SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

"Thày là sự sống lại"


Phụng Vụ Lời Chúa trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



 

Nếu trong Mùa Chay, nhất là từ Tuần Thư 4 trở đi, bao gồm cả Tuần Thánh, chủ đề chính yếu của phụng vụ Lời Chúa là Mầu Nhiệm Vượt Qua, hướng về (Mùa Chay) và cử hành (Tam Nhật Thánh) biến cố khổ giá và phục sinh của Chúa Kitô, tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa, thì trong Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa phản ảnh đúng như lời Chúa Kitô đã tuyên bố về bản thân Người "Thày là sự sống lại và là sự sống", một chủ đề có 2 phần: phần 1 "Thày là sự sống lại" cho Tuần Bát Nhật Phục Sinh, và phần 2 "Thày là sự sống" cho 6 tuần lễ còn lại của Mùa Phục Sinh (rồi chúng ta sẽ thấy).

Thật vậy, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa cho Tuần Bát Nhật Phục Sinh, kể từ ngày đầu tiên là Chúa Nhật Phục Sinh (ở Thánh Lễ ban ngày, chứ không phải Thánh Lễ Đêm Vọng Phục Sinh) đến ngày thứ 8 là Chúa Nhật thứ 1 sau Phục Sinh là chính Lễ Lòng Thương Xót Chúa, toàn là những bài Phúc Âm (bao gồm toàn bộ 4 cuốn, nhưng chính yếu là Phúc Âm Thánh ký Gioan có 4 trong 8 bài mà 2 bài chính vào 2 Chúa Nhật đầu và cuối Tuần Bát Nhậtđược Giáo Hội cố ý chọn đọc về các lần Chúa Kitô sau khi sống lại từ trong cõi chết hiện ra khác nhau theo thứ tự thời gian, như sau:

Trong các bài Phúc Âm đều cho thấy việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra là để chẳng những chứng thực Người đã sống lại đúng như Thánh Kinh và lời Người đã báo trước, mà còn để trở thành sứ vụ loan báo của thành phần chứng nhân tiên khởi là các tông đồ nữa, đúng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo về mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly giữa Ngài và Giáo Hội Truyền Giáo: "Thần Chân Lý từ Cha mà đến và là Đấng chính Thày sẽ sai đến từ Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thày. Các con cũng phải làm chứng về Thày, vì các con đã ở với Thày ngay từ ban đầu" (Gioan 15:26-27). 

 

Đó là lý do bài đọc 1, trong suốt Mùa Phục Sinh, không trích từ Cựu Ước, mà toàn là Sách Tông Vụ, thứ tự được Giáo Hội trích đọc từ đầu đến cuối (trừ Chúa Nhật Phục Sinh ở đoạn 10 là đoạn được coi là tổng hợp), và cuối lại là đầu (với biến cố Hiện Xuống vừa kết thúc Mùa Phục Sinh vừa mở màn Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh), một cuốn sách có thể nói là Phúc Âm về Thánh Linh liên quan đến Sứ Vụ Truyền Giáo của Giáo Hội. 


"Thày là sự sống lại" ở 4 Phúc Âm Tuần Bát Nhật PS


 

 

Thánh thi (Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tuần Bát Nhật Phục Sinh - bản của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh)

 

Ðoàn áo trắng mau chỉnh tề hàng ngũ,

Ðã vượt qua Hồng Hải thật diệu huyền,

Hãy tiến vào dự yến tiệc Con Chiên

Dâng lên Ðức Kitô lời ca ngợi!

Cùng nếm thử, nào anh em ta hỡi

Thánh Thể Ngài trên thập tự hiến dâng

Uống cho say ly bửu huyết đỏ hồng

Ðể ta sống cho Chúa Trời mãi mãi.

Ôi phúc cả ! Ðêm dài Vượt Qua ấy

Lúc thiên thần chinh phạt khắp dân Ai,

Bỗng vùng lên đoàn dân thánh của Ngài

Thoát xiềng xích Pharaô độc dữ.

Chiên Vượt Qua là Kitô Ðức Chúa

Ðổ máu đào vô tội cứu sinh linh

Này bánh không men nuôi dưỡng lòng thành

Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục lụy.

Ôi Tế Vật từ trời cao giáng thế,

Duy mình Ngài phá vỡ ngục âm ty

Bao tù nhân, Ngài giải phóng đưa về

Rồi ân thưởng phúc trường sinh bất diệt!

Tử thần hỡi, từ đây ngươi đã chết

Lúc Con Người ra khỏi mộ hiên ngang,

Chúa phục sinh khi mở cửa thiên đàng

Ðã ra lệnh giam ngươi vào ngục tối!

Ôi Giêsu, chúng con hằng mong mỏi

Ngài trở thành niềm hoan lạc Vượt Qua

Ðã tái sinh thì xin lượng hải hà

Cho gia nhập đoàn hùng binh chiến thắng!

Muôn vinh hiển, dâng lên tòa cao sáng

Kính tôn Cha và Thánh Tử phục sinh

Hằng trị vì cùng với Chúa Thánh Linh

Từ muôn thuở đến thiên thu vạn đại.

 

Theo phụng niên của Giáo Hội có hai mầu nhiệm được cử hành ở bậc Lễ trọng thể nhất, có tuần bát nhật trước cũng như sau chính đại lễ, đó là Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Phục Sinh. Vì hai mầu nhiệm này đều cử hành vào nửa đêm: Đêm Giáng Sinh và Đêm Phục Sinh. Bởi Ngôi Lời giáng sinh vào nửa đêm và Chúa Kitô cũng phục sinh vào nửa đêm. Tại sao vậy?

 

Tại vì, nơi Mầu Nhiệm Giáng Sinh, "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5), "chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5) là thế gian nơi "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), như để xua tan bóng đêm tội lỗi và sự chết gây ra bởi nguyên tội trên thế gian và nơi loài người, như lấy lành thắng dữ lấy thiện báo oán.

 

Và vì, nơi Mầu Nhiệm Phục Sinh, Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian... ánh sáng ban sự sống" (Gioan 8:12), đã đi từ bóng tối ra ánh sáng, như muốn biến dữ thành lành, biến án thành thiện, ở chỗ, Người đã để cho sự dữ tội lội và sự chết chụp bắt, nơi thân xác khổ nạn và tử giá của Người, để nhờ đó, cũng bằng thân xác của mình, một thân xác đã thực sự bị chết đó, Người đã biến sự chết thành sự sống và tội lỗi thành ân sủng.

 

Đó là tất cả Sứ Điệp Phục Sinh (Chúa Nhật Phục Sinh, đầu Tuần bát Nhật) cũng là Sứ Điệp của Lòng Thương Xót Chúa (Chúa Nhật II Phục Sinh, cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh).

 

Chúa Nhật Phục Sinh (Gioan 20:1-9) 


Cho dù trong bài Phúc Âm của ngày thứ 1 trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh hôm nay vẫn chưa thấy Thánh ký Gioan thuật lại rõ ràng Chúa Kitô hiện ra lần đầu tiên về thể lý trước mắt các môn đệ của Người như các lần sau này
, nhưng vị Thánh ký này đã cho thấy một Chúa Kitô quả thực đã sống lại rồi trước con mắt đức tin của ngài là một người môn đệ được Người yêu đã trung kiên với Người cho đến cùng ở dưới chân cây thập tự giá

 

 

 


"Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó... Ông thấy và ông tin... theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết".

 

Phải chăng hai môn đệ chạy ra mồ đây, Phêrô và Gioan, là hai người môn đệ tiêu biểu cho hai thần đức quan trọng, đó là đức tin và đức mến?

 

Có thể nói môn đệ Phêrô tiêu biểu cho đức tin, ở chỗ vị môn đệ này đã đại diện cho tông đồ đoàn tuyên xưng đức tin: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), và là người môn đệ chối bỏ đức tin nên đã được Thày cầu nguyện cho để có thể hoàn thành sứ vụ củng cố đức tin cho anh em của mình (xem Luca 22:31-32).

 

Nếu môn đệ Phêrô tiêu biểu cho đức tin thì môn đệ Gioan tiêu biểu cho đức mến, ở chỗ, người môn đệ được ngả vào ngực của Thày trong Bữa Tiệc Ly (xem Gioan 13:24-25), và là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 19:26, 20:2, 21:7,20), nhờ đó chỉ có người môn đệ này mới cảm nghiệm được "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) và mới nhấn mạnh đến đức ái trọn hảo trong Thư của ngài theo tinh thần của giới răn mới của Thày là "các con hãy yêu thương nhau như Thày yêu các con" (Gioan 13:34; 15:12).

 

Chính vì môn đệ Gioan tiêu biểu cho đức ái, liên quan đến con tim cảm xúc của con người, bao giờ cũng bén nhậy hơn đức tin là thần đức liên quan đến trí khôn hiểu biết cần đến suy luện và lý lẽ của con người, mà môn đệ Gioan chẳng những, về thể lý, đã "chạy nhanh hơn" môn đệ Phêrô, mà còn, về tinh thần, tin tưởng nhanh hơn môn đệ Phêrô, ở chỗ "thấy và tin", cho dù môn đệ Gioan này vào trong mồ sau môn đệ Phêrô, trong khi môn đệ Phêrô tiến vào mồ trước mà vẫn còn chưa hoàn toàn tin tưởng, ở chỗ, theo Thánh ký Gioan cho biết thì ngài quan sát hiện tượng ở trong mồ bấy giờ, và theo Thánh ký Luca thì sau khi quan sát ngài "cảm thấy lạ lùng về những gì đã xẩy ra" (Mathêu 24:12), thế thôi.

 

Ngoài sự kiện môn đệ Gioan "chạy nhanh hơn" môn đệ Phêrô, như được suy diễn trên, còn một sự kiện khác nữa đáng chú ý, đó là môn đệ Gioan dù tới mồ trước nhưng vẫn không tự động bước vào bên trong trước, mà chờ cho tới khi môn đệ Phêrô vào rồi mới vào theo. Bởi vì, đức mến, được tiêu biểu nơi môn đệ Gioan, cần phải có nền tảng đức tin chứ không phải chỉ thuần tác hành và phản ứng theo cảm xúc tự nhiên của con người. Ở đây chúng ta thấy hai yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly của Giáo Hội, đó là yếu tố phẩm trật (quản trị) nơi môn đệ Phêrô là vị lãnh đạo tông đồ đoàn với vai trò là một chủ chiên, và yếu tố đặc sủng (nội tâm) nơi môn đệ Gioan là vị được những ơn đặc biệt (xem Gioan 21:21-23), như các thị kiến huyền nhiệm về dự án thần linh đặc biệt liên quan Giáo Hội được ngài thuật lại trong sách Khải Huyền.

 

 

 

Thứ Hai Bát Nhật (Mathêu 28:8-15)

 

Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Tuần Bát Nhật có những bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc để chứng tỏ "Thày là sự sống lại", chủ đề của chung Tuần Bát Nhật Phục Sinh, mà chúng ta sẽ thấy, theo thứ tự thời gian về những lần Chúa Giêsu hiện ra, trong suốt Tuần Bát Nhật này. Hôm nay, Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, Giáo Hội chọn bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại lần hiện ra đầu tiên của Chúa Kitô Phục Sinh, không phải là với chính các tông đồ mà là với các phụ nữ thuộc thành phần môn đệ đi theo phục vụ Người khi Người còn sống.

 

Thật vậy, theo bộ Phúc Âm Nhất Lãm thì có một số phụ nữ theo Chúa Kitô khi Người còn sống, bao gồm cả Mai Đệ Liên, những người phụ nữ đơn sơ chất phác đạo hạnh này đã ra mồ từ sáng sớm, nhưng chỉ thấy ngôi mồ trống, rồi lại vừa thấy và vừa nghe thiên thần báo tin rằng Chúa Kitô đã sống lại, cần phải báo tin cho các môn đệ của Người. Thế nhưng có duy Thánh ký Mathêu mới thuật lại sự kiện Chúa Kitô phục sinh lần đầu tiên hiện ra, và hiện ra với các bà như sau:

 

 

 

 


 

"Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: 'Chào các bà'. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: 'Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta'".

 

Trong biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần đầu tiên với các người nữ này chúng ta thấy mấy điều đặc biệt như sau:

 

Trước hết, các bà quả thật là quá dễ tin. Vừa thấy Chúa và nghe Chúa nói "chào các bà" "các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy", trong khi đó, các tông độ là thành phần được tuyển chọn làm chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, thành phần được Người tỏ mình ra cho hơn các người phụ nữ này nhiều, ấy thế mà, như các bài Phúc Âm cuối Tuần Bát Nhật Phục Sinh này cho thấy, các vị rất khó tin Người sống lại, cho dù Người có tỏ tường hiện ra với các vị, băng qua cửa đóng kín, cho các vị thấy các dấu tích của Người, ăn uống trước mặt các vị, và lấy Thánh Kinh minh chứng về Người. Các vị chỉ tin sau khi được Chúa Kitô Phục Sinh soi lòng mở trí cho mà hiểu Thánh Kinh mà thôi (xem Luca 24:45).

 

Chính vì tình trạng các tông đồ khó tin như thế mà chúng ta mới thông cảm được hiện tượng vùi dập đức tin của thành phần lãnh đạo Do Thái giáo bấy giờ khi được chính đám lính do họ đích thân sai đến canh mồ đề phòng môn đệ của người chết lấy trộm xác đi (xem Mathêu 27:62-66) báo cho biết rằng xác của người chết đã biến mất thì họ mua chuộc đám lính canh này mà phao tin bậy để đánh lạc hướng dân chúng cho tới bây giờ, như chính Thánh ký Mathêu thuật lại ở đoạn cuối của bài Phúc Âm hôm nay.

 

Thánh thi (Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai Các Chúa Nhật trong Mùa Phục Sinh - bản của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh)

 

Vầng Ðông dậy, ánh hồng gieo rắc

Chốn thiên cung nhã nhạc vang hòa,

Dưới trần khắp cõi âu ca

Quỷ trong địa ngục kêu la hãi hùng.

 

Ấy Vua Cả oai phong lẫm liệt

Cõi âm ty: hủy diệt tiêu tan,

Chân Người dẫm nát tử thần

Tù nhân đau khổ ân cần đưa lên.

 

Ngoài cửa mộ ngày đêm lính gác

Tảng đá to đã lấp lối vào.

Chúa từ cõi chết thẳm sâu

Hiệu kỳ chiến thắng phất cao khải hoàn.

 

Ðã im bặt câu than tiếng khóc,

Ðã hết rồi cảnh ngục thê lương,

Sứ thần áo trắng vui mừng

Loan tin Chúa đã oai hùng phục sinh.

 

Xin cho mọi lòng thành hoan hỷ

Mãi muôn đời mừng lễ Vượt Qua

Tái sinh ơn nghĩa chan hòa

Vang vang khúc khải hoàn ca reo hò.

 

Muôn lạy Chúa Giêsu từ ái

Ðấng lừng danh đánh bại tử thần,

Ngàn đời hiển trị muôn dân.

Cùng Ngôi Thánh Phụ Thánh Thần quang vinh.

 

Sau nữa, trong sứ điệp nhắn gửi các môn đệ của Người qua các bà, Chúa Giêsu muốn các bà nói với các vị là thành phần bấy giờ Người gọi là "anh em Ta" "phải trở về Galilêa gặp Ta ở đó". Tại sao vậy? Tại sao các môn đệ giờ đây, sau khi Người sống lại, trở thành "anh em" của Người, còn hơn là "bạn hữu" của Người trước đó nữa (xem Gioan 15:15), phải chăng là vì nhờ việc phục sinh của Người mà họ "được tái sinh bởi trên cao" (Gioan 3:3) hay "được tái sinh bởi nước và Thánh Linh" (Gioan 3:5), một Thánh Linh chính Người sẽ thông ban cho các vị khi hiện ra với các vị lần đầu tiên vào tối ngay thứ nhất trong tuần sau đó cùng ngày (xem Gioan 20:22).

 

Còn về sứ điệp Chúa Kitô Phục Sinh muốn các "anh em" của Người gặp lại Người ở "Galilêa" là vì Galilêa là nơi xuất phát của Người, không phải là vùng đất có quê quán Nazarét của Người mà còn là vùng đất có nhiều dân ngoại chung sống với dân Do Thái, vùng đất Người xuất hiện như ánh sáng chiếu trong u tối được Thánh ký Mathêu là tác giả của bài Phúc Âm hôm nay đã ghi nhận như vậy (4:15-16), nơi Người bắt đầu lời rao giảng tiên khởi của Người: "Hãy hoán cải đời sống! Nước Trời đã đến" (Mathêu 4:17). Nghĩa là Chúa Kitô muốn các "anh em" của Người "về nguồn" để từ đó Người ban lệnh truyền giáo cho các vị là "Hãy đi tuyển mộ các môn đồ ở khắp mọi dân nước..." (Mathêu 28:29).

 

Thật ra, trong lệnh truyền truyền giáo trước khi Chúa Kitô Vượt Qua thăng thiên (xem Tông Vụ 1:8), Người hoàn toàn không đề cập gì đến "Galilêa", trong khi Người lại bao gồm tất cả mọi nơi khác: "từ Giêrusalem cùng khắp Giuđêa và Samaria cho tới tận cùng trái đất". Phải chăng "Galilêa" là vùng đất chính Người đã chẳng những đích thân tỏ mình ra mà còn sai các tông đồ và môn đệ đi rao giảng, cả Thày lẫn trò đều "cho con chiên lạc Israel" (xem Mathêu 10:6,15:24), và chính thành phần con chiên lạc nhà Isarael này, theo Thánh Ký Luca, đã kéo theo đồng hành với Người trong cuộc hành trình tiến về Giêrusalem?

 

Tuy các tông đồ quả thực có về Galilêa, như Thánh ký Mathêu chứng nhận (xem 28:16), như để nhận lệnh truyền giáo của Chúa Kitô Phục Sinh ở ngay tại nơi xuất phát truyền giáo của Người, nhưng công cuộc truyền giáo của các vị, theo Thánh ký Luca ghi nhận lời của Chúa Kitô Phục Sinh phải được bắt đầu từ Giêrusalem (xem Luca 21:49; Tông Vụ 1:8) là giáo đô của Do Thái giáo và là nơi Chúa Kitô hoàn thành cuộc Vượt Qua của Người, nơi Người Thăng Thiên (ở Bêthany xem Luca 21:50) và là nơi Người từ Cha sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ vào Ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Tông Vụ 2:1-4), như chúng ta sẽ thấy qua các bài đọc Lễ Thăng Thiên (Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh) và Hiện Xuống (Chúa Nhật kết Mùa Phục Sinh và mở màn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh).

 

 

Thứ Ba Bát Nhật (Gioan 20:11-18)

Nhân vật chính trong các phụ nữ ra thăm mộ Chúa Kitô từ sáng sớm là Mai Đệ Liên, có thể chị là người đầu tiên rồi các bà khác ra sau nhập bọn, và chị là người cuối cùng ở lại bên mộ Chúa để tìm cho bằng được xác của Vị Sư Phụ vô cùng kính mến của chị, thế mà, khi chị được chính Người hiện ra và tai của chị nghe được rõ tiếng của Chúa mà chị lại cứ tưởng là người làm vườn nào đó, cho tới khi chị được chính Người gọi đích danh của chị:  

 

 


"
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con". Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy". 

 

Thánh thi (Giờ Kinh Sáng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh - bản của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giò Kinh)

 

Gió sớm lâng lâng quyện sáng về,

Trong bình minh nhuốm sắc pha lê,

Thấp thoáng bóng chân người thôn nữ,

Viếng mồ chẳng ngại dẫm sương khuya.

 

Vội vã dầu thơm đặt cạnh mồ,

Nhưng kìa ai lật tảng đá to?

Khăn liệm xếp đây: sầu tuyệt vọng!

Xác Người đã lạc mất phương mô?

 

Buồn ngấm hàng mi lệ ứa trào

Hương lòng thờ kính gửi trời nao?

Tín đồ mất Chúa, ôi cô quạnh!

Mỏm đất trơ vơ, cả huyệt sầu.

 

Thoạt đâu gió đẩy đất rung rinh,

Thôn nữ sầu tan vội ngoảnh nhìn:

Hai người xiêm áo in màu tuyết

Reo vang: "Con Chúa đã phục sinh!"

 

Thôi cả trào vui ngập biển lòng,

Thả buồn cho gió cuốn mông lung;

Xăm xăm quay gót băng đồng nội,

Thôn nữ vui mừng vượt nắng trong.

 

Ôi Chúa phục sinh, phút rợn trời,

Thảo nào đêm dậy ánh sao tươi,

Gió đàn, hương ngát trăng kiều diễm

Hòa tấu lừng uy đón đợi Người!

 

 

 

Tuy nữ nhân vật Mai Đệ Liên được bộ Phúc Âm Nhất Lãm liệt kê vào số những người phụ nữ ra mồ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, như thể các bà suốt đêm không ngủ, chỉ chờ đến sáng, qua ngày hưu lễ, để ra thăm mộ của Đấng các bà kính mến và thương quí, nhưng, căn cứ vào các chi tiết được thuật lại ở cả bộ Phúc Âm Nhất Lãm cũng như Phúc Âm Thánh ký Gioan thì Mai Đệ Liên dường như là người ra mộ sớm nhất, đi một mình chứ không đi chung với các bà kia.

 

Bởi thế, theo Phúc Âm Thánh Gioan của chính Chúa Nhật Phục Sinh Lễ Rạng Đông thì Mai Đệ Liên đã chạy về báo tin ngay cho các tông đồ và vì thế 2 môn đệ đại diện là Phêrô và Gioan đã chạy ra mộ (xem Gioan 20:1-10). Còn các bà kia ra sau cũng chạy về báo tin cho các tông đồ, như Phúc Âm Thánh Luca thuật lại ở Lễ Vọng Phục Sinh Chu Kỳ Năm C, thì bấy giờ chỉ có môn đệ Phêrô chạy ra mồ (chắc lần thứ hai) và lần thứ hai này có thể đã làm cho người môn đệ ấy "cảm thấy lạ lùng" hơn lần thứ nhất.

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan hôm nay cho thấy lần hiện ra thứ hai của Chúa Giêsu, sau khi hiện ra cho chung các bà trong bài Phúc Âm hôm qua, cho riêng một mình Mai Đệ Liên, người phụ nữ ra mồ sớm nhất và đã chạy về báo cho các tông đồ, nhưng sau khi hai môn đệ Phêrô và Gioan từ mộ trở về thì chị vẫn tiếp tục ở lại mồ để "khóc" vì không thấy xác của Đấng chị đã từng được diễm phúc xức dầu thơm hai lần (xem Luca 7:37-38; Gioan 12:3) khi Người còn sống, và nhất định tìm cho bằng được thi thể vô cùng cao trọng của Người: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người".

 

Ở đây chúng ta mới thấy rằng cái tiền thức về Chúa Kitô là một con người đã chết và cái niềm tin về người chết chỉ sống lại vào ngày tận thế (xem Gioan 11:24) chứ không phải trước ngày tận thế đã hoàn toàn chi phối chính bản thân của một con người hết sức thiết tha kính mến Chúa Kitô, tha thiết tìm kiếm Người, nên chắc chắn có một cảm giác rất bén nhậy về Người, như "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" là Gioan, thế mà khi nghe thấy tiếng của Người, chị vẫn không nhận ra ngay lập tức, mà lại "tưởng là người giữ vườn". Cho đến khi, phải, cho đến khi chị nghe Người gọi đích danh tên của chị: "Maria".

 

Đúng thế, Thiên Chúa thường tỏ mình ra cho chung con người, nhưng đồng thời Ngài cũng tỏ mình ra cho từng người nữa, để họ cảm nghiệm thần linh về Ngài như Ngài tỏ mình ra cho họ, nhờ đó họ có thể trở thành chứng nhân trung thực của Ngài và cho Ngài. Cách thức Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người khiến họ dễ nhận ra nhất và cảm kích nhất đó là chạm đến đời tư của họ, như Chúa Kitô đã chạm đến đến tư của người phụ nữ Samaritanô sống với 6 người đàn ông không phải là chồng của chị (xem Gioan 4:16-18).

 

Ở đây, Chúa Kitô đã chạm tên gọi của chị Mai Đệ Liên, khiến chị nhận ngay ra Người và trở thành chứng nhân của Người và cho Người: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy". Đó là "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con". Chị đã làm chứng trước mặt các tông đồ là thành phần được chính Chúa Kitô tuyển chọn để làm các chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người. Và vì thế, vì chị đã được Chúa Kitô Phục Sinh tuyển chọn để về báo tin cho các tông đồ và làm chứng về sự kiện Người đã sống lại thật như thế mà chị đã được gọi là "tông đồ của các tông đồ / the apostle of apostles". Và đó cũng là lý do Vị Giáo Hoàng Thương Xót Phanxicô này đã nâng Lễ Thánh Mai Đệ Liên 22/7 từ bậc lễ nhớ (memorial) lên bậc Lễ Kính (feast), ngang với lễ của từng vị tông đồ, một lễ buộc phải làm (chứ không buộc làm như bậc lễ nhớ), bao gồm các bài đọc kèm theo lời cầu nguyện riêng về vị thánh này, có cả Kinh Vinh Danh long trọng nữa. 

 

Hình như chỉ có những ai đã từng có một cái gì đó tiêu cực mới được Chúa gọi đích danh. Điển hình nhất có "Matta"  (Luca 10:41) lo lắng bối rồi nhiều chuyện nên ghen với Maria em mình, hay viên trưởng ban thu thuế lùn "Giakêu" trước khi thống hối ăn năn (Luca 19:5), hoặc "Simon" (Luca 22:31) để báo trước cho vị môn đệ sắp chối Thày 3 lần, hay "Philiphê" (Gioan 14:8) là người môn đệ xin Thày tỏ cho biết Cha trong khi chính Thày là hiện thân của Cha, hoặc "Saulê" (Tông Vụ 26:14) khi nhân vật Pharisiêu nhiệt thành này đang hung hăng bắt bớ Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, hay "Lazarô" là một tử thi chết đã 4 ngày, tiêu biểu cho hậu quả tội lỗi của con người cần được cứu độ. Riêng chị Mai Đệ Liên ở trong bài Phúc Âm này,Chúa Kitô không gọi tên của chị khi chị đang sống cuộc đời bê tha tội lỗi mà là vào lúc chị đã trung thành theo Chúa cho đến cùng.

 

Ở đây chúng ta còn thấy rằng những lời Chúa Kitô phán về thành phần mẹ của Người và anh chị em của Người, mà bấy giờ Người chỉ vào thành phần các môn đệ của Người (xem Mathêu 12:49-50), nay đã được ứng nghiệm nơi lời Người phán với chị Mai Đệ Liên: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con". Bởi vì, Người sống lại để ban cho họ sự sống, sự sống thần linh của Thiên Chúa, qua Thánh Thần Người thông truyền ra cho các vị (xem Gioan 20:22), nhờ đó các vị được hiệp nhất nên một với Người, "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21). 

 


Thứ Tư Bát Nhật (Luca 24:13-35)

"Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra". Và tâm tình chia sẻ có vẻ tiêu cực và bi quan của hai vị đã được vị khách lạ trấn an bằng những lý lẽ Thánh Kinh, khiến các ông cảm thấy an lòng và ấm lòng, cho đến khi, qua cử chỉ quen thuộc của Người, họ mới nhận ra vị khách lạ vừa biến khuất khỏi mắt họ đó chính là Chúa Kitô.

 


"Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất". 

 

Theo thứ tự thời gian thì đây là lần hiện ra thứ ba của Chúa Kitô sau khi Người sống lại từ trong cõi chết. Cả 3 lần, kể cả lần ngày mai là thứ 4, đều xẩy ra vào cùng một ngày, ngày thứ nhất trong tuần. Hình như ba lần đầu, hiện ra có vẻ lẻ tẻ với thành phần môn đệ, cả nữ lẫn nam, không phải là chính các tông đồ, Chúa Kitô như muốn dọn đường hay dọn lòng cho các tông đồ để các vị khỏi quá bỡ ngỡ bàng hoàng khi gặp lại Người ở một dạng thức khác, và nhờ đó dễ tin vào người hơn.

 

Riêng trong lần hiện ra thứ ba với hai môn đệ đang đi về làng Emmau ở bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn trấn an các vị là thành phần môn đệ nam, thành phần mà, theo phái tính, vốn nghiêng về lý trí hơn tình cảm và trực giác như nữ giới, như hai trường hợp xẩy ra cho phái nữ ở hai bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia, nên Người cần phải lấy chính Thánh Kinh để nói chuyện với thành phần môn đệ phái nam này.

 

Tuy nhiên, họ vẫn không nhận ra người khách lạ mặt có vẻ chẳng biết gì về biến cố cả thể xẩy ra làm náo động cả Giêrusalem lên như thế, mà lại là một người khách lạ thông thuộc và nắm vững Thánh Kinh đến độ lấy chính Thánh kinh để chứng thực cho các vị về sự kiện sống lại không thể nào không xẩy ra của Đấng các vị trông đợi như một Đấng Thiên Sai: "Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel".

 

Đúng thế, chính vì niềm hy vọng không hoàn toàn xác thực này mà các vị nói riêng và thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói chung đã cảm thấy quá ư là "buồn bã", đến độ chán chường thất vọng hình như hai người môn đệ này đã có ý định bỏ cuộc mà trở về quê quán Emmau của mình. Thật ra, chính vì niềm hy vọng của họ có tính cách chủ quan cố hữu thiên về chính trị mà họ đã không thể nào không tuyệt vọng khi thấy Đấng mà họ đầy lòng tin tưởng và trông mong, nhất là khi Người vinh quang khải hoàn tiến vào Thành Thánh Giêrusalem, lại chính là Đấng không thể xuống khỏi thập tự giá, đã bị giết chết và được mai táng trong mồ như bất cứ một phàm nhân nào, và đến ngày thứ ba rồi mà vẫn chưa thấy chẳng thấy bóng dáng Người đâu:

 

"Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".

 

Để củng cố niềm tin cho hai môn đệ hình như nản chí nhất này, đến độ họ đã dám ra khỏi căn phòng khóa kín là nơi thành phần môn đệ của Đấng đã bị giết chết một cách dã man tàn ác đang cùng nhau trú ngụ một cách sợ sệt, họ như không còn biết sợ hãi thành phần sát hại Đấng mà họ theo đuổi nữa, vì nếu họ có bị nhóm này chặn lại thì họ chỉ cần trả lời rằng "chúng tôi không còn thuộc về nhóm của kẻ chết nữa", thế là xong, chắc chắn họ sẽ không bị làm khó dễ hay bách hại.

 

Thế nhưng, họ đâu có ngờ rằng, chính lúc họ tuyệt vọng và bỏ về như thế họ lại gặp được ngay Đấng họ tưởng rằng họ không bao giờ còn được gặp lại trên trần gian này nữa. Và giây phút họ nhận ra Người là lúc họ thấy được cử chỉ thân quen của Người vẫn làm trước mắt các môn đệ, đó là: "Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông". Rõ ràng là lần hiện ra thứ ba này, mục đích của Chúa Kitô là để củng cố đức tin cho 2 môn đệ ấy: "Mắt họ sáng ra và nhận ra Người".

 

Để rồi, cho dù Người không sai phái các vị phải trở về loan báo tin vui cho các tông đồ, như hai lần hiện ra trước với thành phần nữ giới, nhưng một khi đã gặp được Người thì tác dụng thần linh bất khả chống cưỡng của cuộc gặp gỡ thần linh bao giờ cũng thúc đẩy con người phải loan truyền tất cả sự thật liên quan đến những gì họ đã thấy và đã nghe: "Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. ...Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào".

 


Thứ Năm Bát Nhật (Luca 24:35-48)

"Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: 'Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ'".

 


Thánh ký Luca, qua đoạn trên đây, đã thuật lại sự kiện lần đầu tiên Chúa Kitô hiện ra với chung các tông đ sau khi Người từ trong cõi chết sống lại. Tuy nhiên, Đấng Phục Sinh vẫn còn phải chứng thực Người quả thật là Thày của các vị và là Đấng đã thực sự bị đóng đanh nữa, bằng cả các dấu hiệu bề ngoài là chân tay của Người và ăn uống trước mặt các vị, lẫn soi sáng tâm trí bề trong của các vị để các vị nhờ đó mới có thể chân nhận rằng những lời Thánh Kinh về Người đã được hoàn toàn ứng nghiệm:

 

"Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: 'Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây'. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: 'Ở đây các con có gì ăn không?' Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: 'Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh'. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh".

 

Ở đây chúng ta thấy các tông đồ có khác, là nam nhân thiên về lý trí và lý sự nên khó tin hơn thành phần nữ giới tự bản chất sống theo cảm tình và trực giác, thành phần đã chẳng cần phải chứng minh gì cả đã tin ngày Đấng hiện ra với mình là Chúa Kitô, như trong bài Phúc Âm Thứ Hai (với chung các phụ nữ) và Thứ Ba (với riêng Chị Mai Đệ Liên) Bát Nhật tuần này cho thấy.

 

Đối với các vị nam nhân tông đồ này, Chúa Giêsu đã chẳng những cho các vị "xem tay chân Thày" mà còn "ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ" (nghĩa là ăn thật nên còn dư), mà còn mở lòng mở trí cho các vị hiểu được Thánh Kinh do chính Người dẫn chứng về Người nữa. Nhờ đó, các vị mới có thể làm chứng về Người, bằng một đức tin không phải thuần lý hay thuần thiêng có vẻ duy tín hay cuồng tín một cách dị đoan hoặc hoang đường nhưng có chứng cớ cụ thể hiển nhiên đàng hoàng không thể chối cãi.

 

Đó là lý do ở cuối bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu đã bảo các tông đồ được Người hiện ra chứng thực rằng Người cho dù đã bị chết nhưng sống lại rằng "các con là chứng nhân về những điều này", nghĩa là về những gì các vị được Người tỏ ra cho thấy, và vì thế chứng tỏ những gì chính các vị đã thấy và đã nghe về Người, cả trước và sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết.

 

Chúa Kitô khổ nạn, tử giá và được mai táng trong mồ vào chiều Thứ Sáu ấy đã hiện ra với chung các môn đệ và riêng các tông đồ lần đầu tiên này không phải chỉ để chứng thực về bản thân Người là Đấng đã bị bàn tay hận thù sắt máu của con người giết chết nhưng Người đã sống lại, hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết, mà còn để sai các vị đi "bắt đầu từ Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria" (Tông Vụ 1:8) mà làm chứng về Người là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, và đi "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8) mà làm chứng cho Người là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại:


"P
hải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy". Phải chăng Bí Tích Hòa Giải (xem cả Gioan 20:21 cùng với Bí Tích Rửa Tội - xem Mathêu 28:19) được Chúa Giêsu thiết lập sau khi Người phục sinh từ trong kẻ chết mà theo luật Giáo Hội hằng năm Kitô hữu Công giáo buộc phải "xưng tội một năm ít là một lần trong Mùa Phục Sinh" chứ không phải trong một mùa nào khác, cho dù là Mùa Chay vốn được coi là mùa thống hối ăn năn hoán cải?

 

Nếu trong biến cố khổ nạn và tử giá, Chúa Kitô đã chứng thực mình quả là Đấng Thiên Sai, đến không phải để làm theo ý của mình mà là ý của Cha là Đấng đã sai Người, đến độ cho dù có thể Người vẫn không xuống khỏi thập giá, trái lại, "mặc dù là Con, Người đã biết tuân phục nơi những gì Người chịu" (Do Thái 5:8), thì trong biến cố phục sinh, Chúa Kitô được Chúa Cha, Đấng mà Người phó thần trí của Người cho trước khi chết (xem Luca 23:46), qua quyền năng của Thánh Thần là Đấng đã làm cho Người sống lại từ kẻ chết (xem Roma 8:11), chứng thực Người đúng là "Chúa và Thiên Chúa" (Gioan 20:28).

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan thuật lại lần hiện ra với chung các tông đồ lần đầu tiên này còn cho biết thêm các chi tiết sau đây:

 

1- Sau khi nhận ra Chúa căn cứ vào tác động tự chứng của mình (như Phúc Âm Thánh Luca hôm nay thuật lại), "các môn đệ hoan hỉ khi thấy Chúa" (Gioan 20:20);

 

2- Được các môn đệ nhận biết rồi Chúa Kitô Phục Sinh mới sai phái các vị ra đi như Người để tiếp tục sứ vụ của Người và thay Người: "Như Cha đã sai Thày thế nào, Thày cũng sai các con như thế" (Gioan 20:21);

 

3- Sau cùng, để các vị có thể thực hiện sứ vụ thừa tác viên được chính Chúa Kitô Phục Sinh sai phái như thế, sứ vụ "rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân", như trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay, Người đã phải thông Thánh Linh của Người cho các vị bằng hơi thở từ chính thân xác phục sinh tràn đầy Thánh Linh của Người: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22).

 

Vì chỉ có nhờ Thánh Linh, các vị mới có thể trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người và cho Người, khi các vị có cùng một tâm tình, ngôn từ, tác hành và phản ứng như chính Chúa Kitô, Đấng "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư trầm" (Luca 19:10). Chính vị Thánh ký Luca này cũng là tác giả của Sách Tông Vụ, trình thuật lại hoạt động của Thánh Linh qua chứng từ truyền giáo của các tông đồ nói chung và của vị tông đồ dân ngoại Phaolô nói riêng, như chúng ta đọc thấy trong suốt Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ ở Bài Đọc 1 được Giáo Hội cố ý sắp xếp như vậy.

 

 


Thứ Sáu Bát Nhật (Gioan 21:1-14)

"Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến". Theo thứ tự thời gian, như được các bài Phúc Âm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh thuật lại, thì đây là lần hiện ra thứ 6 của Chúa Giêsu sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết: lần 1 với các phụ nữ (Phúc Âm Thứ Hai); lần 2 với một mình Chị Mai Đệ Liên (Phúc Âm Thứ Ba); lần 3 với hai môn đệ về làng Emmau (Phúc Âm Thứ Tư); lần 4 với chung các môn đệ nhất là các tông đồ (Phúc Âm Thứ Năm); lần 5 với chung các môn đệ một lần nữa vào ngày thứ tám (Bài Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Lòng Thương Xót Chúa kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh); lần 6 với 7 tông đồ ở bờ biển Tibêria (Phúc Âm Thứ Sáu).

 

Chính Thánh ký Gioan trong bài Phúc Âm hôm nay thuật lại lần hiện ra thứ 6 này của Chúa Kitô Phục Sinh, nhưng ngài xác định "đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại". Lần thứ hai Người "hiện ra với môn đệ" được Giáo Hội chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Chúa Nhật thứ 1 Phục Sinh, kết Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Lễ Trọng Kính Lòng Thương Xót Chúa. Còn lần thứ nhất Người "hiện ra với môn đệ" đã được Giáo Hội chọn đọc trong bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Lễ Phục Sinh Ban Ngày.

Trong lần hiện ra thứ 3 với chung các môn đệ chính yếu là các tông đồ này, cho dù chỉ có 7 vị, vẫn được kể là với chung các vị, một lần hiện ra ít là có hai điều khác lạ: trước hết là không phải xẩy ra ở trong Nhà Tiệc Ly kín mít nữa, mà là ở ngoài trời, ở trên bờ hồ Tibêria, và vì thế, sau nữa, Người cũng không còn chúc "bình an cho các con" như lần đầu nữa, bởi các vị đã tin rằng Người đã sống lại nên mới dám lò mò đi ra ngoài sinh hoạt đánh cá trở lại. 

 

Thế nhưng hình như vào buổi chiều tối thôi, cũng có vẻ còn lén lút chứ chưa hoàn toàn công khai trước mặt dân chúng. Bởi thế, thâu đêm các vị cũng chẳng bắt được con nào, cho đến "lúc rạng đông", nghe lời của một vị đứng trong bờ bảo sao làm vậy thì nhóm 7 vị tông đồ, hầu như toàn là những tay lành nghề đánh cá, mới bắt được một mẻ cá lạ lùng, nhờ đó các vị (mà đầu tiên là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu") đã nhận ra Đấng Phục Sinh: "Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: 'Ông là ai?' Vì mọi người đã biết là Chúa".

 

Biến cố những tay lành nghề đánh cá như các tông đồ đã từng hành nghề trước khi theo Chúa Kitô mới 3 năm trước đó, như thành phần các môn đệ được Thánh ký Gioan liệt kê trong bài Phúc Âm hôm nay, bao gồm Phêrô, Giacôbê và Gioan, Toma và Nathanael (hay Botholomew) cùng "hai môn đệ nữa" không được kể đích danh, song có thể đoán được là môn đệ Anrê là em của Phêrô và Philiphê là bạn của Nathanael (xem Gioan 1:40-50), nhưng thâu đêm cả 7 vị vẫn chẳng bắt được gì, như đã từng xẩy ra hầu như 3 năm trước, khi 2 cặp anh em thuyền chài thân hữu là Phêrô - Anrê + Giacôbê - Gioan nhờ mẻ cá lạ lần thứ nhất ấy đã bỏ mọi sự mà theo Chúa (xem Luca 5:1-11).

 

Cũng như lần đầu, mẻ cá lạ đã tái diễn một lần nữa, và chính mẻ cá lạ ấy là dấu hiệu khiến cho "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" là Gioan, vị môn đệ tiêu biểu cho đức mến, bén nhậy nhất trong việc nhận ra Chúa Kitô: "Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: 'Chính Chúa đó'. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay".

 

Con số "lưới đầy cá lớn - 153 con " được kể đến ở đây nghĩa là gì? Tại sao phải có chi tiết nhỏ nhặt con số rõ ràng như thế? "Cá lớn" chứ không phải cá nhỏ, và nhiều cá chứ không phải ít cá. Nếu "cá" liên quan đến con người ta hay phần rỗi của con người, và bắt cá hay chài lưới người đây là mang ơn cứu độ của Chúa Kitô Vượt Qua đến cho phần rỗi của nhân loại, thì "cá lớn" đây tiêu biểu cho quyền năng phục sinh của Chúa Kitô (xem Mathêu 28:18), Đấng đã làm cho tử thi Lazarô chết đã xông mùi (tiêu biểu cho thứ "cá lớn" là thành phần đại tội nhân) hồi sinh (xem Gioan 11:39-44).

 

Con số "153" đây phải chăng tiêu biểu cho 1 Thiên Chúa chân thật duy nhất là Cha ở trên trời (theo ý nghĩa những lời Chúa Kitô Phục Sinh đã nói với các phụ nữ ở bài Phúc Âm Thứ Hai và với Chị Mai Đệ Liên ở bài Phúc Âm Thứ Ba), 5 Dấu Thánh của Chúa Kitô khổ nạn và tử giá (như Chúa Kitô Phục Sinh đã tỏ cho các tông đồ thấy khi hiện ra với các vị ở bài Phúc Âm hôm qua Thứ Năm hay trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật II Phục Sinh sắp tới), và 3 Ngôi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần (như Chúa Kitô Phục Sinh truyền cho các tông đồ rửa tội cho muôn dân trong Bài Phúc Âm Thăng Thiên Năm A)?

 

Như thế, có thể nói, con số "153" con cá trong mẻ cá lạ mà các tông đồ bắt được theo lời chỉ dẫn của Chúa Kitô Phục Sinh đây là tiêu biểu cho thành phần các linh hồn tin vào chứng từ của Giáo Hội qua các phần tử tông đồ của Giáo Hội, bắt đầu từ các vị tông đồ chứng nhân tiên khởi, thành phần chài lưới người hay đánh cá người, tức làm cho con người nhận biết và tin tưởng mà được sự sống đời đời, được hiệp thông thần linh với thiên Chúa, một con số 153 tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Cha ở nơi số 1 - một Thiên Chúa chân thật duy nhất, Ngôi Con ở nơi số 5 - năm dấu thánh của Chúa Kitô tử giá cứu chuộc, và Ngôi Thánh Thần ở nơi con số 3 - Ngôi Ba là chính mối hiệp thông thần linh Cha - Con, cũng là Đấng làm cho con người được hiệp thông thần linh "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21).

 

Con số "153" huyền diệu này là tóm kết tiêu biểu cho câu định nghĩa của Chúa Kitô kết Bữa Tiệc Ly về "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất (được tiêu biểu nơi số 1) và Giêsu Kitô Cha sai (số 5 tiêu biểu cho Đấng Thiên Sai tử giá vì vâng lời cho đến chết trên thập giá và vì thể đã mang 5 dấu thánh)" (Gioan 17:3), một sự sống được thông ban cho những ai tin nhờ Thánh Thần Ngôi Ba (được tiêu biểu nơi số 3) "là Đấng ban sự sống".

 

Nếu suy đoán này không sai thì có nghĩa là những ai lãnh nhận Phép Rửa (thường vào Lễ Vọng Phục Sinh) là thành phần được "ban cho quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), một Thiên Chúa chân thật duy nhất đã tỏ tất cả mình ra qua Lời Nhập Thể của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tỏ Cha là Đấng đã sai Người ra trên Thánh Giá với 5 Dấu Thánh, để nhờ đó chẳng những cứu chuộc con người khỏi tội lỗi và sự chết còn thông ban cho con người, qua cuộc phục sinh của Người, sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần.

 

Lần đầu tiên khi Chúa Kitô hứa biến 2 cặp anh em môn đệ đầu tiên là Phêrô - Anrê và Giacôbê - Gioan thành những tay bắt "cá người" xẩy ra vào buổi sáng và trên bờ biển thế nào thì lần cuối cùng này cũng vào: "Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển", thế nhưng lại vào thời điểm sau khi Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng hiện đến với các vị để dọn sẵn món ăn cho các vị ở trên bờ: "Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh... Chúa Giêsu bảo rằng: 'Các anh hãy lại ăn'.... Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế".

 

Mẻ cá lạ lần thứ hai này đã xẩy ra sau khi Chúa Kitô Phục Sinh hỏi các môn đệ: "Các anh có gì ăn không?" và được các vị trả lời là "thưa không", chứ không phải "các con có bắt được gì không" và các vị "thưa không". Tại sao vào chính lúc các môn đệ không có gì ăn Chúa Giêsu lại chỉ chỗ cho các vị  bắt được mẻ cá lạ lùng như thế, nếu không phải "" là món ăn chính của các vị, và các vị cần phải đói khát "" là con người ta thì các vị mới "trở thành những tay bắt cá người" (Luca 5:10) và mới có thể bắt được nhiều "" người như mẻ cá lạ trong bài Phúc Âm hôm nay.

 

Và tại sao Chúa Giêsu bảo các môn đệ '"các anh hãy mang cá mới bắt được lại đây" , rồi sau khi các môn đệ làm theo như thế thì Chúa Giêsu mới mời các vị ăn và còn tận tay mang đến tận nơi cho các vị nữa: "Chúa Giêsu bảo rằng: 'Các anh hãy lại ăn'... Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế", nếu không phải là sau khi các vị đã tận lực hoàn thành sứ vụ bắt "cá người" được úy thác cho các vị, các vị được chính Người khoản đãi chính món "" do Người đích thân nướng cho các vị thưởng thức. Chính Người đã khẳng định về thành phần đầy tớ khôn ngoan tỉnh thức và trung thành của Người rằng: "phúc cho đầy tớ ấy... chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ" (Luca 12:37).

 

"Bánh" và "" ở đây là hai thứ đã được chính Chúa Kitô sử dụng trong hai lần Người hóa bánh ra nhiều để đám đông nuôi dân chúng (lần đầu 5 ngàn lần sau 4 ngàn) theo nghe Người giảng dạy (xem Mathêu 14:17-21 với chiếc bánh và 2 con cá & 15:34-38 với 7 chiếc bánh và ít cá). Nếu "" biểu hiệu cho con người hay phần rỗi của con người, thì "bánh" biểu hiệu cho Chúa Kitô, cho Thánh Thể, cho sự sống thần linh Thiên Chúa muốn thông ban cho nhân loại qua Con Ngài là Chúa Kitô, Lời Nhập Thể Vượt Qua.

 

Cử chỉ Chúa Kitô Phục Sinh đích thân sửa soạn và mang đến tiếp cho các tông đồ ở đây có nghĩa là chính Người (biểu hiệu nơi "bánh") đã hy mình làm giá chuộc cho nhiều người được rỗi (biểu hiệu nơi ""), như Người đã khẳng định trong Phúc Âm Thánh Mathêu (20:28), giờ đây, Người trao tất cả ("bánh" là bản thân Người hay sự sống thần linh của Người đã phục sinh, lẫn "" là phần rỗi các linh hồn) cho các tông đồ là thành phần thừa tác viên chính thức của Người để các vị có thẩm quyền và năng quyền thực sự thay Người (nhân danh Người) mà ban phát cho thế gian với tư cách là "những tay chài lưới người" (Luca 5:10) cho đến khi Người lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

 

 

 

 

 


 

 

Thứ Bảy Bát Nhật (Marco 16:9-15)

Hôm nay, ngày áp cuối cùng của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Giáo Hội sử dụng Phúc Âm của Thánh ký Marco chưa được đọc đến một tí nào trong suốt cả tuần, để gọi là tổng liệt kê các lần Chúa Kitô Phục Sinh đã thứ tự hiện ra khác nhau, (như đã được các Phúc Âm thuật lại trong tuần này), nhưng không chỉ riêng với các tông đồ, như 2 bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan, mà còn bao gồm các người khác nữa, kể cả thành phần môn đệ lẫn nữ giới:

Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin (bài Phúc Âm Thánh Gioan Thứ Ba Bát Nhật Phục Sinh). Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy (bài Phúc Âm Thánh Luca Thứ Tư Bát Nhật Phục Sinh). Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại (bài Phúc Âm Thánh Luca Thứ Năm Bát Nhật Phục Sinh). Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".

 

Trong bài Phúc Âm tóm gọn 3 lần hiện ra tiêu biểu này của Chúa Kitô Phục Sinh, Thánh ký Marco không bao gồm lần hiện ra đầu tiên với các phụ nữ (như Phúc Âm Thánh Mathêu cho Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh thuật lại), cũng như lần thứ 5 và thứ 6 với chung các môn đệ vào 8 ngày sau lần thứ nhất và với 7 vị ở ngoài bờ biển Tibêria sau 8 ngày (như được thuật lại trong Phúc Âm Thánh Gioan cho Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh).

 

Trong bài Phúc Âm ngắn ngủi về 3 lần hiện ra tiêu biểu này của Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta thấy thành phần được Người hiện ra hay tỏ mình ra sau khi Người từ kẻ chết sống lại không phải chỉ duy các thánh tông đồ (ở lần hiện ra thứ ba) là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người, thành phần được gọi thuộc về hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo Hội, mà còn cả thành phần môn đệ (ở lần hiện ra thứ hai) tiêu biểu cho những ai sống đời tận hiến tu trì, và thành phần giáo dân (ở lần hiện ra thứ nhất) được tiêu biểu nơi Chị Mai Đệ Liên. 

 

Cũng qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta còn thấy chẳng những toàn thể mọi thành phần trong Giáo Hội, (như được đề cập đến trên đây), đều phải trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô khi được Người tỏ mình ra cho, mà còn bao gồm cả những ai bê tha tội lỗi, như trường hợp của Chị Mai Đệ Liên "đã được Chúa đuổi bảy quỷ", hay những ai cảm thấy chán chường tuyệt vọng bỏ cuộc, như trường hợp của hai môn đệ bỏ về làng Emmau, hoặc những ai cứng lòng tin dù được loan truyền như trường hợp của các môn đệ tông đồ của Chúa. Có nghĩa là dù ai chăng nữa, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đều có thể biến đổi họ để họ trở thành chứng nhân của Người.

 

Lần hiện ra với chung các tông đồ, Chúa Kitô Phục Sinh chẳng những "khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại" mà còn sai các vị đi truyền giáo nữa "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài". Nhất là bằng chứng từ của các vị, chứng từ chẳng những ở ngôn từ và việc thuyết giảng, mà nhất là còn bằng hành động bác ái yêu thương như dấu hiệu đích thực chứng tỏ các vị thuộc về Người (xem Gioan 13:35). 

 

 

Chúa Nhật Bát Nhật (Gioan 20:19-31)

"Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: 'Bình an cho các con'".

Theo Thánh ký Gioan thì lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra này là lần hiện ra thứ hai của Người với chung các tông đồ, và lần này cũng là lần duy nhất trong cả Tuần Bát Nhật Phục Sinh được Phúc Âm cho thấy phản ứng tích cực và chủ động của chung tông đồ đoàn qua vai trò đại diện của Tông Đồ Tôma. Để đáp lại lời trắc nghiệm về lòng tin tưởng của các tông đồ về căn tính "Thày là ai?", Tông Đồ Phêrô đã đại diện tuyên xưng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian" (Mathêu 16:16) thế nào, thì giờ đây, Tông Đồ Tôma cũng đại diện tông đồ đoàn tuyên xưng như thế: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" 

 

 


 

 

Câu tuyên xưng của Tông Đồ Tôma sau khi Chúa Kitô Phục Sinh, về hình thức có vẻ khác lạ với câu tuyên xưng chính yếu của Tông Đồ Phêrô: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con", nhưng về nội dung cũng chất chứa những gì cốt lõi trong lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô về căn tính của Người: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". "Chúa" và "Thiên Chúa" nơi lời tuyên xưng của Tông Đồ Tôma đây, trước hết, "Chúa" ám chỉ nguồn gốc thần linh của "Thày là Đức Kitô" Thiên Sai, và "Thiên Chúa" ám chỉ bản tính thần linh của "Con Thiên Chúa hằng sống". 


Câu tuyên xưng của Tông Đồ Tôma vào Chúa Kitô Phục Sinh còn có một ý nghĩa làm nên chính Mùa Phục Sinh nữa: "Thày là sự sống lại và là sự sống". Bởi vì, nếu Thày không phải là "Chúa" thì Thày đã không "sống lại", nhưng nay vì Thày đã thật sự "sống lại" nên Thày quả thực là "Thiên Chúa" hằng sống, là chính "sự sống" vậy. 

Câu Chúa Giêsu phán sau lời tuyên xưng chính xác của vị tông đồ không còn hoài nghi này là "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin":

 

Trước hết, không phải là Người hoàn toàn phủ nhận đức tin không cần chứng từ, bằng không đức tin Kitô giáo sẽ dễ trở thành hoang đường, chỉ thuần linh, nhất là thiếu chứng cứ lịch sử, không hợp với tầm mức lập luận của trí khôn và cảm nhận của tâm linh, phản lại với đường lối nhập thể của Người.

 

Bởi thế , dù “thấy” không còn là “tin” và “tin” không phải là “thấy”, vì “thấy” là thấy những gì về chất thể, còn “tin” là tin những gì về bản thể, thì “thấy” một Nhân Vật Giêsu Nazarét, “thấy” chứng cớ phục sinh, nhưng chưa chắc đã “tin” Nhân Vật Giêsu Nazarét đó là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và đã “tin” chứng cớ mộ trống, thiên thần và khăn liệm là các dấu hiệu cho thấy Người đã sống lại từ trong cõi chết.

Câu Chúa Kitô Phục Sinh phán: "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" còn hiểu rằng, không một ai, kể cả Mẹ Maria, được tận mắt chứng kiến thấy thân xác tử giá của Chúa Kitô sống lại cách nào, như thế nào và vào lúc nào, nghĩa là hoàn toàn "không thấy" những gì hữu hình hợp với giác quan tự nhiên bao gồm sự kiện phục sinh, và vì thế cũng "không thấy" xác của Người đâu, nhưng chính sự kiện "không thấy" đó mới đưa các vị đến một thực tại thần linh siêu nhiên, đối tượng của chính lòng "tin", đó là mầu nhiệm phục sinh, nhất là đến chính sự thật của mầu nhiệm này, đó là Đấng bị loài người giết chết đã sống lại từ trong kẻ chết chính là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), như Tông Đồ Phêrô đã tuyên xưng khi Người còn sống, "là Chúa và là Thiên Chúa", như Tông Đồ Toma đã tuyên xưng sau khi Người phục sinh.

Thực tại thần linh và sự thật về Đấng khổ nạn và tử giá bị loài người giết chết vào chiều hôm Thứ Sáu Tuần Thánh đó nay đã sống lại và tỏ mình ra cho các môn đệ được tuyển chọn làm chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người, thành phần Người đã báo trước về cuộc Vượt Qua của Người 3 lần, nhất là lời tiên báo trong Bữa Tiệc Ly: "Thật vậy, Thày đi (ám chỉ về cuộc khổ nạn và tử giá của Người) để dọn chỗ cho các con, sau đó Thày sẽ trở lại (ám chỉ về cuộc phục sinh của Người) để mang các con đi với Thày, để Thày ở đâu các con cũng ở đó" (Gioan 14:3, và xem Gioan 21:19 là chỗ Chúa Kitô phục sinh kêu gọi tông đồ Phêrô theo Người đi chịu chết như Người và với Người cho chiên). Quả thực Người phục sinh đã hoàn toàn ứng nghiệm lời Người đã khẳng định và tiên báo: "Tôi tự bỏ mạng sống mình đi (nơi cuộc khổ nạn) rồi lấy nó lại (nơi cuộc phục sinh)" (Gioan 10:17) để làm cho các môn đệ tin vào Người cũng như cho phần rỗi của những ai tin vào người qua chứng từ của các vị.

Sau nữa, khi khẳng định "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin", Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhấn mạnh đến chính cốt lõi của đức tin, đến thực tại thần linh của đức tin, như chính lời tuyên xưng của Tông Đồ Tôma, vị tông đồ không tuyên xưng: "Vâng, giờ đây con đã tin rằng Thày đã sống lại từ trong cõi chết", mà là "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con", vì biến cố phục sinh, cho dù là yếu tố then chốt của Mầu Nhiệm Vượt Qua và làm nên Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm cho thấy tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, vẫn là một phương tiện hay một đường lối hơn là cùng đích, là mục tiêu, vì biến cố phục sinh cần phải có và không thể nào không xẩy ra để Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) và "vô hình" (Colose 1:15) chứng tỏ Ngài thực sự là "Chúa" và là "Thiên Chúa".

Sau hết, khi tuyên phán "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin", Người muốn ám chỉ đến chung Giáo Hội, một Giáo Hội có nền tảng là các tông đồ (xem Epheso 2:20), tiêu biểu nhất có thể nói là Tông Đồ Gioan, "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" cũng là người môn đệ duy nhất đứng dưới chân thập giá của Người với Mẹ của Người và được Người trao phó cho Mẹ của Người và muốn phải noi gương bắt chướng Mẹ của Người (Gioan 19:25-27), một người môn đệ, như Mẹ Maria, đã tin Người sống lại rồi, cho dù chưa được Người thực sự hiện ra như với Mai Đệ Liên (xem Gioan 20:8, 13-17).

Tông Đồ Gioan và nữ môn đệ đặc biệt Mai Đệ Liên là 2 nhân vật trung kiên theo Chúa Kitô cho đến cùng, cho đến khi đứng dưới chân thập giá của Người đấy. Thế nhưng, cả hai đều thấy chứng cớ phục sinh trước khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra: Nữ môn đệ Mai Đệ Liên thấy trước, thấy tảng đá đã được chuyên rời (xem Gioan 20:1), thậm chí còn nhìn thấy và nghe thấy hai thiên thần ở bên trọng ngôi mộ (xem Gioan 20:12-13), đến độ "nhìn thấy Chúa Giêsu đứng đó" (Gioan 20:14) mà vẫn chưa tin..., trong khi đó, Tông Đồ Gioan, chỉ cần chứng từ các tấm khăn liệm trong ngôi mộ trống là đủ: "Ông đã thấy và đã tin" (Gioan 20:8).

Như thế cả Tông Đồ Gioan cũng "thấy" rồi mới "tin" thì có hơn gì Tông Đồ Tôma hay Nữ Môn Đệ Mai Đệ Liên đâu? Đúng thế nhưng mà vấn đề ở đây là Tông Đồ Gioan đã "tin" trước khi được Chúa Kitô hiện ra, nghĩa là cho dù Người có hiện ra hay không thì Người quả thực đã sống lại, vì đối với Tông Đồ Gioan, như với Mẹ Maria đầy ơn phúc, Vị thậm chí không cần phải tận mắt thấy chứng cứ như Tông Đồ Gioan nữa, Chúa Kitô đã thực sự là "Chúa" và là "Thiên Chúa" rồi, nên Người không thể nào chết mà không sống lại, trái lại, chính vì Người là "Chúa" và là "Thiên Chúa" mà Người phải sống lại và chắc chắn phải sống lại để chứng tỏ lời Người đã tự xưng thực tại thần linh của Người và loan báo trước về thực tại thần linh của Người: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Câu "phúc cho ai không thấy mà tin" đây phải chăng Chúa Giêsu ngầm khen tặng Người Mẹ sống đức tin của Người!?! 

Phúc Âm không hề thuật lại bất cứ lần nào Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với người mẹ của mình. Tuy nhiên, cho dù Người có âm thầm hiện ra với Mẹ của Người chăng nữa, vào một lúc nào đó, mà thường là ngay sau khi Người sống lại từ trong cõi chết vào nửa đêm Thứ Bảy rạng Chúa Nhật, lúc mọi người đang yên giấc, nhất là đám phụ nữ là thành phần sẽ thức dậy sớm ra mộ sang hôm sau, thì không phải là để chứng tỏ Người thực sự sống lại đúng như Lời Thánh Kinh và lời Người đã tiên báo, cho bằng để đáp ứng lòng Mẹ tin tưởng tràn đầy hy vọng vào cuộc vinh thắng của Người, đồng thời cũng để tưởng thưởng cho Mẹ cũng như bù đắp cho Mẹ về tất cả những khổ đau đến cùng tận mà Mẹ đã hiệp nhất nên một với Người trong việc đồng công cứu chuộc nhân loại, nhờ đó Người đã biến nỗi thống khổ sầu thương của Mẹ thành niềm chất ngất hân hoan (xem Gioan 16:21-22)

Đức tin tông truyền của Giáo Hội là ở chỗ đức tin này được tuyền lại từ chính các tông đồ. Kitô hữu hậu sinh hay thậm chí ngay từ thời các tông đồ tuy không được tận mắt “thấy” Chúa hiện ra, (ngoại trừ đặc biệt Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, vị nhận lãnh đức tin vừa nhờ tông truyền vừa bằng cảm nhận bản thân – xem 1Corinto 15:3-4 và 8), hay được diễm phúc sống với Người, được diễm phúc mắt thấy, tai nghe, tay sờ vào Người như các tông đồ (xem 1 Gioan 1:1), nhưng có cùng một đức tin như chính các vị, những con người có phúc được “thấy” nhưng vẫn phải “tin”, không phải chỉ "thấy" rằng quả thực có một nhân vật Lịch Sử Nazarét, đã chịu tử giá và đã phục sinh, vào thời điểm lịch sử của các vị, mà còn "tin" rằng nhân vật Lịch Sử Nazarét, đã chịu tử giá và đã phục sinh ấy chính là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) để sấp mình xuống tôn thờ Người: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con", trước khi có thể làm chứng về Người: “chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (Tông Vụ 4:20, bài đọc 1 Thứ Bảy Bát Nhật Phục Sinh).

Thánh Thi (Giờ Kinh Sách Các Chúa Nhật Mùa Phục Sinh - theo bản của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giờ Kinh)

 

Hôm nay chính là ngày của Chúa

Ánh hồng thiêng rực rỡ tỏa lan

Khi dòng Máu Thánh tuôn tràn

Rửa muôn tội lỗi thế gian bao đời.

 

Nguồn hy vọng nuôi người nản chí

Ánh hào quang soi kẻ mù lòa

Nghe tên trộm được thứ tha

Ai còn sợ sệt ai mà chẳng yên?

 

Thiên thần cũng ngạc nhiên bỡ ngỡ

Ðang thấy y chịu khổ ngoài thân,

Một lời hối cải ăn năn

Bỗng đâu Chúa hứa chung phần thiên cung.

 

Ôi huyền diệu lạ lùng khôn ví:

Muốn chữa lành dịch tễ chúng nhân,

Chính thân thể Ðấng Cao Tôn

Ðền thay tội lỗi của muôn xác phàm!

 

Ôi mầu nhiệm suy làm sao thấu,

Tội chờ lòng nhân hậu tha cho,

Ân tình xua đuổi âu lo

Chết đi mới được thiên thu trường tồn!

 

Giêsu hỡi, chúng con nài nỉ

Ðược muôn đời mừng lễ Vượt Qua,

Tái sinh ơn nghĩa chan hòa

Vang vang khúc khải hoàn ca reo hò!

 

Muôn lạy Chúa Giêsu từ ái

Ðấng lừng danh đánh bại tử thần,

Ngàn đời hiển trị muôn dân

Cùng Ngôi Thánh Phụ Thánh Thần quang vinh.

 

Xin xem thêm

 

Làm thế nào để biết / chứng minh Chúa Kitô thực sự phục sinh?

 


 

"Thày là sự sống lại" ở Sách Tông Vụ Tuần Bát Nhật PS

 

 

 

Nếu "Thày là sự sống lại", như đã được Người đích thân chứng thực nhất là với các tông đồ là những kẻ đã được Người tuyển chọn cách riêng để "ở với Người", nhờ đó tin vào Người với sứ vụ được Người "sai đi để rao giảng tin mừng" nữa (xem Marco 3:13-14), cho "toàn thế giới" (Marcô 16:16), nhưng bắt đầu cho chính dân Do Thái là thành phần dân tuyển chọn của Thiên Chúa vẫn hằng mong đợi Đấng Thiên Sai của họ.

Đó là lý do, thành phần tông đồ đoàn toàn là người Do Thái, bao gồm cả chính bản thân của Đấng Thiên Sai và Người Mẹ của Người: "Ơn cứu độ (salvation) xuất phát từ những người Do Thái" (Gioan 4:22) là thế. Ơn cứu độ ở đây bao giờ cũng có tính chất Vượt Qua bất khả phân ly, đó là vượt qua sự chết mà vào sự sống, như chính Chúa Kitô Thiên Sai đã khổ giá và phục sinh vậy. 

Tuy nhiên, khổ giá còn có tính chất lịch sử trước mắt mọi người, kể cả giáo quyền Do Thái lẫn chính quyền Roma, còn phục sinh hoàn toàn là một mầu nhiệm thần linh hơn là biến cố lịch sử dù xẩy ra trong lịch sử. Không một ai, kể cả đệ nhất tạo vật về ân sủng là Mẹ Maria, đã được tận mắt thấy Chúa Kitô sống lại từ trong cõi chết, nhưng sự thật Người sống lại từ trong cõi chết là những gì đã được Thánh Kinh cũng như chính Người báo trước. Những lần Người hiện ra với các tông đồ là để chứng thực Người đã sống lại thật, và vì thế, chứng cớ về sự thật Chúa Kitô Phục Sinh chính là các tông đồ và ở nơi các tông đồ. 

Thánh Thi (Giờ Phụng Vụ Ban Ngày các Chúa Nhật trong Mùa Phục Sinh - theo bản của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giờ Kinh)

 

Ðây giờ phút chói lòa rực rỡ

Khiến mây mù thập giá bay tan,

Tối tăm biến khỏi trần hoàn

Vầng ô sáng chói như mang cẩm bào.

 

Chính là lúc Chúa vào âm phủ

Diệt ma vương phá vỡ ngục tù

Vong nhân được trả tự do

Hân hoan chỗi dậy đội mồ bước ra.

 

Tử thần diệt ắt là thế giới

Sẽ hoàn toàn đổi mới từ đây,

Cuộc đời vinh phúc mai ngày

Ðoàn con tin tưởng phút giây không ngừng.

 

Muôn lạy Chúa oai phong vĩ đại

Ðấng lừng danh đánh bại tử thần.

Ngàn đời hiển trị muôn dân

Cùng Ngôi Thánh Phụ Thánh Thần quang vinh.

 

Sách Tông Vụ được tác giả Luca là một dân ngoại thuật lại về Lịch Sử của Dân Tân Ước là Giáo Hội Kitô Giáo ngay từ ban đầu, mà tiến trình được mở màn, ngay sau Biến Cố Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần của Dân Do Thái, đó là Lời Chứng Tiên Khởi của Tông Đồ Đoàn được Thánh Phêrô lãnh đạo, kèm theo Dấu Chứng Tiên Khởi sau đó, bao gồm 2 phép lạ đầu tiên chứng thực quyền năng phục sinh của Chúa Kitô qua các tông đồ: phép lạ thứ nhất là phép lạ người què bẩm sinh ở Cửa Đẹp bất ngờ được chữa lành, và phép lạ thứ hai là phép lạ về nội bộ hiệp nhất nên một của Giáo Hội, một Giáo Hội mới được gia tăng nhân số bởi thành phần tân tòng trở lại từ Lời Chứng Tiên Khởi, một hiệp nhất yêu thương nội bộ là chứng từ truyền giáo đích thực nhất và mãnh liệt nhất trong suốt giòng lịch sử của Giáo Hội cho đến tận thế

Cả hai chứng từ cần thiết bất khả thiếu này: Lời Chứng Tiên Khởi và Dấu Chứng Tiên Khởi ấy đều được Giáo Hội nhắc lại trong suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh sau đây.

 

Xin xem thêm: Phụng Vụ Lời Chúa - Những Nét Chính Yếu của Mùa Phục Sinh trong Sách Tông Đồ Công Vụ

 


Chúa Nhật Phục Sinh (10:34a, 37-43)


"
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: 'Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết".

 

 

 

Thứ Hai Bát Nhật (2:14, 22-32)


"
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: ... 'Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy'".

 

 

 

Thứ Ba Bát Nhật (2:36-41)

"Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô nói với những người Do-thái rằng: 'Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô'. Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: 'Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?' Phêrô nói với họ: 'Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em sẽ nhận lãnh Thánh Thần...'"

 

 


 

 

Thứ Tư Bát Nhật (3:1-10)

"Phêrô và Gioan nhìn anh và nói: 'Anh hãy nhìn chúng tôi'. Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái gì. Nhưng Phêrô nói: 'Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!' Rồi Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt cá và bàn chân anh trở nên cứng cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh cùng hai ngài tiến vào đền thờ, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi và ngợi khen Chúa". 

 

Related image

Thứ Năm Bát Nhật (3:11-26)

"Thấy vậy Phêrô liền nói với dân chúng rằng: 'Hỡi các người Israel, tại sao anh em ngạc nhiên về việc đó và nhìn chúng tôi như là chúng tôi dùng quyền năng hay lòng đạo đức riêng mà làm cho người này đi được?... Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi đã tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ mà anh em thấy và biết đây, được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này hoàn toàn lành mạnh trước mặt hết thảy anh em".

 


Thứ Sáu Bát Nhật (4:1-12)

"Lúc bấy giờ Phêrô được đầy Thánh Thần đã nói: 'Thưa chư vị thủ lãnh toàn dân và kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị tất cả, và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ Danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng tôi, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính Người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để nhờ vào Danh đó mà chúng ta được cứu độ'".

 

 

Thứ Bảy Bát Nhật (4:13-21)

"Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ ... gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Ðức Giêsu mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng: 'Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe'. Nhưng họ lại đe doạ hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy ra".

 

 

 

Chúa Nhật Bát Nhật (4:32-35)

"Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ".

 

 

 

Tóm lại

 

Qua phụng vụ Lời Chúa của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, từ Chúa Nhật Phục Sinh đến Chúa Nhật thứ 1 sau Phục Sinh, Giáo Hội chẳng những muốn cho con cái của mình, qua các bài phúc âm trong 8 ngày này, thấy được sự thật Chúa Kitô đã sống lại từ trong cõi chết, và qua Sách Tông Vụ, thấy được sứ vụ chứng nhân của thành phần môn đệ Chúa Kitô cho phần rỗi của nhân loại. 

Vì: thành phần chứng nhân phục sinh bất khả thiếu này, theo bài đọc 2 của Chúa Nhật Phục Sinh, được trích từ Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Colose (3:1-4): "đã sống lại với Đức Kitô", và theo bài đọc 2 của Chúa Nhật thứ 1 sau Phục Sinh, được trích từ Thư Thứ 1 của Thánh Gioan (5:1-6), họ đã được "sinh bởi Thiên Chúa" bởi "tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô"

Nếu theo bài đọc 2 của Chúa Nhật Phục Sinh, "khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang", thì quả thật, đúng như bài đọc 2 của Chúa Nhật 1 Phục Sinh đã khẳng định: "những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa?", đúng như những gì đã xẩy ra cho các tông đồ chứng nhân ở bài đọc 1 Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh vậy. 

"Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ nhận thấy Phêrô và Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Ðức Giêsu; họ thấy kẻ được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được...".


Đúng thế, không một quyền lực thế gian nào, thậm chí cả quyền lực sự chết hỏa ngục (xem Mathêu 16:18) có thể khống chế được chứng từ về Chúa Kitô Phục Sinh nơi thành phần nhân chứng tông đồ của Người, ngay từ ban đầu lịch sử của Giáo Hội.

Trái lại, lạ lùng thay, càng bị bách hại, bị tận diệt, liên lỉ, ở khắp mọi nơi và mọi thời, lịch sử lại càng chứng thực Kitô giáo càng phát triển, Giáo Hội, một quốc gia nhỏ bé nhất về cả địa dư và dân số trên thế giới, quả thực chẳng khác nào như một hạt cải nhỏ bé nhất đã thực sự càng trở thành một cây vĩ đại sừ
ng sững vững bền cho tới nay, trong khi các thế lực đối nghịch đều đã bị tiêu tan. Điển hình nhất là một đế quốc Rôma đã từng hung tàn dã man tàn sát Công giáo suốt 3 trăm năm đầu giờ đây chỉ còn lại một số di tích lịch sử tàn rụi ở Rôma, trước một Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn trường tồn và trở thành tâm điểm của thế giới về tinh thần và luân lý.

Sự hiện diện, tồn tại, phát triển và ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo Rôma nói riêng và Kitô giáo nói chung trên thế giới trong lịch sử loài người từ khi Thiên Chúa Giáng Thế Làm Người và Vượt Qua không phải là những gì chứng thực chẳng những Chúa Kitô "là sự sống lại" mà còn là chính "sự sống" hay sao, một "sự sống" là chủ đề cho 6 tuần còn lại của Mùa Phục Sinh chúng ta sẽ cùng nhau cảm nghiệm. 

Thánh Thi (Giờ Phụng Vụ Ban Tối các Chúa Nhật trong Mùa Phục Sinh - theo bản của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giờ Kinh)

 

Ðoàn áo trắng mau chỉnh tề hàng ngũ,

Ðã vượt qua Hồng Hải thật diệu huyền,

Hãy tiến vào dự yến tiệc Con Chiên

Dâng lên Ðức Kitô lời ca ngợi!

 

Cùng nếm thử, nào anh em ta hỡi

Thánh Thể Ngài trên thập tự hiến dâng

Uống cho say ly bửu huyết đỏ hồng

Ðể ta sống cho Chúa Trời mãi mãi.

 

Ôi phúc cả ! Ðêm dài Vượt Qua ấy

Lúc thiên thần chinh phạt khắp dân Ai,

Bỗng vùng lên đoàn dân thánh của Ngài

Thoát xiềng xích Pharaô độc dữ.

 

Chiên Vượt Qua là Kitô Ðức Chúa

Ðổ máu đào vô tội cứu sinh linh

Này bánh không men nuôi dưỡng lòng thành

Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục lụy.

 

Ôi Tế Vật từ trời cao giáng thế,

Duy mình Ngài phá vỡ ngục âm ty

Bao tù nhân, Ngài giải phóng đưa về

Rồi ân thưởng phúc trường sinh bất diệt!

 

Tử thần hỡi, từ đây ngươi đã chết

Lúc Con Người ra khỏi mộ hiên ngang,

Chúa phục sinh khi mở cửa thiên đàng

Ðã ra lệnh giam ngươi vào ngục tối!

 

Ôi Giêsu, chúng con hằng mong mỏi

Ngài trở thành niềm hoan lạc Vượt Qua

Ðã tái sinh thì xin lượng hải hà

Cho gia nhập đoàn hùng binh chiến thắng!

 

Muôn vinh hiển, dâng lên tòa cao sáng

Kính tôn Cha và Thánh Tử phục sinh

Hằng trị vì cùng với Chúa Thánh Linh

Từ muôn thuở đến thiên thu vạn đại.

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL