GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

Bài 2 - Cầu nguyện: Mối Liên Hệ Yêu Thương

 

 

2020.05.13 Udienza Generale

 

Kitô giáo đã bài trừ bất cứ mối liên hệ "phong kiến" nào khỏi việc gắn bó với Thiên Chúa.

Trong di sản đức tin của chúng ta không có những thứ diễn tả như

"thần phục - subjection", "nô lệ - slavery" hay "chư hầu - vassalage";

mà là những ngôn từ như "giao ước - covenant", "tình thân - friendship",

"hứa hẹn - promise", "hiệp thông - communion", "gắn bó - closeness".

 

Pope Francis gives his general audience address in the library of the Apostolic Palace May 13, 2020. Credit: Vatican Media

 

Tất cả chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện như thế này.

Hãy đặt mình cầu nguyện trong đôi cánh tay thương xót của Thiên Chúa,

hãy cảm thấy được ôm ấp nơi mầu nhiệm hạnh phúc là sự sống Ba Ngôi,

hãy cảm thấy như những người khách không xứng đáng hưởng vinh dự quá nhiều ấy.

 

 

Thân mến chào anh chị em,

Chúng ta hãy tiến tới bước thứ hai trong hành trình giáo lý về cầu nguyện được bắt đầu từ tuần vừa rồi.

Cầu nguyện là những gì thuộc về tất cả mọi người: về con người thuộc tất cả mọi tôn giáo, và có lẽ cho cả những ai chẳng tin tưởng gì. Cầu nguyện được xuất phát từ chốn thầm kín của bản thân chúng ta, một nội trường được các tác giả về đường thiêng liêng thường gọi là "cõi lòng" (cf. Catechism of the Catholic Church , 2562-2563). Bởi thế, cầu nguyện không phải là những gì xa vời trong chúng ta, nó không phải là một cái gì đó thuộc về các tài năng thứ yếu và bên lề, mà là một mầu nhiệm mật thiết nhất của bản thân chúng ta. Chính mầu nhiệm này là những gì cầu nguyện. Các cảm xúc cầu nguyện, thế nhưng cũng không thể bảo rằng cầu nguyện chỉ là cảm xúc. Lý trí cầu nguyện, thế nhưng cầu nguyện không phải chỉ là một tác động tri thức. Thân xác cầu nguyện, thế nhưng người ta có thể thân thưa với Thiên Chúa thậm chí một cách vô hiệu nhất. Bởi thế mà toàn thể con người cầu nguyện, nếu họ cầu bằng "tấm lòng" của họ.

Cầu nguyện là một thứ thôi thúc, là một khẩn cầu vượt ra ngoài bản thân chúng ta: một điều gì đó xuất phát tận đáy của con người chúng ta và vươn lên, vì nó cảm thấy như lưu luyến về một cuộc hội ngộ nào đó. Nỗi lưu luyến này còn hơn là một nhu cầu nữa, còn hơn là một bó buộc nào đó: nó là một đường lối. Cầu nguyện là tiếng nói của một "cái tôi - I" dò dẫm, mò mẫm, tìm kiếm một "cái bạn - You" nào đó. Cuộc gặp gỡ giữa "tôi" và "bạn" không thể được thực hiện bằng tính toán: nó là một cuộc hội ngộ con người, và nhiều lần người ta lần mò để gặp thấy "bạn" được "tôi" tìm kiếm.

Trái lại, cầu nguyện của Kitô hữu xuất phát từ một cuộc mạc khải: "Ngài - You" không bị che giấu một cách kín nhiệm, mà đã tham phần vào mối liên hệ với chúng ta. Kitô giáo là một tôn giáo tiếp tục cử hành "việc tỏ hiện" của Thiên Chúa, tức là cuộc hiển linh của Ngài. Những lễ đầu tiên của phụng niên là việc cử hành Vị Thiên Chúa ấy, Đấng không ẩn kín mà là Đấng cống hiến tình thân hữu của Ngài cho con người. Thiên Chúa tỏ vinh quang của Ngài ra nơi cảnh bần cùng ở Bêlem, trước sự chiêm ngắm của các Vị Đạo Sĩ, nơi phép rửa ở sống Jordan, nơi dấu lạ ở tiệc cưới Cana. Phúc Âm của Thánh Gioan kết luận bài đại thánh ca Khai Mở của mình bằng một câu chính xác: "Không ai đã từng được thấy Thiên Chúa: Chính Người Con duy nhất ở trong Cha tỏ Ngài ra" (1:18). Chính Chúa Giêsu là Đấng mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta.

Việc cầu nguyện của Kitô hữu là việc tham dự vào mối liên hệ với Vị Thiên Chúa có dung nhan dịu hiền nhất, Đấng không muốn gây ra bất cứ nỗi sợ hãi nào nơi con người. Đó là đặc tính đầu tiên nơi việc cầu nguyện của Kitô giáo. Nếu con người luôn quen với việc tiếp cận Thiên Chúa như hơi sờ sợ, như hơi kinh hãi trước mầu nhiệm ngỡ ngàng và bàng hoàng, nếu họ quen với việc tôn kính Ngài bằng một thái độ tôi tớ, giống như thái độ của một thuộc hạ đối với chủ của họ, vị mà Kitô hữu lại dám tin tưởng gọi bằng danh xưng "Cha". Thật vậy, Chúa Giêsu sử dụng chữ khác: "ba/bố".

Kitô giáo đã bài trừ bất cứ mối liên hệ "phong kiến" nào khỏi việc gắn bó với Thiên Chúa. Trong di sản đức tin của chúng ta không có những thứ diễn tả như "thần phục - subjection", "nô lệ - slavery" hay "chư hầu - vassalage"; mà là những ngôn từ như "giao ước - covenant", "tình thân - friendship", "hứa hẹn - promise", "hiệp thông - communion", "gắn bó - closeness". Trong bài từ biệt dài của mình với các môn đệ, Chúa Giêsu nói như thế này: "Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết được những gì chủ làm; nhưng Thày gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thày đã nghe từ Chúa Cha thì Thày đã tỏ cho các con biết. Không phải là các con đã chọn Thày, mà chính Thày đã chọn các con, để  sai các con đi sinh hoa kết trái và cho hoa trái ấy được tồn tại; nhờ đó những gì các con nhân danh Thày mà xin cùng Chúa Cha thì các con được ban cho" (Gioan 15:15-16). Tuy nhiên, đó là một chi phiếu trống: "Tất cả những gì các con nhân danh Thày mà xin cùng Cha của Thày thì Thày sẽ ban cho các con"!

Thiên Chúa là người bạn, là liên minh, là chàng rể. Bằng nguyện cầu, chúng ta có thể thiết lập một mối liên hệ tin tưởng với Ngài, cho đến độ Chúa Giêsu đã dạy chúng ta ở trong "Kinh Lạy Cha" là hãy xin Ngài với cả một loạt vấn đề. Chúng ta có thể xin Thiên Chúa cho tất cả mọi sự, hết mọi thứ; bày giải hết mọi điều, thân thưa đủ mọi chuyện. Không sao, cho dù chúng ta có cảm thấy lầm lỗi nơi mối liên hệ với Thiên Chúa, chẳng hạn như chúng ta không phải là những người bạn tốt, chúng ta không phải là những đứa con ngoan, chúng ta không phải là những người hôn thê thủy chung. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta. Đó là những gì Chúa Giêsu cuối cùng đã cho thấy ở Bữa Tiệc Ly, khi Người phán: "Đây là chén tân ước trong máu Thày, sẽ đổ ra cho các con" (Luca 22:20). Bằng cử chỉ ấy, Chúa Giêsu ngưỡng vọng đến mầu nhiệm Thánh Giá ở căn thượng lầu tiệc ly. Thiên Chúa là một liên minh trung tín, ở chỗ, cho dù con người ta có thôi yêu mến Người, thì Người vẫn tiếp tục yêu thương họ, bất chấp tình yêu có dẫn Người lên Đồi Canvê. Thiên Chúa bao giờ cũng ở kề ngay bên cửa lòng của chúng ta, và đợi chờ chúng ta mở nó ra. Đôi khi cõi lòng của chúng ta được Người gõ, nhưng Người không đột nhập, mà là chờ đợi. Việc Thiên Chúa nhẫn nại với chúng ta là sự nhẫn nại của một người bố, của một người quá yêu thương chúng ta. Tôi muốn nói đó là sự nhẫn nại của cả người bố lẫn người mẹ. Luôn gần gũi với cõi lòng của chúng ta, và khi Người gõ thì Người làm một cách nhẹ nhàng và đầy yêu thương.

Khi tham dự vào mầu nhiệm Giao Ước, tất cả chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện như thế này. Hãy đặt mình cầu nguyện trong đôi cánh tay thương xót của Thiên Chúa, hãy cảm thấy được ôm ấp nơi mầu nhiệm hạnh phúc là sự sống Ba Ngôi, hãy cảm thấy như những người khách không xứng đáng hưởng vinh dự quá nhiều ấy. Và hãy lập lại cùng Thiên Chúa, trong nỗi ngỡ ngàng của nguyện cầu: phải chăng Chúa chỉ biết có yêu thương thôi? Người không biết ghét. Người bị ghét, nhưng Người không biết ghét. Người chỉ biết yêu. Đó là Vị Thiên Chúa chúng ta cầu nguyện với. Đó là cốt lõi rạng ngời nơi hết mọi lời cầu nguyện của Kitô hữu. Vị Thiên Chúa của tình yêu thương, Người Cha đang đợi chờ chúng ta và dìu dắt chúng ta.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200513_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

 

Pope Francis praying in front of Our Lady of Fatima statue

 

Sau Bài Giáo Lý, ĐTC nói tiếp:

"Chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cho hòa bình trên thế giới, cho chấm dứt dịch bệnh, cho có được một tinh thần thống hối và cho việc hoán cải của chúng ta. Chúng ta nghĩ đến những lần Mẹ hiện ra, cũng như đến sứ điệp của Mẹ đã được truyền đạt cho thế giới, cũng như đến
cuộc tấn công Thánh Gioan Phaolô II, vị được cứu sống, đã thấy được việc can thiệp từ mẫu của Đức Thánh Trinh Nữ"

"
Thứ Hai tới sẽ là thời điểm 100 năm sinh nhật của Thánh Gioan Phaolô II. Tôi sẽ cử hành lễ lúc 7 giờ sáng ở trước bàn thờ mộ ngài, và sẽ được truyền thông cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta vị Giám Mục Rôma này, vị Giám Mục Thánh này, và chúng ta hãy xin ngài giúp chúng ta: giúp Giáo Hội Roma này biết hoán cải và tiến lên. Tận lòng mình tôi chúc lành cho anh chị em ...

"Tôi phấn khích tất cả mọi người hãy nhận biết và noi theo gương mẫu của Trinh Nữ Maria. Theo đó, chúng ta hãy cố gắng sống tháng này một cách thiết tha hơn và trung thành cầu nguyện, nhất là bằng việc
lần chuỗi Mân Côi, như Giáo Hội khuyên, đáp ứng ước muốn của Đức Mẹ đã bày tỏ ở Fatima. Dưới sự chở che của Mẹ, anh chị em sẽ thấy dễ chịu đựng hơn những nỗi sầu thương và tai họa....".

Thánh Lễ công cộng sẽ được tái tấu vào Thứ Hai 18/5/2020, dịp kỷ niệm bách chu niên sinh nhật của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cũng là thời điểm ĐTC Phanxicô thôi không còn Thánh Lễ trực tuyến hằng ngày như từ Thứ Hai ngày 9/3/2020 nữa.