GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019
ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Bát Phúc - Bài 8: Phúc 7
Phúc cho ai kiến tạo hòa bình ...
Xin chào anh chị em thân mến!
Bài giáo lý hôm nay được dành cho Mối Phúc thứ 7, mối phúc của "những người xây dựng hòa bình", thành phần được tuyên dương là con cái của Thiên Chúa. Tôi cảm thấy hoan hỉ khi bài giáo lý này xẩy ra ngay sau Phục Sinh, vì bình an của Chúa Kitô là hoa trái của Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, như chúng ta đã nghe thấy ở trong Thư của Thánh Phaolô.
Để hiểu được Mối Phúc này, cần phải giải thích ý nghĩa của chữ "hòa bình", một từ ngữ có thể bị hiểu lầm hay đôi khi bị tầm thường hóa. Chúng ta cần phải định hướng giữa hai ý tưởng về hòa bình: ý nghĩa thứ nhất về thánh kinh, nơi xuất hiện chữ shalom mỹ miều, một từ ngữ cho thấy những gì là sung mãn, thịnh vượng và phúc hạnh. Khi người ta chúc nhau bằng tiếng Do Thái lời shalom là người ta mong muốn có được một đời sống tốt đẹp, trọn vẹn, dồi dào, nhưng đồng thời cũng hợp với chân lý và công lý, một đời sống tốt đẹp sẽ được viên trọn nơi Đấng Thiên Sai, Đức Vua Hòa Bình (Cf. Isaiah 9:6; Micah 5:4-5).
Thế rồi chữ "hòa bình" còn có một ý nghĩa khác nữa, bao rộng hơn, một hòa bình được hiểu như là một loại thanh bình lặng lẽ: Tôi cảm thấy trầm lặng, tôi cảm thấy bình an. Đó là một ý nghĩ tân tiến, có tính cách tâm lý và khêu gợi hơn. Người ta thường nghĩ rằng bình an là thinh lặng, hòa hợp và quân bình nội tâm. Ý nghĩa này về chữ "hòa bình" chưa trọn và có thể bị tuyệt đối hóa, vì trong đời sống tính chất khắc khoải có thể là một giây phút quan trọng của việc tăng trưởng. Thường chính Chúa là Đấng gieo vãi nỗi khắc khoải trong chúng ta, để tìm đến hội ngộ với Ngài, để gặp gỡ Ngài. Theo nghĩa này thì nỗi khắc khoải là một giây phút tăng trưởng; trong khi đó có thể xẩy ra trường hợp tình trạng bình lặng nội tâm hợp với một thứ lương tâm được thuần hóa thôi, chứ không phải là một sự cứu chuộc thiêng liêng chân thực. Nhiều lần Chúa cần phải trở thành "dấu hiệu xung khắc" (Cf. Luke 2:43-35), làm cho những thứ an toàn giả tạo của chúng ta lung lay, để dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Nên ở vào những lúc ấy dường như không còn bình an nữa, nhưng chính Chúa đưa chúng ta trên con đường này, để đạt tới sự bình an chính Người sẽ ban cho chúng ta.
Đến đây chúng ta cần phải nhớ rằng Chúa hiểu bình an của Người khác với của nhân loại, khác với của thế gian, khi Người phán: "Bình an Thày để lại cho chúng con; không như thế gian cống hiến cho chúng con" (Gioan 14:27). Bình an của Chúa Kitô là một thứ bình an khác, khác với bình an của thế gian. Chúng ta thắc mắc làm thế nào thế gian lại có thể cống hiến bình an chứ? Nếu chúng ta nghĩ về các cuộc xung đột tương tự như các cuộc chiến tranh - các cuộc chiến tranh thường kết thúc bằng 2 cách: một là việc bại trận của một bên, hay là ký kết hiệp ước hòa bình. Chúng ta chỉ có thể hy vọng và cầu xin để luôn có được cách thức thứ hai; tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng lịch sử là một chuỗi hiệp ước hòa bình bất tận bị bẻ cong bởi các cuộc chiến tranh liên tục, hay bởi tính cách biến thái của cùng những cuộc chiến như vậy một cách khác và ở những nơi khác. Trong thời đại của chúng ta đây cũng thế, một cuộc chiến từng phần đang xẩy ra ở những kịch bản còn hơn thế nữa, và bằng những đường lối khác. Chúng ta cần phải ít là nghi vấn rằng theo khuôn thức của chiều hướng theo một thứ toàn cầu hóa, được đặc biệt tạo nên bởi những lợi lộc về kinh tế và tài chính, thì "hòa bình" của ai đó có tương hợp với "chiến tranh" của những ai khác hay chăng. Đó không phải là bình an của Chúa Kitô!
Thế nhưng, Chúa Giêsu ban bình an của Người ra sao? Chúng ta đã nghe Thánh Phaolô nói rằng bình an của Chúa Kitô là để "làm hai thành một" (Cf. Ephesians 2:14), là để hủy bỏ hận thù và để hòa giải. Và cách thức để hoàn thành công cuộc hòa bình này đó là thân mình Người. Thật vậy, Người hòa giải tất cả mọi sự và ban bình an bằng Máu Thánh Thánh Giá của Người, như được chính vị tông đồ này nói ở một chỗ khác (Cf. Colossians 1:20). Ở đây, tôi tự hỏi, tất cả chúng ta đều tự vấn: vậy thì ai là những "người xây dựng hòa bình"? Mối Phúc thứ 7 là những gì chủ động nhất, những gì năng động rõ ràng. Việc diễn đạt bằng ngôn từ là những gì giống như từ ngữ được sử dụng ở câu đầu tiên Thánh Kinh về việc tạo dựng, và nó cho thấy những gì là khởi động và hành sự. Bởi bản chất của mình, tình yêu là những gì sáng tạo - tình yêu bao giờ cũng sáng tạo - và tìm hết cách hòa giải bao nhiêu có thể. Những ai được kêu gọi là con cái của Thiên Chúa đều biết nghệ thuật hòa bình và áp dụng thực hành nó; họ biết rằng không có chuyện hòa giải mà lại không cống hiến sự sống của mình, và bao giờ cũng phải tìm kiếm bình an bất kể ra sao. Đừng quên điều ấy! Bình an cần phải được tìm kiếm như thế. Đó không phải là một công việc tự động, công lao do khả năng mình có; nó là biểu lộ của ân sủng do Chúa Kitô ban cho, Đấng là bình an của chúng ta, Đấng đã làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa.
Shalom đích thực và mức độ quân bình nội tâm chân thật xuất phát từ bình an của Chúa Kitô, thứ bình an đến từ Thánh Giá của Người và phát sinh một nhân loại mới, được hiện thân nơi một dẫy bất tận những vị Thánh nam nữ, có tính chất sáng chế, có tính chất sáng tạo, những vị luôn nghĩ ra những cách thức mới mẻ để yêu thương - những Thánh nhân nam nữ kiến tạo hòa bình. Đời sống này của những người con cái Thiên Chúa, một đời sống, nhờ Máu Chúa Kitô được những người anh em của chúng ta tìm kiếm và khám phá, thực sự là hạnh phúc. Phúc cho những ai theo đuổi đường lối này.
Một lần nữa, chúc tất cả anh chị em một Phục Sinh hạnh phúc trong bình an của Chúa Kitô!
https://zenit.org/articles/general-audience-full-text-blessed-are-the-peacemakers/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu