GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô với Khóa Học Hỏi Thường Niên về Tòa Trong (internal forum) Thứ Sáu 4/3/2016

 

"Tôi phải làm gì khi chính mình gặp khó khăn và không thể ban ơn tha thứ?"

 

 

 

"Là những vị giải tội, khi chúng ta vào tòa giải tội để tiếp nhận anh chị em, chúng ta bao giờ cũng cần phải nhớ rằng chúng ta là những dụng cụ của lòng thương xót Chúa đối với họ; bởi thế, chúng ta hãy cẩn thận đừng đặt ngãng trở cho tặng ân cứu độ này! Chính vị giải tội cũng là một tội nhân, một con người luôn cần được tha thứ".

 

Xin chào Chư Huynh thân mến!

Tôi lấy làm sung sướng được gặp gỡ chư huynh trong Mùa Chay của Năm Thánh Tình Thương này, nhân dịp Khóa Học về tòa trong đây. Tôi xin thân ái chào Đức Hồng Y Piacenza, Trưởng Ấn Tòa Ân Giải, và cám ơn ngài về những lời bày tỏ đẹp đẽ. Tôi xin chào Vị Nhiếp Chính - người có gương mặt phúc hậu, ngài hẳn là một vị giải tội tốt lành! - các Vị Giáo Phẩm, các Viên Chức và Nhân Viên của Tòa Ân Giải, các vị đồng sự thuộc các Tòa Ân Giải Thường Lệ và Ngoại Lệ ở các Đền Thờ Tông Tòa - thực sự đã đến để thêm phần hiện diện nhân dịp Năm Thánh - và tất cả anh em tham dự viên của Khóa Học này, một khóa học hy vọng giúp cho các tân linh mục cũng như các chủng sinh sắp được thụ phong trở thành những ban phát viên của Bí Tích Hòa Giải một cách tốt đẹp. Thật vậy, việc cử hành Bí Tích này đòi phải được sửa soạn một cách thích đáng và cập nhật hóa, nhờ đó tất cả những ai tiến đến với bí tích ấy có thể "chạm được sự cao cả của lòng thương xót Chúa bằng chính bàn tay của họ. Bí tích này sẽ trở thành một mạch nguồn bình an nội tâm thực sự cho hết mọi hối nhân" (xem Tông Sắc Dung Nhan của Lòng thương Xót, 17).

Lòng thương xót là những gì "có thể tổng tóm được mầu nhiệm của đức tin Kitô giáo. Lòng thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu Nazarét, lên tới tột đỉnh của mình nơi Người" (cùng nguồn vừa dẫn, 1). Theo ý nghĩa đó thì trước khi trở thành một thái độ hay một nhân đức, lòng thương xót đã là sự chọn lựa tối hậu của Thiên Chúa ưu ái với hết mọi con người cho phần rỗi của họ - một chọn lựa được niêm ấn bằng máu của Con Thiên Chúa.

Lòng thương xót thần linh này có thể tự mình vươn tới những ai kêu cầu mình. Thật vậy, cơ hội của ơn tha thứ thực sự mở ra cho tất cả mọi người, đúng hơn nó rộng mở như những gì rộng nhất nơi các "Cửa Thánh", vì nó trùng hợp với chính tấm lòng của Chúa Cha, Đấng yêu thương và chờ đợi tất cả mọi con cái của mình, nhất là những ai lầm lạc nhất và xa cách nhất. Lòng thương xót của Chúa Cha có thể vươn tới từng người bằng nhiều cách: qua sự cởi mở của một lương tâm chân thành; qua việc đọc Lời Chúa làm hoán cải tâm can; qua một cuộc gặp gỡ với một người anh chị em nào đó; nơi các cảm nghiệm trong cuộc sống về các thương đau, tội lỗi, thứ tha và tình thương.

Tuy nhiên, có một "con đường vững chắc" của lòng thương xót, đi từ năng thể đến thực tại, từ hy vọng đến nắm bắt. Chúa Giêsu chính là con đường ấy, Đấng "có quyền tha tội trên mặt đất này" (Luca 5:24) và đã truyền đạt sứ vụ này cho Giáo Hội (xem Gioan 20:21-23). Bởi thế, Bí Tích Hòa Giải là nơi đặc biệt để cảm nghiệm thấy tình thương của Thiên Chúa và để cử hành cuộc hội lễ được gặp gỡ Chúa Cha. Chúng ta dễ dàng quên mất khía cạnh cuối cùng này: tôi đến, tôi xin ơn tha thứ, tôi cảm thấy cái ấp ủ của ơn tha thứ và tôi quên mất tỏ ra niềm hân hoan mà tôi cần phải có đối với Chúa Cha là Đấng đã tha thứ cho tôi. Là những vị giải tội, khi chúng ta vào tòa giải tội để tiếp nhận anh chị em, chúng ta bao giờ cũng cần phải nhớ rằng chúng ta là những dụng cụ của lòng thương xót Chúa đối với họ; bởi thế, chúng ta hãy cẩn thận đừng đặt ngãng trở cho tặng ân cứu độ này! Chính vị giải tội cũng là một tội nhân, một con người luôn cần được tha thứ. Ngài, như những người mở đầu, không thể làm cho lòng thương xót Chúa bị rơi rụng, Đấng đã "chọn" ngài và "lập" ngài cho công việc cao cả ấy. Bởi thế, ngoài ra, ngài còn cần phải có một thái độ khiêm hạ và bao dung, chỉ có một ước muốn duy nhất là làm sao cho hết mọi tín hữu cảm nhận được tình yêu của Chúa Cha. Về phương diện này chúng ta không thiếu các vị linh mục đồng môn thánh đức mà chúng ta mong đợi. Chúng ta nghĩ đến hai vị Leopoldo Mandic và Pio of Pietrelcina, các vị có hài tích được chúng ta tôn kính một tháng trước đây ở Vatican. Xin cũng cho tôi được nói đến một vị trong gia đình của tôi là Cha Cappello.

Sau khi được vị linh mục tha tội cho, hết mọi tín hữu hối nhân đều tin tưởng bằng đức tin rằng tội lỗi của họ không còn nữa. Chúng không còn nữa! Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Tôi thích nghĩ rằng Ngài có một nhược điểm đó là có một trí nhớ quá xoàng. Một khi Ngài đã tha thứ thì Ngài cũng quên luôn. Quá hay đi! Tội lỗi không còn nữa, chúng được lòng thương xót thần linh xóa bỏ. Hết mọi lần ban ơn xá giải, ở một cách nào đó, là một cuộc toàn xá của cõi lòng, một toàn xá làm hoan lạc tín hữu và Giáo Hội, nhất là chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói như thế: "trên thiên đàng sẽ hân hoan khi thấy một tội nhân thống hối hơn là 99 người công chính không cần thống hối" (Luca 15:7). Bởi thế, vị giải tội cũng cần phải trở thành "một thứ máng chuyển niềm vui", và tín hữu, sau khi lãnh nhận ơn tha thứ, không còn cảm thấy bị dồn nén bởi lỗi lầm của mình nữa, mà có thể hoan hưởng việc làm của Thiên Chúa đã giải thoát họ, sống với lòng tri ân, sẵn sàng chỉnh sửa sự dữ đã phạm, đi gặp gỡ anh em mình bằng một tấm lòng tốt lành và thiện chí.

Anh em thân mến, trong thời điểm của chúng ta đây, được đánh dấu bằng chủ nghĩa cá nhân, trước rất nhiều thương tích và khuynh hướng khép kín bản thân mình, thật là một tặng ân thích đáng để nhìn thấy và hỗ trợ con người ta đến gần với lòng thương xót. Đối với tất cả chúng ta thì điều này thậm chí còn là một trách nhiệm lớn lao hơn về lòng gắn bó phúc âm cũng như lòng từ phụ. Chúng ta là thành phần canh giữ chứ chẳng bao giờ là chủ tể của cả con chiên hay ân sủng.

Chúng ta hãy - không phải chỉ trong Năm Thánh này - đặt làm trọng tâm Bí Tích Hòa Giải, một khoảng trống thực sự của Thần Linh trong đó, cả hai, vị giải tội lẫn hối nhân, đều có thể cảm nghiệm tình yêu duy nhất tối hậu và thủy chung, tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi một người con cái của Thiên Chúa, một tình yêu không bao giờ làm thất vọng. Thánh Leopold Mandic thường lập lại rằng: "lòng thương xót Chúa thì siêu vượt bất cứ sự mong đợi nào của chúng ta". Ngài cũng thường nói với người chịu khổ đau rằng: "Chúng ta có một tấm lòng của người mẹ ở Trên Trời. Đức Trinh Nữ, Mẹ của chúng ta, Đấng ở dưới chân thập tự giá đã cảm thấy tất cả mọi đớn đau có thể đối với loài người tạo vật, hiểu được những trục trặc của chúng ta và an ủi chúng ta". Chớ gì Mẹ Maria, Nơi Ẩn Náu của các tội nhân và là Mẹ của Lòng Thương Xót, luôn hướng dẫn và nâng đỡ thừa tác vụ Hòa Giải cốt yếu này.

Tôi phải làm gì khi chính mình gặp khó khăn và không thể ban ơn tha thứ? Những gì cần phải làm? Trước hết, hãy xem có cách nào chăng, rất thường thấy được một cách nào đó. Sau nữa, đừng chỉ bị ràng buộc vào thứ ngôn từ phát biểu mà còn vào thứ ngôn từ cử chỉ nữa. Có những người không thể nói và bày tỏ lòng thống hối của họ, sự đau buồn của họ bằng một cử chỉ nào đó. Và sau hết, nếu không thể ban ơn xá giải thì hãy nói như một người cha rằng: "Xin nghe đây, cha không thể ban ơn xá giải cho con về điều ấy, thế nhưng cha có thể bảo đảm rằng Thiên Chúa yêu thương con, Thiên Chúa đang đợi chờ con! Chúng ta hãy cùng nhau cầu cùng Dức Mẹ để Mẹ bảo vệ con; và hãy đến, hãy trở lại, vì cha sẽ chờ đợi con như Thiên Chúa đợi chờ con", rồi ban phép lành cho họ. Vậy người ấy ra khỏi tòa giải tội nghĩ rằng: "Tôi đã gặp được một người cha và Ngài đã không hành hạ tôi". Anh em đã nghe biết bao nhiêu lần dân chúng nói rằng tôi sẽ không bao giờ đi xưng tội nữa, vì tôi đã đến một lần và ngài la quát tôi". Thậm chí ngay cả ở trường hợp bị giới hạn chúng ta không thể ban ơn xá giải ấy, hối nhân cũng cần phải cảm thấy tình nồng ấm của một người cha, vị chúc lành cho họ và bảo họ hãy trở lại! - cùng cầu nguyện với họ. Bao giờ cũng là vấn đề có một người cha ở đó. Đó cũng là một cuộc mừng vui, và Thiên Chúa biết cách tha thứ những sự vụ hơn là chúng ta - thế nhưng ít là chúng ta trở thành hình ảnh của Chúa Cha.  

Tôi xin cám ơn Tòa Ân Giải của Tòa Thánh về việc phục vụ quí báu của mình, và tôi chúc lành cho chư huynh với tấm lòng của tôi cũng như cho thừa tác vụ chư huynh thực hiện như là máng chuyển trao lòng thương xót, nhất là trong thời điểm Năm Thánh này. Xin hãy nhớ cầu cho tôi nữa.

Hôm nay, tôi cũng sẽ đến đó với các vị tông tòa xá giải của chư huynh để giải tội ở Đền Thờ Thánh Phêrô.

(Ở đây ĐTC cố ý nói đến việc cử hành thống hối 24 tiếng cho Chúa vào lúc 5 giờ chiều mà ngài chủ sự với bài giảng ở cái link Đức Thánh Cha Phanxicô - Chủ Sự Cử Hành Việc Thống Hối 24 Giờ Cho Chúa trong Năm Thánh Tình Thương Thứ Sáu ngày 4/3/2016)

 

https://zenit.org/articles/popes-address-to-course-on-internal-forum/
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý