GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Bát Phúc: Bài 1
Đường Lối Hạnh Phúc
Bát Phúc là những gì chất chứa "thẻ căn cước" của Kitô hữu - đó là thẻ căn cước của chúng ta -,
vì Bát Phúc này phác họa chính dung nhan của Chúa Giêsu, phác họa lối sống của Người.
Sứ điệp này là sứ điệp nhắm đến các môn đệ, tuy nhiên, đám đông lại hiện lên ở chân trời, tức là toàn thể nhân loại.
Đó là sứ điệp cho toàn thể nhân loại.
Chúa Giêsu không áp đặt bất cứ sự gì, mà tỏ cho thấy đường lối hạnh phúc - đường lối của Người - khi lập lại 8 lần lời "Phúc Thay".
Từng Mối Phúc bao gồm 3 phần. Phần nhất bao giờ cũng được bắt đầu bằng lời "Phúc Thay".
Sau đó tới trạng thái được các Phúc Nhân cảm nghiệm, như khó nghèo tinh thần, sầu khổ đau thương, đói khát công lý v.v.
Sau hết là cái động lực của Mối Phúc, được mở đầu bằng giới từ "vì"
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý về Bát Phúc trong Phúc Âm Thánh Mathêu (5:1-11). Đoạn Phúc Âm này là đoạn bắt đầu "Bài Giảng trên Núi", và là đoạn đã soi chiếu đời sống của tín hữu cũng như của nhiều người vô tín ngưỡng. Thật khó lòng mà không bị những lời này của Chúa Giêsu tác động, và có lý để mong muốn hiểu biết những lời ấy một cách trọn vẹn hơn. Bát Phúc là những gì chất chứa "thẻ căn cước" của Kitô hữu - đó là thẻ căn cước của chúng ta -, vì Bát Phúc này phác họa chính dung nhan của Chúa Giêsu, phác họa lối sống của Người.
Bây giờ chúng ta tóm lược tổng quát những lời ấy của Chúa Giêsu; ở các bài giáo lý tới, chúng ta sẽ nhận định về từng Mối Phúc, từ Mối Phúc này đến Mối Phúc kia.
Trước hết, vấn đề quan trọng là cách thức xẩy ra việc công bố sứ điệp này, đó là, Chúa Giêsu, khi thấy đám đông theo Người, thì Người leo lên một cái dốc thoai thoải bao quanh Biển Hồ Galilea; Người ngồi xuống, và khi ngỏ lời cùng các môn đệ thì Người công bố Bát Phúc. Bởi thế, sứ điệp này là sứ điệp nhắm đến các môn đệ, tuy nhiên, đám đông lại hiện lên ở chân trời, tức là toàn thể nhân loại. Đó là sứ điệp cho toàn thể nhân loại.
Hơn nữa, "Núi" đây ám chỉ Sinai, nơi Thiên Chúa đã ban cho Moisen Thập Giới. Chúa Giêsu bắt đầu dạy một thứ luật mới, đó là nghèo khổ, là hiền lành, là nhân hậu... Những "giới luật mới" này còn hơn là các thứ chuẩn mực nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu không áp đặt bất cứ sự gì, mà tỏ cho thấy đường lối hạnh phúc - đường lối của Người - khi lập lại 8 lần lời "Phúc Thay". Từng Mối Phúc bao gồm 3 phần. Phần nhất bao giờ cũng được bắt đầu bằng lời "Phúc Thay". Sau đó tới trạng thái được các Phúc Nhân cảm nghiệm, như khó nghèo tinh thần, sầu khổ đau thương, đói khát công lý v.v. Sau hết là cái động lực của Mối Phúc, được mở đầu bằng giới từ "vì". "Phúc cho những người này vì, Phúc thay những người kia vì..." Bát Phúc đều là như thế, và tốt hơn nên thuộc lòng để lập lại chúng, để thực sự có được trong tâm trí của chúng ta thứ luật Chúa Giêsu đã cống hiến cho chúng ta đó. Chúng ta hãy lưu ý tới sự kiện đó là cái động lực của Mối Phúc không phải là tình trạng hiện tại, mà là điều kiện mới Phúc Nhân nhận được như tặng ân Thiên Chúa ban: "Vì Nước Trời là của họ", "vì họ sẽ được an ủi", "vì sẽ thừa hưởng trái đất" v.v.
Ở yếu tố thứ 3, một yếu tố thực sự là động lực của hạnh phúc, Chúa Giêsu thường sử dụng ở thể tương lai thụ động: "sẽ được an ủi", "sẽ thừa hưởng trái đất", "sẽ được no thỏa", "sẽ được xót thương", "sẽ được gọi là con cái của thiên Chúa".
Tuy nhiên, lời "Phúc thay" có nghĩa là gì? Tại sao mỗi một mối trong Bát Phúc được bắt đầu bằng lời "Phúc thay"? Từ ngữ chính thực này không ám chỉ về một con người no đủ hay làm giỏi, mà là một con người ở trong trạng thái ơn thánh, thành phần tiến triển trong ơn nghĩa Chúa và là con ngưòi đang tiến bước theo đường lối của Thiên Chúa, ở chỗ nhẫn nại, khó nghèo, phục vụ người khác, an ủi ... Những ai đang tiến triển nơi những điều ấy sẽ được hạnh phúc và sẽ trở thành các Phúc nhân.
Thiên Chúa thường chọn những đường lối không thể ngờ được để hiến Mình cho chúng ta, có thể là những đường lối ở nơi những gì là hạn hẹp của chúng ta, nơi những giòng châu lệ của chúng ta, nơi những thất bại của chúng ta. Đó là niềm vui vượt qua được những người anh em Đông phương của chúng ta nói tới, một niềm vui có những dấu thánh vẫn còn nguyên đó, một niềm vui đã trải nghiệm cái chết và đã cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa. Bát Phúc là những gì bao giờ cũng dẫn chúng ta đến niềm vui; chúng là đường lối để chiếm đạt niềm vui.
Hôm nay, chúng ta nên cầm lấy Phúc Âm của Thánh Mathêu, đoạn thứ 5, các câu từ 1 đến 11 để đọc lại Bát Phúc này - có lẽ một lần nữa trong tuần này - để hiểu được đường lối rất đẹp này, chắc chắn được hạnh phúc này, một hạnh phúc Chúa đã phác họa cho chúng ta.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-beatitudes-full-text/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu