GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
Đức Thánh Cha Phanxicô
GIÁO LÝ VỀ PHỤNG VỤ CỬ HÀNH THÁNH THỂ
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 31-1-2018
Bài 8
"Chúng ta làm thế nào có thể đối diện với cuộc hành trình trần thế của mình với đầy những gian nan khốn khó mà lại không thường xuyên được nuôi dưỡng và sáng soi bởi Lời Chúa được vang vọng trong Phụng Vụ chứ?"
"Phụng Vụ Lời Chúa... tiến trình của Lời Chúa: từ tai nghe vào cõi lòng ra đôi tay"
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Sau khi đã chia sẻ về các nghi thức dẫn vào Lễ, giờ đây chúng ta quan tâm tới Phụng Vụ Lời Chúa, một phần chủ yếu của Thánh Lễ, vì chúng ta thực sự qui tụ lại để lắng nghe những gì Thiên Chúa đã thực hiện và vẫn còn đang muốn làm cho chúng ta. Nó là một cảm nghiệm xẩy ra "một cách trực tiếp" chứ không phải bởi nghe, vì "khi Thánh Kinh được đọc lên trong Nhà Thờ thì chính Thiên Chúa nói với dân của Ngài, và Đức Kitô, hiện diện nơi Lời Chúa, là Đấng loan báo Phúc Âm" (Ordinamento Generale del Messale Romano, 29; Cf. Constitution Sacrosanctum Concilium, 7; 33). Thường xẩy ra là trong khi Lời Chúa được đọc lên thì người ta phê bình chỉ trích: "Hãy nhìn anh chàng kia..., này nhìn cô nàng nọ..., nào nhìn cái mũ cô nàng đội trên đầu: thật là buồn cười...". Và họ bắt đầu bình phẩm này nọ. Làm điều ấy có đúng hay chăng? Có được tỏ ra các thứ phê bình chỉ trích đang khi nghe Lời Chúa hay chăng? [Họ đáp: "thưa không"]. Không, vì khi anh chị em xì xèo chuyện tầm phào với người ta thì anh chị em đâu có nghe Lời Chúa. Khi Lời Chúa trong Thánh Kinh được đọc lên - Bài Đọc 1, Bài Đọc 2, Đáp Ca và Phúc Âm - chúng ta cần phải lắng nghe, cần phải mở lòng mình ra, vì chính Thiên Chúa là Đấng đang nói với chúng ta, và chúng ta không được nghĩ đến những điều gì khác hoặc nói về những chuyện khác. Anh chị em có hiểu không? ... Tôi sẽ giải thích cho anh chị em những gì xẩy ra nơi Phụng Vụ Lời Chúa.
Các trang Thánh Kinh không còn là một bản viết để trở thành lời hằng sống được Thiên Chúa công bố. Chính Thiên Chúa, qua bản thân của người đọc, nói với chúng ta, thành phần tin tưởng lắng nghe. Thần Linh là "Đấng nói qua các vị tiên tri" (Kinh Tin Kính) và đã tác động những vị tác giả linh thánh, tác hành để "Lời Chúa thực sự hoạt động nơi những cõi lòng những gì Ngài làm âm vang nơi tai nghe của họ" (Lectionary, Introd., 9). Tuy nhiên, muốn nghe Lời Chúa cần phải mở lòng ra để lãnh nhận lời này vào lòng mình. Thiên Chúa nói và chúng ta lắng nghe Ngài, rồi mang ra áp dụng thực hành những gì chúng ta đã nghe. Lắng nghe là việc rất quan trọng. Đôi khi, có thể là chúng ta không hiểu rõ vì có một số Bài Đọc hơi khó. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng nói như thế với chúng ta một cách khác. Cần phải thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa. Đừng quên điều này. Khi các Bài Đọc bắt đầu trong Thánh Lễ thì chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa.
Chúng ta cần phải lắng nghe Ngài! Thật vậy, đó là vấn đề về sự sống, như có một câu bén nhọn rõ ràng nhắc nhở chúng ta rằng "người ta không sống nguyên bởi bánh mà bởi mọi lời xuất phát từ miệng Thiên Chúa" (Mathêu 4:4) - một sự sống được Lời Chúa cống hiến cho chúng ta. Theo ý nghĩa đó mà chúng ta nói về Phụng Vụ Lời Chúa như là một thứ "bàn ăn" do Chúa dọn ra để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Bàn Phụng Vụ là một bàn ăn dồi dào phong phú, được rút ra một cách rộng rãi từ kho tàng Thánh Kinh (Cf. SC, 51), cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, vì từ nơi kho tàng này Giáo Hội loan báo một mầu nhiệm nguyên vẹn Chúa Kitô (Cf. Lectionary, Introd., 5). Chúng ta nghĩ đến tính cách phong phú của các Bài Đọc Thánh Kinh giành cho 3 chu kỳ Chúa Nhật, theo chiều hướng bộ Phúc Âm Nhất Lãm, là những gì đồng hành với chúng ta trong suốt Phụng Niên: một kho tàng thật là phong phú. Tôi muốn nhắc lại nơi đây tầm quan trọng của Bài Đáp Ca, có phận sự nuôi dưỡng việc suy niệm về tất cả những gì được nghe ở Bài Đọc trước đó. Thật là tốt đẹp nếu bài Thánh Vịnh này được tăng bổ bằng bài ca, ít là ở câu điệp khúc (Cf. OGMR, 61; Lectionary, Introd., 19-22).
Việc công bố các Bài Đọc tương tự theo phụng vụ, bằng các bài ca được diễn dịch theo Thánh Kinh, là những gì thể hiện và duy trì mối hiệp thông giáo hội, hỗ trợ cho đường lối của mỗi người và của mọi người. Bởi thế mà người ta mới hiểu rằng tại sao lại xẩy ra chuyện cấm các việc chọn lựa chủ quan, như bỏ qua các Bài Đọc hay thay thế các Bài Đọc bằng những bản văn ngoài Thánh Kinh. Tôi đã nghe thấy một số nơi, nếu có tin tức, thì đọc nhật báo, vì đó là tin tức của ngày hôm đó. Không! Lời Chúa là Lời Chúa! Chúng ta có thể đọc nhật báo sau, còn ở đó thì phải đọc Lời Chúa. Chính Chúa là Đấng nói với chúng ta. Việc thay thế Lời Chúa bằng những thứ khác là những gì làm suy nhược và tổn hại đến cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Ngài trong cầu nguyện. Ngược lại, vị giảng thuyết và việc sử dụng Sách Bài Đọc cần phải xứng đáng (Introduction to the Lectionary), những ai đọc Bài Đọc cũng như những ai đọc Bài Đáp Ca một cách hay họ cần phải sẵn có đó. Tuy nhiên, cần phải tìm kiếm những ai đọc hay! - những ai có thể đọc, chứ không phải những người đọc [vấp váp] và chẳng hiểu gì. Cần những người đọc hay. Họ phải dọn mình và thử đọc cho hay trước Lễ. Điều này tạo nên một bầu khí âm thầm tiếp nhận (OGMR, 56).
Chúng ta biết rằng lời Chúa là một trợ giúp bất khả châm chước để khỏi bị sai lạc, như câu Thánh Vịnh rõ ràng nhìn nhận bằng việc thân thưa cùng Chúa một cách xưng thú rằng: "Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước" (119:105). Chúng ta làm thế nào có thể đối diện với cuộc hành trình trần thế của mình với đầy những gian nan khốn khó mà lại không thường xuyên được nuôi dưỡng và sáng soi bởi Lời Chúa được vang vọng trong Phụng Vụ chứ?
Chắc chắn là việc lắng nghe bằng tai chưa đủ, mà không lãnh nhận vào lòng hạt giống Lời thần linh, cho Lời này sinh hoa kết trái. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn người gieo giống và các thành quả khác nhau tùy theo loại đất khác nhau (xem Marco 4:14-20). Tác động của Thần Linh, một tác động mang lại hiệu ứng, cần đến cõi lòng để mình được tác động và vun cấy, nhờ đó những gì được nghe ở Thánh Lễ chuyển sang cuộc sống thường nhật, theo lời Thánh Giacôbê cảnh giác: "Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình" (1:22). Lời Chúa thực hiện một đường lối trong chúng ta. Chúng ta nghe Lời Chúa bằng tai và Lời Chúa được chuyển đến cõi lòng. Lời Chúa không dừng lại ở tai nghe; nó cần phải đi đến cõi lòng, và từ cõi lòng Lời Chúa được chuyển ra bàn tay, ra các việc lành. Đó là tiến trình của Lời Chúa: từ tai nghe vào cõi lòng ra đôi tay. Chúng ta hãy học lấy 3 điều này. Xin cám ơn anh chị em!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu