GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 9-11-2016
GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 33
"Tôi đã từng thấy biết bao nhiêu là nước mắt nhỏ xuống cằm của các tù nhân,
những con người có lẽ đã chưa bao giờ biết khóc trong cuộc đời của họ;
và điều ấy chỉ xẩy ra bởi họ cảm thấy họ được tiếp nhận và yêu thương mà thôi".
Xin chào anh chị em thân mến!
Đời sống của Chúa Giêsu, nhất là trong 3 năm thực hiện thừa tác vụ công khai của Người, là một cuộc gặp gỡ không ngừng với những con người riêng biệt. Trong số đó đặc biệt phải kể đến thành phần bệnh nhân. Biết bao nhiêu là trang Phúc Âm nói về những cuộc gặp gỡ ấy! Người bất toại, kẻ mù lòa, người phong hủi, kẻ quỉ ám, người động kinh cùng vô vàn bệnh hoạn tật nguyền đủ mọi thứ ... Chúa Giêsu đích thân ở bên từng người trong họ, và Người đã chữa lành họ bằng sự hiện diện của Người cũng như bằng quyền năng chữa lành của Người. Bởi thế, trong số các công việc làm tỏ lòng thương xót mới không thể nào thiếu được việc thăm viếng và trợ giúp người đau yếu bệnh hoạn.
Theo đó, chúng ta cũng có thể bao gồm cả việc gần gũi với những con người đang bị tù ngục. Thật vậy, bệnh nhân và tù nhân là những người sống thân phận bị hạn hẹp tự do của họ. Thật sự là khi tù nhân bị thiếu tự do chúng ta mới nhận ra nó quí báu biết bao! Chúa Giêsu đã cống hiến cho chúng ta cái khả năng để được tự do, bất chấp những giới hạn của bệnh nạn cũng như của các thứ hạn chế. Người cống hiến cho chúng ta một thứ tự do xuất phát từ việc chúng ta gặp gỡ Người cũng như từ cái cảm quan mới được cuộc hội ngộ này dẫn tới thân phận riêng tư của chúng ta.
Qua những việc làm tỏ lòng thương xót ấy, Chúa mời gọi chúng ta thực hiện một cử chỉ thật nhân bản là chia sẻ. Chúng ta hãy nhớ lấy chữ chia sẻ này. Bệnh nhân thường cảm thấy cô đơn. Chúng ta không thể nào phủ nhận được sự kiện, nhất là trong thời buổi của chúng ta đây, đó là chính khi bị bệnh nạn, con người ta càng cảm thấy sâu xa hơn bao giờ hết cái lẻ loi cô quạnh trải dài một phần lớn trong cuộc đời. Một chuyến thăm viếng có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy bớt lẻ loi đơn độc, và một chút hỗ trợ là một liều thuốc tốt nhất! Một nụ cười, một chăm sóc, một bắt tay là những cử chỉ đơn giản nhưng lại rất quan trọng đối với những ai cảm thấy bị bỏ rơi cô độc. Biết bao người đích thân đến thăm viếng bệnh nhân trong các nhà thương cũng như ở tại nhà của họ! Đó là một việc làm vô giá của thành phần tình nguyện viên. Khi được thực hiện vì danh Chúa thì nó cũng trở thành một biểu hiện hùng hồn và tác hiệu của lòng thương xót. Các bệnh viện là "những vương cung thánh đường của đớn đau - cathedrals of pain", nơi dầu sao cũng hiển nhiên mang lại sức mạnh của đức bác ái là những gì nâng đỡ và xót xa thương cảm.
Cũng thế, tôi nghĩ đến tất cả những ai bị nhốt ở trong các nhà tù. Chúa Giêsu cũng không quên họ. Khi đặt việc thăm viếng tù nhân trong số các việc làm tỏ lòng thương xót, Người muốn mời gọi chúng ta, trước hết, đừng trở thành quan án đối với bất cứ ai. Tất nhiên, ai bị tù là vì họ sai lỗi, vì đã không tôn trọng luật pháp và việc chung sống dân sự. Bởi thế mà họ mới bị trừng phạt, bằng tình trạng bị tù ngục. Thế nhưng, cho dù tù nhân có làm gì chăng nữa, dù sao họ bao giờ cũng được Thiên Chúa yêu thương. Ai có thể vào tận thâm cung lương tâm của mình để biết được những gì họ cảm thấy hay chăng? Ai có thể hiểu được nỗi đớn đau và niềm hối tiếc? Người ta rất dễ dàng phủi tay trong việc công nhận rằng mình đã lầm lỗi. Trái lại, Kitô hữu được kêu gọi chịu trách nhiệm về bản thân mình, nhờ đó con người lầm lỗi mới hiểu được sự dữ họ đã gây ra mà nhận thức được bản thân mình. Cái thiếu vắng tự do chắc chắn là cái thiếu vắng những gì là riêng tư nhất của con người. Nếu cùng với cái thiếu vắng tự do ấy lại còn kèm theo cả những gì là hạ cấp nơi các điều kiện sống thường thiếu nhân bản của những con người bị tù tội, thì đó thực sự là trường hợp Kitô hữu cần phải làm sao cảm thấy mình được thúc đẩy để thực hiện hết sức mình việc phục hồi phẩm giá cho họ.
Việc thăm viếng những người ở trong tù là một việc làm của lòng thương xót, đặc biệt là hôm nay đây, một việc lấy lại giá trị đặc biệt của nó tùy theo các hình thức khác nhau của chủ nghĩa công chính nơi chúng ta. Bởi thế, không ai được chỉ tay vào người khác. Trái lại, tất cả chúng ta cần phải biến mình thành dụng cụ thương xót, bằng những thái độ chia sẻ và trân trọng. Tôi nghĩ đến những gì đã dẫn họ đến chỗ gây ra tội ác và làm thế nào họ đã chiều theo các hình thức khác nhau của sự dữ. Thế rồi, cùng với những suy nghĩ ấy, tôi cảm thấy tất cả họ đều cần đến sự gần gũi và mềm dịu, nhờ đó lòng thương xót Chúa mới có thể thực hiện những sự lạ lùng. Tôi đã từng thấy biết bao nhiêu là nước mắt nhỏ xuống cằm của các tù nhân, những con người có lẽ đã chưa bao giờ biết khóc trong cuộc đời của họ; và điều ấy chỉ xẩy ra bởi họ cảm thấy họ được tiếp nhận và yêu thương mà thôi.
Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu và các Tông Đồ cũng đã trải qua tình trạng ngục tù. Trong trình thuật về Cuộc Khổ Nạn chúng ta đã biết được những thứ đau khổ Chúa phải chịu: bị bắt, bị lôi đi như một tên gian ác, bị cười nhạo, vì hành hạ, bị đội mạo gai... Người lại là Đấng duy nhất Vô Tội! Thánh Phêrô và Phaolô cũng bị ngục tù (cf. Acts 12:5; Philippians 1:12-17). Chúa Nhật vừa qua là Chúa Nhật Năm Thánh của Tù Nhân - vào buổi chiều, có một nhóm tù nhân ở Padua đã đến gặp tôi. Tôi đã hỏi họ xem họ sẽ làm gì vào ngày hôm sau trước khi về lại Padua. Họ đã nói với tôi rằng: "Chúng tôi sẽ đến Nhà Tù Mamertine để chia sẻ kinh nghiệm của Thánh Phaolô". Thật là dễ thương khi nghe thấy như vậy; tôi cảm thấy vui. Những tù nhân này muốn gặp gỡ tù nhân Phaolô. Thật là điều dễ thương, khiến tôi cảm thấy vui. Cũng ở trong tù, họ đã cầu nguyện và truyền bá phúc âm hóa. Một trang trong sách Tông Vụ gây cảm kích khi nó thuật lại tình trạng tù ngục của Thánh Phaolô, ở chỗ ngài đã cảm thấy lẻ loi và muốn một trong những người bạn hữu của ngài đến thăm ngài (xem 2Timothy 4:9-15). Ngài đã cảm thấy lẻ loi cô độc vì đa số đã bỏ ngài một mình... một đại Phaolô - the great Paul.
Như anh chị em thấy đó, những việc làm thương xót này là những gì cổ xưa nhưng luôn hợp thời. Chúa Giêsu đã lưu lại những gì Người đã làm trong việc đi thăm nhạc mẫu của chàng Phêrô; một việc làm cổ xưa. Chúa Giêsu đã làm điều ấy. Chúng ta đừng trở nên lãnh đạm, chúng ta hãy trở thành dụng cụ của lòng thương xót Chúa, và việc làm này mang lại cho chúng ta thiện ích hơn các việc khác, vì lòng thương xót được tỏ ra bằng một cử chỉ nào đó, một lời nói nào đó, một việc viếng thăm nào đó, và lòng thương xót này là một hành động phục hồi niềm vui và phẩm giá cho người đã bị mất mát vậy.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-visiting-the-sick-imprisoned/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh
Tòa Thánh với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh (Quốc Đô Vatican - Vatican City State), sáng Thứ Tư mùng 9/11/2016, trong cuộc gặp gỡ với báo chí bên lề nghi thức khai mạc năm học mới ở Đại Học Lateran Roma, cho biết rằng:
1- "Trước hết và trên hết chúng tôi tôn trọng ý muốn của nhân dân Hoa Kỳ trong việc hành sử thể chế dân chủ mà tôi được cho biết rằng nó đã đánh dấu một thành quả chọn lựa quan trọng";
2- "Chúng tôi đã gửi lời chúc mừng đến vị tân tổng thống và hy vọng việc quản trị của ông thực sự tốt đẹp";
3- "Chúng tôi hứa cầu nguyện cho ông để Chúa soi dẫn ông và nâng đỡ ông trong việc phục vụ xứ sở của ông là điều dĩ nhiên, mà còn phục vụ cho phúc lợi và hòa bình thế giới nữa";
4- "Tôi tin rằng ngày nay tất cả chúng ta cần phải hoạt động để thay đổi tình hình thế giới là một tình hình với những thương tích trầm trọng, với những xung đột nặng nề";
Riêng về vấn đề va chạm nhau giữa vị tân tổng thống này, khi còn là ứng cử viên, với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, liên quan đến chủ trương của ông sẽ xây tường rào cản di dân từ Mễ Tây Cơ vào Hoa Kỳ, một vấn đề được Đức Giáo Hoàng trả lời cho một phóng viên đặt ra hôm 18/2/2016 trong chuyến bay tông du từ Mễ Tây Cơ về Roma rằng: "một người chỉ nghĩ đến xây lên các bức tường ngăn cách thì không phải là Kitô giáo", ĐHY đã bày tỏ cảm nhận của ngài như sau:
5- "Chúng ta cứ chờ xem biến chuyển của vị tổng thống này. Người ta thường nói rằng khi còn là ứng viên thì nói thế này và khi làm tổng thống thì lại khác đi, lúc đã gánh vác trách nhiệm... Theo tôi, căn cứ vào những gì tôi đã nghe, vì tôi không lưu ý đến nó lắm, thì vị lãnh đạo tương lai này đã nói năng như là một nhà lãnh đạo vậy... Đối với các vấn đề đặc biệt này, chúng ta sẽ chờ xem quyết định ra sao và sau đó chúng ta mới có thể phán đoán. Hiện nay còn sớm để có thể đưa ra phán đoán".