SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chúa Nhật
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11
"Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không".
Trích sách Khôn Ngoan.
Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.
Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).
Xướng: 1) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
2) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai. - Ðáp.
3) Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13
"Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 17-27
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ".
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!" Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa". Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".}
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Chủ đề "sự sống" trong Mùa Phục Sinh vẫn được phản ảnh trong Phụng Vụ Lời Chúa của các Chúa Nhật Thường Niên Hậu Phục Sinh, điển hình nhất là trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII Thường Niên tuần này, qua câu Phúc Âm hôm nay về "một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: 'Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?'"
Thật ra, bài Phúc Âm hôm nay cũng chính là bài Phúc Âm đã được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần VIII Thường Niên Năm Lẻ, Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, chứ không phải Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh. Bởi thế, theo chung Phụng Vụ Lời Chúa cho từng ngày có cùng bài Phúc Âm này, thì Bài Phúc Âm hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt về "sự sống" theo chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh.
Thật vậy, "sự sống" trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm B này là gì, nếu không phải là sự khôn ngoan, không phải là chính Lời Chúa.
Con người đặt câu hỏi với Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, tuy là một
người chẳng
những giầu
có về vật
chất và đạo đức về phần thiêng liêng, qua việc cẩn thận tuân giữ lề luật của
Thiên Chúa từ bé: "Lạy
Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ", nhưng
hình như tận thâm tâm chàng vẫn cảm thấy thiếu thốn, vẫn cảm thấy khắc khoải bất
an làm sao ấy, vẫn
cảm thấy chưa viên trọn, đúng như Chúa Giêsu đã cho anh ta biết là "Ngươi
chỉ còn thiếu
một điều".
Đúng thế, chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng dựng nên con người mới có thể thỏa đáng được cõi lòng của họ mà thôi, đúng như cảm nghiệm của chàng Âu Quốc Tinh đã viết trong cuốn Tự Thú của mình ở ngay trang đầu tiên: "Chúa đã dựng nên trái tim con cho Chúa nên lòng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa".
Chính Thiên Chúa đã biết con người hơn họ biết họ và đã đáp ứng cõi lòng mong ước được sống đời đời của họ, tức là mong ước được hiệp thông thần linh với Ngài, bằng cách Ngài đã ban tặng cho họ chính Con Một của Ngài để ai tin vào Con Ngài thì không phải chết nhưng được sự sống trường sinh (xem Gioan 3:16).
Người thanh niên giầu có trong bài Phúc Âm hôm nay đã cảm thấy bị Chúa Giêsu thu hút hơn ai hết nên đã tỏ ra cử chỉ rất cung kính và tin tưởng, ở chỗ "chạy lại quỳ gối trước Người" mà thân thưa "Lạy Thầy nhân lành...". Chàng ta dường như cảm thấy rằng Chúa Giêsu là Đấng có thể làm cho anh ta an lòng trước nỗi khắc khoải của anh ta.
Chính Chúa Giêsu cũng tỏ lòng đặc biệt cảm mến anh ta, như Thánh ký Marco tỉ mỉ tinh vi ghi nhận: "Chúa Giêsu trìu mến nhìn người ấy mà nói...". Bởi vì, Người thấy anh ta là một con người trẻ rất thành tâm và đầy thiện chí, đến độ giầu sang phú quí mà vẫn không ăn chơi hoang đàng, lại còn tiếp tục giữ đạo đàng hoàng hơn ai hết.
Bởi thế, Người thật sự đã hết sức muốn nâng anh ta lên, để anh ta có thể sống vượt trên những gì là tự nhiên (giầu sang) và căn bản (giữ luật), tức là Người muốn dẫn anh ta vào đời sống trọn lành hơn, sống ở thế gian mà không thuôc về thế gian, khi huấn dụ anh ta rằng: "Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta".
Rất tiếc, Phúc Âm đã thuật lại về tác dụng trái chiều của lời Chúa huấn dụ chàng thanh niên giầu có ấy như thế này: "Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải", một thái độ hoàn toàn nhút nhát trái với tinh thần dấn thân theo Chúa ngay từ đầu của các tông đồ, như được Tông Đồ Phêrô đại diện nhắc lại cùng Người ở phần cuối (không buộc đọc) của bài Phúc Âm hôm nay: "Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy".
Nếu sự chọn lựa của các tông đồ trong việc "bỏ mọi sự mà theo Thày" chẳng những chứng tỏ các vị có đức khôn ngoan mà sự khôn ngoan thúc đẩy các vị chọn lựa như thế là chính sự sống ở nơi các vị nữa. Đó là lý do trước khi theo Chúa lòng của con người đã có kho báu trên trời rồi, tức đã có sự sống thần linh rồi, như ý nghĩa của câu huấn dụ và khẳng định Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên giầu có: "ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta".
Bài Đọc 1 hôm nay bày tỏ cảm nhận về một đức khôn ngoan có thể làm cho con người sống một cách siêu việt, sống một cách siêu nhiên, vượt trên tự nhiên và trần tục, hay sống chính sự sống siêu nhiên, chính sự sống đời đời, chính sự sống thần linh, sống như thần linh trên dương thế:
"Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn. Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết".
Thế nhưng, con người không thể sống sự sống thần linh, sự sống siêu nhiên, sự sống khôn ngoan nếu không được soi dẫn bởi Lời Chúa, vì, theo Bài Đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô tông đồ đã cảm nghiệm thấy thực tại thần linh lời Chúa và trình bày cho biết thế nào là lời Chúa cùng với tác dụng vô song của lời Chúa nơi con người, như sau:
"Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tủy não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ".
Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu lời Chúa có sức công phá lòng người một cách mãnh liệt hầu như bất khả chống cưỡng như vậy thì tại sao vẫn không lay động được những con người không chấp nhận lời Chúa, chẳng hạn như chàng thanh niên giầu có trong Phúc Âm hôm nay?
Thực tế cho thấy lời Chúa là ánh sáng chiếu soi trong tăm tối cho những ai mở mắt trông nhìn, chứ không phải cho những ai có mắt mà nhắm lại như mù, và như hạt giống được gieo vào lòng người như môi trường bất khả thiếu để trổ sinh, và việc trổ sinh do tự nó hơn là bởi mảnh đất lòng người, miễn là lòng người biết tiếp nhận và đáp ứng nó theo chiều hướng của bài Đáp Ca hôm nay:
1) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
2) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con gặp phải tai họa.
3) Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ
được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là
Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin
Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.
Thứ Hai
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 4, 22-24. 26-27. 31 - 5, 1
"Chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, có lời chép rằng: Abraham có hai người con trai: một sinh bởi người nữ tỳ, và một sinh bởi người vợ tự do. Nhưng con sinh bởi nữ tỳ, thì đã sinh ra theo lối xác thịt, còn con sinh bởi người vợ tự do, đã sinh ra bởi lời hứa. Những sự ấy đã được nói cách bóng bảy, vì hai người vợ tiêu biểu cho hai giao ước: một bởi núi Sanai, sinh con cái làm nô lệ, đó là Agar. Còn Giêrusalem ở trên cao thì được tự do, đó là mẹ chúng ta, vì có lời chép rằng: "Hỡi người son sẻ, chẳng sinh con, hãy hân hoan! Hỡi người không sinh sản, hãy vui reo và hò lên! Vì con cái của người vợ bị ruồng bỏ, lại đông hơn con của gái có chồng".
Bởi đó, anh em thân mến, chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do; chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7
Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời! (c. 2).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa! Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời! - Ðáp.
2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen! Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa. - Ðáp.
3) Ai được như Thiên Chúa chúng ta, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm
hôm nay, Thứ
Hai Tuần XXVIII Thường Niên, cũng là bài Phúc Âm cùng một nội
dung được Thánh ký Mathêu thuật lại và được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ
Hai Tuần XVI Thường Niên - Phụng
Vụ Lời Chúa - Tuần XVI Thường Niên.
Tuy nhiên, bài Phúc Âm cùng nội dung này của Thánh ký Mathêu cho Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên được Giáo Hội chọn đọc chung với Bài Đọc 1 trong Cựu Ước, còn bài Phúc Âm cùng nội dung của Thánh ký Luca hôm nay được Giáo Hội chọn đọc chung với Bài Đọc 1 trong Tân Ước.
Nội dung của Bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến điềm lạ Giona, một điềm lạ ám chỉ Chúa Kitô và cuộc vượt qua của Người là Đấng mà con người cần phải tin tưởng chấp nhận mới được cứu độ:
"Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: 'Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa'".
"Điềm lạ của tiên tri Giona" là gì, nếu không phải, như Bài Đọc 1 cho năm lẻ của các ngày Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư tuần trước cho thấy, là điềm lạ vị tiên tri này sẵn sàng bị ném xuống biển để cứu sinh mạng của những con người ở trên một con tầu bấy giờ đang bị bão tố sắp bị nhận chìm, nhưng chính vị tiên tri này cũng không chết mà tiếp tục tục sống trong bụng cá 3 ngày 3 đêm cho đến khi được nó nhả ra trên bãi biển, một điềm lạ như báo trước cuộc vượt qua của Chúa Kitô, Đấng cũng nằm trong lòng đất cho đến ngày thứ ba thì phục sinh vinh hiển.
Phải, Chúa Kitô Vượt Qua chính là điềm lạ cho riêng dân Do Thái là thành phần dân riêng của Người , thành phần chẳng những không chấp nhận Người (xem Gioan 1:11) mà còn sát hại Người cho bằng được, nhưng họ chẳng làm gì được Người vì Người là Đấng Thiên sai Con Thiên Chúa hằng sống bất tử không thể nào không sống lại để chiến thắng tội lỗi và sự chết, để làm chủ cả sự chết lẫn sự sống, để làm cho con người được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn (xem Gioan 10:10).
Nếu Chúa Kitô thực sự là điềm lạ Giona cho chung nhân loại mọi thời và cho riêng thành phần dân của Người thì điềm lạ ấy chính là tin mừng cứu độ của nhân loại và cho nhân loại, nhất là của những ai và cho những ai tin vào điềm lạ Giona cũng là tin vào Tin Mừng cứu độ ấy, một tin mừng xuất phát từ Lời Hứa của Thiên Chúa chứ không bởi việc làm của con người, như Thánh Phaolô Tông Đồ, trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã đề cập đến hai đứa con của tổ phụ Abraham: "đứa con sinh bởi nữ tỳ, thì đã sinh ra theo lối xác thịt (nghĩa là do việc làm của con người, theo người viết áp dụng), còn đứa con sinh bởi người vợ tự do, đã sinh ra bởi lời hứa (nghĩa là do tác động thần linh của Thiên Chúa, do ân sủng Chúa ban)".
Chính vì thành phần Kitô hữu đã được thánh tẩy tái sinh nơi Phép Rửa là những con người, như thành phần dân được Thiên Chúa ưu tuyển xưa kia, "không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do", mà Vị tông đồ dân ngoại đã khuyên họ như khuyên Kitô hữu giáo đoàn Galata trong Bài Đọc 1 hôm nay hãy sống xứng danh thân phận tư do của họ như sau: "chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa".
Đó là lý do thành phần sống tự do của những người làm con cái của Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ nơi Đức Giêsu Kitô Con của Ngài, sẽ không thể nào không luôn mãi "Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời!" (câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay). Bởi vì, đối với họ thì chính vì: "Ai được như Thiên Chúa chúng ta, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ" (câu xướng 3), mà họ cần phải liên lỉ chúc tụng ngợi khen Ngài, như câu xướng 1 và 2 của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa! Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời!
2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen! Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa.
Thứ Ba
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 4, 31b - 5, 6
"Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Ðức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Ðức Kitô, và đã mất ân sủng rồi.
Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 41. 43. 44. 45. 47. 48
Ðáp: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con, xin ban ơn phù trợ theo lời Ngài đã hứa. - Ðáp.
2) Xin đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài. - Ðáp.
3) Con sẽ tuân giữ luật pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi. - Ðáp.
4) Con sẽ bước đi trên đường rộng rãi, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài. - Ðáp.
5) Các chỉ thị Ngài làm cho con hoan lạc, đó là những điều con vẫn mến yêu. - Ðáp.
6) Con giang tay cầu chỉ thị của Chúa, và con suy gẫm về những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 37-41
"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.
Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên, tương tự như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Ba Tuần V Thường Niên về vấn đề rửa tay trước khi ăn.
Tuy nhiên, ở bài Phúc Âm Thánh ký Marco Tuần V Thường Niên, vấn đề không rửa tay trước khi ăn xẩy ra nơi một số môn đệ của Chúa Giêsu (xem Marco 7:2), trong khi ở bài Phúc Âm hôm nay lại xẩy ra với chính Chúa Kitô, như Thánh ký Luca thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa".
Chắc chắn Chúa Kitô đã biết cái thói lệ thông thường không phải là luật Chúa này của dân Do Thái mà lại là những gì những ai thông luật và giữ luật như thành phần biệt phái vốn coi trọng, nhưng có lẽ Người chủ ý không làm như vậy, không rửa tay trước khi ăn, để nhân cơ hội này dạy cho họ một bài học về những gì cần thiết và quan trọng hơn cả những gì là bề ngoài được họ đặt nặng:
"Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: 'Này quí vị, những người biệt phái, quí vị lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm quí vị lại đầy những tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Thế nhưng nếu quí vị bố thí đi những gì quí vị có thì mọi sự sẽ được tẩy sạch cho quí vị'".
Đúng thế, qua câu giáo huấn chí lý nhưng hết sức thực tế này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng Người chú trọng đến nội tâm hơn hành động biểu hiện, đến tinh thần hơn hình thức bề ngoài. Cho dù vẫn cần đến hành vi cử chỉ bề ngoài và hình thức biểu hiệu đấy, nhưng chúng phải là những gì phản ảnh nội tâm, phản ảnh tinh thần, chứ không phải là những gì thuần hình thức và máy móc, bất xứng với con người là loài có tâm linh và ý thức.
Nếu bề ngoài dù có những hành vi cử chỉ tốt lành hay có những việc làm có vẻ đạo đức như "lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác" thì tất cả chỉ là giả hình che mắt thiên hạ, làm để lấy tiếng khen... Cho đến khi họ bị hiểu lầm hay chống đối hoặc bị chê bai bởi chính những việc giả hình họ làm, họ liền lộ cái chân tướng đầy kiêu căng tự ái của họ, thậm chí họ còn có những hành vi cử chỉ chọc gậy bánh xe, chống phá, thơ nặc danh v.v., như đã từng xẩy ra ở các cộng đoàn Việt Nam từ trước đến nay.
Đó là lý do Chúa Giêsu đã dạy cho thành phần biệt phái cũng như cho chúng ta là thành phần môn đệ của Người, nhưng vẫn bị nhập nhiễm men giả hình giả tạo của họ, một nguyên tắc hay một đường lối làm cho chúng ta không còn sống giả hình mà là sống chân chính đúng như Thiên Chúa muốn, đó là hãy: "Bố thí đi những gì quí vị có thì mọi sự sẽ được tẩy sạch cho quí vị'".
Câu này của Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Người khuyên chúng ta ra sao đây để có thể thực hành cho chính xác và có hiệu nghiệm?? Tại sao "bố thí đi những gì (mình) có" là phương cách duy nhất và hiệu nghiệm nhờ đó "mọi sự sẽ được tẩy sạch" cho chúng ta???
Phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng để mọi việc làm của chúng ta, để mỗi một và tất cả mọi hành vi cử chỉ được bày tỏ ra bề ngoài của chúng ta được chân thực, hoàn toàn không có gì là giả tạo, bôi bác, hình thức v.v. chúng ta cần phải sống hết mình, phải ý thức những gì mình làm, phải dứt khoát từ bỏ, như "bố thí đi những gì mình có", những ý hướng xấu xa vị kỷ ham danh hơn là sống hoàn toàn vì Chúa và cho tha nhân v.v.!?
Thế nhưng, để có thể sống vì Chúa và cho tha nhân, Kitô hữu cần phải sống, như Thánh Phaolô nhận định trong Bài Đọc 1 hôm nay, một "đức tin hoạt động bởi đức mến", hay một đức tin được thể hiện qua đức mến, cũng là một đức tin được chứng thực nơi đức mến, nơi các việc bác ái yêu thương, và chính vì thế mà càng sống đức ái trọn hảo thì Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô càng chứng tỏ đức tin chân thực và một đời sống nội tâm hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, Đấng sống trong họ, làm chủ họ và tác hành nơi họ, như Thánh Phaolô cảm nhận trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay cảm nhận và bày tỏ: "nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính".
Đúng thế, một tâm hồn sống đức tin qua đức ái là một tâm hồn được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, nhờ đó, họ cũng ấp ủ trong lòng những ý thức và tâm tình gắn bó với Thiên Chúa, với ý muốn của Thiên Chúa, với các chỉ thị và luật lệ của Ngài như được diễn tả trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con, xin ban ơn phù trợ theo lời Ngài đã hứa.
2) Xin đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài.
3) Con sẽ tuân giữ luật pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.
4) Con sẽ bước đi trên đường rộng rãi, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.
5) Các chỉ thị Ngài làm cho con hoan lạc, đó là những điều con vẫn mến yêu.
6) Con giang tay cầu chỉ thị của Chúa, và con suy gẫm về những thánh chỉ của Ngài.
Thứ Tư
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 5, 18-25
"Những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.
Còn hoa quả của Thánh Thần là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (c. Jo 8,12).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường lối người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 42-46
"Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!"
Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa". Người đáp lại rằng: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên, và bài Phúc Âm ngày mai của ngài, cả hai cộng lại dài 1/3 của đoạn 11 và cả hai đều ở vào cuối đoạn 11 này, một khúc Phúc Âm liên quan đến những lời khiển trách thậm tệ của Chúa Giêsu với thành phận biệt phái và luật sĩ trong dân Do Thái, những lời khiển trách này cũng đã được Thánh ký Mathêu giành nguyên đoạn 23 dài để thuật lại và đã được Giáo Hội chọn đọc cho 4 ngày liền: Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên - Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XX Thường Niên, và Thứ Hai, Thứ Ba cùng Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên - Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXI Thường Niên.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, trước hết Chúa Giêsu đã khiển trách thành phần biệt phái, thành phần trong bài Phúc Âm hôm qua vừa được Người vạch ra cho thấy họ chỉ sống vụ hình thức và bề ngoài mà nội tâm rỗng tuyếch và không có gì là chân thực. Người đã khiển trách họ 3 điều chính yếu theo thứ tự như sau:
1- Khuynh hướng giảm khinh - coi thường những gì chính yếu: "Khốn cho các
ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà,
vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình
và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ
những điều kia".
2- Lòng ham hố danh vọng - coi mình là đệ nhất thiên hạ: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ".
3- Nội
tâm như nấm mộ chứa đầy những "tham
lam và gian ác" (Bài
Phúc Âm hôm qua) - được che đậy bằng những dáng vẻ đạo đức bề ngoài che mắt
thiên hạ: "Khốn
cho các ngươi, vì các ngươi giống như những
nấm mồ
kín đáo mà người
ta không biết dẵm bước
lên trên!"
Chúa Giêsu chẳng những khiển trách thành phần biệt phái mà còn cả thành phần luật sĩ nữa, vì cả hai đều là thành phần thông luật, giữ luật và đóng vai trò làm thày dạy luật cho dân chúng. Bởi thế, nghe thấy Chúa Giêsu khiển trách thành phần biệt phái như thế thì "có một tiến sĩ luật" cảm thấy bị động lòng - như thể nghe về người khác thì nghĩ đến thân mình liền lên tiếng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa".
Lợi dụng cơ hội thuận lợi này, Chúa Giêsu liền vạch trần bộ mặt thật của thành phần luật sĩ ấy nữa như sau: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".
Nghĩa là thành phần luật sĩ này bị Chúa Giêsu khiển trách là họ đã tỏ ra nghiêm ngặt với người khác mà nới rộng với bản thân họ về vấn đề tuân giữ lề luật. Ở chỗ, họ bắt người ta tuân giữ kỹ càng và tỉ mỉ đủ mọi luật lệ, trong khi đó cái gì hợp với họ hay dễ giữ thì họ giữ, hoặc giữ để qua mắt thiên hạ, còn cái nào không hợp hay khó khăn thì bỏ qua, tùy theo cách giải thích luật một cách chủ quan vụ lợi của họ.
Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Kitô đã thẳng mặt khiển trách chẳng những thành phần biệt phái một cách thậm tệ, bằng 3 lời nguyền rủa: "Khốn cho các người...", liên quan đến 3 thái độ giả hình của họ: 1- trọng hình thứcvà bề ngoài hơn tinh thần và bề trong; 2- ham danh vị và uy thế trong xã hội; 3- thối tha hư hỏng mà chẳng biết, mà còn cả thành phần luật sĩ nữa, ở chỗ ngắt với người mà rộng với mình.
Với kinh nghiệm của một con người biệt phái nhiệt thành hơn ai hết, sau khi được Chúa Kitô chiếm đoạt và sai đi, ngài đã hoàn toàn biến đổi, từ trong tâm tưởng đến hành động, nên ngài đã ý thức hơn ai hết đường lối Phúc Âm của Chúa Kitô, Đấng đã được Thánh Linh xức dầu và sai đi loan báo tin mừng, chữa lành và giải phóng (xem Luca 4:18-19), như ngài đã nhận định trong Bài Đọc 1 hôm nay: "nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa". Chính vì thế, Thánh Phaolô đã huấn dụ rằng: "những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần".
Thật vậy, Bài Đáp Ca hôm nay đã nhận định rất chính xác rằng trong khi những "kẻ gian ác như vỏ trấu bị gió cuốn đi" (câu 3), thì những "ai không theo mưu toan kẻ gian ác", tức là những người sống công chính thực sự, theo Thánh Linh hướng dẫn, lại "như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt" (câu 2).
Thứ Năm
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 1, 1-10
"Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian".
Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô bởi ý định của Thiên Chúa, kính gửi các thánh ở Êphêxô và (là) các tín hữu trong Ðức Giêsu Kitô. (Nguyện chúc) ân sủng và bình an cho anh em do tự Thiên Chúa, Cha chúng ta, và Chúa Giêsu Kitô.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài.
Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 47-54
"Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".
Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca được tiếp tục với bài Phúc Âm hôm qua là bài Phúc Âm thuật lại lời Chúa Giêsu khiển trách cả thành phần biệt phái lẫn thành phần luật sĩ về tính chất giả tạo và đời sống hình thức của họ.
Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với cả 2 thành phần này một lúc, những lời nói khiến họ cảm thấy bị hạ nhục một cách công khai trong khi họ là những bậc thày dạy về luật lệ trong dân chúng và cho dân chúng. Bởi thế, ở đoạn kết bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca đã cho chúng ta thấy phản ứng dữ dội nơi 2 thành phần này như sau:
"Khi người phán bảo cho các người biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng".
Vậy, sau khi khiển trách từng thành phần trong họ ở bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu đã nói với cả hai thành phần này những gì nữa khiến họ đã tỏ ra căm tức quá như thế? Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu nói với họ, thì Người cảnh báo rằng họ sẽ bị trả nợ máu:
"Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu".
Thực tế cho thấy họ chẳng giết hại tiên tri nào vào thời của họ hết, như vị vẫn được coi là tiên tri như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, vị đã bị quận vương Hêrôđê giết chứ không phải họ. Thế nhưng, cũng căn cứ vào lời Chúa Giêsu khẳng định, thì việc họ xây mồ mả cho các vị tiên tri do cha ông của họ sát hại là việc họ, bề ngoài, như thể tỏ ra tôn kính các tiên tri, bù đắp cho các vị, nhưng gián tiếp họ đã tỏ ra công nhận là cha ông họ đã sát hại các vị tiên tri ấy:
"Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ".
Thế nhưng, hành động xây mồ mả cho các vị tiên tri của họ, đối với Chúa Giêsu, không phải là việc họ bù đắp cho các vị tiên tri hay công nhận các vị tiên tri, cho bằng họ "làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi". Tại sao Chúa Giêsu lại có vẻ hiểu lầm họ một cách oan nghiệt như thế, như thể Người muốn ngăn chặn con đường ăn năn hoán cải của họ, bằng cách hoàn toàn phủ nhận công việc lành thánh họ muốn làm để bù đắp lỗi lầm cho cha ông của họ như vậy chứ?
Phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn ngầm tiên báo cho họ biết trước rằng, cho dù họ có thiện chí xây dựng lại mồ mả cho các vị tiên tri nạn nhân của cha ông họ, họ cũng chẳng hơn gì cha ông của họ đâu, mà thậm chí họ còn tệ hơn cha ông của họ nữa, bởi họ có thực sự không sát hại các vị tiên tri như cha ông của họ đã làm, nhưng họ sẽ nhúng tay vào việc sát hại một vị đại tiên tri trên hết các tiên tri, Vị Thiên Sai của Thiên Chúa là chính bản thân Người!?! - "dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu" là thế!
Đúng vậy, họ "sẽ bị đòi nợ máu" của chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như chính họ đã tự nguyện chấp nhận với Tổng Trấn Philatô: "hãy cứ để cho máu của hắn đổ lên chúng tôi và con cháu chúng tôi" (Mathêu 27:35), nhưng lại chính là máu đổ ra để cứu chuộc họ, đổ ra một cách nhưng không và vô cùng nhân ái, hoàn toàn không do công nghiệp của họ và cho dù họ cố tình nhúng tay vào việc sát hại Người chăng nữa, miễn là họ tin tưởng vào Người, vào lòng thương xót của Người, chứ không còn tin vào chính lề luật hay vào việc tuân giữ lề luật của họ. Cảm nhận được thấm thía và sâu xa lòng thương xót Chúa như thế, trong Thư gửi Kitô hữu giáo đoàn Epheso, vị tông đồ dân ngoại Phaolô đã bày tỏ trong Bài Đọc 1 như sau:
"Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài. Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô".
Đã nói đến lòng thương xót Chúa thì phải nói đến cứu độ, vì cứu độ bất khả phân ly và bất khả thiếu đối với lòng thương xót Chúa, bằng không, Thiên Chúa chỉ là một vị thần công minh trong việc thưởng phạt, và vì thế Ngài trở thành một hung thần hay ác thần hơn là Vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu, bởi loài người bất toàn, yếu hèn và tội lỗi khốn nạn làm sao có thể đứng vững trước nhan Ngài, làm sao không bị Ngài trừng phạt, nếu Ngài không thương xót ra tay cứu độ. Và đó cũng là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới có những tâm tình như sau:
1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.
Thứ Sáu
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 1, 11-14
"Chúng tôi trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô, và anh em được ghi dấu Thánh Thần".
Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, được ca ngợi vinh quang Ngài.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 12-13
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình! (c. 12b).
Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực; địa cầu đầy ân sủng của Chúa. - Ðáp.
3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta. - Ðáp.
Alleluia: Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 1-7
"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.
"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài
Phúc Âm
cho Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên hôm nay vẫn
theo chiều hướng đức tin công chính là những gì được Bài Đọc 1 cho năm lẻ
tiếp tục khai triển
từ
Thứ Hai đầu
Tuần XXVIII Thường Niên này.
Trước hết, có một chi tiết hơi lạ ở ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay, đó là chi tiết: "Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: 'Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình'...".
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao tình trạng dân chúng đông đảo đến độ chen lấn đạp cả lên nhau lại trở thành nguyên động lực thúc đẩy Chúa Giêsu lên tiếng giảng dạy các môn đệ của Người về việc ý tứ giữ mình cho khỏi men của những người biệt phái? Phải chăng hiện tượng chen lấn nhau, đến độ gây tổn hại cho nhau như thế là hình ảnh về một thứ môi trường có thể lây lan những cái xấu xa từ kẻ mạnh sang kẻ yếu!
Chính Chúa Giêsu đã xác định "men biệt phái, nghĩa là sự giả hình". Mà giả hình tức là những gì không thật, giả tạo, dối trá không thể nào tồn tại vĩnh viễn như chân lý bất diệt, tức là sẽ bị lộ ra trước ánh sáng, như chính Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà".
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những khuyên các môn đệ hãy tránh điều tiêu cực là sống giả hình như thành phần biệt phái, mà còn trấn an và thúc giục các vị hãy sống tích cực bằng lòng tin tưởng vào Thiên Chúa khi phải sống sự thật, tức là sống không giả tạo, không gian dối, không giả hình, cho dù có vì thế, vì chân lý mà bị bách hại và bị sát hại như Người:
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy. Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Ở đây Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ rằng: 1- không một sự gì xẩy ra ngoài Thánh Ý Chúa quan phòng; 2- dù là một con chim sẻ chỉ có giác hồn, một sợi tóc vô hồn v.v., chẳng đáng già là bao, huống chi là con người vốn là loài linh ư vạn vật, cao trọng hơn chim sẻ nhiều; 3- Thiên Chúa là Đấng quan phòng thần linh sẽ gìn giữ tất cả mọi người và từng người theo ý định khôn ngoan và quyền năng vô cùng của Ngài; 4- bởi đó đừng lo âu sợ hãi nhất là sợ kẻ dữ vì họ cũng chỉ là một con người hữu hạn như mình, chứ không toàn quyền sinh tử đời đời như Thiên Chúa.
Tóm lại, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa mà bằng an vui sống cho dù có phải gian nan khốn khó hoạn nạn đớn đau. Chính lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là những gì làm cho con người sống chân thật và công chính, sống vượt lên trên mọi gian nan khốn khó, sống trước thánh nhan Thiên Chúa. Theo chiều hướng của Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở và huấn dụ Kitô hữu giáo đoàn Epheso những lời đầy phấn khích như sau:
"Anh em thân mến, trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, được ca ngợi vinh quang Ngài".
Những ai thuộc về Thiên Chúa như "dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình!" (Câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay), tức là những ai được Thiên Chúa tuyển chọn, ở chỗ "được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài", như các tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm nay, những con người được Người gọi là "những bạn hữu của Thầy", nhất là những ai kính sợ "Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục", thành phần hoàn toàn tin tưởng vào Ngài ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự, thành phần "người hiền đức" đã được Thánh Vịnh gia kêu gọi trong Bài Đáp Ca hôm nay là "hãy hân hoan trong Chúa" (câu 1), vì Ngài là Đấng quan phòng thần linh "yêu chuộng điều công minh chính trực", đến độ "địa cầu đầy ân sủng của Chúa" (câu 2), bởi Ngài "từ trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta" (câu 3).
Thứ Bảy
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 1, 15-23
"Thiên Chúa tôn Ðức Kitô làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện. Xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau.
Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 2-3a. 4-5. 6-7
Ðáp: Chúa đã đặt Con Chúa cai trị các công trình tay Chúa tác thành (c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Chúa đã nâng cao oai nghiêm Ngài trên cõi trời xanh. Từ miệng thiếu nhi và trẻ con đang bú sữa. - Ðáp.
2) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? Con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Ðáp.
3) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo. Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 8-12
"Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
"Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho Thứ Bảy cuối Tuần XXVIII Thường Niên hôm nay vẫn cùng với Bài Đọc 1 cho năm lẻ trong ngày tiếp tục đề tài về đức tin công chính hay về người lành sống bởi đức tin.
Thật vậy, theo lời Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm, thì người lành sống bởi đức tin là người tỏ ra hiên ngang làm chứng cho sự thật, tức làm chứng cho Chúa Kitô, không sợ hãi khi bị bách hại, hay sợ hãi kẻ bắt bớ mình, trái lại, họ sống như đang ở trước nhan Thiên Chúa là Đấng ngự trong họ bằng Thánh Thần của Ngài, để Ngài có thể tỏ mình ra trong họ và qua họ ở vào chính những cơn gian nan thử thách cần đến đức tin bất khuất của họ.
Đó là tất cả ý nghĩa của những gì "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha. Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào'".
Trong đoạn "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ" trên đây, có tất cả là 3 câu, nhưng hình như câu thứ hai hơi lạc đề, không dính dáng gì với câu trước và câu sau, đó là câu: "Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha". Chẳng lẽ câu này Người có ý cảnh báo cho các môn đệ của Người về hai thứ tội: một tội có thể tha được là tội phạm đến Con Người và một tội không thể tha được là tội phạm đến Thánh Thần?
Có nghĩa là nếu các môn đệ của Người chẳng may vì yếu đuối sợ hãi quá hoặc đau đớn quá không dám làm chứng cho Người, "chối bỏ Thầy trước mặt người đời", thì tội của họ vẫn có thể được tha thứ, như trường hợp đã xẩy ra cho tông đồ Phêrô sau này, vị tông đồ đã chối Thày 3 lần nhưng vẫn được tha, bởi ngài vẫn tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa sau khi ngài vừa chối lần thứ ba xong liền bắt gặp ánh mắt nhân hậu của Thày quay lại nhìn ngài (xem Luca 22:61).
Sở dĩ tội "phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha" là bởi vì, đối với chính Con Người là Chúa Giêsu Kitô, những ai phạm đến Người nhìn bề ngoài cũng chỉ là một con người tầm thường như họ, không thể nào là Thiên Chúa như họ nghĩ, đều là những con người hoàn toàn "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34).
Thậm chí dân Do Thái nói chung và thành phần lãnh đạo dân chúng nói riêng, bề ngoài nhất định chối bỏ Người, cố ý lên án tử cho Người và cương quyết xin Tổng Trấn Philato giết Người cho bằng được, vẫn được vị tông đồ đã chối Thày 3 lần là Phêrô tỏ ra hoàn toàn cảm thông trong bài giảng ở Giêrusalem sau khi ngài chữa lành cho một người què ở Cửa Đẹp, như sau: "Thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã tác hành một cách vô thức, như các vị lãnh đạo của anh em đã làm vậy" (Tông Vụ 3:17).
Thế nhưng, một khi tình trạng "vô thức - ignorance" (Tông Vụ 3:17) ấy của con người, tình trạng "không biết - do not know" (Luca 23:34) ấy nơi con người, một tình trạng vẫn còn có thể được tha thứ, một tình trạng mà một khi đã được Thiên Chúa bù đắp cho bằng Thánh Thần của Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự kể cả thâm tâm của Thiên Chúa (xem 1Corinto 2:10), để "Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào", con người vẫn không dám làm chứng cho sự thật, vẫn không dám làm chứng cho Chúa Kitô, vẫn chối Chúa Kitô, thì bấy giờ mới là tội "phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha".
Tự bản chất con người thụ tạo vốn bất toàn, không thể nào toàn thiện và toàn hảo như Thiên Chúa là Đấng dựng nên mình, và khi mắc nguyên tội lại càng trở thành mù quáng và yếu đuối, khó lòng, nếu không muốn nói là không thể nào không phạm tội, chứ nói đến việc trung thành với Thiên Chúa, với ơn nghĩa Chúa cho đến cùng, nhất là khi bị thử thách bởi Thiên Chúa, bị cám dỗ bởi ma quỉ và bị lôi cuốn của thế gian. Vì cảm nghiệm được bản thân mình hơn ai hết mà vị tông đồ dân ngoại Phaolô đã tỏ ra thương cảm thành phần môn đệ của Chúa Kitô, theo Chúa Kitô, như Kitô hữu giáo đoàn Epheso trong Bài Đọc 1 hôm nay, cho dù họ đã có "lòng tin đối với Chúa Giêsu, và lòng mến đối với hết thảy các thánh", ngài vẫn không vì thế mà không cầu nguyện cho họ, để nhờ đó họ có thể tiếp tục sống xứng đáng và trung thành với "Thiên Chúa là Cha vinh hiển" và "Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta", như sau:
"Xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người".
Thật vậy, để sống xứng đáng với Thiên Chúa là Đấng đã chọn mình trong Con Ngài là Đức Giêsu Kitô thì phải tin vào Đấng Ngài sai, Đấng mà Ngài đã "làm cho Người từ cõi chết sống lại, và đặt Người ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Người, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người", Đấng được câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay chân nhận và tuyên xưng là "Chúa đã đặt Con Chúa cai trị các công trình tay Chúa tác thành".
Mà "các công trình tay Chúa tác thành" đây chính yếu là con người, một tạo vật đặc biệt nhất và được Thiên Chúa yêu thương nhất trong tất cả mọi tạo vật do Ngài dựng nên. Bởi thế, Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay mới cảm thấy thân phận con người chẳng là gì trước nhan Chúa, kể cả giữa muôn loại tạo vật trong toàn thể vũ trụ nói chung và thiên thần nói riêng, nhưng lại được Thiên Chúa ưu ái hơn hết:
2) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? Con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?
3) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo. Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.