SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa Tuần Thánh Năm B

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL





Chúa Nhật Lễ Lá - 29/3/2015 



Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá mở màn cho Tuần Thánh cũng gọi là Tuần Thương Khó, trong đó có Tam Nhật Vượt Qua, tột đỉnh của mạc khải thần linh và phụng niên của Giáo Hội.

 

Riêng Chúa Nhật vừa kết thúc Mùa Chay vừa mở màn cho Tuần Thánh hôm nay bao giờ cũng có hai chiều kích đối nghịch nhau: chiều kích vui mừng nơi sự kiện Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem và chiều kích thương khó nơi sự kiện Người chịu khổ nạn và tử giá. 


Thật ra, chiều kích thương khó nơi sự kiện 
Chúa Giêsu khổ nạn và tử giá trong Chúa Nhật Lễ Lá này, về thời điểm, chưa đúng lúc. Bởi cuộc thương khó của Người chỉ xẩy ra vào Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Thế nhưng, sở dĩ cuộc thương khó này cũng được cử hành trong chính Chúa Nhật Lễ Lá là vì sự kiện Chúa Kitô khổ nạn và tử giá là một biến cố quan trọng liên quan đến phần rỗi của nhân loại nói chung và Kitô hữu nói riêng, thế nên về phụng vụ, theo Giáo Hội, cần phải được cử hành vào Chúa Nhật cho có tính cách quan trọng chẳng những tự bản chất của biến cố ấy mà còn đối với tất cả mọi Kitô hữu nữa.


Bởi thế, vì chiều kích vừa vui lẫn buồn của Chúa Nhật mở đầ
u Tuần Thánh này mà bao giờ cũng có hai phần ở nghi thức phụng vụ: phần rước lá đầu lễ từ bên ngoài nhà thờ tiến vào trong nhà thờ, với bài phúc âm thích hợp cho sự kiện này của Chúa Giêsu, và phần Thánh Lễ với bài Phúc Âm về cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô.

 

Hai bài phúc âm ở hai phần trong nghi thức phụng vụ mở đầu Tuần Thánh này bao giờ cũng theo đúng chu kỳ phụng niên A-B-C. Thế nhưng, bài Phúc Âm cho chính Thứ Sáu Tuần Thánh lại là bài phúc âm theo Thánh ký Gioan, một phúc âm đã được Giáo Hội chọn đọc chẳng những cho thánh lễ ngày thường trong tuần 4 và 5 Mùa Chay, cũng như cho Chúa Nhật 3-4-5 Mùa Chay Năm A (có thể đọc cho cả Năm B và C nếu liên hệ đến thành phần dự tòng), mà còn cho cả hầu hết Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ nữa.


Ri
êng Chúa Nhật mở đầu cho Tuần Thánh hôm nay, trong phần Lễ Lá, Giáo Hội cũng cho phép đọc bài Phúc Âm của Thánh Gioan, nếu không muốn đọc bài Phúc Âm của Thánh Marcô cho Năm B, trong khi đó Năm A và C thì lại không được thay bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu và Thánh ký Luca bằng bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan. 


Thật ra chiều kích vẻ vang của một Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem tự nó đã chất chứa hay hướng về chiều kích thương khó của Người rồi. Nên việc cử hành hai biến cố hay sự kiện trái ngược nhau hôm nay cũng rất thích hợp. Tại sao và ở chỗ nào? Tại vì dân chúng và các môn đệ của Người hoan hô chúc tụng Người rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Đavit tổ phụ chúng ta đã đến" (Phúc Âm Thánh Marco), hay "Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến!" (Phúc Âm Thánh Gioan). 


Nhưng sau đó ít lâu, vào thời điểm của Tam Nhật Vượt Qua, như bài Phúc Âm trong Thánh Lễ hôm nay của Thánh Marco cho thấy, chính các môn đệ của Người phản nộp Người, bỏ Người mà tẩu thoát và thậm chí chối bỏ Người, và dân chúng bắt đầu la hò
 lên án tử cho Người và đòi đáng đanh Người. Như thế nghĩa là họ chẳng hiểu những gì họ đã làm khi hoan hô chúc tụng Người, lúc Người tiến vào Thành Thánh, hay họ tưởng rằng Người chính là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa của cha ông tổ phụ họ sai đến để giải phóng họ khỏi quyền lực của đế quốc Rôma bấy giờ, như đã từng xẩy ra nhiều lần trong giòng lịch sử cứu độ của họ


Phần Chúa Giêsu, Đấng vẫn thích ẩn mình đi, hơn là tỏ mình ra, nếu không phải "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), thì không bao giờ Người muốn tỏ ra bất cứ hành động nào vinh danh nổi nang như thế, nhất là những gì liên quan đến chính trị động đến đế quốc Rôma hay liên quan đến giáo quyền Do Thái. Việc Người công khai tiến vào Thành Thánh Giêrusalem này, bề ngoài thực sự là động đến cả đế quốc Rôma lẫn giáo quyền do Thái, đúng như nhận định của thành phần lãnh đạo trong dân đã bày tỏ về Người trong bài Phúc Âm Thứ Bảy Tuần 5 Mùa Chay hôm qua: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". 


Vi
ệc Chúa Giêsu công khai và vinh hiển tiến vào Thành Thánh Giêrusalem đây không phải để được dân chúng long trọng nghênh đón và hoan hô chúc tụng, cho bằng để công khai xác nhận vai trò thiên sai của mình, trước khi Người thực sự hoàn thành sứ vụ thiên sai bằng cuộc Vượt Qua vô cùng huyền diệu của Người vào chính thời điểm dân Do Thái tưởng niệm biến cố Vượt Qua của họ xưa kia. Cũng như Người đã cử hành biến cố Vượt Qua của người Do Thái với môn đệ của Người ở Nhà Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh bằng cách thiết lập Bí Tích Thánh Thể là bí tích liên quan đến cuộc Vượt Qua của chính bản thân Người, một cuộc Vượt Qua cần phải được Giáo Hội liên lỉ cử hành "mà nhớ đến Thày" (Luca 22:19).


Cuộc Vượt Qua của Người bao gồm hai chiều kích khổ nạn tử giá và phục sinh vinh hiển. Chiều kích khổ nạn tử giá của Chúa Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người được long trọng cử hành ở Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, và chiều kích phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người được long trọng cử hành ở Chúa Nhật Phục Sinh tuần tới.    


Chiều kích khổ nạn tử giá của chúa Kitô được Giáo Hội long trọng cử hành và tưởng nhớ vào Chúa Nhật Lễ Lá này, như bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô thuật lại (14:1 - 15:47), bao gồm tất cả những gì liên quan đến các môn đệ yếu hèn 
của Người, đến giáo quyền Do Thái kết tội Người, đến chính quyền Rôma lên án tử cho Người, đến chung dân chúng hò hét nổi loạn, đến bọn lý hình vô cùng tàn ác, đến thái độ ngoan ngoãn hiền lành của Người như chiên bị đem đi sát tế v.v. đều cho thấy Người quả thực chẳng những đã ứng nghiệm lời của Tiên Tri Isaia trong bài đọc 1 (Isaia 50:4-7) về Người Tôi Tớ Chúa: 

 

"Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi", một Người Tôi Tớ cũng tự cảm thấy như câu đầu của bài đáp ca hôm nay cho thấy: "Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: 'Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương'", mà còn hợp với cảm thức thần linh của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay (Philiphê 2:6-11). "Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá".

 

Về phần mình, Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Sai đến để làm ý Cha chứ không ý của mình, và ý của Cha ở nơi Đấng được Cha sai đó là cứu chuộc toàn thể nhân loại cho khỏi tội lỗi và sự chết, chứ không phải chỉ cứu dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, bằng cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua từ sự chết là hậu quả của tội lỗi gây ra bởi loài người mà Người đã mặc lấy bản tính hư hoại của họ, đến sự sống là hoa trái vô cùng yêu thương của Cha trên trời. Bởi đó, khi Người chết bởi mưu đồ của dân Do Thái cũng như bởi phán quyết của dân ngoại Rôma là Người chết với tư cách là "Giêsu Nazarét - Vua Dân Do Thái" (Gioan 19:19), vị họ đã nghênh đón và hoan hô chúc tụng Người cách đó mấy hôm.

 

Phải chăng Cha trên trời đã tôn vinh Người chẳng những lần Người tiến vào Thành Thánh Giêrusalem mà còn lần Người lên ngai tòa Thánh Giá giữa hai cận vệ tử tội trộm cướp với vương miện mạo gai của Người, ở chỗ, sau khi Người đã tiến vào Thành Giêrusalem và có một số người Hy Lạp ngỏ ý muốn gặp Người, để rồi Người đã kết thúc những lời Người nói bằng câu: "Cha ơi xin hãy tôn vinh danh Cha", thì "có tiếng phán ra từ bầu trời: 'Ta đã tôn vinh nó rồi Ta sẽ tôn vinh nó một lần nữa'" (Gioan 12:28)?


Nếu dân chúng đã hoan hô "Đấng nhân danh Chúa mà đến" khi nghênh đón Chúa Kitô vào Thành Thánh Giêrusalem thì quả thực Thiên Chúa Cha đã tôn vinh danh của Ngài nơi Con Ngài ngay lúc bấy giờ và sẽ tôn vinh danh của Ngài một lần nữa khi Con của Ngài tử giá, vì Con của Ngài đã làm theo đúng ý muốn vô cùng yêu thương cứu chuộc của Ngài đối với nhân loại tội lỗi đáng thương.

 


Ba Ngày Đầu Tuần Thánh
Từ Thứ Hai đến Thứ Tư (30/3-1/4/2015)



Phụng vụ Lời Chúa cho 3 ngày trước Tam Nhật Thánh dường như có một liên hệ với nhau một cách liên tục bất khả phân ly. Thật vậy, ở bài đọc một, được trích từ Sách Tiên Tri Isaia, cả 3 ngày, đều nói về Người Tôi Tớ Chúa, và ở bài Phúc Âm, cả 3 ngày, luôn nhắc đến người môn đệ phản nộp Thày là Giuđa Íchca.
Thứ Hai 
Về Người Tôi Tớ Chúa
(Isaia 42:1-7): "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. ... Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".
Về Người Môn Đệ Phản Thày

(Gioan 12:1-11): "Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: 'Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?' Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó".

Thứ Ba

Về Người Tôi Tớ Chúa

(Isaia 49:1-6): "Chúa phán: 'Người là Ðấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: 'Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất'".

Về Người Môn Đệ Phản Thày

(Gioan 13, 21-33. 36-38): "Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: 'Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy'. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: 'Hỏi xem Thầy nói về ai đó'. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: 'Thưa Thầy, ai vậy?' Chúa Giêsu trả lời: 'Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó'. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: 'Con tính làm gì thì làm mau đi'. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối..."

Thứ Tư

Về Người Tôi Tớ Chúa

(Isaia 50:4-9a): "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?"
Về Người Môn Đệ Phản Thày

(Mathêu 26, 14-25): "Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: 'Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?' Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người... Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: 'Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy'. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: 'Thưa Thầy, có phải con không?' Người trả lời: 'Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!' Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, có phải con chăng?' Chúa đáp: 'Ðúng như con nói'".
 

Nhận định riêng:

Về Người Tôi Tớ Chúa

Theo thứ tự của bài đọc 1, từ Thứ Hai tới Thứ Tư Tuần Thánh, thì Người Tôi Tớ Chúa được cho thấy như sau: 

Trước hết là thái độ vô cùng nhân hậu của Người Tôi Tớ Chúa: "Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói". 

Sau nữa là sứ vụ cứu độ của Người Tôi Tớ Chúa: "Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất".

Sau hết là số phận thảm thương để hoàn thành sứ vụ cứu độ của Người Tôi Tớ Chúa: "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi"

Về Người Môn Đệ Phản Thày

Theo thứ tự của bài Phúc Âm, từ Thứ Hai tới Thứ Tư Tuần Thánh, thì Người Môn Đệ Phản Thày được cho thấy như sau: 

Trước hết khởi đầu là lòng tham lam tiền bạc: "Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó".

Sau nữa là từ lòng tham lam đến độ trở nên mù quáng: "Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: 'Con tính làm gì thì làm mau đi'... Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối..."

Sau hết là từ tình trạng mù quáng đến hành động gian ác một cách cố chấp hay đến độ bất chấp: "Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: 'Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?' Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người... Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, có phải con chăng?' Chúa đáp: 'Ðúng như con nói'".

Nhận định chung:

Căn cứ vào Phụng vụ Lời Chúa của 3 Ngày đầu Tuần Thánh, từ Thứ Hai đến Thứ Tư, chúng ta thấy Giáo Hội cố ý nêu lên hai hình ảnh hoàn toàn tương phản nhau giữa Người Tôi Tớ Chúa và Người Môn Đệ Phản Thày, để chẳng những từ từ, nhất là qua các bài Phúc Âm, dẫn đến cuộc khổ giá và phục sinh của Chúa Kitô vào Tam Nhật Vượt Qua từ chiều Thứ Năm đến nửa đêm Thứ Bảy, mà còn cho thấy tất cả những gì về Người Tôi Tớ Chúa trong sách Tiên Tri Isaia đều được hoàn toàn ứng nghiệm, nhất là liên quan đến cuộc khổ giá của Người, một ứng nghiệm lại có liên quan đến Người Môn Đệ Phản Thày: "Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"

Cho dù sự gian ác, được biểu hiện nơi Người Môn Đệ Phản Thày, có âm mưu bí mật đến đâu chăng nữa và có xấu xa tội ác đến thế nào chăng nữa, vẫn không thể nào phá hủy hay làm lũng đoạn được tất cả những gì vô cùng tốt lành thiện hảo theo dự án thần linh cứu độ của Thiên Chúa, trái lại, Ngài vẫn có thể sử dụng chính những mưu đồ và hành động gian ác của con người để thực hiện dự án cứu độ của Ngài, đúng như Ngài muốn: vào thời điểm Ngài muốn và theo cách thức Ngài muốn. 

Trong việc cứu chuộc nhân loại, không phải bóng tối sự dữ thắng thế mà là "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12): "Ánh sáng chiếu soi trong tăm tối, một thứ tăm tối không át được ánh sáng" (Gioan 1:5). Ở chỗ, như Chúa Kitô đã khẳng định: "Cha Tôi yêu tôi vì điều này, đó là Tôi bỏ mạng sống mình để rồi lấy nó lại. Không ai lấy được mạng sống của Tôi. Tôi tự nguyện bỏ nó đi. Tôi có quyền bỏ nó đi và có quyền lấy nó lại. Tôi được lệnh này từ Cha Tôi" (Gioan 10:17-18).

Đó là lý do, bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Thứ Ba Tuần Thánh đã ghi lại sự kiện liên kết giữa Người Tôi Tớ Chúa và Người Môn Đệ Phản Thày như sau: "khi Giuđa đi rồi" thì "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: 'Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được', nay Thầy cũng nói với các con như vậy".

Đúng thế, "nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được" đây nghĩa là gì, nếu không phải họ không thể nào hiểu được, không chấp nhận được. Vì nơi đó chính là Thánh Giá. Nếu các người Do Thái nói chung và thành phần Đầu Mục Do Thái nói riêng chẳng những không đến được, không hiểu được, không chấp nhận được mà còn vì thế mà chết trong tội lỗi của họ nữa, còn vì Người mà vấp phạm nữa (xem Gioan 8:21), thì chính các môn đệ của Người cũng vậy, cũng chẳng những không đến được, không hiểu được, không chấp nhận được, mà còn vì Người mà vấp phạm nữa, điển hình nhất là vị lãnh đạo tông đồ đoàn Phêrô, như Người đã báo trước cho người môn đệ này ở cuối bài Phúc Âm Thứ Ba Tuần Thánh.

Như thế, chính Người Môn Đệ Phản Thày cũng không ngoại lệ, cũng không biết việc mình làm, cũng tác hành một cách mù quáng theo lòng tham lam tự nhiên của mình đến độ bất chấp tất cả, nhưng không ngờ trong khi Người Môn Đệ Phản Thày này cứ làm theo ý đồ gian ác của mình thì Người Tôi Tớ Chúa lại càng được dịp để hoàn thành sứ vụ cứu độ của mình: "Khi Giuđa đi rồi... Bây giờ Con Người được vinh hiển". 

 

Tam Nhật Thánh
Từ chiều Thứ Năm đến đêm Thứ Bảy (2-4/4/2015)

Tam Nhật Thánh là tột đỉnh của chẳng những mạc khải thần linh của Thiên Chúa mà còn là tột đỉnh của cả phụng niên của Giáo Hội, bắt đầu từ Lễ Rứa Chân Chiều Thứ Năm cho tới Lễ Vọng Phục Sinh Đêm Thứ Bảy. 

Thứ Năm Tuần Thánh Giáo Hội cử hành phụng vụ Thánh Thể để tưởng nhớ đến việc Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ và thiết lập Bí Tích Thánh Thể, rồi sau đó Người rút lui vào Vườn Cầu Nguyện. 

 

Thứ Sáu Tuần Thánh Giáo Hội (không cử hành phụng vụ Thánh Thể, mà chỉ) cử hành các nghi thức phụng vụ để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn và tử giá vô cùng bất công, nhục nhã, khốn nạn và đau thương của Chúa Kitô.

 

Thứ Bảy Tuần Thánh được coi là ngày Chúa đang yên nghỉ trong ngôi mồ thánh chờ cho đến giây phút phục sinh đúng như lời Người đã tiên báo, tức là giây phút Giáo Hội cử hành Lễ Nửa Đêm Vọng Phục Sinh.

 

Tam Nhật Vượt Qua, có thể nói, về hình thức, bao gồm các biến cố cứu chuộc loài người, nhưng về nội dung và tinh thần, chất chứa tình yêu trọn hảo của một Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, một tình yêu "cho đến cùng".


Thứ Năm Tuần Thánh- "Tình Yêu đến cùng" - Giuđa

Nguyên trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mở đầu Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta đã thấy Chúa Kitô, qua hành động Người làm, bao gồm việc rửa chân cho các môn đệ và thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã bao gồm cả Mầu Nhiệm Vượt Qua và hướng về Mầu Nhiệm Vượt Qua của hai ngày sau đó rồi, ở chỗ:

Việc Người rửa chân cho các môn đệ như một người hầu hạ phục vụ chủ nhân của mình là biểu hiệu cho cuộc khổ nạn và tử giá của Người: "Con Người đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28);

Việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể để "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày" (Luca 22:19) chính là để hoàn tất lời Người đã hứa "Bánh Tôi sẽ ban chính là thịt Tôi cho thế gian được sự sống" (Gioan 6:51), và Người đã hoàn tất lời hứa này khi chính "Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ mà phán..." (Luca 22:19).

Trước hết, về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, một truyền thống mà chính bản thân của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô cũng đã lãnh nhận và tiếp tục truyền lại, như ngài đã thú nhận và đã viết về cách thức Bí Tích Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập trong Thứ 2 gửi Giáo Đoàn Corinto (11:23-26): 

"Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: 'Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: 'Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".

Thới điểm Chúa Giêsu muốn thiết lập Bí Tích Thánh Thể này là thời điểm sửa soạn dọn mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái, vì mỗi khi Giáo Hội cử hành phụng vụ Thánh Thể cũng là cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, và truyền thống phải hằng năm cho đến muốn đời phải cử hành Lễ Vượt Qua này của Người Do Thái cũng rất quan trọng bởi vì họ cần phải nhớ đến công cuộc giải phòng họ khỏi thân phận làm nô lệ bên Ai Cập để nhờ đó họ có thể sống tự do trong Đất Hứa.

Bài đọc 1 được trích từ Sách Xuất Hành (12, 1-8. 11-14), nhà giải phóng Moisen đã ghi lại lời Chúa phán như thế này, ám chỉ về Chúa Kitô là Con Chiên Vượt Qua sau này, bao gồm cả món ăn, cách ăn và thời điểm ăn Lễ Vượt Qua: 

"Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con... Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm... Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Ðêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa".

Có một điều rất đặc biệt liên quan đến phụng vụ Lời Chúa của ngày Thứ Năm Tuần Thánh này. Đó là việc Chúa Kitô lập Bí Tích Thánh Thể quan trọng như vậy mà không có một Phúc Âm nào, từ bộ Phúc Âm Nhất Lãm, được Giáo Hội sử dụng để đọc lên trong ngày này, mà chỉ dùng bài đọc 2, được trích từ Thư 2 của Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Côrintô (11:23-26).

Cho dù Giáo Hôi đã bù đắp lại điều này vào Thứ Năm sau Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi trong dịp Lễ Kính Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô hằng năm rồi, nhưng phải có lý do chính đáng Giáo Hội mới chọn đọc Bài Phúc Âm của Thánh Ký Gioan về biến cố Người rửa chân cho các môn đệ của Người thay vì việc Người thiết lập Thánh Thể (biến cố không được Thánh ký Gioan ghi lại).

Phải chăng việc lập Bí Tích Thánh Thể vẫn không phải hay chưa phải là tất cả những gì được chính vị Thánh ký Gioan cảm nhận về Chúa Giêsu, như ngài trong câu đầu tiên ngài viết như để giới thiệu về ý nghĩa sâu xa và mục đích của việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, đó là: "Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng"?

Tại sao "Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" ở đây được Thánh ký Gioan thuật lại là việc Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ chứ không phải việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể? Vậy thì việc Người rửa chân cho các môn đệ còn cao trọng và quan trọng hay cần thiết hơn cả việc Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể hay sao?? 

Đúng như Thánh ký Gioan cảm nhận:"Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng", nghĩa là đến con chiên lạc cuối cùng là người môn đệ Giuđa Íchca đang có âm mưu phản nộp Người. Thật vậy, trong danh sách các tông đồ thì người môn đệ Giuđa Íchca được liệt kê cuối cùng và Phêrô được liệt kê đầu tiên (xem Mathêu 10:1-4; Marco 3:16-19; Luca 6:13-16). Và trong chính bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Gioan đã nhắc đến người môn đệ vô cùng đáng thương này 2 lần, lần nào cũng liên quan trực tiếp đến việc Chúa Giêsu rửa chân cho chung các tông đồ và cho riêng Giuđa: 

Lần 1: "Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau". 

Lần 2: "Chúa Giêsu nói: 'Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu'. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: 'Không phải tất cả các con đều sạch đâu'". Nghĩa là Chúa Giêsu cố ý nói về người môn đệ gian ác Giuđa (là chân) trong tông đồ đoàn (là "cả mình đã sạch") vô cùng đáng thương vẫn cần phải được cứu vớt - "chỉ cần rửa chân", như người chủ chiên nhân lành chỉ cần đi tìm cho bằng được con chiên lạc duy nhất trong đàn đã bỏ tất cả 99 con chiên khác lại một chỗ vậy (xem Luca 15:4), để chứng tỏ mình "yêu cho đến cùng".

Câu cuối cùng kết thúc bài phúc âm của Thánh ký Gioan sau khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ cũng chất chứa một ý nghĩa rất sâu xa: "Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: 'Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con'".

Trước hết, "Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau" ở đây Chúa Kitô muốn nói gì vậy, nếu không phải Người muốn kêu gọi các môn đệ của Người rằng các con hãy yêu thương nhau "cho đến cùng", nhất là "những người anh chị em hèn mọn nhất của Ta" (Mathêu 25:40,45), như Người đã rửa chân cho Giuđa, người môn đệ cuối cùng, đáng thương trên hết các tông đồ, chứ Người không có ý nói "cũng phải rửa chân cho nhau", mà bấy giờ ở đó chỉ toàn là các tông đồ thôi, là chỉ rửa chân cho các đấng bậc trong Giáo Hội, tức các vị giám mục thừa kế các tông đồ rửa chân cho nhau, không được bao gồm cả linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân. 

Phải chăng Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiểu lời khuyên dạy cuối bài phúc âm này theo chiều hướng phục vụ thành phần anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, nên vào các Thứ Năm Tuần Thánh, ngay từ khi làm giáo hoàng: Thứ Năm Tuần Thánh ngày 28/3/2013, ngài đã đến trại cải huấn thanh thiếu niên phạm pháp the Casal del Marmo ở Roma, rửa chân cho 12 em, 10 nam 2 nữ, bao gồm cả tín đồ Hồi giáo; Thứ Năm Tuần Thánh ngày 17/4/2014, ngài đã đến the Fondazione Don Carlo Gnocchi là một nhà chăm sóc cho người già và tật nguyền để rửa chân cho mọi lứa tuổi (từ 16 đến 86), sắc dân và tôn giáo; và Thứ Năm Tuần Thánh ngày 2/4/2015, ngài đến nhà tù Rebiba ở Rôma.

Sau nữa, câu cuối cùng của bài phúc âm hôm nay "vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con", phải chăng sau đó Người đã nói rõ hơn về "tấm gương" của Người cho các môn đệ "bắt chước" khi Người chính thức ban bố giới răn mới, giời răn "trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), ở chỗ, "Các con hãy xót thương như Cha của các con thương xót" (Luca 6:36), tức là mức độ yêu thương không phải chỉ yêu nhau như bản thân mình - ái nhân như kỷ, mà còn yêu nhau hơn mình, yêu như Thày yêu, "yêu cho đến cùng": "Như Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu nhau như vậy" (Gioan 13:34;15:12). 



Đức Thánh Cha bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua bằng cách cử hành Phụng Vụ Thánh Thể tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô, trong đó có nghi thức rửa chân sau bài giảng. Thế nhưng, ngay từ khi lên làm giáo hoàng, ngài đã cử hành thời điểm mở màn Tam Nhật Vượt Qua này với những người anh chị em hèn mọn nhật của Chúa Kitô ở Rôma. Hai lần tại nhà tù (2013-2015) và 1 lần tại nhà phục vụ người tật nguyền và lão niên (2014).
Năm nay, 2015, ngài đã cử hành với 300 anh chị em tù nhân ở nhà tù Rebibbia, nơi đã giam tay sát thủ ĐTC GPII trước đây, Ngài đã đến với họ sau 5 giờ một chút và họ đợi ngài ở ngoài sân. Ngài đã ôm lấy họ từng người một, bao gồm tất cả thành phần nhân viên phục vụ ở đây nữa. Sau bài giảng, ngài đã rửa chân cho 12 tù nhân, 6 nam (1 Brazil, 1 Nigeria, và 4 Ý) và 6 nữ (2 Nigeria, 1 Congo, 2 Ý và 1 Ecuado), và người đầu tiên được ngài rửa chân cho là một chị người Nigeris bồng con, ngài đã lấy tay rung chân em bé.
Sau đây là một số tư tưởng tiêu biểu chính yếu của ngài trong bài giảng ngắn gọn:
"Thứ Năm hôm nay, Chúa Giêsu ngồi cùng bàn với các môn đệ để cử hành lễ Vượt Qua. Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe có một lời thực sự là cốt lõi của những gì Chúa Giêsu đã làm cho tất cả chúng ta: 'Người đã yêu những ai thuộc về Người trên thế gian này và Người đã yêu họ cho đến cùng' (Gioan 13:1)...
"Tình yêu của Chúa Giêsu không bao giờ lừa dối vì Người không bao giờ mệt mỏi yêu thương, cũng như Người chẳng bao giờ mệt mỏi tha thư, Người không bao giờ mệt mỏi ôm lấy chúng ta. Điều đầu tiên tôi muốn nói cùng anh chị em đó là: Chúa Giêsu đã yêu thương mỗi một người trong anh chị em "cho đến cùng"...
"Chúa Giêsu đã yêu thương đến độ Người đã biến mình thành một kẻ nô lệ để phục dịch chúng ta, để chữa lành chúng ta, để thanh tẩy chúng ta...
"Hôm nay tôi sẽ rửa chân cho 12 anh chị em, thế nhưng nơi những người anh chị em này bao gồm tất cả mọi anh chị em nữa. Hết mọi người, hết mọi người! Tất cả những ai sống ở nơi đây. Anh chị em là đại diện cho họ, thế nhưng tôi cũng cần phải được Chúa thanh tẩy nữa. Vì thế, trong Thánh Lễ này xin cầu nguyện để Chúa cũng thanh tẩy những gì là bẩn thỉu của tôi, nhờ đó tôi có thể trở thành nô lệ của anh chị em hơn nữa, trở thành một tên nô lệ phục dịch dân chúng, như Chúa Giêsu đã là"

Humility: Pope Francis performs the traditional washing of the feet during a visit to a centre for disabled people today

ĐTC Phanxicô rửa chân cho 12 người tật nguyện và già lão, trong đó có 1 tín đồ Hồi Giáo Lybia, ở Don Gnocchi Centre Roma Thứ Năm Tuần Thánh 19/4/2014


ĐTC Phanxicô rửa chân cho 12 thanh thiếu niên phạm pháp ở Trại Cải Tạo Casal del Marmo Thứ Năm Tuần Thánh ngày 28/3/2013

Thứ Sáu Tuần Thánh: Khổ Giá - "Tình Yêu đến cùng" - Giáo Hội

Theo chiều hướng từ tối Thứ Năm Tuần Thánh: "Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng", hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, Thánh ký Gioan, qua bài phúc âm của mình về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, một cuốn phúc âm đặc biệt liên quan đến thần tính của Chúa Kitô cũng như đến Giáo Hội Nhiệm thể của Người, ngài vẫn cho thấy một Giáo Hội, như tân Evà, xuất phát từ cạnh sườn bị đâm của Chúa Kitô Tử Giá (xem Gioan 19:34), một Giáo Hội Người "đã tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19).  

Và đó là lý do, trong cả 3 Phúc Âm Nhất Lãm và Phúc Âm Thánh Gioan, khi được hỏi "ngươi có phải là vua dân Do Thái hay chăng?" (Mathêu 27:11; Marco 15:2; Luca 23:3; Gioan 18:33), một câu hỏi có lẽ liên quan đến việc Người mới vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem với tiếng hoan hô chúc tụng vang trời của đám đông dân chúng bấy giờ "Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Hoan hô trên chốn cao sang" (Mathêu 21:9), Chúa Giêsu chỉ trả lời một cách gẫy gọn như gián tiếp chấp nhận câu hỏi của vị tổng trấn này là đúng, ở trong 3 Phúc Âm Nhất Lãm. 

Thế nhưng chỉ ở trong Phúc Âm Thánh Gioan, câu trả lời dài hơn của Chúa Kitô mới cho thấy hình ảnh về một Giáo Hội tương lai đã được Người thiết lập (xem Mathêu 16:18) và sắp sửa được hạ sinh trên Đồi Canvê, và câu trả lời của Chúa Giêsu cho vấn nạn được tổng trấn đế quốc Rôma đặt ra xem Người có phải là vua dân Do Thái hay chăng, đó là: "Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này... Thực sự là Vương Quốc của Tôi không phải là ở nơi đây" (Gioan 18:36), một câu khẳng định phản ảnh trung thực những gì Người đã xin Cha ở vào cuối Bữa Tiệc Lý cho các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội sau này: "Họ không thuộc về thế gian như Con không thuộc về thế gian" (Gioan 17:14,16). 

Bởi vậy, chiều hướng của toàn bộ phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Sáu Tuần Thánh này dường như chỉ hướng về nội bộ Giáo Hội mà thôi. Chẳng hạn ở bài đọc 2, trích từ Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái (4, 14-16; 5, 7-9) và bài đọc 1, trích từ Sách Tiên Tri Isaia (52:13 - 53:12), đều chất chứa những ý hướng một chiều này.

Trước hết, trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái, Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã nói đến vai trò thượng tế của Chúa Kitô (với vai trò thánh hóa trong nội bộ Giáo Hội) cũng như đến thành phần được cứu độ bởi tin vào Người (phần tử thuộc về Giáo Hội):

"Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi". 

"Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người".

Sau nữa, trong Sách Tiên Tri Isaia, vị tiên tri này nói đến đàn chiên (ám chỉ Dân Do Thái Cựu Ước và hướng đến Giáo Hội Tân Ước), theo chiều hướng sẵn sàng chấp nhận mọi sự vì chiên "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19):

"Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta".

"Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân".

Trong bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan còn một chi tiết nữa liên quan đến Giáo Hội, đó là việc Chúa Giêsu trăn trối Tông Đồ Gioan cho Mẹ của Người, như xác nhận Mẹ là Mẹ của Giáo Hội, và trao Mẹ của Người cho Tông Đồ Gioan, như mẫu gương Trinh Mẫu của Giáo Hội. Đó là lý do Thánh ký Gioan, tiêu biểu cho Giáo Hội đứng dưới chân thập giá của Chúa Kitô với Mẹ Maria và như Mẹ Maria, đã viết ngay sau khi được Thày trao Mẹ của Người cho rằng: "Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình", ám chỉ vào chính tâm hồn của vị tông đồ này nói riêng và vào nhà Chúa là Giáo Hội nói chung. 

Tông Đồ Gioan quả thực là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 19:26; 20:2; 21:7), người môn đệ đã có được cảm nghiệm thần linh tuyệt với siêu việt về Thiên Chúa qua câu định nghĩa "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), và là người môn đệ nhấn mạnh đến giới răn mới rất nhiều, và có thể nhờ vậy mà ngài đã không cần phải tử đạo bằng máu như các tông đồ khác, bởi vì một mình ngài trong số 12 tông đồ và là tông đồ duy nhất trung thành theo Thày tới cùng đã tử đạo bằng lửa khi chứng kiến thấy cảnh Thày mình bị khổ nhục vô cùng bất tận, như chính Mẹ Maria không tử đạo về thể lý nhưng đã được chính Giáo Hội tôn vinh là "Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo".

 Tông Đồ Gioan, tiêu biểu cho Giáo Hội và đại diện của Giáo Hội bấy giờ đã được chịu khổ với Thày và như Thày, như đã được Người báo trước cho các tông đồ vào cuối biến cố rửa chân: "không nô lệ nào hơn được chủ của mình; không sứ giả nào hơn được vị đã sai mình" (Gioan 13:16). Tức là Chúa Kitô đã "yêu đến cùng" thế nào thì Giáo Hội cũng phải "yêu cho đến" cùng như vậy, như Tông Đồ Gioan đã "theo Con Chiên tới bất cứ nơi nào Con Chiên tới" (Khải Huyền 14:4) là thập giá của Người trên Đồi Canvê Thứ Sáu Tuần Thánh vậy. 

xin xem thêm:  Thứ Sáu Tuần Thánh - Bản Án Giêsu

 

 

Thứ Bảy Tuần Thánh: Mồ trống - "Tình Yêu đến cùng" - Sự Sống

Nếu Chúa Kitô khổ nạn và tử giá không sống lại thì tất cả đều là chuyện hoang đường, cho dù các Phúc Âm có thuật lại về tất cả những lời Người nói khôn ngoan nhất, không thể có một giáo tổ nào đã nói đến và nói được, về cả lãnh vực thần học cũng như đạo lý và luân lý, và có thuật lại về tất cả những dấu kỳ và phép lạ cả thể phi thường Người đã thực hiện cho dân chúng và trong dân chúng khi Người còn sống giữa họ chăng nữa. 

Nếu vậy thì Người chỉ là một trong những vị giáo tổ như mọi giáo tổ, cùng lắm Người chỉ là một vị đại tiên tri và là đệ nhất tiên tri trong dân Do Thái, được Chúa sai đến và có quyền năng phi thường từ Thiên Chúa, nhưng vẫn không thể nào cứu chuộc được ai, chứ chưa nói đến cả loài người, nếu Người không sống lại từ trong cõi chết, nghĩa là Người không bị sự chết làm chủ, mà đã chiến thắng sự chết, chứng tỏ Người quả thực là Thiên Chúa, là Hằng Hữu, "là Sự Sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), là Tình Yêu mạnh hơn sự chết. 

Phụng vụ Lời Chúa dài nhất trong phụng niên của Lễ Đêm Vọng Phục Sinh, với tất cả là 9 bài đọc: 7 bài Cựu Ước (3 bài có tính cách lịch sử và 4 bài có tính cách ngôn sứ) liên quan đến Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái và 2 bài Tân Ước liên quan đến Chúa Kitô là tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), đã chứng thực như thế, đã cho thấy Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra là Tình Yêu đối với dân Ngài tuyển chọn nói riêng và nhân loại nói chung để họ được “sự sống và là sự sống viên mãn” (Gioan 10:10), như thứ tự ý nghĩa các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước được Giáo Hội cố ý chọn đọc trong Lễ Đêm Vọng Phục Sinh

Bài đọc 1 (Khởi Nguyên 1:1 - 2:2): 

Tình Yêu của Thiên Chúa trước hết bao giờ cũng nhưng không, được tỏ ra qua việc Ngài t ý muốn dựng nên tất cả mọi sự trên trời dưới đất, trong đó có một loài duy nhất được Ngài dựng nên theo hình ảnh thần linh của Ngài đó là loài người, để nhờ đó họ có thể hiệp thông thần linh với Ngài.

-"Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tạo thành trời đất... Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa, Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ... Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi".

Bài đọc 2 (Khởi Nguyên 22:1-18): 

Tình Yêu của Thiên Chúa bao giờ cũng khởi động, được tỏ ra qua việc Ngài tự ý muốn thiết lập giao ước với tổ phụ Abraham, một giao ước liên quan đến Đất Hứa và nhất là đến giòng dõi tuyển chọn được chúc phúc của ông bao gồm toàn thể nhân loại  

"Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi. Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta".

Bài đọc 3 (Xuất Hành 14:15 - 15:1): 

Tình Yêu của Thiên Chúa là một quyền lực cứu độ toàn năng, được tỏ hiện qua việc Ngài đã sai nhân vật Moisen đến để giải phóng họ khỏi bị sống thân phận nô lệ cho người Ai Cập hùng mạnh đang muốn ngăn chặn họ phát triển về dân số và càng ngày càng đầy đọa họ sống khốn khổ hơn bao giờ hết, nhất là việc Ngài vừa ra tay tiêu diệt người Ai Cập vừa cứu họ trong cuộc Vượt Qua Biển Đỏ của họ. 

- "Chúa phán bảo Môsê: 'Hãy giơ tay trên biển để nước trở lại vùi dập người Ai-cập, chiến xa và kỵ binh của chúng'. Môsê giơ tay trên biển, và lúc tảng sáng, biển trở lại như cũ. Người Ai-cập chạy trốn, gặp ngay nước biển ập lại. Chúa xô chúng ngã giữa lòng biển. Nước trở lại, vùi dập chiến xa và kỵ binh. Toàn thể quân lực của Pharaon đã theo dân Israel xuống biển, không còn tên nào sống sót. Còn con cái Israel đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước dựng như bức thành hai bên tả hữu. Ngày đó Chúa cứu Israel khỏi tay Ai-cập. Và họ thấy xác người Ai-cập trôi dạt đầy bờ, và thấy cánh tay oai hùng của Thiên Chúa đè bẹp Ai-cập. Toàn dân kính sợ Chúa, tin vào Chúa và vào Môsê tôi tớ người".

Bài đọc 4 (Isaia 54: 5-14)

Tình Yêu của Thiên Chúa bao giờ cũng thủy chung, đến độ, cho dù dân của Ngài chẳng những không nhận biết Tình Yêu nhưng không khởi động của Ngài mà còn liên lỉ phản bội Tình Yêu toàn năng của Ngài, khiến họ trở thành "như người thiếu phụ bị bỏ rơi và sầu muộn, và như người vợ bị bỏ rơi lúc còn xuân xanh", thế nhưng, Vị "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Gioan 4:8,16) này vẫn không bao giờ bỏ rơi họ, vẫn tha thứ cho họ, vẫn trung thành ở với họ, yêu thương họ cho tới cùng:

- "Trong một thời gian ngắn, Ta đã bỏ ngươi, nhưng Ta sẽ lấy lượng từ bi cao cả mà tụ họp ngươi lại. Trong lúc nóng giận, Ta tạm ẩn mặt Ta, nhưng vì lòng nhân từ vô biên, Ta thương xót ngươi, Chúa là Ðấng cứu chuộc ngươi đã phán như vậy.... Dù núi có dời, đồi có di chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không thay đổi, và giao ước bình an của Ta cũng sẽ không lay chuyển, Chúa nhân từ của ngươi đã phán như vậy".

Bài đọc 5 (Isaia 55: 1-11)

Tình Yêu của Thiên Chúa là sự sống thông ban cho những ai tìm kiếm, tức "những ai khát nước", những ai cởi mở và đón nhận, tức "lắng tai nghe, đến ăn đồ bổ", một sự sống sẽ trở thành viên mãn đến độ qua chứng từ của những ai sống tình yêu Thiên Chúa còn có thể truyền đạt sự sống trong mình cho các dân nước nữa:

- "Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít: Ðây Ta đặt ngươi làm nhân chứng cho các dân, làm tướng lãnh tôn sư cho các dân tộc. Này ngươi sẽ kêu gọi dân mà trước ngươi không biết, và các dân trước chưa biết ngươi, sẽ chạy đến cùng ngươi, vì Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng Thánh Israel, bởi vì Chúa làm cho ngươi được hiển vinh".

Bài đọc 6 (Barúc 3: 9-15. 32 - 4, 4)

Tình Yêu của Thiên Chúa là tất cả những gì khôn ngoan nhất, một thứ khôn ngoan được chất chứa trong và bày tỏ qua lề luật của Ngài và là một thứ khôn ngoan làm cho con người đưc sự sống và bình an. Điển hình là trường hợp của dân Do Thái, thành phần có thể đã cảm nghiệm thấy được chân lý này khi bị đầy ải: "Hỡi Israel, bởi đâu ngươi ở trong đất nước quân thù, ngươi mòn mỏi trên đất khách, nhiễm lây nhơ bẩn của người chết, bị liệt vào kẻ phải xuống địa ngục? Ngươi đã lìa bỏ nguồn khôn ngoan. Vì chưng nếu ngươi theo đường lối Chúa, thì ngươi đã luôn sống trong bình an...". Thế nhưng, khôn ngoan thần linh là một kho tàng chỉ có ở nơi Thiên Chúa và được tỏ ra cho những ai yêu mến Ngài mà thôi:

- "Ai là người sẽ tìm được nơi cư ngụ của sự khôn ngoan, ai đi vào trong kho tàng của nó? Chính Ðấng thấu suốt mọi sự, Người biết nó: Người thấu suốt nó do đức khôn ngoan của Người... Người là Ðấng đã an bài vũ trụ đến muôn đời, và cho các gia súc và các thú bốn chân sống đầy mặt đất. Người sai ánh sáng đi thì nó đi, gọi nó lại thì nó run sợ vâng lời Người... Người là Thiên Chúa chúng ta, và không có chúa nào khác sánh được với Người. Người đã biết mọi đường lối khôn ngoan, đã ban nó cho Giacóp tôi tớ Người và cho Israel kẻ người yêu mến. Sau đó, Người xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người".

Bài đọc 7 (Êzêkiên 36: 16-17a. 18-28)
Tình Yêu của Thiên Chúa là yếu tố thánh hảo tối hậu và là động lực để Ngài làm hết mọi sự. Chẳng hạn, trong Lịch Sử của dân do Thái, họ bị Ngài đầy ải ra khỏi Đất Hứa là vì "họ đã làm dơ bẩn đất ấy bằng đời sống và việc làm của họ. Và Ta đã nổi giận họ, vì họ đã đổ máu trên phần đất ấy, và vì các thần tượng họ thờ làm dơ bẩn phần đất ấy", để rồi, khi Ngài mang họ về lại, cũng hoàn toàn chỉ vì Ngài hơn là vì họ: "Hỡi nhà Israel, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, nhưng vì thánh danh Ta đã bị các ngươi xúc phạm nơi các dân tộc mà các ngươi đi đến cư ngụ". Đúng hơn, Ngài lợi dụng chính lỗi lầm của họ để tỏ tình yêu nhân hậu của Ngài ra cho họ, bằng cách chính Ngài canh tân đổi mới tâm hồn và cuộc sống của họ theo đúng lòng mong ước của Ngài:
- "Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi từ các nước, và dẫn dắt các ngươi trên đất các ngươi. Ta sẽ dùng nước trong sạch mà rảy trên các ngươi, và các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ. Ta sẽ thanh tẩy các ngươi sạch mọi vết nhơ các bụt thần. Ta sẽ ban cho các ngươi quả tim mới, đặt giữa các ngươi một thần trí mới, cất khỏi xác các ngươi quả tim bằng đá và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt. Ta đặt thần trí Ta giữa các ngươi, làm cho các ngươi thực thi các huấn lệnh Ta, làm cho các ngươi tuân giữ và thực hành các lề luật Ta. Các ngươi sẽ cư ngụ trong xứ Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi; các ngươi sẽ là dân Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".

Bài đọc 8 (Rôma 6: 3-11):

Tình yêu của Thiên Chúa là quyền lực thần linh biến đổi con người nhờ Phép Rửa. Đúng thế, từ bài đọc 8 được trích trong Cựu Ước, nhãn quan con người dù tội lỗi khốn nạn và yếu hèn như hay hơn dân Do Thái chăng nữa này, đã được mạc khải cho thấy rồi: "các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ. Ta sẽ thanh tẩy các ngươi sạch mọi vết nhơ các bụt thần. Ta sẽ ban cho các ngươi quả tim mới... Ta đặt thần trí Ta giữa các ngươi...". Và việc biến đổi như "từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô 2:9), "vượt qua từ sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24) ấy đã thực sự xẩy ra nơi Phép Rửa Kitô Giáo:

- "Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô, một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

Bài đọc 9 (Marco 16:1-8 - Năm B):

Tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết, hay là chính sự sống bất diệt. Nếu "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), và tất cả tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, nhất là trên thập giá, ở chỗ Người "đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" (Philiphe 2:8), đã "yêu cho tới cùng", thì quả thực "Người đã trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:9), khi Người sống lại từ trong cõi chết.

 "Các người đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nazarét chịu đóng đinh: nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Ðây là chỗ người ta đã đặt Người. Các bà hãy đi nói với các môn đệ Người, nhất là với Phêrô rằng: Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã từng nói trước". 

Về biến cố Chúa Kitô Phục Sinh thì, trong Lễ Đêm Vọng Phục Sinh, bao gồm cả 3 chu kỳ phụng niên A, B và C, (thậm chí kể cả trong Thánh Lễ Ban Ngày, với bài phúc âm theo Thánh ký Gioan), bài phúc âm nào cũng chưa cho thấy Chúa Giêsu thực sự hiện ra với các tông đồ, mà chỉ cho thấy những dấu hiệu Người đã phục sinh mà thôi, chẳng hạn ngôi mồ trống, với tảng đả khổng lồ bị lăn sang một bên, và bên trong có một vị thiên thân chứng thực, như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco Năm B đêm nay:

"Và từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi mặt trời hé mọc, các bà đến mồ, họ bảo nhau: 'Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mồ cho chúng ta'. Khi đưa mắt nhìn, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra bên cạnh. Mà tảng đá đó rất lớn. Các bà đi vào trong mồ, thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà rằng..."

Như thế, nếu liên kết 2 chi tiết của bài đọc 1 và bài đọc 9 trong Lễ Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta thấy Ngày Thứ Bảy Thiên Chúa Hóa Công, ở bài đọc 1, đã ngưng mọi hoạt động về tạo dựng của Ngài, vì Ngài đã hoàn thành nó một cách tốt đẹp: "Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi", và phải chăng ý nghĩa nghỉ ngơi này cũng có liên hệ mật thiết với và ám chỉ về sự kiện Chúa Kitô nghỉ ngơi trong ngôi mộ đá trong Thứ Bảy Tuần Thánh? 

Tuy nhiên, nếu ngày thứ bảy trong 7 ngày tạo dựng của Thiên Chúa thực sự có liên quan đến Thứ Bảy Tuần Thánh, thời điểm Chúa Kitô được an táng và đang nghỉ ngơi trong mồ, nhưng Người không vĩnh viễn "an nghỉ" như tất cả mọi phàm nhân tội lỗi phải chịu hậu quả chết chóc của nguyên tội, mà chờ thời điểm sống lại từ trong cõi chết, thì quả thực ngày thứ bảy trong tiến trình tạo dựng của Thiên Chúa chính là thời điểm Ngài muốn dùng để thánh hóa loài tạo vật đã được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài, bằng cách tỏ tình yêu của Ngài ra cho họ để họ nhờ đó mà được hiệp thông thần linh với Ngài bằng đức tin tuân phục của họ, theo đúng mục đích tối hậu Ngài đã tạo dựng nên họ, như chính Chúa Kitô đã mạc khải cho thấy về cái nghỉ hằng làm việc luôn của Cha Người cũng như của Người vì "yêu cho tới cùng" như sau: "Cha Tôi hằng làm việc luôn cho tới nay, Tôi cũng làm việc như vậy" (Gioan 5:17) - "Công việc của Thiên Chúa đó là hãy tin vào Đấng Ngài sai" (Gioan 6:29).