GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

"Ở đây, trước sự hiện diện của quí vị, tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế, như tôi thực hiện với các chính quyền trong cuộc, hãy làm các việc cụ thể để mang lại hòa bình và bảo vệ tất cả những ai là nạn nhân của chiến tranh và bách hại, bị đẩy ra khỏi nhà cửa của mình và quê hương xứ sở của mình"

ĐTC Phanxicô - Sứ Điệp Mừng Tân Niên ngỏ cùng Ngoại Giao Đoàn ở Vatican Thứ Hai 12/1/2015

 

Dẫn nhập của người dịch:

Cho dù tối hôm nay (giờ Rôma), chuyến tông du 8 ngày, 12-19/1/2015, đến Sri Lanka và Phi Luật Tân bắt đầu, nhưng theo truyền thống hằng năm, vị lãnh đạo Quốc Đô Vatican là Đức Giáo Hoàng, vào Thứ Hai tuần thứ hai đầu năm, vẫn gặp gỡ ngoại giao đoàn của gần 200 quốc gia có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh. 

Trong bài ngỏ cùng ngoại giao đoàn năm 2015 này, người đọc sẽ thấy hầu như không một biến chuyển nào trên thế giới trong năm 2014 thoát khỏi ánh mắt quan tâm của vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của chúng ta, chẳng hạn ở những miền nóng bỏng nhất như Trung Đông, Syria và Iraq; ở Phi Châu như Nigeria, Lybia, Cộng Hòa Trung Phi, Sudan, the Horn of Africa và Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Ngoài ra ngài cũng lưu ý tới Ý quốc, tới Triều Tiên cả hai miền Nam Bắc, tới Sri Lanka và Phi Luật Tân là hai quốc gia ngài sắp tông du. Chưa hết, ngài cũng đề cập tới hai vụ thảm sát mới xẩy ra ở Pakistan (tháng 12/2014) và Paris Pháp quốc (đầu năm 1/2015), rồi đến cả Ukraine. Chưa hết, kèm theo chiến tranh và bạo động còn có nạn dịch Ebola ở các nước như Liberia, Sierra Leone and Guinea nữa. 

Theo ngài, tất cả những gì xẩy ra tiêu cực trên thế giới hiện nay, liên quan đến chiến tranh và bạo lực, nhất là tình trạng nô lệ hóa con người, như ngài đã đề cập đến trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2015 của ngài, đều xuất phát từ thứ "văn hóa thải trừ - throwaway culture", một thứ văn hóa đã xẩy ra từ hồi Hài Nhi Giêsu giáng sinh ở Belem và ngày nay được thể hiện rất rõ ràng nơi thành phần di dân, di tản, tị nạn, thành phần già lão, tàn tật, giới trẻ, và chính cơ cấu gia đình.

Tuy nhiên, tình hình có vẻ bi quan của thế giới hiện nay cũng vẫn có những dấu hiệu hy vọng, liên quan đến một thứ văn hóa mà ngài hằng kêu gọi và phát động, đó là "thứ văn hóa gặp gỡ - thứ culture of encounter", như ngài đã thực sự chứng kiến thấy được qua các chuyến tông du của ngài trong năm 2014, chẳng hạn ở Albania, ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Jordan, ở Lebanon, hay nơi biến cố mới xẩy ra vào đầu năm 2015, đó là việc nối lại bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba sau hơn 50 năm Cuba bị Hoa Kỳ cấm vận.

Hướng về tương lai, ngài hy vọng thứ văn hóa hội ngộ này sẽ được thể hiện nơi các biến cố quan trọng trong năm 2015 nữa, như ở tình hình của nước Venezuela, như việc thỏa thuận về nguyên tử giữa Iran và Nhóm 5+1, như việc Hoa Kỳ có ý định dẹp bỏ các trại giam Guantanamo, như hai tiến trình quan trọng liên quan đến Các Mục Đích Phát Triển Khả Trợ và Hiệp Ước Thay Đổi Khí Hậu. 

Theo chiều hướng liên quan đến hai thứ văn hóa, văn hóa thải trừ và văn hóa hội ngộ được vị giáo hoàng tác giả đề cao, sau đây là một số trích đoạn nguyên văn tiêu biểu, theo người dịch cần lưu ý trong bài nói dài của Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ cùng ngoại giao đoàn của các quốc gia có bang giao với Tòa Thánh Thứ Hai 12/1/2015. 

 

ĐTC Phanxicô: Diễn Từ ngỏ cùng Ngoại Giao Đoàn Chư Quốc

(đoạn mở đầu chào hỏi và cám ơn)

Hôm nay tôi muốn lập lại một lời rất thân thương với chúng ta, đó là bình an! Nó đến với chúng ta từ lời loan báo của đạo binh các thiên thần vào đêm Giáng Sinh (xem Luca 2:14) như là một tặng ân quí báu của Thiên Chúa, đồng thời cũng là một thứ trách nhiệm của cá nhân cùng xã hội đòi chúng ta phải dấn thân và quan tâm. Thế nhưng, cùng với bình an, hình ảnh về cảnh tượng Giáng Sinh cho chúng ta thấy một thực tại thảm thương khác, đó là thực tại bị loại trừ. Ở một số những tiêu biểu về hình ảnh, cả ở Đông phương lẫn Tây phương - tôi nghĩ đến hình ảnh của họa sĩ Andrej Rublev về cảnh Giáng Sinh rạng ngời chẳng hạn - Con Trẻ Giêsu được thấy không nằm trong một máng cỏ mà là trong một ngôi mộ. Hình ảnh này, một hình ảnh có mục đích liên kết hai lễ chính yếu của Kitô giáo là Giáng Sinh và Phục Sinh, cho thấy rằng niềm hân hoan chấp nhận cuộc hạ sinh mới này là những gì bất khả phân ly với tất cả thảm kịch của cuộc đời Chúa Giêsu, với tình trạng nhục nhã và bị loại trừ của Người, thậm chí dẫn đến cái chết trên thập tự giá. 

Chính các tình tiết Giáng Sinh cho chúng ta thấy tấm lòng cứng cỏi của một nhân loại khó mà chấp nhận Con Trẻ này. Ngay từ ban đầu Người đã bị loại trừ, bị bỏ rơi trong lạnh lẽo, buộc phải sinh ra trong chuồng bò lừa vì không có chỗ trong quán trọ (xem Luca 2:7). Nếu đó là cách thức Thiên Chúa đã bị đối xử thì trường hợp của rất nhiều anh chị em của chúng ta còn đến thế nàoTất cả chúng ta đều có thái độ loại trừ; nó làm cho chúng ta thấy tha nhân của chúng ta không phải như là anh chị em cần được chấp nhận mà là thành phần không xứng đáng lưu ý tới, thành phần đối thủ, hay một ai đó cần phải bị khuất phục theo ý muốn của chúng ta. Đó là một tâm thức dung dưỡng thứ "văn hóa thải trừ - throwaway culture" bất chấp mọi sự và bất cần người nào: thiên nhiên tạo vật, con người, ngay cả chính Thiên Chúa. Nó gây ra cho nhân loại đầy những đớn đau và liên lỉ bị rách nát bởi đủ mọi thứ căng thẳng và xung đột 

Tiêu biểu cho thứ văn hóa này, như trình thuật Phúc Âm về thời thơ ấu của Chúa Giêsu cho thấy, đó là Vua Herôđê. Cảm thấy quyền bính của mình bị đe dọa bởi Con Trẻ Giêsu, ông đã truyền lệnh sát hại tất cả mọi trẻ em ở Bêlem. Chúng ta nghĩ ngay đến Pakistan, nơi mà một tháng trước đây, hơn 100 trẻ em bị thảm sát một cách dã man không thể nào tưởng tưởng nổi. Tôi muốn lập lại những lời chia buồn của tôi với gia đình của các em và hứa tiếp tục cầu nguyện cho nhiều người vô tội bị mất mạng sống của mình.  

Chiều kích cá nhân bị loại trừ không thể nào không gắn liền với chiều kích xã hội, một thứ văn hóa loại trừ cắt đứt những liên hệ sâu xa nhất và đích thực nhất của nhân loại, dẫn đến chỗ làm rạn nứt xã hội và gây ra bạo lực cùng chết chóc. Chúng ta thấy chứng cớ đau thương về tình trạng này nơi các biến cố được tin tức hằng ngày tường trình, nhất là những cuộc sát hại thê thảm xẩy ra ở Paris mấy ngày vừa qua. Những người khác "không còn được coi là các hữu thể có cùng phẩm giá, như anh chị em cùng một nhân tính, mà là như các đồ vật" (Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 8/12/2014, đoạn 4). Bị mất đi tự do của mình, con người trở thành nô lệ cho các kiểu khoái thú mới nhất, hay cho quyền lực, tiền bạc, hoặc ngay cả cho các hình thức lệch lạc về tôn giáo. Đó là những thứ nguy hiểm tôi đã vạch ra trong Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình mới đây của tôi, một sứ điệp liên quan đến vấn đề của muôn vàn hình thức nô lệ ngày nay. Tất cả những hình thức nô lệ ấy đều xuất phát từ một con tim băng hoại, một con tim không thể nhận biết và và hành thiện, không theo theo đuổi hòa bình.  

Chúng ta cảm thấy buồn thảm khi thấy các hậu quả thảm thương của tâm thức loại trừ này cũng như của "văn hóa nô lệ" này (ibid.2) nơi hiện tượng tràn lan xung đột khôn cùng. Như là một thế chiến thực sự đánh đấm một cách phân mảnh, các hậu quả ấy, dù ở các hình thức khác nhau và mức độ dữ dội khác nhau, gây ảnh hưởng đến một số miền đất trên thế giớibắt đầu ở Ukraine gần kề, nơi đã trở thành một khấu trường đấu tranh thê thảm. Tôi hy vọng rằng nhờ đối thoại mà các nỗ lực đang được thực hiện để chấm dứt các thứ thù hận sẽ được đúc kết, và các phe trong cuộc sẽ bắt đầu nhanh bao nhiêu có thể, theo tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế mới, tiến bước trên con đường tin tưởng nhau và hòa giải huynh đệ, để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.  

(đoạn về Trung Đông...) 

Trung Đông đang bị đan kết một cách bi thảm với các cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu khác, kèm theo các âm hưởng ghê rợn gây ra bởi hiện tượng khủng bố bảo thủ tràn lan ở Syria và IraqHiện tượng này là hậu quả của thứ văn hóa thải trừ đang được áp dụng cho Thiên Chúa. Chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo, ngay cả trước khi loại trừ con người bằng những cuộc sát hại kinh hoàng khủng khiếp, đã loại trừ chính Thiên Chúa, biến Ngài thành một thứ bình phong thuần ý hệ. Trước cái hung hãn bất chính như vậy, cái hung hãn cũng tấn công cả thành phần Kitô hữu và các nhóm sắc dân cùng tôn giáo khác trong miền - Yazidis chẳng hạn - cần phải nhất trí đáp ứng, một đáp ứng, trong khuôn khổ của lề luật quốc tế, có thể chấm dứt những hành động bạo lực tràn lan, phục hồi tình trạng hòa hợp và chữa lành các vết thương sâu xa đang bị các cuộc xung đột gây ra. Ở đây, trước sự hiện diện của quí vị, tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế, như tôi thực hiện với các chính quyền trong cuộc, hãy làm các việc cụ thể để mang lại hòa bình và bảo vệ tất cả những ai là nạn nhân của chiến tranh và bách hại, bị đẩy ra khỏi nhà cửa của mình và quê hương xứ sở của mình. Trong bức thư được viết trước Giáng Sinh một chút, tôi đã tìm cách bày tỏ lòng gắn bó của tôi và lời hứa nguyện cầu của tôi đối với tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu ở Trung Đông. Chứng từ của họ là một chứng từ quí báu của niềm tin và lòng can đảm, vì họ đóng một vai trò trọng yếu như là những tiểu công viên hòa bình, hòa giải và phát triển ở những xã hội dân sự họ sống. Một Trung Đông không có Kitô hữu sẽ trở thành một Trung Đông bị trầy trụa và què cụt! Bằng việc thiết tha xin cộng đồng quốc tế đừng tỏ ra dửng dưng trước tình trạng này, tôi hy vọng rằng các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị và trí thức, nhất là những ai thuộc cộng đồng tín hữu Hồi giáo, sẽ lên án tất cả mọi thứ dẫn giải bảo thủ và cực đoan về tôn giáo đang cố gắng biện minh cho các hành động bạo động như vậy

(đoạn về Nigeria với hiện tượng bắt cóc...)

(đoạn về một số nước ở Phi Châu ...)

Chúng ta cũng không thể bỏ qua sự kiện là các cuộc chiến tranh còn bao gồm cả một tội ác ghê gớm khác nữa, đó là tội ác hiếp dâm. Đây là một xúc phạm trầm trọng nhất đến phẩm giá của nữ giới, thành phần chẳng những bị tấn công về thể xác mà còn cả về tinh thần nữa, với hậu quả là một thứ chấn thương khó phai nhòa kèm theo các tác dụng về xã hội nữa. Buồn thay, ngoài tình trạng chiến tranh, còn có rất ư là nhiều người phụ nữ cho đến ngày nay vẫn còn là nạn nhân của bạo lực. 

Hết mọi cuộc xung đột và chiến tranh đều là những gì tiêu biểu cho thứ văn hóa loại bỏ, vì sự sống của con người bị các kẻ nắm quyền lực cố ý chà đạp. Tuy nhiên, cái thứ văn hóa đó còn trở thành dồi dào hơn bởi những hình thức tinh khéo xảo quyệt của việc loại trừ. Trước hết tôi nghĩ đến cách thức mà người bệnh được chữa trị; họ thường bị loại trừ và cho ra rìa như những người phong cùi trong Phúc Âm. Trong số những người phong cùi như thế thuộc thời đại của chúng ta đây, chúng ta có thể kể đến những nạn nhân gây ra bởi hiện tượng Ebola vừa mới bùng phát một cách khủng khiếp, nhất là ở Liberia, Sierra Leone và Guinea, đã cướp mất trên 6 ngàn mạng sống.... (ngài cám ơn thành phần phục vụ viên và kêu gọi trợ giúp nhân đạo để chống lại dịch bệnh này). 

Cùng với các sinh mạng bị thải trừ bởi chiến tranh và dịch bệnh, còn có những mạng sống của nhiều người tị nạn và của những ai di tản nữa. Một lần nữa, thực tại này có thể được cảm nhận bởi việc suy nghĩ về giai đoạn thiếu thời của Chúa Giêsu, một suy nghĩ cho thấy một hình thức khác của nền văn hóa thải trừ là những gì tác hại đến những mối liên hệ gây đổ vỡ cho xã hội. Thật vậy, vì tính chất bạo tàn của Hêrôđê mà Thánh Gia buộc phải thoát nạn sang Ai Cập, và chỉ có thể trở về mấy năm sau đó (xem mathêu 2:13-15). Hậu quả duy nhất của những tình trạng xung đột mới được diễn tả đó là trường hợp của bao ngàn người bỏ chạy khỏi quê cha đất tổ của họ. Có những lúc họ lìa bỏ không phải để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn mà là bất cứ một tương lai nào, vì ở lại có nghĩa là nắm chắc cái chếtBiết bao là người đã bỏ mạng trong các cuộc hành trình ghê rợn này, thành phần nạn nhân của những kẻ ác ôn côn đồ bất nhân và tham lam? Tôi nêu vấn đề này lên trong chuyến viếng thăm gần đây của tôi ở Quốc Hội Âu Châu, bằng cách nhấn mạnh rằng: "chúng ta không thể để cho vùng Địa Trung Hải trở thành một bãi tha ma rộng lớn(Address to the European Parliament, Strasbourg, 25 November 2014). Còn một sự kiện báo động nữa ở chỗ nhiều người di dân, đặc biệt ở Mỹ Châu, là thành phần trẻ em đơn độc chẳng có ai theo kèm, lại càng nguy hiểm và cần chăm sóc, chú trọng và bảo vệ hơn nữa.

(đoạn về thành phần di dân...)

(đoạn về thành phần di tản và tị nạn, già lão, tàn tật và giới trẻ...)

Thế rồi cả chính gia đình nữa không phải là không thường xuyên bị coi là những gì có thể phế thải, gây ra bởi tình trạng tràn lan của thứ văn hóa cá nhân và vị kỷ, thứ văn hóa tác hại đến những mối liên hệ của con người và dẫn đến chỗ mức sinh sản bị giảm sút một cách thê thảm, cũng như bởi việc lập pháp có lợi cho các hình thức khác nhau của việc chung sống xác thịt hơn là việc nâng đỡ thích đáng cho gia đình vì phúc lợi của toàn thể xã hội

Trong số các nguyên nhân của những thực tại này đó là một mẫu thức toàn cầu hóa là những gì bình địa hóa các thứ khác biệt và thậm chí còn loại trừ cả các nền văn hóa, chặt đứt chúng khỏi những yếu tố hình thành nên căn tính của từng dân tộc và tạo nên một di sản thiết yếu cho việc phát triển lành mạnh về xã hộiTrong một thế giới xám xịt vô danh bất dạng thì chẳng có gì khó hiểu là có nhiều người cảm thấy khó khăn và chán nản như thể thật sự mất đi cái cảm quan là mình đang sống động. Tình trạng bi thảm này còn trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng liên tục về kinh tế nữa, cuộc khủng hoảng nuôi dưỡng tính chất bi quan và tình trạng xung khắc về xã hội. Tôi đã có thể thấy được các tác dụng của nó ngay ở Rôma đây, nơi tôi gặp gỡ nhiều người trong hoàn cảnh thử thách cũng như trong các cuộc hành trình khác nhau tôi thực hiện trong Ý quốc.  

(đoạn về Ý quốc...)

(đoạn về giới trẻ liên quan đến chuyến tông du Nam hàn...)

(đoạn về chuyến tông du Sri Lanka và Phi Luật Tân cùng hai miền Nam bắc triều Tiên...)

Dầu sao đi nữa, vào dịp mở đầu cho một tân niên, chúng ta không muốn cái nhìn của chúng ta thấm đậm bi quan yếm thế hay những thiếu sót và khuyết điểm của lúc này đây. Chúng ta cũng cần phải tạ ơn Thiên Chúa về các tặng ân và phúc lành Ngài đã ban xuống trên chúng ta, về những cơ hội được đối thoại và gặp gỡ mà Ngài ban cho chúng ta, cũng như về các hóa trái hòa bình Ngài đã làm cho chúng ta có thể hoan hưởng. 

(đoạn về văn hóa gặp gỡ liên quan đến các chuyến tông du Albania, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Labanon...)

(đoạn về Hoa Kỳ và Cuba, Venezuela, Iran và Nhóm 5+1, Hoa Kỳ và Nhà Tù Guantanamo...)

Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, nhân loại đã chứng kiến thấy một trong những tai họa kinh khủng nhất trong lịch sử của mình. Vì đó là lần đầu tiên, một cách mới mẻ và chưa từng thấythế giới đã cảm nghiệm được tất cả mãnh lực của quyền năng hủy hoại của con người. Từ tro bụi của cái thảm họa vô vàn là Thế Chiến Thứ Hai ấy đã vươn lên giữa các quốc gia một ước vọng mới muốn đối thoại và gặp gỡ, những gì tác động nên Tổ Chức Liên Hiệp quốc là một cơ cấu năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm. Trong chuyến viếng thăm của mình ở Tổng Hành Dinh Liên Hiệp quốc 50 năm trước đây, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI, đã nhận định rằng: "máu của bao nhiêu triệu con người ta, vô vàn những khổ đau chưa từng thấy, những cuộc tàn sát vô nghĩa và các thứ hủy hoại kinh hoàng đã phấn khích việc thỏa thuận liên kết quí vị lại với bằng bằng một lời thề hứa cần phải thay đổi tương lai của thế giới này: không bao giờ còn chiến tranh nữa, không bao giờ tái diễn chiến tranh nữa! Chính hòa bình, hòa bình, cần phải hướng dẫn định mệnh cho các dân nước của toàn thể nhân loại" (Address to the United Nations, New York, 4 October 1965). 

(đoạn về các tiến trình Nghị Sự Phát Triển Hậu 2015...)

(đoạn kết chào chúc bình an...)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2015/january/documents/papa-francesco_20150112_corpo-diplomatico.html