SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXXIV Thường Niên B

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



 

Chúa Nhật


Lời Chúa


LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

(Lễ trọng)

Bài Ðọc I: Ðn 7, 13-14

"Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu".

Bài trích sách Tiên tri Ðaniel.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. - Ðáp.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. - Ðáp.

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. - Ðáp.


Bài Ðọc II: Kh 1, 5-8

"Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc".

Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.

Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.

Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: "Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh".

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Mt 11, 10

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến! - Alleluia.


Phúc Âm: Ga 18, 33b-37

"Quan nói đúng: Tôi là Vua".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"

Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".

Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?"

Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm

 

sự sống vương giả 


Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh đã đạt tới tột đỉnh ở Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật Trọng Kính Chúa Giêsu Kitô Vua, thời điểm kết thúc cho bất cứ phụng niên nào, dù là chu kỳ A, B hay C.

Thật vậy, nếu Chúa Kitô "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), (lưu ý Chúa Kitô xưng Người là "sự sống lại" trước và là "sự sống" sau) thì quả thực Người "là sự sống lại" khi Người phục sinh vào ngày thứ ba từ trong kẻ chết. Bởi vì Người chính "là sự sống" bất tử không thể nào bị sự chết làm chủ và tiêu diệt. 

Thế nhưng, cho dù Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô 2 ngàn năm trước đã hoàn toàn thắng được sự dữ nơi thân xác bị giết chết nhưng sống lại của Người, trong một thế giới càng ngày càng văn minh về khoa học và càng văn hóa về nhân bản nhân quyền chưa từng thấy, như giai đoạn lịch sử từ giữa thế kỷ 20 sang đầu hơn một thập kỷ của thiên kỷ thứ 3 hiện nay cho thấy, sự dữ lại càng gia tăng hơn bao giờ hết, như thể con rồng sau một ngàn năm bị xiềng lại, bởi sợi giây xích khổng lồ là quyền lực cứu độ của Thánh Giá Chúa Kitô tử nạn, đã được thả ra trong một thời gian ngắn, như Sách Khải Huyền đã tiết lộ (20:1-3). 

Trong thời gian ngắn vớt vát còn lại này của mình, con rồng đã vận dụng tất cả quyền lực chết chóc độc hại nhất và dữ dội nhất của hắn và từ hắn, để tàn phá cho bằng được công ơn cứu chuộc vô giá của Chúa Giêsu Kitô nơi từng Kitô hữu cũng như nơi chung Giáo Hội, những đối thủ chính yếu của nó và là mục tiêu tấn công quyết liệt của nó, qua hai đạo quân hùng hậu gog và magog, (như ám chỉ trào lưu ồ ạt chủ nghĩa duy nhân bản và tương đối vô cùng lợi hại đang chi phối tâm thức và đời sống của loài người hiện nay), đông như cát biển "đã xâm chiếm toàn cõi xứ sở (ám chỉ thế giới) và công hãm thành đô yêu dấu là nơi dân Chúa cắm trại (ám chỉ Giáo Hội)", như Sách Khải Huyền ghi lại (20:8-9). 

Phải chăng chiến dịch toàn cầu hóa về kinh tế theo chiều hướng chính trị để làm sao có thể dần dần đế quốc hóa tất cả mọi nền văn hóa của các dân nước, cũng như biến đổi hoàn toàn nền luân lý chân chính của lệ luật Thiên Chúa, thành những gì là tự nhiên lăng loàn của bản tính nhiễm lây nguyên tội trên thế giới hiện nay, hình như đang hiện thực hóa mưu đồ lịch sử (conspiracy of history) của hội kín thợ xây trật tự thế giới mới tam điểm, cho vương quốc của satan trị đến trong lòng người và lịch sử?! 

Phải, cho tới khi con rồng đã tung ra tất cả quyền lực độc dữ nhất của nó thì cũng chính là lúc sự dữ hết thời, và hoàn toàn bị tận diệt bởi chính Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18), khi Người "là sự sống" vĩnh hằng bất tận tái xuất hiện trong vinh quang với tư cách là Thẩm Phán Chí Tôn "để phán xét kẻ sống và kẻ chết", Đấng được Tiên Tri Đaniên trong Bài Đọc 1 hôm nay báo trước vương quyền thống trị bất diệt của Người:

"Trong một thị kiến ban đêm (theo người viết thời điểm "ban đêm" ở đây ám chỉ tình hình nhân gian và Giáo Hội trước khi Chúa Kitô tái giáng), tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão ("Vị Bô Lão" ở đây theo người viết có thể ám chỉ Chúa Cha), và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá hủy".

Thị kiến của Tiên Tri Đaniên về Con Người lãnh nhận vương quyền thống trị đến muôn đời tất cả loài người là loài tạo vật được Người cứu chuộc, đã được phụ họa và âm vang trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. 

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. 

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. 

Đúng thế, sự kiện Chúa Kitô "là sự sống" bất diệt và bất tận xuất hiện lần thứ hai không phải chỉ để tận diệt sự dữ, mà trước hết và trên hết là để tỏ hết mình ra trên thế gian này, như thể tạo vật được Thiên Chúa dựng nên đã đến thời viên mãn của mình nơi Người, nhờ Người và với Người. Bấy giờ, khi Người tái xuất hiện, Người tỏ mình ta với tư cách là một Vị Con Thiên Chúa hằng sống bất diệt, qua nhân tính hiển linh cùng với thân xác phục sinh của Người, và như thế, Người như ánh sáng sự sống cuối cùng xua tan bóng tối sự dữ cho đến muôn đời, hoàn toàn không bao giờ còn sự dữ nữa, như Sách Khải Huyền tiên bào về một Tân Thành Thánh Giêrusalem "không còn đêm" (22:5), vì "trời trước và đất trước đã qua đi" (21:1). 

Chiều hướng trên đây về lần đến cuối cùng đầy vinh quang rạng ngời vinh thắng của Chúa Kitô "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16; Gioan 11:27), Đấng cuối cùng đã tỏ mình ra hoàn toàn đúng với phẩm chức thần linh và quyền năng tối cao của Người, được Sách Khải Huyền tiên báo nơi Bài Đọc 2 hôm nay như thế này: 

"Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen. Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen. Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: 'Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh'".

Trong cuc khổ nạn của mình, Chúa Kitô sẽ Tái Giáng vinh quang, vào lúc ấy, trước hết, mới chỉ tỏ mình ra như là một con người bị lép vế trước quyền bính thế gian, bị quyền lực thế gian bắt giữ và bị hành hạ cùng sát hại như một tên đại tử tội hoàn toàn bất lực và vô cùng nhục nhã. 

Thế nhưng, sự dữ và quyền lực sự dữ vẫn không làm gì được Người, Đấng "là sự sống", Đấng "tự ý bỏ mạng sống mình đi rồi có quyền lấy lại mạng sống của mình" (Gioan 10:18). Trái lại, Người đã thắng được sự dữ nơi sự chết bị Người tiêu diệt bởi "sự sống lại" của Người hay bởi Người "là sự sống lại". Thậm chí nhờ sự dữ Người phải chịu cả trong tâm hồn lẫn thể xác mà Người đã cứu được con người, trước hết và trên hết, khỏi sự dữ về luân lý là tội lỗi của họ, nhờ đó họ khỏi bị chết đời đời là sự dữ trên hết mọi sự dữ. 

Người quả thực là vua cai trị mọi sự, dù trải qua cuộc khổ nạn và tử giá. Do đó, không phải tự nhiên mà viên tổng trấn dân ngoại tự nhiên có linh cảm Người là một nhân vật đặc biệt, mang phong cách oai nghi vương giả, chứ không phải là một nhân vật tầm thường mà ông đã từng gặp, qua câu hỏi"ngài từ đâu tới" (Gioan 19:9), dù theo nhân vật cầm quyền sinh tử của Người bấy giờ thì Người chỉ là "Vua Dân Do Thái" (Luca 23:38) chư hầu của đế quốc Rôma.

Tuy nhiên, theo Phúc Âm của Thánh ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc thay cho Phúc Âm Thánh ký Marco Chu Kỳ Năm B này, Chúa Kitô đã tự đính chính bằng câu trả lời rất chính xác cho vấn đề được Viên Tổng Trấn Philato ấy đặt ra hỏi Người "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" rằng: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này". Nghĩa là vương quốc của Chúa Kitô là vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc tối cao của lòng người, và bất diệt vượt trên mọi vương quốc hữu hạn trên trần gian này. 

Thật ra, tự mình là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã là vua, nhưng nơi nhân tính của mình, Người cần phải chứng thực hay tỏ mình ra Người thực sự bẩm sinh là vua, (như khi mới sinh ra Người đã được 3 vương chiêm tinh gia đến bái thờ - Mathêu 2:1-12), một đức vua trên hết mọi vua chúa trên trần gian này, một đức vua muôn đời, đúng như Người đã trả lời cho câu chất vấn của Tổng Trấn Philatô: "Vậy ông là Vua ư?": "Chính quan là người đã nói tôi là vua - It is you who say I am a king. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".

Trong câu khẳng định có tính cách gián tiếp này của Chúa Kitô Vua, Người không tự mình xưng là vua, và không bao giờ Người tự xưng mình như thế, vì đụng đến chính trị, tức đụng đến chính quyền đế quốc Rôma cũng như đến quận vương Hêrôđê ở Galilêa, cũng như Người đã không bao giờ tự xưng Người là Đấng Thiên Sai - Messiah, vì Người tránh đụng đến giáo quyền Do Thái, mà chỉ công nhận qua việc đáp ứng của Người mà thôi, như Người đã công nhận lời của phụ nữ Samaritanô ở Giếng Giacóp về tư cách của Người (xem Gioan 4:25-26), hay như Người đã công nhận lời truyền lệnh của giáo quyền Do Thái giáo hỏi Người xem Người có phải là Đấng Thiên Sai hay chăng (xem Mathêu 26:63-64): "Chính ngài là người nói thế... It is you who say it".

Cũng trong câu khẳng định gián tiếp với viên quan tổng trấn Philatô ấy, Chúa Kitô còn liên kết vai trò làm vua của Người với chân lý nữa: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi". Nếu Chúa Kitô chính "là chân lý" (Gioan 14:6) thì Người "sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về" chính bản thân Người "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), ai tin Người hay "chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12). Đó là lý do "Nước tôi không thuộc về thế gian này" mà một vương quốc của "sự sống", sự sống đời đời, vĩnh viễn tồn tại như chính "Chân Lý" bất biến.

Sự kiện vấn đáp giữa tổng trấn Philatô với Chúa Kitô không phải chỉ đơn giản bề ngoài như là một cuộc đối thoại giữa hai người ngang nhau, mà là một cuộc tra vấn của nhân vật có thẩm quyết xét xử trước khi lên án và xử tội, với một tội phạm bất ngờ được trao nộp cho ông. Bởi thế, ngay câu tra vấn đầu tiên được vị tổng trấn này đặt ra là một câu tra vấn mà tội phạm lên tiếng công nhận một cái là bị lên án liền lập tức: "Ngươi có phải là vua không?".

Tuy nhiên, vì quá thấu biết cả tấm lòng đầy thiện chí lẫn vai trò cần phải thẩm xét một nhân vật bị dân Người coi là phạm nhân, Chúa Kitô đã khôn khéo trả lời, vừa để tránh cái bẫy điều tra của vị tổng trấn dân ngoại vừa để dẫn chính con người ấy về với chân lý là bản thân mình: "Ông tự ý hỏi như thế hay đã có ai nói về Tôi với ông?". Viên tổng trấn Philatô này cũng không vừa, chẳng những không để cho Chúa Kitô đánh lạc hướng, mà còn trở đòn một cách ngoạn mục, bằng cách bồi thêm một câu tra vấn thứ hai, hết sức mật thiết với câu tra vấn thứ nhất: "Nhân dân của ngươi đã trao nộp ngươi cho ta. Ngươi đã làm gì?"

Căn cứ vào hai câu tra vấn: "Người có phải là vua không?" và "Người đã làm gì?" của vị tống trấn hạch hỏi Chúa Kitô, thì hình như ông ta đang muốn điều tra xem nhân vật bị coi là tội phạm được trao nộp cho ông ta bấy giờ có làm chính trị hay chăng? - Chẳng hạn có âm mưu hay hành động làm loạn chống lại thẩm quyền đương nhiệm bấy giờ là quận vương Hêrôđê đang ở Giêrusalem (xem Luca 23:7), ngay lúc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem một cách vinh quang chưa từng thấy, huy hoàng như một quân vương.

Trong bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua 25/11/2018, khi bài chia sẻ này đã đưoọc gửi đi từ tối Thứ Sáu 23/11/2018, thì người viết đọc thấy chiều kích suy diễn của mình cũng cùng chiều hướng chính trị với ĐTC Phanxicô: "Người đã đứng trước vị Tổng Trấn Roma, như một tên muốn chống lại quyền lực chính trị, muốn trở thành Vua của Người Do Thái. Vậy Philatô đã thực hiện cuộc điều tra, và bằng một thứ chất vấn bi thảm, ông hai lần hỏi Người rằng 'Ngươi là vua phải không?'"

Nếu quả thực Chúa Kitô làm chính trị thì mới thuộc lãnh vực thực sự liên quan đến thẩm quyền xét xử của ông, bằng không, sau khi đã cẩn thận tra vấn, chính ông đã thấy rõ, thậm chí đã dựa vào thẩm quyền của cả quận vương Hêrôđê cũng chẳng lên án Người, mà tuyên bố Người vô tội không đáng chết (xem Luca 23:14-15), một quyết định đã khiến cho "toàn thể đám đông" (Luca 23:18), bao gồm cả thành phần đầu mục Do Thái lẫn dân chúng bị thành phần đầu mục này xui xiểm (xem Mathêu 27:20), bấy giờ tự ý quay ra muốn vị tổng trấn thả tên trộm cướp Baraba thay vì thả Chúa Kitô, dựa vào thông lệ được vị tổng trấn ân xá vào ngày lễ trọng của dân Do Thái (xem Mathêu 27:15). Nhưng ông lại chỉ muốn thả Chúa Giêsu, vì theo lương tâm và thẩm quyền của mình, ông vẫn thấy Người vô tội, đáng thả hơn là tên ma đầu Barbara, nhưng dân chúng lại làm mạnh hơn, đòi "đóng đanh nó vào thập giá" (Luca 23:21).

Người quả thực là "một người quí tộc kia đi phương xa để được phong vương" như Người đã tiên báo cho các môn đệ và đám đông đi theo Người trong cuộc hành trình Giêrusalem của Người, như bài Phúc Âm của Thánh ký Luca Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên tuần trước (19:12). Theo bài Phúc Âm này, cho dù dân Do Thái của Người không chấp nhận Người là vua của họ (xem Luca 19:14, Gioan 19:15,20-22), nhưng họ chẳng những vẫn không làm gì được Người mà còn bất ngờ làm cho Người trở thành vua của toàn thể nhân loại nữa: "Người đã được phong vương trở về" (Luca 19:15), theo chiều hướng của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật cuối cùng của Phụng Niên trọng kính Chúa Kitô Vua. 

Tóm lại, ý nghĩa của Lễ Chúa Vua được Giáo Hội cố ý đặt vào Chúa Nhật cuối cùng của mỗi phụng niên là ở chỗ: Người là Đấng chẳng những có toàn quyền năng (all powerful) có thể giải thoát con người (kể cả các vua chúa và đế vương trong lịch sử loài người) khỏi tội lỗi và sự chết, như bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho năm C cho thấy, liên quan đến phần rỗi của người trộm lành, mà còn có cả tối thẩm quyền (supreme/ultimate authority) để phán xét và thưởng phạt nhân loại (kể cả các vua chúa và đế vương trong lịch sử loài người), như bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Năm A cho thấy, liên quan đến biến cố chung thẩm.

Quyền năng cứu độ và thẩm quyền phán xét này nơi Chúa Kitô là ở chỗ Người chính "là chân lý" (Gioan 16:4), Đấng "được sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho chân lý", như bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan Năm B hôm nay cho thấy, một Chân Lý như "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12) "chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5) và xua tan bóng tối tội lỗi và sự chết nơi loài người, một ánh sáng sự sống hoàn toàn được sáng tỏ khi Người tái giáng trong vinh quang như một thẩm quyền tối thượng "để phán xét kẻ sống và kẻ chết".

Là Kitô hữu, chúng ta, qua Phép Rửa, đã được thông phần vào thiên chức vương đế, ngôn sứ và tư tế của Chúa Kitô và với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta đã sống thế nào với thiên chức vương đế bởi chúng là là con Thiên Chúa này của mình: chúng ta có làm chủ mọi sự hay chăng với tư cách là những dưỡng tử của Thiên Chúa, hay vẫn sống đời nô lệ cho tội lỗi, cho thần dữ, cho thế gian, xác thịt?


Đang khi tôi chia sẻ gợi ý gần xong 
về bài Phúc Âm của Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Năm B, với nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương ở Giáo Phận Orange vào chiều Thứ Sáu ngày 23/11/2018, thì có chị đặt vấn đề, ngay ở chỗ chị nghe tôi nói rằng Chúa Kitô đến làm chứng cho chân lý bằng việc cho thấy Người không làm theo ý riêng mình mà là theo ý Đấng đã sai Người (xem Gioan 6:38), để chứng thực Người là Đấng Thiên Sai, nên ở trên Đồi Canve, chứng kiến thấy Người chết, một viên đại đội trưởng Roma bấy giờ đã tin nhận "Người này là Con Thiên Chúa" (Mathêu 57:42), và một số người bấy giờ cũng nhận biết Người (xem Luca 23:48). Vấn đề của chị đặt ra như sau: Tại sao Chúa Giêsu sống ở thế gian và đã tỏ mình ra hết cỡ mà chỉ lôi kéo một số ít người thôi, trong khi các thánh tông đồ sau đó đã làm cho người ta trở lại 3000 người đợt nhất và 5000 người đợt hai? 


Câu trả lời của tôi bấy giờ như thế này:
Các tông đồ quả thực đã làm cho 3 ngàn người trở lại nhơ bài giảng đầu tiên sau biến cố Thánh Thần Hiện Xuống (xem Tông Vụ 2:41), và 5 ngàn người trở lại nhờ bài giảng thứ hai sau phép lạ người què ở Cửa Đẹp được bất ngờ chữa lành (xem Tông Vụ 4:4). Việc các ngài làm cho người ta trở về nhiều hơn cả chính Chúa Kitô nữa quả thực đã ứng nghiệm lời Người đã tiên báo trong Bữa Tiệc Ly là: "Kẻ nào tin vào Thày sẽ làm được các việc Thày đã làm, mà còn lớn lao hơn cả những việc ấy nữa. Tại sao? Vì Thày về cùng Cha" (Gioan 14:12). 

Đúng thế, các môn đệ của Chúa Kitô có làm được gì thì cũng nhờ 
bởi Chúa Kitô ở trong họ, vì trái nho chỉ trổ sinh ở cành nho chứ không phải ở thân nho thế nào thì "Thày là cây nho, các con là cành" (Gioan 15:1) cũng thế. Các tông đồ của Người là cành nho sinh hoa trái là phải. Thế nhưng cành nho chỉ sinh hoa trái khi còn kết hợp với thân nho là Chúa Kitô. Nghĩa là Chúa Kitô vẫn tiếp tục tỏ mình ra, không phải qua nhân tính của Người như khi Ngưòi còn sống, mà là qua nhiệm thể Giáo Hội của Người. 
Vậy người ta nhận biết chân lý là Chúa Kitô, chứ không phải nhận biết các chứng nhân của Người, nói cách khác, là nhận biết Người, qua chứng từ của Giáo Hội nói chung và từng phần tử Kitô hu nói riêng, mà trở v với Chúa Kitô, chứ không phải với Giáo Hội, nói cách khác, là trở về với Người nhờ Giáo Hội và trong Giáo Hội của Người. Như thế là Chúa Kitô vẫn tiếp tục tỏ mình ra qua Giáo Hội, và càng ngày càng làm cho nhân loại nhận biết Người là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis duy nhất của họ. Bởi thế, không phải là các tông đồ làm cho người ta trở lại nhiều hơn Chúa Kitô, mà chính Chúa Kitô, qua các vị, làm cho người ta trở lại càng ngày càng nhiều, cho tới khi Người lại đến trong vinh quang, "để phán xét kẻ sống và kẻ chết". 
Sau vấn nạn của người chị em ấy thì lại có một ngưoòi anh đặt thêm vấn đề do giới trẻ đặt ra cho anh liên quan đến Chúa Kitô Vua mà anh đã không biết phải trả lời thế nào, như sau:
Tại sao ngày nay trên thế giới không còn chế độ vua chúa nữa, thế mà tại sao Giáo Hội Công giáo vẫn tiếp tục tôn vinh Chúa Kitô là Vua?  

Tôi đã giải đáp như thế này: Căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu nói với tổng trấn Philato trong bài Phúc Âm Thánh Gioan cho chu kỳ phụng vụ Năm B thì "nước của Tôi không thuộc về thế gian này" (Gioan 18:36), tức là nước của Chúa Kitô hay vương quốc được Chúa Kitô thiết lập trên thế gian này không thuộc về hạ giới, có tính cách trần thế nói chung và chính trị nói riêng. Trái lại, nước của Người thuộc về thượng giới, thuộc lãnh vực siêu nhiên, lãnh vực thần linh, như chính Chúa Kitô đã xác định với vị tổng trấn dân ngoại thuộc đế quốc Roma này: "Tôi được sinh ra và đến trong thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai tìm kiếm chân lý thì sẽ nghe thấy tiếng của Tôi". (Gioan 18:37)

Đúng thế, nếu chỉ có duy chân lý mới có mãnh lực giải phóng con người (xem Gioan 8:32) khỏi tội lỗi (về phần hồn) và sự chết (về phần xác, nhất là cái chết về phần hồn). Trong khi không có một vua chúa hay hoàng đế nào trong lịch sử của loài người trên trần gian này có thể không phạm tội và không chết, cho dù họ có muốn bất tử tự họ cũng không thể nào cứu họ, giải thoát chính bản thân họ khỏi tội lỗi và sự chết. Thế mà một mình Chúa Kitô đã làm được điều này, cho toàn thể nhân loại. Vì chính Ngài là Chân Lý. Bởi vậy, Kitô hữu không thể nào không tiếp tục và liên tục suy tôn và muôn đời chúc tụng Chúa Kitô là Vua, nghĩa là họ tôn vinh và chúc tụng Người là vị cứu tinh duy nhất của nhân loại (xem Tông Vụ 4:12). Thế thôi.

 


Thứ Hai

Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 1-3, 4b-5

"Tên của Ðức Kitô và của Cha Người viết trên trán họ".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi ngắm nhìn: thì đây Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi tư ngàn người mang tên của Con Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ. Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền, và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ hát bài ca vãn mới trước toà và trước mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được mua chuộc từ cõi đất, không một ai có thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó. Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ cũng chẳng tì ố trước toà Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Ðó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.  

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 1-4

"Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy niệm

 

Hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên, Thánh ký Luca, qua các bài Phúc Âm trong tuần cuối cùng của phụng niên này, tiếp tục thuật lại cho chúng ta biết những giáo huấn cuối cùng của Người ở Giêrusalem sau khi trình thuật, qua các bài Phúc Âm tuần trước, là cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Giêsu đã đạt đến đích điểm của nó là chính Thành Thánh và Đền Thánh Giêrusalem. 

Trước hết, vấn đề đưoọc đặt ra cần phải giải quyết đó là tại sao vào cuối hành trình của mình đến Giêrusalem, các Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại sự kiện bà góa bỏ đồng tiền nhỏ mọn như thế, có liên quan gì hay quan trọng gì hay chăng? Xin thưa, có, có liên quan đến biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô cũng như đến thời điểm cánh chung tận cùng. Nên Chúa Kitô đã nói đến sự kiện Thành Giêsurusalem bị tàn phá, và Cuộc Vượt Qua của Người là để cứu những ai tin vào Người, nhất là khi Người đến lần thứ hai, điển hình như bà góa đã tỏ ra tuyệt đối tin tưởng và trông đợi vào một mình Thiên Chúa mà thôi.

Giáo huấn cuối cùng ở Giêrusalem tiếp tục bài giáo huấn đầu tiên trong Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước về sự sống lại, được Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay muốn dạy các môn đệ của Người liên quan đến gương sống đức tin của một bà góa, một sự kiện cũng đã được Thánh ký Marco thuật lại trong Bài Phúc Âm của Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B. Hai bài Phúc Âm về bà góa được đọc trong phụng vụ Lời Chúa này có nội dung giống nhau, tuy Phúc Âm Thánh Marco có vẻ chi tiết hơn và dài hơn.

Chẳng hạn Thánh ký Marco còn thêm những chi tiết sau đây: 1- "Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm", chứ không phải chỉ "nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền" như Thánh ký Luca thuật lại; 2- "hai đồng tiền là một phần tư xu", chứ không chỉ như Thánh ký Luca vắn tắt "hai đồng tiền nhỏ"; 3- "Người liền gọi các môn đệ và bảo", chứ không nói trống trống "nên bảo rằng" như Thánh Luca.

Ngoài ra, hai Thánh ký đều ghi lại nội dung giống nhau nơi lời nhận định và huấn dụ của Chúa Kitô về sự kiện bà góa bỏ tiền này: 1- bà góa này bỏ nhiều hơn hết trong những người bỏ tiền; 2- vì bà bỏ tất cả những gì bà có cho dù đang túng thiếu, trong khi các người khác chỉ bỏ những của dư thừa của họ.

Tuy nhiên, trong khi Phúc Âm theo Thánh ký Marco cho Chúa Nhật XXXII hình như nhấn mạnh đến bà góa nghèo, thì Phúc Âm theo Thánh ký Luca hôm nay lại liên quan đến người giầu hơn, căn cứ vào 2 chi tiết sau đây: 1- "Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền"; 2- "lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa". Ở Phúc Âm Thánh Marco không có chi tiết "dâng cho Thiên Chúa" này.

Để tiếp tục chia sẻ bài Phúc Âm về bà góa này, bài đã được chia sẻ cho Chúa Nhật XXXII: Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXXII Thường Niên Chu Kỳ B, hôm nay, chúng ta cần giải quyết vấn đề là tại sao bà góa nghèo này đã trở thành bài giáo huấn Giêrusalem thứ hai (sau bài đầu ở Phúc Âm Thứ 7 tuần trước) trong các bài giáo huấn cuối cùng công khai của Chúa Kitô? Xin thưa, có thể tại vì sự kiện này có liên hệ đến hai sự kiện khác sau đây: 

Thứ nhất là vì, theo bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô cho Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B, việc buôn bán lợi lộc trần gian của dân Chúa đã tục hóa Đền Thánh Giêrusalem vốn là nơi linh thiêng, là nhà cầu nguyện, và đã biến Đền Thánh này thành hang trộm cướp, và việc Chúa Giêsu thẳng tay thanh tẩy đền thờ trong trường hợp này nhắm đến mục đích dạy cho cộng đồng dân Chúa bấy giờ, bao gồm cả thành phần lãnh đạo, là phải kính mến Chúa là Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ hết mình và trên hết mọi sự. Cử chỉ và hành động bà góa tỏ ra tin tưởng tôn kính Thiên Chúa hết mình và trên hết mọi sự, bằng cách đã bỏ tất cả những gì mình có chính là tấm gương Chúa Kitô muốn nêu lên và nhấn mạnh để chung mọi người và riêng môn đệ của Người noi theo bắt chước.

Thứ hai là vì, cuộc hành trình Giêurusalem của Chúa Kitô liên quan đến biến cố Người đến lần thứ hai, với các dấu báo cùng biến động kinh hoàng khủng khiếp mà Người khuyên các môn đệ của Người hãy tỉnh thức, nhất là đừng quyến luyến một sự gì, như Người đã cảnh báo trong Bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần XXXII: "Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó". Gương bà góa bỏ tiền vào hòm tiền trong Đền Thờ mà chẳng hề lo đến việc bảo toàn mạng sống của bà không đáng là bài học Chúa muốn nhấn mạnh trong loạt bài giáo huấn cuối cùng của Người ở Giêrusalem hay sao? 

Phải chăng bà góa được Chúa Giêsu khen tặng trước mặt các tong đồ của Người là một con người đã thuộc về số thành phần 144 ngàn, con số vuông tròn tiêu biểu cho dân Do Thái Cựu Ước xuất phát từ 12 chi tộc Israel cùng với dân Tân Ước thuộc về Giáo Hội được xây trên nền tảng 12 tông đồ, được Thánh Gioan thị kiến thấy trong Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay, thành phần tin theo Chúa Kitô: “Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó”.

Bởi vì, như Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 2 hôm nay còn cho biết thêm:Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên”, mà Bài Đáp Ca hôm nay mới chất chứa và vang lên những tâm tình của họ như sau:

1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

 

Ngày 21 tháng 11

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.

(Lễ nhớ)

 

Bài đọc 1 – Dcr 2, 14-17

"Hỡi thiếu nữ Sion, hãy hân hoan, đây Ta ngự đến".

Bài trích sách Tiên tri Giacaria.

Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta và Ta sẽ ngự giữa ngươi. Ngươi sẽ biết rằng Chúa các đạo binh đã sai Ta đến cùng ngươi”. Thiên Chúa sẽ chiếm lấy Giuđa làm sản nghiệp của Người trong thánh địa, và sẽ còn tuyển chọn Giêrusalem. Mọi xác phàm hãy thinh lặng trước nhan thánh Chúa, vì Người đã chỗi dậy trong thành thánh của Người.

Đó là lời Chúa.

 

Đáp Ca: 1 Sm 2, 1.4-5.6-7.8

Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).

1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôiđược gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuêđộ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

 

Allêluia – Lc 1, 28

All. All. - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - All.

 

PHÚC ÂM – Mt 12, 46-50

"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

Đó là lời Chúa.


Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ


Theo truyền thống Do Thái, người ta thường dâng con trẻ vào đền thờ để được thánh hiến và sau đó con trẻ sẽ ở trong đền thờ một thời gian giúp việc các vị chủ tế... Phúc Âm không đề cập đến thời thơ ấu của Ðức Trinh Nữ Maria. Nhưng theo Thánh Truyền thì Ðức Mẹ cũng đã thi hành tập tục nói trên. Tại đền thánh Giêrusalem, ngài đã thực hành biết bao hy sinh với một tâm hồn quảng đại.

Mười hai năm suy gẫm và cầu nguyện, chính là thời gian chuẩn bị cho chức vụ Mẹ Thiên Chúa. Theo thánh Hiêronimô, chương trình ngày sống của Ðức Mẹ trong đền thờ được phác họa như sau: Từ hừng đông đến 9 giờ sáng, Ngài cầu nguyện; từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, Ngài làm việc chân tay và sau đó ngài lại cầu nguyện, sốt sắng suy gẫm Thánh Kinh và siêng năng đọc Thánh Vịnh.

Ngày lễ Mẹ dâng mình như bước đầu dẫn tới Ðức Khiết Tịnh Kitô giáo. Sau Ngài, biết bao trinh nữ đã tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Vì thế Mẹ Maria thực là gương mẫu bất diệt, là Ðấng bảo trợ nhiệt thành và là Ðấng hướng dẫn chắc chắn trên đường nhân đức vậy.




Phụng Vụ Lời Chúa cho ngày trong tuần (nếu không cử hành Lễ nhớ Mẹ Dâng Mình)

 

Thứ Ba


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 14-19

"Ðã đến giờ gặt, vì lúa gặt trên đất đã chín rồi".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nhìn thấy có đám mây trắng: trên đám mây có ai ngồi giống như Con Người, đầu đội triều thiên bằng vàng và tay cầm liềm sắc bén. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ đi ra kêu lớn tiếng cùng Ðấng ngồi trên đám mây mà rằng: "Hãy hạ liềm xuống mà gặt đi, vì đã đến mùa màng trên đất đã chín rồi". Ðấng ngự trên đám mây liền quăng liềm xuống đất và lúa trên đất được gặt hết. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ trên trời đi ra, người cũng cầm một cái liềm sắc bén. Và một thiên thần khác nữa từ trong bàn thờ đi ra, vị này có quyền cai trị lửa, người kêu lớn tiếng cùng thiên thần cầm liềm sắc bén mà rằng: "Hãy hạ liềm sắc bén xuống mà cắt những chùm nho nơi vườn nho dưới đất, vì nho trong vườn đã chín rồi". Thiên thần kia hạ liềm sắc bén xuống đất, cắt nho nơi vườn nho dưới đất và bỏ vào thùng lớn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 95, 10. 11-12. 13

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13b).

Xướng: 1) Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.

2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên! Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui! Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở! - Ðáp.

3) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. - Ðáp. 

  

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 21, 5-11

"Không còn hòn đá nào nằn trên hòn đá nào".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".

Ðó là lời Chúa.

 




Suy niệm

   

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên, tiếp tục những bài giáo huấn Giêrusalem của Chúa Kitô, lần này, trực tiếp liên quan đến số phận tàn canh tận số sau một thời lừng danh vang bóng của chính Thành Thánh Giêrusalem: "Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: 'Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá'".

Nếu tảng "đá - rock" tượng trưng cho nền tảng đức tin vững chắc (xem Mathêu 7:24;16:18) thì những viên "đá - stones" tượng trưng cho thành phần tín đồ Do Thái giáo trong Cựu Ước cũng như thành phần Kitô hữu trong Tân Ước: "Anh em là những viên đá sống được xây lên như là một lâu đài thiêng liêng..." (1Phêrô 2:5). 

Vậy nếu tình trạng Thành Thánh Giêrusalem vào thời điểm tận số của mình tan tành  đến độ "không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá", thì phải chăng đó là hình ảnh về Giáo Hội vào ngày cùng tháng tận, được Chúa Giêsu báo trước cho biết về tình trạng khủng hoảng đức tin nơi thành phần tín hữu trước khi Người tái giáng: "Không biết khi Con Người trở lại có còn thấy đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?" (Luca 18:8).

Về những dấu hiệu báo trước tình trạng tận số của Thành Giêrusalem ám chỉ dân Chúa này, để trả lời cho câu hỏi "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Chúa Giêsu đã cảnh báo như sau

"Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời gian đã gần đến', các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu. Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".

Căn cứ vào lời của Chúa Kitô trên đây thì có 2 dấu hiệu báo trước về tình trạng tận số của Thành Thánh Giêrusalem hay của cộng đồng dân Chúa: hiện tượng đầu tiên là giả dối lừa đảo ("sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời gian đã gần đến'"), và hiện tượng tiếp theo là xẩy ra nào là nhân tai ("chiến tranh loạn lạc... Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ") nào là thiên tai ("sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể").

Hai hiện tượng chính yếu báo trước về tình trạng tận số của Thành Giêrusalem ám chỉ dân Chúa này thật ra cũng liên quan đến chính đức tin. Có nghĩa là, trước khi cộng đồng dân Chúa đi tới chỗ tận số thì xẩy ra những hiện tượng cho thấy đức tin của họ bắt đầu bị khủng hoảng. Ở chỗ, về tinh thần, họ bị mù tối, qua việc tạo nên những Đức Kitô giả tạo theo ý nghĩ của họ, những Đức Kitô không có năm dấu thánh của thành phần cấp tiến phá giới buông thả, hay ngược lại những Đức Kitô chỉ biết luận phạt chém giết tội nhân của thành phần bảo thủ, hoặc một thứ ý hệ cứu độ giả tạo nào đó như các chủ nghĩa đã từng xuất phát từ Tây phương Kitô giáo như cộng sản, hiện sinh, duy nhân, tương đối, toàn cầu v.v.

Chính vì đức tin của thành phần dân Chúa bị lệch lạc như vậy, mà "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), nên cộng đồng dân Chúa, đặc biệt cộng đồng dân Chúa Tây phương nói chung và Âu Châu nói riêng, mới tiến tới chỗ ghen ghét, hận thù, đến độ sát hại nhau bằng các cuộc chiến tranh chưa từng có trong lịch sử loài người, như Thế Chiến I và II ở thế kỷ 20 với hậu quả phải chịu là 100 triệu nhân mạng, những thế chiến xuất phát từ Âu Châu, thế giới Kitô giáo! Và như các chế độ diệt chủng, chẳng hạn cộng sản và Đức quốc xã, đã tàn sát cả 100 triệu sinh mạng nữa trong thế kỷ 20, chưa kể đến con số phá thai sát hại không biết bao nhiêu mà kể hằng năm từ khi con người "ban phép" phá thai, cũng xuất phát từ Tây phương Kitô giáo!!!

Cũng chính vì đức tin đã càng ngày càng trở nên yếu kém và bị lạc loài như thế mà thế giới Tây phương Kitô giáo văn mình chưa từng có và kỹ nghệ tân tiến hóa, đã vô tình hay cố ý, nhúng tay vào việc gây ra tình trạng khủng hoảng cả về môi sinh, với những biến động bất thường trong thiên nhiên, mà hậu quả là chính con người phải hứng chịu những hậu qua thiên tai liên tục không ngừng xẩy ra ở khắp nơi trên thế giới như vẫn thấy vô cùng thảm thương hiện nay. 

Không phải là ngẫu nhiên mà lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội và thế giới xuất hiện một bức thông điệp hoàn toàn không phải về những vấn đề như từ trước đến nay thuần tín lý hay thuần luân lý hoặc phụng vụ hay tu đức, mà là một thông điệp về môi sinh và nhân sinh, Thông Điệp "Laurato Sí", được Vị Giáo Hoàng muốn có một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo là Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 24/5/2015. 

"Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể". Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận như Chúa Giêsu cảnh báo trong Bài Phúc Âm hôm nay. Phải chăng những hiện tượng này báo hiệu Mùa Gặt Nước Trời, một mùa gặt cuối thời được Thánh Gioan diễn tả trong Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay: 

“Có một thiên thần khác từ trong đền thờ đi ra kêu lớn tiếng cùng Ðấng ngồi trên đám mây mà rằng: ‘Hãy hạ liềm xuống mà gặt đi, vì đã đến mùa màng trên đất đã chín rồi’. Ðấng ngự trên đám mây liền quăng liềm xuống đất và lúa trên đất được gặt hết. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ trên trời đi ra, người cũng cầm một cái liềm sắc bén. Và một thiên thần khác nữa từ trong bàn thờ đi ra, vị này có quyền cai trị lửa, người kêu lớn tiếng cùng thiên thần cầm liềm sắc bén mà rằng: ‘Hãy hạ liềm sắc bén xuống mà cắt những chùm nho nơi vườn nho dưới đất, vì nho trong vườn đã chín rồi’. Thiên thần kia hạ liềm sắc bén xuống đất, cắt nho nơi vườn nho dưới đất và bỏ vào thùng lớn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”.

Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những tâm tưởng về việc hiển trị của Thiên Chúa trong lịch sử loại người nói riêng và vũ trụ nói chung khi thời điểm cánh chung và tận cùng tới: 

1) Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên! Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui! Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở!

3) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.


Thứ Tư

Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 15, 1-4

"Hãy xướng ca bài ca vãn Môsê và ca vãn Con Chiên".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy điềm lạ vĩ đại và huyền diệu khác trên trời, là bảy thiên thần cai bảy tai ương sau hết, những tai ương này làm cho Thiên Chúa hết cơn thịnh nộ.

Và tôi đã thấy như biển thuỷ tinh chan hoà ánh lửa và những kẻ đã thắng được mãnh thú và hình tượng cùng số tên của nó, đều đứng trên biển thuỷ tinh gảy đàn cầm ngợi khen Thiên Chúa, và xướng bài ca vãn Môsê tôi tớ Chúa, cùng bài ca vãn Con Chiên rằng:

"Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật vĩ đại và lạ lùng. Lạy Chúa là vua hằng có đời đời, đường lối của Chúa thật công minh, chính trực. Lạy Chúa, ai lại không kính sợ Chúa và không ngợi khen danh Chúa? Vì chỉ có mình Chúa là Ðấng nhân lành: mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, bởi vì sự xét xử của Chúa đã tỏ bày minh bạch".

Ðó là lời Chúa.

 Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 7-8. 9

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật là vĩ đại và lạ lùng (Kh 15, 3b).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh, Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. - Ðáp.

4) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh và cai quản chư dân trong đường chính trực. - Ðáp. 

Alleluia: Mt 24, 41a và 44

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 21, 12-19

"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.

"Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên tiếp theo Bài Phúc Âm hôm qua về số phận tận số của Thành Thánh Giêrusalem, nhưng Bài Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến số phận bị bách hại của thành phần chứng nhân cuối thời.

Thật vậy, ngoài hai dấu hiệu cho thấy ngày cùng tháng tận đó là hiện tượng giả dối lừa đảo hoành hành cùng với hiện tượng nhân tai kèm theo thiên tai xẩy ra cho nhân loại, còn một dấu hiệu nữa đó là sự kiện bách hại thành phần chứng nhân cuối thời: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng". 

Đúng thế, chính hiện tượng "sự dữ gia tăng mà lòng mến nơi hầu hết con người ta trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12) mới xẩy ra tình trạng bách hại thành phần chứng nhân cuối thời. Không biết có đúng hay chăng khi mà vào chính thời điểm lịch sử hiện nay, thời đểm con người càng văn minh về vật chất lại càng băng hoại về luân lý và đạo lý, thì chính ở thế giới Tây phương Kitô giáo, (chứ không phải chỉ ở thế giới Hồi giáo cực đoan chỉ được theo Hồi giáo), lại là nơi đang bắch hại thành phần chứng nhân Kitô giáo, bằng những luật lệ cấm đoán công khai bày tỏ đức tin ở những nơi công cộng, dù là bằng ngôn từ hay hình ảnh, hoặc phải làm theo những điều khoản phản lại lương tâm Kitô giáo của mình, hay bằng việc trắng trợn và cương quyết dứt khoát chối bỏ căn tính Kitô giáo của mình trong Bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một châu lục hoàn toàn mang gốc gác Kitô giáo và là nơi xuất phát các vị thừa sai khắp thế giới.

Phải chăng lời Chúa Giêsu cảnh báo trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy", cũng bao gồm cả và ám chỉ đến tình hình chính thế giới Tây phương Kitô giáo bách hại Kitô giáo của chính mình? 

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ của Người là hãy lợi dụng tình trạng bị bách hại ấy mà làm chứng cho Người: "các con sẽ có dịp làm chứng". Đó là lý do, vào ngày cuối thời, chính vào lúc "sự dữ gia tăng mà lòng mến nơi hầu hết con người ta trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12) mới đồng thời xẩy ra một chiến dịch hay phong trào chứng nhân truyền giáo: "Tin mừng về Nước Trời này sẽ được loan truyền khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới tận cùng" (Mathêu 24:14).

Phải chăng ngay vào thời điểm thế giới Kitô giáo Tây phương đang băng hoại, đang trở thành trung tâm "văn hóa sự chết" (ĐTC Gioan Phaolô II), thành lò "văn hóa tận số" (ĐTC Phanxicô) mới càng cần đến một Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa được ĐTC Biển Đức XVI thiết lập, và là Hội Đồng đặc trách tổ chức Năm Thánh tình Thương 2016 do ĐTC Phanxicô khởi xướng; nhất là mới càng có những chuyến tông du của các Đức Giáo Hoàng từ ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), với chuyến tông du đầu tiên của ĐTC Phaolô VI vào đầu năm 1964 ở Thánh Địa (4-6/1), với 104 chuyến tông du của ĐTC Gioan Phaolô II trong vòng 26 năm rưỡi của ngài (16/10/1978 - 2/4/2005), trung bình mỗi năm 4 chuyến, với 24 chuyến tông du của ĐTC Biển Đức XVI trong 8 năm phục vụ Giáo Họi của ngài (19/4/2005 - 28/2/2013), trung bình 3 năm 1 chuyến, và với 21 chuyến tông du của ĐTC Phanxicô trong vòng 2 năm 8 tháng của ngài (13/3/2013 - 30/11/2015), trung bình 5 chuyến 1 năm (bao gồm cả chuyến tông du Phi Châu lần đầu tiên của ngài 6 ngày từ Thứ Tư giữa Tuần XXXIV Thường Niên này cho đến Thứ Hai cuối tháng 11). 

Thế nhưng, công cuộc và sứ vụ chứng nhân không phải là việc làm và hành động của cá nhân Kitô hữu, cho bằng của chính Giáo Hội và nhất là của Chúa Kitô, Đấng ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), Đấng luôn sống động trong Giáo Hội và tỏ mình ra nơi từng chi thể của Giáo Hội là thành phần chứng nhân của Người và cho Người như cành nho dính liền với Người là thân nho (xem Gioan 15:5). 

Bởi thế, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã trấn an thành phần chứng nhân tiên khởi của Người là các môn đệ đang theo Người và nghe Người bấy giờ, cũng như khẳng định cùng thành phần chứng nhân ở mọi thời và nhất là cuối thời của Người rằng: "Chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con". 

Và sở dĩ "mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con" được, như một phó tế Staphanô vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo (xem Tông Vụ toàn đoạn 7), là vì chính Chúa Kitô "là chân lý" (Gioan 14:1) bất diệt tỏ mình ra qua họ như "ánh sáng chiếu trong tăm tối, một thứ tăm tối không thể nào át được ánh sáng" (Gioan 1:5), nhất là khi Người tái xuất hiện trong vinh quang "để phán xét kẻ sống và kẻ chết", cho dù hiện tại dường như sự dữ đang thắng thế, đang làm chủ tình hình và đang hoành hành kinh hoàng khủng khiếp như thể cả thế gian này đã biến thành hỏa ngục trần gian vậy. 

Quả thực, trong một giai đoạn sự dữ gia tăng tới tột độ quyền lực của nó vô cùng kinh hoàng khủng khiếp đến độ "nếu giai đoạn ấy không được rút ngắn lại thì không một con ngưòi trần gian nào được cứu độ" (Mathêu 24:22), thì kể cả kẻ lành cũng vẫn có thể gặp nguy hiểm và vẫn có thể bị đánh lừa (xem Mathêu 24:24), như trường hợp cả 5 cô trinh nữ khôn ngoan cũng thiếp ngủ (xem Mathêu 25:5); nhưng 5 trinh nữ khôn ngoan này hoàn toàn khác với 5 trinh nữ khờ dại, ở chỗ, các cô mang dầu đức cậy theo với đèn đức tin để có thể thắp sáng đức mến khi chàng rể bất ngờ xuất hiện, nhờ đó, cho dù các cô mắt có ngủ nhưng lòng vẫn thức, ở chỗ vẫn "thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28), Đấng quan phòng thần linh cứu rỗi, đến độ: "dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất" như chính lời Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay. 

Phải chăng thành phần được Chúa Giêsu nói đến trong Bài Phúc Âm hôm nay: “Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con", cũng chính là thành phần được Thánh Gioan thị kiến thấy trong Sách Khải Huyền của ngài ở Bài Đọc 1 hôm nay:

Những kẻ đã thắng được mãnh thú và hình tượng cùng số tên của nó, đều đứng trên biển thuỷ tinh gảy đàn cầm ngợi khen Thiên Chúa, và xướng bài ca vãn Môsê tôi tớ Chúa, cùng bài ca vãn Con Chiên rằng: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật vĩ đại và lạ lùng. Lạy Chúa là vua hằng có đời đời, đường lối của Chúa thật công minh, chính trực. Lạy Chúa, ai lại không kính sợ Chúa và không ngợi khen danh Chúa? Vì chỉ có mình Chúa là Ðấng nhân lành: mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, bởi vì sự xét xử của Chúa đã tỏ bày minh bạch’".

Vẫn tiếp tục chiều hường vương quyền và vinh hiển của Thiên Chúa trong Phụng Vụ Lời Chúa của những ngày cuối cùng của phụng niên, Bài Đáp Ca hôm nay cũng là bài ca của những ai “bền đỗ” đến cùng, nghĩa là của những ai “đã thắng được con mãnh thú và hình tượng cùng số tên của nó”:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh, Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

3) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.

4) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh và cai quản chư dân trong đường chính trực.

 

Ngày 25/11 - Thánh nữ Catarina thành Alexandria

 

 Thánh Catarina Alexandria là một trong những vị thánh được nhiều người sùng bái. Thánh nhân cũng nhận được tiếng nói từ trời thúc dục như thánh Jeanne d’Arc một thiếu nữ chăn cừu cầm quân đánh đuổi quân Anh giúp vua nước Pháp.

Theo truyền tụng thì Thánh Catarina thuộc dòng dỏi quí tộc, sinh tại Alexandria, xứ Ai cập, dười thời quân Roma cai trị xứ này. Sau khi học hỏi và nghiên cứu về triết lý, Thánh Catarina đã gia nhập Ðạo Công giáo vì nhận thấy đây là con đường duy nhất dẫn đến chân lý.

Thánh nhân đã tranh luận với các triết gia thời bây giờ, có một số đông nghe lời thuyết phục của bà nên đã trờ lại theo Công giáo. Thánh cũng cố gắng thuyết phục hoàng đế, nhưng hoàng đế chỉ say mê sác đẹp của bà và chỉ muốn cưới bà làm tì thiếp

Thánh Catarina đã từ chối lời đề nghị của hoàng đế vì bà đã trọn dâng mình cho Chúa và chấp nhận bị tù đày và hành hạ. Hoàng đế tức giận bỏ tù bà và trong tù bà đã thuyết phục được hoàng hậu cùng một số quân lính theo đạo. Tức giận đến cực độ hoàng đế đã ra lệnh giết vợ và số quan quân đã theo đạo Công giáo.

Còn thánh Catarina thì bị buộc vào bánh xe có kết gươm để phanh thây như một hình phạt. Nhưng xe bị hỏng một cách kỳ lạ và những mảnh sắt văng tung tóe làm chết một số đông người tham dự, Hoàng đế bèn ra lệnh dùng gươm mà giết người đàn bà nguy hiểm này.

Thánh Catarina qua nhiều thế kỷ được tôn sùng như là bổn mạng của những triết gia, những nhà thuyết giáo. Thánh Catarina cũng được tôn sùng như là sự khôn ngoan của các phụ nữ trong công việc đời hỏi công bình và tự do cho nữ giới.

http://www.xuanha.net/Lequanhnam/11-25Catarinaalexandria.html

 



Thứ Năm

Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 18, 1-2, 21-23; 19, 1-3. 9a

"Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần từ trời xuống, có quyền năng cao cả, và đất rực sáng lên bởi vinh quang của Người. Người dõng dạc kêu lên rằng: "Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi: nó đã trở thành nơi ma quỷ ở, hang mọi thần ô uế ẩn trú, và nơi mọi thứ chim dơ bẩn gớm ghiếc làm tổ".

Rồi có một thiên thần dũng lực nhắc bổng hòn đá như cối xay lớn, và quăng xuống biển mà rằng: "Thành Babylon sẽ bị quăng xuống dữ tợn như vậy, và không còn tìm thấy nó nữa". Tiếng người gảy đàn và kẻ hát ca, tiếng kẻ thổi sáo thổi kèn sẽ không còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Những người thợ bá nghệ không còn tìm thấy nơi ngươi nữa; và tiếng cối xay cũng chẳng còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Ðèn sáng không còn chiếu sáng nơi ngươi nữa. Tiếng tân lang tân nương không còn nghe thấy nơi ngươi nữa, vì những tay buôn của ngươi là bọn kỳ hào trên hoàn vũ, và bởi phù phép ngươi, mọi dân tộc phải lầm lạc".

Sau đó, tôi nghe như có tiếng nhiều đoàn người trên trời tung hô rằng: "Alleluia! Ơn Cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa chúng ta: vì sự xét xử của Người thật chính trực và công minh, Người luận phạt gái điếm khét tiếng đã từng làm cho địa cầu ra hư nát bởi trò dâm dật của nó; Người đã báo oán máu các tôi tớ Người do tay nó đã đổ ra. Họ lại cất tiếng rằng: "Alleluia! Khói nó bốc lên cho tới muôn đời".

Và thiên thần bảo tôi: "Hãy viết rằng: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên".

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19, 9a).

Xướng: 1) Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ. - Ðáp. 

Alleluia: Lc 21, 28

Alleluia, alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 21, 20-28

"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.

"Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

Ðó là lời Chúa.

 



 

Suy niệm

Tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua về số phận bị bách hại của thành phần chứng nhân cuối thời, hôm nay, Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên, Bài Phúc Âm thuật lại thêm những lời cảnh báo kèm huấn dụ của Chúa Giêsu với các môn đệ về việc ứng phó với tình hình cuối thời, sau đó Người lại cho biết tiếp về hiện tượng cuối thời diễn tiến cho đến khi Người tái xuất hiện.

Về những lời huấn dụ kiêm cảnh báo của Chúa Giêsu với các môn đệ liên quan đến việc ứng phó tình hình cuối thời:

"Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép. Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt".

Về hiện tượng cuối thời diễn tiến cho đến khi Chúa Kitô xuất hiện:

"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

Để tiếp tục những cảm nhận và dẫn giải về mầu nhiệm cùng biến cố tái giáng của Chúa Kitô, như đã được trình bày và chia sẻ ở Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên - Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXXII Thường Niên Chu Kỳ B, và Chúa Nhật XXXIII Thường Niên: Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXXIII Thường Niên Chu Kỳ B - ở đây, hôm nay, chúng ta lưu ý thêm những chi tiết chưa có trong 2 bài Phúc Âm trên, thứ tự như sau:

Trước hết, "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây (có thể ám chỉ đạo binh gog và magog ở Khải Huyền 20:8-9), các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa (có thể ám chỉ cộng đồng dân Chúa trên thế giới, vì Giuđêa là miền nam nước Do Thái, miền đất chính yếu của Do Thái giáo, nơi có giáo đô và đền thờ Giêrusalem bị xâm chiếm và tàn phá), hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành". 

Nghĩa là thành phần chứng nhân cuối thời phải làm sao để có thể thoát nạn khi đến thời điểm xẩy ra là "ngày báo oán" và ở ngoài địa điểm xẩy ra là "thành Giêrusalem". Việc họ có thể vượt thoát hoạn nạn kinh hoàng hầu như bất khả đối với khả năng tự nhiên của con người này chứng tỏ thành phần chứng nhân cuối thời thật sự tỉnh thức, nhận ra dấu chỉ thời đại và ứng biến một cách khôn ngoan, không giống như thành phần nạn nhân bị mắc kẹt ở lại không thể thoát thân, gây ra bởi chính tình trạng mù quáng và nặng nề chậm chạp của họ, như được nói đến ngay dưới đây.

Nếu thành "Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm" vào thời mạt thế, ở một nghĩa nào đó, ám chỉ "thành đô yêu dấu, nơi dân Chúa cấm trại" (Khải Huyền 20:9) bị hai đạo quân Gog và Magog đông như cát biển tấn công và vây hãm (xem Khải Huyền 20:8-9), thì phải chăng hai đạo quân này đã được ám chỉ đến trong Bí Mật Fatima, trong đó, phần thứ hai của bí mật nói về cộng sản và phần thứ ba về Hồi giáo, cả hai đạo quân đông đảo hùng hậu này, một vô thần và một hữu thần, nhưng cả hai đều hiếu chiến, đều tấn công chung các tôn giáo khác, nhất là Kitô giáo, một tôn giáo bị 2 đạo quân này bách hại và sát hại nhất, như kẻ thù không đội trời chung.

Hai đạo quân Gog và Magog này cũng có thể ám chỉ về hai chủ nghĩa xuất phát từ chính thế giới Kitô giáo Tây phương, một thế giới, về nguồn gốc là dân ngoại, "cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt", hai chủ nghĩa có liên hệ mật thiết bất khả phân ly đó là chủ nghĩa duy nhân bản và tương đối hóa: chủ nghĩa duy nhân bản (worldly humanism), hoàn toàn ngược lại với chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo, coi trọng nhân phẩm của con người là hình ảnh Thiên Chúa, chứ không tôn sùng con người thay Thiên Chúa; và chủ nghĩa tương đối (relativism), theo chiều hướng dân chủ độc tôn, ý dân là ý trời, ý dân hơn ý trời, dẹp bỏ tất cả những nguyên tắc luân thường đạo lý bất di dịch của Thiên Chúa, và thay thế bằng những luật pháp phi nhân và vô luân của con người, tất cả đều nhân danh nhân quyền: ly dị đơn phương, phá thai, đồng tính hôn nhân, triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử, mang thai mướn v.v.

Nếu thành Giêrusalem "bị dân ngoại chà đạp" ám chỉ Giáo Hội Chúa Kitô bị con cái vốn là dân ngoại của mình chà đạp như người viết suy diễn và bài chia sẻ bằng viết, kèm theo bài chia sẻ bằng lời (mp.3) này được gửi đi từ 4 giờ chiều hôm trước, Thứ Tư 28/11/2018, một bài chia sẻ trong đó bao gồm cả chi tiết Kitô hữu chà đạp chính Giáo Hội của mình, thì không ngờ, sáng hôm sau, Thứ Năm 29/11/2018, tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Matta, trong Thánh lễ ban sáng, ĐTC Phanxicô cũng đã đụng đến chi tiết thành Giêrusalem bị dân ngoại chà đạp này bởi hiện tượng Kitô hữu bị dân ngoại hóa như sau:

"Việc dân ngoại hóa đời sống là những gì có thể xẩy ra nơi trường hợp sống đời Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta có sống như là Kitô hữu hay chăng? Dường như chúng ta có đó. Thế nhưng đời sống của chúng ta thực ra lại theo dân ngoại, khi xẩy ra những điều như thế này, đó là khi chúng ta bị Babylon và Giêrusalem sống như Babylon dụ dỗ. Cả hai đều tìm kiếm một thứ tổng hợp không thể nào bị ảnh hưởng. Và cả hai đều bị lên án. Anh chị em có phải là một người Kitô hữu hay chăng? Anh chị em là Kitô hữu phải không? Nước và dầu không thể nào hòa hợp. Chúng bao giờ cũng khác biệt nhau. Một xã hội mâu thuẫn trong khi tuyên xưng đức tin mà lại sống như dân ngoại sẽ bị kết liễu".

Sau nữa, "khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ xẩy ra những khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân". 

"Người đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ" đây có thể ám chỉ những ai lo toan bận bịu vướng mắc thế gian vào lúc bấy giờ, như thành phần buôn bán trong Đền Thờ Giêrusalem bị Chúa đánh đuổi trong bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên vừa rồi, sẽ chịu "khốn cực cả thể", ở chỗ họ "sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt".

"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt". Vào thời điểm ngày cùng tháng tận, "các dân ngoại" đây không phải là thành phần ngoài dân Do Thái thời Cựu Ước và là thành phần đã làm nên Giáo Hội Chúa Kitô thời Tân Ước, mà là tất cả những ai, dù là Kitô hữu, sống như không có đức tin, sống theo tinh thần và khuynh hướng của dân ngoại, theo trào lưu vô thần duy vật, hoàn toàn phản lại với Chúa Kitô và bất chấp lề luật Thiên Chúa, như tình trạng văn hóa Kitô giáo đang bị hủy hoại ở thế giới Tây phương Kitô giáo hiện nay... Nhưng tình trạng "Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp" này chỉ kéo dài trong một thời gian giới hạn được phép, tức "cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt". Nghĩa là cho tới khi Chúa Kitô xuất hiện như Người đã xuất hiện để thanh tẩy đền thờ Giêrusalem trong Bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần XXXIII vừa rồi.

Sau hết, "Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến". Đúng thế, "Khi những điều đó bắt đầu xảy đến" nghĩa  lúc "Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp", thì đó là dấu báo cho biết "giờ cứu rỗi các con đã gần đến", nghĩa là lúc Chúa Kitô sắp sửa xuất hiện để thanh tẩy Đền Thánh của Người, thì thành phần chứng nhân cuối thời chẳng những không được sợ hãi hay chán nản bỏ cuộc, trái lại, còn phải hân hoan vui mừng "đứng dậy và ngẩng đầu lên" nữa, hai cử chỉ tiêu biểu cho thái độ tỉnh thức và cầu nguyện, hay cho tâm trạng tin tưởng (cầm đèn sáng) và cậy trông (mang theo dầu), để sửa soạn tiến lên nghênh đón Người là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis (nhan đề của bức thông điệp đầu tay được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979).

"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt”, phải chăng là lúc, như được Sách Khải Huyền trong Bài Đọc 1 hôm nay tiết lộ cho biết rằng: “Một thiên thần dũng lực nhắc bổng hòn đá như cối xay lớn, và quăng xuống biển mà rằng: "Thành Babylon sẽ bị quăng xuống dữ tợn như vậy, và không còn tìm thấy nó nữa".

"Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến", phải chăng là lúc, như được Thánh Gioan diễn tả trong Sách Khải Huyền của ngài ở Bài Đọc 1 hôm nay: “Tôi nghe như có tiếng nhiều đoàn người trên trời tung hô rằng: ‘Alleluia! Ơn Cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa chúng ta: vì sự xét xử của Người thật chính trực và công minh, Người luận phạt gái điếm khét tiếng đã từng làm cho địa cầu ra hư nát bởi trò dâm dật của nó; Người đã báo oán máu các tôi tớ Người do tay nó đã đổ ra’”. 

Chính vì thành phần biết “đứng dậy và ngẩng đầu lên” mà họ mới có thể cùng với Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay xướng lên rằng: 

1) Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ.


Thứ Sáu

Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 20, 1-4. 11 - 21, 2

"Những người đã chết phải chịu phán xét theo các việc họ đã làm. Tôi đã thấy Giêrusalem mới từ trời xuống".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan đã thấy một thiên thần từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xiềng rất lớn. Người bắt lấy con rồng, là con rắn thuở xưa, tức là Ma Quỷ và là Satan, rồi trói nó lại một ngàn năm, ném nó xuống vực thẳm, khoá cửa lại, và đóng ấn trên vực thẳm, để nó không còn lừa dối các dân tộc nữa, cho đến khi nào chẵn một ngàn năm, sau đó thả nó ra ít lâu.

Tôi lại thấy có mấy ngai toà, và những vị ngồi trên toà đó cũng được quyền xét xử. Tôi thấy linh hồn của những kẻ đã bị trảm quyết vì đã làm chứng về Ðức Giêsu và vì lời Thiên Chúa, họ là những người không thờ lạy Mãnh thú và hình tượng của nó, không chịu để thích chữ trên trán và trên tay họ. Họ được sống và hiển trị với Ðức Kitô một ngàn năm.

Tôi lại thấy một toà lớn trắng tinh và vị đang ngự trên toà ấy, trời đất lẩn trốn khỏi tôn nhan Người, và không còn tìm thấy chỗ nào dành cho chúng nữa. Tôi cũng thấy những kẻ đã chết, lớn cũng như bé, đang đứng trước toà, các quyển sách được mở ra, và một quyển Sách nữa cũng đã mở sẵn, tức là Sách sự sống, những kẻ đã chết phải chịu phán xét theo như các điều ghi chép trong sách, tuỳ các việc họ đã làm. Biển cả liền để cho những người chết ở trong ấy được đi ra; tử thần và địa ngục cũng để cho những kẻ chết ở trong ấy được đi ra: mỗi người phải chịu phán xét theo các việc họ đã làm. Ðịa ngục và tử thần đều bị ném xuống hồ lửa: đó là cái chết thứ hai. Kẻ nào không thấy ghi tên mình trong Sách sự sống, đều bị ném xuống hồ lửa.

Tôi lại thấy trời mới đất mới. Vì trời cũ đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa.

Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a

Ðáp: Ðây là nhà tạm của Thiên Chúa ở với loài người (Kh 21, 3b).

Xướng: 1) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ, tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. - Ðáp.

2) Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con. - Ðáp.

3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người được Chúa con nâng đỡ. Họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái. - Ðáp. 

Alleluia: Kh 2, 10c

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 29-33

"Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên, Bài Phúc Âm tiếp theo Bài Phúc Âm hôm qua về đường lối ứng phó của thành phần chứng nhân cuối thời, vào thời điểm Giêrusalem ám chỉ cộng đồng dân Chúa bị tàn phá (như được báo trước trong Bài Phúc Âm Thứ Ba tuần này), cũng như về số phận bị bách hại của thành phần chứng nhân cuối thời (như được tiên báo trong Bài Phúc Âm Thứ Tư sau đó), trong khi bài Phúc Âm hôm nay lại cho thấy lóe sáng niềm hy vọng như thế này:

"Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

Bài Phúc Âm vắn gọn chỉ có 5 câu ngắn này quả thực đã cho chúng ta thấy ánh sáng cuối đường hầm. Ở chỗ, trong khi mọi sự trước đó toàn là những gì tai ương, hoạn nạn, chết chóc, tang thương thì cuối cùng lại thấy sự sống ló dạng và bừng nở, như hình ảnh "cây vả và mọi thứ cây cối... đâm chồi nảy lộc" để báo hiệu "mùa hè đã gần đến" ở Lời Chúa trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Đây là một hình ảnh tuyệt vời tràn đầy hy vọng, liên quan chẳng những đến sự sống mà còn là một sự sống viên mãn nữa (xem Gioan 10:10). "Sự sống" ở đây được biểu hiệu nơi hình ảnh "cây vả và mọi thứ cây cối... đâm chồi nảy lộc", và "sự sống viên mãn" đây biểu hiệu nơi "mùa hè đã gần đến". Vì qua các mùa của một năm, trong khi mùa đông lạnh lẽo biểu hiệu cho chết chóc, mùa thu ảm đạm biểu hiệu cho buồn tẻ yếm thế, và mùa xuân tươi mát biểu hiệu cho sự sống hồi sinh sau mùa đông chết chóc, thì mùa hè biểu hiệu cho sự sống phong phú, mạnh mẽ và tràn đầy, với ánh sáng cùng với nhiệt năng sinh động. 

Cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô thật sự, về thời điểm, đã xẩy ra từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều là thời điểm "mùa hè" chói chang ánh sáng và sức nóng nhất của một ngày, sau mùa xuân ban sáng và mùa đông ban đêm, và trước mùa thu ban chiều trong một ngày sống của con người trên thế gian này. 

Và chính vào thời điểm lịch sử của loài người ấy, ở nước Do Thái xưa, mà Vương Quốc của Thiên Chúa đã thực sự được thiết lập và trị đến nơi "Vua Dân Do Thái" (Luca 23:38) trên ngai tòa thập giá ở đồi Canvê xưa, một vương quốc đang bất diệt qua sự tồn tại của Giáo Hội Chúa Kitô dù liên lỉ bị bách hại và sát hại trên trần gian này, cho tới khi vương quốc này hoàn toàn được tỏ hiện nơi mầu nhiệm cánh chung khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang, được nghênh đón bởi vị hôn thê diễm lệ của Người là một tân Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống (xem Khải Huyền 21:2).

"Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến” nghĩa là gì, nếu không phải nghĩa là mọi sự sẽ được kết thúc một cách canh tân, tươi mới mà tự mình là tạo vật hữu hình và hữu hạn, chúng đã theo thời gian bị lão hóa và tàn tạ hay thậm chị bị băng hoại hay bị hủy hoại, nhất là về phưong diện luân lý.

Sự kiện thiên nhiên cây cối "đâm chồi nẩy lộc" báo hiệu "mùa hè đã gần đến", như Chúa Kitô đã sử dụng như dấu báo về sự kiện chắc chắn phải xẩy ra, đó là "nước Thiên Chúa đã gần đến". Hiện tượng này gợi lên trong người viết hình ảnh về một người nữ sinh con. Cây cối chỉ đâm chồi nẩy lộc sau khi đã kết nụ, để rồi cũng chỉ từ nụ đó một bông hoa mới xuất hiện. Cũng thế, cái bụng mang thai của người nữ chẳng khác nào hình ảnh cái nụ, và cái nụ thai đó sẽ nở thành bông hoa là một thai nhi khi tới ngày giờ của bé. Phải chăng vì thế mà Việt Nam mới có thành ngữ tuyệt vời về việc sinh nở của người phụ nữ, một việc tự nó chẳng những kín đáo mà còn thật sự là "dơ dáy" nữa, nhưng lại là một việc được óc tưởng tượng của Việt Nam ta ví von diễn tả một cách bóng bảy và mỹ miều là "nở nhụy khai hoa"?!

Tuy nhiên, thành ngữ "nở nhụy khai hoa" về việc sinh hạ của người phụ nữ này dù có diễn tả hay ho mấy chăng nữa cũng vẫn không thể chối bỏ được một sự thật phũ phàng, đó là cái đớn đau quằn quại của những người mẹ đang sinh con hay đã sinh con. Đó là định luật tự nhiên, và là một trong những hậu quả do nguyên tội gây ra (xem Khởi Nguyên 3:16). Thế nhưng, chỉ sau cơn đau chất ngất ấy mới xuất hiện một sự sống mới thế nào, thì "tất cả mọi tạo vật quằn quại rên xiết" (Roma 8:22), trong đó bao gồm cả chính con người là loài đã được dựng nên theo hình ảnh thần linh để lan tràn khắp mặt đất và làm chủ nó (xem Khởi Nguyên 1:26-28), song đã tự làm hư hoại bản thân mình cùng cả trái đất, nên cần phải trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy từ tạo thiên lập địa (xem Marco 13:19), nhờ đó tất cả mới được canh tân đổi mới (xem Khải Huyền 21:1-5), bởi Vị Thiên Chúa hóa công đã tự hóa thân Nhập Thể Làm Người và Vượt Qua, cuối cùng sẽ tái giáng quang lâm vào ngày cùng tháng tận của vũ trụ và lịch sử loài người (xem Mathêu 25:31-33)

Theo thị kiến cánh chung của Thánh Gioan được ngài thuật lại trong Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay thì tiến trình canh tân sẽ xẩy ra, trước hết là thanh tẩy, sau đó là phục hồi, và sau cùng mới canh tân, như sau:

Thanh tẩy: ”Tôi là Gioan đã thấy một thiên thần từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xiềng rất lớn. Người bắt lấy con rồng, là con rắn thuở xưa, tức là Ma Quỷ và là Satan, rồi trói nó lại một ngàn năm, ném nó xuống vực thẳm, khoá cửa lại, và đóng ấn trên vực thẳm, để nó không còn lừa dối các dân tộc nữa, cho đến khi nào chẵn một ngàn năm, sau đó thả nó ra ít lâu”.

Phục hồi: “Tôi lại thấy có mấy ngai toà, và những vị ngồi trên toà đó cũng được quyền xét xử. Tôi thấy linh hồn của những kẻ đã bị trảm quyết vì đã làm chứng về Ðức Giêsu và vì lời Thiên Chúa, họ là những người không thờ lạy Mãnh thú và hình tượng của nó, không chịu để thích chữ trên trán và trên tay họ. Họ được sống và hiển trị với Ðức Kitô một ngàn năm”.

Canh tân: “Tôi lại thấy trời mới đất mới. Vì trời cũ đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình”.

Nếu dự án tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa chỉ là làm sao cho con người được hiệp thông thần linh đời đời với mình, nghĩa là Ngài ở giữa họ và với họ như Vị “Thiên Chúa ở giữsa chúng sinh – Emmanuel”, thì còn gì bằng những tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay nơi linh hồn khao khát thần linh: 

1) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ, tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.

2) Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.

3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người được Chúa con nâng đỡ. Họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái.

 

 

Thứ Bảy

Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 22, 1-7

"Sẽ không còn đêm tối nữa, Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Thiên thần Chúa chỉ cho tôi là Gioan, thấy sông nước hằng sống, sáng ngời như thuỷ tinh, từ toà Thiên Chúa và Con Chiên chảy ra. Ở giữa công trường thành phố và hai bên sông, có cây sự sống sinh hoa kết quả mười hai mùa, mỗi tháng một mùa, và lá cây thì dùng cứu chữa các dân ngoại lành đã. Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Toà Thiên Chúa và Con Chiên sẽ dựng lên trong thành ấy, các tôi tớ Người sẽ phụng thờ Người. Họ sẽ chiêm ngắm tôn nhan Người, và khắc tên Người trên trán họ. Cũng không còn đêm tối nữa: họ không cần đến ánh sáng đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời nữa: vì Chúa là Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ, và họ sẽ thống trị muôn đời.

Thiên thần lại bảo tôi rằng: "Những lời này rất trung trực và chân thật. Chúa là Thiên Chúa thần trí các tiên tri, đã sai thiên thần Người đến chỉ cho các tôi tớ Người biết những sự sắp phải xảy đến. Và đây tôi vội vã tiến đến. Phúc cho kẻ vâng giữ các lời ghi trong sách này".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 3-5. 6-7

Ðáp: Ma-ra-na-tha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! (1 Cr 16, 22b và Kh 21, 20b)

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của Ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.

2) Vì Chúa là Thiên Chúa cao sang, là Ðại Ðế siêu việt chư chúa tể. Ở nơi tay Người những vực sâu của địa cầu, là của Người những chỏm núi cao. Bể khơi là của Người: vì chính Người tạo tác, và đất khô do tay Người đúc nắn ra. - Ðáp.

3) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lại, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp. 

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 34-36

"Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Ðó là lời Chúa.




Suy niệm

sự sống thao thức  

 

Thứ Bảy cuối Tuần XXXIV Thường Niên cũng là ngày cuối cùng của phụng niên nói chung và của chu kỳ phụng niên năm B nói riêng, Bài Phúc Âm hôm nay chỉ có 3 trong 5 câu cuối cùng ở đoạn 21 Phúc Âm Thánh Luca. 

Đúng thế, 2 câu cuối cùng 37 và 38 của đoạn 21 được Thánh ký Luca cho biết về lịch trình cùng nơi chốn sinh hoạt hay giảng dạy của Chúa Giêsu vào những giây phút cuối cùng của Người ở Giêrusalem trước cuộc khổ nạn và tử giá của Người: "Ban ngày Người giảng dạy trong đền thờ, và ban đêm Người rời thành này mà về Núi Cây Dầu. Khi ngày tới thì tất cả mọi người đều đến nghe Người trong đền thờ".

Tuy nhiên, cho dù "Khi ngày tới thì tất cả mọi người đều đến nghe Người trong đền thờ", mà loạt bài giáo huấn cuối cùng ở Giêrusalem của Người, từ bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước cho đến nay, Chúa Giêsu chỉ nói với các môn đệ của Người mà thôi, chứ Người không nói với các vị một cách riêng tư như Người sẽ làm thế khi cử hành Lễ Vượt Qua với các vị trong Bữa Tiệc Ly ở căn thượng lầu riêng biệt giữa Người và các vị, và kể cả trong bài Phúc Âm hôm nay, Người vẫn nói với các vị một cách công khai trước mặt quần chúng và nơi đền thờ Giêrusalem. 

Thật vậy, trước ngay 2 câu cuối cùng ở đoạn 24 này, Thánh ký Luca đã ghi lại lời Chúa Giêsu huấn dụ sau hết của Người trong loạt giáo huấn cuối cùng của Người ở Giêrusalem, cho riêng các môn đệ của Người cũng như cho chung dân chúng đang qui tụ lại với các môn đệ của Người để nghe Người bấy giờ. Và lời huấn dụ cuối cùng mà Người muốn nhắn nhủ cho cả hai thành phần nghe Người bấy giờ được thánh ký Luca ghi lại trong bài Phúc Âm hôm nay đó là:

"Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Trong lời huấn dụ cuối cùng ở Giêrusalem này, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ và toàn thể đám đông dân chúng đang lắng nghe Người bấy giờ 2 điều, một có tính cách tránh lánh tiêu cực: "hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất", và một có tính cách áp dụng thực hành tích cực: "hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Về lời khuyên tránh lánh những gì là tiêu cực "hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất" là lời khuyên được Người lập lại theo lời cảnh báo của Người trước kia liên quan đến việc ứng phó của thành phần chứng nhân cuối thời khi thấy thành Giêrusalem bị công hãm thì làm sao phải thoát thân chứ đừng bị kẹt lại mà khốn, như lời Người trong Bài Phúc Âm Thứ Năm tuần này: 

"Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân". 

Về lời khuyên áp dụng thực hành tích cực "hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!" cũng được Người lập lại những gì Người đã trấn an và phấn khích thành phần chứng nhân cuối thời trong cùng Bài Phúc Âm Thứ Năm tuần này mới hôm kia: "Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

Vẫn biết vương quốc của ma quỉ, của thần dữ đã bị phá hủy bởi Chúa Kitô khi Người đến trần gian lần thứ nhất, đặc biệt là bằng cuộc Vượt Qua của Người (xem 1Gioan 3:8). Tuy nhiên, khi còn sống trên thế gian này, trong không gian và thời gian, con người dù đã được cứu độ khi lãnh nhận Phép Rửa tái sinh, vẫn sống với một bản tính bị nhiễm lây nguyên tội, nên vẫn phải chịu hậu quả của nguyên tội là khổ đau và chết đi, và vì thế vẫn sống với tất cả các mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, và do đó vẫn có thể bị hư đi, nếu không tự "giữ mình" và "luôn tỉnh thức và cầu nguyện".

Kinh nghiệm tu đức cho thấy rõ đúng là như vậy, và chính Phúc Âm cũng đã ghi lại trường hợp điển hình nhất về ba vị tông đồ thân tín nhất của Chúa Kitô ở trong Vườn Cây Dầu vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh với Chúa Giêsu, cả 3 vị đã không thể nào mở mắt thức với Người được lấy 1 giờ đồng hồ trong lúc Người "buồn thảm đến chết đi được" (xem Mathêu 26:36-46), bởi thế mà ba vị tông đồ thân tín này đã cùng với những vị còn lại "tất cả đã bỏ Người mà thoát thân" (Marco 14:50), ngay chính lúc các vị cần phải tỏ ra hiên ngang cương quyết sống chết với Thày của mình!

Bài Phúc Âm cuối cùng cho phụng niên bao giờ cũng là lời Chúa Kitô cảnh giác các môn đệ của Người sau khi Người cho các vị biết về tình hình thời tận cùng của mầu nhiệm cánh chung: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Thời tận cùng của mầu nhiệm cánh chung bao giờ cũng có tính cách tươi mới, hy vọng và tràn đầy sự sống, xẩy ra sau những băng hoại nơi tạo vật nói chung và con người nói riêng, tình trạng càng thuận tiện cho Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất tỏ mình ra tất cả Lòng Thương Xót Chúa của Ngài, một lòng thương xót chẳng những tái sinh mà còn cả sự sống viên mãn nữa, như Sách Khải Huyền trong Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy:

Thiên thần Chúa chỉ cho tôi là Gioan, thấy sông nước hằng sống, sáng ngời như thuỷ tinh, từ toà Thiên Chúa và Con Chiên chảy ra. Ở giữa công trường thành phố và hai bên sông, có cây sự sống sinh hoa kết quả mười hai mùa, mỗi tháng một mùa, và lá cây thì dùng cứu chữa các dân ngoại lành đã. Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Toà Thiên Chúa và Con Chiên sẽ dựng lên trong thành ấy, các tôi tớ Người sẽ phụng thờ Người. Họ sẽ chiêm ngắm tôn nhan Người, và khắc tên Người trên trán họ. Cũng không còn đêm tối nữa: họ không cần đến ánh sáng đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời nữa: vì Chúa là Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ, và họ sẽ thống trị muôn đời”.

Bài Đáp Ca hôm nay là những lời tán dương chúc tụng vị Thiên Chúa tối cao, nhưng đồng thời Ngài luôn tỏ mình ra là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người”: 

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của Ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

2) Vì Chúa là Thiên Chúa cao sang, là Ðại Ðế siêu việt chư chúa tể. Ở nơi tay Người những vực sâu của địa cầu, là của Người những chỏm núi cao. Bể khơi là của Người: vì chính Người tạo tác, và đất khô do tay Người đúc nắn ra.

3) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lại, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.