SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chúa Nhật Bát Nhật Phúc Âm 

(Gioan 20:19-31)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

 

 

Chúa Nhật II Phục Sinh Năm A

 

Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47

"Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. - Ðáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9

"Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

 

 

Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B

 

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-35

"Họ đồng tâm nhất trí".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 16ab -18. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.

2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần. - Ðáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 5, 1-6

"Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Ðấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.

Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý.

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

 


Chúa Nhật II Phục Sinh Năm C

 

Bài Ðọc I: Cv 5, 12-16

"Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Ðông đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 22-24. 25-27a

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.

2) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, nên chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Ðáp.

3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19

"Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Ðức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Ðức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: "Hãy viết những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á". Tôi quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Ðấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy Người, tôi ngã xuống như chết dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và nói: "Ðừng sợ, Ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Vậy hãy viết những gì ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và những điều phải xảy ra sau này".

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

 


  


  

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Chu kỳ 3 Năm A-B-C cho Chúa Nhật II Phục Sinh cũng là ngày cuối cùng của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, dù khác nhau ở Bài Đọc I và II cùng bài Đáp Ca, cũng đều chỉ có một bài Phúc Âm duy nhất cho ngày này, đó là bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan về "tám ngày sau", đúng thời điểm Chúa Nhật II Phục Sinh.

 

 

"Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: 'Bình an cho các con'".


Theo Thánh ký Gioan thì lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra này là lần hiện ra thứ hai của Người với chung các tông đồ, và lần này cũng là lần duy nhất trong cả Tuần Bát Nhật Phục Sinh được Phúc Âm cho thấy phản ứng tích cực và chủ động của chung tông đồ đoàn qua vai trò đại diện của Tông Đồ Tôma. Để đáp lại lời trắc nghiệm về lòng tin tưởng của các tông đồ về căn tính "Thày là ai?", Tông Đồ Phêrô đã đại diện tuyên xưng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian" (Mathêu 16:16) thế nào, thì giờ đây, Tông Đồ Tôma cũng đại diện tông đồ đoàn tuyên xưng như thế: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" 

 


Câu tuyên xưng của Tông Đồ Tôma sau khi Chúa Kitô Phục Sinh, về hình thức có vẻ khác lạ với câu tuyên xưng chính yếu của Tông Đồ Phêrô: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con", nhưng về nội dung cũng chất chứa những gì cốt lõi trong lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô về căn tính của Người: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". "Chúa" và "Thiên Chúa" nơi lời tuyên xưng của Tông Đồ Tôma đây, trước hết, "Chúa" ám chỉ nguồn gốc thần linh của "Thày là Đức Kitô" Thiên Sai, và "Thiên Chúa" ám chỉ bản tính thần linh của "Con Thiên Chúa hằng sống". 

 


Câu tuyên xưng của Tông Đồ Tôma vào Chúa Kitô Phục Sinh còn có một ý nghĩa làm nên chính Mùa Phục Sinh nữa: "Thày là sự sống lại và là sự sống". Bởi vì, nếu Thày không phải là "Chúa" thì Thày đã không "sống lại", nhưng nay vì Thày đã thật sự "sống lại" nên Thày quả thực là "Thiên Chúa" hằng sống, là chính "sự sống" vậy. 

 

Câu Chúa Giêsu phán sau lời tuyên xưng chính xác của vị tông đồ không còn hoài nghi này là "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin":

 

 

Trước hết, không phải là Người hoàn toàn phủ nhận đức tin không cần chứng từ, bằng không đức tin Kitô giáo sẽ dễ trở thành hoang đường, chỉ thuần linh, nhất là thiếu chứng cứ lịch sử, không hợp với tầm mức lập luận của trí khôn và cảm nhận của tâm linh, phản lại với đường lối nhập thể của Người.

 

 

Bởi thế , dù “thấy” không còn là “tin” và “tin” không phải là “thấy”, vì “thấy” là thấy những gì về chất thể, còn “tin” là tin những gì về bản thể, thì “thấy” một Nhân Vật Giêsu Nazarét, “thấy” chứng cớ phục sinh, nhưng chưa chắc đã “tin” Nhân Vật Giêsu Nazarét đó là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và đã “tin” chứng cớ mộ trống, thiên thần và khăn liệm là các dấu hiệu cho thấy Người đã sống lại từ trong cõi chết.


Câu Chúa Kitô Phục Sinh phán: "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" còn hiểu rằng, không một ai, kể cả Mẹ Maria, được tận mắt chứng kiến thấy thân xác tử giá của Chúa Kitô sống lại cách nào, như thế nào và vào lúc nào, nghĩa là hoàn toàn "không thấy" những gì hữu hình hợp với giác quan tự nhiên bao gồm sự kiện phục sinh, và vì thế cũng "không thấy" xác của Người đâu, nhưng chính sự kiện "không thấy" đó mới đưa các vị đến một thực tại thần linh siêu nhiên, đối tượng của chính lòng "tin", đó là mầu nhiệm phục sinh, nhất là đến chính sự thật của mầu nhiệm này, đó là Đấng bị loài người giết chết đã sống lại từ trong kẻ chết chính là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), như Tông Đồ Phêrô đã tuyên xưng khi Người còn sống, "là Chúa và là Thiên Chúa", như Tông Đồ Toma đã tuyên xưng sau khi Người phục sinh.


Thực tại thần linh và sự thật về Đấng khổ nạn và tử giá bị loài người giết chết vào chiều hôm Thứ Sáu Tuần Thánh đó nay đã sống lại và tỏ mình ra cho các môn đệ được tuyển chọn làm chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người, thành phần Người đã báo trước về cuộc Vượt Qua của Người 3 lần, nhất là lời tiên báo trong Bữa Tiệc Ly: "Thật vậy, Thày đi (ám chỉ về cuộc khổ nạn và tử giá của Người) để dọn chỗ cho các con, sau đó Thày sẽ trở lại (ám chỉ về cuộc phục sinh của Người) để mang các con đi với Thày, để Thày ở đâu các con cũng ở đó" (Gioan 14:3, và xem Gioan 21:19 là chỗ Chúa Kitô phục sinh kêu gọi tông đồ Phêrô theo Người đi chịu chết như Người và với Người cho chiên). Quả thực Người phục sinh đã hoàn toàn ứng nghiệm lời Người đã khẳng định và tiên báo: "Tôi tự bỏ mạng sống mình đi (nơi cuộc khổ nạn) rồi lấy nó lại (nơi cuộc phục sinh)" (Gioan 10:17) để làm cho các môn đệ tin vào Người cũng như cho phần rỗi của những ai tin vào người qua chứng từ của các vị.

 

Sau nữa, khi khẳng định "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin", Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhấn mạnh đến chính cốt lõi của đức tin, đến thực tại thần linh của đức tin, như chính lời tuyên xưng của Tông Đồ Tôma, vị tông đồ không tuyên xưng: "Vâng, giờ đây con đã tin rằng Thày đã sống lại từ trong cõi chết", mà là "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con", vì biến cố phục sinh, cho dù là yếu tố then chốt của Mầu Nhiệm Vượt Qua và làm nên Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm cho thấy tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, vẫn là một phương tiện hay một đường lối hơn là cùng đích, là mục tiêu, vì biến cố phục sinh cần phải có và không thể nào không xẩy ra để Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) và "vô hình" (Colose 1:15) chứng tỏ Ngài thực sự là "Chúa" và là "Thiên Chúa".

 

Sau hết, khi tuyên phán "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin", Người muốn ám chỉ đến chung Giáo Hội, một Giáo Hội có nền tảng là các tông đồ (xem Epheso 2:20), tiêu biểu nhất có thể nói là Tông Đồ Gioan, "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" cũng là người môn đệ duy nhất đứng dưới chân thập giá của Người với Mẹ của Người và được Người trao phó cho Mẹ của Người và muốn phải noi gương bắt chướng Mẹ của Người (Gioan 19:25-27), một người môn đệ, như Mẹ Maria, đã tin Người sống lại rồi, cho dù chưa được Người thực sự hiện ra như với Mai Đệ Liên (xem Gioan 20:8, 13-17).

 

Tông Đồ Gioan và nữ môn đệ đặc biệt Mai Đệ Liên là 2 nhân vật trung kiên theo Chúa Kitô cho đến cùng, cho đến khi đứng dưới chân thập giá của Người đấy. Thế nhưng, cả hai đều thấy chứng cớ phục sinh trước khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra: Nữ môn đệ Mai Đệ Liên thấy trước, thấy tảng đá đã được chuyên rời (xem Gioan 20:1), thậm chí còn nhìn thấy và nghe thấy hai thiên thần ở bên trọng ngôi mộ (xem Gioan 20:12-13), đến độ "nhìn thấy Chúa Giêsu đứng đó" (Gioan 20:14) mà vẫn chưa tin..., trong khi đó, Tông Đồ Gioan, chỉ cần chứng từ các tấm khăn liệm trong ngôi mộ trống là đủ: "Ông đã thấy và đã tin" (Gioan 20:8).

 

Như thế cả Tông Đồ Gioan cũng "thấy" rồi mới "tin" thì có hơn gì Tông Đồ Tôma hay Nữ Môn Đệ Mai Đệ Liên đâu? Đúng thế nhưng mà vấn đề ở đây là Tông Đồ Gioan đã "tin" trước khi được Chúa Kitô hiện ra, nghĩa là cho dù Người có hiện ra hay không thì Người quả thực đã sống lại, vì đối với Tông Đồ Gioan, như với Mẹ Maria đầy ơn phúc, Vị thậm chí không cần phải tận mắt thấy chứng cứ như Tông Đồ Gioan nữa, Chúa Kitô đã thực sự là "Chúa" và là "Thiên Chúa" rồi, nên Người không thể nào chết mà không sống lại, trái lại, chính vì Người là "Chúa" và là "Thiên Chúa" mà Người phải sống lại và chắc chắn phải sống lại để chứng tỏ lời Người đã tự xưng thực tại thần linh của Người và loan báo trước về thực tại thần linh của Người: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Câu "phúc cho ai không thấy mà tin" đây phải chăng Chúa Giêsu ngầm khen tặng Người Mẹ sống đức tin của Người!?! 


 

Phúc Âm không hề thuật lại bất cứ lần nào Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với người mẹ của mình. Tuy nhiên, cho dù Người có âm thầm hiện ra với Mẹ của Người chăng nữa, vào một lúc nào đó, mà thường là ngay sau khi Người sống lại từ trong cõi chết vào nửa đêm Thứ Bảy rạng Chúa Nhật, lúc mọi người đang yên giấc, nhất là đám phụ nữ là thành phần sẽ thức dậy sớm ra mộ sang hôm sau, thì không phải là để chứng tỏ Người thực sự sống lại đúng như Lời Thánh Kinh và lời Người đã tiên báo, cho bằng để đáp ứng lòng Mẹ tin tưởng tràn đầy hy vọng vào cuộc vinh thắng của Người, đồng thời cũng để tưởng thưởng cho Mẹ cũng như bù đắp cho Mẹ về tất cả những khổ đau đến cùng tận mà Mẹ đã hiệp nhất nên một với Người trong việc đồng công cứu chuộc nhân loại, nhờ đó Người đã biến nỗi thống khổ sầu thương của Mẹ thành niềm chất ngất hân hoan (xem Gioan 16:21-22)


Đức tin tông truyền của Giáo Hội là ở chỗ đức tin này được tuyền lại từ chính các tông đồ. Kitô hữu hậu sinh hay thậm chí ngay từ thời các tông đồ tuy không được tận mắt “thấy” Chúa hiện ra(ngoại trừ đặc biệt Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, vị nhận lãnh đức tin vừa nhờ tông truyền vừa bằng cảm nhận bản thân – xem 1Corinto 15:3-4 và 8), hay được diễm phúc sống với Người, được diễm phúc mắt thấy, tai nghe, tay sờ vào Người như các tông đồ (xem 1 Gioan 1:1), nhưng có cùng một đức tin như chính các vị, những con người có phúc được “thấy” nhưng vẫn phải “tin”, không phải chỉ "thấy" rằng quả thực có một nhân vật Lịch Sử Nazarét, đã chịu tử giá và đã phục sinh, vào thời điểm lịch sử của các vị, mà còn "tin" rằng nhân vật Lịch Sử Nazarét, đã chịu tử giá và đã phục sinh ấy chính là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) để sấp mình xuống tôn thờ Người: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con", trước khi có thể làm chứng về Người: “chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (Tông Vụ 4:20, bài đọc 1 Thứ Bảy Bát Nhật Phục Sinh).


Theo phụng vụ thì quả thật biến cố Phục Sinh được Giáo Hội long trọng cử hành và vẫn được nói là tột đỉnh của phụng niên và là tột đỉnh của đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, tự bản chất, mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh chỉ là một biến cố hay là một sự kiện lịch sử. Nghĩa là, như biến cố hay sự kiện lịch sử Chúa Kitô tử giá là để làm chứng rằng Người thực sự là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16) thế nào, thì  biến cố hay sự kiện Chúa Kitô phục sinh cũng để chứng tỏ một chân lý hay một thực tại thần linh về Người như vậy, đó là thực tại: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), đúng như Người đã tỏ mình ra cho tông đồ Gioan ở Đảo Patmo như chính vị tông đồ này đã viết lại trong Khải Huyền ở Bài Đọc II Năm C: "Ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời", một chân lý cũng là một mạc khải thần linh, đối tượng của đức tin, vượt trên con mắt tự nhiên của con người, đã được nhận biết và hoàn toàn phản ảnh nơi lời tuyên xưng của Tông Đồ Toma trong bài Phúc Âm chung cho 3 năm A-B-C hôm nay: "Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi".

 

 

Chân lý đức tin hay mạc khải thần linh "Thày là sự sống lại và là sự sống" nơi Mầu Nhiệm Phục Sinh và Biến Cố Phục Sinh của Chúa Kitô chẳng những chứng tỏ Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, bởi Người là "Chúa", Chúa tể mọi loài trên trời dưới đất (xem Colose 1:15-19; Philiphe 2:8), mà còn chứng tỏ Người là Đấng bất tử, không ai có thể và không một quyền lực nào có thể đụng chạm đến Người (xem Gioan 10:18), bởi Người chính là "Thiên Chúa". Thế nên, con người cần phải tin vào Người, đừng sợ, đừng ngờ vực nữa, "hãy tin" như Người đã khuyên Tông Đồ Toma trong bài Phúc Âm hôm nay, và ngài đã tuyên xưng trước Đấng Vượt Qua là Thày của mình rằng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con".

 

 

Chính nhờ đức tin như vậy, tông đồ Toma nói riêng và các tông đồ nói chung, đã được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, và đã được Người chiếm đoạt và biến đổi, bằng Thánh Linh được Người từ Cha sai đến trên các vị trong Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, nhờ đó, Chúa Kitô Phục Sinh và Thăng Thiên tiếp tục tỏ mình ra để nhiều người nữa tin vào Người qua các vị là thành phần chứng nhân tiên khởi được Người tuyển chọn và sai đi, tỏ tường nhất vào thời điểm tiên khởi của Giáo Hội, như được Sách Tông Vụ thuật lại ở Bài Đọc I trong suốt Mùa Phục Sinh, cả Chúa Nhật lẫn ngày thường trong tuần.

 

 

Đó là lý do mới có sự kiện xẩy ra được Sách Tông Vụ thuật lại trong các Bài Đọc I như sau: "Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi" (Năm A).

 

 

"Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ". (Năm B)

 

 

"Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Ðông đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành" (Năm C).

 

 

Tình trạng Giáo Hội sơ khai như được Sách Tông Vụ thuật lại trong Bài Đọc I Năm A như thế đã được Tông Đồ Phêrô, trong Thư Thứ 1 của ngài ở Bài Đọc II Năm A cho thấy như là một cuộc tái sinh xuất phát từ LTXC: "Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời".

 

 

Trong Bài Đọc II theo Thư Thứ 1 của Tông Đồ Gioan cũng đề cập đến việc tái sinh thần linh như sau: "Các con thân mến, ai tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Ðấng đó. ... Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý".

 

 

Và vì thế nên, đức tin và đời sống tái sinh của cộng đồng dân Chúa tiên khởi này như thể âm vang tâm tình tri ân cảm tạ và chúc tụng ngợi khen LTXC của cùng Bài Đáp Ca cho cả 3 chu kỳ A-B-C:

 

 

1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

Thánh Thi (Giờ Kinh Sách Các Chúa Nhật Mùa Phục Sinh - theo bản của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giờ Kinh)

 

Hôm nay chính là ngày của Chúa

Ánh hồng thiêng rực rỡ tỏa lan

Khi dòng Máu Thánh tuôn tràn

Rửa muôn tội lỗi thế gian bao đời.

 

Nguồn hy vọng nuôi người nản chí

Ánh hào quang soi kẻ mù lòa

Nghe tên trộm được thứ tha

Ai còn sợ sệt ai mà chẳng yên?

 

Thiên thần cũng ngạc nhiên bỡ ngỡ

Ðang thấy y chịu khổ ngoài thân,

Một lời hối cải ăn năn

Bỗng đâu Chúa hứa chung phần thiên cung.

 

Ôi huyền diệu lạ lùng khôn ví:

Muốn chữa lành dịch tễ chúng nhân,

Chính thân thể Ðấng Cao Tôn

Ðền thay tội lỗi của muôn xác phàm!

 

Ôi mầu nhiệm suy làm sao thấu,

Tội chờ lòng nhân hậu tha cho,

Ân tình xua đuổi âu lo

Chết đi mới được thiên thu trường tồn!

 

Giêsu hỡi, chúng con nài nỉ

Ðược muôn đời mừng lễ Vượt Qua,

Tái sinh ơn nghĩa chan hòa

Vang vang khúc khải hoàn ca reo hò!

 

Muôn lạy Chúa Giêsu từ ái

Ðấng lừng danh đánh bại tử thần,

Ngàn đời hiển trị muôn dân

Cùng Ngôi Thánh Phụ Thánh Thần quang vinh.

 

Xin xem thêm

 

Chúa Kitô có thực sự phục sinh hay chăng?