GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Sách Tông Vụ: Bài 19
Tông Đồ Phaolô - Thừa Sai Biển Cả
Phúc Âm tiếp tục cuộc hành trình của mình
chẳng những bằng đường bộ mà còn bằng đường biển nữa,
trên một chiếc tầu chở người tù Phaolô từ Caesarea đến Roma
Dự án đưa Thánh Phaolô đến Roma đã cứu chẳng những vị Tông Đồ này
mà còn cả phái đoàn hành trình của ngài nữa,
và sự kiện đắm tầu,
từ tình trạng thảm họa được biến thành một cơ hội quan phòng để loan báo Phúc Âm.
Thánh Phaolô dạy chúng ta sống những thử thách bằng việc gắn bó với Chúa Kitô,
dạy chúng ta "thâm tín rằng Thiên Chúa có thể tác hành trong bất cứ hoàn cảnh nào,
thậm chí giữa những thất bại hiển nhiên", và
"tin rằng những ai vì yêu mà dâng mình và hiến mình cho Thiên Chúa chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái"
Xin chào anh chị em thân mến,
Ở phần cuối kết, Sách Tông Vụ trình thuật rằng Phúc Âm tiếp tục cuộc hành trình của mình chẳng những bằng đường bộ mà còn bằng đường biển nữa, trên một chiếc tầu chở người tù Phaolô từ Caesarea đến Roma (Cf. Acts 27:1-28, 16), trung tâm của Đế quốc này, nhờ đó lời của Đấng Phục Sinh được hiện thực: "Các con sẽ là chứng nhân của Ta [...] cho đến tận cùng trái đất" (Acts 1:8). Hãy đọc Sách Tông Vụ, anh chị em sẽ thấy Phúc Âm, nhờ sức mạnh của Thánh Linh, vươn tới tất cả mọi dân nước ra sao, để trở thành những gì là toàn cầu phổ quát. Hãy cầm lấy cuốn sách ấy. Hãy đọc cuốn sách này.
Ngay từ đầu chuyến hải hành này đã gặp phải những tình trạng không xuôi may. Cuộc hành trình đã trở nên nguy hiểm, và họ buộc phải cập bến cảng ở Mira, sang một chiếc tầu khác và di chuyển dọc theo mạn nam của Đảo Crete. Thánh Phaolô đã khuyên đừng tiếp tục cuộc hải hành nữa, nhưng viên đại đội trưởng không chịu nghe ngài và tin vào viên lái tầu và chủ tầu. Cuộc hành trình được tiếp tục thế nhưng một trận bão gió nổi lên đến độ nhóm lái tầu mất kiểm soát, khiến con tầu bị lênh đênh trôi dạt.
Bấy giờ, khi cái chết đã gần kề và tất cả đều cảm thấy thất vọng thì Thánh Phaolô đã ra tay can thiệp. Ngài là một con người của đức tin, và biết rằng "cái nguy hiểm của chết chóc" (2 Corinthians 11:23) không thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô (Cf. Romans 8:35), cũng như khỏi công cuộc ngài đã lãnh nhận. Bởi thế, ngài đã trấn an phái đoàn của ngài rằng: "Chính đêm hôm nay có một thiên thần của Thiên Chúa là Đấng tôi thuộc về và cũng là Đấng tôi tôn thờ, hiện ra với tôi mà nói rằng: 'Phaolô, đừng sợ; ngươi phải đứng trước Ceasar; và này, Thiên Chúa đã ban cho ngươi tất cả những ai cùng hải hành với ngươi'" (Acts 27:23-24). Ngay cả trong thử thách, Thánh Phaolô cũng không thôi là bảo quản viên cho sự sống của những người khác và là tác động viên cho niềm hy vọng của họ.
Vậy Thánh Luca cho chúng ta thấy rằng dự án đưa Thánh Phaolô đến Roma đã cứu chẳng những vị Tông Đồ này mà còn cả phái đoàn hành trình của ngài nữa, và sự kiện đắm tầu, từ tình trạng thảm họa được biến thành một cơ hội quan phòng để loan báo Phúc Âm. Vụ đắm tầu được tiếp nối bằng việc đổ bộ lên Đảo Malta, nơi cư dân đã tỏ ra ân cần tiếp đón phái đoàn gặp nạn. Dân ở Malta này tốt lành, họ hiền lành, họ đã tỏ ra biết đón nhận từ lúc ấy. Vì trời mưa và lạnh, họ đã đốt lửa lên cho phái đoàn bị đắm tầu được ấm áp và dễ chịu. Cả ở nơi đây nữa, là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô, Thánh Phaolô cũng giúp cho lửa cháy bằng những cành cây. Trong khi làm như thế thì ngài bị một con rắn độc cắn nhưng vẫn an toàn không sao. Khi thấy ngài bị rắn cắn dân chúng nói rằng: "Người này đúng là một tên sát nhân. Cho dù có thoát được biển cả cuối cùng rồi cũng bị rắn cắn!" Họ đã chờ cho đến lúc ngài lăn ra chết, nhưng ngài lại không hề hấn chi, thậm chí ngài còn được thay đổi nữa - từ một tay sát nhân trở thành một vị thần linh. Thật vậy, ơn phúc ấy đã xuất phát từ Vị Chúa Phục Sinh, Đấng hỗ trợ ngài, theo lời hứa trước khi về Trời, được ngỏ cùng thành phần tin tưởng: "Họ sẽ cầm rắn rết trong tay, và họ có uống phải bất cứ chất độc nào cũng không bị hại; họ sẽ đặt tay trên bệnh nhân và bệnh nhân sẽ được chữa lành" (Marco 16:18). Lịch sử cho thấy rằng từ bấy giờ không còn một con rắn nào ở Malta nữa: Đó là phúc lành của Thiên Chúa đối với việc tiếp đón của những con người rất tốt lành này.
Thật vậy, thời gian lưu lại ở Malta, đối với Thánh Phaolô, đã trở thành một cơ hội thuận lợi để cống hiến tính chất "tươi mới" cho lời ngài đang rao giảng, và vì vậy ngài thực hiện một thừa tác vụ cảm thương trong việc chữa lành bệnh nhân. Đó là luật của Phúc Âm, ở chỗ, khi người tín hữu cảm nghiệm được ơn cứu độ, thì họ không giữ lấy cho mình mà là truyền đạt. "Sự thiện bao giờ cũng có khuynh hướng thông đạt nó ra. Hết mọi cảm nghiệm về sự thật và sự mỹ đều tìm cách vươn mình ra, và tất cả những ai cảm nghiệm thấy mình được sâu xa giải phóng đều có được một cảm tính nhậy bén hơn đối với nhu cầu của người khác" (Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 9). Người Kitô hữu nào "bị thử thách" chắc chắn có thể thông cảm hơn với những ai khổ đau, vì họ biết đau khổ ra sao, và tấm lòng rộng mở của họ nhậy cảm tỏ ra nhậy cảm với tình đoàn kết cùng những người khác. Thánh Phaolô dạy chúng ta sống những thử thách bằng việc gắn bó với Chúa Kitô, dạy chúng ta "thâm tín rằng Thiên Chúa có thể tác hành trong bất cứ hoàn cảnh nào, thậm chí giữa những thất bại hiển nhiên", và "tin rằng những ai vì yêu mà dâng mình và hiến mình cho Thiên Chúa chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái" (cùng nguồn, 279). Tình yêu bao giờ cũng sinh hoa kết trái, tình yêu của Thiên Chúa luôn sinh ra hoa trái, và nếu anh chị em để cho Chúa chiếm đoạt và anh chị em nhận lãnh các tặng ân của Chúa, thì anh chị em có thể cống hiến các tặng ân ấy cho người khác. Tình yêu của Thiên Chúa bao giờ cũng là những gì vượt biên.
Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta sống hết mọi thử thách được chịu đựng bằng năng lực của đức tin; và biết nhậy cảm với nhiều con người bị đắm tầu trong giòng lịch sử, kiệt sức đổ bộ lên bờ duyên hải của chúng ta, vì chúng ta cũng có thể tiếp nhận họ bằng một tình yêu thương huynh đệ, xuất phát từ cuôc gặp gỡ Chúa Giêsu. Đó là những gì cứu vớt cho khỏi tảng băng lạnh lùng lãnh đạm và bất nhân phi nghĩa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu