GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Bát Phúc Bài 9 Phúc 8
Tinh thần nghèo khó, khóc lóc, hiền lành, khát khao thánh đức, thương xót, tấm lòng trong sạch và xây dựng hòa bình
đều có thể dẫn đến chỗ bị bách hại vì Chúa Kitô;
tuy nhiên, ở vào lúc tận cùng của tình trạng bị bách hại này
lại là nguồn mạch của niềm vui cùng với phần thưởng lớn lao trên Thiên Đàng.
Con đường Bát Phúc này là con đường vượt qua,
con đường dẫn cuộc đời theo thế gian đến chỗ theo Thiên Chúa,
từ chỗ sống theo xác thịt - tức là vị kỷ - đến chỗ theo Thần Linh.
Xin chào anh chị em thân mến,
Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta kết thúc tiến trình về Các Mối Phúc của Phúc Âm. Như chúng ta đã nghe, được công bố ở câu cuối cùng đó là niềm vui cánh chung của kẻ bị bách hại vì lẽ công chính. Mối Phúc này loan báo cùng một thứ hạnh phúc như ở mối phúc thứ nhất, đó là Nước Trời thuộc về kẻ bị bách hại cũng như kẻ nghèo khó trong tinh thần; như thế là chúng ta thấy được rằng chúng ta đã tiến tới tận điểm của một tiến trình liên kết được mở ra từ các loan báo trước đó.
Tinh thần nghèo khó, khóc lóc, hiền lành, khát khao thánh đức, thương xót, tấm lòng trong sạch và xây dựng hòa bình đều có thể dẫn đến chỗ bị bách hại vì Chúa Kitô; tuy nhiên, ở vào lúc tận cùng của tình trạng bị bách hại này lại là nguồn mạch của niềm vui cùng với phần thưởng lớn lao trên Thiên Đàng. Con đường Bát Phúc này là con đường vượt qua, con đường dẫn cuộc đời theo thế gian đến chỗ theo Thiên Chúa, từ chỗ sống theo xác thịt - tức là vị kỷ - đến chỗ theo Thần Linh. Thế gian, cùng với các thứ ngẫu tượng của nó, các thứ thỏa hiệp của nó, cùng với các thứ ưu tiên của nó, không thể chấp nhận được cuộc sống như thế. "Những cấu trúc của tội lỗi", thường do tâm thức của con người, là những gì quá xa lạ với vị Thần Linh của sự thật, Đấng thế gian không thể chấp nhận (xem Gioan 14:17), họ chỉ có thể loại trừ nghèo khổ hay hiền lành hoặc tinh tuyền, và tuyên bố rằng đời sống theo Phúc Âm là một thứ sai lầm và là một thứ rắc rối, nên coi như là đồ bỏ. Thế gian nghĩ như thế: "Đó là những thứ lý tưởng hay ảo tưởng...", theo họ.
Nếu thế giới sống theo tiền tài, thì bất cứ ai chứng tỏ đời sống có thể được viên trọn nơi ân sủng và việc từ bỏ, đều trở thành một thứ phiền hà cho đường lối tham lam. Từ ngữ "phiền hà" này là những gì then chốt, vì nguyên chứng từ của Kitô hữu - một chứng từ đã thực hiện rất nhiều thiện ích cho rất nhiều người chấp nhận nó -, là những gì gây phiền hà cho những ai có một tâm thức trần tục. Họ sống với sự phiền hà này như là một thứ khiển trách. Khi thánh đức tỏ hiện, và đời sống của con cái Thiên Chúa lan tỏa, thì nơi cái mỹ miều đẹp đẽ đó lại chất chứa một cái gì đó gây khó chịu, đòi phải tỏ thái độ: một là để mình bị chất vấn, hai là hướng mình về sự thiện, hoặc là phủ nhận ánh sáng đó với tấm lòng cứng cỏi, đồng thời cũng hướng tới việc chống đối và giận dữ (xem Khôn Ngoan 2:14-15). Thật là kỳ lạ: sức thu hút của con người lại bị lôi kéo đến chỗ bách hại các vị tử đạo, đến lòng hận thù giận dữ với Kitô hữu, với chứng từ của Kitô hữu cũng như với thái độ anh hùng của Kitô hữu. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy rằng thảm trạng của việc bách hại cũng là cơ hội của việc giải phóng cho khỏi bị lụy thuộc vào thành đạt, vào vinh quang trần thế và vào những thỏa hiệp với thế gian. Con người đã vì Chúa Kitô mà từ bỏ thế gian được hân hoan về những gì? Người ấy hân hoan vì đã tìm thấy được một cái gì đó còn giá trị hơn tất cả thế gian này. Thật vậy, "Được lời lãi cả thế gian này mà thiệt mất sự sống của mình thì có lợi chi" (Marco 8:36). Lợi ích nào ở đó chứ?
Thật là đớn đau khi nghĩ đến, vào lúc này đây, đang có nhiều Kitô hữu phải chịu bách hại ở các miền đất khác nhau trên thế giới, và chúng ta cần phải hy vọng cùng cầu nguyện cho sớm chấm dứt bao nhiêu có thể tình trạng gian nan khốn khó của họ. Họ rất nhiều; những vị tử đạo ngày nay còn nhiều hơn các vị tử đạo ở những thế kỷ đầu. Chúng ta bày tỏ lòng gắn bó của chúng ta với những người anh chị em này: chúng ta là một thân thể, và những Kitô hữu này là những chi thể đẫm máu của Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận, đứng đọc Mối Phúc này một cách tủi thân cảm phận. Thật vậy, thái độ khinh khi của con người ta không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với bách hại cả đâu: đúng thế, ngay sau khi Chúa Giêsu phán Kitô hữu là "muối đất", thì Người cảnh giác chúng ta về nguy cơ "muối trở nên nhạt nhẽo", thì "nó không còn lợi gì nữa, chỉ còn có thể bị vứt ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân" (Mathêu 5:13). Thế nên, cũng có một thứ khinh bỉ gây ra do lỗi lầm của chúng ta nữa, khi chúng ta đánh mất đi cái hương vị Kitô và Phúc Âm.
Cần phải trung thành với đường lối khiêm hạ của các Mối Phúc, vì nó là những gì dẫn đến chỗ thuộc về Chúa Kitô, chứ không thuộc về thế gian. Câu chuyện về Thánh Phaolô cũng đáng chúng ta chú ý, đó là khi ngài nghĩ rằng ngài là một kẻ công chính, thật ra lại là một tên bách hại; tuy nhiên, khi ngài khám phá ra ngài là một tên bách hại, thì ngài lại trở thành một con người của yêu thương, một con người hân hoan đương đầu đối chọi với những khổ đau ngài phải chịu vì bách hại (xem Colossians 1:24). Bị loại trừ và bị bách hại, nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn này, làm cho chúng ta như Chúa Kitô tử giá, thì bằng việc liên kết chúng ta với cuộc Khổ Nạn của Người, chúng trở thành biểu hiệu của một sự sống mới. Sự sống này cũng là sự sống như của Chúa Kitô, Đấng vì loài người và cho phần rỗi của chúng ta đã "bị loài người khinh bỉ và loại trừ" (xem Isaia 53:3; Tông Vụ 8:30-35).
Việc lãnh nhận Thần Linh của Người có thể dẫn chúng ta đến chỗ lòng chúng ta có được một tình yêu có thể hiến sự sống mình cho thế giới, chứ không thỏa hiệp với những lừa dối của nó, và chấp nhận bị nó loại trừ. Những thỏa hiệp với thế gian là những gì nguy hiểm, ở chỗ, Kitô hữu bao giờ cũng chiều theo các thứ thỏa hiệp với thế gian, với tinh thần trần tục. Việc này - việc loại trừ đi các thứ thỏa hiệp và tiếp tục đường lối của Chúa Giêsu Kitô - là sự sống của Nước Trời, là niềm vui cao cả nhất - là hạnh phúc đích thật. Thật ra, trong các cuộc bách hại đã luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đồng hành với chúng ta, Đấng hiện diện để an ủi chúng ta, và sức mạnh của Thần Linh giúp chúng ta tiến bước. Chúng ta đừng bị thất đảm một khi cuộc sống gắn bó với Phúc Âm khiến chúng ta bị dân chúng bách hại, bởi vì chúng ta đã có vị Thần Linh nâng đỡ chúng ta trên con đường ấy.
(Sau bài giáo lý, ĐTC nói tiếp:)
Tôi ngỏ lời chào tín hữu nói tiếng ý. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh Catarina Siena, Vị Thánh Nữ Đồng Quan Thày của Ý quốc. Hình ảnh cao cả của người nữ này đã có được, từ mối hiệp thông với Chúa Giêsu, lòng can đảm hành động và niềm hy vọng khôn cùng, những gì đã nâng đỡ ngài trong những giờ khắc khó khăn nhất, cũng như khi mà hết mọi sự dường như bị tiêu tan, và đã giúp cho ngài có thể tác dụng trên người khác, bao gồm cả ở tầm mức cao nhất về dân sự cũng như về giáo quyền, nhờ đức tin mãnh liệt của ngài. Chớ gì gương mẫu của ngài giúp cho mỗi người chúng ta biết gắn bó với mối liên kết Kitô giáo, có được một lòng yêu mến thiết tha với Giáo Hội cho mối quan tâm tốt đẹp cho thiện ích của cộng đồng dân sự, nhất là trong thời điểm thử thách này. Tôi xin Thánh Caterina bảo vệ Ý quốc vào lúc dịch bệnh này; và bảo vệ Âu Châu, vì ngài là một vị Thánh Nữ Quan Thày của Âu Châu; xin ngài bảo vệ toàn thể Âu Châu, để Âu Châu luôn được hiệp nhất.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Vào cuối bài giáo lý Bát Phúc thứ 6 ngày 18/3/2020, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi đáp ứng sáng kiến Lẫn Chuỗi Mân Côi chung Ý quốc vào 9 giờ tối Lễ Thánh Giuse 19/3/2020,
Thế nhưng, hôm nay, ngài không hề lên tiếng kêu gọi như vậy, khi Dòng Đa Minh kêu gọi nội bộ của mình mà thôi, bao gồm mọi phần tử của dòng, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc Dòng Ba Đaminh, lần Chuỗn Mân Côi vào 9 giờ tối hôm nay, lễ Thánh Catarina Siena, như thông báo dưới đây.
World Wide Rosary Rally – April 29, 2020 9:00 PM – Rosary ... / https://www.rosarycenter.org/rosary-rally/
Chúng ta có thể đọc thêm bài giáo lý của ĐTC Biển Đức XVI về Thánh Nữ Catarina Siena ở cái link dưới đây