SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXVII Thường Niên Năm C và Năm Lẻ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




Chúa Nhật

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4

"Người công chính sẽ sống được nhờ trung tín".

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.

Chúa đáp lại tôi rằng: "Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng!" (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Meriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta; họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14

"Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Con hãy lấy những lời lành lẽ phải, con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Ðức Giêsu Kitô. Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Ðấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 17, 5-10

"Nếu các con có lòng tin".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con.

"Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Có thể nói nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm C là sống đức tin. Thật vậy, trước hết, bài Phúc Âm hôm nay đã chứng thực điều ấy. Vẫn biết vấn đề cốt lõi được các môn đệ xin với Chúa Kitô là Thày của các vị là: "Xin Thày ban thêm lòng tin cho các con". Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Kitô về lời yêu cầu này của các vị bề ngoài dường như lạc đề, chẳng nhằm nhò gì đến ước vọng của các vị, chẳng thỏa đáng những gì các vị xin với Người.

 

Ở chỗ, thay vì Người dạy cho các vị cách thức để làm sao các vị có thể tăng thêm đức tin, hay thông ban thần lực của Người cho các vị qua việc đặt tay chẳng hạn, thì Người lại nói về tác dụng của đức tin (1) và dạy các vị hãy chu toàn phận vụ của mình một cách khiêm tốn (2).

 

1- Tác dụng của đức tin: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con."

 

2- Chu toàn phận vụ của mình một cách khiêm tốn: "Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'".

 

Thế nhưng, chính trong huấn dụ này của Người lại chất chứa cách thức hiệu nghiệm nhất để gia tăng đức tin, có nghĩa là muốn gia tăng đức tin thì phải thực hành đức tin, phải sống đức tin, hay nói ngược lại, căn cứ vào giáo huấn của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay thì dường như Chúa ngầm dạy các môn đệ của Người bấy giờ nói riêng và Kitô hữu chúng ta nói chung rằng cứ thực hành đức tin và sống đức tin thì sẽ gia tăng đức tin, thế thôi.

 

Vậy thì thực hành đức tin và sống đức tin để có thể gia tăng đức tin như thế nào theo giáo huấn của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay? Xin thưa, phải vượt lên trên tự nhiên, thậm chí phải đi ngược với lý lẽ tự nhiên: "Dẫu các con khiến cây dâu này rằng: Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển", bởi đức tin là một tài năng siêu nhiên, xứng với đối tượng thần linh thuộc thượng giới của nó, chứ không phải tài năng tự nhiên là những gì giới hạn, chỉ làm được những việc tầm thường thuộc hạ giới trên trần gian này mà thôi.

 

Tuy nhiên, nếu đức tin là khả năng siêu nhiên, vượt trên khả năng tự nhiên của con người, thì đức tin chính là tác động thần linh nơi con người, giúp con người cảm nghiệm được những mạc khải thần linh hay mầu nhiệm thần linh, và thực hiện được những tác động thần linh, như nhân danh Chúa mà làm chữa lành, mà trừ quỉ, hay sẵn sàng chết cho tha nhân, sẵn sàng chết vì đức tin của mình, thì con người phải làm sao để tác động thần linh xẩy ra nơi mình, ở chỗ, chính bản thân của họ phải trở nên như "một hạt cải" nhỏ bé nhất trong tay Chúa, nghĩa là hoàn toàn tin vào Chúa, để Ngài chiếm đoạt và làm chủ.

 

Hình ảnh như "một hạt cải" bé nhỏ nhất trong các hạt giống (xem Mathêu 13:32) đã được Chúa Kitô diễn giải qua vai trò và thái độ của người đầy tớ "khi làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'". "Vô dụng", theo lời Chúa Kitô muốn nói ở đây, dù con người đầy tớ nào đó có làm được việc hết sức đắc lực và đáng khen thưởng chăng nữa, không phải ở chỗ chính họ làm được, mà là Thiên Chúa là Đấng đã làm trong họ và qua họ, còn họ chỉ là một phương tiện thuần túy, không có họ thì Ngài vẫn thực hiện được dự định và công việc của Ngài, bằng cách thức quan phòng thần linh của Ngài và vào thời điểm thiên định của Ngài.

 

Đúng thế, tác động đức tin nơi Kitô hữu chúng ta, một tác động thần linh làm được tất cả những gì mà khả năng tự nhiên hạn hẹp của con người bất khả, hoàn toàn ngược lại hay đúng hơn vượt lên trên tất cả mọi lý lẽ trần gian, là do "thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ", một "thần khí" do "Thiên Chúa đã ban" cho chúng ta, như được Thánh Phaolô nhắc đến trong Bài Đọc 2 hôm nay, nhờ đó, "người công chính sẽ sống nhờ trung tín", như Tiên Tri Habacúc nói đến trong Bài Đọc 1 hôm nay, hay nói cách khác, nghĩa là: "Người công chính sống bởi đức tin" (Roma 1:17; Galata 3:11; Do Thái 10:38).

 

Cái then chốt trong việc sống đức tin và thực hành đức tin, theo giáo huấn của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay, đó là trở nên bé nhỏ như "một hạt cải" để quyền năng của Thiên Chúa toàn năng và toàn thiện có thể tỏ hiện, hay cũng chính là trở thành "vô dụng" để "Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (Mathêu 6:10-11) nơi chúng ta. Muốn được thế, chúng ta chỉ có thể áp dụng hay đáp ứng câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay, đó là: "Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: 'Các ngươi đừng cứng lòng!'"

 


 


Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 1, 1 - 2, 1. 11

"Ông Giona chỗi dậy lánh xa mặt Chúa".

Khởi đầu sách Tiên tri Giona.

Có lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninivê, một thành rộng lớn, và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta".

Giona liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê, gặp tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang Tharsê, lánh xa mặt Chúa.

Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi lên, khiến tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng thần minh của mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó ông Giona xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng: "Sao ông ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may ra Thiên Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết".

Ai nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: "Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt thăm coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này". Rồi họ bắt thăm, thì trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: "Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ nào chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Ði đâu? Hoặc thuộc dân nào?" Ông trả lời họ rằng: "Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ Thiên Chúa là Chúa Trời, Ðấng tạo thành biển khơi và lục địa".

Họ khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: "Sao ông hành động thế này? (Vì theo lời ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng động mạnh thêm". Ông bảo họ rằng: "Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này".

Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn". Rồi họ bắt vứt ông Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.

Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Gn 2, 2. 3. 4. 5. 8

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, từ vực sâu thẳm, Chúa đã cứu sống mạng con (c. 7c).

Xướng: 1) Nằm trong bụng cá, ông Giona thưa cùng Chúa là Thiên Chúa của mình rằng: - Ðáp.

2) Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời con; tự lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con. - Ðáp.

3) Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi cuốn thân con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con. - Ðáp.

4) Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con sẽ còn được xem thấy thánh điện Ngài. - Ðáp.

5) Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới) Chúa. Lời cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

"Ai là anh em của tôi?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"

Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".

"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Phụng Vụ Lời Chúa cho Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên hôm nay liên quan đến sự sống đời đời là những gì bất khả phân ly với tính chất đại đồng của tình yêu thương nhau. 

Thật vậy, vấn đề được đặt ra trong bài Phúc Âm hôm nay từ "một người thông luật đứng dạy hỏi Chúa Giêsu rằng: 'Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?'", đã được Người trực tiếp khẳng định "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống", ở chỗ, đúng như câu trả lời của chính nhân vật ấy: "Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". 

Nghĩa là muốn được sống đời đời thì phải mến Chúa hết mình và yêu người như chính bản thân mình. "Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: 'Nhưng ai là anh em của tôi?'". Tại sao "người đó muốn bào chữa mình" bằng câu hỏi tiếp theo "ai là anh em của tôi?" Phải chăng vì nhân vật này khó có thể yêu thương bất cứ ai, cùng lắm chỉ yêu thương những ai là ruột thịt của mình, những ai mình thích và những ai thích mình, về phe mình, tức là còn đầy khuynh hướng kỳ thị, còn đầy những thành kiến trong đầu, còn đầy ác cảm với tha nhân v.v.?

Có thể là thế. Bởi vậy, Chúa Giêsu đã phải sử dụng một dụ ngôn để cho nhân vật ấy biết "ai là anh em của tôi?", nhờ đó mà noi gương bắt chước: "đi và làm như vậy", sau khi nhân vật này đã nhận xét rất đúng theo câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra để kết thúc dụ ngôn của Người: "'Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?' Người thông luật trả lời: 'Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy'".

Vậy "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy" là ai và "người ấy" là người nào? Nếu không phải "người ấy" là "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết".

Và "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy" là ai - theo nhân vật thông luật trả lời thì không phải là "một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua", mà là "một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông'". 

Vấn nạn của nhân vật thông luật "ai là anh em của tôi", theo dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, không được Chúa Giêsu trả lời đó chính là nạn nhân bị rơi vào tay bọn cướp, mà vấn đề hoàn toàn ngược hẳn lại "ai là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp". 

Có nghĩa là, theo kinh nghiệm sống đạo và giao tiếp, bao lâu chúng ta còn đặt vấn đề "ai là anh em của tôi?" là chúng ta còn khuynh hướng kỳ thị, còn kẻ thù, thậm chí là chính những người ruột thịt của chúng ta, bởi chúng ta còn muốn chọn lựa anh em theo ý nghĩ, ý thích và ý muốn tự nhiên thiên lệch đầy vị kỷ của mình, và vì thế chúng ta vẫn còn gặp rất nhiều kẻ thù, rất nhiều đối phương, bất kể người ấy là ai, là thân nhân, ân nhân, thân hữu của mình một thời v.v.

Ngược lại, nếu chúng ta coi mình là anh em của mọi người thì sẽ chẳng bao giờ còn kẻ thù, còn đối phương, còn tranh giành, còn ghen ghét, còn đố kỵ v.v. Chúng ta sẽ như Chúa Kitô đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ (xem Mathêu 20:28), sống hòa đồng với mọi người, tiến đến với mọi người, bất kỳ ai, nhất là những con người thấp hèn bé mọn bần cùng khốn khổ trong xã hội, hơn là chờ mọi người đến với mình, hơn là quen thân gắn bó với thành phần giầu sang quyền quí thế lực v.v.

Ở trong Bài Đọc 1 hôm nay, tiên tri Giona đóng 2 vai một lúc, vừa là nạn nhân vừa là cứu nhân, như hai vai chính trong bài Phúc Âm hôm nay, nạn nhân nằm đường và cứu nhân Samaritanô nhân lành. Vị tiên tri Giona này đóng vai nạn nhân ở chỗ: "trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa... (và) xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt", đồng thời vị tiên tri nạn nhân này cũng đóng vai cứu nhân: "Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này". Tuy vị tiên tri này sẵn sàng hy sinh cho những người vô tội đang gặp nguy tử chỉ vì hậu quả gây ra bởi lầm lỗi của mình, người ta vẫn không nỡ đối xử với phạm nhân như phạm nhân nhận tội và đáng phạt, cho tới khi bất đắc dĩ họ mới đành phải làm một cách tin tưởng:

"Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: 'Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn'. Rồi họ bắt vứt ông Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa".

Về phần mình, Thiên Chúa muốn lợi dụng chính phạm nhân Giona để tỏ mình ra cho chẳng những dân ngoại là đám thủy thủ vứt phạm nhân Giona xuống biển mà nhất là còn cho cả chính đương sự Giona nữa, ở chỗ "Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ", và chính vì thế mà vị tiên tri dám trốn lánh thi hành lệnh truyền của Chúa trong sứ vụ đến rao giảng thống hối cho dân Thành Ninive, đám dân thuộc đế quốc Assyria vốn thù địch với dân Do Thái, bắt dân Do Thái đi đầy, đã nhận biết Ngài ngay trong bụng cá, như chính vị tiên tri đã thân thưa cùng Chúa ở Bài Đáp Ca hôm nay:

 

2) Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời con; tự lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con.

3) Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi cuốn thân con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con.

4) Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con sẽ còn được xem thấy thánh điện Ngài.

5) Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới) Chúa. Lời cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của Ngài.

 


 

Ngày 7 tháng 10

Lễ Ðức Mẹ Mân Côi

Lễ Kính

 

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".

Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại:"Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn". Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa:"Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: "Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Ðáp.

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Ðáp.

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19

"Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Image result for our lady of rosary

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: "Kinh mân côi là kinh nguyện tôi yêu thích"

Trong Huấn Từ Truyền Tin đầu tiên mở màn cho giáo triều của mình, Chúa Nhật 29/10/1978, tức là sau Chúa Nhật 22/10/1978 là thời điểm Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng của mình, vị tân Giáo Hoàng Thánh Mẫu với khẩu hiệu giáo hoàng “totus tuus” chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội, đã bày tỏ lòng biệt tôn Thánh Mẫu của mình bằng những lời lẽ kết thúc Tháng Mân Côi của Mẹ, những lời lẽ như dạo khúc cho thấy trước những gì ngài sẽ chính thức bày tỏ trong Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”, một văn kiện được ngài ban hành vào chính dịp kỷ niệm đúng 24 năm được bầu làm giáo hoàng của mình, ngày 16/10/2002, để mở màn cho Năm Mân Côi là năm kéo dài cho tới ngày 19/10/2003, một Năm Thánh Mẫu dọn đường cho Năm Thánh Thể ngay sau đó, kéo dài từ ngày 17/10/2004 cho đến ngày 23/10/2005 cuối tháng này. Sau đây là nguyên văn những lời dạo khúc về Kinh Mân Côi của vị giáo hoàng totus tuus này:

 

… Tôi muốn anh chị em hãy chú tâm đến kinh mân côi. Thật vậy, Tháng 10 là tháng được giành riêng cho kinh mân côi trong khắp cả Giáo Hội.

 

Kinh mân côi là kinh nguyện tôi yêu thích. Một kinh nguyện tuyệt vời! Tuyệt vời ở tính cách giản dị của nó mà lại sâu xa của nó. Nơi kinh nguyện này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Trinh Nữ Maria đã nghe được từ vị Tổng Lãnh Thiên Thần, cũng như từ bà Isave chị họ của Trinh Nữ. Toàn thể Giáo Hội liên kết với những lời này. Có thể nói rằng kinh mân côi, ở một nghĩa nào đó, là lời dẫn giải nguyện cầu về chương cuối cùng của Hiến Chế Công Đồng Chung Vaticanô II Ánh Sáng Muôn Dân Lumen Gentium, một chương bàn đến việc hiện  diện tuyệt vời của Mẹ Thiên Chúa nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo Hội. 

 

Thật vậy, trước bức phông có những lời “Kính Mừng Maria” linh hồn thấy hiện lên trước mắt những cảnh đời chính của Chúa Giêsu Kitô. Những cảnh đời này hợp lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, và chúng giúp chúng ta sống hiệp thông với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim của Mẹ Người.

 

Lòng của chúng ta, nơi những chục kinh mân côi này, đồng thời cũng có thể ấp ủ tất cả những sự kiện làm nên cuộc sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và nhân loại. Những vấn đề cá nhân và những vấn đề của tha nhân, đặc biệt là của những ai gần chúng ta nhất, những ai thân thiết với chúng ta nhất. Nhờ đó, nhịp điệu của cuộc đời con người rung động theo lời kinh nguyện mân côi chân thành giản dị này.

 

Trong ít tuần vừa rồi, tôi đã có dịp được gặp gỡ nhiều người, nhiều đại diện thuộc một số quốc gia và những môi trường khác nhau, cũng như thuộc các Giáo Hội và cộng đồng Kitô giáo khác nhau. Tôi muốn anh chị em tin tưởng rằng tôi đã không ngừng chuyển dịch những mối liên hệ này thành ngôn ngữ của kinh mân côi, để mọi người tìm thấy bản thân mình nơi tâm điểm của thứ kinh nguyện cống hiến một chiều kích trọn vẹn cho tất cả mọi sự đây.

 

Trong những tuần lễ cuối cùng này đây, tôi và Tòa Thánh thấy có nhiều dấu chứng tỏ thiện chí của dân chúng trên khắp thế giới. Tôi muốn chuyển dịch niềm tri ân của tôi thành những chục kinh mân côi để thể hiện niềm tri ân ấy bằng lời nguyện cầu, cũng như theo kiểu cách của con người; bằng kinh nguyện rất giản dị nhưng lại rất phong phú này.

 

                                    

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS

 

 


Thứ Ba


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 3, 1-10

"Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi".

Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 7-8

Ðáp: Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? (c. 3)

Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.

2) Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.

3) Israel đang mong đợi Chúa: bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giầu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 144, 14cd

Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với".

Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Lc 10, 38-42

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Hôm nay, Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên, Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca thuật lại sự kiện về việc Chúa Giêsu ghé vào thăm gia đình 3 chị em Matta, Maria và Lazarô, và được người chị cả tiếp đón nồng hậu, nhưng rất tiếc bà chị lại đã tỏ ra ghen tị với người em gái của mình trước mặt Chúa Giêsu.

Thật ra Chúa Giêsu không trách Matta về việc phục vụ cần thiết của chị, cho bằng trách chị "lo lắng bối rối về nhiều chuyện", đến độ trở thành bất an, được bộc lộ qua thái độ và ngôn ngữ có tính cách ghen tị với em của chị: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với".

Nếu chị cứ âm thầm làm tất cả những gì cần thiết như chị cảm thấy để ân cần tiếp đãi vị đại khách của gia đình chị là Chúa Giêsu, với một tâm hồn hoàn toàn yêu mến Thày và yêu thương các em trong nhà, sẵn sàng chịu thiệt để cho chúng thay mình đang bận làm việc gần gũi tiếp chuyện với Thày, thì chị đâu có bị khiển trách như thế. 

Tuy nhiên, qua lời chị ghen tị với em của chị như thế mới thấy được rằng chính chị cũng muốn được gần gũi với Chúa Giêsu như em của chị. Đó là lý do có những lúc hoạt động không còn giờ cầu nguyện, tâm hồn vẫn có thể khao khát Chúa, vẫn có thể cầu nguyện bằng chính lòng khao khát của mình, miễm là đừng coi thường cầu nguyện khi có giờ và chỉ vì thích hoạt động mà bỏ cầu nguyện khi có thể.

Phải, sống nội tâm và bằng an, sống vì Chúa và cho tha nhân là "sự cần duy nhất mà thôi", bằng không tất cả mọi hoạt động của chúng ta, cho dù lành thánh mấy chăng nữa, cho dù thiện ích mấy chăng nữa, cũng có thể trở thành dịp tội cho con người hoạt động, cuối cùng họ chỉ mất công vô ích mà thậm chí hoạt động còn trở thành nguy hiểm cho tâm hồn của họ nữa. 

Như thế, có thể nói Matta là biểu hiệu cho đời sống hoạt động, còn Maria biểu hiệu cho đời sống cầu nguyện: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Căn cứ vào giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay qua sự kiện Matta-Maria này, chúng ta thấy: 1- đời sống nội tâm cầu nguyện là chính yếu và cần trước hết và trên hết; 2- có biết lắng nghe tiếng Chúa bằng đời cầu nguyện mới có thể làm theo ý Ngài khi hoạt động, bằng không lúc đầu làm vì Chúa cuối cùng làm vì mình.

Trong Bài Đọc 1 chúng ta cũng thấy hiện lên 2 hình ảnh Matta hoạt động nhưng lại không đẹp lòng Chúa, trong khi Maria tĩnh lắng lắng nghe thì lại được Chúa khen. Matta ở Bài Đọc 1 hôm nay đó là tiên tri Giona, vị tiên tri chỉ thi hành ý Chúa một cách bất đắc dĩ, như đã thấy trong Bài Đọc 1 hôm qua và cả ngày mai nữa, trong khi đó Maria ở trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay là chính dân thành Ninivê, vừa nghe thấy vị tiên tri người Do Thái xa lạ cảnh báo liền ăn năn xám hối từ người đến thú, từ vua đến dân, tất cả thành, nên được Chúa thứ tha.

"Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: 'Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?'. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó".

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay không phải chỉ tập trung vào vai trò của hai chị em Matta hoạt động và Maria nội tâm, mà là về Lòng Thương Xót Chúa, một lòng thương xót là chính chân dung của Ngài, cần được con người chiêm ngắm và tin tưởng, như Marai trong bài Phúc Âm hôm nay, để Ngài có thể tỏ lòng xót thương, như dân thành Ninive đã tỏ lòng tin tưởng vào vị tiên tri xa lạ được lòng thương xót Chúa sai để với họ và đã cấp thời đáp ứng lời cảnh báo của vị tiên tri, bằng việc ăn năn thống hối xứng với lòng thương xót Chúa trong Bài Đọc 1 hôm nay, một niềm tin tưởng vào lòng thương xót Chúa được gói ghém trong và phản ảnh qua tâm tình đầy xác tín của Thánh Vịnh 129 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.

2) Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.

3) Israel đang mong đợi Chúa: bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giầu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.

 

 

 

 

Thứ Tư


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 4, 1-11

"Ngươi buồn bực vì dây dưa, chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn sao?"

Trích sách Tiên tri Giona.

Ông Giona buồn bực quá sức và giận dữ, ông cầu nguyện cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa, chớ thì chẳng phải như lời con đã cầu xin khi con còn ở quê nhà con sao? Bởi đó con lo trốn sang Tharsê: vì con biết Chúa là Thiên Chúa khoan nhân, từ bi, nhẫn nhục, đầy tình thương và tha thứ tội ác. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cất linh hồn con ra khỏi con, vì thà con chết còn hơn là sống". Chúa liền hỏi rằng: "Ngươi có nghĩ là ngươi giận đúng không?"

Ông Giona ra khỏi thành phố và ngồi ở phía đông thành phố; ông tự dựng một cái lều, và ngồi dưới bóng nó, chờ xem biến cố sẽ xảy ra trong thành. Chúa là Thiên Chúa khiến một dây dưa mọc lên khỏi đầu ông Giona, rợp bóng trên đầu ông, che mát cho ông (vì ông mệt mỏi); nhờ dây dưa đó, ông Giona rất hân hoan vui mừng. Sáng sớm hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn dây dưa, và nó ra khô héo. Khi mặt trời mọc lên, Chúa khiến cơn gió nóng thổi lên và mặt trời giọi xuống đầu ông Giona, ông nóng nực và xin cho mình chết mà rằng: "Thà con chết đi còn hơn là sống".

Chúa phán cùng ông Giona rằng: "Ngươi có nghĩ ngươi giận vì dây dưa là đúng không?" Ông thưa: "Ðúng, con giận cho đến chết (đi được!)" Chúa phán: "Ngươi buồn bực vì dây dưa mà ngươi không mất công vun trồng, không làm cho nó mọc lên, đêm nay nó mọc lên và đêm sau nó khô héo. Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?"

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 85, 3-4. 5-6. 9-10

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung (c. 15b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, xin thương con, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giầu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. - Ðáp.

3) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm nên những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 1-4

"Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói:

"Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên, tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, chẳng những liên tục về bố cục theo đoạn và câu mà còn liên tục về cả nội dung của hai bài Phúc Âm này nữa. Ở chỗ, nếu bài Phúc Âm hôm qua liên quan đến đời sống nội tâm thì bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến tinh thần cầu nguyện.


Đúng thế, Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay thuật lại rằng: "Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: 'Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông'".


Thánh ký Luca không cho chúng ta biết rõ tên của người "môn đệ" nào trong 12 tông đồ hay trong 72 môn đệ đã xin Người dạy cho chung các vị cầu nguyện, mà là cầu nguyện theo kiểu của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả dạy cho các môn đệ của ngài. Chúng ta có thể suy đoán, người "môn đệấy một là Tông Đồ Anrê hai là Tông Đồ Philiphê, hai môn đệ của vị tiền hô này đã đến xem chỗ Người ở, ba là Nathanael / Bartholomeo và bốn là Simon / Phêrô là 2 người được hai vị đến trước và về rủ đến sau (xem Gioan 1:35-51).

 

Chúng ta ở đây không biết Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã dạy các môn đệ cầu nguyện của ngài như thế nào mà môn đệ này đã cảm thấy hay đến độ xin Chúa Giêsu dạy cho họ như thế hay hơn thế. Chỉ biết rằng, đích thân Chúa Giêsu đã đáp ứng lời yêu cầu chính đáng của người môn đệ đại diện ấy bằng cách cống hiến cho môn đệ của mình công thức cầu nguyện cùng Cha của Người như sau:

 

"Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".

 

Chúng ta cũng không biết kinh nguyện trên đây của Chúa Giêsu có phải là chính tâm nguyện chính yếu và liên lỉ của Người đối với Cha của Người, những tâm nguyện được Người bộc phát và bày tỏ ra cùng Cha của Người mỗi lần Người cầu nguyện cùng Cha của Người hay chăng? Nhưng chúng ta chắc chắn một điều rằng nếu những lời cầu nguyện ấy không phải là những gì hay nhất, tuyệt vời nhất và đẹp lòng Cha của Người nhất, vì không ai biết Cha Người bằng Người, thì Người đã không dạy cho các môn đệ của Người, không dạy cho chúng ta.

 

Thế nhưng, nếu cho rằng những lời cầu ấy là chính tâm nguyện của Chúa Giêsu ấp ủ đối với Cha của Người thì phần "nguyện" đầu của lời cầu mà chúng ta vẫn gọi là Kinh Chúa Dạy hay Kinh Lạy Cha này là những gì có thể khả chấp: "Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến", nhưng còn phần "xin" sau đó dường như không hợp với Người, không xứng với Người, Đấng không cần những vấn đề thuộc hạ giới này của loài thuần nhân như chúng ta: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". 

 

Tuy nhiên, ở đây, Chúa Kitô cầu nguyện với tư cách là một Con Người, (chứ không phải với tư cách là một Vị Thiên Chúa), một Con Người cầu nguyện thay con người, cầu nguyện với con người và cầu nguyện cho con người. Vì là Con Người, Người cũng cần "xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" là biết làm theo và chu toàn ý muốn Cha là Đấng đã sai Người (xem Gioan 4:34). Vì Người là Đấng gánh tội trần gian và đền tội cho trần gian mà Người cũng xin Cha "tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con", ở chỗ tha nợ cho Người cũng là tha nợ cho đồng loại tội nhân của Người, như Người đã tha nợ cho những kẻ lầm lẫn không biết việc mình làm khi ra tay sát hại Người (xem Luca 23:34). Vì là Đấng đã hóa thân làm người, cũng có ý muốn riêng theo bản tính loài người mà Người cũng "xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ" là khuynh hướng luôn tìm theo ý riêng mình hơn là ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn tối cao nhưng vô cùng oan khiên khắc nghiệt của Thiên Chúa đối với ý riêng của con người.

 

Bài Đọc 1 hôm nay rất thích hợp với Kinh Lạy Cha nói chúng, nhất là với lời cầu cuối cùng của Kinh Lạy Cha của bài Phúc Âm hôm nay: "xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ" . Tiên tri Giona chẳng những đã bị cám dỗ bỏ trốn, không thi hành lệnh truyền của Ngài trong việc đến rao giảng thống hối cho dân Thành Ninivê. Thế nhưng, cho dù được Chúa trừng phạt rồi giải cứu, vị tiên tri này lại càng bị cám dỗ trầm trọng hơn trước nữa, ở chỗ thấy Chúa cũng tỏ lòng thương dân ngoại, như dân Do Thái của mình, nhất là khi vị tiên tri này thấy họ lắng nghe Thiên Chúa qua lời cảnh báo của ông mà ăn năn thống hối nên đã được Chúa tha cho họ, không trừng phạt tội lỗi của họ nữa.

 

Bị cơn cám dỗ ghen tương bủa vây, vị tiên tri này đã "buồn bực quá sức và giận dữ, ông cầu nguyện cùng Chúa rằng: 'Lạy Chúa, chớ thì chẳng phải như lời con đã cầu xin khi con còn ở quê nhà con sao? Bởi đó con lo trốn sang Tharsê: vì con biết Chúa là Thiên Chúa khoan nhân, từ bi, nhẫn nhục, đầy tình thương và tha thứ tội ác. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cất linh hồn con ra khỏi con, vì thà con chết còn hơn là sống'". Nhưng lòng thương xót Chúa đã tỏ ra cho dân ngoại tội lỗi thế nào thì lại càng tỏ ra cho dân của Ngài hơn nữa, điển hình là qua trường hợp của vị tiên tri Giona này. Và Thiên Chúa đã "cứu chúng con cho khỏi sự dữ" ra sao nơi trường hợp tiên tri Giona bấy giờ? Cách thức của Ngài được chính tiên tri Giona thuật lại như sau:

 

"Ông Giona ra khỏi thành phố và ngồi ở phía đông thành phố; ông tự dựng một cái lều, và ngồi dưới bóng nó, chờ xem biến cố sẽ xảy ra trong thành. Chúa là Thiên Chúa khiến một dây dưa mọc lên khỏi đầu ông Giona, rợp bóng trên đầu ông, che mát cho ông (vì ông mệt mỏi); nhờ dây dưa đó, ông Giona rất hân hoan vui mừng. Sáng sớm hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn dây dưa, và nó ra khô héo. Khi mặt trời mọc lên, Chúa khiến cơn gió nóng thổi lên và mặt trời giọi xuống đầu ông Giona, ông nóng nực và xin cho mình chết mà rằng: 'Thà con chết đi còn hơn là sống'. Chúa phán cùng ông Giona rằng: 'Ngươi có nghĩ ngươi giận vì dây dưa là đúng không?' Ông thưa: 'Ðúng, con giận cho đến chết (đi được!)' Chúa phán: 'Ngươi buồn bực vì dây dưa mà ngươi không mất công vun trồng, không làm cho nó mọc lên, đêm nay nó mọc lên và đêm sau nó khô héo. Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?'"

 

Bài Đáp Ca hôm nay, được Giáo Hội trích từ Thánh Vịnh 85, chất chứa tâm tình tri ân cảm tạ và chúc tụng ngợi khen của những tâm hồn nào thực sự cảm nghiệm thấy lòng thương xót Chúa đối với bản thân tội lỗi, khốn nạn và bất xứng của mình:

1) Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, xin thương con, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa.

2) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giầu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

3) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm nên những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa.

 


Thứ Năm


Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) Ml 3, 13 - 4, 2a

"Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa".

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Chúa phán: "Lời của các ngươi chống lại Ta thật thô kệch. Các ngươi đã nói: "Chúng tôi có nói gì chống lại Chúa đâu?" Các ngươi còn nói: "Kẻ phụng thờ Thiên Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ giới răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào ích lợi gì? Vậy giờ đây chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: quả thật, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát".

Bấy giờ những kẻ kính sợ Chúa đàm đạo với nhau, thì Chúa lắng nghe. Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người. Chúa các đạo binh phán: "Trong ngày Ta định hành động, họ sẽ là của riêng Ta. Ta sẽ tha thứ cho họ, như một người tha thứ cho đứa con biết phụng sự mình. Khi trở lại, các ngươi sẽ xem thấy sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ, giữa người phụng thờ Thiên Chúa và kẻ không phụng thờ Người".

"Vì đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả", Chúa các đạo binh phán như vậy. "Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính soi sáng cho, mang theo sự cứu chữa dưới cánh Người".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (c. Tv 39,5a).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 4, 18-19

Alleluia, alleluia! - Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 5-13

"Các con hãy xin thì sẽ được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: "Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy". Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: "Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được". Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Lc 11, 5-13

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên hôm nay tiếp tục tinh thần cầu nguyện của bài Phúc Âm hôm qua liên quan đến lòng tin tưởng vào Đấng ban ân sủng cho những ai chân thành thỉnh nguyện.

Trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta cảm thấy như thể xin gì được nấy, xin gì cũng được, căn cứ vào lời Chúa vừa thúc giục: 

"Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho", vừa hứa quyết: "Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho".

Có hai lý do để xin gì được nấy, như chiều hướng của bài Phúc Âm cho thấy: trước hết là chỉ cần nhẫn nại kêu xin bằng cách liên tục quấy rầy Chúa: 

"Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần".

Lý do chính yếu để được những gì mình xin là tin tưởng vào tấm lòng yêu thương vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng là Cha trên trời bao giờ cũng yêu thương con cái và muốn ban cho con cái những gì tốt nhất và lợi nhất: 

"Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

Tất nhiên, một khi đã sâu xa và đích thực nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân lành và hoàn toàn tin tưởng vào Ngài thì con người có thể biết được những gì đẹp lòng Ngài nhất, và chỉ xin những gì đáng xin, cần xin và phải xin mà thôi, nhất là xin cho tha nhân, xin vì đức bác ái yêu thương v.v. như trường hợp được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thiết đãi anh ấy".

Đối với những ai cầu xin với Thiên Chúa mà không tin tưởng ở chỗ thiếu nhẫn nại, cứ muốn xin ơn kiểu mì ăn liền, xin là được và xin phải được, được như ý, và được ngay lập tức, thì họ chẳng khác gì như thành phần được bài Đọc 1 hôm nay tự nhủ: "Kẻ phụng thờ Thiên Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ giới răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào ích lợi gì? Vậy giờ đây chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: quả thật, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát".

Trái lại, đối với những ai cầu xin Chúa với tất cả tấm lòng tin tưởng cậy trông vào Ngài, chỉ tìm biết xem điều gì Chúa muốn và đẹp lòng Chúa để làm theo và để cầu xin, thì lời Chúa qua miệng tiên tri Malachi trong Bài Đọc 1 hôm nay cho biết rằng: "Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người... Các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính soi sáng cho, mang theo sự cứu chữa dưới cánh Người".

Thân phận của những tâm hồn thành tâm tìm kiếm Chúa và chỉ biết tin tưởng cậy trông vào Ngài được Thánh Vịnh gia ca ngợi là "Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa" (Câu Họa của Bài Đáp Ca hôm nay), và diễn tả về họ trong Thánh Vịnh 1 ở Bài Đáp Ca hôm nay như thế này:

 

1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

 

 

 

 

 

Thứ Sáu

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Ge 1, 13-15; 2, 1-2

"Ngày của Chúa, ngày của u tối mù mịt".

Trích sách Tiên tri Giôel.

Hỡi các tư tế, hãy thắt lưng và kêu khóc! Hỡi các thừa tác viên bàn thờ, hãy la lên! Hỡi các thừa tác viên của Thiên Chúa tôi, hãy tiến vào, hãy mặc áo vải gai mà thức suốt đêm, vì lễ chay, lễ quán bị cất khỏi đền thờ Thiên Chúa các ngươi.

Hãy công bố cuộc chay thánh. Hãy triệu tập đại hội. Hãy tụ họp các bô lão, tất cả những dân cư trong nước hiệp mặt lại trong đền thờ Thiên Chúa các ngươi và hãy kêu cầu Chúa: Ôi, ôi, ôi! ngày vô phúc, vì ngày của Chúa gần đến rồi, nó đến như cuộc tàn phá do Ðấng Quyền Năng thực hiện.

Hãy thổi kèn tại Sion! Hãy la lối trên núi thánh của Ta! Tất cả dân cư trong nước hãy run sợ, vì ngày Chúa đã gần đến rồi, ngày u tối mù mịt, ngày mây đen bão táp: một dân tộc đông đảo và hùng mạnh như rạng đông giãi trên các núi đồi, từ cổ chí kim và bao thế hệ về sau cũng chẳng xảy ra giống như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 9, 2-3. 6 và 16. 8-9

Ðáp: Chúa công minh thống trị địa cầu (c. 9a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao. - Ðáp.

2) Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời. Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cái bẫy mà họ đã che. - Ðáp.

3) Nhưng Chúa ngự trị tới muôn đời, Ngài dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Ngài công minh thống trị địa cầu, Ngài chính trực xét xử chư dân. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 15-26

"Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.

Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.

"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Lc 11, 15-26

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên hôm nay cách bài Phúc Âm hôm qua chỉ có một câu duy nhất, đó là câu "Chúa Giêsu trừ một quỉ câm, và khi tên quỉ này bị khu trừ thì người câm nói được. Thấy thế đám đông tỏ ra bàng hoàng kinh ngạc" (Luca 11:14). 

Tuy nhiên, giữa lúc hầu hết dân chúng chứng kiến thấy thế thì đều tỏ ra bàng hoàng kinh ngạc như vậy, cũng còn có một số người vẫn nhất định không tin bằng những dẫn giải lệch lạc hay tiếp tục đòi hỏi hơn thế nữa theo ý của họ rồi mới chịu tin, như bài Phúc Âm hôm nay kể tiếp: "thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: 'Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ'. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống".

Trước thái độ thách thức của một thiểu số con người cứng lòng tin này, Chúa Giêsu đã nhẫn nại cho họ thấy những dẫn giải của họ là sai lầm, hoàn toàn mâu thuẫn, khi Người lấy gậy ông đập lưng ông, lấy chính lập luận của họ để bẻ gẫy họ, khiến họ cứng họng, ở chỗ: 

"Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

Phải, Chúa Giêsu đã chẳng những vạch ra cho những con người cứng lòng tin này thấy cái mâu thuẫn đầy thành kiến của họ, mà còn từ đó cho họ thấy dấu chỉ thời đại về Nước Thiên Chúa ở ngay sự kiện Người trừ quỉ câm bấy giờ nữa: "Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi". 

Nếu theo nguyên tắc "Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán", như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, thì những kẻ dẫn giải sai lầm về sự kiện trừ quỉ câm của Người trong bài Phúc Âm là thành phần nghịch với Người, đồng thời cũng vì thế mà trở thành những kẻ "phân tán" hay cũng gọi là thành phần thọc gậy bánh xe hay thành phần phá đám. 

Đoạn cuối cùng của Bài Phúc Âm hôm nay cũng rất đáng chú ý, bởi vì nó hình như liên quan đến chính bản thân của con người được Chúa Giêsu trừ quỉ cho:

"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: 'Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi'. Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".

Ở đây chúng ta có thể áp dụng vào trường hợp của thành phần tân tòng được trừ quỉ nhờ Phép Rửa lúc họ được thanh tẩy khỏi nguyên tội, hay trường hợp của thành phần được trừ quỉ nhờ quyền năng tha tội của Thiên Chúa trong tòa giải tội, hoặc trường hợp của những tâm hồn được trừ quỉ bởi ân sủng dồi dào nhờ một cuộc tĩnh tâm tuyệt vời nào đó v.v

Thế nhưng, trong tiến trình tiến đức và hành trình đức tin, nhất là gặp những giai đoạn khô khan nguội lạnh, các đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu, (được ám chỉ nơi 7 mối tội đầu, là những gì không bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn trong con người dù họ đã được lãnh nhận Phép Rửa, đã được thánh hóa), bấy giờ chúng được xu hướng xấu nơi con người, một xu hướng đóng vai "thần ô uế" nơi con người, chộp ngay lấy thời cơ này, sau một thời gian thiếp ngủ trước tác dụng của ân sủng thần linh nơi tâm hồn tân tòng hay mới hòa giải hoặc mới tĩnh tâm sốt sắng về, tái hoành hành và tung hoành còn dữ dội hơn trước nữa, vì có thêm vây cánh của nó là 7 mối tội đầu, những mối tội đóng vai như "7 tà thần khác", khiến tình trạng tâm hồn vừa sốt sắng hay trở lại ấy trở nên khốn đốn hơn bao giờ hết, nếu không biết "tỉnh thức và cầu nguyện" (Mathêu 26:41).

Tuy nhiên, theo sự quan phòng thần linh vô cùng huyền diệu của Vị Thiên Chúa toàn thiện và toàn ái thì cuộc tấn công của "thần ô uế" cùng với "7 tà thần khác" đó nơi tâm hồn Kitô hữu chỉ mặc hình thức của một cuộc thử thách đức tin của họ, như tiên tri Joel ở Bài Đọc 1 hôm nay diễn tả như là "ngày Chúa đã gần đến rồi, ngày u tối mù mịt, ngày mây đen bão táp", nhờ đó họ chứng tỏ họ sống công chính có thật hay chăng và tới đâu.

Và nếu chỉ vì họ bất trung cách nào mà họ phải chịu hậu quả "khốn nạn hơn trước" như thế, hoặc vì họ đã chiều theo "thần ô uế" là khuynh hướng xấu của họ và "7 tà thần khác" là 7 mối tội đầu trong họ, mà họ đã sống buông tuồng sau một thời gian sốt sắng đạo đức tốt lành, thì việc họ cần phải làm để chống lại xu hướng xấu cùng với 7 mối tội đầu ấy, cũng đã được tiên tri Joel kêu gọi thực hiện, đó là: "hãy thắt lưng và kêu khóc... hãy mặc áo vải gai mà thức suốt đêm... Hãy công bố cuộc chay thánh".

Việc họ trung kiên sống đức tin trước sức cám dỗ của xu hướng xấu và mầm mống tội lỗi nơi họ, hay trở lại với đức tin sau khi sa ngã sống buông tuồng cách nào, cũng chính là việc họ tuyên xưng: "Chúa công minh thống trị địa cầu", như câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay, một bài Đáp Ca chất chứa tâm tình tri ân cảm tạ của những tâm hồn nhận biết Ngài là Vị Thiên Chúa tối cao làm chủ tất cả mọi sự theo dự án thần linh và công cuộc cứu độ của Ngài:

1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao.

2) Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời. Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cái bẫy mà họ đã che.

3) Nhưng Chúa ngự trị tới muôn đời, Ngài dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Ngài công minh thống trị địa cầu, Ngài chính trực xét xử chư dân.

 

 


Thứ Bảy


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Ge 3, 12-21

"Các ngươi hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã tới".

Trích sách Tiên tri Giôel.

Ðây Chúa phán: "Các dân hãy chỗi dậy và tiến đến đồng Giosaphát: vì Ta sẽ ngự nơi đó để phán xét mọi dân tộc chung quanh. Các ngươi hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã tới. Này, các ngươi hãy xuống đi, vì bàn ép đã đầy, các chum đã tràn, vì tội ác của chúng đã gia tăng.

"Có vô số dân tộc trong cánh đồng giết chóc: vì ngày Chúa đến trong cánh đồng giết chóc đã gần. Mặt trời mặt trăng đã ra tối tăm, các vì sao đã mất ánh sáng. Từ Sion, Chúa sẽ hét to, và từ Giêrusalem, tiếng Người sẽ vọng ra: trời đất sẽ rung chuyển và Chúa sẽ là niềm cậy trông của dân Người, là sức mạnh của con cái Israel. Các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi, đang ngự trên Sion, núi thánh của Ta: Giêrusalem sẽ là thành thánh và các ngoại kiều không còn lai vãng qua đó nữa.

"Trong ngày ấy, sẽ xảy ra là các núi sẽ nhỏ mật ngọt, các đồi sẽ chảy ra sữa; nước sẽ chảy qua các sông ở Giuđa, mạch nước từ đền thờ Chúa sẽ chảy ra tưới suối gai góc. Ai-cập sẽ trở nên hoang vu; Iđumê sẽ trở thành rừng bị tiêu huỷ: lý do là tại chúng ngược đãi con cái Giuđa, và đổ máu vô tội trong lãnh thổ của chúng. Còn đất Giuđa sẽ có người cư ngụ đời đời, và Giêrusalem cũng sẽ có người cư ngụ từ đời nọ tới đời kia. Ta sẽ rửa sạch máu chúng mà trước Ta chưa rửa sạch, và Chúa sẽ ngự tại Sion".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 11-12

Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa! (c. 12a).

Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.

3) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người! - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 11, 27-28

"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!" Nhưng Người phán rằng: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXVII hôm nay phải nói là bài Phúc Âm ngắn nhất trong các bài Phúc Âm cho phần phụng vụ lời Chúa. Vì bài Phúc Âm này chỉ có 2 câu vắn gọn mà thôi: "Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: 'Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!' Nhưng Người phán rằng: 'Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn'".

Qua 2 câu ngắn ngủi của bài Phúc Âm này, Thánh ký Luca thuật lại cho chúng ta biết về sự kiện có một người đàn bà nghe thấy Chúa Giêsu giảng dạy thì bị cảm kích nên đã lên tiếng ngợi khen mẹ của nhà đại giảng thuyết có phúc vì đã được cưu mang ngài và cho ngài bú, thế nhưng chính vị đại giảng thuyết gia này đã đính chính về cái phúc thật mẹ của Người có được không như người đàn bà ấy tưởng nghĩ.

Thật vậy, Chúa Giêsu có ý đề cao mẹ của Người về hạnh phúc thật nơi Mẹ không phải chỉ ở tm mức thể lý là "cưu mang" Người và cho Người "" mớm như một người mẹ bình thường, mà trên hết và trước hết ở chỗ Mẹ đã "nghe và giữ lời Thiên Chúa", bằng không Mẹ đã vĩnh viễn không xứng đáng làm Mẹ của Người và có khả năng làm Mẹ của Người, Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng đến không phải để làm theo ý của mình mà là ý của Đấng đã sai Người (xem Gioan 6:38)

Thật vậy, Mẹ Maria đầy ân phúc đã chẳng những được Thiên Chúa ở cùng, được làm Mẹ Con Đấng Tối Cao, làm Mẹ Con Thiên Chúa (xem Luca 1:28,32,34), mà còn đầy ân phúc vì đã tin (xem Luca 1:45), đã xin vâng (xem Luca 1:38), "đã theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới" (Khải Huyền 14:4), cho tới khi đứng bên Thánh Giá với con mình (xem Gioan 19:25). 

Bản thân Mẹ Maria đầy ơn phúc chỉ biết "nghe và giữ lời Thiên Chúa", luôn đáp ứng từng tác động thần linh của Chúa nơi Mẹ, trung kiên cho đến khi Mẹ đứng bên thập giá của Chúa Kitô Con Mình là chính "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), có thể được ám chỉ nơi một số hình ảnh liên quan đến và ám chỉ về ân sủng thần linh và sự sống thần linh (mật, sữa, nước) được tiên tri Joel tiên báo trong Bài Đọc 1 hôm nay, đó là: "Các núi sẽ nhỏ mật ngọt, các đồi sẽ chảy ra sữa; nước sẽ chảy qua các sông ở Giuđa, mạch nước từ đền thờ Chúa sẽ chảy ra tưới suối gai góc".

Những tâm hồn chỉ biết "nghe và giữ Lời Thiên Chúa" như Mẹ Maria, được Thánh Vịnh 96 ở Bài Đáp Ca hôm nay gọi là "Người hiền đức", thành phần luôn cảm thấy "mừng vui trong Chúa" là Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình, Đấng chí tôn chí ái trên hết mọi sự của họ, Đấng vô cùng đáng tôn vinh chúc tụng, như tâm thức được chất chứa trong Bài Đáp Ca hôm nay cho thấy:

1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

3) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người!