SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014
2015
Lòng Thương Xót Chúa nơi Mẹ Maria
Bài chia sẻ trong Đại Hội Thánh Mẫu Lavang 1/5/2015
tại Giáo Xứ La Vang TGP Galveston-Houston Texas
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Lòng Thương Xót Chúa nơi Mẹ Maria trong phụng vụ: Lễ Mẹ Thụ Thai Lời Nhập Thể
Thật vậy, về phụng vụ, Lễ Mẹ Thai Lời thường rơi vào Mùa Chay, như năm 2015 theo
chu kỳ phụng niên B này, và có năm lại rơi vào Mùa Phục Sinh, chẳng hạn Năm A
2005, năm ĐTC GPII qua đời, nên phải dời vào Thứ Hai sau Chúa Nhật II PHục Sinh,
tức vào Thứ Hai mùng 4/4/2005.
Như thế có nghĩa là Lễ Mẹ Thai Lời bao gồm cả 2 chiều kích tử nạn và phục sinh,
hai chiều kích làm nên Mầu Nhiệm Vượt Qua. Nhưng, làm sao để biết được Mầu Nhiệm
Vượt Qua đã được bao gồm ngày trong biến cố Truyền Tin?
Xin thưa, ở ngay lời tiên báo của Vị Tổng Thần Thiên Sứ Gabiên về Đấng Cứu
Thế: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con
trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối
Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị
đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận" (Luca 1:30-33).
Đúng thế, trước hết, chiều kích phục sinh đã được tiên báo ở câu: “Người sẽ cai
trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Sau nữa, chiều kích
tử giá cũng được chất chứa trong lời tiên báo ngay trước đó: "Thiên Chúa sẽ ban
cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người". Bằng cách nào, nếu không phải bằng cách
tử giá, như chính Người đã cảm nhận và tuyên bố: "Đã đến giờ Con Người được vinh
hiển" (Gioan 12:23), như được Thánh ký Gioan trong bài Phúc Âm Chúa Nhật V Năm B
vừa rồi?!
Chính Tổng Trấn Philatô thuộc đế quốc Rôma, nhân vật đã được diễm phúc trực diện
với chính "chân lý" là Chúa Kitô (Gioan 14:6), đã thắc mắc "chân lý là gì?"
(Gioan 18:38), và tuy Chúa Giêsu không trả lời cho ông biết rõ ràng, nhưng qua
lập luận và thái độ của Người (xem Gioan 18:35-37), tự mình ông cũng đã nhận
ra đâu là chân lý, và đã công khai tuyên bố chân lý ấy, bằng cách cho viết một
tấm bảng gắn trên cây thập tự giá của Người bằng 3 thứ tiếng Hy Lạp, La Tinh và
Do Thái (xem Gioan 19:19-20) rằng "Giêsu Nazarét (là) Vua Dân Do Thái" (Gioan
19:19), đến để "giải phóng dân mình khỏi tội" (Luca 1:77), chứ không phải khỏi
bị đế quốc Rôma đô hộ.
Đó là lý do, trong chính bài Phúc Âm cùng ngày hôm nay (xem Gioan 8:31-42), nếu
xẩy ra vào năm không trùng với Lễ Mẹ Thai Lời như hôm nay, Thứ Tư tuần V Mùa
Chay, chính Người đã cho "những người Do Thái đã tin Người", thành phần cứ tưởng
rằng: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham.
Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ" biết về tình trạng nô lệ
thực sự của họ theo nghĩa thiêng liêng liên quan đến linh hồn bất tử hơn là tự
nhiên về thân xác và cuôc sống trần gian này: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai
phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi,
người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các
ông mới thực sự là những người tự do".
Như thế là ứng nghiệm lời tiên báo Truyền Tin của Tổng Thần Thiên Sứ Gabiên cho
người Mẹ đang đứng bên thập giá của Người bấy giờ (xem Gioan 19:25): "Thiên Chúa
sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người". Ôi mầu nhiệm thay, những gì được
tiên báo về Người đã được chính dân ngoại không hề biết gì về mạc khải thần linh
của Dân Do Thái làm cho ứng nghiệm một cách vô thức và "bất ngờ", như sự kiện
Người bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn cũng thế, do một tên lính Rôma thực hiện
vậy (xem Gioan 19:31-37).
Trong huấn từ Chúa Nhật II Phục Sinh ngày 3/4/2005, vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu
Totus Tuus của Lòng Thương Xót Chúa vừa qua đời vào đêm hôm trước đã nhắn nhủ
như sau:
“Chúa Kitô phục sinh đã hiến ban cho nhân loại, một nhân
loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái
tôi và sợ hãi, tặng ân tình ngài yêu thương, một tình yêu tha thứ,
hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Đó là một tình yêu hoán cải tâm
can và ban phát an bình. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng
Thương Xót Chúa biết bao!
“Lạy Chúa, Đấng đã tỏ tình yêu thương của Chúa Cha qua Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh
của Chúa ra, chúng con tin tưởng vào Chúa và tin tưởng lập lại cùng Chúa hôm nay
rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và
toàn thế giới.
“Phụng vụ trọng thể của Lễ Truyền Tin là lễ sẽ được cử hành ngày mai, đưa chúng
ta đến việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát
từ Thánh Tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria.”
Lòng Thương Xót Chúa nơi Mẹ Maria trong Phúc Âm: Dưới chân thập giá Chúa Giêsu
Nếu hình phạt tương xứng với tội phạm thì hình phạt càng nặng thì tội ác càng
lớn; hay nói ngược lại tội ác càng ghê gớm thì hình phạt càng kinh khủng. Căn cứ
vào nguyên tắc nhân quả đối xứng này thì ai trong loài người là người tội lỗi
nhất? Nếu không phải là nhân vật mang tên Giêsu ở Nazarét cách đây hơn 2000
năm!
Bởi vì, trước hết, còn ai phải chịu đau khổ dữ dội kinh hoàng bằng tên đại
ma đầu tội phạm bị đóng đinh giữa hai tên tử tội trộm cướp trên Đồi Canvê với
tấm bảng trên đầu "Giêsu Nazarét - Vua Dân Do Thái" (Gioan 19:19). Nhân vật Tử
Giá Giêsu Nazarét vô cùng khốn nạn trước mắt thế gian này không phải về phần
xác chỉ bị tan thây nát thịt "không còn hình tượng gì" (Isaia 52:14), mà về liên
hệ xã hội còn "bị khai trừ khỏi nhân sinh" (Isaia 53:8), thậm chí về danh phận
còn trở nên "sâu bọ đất chứ không phải là người nữa" (Thánh Vịnh 22:7).
Chưa hết, nhân vật lịch sử mang danh Giêsu Nazarét này chẳng những là một con
người tội lỗi nhất thế gian, vì Con Người này đã tự mang lấy tất cả mọi tội lỗi
của loài người, từ hai nguyên tổ cho tới tận thế, mà còn, "trở thành tội lỗi"
(2Corinto 5:21) nữa, nghĩa là trở thành những gì xấu xa nhất trần gian, đáng
kinh tởm, đáng xa lánh, đáng ghét bỏ, đang hủy diệt. Trong khi Người chính
là Đấng vô tội, đúng hơn, Đấng vô cùng hoàn hảo, 'là phản ảnh vinh quang Cha,
là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Do Thái 1:3).
Theo dự án thần linh cứu chuộc của Thiên Chúa, nếu Chúa Kitô Cứu Thế không thể
tách khỏi Người Mẹ của mình là Đức Maria, một Người Nữ "có phúc hơn mọi người
nữ" (Luca 1:28) đã được Thiên Chúa từ đời đời tuyển chọn làm Mẹ Con của Ngài, để
cùng với Con Ngài cứu chuộc thế gian, thì Mẹ Maria lại càng hiệp nhất nên một
với Con của Mẹ hơn bao giờ hết khi "đứng dước thập giá Chúa Giêsu" (Gioan
19:25).
Nếu không ai trên trần gian này, kể cả các thần trời, hiểu được Chúa Kitô hơn Mẹ
và yêu Người như Mẹ, thì cũng chỉ có duy một mình Mẹ mới cảm thấu được hầu như
tất cả những đau khổ Người đã sẵn lòng chịu đựng vì tội lỗi loài người chỉ vì
yêu thương loài người. Đến độ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã Đồng Công Cứu
Chuộc với Con của Mẹ không phải chỉ ở chỗ đau với Con Mẹ mà còn đau cái đau của
Con Mẹ và đau cái đau thay cho Con Mẹ nữa, khi Mẹ thấy Con Mẹ sau khi đã tắt hơi
thở cuối cùng mà còn bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn (xem Gioan 19:34).
Như thế, nếu không còn ai tội lỗi bằng Người Con Thiên Chúa toàn thiện này, và
vì thế Người Con Thiên Chúa vô tội ấy đã bị trừng phạt vô cùng kinh hoàng khủng
khiếp gây ra bởi tội lỗi mà Người gánh chịu, thì sau Người cũng chẳng còn ai tội
lỗi như Người Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ khi được hoài thai trong lòng mẹ,
vì Người Mẹ đầy ơn phúc trên hết mọi tạo vật này cũng đã chịu đựng khổ đau
khôn cùng với Con Mẹ, của Con Mẹ và thay Con Mẹ.
Nếu Lòng Thương Xót Chúa liên quan đến tội lỗi và khổ đau của con người, mà tội
lỗi và khổ đau của con người đã được Con Thiên Chúa mặc lấy và đền bù bằng Thánh
Giá của Người, đến độ Người trở thành đáng thương hơn loài người tội lỗi đáng
thương, và trở thành hiện thân sống động của Lòng Thương Xót Chúa đối với con
người, thì Mẹ Maria, vì được hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, nhất
là ở trên Đồi Canvê, để cùng với Con Mẹ đồng công cứu chuộc loài người, Mẹ đã
trở thành Mẹ Tình Thương, mang lại sự sống thần linh cho chung loài người và
riêng Nhiệm Thể Chúa Kitô, với tư cách là Mẹ Giáo Hội, sau khi quằn quại sinh
con, gây ra bởi gươm sắc thâu qua lòng (xem Luca 2:35).
Lòng Thương Xót Chúa nơi Mẹ chẳng những đã biến Mẹ thành Mẹ Tình Thương mà còn
tiếp tục cứu độ từng con người vô cùng mù quáng và yếu dại đáng thương nữa. Vì
Mẹ đã đau cái đau của Con Mẹ, với Con Mẹ và thay Con Mẹ mà Mẹ vô cùng coi trọng
giá máu của Con Mẹ, không thể nào để cho giá máu ấy bị hư phí oan uổng. Trái
lại, Mẹ sẽ dùng hết cách để cứu lấy cho bằng được từng linh hồn, bằng lời chuyển
cầu thần thế của Mẹ, bởi không ai gần Chúa Giêsu như Mẹ, đẹp lòng Người như
Mẹ và đáng được Người nhận lời như Mẹ, bởi vì lời chuyển cầu của Mẹ hoàn toàn
xuất phát từ lòng Mẹ yêu Người, chỉ muốn mang lại lợi ích thiêng liêng cho các
linh hồn đã được Người cứu chuộc, và vì thế Mẹ cũng chỉ muốn làm cho công ơn cứu
chuộc vô cùng cao trọng và quí báu của Người chẳng những không bị hư phí mà trái
lại làm cho công ơn cứu chuộc ấy càng ngày càng sinh muôn vàn hoa trái, như
Mẹ đã từng làm trong dòng lịch sử của Giáo Hội.
Lòng Thương Xót Chúa nơi Mẹ Maria trong lịch sử: Biến cố Thánh Mẫu Fatima
Việc Mẹ Maria tiếp tục hiện ra đây đó là một chứng cớ hùng hồn cho thấy Mẹ Marai
quả thực là Mẹ Tình Thương, và Lòng Thương Xót Chúa ở nơi Mẹ luôn thôi thúc Mẹ
phải làm sao lôi kéo các linh hồn về với Chúa, phải làm sao lo cho phần rỗi của
con cái Mẹ. Và đó là lý do hiện ra ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào, nội
dung sứ điệp của Mẹ Maria bao giờ cũng giống nhau, đó là: "Hãy làm những điều
Người bảo" (Gioan 2:5).
Có một sự kiện lịch sử cho thấy Mẹ Maria quả thực là Mẹ Tình Thương và Lòng
Thương Xót Chúa ở nơi Mẹ, một Lòng Thương Xót Chúa không thể tách rời với tội
lỗi và khổ đau của loài người, đến độ loài người càng tội lỗi và khổ đau càng
"cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn", và Lòng Thương Xót Chúa càng tỏ hiện rạng
ngời hơn bao giờ hết, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định với Chị Thánh Faustina:
"Càng là đại tội nhân càng có quyền đối với tình thương của Cha" (Nhật Ký -
723).
Đó là lý do cho thấy, trong thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô giáo, hầu như chẳng
có chuyện Mẹ Maria hiện ra bao giờ. Sang thiên niên kỷ thứ hai, Mẹ Maria chỉ
hiện ra dồn dập hầu như từ thế kỷ thứ 19 và ở một nơi cần đến Lòng Thương Xót
Chúa hơn bất cứ một nơi nào khác. Bởi vì thế kỷ 19 là thế kỷ, cùng với sự phát
triển về khoa học và kỹ thuật, con người nói chung và Kitô hữu Tây phương nói
riêng cũng bắt đầu bị khủng hoảng về chính trị, đức tin và luân lý, nhất là ở
Pháp quốc là trưởng nữ của Giáo Hội, là một trong 3 quốc gia (Ý và Tây Ban
Nha) có nhiều vị hiển thánh cá nhân nhất. Đến độ có thể nói thế kỷ 19 là một thế
kỷ đầy giao động chuyển mình, từ cuộc Cách Mạng Pháp xẩy ra vào cuối thể kỷ
18, năm 1789, đến Thế Chiến I, đầu thế kỷ 20, 1914-1918.
Thế nên, ba cuộc hiện ra đặc biệt nổi tiếng được Giáo Hội công nhận trong thế kỷ
19 đều được trời cao đềy xẩy ra ở Pháp quốc, một đất nước có thể nói văn minh
nhất nhì thế giới bấy giờ: thứ nhất là ở Dubac Paris năm 1830 với Chị Thánh
Catherine Labuaré, một biến cố đặc biệt với Khuy Ảnh Mẹ Ban Ơn đeo cổ; thứ hai
là ở La Salette năm 1848 với 2 thiếu niên, một biến cố đặc biệt với Bí Mật La
Salette, và thứ ba là ở Lộ Đức năm 1858 với Chị Thánh Bernadette, một biến
cố đặc biệt với nước suối chữa lành vẫn còn xẩy ra cho đến ngày nay.
Thế nhưng, vào giữa Thế Chiến Thứ Nhất, Mẹ Maria đã hiện ra một lần nữa, tại
Fatima nước Bồ Đào Nha 6 lần liền, vào ngày 13 trong tháng, từ Tháng 5 đến Tháng
10, năm 1917. Nơi biến cố Thánh Mẫu Fatima này chúng ta mới càng thấy hiện tỏ
hơn nữa Lòng Thương Xót Chúa nơi Mẹ, vì biến cố này chất chứa những yếu tố hay
dấu chỉ như là một dạo khúc mở màn cho Thời Điểm của Lòng Thương Xót Chúa. Chẳng
hạn như và điển hình nhất là:
Thứ nhất, vào lần hiện ra thứ ba, ngày 13/7/1917, sau khi tiết lộ toàn bộ Bí Mật
Fatima 3 phần, Mẹ Maria đã kêu gọi 3 em Thiếu Nhi Fatima là Lucia 10 tuổi,
Phanxicô 9 tuổi và Giaxinta 7 tuổi rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng
con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem mọi linh hồn lên thiên đàng,
nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn".
Thứ hai, vào lần hiện ra cuối cùng, ngày 13/10/1917, trước khi biến đi và không
bao giờ hiện ra ở Fatima nữa, như một lời trăn trối cuối cùng, với dung nhan
buồn thảm, Mẹ Maria đã kêu gọi đặc biệt Kitô hữu Âu Châu như sau: "Đừng xúc
phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều
lắm rồi". "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta" đây Mẹ muốn bao gồm cả Mẹ ở
trong đó, cố ý nói rằng Mẹ rất đau khổ khi thấy Chúa vô cùng yêu thương nhận
hậu bị xúc phạm, nhất là bởi thành phần Kitô hữu, đặc biệt ở Tây phương đang bị
khủng hoảng đức tin đến độ sát hại nhau một cách tàn nhẫn vô nhân đạo.
Thứ ba, "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta", theo tiến trình của Biến Cố Thánh Mẫu
Fatima, thì đó là Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã được Thiên Thần Hòa Bình hiện ra
với 3 em Thiếu Nhi Fatima 3 lần vào năm 1916, một vào mùa xuân, một vào mùa hè
và một vào mua thu, để dạy các em cầu nguyện đền tạ Người (lần 1), hy sinh đền
tạ Người (lần 2), và rước lễ đền tạ Người (lần 3).
Chẳng hạn, vào lần thứ nhất, Thiên Thần dạy cho các em kinh đền tạ Thánh Thể như
sau: "Lạy Chúa Trời Con, con tin kính Chúa, con thờ lạy Chúa, con trông cậy Chúa
và con yêu mến Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những người không tin kính Chúa, không
thờ lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa".
Hay vào lần thứ ba, các em đã bắt chươc thiên thần phục xuống đất mà nguyện
rằng: "Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ
lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của
Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ
những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin
vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên
Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải".
Thứ tư, đó là lý do khi hiện ra riêng với Chị Nữ Tu Lucia ngày 10/12/1925, Mẹ đã
xin thực hiện 5 Thứ Bảy đầu tháng liền để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội
Mẹ, một trái tim cảm thấy nhức buốt khi Mẹ cảm thấy "Chúa là Thiên Chúa của
chúng ta đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", bởi những tội vô ơn và lộng ngôn của
thành phần Kitô hữu, bằng 2 cặp điều kiện, đó là thực hiện việc xưng tội và rước
lễ (cặp 1), và còn thực hiện cả việc cầu Kinh Mân Côi cùng suy niệm 15 phút 15
Mầu Nhiệm Mân Côi. Cả 2 cặp điều kiện để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ
Maria này đều là những việc chứng tỏ tội nhân muốn trở về với Chúa (xưng tội
rước lễ), nhận biết Chúa (cầu Kinh Mân Côi) và nhớ ơn Chúa (suy niệm Mầu Nhiệm
Mân Côi).
Thứ năm, ở Bí Mật Fatima phần ba, một đoàn Kitô hữu, từ giáo hoàng, giám mục,
linh mục, tu sĩ đến giáo dân, sau khi leo lên ngọn núi dốc đứng và đang quì cầu
nguyện dưới chân cây thập tự giá lớn trên đỉnh núi thì bị một đám lính bất ngờ
xuất hiện bắn chết hết, để rồi máu của các vị đã được hai vị thiên thần ở hai
bên cánh Thánh Giá thu lại để vẩy trên những ai tiến đến cùng Thiên Chúa. Đây là
hình ảnh của "những ai theo Con Chiên đến nơi nào Con Chiên tới" (Khải Huyền
14:4), như Người Mẹ Tình Thương Maria "đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu" (Gioan
19:25) vậy.
Bí Mật Fatima phần thứ ba này đã hiện thực có thể nói cho đến tận thế những
gì đã được tiên báo trong Bí Mật La Salette (1846) và trong tác phẩm Thành Thực
Sùng Kính Mẹ Maria (ở những số 50-59) của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort),
vị thánh đã qua đời năm 1716 nhưng tác phẩm chỉ được tìm thấy vào năm 1842, sau
126 năm, đúng như thánh nhân tiên đoán. Cả hai, Bí Mật La Salette và Thánh Long
Mộng Phố, đều tiên báo về trận chiến quyết thắng giữa lực lượng satan tấn công
Giáo Hội với đạo binh dàn trận của Mẹ Maria.
Thứ sáu, vào ngày 13/6/1929, Mẹ Maria hiện ra với riêng Chị Nữ Tu Lucia lần thứ
hai và chị thấy một thị kiến được gọi là "ân sủng và tình thương", liên quan đến
Chúa Giêsu Thánh Thể và Lòng Thương Xót Chúa, như chị thuật lại trong Hồi Ký của
chị ở phần phụ bản như sau:
"Bỗng nhiên, cả nhà nguyện bừng sáng, không còn lờ mờ với ngọn đèn chầu nhà tạm
nữa. Một
thánh giá bằng ánh sáng hiện ra trên bàn thờ cao lên tới trần nhà nguyện. Phần
trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người
từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng;
bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác. Dưới cạnh sườn chút
xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung. Những
giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh
thánh và nhỏ vào chén thánh. Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô
Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay Mẹ. Bên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể
bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: 'Ân
Sủng và Tình Thương'".
Không ngờ, hơn 1 năm rưỡi sau, vào ngày 22/2/1931, Chúa Giêsu đã cho Chị Nữ Tu
Faustina thuộc Dòng Nữ Tu Đức Mẹ Tình Thương ở Balan thấy một thị kiến khác và
bảo chị hãy vẽ thị kiến ấy ra bằng cọ, và từ đó mới có Ảnh Lòng Thương Xót Chúa
cho tới nay. Như thế, như Chuỗi Kinh Mân Côi ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima đã được
Chúa Giêsu sử dụng để dạy Chị Thánh Faustina lần Chuỗi Thương Xót thế nào, thì
Thị Kiến Ân Sủng và Tình Thương của Đức Mẹ Fatima cũng có một liên hệ mật thiết
với Ảnh Lòng Thương Xót Chúa như vậy. Lòng Thương Xót Chúa nơi Mẹ Maria là như
thế.
Bài này đã được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phổ biến trong số báo Tháng 8/2015