GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Giảng Lễ Chúa Nhật Lời Chúa - CN III Thường Niên

 

 

Pope Francis celebrates Mass on the first Sunday of the Word of God Jan. 26, 2020. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

Chúng ta hãy giành chỗ trong đời của chúng ta cho lời Chúa!

Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một hai câu Thánh Kinh.

 

 

Chúng ta hãy bắt đầu đọc Phúc Âm: Chúng ta hãy cứ để Phúc Âm mở ra ở trên bàn của mình,

mang Phúc Âm trong túi của mình, đọc Phúc Âm trên điện thoại di động của mình,

và để cho Phúc Âm hằng ngày tác động chúng ta.

 

 

"Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy" (Mt 4:17). Bằng những lời ấy, Thánh ký Mathêu đã dẫn nhập vào thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Đấng là Lời Chúa đã đến nói với chúng ta, bằng những lời của Người cũng như bằng đời sống của Người. Trong Ngày Chúa Nhật Lời Chúa đầu tiên này, chúng ta hãy tiến sâu vào cội rễ của việc Người giảng dạy, vào chính mạch nguồn của lời sự sống. Bài Phúc Âm hôm nay (Mt 4:12-23) giúp cho chúng ta biết được Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ra sao, ở đâu và cho ai.

 

1. Người đã bắt đầu ra sao? Rất đơn giản, đó là: "Hãy hối cải, vì nước trời gần đến" (câu 17). Sứ điệp chính cho tất cả các bài giảng của Chúa Giêsu đó là nói cho chúng ta biết rằng nước trời gần đến. Điều này nghĩa là gì? Nước trời có nghĩa là triều đại của Thiên Chúa, tức là cách thức Thiên Chúa hiển trị nơi mối liên hệ với chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng nước trời gần đến, rằng Thiên Chúa là Đấng cận kề. Đây là một cái gì mới mẻ, là sứ điệp đầu tiên: Thiên Chúa không ở xa cách với chúng ta. Đấng ngự trên trời đã xuống với trái đất này; Người đã làm người. Người phá đổ các bức tường ngăn cách và đã rút ngắn khoảng cách lại. Chính chúng ta không đáng được Người hạ giáng xuống gặp gỡ chúng ta.

 

Đó là một sứ điệp hoan lạc: Thiên Chúa đã đích thân đến viếng thăm chúng ta, bằng cách hóa thân làm người. Người đã không ôm lấy thân phận loài người của chúng ta theo nhiệm vụ mà là bởi yêu thương. Vì yêu thương mà Người đã mặc lấy nhân tính của chúng ta, vì người ta chỉ gắn bó với những gì họ yêu thích mà thôi. Thiên Chúa đã nhận lấy nhân tính của chúng ta vì Ngưới đã yêu thương chúng ta và tự ý muốn cống hiến cho chúng ta ơn cứu độ là những gì tự mình chúng ta không thể nào hy vọng đạt tới. Người muốn ở với chúng ta và ban cho chúng ta vẻ đẹp của đời sống, bình an của cõi lòng, niềm vui được thứ tha và cảm giác được yêu thương.

 

Giờ đây chúng ta có thể hiểu được những gì Chúa Giêsu trực tiếp đòi hỏi, đó là "Hãy thống hối", nói cách khác, "Hãy thay đổi đời sống". Hãy thay đổi đời sống, vì một lối sống mới đã bắt đầu. Thời gian anh chị em sống cho bản thân mình không còn nữa; đây là thời gian sống với và sống cho Thiên Chúa, sống với và sống cho người khác, sống với và sống cho tình yêu. Hôm nay Chúa Giêsu cũng nói những lời ấy với anh chị em: "Hãy an tâm, Ta ở đây với các con, các con hãy để Ta tiến vào thì đời sống của các con sẽ được đổi thay". Đó là lý do tại sao Chúa cống hiến cho anh chị em lời của Người, để anh chị em lãnh nhận nó như là một bức thư tình Người viết cho anh chị em, để giúp cho anh chị em nhận thức rằng Người ở bên anh chị em. Lời của Người là những gì an ủi và phấn khích anh chị em. Đồng thời lời của Người cũng thách đố chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của lòng chúng ta vị kỷ, và kêu gọi chúng ta hoán cải. Vì lời của Người có quyền năng làm thay đổi đời sống của chúng ta và đứa chúng ta ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng.

 

2. Nếu chúng ta để ý tới nơi Chúa Giêsu đã bắt đầu việc giảng dạy của Người, thì chúng ta thấy rằng Người bắt đầu từ chính những nơi được cho là "ở trong tăm tối". Cả Bài Đọc 1 và bài Phúc Âm đều nói với chúng ta về thành phần "ngồi trong miền tăm tối và trong bóng chết chóc". Họ là những dân cư ở "đất Zebulun và Naphtali, đường dọc ven biển, đất ở bên kia sông Jordan, Miền Galiêa của chư dân" (Mt 4:15-16; cf. Is 8:23-9:1). Galilêa của chư dân, miền Chúa Giêsu bắt đầu thừa tác vụ giảng dạy của Người, đã được gọi là như thế, vì nó làm nên bởi thành phần dân thuộc các chủng tộc khác nhau, và là ngôi nhà cho những gì khác nhau về dân chúng, về ngôn ngữ và về văn hóa. Nó thực sự là "đường dọc theo biển", một giao lộ. Thành phần đánh cá, buôn bán và ngoại kiều tất cả đều ở đó. Chắc chắn nó không thể nào lại là một nơi mang tính cách tinh tuyền về tôn giáo của thành phần dân được tuyển chọn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại bắt đầu từ đó, chứ không từ tiền đường của đền thờ Giêrusalem, mà là từ phần đối diện của xứ sở này, từ Galilea của chư dân, từ vùng biên giới, từ một miền ngoại biên xa xôi.

 

Ở đây chúng ta có một sứ điệp đó là lời cứu độ không tìm kiếm những nơi nguyên tuyền, tinh sạch và an toàn. Trái lại, lời cứu độ tiến vào những nơi phức tạp và lu mờ trong cuộc đời của chúng ta. Bây giờ, cũng như xưa kia, Thiên Chúa muốn đến thăm viếng chính những nơi chúng ta nghĩ rằng Người sẽ chẳng bao giờ đi đến đó. Tuy nhiên, thường xẩy ra là chúng ta trở thành những kẻ đóng cửa lại, thích tình trạng lẫn lộn của chúng ta, thích phần đen tối của chúng ta, và thích những gì là kín đáo nhị trùng. Chúng ta cứ rú rú ở bên trong, tiếp cận với Chúa bằng một số kinh nguyện đọc như con vẹt, luôn cảnh giác không để cho sự thật của Người tác động vào cõi lòng của chúng ta. Thế nhưng, như bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta biết: "Chúa Giêsu rảo khắp Galilê giảng dạy Phúc Âm về nước trời, và chữa lành đủ mọi thứ bệnh nạn yếu đau" (câu 23). Người đã đi qua tất cả những miền đất khác nhau và phức tạp. Cũng thế, Người không sợ thám thính lãnh địa của cõi lòng chúng ta, và tiến vào những góc xó xấu nhất và khó nhất trong đời của chúng ta. Người biết rằng chỉ duy có lòng thương xót của Người mới có thể chữa lành chúng ta, chỉ có duy sự hiện diện của Người mới có thể biến đổi chúng ta, và chỉ duy có lời của Người mới có thể canh tân đổi mới chúng ta. Vậy thì chúng ta hãy tỏ lộ những đường nẻo ngoằn nghèo của cõi lòng chúng ta cho Người thấy, Đấng đã đi "con đường dọc ven biển"; chúng ta hãy đón nhận vào lòng chúng ta lời của Người, lời "sống động và chủ động, sắc hơn bất kỳ gươm hai lưỡi nào.... và có thể phán quyết những ý nghĩ và ý đồ của tâm can" (Heb 4:12).

 

3. Sau hết, Chúa Giêsu đã bắt đầu nói với ai? Phúc Âm nói rằng "khi Người bước đi dọc theo Biển Hồ Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: 'Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những tay ngư phủ chài lưới con người ta'" (Mt 4:18-19). Thành phần đầu tiên được Người kêu gọi đó là những người đánh cá, không phải thành phần được cẩn thận chọn lựa theo khả năng của họ, hay thành phần đạo đức cầu nguyện trong đền thờ, mà là những con người làm việc bình thường.

 

Chúng ta hãy nghĩ về những gì Chúa Giêsu đã nói với họ: Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những tay ngư phủ chài lưới con người ta. Người đang nói với những con người đánh cá, sử dụng ngôn ngữ họ hiểu được. Cuộc sống của họ được thay đổi ngay tại chỗ. Người đã kêu gọi họ ở nơi họ đã ở và như họ là, để làm cho họ trở thành những người tham dự vào sứ vụ của Người. "Lập tức họ bỏ lưới mà theo Người" (câu 20). Tại sao ngay lập tức như thế? Vì họ đã bị thu hút. Họ không tỏ ra hấp tấp vội vã vì họ đã lãnh nhận một lệnh truyền, mà vì họ được tình yêu lôi kéo. Để theo Chúa Giêsu thì chỉ có các việc lành thôi chưa đủ; chúng ta còn phải hằng ngày lắng nghe tiếng gọi của Người nữa. Người là Đấng duy nhất biết chúng ta và trọn vẹn yêu thương chúng ta, dẫn chúng ta đến chỗ thả lưới ở chỗ nước sâu cuộc đời. Y như Người đã thực hiện với các môn đệ lắng nghe Người.

 

Đó là lý do tại sao chúng ta cần đến lời của Người: để chúng ta có thể nghe thấy, giữa hằng ngàn những lời khác trong đời sống hằng ngày của chúng ta, một lời duy nhất nói với chúng ta không phải về các sự vật mà là về sự sống.

 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy giành chỗ trong đời của chúng ta cho lời Chúa! Mỗi ngày, chúng ta hãy đọc một hai câu Thánh Kinh. Chúng ta hãy bắt đầu đọc Phúc Âm: Chúng ta hãy cứ để Phúc Âm mở ra ở trên bàn của mình, mang Phúc Âm trong túi của mình, đọc Phúc Âm trên điện thoại di động của mình, và để cho Phúc Âm hằng ngày tác động chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, Ngài xua tan tối tăm của chúng ta, bằng tình yêu thương cao cả, Ngài đưa cuộc sống của chúng ta đến những chỗ nước sâu.

 

https://zenit.org/articles/pope-francis-homily-for-1st-sunday-of-the-word-of-god-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

 

1580032648113.JPG

 

Phụng Vụ Thánh Thể sau Phụng Vụ Lời Chúa

 

1580034147048.JPG

 

Cuối Thánh Lễ, tất cả mọi tham dự viên đều được tặng 1 cuốn Thánh Kinh