SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XVIII Thường Niên Năm B và Chẵn

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật 18 Quanh Năm Năm B

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Xh 16, 2-4. 12-15

"Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: "Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?"

Chúa liền phán cùng Môsê rằng: "Ðây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: 'Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi'".

Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: "Man-hu", có nghĩa là: "Cái gì vậy?" vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: "Ðó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54

Ðáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

Xướng: 1) Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. - Ðáp.

2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời. Người đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời. - Ðáp.

3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Ep 4, 17. 20-24

"Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Ðức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Ðức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 24-35

"Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giê-su đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu".

Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến".

Họ thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".

Họ liền thưa Người rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".

Ðó là lời Chúa.

 Image result for jn 6, 24-35

 

Suy Nghiệm Lời Chúa


Chủ đề "sự sống" trong Mùa Phục Sinh vẫn được tiếp tục với Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm B hôm nay, cũng như của 3 tuần sau này, liên quan đến đề tài Bánh Hằng Sống được Thánh Ký Gioan thuật lại.


Thật vậy, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, như bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước thuật lại, Chúa Giêsu, trong bài Phúc Âm hôm nay, bắt đầu dẫn nhập vào đề tài Bánh Hằng Sống của Người. Ở chỗ nào? Ở chỗ Người đã khôn khéo gợi ý để họ đi từ thắc mắc và yêu cầu đến tự động ngỏ ý xin Người ban cho họ Bánh Hằng Sống là chính bản thân của Người. Thứ tự như sau:


Trước hết, Người gợi ý về việc họ cần phải tìm kiếm hay làm việc cho được sự sống bất diệt đời đời chứ đừng tìm kiếm hay làm việc chỉ cho sự sống tạm bợ phai tàn ở đời này mà thôi: 


"Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: 'Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?' Chúa Giê-su đáp: 'Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu'".


Sau nữa, Người chẳng những trả lời thắc mắc của họ về vấn đề "làm việc của Thiên Chúa" mà còn giải quyết yêu cầu của họ về "dấu lạ" Người cần phải làm để nhờ đó họ có thể tin vào Người:


"Họ liền thưa lại rằng: 'Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?' Chúa Giêsu đáp: 'Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến'. Họ thưa Chúa Giêsu: 'Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời. Chúa Giêsu đáp: 'Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian'".


Sau hết, để đáp lại những gì chính họ tự động ngỏ ý xin Người liên quan đến thứ "bánh bởi trời... ban sự sống cho thế gian" được Người nói đến, dù họ chưa nắm bắt được tất cả ý nghĩa của thứ bánh này, như người phụ nữ ngoại lai Samaritanô ở bờ giếng Giacóp đã xin Người "nước... không còn bao giờ khát nữa", dù nàng chưa hề biết nước ấy là gì và như thế nào (xem Gioan 4:14-15), Người đã tỏ mình ra cho dân chúng bằng lời tuyên bố về Người như sau:


"Họ liền thưa Người rằng: 'Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi'. Chúa Giêsu nói: 'Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ'".


Trong 3 bài Phúc Âm tới đây ở Chúa Nhật XIX, XX và XXI Năm B, chúng ta sẽ thấy tất cả những gì liên quan đến mạc khải thần linh về mầu nhiệm Bánh Hằng Sống liên quan trực tiếp đến bản thân của Chúa Kitô, đúng như lời tuyên bố của Người ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Chính Tôi là bánh ban sự sống".


Hình ảnh manna nuôi dân Do Thái trong suốt cuộc hành trình 40 năm họ băng qua sa mạc để tiến về Đất Hứa chỉ là những gì ám chỉ về Bánh Hằng Sống là Chúa Kitô sẽ ban cho những ai tin vào Người, những ai tìm kiếm và làm việc của Thiên Chúa là Đấng luôn tỏ mình ra cho họ qua Chúa Kitô Con của Ngài để làm cho họ tin mà được sự sống đời đời. 


Bài Đọc 1 hôm nay được Sách Xuất Hành cho thấy Thiên Chúa đã đáp ứng nhu cầu sinh sống hằng ngày của dân Do Thái, thành phần dân được Ngài tuyển chọn để chẳng những giải thoát họ khỏi bị làm nô lệ bên Ai Cập mà còn mang họ vào Đất Hứa là nơi tràn đầy sự sống qua hình ảnh chảy sữa và mật, chứ không phải để họ chỉ sống trong sa mạc là nơi tiểu biểu cho khô cằn và chết chóc, bằng cách, trong suốt cuộc hành trình 40 năm như thể "vượt qua sự chết mà vào sự sống"(Gioan 5:24) này, Ngài đã ban lương thực hằng ngày cho họ là manna như bánh ăn làm món chính cho họ và còn kèm theo cả thịt chim cút nữa:

 


"Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: 'Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi'". Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: 'Manhu', có nghĩa là: 'Cái gì vậy?' vì họ không biết là thứ gì. Moisen liền nói với họ: 'Đó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn'".


Việc Thiên Chúa nuôi dân Do Thái bằng manna và chim cút trong suốt cuộc hành trình 40 năm băng qua sa mạc của họ không phải chỉ để bảo tồn sự sống thể lý của họ, mà nhất là để nhờ đó họ có thể nhận biết Ngài là Thiên Chúa của họ: "như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi", và việc nhận biết Thiên Chúa của họ được thể hiện bằng việc họ "tuân giữ lề luật của Ta". Có thể nói cuộc hành trình 40 năm băng qua sa mạc của dân Do Thái tiến về Đất Hứa là một cuộc hành trình đức tin, ở chỗ từ bỏ con người cũ để xứng đáng được hưởng sự sống dồi dào trong mảnh Đất Hứa chảy sữa và mật. 


Trong cuộc hành trình đức tin của Kitô hữu là thành phần dân Tân Ước được tuyển chọn của Thiên Chúa cũng thế, một thành phần cho dù đã được lãnh nhận Phép Rửa nhưng vẫn còn nơi bản thân mình đam mê nhục dục và tính mê nết xấu là những gì thuộc về con người cũ mà họ cần phải cởi bỏ và thắng vượt để sống con người mới trong Chúa Kitô và như Chúa Kitô. Đó là lý do, trong Bài Đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô đã khuyên giáo đoàn Êphêsô đừng ăn ở như dân ngoại, trái lại, hãy cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới, như sau:


"Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Đức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Đức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật".


Bài Đáp Ca hôm nay bao gồm tâm tình của thành phần hậu thế Do Thái, thành phần cho dù chỉ nghe "thuật lại" những kỳ công Thiên Chúa "quyền năng" đã làm cho cha ông của họ (câu 1), trong đó có cả manna như thứ "bánh bởi trời" được Ngài ban cho cha ông của họ (câu 2), một thứ bánh đặc biệt để nhờ đó họ tin vào Ngài như thể "Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người" (câu 3):

 

1) Điều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. 


2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời. Người đã làm mưa manna xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời. 


3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm. 


 


Thứ Hai

 

Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung Năm B

ngày 6 tháng 8

Lễ Kính

 

Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14

"Áo Người trắng như tuyết".

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 9

Ðáp: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Pr 1, 16-19

"Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống".

Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: "Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 17, 5c

Alleluia, alleluia! - Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 9, 1-9

"Ðây là Con Ta yêu dấu".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mk 9, 1-9

 

Vinh Quang Ba Ngôi nơi Việc Chúa Kitô Biến Hình

(Bài giáo lý Đại Năm Thánh 2000 của ĐTC GPII)

 

Phụng Vụ Lời Chúa

(theo ngày trong tuần)


Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 28, 1-17

"Hỡi Hanania, Chúa không hề sai anh, anh đã làm cho dân tin tưởng sự giả dối".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Năm ấy, vào đầu triều đại Sêđêcia, vua Giuđa, tháng năm, năm thứ tư, có tiên tri Hanania, con của Azur, quê ở Gabaon, nói với Giêrêmia trong Ðền thờ Chúa, trước mặt các tư tế và toàn dân rằng: "Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán thế này: "Ta đã bỏ ách của vua Babylon. Còn hai năm nữa thì tất cả những đồ dùng trong Ðền thờ Chúa, mà Nabucôđônosor, vua Babylon, đã đoạt đem qua Babylon, Ta sẽ đem về nơi này. Giêcônia, con Gioakim, vua Giuđa, cùng tất cả những người Giuđa bị lưu đày đi Babylon, Ta cũng sẽ đem về nơi này: vì Ta bỏ ách vua Babylon. Chúa phán như thế".

Bấy giờ tiên tri Giêrêmia trả lời tiên tri Hanania trước mặt các tư tế và toàn dân đang đứng trong Ðền thờ Chúa. Tiên tri Giêrêmia nói: "Ðược, Chúa cứ làm như vậy. Chúa cứ thực hiện những lời anh đã nói tiên tri. Ngài cứ đem các đồ dùng trong Ðền thờ Chúa và mọi người lưu đày từ Babylon về nơi này. Nhưng anh hãy nghe lời tôi nói cho anh và toàn dân nghe: Các tiên tri trước anh và tôi, đã nói tiên tri từ lâu, cho nhiều xứ và vương quốc vĩ đại biết có chiến tranh, cơ cực và đói khát. Nhưng tiên tri nào nói tiên tri cho biết có hoà bình, khi ứng nghiệm lời mình nói, thì mới được nhận là tiên tri thật Chúa sai đến".

Bấy giờ tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ của tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi. Rồi Hanania nói trước mặt toàn dân rằng: "Chúa phán thế này: Hai năm nữa, Ta sẽ bẻ ách của Nabucôđô-nosor, vua Babylon, nơi cổ mọi dân tộc như thế đó". Và tiên tri Giêrêmia bỏ đi. Nhưng sau khi tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi, thì có lời Thiên Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: "Hãy đi nói với Hanania rằng: Chúa phán thế này: "Ngươi đã bẻ ách gỗ, thì Ta sẽ lấy ách sắt thay vào". Vì Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: "Ta đã đặt ách sắt vào cổ mọi dân tộc này, để chúng làm tôi Nabucô-đônosor, vua Babylon. Chúng sẽ làm tôi vua ấy, và cả đến thú vật ngoài đồng, Ta cũng nạp cho vua ấy".

Tiên tri Giêrêmia liền nói với tiên tri Hanania rằng: "Hỡi Hanania, hãy nghe đây: Chúa không hề sai anh. Anh đã làm cho dân này tin tưởng sự giả dối. Vì vậy, Chúa phán thế này: 'Ðây Ta sẽ cất ngươi khỏi mặt đất: năm nay ngươi sẽ chết, vì ngươi đã nói chống lại Chúa' ". Và tiên tri Hanania đã chết trong tháng bảy năm ấy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 29. 43. 79. 80. 95. 102

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa (c. 68b).

Xướng: 1) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. - Ðáp.

2) Xin Chúa đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài. - Ðáp.

3) Tâm hồn chúng như mỡ đặc, vô cảm giác; phần con biết sướng vui do luật pháp của Ngài. - Ðáp.

4) Nguyện cho lòng con trọn vẹn hướng về thánh chỉ, để con không bị xấu hổ thẹn thùng. - Ðáp.

5) Những tên ác nhân đợi chờ để thủ tiêu con, nhưng con vẫn quan tâm đến lời Ngài nghiêm huấn. - Ðáp.

6) Con không bước trật đường thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài dạy bảo con. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 14, 13-21

"Mọi người đều ăn no".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn".

Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy".

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 14, 13-21

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên hôm nay của Thánh Ký Mathêu thuật lại về biến cố phép lạ bánh hóa ra nhiều từ 5 ổ bánh và 2 con cá. Cùng biến cố hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất này cũng đã được Phúc Âm của Thánh ký Gioan thuật lại trong Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B tuần trước. 


Trong bài Phúc Âm được Thánh ký Gioan thuật lại về biến cố phép lạ hóa bánh ra nhiều thì Chúa Giêsu đóng vai chủ động. Ở chỗ, chính Người lên tiếng hỏi các ông trước và đích thân Người phân phát bánh cùng cá cho dân chúng. 


Chính Người lên tiếng hỏi: "Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: 'Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?' Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm". 


Chính Người đích thân phân phát bánh cùng cá cho dân: "Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".


Trong khi đó, ở bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay, các tông đồ đóng vai chủ động, cả về việc quan tâm đến dân chúng lẫn phân phát cho dân chúng. 


Các tông đồ quan tâm đến dân chúng: "Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: 'Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn'".


Các tông đồ phân phát cho dân chúng: "Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng".


Tuy nhiên, việc các tông đồ quan tâm đến dân chúng đói ăn đây có tích cách tiêu cực hơn là tích cực. Ở chỗ các vị đẩy trách nhiệm cho chính dân chúng hơn là chính các vị tìm cách thỏa đáng nhu cầu đói ăn của họ. Lý do cũng dễ hiểu, là vì việc làm ấy quá sức của các vị. Thế nhưng Thày của các vị đang ở đó: tại sao các vị không đến với Người như Mẹ Maria đã đến với Người trong tiệc cưới Cana mà nhắc khéo Người rằng: "Thày ơi, dân chúng đang đói kìa!"


Cho dù các tông đồ không tích cực và chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu đói ăn của dân chúng bấy giờ, nhưng các vị hình như đã sửa soạn sẵn sàng nên đã mau mắn đáp lại khi được Chúa Giêsu hỏi các vị trước khi ra tay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều:


"Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn'. Các ông thưa lại rằng: 'Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá'. Người bảo các ông rằng: 'Hãy đem lại cho Thầy'".


Thật sự là các tông đồ đã sửa soạn sẵn sàng, bởi thế, vừa được Chúa Giêsu hỏi là các vị trả lời liền, không cần phải thắc mắc hay do dự gì, sau đó các vị đáp ứng ngay khi được Chúa bảo: "Hãy đem lại cho Thầy".


Căn cứ vào chi tiết nho nhỏ này thì có thể các tông đồ đã đi thăm dò dân chúng xem họ có mang theo lương thực phòng thân hay chăng, nhưng chắc các vị thấy hầu hết hay hầu như chẳng mấy ai có gì để ăn uống hết, ngoài trừ có một cậu bé có 5 ổ bánh và 2 con cá. 


Thấy tình hình như thế nên các vị mới giục Thày giải tán dân chúng cho họ đi tìm của ăn. Nhưng không ngờ lý lẽ của Chúa Giêsu khác với, đúng ra hơn hẳn lý lẽ của các tông đồ, ở chỗ, không phải là dân chúng tự lo giải quyết tình trạng đói ăn của họ mà ngược lại: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". 

 


Có những giải thích phép lạ Chúa Giêsu làm theo kiểu khoa học, như thể cố ý hay tìm cách xuyên tạc phép lạ Chúa Giêsu làm, bằng cách gián tiếp hay trực tiếp chối bỏ các phép lạ của Người. Chẳng hạn trong phép lạ bánh hóa ra nhiều này, họ giải thích rằng vì dân chúng nghe lời giảng của Chúa Giêsu xong thì động lòng nên ai có đồ ăn thức uống thì mang ra chia cho nhau cùng ăn cùng uống, nên ai cũng ăn no. 

Vậy thì "12 thúng đầy" dư ở đâu mà ra, dư từ 5 chiếc bánh và 2 con cá hóa nhiều hay từ đồ ăn của dân chúng san sẻ cho nhau? Nếu thế thì (theo Phúc Âm Thánh ký Gioan) chính Chúa Giêsu phân phát cho dân chúng bánh trước và cá sau phải hiểu như thế nào, từ 5 ổ bánh và 2 con cá hay từ những gì của chính dân chúng chứ? Và trong Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay, lời Chúa Giêsu bảo các tông đồ "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn" phải hiểu ra sao, từ 5 ổ bánh và 2 con cá do Người làm phép lạ hóa ra nhiều hay từ những gì của dân chúng mang theo??

 

 

Những lời dẫn giải lời Chúa một cách xuyên tạc hay cố ý bình thường hóa hoặc chối bỏ phép lạ của Chúa Giêsu như vậy thì chẳng khác gì nhân vật mang tên Hanania trong Bài Đọc 1 hôm nay, một vị tiên tri giả, chuyên nói chiều lòng dân chúng, hoàn toàn không đúng với ý Chúa, bởi Chúa không sai vị này, để rồi hậu quả vị ấy phải chịu đã xẩy ra đúng như lời Tiên Tri Giêrêmia đã báo trước cho vị ấy như sau:

 

"'Hỡi Hanania, hãy nghe đây: Chúa không hề sai anh. Anh đã làm cho dân này tin tưởng sự giả dối. Vì vậy, Chúa phán thế này: 'Ðây Ta sẽ cất ngươi khỏi mặt đất: năm nay ngươi sẽ chết, vì ngươi đã nói chống lại Chúa'. Và tiên tri Hanania đã chết trong tháng bảy năm ấy".

 

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay đã chất chứa tâm tình nguyện xin cho được sống chân chính hơn là chiều theo hay chấp nhận những gì là gian dối không hợp với "luật pháp" Chúa và các "sắc dụ" cùng "thánh chỉ" của Chúa.


 

 1) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con.

2) Xin Chúa đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài.

3) Tâm hồn chúng như mỡ đặc, vô cảm giác; phần con biết sướng vui do luật pháp của Ngài.

4) Nguyện cho lòng con trọn vẹn hướng về thánh chỉ, để con không bị xấu hổ thẹn thùng.

5) Những tên ác nhân đợi chờ để thủ tiêu con, nhưng con vẫn quan tâm đến lời Ngài nghiêm huấn.

6) Con không bước trật đường thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài dạy bảo con.

 

 

 


Thứ Ba

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22

"Vì tội lỗi ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy. Nhưng Ta sẽ đem Giacóp về nhà xếp".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: "Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi".

Vì Thiên Chúa phán rằng: "Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy".

Chúa phán thế này: "Ðây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? - Chúa phán như thế -. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23

Ðáp: Chúa tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang xán lạn (c. 17).

Xướng: 1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn. Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Ðáp.

2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Ðáp.

3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Chúa ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 14, 22-36

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến". Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con". Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!"

{Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành}.

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 14, 22-36

 

Suy Nghiệm Lời Chúa


Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên hôm nay thuật lại một biến cố xẩy ra sau phép lạ bánh hóa nhiều. Biến cố này xẩy ra thứ tự 4 phần như sau:

Phần nhất: "Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió".

Ở đây chúng ta thấy chính Chúa Giêsu giải tán dân chúng, chứ Người không bảo các tông đồ làm một việc xứng với thân phận và vai trò là môn đệ của Người. Người đích thân làm việc này có thể là vì "Người lên núi cầu nguyện một mình". Bởi đó Người đã "giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước", con thuyền mà Thày trò đã sử dụng để tránh dân chúng tuốn đến trước đó (xem Marco 6:32). Và có thể là vì một mục đích khác nữa, có lợi cho các tông đồ, nên cho mãi "đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió".


Phần hai: "Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: 'Ma kìa' và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ'". 

Phải, ở đây chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu cố ý để cho thuyền của các tông đồ "ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió" rồi Người mới xuất hiện giữa đêm tối: "Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông", chứ không xuất hiện với các vị khi trời còn sáng và vào lúc không có sóng gió gì, khiến các ông bấy giờ không còn nhận ra Người, càng hoảng sợ hơn nữa: "mà nói rằng: 'Ma kìa' và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng". Thiên Chúa hay chơi trò ma quái này với thành phần thiểu số được Ngài tuyển chọn, và Ngài thích tỏ mình ra trong những cơn gian nan khốn khó của những ai cần tin vào Ngài: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". 

Phần ba: "Phêrô thưa lại rằng: 'Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy'. Chúa phán: 'Hãy đến'. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu con'. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: 'Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?' Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!'".

Được trấn an và nhận ra quả thực là Thày của mình chứ chẳng phải ma quái gì, Tông Đồ Phêrô chẳng những cảm thấy hết sợ mà còn trở nên khoái chí đến độ đã xin với Người rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúng ta thấy Tông Đồ Phêrô không tự ý nhào ra khỏi thuyền mà đến với Thày mà là xin lệnh của Thày trước. Và khi được Người cho phép "hãy đến" ngài liền "xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu".

Về sự kiện Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến cùng các môn đệ này cũng thế, người ta cũng tìm cách giải thích nghe có lý để gạt bỏ những gì gọi là phép lạ của Chúa Giêsu đi. Chẳng hạn, họ giải thích rằng bấy giờ là mùa đông nên nước bị đông cứng nên Chúa Giêsu đã bước đi trên tảng băng chứ không phải trên nước. Đúng là một giải thích trẻ con, chỉ đánh lừa được những ai không cẩn thận đọc Thánh Kinh. Vậy thì chỉ có chỗ Tông Đồ Phêrô bị chìm xuống là chỗ duy nhất không bị đông đá hay sao? Hay chỉ có chỗ nào Chúa Giêsu đi thì mới bị đóng băng còn chỗ nào thuyền của các môn đệ chèo thì toàn là nước à? Thật là một hiện tượng có vẻ ảo thuật hơn là thiên nhiên.


Ch
úng ta không biết được từ thuyền đến chỗ Chúa Giêsu đang đi trên biển mà đến với thuyền của các tông đồ bao xa. Nhưng chắc cũng không còn xa cho lắm, bởi trong đêm tối các tông đồ còn có thể nhìn thấy được Người và còn có thể nghe được tiếng của Người giữa sóng gió ào ào. Vậy từ thuyền đến chỗ của Chúa Giêsu rất gần nên có thể suy đoán rằng Tông Đồ Phêrô vừa mới ra khỏi thuyền được một chút thì đã cảm thấy chới với: "Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu con'". 

Tất nhiên Chúa Giêsu ở ngay đó không thể nào để cho vị tông đồ này chết chìm: "Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: 'Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?'". Đúng thế, chỉ vì "nghi ngờ" mà Tông Đồ Phêrô mới bị chìm xuống, trái lại, nếu sóng gió càng mạnh, càng cản trở vị tông đồ này đến cùng Chúa Giêsu, mà ngài cứ tiếp tục thắng vượt tất cả, bằng một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thày, Đấng đang ở ngay phía trước mặt ngài và là chính mục tiêu tiến đến của ngài, thì chắc chắn ngài đã gặp được Người trong chính sóng gió và giữa đêm tối. 

Dầu sao Chúa Giêsu cũng đạt được mục đích của Người là tỏ mình ra cho các tông đồ giữa cơn gian nan khốn khó đầy hiểm nguy của các vị để các vị nhờ đó mà tin vào Người: "Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!'". 

"Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng" có nghĩa là cuộc thử thách đức tin của các tông đồ được Chúa Giêsu sắp xếp xẩy ra chỉ tới đó thôi, nghĩa là cho tới khi Người bước vào trong thuyền của các vị, và cũng chính là lúc và là nơi các vị nhận biết Người đúng như những gì Người mong muốn nơi các vị: "Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!'"


Sự kiện Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta thấy Người 1- cố ý sai các môn đệ của Người sang bên kia bờ trước Người, 2- và chỉ cho đến khi các vị bị bão tố thì Người mới đến với các vị trong đêm tối rùng rợn, 3- khiến các vị tưởng Người là ma cho đến khi Người phải lên tiếng trấn an các vị, 4- bấy giờ người môn đệ linh hoạt nhất là Phêrô mới tự nhiên cao hứng muốn thử xem quả thực có phải là Thày hay chăng đã xin Người cho chàng đi trên nước đến với Người, 5- nhưng vì bị chi phối bởi bão tố người môn đệ này không còn nhìn thẳng vào Người nữa đã chìm xuống, 6- đến độ chàng đã phải lên tiếng kêu cứu Người, và chàng đã được Người nắm lấy tay chàng mà đưa lên thuyền, 7- thế rồi chỉ cho tới lúc Người đưa môn đệ Phêrô lên thuyền thì bấy giờ phong ba bão tố mới chấm dứt.


Sự kiện của bài Phúc Âm như được tóm gọn trên đây cũng đã từng xẩy ra cho dân Do Thái của Thiên Chúa: trước hết, Thiên Chúa để cho thành phần dân ngoan cố của Ngài trải qua gian nan thử thách: "Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy". Sau đó Ngài ra tay cứu họ: "Ðây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên". Và cuối cùng, như Chúa Kitô cho Phêrô liều mạng đi trên mặt nước đến cùng Người và dẹp yên bão tố khi Người ở giữa họ thế nào thì Bài Đọc 1 hôm nay cũng kết thúc bằng câu:
"Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? - Chúa phán như thế -. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".


Đó là lý do bài Đáp Ca hôm nay đã chất chứa tâm tình tri ân cảm tạ và chúc tụng Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất vô cùng nhân hậu của dân Do Thái như sau, Vị Thiên Chúa lợi dụng tộ lỗi của dân mình để tỏ mình ra cho họ mỗi ngày một hiển linh hơn:

 

1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn. Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.

2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử.

3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Chúa ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa.

 

 


Thứ

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 1-7

"Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Khi ấy, Chúa phán rằng: "Ta sẽ là Thiên Chúa của mọi chi tộc Israel, và chúng sẽ là dân Ta".

Chúa phán thế này: "Dân thoát khỏi tay gươm, đã được nghĩa trong rừng vắng: Israel sẽ đi vào nơi an nghỉ của mình. Từ xa Chúa đã hiện ra với ta mà phán rằng: "Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương dắt ngươi đến. Rồi Ta lại kiến thiết ngươi, hỡi trinh nữ Israel, ngươi sẽ được tái thiết. Ngươi lại mang những trống cơm, sẽ bước đi với hội hát vui mừng. Ngươi lại trồng nho trên các núi đồi Samaria; kẻ vun trồng cứ vun trồng và sẽ không hái trái nho khi chưa đến mùa. Vì sẽ đến ngày những người canh gác trên núi Ephraim sẽ kêu lên: "Hãy chỗi dậy, chúng ta đi lên Sion, đến cùng Chúa là Thiên Chúa chúng ta".

Vì Chúa phán thế này: "Hỡi Giacóp, hãy nhảy mừng, hãy hét to vào đầu dân ngoại; hãy nói cho người ta nghe; hãy ca hát và nói lên rằng: 'Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel'".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

Xướng: 1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. - Ðáp.

2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. - Ðáp.

3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế. Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan; sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

"Này bà, bà có lòng mạnh tin".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm".

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel".

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống".

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư trong Tuần XVIII Thường Niên, Thánh ký Mathêu thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu chữa cho con gái của người đàn bà xứ Canaan được khỏi bị quỉ ám, một người đàn bà dân ngoại nhưng có một đức tin "muốn gì đưc nấy". 


Thế nhưng, để có một đức tin "muốn gì được nấy" này, người đàn bà ngoại bang Cannan này đã phải trải qua một một cơn thử thách phải nói là khủng khiếp, một trận đấu sinh tử, trận đấu thập tử nhất sinh, liên quan đến sắc tộc của bà cũng như đến chính phẩm giá của bà.


Cuộc thử thách đức tin liên quan đến sắc tộc của người đàn bà Canaan: "Các môn đệ đến gần Người mà rằng: 'Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi'. Người trả lời: 'Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel'". Qua câu trả lời cho các môn đệ này, Chúa Giêsu như muốn nói rằng chỉ có dân Do Thái của Người là nhất, còn các dân ngoại chỉ là đồ thứ yếu, không đáng chú trọng cho bằng dân Do Thái. 


Cuộc thử thách đức tin liên quan đến phẩm giá làm người của người đàn bà Canaan"Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: 'Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi'. Người đáp: 'Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó'". Đến đây, bị chạm tự ái như thế, bị coi như loài chó như vậy, không biết có ai còn nhẫn nại để tiếp tục với con người khinh bỉ mình và chửi mình như thế nữa hay chăng, hay là điên tiết quại lại bằng câu hùng hổ như: "Này, ông đừng có tưởng rằng ông ngon lắm, không đáp ứng những gì tôi xin thì thôi, chứ đừng có mà khinh bỉ tôi như vậy. Tôi cóc cần ông".  


Thế nhưng, cho dù người đàn bà Canaan bị một độc chưởng vô cùng lợi hại chỉ từ chết tới bị thương như vậy mà bà chẳng những vẫn không hề hấn gì, trái lại, bà còn tung lại một tuyệt chiêu vô cùng ngoạn mục: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống", một tuyệt chiêu đã làm cho đối thủ vô địch của bà đành chào thua bà lập tức"Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy"

 

 

So sánh với tông đồ Phêrô trong Bài Phúc Âm hôm qua, vị tông đồ vì không còn gắn mắt vào Thày mình nữa nên đã bắt đầu bị chìm xuống nước thì người đàn bà xứ Canaan trong bài Phúc Âm hôm nay, cho dù ở dưới gầm bàn ăn chực của thành phần con cái nhưng vẫn cứ gắn mắt vào vị chủ nhà nên đã được thừa hưởng những vụn lương thực của con cái.


Điều duy nhất người đàn bà ngoại bang Canaan này muốn đó là làm sao để người con gái của bà khỏi "bị quỷ ám khốn cực lắm", đến độ, bà cảm thấy cái khổ của chính con bà như là của bà, nên bà đã xin Chúa Giêsu thương chính bản thân bà chứ không phải là đứa con gái của bà: "Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi". Để rồi, nhờ đức tin "muốn gì được nấy" của bà mà "ngay lúc đó, con gái bà đã được lành".

 

 

 

Cho dù là dân ngoại hay dân Do Thái được Thiên Chúa ưu tuyển làm dân riêng của Ngài, muốn được cứu độ, được chữa lành bản tính đã bị hư đi bởi nguyên tội của mình, như thể bị quỉ ám như trường hợp đứa con gái của người đàn bà xứ Canaan trong Bài Phúc Âm hôm nay, thì đều phải tin vào Thiên Chúa, tin vào Đấng Thiên Sai Cứu Độ của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, theo dự án cứu độ của mình, Thiên Chúa muốn sử dụng phương tiện dân Do Thái để cứu độ chung nhân loại là toàn thể dân ngoại. Đó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định với người đàn bà Samaritano ngoại lai tội lỗi rằng: "Ơn cứu độ từ dân Do Thái mà ra" (Gioan 4:21), đúng như lời Thiên Chúa hứa cùng tổ phụ Abraham của họ là các dân tộc trên thế giới sẽ được chúc phúc nhờ giòng dõi của ông (xem Khởi Nguyên 22:18).

 

 

Ngay trong Bài Phúc Âm hôm nay, chính người đàn bà Xứ Canaan ngoại bang dân ngoại này đã nại đến lý do có tính chất Do Thái ấy: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Bởi thế, cho dù Thiên Chúa có tỏ ra bề ngoài yêu thương dân của Ngài cách riêng, như chính lời Ngài phán qua miệng Tiên Tri Giêrêmia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương dắt ngươi đến", nhưng qua họ Ngài muốn tỏ tình yêu thương tất cả mọi dân nước, mọi người trên thế giới nữa, nhất là những ai tin vào Người.

 

 

Sự kiện Chúa Kitô, "Con Vua Đavít", trừ quỉ ám cho người con gái của người đàn bà dân ngoại Xứ Canaan trong bài Phúc Âm hôm nay theo lòng tin mãnh liệt của bà chứng thực rằng Thiên Chúa yêu thương cả dân ngoại nữa. Đó là lý do trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thiên Chúa đã phán thế này: "Hỡi Giacóp, hãy nhảy mừng, hãy hét to vào đầu dân ngoại", thành phần dân ngoại cũng được kêu gọi trong Bài Đáp Ca hôm nay, ở câu xướng 1, rằng: "Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm".

 

 

 

 


Thứ Năm

 

Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 31-34

"Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: "Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng". Chúa phán: "Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta". Chúa phán: "Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: 'Ngươi hãy nhìn biết Chúa', vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.

2) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. - Ðáp.

3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 16, 13-23

"Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mt 16, 13-23

Suy Nghiệm Lời Chúa




B
ài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên, được Thánh ký Mathêu thuật lại về sự kiện tông đồ đoàn, qua vị đại diện của mình là Tông Đồ Phêrô, tuyên xưng thực tại thần linh chân thực về Chúa Kitô, một Chúa Kitô sau đó chẳng những thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng đức tin của vị tông đồ này, mà còn tỏ ra cho các tông đồ biết một bí mật quân sự tối quan hệ về Người. 

Tông Đồ Phêrô, tuyên xưng thực tại thần linh chân thực về Chúa Kitô: 

"Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: 'Người ta nói Con Người là ai?' Các ông thưa: 'Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ'. Đức Giêsu lại hỏi: 'Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?' Ông Simôn Phêrô thưa: 'Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống'". 

Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng đức tin của vị tông đồ này:

"Đức Giêsu nói với ông: 'Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". 

Chúa Kitô tỏ ra cho các tông đồ biết một bí mật quân sự tối quan hệ về Người:

"Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: 'Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!' Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: 'Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người'".

Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi là tại sao Chúa Giêsu bỗng nhiên lại hỏi các tông đồ về nhận định của dân chúng nói chung và của các tông đồ nói riêng về Người, trong khi Người vẫn cố ý che dấu căn tính của Người, như trong chính bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô"?

Phải chăng Người chỉ có ý muốn trắc nghiệm xem kiến thức thần linh và cảm nghiệm thần linh về Người nơi các vị như thế nào sau thời gian được gần gũi với Người hơn quần chúng? Căn cứ vào nội dung và kết cấu của bài Phúc Âm thì Chúa Kitô không phải chỉ muốn trắc nghiệm mức độ đức tin của các tông đồ, vì tự mình Người đã biết đức tin của các vị ra sao rồi, chẳng cần phải hỏi, mà Người muốn tiết lộ một bí mật hết sức phũ phàng về Người mà Người biết chắc chắn rằng các tông đồ không thể nào chấp nhận được, dù các vị có tuyên xưng hết sức chính xác về Người đi chăng nữa. 

Thật thế, điều tối mật về Người đó là Người chẳng những là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" mà còn là một Đức Kitô tử nạn và phục sinh nữa, để chứng tỏ Người thực sự là "Đức Kitô" (qua mầu nhiệm tử giá) và đồng thời cũng chính là "Con Thiên Chúa hằng sống" (qua mầu nhiệm phục sinh), chứ không phải như lý lẽ tự nhiên của các tông đồ, tiêu biểu qua tông đồ Phêrô, hiểu theo kiểu trần gian, ở chỗ đã là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" thì Người không thể nào lại chết được. 

Nếu chung các tông đồ và riêng tông đồ Phêrô không chấp nhận sự thật này về "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" thì các vị sẽ không thể nào theo Người được. Đó là lý do các vị đã phản nộp Người, như một tông đồ Giuđa Íchca, hay đã trắng trợn chối bỏ Người, như một tông đồ Phêrô đầu đàn. Đó cũng là lý do các vị ru rú lo âu sợ hãi trong căn thượng lầu khóa kín sau khi Thày của các vị chết đi. 

Đó còn là lý do khi nhận biết tất cả sự thật về một Chúa Kitô Phục Sinh, tông đồ Toma đã tuyên xưng: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi" (Gioan 20:28), chứ không tuyên xưng "Vâng, con tin Thày đã chết nhưng đã sống lại". Bởi vì, chính vì Thày là Chúa và là Thiên Chúa mà Thày dù có chết cũng sẽ sống lại, để làm Chúa của cả kẻ sống lẫn người chết, để chứng tỏ Người là Vị Thiên Chúa hằng sống bất diệt. Lời tuyên xưng này của tông đồ Tôma như thể lập lại lời tuyên xưng của tông đồ Phêrô: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". 


"Giao Ước mới" được Thiên Chúa phán qua miệng Tiên Tri Giêrêmia trong Bài Đọc 1 hôm nay phải chăng là giao ước mới liên quan đến thứ giao ước Kitô hữu chúng ta gọi là Tân Ước? Nghĩa là thứ "giao ước mới trong máu Thày" (Luca 20:22). Thật ra, theo nội dung của những gì Thiên Chúa phán trong Bài Đọc 1 hôm nay thì giao ước mới Ngài muốn nói đến ở đây không phải là giao ước "Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng", mà là thứ giao ước "sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta". Nhờ đó, nhờ giao ước mới này, mà "mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng".


Thứ "giao ước mới" được Thiên Chúa hứa ký kết với dân Do Thái ở Bài Đọc 1 hôm nay là thứ giao ước của Lòng Thương Xót Chúa. Ngài bất chấp bản tính yếu dại và tội lỗi của con người, thậm chí lợi dụng chính tội lỗi của họ để tỏ mình ra hơn nữa. Ở Bài Phúc Âm hôm nay chúng ta cũng thấy chiều hướng và âm hưởng của thứ giao ước mới này, ở chỗ, Chúa Kitô biết trước bản tính yếu dại của con người được Người tuyển chọn thay Người lãnh đạo Giáo Hội Người thiết lập, với toàn quyền nắm trong tay chìa khóa quyết định mọi sự dưới thế gian này, đến độ trên trời cũng phải chiều theo, một con người vừa được Người trao phó cho vai trò giáo hoàng tiên khởi đã trở thành "satan" và bị Người xua đuổi cho khuất mắt Người.


Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới chất chứa những xác tín và tâm tình tràn đầy cảm nghiệm thần linh về Lòng Thương Xót Chúa, một tấm lòng thương xót không bao giờ loại trừ ai "khỏi thiên nhan Chúa", nhất là những "tấm lòng tan nát khiêm cung", trái lại, Ngài chỉ mong "ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ":

 

1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

2) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.




Thứ Sáu

 


Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Nk 1, 15; 2, 2; 3, 1-3. 6-7

"Khốn cho thành khát máu".

Trích sách Tiên tri Nakhum.

Kìa xem, trên núi có người đưa tin mừng chạy đến. Hỡi Giuđa, hãy mừng các ngày lễ trọng của ngươi, hãy thi hành lời ngươi khấn nguyện. Vì Bêlial từ nay sẽ không còn đi qua đất ngươi: nó đã bị hoàn toàn tận diệt.

Vì Chúa sẽ trồng lại cây nho Giacóp, cũng như cây nho Israel, bởi quân phá phách đã tàn phá chúng và đã bẻ cành chúng.

Khốn cho thành khát máu, tràn đầy gian dối, hung bạo, người ta không ngừng cướp phá ngươi. Hãy nghe tiếng roi quất, tiếng bánh xe lăn, ngựa hí, xe phóng nhanh, quân kỵ binh xông đến, gươm lấp lánh, giáo sáng ngời, nhiều người bị giết, tàn phá nặng nề, xác chết vô vàn, ngã quỵ trên nhau.

Ta sẽ vứt đồ ô uế trên mình ngươi, làm nhục ngươi, bêu xấu ngươi. Lúc bấy giờ, hễ ai thấy ngươi cũng ngoảnh mặt mà nói: "Ninivê thật tiêu điều! Ai thương được ngươi? Tìm đâu ra người an ủi ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Ðnl 32, 35cd-36ab. 39. 41

Ðáp: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (c. 39c).

Xướng: 1) Ngày huỷ diệt đã gần rồi, và kỳ hẹn lại chóng đến. Chúa sẽ phán xét dân Người, và xót thương kẻ làm tôi Chúa. - Ðáp.

2) Các ngươi hãy xem có một mình Ta, và ngoài Ta, không có Chúa nào khác: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại; Ta sẽ đánh đập và sẽ chữa lành. - Ðáp.

3) Nếu Ta mài sáng gươm Ta như chớp, và nắm giữ phán quyết trong tay Ta, Ta sẽ trả oán những kẻ thù nghịch, sẽ trả thù những kẻ ghen ghét Ta. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 16, 24-28

"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 16, 24-28

 

Suy Nghiệm Lời Chúa



Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên, để tiếp tục tất cả sự thật về mầu nhiệm Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm qua, ở chỗ: Nếu Ngưòi là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", thì Người đồng thời cũng phải là một Đức Kitô Vượt Qua, tử giá và phục sinh, nhờ đó Người mới chứng thực Người quả là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Chúa Kitô, trong bài Phúc Âm hôm nay, đã thẳng thắn tuyên bố một hệ luận hay một lối sống liên quan trực tiếp đến thân phận của những ai muốn theo Người là một Đức Kitô Vượt Qua từ khổ giá đến phục sinh rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy".


Sau đó, Người cho các môn đệ của Người biết về lý do tại sao họ cần phải sống như thế, cần phải bỏ mình và vác thập giá mà theo Người như vậy, hay đúng hơn cần phải bỏ mình và vác thập giá mới có thể theo Người, bằng không, họ không thể nào theo Người được, thậm chí như Người phán trong Phúc Âm của Thánh ký Luca: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thày không xứng đáng làm môn đệ của Thày" (14:27). Lý do được Người nêu lên cho các môn đệ thấy đó là:


"Vì chưng, ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?"


Câu tuyên bố này của Chúa Kitô có thể hiểu về trường hợp của các vị tử đạo trong Giáo Hội từ trước tới nay trong lịch sử của Giáo Hội. Nguyên tắc cứu thì mất bỏ thì còn có vẻ mâu thuẫn này cũng đúng trong cả trường hợp bị rắn độc cắn nếu không chặt cánh tay hay chặt bàn chân bị nó cắn chỉ vì tiếc rẻ hay sợ đau cứ muốn giữ lấy chỗ bị cắn đó thì nạn nhân sẽ mất mạng, ngược lại thì còn mạng. 


Đó là lý do trong bài giảng Phúc Đức Trọn Lành trên núi của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, Chúa Kitô cũng đã khuyên các môn đệ của Người rằng nếu mắt của các con hay tay của các con mà nên cớ vấp phạm cho các con thì hãy móc nó đi, hãy chặt nó đi, thà mất một mắt hay thiếu một tay mà vào Nước Trời còn hơn còn nguyên toàn thân lại bị quẳng vào hỏa ngục (xem 5:29-30).


"Sự sống mình" mà Chúa bảo cần phải mất đi để "được sự sốngđây là gì, nếu không phải nếu "sự sống" họ được đây là Chúa Kitô, Đấng đã tuyên bố mình là "sự sống" (Gioan 11:25,14:6), thì "sự sống mình" đây chính là bản thân con người. Đó là lý do Người đã dứt khoát với những ai muốn theo Người "phải bỏ chính bản thân mình đi - must deny his very self". 


Việc "phải bỏ chính bản thân mình" của những ai muốn theo Chúa Kitô này không phải là việc họ tự hủy diệt bản thân họ, mà là một tiến trình biến đổi bản thân họ, biến đổi từ bản thân vô cùng thấp hèn xấu xa tội lỗi của họ để trở nên một Chúa Kitô vô cùng cao cả là chính sự sống thần linh của họ, nghĩa là họ đánh đổi bản thân mình để lấy chính Chúa Kitô, như thể họ là người tim thấy kho tàng là Chúa Kitô trong thửa ruộng thế gian thì đã bán hết mọi sự mình có, bán chính bản thân mình đi, để mua lấy thửa ruộng có kho tàng được chôn giấu ấy vậy (xem Mathêu 13:44).


Chúa Kitô là "sự sống" của thành phần muốn theo Người và cho những ai từ bỏ chính bản thân mình, đến độ không một sự gì trên thế gian này có thể so sánh được: có Người là có tất cả, mất Người là mất tất cả. Đó là lý do Chúa Kitô đã khẳng định với các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay rằng: "Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?". 


Chưa hết, những ai dám hy sinh tất cả mọi sự chẳng là gì trên trần gian tạm gửi mau qua chóng hết hết sức tầm thường này để theo Người cho tới cùng thì sau này sẽ được phần thưởng xứng đáng bất diệt đời sau nữa, như Người hứa với họ ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm". 

 

 

 

Nguyên tắc "ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống", một nguyên tắc bất hủ do chính Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay, thật đúng với những gì Thiên Chúa đã nói về thân phận của dân Do Thái nói chung, tùy theo họ "muốn cứu sự sống mình" hay "đánh mất sự sống mình".

 

 

Nếu dân Chúa "đánh mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống", ở chỗ: "Hỡi Giuđa, hãy mừng các ngày lễ trọng của ngươi, hãy thi hành lời ngươi khấn nguyện. Vì Bêlial từ nay sẽ không còn đi qua đất ngươi: nó đã bị hoàn toàn tận diệt. Vì Chúa sẽ trồng lại cây nho Giacóp, cũng như cây nho Israel, bởi quân phá phách đã tàn phá chúng và đã bẻ cành chúng".

 

 

Nếu dân của Ngài "muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất", ở chỗ: "Khốn cho thành khát máu, tràn đầy gian dối, hung bạo, người ta không ngừng cướp phá ngươi. Hãy nghe tiếng roi quất, tiếng bánh xe lăn, ngựa hí, xe phóng nhanh, quân kỵ binh xông đến, gươm lấp lánh, giáo sáng ngời, nhiều người bị giết, tàn phá nặng nề, xác chết vô vàn, ngã quỵ trên nhau. Ta sẽ vứt đồ ô uế trên mình ngươi, làm nhục ngươi, bêu xấu ngươi".

 

 

Nguyên tắc cứu thì mất và mất thì còn bất dịch này chính là phán quyết của Thiên Chúa, Đấng, qua miệng tiên tri Đaniên trong Bài Đáp Ca hôm nay, đã công khai tuyên bố thái độ và hành động của Ngài liên quan đến việc Ngài "phán xét dân Ngài" và "thương xót kẻ làm tôi Chúa" (câu xướng 1) như sau, ở 2 câu xướng còn lại thế này:

 

 

2) Các ngươi hãy xem có một mình Ta, và ngoài Ta, không có Chúa nào khác: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại; Ta sẽ đánh đập và sẽ chữa lành.

3) Nếu Ta mài sáng gươm Ta như chớp, và nắm giữ phán quyết trong tay Ta, Ta sẽ trả oán những kẻ thù nghịch, sẽ trả thù những kẻ ghen ghét Ta.



Thứ Bảy

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kb 1, 12 - 2, 4

"Người công chính sống được nhờ trung tín".

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Chớ thì ngàn xưa Chúa chẳng phải là Thiên Chúa, Chúa của tôi, là Ðấng Thánh của tôi? Vậy là chúng tôi không sao chết được. Lạy Chúa, Chúa đã đặt nó lên để xét xử, làm cho nó vững mạnh để trừng phạt. Mắt Chúa tinh sạch, không thể nhìn sự dữ, không thể xem sự gian ác. Tại sao Chúa lại nhìn những kẻ gian ác, và kẻ bất lương nuốt người công chính hơn nó, sao Chúa vẫn làm thinh?

Chúa để loài người như cá biển, như sâu bọ không có vua quan. Nó lấy lưỡi câu mà bắt hết, lấy chài mà kéo mọi sự, lấy lưới mà thu lượm: bởi thế nó hớn hở vui mừng. Vì vậy, nó cúng tế cho chài, nó dâng lễ vật cho lưới, vì bởi đấy nó được phần béo tốt và món ăn ngon. Lẽ nào nó cứ thả lưới không ngừng và luôn luôn tàn nhẫn sát hại các dân?

Tôi sẽ đứng ở vọng canh của tôi, đứng yên nơi thành lũy của tôi, tôi chờ xem Chúa dạy tôi thế nào, và trả lời ra sao cho điều tôi biện bạch? Chúa đáp lại tôi rằng: "Hãy chép điều ngươi thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 9, 8-9. 10-11. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Chúa (c. 11b).

Xướng: 1) Chúa ngự trị tới muôn đời, Người dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Người công minh thống trị địa cầu, Người chính trực xét xử chư dân. - Ðáp.

2) Chúa là chỗ dung thân cho người bị ức, chỗ dung thân dành cho những lúc gian truân, để những ai nhìn biết uy danh, cậy trông vào Chúa, vì lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Ngài. - Ðáp.

3) Hãy đàn ca Chúa, Người ngự ở Sion; hãy loan truyền công cuộc Chúa khắp chư dân: vì Ðấng đòi nợ máu, Người nhớ họ, Người không quên tiếng kêu của những kẻ cơ bần. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 17, 14-19

"Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: "Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được". Chúa Giêsu đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta". Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: "Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?" Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: 'Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia', thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mt 17, 14-19

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 


Hôm nay, bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên không phải là bài tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, cuối đoạn 16 theo Phúc Âm Thánh Mathêu, mà là bài Phúc Âm sang đoạn 17, từ câu 14 đến 21, thay vì từ câu 1 đến câu 13. Bởi vì bài Phúc Âm từ câu 1 đến 13 mở đầu đoạn 17 là bài Phúc Âm về biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi, một biến cố đã được Giáo Hội cử hành hôm Thứ Năm vừa rồi (là ngày 6/8 trong tháng như năm 2015).


Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho ngày cuối tuần XVIII Thường Niên hôm nay tường thuật về sự việc Chúa Giêsu trừ quỉ cho đứa con trai của một người đến xin Người, vì môn đệ của Người đã không thể trừ được quỉ cho con của ông ta:


"Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: 'Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được'". 


Ở đây, chúng ta trước hết thấy rằng người cha của đứa con trai bị quỉ ám mà cũng không biết nó bị quỉ ám, bởi thế ông ta chỉ diễn tả hiện tượng lạ xẩy ra cho con ông ta, vì ông ta cho rằng nó chỉ bị "chứng kinh phong" mà thôi, đến độ mỗi khi bị giật kinh phong không thể làm chủ được mình thì chẳng còn biết sợ lửa thiêu hay nước ngập nữa. Lửa và nước ở trong trường hợp nạn nhân bị kinh phong này được hiểu theo nghĩa tiêu cực về có tính chất tiêu diệt (nước đại hồng thủy hay Biển Đỏ và lửa thiêu rụi thành Sodoma, lửa hỏa ngục không hề tắt), hơn là tích cực về sự sống (nước lời Chúa thông ban Thánh Linh) hay sức sống (lửa được Chúa Kitô mang từ trời xuống, lửa trong Biến Cố Thánh Linh Hiện Xuống).

 

 

Đời sống Kitô hữu cũng thế, có nhiều lúc chúng ta bị quỉ ám mà không biết. Ở chỗ, không điều khiển được bản thân mình, sống như thể bị bùa ngải, không còn biết nguy hiểm là gì. Điển hình nhất là hành động của những con người ngoại tình, thành phần biết trước rằng một khi họ phạm tội này họ sẽ bị mất linh hồn sa hỏa ngục - thế mà họ lại sợ bị sa hỏa ngục; họ sẽ bị mất danh giá nếu bị khám phá ra - nhưng lại không muốn bị ai khinh bỉ; họ sẽ bị mất lòng tin tưởng của người phối ngẫu - họ không muốn bị gọi là con đĩ hay thằng đểu, nhưng lại không muốn bị mất lòng tin nơi người phối ngẫu của mình; họ sẽ không còn thế giá dạy dỗ con cái - nhưng họ lại không muốn bị con cái khinh dể; họ có thể bị những bệnh tình dục nguy tử lây lan cả cho vợ chồng của mình - trong khi họ lại sợ mất mạng sống mình lẫn người phối ngẫu của mình.

 

 

Tóm lại, họ mù quáng điên cuồng đến độ tôn thờ người tình vụng trộm của họ như là một vị thần linh tối cao, hơn tất cả mọi sự trên đời này, đến độ họ dám hy sinh cả hồn lẫn xác cùng danh giá và hạnh phúc hôn nhân của mình cho con người thần linh nhục dục ấy.... một đối tượng bất xứng vì chỉ muốn hoan hưởng nhục dục đê hèn; họ được gì ở hành động ngoại tình mà họ phải trả bằng một giá bất chấp mọi sự quí giá nhất của họ: bất chấp Thiên Chúa là Đấng yêu thương họ đến cùng, hơn người tình vụng trộm của họ; bất chấp cha mẹ của mình bị mang tiếng là đã sinh ra một đứa con mất dậy lăng loàn như họ; bất chấp vợ chồng con cái của mình có thương yêu mình nhưng vẫn không bằng mối tình giả dối vụng trộm họ đang theo đuổi v.v. Đúng là họ bị chứng giật kinh phong trầm trọng đến độ không còn biết sợ cả lửa tiêu diệt lẫn nước dìm đắm họ.

 

 

Thế nhưng, trước nhan Thiên Chúa họ là một con người bị quỉ ám đáng thương. Bởi vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay mới có chi tiết "Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé". Đúng thế, chỉ có Thiên Chúa mới trừ được ma quỉ và quyền lực chết chóc là những gì cầm buộc con người từ ngay sau nguyên tội mà thôi. Chính Con Thiên Chúa làm người "đã trừ bảy quỉ" cho một trong thành phần môn đệ nữ là "Maria được gọi là Mai Đệ Liên" của Người (xem Luca 8:2), và thậm chí còn biến nàng trở thành một vị tông đồ của các tông đồ của Người nữa (xem Gioan 20:11-18).

 

 

Chính các môn đệ cũng thắc mắc là tại sao các vị không trừ được quỉ, và đã được Chúa Giêsu trả lời cho các vị biết rằng: "Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: 'Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?' Chúa Giêsu bảo các ông rằng: 'Vì các con yếu lòng tin!'"


Đó là lý do sau khi nghe ông bố của đứa con trai bị quỉ ám cho biết các môn đệ của Người không trừ được quỉ ra khỏi con ông ta, Chúa Giêsu đã không than trách chung dân chúng và riêng ông bố đang xin Người trừ quỉ cho con ông ta, cho bằng chính các môn đệ của Người, thành phần đã được Người ban cho quyền trừ quỉ từ khi Người sai các vị đi truyền giáo trước kia (xem Mathêu 10:1) mà quyền trừ quỉ nơi các vị vẫn không có công hiệu gì nơi các vị trong trường hợp này, chỉ vì các vị yếu lòng tin: "Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa?"


Như thế, căn cứ vào trường hợp trừ quỉ được bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại hôm nay thì không phải có quyền trừ quỉ mà trừ được quỉ đâu, nếu chính tác nhân trừ quỉ yếu đức tin. Đúng thế, nếu "ai được sinh bởi Thiên Chúa là kẻ chiến thắng thế gian và quyền năng chiến thắng thế gian là đức tin của chúng ta" (1Gioan 5:4) thì ai không có đức tin hay yếu đức tin không thể nào chiến thắng thế gian vốn thuộc quyền cai trị của ma quỉ sau nguyên tội. 


Nếu "Con Thiên Chúa tỏ mình ra là để hủy hoại các việc làm của ma quỉ" (1Gioan 3:8) thì quả thực "Người chiến thắng thế gian là ai? Chính là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa"(1Gioan 5:5). Đó là lý do, như bài Phúc Âm hôm Thứ Năm tuần này cho thấy, ngay sau khi vừa tuyên xưng thật chính xác "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), tông đồ Phêrô đã bị Thày thậm tệ nguyền rủa là "đồ Satan" (Mathêu 16:23), vì ngài phán đoán theo thế gian hơn là theo Thiên Chúa, mà theo thế gian là theo ma quỉ, vậy thì trừ quỉ làm sao được là đúng lắm vậy!?!


Trái lại, nếu các tông đồ có đức tin mạnh mẽ thì các vị chẳng những trừ được quỉ mà còn làm gì cũng được nữa, kiểu "muốn gì được nấy", (giống trường hợp của người đàn bà Canaan trong bài Phúc Âm Thứ Tư tuần này), như lời Chúa Giêsu khẳng định kết bài Phúc Âm hôm nay: "Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: 'Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia', thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được".


"Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải" đây nghĩa là gì nếu không phải trong dụ ngôn về Nước Trời giống như hạt cải (xem Mathêu 13:31-32) mà hạt cải nhỏ bé nhất trở thành cây lớn nhất ám chỉ Chúa Kitô nhập thể tử giá (hạt nhỏ nhất) và phục sinh thăng thiên (cây lớn nhất), thì "lòng tin" của các môn đệ cần phải "lớn bằng hạt cải" đây có nghĩa là "lòng tincủa các vị cần phải đạt tới tầm vóc Chúa Kitô, nghĩa là "lòng tincủa các vị cần phải làm sao hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Kitô, đến độ Chúa Kitô sống trong họ, biến họ trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người, tác nhân để Người tỏ mình ra và làm mọi sự trong họ, nhờ họ và qua họ. Nếu chỉ có Thiên Chúa mới trừ được ma quỉ thì Thiên Chúa ở nơi người nào hoàn toàn tin tưởng vào Ngài thì Ngài mới tỏ quyền năng trừ quỉ của Ngài ra qua họ và nhờ họ.

 

 

 

Đúng thế, nếu ma quỉ làm chủ những ai bị nó ám, bởi nhẹ dạ yếu tin, đến độ hắn toàn quyền điều khiển họ, đến độ họ dám làm tất cả những gì nguy hiểm nhất cho cả linh hồn lẫn thân xác của họ thế nào, thì Thiên Chúa ở nơi những tâm hồn được Ngài chiếm đoạt, nhờ lòng tin của họ, cũng sẽ tỏ quyền năng vô địch của Ngài ra nơi họ, dùng họ khu trừ ma quỉ như vậy. Có thể nói bài Phúc Âm hôm nay trình thuật lại một cuộc chiến giữa quyền lực sự dữ (quỉ ám) và quyền lực sự sống (Chúa Kitô khu trừ ma quỉ) qua trung gian của con người ta (đứa con trai bị kinh phong và các môn đệ nếu có lòng tin bằng hạt cải).

 

 

 

Câu cuối cùng của Bài Đọc 1 hôm nay, trích từ Sách Tiên Tri Habacuc, rất thích hợp với ý nghĩa về lòng tin tưởng của Bài Phúc Âm hôm nay, đó là câu "Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín". Nghĩa là nhờ đức tin, vì nếu không tin tưởng sẽ không thể nào "trung tín", trái lại, sẽ "ngã gục", chứ đừng nói đến chuyện trừ được quỉ, cho dù có quyền trừ quỉ (trong khi kiêu ngạo như quỉ!) và có nhân danh Thày mình chăng nữa (trong khi sống như một tên phản kitô!). Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới vang lên những tâm tình "cậy trông vào Chúa", Đấng "không quên tiếng kêu của những kẻ cơ bần".

 

 

 

1) Chúa ngự trị tới muôn đời, Người dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Người công minh thống trị địa cầu, Người chính trực xét xử chư dân.

2) Chúa là chỗ dung thân cho người bị ức, chỗ dung thân dành cho những lúc gian truân, để những ai nhìn biết uy danh, cậy trông vào Chúa, vì lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Ngài.

3) Hãy đàn ca Chúa, Người ngự ở Sion; hãy loan truyền công cuộc Chúa khắp chư dân: vì Ðấng đòi nợ máu, Người nhớ họ, Người không quên tiếng kêu của những kẻ cơ bần.