GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐTC PHANXICÔ - BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN,
lễ cung hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Đền Thờ Thánh Phaolô
CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO II 2018 (18/11)
"đường lối Chúa Giêsu bảo chúng ta tiến bước: đó là đi lên với Thiên Chúa và đi xuống với anh chị em của chúng ta".
"Cái bí quyết lèo lái là ở chỗ mời Chúa Giêsu lên thuyền.
Cái bánh lái của cuộc sống cần phải được trao cho Người, để Người có thể lèo lái...
Có Người ở trên thuyền sẽ chẳng bao giờ có chuyện chìm xuồng!"
"Bất công là gốc rễ sâu xa ung độc của nghèo khổ.
Tiếng kêu của người nghèo hằng ngày càng to lơn những lại càng được đáp ứng ít hơn.
Hằng ngày tiếng kêu đó to hơn, nhưng hằng ngày lại được đáp ứng ít hơn,
bị chìm lỉm bởi cái ầm ĩ của thiểu số giầu sang, những con người càng ít hơn mà lại giầu hơn".
Chúng ta hãy để ý đến 3 điều Chúa Giêsu làm trong bài Phúc Âm hôm nay.
Điều thứ nhất đó là đang lúc còn ban ngày thì Người "bỏ đi". Người bỏ đám đông ngay vào lúc thành công nhất của Người, được hoan hô vì việc Người hóa bánh ra nhiều. Mặc dù các môn đệ muốn hưởng vinh quang Người đã bảo các vị là hãy đi trước đoạn Người giải tán đám đông (xem Mathêu 14:22-23). Được dân chúng tìm kiếm, Người đã ẩn mình đi; khi cơn sốt mến mộ hạ xuống thì Người lên núi cầu nguyện. Sau đó, vào lúc nửa đêm, Người xuống núi và đến cùng các môn đệ, bằng việc bước đi trên nước đang cơn gió động. Qua tất cả những điều ấy Chúa Giêsu đều lội ngược giòng: trước hết, Người bỏ lại thành công sau lưng, rồi cả những gì là tĩnh lặng nữa. Người dạy chúng ta hãy can đảm lìa bỏ: bỏ lại sau lưng cái thành đạt kiêu hãnh và cái tĩnh lặng sát hại linh hồn.
Đi đâu? Đi đến với Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện, cũng như đến với những ai đang cần bằng tình yêu thương. Đó là những kho tàng trong đời sống: Thiên Chúa và tha nhân của chúng ta. Và đó là đường lối Chúa Giêsu bảo chúng ta tiến bước: đó là đi lên với Thiên Chúa và đi xuống với anh chị em của chúng ta. Người tách chúng ta ra khỏi việc lang thang trong những đồng cỏ thoải mái của đời sống, khỏi sống một cuộc đời dễ dãi giữa những thú vui nho nhỏ hằng ngày. Các môn đệ của Người không được tìm kiếm sự tĩnh lặng chẳng còn biết đến chung quanh của một đời sống bình thường. Như Chúa Giêsu, các vị đang đi theo đường lối rạng ngời thì hãy sẵn sàng bỏ lại những vinh quang trong chốc lát, cẩn thận đừng dính bén với những sản vật mau qua. Kitô hữu biết rằng quê hương của mình ở một nơi khác, nơi mà ngay hiện tại họ - như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta ở Bài Đọc 2 - "là các công dân cùng với các thánh và các phần tử của gia đình Thiên Chúa" (xem Epheso 2:19). Họ vốn là thành phần lữ hành. Chúng ta không sống để tích lũy; vinh quang của chúng ta là ở chỗ bỏ lại những gì qua đi để nắm lấy những gì vững bền. Chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta như Giáo Hội được diễn tả ở Bài Đọc 1: luôn chuyển động, tốt lành khi lìa bỏ và trung thành nơi phục vụ (xem Tông Vụ 28:11-14). Lạy Chúa, xin khuấy động chúng con lên cho khỏi cái trầm lặng nhàn rỗi của chúng con, cho khỏi cái khoảng vắng lặng lẽ nơi những bến bờ an toàn của chúng con. Xin hãy giải thoát chúng con khỏi những cái cột neo trầm mình nhận chìm đời sống; xin hãy giải thoát chúng con khỏi việc liên lỉ tìm kiếm thành công. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết "lìa bỏ" để lên đường mà Chúa đã cho chúng con thấy, đó là đến cùng Thiên Chúa và cùng tha nhân của chúng con.
Điều thứ hai đó là Chúa Giêsu trấn an giữa đêm trường. Người đến cùng các môn đệ của Người, trong bóng tối, bằng cách bước "đi trên biển" (câu 25). "Biển" ở trường hợp này thực sự là một cái hồ, nhưng ý nghĩ về "biển" này, theo chiều sâu u ám của nó, ám chỉ quyền lực sự dữ. Thật vậy, Chúa Giêsu đến gặp các môn đệ của Người bằng việc đạp lên những kẻ thù ác hiểm của nhân loại. Và đó là ý nghĩa của dấu hiệu, ở chỗ, thay vì là một quyền lực tỏ ra vinh thắng lại là một mạc khải về niềm tin tưởng vững chắc rằng Chúa Giêsu, và chỉ có một mình Chúa Giêsu mà thôi, chiến thắng các kẻ thù hung dữ nhất của chúng ta, đó là ma quỉ, tội lỗi, tử thần, sợ hãi, thế tục. Hôm nay, Người nói với cả chúng ta là: "Thày đây, cứ an tâm, đừng sợ" (câu 27).
Con thuyền của đời sống chúng ta thường bị ngả nghiêng và bị vùi dập bởi phong ba bão tố. Ngay cả khi nước có yên thì nó chẳng mấy chốc lại động lên. Khi chúng ta bị lọt vào những cơn bão tố này, chúng dường như chỉ là vấn đề của chúng ta. Thế nhưng vấn đề ấy không phải là con bão tố chốc lát ấy, mà là chúng ta làm thế nào để lèo lái cuộc đời của mình. Cái bí quyết lèo lái là ở chỗ mời Chúa Giêsu lên thuyền. Cái bánh lái của cuộc sống cần phải được trao cho Người, để Người có thể lèo lái. Chỉ có một mình Người mới cống hiến sự sống nơi cái chết và niềm hy vọng khi khổ đau mà thôi; chỉ có một mình Người chữa lành tâm can của chúng ta bằng việc tha thứ của Người và giải thoát chúng ta khỏi nỗi lo âu sợ hãi bằng cách thông ban niềm tin tưởng cậy trông. Hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Như các môn đệ, chúng ta sẽ nhận ra rằng một khi Người ở trên thuyền thì giông tố liền lặng yên (xem câu 32), và không thể nào có chuyện chìm xuồng. Có Người ở trên thuyền sẽ chẳng bao giờ có chuyện chìm xuồng! Chỉ với Chúa Giêsu chúng ta mới có thể cống hiến niềm an ủi đích thực. Nó không phải là những lời phấn khích trống rỗng, sự hiện diện của Chúa Giêsu là nhũng gì ban sức mạnh. Lạy Chúa, xin hãy trấn an chúng con: được Chúa an ủi, chúng con mới có thể mang niềm ủi an thực sự đến cho người khác.
Điều thứ ba Chúa Giêsu làm đó là giữa sóng gió ba đào Người đưa bàn tay của Người ra (xem câu 31). Người nắm lấy Thánh Phêrô, vị mà vì sợ hãi và ngờ vực, đang chìm xuống và kêu lên rằng: "Chúa ơi cứu con với!" (câu 30). Chúng ta có thể đặt mình vào trường hợp của Thánh Phêrô: chúng ta là thành phần kém đức tin, khẩn xin được cứu độ. Chúng ta đang mong muốn trong đời sống thực sự và chúng ta cần đến bàn tay đưa ra của Chúa để cứu chúng ta khỏi sự dữ. Đó là khởi điểm của đức tin: là dẹp bỏ niềm kiêu hãnh khiến chúng ta cảm thấy tự mãn mà nhận rằng chúng ta cần được cứu độ. Đức tin tăng trưởng ở nơi trạng thái ấy, một trạng thái chúng ta thích ứng bản thân mình bằng việc chiếm lấy chỗ của mình bên cạnh những ai không làm chủ mình hơn là cần kêu van được cứu giúp. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta cần sống đức tin của chúng ta liên kết với những ai cần giúp đỡ. Đó không phải là một chọn lựa có tính cách xã hội học, không phải là kiểu cách của một giáo triều này; mà là một đòi hỏi có tính cách thần học. Nó đòi phải nhận biệt rằng chúng ta là thành phần ăn mày ăn xin ơn cứu độ, là anh chị em của tất cả mọi người, đặc biệt là của người nghèo được Chúa yêu thương. Có thế chúng ta mới ấp ủ tinh thần của Phúc Âm. "Tinh thần nghèo khó và tinh thần yêu thương thật sự là vinh quang và là chứng từ của Giáo Hội Chúa Kitô" (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng 88).
Chúa Giêsu đã nghe thấy tiếng kêu của Thánh Phêrô. Chúng ta hãy xin ơn biết nghe thấy tiếng của tất cả những ai bị nghiêng ngả bởi sóng gió cuộc đời. Tiếng kêu của người nghèo: đó là tiếng kêu tắc nghẹn của thai nhi, của trẻ em bị đói khổ, của giới trẻ thường được sử dụng nổ bom hơn là la hò vui chơi. Nó là tiếng kêu của các vị lão thành, bị loại trừ và bị bỏ mặc. Đó là tiếng kêu của tất cả những ai đang đương đầu với bão tố của cuộc đời mà không có bạn bè tâm giao. Nó là tiếng kêu của tất cả những ai tháo chạy khỏi nhà cửa và quê hương của mình cho một tương lai bất định. Đó là tiếng kêu của tất cả những dân nước, bị hụt hẫng ngay cả chính những nguồn lợi thiên nhiên dồi dào ở trong tay họ. Đó là tiếng kêu của mọi Lazarô đang khóc lóc trong khi một thiểu số đang hoan hưởng những gì thuộc về tất cả mọi người theo công bằng. Bất công là gốc rễ sâu xa ung độc của nghèo khổ. Tiếng kêu của người nghèo hằng ngày càng to lơn những lại càng được đáp ứng ít hơn. Hằng ngày tiếng kêu đó to hơn, nhưng hằng ngày lại được đáp ứng ít hơn, bị chìm lỉm bởi cái ầm ĩ của thiểu số giầu sang, những con người càng ít hơn mà lại giầu hơn.
Trước sự khinh khi nhân phẩm của con người, chúng ta thường cứ khoanh tay lại hay giơ lên như dấu hiệu đầu hàng trước quyền lực hung dữ của sự dữ. Tuy nhiên, Kitô hữu chúng ta không thể đứng khoanh tay một cách dửng dưng lạnh lùng, hay giơ lên một cách vô vọng. Không. Là thành phần tín hữu, chúng ta cần phải giơ tay ra, như Chúa Giêsu đã làm đối với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo được Thiên Chúa lắng nghe. Tuy nhiên, tôi xin hỏi nhé, còn chúng ta thì sao? Chúng ta có mắt để thấy, có tai để nghe, có tay để giơ ra cứu giúp hay chăng? Hay chúng ta cứ lập đi lập lại rằng: "Xin trở lại ngày mai?" "Chính Chúa Kitô, nơi bản thân của người nghèo, kêu gọi môn đệ của Người yêu thương " (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, loc. cit.). Người xin chúng ta hãy nhìn nhận Người ở nơi tất cả những ai đói khát, nơi kẻ xa lạ và những ai bị tước mất phẩm giá, nơi người yếu bệnh cũng như nơi những tù nhân (xem Mt 25:35-36).
Chúa giơ tay của Người ra, một cách tự nguyện chứ không phải vì phận sự cần phải làm. Chúng ta cũng cần phải như thế nữa. Chúng ta không được kêu gọi để hành thiện chỉ cho những ai yêu thích chúng ta. Điều đó là chuyện bình thường, nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta làm hơn thế nữa (xem Mathêu 5:46): đó là cống hiến cho những ai không có gì đền trả, yêu thương một cách nhưng không (xem Luca 6:32-36). Chúng ta hãy nhìn chung quanh trong ngày sống của mình. Đối với tất cả những gì chúng ta làm, chúng ta có làm bất cứ điều gì hoàn toàn vô tư hay chăng, làm một điều gì đó cho một người không thể đền đáp chúng ta? Đó mới là bàn tay giơ ra của chúng ta, kho tàng đích thực trên trời của chúng ta.
Lạy Chúa, xin hãy giơ tay ra cho chúng con, và nắm lấy chúng con. Xin hãy giúp chúng con biết yêu thương như Chúa đã thương yêu. Xin hãy dạy chúng con biết bỏ lại tất cả những gì đang qua đi, biết trở nên nguồn bảo toàn cho những ai quanh chúng con, và biết cho đi một cách nhưng không những ai cần giúp đỡ. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Bài giảng hôm nay của ĐTC Phanxicô không theo PVLC của Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B mà là theo Lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.
Vua Constantin Cả (270-337) đã chiến thắng quân Maxence dưới tường thành Rôma năm 312, nhờ sự xuất hiện lạ lùng của cây Thánh Giá lơ lửng giữa không trung với hàng chữ: "In hoc signo vince" (Tin vào dấu này, ông sẽ thắng). Năm 313, ngài đã ban hành chiếu chỉ (Edit de Milan) chấm dứt cuộc bách hại người Công Giáo và cho tự do tôn giáo. Sau đó, năm 323, nhà vua mới thật sự trở lại Công giáo. Ðể tỏ lòng biết ơn về chiến thắng Maxence, ngài đã xây cất nhiều đại thánh đường nguy nga, trong số đó phải kể vương cung thánh đường thánh Phêrô và thánh Phaolô.Ðền thờ thánh Phêrô được xây cất năm 326 và Ðền thờ thánh Phaolô được xây cất trên đường Ostie, bên "ngoài thành" Vatican, và được thánh hiến cũng cùng một ngày với đền thánh Phêrô.
Trong bài giảng của mình, ở phần dưới, 1/3 bài giảng, ngài cũng căn cứ vào một cử chỉ của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm để nói về Ngày Thế Giới Người Nghèo. Tuy nhiên, trong Bài Huấn Từ Truyền Tin sau Thánh Lễ, ngài cũng đã nói qua một chút về ý nghĩa của Bài Phúc Âm CN 33 này như sau:
"Trong đoạn Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này (xem Marco 13:24-32), Chúa muốn hướng dẫn các môn đệ của Người về các biến cố tương lai. Trước hết, nó không phải là một bài nói về ngày cùng tháng tận của thế giới; đúng hơn nó là lời mời gọi sống hiện tại một cách tốt đẹp, và tỉnh thức cùng luôn sẵn sàng khi chúng ta được gọi trẻ lẽ về đời sống của chúng ta"
Sau Huấn Từ Truyền Tin, ngài có đề cập đến Ngày Thế Giới Người Nghèo 2018 như thế này:
Nhân dịp Ngày Thế Giới Người Nghèo hôm nay, tôi đã cử hành Lễ sáng hôm nay ở Đền Thờ Thánh Phêrô có sự tham dự của người nghèo, được đồng hành bởi các Hiệp hội và các nhóm giáo xứ. Chốc lát nữa đây tôi sẽ dùng bữa trưa với họ ở Sảnh Đường Phaolô VI với nhiều người nghèo. Các sáng kiến cầu nguyện và chia sẻ tương tự như thế đang được tổ chức ở các giáo phận trên thế giới, hầu bảy tỏ sự gần gữi của cộng đồng Kitô hữu với tất cả những ai đang sống thân phận nghèo khổ. Ngày này đây, một ngày bao gồm cáng nhiều giáo xứ, các Hội đoàn, và các Phong trào của Giáo Hội, muốn trở thành một dấu hiệu của niềm hy vọng và là một kích tố trở nên khí cụ thương xót nơi guồng máy xã hội".
Xin xem Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo 2018 ở cái link dưới đây:
ĐTC Phanxicô - Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo 2018
Và xin xem sinh hoạt Ngày Thế Giới Người Nghèo 2017 của Nhóm TĐCTT ở cái link dười đây:
TĐCTT cử hành Ngày Thế Giới Người Nghèo I - 19/11/2018