GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019

 

 

 

Lễ LTXC CN 19/4/2020 Livestream

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL: hình ảnh livestream, chuyển dịch bài giảng cùng huấn từ Lạy Nữ Vương, và kèm dẫn giải

 

Lễ LTXC do chính Chúa Giêsu mong muốn được Giáo Hội cử hành vào Mùa Phục Sinh, chứ không phải vào Tuần Thánh, thời điểm bề ngoài có vẻ hợp với LTXC, vì liên quan đến tội lỗi và đau khổ của nhân loại mắc nguyên tội, và nhất là vì là thời điểm LTXC được tỏ hiện tất cả sự thật trên Thánh Giá; thế nhưng, muốn được cứu độ, con người phải chấp nhận Ơn Cứu Độ của Chúa, nghĩa là phải chấp nhận LTXC nơi Ơn cứu độ bằng cách tin vào Chúa, nhờ đó mới được công chính hóa (xem Nhật Ký Thánh Faustina số 570), nên tất cả Sứ Điệp Thương Xót Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta là ở chỗ: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!" 


Đó là lý do Lễ LTXC phải vào Mùa Phục Sinh, vào Chúa Nhật ngay sau Chúa Nhật Phục Sinh, được gọi là Chúa Nhật Lễ LTXC, trong đó Giáo Hội đọc bài Phúc Âm của Thánh Gioan về lần hiện ra "1 tuần sau", để Người tỏ mình ra cho riêng vị tông đồ cứng lòng tin Toma biết thật rằng Người đã từ cõi chết sống lại thật, bằng chứng cớ hiển nhiên là 5 dấu Thánh vẫn còn ở trên Thánh Thể Phục Sinh vinh hiển của Người, để vị tông đồ này tin: "Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa tôi" (Gioan 20:28), nghĩa là "Thày là sự sống lại ("Chúa") và là sự sống ("Thiên Chúa") (Gioan 11:25).

 

Lễ LTXC mới là những gì chính yếu Chúa Giêsu muốn Giáo Hội thiết lập và cử hành hằng năm vào Mùa Phục Sinh, vào Chúa Nhật thứ 1 sau Chúa Nhật Phục Sinh (xem Nhật Ký Thánh Faustina số 49). Vì đã là lễ tức là liên quan đến Phụng Vụ của chung Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô, đến việc Tôn Thờ của Cộng Đồng Đức Tin Giáo Hội, vượt lên trên tất cả mọi việc tôn sùng có tính cách cá nhân, thậm chí là việc tôn sùng Ảnh LTXC. Bởi thế, trong suốt phụng niên, không một lễ nào, dù trọng mấy như Đại Lễ Giáng Sinh và Đại Lễ Phục Sinh, hai đại lễ có cả một Tuần Bát Nhật đi kèm nữa, nhưng vẫn không phải là những lễ được Giáo Hội ban Ơn Toàn Xá cho những ai tham dự, như Lễ LTXC này, một Lễ LTXC mà chính Chúa Giêsu muốn thiết lập và hứa ban Ơn Toàn Xá nữa (xem Nhật Ký Thánh Faustina số 699). 

 

Lễ LTXC 2020, Chúa Nhật 19/4, do ĐTC Phanxicô chủ tế và giảng lễ, không phải ở trong Đền Thờ Thánh Phêrô nữa, như Lễ Lá hay Phục Sinh, mà là ở một nơi đặc biệt khác, đó là tại Nhà Thờ Thánh Linh Santo Spirito ở Sassia,, nơi hằng ngày (trước đại dịch Covid-19) vẫn cử hành LTXC bằng Chuỗi Kinh Thương Xót vào 3 giờ chiều, do các Sơ Dòng Đức Mẹ Thương Xót (Our Lady of Mercy), Dòng của Chị Thánh Faustina phụ trách, nơi nguyên thủy là một nguyện đường của nhà thương, cho tới năm 1994 thì được ĐTC Gioan Phaolô biến thành Trung Tâm Linh Đạo LTXC, và cử Đức Ông Jozef Bart người đồng hương Balan làm Cha Sở.

 

Vào dịp Lễ LTXC 1995, 1 năm sau khi nguyện đường của bệnh viện trở thành Trung Tâm Linh Đạo LTXC, Thánh GH Gioan Phaolô II đã nói về Nhà Thờ Santo Spirito in Sassia như sau: "Đặc biệt là hôm nay tôi đã có thể dâng lời cảm tạ Thiên Chúa ở ngôi Nhà Thờ Santo Spirito in Sassia đây, một nhà thờ gắn liền với bệnh viện cùng tên gọi, mà giờ đây trở thành một trung tâm chuyên môn cho việc chăm sóc bệnh nhân, cũng như để cổ võ linh đạo LTXC... Các lời nguyện cầu cùng với hoạt động được thực hiện nơi việc liên lỉ chăm sóc sức khỏe về cả thân xác lẫn tâm linh thật là quan trọng và hợp thời ở chính nơi đây, sát ngay với một bệnh viện cố xưa này". 


ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Lễ LTXC 2020 tại nhà thờ này, gần Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi đang lưu giữ hài tích của cả 2 vị thánh LTXC của Balan là Thánh Faustina và Thánh Gioan Phaolô II. Nhóm TĐCTT Hành Hương Đức Tin - Tuần Thánh Vượt Qua 2021 sẽ không quên ghé kính viếng Nhà Thờ LTXC có hài tích của 2 vị thánh LTXC này, những vị hằng năm được Nhóm TĐCTT tôn kính bằng một Ngay Tĩnh Tâm Nên Thánh vào đầu Tháng 10, vì cả hai vị đều được Giáo Hội mừng lễ trong tháng 10 này (Thánh Faustina mùng 5 và Thánh Gioan Phaolô ngày 22), theo gương 2 vị, kể từ năm 2018 tới nay. 

 

THÁNH ĐƯỜNG THÁNH LINH Ở SASSIA

 

Ngay bên dưới cung thánh và ở bên phải là bàn thờ có hài tích của 2 vị Thánh LTXC là Thánh Faustina và Thánh Gioan Phaolô II

PHẦN NHẬP LỄ

Ca Nhập Lễ

Như những trẻ sơ sinh,

anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng tinh khiết,

nhờ đó anh em sẽ lớn lên

để hưởng ơn cứu độ. Ha-lê-lui-a.

 

PHẦN PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47

"Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ,

việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện.

Mọi người đều có lòng kính sợ.

Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi.

Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung.

Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người.

Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ;

họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng.

Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi.

Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi.

Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân.

Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường.

Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. .

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9

"Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,

vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại,

Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống,

được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời.

Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết.

Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách,

để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần,

nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến.

Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài;

bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! - Chúa phán:

"Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

- Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái,

Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con".

Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người.

Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.

Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con.

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con".

Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông:

"Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến.

Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng:

"Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông.

Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con".

Ðoạn Người nói với Tôma:

"Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin".

Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"

Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này.

Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Chúa Nhật vừa qua, chúng ta cử hành biến cố phục sinh của Chúa; 

hôm nay chúng ta chứng kiến thấy cuộc phục sinh nơi người môn đệ của Người.

Một tuần lễ qua đi, một tuần kể từ khi các môn đệ đã được thấy Chúa Phục Sinh,

thế nhưng, cho dù là thế chăng nữa, các vị vẫn cứ sợ hãi, hoàn toàn ẩn mình ở đằng sau "các cánh cửa đóng kín" (Gioan 20:26),

thậm chí không thể thuyết phục được Toma về cuộc phục sinh này, người duy nhất vắng mặt. 

Chúa Giêsu đã làm gì trước tình trạng sợ sệt nhút nhát thiếu niềm tin ấy?

Người đã trở lại và, khi đứng ở cùng một vị trí, "ở giữa" các môn đệ,

Người lập lại lời chào của mình: "Bình an cho các con!" (Gioan 19,26). 

Người bắt đầu lại từ đầu. 

Cuộc phục sinh của người môn đệ này bắt đầu từ đó,

từ lòng thương xót trung tín và nhẫn nại ấy,

từ việc khám phá ra rằng Thiên Chúa không bao giờ thôi vươn mình ra để nâng chúng ta lên khi chúng ta sa ngã. 

Ngài muốn chúng ta thấy Ngài, không phải như là một viên phân công, nhân vật chúng ta cần phải trả lẽ,

nhưng như một Người Cha luôn nâng chúng ta dậy.

Trong đời sống, chúng ta tiến bước một cách tạm thử, bất định,

như một đứa bé mới biết chập chững đi được mấy bước thì ngã lên ngã xuống,

nhưng cứ mỗi lần nó ngã thì cha của nó lại nâng nó lên.

Bàn tay luôn nâng chúng ta lên ấy là lòng thương xót: 

Thiên Chúa biết rằng không có lòng thương xót chúng ta vẫn cứ la lê trên mặt đất,

nên để tiếp tục bước đi chúng ta cần được nâng dậy.

Anh chị em có thể cự lại rằng: "Thế nhưng tôi cứ tiếp tục sa ngã!"

Chúa biết điều ấy và Người luôn sẵn sàng nâng anh chị em lên. 

Người không muốn chúng ta cứ nghĩ đến những sa ngã của chúng ta;

trái lại, Người muốn chúng ta hãy nhìn lên Người.

Vì khi chúng ta ngã thì Người thấy những đứa con cần được nâng dậy;

nơi những sa ngã của chúng ta Người thấy thành phần con cái cần đến tình yêu nhân hậu của Người. 

Hôm nay, ở ngôi thánh đường đã trở thành một đền thờ của lòng thương xót ở Roma đây,

và vào Chúa Nhật này đã được Thánh Gioan Phaolô II cung hiến cho LTXC 20 năm trước,

chúng ta tin tưởng đón nhận sứ điệp này.

Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina rằng: 

"Cha là chính tình yêu và lòng thương xót;

không có một khốn cùng nào của con người có thể tương đương với lòng thương xót của Cha" 

(Nhật Ký ngày 14/9/1937).

Có lần Thánh Faustina cảm thấy mãn nguyện thưa cùng Chúa Giêsu rằng,

ngài đã hiến dâng cho Chúa tất cả cuộc sống của ngài, cùng với tất cả những gì ngài có.

Thế nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho ngài bàng hoàng sửng sốt: 

"Con chưa có hiến dâng cho Cha điều thực sự là của con".

Người nữ tu thánh đức này đã giữ lấy cho mình cái gì vậy?

Chúa Giêsu từ ái bảo cho ngài biết rằng: 

"Hỡi con gái của Cha, con hãy cống hiến cho Cha các sa ngã của con" (ngày 10/10/1937).

Chúng ta cũng có thể tự hỏi rằng:

"Tôi đã hiến dâng cho Chúa những sai phạm của tôi chưa? Tôi đã để cho Người thấy tôi sa ngã để Người có thể nâng tôi lên chưa?"

Hay là tôi vẫn còn một cái gì đó kín mật trong tôi?

Một tội lỗi nào đó, một tiếc hận quá khứ nào đó, một vết thương trong lòng nào đó,

một ác cảm hận thù với ai đó, một ý nghĩ về một con người đặc biệt nào đó... 

Chúa đang chờ đợi chúng ta để chúng ta cống hiến cho Người những sai phạm của chúng ta,

hầu Người có thể giúp chúng ta cảm nghiệm thấy lòng thương xót của Người.

Chúng ta hãy trở lại với những người môn đệ.

Các vị đã bỏ rơi Chúa trong cuộc Khổ Nạn của Người và cảm thấy lội lỗi.

Thế nhưng, khi gặp các vị, Người đã không cho các vị một trận.

Người đã tỏ các thương tích của Người cho các vị là những con người đã bị nội thương. 

Người môn đệ Toma bấy giờ có thể chạm đến các thương tích của Người,

và nhận biết được tình yêu của Chúa Giêsu

cùng với biết bao đớn đau Người đã phải chịu vì ngài, dù ngài đã bỏ rơi Người.

Nơi các thương tích ấy, bằng bàn tay của mình, ngài đã chạm tới tấm lòng gắn bó dịu dàng của Thiên Chúa. 

Người môn đệ Toma này đã đến trễ,

thế nhưng một khi ngài đã lãnh nhận lòng thương xót, thì ngài đã qua mặt các vị môn đệ khác:

ngài chẳng những đã tin vào cuộc phục sinh này, mà còn vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa nữa.

Rồi ngài đã thực hiện một lời tuyên xưng chân thành và tuyệt vời nhất, đó là:

"Lạy Chúa con và lạy Thiên Chúa của con!" (câu 28). 

Đó là cuộc phục sinh của người môn đệ này:

nó được đi kèm theo ở chỗ nhân tính yếu hèn và bị thương tích của ngài liên kết với nhân tính của Chúa Giêsu. 

Ở đó, mọi ngờ vực đều được giải tỏa;

ở đó Thiên Chúa đã trở nên Thiên Chúa của con;

ở đó chúng ta bắt đầu chấp nhận bản thân mình và ưu ái sự sống thực sự.

Anh chị em thân mến, trong thời điểm thử thách chúng ta đang trải qua đây,

cả chúng ta nữa, như người môn đệ Toma, với những nỗi lo sợ của chúng ta và ngờ vực của chúng ta,

đã nghiệm cảm thấy những gì là yếu hèn của mình. 

Chúng ta cần đến Chúa, Đấng thấy được một vẻ đẹp bất khả đè nén bên trên cả những gì là yếu hèn nữa. 

Với Người, chúng ta tái nhận thức được rằng chúng ta quí báu biết bao, ngay cả nơi tính chất dễ bị tổn thương của chúng ta. 

Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta giống như những thứ pha lê lộng lẫy, vừa mỏng dòn lại vừa quí báu.

Và như là pha lê, nếu chúng ta trở nên trong suốt trước nhan Người,

thì ánh sáng của Người - thứ ánh sáng của lòng thương xót - sẽ chiếu sáng vào chúng ta và qua chúng ta vào thế giới. 

Như Thư Thánh Phêrô đã viết,

đó là lý do được "tràn đầy niềm vui, cho dù hiện nay anh em phải chịu đựng các thử thách khác nhau trong một thời gian" (1Phero 1:6).

Vào ngày lễ LTXC này, sứ điệp tuyệt nhất từ người môn đệ Toma này, người môn đệ đến trễ;

ngài là người môn đệ duy nhất vắng mặt. Thế nhưng Chúa đã chờ đợi Toma. 

Lòng thương xót không bỏ rơi những ai bị chậm trễ. 

Giờ đây, trong khi chúng ta đang hướng tới một cuộc phục hồi chầm chậm và gay go từ dịch bệnh này,

có một nguy cơ sẽ quên lãng những ai bị bỏ lại đằng sau. 

Cái nguy cơ này là ở chỗ chúng ta bấy giờ có thể bị tấn công thậm chí bởi một thứ vi khuẩn còn nguy hại hơn nữa,

thứ vi khuẩn của tính dửng dưng lạnh lùng vị kỷ.

Một thứ vi khuẩn đươc lan truyền theo ý nghĩ rằng sự sống tốt đẹp hơn khi nó tốt đẹp hơn cho tôi,

và hết mọi sự sẽ tốt đẹp khị nó tốt đẹp đối với tôi. 

Nó bắt đầu từ đó và tiến đến chỗ chọn người này hơn người kia,

khi loại trừ người nghèo, và hy sinh những con người bị bỏ lại ở đằng sau cái bàn thờ tiến bộ. 

Tuy nhiên, cái dịch bệnh này là những gì nhắc nhở chúng ta rằng

không có những khác biệt hay biên giới gì hết giữa những ai đang chịu đựng.

Tất cả chúng ta đều yếu hèn, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều quí báu.

Chớ gì chúng ta biết sâu xa rung động trước những gì đang xẩy ra chúng ta chúng ta đây: 

đã đến lúc cần phải loại trừ đi những gì là bất bình đẳng,

chữa lành các thứ bất công đang làm hao mòn đi sức lực của toàn thể gia đình nhân loại! 

Chúng ta hãy học được bài học từ cộng đồng Kitô hữu sơ khai như được Sách Tông vụ thuật lại.

Cộng đồng này đã lãnh nhận lòng thương xót và đã sống bằng lòng thương xót, ở chỗ:

"Tất cả những ai tin tưởng thì qui tụ lại với nhau và bỏ tất cả mọi sự làm của chung;

và họ đã bán những sở hữu vật của mình mà phân phát chúng cho tất cả mọi người, tùy theo nhu cầu" (Tông Vụ 2:44-45).

Đó không phải là một thứ ý hệ, mà là Kitô giáo.

Trong cộng đồng này, sau cuộc phục sinh của Chúa Kitô,

chỉ có một người bị bỏ lại và các người khác đã chờ đợi người ấy.

Ngày nay thì hoàn toàn trái ngược, ở chổ chỉ có một phần nhỏ nhân loại đã tiến lên phía trước, trong khi đa số vẫn còn lẽo đẽo theo sau. 

Mỗi người chúng ta có thể nói:

"Đó là những vấn đề phức tạp, việc của tôi không phải là chăm sóc cho người thiếu thốn,

những người khác cần phải quan tâm đến nó!"

Thánh Faustina, sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu đã viết:

"Trong một linh hồn đang đau khổ chúng ta cần phải thấy Chúa Giêsu trên thập tự giá,

không phải như là một thứ ký sinh trùng hay là một gánh nặng....

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con cơ hội để thực thi các việc làm của lòng thương xót,

và chúng con thực hành khi có những phán đoán" (Nhật Ký ngày 6/9/1937).

Tuy nhiên, chính bản thân của mình thì có lần ngài đã than phiền với Chúa Giêsu rằng

người ta bị cho là ngớ ngẩn khi tỏ lòng thương xót.

Chị thưa: "Chúa ơi, họ thường lạm dụng lòng tốt của con".

Chúa Giêsu đã trả lời cho chị rằng: "Không sao đâu, con đừng để nó bận lòng con, con hãy cứ luôn tỏ lòng thương xót với hết mọi người" (24/12/1937).

Đối với hết mọi người, chúng ta đừng chỉ nghĩ đến các thứ lợi lộc của mình, các thứ quyền sở hữu của mình. 

Chúng ta hãy đón nhận thời điểm thử thách này như là một dịp để sửa soạn cho tương lai chung của chúng ta,

một tương lai cho tất cả mọi người không loại trừ bất cứ một ai.

Vì không có một cái nhìn bao gồm tất cả thì cũng sẽ không có tương lai cho bất cứ một ai đâu.

Hôm nay, tình yêu thương chân thành và giải giới của Chúa Giêsu đã hồi sinh tấm lòng người môn đệ của Người.

Như tông đồ Toma, chúng ta hãy chấp nhận lòng thương xót, ơn cứu độ của thế giới này. 

Chúng ta hãy chứng tỏ lòng thương xót với những ai dễ bị tổn thương nhất;

vì chỉ có thể chúng ta mới xây dựng được một thế giới mới thôi.

Lời Nguyện Cộng Đồng

Cầu cho nhiều thành phần khác nhau trong Mùa Đại Dịch Covid-19

 

PHẦN PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Ca hiệp lễ

Chúa bảo ông Tô-ma : “Hãy đặt tay vào đây

và nhìn xem những dấu đinh của Thầy.

Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Ha-lê-lui-a.

 

PHẦN KẾT LỄ

HUẤN TỪ TRƯỚC KINH LẠY NỮ VƯƠNG

Vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh này, cần phải cử hành Thánh Thể ở nơi đây,

ở nhà thờ Thánh Linh tại Sassia này,

một ngôi thánh đường đã được Thánh Gioan Phaolô II muốn trở thành Đền Thờ LTXC. 

Việc đáp ứng của Kitô hữu trong cơn giông tố về sự sống và lịch sử này chỉ có thể bằng lòng thương xót thôi: 

đó là tình yêu cảm thương giữa chúng ta và cho tất cả mọi người,

nhất là với những ai đang đau khổ, những ai đang khốn khó hơn, những ai bị bỏ rơi....

Không phải là thứ duy đạo đức, không phải là thứ duy phúc hạnh, mà là lòng cảm thương xuất phát từ con tim. 

LTXC xuất phát từ Con Tim của Chúa Kitô Phục Sinh.

Nó xuất phát từ vết thương hằng rộng mở ở cạnh sườn Người, mở ra cho chúng ta,

những con người luôn cần đến ơn tha thứ và niềm an ủi.

Lòng thương xót của Kitô hữu cũng tác động một thứ chia sẻ chính đáng giữa các dân nước và các cơ cấu của họ,

trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay một cách đoàn kết....

(sau đó ĐTC ngỏ lời chúc mừng Lễ Phục Sinh với Giáo Hội Chính Thống Đông Phương)

Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Alleluia.
Đáp: Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia.

Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Alleluia.
Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Alleluia.

Xướng: Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Alleluia.
Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật. Alleluia.

Lời Nguyện:

Lạy Chúa là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa, cùng là Chúa chúng con, đã sống lại;

xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người,

nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời.

Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con.

Amen.

Có thể xem lại Thánh Lễ LTXC này qua livestream ở cái link sau đây:

 https://youtu.be/5NLch477MWw

 

Lễ Lòng Thương Xót Chúa:

https://youtu.be/aUa-Cymklyw

Lễ Lòng Thương Xót Chúa - Thời Điểm:

phần 1 - https://youtu.be/RHnB0f1zsmY  

phần 2 - https://youtu.be/nS9qS1W_cl4

Lễ LTXC và Sứ Điệp LTXC:  

https://youtu.be/pxVMZHmKDxg

Truyện Kể về LTXC và Ảnh LTXC:

https://youtu.be/K0EmeujKGks