GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ TUẦN THÁNH 23/3/2016

 

 

ĐỀ TÀI VỀ TAM NHẬT PHỤC SINH

"Tam Nhật Phục Sinh là cuộc tưởng niệm về một thảm kịch yêu thương cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị bỏ rơi trong những thử thách của cuộc đời"

 

 

"Chúa Giêsu của chúng ta là thế đấy, Đấng nói với từng người chúng ta rằng:

'Nếu Cha có thể chịu khổ hơn nữa cho con thì Cha cũng chịu'".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến,

Việc chúng ta suy niệm về lòng thương xót Chúa hôm nay đưa chúng ta đến Tam Nhật Phục Sinh. Chúng ta sẽ sống Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh như là những giây phút mãnh liệt giúp chúng ta có thể tiến vào sâu hơn nữa đại mầu nhiệm đức tin của chúng ta đó là mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Hết mọi sự trong ba ngày này đều nói về lòng thương xót, vì lòng thương xót đã trở nên hữu hình hết cỡ mà tình yêu Thiên Chúa có thể vươn tới. Chúng ta sẽ nghe thấy trình thuật về những ngày cuối cùng của đời sống Chúa Giêsu. Thánh ký Gioan cống hiến cho chúng ta cái then chốt để hiểu được ý nghĩa sâu xa của tình yêu Thiên Chúa: "vì yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trên thế gian này thì Người đã yêu thương họ tới cùng" (Gioan 13:1). Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu vô biên. Như Thánh Augustino thường lập đi lập lại rằng đó là một thứ tình yêu "cho đến tận cùng bất tận - to the end without end". Thiên Chúa thực sự cống hiến cho tất cả mọi người chính bản thân Người vì mỗi một người chúng ta mà chẳng giữ lại gì hết. Mầu nhiệm mà chúng ta tôn thờ trong Tuần Thánh này là một đại tình sử bất chấp mọi chướng ngại vật. Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu kéo dài cho đến tận thế, vì nó là một câu chuyện thông phần vào nỗi khổ đau của toàn thể loài người và là một hiện diện vĩnh viễn nơi các biến cố nơi đời tư của mỗi người chúng ta. Thật vậy, Tam Nhật Phục Sinh là cuộc tưởng niệm về một thảm kịch yêu thương cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị bỏ rơi trong những thử thách của cuộc đời.

Vào Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, hướng đến cuộc hy tế của Người trên Sọ Trường trong bữa tiệc Vượt Qua, để làm cho các Tông Đồ hiểu được mối tình yêu thương thôi thúc Người là Đấng rửa chân cho các vị, cống hiến một lần nữa nơi chính bản thân Người tấm gương về cách thức các vị cần phải tác hành. Thánh Thể là một tình yêu trở thành phục vụ. Thánh Thể là sự hiện diện cao cả của Chúa Kitô muốn làm cho hết mọi con người nam nữ bớt đói khổ, nhất là thành phần yếu kém nhất, giúp họ có thể thực hiện một cuộc hành trình chứng nhân giữa những khó khăn trên thế giới. Hơn nữa, khi hiến mình cho chúng ta như lương thực, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng chúng ta cần phải biết chia sẻ dưỡng thực này cho những người khác để dưỡng thực ấy được trở nên một mối hiệp thông sự sống thực sự với những ai thiếu thốn cần đến. Người ban chính mình cho chúng ta và xin chúng ta hãy ở trong Người để tác hành như vậy. 

Thứ Sáu Tuần Thánh là giây phút tột đỉnh của yêu thương. Cái chết của Chúa Giêsu, Đấng trên Thánh Giá đã phó mình cho Chúa Cha để cống hiến ơn cứu độ cho toàn thế giới, cho thấy tình yêu tặng ban cho đến tận cùng bất tận. Một tình yêu tìm cách bao gồm hết mọi người, không trừ một ai. Một tình yêu vươn dài mở rộng tới hết mọi lúc và mọi nơi: một nguồn mạch cứu độ bất tận cho từng người chúng ta là tội nhân kín múc. Nếu Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu siêu vời của Ngài nơi cái chết của  Chúa Giêsu thì chúng ta, được tái sinh bởi Thánh Linh, cũng có thể và cần phải yêu thương nhau.

Sau hết, Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày Thiên Chúa thinh lặng. Nó cần phải là một ngày thinh lặng, và chúng ta cần phải làm mọi sự có thể đế nó thực sự trở thành một ngày thinh lặng đối với chúng ta, như đã xẩy ra vào lúc ấy: ngày thinh lặng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nằm trong mồ đá chia sẻ với thảm trạng chết chóc của toàn thể nhân loại. Nó là một thứ thinh lặng biết nói và bày tỏ yêu thương như tình liên kết với những ai luôn bị bỏ rơi, thành phần được Con Thiên Chúa vươn tới, phủ lấp đi cái trống rỗng mà chỉ có tình thương vô cùng của Thiên Chúa là Cha mới có thể lấp đầy.

Thiên Chúa tỏ ra thinh lặng nhưng vì yêu thương. Vào ngày này, tình yêu - một tình yêu âm thầm thinh lặng - trở thành niềm trông đợi của cuộc đời nơi cuộc phục sinh. Chúng ta hãy nghĩ về Thứ Bảy Tuần Thánh: cũng có lợi cho chúng ta khi lưu ý tới sự thinh lặng của Đức Mẹ, "một Tín Hữu", đã âm thầm thinh lặng đợi chờ Phục Sinh. Đối với chúng ta, Đức Mẹ sẽ là hình ảnh của Thứ Bảy Tuần Thánh này. Hãy suy nghĩ kỹ về cách thức Đức Mẹ đã sống Thứ Bảy Tuần Thánh ấy; trong niềm trông đợi. Chính tình yêu không ngờ vực mà hy vọng vào lời Chúa mà nó có thể tỏ hiện và rạng ngời vào ngày Phục Sinh.

Đó là tất cả mầu nhiệm yêu thương và xót thương cao cả. Lời lẽ của chúng ta thì nghèo nàn và thiếu thốn để có thể trọn vẹn diễn tả nó. Chúng ta có thể thấy được phần nào nơi cảm nghiệm của một người nữ trẻ trung, không nổi tiếng cho lắm, đã viết lên những trang sâu sắc về tình yêu của Chúa Kitô. Tên của chị là Julian of Norwich. Chị là một người mù chữ, nhưng đã có được những thị kiến về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và rồi, sau khi trở thành một con người ẩn khuất, đã diễn tả ý nghĩa về tình yêu nhân hậu bằng ngôn từ đơn sơ nhưng sâu xa thấm thía. Chị đã nói rằng: "Bấy giờ Chúa nhân lành hỏi tôi rằng: 'Con có cảm thấy hân hoan vì Cha đã chịu khổ cho con hay chăng?' Tôi đã trả lời Người rằng: 'Vâng, lạy Chúa nhân lành, con hết lòng cám ơn Chúa; vâng, lạy Chúa nhân lành, chớ gì Chúa được chúc tụng'. Thế rồi Chúa nhân lành của chúng ta phán: 'Nếu con cảm thấy hân hoan thì Cha cũng thế. Trải qua cuộc khổ nạn vì con là niềm vui cho Cha, là hạnh phúc, và vĩnh phúc; mà nếu Cha có thể chịu khổ hơn nữa thì Cha cũng chịu'". Chúa Giêsu của chúng ta là thế đấy, Đấng nói với từng người chúng ta rằng: "Nếu Cha có thể chịu khổ hơn nữa cho con thì Cha cũng chịu".

Phụ chú riêng của người dịch bản Việt ngữ này: Julian of Norwich người Anh quốc là một tâm hồn thần bí sống từ giữa thế kỷ 14 sang đầu thế kỷ 15, một nhân vật cũng đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói đến trong loạt 138 bài giáo lý về Giáo Hội Tông Truyền ngày 1/12/2010 - Bài 125 về Julian of Norwich (xin bấm vào cái link là hàng chữ xanh được gạch dưới để xem trọn bài nói của vị giáo hoàng thần học gia Biển Đức XVI của chúng ta). Người nữ này cũng đã được Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 313 dẫn lời như sau: "Và bà Giuliana Norwich viết: 'Nhờ ơn Chúa, tôi đã được dạy phải vững vàng gắn bó với đức tin… và tin một cách mạnh mẽ rằng mọi sự sẽ tốt đẹp…. Chính bạn sẽ thấy là mọi sự sẽ tốt đẹp'" [Giuliana Norwich, Revelatio 13, 32: A Book of Showings to the Anchoress Julian of Norwich, ed. E. Colledge-J. Walsh, vol. 2 (Toronto 1978) 426 và 422.].

Những lời ấy tuyệt vời biết bao! Chúng giúp cho chúng ta thực sự hiểu được tình yêu bao la và vô biên của Chúa đối với từng người chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được ấp ủ trong một tấm lòng thương xót đến gặp gỡ chúng ta ấy; và trong những ngày này, trong khi chúng ta gắn ánh mắt vào cuộc khổ nạn và tử nạn của Chúa, chúng ta hãy đón nhận vào cõi lòng của chúng ta tình yêu vô biên này của Người, và như Đức Mẹ vào Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta hãy âm thầm thinh lặng đời chờ Phục Sinh.

 

http://www.news.va/en/news/at-the-general-audience-dedicated-to-the-easter-tr
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

Xin xem thêm những đoạn video clips dưới đây về buổi triều kiến chung hôm nay

http://www.romereports.com/2016/03/23/pope-francis-explains-at-the-general-audience-how-to-live-the-holy-week-during-the-jubilee
(đoạn video clip dài 3 phút 26 giây về bản tóm bài giáo lý về Lòng Thương Xót Chúa liên quan đến Tam Nhật Phục Sinh)

http://www.romereports.com/2016/03/23/general-audience-pope-condemns-attacks-on-brussels-and-explains-the-holy-week
(đoạn video clip dài 2 phút 44 giây tường trình vắn gọn về buổi triều kiến chung Thứ Tư Tuần Thánh 23/3/2016)

http://www.romereports.com/2016/03/23/pope-francis-brussels-on-the-attacks-abominable-cruelty
(đoạn video clip dài 1 phút 45 giây về những lời ĐTC sau bài giáo lý đã lên án vụ tấn công khủng bố ở Bí hôm qua)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Tam Nhật Phục Sinh như sau:

Thứ Năm Tuần Thánh: Ban sáng Lễ Truyền Dầu ở Đền Thờ Thánh Phêrô và buổi chiều cử hành nghi thức rửa chân ở trung tâm the Centro di Accoglienza per Richiedenti Asilo hay CARA là nơi tiếp đón những người tỵ nạn ở một ngôi làng thuộc vùng Castelnuovo di Porto ngoại ô Rôma, nơi ngài sẽ rửa chân cho 12 tị nạn trẻ hầu hết không phải là Công giáo.

Trong buổi Triều Kiến ngoại lệ trong Năm Thánh Tình Thương 12/3/2016, ngài đã nói về việc rửa chân này như sau:

"Bằng việc rửa chân cho các Tông Đồ Chúa Giêsu muốn cho thấy cách thức tác hành của Thiên Chúa đối với chúng ta, và cống hiến cho chúng ta mẫu gương về 'giới răn mới' của Người (Gioan 13:34), trong việc yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta, đó là, Người bỏ mạng sống mình đi cho chúng ta... Tình yêu là một dịch vụ trị liệu chúng ta cống hiến cho người khác. Tình yêu không phải là một thứ ngôn từ mà là một việc làm, một phục vụ; việc phục vụ khiêm hạ, kín đáo và âm thầm..."


Thứ Sáu Tuần Thánh: Chủ sự Đi Đường Thánh Giá ở Colosseum Roma

Chúa Nhật Phúc Sinh: Chủ tế và giảng lễ sáng và ban Sứ Điệp Urbi et Orbi ban trưa





CHÚA GIÊSU HOMELESS ĐẾN ROMA ĐẦU TUẦN THÁNH NĂM THÁNH TÌNH THƯƠNG

 

 

Vào đầu Tuần Thánh của Năm Thánh Tình Thương, Chúa Nhật Lễ Lá 20/3/2016, một pho tượng bằng đồng về Chúa Giêsu Nazarét như là một con người vô gia cư được đặt ở khu vườn Vatican, ngay lối vào Văn Phòng Bác Ái Tòa Thánh. Pho tượng này là một con người nằm trên một băng ghế bên đường, chùm một cái chăn mỏng chỉ còn lòi đôi chân ra thôi.

Tác giả điêu khắc gia của bức tượng này là Timothy P. Schmalz ở Canada, vị đã cảm hứng khi nhìn thấy một người vô gia cư đang nằm trên một băng ghế ngoài trời trong Mùa Giáng Sinh. Tác giả điêu khắc gia này đã viết: "Đó là Chúa Giêsu. Chúng ta đã nhận thấy người anh em hèn mọn nhất giữa chúng ta trong lòng của chúng ta ra sao".

Trong buổi triều kiến chung ở Quảng Trường Thánh Phêrô trong tháng 11/2013, điêu khắc gia này đã biếu Đức Thánh Cha bức tượng Chúa Giêsu homeless nho nhỏ, và theo vị này kể lại thì: "Ngài đã ngắm toàn bộ bức tượng, và như thể cảm thấy ớn lạnh khi ngài chạm đến đầu gối của bức tượng Chúa Giêsu homeless ấy, nên ngài đã nhắm mắt lại cầu nguyện. Đó là những gì ngài đang làm trên khắp thế giới: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang vươn tới thành phần sống bên lề xã hội".

Bức tượng Chúa Giêsu vô gia cư - Jesus the Homeless chính gốc được để tại Regis College ở Đại Học Toronto thành phố Ontario Canada, và nhiều bản sao bức tượng này đã được đặt ở Úc Đại Lợi, Cuba, Ấn Độ, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha và một số thành phố ở Hoa Kỳ. Vị điêu khắc gia này còn là tác giả của bức tượng Đức Kitô Ăn Mày - Christ the Beggar được đặt tại cổng vào của Nhà Thương Thánh Linh - Santo Spirito Hospital ở Rôma gần Vatican. Vị điêu khắc gia này đã bày tỏ rằng: "Tôi diễn tả các pho tượng của tôi như là những lời nguyện cầu có tính cách nhãn quan".

 

Đêm 21/12/2015 ở Pomona California

(hình chụp - TĐCTT cao tấn tĩnh)

Trưa Thứ Bảy ngày 2/1/2016 trong chuyến TĐCTT Tặng Quà Giáng Sinh 2015 và Tân Niên 2016 ở downtown Los Angeles

(hình chụp - TĐCTT cao tấn tĩnh)

Người anh em homeless hẹn mọn nhất của Chúa Kitô ở Downtown Los Angeles dịp TĐCTT tặng quà Tân Niên 2014

(hình chụp - TĐCTT cao tấn tĩnh)

Người anh em homeless hẹn mọn nhất của Chúa Kitô ở Downtown Los Angeles dịp TĐCTT tặng quà Thanksgiving 2014

(hình chụp - TĐCTT cao tấn tĩnh)

Người anh em homeless hẹn mọn nhất của Chúa Kitô ở Downtown Los Angeles dịp TĐCTT tặng quà Giáng Sinh 2013

(hình chụp - TĐCTT cao tấn tĩnh)