GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 16-11-2016
GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 34
"Chúng ta có bao giờ xét lương tâm xem chúng ta có những lúc cũng quấy rầy người khác hay chăng? Thật là dễ dàng chỉ tay vào những khiếm khuyết và thiếu sót của người khác, nhưng chúng ta cũng cần phải đặt mình vào trường hợp của người khác nữa".
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Chúng ta giành bài giáo lý hôm nay về một việc làm thương xót mà tất cả chúng ta đều biết rõ nhưng có lẽ chúng ta không mang ra thực hành như chúng ta cần phải làm, đó là nhịn kẻ mất lòng ta. Tất cả chúng ta đều rất hay khi nhận ra một sự hiện diện nào đó làm phiền đến chúng ta: nó xẩy ra khi chúng ta gặp một ai đó trên đường phố, hay khi chúng ta nhận điện thoại... Chúng ta liền nghĩ rằng: "Tôi sẽ phải nghe những lời phiền trách, xì xèo, những đòi hỏi hay những khoe khoang của người này đến bao giờ đây?" Đôi khi cũng xẩy ra là những con người quấy rầng ấy lại là những người gần gũi chúng ta nhất: trong số những người thân thuộc bao giờ cũng có một ai đó; họ cũng chẳng thiếu ở những nơi làm việc, thậm chỉ cả trong giờ thảnh thơi rỗi rãi của mình chúng ta cũng không được tha nữa. Chúng ta phải làm gì với những con người quấy rầy này? Thế nhưng nhiều lần chúng ta cũng quấy rầng những người khác. Tại sao điều này lại được cho vào trong các việc làm thương xót? Nhịn kẻ mất lòng ta?
Trong Thánh Kinh chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa đã phải thực hành thương xót để chịu đựng những than van trách móc của dân Ngài. Chẳng hạn, trong Sách Xuất Hành dân này thực sự là một dân bất khả chịu đựng, ở chỗ, trước hết họ than khóc vì họ làm nô lệ ở Ai Cập, nên Thiên Chúa đã giải phóng họ; thế rồi ở trong sa mạc, họ than trách vì chẳng có gì để ăn (xem 16:3), nên Thiên Chúa đã ban cho họ chim chóc và manna (xam 16:13-16), thế mà họ vẫn cứ tiếp tục phàn nàn trách móc. Moisen là vị môi giời giữa Thiên Chúa và dân Ngài, đôi khi Chúa cũng quấy rầy ông. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tỏ ra nhẫn nại và vì thế Ngài cũng dạy cho Moisen và dân chúng chiều kích thiết yếu này của đức tin.
Bởi vậy vấn đề đầu tiên tự nhiên được đặt ra đó là chúng ta có bao giờ xét lương tâm xem chúng ta có những lúc cũng quấy rầy người khác hay chăng? Thật là dễ dàng chỉ tay vào những khiếm khuyết và thiếu sót của người khác, nhưng chúng ta cũng cần phải đặt mình vào trường hợp của người khác nữa.
Trước hết chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu: trong ba năm sống đời sống công khai Người đã tỏ ra nhẫn nại biết bao! Có lần Người đang đi với các môn đệ thì Người bị chặn lại bởi bà mẹ của tông đồ Giacôbê và Gioan để bà có thể nói với Người rằng: "Xin Thày hãy truyền cho hai đứa con trai của tôi đây được ngồi trong vương quốc của Thày, một đứa bên phải và một đứa bên trái Thày" (Mathêu 20:21). Người mẹ này đang vận động cho những đứa con của bà, mà bà lại là một người mẹ...
Chúa Giêsu đã lợi dụng trường hợp này để bắt đầu ban bố một giáo huấn nồng cốt, đó là vương quốc của Người không phải là một vương quốc của quyền lực và của vinh quang như những vương quốc trên trần thế này, mà là vương quốc của việc phục vụ và hiến tặng cho người khác. Chúa Giêsu giảng dạy bao giờ cũng đi ngay vào những gì thiết yếu và liên hệ tới việc đảm nhận sứ vụ một cách ý thức trách nhiệm. Chúng ta có thể thấy ở đây việc nhắc đến hai việc thương xót về tinh thần khác nữa, đó là răn bảo kẻ có tội và mở dạy kẻ mê muội. Chúng ta nghĩ đến việc dấn thân lớn lao khi chúng ta giúp cho con người ta lớn lên trong đức tin và trong đời sống. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến những giáo lý viên - trong số họ có rất nhiều bà mẹ và rất nhiều nữ tu - những người bỏ giờ ra dạy cho đám trẻ những yếu tố căn bản của đức tin. Biết bao nhiêu là nỗ lực, nhất là khi đám trẻ lại thích chơi hơn là học hỏi giáo lý!
Thật là tốt đẹp và cần thiết trong việc hỗ trợ những người tìm kiếm những gì là thiết yếu, vì nó làm cho chúng ta chia sẻ niềm vui trong việc làm cho ý nghĩa của đời sống thêm ý vị. Thường xẩy ra là chúng ta gặp gỡ những người dừng lại ở những sự nông cạn, hời hợt và nhỏ mọn, đôi khi vì họ chưa gặp được ai đó có thể phấn khích họ tìm kiếm những gì khác hơn để cảm nhận được những kho tàng chân thực. Việc hướng dẫn để nhìn vào những gì là thiết yếu là một sự trợ giúp quyết liệt, nhất là vào thời điểm như của chúng ta đây, một thời điểm dường như lạc hướng và chạy theo những thỏa mãn ngắn hạn. Việc hướng dẫn làm sao khám phá ra những gì Thiên Chúa muôn nơi chúng ta, và làm sao chúng ta đáp ứng Ngài, có nghĩa là bắt đầu lên đường để tăng trưởng theo ơn gọi, một đường lối của niềm vui chân thực. Bởi thế, những lời Chúa Giêsu nói với bà mẹ của tông đồ Giacôbê và Gioan, cũng như với chung nhóm môn đệ, là những gì cho thấy cách thức để làm sao tránh được chiều theo lòng ghen tị, tham vọng và nịnh bợ, những chước cám dỗ bao giờ cũng len lỏi vào trong cả thành phần Kitô hữu chúng ta. Việc cần phải khuyên nhủ, khiển trách và dạy dỗ không được làm cho chúng ta cảm thấy mình là bề trên của người khác, nhưng buộc chúng ta trước hết tiến vào chính bản thân mình để xem chính chúng ta có sống đúng với tất cả những gì chúng ta yêu cầu người khác làm hay chăng. Chúng ta đừng quên những lời Chúa Giêsu nói: "Tại sao các con để ý đến cái rằm trong con mắt của anh em các con, mà không thấy được cái xà trong con mắt các con?" (Luca 6:41). Xin Thánh Linh giúp chúng ta biết nhẫn nại chịu đựng và khiêmtốn chân thành trong việc khuyên bảo.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-patiently/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý
Xin xem thêm:
ĐTC Phanxicô với 200 vị đại biểu tôn giáo về Lòng Thương Xót