luca 21:28). Nếu Thánh Phaolô có thể nói về một thứ tình yêu "gia tăng và tràn ngập", thì đó là vì chứng từ Kitô giáo phản ảnh cái quyền lực bất khả chống cưỡng được nói đến trong Phúc Âm. Chính khi xẩy ra cuộc tàn phá chưa từng có ấy mà Chúa Giêsu muốn cho thấy quyền năng cả thể của Người, vinh quang khôn sánh của Người(xem Luca 21:27) và quyền năng của một thứ tình yêu không ngăn chặn gì cả, thậm chí trước cả việc sụp đổ của các tầng trời, trước tai họa của thế giới này hay trước cái náo động của biển khơi.Thiên Chúa mãnh liệt hơn tất cả mọi sự khác. Niềm xác tín này cống hiến cho tín hữu niềm thanh thản, lòng can đảm và sức mạnh để kiên trì một cách tốt đẹp giữa những khốn khó lớn lao nhất.Thậm chí khi các quyền lực của Hỏa ngục có tung hoành chăng nữa, Kitô hữu cũng cần phải vươn lên tới chóp đỉnh, đầu của họ phải ngẩng cao lên, và sẵn sàng coi thường những thứ tấn công trong một trận chiến mà phán quyết cuối cùng thuộc về Thiên Chúa. Và phán quyết cuối cùng đó sẽ là yêu thương!

Tôi muốn kêu gọi tất cả những ai đang sử dụng các thứ vũ khí một cách bất chính trên thế giới này là xin hãy bỏ những thứ khí cụ chết chóc này xuống! Thay vào đó, xin hãy trang bị cho mình đức chính trực, tình yêu và tình thương là những bảo đảm viên chân thực của hòa bình. Là những người theo Chúa Kitô, các vị linh mục, tu sĩ nam nữ và các cán sự mục vụ giáo dân thân mến, ở nơi xứ sở này, theo tên gọi gợi ý của nó, nằm ngay tâm điểm của Châu Phi và được kêu gọi nhận thức Chúa là tâm điểm đích thực của tất cả những gì là thiện hảo, ơn gọi của anh chị em là hiện thực hóa chính tấm lòng của Thiên Chúa giữa anh chị em đồng hương của mình. Xin Thiên Chúa đoái thương "củng cố tấm lòng của anh chị em trong thánh đức, để anh chị em được trở nên vô tì tích trước Thiên Chúa và là Cha của chúng ta vào ngày Đức Giêsu Chúa của chúng ta cùng với các thánh đến" (1Thessalonica 3:13). Amen. 



V
ới Giới Trẻ

Cathedral Square, Bangui (Central African Republic)

Chúa Nhật 29/11/2015



Phụ Dẫn của người dịch: 

Sau Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, hằng ngàn giới trẻ tập trung ở quảng trường trước Vương Cung Thánh Đường Đức Bà ở thủ đô Bangui để thực hiện một đêm canh thức, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha, vị đã lắng nghe giới trẻ chia sẻ, sau đó ngài huấn dụ họ và sau cùng ngài ban Bí Tích Hòa Giải cho một số trong họ. 

Nói chuyện với giới trẻ một cách tự nhiên bằng tiếng Ý không theo bài đã được soạn dọn, trong đó ngài đã sử dụng hình ảnh tiêu biểu của đất nước này cho giới trẻ là cây chuối để nói với họ:

"Cây Chuối là một biểu hiệu cho cuộc sống, lúc nào cũng vươn lên, bao giờ cũng sản xuất, liên lỉ sinh hoa trái đầy những năng lực bổ dưỡng. Cây chuối cũng là một loại cây có sức chịu đựng kháng cự nữa. Tôi nghĩ rằng điều này đang thể hiện rõ ràng con đường của các bạn trong lúc khó khăn gây ra bởi chiến tranh, ghen ghét và chia rẽ này, con đường dai dẳng chịu đựng". 

Về một người trong thành phần giới trẻ, trước khi ngài ban huấn từ, đã bày tỏ cho biết rằng chàng ta muốn bỏ chạy, Đức Thánh Cha đã nói: 

"Việc bỏ chạy cho khỏi những thách đố của cuộc sống chẳng bao giờ là một giải quyết hết! Người ta cần phải dai dẳng chịu đựng, cần phải can đảm để kháng cự, để chiến đấu cho sự thiện! Người nào trốn chạy không có can đảm để cống hiến sự sống".

Sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với họ về 3 điều cần cho tình trạng của họ, đó là: cầu nguyện, nỗ lực cho hòa bình, và lòng tha thứ: "Các bạn cần phải cầu nguyện để dai dẳng chịu đựng, để yêu thương, không thù ghét, và là những người kiến tạo hòa bình".

Trong bài nói được soạn sẵn của mình, Đức Thánh Cha nhắn nhủ giới trẻ về ơn tha thứ, về gương mù thập giá và về đời sống với Chúa Kitô.


"Bí Tích Hòa Giải, nơi Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta từng người một. Bất cứ khi nào chúng ta xin thì Ngài đều đến với chúng ta và giúp chúng ta 'băng qua phía bên kia', phía đời của chúng ta được Thiên Chúa tha thứ và tắm gội trong tình yêu thương của Ngài, một tình yêu thương chữa lành, xoa dịu và vực dậy!"


Các Bạn Trẻ thân mến,

Xin chào các bạn! Tôi rất hân hoan được ở đây với các bạn tối hôm nay, vào lúc chúng ta đang tến vào một tân phụng niên, mở đầu là Mùa Vọng. Không phải hay sao, đối với mỗi một người chúng ta Mùa Vọng là dịp để bắt đầu lại, là một cơ hội để "băng qua phía bên kia" (xem Luca 8:22). 

Trong cuộc gặp gỡ này của chúng ta, tôi có thể ban Bí Tích Hòa Giải cho một số trong các bạn. Tôi khuyến khích các bạn hãy suy nghĩ về vẻ cao cả của Bí Tích Hòa Giải, nơi Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta từng người một. Bất cứ khi nào chúng ta xin thì Ngài đều đến với chúng ta và giúp chúng ta "băng qua phía bên kia", phía đời của chúng ta được Thiên Chúa tha thứ và tắm gội trong tình yêu thương của Ngài, một tình yêu thương chữa lành, xoa dịu và vực dậy! Năm Thánh Tình Thươngmà tôi vừa đặc biệt mở ra cho anh chị em, cho các bạn Trung Phi và Châu Phi thân mến, thật sự nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta, bằng đôi cánh tay rộng mở, như chúng ta thấy nơi hình ảnh Người Cha đón nhận đứa con hoang đàng vậy.

Ơn tha thứ chúng ta lãnh nhận mang lại an ủi cho chúng ta và giúp chúng ta có thể bắt đầu lại, bằng một tấm lòng tin tưởng và thanh thản, có thể sống hòa hợp với bản thân, với Thiên Chúa và với những người khác. Ơn tha thứ chúng ta lãnh nhận giúp chúng ta có thể biết thứ tha cho những người khác. Bao giờ cũng cần phải như thế, nhất là trong những lúc xung khắc và bạo động, như tất cả các bạn đều quá rõ. Tôi muốn lập lại việc gần gũi của tôi với tất cả những ai trong các bạn đã trải qua sầu đau, phân tán và bị thương tích gây ra bởi hận thù ghen ghét và chiến tranh. Nơi những trường hợp ấy, việc tha thứ cho những ai tác hại chúng ta, theo bản tính tự nhiên mà nói, là những gì cực kỳ khó khăn. Thế nhưng, Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm để trở nên những người kiến tạo hòa giải và hòa bình, những gì rất cần cho xứ sở của các bạn. Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Kitô, bước theo chân Thày mình, Đấng trên Thánh Giá đã xin Cha tha cho những ai đóng đanh Người (xem Luca 23:34). Cảm tính này còn xa lạ biết bao với những cảm tính đang chủ trị ở trong cõi lòng của chúng ta! Việc suy niệm về thái độ và những lời ấy của Chúa Giêsu, "Cha ơi, xin tha thứ cho họ", có thể giúp chúng ta xoay hướng nhìn và hoán cải tâm can của chúng ta. 

Đối với nhiều người thì thật là một cái gì mù tối khi Thiên Chúa đến với từng người chúng ta. Thật là xấu xa bại hoại khi Ngài chết trên thập tự giá. Phải, nó là những gì xấu xa ô nhục: cái xấu xa ô nhục của thập tự giá. Thập giá tiếp tục trở thành những gì gây vấp phạm. Thế nhưng, thập giá vẫn là một con đường vững chắc duy nhất: con đường thập giá, con đường của Chúa Giêsu là Đấng đến chia sẻ với đời sống của chúng ta và cứu chúng ta khỏi tội lỗi (cf. Meeting with Young Argentineans, 25 July 2013). Các bạn thân mến, thập giá này nói với chúng ta về sự gần gũi của Thiên Chúa: Ngài ở với từng người trong các bạn, nơi niềm vui của các bạn cũng như trong các thử thách của các bạn.

(Phụ chú của người dịch: đoạn ngay trên đây dường như ngài muốn ám chỉ đến thành phần bảo thủ trong Giáo Hội hiện nay, thành phần mà ngài, trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát Thanh FM Milenium Á Căn Đình Chúa Nhật 13/9/2015, để trả lời cho câu hỏi liên quan đến chủ nghĩa bảo thủ, đã có một nhận định rất chí lý và chính xác như sau: "Ở bất cứ một tôn giáo nào cũng đều có một nhóm nhỏ chính thống cực đoan thực hiện việc hủy hoại theo khuynh hướng của một tư tưởng nào đó chứ không phải của thực tại. Thực tại trổi vượt hơn ý nghĩ. Thiên Chúa, dù theo Do Thái giáo, theo Kitô giáo hay theo Hồi giáo, theo đức tin của 3 loại tín hữu này, đều là Đấng đồng hành với dân của Thiên Chúa bằng sự hiện diện của Ngài. Chúng ta thấy được điều đó trong Thánh Kinh, tín đồ Hồi giáo thấy được điều ấy trong Kinh Coran của họ. Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa gần gũi cận kề, một vị Thiên Chúa hỗ trợ. Thành phần chính thống cực đoan đẩy Thiên Chúa ra khỏi mối thân hữu với dân Ngài này; họ giải thể Ngài, họ biến Ngài thành một ý hệ. Bởi thế, nhân danh vị Thiên Chúa ý hệ ấy, họ sát hại, tấn công, hủy diệt, và vu khống. Họ thực sự biến vị Thiên Chúa này thành một vị thần Baal, thành một thứ ngẫu tượng". Xin xem trọn bài viết  Một Vị Thiên Chúa Biến Dạng Dị Hình).

Giới trẻ thân mến, sự thiện quí báu nhất mà chúng ta có thể có được trên đời này đó là mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Các bạn có xác tín như thế chăng? Các bạn có nhận thức được giá trị khôn lường mà các bạn có được trước nhan Thiên Chúa hay chăng? Các bạn có biết rằng các bạn được Ngài yêu thương và chấp nhận hay chăng, hoàn toàn vô điều kiện, yêu thương các bạn như các bạn là? (cf. Message for the World Youth Day 2015, 2). Giành giờ cầu nguyện và đọc Thánh Kinh, nhất là Phúc Âm, các bạn sẽ tiến đến chỗ nhận biết Người, và nhận biết bản thân các bạn hơn. Cả hôm nay đây nữa, các huấn dụ của Chúa Giêsu có thể soi sáng cho những cảm thức của các bạn và những quyết định của các bạn. Giúp các bạn nhiệt thành và quảng đại, theo đuổi các lý tưởng cao cả, tìm kiếm sự thật và sự mỹ. Tôi phấn khích các bạn hãy giữ lấy tinh thần tỉnh táo và phân định trước mọi thỏa hiệp phản lại với sứ điệp Phúc Âm.

............

Các bạn trẻ thân mến, Chúa đang sống động và đang bước đi bên các bạn. Khi các khó khăn xẩy ra dường như vượt sức chịu đựng, khi đau đớn và buồn khổ dường như bủa vây các bạn, Người vẫn không bỏ rơi các bạn đâu. Người đã lưu lại cho chúng ta việc tưởng niệm tình yêu thương của Người là Thánh Thể và các bí tích, hầu trợ giúp cho việc chúng ta tiến bước và cung cấp cho chúng ta sức mạnh tiến lên hằng ngày. Việc tưởng niệm tình yêu thương của Người là Thánh Thể và các bí tích này cần phải là nguồn hy vọng của các bạn và lòng can đảm của các bạn khi các bạn "băng qua phía bên kia" (xem Luca 8:22), với Chúa Giêsu, nơi có những con đường mới cho chính các bạn và thế hệ của các bạn, cho gia đình của các bạn và xứ sở của các bạn. Tôi cầu xin để các bạn được tràn đầy niềm hy vọng này. Chớ gì các bạn luôn bám chặt lấy niềm hy vọng ấy, nhờ đó các bạn có thể cống hiến nó cho người khác, cho thế giới của chúng ta bị thương tích quá nhiều bởi chiến tranh và các cuộc xung khắc, bởi sự dữ và tội lỗi này. Đừng bao giờ quên: Chúa đang ở cùng các bạn. Người tin tưởng các bạn. Người muốn các bạn trở nên thành phần môn đệ thừa sai của Người, vững mạnh trong những lúc khó khăn và thử thách nhờ lời cầu nguyện của Trinh Nữ Maria và của toàn thể Giáo Hội. Các bạn trẻ Trung Phi thân mến, hay tiến lên! Tôi muốn sai các bạn ra đi lên đường! 


Với Cộng Đồng Hồi Giáo

Central Mosque of Koudoukou, Bangui (Central African Republic)

Thứ Hai 30/11/2015



Phụ Dẫn của người dịch: 

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nước Cộng Hòa Trung Phi đang ở trong tình hình hỗi loạn và bạo loạn giữa hai lực lượng Hồi giáo và Kitô giáo đến độ ban tổ chức đã tính bãi bỏ bởi sợ không đủ sức bảo vệ an ninh cho ngài. Cho dù biết trước cái nguy hiểm như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta vẫn cứ đến và càng cảm thấy cần đếđể mang "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" đến cho đất nước đáng thương và tang thương này.

Bởi thế, một trong những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất của ngài ở Cộng Hòa Trung Phi này là với cộng đồng tín đồ Hồi giáo ở ngay tại đền thờ của họ tại thủ đô Bangui. Bìng thương, kinh nghiệm cho thấy, nhất là ở giai đoạn Hoa Kỳ mang quân vào Iraq từ ngày 19/3/2003, các cuộc bạo loạn và khủng bố xẩy ra thường vào Thứ Sáu hay cuối tuần, bởi Thứ Sáu là ngày chính trong tuần của Hồi giáo, (ging như Thứ Bảy của Do Thái giáo và Chúa Nhật của Kitô giáo), ngày các vị lãnh đạo tôn giáo của họ có thể trở thành những tác nhân thúc động "thánh chiến" rực lửa hận thù nơi các tín đồ của họ.

Chuyến tông du đến Nước Cộng Hòa Trung Phi này được an toàn, một trong những lý do chính yếu có thể là vì Đức Thánh Cha đến với cộng đồng Hồi giáo này và gặp gỡ chung cộng đồng Hồi giáo ở đây, và riêng thành phần lãnh đạo của họ tại chính Đền Thờ của họ. Ngài đã được vị Đại Giáo Trưởng Nehedi Tidjani cùng với 4 vị giáo trưởng khác nghênh đón và đưa ngài lên giảng đài. Trong bài diễn từ không dài dòng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện và hoạt động cho việc hòa giải, tình huynh đệ và đoàn kết.


"Chúng ta cần phải cùng nhau dứt khoát với hận thù ghen ghét, với trả thù rửa hận

 và với bạo động bạo lực, nhất là thứ bạo động gây ra nhân danh tôn giáo hay nhân

 danh chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa bình an, Thiên Chúa là Thiên

 Chúa salam".

Các bạn Hồi Giáo, quí vị lãnh đạo và tín đồ Hồi giáo thân mến, 

Tôi cảm thấy hết sức vui mừng được ở với quí vị và tôi xin cám ơn quí vị về việc quí vị nồng hậu tiếp đón tôi. Tôi đặc biệt cám ơn Giáo Trưởng Tidiani Moussa Naibi về những lời chào mừng tốt đẹp của ngài. Chuyến Viếng Thăm Mục Vụ của tôi ở Cộng Hòa Trung Phi không thể hoàn tất mà thiếu được cuộc hội ngộ với cộng đồng Hồi Giáo này. 

Tín đồ Kitô giáo và tín đồ Hồi giáo đều là anh chị em với nhau. Bởi thế chúng ta cần phải coi nhau và tác hành với nhau như vậy. Chúng ta đều quá biết rằng những biến cố gần đây cũng như những hành động bạo lực đã từng làm rung chuyển cả xứ sở của quí vị không hề có cơ sở nào về các động lực tôn giáo thích đáng. Những ai cho mình tin vào thiên Chúa cần phải là những con người nam nữ của hòa bình. Các tín đồ Kitô giáo, Hồi giáo cũng như các phần tử thuộc các truyền thống tôn giáo đã sống với nhau trong hòa bình qua nhiều năm. Thế nên, họ cần phải liên kết với nhau để chấm dứt mọi hành động, từ bất cứ bên nào, làm méo mó Dung Nhan của Thiên Chúa và là những hành động nhắm mục đích tối hậu là bênh vực những lợi lộc tư riêng bắng bất cứ tất cả phương tiện nào để gây tổn thương cho công ích. Chúng ta cần phải cùng nhau dứt khoát với hận thù ghen ghét, với trả thù rửa hận và với bạo động bạo lực, nhất là thứ bạo động gây ra nhân danh tôn giáo hay nhân danh chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa bình an, Thiên Chúa là Thiên Chúa salam.

Trong những thời buổi thảm thương này, các vị lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo phải tìm cách để thắng vượt những thách đố lúc này đây. Họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết tình trạng hòa hợp và tình huynh đệ giữa tất cả mọi người. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và cảm mến của tôi về điều ấy. Chúng ta cũng có thể nhớ đến nhiều hành động đoàn kết mà tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo đã tỏ ra liên quan đến đồng bào của mình thuộc các niềm tin tôn giáo khác, bằng việc tiếp nhận họ và bênh vực họ trong cuộc khủng hoảng mới đây nhất trong xứ sở của quí vị, cũng như ở các phần đất khác trên thế giới. 

Chúng ta không thể nào không bày tỏ niềm hy vọng là những cuộc tham luận tới đây của đất nước sẽ cống hiến cho xứ sở này những vị lãnh đạo có khả năng làm cho Trung Phi trở lại với nhau, nhờ đó họ trở thành những biểu hiệu của mối hiệp nhất quốc gia hơn là chỉ thuần túy đại diện cho phái này phe kia. Tôi hết sức phấn khích quí vị hãy làm cho xứ sở của quí vị trở thành một ngôi nhà tiếp nhận cho tất cả con cái của nó, bất kể nguồn gốc sắc tộc của họ, khuynh hướng chính trị của họ hay niềm tin tôn giáo của họ. Cộng Hòa Trung Phi, được ở giữa lòng Phi Châu, nhờ sự hợp tác của tất cả mọi người con trai con gái của mình, sẽ cho thấy mình là một chất xúc tác về chiều kích này cho toàn châu lục đây. Nó sẽ cho thấy tầm ảnh hưởng tích cực ấy và giúp vào việc làm tàn rụi đi những căng thẳng âm ỉ nung nấu gây cản trở nhân dân Phi Châu trong việc hưởng lợi từ tình trạng phát triển mà họ đáng hưởng và có quyền hưởng. 

Các bạn thân mến, quí huynh thân mến, tôi mời gọi quí huynh hãy cầu nguyện và hoạt động cho việc hòa giải, tình huynh đệ và đoàn kết giữa tất cả mọi người, mà không quên những ai đã chịu khổ đau nhất gây ra bởi những biến cố mới đây.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho quí vị và bảo vệ quí vị! Salam aluikum!


THÁNH LỄ

Barthélémy Boganda Stadium, Bangui (Central African Republic)

Thứ Hai 30/11/2015



"Vấn đề ở đây đó là chúng ta chưa đạt đến đích điểm của mình. Ở một nghĩa nào đó

 chúng ta đang ở giữa giòng, cần can đảm để quyết định, bằng một lòng nhiệt thành

 truyền giáo mới, băng qua bờ bên kia".

 

Chúng ta có thể cảm thấy ngạc nhiên ngỡ ngàng khi nghe bài đọc 1 sáng hôm nay trước lòng nhiệt thành và động lực truyền giáo của Thánh Phaolô. "Đẹp thay bước chân của những người mang tin vui!" (Roma 10:15) Những lời này tác động chúng ta tạ ơn về tặng ân đức tin chúng ta đã lãnh nhận. Chúng cũng lạ lùng tác động chúng ta suy nghĩ về nỗ lực truyền giáo cả thể - cách đây không lâu - đã mang niềm vui Phúc Âm trước hết đến cho mảnh đất thân yêu Trung Phi này. Thật là tốt đẹp, nhất là trong những lúc khó khăn, thử thách và đau khổ, khi tương lai trở nên bất định và chúng ta cảm thấy mệt mỏi và e sợ, cùng nhau đến với Chúa. Đến với nhau, như chúng ta hôm nay đây, để hoan hưởng ở sự hiện diện của Ngài cũng như ở nơi sự sống mới và ơn cứu độ Ngài cống hiến cho chúng ta. Vì Ngài mời gọi chúng ta hãy băng qua bờ bên kia (xem Luca 8:22).

Dĩ nhiên là bờ bên kia  sự sống đời đời, là thiên đàng, đang chờ đợi chúng ta. Nhìn về thế giới sẽ đến bao giờ cũng là nguồn sức mạnh cho những Kitô hữu, nghèo nàn, bé mọn, trong cuộc hành trình trần thế của họ. Sự sống đời đời không phải là một ảo tưởng; nó không phải là một cuộc vượt thoát ra khỏi thế gian này. Nó là một thực tại mãnh liệt kêu gọi chúng ta và thách đố chúng ta sống kiên trì trong đức tin và đức mến. 

Thế nhưng, càng gần đến bờ bên kia, nơi chúng ta đang cố vươn tới, thì ơn cứu độ được bảo đảm bởi đức tin như Thánh Phaolô đề cập lại càng là một thực tại mà ngay hiện nay đang biến đổi đời sống của chúng ta và thế giới chung quanh chúng ta. "Đức tin trong lòng dẫn đến công chính hóa" (Roma 10:10). Những ai tin tưởng là người nhận lãnh chính sự sống của Chúa Kitô, một sự sống giúp họ có thể yêu mến Thiên Chúa và anh chị em mình một cách mới mẻ và làm cho thế giới được tái sinh trong yêu thương.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về sự hiện diện của Ngài và về sức mạnh Ngài đã ban cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, vào những lúc chúng ta trải qua tình trạng khổ đau về thể lý và tinh thần, trải qua đau đớn và sầu thương. Chúng ta hãy tạ ơn Ngài về các hành vi đoàn kết và quảng đại mà Ngài tác động nơi chúng ta, về niềm vui và tình yêu thương Ngài tuôn tràn xuống cho gia đình của chúng ta và cộng đoàn của chúng ta, bất chấp khổ đau và bạo lực chúng ta đôi khi cảm nghiệm thấy, cùng với những nỗi sợ hãi về tương lai. Chúng ta hãy tạ ơn Ngài về tặng ân can đảm của Ngài, một tặng ân tác động chúng ta khuôn đúc những mối liên hệ thân tình, tác động chúng ta đối thoại với những ai khác với chúng ta, tác động chúng ta tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta, và tác động chúng ta làm việc để xây dựng một xã hội chân chính và huynh đệ hơn là nơi không có ai bị bỏ rơi. Trong tất cả những điều ấy, Chúa Kitô Phục Sinh nắm lấy tay chúng ta để dẫn dắt chúng ta. Tôi hợp với anh chị em để cám ơn Chúa về tình thương của Ngài đối với tất cả những gì là mỹ lệ, quảng đại và can đảm mà Ngài đã giúp anh chị em hoàn thành trong gia đình và cộng đồng của anh chị em qua những năm đầy biến cố trong đời sống của xứ sở anh chị em.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây đó là chúng ta chưa đạt đến đích điểm của mìnhỞ một nghĩa nào đó chúng ta đang ở giữa giòng, cần can đảm để quyết định, bằng một lòng nhiệt thành truyền giáo mới, băng qua bờ bên kia. Tất cả thành phần lãnh nhận phép rửa cần tiếp tục tách mình khỏi những gì tàn dư của Adong cũ, con người tội lỗi, một người lúc nào cũng vùng lên theo tác động của ma quỉ. Điều này thường xẩy ra trên thế giới của chúng ta đây biết bao cũng như trong những lúc xung khắc, ghen ghét và chiến tranh! Nó dễ dàng biết bao dẫn đến chỗ vị kỷ, bất tín, bạo động, hủy hoại, trả thù, lạnh lùng và khai thác những ai dễ bị tổn thương nhất...

Chúng ta biết rằng các cộng đồng Kitô hữu chúng ta, được kêu gọi nên thánh, vẫn còn xa vời tiến bước. Thật sự là chúng ta cần van xin Chúa tha thứ cho tất cả những thái độ quá thường xuyên lưỡng lự và do dự trong việc làm chứng cho Phúc Âm của chúng ta. Chớ gì Năm Thánh Tình Thương, một năm thánh vừa được bắt đầu ở xứ sở của anh chị em, trở thành một cơ hội đẩ làm điều ấy. Nhân Dân Trung Phi thân mến, chớ gì anh chị em nhìn đến tương lai, và được kiên cường bởi khoảng cách mà anh chị em đã trải qua, cương quyết bắt đầu một giai đoạn mới trong lịch sử Kitô giáo ở xứ sở của anh chị em, để khởi sự tiến đến những chân trời mới, để tiến ra chỗ nước sâu. Tông Đồ Anrê, với anh mình là Phêrô, không ngần ngại bỏ lại tất cả mọi sự trước tiếng gọi của Chúa Kitô: "Lập tức họ bỏ chài lưới của mình mà theo Người" (Marco 4:20). Một lần nữa, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng trước lòng nhiệt thành cả thể của những vị Tông Đồ ấy. Chúa Kitô đã lôi kéo họ lại rất gần với Người, nhờ đó họ đã cảm thấy có thể làm được tất cả mọi sự và liều mất hết mọi sự với Người.  

Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi trong lòng mình câu hỏi quan trọng về vị trí chúng ta đang có với Chúa Giêsu, tự vấn xem chúng ta đã chấp nhận những gì - hoặc từ chối không chấp nhận - trong việc đáp ứng tiếng Người gọi theo Người thân cận hơn nữa. Tiếng kêu của "những ai mang tin mừng" đang văng vẳng hơn nữa trong tai chúng ta, chính vào lúc xẩy ra khó khăn; tiếng kêu đó "lan khắp cùng trái đất... cho đến tận cùng trái đất" (Roma 10:18; xem Thánh Vịnh 19:4). Và hôm nay nó vang dội ở nơi đây, nơi mảnh đất Trung Phi này. Nó vang dội trong lòng chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong giáo xứ của chúng ta, bất cứ nơi nào chúng ta sống. Nó mời gọi chúng ta hãy kiên trì trong nhiệt tình truyền giáo, vì sứ vụ ấy cần đến "những người mang tin mừng" mới, nhiều hơn, quảng đại hơn, hân hoan và thánh đức hơn. Tất cả chúng ta được kêu gọi, từng người trong chúng ta, trở nên những sứ giả được những người anh chị em của chúng ta thuộc hết mọi nhóm sắc tộc, tôn giáo và văn hóa chờ đợi mà thường chẳng hay biết như thế. Vì làm thế nào anh chị em của chúng ta tin vào Chúa Kitô - Thánh Phaolô đặt vấn đề - nếu không loan báo và nghe thấy Lời Chúa?

Như các vị Tông Đồ, cả chúng ta nữa, cần phải tràn đầy hy vọng và nhiệt tình với tương lai. Bờ bên kia đang kề cận, và Chúa Giêsu đang băng qua con sông này với chúng ta. Người sống lại từ trong kẻ chết, bởi thế những thử thách và khổ đau chúng ta trải qua bao giờ cũng là cơ hội mở ra một tương lai mới, nếu chúng ta sẵn sàng theo Người. Hỡi Kitô hữu Trung Phi, mỗi người trong anh chị em được kêu gọi, nhờ kiên trì trong đức tin và dấn thân truyền giáo, trở thành những kiến tạo viên của cuộc canh tân nhân bản và thiêng liêng của xứ sở anh chị em. Tôi xin nhấn mạnh là những kiến tạo viên của cuộc canh tân nhân bản và thiêng liêng.

Chớ gì Trinh Nữ Maria, Vị nhờ được thông phần vào Cuộc Khổ Nạn của Con Mẹ, giờ đây đang thông phần với niềm vui trọn hảo của Người, bảo về anh chị em và phấn khích anh chị em trên con đường hy vọng. Amen.

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Tông Du Phi Châu - Trả Lời Phỏng Vấn

Trên chuyến bay về lại Rôma Thứ Hai 30/11/2015

 

 

"Phi Châu là một vị tử đạo. Nó là một vị tử đạo nơi lịch sử khai thác... Đó là lý do tại sao tôi quí mến Phi Châu, vì Châu Phi là nạn nhân của những thứ quyền lực khác".

 

  

Barnard Namuname, Kenya Daily Nation

 

Con xin chào Đức Thánh Cha. Tại Kenya ĐTC đã gặp gỡ các gia đình nghèo ở Kangemi. ĐTC đã nghe chuyện họ bị loại trừ không được hưởng các quyền lợi căn bản của con người, chẳng hạn như thiếu phương tiện có được nước uống. Cũng ngày hôm đó, ĐTC đã đến Vận Động Trường Kasarani để gặp gỡ giới trẻ. Họ cũng kể cho ĐTC nghe những chuyện họ bị tẩy chay, gây ra bởi lòng tham lam của con người và sự băng hoại của những con người này. ĐTC cảm thấy thế nào khi nghe thấy những câu chuyện ấy? Và cần phải làm sao để chấm dứt tình trạng bất công? Con xin cám ơn ĐTC. 

 

Pope Francis

 

Tôi đã nói một cách mạnh mẽ ít là 3 lần về vấn đề này rồi. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu với các Phong Trào Quần Chúng ở Vatican; trong cuộc gặp gỡ thứ hai với các Phong Trào Quần Chúng ở Santa Cruz de la Sierra ở Bolivia; rồi đến hai, hai lần khác nữa: trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm một chút và sau đó một cách rõ ràng và mạnh mẽ trongThông Điệp Laudato Sí.

 

Tôi không nhớ thống kê, nên tôi xin bạn đừng phổ biến thống kê tôi nêu lên, vì tôi không biết có đúng hay chăng, tôi đã nghe thấy thế... Tôi tin rằng 80% sự giầu thịnh trên thế giới này nằm ở trong tay của 17% dân số thế giới. Tôi không biết có đúng hay chăng, nhưng nếu không đúng thì thật là đáng chú ý, vì các sự việc là thế đó. Nếu có bạn nào biết được thống kê này thì tôi xin các bạn hãy nói cho biết cái chính xác của nó?

 

Nó là một chính sách kinh tế coi tiền bạc như thần tài đệ nhất. Tôi nhớ có lần tôi đã gặp một vị lãnh sự có thế giá, ông nói tiếng Pháp và không phải là tín hữu Công giáo - và ông đã nói câu này với tôi: "Chúng ta đã bị mê hoặc bởi ngẫu tượng tiền bạc rồi". Và nếu những sự thể này cứ tiếp tục như thế thì thế giới này sẽ cứ như vậy thôi.

 

Bạn hỏi tôi là tôi đã cảm thấy ra sao về những chứng từ của giới trẻ và ở Kangemi, nơi tôi đã nói một cách rõ ràng về quyền lợi, tôi cảm thấy nhức nhối đớn đau. Tôi nghĩ làm sao người ta lại không biết được điều ấy... Thật là đau đớn. Chẳng hạn hôm qua tôi đến một bệnh viện nhi đồng, một bệnh viện duy nhất ở Bangui và ở xứ sở này! Và tại khu chăm sóc đặc biệt họ lại không có các phương tiện về dưỡng khí. Có rất nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, rất là nhiều. Vị bác sĩ đã nói với tôi rằng: đa số các em bé ấy sẽ chết, vì các em bị bệnh sốt rét và các em bị suy dinh dưỡng.

 

... Ngẫu tượng xẩy ra là khi một người nam hay một người nữ đánh mất "thẻ căn cước" của việc họ là người con của Thiên Chúa, và thích tìm lấy một vị thần linh theo tầm mức của họ. Đó là khởi điểm. Khởi điểm từ ở chỗ đó, nếu nhân loại không thay đổi, thì các cảnh khốn cùng, các loại thảm kịch, các thứ chiến tranh sẽ tiếp tục xẩy ra và trẻ em chết vì đói, vì bất công... Đó không phải là Cộng sản mà là sự thật. Không dễ gì thấy được sự thật ấy. Cám ơn bạn đã đặt vấn nạn này, vì nó là vấn đề đời sống...

 

Mumo Makau, Capital Radio of Kenya

Tâu ĐTC, con xin cám ơn ĐTC rất nhiều về cơ hội này. Con muốn biết đâu là giây phút đáng ghi nhớ nhất của ĐTC trong chuyến đi Phi Châu này. ĐTC liệu có sớm trở lại Châu Lục này nữa hay chăng? Đầu là điểm đến tới đây của ĐTC?

 

Pope Francis

 

Chúng ta bắt đầu từ dưới lên: nếu mọi sự diễn tiến tốt đẹp thì tôi nghĩ chuyến tới sẽ là Mễ Tây Cơ. Ngày giờ thì chưa được ấn định. Thế rồi liệu tôi có trở lại Phi Châu nữa hay chăng? Tôi không biết... Tôi già rồi, tôi cảm thấy mệt với các chuyến đi... Và câu hỏi đầu tiên giây phút nào khiến tôi cảm kích nhất... Tôi nghĩ về đám đông dân chúng, tới niềm vui, tới khả năng cử hành, cử hành với cái bụng trống. Phi Châu khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng làm cho chúng ta ngỡ ngàng, thế nhưng Phi Châu cũng làm cho chúng ta ngỡ ngàng nữa! Rất ư là nhiều giây phút... Đám đông dân chúng, đám đông dân chúng. Họ cảm thấy họ được viếng thăm. Họ có một cảm quan của lòng hiếu khách, vì họ sung sướng được thăm viếng. Thế rồi mỗi xứ sở đều có căn tính của mình. Kenya là nước hơi tân tiến, phát triển một chút. Uganda với đặc tính tử đạo: nhân dân Uganda, Công giáo hay Anh giáo, đều tôn kính các vị tử đạo. Tôi đã ở 2 Đền Thánh Tử Đạo, đầu tiên là Đền Thánh Tử Đạo Anh giáo, sau đó là Đền Thánh Tử Đạo Công giáo; và việc tưởng nhớ đến các vị tử đạo là thẻ căn cước của họ - lòng can đảm hiến mạng sống mình cho lý tưởng. Ở Cộng Hòa Trung Phi lại là niềm ước muốn hòa bình, hòa giải, tha thứ. Bốn năm trước đây, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo đã sống với nhau như anh em. Hôm qua, tôi đã đến với những người anh chị em Tin Lành, họ làm việc rất tốt, rồi tôi đến Dâng Lễ ban tối. Hôm nay, tôi đến Đền thờ; tôi đã cầu nguyện trong đền thờ này; vị Giáo trưởng cũng ở trên chiếc giáo hoàng xa đi vòng quanh Sân vận Động nhỏ... Chính điều này, những cử chỉ nho nhỏ, là những gì họ mong muốn, vì có một nhóm nhỏ mà tôi tin là Kitô hữu hay nói đó là Kitô hữu, rất bạo động. Tôi không hiểu nổi điều ấy... thế nhưng đó không phải là ISIS, là một cái gì khác. Họ muốn hòa bình. Đến nay sẽ có các cuộc tuyển cử; họ đã chọn một Chính Quyền chuyển tiếp, họ đã chọn Thị Trưởng (cho Bangui), vị nữ lưu này đóng vai trò như là Vị Tổng Thống cho một Chính Quyền Chuyển Tiếp, và bà sẽ không tổ chức các cuộc tuyển cử, nhưng họ tìm kiếm hòa bình nơi chính họ, tìm kiếm hòa giải, không ghen ghét hận thù. 

 

Philip Pullella, Reuters

 

Tâu Đức Thánh Cha, ngày nay người ta nói nhiều đến vấn đề "Vatileaks". Không cần đi sâu vào vấn đề tiến trình đang được thực hiện, con muốn hỏi ĐTC vấn đề như thế này. Ở Uganda, ĐTC đã nói buông và bảo rằng tình trạng băng hoại xẩy ra ở khắp mọi nơi, kể cả ở Vatican. Vậy câu hỏi của con là thế này đâu là tầm quan trọng của vấn đề tự do báo chí đời nơi việc nhổ tận gốc rễ tình trạng băng hoại này một khi nó thấy xuất hiện ở bất cứ nơi đâu? 

 

Pope Francis

 

Vấn đề tự do báo chí đời cũng như đạo, nhưng chuyên nghiệp - vì vấn đề chuyên nghiệp của báo chí có thể là đời hay đạo; vấn đề quan trọng ở đây là chúng có thật là chuyên nghiệp hay chăng, tin tức không bị mạo dụng - đối với tôi nó là vấn đề quan trọng, vì việc vạch mặt chỉ tên những thứ bất công, băng hoại, là một nỗ lực tốt vì nó cho biết là "đang xẩy ra tình trạng băng hoại ở đó". Thế rồi người có trách nhiệm cần phải làm gì đó, phải suy xét, lập tòa xử. Thế nhưng báo chí chuyên nghiệp cần phải nói hết tất cả mà không rơi vào ba thứ tội thông thường nhất sau đây: hư cấu (disinformation) - tức nói một nửa và không nói tới một nửa còn lại; vu khống (calumny) - thứ báo chí bất chuyên nghiệp: ở đâu không chuyên nghiệp thì người khác bị tác hại bằng sự thật hay phi sự thật; và phỉ báng(defamation), nghĩa là nói những gì làm mất tiếng tăm của người ta, nói những gì không gây tác hại bấy giờ, đừng nói thêm thắt bất cứ sự gì, có thể là những sự thuộc về quá khứ... Đó là ba tật xấu phạm đến vấn đề chuyên nghiệp của báo chí. Thế nhưng chúng ta lại cần đến vấn đề chuyên nghiệp. Về điều đúng thì nó thế nào thì cứ như vậy. Còn điều băng hoại, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng sự kiện rồi nói này đang xẩy ra băng hoại ở chỗ này vì thế này thế nọ... Thế rồi, một phóng viên thật sự chuyên nghiệp bị nhỡ gây ra lầm lỗi thì lên tiếng xin lỗi: tôi nghĩ thế, nhưng tôi nhận ra rằng nó lại không phải như vậy. Như thế sự việc sẽ rất tốt đẹp. Đó là vấn đề rất quan trọng. 

 

Philippine de Saint-Pierre, KTO

 

Kính chào ĐTC. ... hôm nay đây, hơn bao giờ hết, chúng ta biết rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang đe dọa toàn thể hành tinh này: chúng ta cũng thấy điều ấy ở Paris. Bởi vậy, trước mối nguy hiểm này, ĐTC có nghĩ rằng các đấng bậc tôn giáo cần phải can thiệp nhiều hơn nữa vào lãnh vực chính trị hay chăng? 

 

Pope Francis

 

Vấn đề can thiệp vào lãnh vực chính trị: nếu bạn muốn nói là "tham gia vào chính trị" thì câu trả lời là không. Họ cần phải là một vị linh mục (Công giáo), một vị Giáo trưởng (Hồi giáo), một vị Tôn sư (Do Thái giáo): đó là ơn gọi của họ. Tuy nhiên, họ có thể tham gia vào chính trị một cách gián tiếp bằng việc giảng dạy những thứ giá trị, giá trị chân thực, và một trong những giá trị cao cả nhất là tình huynh đệ giữa chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa; chúng ta đều có cùng một Người Cha. Như thế, cần phải có một thứ chính trị hiệp nhất, thứ chính trị hòa giải... - và một chữ tôi không thích nhưng tôi vẫn cần phải sử dụng - đó là khoan dung, nhưng không chỉ khoan dung mà còn cùng nhau chung sống và thân tình nữa! Vấn đề là như thế. Chủ nghĩa bảo thủ cực đoan là một thứ bệnh hoạn ở tất cả mọi đạo giáo. Tín hữu Công giáo của chúng ta có một số, không phải là một số mà là nhiều, thành phần tin rằng họ nắm bắt được chân lý tuyệt đối và đi bôi bẩn người khác bằng những thứ vu khống, phỉ báng, và họ thật sự tác hại, thật sự là tác hại. Tôi nói điều ấy vì chính Giáo Hội của tôi, cả chúng ta nữa, tất cả chúng ta! Cần phải chiến đấu với nó. Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan không phải là tôn giáo. Tại sao? Vì hụt hẫng Thiên Chúa. Đó là những gì ngẫu tượng, như tiền bạc là ngẫu tượng vậy. Việc tham gia vào chính trị theo nghĩa thuyết phục những con người có khuynh hướng ấy, là một thứ chính trị mà chúng tôi, thành phần lãnh đạo tôn giáo, cần phải tham gia. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo thủ cực đoan mà bao giờ cũng kết thúc một cách thảm thương hay kết thúc ở những xúc phạm, là một điều xấu, thế nhưng trong tất cả mọi tôn giáo đều có một chút nào đó. 

 

Cristiana Caricato, Tv2000

 

Tâu Đức Thánh Cha, trong lúc chúng ta ở Bangui sáng hôm nay, thì một cuộc điều trần đang diễn ra ở Roma về việc xét xử vụ của Đức ông Vallejo Balda, của Chaouqui và của 2 phóng viên. Con xin hỏi một vấn đề đã từng đưọc nhiều người đặt ra cho ĐTC đó là tại sao xẩy ra hai cuộc bổ nhiệm ấy? Làm thế nào mà trong tiến trình cải tiến ĐTC thực hiện, hai hạng người này lại có thể lọt vào một Ủy Ban như Ủy Ban COSEA (Commission for Reference on the Organization of the Economic-Administrative Structure of the Holy See) được chứ? ĐTC có nghĩ rằng ĐTC đã sai lầm hay chăng?

 

Pope Francis

 

Tôi nghĩ là đã xẩy ra một lầm lẫn ở đây. Đức ông Vallejo Balda đã tham gia vì ngài đang phụ trách văn phòng ngài đang phục vụ cho tới nay. Ngài là Thư Ký của Văn Phòng Kinh Tế Vụ, nên ngài đã lọt vào Ủy Ban này. Thế rồi làm sao người đàn bà kia cũng lọt vào nữa, tôi không rõ, nhưng tôi không nghĩ là tôi đã lầm lỗi nếu tôi nói - nhưng tôi không chắc - rằng chính ngài là người đưa bà vào như là một người nữ biết về thế giới của các giao dịch thương vụ... Họ đã làm việc và khi công việc hoàn tất thì các phần tử của Ủy Ban được gọi là COSEA ấy vẫn còn lại một số vai trò ở Vatican. Đức ông Vallejo Balda cũng còn nữa. Phần bà Chouqui thì không còn ở Vatican vì bà ta vào được là qua Ủy Ban này nên sau đó không còn. Có một số nói rằng bà ta tức giận về điều ấy, thế nhưng các vị thẩm phán sẽ cho chúng ta biết sự thật về những ý đồ họ đã thực hiện... Riêng tôi thì chẳng lạ chi những gì đã xẩy ra; nó chẳng làm cho tôi mất ngủ, vì thật sự họ đã làm cho người ta thấy công việc này đã được bắt đầu với Ủy Ban Các Vị Hồng Y - "C9" - trong việc tìm ra tình trạng băng hoại và những gì không đúng. Ở đây tôi muốn nói như thế này - nó không phải liên quan đến Đức ông Vallejo Balda và bà Chaouqui, mà nói chung, nếu bạn cho phép, tôi muốn trở lại với chữ "băng hoại". Một trong hai người Kenya đã nói đến nó - 13 ngày trước cái chết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong cuộc Đi Đàng Thánh Giá hôm ấy, Đức Hồng Y Ratzinger bấy giờ đang chủ sự, đã nói về "cái bẩn thỉu của Giáo Hội": ngài đã tố giác điều ấy lần đầu tiên! Sau đó Vị Giáo Hoàng đã chết trong tuần bát nhật Phục Sinh - đó là Thứ Sáu Tuần Thánh - Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời và Đức Hồng Y Ratzinger sau đó đã trở thành Giáo Hoàng. (Phụ chú của người dịch: thật ra ĐTC Gioan Phaolô II đã chết ngoài tuần bát nhật phục sinh, tức vào ngày 2/4/2005, ngày áp Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh 3/4/2005 Kính Lòng Thương Xót Chúa). Tuy nhiên, trong Thánh Lễ "pro eligendo Pontificate" - ngài là Trưởng Hồng Y Đoàn - ngài đã nói cùng một điều, và chúng tôi đã chọn ngài vì ngài bạo dạn nói đến những điều ấy. Chính từ thời điểm này mới có tin đồn về Vatican, liên quan tới tình trạng bại hoại này nọ. Về phán quyết, tôi đã cống hiến cho các vị thẩm phán những cáo giác cụ thể, vì để bênh vực, điều quan trọng đó là việc hình thành của những cáo giác. Tôi chưa đọc chúng; chúng là những cáo giác cụ thể về kỹ thuật. Tôi muốn chuyện này kết thúc trước ngày 8/12 Năm Thánh Tình Thương, nhưng tôi không nghĩ có thể xẩy ra, vì tôi muốn tất cả mọi vị luật sư bênh vực có giờ để bào chữa, tức hoàn toàn được tự do bào chữa. Câu chuyện là như thế liên quan đến cách thức họ được tuyển chọn và tất cả câu chuyện xẩy ra. Thế nhưng, vấn đề băng hoại đã có từ lâu rồi

 

Cristiana Caricato

 

Thế nhưng ĐTC có ý định làm gì, ĐTC có ý định tiến hành ra sao, khi những tình tiết này không còn có thể chứng thực được nữa?

 

Pope Francis

 

... Tôi không biết. Tôi sẽ tiếp tục làm việc với các vị Hồng Y, với Ủy Ban thanh lọc... Cám ơn bạn. 

 

Nestor Ponguta, W Radio Colombia

 

Tâu Đức Thánh Cha, trước hết xin cám ơn ĐTC về tất cả những gì ĐTC đã nói thuận lợi cho hòa bình ở xứ sở của con là Colombia, cũng như về tất cả những gì ĐTC đã làm trên thế giới này. Tuy nhiên, nhân dịp này, con xin hỏi ĐTC một câu đặc biệt. Đó là chuyện bàn cãi liên quan tới vấn đề thay đổi chính trị ở Mỹ Châu La Tinh, bao gồm cả Á Căn Đình là xứ sở của ĐTC, một xứ sở cho tới nay ông Macri vẫn còn đó sau 12 năm theo chủ nghĩa "Kirchnerism", nó đang được thay đổi sao ấy... ĐTC nghĩ gì về những thay đổi này, về chính trị ở Mỹ Châu La Tinh ra sao, chính trị của Châu Lục mà ĐTC xuất thân, đang có một chiều hướng mới? 

 

Pope Francis

 

Tôi đã nghe thấy một số ý kiến, thực sự về vùng chính trị này. Tôi thực sự không biết nói gì vào lúc này. Tôi thực sự là không biết, vì có nhiều vấn đề ở các xứ sở giống nhau theo chiều hướng này, nhưng tôi thực sự là không biết, tại sao nó bắt đầu và bắt đầu ra sao, tôi thực sự không biết được lý do tại sao. Thật sự là như thế. Có những xứ sở Mỹ Châu Latinh giống nhau nơi tình huống này ở chỗ có một cái gì đó thay đổi, điều ấy đúng, nhưng tôi không biết giải thích ra sao. 

 

Jurgen Baetz, DPS of South Africa

 

Tâu ĐTC, Hội Chứng Liệt Kháng (AIDS) đang tàn phá Phi Châu. Việc chăm sóc đã giúp nhiều người ngày nay được sống lâu hơn một chút. Tuy nhiên dịch bệnh này vẫn tiếp tục. Năm ngoái, chỉ nguyên ở Uganda. đã có 135 người bị nhiễm Hội Chứng Liệt Kháng. Ở Kenya tình hình thật sự là còn tệ hơn thế nữa. Hội Chứng Liệt Kháng là nguyên nhân đầu tiên gây ra chết chóc nơi giới trẻ Phi Châu. Tâu ĐTC, ĐTC đã gặp gỡ các trẻ em bị nhiễm HIV và đã nghe thấy một chứng từ cảm kích ở Uganda. Tuy nhiên, ĐTC đã nói rất ít về vấn đề này. Chúng ta biết rằng vấn đề ngăn ngừa là chính yếu. Chúng ta cũng biết rằng các thứ bao cao su không phải là phương tiện duy nhất để ngăn ngừa dịch bệnh này. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng đó là phần quan trọng trong vấn đề đáp ứng. Không phải đây là lúc đểGiáo Hội thay đổi chủ trương cho mục đích này hay sao? Đó là đồng ý cho việc sử dụng các bọc cao su để ngăn ngừa lây nhiễm hơn nữa?

 

Pope Francis

 

Đối với tôi vấn đề này dường như quá hẹp và dường như là vấn đề một chiều. Phải, việc sử dụng bao cao su là một trong những phương pháp; tôi nghĩ rằng luân lý của Giáo Hội rõ ràng về vấn đề này trước cái phức tạp của nó: vấn đề này thuộc điều răn thứ năm hay thứ sáu đây? Vấn đề để bênh vực sự sống, hay liên hệ tình dục hướng tới sự sống? Thế nhưng đó không phải là vấn đề. Có những vấn đề còn lớn hơn thế nữa kìa. Vấn nạn này làm cho tôi nghĩ đến những gì đã có lần được đặt ra cho Chúa Giêsu: "Thưa Thày, xin cho tôi biết có được chữa lành vào Ngày Hưu Lễ hay chăng?" Đó là một trách nhiệm buộc phải chữa lành! Vấn đề lại hỏi có được phép chữa lành... Thế nhưng, tình trạng suy dinh dưỡng, việc khai thác người khác, tình trạng nô lệ lao động, tình trạng thiếu nước uống, đó mới là những vấn đề. Chúng ta không hỏi mình xem cái băng cứu thương này hay cái băng cứu thương kia có thể được sử dụng cho một vết thương nho nhỏ hay chăng. Vết thương lớn là tình trạng bất công trong xã hội, là tình trạng bất chính về môi sinh, cái bất công đã được tôi đề cập đến là vấn đề khai thác và suy dinh dưỡng. Nó đang xẩy ra. Tôi không thích đi sâu vào những suy nghĩ liên quan đến các nguyên tắc đạo đức, khi dân chúng đang chết đi vì đói khát, vì không có nơi cư trú... Khi nào thì những vấn đề này chấm dứt, tôi tin rằng vấn đề có thể được đặt ra là "có được phép chữa lành vào Ngày Hưu Lễ hay chăng?" Tại sao các thứ vũ khí vẫn được tiếp tục sản xuất và buôn bán chứ? Chiến tranh là nguyên nhân lớn nhất gây ra chết chóc... Tôi muốn nói rằng hãy quên đi ý nghĩ được phép hay không được phép chữa lành vào Ngày Hưu Lễ. Tôi muốn nói cùng nhân loại rằng: hãy thực hiện công lý, và khi mà tất cả mọi vấn đề được chữa trị, khi mà không còn bất công trên thế giới này nữa, bấy giờ chúng ta mới có thể nói về Ngày Hưu Lễ. 

 

Marco Ansaldo, La Repubblica

 

Vâng, Tâu ĐTC, con muốn hỏi ĐTC một câu về loại này, vì trong các tờ nhật báo tuần vừa qua có hai biến cố trọng đại được truyền thông tập trung. Một là chuyến đi của ĐTC sang Phi Châu - và tất cả chúng ta rõ ràng là vui mừng khi thấy chuyến đi được kết thúc một cách hết sức thành công về mọi khía cạnh. Còn biến cố kia là một cuộc khủng hoảng, ở tầm mức quốc tế, giữa Nga và Thổ, ở chỗ Thổ đã bắn hạ một máy bay Nga vì vi phạm biên giới Thổ trong vòng 17 giây đồng hồ... Vậy vấn đề của con là chủ trương của Vatican ra sao về vấn đề này? Tuy nhiên, con cũng muốn đi xa hơn nữa để hỏi ĐTC là nếu có cơ hội ĐTC có nghĩ đến việc đến với biến cố 101 năm (bị Thổ diệt chủng) ở Armenia hay chăng, là biến cố sẽ được tổ chức vào Tháng Tư năm tới, như ĐTC đã thực hiện năm ngoái ở Thổ...

 

Pope Francis

 

Năm ngoái, tôi đã hứa với 3 vị Thượng Phụ Armenia rằng tôi sẽ đến: những lời hứa này vẫn còn đó. Tôi không biết điều này có thể thực hiện được hay chăng, nhưng lời hứa là như thế. Những thứ chiến tranh: xẩy ra vì tham vọng, không phải để tự vệ cách chính đáng trước một kẻ tấn công bất chính - thế nhưng, các thứ chiến tranh, các thứ chiến tranh là một thứ "kỹ nghệ"! ... Chiến tranh là một sự vụ, một sự vụ của các thứ vũ khí. Phải chăng các kẻ khủng bố tạo ra những thứ vũ khí? Đúng, có lẽ một số nhỏ nào đó. Ai giúp họ có các thứ vũ khí để tham chiến? Có cả một mạng lưới lợi lộc mà hậu trường là tiền bạc, hay quyền lực: thứ quyền lực đế quốc hay quyền lực kinh tế (biệt chú của người dịch: người ta đang đặt vấn đề về hiện tượng IS hiện nay - tại sao lại bất ngờ xuất hiện từ 6/2014 ở Iraq một Nhà Nước Hồi Giáo quá mạnh mẽ và dữ dội như thế? Tại sao Hoa Kỳ nói riêng dội bom IS cả hơn 1 năm nay mà vẫn không thể nào tiêu diệt được IS, trong khi đó vệ tinh tân tiến của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ này thấy được cả diễn tiến tác tạo các đảo nhân tạo của Trung Cộng?? Tại sao Nhà Nước Hồi giáo vẫn có đủ phương tiện tiền bạc qua nguồn dầu lửa và đủ các loại vũ khí để khủng bố nếu không có ai mua và cung cấp hoặc đỡ đầu??? Phải chăng, đúng như ĐTC Phanxicô nhận định về lý do sâu xa của nó là vì kỹ nghệ chiến tranh và quyền lực chính trị…). Tuy nhiên, chúng ta trải qua chiến tranh đã nhiều năm, càng ngày càng hơn nữa: "các mảnh chiến tranh" càng trở nên ít đi và trở thành lớn hơn... Vậy thì tôi nghĩ gì đây? Các thứ chiến tranh là những gì tội lỗi và phạm đến nhân loại, chúng hủy diệt nhân loại, chúng là nguyên nhân cho những việc khai thác, cho việc buôn chuyển con người, cho rất ư là nhiều sự.... Cần phải chấm dứt chiến tranh. Tôi đã nói điều này hai lần với Liên Hiệp Quốc, cả ở Kenya đây và ở New York... Các thứ chiến tranh không xuất phát từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Vị Thiên Chúa của hòa bình. Thiên Chúa đã tạo nên thế giới, Ngài đã tạo nên mọi sự tốt đẹp, mọi sự tốt đẹp, và sau đó, theo trình thuật thánh kinh, người anh đã sát hại người em: trận chiến tranh thứ nhất, trận thế chiến lần nhất, giữa anh em với nhau. Tôi không biết. Những gì tôi nghĩ là thế. Và tôi nói lên với đầy buồn thương... Cám ơn bạn. 

 

Francois Beaudonnet, FranceTelevisions

 

Tâu Đức Thánh Cha, hôm nay Hội Nghị về Tình Trạng Thay Đổi Khí Hậu bắt đầu ở Paris. ĐTC đã hết sức nỗ lực để làm sao cho tất cả mọi sự được xuôi thuận. Tuy nhiên, chúng ta còn mong mỏi hơn nữa nơi cuộc họp thượng đỉnh này. ĐTC có chắc rằng COP21 sẽ là khởi điểm của việc giải quyết vấn đề hay chăng? Xin cám ơn ĐTC rất nhiều.

 

Pope Francis

 

Tôi không chắc, nhưng tôi có thể nói cùng bạn rằng một là hôm nay đây hay là chẳng bao giờ nữa! Từ lúc đầu, tôi nghĩ là ở Tokyo, cho đến nay, mới nhúc nhích được một chút xíu, mà hằng năm thì vấn đề lại càng trầm trọng hơn. Khi nói trong một cuộc họp sinh viên ở Đại Học về thứ thế giới nào chúng ta muốn lưu lại cho con cái của chúng ta, có người đã nói rằng: "Thế nhưng quí vị có chắc rằng sẽ có thành phần con cái của thế hệ này hay chăng?" Chúng ta đang ở hạn mức rồi! Chúng ta đang ở hạn mức của một cuộc tự vẫn nếu nói mạnh. Tôi chắc rằng hầu như tất cả những ai tham dự COP21 ở Paris đều nhận thức được như thế và đều muốn làm một cái gì đó. Có hôm tôi đã đọc thấy rằng ở Greenland có cả ngàn tấn tảng băng đá sẽ tan chảy. Ở Thái Bình Dương có một xứ sở đang trở thành một mảnh đất được mua lại từ xứ sở khác để tái định vị xứ sở vì trong vòng 20 năm nữa xứ sở ấy sẽ không còn hiện hữu nữa... Không, tôi tin tưởng, tôi tin tưởng vào những con người này, thành phần sẽ làm một điều gì đấy, vì, tôi muốn nói là, tôi chắc rằng họ là thành phần có thiện chí để làm như vậy, và tôi hy vọng rằng nó sẽ là như thế. Tôi cầu nguyện cho vấn đề này.

 

Delia Gallagher, CNN

 

Cám ơn Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã thực hiện nhiều cử chỉ trân trọng và thân tình liên quan đến tín đồ Hồi giáo. Con tự nghĩ không biết Hồi giáo và giáo huấn của tiên tri Mohammed cần phải nói gì với thế giới ngày nay?

 

Pope Francis

 

Tôi không hiếu hết câu hỏi... Người ta có thể đối thoại; họ có các thứ giá trị, rất nhiều thứ giá trị. Họ có rất nhiều thứ giá trị, và những giá trị này là những giá trị xây dựng. Tôi cũng có kinh nghiệm thân hữu - "tình bạn" là một từ ngữ mạnh - với một tín đồ Hồi giáo: ông là một vị lãnh đạo cấp thế giới... Chúng tôi có thể nói chuyện: ông có những thứ giá trị của ông, còn tôi có những giá trị của tôi. Ông cầu nguyện, tôi cầu nguyện. Rất nhiều thứ giá trị... Việc cầu nguyện chẳng hạn, việc chay tịnh, các giá trị về tôn giáo cùng các giá trị khác. Tôn giáo không thể nào bị truất phế vì có một số nhóm - hay nhiều nhóm - bảo thủ cực đoan ở một thời điểm lịch sử nào đó. Đúng thế, theo lịch sử, bao giờ cũng xẩy ra những cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo, bao giờ cũng thế. Chúng ta cần phải xin tha thứ... Chúng ta cũng cần phải xin tha thứ từ các thành phần bảo thủ cực đoan về những cuộc chiến tranh tôn giáo. Tuy nhiên, họ có những thứ giá trị, người ta có thể đối thoại với họ. Hôm nay, tôi ở trong một đền thờ; tôi đã cầu nguyện. Vị Giáo trưởng cũng muốn đến với tôi để thực hiện một vòng đi ngắn quanh Vận Động trường là nơi có rất ư là nhiều người không thể vào bên trong... Vị Giáo hoàng và vị Giáo trưởng cùng ở trên chiếc giáo hoàng xa.... Họ có những giá trị; họ có những giá trị.

 

Marta Calderon, Catholic News Agency

 

Tâu Đức Thánh Cha, chúng con biết rằng ĐTC sẽ đi đến Mễ Tây Cơ. Chúng con muốn biết hơn nữa về chuyến đi này, và nếu theo chiều hướng của việc viếng thăm những quốc gia có vấn đề thì ĐTC có nghĩ đến thăm Colombia, hay trong tương lai đến các xứ sở khác ở Mỹ Châu Latinh, như Peru hay chăng? 

 

Pope Francis

 

Các bạn biết đấy, ở vào tuổi của tôi, các chuyến đi đều không tốt cho người ta. Người ta có thể thực hiện chúng, nhưng chúng lưu lại dấu vết... Tuy nhiên, tôi sẽ đi Mễ Tây Cơ - trước hết để thăm viếng Đức Mẹ, vì Mẹ là Mẹ của Châu Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi đến Thành Phố Mễ Tây Cơ. Nếu không vì Đức Trinh Nữ Guadalupe tôi sẽ không đến Thành Phố Mễ Tây Cơ theo tiêu chuẩn của chuyến đi, đó là viếng thăm ba hay bốn thành phố chưa bao giờ được các vị Giáo hoàng viếng thăm. Thế nhưng tôi sẽ đến Mễ Tây Cơ vì Đức Mẹ. Đoạn tôi sẽ đi Chiapas ở Miền Nam giáp giới Guatemala; rồi tôi sẽ đến Morelia, và hầu như nắm chắc là trên đường về Roma tôi sẽ dừng chân một ngày hay không đến một ngày ở Ciudad Juarez.  

Về việc viếng thăm các xứ sở Mỹ Châu Latinh khác: Tôi đã được mời trong năm 2017 đến Aparecida, Vị Nữ Quan Thày khác của Mỹ Châu nói tiếng Bồ Đào Nha - vì có hai - và từ đó có thể viếng thăm một xứ sở khác, có lễ ở Aparecida... Thế nhưng, tôi không biết, chưa có dự định gì hết... Xin cám ơn bạn. 

 

Mark Masai, National Media Group of Kenya

 

Trước hết, xin cám ơn ĐTC đã viếng thăm Kenya và Phi Châu, và chúng con mong ĐTC ở Kenya một lần nữa, nhưng để nghỉ ngơi chứ không phải để làm việc. Vậy đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC và mọi người đều lo âu về vấn đề an toàn. ĐTC nói gì với một thế giới đang nghĩ rằng Phi Châu đang bị rạn nứt bởi các cuộc chiến tranh và đầy những hủy hoại?

 

Pope Francis

 

Phi Châu là một nạn nhân. Phi Châu luôn bị khai thác bởi các quyền lực khác. Các thứ nô lệ từ Phi Châu được bán sang Mỹ Châu. Có những quyền lực chỉ tìm cách để lấy đi những kho tàng to lớn của Phi Châu. Tôi không biết; có lẽ nó là một châu lục giầu có nhất... Thế nhưng họ không nghĩ đến chuyện giúp cho xứ sở này tăng trưởng, để dân chúng có thể làm việc, để mọi người có việc làm... Khai thác! Phi Châu là một vị tử đạo. Nó là một vị tử đạo nơi lịch sử khai thác. Những ai nói rằng tất cả những tai ương và tất cả những cuộc chiến tranh đều xuất phát từ Châu Phi đều có lẽ không hiểu rõ được cái thiệt hại mà một số hình thức phát triển gây ra cho nhân loại. Đó là lý do tại sao tôi quí mến Phi Châu, vì Châu Phi là nạn nhân của những thứ quyền lực khác.

 

http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-press-conference-on-return-flight-from-africa

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

 

Đức Thánh Cha: Cảm Nghiệm Tông Du Phi Châu

- Triều Kiến Chung Thứ Tư 2/12/2015

 

 

Dẫn nhập của người dịch:

Theo thói quen của mình, sau mỗi chuyến tông du, Đức Thánh Cha Phanxicô bao giờ cũng ghé Đền Thờ Đức Bà Cả để tạ ơn Đức Mẹ. Lần này cũng thế, sau khi xuống máy bay, tối Thứ Hai 30/11/2015, ngài đã ghé Đền Thờ Thánh Mẫu này. Trước mỗi chuyến tông du cũng thế, ngài cũng ghé dâng chuyến tông du cho Mẹ ở cùng Đền Thờ Thánh Mẫu này. Trước chuyến tông du lần này, vì biết sáng hôm sau, ngài phải gặp gỡ các nạn nhân bị bạo hành trong gia đình, ngài đã ghé viếng Mẹ từ tối hôm trước, 24/11/2015. Hai lần viếng trước sau của ngài tại Đền Thờ Đức Bà Cả này là lần thứ 27 và 28 kể từ ngày ngài lên làm giáo hoàng đến nay.

 

Một trong những mục đích chính của ngài đến viếng thăm Nước Mễ Tây Cơ vào năm tới 2016, như ngài đã trả lời trong cuộc phỏng vấn trên chuyến bay từ Phi Châu về Roma, đó là để kính viếng Đức Mẹ Gualadupe ở Thành Phố Mễ Tây Cơ, vị Nữ Quan Thày của Châu Mỹ Latinh là châu lục xuất thân của ngài. Ngoài ra, vào năm 2017, nhân dịp kỷ niệm mừng bách chu niên Thánh Mẫu Fatima (1917-2017), ngài cũng sẽ đến Linh Địa Fatima vào thời điểm 13/5/2017. Tạ ơn Chúa đã cho chung thế giới và riêng Giáo Hội Kitô giáo một vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước đây.

 

Trong bài tường trình và chia sẻ liên quan đến cảm nghiệm về chuiyến tông du Phi Châu cho buổi triều kiến chung Thứ Tư 2/12/2015, ngài đã đặc biệt cho biết chủ đề khác nhau của ngài ở từng quốc gia, tùy theo trường hợp của mỗi nước Phi Châu đầu tiên được ngài đến viếng thăm này. Và đó là lý do, khi đọc các bài nói của ngài, chúng ta thấy hiện lên rõ ràng từng chủ đề ấy. Thế nhưng, như câu trả lời cuối cùng cho cuộc phỏng vấn trên chuyến bay về lại Rôma, ngài cho rằng: "Phi Châu là một vị tử đạo. Nó là một vị tử đạo nơi lịch sử khai thác... Đó là lý do tại sao tôi quí mến Phi Châu, vì Châu Phi là nạn nhân của những thứ quyền lực khác".

 

 

Xin chào Anh Chị em thân mến!

 

Trong những ngày qua, tôi đã thực hiện chuyến Tông Du đầu tiên của tôi đến Phi Châu. Phi Châu là một châu lục đẹp! Tôi tạ ơn Chúa về tặng ân lớn lao này của Ngài, một ân ban cho tôi có thể đến viếng thăm ba xứ sở: trước hết là Kenya, rồi đến Uganda và sau cùng là Nước Cộng Hòa Trung Phi. Tôi xin bày tỏ một lần nữa lòng biết ơn của tôi với các vị thẩm quyền dân sự cũng như các vị giám mục của các quốc gia này đã đón tiếp tôi, và tôi cũng xin cám ơn những ai đã hợp tác bằng rất nhiều cách thức. Tôi xin gửi đến quí vị lời cám ơn chân thành của tôi!

 

Kenya là một quốc gia tiêu biểu rõ ràng cho cái thách đố toàn cầu của thời điểm chúng ta đây, đó là cái thánh đố trong việc bảo vệ Thiên Nhiên Tạo Vật bằng cách tái định hình lại mẫu thức phát triển nhờ đó nó trở thành một mẫu thức phát triển công bằng, bao gồm và khả tồn. Tất cả những điều ấy đều được thể hiện nơi Nairobi, thành phố lớn nhất là miền Tây Phi Châu. Những điều ấy cũng được thấy ở nơi đây cũng như ở khắp các nơi khác nữa. Việc chung sống giữa giầu sang và cùng khốn là những gì tồi bại; nó là một thứ ngượng ngùng đối với nhân loại. Thật vậy, ở Nairobi, nơi có tổng hành dinh của Văn Phòng Liên Hiệp Quốc về Môi Sinh, nơi tôi đã thăm viếng. Ở Kenya, Tôi đã gặp gỡ các vị thẩm quyền và ngoại giao đoàn cũng như dân cư của một khu vực đông đúc. Tôi đã gặp gỡ các vị lãnh đạo thuộc các Kitô hữu giáo phái khác nhau cũng như của các tôn giáo khác, các vị linh mục, tu sĩ và cả giới trẻ. Rất ư là nhiều giới trẻ! Trong hết mọi cơ hội gặp gỡ, tôi đã khuyến khích họ trân quí cái kho tàng lớn lao của xứ sở này: kho tàng về thiên nhiên và thiêng liêng, được cấu tạo bởi các nguồn tài nguyên của trái đất, bởi những thế hệ mới cũng như bởi những thứ giá trị làm nên sự khôn ngoan của dân tộc. Trong bối cảnh ấy, một bối cảnh rất thê lương hệ trọng ngày nay, tôi đã hân hoan mang đến lời hy vọng của Chúa Giêsu: "Hãy vững mạnh trong đức tin, đừng sợ". Đó là câu tiêu biểu cho chuyến viếng thăm này. Một lời được rất nhiều con người khiêm hạ và đơn thành sống hằng ngày theo một phẩm vị cao sang; một lời đã được minh chứng một cách thê thảm và anh hùng bởi giới trẻ  của Đại Học Garissa bị sát hại vào ngày 2/4 vừa rồi chỉ vì họ là Kitô hữu. Máu của họ là hạt giống hòa bình và tình huynh đệ cho Kenya, cho Phi Châu và cho toàn thế giới. 

 

Rồi ở Uganda, chuyến viếng thăm của tôi xẩy ra nơi dấu hiệu tử đạo của xứ sở ấy, 50 năm sau khi Chân Phước Phaolô VI phong hiển thánh cho các vị tử đạo của đất nước này. Bởi thế, câu châm ngôn là: "Các con sẽ là chứng nhân của Thày" (Tông Vụ 1:8). Một câu châm ngôn được nêu lên ngay trước những lời: "Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Thánh Linh", vì chính Thần Linh mới là Đấng làm sinh động tâm can và bàn tay của thành phần môn đệ thừa sai. Tất cả chuyến viếng thăm ở Uganda đã diễn tiến theo chiều hướng của chứng từ được tác động bởi Chúa Thánh Thần. Chứng từ, theo một ý nghĩa rõ ràng, là dịch vụ của các giáo lý viên, những người tôi đã ngỏ lời cám ơn và phấn khích việc dấn thân của họ, một việc làm thường bao gồm cả gia đình của họ nữa. Một chứng từ về đức bác ái đã khiến tôi cảm kích là ở Nhà Nalukilongo, thế nhưng cũng là chứng từ của nhiều cộng đoàn và nhiều hiệp hội cống hiến nữa, khi họ phục vụ thành phần nghèo khổ nhất, thành phần tật nguyền và yếu bệnh. Chứng từ của giới trẻ là những người, bất chấp các khó khăn, canh giữ tặng ân của niềm hy vọng và đang tìm cách sống theo Phúc Âm chứ không theo thế gian, sống một cách ngược đời. Các nhân chứng là các vị linh mục, các con người nam nữ sống đời tận hiến đang hằng ngày lập lại tiếng "xin vâng" với Chúa Kitô và hân hoan dấn thân phục vụ Dân Thánh Chúa. Còn một nhóm chứng nhân khác nữa, nhưng tôi sẽ nói về họ sau này. Tất cả chứng từ đa dạng này, được tác động bởi Chính Chúa Thánh Thần, là men cho toàn thể xã hội, khi công việc có tác hiệu được thi hành ở Uganda chứng tỏ qua cuộc chiến chống Hội Chứng Liệt Kháng AIDS cũng như việc chấp nhận những người tị nạn. 

 

Chặng thứ ba của chuyến đi này là ở Nước Cộng Hòa Trung Phi, tâm điểm về địa dư của Châu Lục ấy; thật vậy, nó ở giữa lòng Phi Châu. Chuyến viếng thăm này thực sự là ý định đầu tiên của tôi, vì xứ sở này đang nỗ lực làm sao để ra khỏi một giai đoạn rất khó khăn đầy những xung khắc bạo động và đầy đau thương trong dân chúng. Bởi thế, tôi chính ở nơi đây, ở Thủ Đô Bangui, một tuần trước, mở Cửa Thánh của Năm Thánh Tình Thương đầu tiên, như là một dấu hiệu tin tưởng và hy vọng cho nhân dân ấy, cũng như tiêu biểu cho tất cả dân chúng Phi Châu, thành phần đang cần đến việc giải phóng và niềm an ủi. Lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ là "Hãy băng qua bờ bên kia" (Luca 8:22) là câu châm ngôn cho Trung Phi này. "Băng qua bờ bên kia" nghĩa là, theo nghĩa dân sự, bỏ lại chiến tranh, chia rẻ và khốn cùng để chọn lấy bình an, hòa giải và phát triển. Tuy nhiên, câu châm ngôn ấy bao hàm cả "một cuộc vượt uqa" đang xẩy ra trong lương tâm, nơi các thái độ cũng như ở các ý hướng của con người nữa. Việc đóng góp của các cộng đồng tôn giáo là những gì quyết liệt ở lãnh vực tâm linh này. Bởi thế, tôi đã gặp gỡ các Cộng Đồng Tin Lành và Hồi Giáo, chia sẻ cầu nguyện và việc dấn thân cho hòa bình. Cùng với các vị linh mục và thành phần tận hiến tu trì, bao gồm cả giới trẻ nữa, chúng tôi đã chia sẻ niềm vui của việc cảm nghiệm rằng Chúa đang ở với chúng ta "ở trong thuyền", và Người chính là Đấng lèo lái con thuyền này sang bờ bên kia. Sau hết, trong Thánh Lễ cuối cùng ở Vận Động Trường Bangui cho lễ Thánh Anrê Tông Đồ, chúng tôi đã lập lại việc chúng tôi dấn thân theo Chúa Giêsu là niềm an bình của chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta và là Dung Nhan của Lòng Thương Xót Chúa. Thánh lễ cuối cùng ấy thật là tuyệt vời, đầy những giới trẻ, một vận động trường giới trẻ! Tuy nhiên, hơn một nửa dân số của Cộng Hòa Trung Phi là thành phần vị thành niên. Họ dưới 18 tuổi: một hứa hẹn cho việc tiến lên!

 

Tôi muốn nói vài lời về các vị thừa sai truyền giáo. Những con người nam nữ đã bỏ lại nhà cửa, hết mọi sự... Họ đã đi đến đó khi còn trẻ trung, sống một cuộc đời vất vả cực nhọc, đôi khi ngủ bờ ngủ bụi. Có một lúc tôi đã gặp một Nữ Tu ở Bangui người Ý. Người ta có thể thấy chị là một nữ tu già lão. Tôi hỏi: "Chị bao nhiêu tuổi rồi" - "81" - "Hơn tôi 2 tuổi, không bao nhiêu". Nữ tu này ở đó từ năm 23-24 tuổi, nghĩa là cả cuộc đời của chị! Rất nhiều người khác cũng như chị. Chị bấy giờ đang ở với một bé gái. Bé gái này nói với chị bằng tiếng Ý là "Bà". Chị nữ tu ấy đã nói với tôi rằng: "Thật ra con không phải là người ở đây mà là ở xứ sở Congo lân cận, nhưng con đến đây với bé gái này bằng xuồng". Những vị thừa sai can trường là thế. "Vậy thì sơ làm gì?" Nữ tu này đã nói với tôi như thế này: "Con là một y tá, nhưng sau đó con đã học một chút ở đây và trở thành một bác sĩ sản phụ khoa, và con đã giúp hạ sinh cho 3.280 em bé". Cả một cuộc đời cho sự sống, cho sự sống của những người khác. Có rất nhiều, rất nhiều người như nữ tu này: rất nhiều nữ tu, rất nhiều linh mục, rất nhiều tu sĩ đang tiêu hao đời mình cho việc loan báo Chúa Giêsu Kitô. Thật là tuyệt vời khi thấy điều này; thật là tuyệt vời. 

 

Tôi muốn nói với giới trẻ một chút. Thế nhưng lại có ít người, vì vấn đề sinh sản ở Âu Châu dường như là một cái gì đó xa xỉ: mức sinh sản ở mức zero, ở mức 1%. Tôi muốn ngỏ lời cùng giới trẻ như thế này: các bạn hãy nghĩ các bạn đang làm gì với đời sống của các bạn. Hãy nghĩ đến người nữ tu này và rất nhiều người khác như nữ tu ấy, những người đã cống hiến cuộc đời của mình và rất nhiều người đã chết ở đó. Công việc truyền giáo không phải là chuyện dấn thân để dụ giáo: người nữ tu này đã nói với tôi rằng những người đàn bà Hồi giáo đến với các chị vì họ biết rằng các nữ tu là những người y tá tốt giỏi và các chị chăm sóc người ta một cách tốt đẹp, và các chị không dính dáng đến chuyện dạy giáo lý để hoán cải các phụ nữ Hồi giáo ấy! Các chị làm chứng để rồi các chị dạy giáo lý cho những ai muốn học. Thế nhưng chứng từ mới là công việc truyền giáo anh hùng cao cả của Giáo Hội. Loan báo Chúa Giêsu Kitô bằng cuộc sống của mình! Tôi xin trở lại với giới trẻ: các bạn hãy nghĩ về những gì các bạn muốn làm với đời sống của các bạn. Đó là lúc suy nghĩ và xin Chúa làm cho các bạn nghe biết ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, đừng loại trừ cơ hội trở thành nhà thừa sai truyền giáo để mang yêu thương, nhân bản và đức tin đến cho các xứ sở khác. Đừng tham gia vào chuyện dụ giáo: đừng. Những người dụ giáo là thành phần tìm kiếm một cái gì khác để làm như thế. Đức tin được rao giảng trước hết bằng chứng từ, sau đó mới bằng lời nói, một cách từ từ chầm chậm.

 

Chúng ta hãy cùng nhau chúc tụng Chúa về chuyền hành trình này ở miền đất Phi Châu, và chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn bởi những lời chính yếu của Người: "Hãy vững mạnh trong đức tin, đừng sợ"; "Các con sẽ là chứng nhân của Thày"; "Chúng ta hãy băng qua bờ bên kia". 

 

 

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-apostolic-visit-to-africa

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)