SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014
2015
Đồng Công Linh Địa
"Linh địa" (chứ không phải "thánh địa") là một mảnh đất linh thiêng,
mảnh đất có tính chất thần linh, mảnh đất thần hiển (theophany), nơi
Thiên Chúa tỏ mình ra. Vậy trụ sở trung ương của Chi Dòng Đồng Công Hoa
Kỳ Carthage Missouri có phải là một linh địa hay chăng? Phần em, mỗi lần
về lại trụ sở này, em đều cảm thấy đây quả thực là một linh địa. Đúng
thế:
Vào mùa hè 1972, khi mà khu vực của Dòng Các Cha Thừa Sai Vô Nhiễm -
Obslate Fathers ở Carthage Missouri này bắt đầu trở thành một nơi không
còn người ở, thì khu vực vốn là một chủng viện này có biết rằng 3 năm
sau đó, 1975, nó trở thành chốn nương thân cho vừa đủ số 170 anh em
Dòng Đồng Công xuất ngoại hay chăng?
Vào năm 1971, khi Đức Bernard Law, vị giám mục trẻ được tấn phong làm
chủ chiên cho Giáo Phận Spingfield Cape Giradeau, một giáo phận chỉ có
3% Công giáo, có biết đâu rằng 4 năm sau, 1975, ngài sẽ được Đấng Quan
Phòng Thần linh sử dụng để bảo trợ cho tất cả mọi anh em Dòng Đồng Công
từ Việt Nam sang Hoa Kỳ?
Khi anh em Đồng Công từ khắp nơi được lệnh Anh Cả về Nhà Mẹ Thủ Đức để
tránh nạn cộng sản nam tiến đang ùa xuống từ Miền Trung, có ai trong
chúng ta đã nghĩ được rằng Dòng Đồng Công sẽ có thể vượt thoát nạn cộng
sản vô thần hay chăng, chứ chưa nói gì đến có được một nơi trú ngụ khang
trang để tu trì và truyền giáo như là một Đồng Công Linh Địa.
Khi anh em Đồng Công được lệnh tĩnh tâm chung tại Đệ Tử Viện Đồng
Công sáng ngày mùng 5/4/1975, để rồi sau bữa trưa đươc lệnh bề trên tổng
quyền thu đồ (không ai được báo cho nhà quê) và lên đoàn xe đò bấy giờ
kéo tới đậu đầy sân Đệ Tử Viện để cùng nhau xuống Phước Tỉnh thuộc Thị
Xã Bình Thuận, có ai trong chúng ta nghĩ được rằng anh em Đồng Công
sẽ được sang Hoa Kỳ và được đến sinh sống và hoạt động ở Đồng Công
Linh Địa Carthage Missouri này hay chăng?
Trong hơn 20 ngày (5/4 - 28/4/1975) bị kẹt tại Phước Tỉnh, sống chật
vật ở khu nhà nghỉ mát của Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán
ở Phước Tỉnh, và trong tâm trạng của hầu hết mọi người đều cảm thấy chán
chường thất vọng, khi mắt thì thấy tầu Mỹ ở ngoài xa khơi, trong khi tai
lại nghe qua radio rằng Mỹ chỉ đón rước 100 ngàn nhân viên làm cho họ
thôi, vào lúc ấy có thể nào tin được lời trấn an như đinh đóng cột của
Anh Cả: Các em đừng lo, khi nào việt cộng vào thì cứ chạy ra khơi thế
nào tầu Mỹ cũng sẽ đón, chứ chưa nói đến việc tưởng tượng ra
nổi một Đồng Công Linh Điạ Carthage Missouri thoạt thoáng nhìn hơi giống
cảnh Dinh Độc Lập Việt Nam.
Vào những ngày cuối cùng ở Việt Nam, tối Thứ Bảy 27/4 lúc chạy ra thuyền
khi nghe tin cộng sản vào, và sáng Chúa Nhật 28/4 bắt đầu lên thuyền
sang bên kia Bãi Dâu Bến Đá, rồi trưa Thứ Hai 29/4 đoàn thuyền đánh cá,
trong đó có các thuyền của anh em Đồng Công, bắt đầu ùa ra hải phận quốc
tế khi Bến Đá bị tấn công, bấy giờ có ai trong chúng ta cảm thấy hân
hoan vui sướng vì sắp sửa được đến ở khu vực Đồng Công Linh Địa này hay
chăng?
Trong thời gian hơn kém 10 ngày lênh đênh trên biển vào đầu tháng
5/1975, sống nheo nhóc trên mấy chiếc tầu hàng của Hoa Kỳ như Greenville
Victory, Green Forest và Poineer Commander, có ai trong chúng ta, từ tâm
trạng đầy hoang mang lo lắng không biết tương lai sẽ đi về đâu cho riêng
bản thân mình cũng như cho chung phái đoàn xuất ngoại Đồng Công, đã
thấy được một viễn ảnh Đồng Công Linh Địa Carthage Missouri chưa?
Trong thời gian sống ở Đảo Guam (hơn kém nửa tháng, từ 11 đến
18/5/1975) hay Wake Island (đúng 2 tháng rưỡi, từ 10/5 đến 25/7/1975),
rồi sau đó tản mát ở 3 trại tỵ nạn Pendleton California, Fort Chaffee
Arkansas và Indiantown Gap Pennsylvania, sinh hoạt trà trộn với đồng
bào, lo lắng tìm người bảo trợ, anh em Đồng Công có nghĩ rằng tất cả
sẽ cùng nhau được chung sống ở Đồng Công Linh Địa Carthage Missouri hay
chăng?
Thế rồi, thậm chí kể cả khi được cư ngụ ở chính Đồng Công Linh Địa này,
anh em Đồng Công hải ngoại có nghĩ rằng trụ sở chính của Chi Dòng Đồng
Công Hoa Kỳ, sau khi được Tòa Thánh chấp thuận vào năm 1980, lại chính
là Đồng Công Linh Địa này hay chăng, một khu vực được Dòng Các Cha Thừa
Sai Vô Nhiễm bán lại với giá tượng trưng 1/2 triệu mỹ kim, trong khi anh
chị em Tin lành địa phương muốn mua với giá 10 triệu!
Chưa hết, trong thời gian đầu ở Carthage Missouri này, năm đầu tiên
1975-1976, khi đang học Anh văn để có thể sinh sống tại Hoa Kỳ, và năm
1976-1977 là thời điểm anh em bắt đầu đi các nơi để học làm linh mục
(thần và triết) hay học nghề (in ấn) hoặc học lấy bằng cấp
(ở Springfield MO), thậm chí cho tới khi Dòng có 12 tân linh mục Việt
Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1977 v.v. có ai nghĩ được rặng
chính nơi mình trú ngụ đầu tiên tại Hoa Kỳ này sẽ trở thành một Trung
Tâm Thánh Mẫu sau này hay chăng, với Ngày Thánh Mẫu hằng năm?
Thậm chí cho đến sau mấy năm tổ chức Ngày Thánh Mẫu, một biến cố càng
ngày càng phát triển, càng có đông tham dự viên, càng thu hút được
cộng đồng dân Chúa khắp nơi, nhưng Ngày Thánh Mẫu đồng thời lại trở
thành gánh nặng cho chính nội bộ anh em dòng, chẳng những mệt mỏi khó
nhọc quá sức về thể chất, nhất là về tinh thần liên quan đến ơn
gọi, đến độ anh em đã phải đệ trình Đức Cha xin bãi Ngày Thánh Mẫu này,
thế mà qua ý của Đấng Bản Quyền địa phương cũng là vị đại ân nhân bảo
trợ cho dòng ở Hoa Kỳ, Ngày Thánh Mẫu vẫn tiếp tục cho tới ngày nay, với
con số tham dự đông chưa từng thấy, một con số vốn được ước lượng chừng
60-70 chục ngàn.
Như thế, trụ sở của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ ở Carthage Missouri không
phải chỉ là một Đồng Công Linh Địa đối với anh em Đồng Công mà còn đối
với cộng đồng dân Chúa nữa. Vậy lời trăn trối và sai đi của Đấng Sáng
Lập: "Các em đi để giữa lấy dòng và để truyền giáo" quả thực đã trở
thành hiện thực nơi chính Đồng Công Linh Địa này, nơi "Thiên Chúa là
Thần Linh" (Gioan 4:24) đã tỏ mình ra ở chỗ khiến cho chính anh em dòng
và cộng đồng dân Chúa cảm thấy lạ lùng, ở chỗ Dòng Đồng Công chẳng những
tồn tại mà còn phát triển cả về lãnh vực truyền giáo nữa. Và vì thế, anh
em Đồng Công xuất ngoại năm 1975 không phải chỉ để thoát nạn cộng sản mà
thực sự là một cuộc xuất hành / exodus - Lên Đường.
Đồng Công Xuất Hành (Exodus)
Có thể nói và phải nói rằng, theo Quan Phòng Thần Linh của Đấng
làm chủ lịch sử loài người, thì quốc biến cộng sản 1975 ở Việt Nam là
một cơ hội vô cùng hiếm quí cho biến cố Đồng Công Xuất Hành.
Trước hết, là vì trước năm 1975, Đấng sáng lập một hội dòng thuần túy
Việt Nam đầu tiên này đã có mộng thành lập một Chi Dòng hay Tỉnh Dòng ở
hải ngoại rồi. Bởi thế, quốc biến 1975 đã không phải là cơ hội ngàn vàng
cho ý định thành lập Chi Dòng hay Tỉnh Dòng của ngài trở thành hiện thực
hay sao? Có lẽ vì thế, vì chỉ có mộng lập một Chi Dòng, chứ không phải
di chuyển cả dòng, mà chỉ có một nửa (đa số là trẻ trung) đi được, còn
thành phần (lão thành cùng với chính Đấng sáng lập) ở lại để làm gốc làm
nền với tư cách là nhà mẹ của Chi Dòng hải ngoại.
Sau nữa, vì là một cuộc Xuất Hành, một cuộc Lên Đường mà trong các dòng
tu và hàng giáo sĩ Việt Nam, chỉ có Dòng Đồng Công có một nhân số vượt
thoát năm 1975 đông nhất. Và thời điểm lên đường được đàng hoàng tổ
chức này đã vào đầu Tháng 4 (ngày 5) theo như dự định của bề trên tổng
quyền, hơn là cuối tháng 4. Đúng thế, nếu cuộc lên đường này êm xuôi như
dự tính thì anh em Đồng Công sẽ ra Đảo Phú Quốc, rồi lánh nạn sang các
quốc gia Đông Nam Á (là vùng hầu hết theo Phật giáo) để truyền giáo, rồi
trở về sau khi hết quốc nạn cộng sản.
Sau hết, vì là cuộc Xuất Hành hợp với ý định của Thiên Chúa qua lệnh
sai đi của Đấng sáng lập: "các em đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo",
mà chính Ngài đã nhúng tay vào một cách rất lạ lùng, trong việc Ngài
sai đến với hơn 170 anh em Đồng Công xuất ngoại 1975 đông đảo đang bơ vơ
lạc lõng và đang sợ tan dòng này bấy giờ một vị đại ân nhân bảo trợ
là Đức Cha Bernard Law, một vị giám mục nghèo nhưng mạnh tin, đã lo liệu
cho bằng ấy anh em dòng có nhà ở, cơm ăn, áo mặc và học hành ít là
năm đầu tiên.
Chưa hết, cũng nhờ Đấng bản Quyền địa phương đại ân nhân bảo trợ này mà
nhóm anh em Đồng Công Xuất Hành năm 1975, sau 5 năm đã được Tòa Thánh
phê chuẩn thành Tỉnh Dòng, hoàn toàn hiện thực giấc mộng của Đấng sáng
lập, một cách không ngờ, ngoài sức tưởng tượng... nhờ quốc biến cộng sản
1975!
Với lực lượng hùng hậu về nhân số đã cùng nhau Xuất Hành nhờ
quốc biến cộng sản 1975, anh em dòng đã được mời gọi, qua Đức Cha
Brenard Law, cũng như từ ngài, qua các vị chủ chăn khác ở những giáo
phận có người Việt Nam tỵ nạn tại Mỹ quốc, đáp ứng và phục vụ cho nhu
cầu mục vụ của đồng đạo cũng là đồng hương của mình từ năm 1977,
thời điểm dòng có thêm 12 tân linh mục cũng là thời điểm còn rất hiếm
linh mục Việt Nam ở các nơi.
Sau biến cố 12 tân linh mục Đồng Công đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ
là biến cố Ngày Thánh Mẫu từ năm 1978, một biến cố bao giờ cũng được anh
linh mục Cố Vấn III đặc trách về truyền giáo đảm nhiệm, vì biến cố này
có tính cách tông đồ và truyền giáo: tông đồ cho nội bộ tín hữu Công
giáo Việt Nam, và truyền giáo cho chẳng những đồng bào Việt Nam hải
ngoại hằng năm kéo nhau tìm đến không ít mà còn cho cả anh chị em Kitô
hữu tại thành phố Carthage nhỏ bé đông đảo nhà thờ Tin Lành này.
Hiện Tượng Đồng Công Xuất Hành chẳng những đã hiện thực hóa ước mộng
Tỉnh Dòng của Anh Cả mà còn hiện thực cả ý định sai đi của anh để anh em
theo đuổi ơn gọi Đồng Công của anh và với anh giúp anh và cùng anh bảo
tồn dòng và phát triển việc truyền giáo của Dòng nữa, ở ngay tại một đệ
nhất cường quốc trên thế giới là Hoa Kỳ này.
Đồng Công Lý Tưởng
Tuy nhiên, sẽ chẳng bao giờ xẩy ra chuyện Đồng Công Linh Địa và Đồng
Công Xuất Hành, nếu không có Đồng Công Lý Tưởng! Tại sao?
Nếu Anh Cả lập dòng là để huấn luyện cho người Việt Nam nên thánh và có
thánh như ở Tây phương, thì Lý Tưởng Thánh Đồng Công chính là động lực
và là căn nguyên hiện hữu của hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên Đồng
Công này. Tức là, Dòng Đồng Công sẽ không bao giờ có trên thế gian này
và trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội Việt Nam nếu không
có Lý Tưởng Thánh Đồng Công.
Thế nhưng, Lý Tưởng Thánh Đồng Công là gì và như thế nào? Là cựu tu
sĩ Đồng Công, ai trong chúng ta cũng quá quen với thành ngữ này. Có ai
trong chúng ta đã nghe thấy Anh Cả định nghĩa về Lý Tưởng Thánh Đồng
Công là gì và ra sao chưa?
Riêng em, em chưa bao giờ trực tiếp nghe thấy từ Anh Cả, hay đọc thấy
từ những gì Anh Cả viết một cách minh nhiên và tỏ tường đâu là Lý Tưởng
Thánh Đồng Công! Chỉ căn cứ vào những gì được Anh Cả huấn luyện bản thân
mình và anh em dòng, em thấy rằng Lý Tưởng Thánh Đồng Công được thể
hiện ở 3 yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly sau đây:
1- Không coi bất cứ một sự gì hơn Lý Tưởng Thánh. Cho
dù là chức linh mục cao cả và cần thiết cho việc quản trị dòng và ban
phát các Bí Tích Thánh trong dòng. Cho dù là học vấn và bằng cấp là
những gì cần thiết cho việc truyền giáo chính yếu của dòng là dạy học,
là giáo dục, là đạo tạo tương lai cho đất nước, cho Giáo Hội v.v. Tu là
tu, là nên thánh, chứ không phải để làm linh mục hay để được học hành.
Thánh trên hết, cho dù không làm linh mục và chẳng học hành gì.
2- Chấp nhận mọi đau khổ thử thánh để theo đuổi Lý Tưởng Thánh cho đến
cùng.
Cho dù cả đời tu của mình có phải làm bếp, chăn heo, coi nhà gà, làm
vườn v.v. chăng nữa, không bao giờ được học hành hay được chọn học làm
linh mục, không có danh phận hay chức phận gì trong dòng. Trong khi đó,
thậm chí lại thấy những người anh em tu sau mình, có những anh em không
nhân đức bằng mình, có những anh em không tài cán bằng mình, có những
anh em không thông minh hơn mình v.v., mà lại thay nhau làm linh mục!
3- Hoàn
toàn tin tưởng phó thác để Chúa muốn làm gì thì làm bằng tinh thần bình
dân phục vụ anh em. Lý
Tưởng Thánh Đồng Công sáng
ngời nhất là ở chỗ này, và tột đỉnh của Lý Tưởng Thánh Đồng Công là ở
chỗ ấy. Ở chỗ tình nguyện trở thành "thụ động" để cho Chúa muốn làm gì
thì làm, như Mẹ Maria trong Biến Cố Truyền Tin: "Này tôi là tôi tớ Chúa.
Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền" (Luca 1:38), mà việc Chúa
làm bao giờ cũng là những gì tràn đầy yêu thương: "yêu cho đến cùng"
(Gioan 1:13), được thể hiện trước hết qua việc Chúa Kitô rửa chân cho
các môn đệ (xem Gioan 13:5), một hình ảnh yêu thương phục vụ đã trở
nên chính huy hiệu của Dòng Đồng Công.
Như thế, Lý Tưởng Thánh Đồng Công chất chứa tất cả Linh Đạo Đồng
Công, một linh đạo bao gồm 3
Tinh Thần chính của Dòng là Bỏ Mình (yếu tố 1 và 2 trên đây), Tận
Hiến và Yêu Nhau (yếu
tố 3 trên đây). Vẫn biết 3 Tinh Thần chính của Dòng đều quan trọng,
nhưng nổi bật nhất vẫn là Tinh Thần Yêu Nhau, hoa trái của cả Tinh Thần
Bỏ Mình lẫn Tinh Thần Tận Hiến. "Yêu Nhau" là cụm từ được chính Chúa
Kitô sử dụng: "Các con hãy yêu nhau như Thày đã yêu các con" (Gioan
15:12). "Yêu Nhau" cho dù có vẻ hướng nội (giữa anh em với nhau) nhưng
có tác dụng hướng ngoại như là một dấu chứng truyền giáo đích thực và
mãnh liệt nhất: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ
của Thày" (Gioan 13:35).
Vậy, nếu Dòng Đồng Công được hiện hữu là vì Lý Tưởng Thánh Đồng Công thì
lệnh sai đi của Đấng sáng lập để bảo tồn dòng và để truyền giáo cũng
chính là lệnh anh muốn sai anh em dòng đi để bảo tồn Lý Tưởng Thánh Đồng
Công và phát triển Lý Tưởng Thánh Đồng Công. Như thế, nếu ai đã từng
là Đồng Công mà còn theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công thì vẫn thuộc
về Đồng Công ở một nghĩa nào đó, thậm chí vẫn tiếp tục bảo tồn Dòng và
truyền giáo theo hoàn cảnh sống của mình, đến độ càng làm cho Dòng phát
triển sâu hơn nữa vào lòng đời qua thân phận giáo dân của thành phần cựu
tu sĩ Đồng Công.
Đồng Công Vốn Liếng
Thật vậy, nhìn chung, qua gìòng lịch sử tha hương 40 năm qua, ý nguyện
của Anh Cả sai anh em dòng đi để giữ lấy dòng và để truyền giáo kể
như đã thành tựu. Đó là nội bộ trong dòng nói chung và Chi Dòng Đồng
Công Hoa Kỳ nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ này,
nhất là đối với thành phần anh em thân hữu hầu hết là cựu tu sĩ Đồng
Công chúng ta... Tại sao thế? Theo em, tại vì ý nguyện bảo tồn dòng và
truyền giáo dầu sao cũng không thực sự ứng nghiệm và toại nguyện nơi mỗi
một người anh em chúng ta! Bởi việc xuất khỏi dòng của chúng ta! Không
biết quí anh có nghĩ như thế hay chăng?
Đúng vậy, không một ai trong anh em chúng ta khi bắt đầu bước chân vào
nhà dòng đã có ý định xuất tu. Ai cũng muốn dấn thân theo Chúa. Thế
nhưng, trong cuộc hành trình tu trì, chúng ta đã thay đổi, đã quay đầu
trở lại, đã hồi tục, về lại với trần gian. Như thế là trực tiếp chúng ta
không bảo tồn dòng và truyền giáo như Anh Cả mong muốn, và gián tiếp
chúng ta đã vô ơn bội nghĩa với Anh Cả một cách nào đó. Chỉ có lương tâm
chúng ta và Chúa biết.
Tuy nhiên, cho dù việc xuất tu của chúng ta có là một lỡ lầm chăng nữa,
theo sự quan phòng thần linh của Thiên Chúa, Đấng có thể biến dữ thành
lành, Đấng "làm cho mọi sự hòa hợp với nhau (makes all things work
together - theo kiểu zigzag puzzle) cho thiện ích của những ai được kêu
gọi theo ý định của Ngài" (Roma 8:28), con người cựu tu sĩ Đồng Công của
chúng ta và cuộc đời xuất tu của chúng ta ở ngoài đời, nếu vẫn còn
theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, thì bộ phận GPS thần linh vẫn có thể
tái định hướng (recalculate) chúng ta cho tới khi chúng ta đạt được Lý
Tưởng Thánh Đồng Công, đích điểm của việc "giữ lấy dòng và truyền
giáo".
Không phải hay sao, giờ đây anh em chúng ta hầu hết là giáo dân, một khi
chúng ta vẫn tiếp tục sống Lý Tưởng Thánh Đồng Công bằng Linh Đạo Đồng
Công là 3 tinh thần chính của dòng, cũng như bằng các phương tiện khác
của dòng mà chúng ta đã được hấp thụ từ khi còn trong dòng, thành
phần Đồng Công giáo dân chúng ta đã làm cho Dòng Đồng Công được Anh Cả
sáng lập có những vị thánh giáo dân Đồng Công.
Ý nguyện lập dòng cho người Việt Nam nên thánh của Anh Cả không phải chỉ
cho thành phần tu sĩ và linh mục trong dòng mà còn cho cả thành phần
giáo dân ở ngoài đời nữa. Đó là lý do Anh Cả, sau năm 1975, bắt đầu từ
năm 1978, đã thành lập tổ chức Gia Đình Đồng Công, sau đó ít
lâu được gọi là Gia Đình Tận Hiến Đồng Công. Vậy anh em thân hữu Đồng
Công chúng ta cho dù chưa gia nhập, hay không muốn gia nhập tổ chức giáo
dân chính thức theo Hiến Pháp của Dòng này, chúng ta vẫn có thể
theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công bằng chính vốn liếng chúng ta đã được
trang bị trong thời gian tu dài ngắn trong dòng của mỗi một người trong
chúng ta.
Thế nhưng, đâu là cái vốn liếng Đồng Công của chúng ta? Hiện tại cái vốn
liếng ấy như thế nào?
Vốn liếng Đồng Công em muốn nói đến ở đây bao gồm, trước hết là chính Lý
Tưởng Thánh Đồng Công và Linh Đạo Đồng Công với 3
tinh thần chính của Dòng là bỏ mình (tự ái và ý riêng), yêu nhau (bình
dân và phục vụ) và tận hiến (bé nhỏ và tín thác), và sau nữa là các
phương tiện để đạt đến Lý Tưởng Thánh ấy, như lòng tôn sùng Thánh Thể
(qua việc tham dự Phụng Vụ Thánh và lắng nghe Lời Chúa bằng việc hằng
ngày suy niệm mấy câu Phúc Âm), tôn sùng Thánh Mẫu (qua Kinh Mân Côi và
sống đời tận hiến nhờ Mẹ đến Chúa) và tôn sùng Đức Thánh Cha (qua
việc trung thành với Giáo Hội và vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian,
xây dựng nhiệm thể của Người bằng đời sống chứng nhân cùng các
hoạt động tông đồ).
Đồng Công Nằm Vùng
Riêng em, mỗi lần được bất cứ ai khen tặng, em đều tuyên xưng một câu
duy nhất, như nhiều anh em đã nghe: tất cả đều từ vốn liếng Đồng Công,
từ Cha Thủ! Chính Anh Cả là vị linh hướng huấn thánh cho em khi em còn
trong dòng. Thời gian ở Di Linh (1970-1972), hai lần em đã được anh huấn
thánh như thế này.
Lần nhất, vào năm 1971, ngay chính lúc em tình nguyện làm bếp vì thấy
anh đang vất vả tìm người làm nhiệm vụ này, nhưng anh đã nói ngay giữa
một số anh em đang quây quần bên anh rằng: "Tâm Phương mà làm bếp thì
quỉ cũng không ăn được". Thế mà, anh vẫn tin tưởng em khi sai em ra
Nhà Đá làm bếp vào đầu năm 1975 và làm bếp cho cả nhóm trung ương xuất
ngoại nữa.
Lần hai, vào mùa hè năm 1972, anh bất ngờ gọi em đến gặp anh sau điểm
tâm sáng, đi dọc theo hành lang hội trường (giữa phòng ngủ bên trên và
phòng ăn bên dưới). Anh đột nhiên giáng xuống trên em 3 tội phạm đến 3
lời khấn: 1- nghĩa riêng (liên quan đến lời khấn khiết tịnh), 2-
chống đối (liên quan đến lời khấn tuân phục), và 3- ham học (ở một nghĩa
nào đó liên quan đến lời khấn khó nghèo). Cảm thấy oan ức và cố minh oan
nhưng không được, em đã khóc không nói lên lời. Anh bảo "vậy có dám bỏ
học hay chăng?" Em đồng ý liền. Và em phải chịu hình phạt cho 3 thứ tội
này là: 1- sáng làm công tác (ngoài vườn), 2- chiều hồi tâm (trong nhà
nguyện), 3- tối câm lặng (khi họp đội khấn).
Mấy ngày đầu hồi tâm, em vẫn thấy mình hoàn toàn bị oan ức và cảm thấy
buốn tủi. Vì mình chỉ một lòng theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công, không
thiết một sự gì khác, luôn tình nguyện làm những việc thường hèn trong
dòng, một khi vừa biết ý bề trên v.v. Thế nhưng, sau đó, em đã chẳng
những lấy lại được bình an mà còn phấn khởi nữa, khi chợt hiểu được ý
nghĩa sâu xa của một câu Phúc Âm thường nghe, đó là câu: "hãy đến mà
ngồi vào chỗ cuối rốt" (Luca 14:10).
Ở đây Chúa không nói là "hãy chọn chỗ cuối rốt mà ngồi" như em vẫn
thường nghe, chính Anh Cả hay nói, mà là "hãy đến ngồi vào chỗ cuối
rốt". Tức là chỗ mà mình không "chọn", nhưng do Chúa "chọn" cho mình.
Nếu mình được quyền "chọn" lấy cho mình bất cứ điều gì như một người lớn
khôn ngoan thì những thứ ấy chưa chắc đã là chỗ cuối rốt, dù chúng ta
cho là chỗ cuối rốt, nhưng nhiều khi lại là ý riêng của chúng ta. Trái
lại, biết chấp nhận mọi sự theo ý muốn của Thiên Chúa như một con
trẻ thì những gì Chúa muốn cho mình mới chính là chỗ cuối rốt của
mình...
Thế rồi, theo chiều hướng của ánh sáng Lời Chúa ấy bừng lên trong đêm
tối tăm bấy giờ nơi em đã làm em thức tỉnh, đã xoay hẳn ý thức sống
tu đức của em, thì em được Anh Cả gọi vào phòng của anh, sau hơn 1 tháng
thử thách em. Anh bảo em một chuyện mà em hoàn toàn không ngờ, đó là bảo
em vào giúp tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt. Em giật mình khi nghe điều
này, và lần đầu tiên em bày tỏ nỗi do dự của em trước ý muốn táo bạo của
Anh Cả, nại lý do em đang phải cải thiện đời sống, kém tài sinh hoạt,
chẳng có bằng cấp gì (ngoài bằng tú tài 1 từ năm trước), trong khi đó
lại có nhiều anh em xứng đáng đem chuông đánh nước người hơn em. Anh Cả
cũng công nhận là "có nhiều anh em can anh đừng cho em đi... nhưng em
cứ đi, Chúa sẽ giúp em!"
Vâng, chính lòng tin tưởng của Anh Cả nơi em, qua việc anh tiếp tục
chỉ định em làm bếp dù quỉ không ăn được, cũng như qua việc sai em đến
phục vụ tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, mà nhờ đó, chính em cũng hết
sức tin tưởng vào Chúa Mẹ để làm một việc chưa bao giờ làm (dạy học, phụ
quản lý, phụ giám thị, đặc trách cứu thương v.v.), ở một môi trường hoàn
toàn mới lạ, môi trường giáo dục chủng sinh làm linh mục, môi trường cần
phải là mô phạm, nhưng lại là một việc không ngờ đã trổ sinh muôn
vàn hoa trái tuyệt vời ngoài sức tượng tượng của em.
Như vậy, chính việc Anh Cả thử thách và huấn thánh em, kèm theo lòng tin
của Anh Cả nơi em, cùng với thành quả chứng thực về niềm tin ấy của Anh
Cả, qua lần em tin tưởng dấn thân phục vụ 2 năm này (1972-1974), đã thật
sự trở thành nền tảng vững chắc cho cuộc đời hoạt động tông đồ giáo
dân thành công của em sau này. Vốn liếng Đồng Công nơi em từ sau khi
xuất dòng cho tới bây giờ và mãi mãi đó là, về nội tâm, hoàn toàn tin
tưởng Chúa Mẹ như một trẻ nhỏ (BVL: Bá Vũ Ly - Parvuli), và về
hoạt động, hết mình dấn thân phục vụ tha nhân.
Đúng thế, không biết các anh như thế nào, riêng em càng sống càng thấy
mình đích thực là Đồng Công, hoàn toàn bị ảnh hưởng Đồng Công và sặc
mùi Đồng Công, đến độ em hay nói với một số anh trong dòng: em là Đồng
Công nằm vùng (qua các việc tông đồ giáo dân theo tinh thần Dòng) và
là Đồng Công recyle (về giúp Chi Dòng một cách nào đó và ở một khía cạnh
nào đó, như phục vụ Gia Đình Tận Hiến Đồng Công Miền Tây Hoa Kỳ, hay
chia sẻ về Thánh Mẫu Fatima và Lòng Thương Xót Chúa trong các Ngày Thánh
Mẫu 2009-2014). Trong thời gian cuối đời của Anh Cả năm 2007, em đã suy
nghĩ rất nhiều về dòng, và càng nghĩ về dòng em càng thấm thía, và càng
thấm thía hơn khi sống ở một môi trường không Đồng Công!
Thú thật, nhờ vốn liếng Đồng Công này mà tâm phương em đây mới
có được ngày hôm nay, mới tồn tại cho tới bây giờ, để được ở cùng quí
anh vào lúc này đây, trong cuộc hội ngộ Thân Hữu Đồng Công kỷ niệm 40
năm tha hương trong chính Năm Đời Thánh Hiến của Giáo Hội: Ngợi
khen Chúa, Tri Ân Mẹ, Cám ơn Dòng và Tạ ơn Anh Cả. Amen.
tâm phương cao tấn tĩnh