GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - CHỦ TẾ LỄ VỌNG PHỤC SINH ĐÊM THỨ BẢY 26/3/2016
Bài Giảng trong Lễ Vọng Phục Sinh
"Tảng đá đầu tiên cần phải đẩy sang một bên đêm hôm nay đó là tình trạng bị hụt hẫng hy vọng là những gì giam
nhốt bản thân chúng ta. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy này, khỏi trở thành những Kitô hữu vô vọng,
những người sống như thể Chúa không phục sinh, như thể các vấn đề của chúng ta làm chủ đời sống
chúng ta"
"Phêrô đã chạy đến mồ" (Luca 24:12). Ý nghĩ nào đã vụt qua trong đầu của tông đồ Phêrô và đã tác động tâm can của ngài khi ngài chạy đến mồ? Phúc Âm cho chúng ta biết rằng mười một vị, bao gồm cả tông đồ Phêrô, không tin chứng từ của các nguời phụ nữ, không tin việc loan báo Phục Sinh của họ. Hoàn toàn trái lại, "những lời lẽ ấy đối với các vị như là một thứ chuyện bịa đặt" (câu 11). Bởi vậy mà tông đồ Phêrô đã cảm thấy hoang mang, cùng với nhiều thứ lo âu khác, như nỗi buồn trước cái chết của vị Thày yêu quí và tâm trạng vỡ mộng bởi đã chối Người ba lần trong cuộc Khổ Nạn của Người.
Tuy nhiên, có một cái gì đó đã báo hiệu cho thấy xẩy ra thay đổi nơi ngài, ở chỗ, sau khi nghe những người phụ nữ và không chịu tin họ thì "Phêrô đã chỗi dậy" (câu 12). Ngài không cứ ngồi nguyên đó theo ý nghĩ của mình; ngài đã không ở nhà như những vị khác. Ngài đã chẳng những không chịu nổi bầu khí u buồn ảm đạm của những ngày ấy, mà còn cả những hoang mang đang bao phủ ngài. Thế nên, ngài đã chỗi dậy, như ngài vẫn thế, và chạy ra mồ rồi trở về với một cảm giác "ngỡ ngàng" (câu 12). Điều ấy đã đánh dấu khởi điểm cho tình trạng phục sinh của tông đồ Phêrô, cuộc phục sinh trong tâm can của ngài. Không chịu đầu hàng trước nỗi buồn thảm hay bóng tối, ngài đã giành chỗ cho niềm hy vọng: ngài đã để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu vào tâm can của ngài chứ không dập tắt nó.
Cả những người phụ nữ nữa, những người sáng sớm đã ra mộ để thực hiện một việc xót thương, khi mang dầu thơm theo, đã có cùng một cảm nghiệm như thế. Họ đã "run sợ và cúi gầm mặt xuống", tuy nhiên họ lại bị cảm kích sâu xa trước lời của vị thiên thần: "Tại sao các bà lại tìm kiếm kẻ sống nơi người chết?" (câu 5).
Như tông đồ Phêrô và các người phụ nữ này, chúng ta không thể nào khám phá thấy sự sống ở chỗ buồn bã, mất hy vọng. Chúng ta đừng cứ giam nhốt bản thân mình, nhưng chúng ta hãy mở toang các nấm mộ kín của chúng ta cho Chúa để Người có thể tiến vào mà ban sự sống cho chúng ta. Chúng ta hãy dâng cho Người những tảng đá hiềm thù của chúng ta và những viên đá cuội quá khứ của chúng ta, những gánh nặng nề bởi nỗi hèn yếu và vấp phạm ấy của chúng ta. Chúa Kitô muốn đến và nắm lấy tay chúng ta đưa chúng ta ra khỏi cảnh sầu khổ buồn thương. Tảng đá đầu tiên cần phải đẩy sang một bên đêm hôm nay đó là tình trạng bị hụt hẫng hy vọng là những gì giam nhốt bản thân chúng ta. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy này, khỏi trở thành những Kitô hữu vô vọng, những người sống như thể Chúa không phục sinh, như thể các vấn đề của chúng ta làm chủ đời sống chúng ta.
Chúng ta thấy và sẽ tiếp tục thấy các vấn đề này ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng bao giờ cũng có đó. Thế nhưng, đêm hôm nay cần phải chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Phục Sinh trên các vấn đề của chúng ta, và ở một nghĩa nào đó, cần phải "phúc âm hóa" chúng. Chúng ta đừng để cho bóng tối và lo sợ làm cho chúng ta phân tâm và chi phối chúng ta; chúng ta cần phải vang tiếng cho các vấn đề ấy nghe thấy rằng: Chúa "không còn ở đây nữa mà đã sống lại!" (câu 6). Người là niềm vui trọng đại nhất của chúng ta; Người bao giờ cũng ở bên chúng ta và sẽ không bao giờ bỏ mặc chúng ta.
Đó là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta, một niềm hy vọng không phải chỉ thuần lạc quan, cũng không phải là một thái độ tâm lý hoặc là một ước muốn can trường. Niềm hy vọng Kitô giáo là một tặng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta nếu chúng ta ra khỏi bản thân mình và mở lòng ra cho Người. Niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng vì Thánh Linh đã được tuôn đổ vào lòng của chúng ta (xem Roma 5:5). Đấng An Ủi này không làm cho hết mọi sự như thể lôi cuốn. Ngài không loại trừ sự dữ bằng cặp đũa thần. Thế nhưng Ngài tuôn đổ vào chúng ta cái sinh động của sự sống, cái sinh động vẫn không thiếu vắng vấn đề trục trặc, mà có được niềm tin tưởng chúng ta được yêu thương và luôn được tha thứ bởi Chúa Kitô là Đấng đã chiến thắng tội lỗi, sự chết và sợ hãi cho chúng ta. Hôm nay là ngày cử hành niềm hy vọng của chúng ta, cử hành sự thật này, đó là không một sự gì và không một ai sẽ có thể phân ly chúng ta khỏi tình yêu của Người (xem Roma 8:39).
Chúa đang sống và muốn được tìm thấy nơi kẻ sống. Sau khi đã thấy Người, từng người được Người sai đi loan báo sứ điệp Phục Sinh, để làm bừng lên và phục sinh niềm hy vọng nơi các cõi lòng đầy sầu buồn, nơi những ai đang cố gắng để tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc đời. Tuy nhiên, chúng ta không được loan truyền bản thân mình. Trái lại, như những người đầy tớ hân hoan của niềm hy vọng, chúng ta cần phải loan báo Đấng Phục Sinh bằng đời sống của chúng ta cũng như bằng tình yêu của chúng ta; bằng không, chúng ta sẽ chỉ là một thứ tổ chức quốc tế đầy những phần tử và các qui luật tốt đẹp, nhưng thiếu khả năng cống hiến niềm hy vọng mà thế giới trông mong.
Chúng ta làm sao có thể củng cố niềm hy vọng của chúng ta đây? Phụng vụ của đêm nay cống hiến một số hướng dẫn. Phụng vụ dạy chúng ta hãy nhớ đến các công việc của Thiên Chúa. Các bài đọc diễn tả việc Thiên Chúa trung thành, diễn tả lịch sử của tình ngài đối với chúng ta. Lời hằng sống của Thiên Chúa có thể bao gồm cả chúng ta trong tình sử này, nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta và canh tân đổi mới niềm vui của chúng ta. Phúc Âm cũng nhắc nhở chúng ta về điều này, đó là để khơi lên niềm hy vọng trong tâm can của những người nữ, vị thiên thần đã nói với họ rằng: "Các bà hãy nhớ những gì Người đã nói với các bà" (câu 6). Chúng ta đừng quên những lời Người nói và những việc Người làm, bằng không chúng ta sẽ mất hy vọng. Trái lại, chúng ta hãy nhớ đến Chúa, nhớ đến lòng thiện hảo của Người và nhớ đến những lời ban sự sống của Người gây cảm kích nơi chúng ta. Chúng ta hãy nhớ đến chúng và hãy làm cho chúng trở thành của chính chúng ta, để chúng ta trở thành những canh chừng viên ban mai, thành phần biết cách giúp cho những người khác thấy được những dấu hiệu của Chúa Phục Sinh.
Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã sống lại! Chúng ta hãy mở lòng của chúng ta cho niềm hy vọng và tiến lên. Chớ gì ký ức về các việc Người làm và các lời Người nói trở thành vị tinh tú rạng ngời hướng dẫn đưa những bước chân của chúng ta trên những con đường đức tin tiến về một Lễ Phục Sinh sẽ không bao giờ cùng.
http://www.news.va/en/news/pope-at-easter-vigil-urges-us-to-let-risen-christ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý
nhấn mạnh
http://www.romereports.com/2016/03/26/live-the-pope-officiates-the-easter-vigil-from-saint-peter-s-basilica (Đoạn Video Clip toàn bộ Lễ Vọng Phục Sinh dài 2 tiếng 50 phút 56 giây)
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - SỨ ĐIỆP PHỤC SINH
CHO THÀNH RÔMA VÀ CHO THẾ GIỚI TRƯA CHÚA NHẬT 27/3/2016
"Trước những vực thẳm về tinh thần và luân lý của nhân loại, trước những hố sâu trong các tâm can
và khơi dậy lòng hận thù cùng chết chóc,
chỉ duy có lòng thương xót vô cùng mới mang lại ơn cứu độ cho chúng ta mà thôi.
Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy hố sâu ấy bằng tình yêu thương của Ngài,
ngăn ngừa chúng ta khỏi rơi xuống đó và
giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với nhau đến miền đất tự do và sự sống".
"Ôi xin tạ ơn Chúa, vì Ngài thiện hảo, vì lòng thương xót của Ngài bền vững muôn đời" (Thánh Vịnh 135:1)
Chúc Mừng Phục Sinh Anh Chị Em thân mến!
Chúa Giêsu Kitô, hiện thân của lòng thương xót Chúa, vì yêu thương chúng ta đã chết trên cây thập giá, và vì yêu Người đã sống lại từ cõi chết. Đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta loan báo rằng: Đức Giêsu là Chúa!
Việc phục sinh của Người ứng nghiệm lời tiên tri của Thánh Vịnh: lòng thương xót Chúa bền vững muôn đời. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng Người, và chúng ta tạ ơn Người vì chúng ta mà Người đã xuống tới tận đáy vực thẳm.
Trước những vực thẳm về tinh thần và luân lý của nhân loại, trước những hố sâu trong các tâm can và khơi dậy lòng hận thù cùng chết chóc, chỉ duy có lòng thương xót vô cùng mới mang lại ơn cứu độ cho chúng ta mà thôi. Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy hố sâu ấy bằng tình yêu thương của Ngài, ngăn ngừa chúng ta khỏi rơi xuống đó và giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với nhau đến miền đất tự do và sự sống.
Sứ điệp Phục Sinh vinh hiển mà Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng đinh nhưng không còn ở đây nữa mà đã sống lại (xem Matheu 28:5-6), cống hiến cho chúng ta cái bảo đảm an ủi là vực thẳm của sự chết đã được lấp lại, và cùng với nó là tất cả khóc thương, than van và đau đớn (xem Khải Huyền 21:4). Chúa Kitô, Đấng đã bị các môn đệ của mình bỏ rơi, đã phải gánh chịu một tuyên án bất công và đã chịu nhục nhã vì cái chết đê hèn, giờ đây làm cho chúng ta được thông phần sự sống bất tử của Người, và giúp chúng ta có thể nhìn, bằng cặp mắt yêu thương và cảm thương của Người, những ai đói khát, khách lạ và tù ngục, những người sống bên lề xã hội và thành phần bị ruồng bỏ, những nạn nhân của áp bức và bạo lực. Thế giới của chúng ta đầy những con người đang đau khổ ở thể xác và trong tinh thần, thậm chí như tin tức hằng ngày cho thấy đầy những câu chuyện về những tội ác dã man xẩy ra trong gia đình cũng như về các cuộc đụng độ võ trang có tầm vóc rộng lớn gây đau khổ khôn tả cho toàn thể dân chúng.
Chúa Kitô phục sinh chỉ cho thấy những con đường hy vọng cho một nước Syria thân yêu, một xứ sở bị xâu xé bởi một cuộc xung đột lâu dài, kéo theo tình trạng hủy hoại, chết chóc, khinh thường luật nhân đạo và vi phạm hiệp ước dân sự. Chúng ta ký thác cho quyền năng của Chúa phục sinh những cuộc thương thảo đang diễn ra, để thiện chí và việc hợp tác của tất cả mọi người mang lại hoa trái trong bình an và bắt đầu xây dựng một xã hội huynh đệ tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của từng công dân. Chớ gì sứ điệp sự sống, được loan báo bởi vị Thiên Thần ở bên cạnh tảng đá được lăn ra khỏi mồ, thắng vượt những con tim cứng cỏi và cổ võ một cuộc gặp gỡ dân chúng cùng văn hóa tốt đẹp ở các vùng đất khác ở Địa Trung Hải và Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq, Yemen và Libya. Chớ gì hình ảnh của con người mới, chiếu tỏa trên dung nhan của Chúa Kitô, ưu ái với hiệp ước giữa người Do Thái và Palestine ở Thánh Địa, cũng như với sự nhẫn nại, cởi mở và dấn thân hằng ngày trong việc đặt nền móng cho một thứ hòa bình chính đáng và bền vững nhờ các cuộc thương thảo trực tiếp và chân thành. Xin Vị Chúa của sự sống cũng hỗ trợ cho những nỗ lực đạt tới một giải pháp cuối cùng cho chiến tranh ở Ukraine, soi động và duy trì những khởi động trợ giúp nhân đạo, bao gồm cả việc giải phóng những ai bị giam cầm.
Chúa Giêsu, bình an của chúng ta (Epheso 2:14), bằng việc phục sinh của mình, Chúa đã chiến thắng sự dữ và tội lỗi. Xin Người lôi kéo chúng ta lại gần hơn nữa vào dịp Lễ Phục Sinh này với các nạn nhân của khủng bố, của những hình thức bạo lực mù quáng và dã man tàn bạo đang tiếp tục đổ máu ở nhiều phần đất khác nhau trên thế giới, như nơi các cuộc tấn công mới đây ở Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Chad, Cameroon và Côte d'Ivoire. Chớ gì Người gieo tưới những hạt giống hy vọng và những triển vọng hòa bình ở Phi Châu; tôi đặc biệt nghĩ đến Burundi, Mazambique, Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Nam Sudan, bị đánh dấu bằng những căng thẳng về chính trị và xã hội.
Bằng các thứ khí giới của yêu thương, Thiên Chúa đã đánh bại lòng vị kỷ và chết chóc. Đức Giêsu Con của Ngài là cửa ngỏ của lòng thương xót rộng mở cho tất cả mọi người. Chớ gì sứ điệp Phục Sinh của Người được cảm thấy mãnh liệt hơn bao giờ hết bởi nhân dân thân yêu Venezuela đang trải qua những trường hợp khó khăn, cũng như bởi những ai có trách nhiệm cho tương lai của xứ sở này, để mọi người đều hoạt động cho công ích, tìm kiếm những khoảng trống để đối thoại và hợp tác với tất cả mọi người. Chớ gì ở khắp mọi nơi nỗ lực vun trồng nền văn hóa hội ngộ, công lý và tương kính là những gì duy nhất có thể bảo đảm nỗi phúc hạnh an sinh về tinh thần cũng như vật chất cho tất cả mọi người.
Sứ điệp Phục Sinh của Chúa Kitô sống lại, một sứ điệp của sự sống cho toàn thể nhân loại, vang vọng qua các thế hệ và kêu gọi chúng ta đừng quên những con người nam nữ đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, một đám đông vô số kể thành phần di dân và tỵ nạn - bao gồm nhiều trẻ em - tháo chạy cho khỏi chiến tranh, đói khổ, nghèo nàn và bất công xã hội. Những người anh chị em này của chúng ta trên đường vượt thoát tất cả đều rất thường hay gặp phải chết chóc, hoặc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bị ruồng bỏ bởi những ai có thể giang tay đón nhận và trợ giúp họ. Chớ gì cuộc Thượng Nghị về Nhân Đạo Thế Giới tới đây tập trung vào con người cùng phẩm giá của họ, để đạt được những chính sách có thể trợ giúp và bảo vệ các nạn nhân của những cuộc xung đột và các trường hợp khẩn trương khác, đặc biệt những ai dễ bị tổn thương nhất và tất cả những ai bị bách hại vì lý do chủng tộc và tôn giáo.
Trong ngày vinh hiển này, "trái đất hãy hân hoan, rạng ngời chiếu tỏa" (xem Easter Proclamation), cho dù nó rất thường bị đối xử tệ bạc và bị khai thác một cách tham lam, gây ra bởi một thứ biến đổi mức quân bình về thiên nhiên. Tôi đặc biệt nghĩ đến những miền bị ảnh hưởng bởi khí hậu đổi thay, thường xuyên gây ra hạn hán hay ngập lụt dữ dội, một tình trạng vì thế dẫn đến các cuộc khủng hoảng về lương thực ở những phần đất khác nhau trên thế giới.
Cùng với những người anh chị em của chúng ta bị bách hại vì đức tin của họ cũng như vì lòng trung thành của họ với danh Chúa Kitô, và trước sự dữ dường như lộng hành trong đời sống của rất nhiều con người, chúng ta hãy nghe lại một lần nữa những lời an ủi của Chúa Kitô: "Các con hãy can đảm; Thày đã chiến thắng thế gian!" (Gioan 16:33). Hôm nay là ngày rạng ngời của cuộc chiến thắng này, vì Chúa Kitô đã chà đạp chết chóc và việc hủy hoại dưới chân của Người. Bằng việc phục sinh của mình, Người đã mang lại sự sống và bất tử (xem 2Timotheu 1:10). "Người đã làm cho chúng ta từ tình trạng làm tôi đến tự do, từ buồn thảm đến hân hoan, từ thương khóc đến hoan hỉ, từ tối tăm đến ánh sáng, từ nô lệ đến cứu độ. Bởi thế, chúng ta hãy hô vang lên trước nhan Người rằng Alleluia!" (Melito of Sardis, Easter Homily).
Với những ai trong xã hội của chúng ta đã mất hết hy vọng và niềm vui trong cuộc sống, với thành phần lão niên đang chống chọi một mình và cảm thấy sức lực hao mòn, với giới trẻ dường như chẳng có tương lai, với tất cả mọi người, một lần nữa tôi muốn lập lại những lời của Đấng Phục Sinh: "Này đây Ta đang canh tân lại tất cả mọi sự... Ta sẽ ban nước cho kẻ khát như một tặng ân từ suối nước sự sống" (Khải Huyền 21:5-6). Chớ gì sứ điệp an ủi này của Chúa Giêsu giúp cho từng người chúng ta bắt đầu lại một cách dũng cảm hơn để làm bừng lên những tính chất hòa giải với Thiên Chúa cũng như với tất cả mọi anh chị em của chúng ta.
http://www.news.va/en/news/pope-francis-easter-urbi-et-orbi-a-message-of-hope
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý
nhấn mạnh
(Đoạn video clip dài 1 phút 58 giây tường trình về sự kiện sứ điệp Phục Sinh này)
Suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa Tuần Bát Nhật Phục Sinh