SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Năm A (Chúa Nhật) và Năm Chẵn (Ngày Thường Trong Tuần)

M
ùa Vọng Tuần I 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 2, 1-5

"Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðiềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêru-salem. Ðiềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó.

Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: "Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người"; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem.

Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. - Ðáp.

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 13, 11-14

"Phần rỗi chúng ta gần đến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 24, 37-44

"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.

"Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến".

Ðó là lời Chúa.

 


 

 

Suy niệm

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng làm cho chúng ta cảm thấy như vẫn còn đang tiếp tục ở vào cuối phụng niên của năm trước. Vì bài Phúc Âm cho Chúa Nhật I Mùa Vọng, mở đầu cho một tân phụng niên, cũng bao gồm nội dung về ngày cùng tháng tận của thế giới này.

Tuy nhiên, không còn bài Phúc Âm nào thích hợp hơn cho Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng này bằng một bài Phúc Âm về ngày tận thế. Tại sao? Tại vì, chủ ý của Giáo Hội cố ý chọn đọc bài Phúc Âm này là để nhắc nhở con cái của mình hãy tỉnh thức chờ đón Chúa Kitô đến, đến lần thứ nhất. Mà thật ra Chúa Kitô đã đến lần thứ nhất rồi, một biến cố thần linh đã thật sự xẩy ra trong lịch sử loài người vào thời điểm cách đây hơn 2 ngàn năm, nên biến cố này chỉ được Giáo Hội tưởng niệm bằng phụng vụ của mình mà thôi.

Thế nhưng, vì Chúa Kitô còn đến lần thứ hai nữa, một lần đến cánh chung với toàn thể nhân loại, hơn là lần đến đầu tiên chỉ ở nơi dân Do Thái, mà Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội có tính cách "công giáo" của một Ơn Cứu Độ phổ quát mới cần phải sửa soạn nghênh đón Người, đặc biệt là qua phụng vụ Mùa Vọng, như thành phần trinh nữ hay phù dâu khôn ngoan tiến lên ngênh đón phu quân của mình (xem Mathêu ở đầu đoạn 25 và Khải Huyền ở đầu đoạn 21) bằng đèn đức tin sáng lửa đức mền bằng dầu đức cậy.

Nếu trong cuộc chung thẩm, Chúa Kitô Vua phán xét loài người theo tiêu chuẩn đức bác ái yêu thương qua việc giúp đáp những người anh chị em hèn mọn nhất của Người bị đói khát, trần trụi, vô gia cư v.v., thì ngay trong biến cố thần linh nhập thể của mình, chính bản thân Con Thiên Chúa làm người cũng đã trở nên trần trụi nơi một Con Trẻ vừa lọt lòng Mẹ trong hang Bêlem, đã là một con người vô gia cư ngay khi còn trong lòng mẹ, và có thể đã cất tiếng khóc khi cảm thấy đói do bởi bầu khí lạnh buốt của một đêm đông ở ngoài đồng không mông quạnh.

Vẫn biết theo lịch sử chỉ sau khi con người sa ngã phạm tội thì Thiên Chúa mới nhập thể giáng sinh làm người để cứu chuộc họ, nhưng theo dự án thần linh của Lòng Thương Xót Chúa thì ngay từ ban đầu Thiên Chúa là Tình Yêu Thương Xót, Tình Yêu vô cùng nhân hậu đã muốn tỏ mình ra cho loài người là loài tạo vật được Ngài tạo dựng nên theo hình ảnh thần linh và tương tự như Ngài, một tạo vật mà Ngài đã biết trước là tự bản tính bất toàn và tự mình không thể nào không sa ngã phạm tội.

Bởi thế, nếu Thiên Chúa đã muốn xuống thế làm người ngay từ ban đầu thế nào (xem Khải Huyền đầu đoạn 12), và chính vì việc nhập thể của Ngài mà thời gian của con người và lịch sử của họ mới đạt đến "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) thế nào, thì không phải là tận thế rồi Chúa Kitô mới đến mà trái lại chính vì Chúa Kitô đến thì tận thế xẩy ra và thế gian tới ngày cùng tháng tận.

Mà Chúa Kitô tới lần thứ hai là lần Người tỏ mình ra không phải như lần thứ nhất trong thân phận yếu hèn của một con người, nhất là trong thân phận như của một tên đại tử tội bị đóng đanh trên thập tự giá và không thể xuống khỏi thập giá, mà là trong vinh quang, trong uy quyền của một đứa vua caitrị trời đất và có quyền phán xét thưởng phạt con người.

Theo cảm nghiệm thần linh trong Cựu Ước, mỗi lần trước khi Thiên Chúa tỏ mình ra, nhất là trường hợp trong cuộc đại thần hiển (the great theophany) xẩy ra ở Núi Sinai, thường xuất hiện trước đó những hiện tượng kinh thiên động địa, như sớm chớp trên trời, khói bốc lên trên núi và mặt đất rung chuyển (xem Xuất Hành 19:16-18).

Ngay cả trong Phúc Âm cũng thế, nhất là ở trường hợp sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, Người lên núi cầu nguyện và bảo các vị chèo thuyền sang bờ bên kia trước Người, trước khi Chúa Kitô xuất hiện với các môn đệ của Người cũng xẩy ra 2 sự kiện rùng rợn là đêm tối và bão tố, chứ Người không đến với các vị khi còn sáng và vào lúc biển hồ yên lặng (xem Gioan 6:15-21).

Cũng thế, theo chiều hướng này, khi Chúa Kitô đến lần thứ hai cũng không thể nào không xẩy ra những hiện tượng kinh hoàng cả dưới đất cũng như trên trời về thể lý, thậm chí còn bao gồm cả những hiện tượng khủng hoảng về tâm linh tràn đầy tăm tối của con người ta nữa. Hay nói cách khác, những hiện tượng xẩy ra càng kinh hoàng khủng khiếp trong lịch sử loài người chưa từng thấy càng là những dấu chỉ cho thấy Chúa Kitô sắp đến.

Nhưng Người đến với tư cách là một Đấng Thiên sai Cứu Thế, mang sự sống cho nhân loại chứ không phải hủy hoại con người. Bởi thế, mọi sự nhờ Người và bởi Người mới được đổi mới, và tất cả những gì là cũ kỹ, bao gồm cả trời cũ (ám chỉ tâm linh tồi tệ của con người), đất cũ (ám chỉ thân xác bụi tro của con người) và biển cũ (ám chỉ hoạt động bất chính của con người) đã qua đi, đúng hơn đã được biến đổi, thành trời mới đất mới (xem Khải Huyền đoạn 21), như Chúa Kitô phục sinh từ trong cõi chết đã biến bóng tối thành ánh sáng và sự chết thành sự sống vậy.

Bởi thế, Mùa Vọng là thời điểm chung Giáo Hội và riêng Kitô hữu hiện thực hóa mầu nhiệm cánh chung và hướng về đích điểm cánh chung là Chúa Kitô xuất hiện trong vinh quang, nhất là sửa soạn nghênh đón Đấng Thiên Sai Cứu Thế chẳng những trong phụng vụ mà còn bằng việc sống chính con người mới của mình nhờ Phép Rửa tái sinh, một con người mới báo hiệu một trời mới đất mới sau ngày cùng tháng tận của thế giới hiện nay.

Thật ra Mầu Nhiệm Cánh Chung không phải là mầu nhiệm chỉ liên quan đến ngày cùng tháng tận, đến việc Chúa Kitô đến lần thứ 2, mà là một mầu nhiệm được mở đầu bằng việc Chúa Kitô đến lần thứ 1, "lúc thời gian viên trọn" (Galata 4:4), "vào những ngày sau hết" (Do Thái 1:1), khi Thiên Chúa tỏ hết mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài. Và đó là lý do bài Đọc 1 hôm nay, tiên tri Isaia đã tiên báo về mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh "trong những ngày sau hết" qua hình ảnh "núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó".

Thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận Phép Rửa, ở chỗ đã được hiệp thông thần linh với mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Con Thiên Chúa Làm Người, nghĩa là thành phần đã được "tiến vào nhà Chúa", "đang đứng nơi cửa thành rồi", theo ý nghĩa và chiều hướng của câu đầu tiên trong bài Đáp Ca hôm nay. Chính vì thế mà vị tông đồ dân ngoại Phaolô trong Bài Đọc thứ 2 hôm nay đã huấn dụ họ chí lý như sau: "hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt".

 

Thứ Hai


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 4, 2-6

"Những kẻ được giải phóng sẽ nhảy mừng".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, dòng dõi Chúa sẽ trở nên huy hoàng vinh quang, hoa màu trên đất sẽ dồi dào, và số người trong dân Isarel được giải phóng sẽ nhảy mừng. Những ai còn sót lại ở Sion và còn sống sót ở Giêrusalem sẽ được gọi là thánh, tất cả những ai sẽ được ghi tên để sống trọn đời ở Giêrusalem. Khi Chúa đã dùng thần trí thẩm xét và thiêu đốt mà tẩy bỏ những tồi bại của các thiếu nữ Sion, và đã tẩy rửa Giêrusalem cho sạch những vết máu, thì lúc đó Chúa sẽ đến trên khắp miền núi Sion và những nơi kêu cầu Người, như đám mây ban ngày và như cột khói hoặc như ánh lửa sáng rực ban đêm, vì trên tất cả, vinh quang Thiên Chúa sẽ là một phương du và là một lều vải để che khỏi sức nóng ban ngày, để làm nơi an toàn trú ẩn khỏi giông tố và mưa sa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. - Ðáp.

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo. - Ðáp.

 

Alleluia: x. Tv 79, 4

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin đoái nhìn chúng con, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng con sẽ được rỗi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 8, 5-11

"Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm

 

Đức Tin Dân Ngoại - Nhập Thể Đại Đồng   

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần I Mùa Chay, tuần đầu trong 4 tuần lễ tượng trưng cho 4 ngàn năm trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô, Đấng "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đã được sai đến không phải chỉ cho riêng dân Do Thái mà cho chung toàn thể nhân loại, vì Người mặc lấy bản tính chung của nhân loại và chỉ được sinh ra theo giòng tộc Do Thái mà thôi.

Phải chăng đó là lý do, ngay trong bài Phúc Âm của ngày Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng, Giáo Hội đã chọn đọc câu chuyện về viên đại đội trưởng dân ngoại Rôma, nhân vật đã đến với Chúa Giêsu chỉ vì lo lắng cho một thằng nhỏ đầy tớ của ông ta, như được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: 'Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!'"

Theo Phúc Âm Thánh Luca (7:2) thì "thằng nhỏ nhà tôi" trong Bài Phúc Âm của Thánh Mathêu hôm nay đây không phải là "thằng nhỏ" con trai của viên đại đội trưởng này, mà là một "thằng nhỏđầy tớ của viên đại đội trưởng, được viên đại đội trưởng này cảm thương quí mến (xem Luca 7:2), ở chỗ ông đã tỏ ra lo lắng cho sức khỏe cùng mạng sống của nó, đến độ thậm chí ông còn đích thân đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho nó, chứ không sai phái một ai, như chính ông ta cũng thú nhận hành động tự nguyện này của ông:

"Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" 

Thái độ vừa yêu thương vừa khiêm nhượng của viên đại đội trưởng (yêu thương) đối với thằng nhỏ đầy tớ của ông cũng như (khiêm nhượng) đối với Chúa Giêsu, đã làm cho Chúa Giêsu đáp ứng ngay tại chỗ: "Tôi sẽ đến chữa nó". Và qua lời thân thưa của viên đại đội trưởng khi nghe thấy Chúa Giêsu hồi âm một cách mau mắn theo ý xin của ông ta, ông còn tỏ ra tin tưởng Chúa Giêsu đến độ, ông xin Người chẳng cần phải đi đến tận nơi mới chữa được "thằng nhỏ nhà tôi" mà Người chỉ cần "phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh".

Đó là lý do, Chúa Giêsu đã không thể không lên tiếng để hết lời khen ngợi viên đại đội trưởng dân ngoại ấy "với những kẻ theo Người"  như thế này: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài', ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Đúng là vấn đề then chốt ở ngay chỗ ấy, vì trong Bài Phúc Âm hôm nay, vấn đề chính yếu không phải là vấn đề chữa lành của Chúa Giêsu cho bằng vấn đề tin tưởng của viên đại đội trưởng. Bởi thế, câu cuối cùng (Mathêu 8:13) về câu chuyện của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến chính việc chữa lành thật sự cho thằng con trai đầy tớ của viên đại đội trưởng, xẩy ra vào ngay lúc Chúa phán "Hãy về đi. Nó sẽ được thực hiện vì lòng tin tưởng của ông. Vào chính lúc ấy thằng nhỏ đầy tới cảm thấy khỏe hơn" (Mathêu 8:13) hoàn toàn không được Giáo Hội bao gồm trong bài Phúc Âm hôm nay tí nào.

Phải chăng, những ai tin vào "Lời đã hóa thành nhục thể" là Chúa Giêsu Kitô như thế, thì dù không phải là chính gốc dân Do Thái đi nữa, họ vẫn có thể được gọi và xứng đáng thuộc về, như trong Bài Đọc 1 hôm nay đề cập đến "dòng dõi Chúa", một dòng dõi, như viên đại đội trưởng Rôma dân ngoại trong Bài Phúc Âm hôm nay, được chính Chúa khen tặng, theo kiểu diễn tả của Bài Đọc 1 hôm nay là "trở nên huy hoàng vinh quang"? 

Đúng thế, Bài Đọc 1 hôm nay đã cho biết tính cách phổ thông và đại đồng của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đối với tất cả mọi người và cho mỗi một con người, nhất là những ai thuộc "dòng dõi Chúa"

"Chúa sẽ đến (có thể ám chỉ "Lời đã hóa thành nhục thể" của Ngài sau này "vào thời điểm viên trọn" - Galata 4:4) trên khắp miền núi Sion (có thể hiểu là ám chỉ là toàn dân Do Thái) và những nơi kêu cầu Người (có thể hiểu là bao gồm cả dân ngoại, như viên đại đội trưởng Rôma trong bài Phúc Âm hôm nay), như đám mây ban ngày (ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa luôn bao phủ chở che "dòng dõi Chúa") và như cột khói hoặc như ánh lửa sáng rực ban đêm (ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa luôn soi đường dẫn lỗi cho "dòng dõi Chúa" trong tất cả mọi cơn gian nguy khốn khó), vì trên tất cả, vinh quang Thiên Chúa sẽ là một phương du và là một lều vải để che khỏi sức nóng ban ngày, để làm nơi an toàn trú ẩn khỏi giông tố và mưa sa". 

Đó là lý do, trước tình yêu thương của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất luôn ở với con người và hằng tỏ mình ra cho con người như thế, nhất là nơi mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh của chính Con Một của Ngài trên trần gian này, bằng tất cả cảm nghiệm thần linh đầy đức tin, không một ai, dù là dân Do Thái hay dân ngoại, không được thúc đẩy hân hoan đáp ứng, không tiến đến với Ngài ở nơi Ngài ngự là Thành Giêrusalem, tiêu biểu cho chung dân Chúa, cho "dòng dõi Chúa", vì Ngài chính là "Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), hiện thực nhất và sống động nhất nơi "Lời đã hóa thành nhục thể":

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. 

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. 

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo.

 

Thứ Ba

Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 11: 1-10

"Chúa lấy đức công bình mà xét xử người nghèo khó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa.

Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.

Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công bình mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở.

Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác.

Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng.

Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy.

Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc.

Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.

Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đại dương.

Ngày ấy gốc Giê-sê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân.

Các dân sẽ khẩn cầu Ngài và mộ Ngài sẽ được vinh quang.

Ðó là Lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 71,2, 7-8,12-13,17

Ðáp: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người.

Xướng 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.

2) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn, sẽ triển nở trong triều đại người, cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu sống người cùng khổ. - Ðáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 84,8

Alleluia, alleluia - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng tôi, và ban ơn cứu rỗi cho chúng tôi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10: 21-24

"Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.

Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế.

Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự.

Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.

Ðó là Lời Chúa.




 

Suy niệm

 

Ngôi Lời nhập thể - Mạc khải Thần Linh


Trong các mùa phụng vụ đặc biệt không phải là Mùa Thường Niên, chẳng hạn như Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, hay Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, thường các Bài Phúc Âm không liên tục với nhau như Mùa Thường Niên, dù là Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh hay Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh

Hôm nay, Thứ Ba trong Tuần I Mùa Vọng, Giáo Hội lại chọn một bài Phúc Âm không phải bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu như hôm qua và tiếp hôm qua, mà là bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, có một nội dung hoàn toàn khác hẳn với bài Phúc Âm hôm qua, nhưng vẫn theo đúng chủ đề chung của cả Mùa Vọng là "Lời hóa thành nhục thể". 

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca thuật lại cho chúng ta biết về thái độ và hành động của Chúa Kitô trong một lúc đột xuất đầy thần hứng của Người theo tác động của Thánh Thần, để thốt lên những lời hân hoan chúc tụng Cha của Người cùng những lời phấn khích các môn đệ của Người:

Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng Cha của Người"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"

Chúa Giêsu phấn khích các môn đệ của Người: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe".

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao trong Mùa Vọng là thời điểm trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Giáo Hội lại cho đọc những bài Phúc Âm hầu như chẳng liên hệ và dính dáng gì với chiều kích trông đợi và ngưỡng vọng Chúa Kitô đến lần thứ nhất? 

Nếu bài Phúc Âm hôm qua về viên đại đội trưởng dân ngoại Rôma được Giáo Hội cho đọc ngay đầu Mùa Vọng, như suy diễn, đã rất am hợp với tinh thần và chủ đề chung của Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể" thế nào, thì bài Phúc Âm hôm nay cũng thế, ý nghĩa sâu xa của lời Chúa vẫn liên hệ với Mùa Vọng như bài Phúc Âm hôm qua, nếu vẫn tiếp tục căn cứ vào chủ đề chính của cả Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể".

Đúng thế, con người là loài tạo vật được Thiên Chúa dựng nên là để muôn đời hiệp thông thần linh với Ngài. Thế nhưng, muốn hiệp thông thần linh với "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24), con người cần phải nhận biết Ngài, một điều kiện duy nhất bất khả thiếu và bất khả châm chước. Tuy nhiên, theo bản tính hữu hình và hữu hạn, con người không thể nào có thể nào tự mình nhận biết Thiên Chúa như Ngài là, nếu không được chính Ngài tỏ ra cho biết. 

Đó chính là lý do Chúa Giêsu đã dứt khoát khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!Định luật này thực sự là một điều rất hợp với chẳng những lý lẽ tự nhiên của con người mà còn chính đáng với ý muốn của Thiên Chúa nữa, như Chúa Giêsu cũng đã cho biết: "đó là ý Cha đã muốn thế".

Có nghĩa là, mạc khải thần linh là một đặc ân, một tác động chính Thiên Chúa tự làm, chứ không phải do con người van xin mà có, do công lênh của con người mà được, và thậm chí cho dù Ngài đã tỏ mình ra cho con người, nhưng con người vẫn tự mình không thể hay khó có thể nhận biết Ngài nếu không được chính Ngài soi động cho biết, hay nếu không có chính Thần Linh của Ngài, như Chúa Giêsu cũng đã xác nhận trong cùng bài Phúc Âm hôm nay: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ".

Vì mạc khải thần linh là một đặc ân như thế mà những ai được Thiên Chúa tỏ ra cho biết đều là những người diễm phúc, điển hình là thành phần môn đệ của Người, được Người nhắc nhở và phấn khích như phần cuối của bài Phúc Âm hôm nay: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe".

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay có nghĩa là gì: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy" đây là gì? Và những gì mà các môn đệ của Người được diễm phúc xem thấy đó, nhìn thấy đó, nghe thấy đó đã từng là đối tượng của những gì hết sức khát khao mong muốn mà không được của "nhiều tiên tri và vua chúa" trong Cựu Ước. Nếu không phải là chính Chúa Giêsu Kitô là tột đỉnh của mạc khải thần linh và là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết.

Chúa Giêsu Kitô là tột đỉnh của mạc khải thần linh vì tất cả những gì Thiên Chúa tỏ mình ra trong giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái thời Cựu Ước đều được ứng nghiệm và nên trọn nơi Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đúng như cảm nhận chí lý của Thư Do Thái ở ngay 2 câu đầu tiên của bức thư này: "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử... Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa" (Do Thái 1:1-2)

Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ là tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa mà còn là và nhất là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa nữa, bởi chỉ ở nơi duy một mình Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), là Đấng "hằng ở nơi Thiên Chúa" (Gioan 1:1,18) mới có thể biết Thiên Chúa mà "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) thôi, nhờ đó, "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9).

Mầu nhiệm và biến cố nhập thể thần linh trong lịch sử dân Do Thái và của nhân loại này của "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), như Tông Đồ Phêrô thay tông đồ đoàn tuyên xưng, của "Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian" (Gioan 11:27), như Matta thay gia đình của chị và dân chúng bấy giờ tuyên xưng, đã được tiên báo từ ngay trong Cựu Ước, rõ ràng nhất là qua Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: 

"Ngày ấy, từ gốc Giê-sê (ám chỉ thân phụ của Vua Đavít) sẽ đâm ra một bông hoa. Trên bông hoa ấy (ám chỉ Chúa Giêsu Kitô, thuộc giòng dõi Đavít), thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa". 

Và chính vì là Đấng Thiên Sai mà Chúa Giêsu Kitô mới tràn đầy "thần linh của Thiên Chúa", chứng tỏ Người thực sự là Con Thiên Chúa, được Thần Linh Chúa thánh hiến và tác động để sống trọn vẹn cho đến cùng tất cả những gì Thiên Chúa mun nơi Người cho phần rỗi muôn dân, như được Bài Đọc 1 tiếp tục cho biết về tinh thần và sứ vụ trần thế của Người:

"Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công bình mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng".

Nhờ thế, tức nhờ Người mà trần gian và nhân thế mới "đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đại dương", đến độ, như Bài Đọc 1 diễn tả một thế giới tuyệt diệu tràn đầy thái hóa và bình an, hòa giải được hết mọi khác biệt và xung khắc:

"Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta".

Bài Đáp Ca hôm nay cũng hướng về Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế theo chiều hướng của Bài Đọc 1 hôm nay, một Đấng Thiên Sai Cứu Thế là niềm hy vọng và là nguồn cứu độ của muôn dân và cho muôn dân, nhất là của và cho những ai yếu thế bất hạnh cần được giải thoát:

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

2) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn, sẽ triển nở trong triều đại người, cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. 

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu sống người cùng khổ.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. 

 

 

LỄ THÁNH PHANXICÔ XAVIER, QUAN THÀY CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO

 

Bài đọc 1
1 Cr 9,16-19.22-23

Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Đáp ca
Tv 116,1.2 (Đ. Mc 16,15)

Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.

1Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người !

Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.

2Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.

Tung hô Tin Mừng
x. Mt 28,19a.20b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng
Mc 16,15-20

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng.

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

Image result for THANH PHANXICÔ XAVIÊ

 

 Việt Nam, trong số các thánh Dòng Tên, thánh Phanxicô Xavier được các tín hữu yêu mến và tôn kính nhất. Ngài có đặt chân lên đất nước Con Rồng Cháu Tiên không? Chúng ta không dám chắc. Dầu sao, ngài cũng được Hội Thánh đặt làm Bổn mạng các xứ truyền giáo,trong đó có Việt Nam.

Cũng như thánh I-nhã, thánh Phanxicô Xavier thuộc dân tộc ít người Basco sinh sống ở Tây Ban Nha. Ngài sinh năm 1506 trong một gia đình quyền quý. Năm 19 tuổi, ngài đến Paris học, với ý định tiến thân. Năm 23 tuổi, ngài gặp thánh I-nhã. Sau mấy năm, ngài được thụ phục và gia nhập nhóm bạn của thánh I-nhã. Năm 28 tuổi, ngài cùng với thánh I-nhã và các bạn khấn sống thanh bần và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài thụ phong linh mục tại Venezia, miền đông bắc nước Ý. Năm 35 tuổi, ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á, theo lệnh của Đức Thánh Cha Phaolô III. Từ Ấn Độ, ngài mở rộng hoạt động truyền giáo đếnMalaysia, Inđônêxia và Nhật Bản.

Với thánh Phanxicô Xavier, Dòng Tên vươn mình đến Châu Á, vừa đạt đến đỉnh cao của sứ mạng loan báo Tin mừng.  Trong 10 năm truyền giáo, ngài vượt chừng 100 ngàn cây số đường biển, trên những con tàu buồm mong manh, để đến Ấn Độ, Malaysia, Inđônêxia, Nhật Bản, và qua đời trên đảo Thượng Xuyên, đang khi mơ ước vào Trung Hoa.

Tại Ấn Độ, ngài tập trung nỗ lực quanh mũi Comorin, hồi sinh cả một giáo đoàn 20 ngàn tín hữu, và chỉ trong một tháng rửa tội đến 10 ngàn tân tòng. Tại Malaysia, ngài kiên nhẫn giải tội cho từng hối nhân, rửa tội cho từng tân tòng, nay một người, mai một người. Như một mục tử đi tìm chiên lạc, ngài đến các đảo xa lắc xa lơ của Inđônêxia để củng cố đức tin những người thổ dân sống rải rác trên rừng núi, đã được rửa tội nhưng không ai giúp đỡ. Tại Nhật Bản, ngài khởi đầu một cách khó khăn công cuộc rao giảng và gây dựng Hội Thánh. Nghĩ rằng nếu Trung Hoa gia nhập Hội Thánh, cả vùng Đông Á sẽ noi gương, ngài tìm đủ mọi cách để vào vùng đất này.

Thánh Phanxicô Xavier được xem là một vị tông đồ táo bạo, nếu không muốn nói là liều lĩnh. Thật vậy, đường biển thời ấy luôn bị đe dọa vì bệnh dịch, bão tố và hải tặc, nhưng ngài tin tưởng nếu Chúa không cho phép, không có gì làm hại được ngài. Ở Ấn Độ, ngài phải đương đầu với thời tiết nóng như nung và những đoàn quân Badaga hung dữ; ở Malaysia, ngài phải ê chề với thái độ ngoan cố và trịch thượng của người đại diện chính quyền thực dân Bồ Đào Nha; ở Nhật Bản, ngài phải chịu đựng bão tuyết và con mắt nghi ngờ của các sứ quân. Đặc biệt lúc ấy hoàng đế Trung Hoa ra lệnh xử tử bất cứ người châu Âu nào đặt chân đến, nhưng bất chấp mọi sự, ngài khao khát làm sao để gặp được hoàng đế Trung Hoa. Lòng nhiệt thành với các linh hồn và lòng phó thác tuyệt đối nới Chúa đã giúp ngài làm được những điều không ai dám nghĩ tới.

Chỗ dựa hữu hình của ngài là Dòng Tên. Ngài luôn cảm tạ Chúa vì đã cho ngài có những người anh em cùng chung lí tưởng, luôn xin anh em cầu nguyện và gửi thêm nhân sự đến tăng cường và tiếp tục công việc ngài đã khởi sự. Ngài gọi Dòng Tên là “Dòng yêu thương”, và luôn mong ước được gặp lại anh em, hoặc ở dưới đất hoặc ở trên trời.

Mặc dầu rửa tội được chừng 100 ngàn người, củng cố được hàng trăm cộng đoàn tín hữu, ngài vẫn cảm thấy bị thiêu đốt vì đòi hỏi gay gắt của nhu cầu truyền giáo.  Ngài qua đời trên đảo Thượng Xuyên, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, ngày 03 tháng 12 năm 1552. Ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV tuyên thánh, cùng với thánh I-nhã, năm 1622, và được Hội Thánh đặt làm bổn mạng các xử truyền giáo.

***

 

Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng

Trích thư của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, linh mục, gửi thánh I-nha-xi-ô.

Chúng tôi đã tới nhiều làng tân tòng mới được chịu phép rửa cách đây ít năm. Người Bồ Đào Nha không ở các làng này vì đất đai xác xơ cằn cỗi. Vì không có linh mục nên các Ki-tô hữu bản xứ chẳng biết gì khác ngoài việc mình là Ki-tô hữu. Chẳng có ai cử hành bí tích cho họ, chẳng có ai dạy họ kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, chẳng có ai dạy họ biết các điều răn của Chúa.

Từ khi đến đây, tôi chẳng ngưng lúc nào : tôi rảo khắp làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em chưa được lãnh bí tích này. Tôi đã làm phép rửa cho một số rất đông các trẻ em chưa biết phân biệt bên phải với bên trái. Khi tôi đến các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh. Vì thế, tôi bắt đầu hiểu tại sao Nước Trời lại là của những người giống như chúng.

Cũng vì không đang tâm từ khước một lời xin thánh thiện như vậy, tôi đã bắt đầu dạy chúng làm dấu thánh giá mà tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, rồi dạy chúng kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng. Tôi nhận thấy chúng rất thông minh. Và nếu có ai huấn luyện cho chúng về đạo lý Ki-tô giáo, tôi dám chắc chúng sẽ trở nên những Ki-tô hữu rất tốt lành.

Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Ki-tô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Ki-tô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học ở châu Âu, trước hết là đại học Pa-ri, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng : Tiếc thay, chỉ vì lỗi các ông mà biết bao linh hồn thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hoả ngục.

Ước chi họ miệt mài với văn chương chữ nghĩa thế nào thì họ cũng miệt mài với công việc tông đồ này như vậy, để có thể trả lẽ với Thiên Chúa về học thuyết của họ cũng như các nén bạc đã được trao phó cho họ. Nhiều người trong họ được đánh động vì ý tưởng này. Nhờ suy gẫm những sự việc về Chúa, họ nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn và từ bỏ các tham vọng cũng như công việc trần thế mà hoàn toàn vâng theo ý Chúa và lệnh truyền của Người. Họ thốt lên tự đáy lòng : Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn con làm gì ? Xin sai con đi bất cứ nơi nào tuỳ ý Chúa, cả Ấn-độ cũng được !

Sau đây là một đoạn văn nổi tiếng: Mời gọi các đại học được trích trong lá thư của Phanxicô Xavier gửi từ Nam Ấn cho các bạn đường ở Rôma, ngày 15.01.1544

“Biết bao lâu tôi đã muốn đi đến các đại học ở Châu Âu, và nhất là đến Đại học Paris[1] để lớn tiếng kêu to, như một người đã mất trí, với những người vốn giàu kiến thức hơn là có lòng ước ao rút tỉa ích lợi từ  kho kiến thức ấy; và nếu họ đem cũng chừng ấy lòng nhiệt thành dành cho việc nghiên cứu để suy nghĩ về khoản nợ mà Thiên Chúa sẽ đòi họ phải trả về việc nghiên cứu này, cũng như những nén vàng nén bạc đã ban cho họ, thì ắt sẽ có khá đông người xúc động về điếu ấy, họ ắt sẽ sử dụng những phương tiện  và những việc thiêng liêng thích hợp để làm cho mình nhận biết và đi sâu vào thánh Ý Chúa, bày tỏ trong tâm hồn họ và ắt họ sẽ quy phục ý Chúa hơn là sở thích riêng mình mà nói rằng: Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn con làm gì?

Nhưng tôi e rằng có nhiều người đang sôi kinh nẩu sử trong các đại học, cốt chỉ là để dành cho được một chỗ đứng thuận lợi, có lương bổng cao và chức tước. Họ đã chọn bậc sống mình như thế đấy, buông thả theo những tình cảm lệch lạc của mình.

Tôi đã súy viết cho đại học Paris để nói cho họ biết rằng có hàng ngàn và hàng triệu người ngoại lẽ ra đã trở thành Ki-tô hữu nếu đã có thêm thợ gặt. Có cả một đám đông như thế trở lại với đức tin của Chúa Ki-tô trong xứ mà tôi đang sống đây, biết bao lần tay tôi mỏi mệt vì ban phép Rửa, và không còn hơi sức để nói vì đã đọc đi đọc lại quá nhiều lần kinh Tin Kính và Mười điều răn bằng thổ ngữ của họ, cũng như những kinh nguyện khác và một huấn dụ trong đó tôi cắt nghĩa cho họ hiểu thế nào là một Ki-tô hữu.”

 

 

 

Thứ Tư

Lời Chúa

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a

"Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. (c. 6cd).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

 

Alleluia: Is 33, 32

Alleluia, alleluia! - Chúa là Ðấng xét xử, là Ðấng ban luật và là Vua chúng ta: Chính Người sẽ cứu độ chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 15, 29-37

"Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.

Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". Các môn đệ thưa Người: "Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các con có bao nhiêu chiếc bánh?" Họ thưa: "Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ". Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm

nhập thể truyền sinh  

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng, cũng có vẻ rất xa lạ như lạc đề với ý hướng của Mùa Vọng là mùa đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Vì bài Phúc Âm hôm nay là bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai.

Thật vậy, Thánh ký Mathêu đã thuật lại rằng: "Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel. Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: 'Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng'".

Thế rồi, trong chính hoàn cảnh thiếu thốn bấy giờ như thể bất khả đáp ứng nhu cầu của dân chúng, lòng cảm thương dân chúng của Chúa Giêsu đã tỏ mình ra bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều, như cùng bài Phúc Âm cho biết: 

"Các môn đệ thưa Người: 'Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?' Chúa Giêsu nói với họ: 'Các con có bao nhiêu chiếc bánh?' Họ thưa: 'Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ'. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít".

Như hôm qua và hôm kia, vấn đề được đặt ra ở đây là sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để đáp ứng nhu cầu thể chất của "bốn ngàn người, không kể đàn bà con nít" là thành phần "đã ba ngày, họ ở lại với" Người trong "hoang địa" có liên quan gì tới Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Cứu Thế Thiên Sai hay chăng? Câu trả lời rất dễ dàng đó là nếu không có liên hệ gì với nhau thì Giáo Hội đã không chọn đọc cho phụng vụ Lời Chúa của từng ngày thường trong Mùa Vọng như hôm nay, Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng.  

Thế nhưng, mối liên hệ giữa sự kiện phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Bài Phúc Âm hôm nay và Mùa Vọng như thế nào và ở chỗ nào? Nếu không phải, như vẫn được nhấn mạnh trong 3 ngày đầu Mùa Vọng vừa rồi, ở chủ đề chung cho Mùa Vọng: "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14). 

Phảiý nghĩa về Mùa Vọng của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều hoàn toàn đưc sáng tỏ nơi chủ đề chung cho Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể". Tại sao "Lời đã hóa thành nhục thể" và "Lời đã hóa thành nhục thể" để làm gì, nếu không phải, về lý do, vì Người yêu thương con người là loài tự bản chất hướng về vĩnh hằng bất tử vốn khao khát thần linh, như đám đông dân chúng trong Bài Phúc Âm hôm nay, nhưng không thể thỏa đáng chính bản thân mình, cho đến khi chính Thiên Chúa đáp ứng nhu cầu và khát vọng của họ, như Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ được no thỏa trong Bài Phúc Âm hôm nay!

Và đó cũng chính là mục đích "Lời đã hóa thành nhục thể", ở chỗ để ban cho con người đã bị chết vì nguyên tội được tái sinh "bởi nước và Thần Linh" (Gioan 3:5), nhờ đó họ "được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), được tiêu biểu nơi sự kiện Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dưỡng phần xác của họ trong lúc họ đang đói, một sự kiện ám chỉ đến việc Người sẽ thiết lập Bí Tích Thánh Thể là chính bản thân Người: "Tôi chính là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời và bánh Tôi sẽ ban chính là thịt của Tôi ban sự sống cho thế gian" (Gioan 6:51).

Sự việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng theo Người bấy giờ ám chỉ đến biến cố Người sẽ lập Bí Tích Thánh Thể là việc Người thông ban sự sống thần linh của Người cho Kitô hữu nói riêng và cho toàn thể nhân loại nói chung qua phụng vụ Thánh Thể được Giáo Hội cử hành mà nhớ đến Người, mà Thánh Thể như Bánh Sự Sống của Người đây là hoa trái của việc "Lời đã hóa thành nhục thể", và cả hai mầu nhiệm nhập thể và Thánh Thể đã được Tiên Tri Isaia loan báo trong Bài Đọc 1 hôm nay như thế này:

"Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán".

"Ngày ấy" ở đây phải chăng là "thời điểm viên trọn", thời điểm "Thiên Chúa sai Con của Ngài sinh hạ bởi một người nữ" (Galata 4:4), như thể, nhờ "Lời đã hóa thành nhục thể" mà "Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon".

"Trên núi này" ở đây phải chăng là nơi nhân tính của Lời nhập thể và nhờ nhân tính của Lời nhập thể đã gánh tội trần gian và xóa tội trần gian bằng cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của mình mà "Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời". 

Đó là lý do, nếu Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Cứu Độ và Ơn Cứu Độ từ Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người nơi "Lời đã hóa thành nhục thể", vị Thiên Chúa duy nhất có thể thỏa đáng khát vọng thần linh của chúng ta và nơi loài người bất lực đầy tội lỗi của chúng ta, thì quả thực, đúng như lời Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này".
Với tâm tình ngưỡng vọng Đấng Cứu Độ và Ơn Cứu Độ là Đấng duy nhất có thể thỏa đáng khát vọng thần linh của mình, Đấng "đã hóa thành nhục thể" và "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28), thì con người, như đám đông dân chúng trong bài Phúc Âm hôm nay, sau khi được no thỏa, chẳng còn thiết gì nữa, bởi họ được chăn dắt bởi một Vị Mục Tử Thần Linh, "vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11), như Bài Đáp Ca hôm nay cảm nhận và xác tín cùng tuyên xưng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. 
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. 
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. 

 

Thứ Năm

Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 26, 1-6

"Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.

Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 19-21. 25-27a

Ðáp: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (c. 26a)

Hoặc đọc: Alleluia!

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. - Ðáp.

2) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.

3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.

 

Alleluia: Is 40, 9-10

Alleluia, alleluia! - Hỡi người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là Thiên Chúa sẽ đến trong sức mạnh. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 7:21,24-27

"Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.

"Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm

nhập thể tỏ hiện  

 

Hôm nay, Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng, Bài Phúc Âm, như ba ngày đầu tuần này, cũng có vẻ như xa lạ và không hợp với Mùa Vọng làm sao ấy. 

 

Không phải hay sao, trong khi ý nghĩa của Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Cứu Độ và Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa thì nội dung của bài Phúc Âm hôm nay lại là những gì liên quan đến việc tuân giữ lời Chúa, như Thánh ký Mathêu ghi lại trong Bài Phúc Âm hôm nay lời Chúa Giêsu nói về vấn đề này: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời'".

 

Tại sao thế? Tại sao lời Chúa là yếu tố tối hậu quyết định số phận đời đời của con người, nếu không phải tại vì lời Chúa là nền đá vững chắc cho những ai sống lời Chúa, nghĩa là cho những ai lưu tâm áp dụng thực hành lời Chúa, như một con người khôn ngoan xây dựng ngôi nhà bản thân của mình trên chính lời Chúa là những gì chân thật, bất biến và hoàn thiện, nhờ đó họ không còn sợ bị cám dỗ lôi cuốn hay bị thử thách bỏ cuộc, như Chúa Giêsu đã vừa bảo đảm vừa cảnh báo trong Bài Phúc Âm hôm nay:

 

"Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

 

Đến đây chúng ta có thể đã thấy được mối liên hệ giữa Bài Phúc Âm hôm nay với Mùa Vọng là thời điểm hướng về và tưởng niệm mầu nhiệm "Lời đã hóa thành nhục thể". Ở chỗ, con người muốn vào Nước Trời, tức muốn được muôn đời hiệp thông thần linh với Thiên Chúa họ cần phải tuân phục Thánh Ý của Thiên Chúa: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời'".

 

Tuy nhiên, làm sao con người có thể biết được đâu là Thánh Ý Chúa để mà tuân phục, trong khi con người, với bản tính đã bị nhiễm lây nguyên tội, đã trở thành mù tối và yếu nhược, lại càng khó nhận ra ý muốn của Ngài; thậm chí có nhận ra ý muốn của Thiên Chúa con người, như thực tế phũ phàng cho thấy, lại càng cảm thấy sợ hãi và tìm hết cách trốn tránh, như khi con người chối bỏ hoặc áp đảo tiếng lương tâm chân chính để thỏa mãn dục vọng nhất thời của mình, hay để làm theo ý riêng của mình, điển hình là trường hợp của Tiên tri Giona chạy trốn Thiên Chúa trong việc thi hành sứ mệnh rao giảng thống hối cho Thành Ninivê mà vị tiên tri này dị ứng (xem Giona 1:1-3).

 

Đó là lý do "Lời đã hóa thành nhục thể" để chẳng những tỏ cho con người biết Cha (xem Gioan 1:18), biết Ngài thực sự là ai và chắc chắn muốn gì, mà còn làm gương tuân phục ý muốn của Cha là Đấng đã sai Người nữa: "Cho dù là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu, để khi thành toàn, Người trở nên căn nguyên cứu độ cho tất cả những ai tin phục Người" (Do Thái 5:8-9).

 

Nhờ đó, qua Phép Rửa tái sinh, Kitô hữu chúng ta chẳng những được cứu độ nơi việc tuân phục của Người, mà còn được sống bởi tác dụng của Thánh Giá biểu hiện cho việc tuân phục của Người nữa, một khi họ biết tin tưởng vào Người là Đấng Cứu Độ của họ và tích cực đáp ứng việc cứu độ của Người, bằng cách nỗ lực bỏ mình và vác thập giá của mình mà theo Người (xem Mathêu 16:24).

 

Thế nên, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Tiên Tri Isaia đã nói đến lòng tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng không thể nào chấp nhận thái độ cao ngạo bất cần của những ai tự phụ tự đắc như sau: "Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó". 

 

Đúng thế, Tiên Tri Isaia đã tiên báo một viễn tượng tươi sáng cho thành phần chỉ biết tin tưởng cậy trông vào Vị Thiên Chúa cứu độ, và nhờ đó được sống an vui hạnh phúc nhất là khi "Lời đã hóa thành nhục thể", như thế này: "Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion (ở đây có thể ám chỉ hay biểu hiệu nhân tính Chúa Kitô) là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào lũy che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa".

 

Bài Đáp Ca hôm nay âm vang tinh thần của Bài Đọc 1 hôm nay liên quan đến tình thương của Thiên Chúa là tất cả những gì con người tin tưởng cây trông và mong chờ, như đời sống con người thực sự là một Mùa Vọng đợi trông "Thiên Chúa là Đấng cứu độ của tôi" (Luca 1:47).

 

1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương.

 

2) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. 

 

3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. 



Thứ Sáu

Lời Chúa

Bài Ðọc I: Is 29, 17-24

"Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: Không còn bao lâu nữa, Liban sẽ trở nên lùm cây, và lùm cây sẽ trở nên cánh rừng. Ngày đó, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh của Israel. Vì chưng, người ỷ thế sẽ thất bại, kẻ khinh người sẽ bị hổ ngươi, người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu diệt. Ðó là kẻ dùng lời nói để cáo gian người khác, kẻ ra cửa thành mà đánh lừa người xử kiện, kẻ lấy sự nhỏ nhoi mà hiếp đáp người công chính. Vì thế, Chúa, Ðấng cứu chuộc Abraham, phán cùng nhà Giacóp lời này: Từ đây Giacóp sẽ chẳng còn phải hổ ngươi và đỏ mặt; nhưng khi xem thấy con cháu mình là công trình của tay Ta, đang ca ngợi danh thánh Ta giữa nhà Giacóp, thì chúng sẽ ngợi khen Ðấng Thánh của Giacóp và tuyên xưng Thiên Chúa Israel. Và tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lẩm bẩm sẽ học biết lề luật.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. - Ðáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.

ALLELUIA: Is 45, 8

Alleluia, alleluia! - Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công Chính, đất hãy mở ra và trổ sinh Ðấng Cứu Chuộc. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 27-31

"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi". Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: "Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy". Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: "Coi chừng, đừng cho ai biết". Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm

nhập thể sáng soi  


Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng hôm nay, Bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho hai người mù, như được Thánh ký Mathêu thuật lại nguyên văn như sau:

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi'. Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: 'Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?' Họ thưa: 'Lạy Thầy, có'. Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: 'Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy'. Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: 'Coi chừng, đừng cho ai biết'. Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy".

 

Trong trình thuật này của Thánh ký Mathêu, chúng ta thấy được đức tin mạnh mẽ của hai người mù. Trước hết, được họ tỏ ra ở chỗ khi thấy "Chúa Giêsu đi ngang qua" thì "chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi'". Sau nữa, "khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa", có nghĩa là họ từ từ đến với Chúa một cách không lưỡng lự hay do dự mà là bạo dạn theo đuổi cho tới cùng, vì họ hoàn toàn tin tưởng mãnh liệt vào Đấng có thể chữa lành cho họ. Bởi thế, sau hết, khi được Chúa hỏi "'Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?' Họ thưa: 'Lạy Thầy, có'". Thế là họ được như ý: "Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: 'Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy'. Mắt họ liền mở ra".

 

Vâng, ngày mà hai người mù trong Bài Phúc Âm hôm nay được chữa lành, là thời đểm được Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã tiên báo là "ngày đó", ngày mà vị tiên tri này còn cho biết những gì sẽ xẩy ra nữa, đó là "người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh của Israel", thậm chí "tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lỗi lầm sẽ được chỉ dẫn" nữa.

 

Sự việc Chúa Giêsu chữa lành cho 2 người mù tin vào Người trong bài Phúc Âm hôm nay cũng rất thích hợp với ý nghĩa của Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Vì Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), như "ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), "ánh sáng thật chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5). Đó là lý do ánh sáng đã trở thành một trong những đặc điểm chính yếu nhất của Mùa Giáng Sinh, một thứ ánh sáng có liên hệ với cả Ngôi Sao Lạ dẫn đường cho ba chiêm vương gia từ Đông Phương tới bái thờ vương nhi Do Thái Giêsu mới sinh (xem Mathêu 2:1-12).


Th
ế nhưng, cho dù tự mình là "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), một ánh sáng theo bản tính không thể nào không soi chiếu (xem Mathêu 5:14-16), và "là chân lý" (Gioan 14:6), một chân lý không thể nào không giải phóng (xem Gioan 8:32), và cho dù "tối tăm không thể nào át được ánh sáng" (Gioan 1:5), ánh sáng cũng chỉ xua tan bóng tối nơi những ai chấp nhận ánh sáng mà thôi, như nơi hai người mù tin tưởng xin Chúa Giêsu chữa lành cho cặp mắt mù lòa của họ trong Bài Phúc Âm hôm nay. Ngoài ra, những ai tự cho mình là sáng mắt, không bị mùa lòa, sẽ trở thành mùa lòa: "Tôi đến thế gian để kẻ mù được thấy và kẻ thấy bị mù" (Gioan 9:39).

 

Bởi thế, trong Mùa Vọng đợi trông, như đêm mong chờ hừng đông, chúng ta mong chờ ánh sáng tỏ hiện, chẳng những trên thế giới càng ngày càng trở nên tối tăm mù mịt về luân lý và lãnh lẽo về đạo lý, mà còn ngay trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, tâm hồn của thành phần Kitô hữu "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14) nhưng có những lúc đã trở thành tối tăm, qua những hành vi cử chỉ đầy gian dối, tội lỗi, bất chính, theo quyền lực của tối tăm, của sự chết, hơn là quyền lực của sự sống, xứng với danh phận là con cái sự sáng của mình.

 

Chớ gì tâm tình đầy xác tín của Bài Đáp Ca hôm nay luôn được vang vọng trong tâm hồn của Kitô hữu chúng ta bao giờ cũng kháo khát Chúa, cũng hướng về và trông mong chờ đợi Chúa:


1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? 

 

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. 

 

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.



Thứ Bảy

Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 30, 19-21. 23-26

"Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo rằng: "Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái". Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ trên đất nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Ngày ấy, chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ nhào, sẽ có giòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa (Is 30, 18).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. - Ðáp.

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Ðáp.

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. - Ðáp.

 

Alleluia: Is 55, 6

Alleluia, alleluia! - Hãy tìm kiếm Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người còn gần các ngươi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8

"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy niệm


nhập thể dẫn dắt  


Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy cuối Tuần I Mùa Vọng hôm nay cũng thế, như các bài Phúc Âm khác trong tuần, từ đầu tuần đến nay, đang ở vào tuần đầu tiên của Mùa Vọng mà nội dung lại về những gì ở đâu đâu, chẳng hạn như bài Phúc Âm hôm nay về sứ vụ truyền giáo của cả Chúa Giêsu lẫn các môn đệ của Người.

 

Thật vậy, Thánh ký Mathêu trong bài Phúc Âm hôm nay cho biết về cả sứ vụ truyền giáo của Chúa Giêsu lẫn mối quan tâm truyền giáo của Người như sau: 

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: 'Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa'".

Thánh ký Mathêu cũng thuật lại sứ vụ truyền giáo của các tông đồ cần phải thực hiện theo lệnh sai đi của Chúa Giêsu như thế này: 

 

"Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: 'Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không'".

 

Một yếu tố tối hậu quyết liệt bất khả thiếu trong tất cả mọi việc Chúa Kitô làm, cũng là việc của Thiên Chúa, Đấng sai Người làm, đó là chính tấm lòng "thương xót" của Người, một tấm lòng "thương xót" mà nếu thiếu vắng sẽ không bao giờ xẩy ra những chuyện được Phúc Âm thuật lại, như việc hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn lũ dân chúng trong Bài Phúc Âm Thứ Tư vừa rồi: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn". (Mathêu 15:32), hay để sai các môn đệ của Người đi truyền giáo như trong bài Phúc Âm hôm nay: "Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn". 

 

Thậm chí phải khẳng định rằng chính việc hóa thân làm người của "Lời đã hóa thành nhục th" (Gioan 1:14) cũng thế, sẽ không bao giờ xẩy ra nếu Thiên Chúa không phải là "Cha trên trời là Đấng thương xót" (Luca 6:36), đến độ chính Con của Ngài trong thân phận làm người đã trở thành hiện thân sống động của Lòng Thương Xót Chúa, hay nói đúng hơn là chính Lòng Thương Xót Chúa muốn tỏ ra cho loài người. 

 

Nếu "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) thì tình yêu Ngài tỏ ra phải là một tình yêu vô cùng "trọn lành" (Mathêu 5:48), không phải chỉ ở chỗ yêu một cách nhưng không, tự hạ ngang hàng với người yêu trong mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh, và hiến mạng cho người mình yêu (xem Gioan 15:13) trong mầu nhiệm khổ nạn và tử giá, mà còn "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1) nơi việc Ngài tìm kiếm từng con chiên lạc của Ngài, cũng như nơi việc vui vẻ (chứ không gượng ép hay đành phải) tha thứ tất cả mọi tội lỗi cho con người, dù tội của họ có nhiều đến đâu chăng nữa hay có nặng đến mấy chăng nữa, miễn là tội nhân tỏ ra nhận biết Ngài và tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa của Ngài. 

 

Như thế, có thể nói nếu Lòng Thương Xót Chúa chính là tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa, hay là chính chân dung của Vị "Thiên Chúa là tình yêu", thì thiếu vắng Lòng Thương Xót thì Thiên Chúa không còn "là tình yêu" nữa, không còn "trọn lành" nữa, mà chỉ là một vị thần thuần công thẳng, hay chỉ là một ác thần, không gì bất toàn có thể tồn tại trước mắt thuần chính trực chỉ biết đúng sai phải trái của vị thần này. 

 

Thật vậy, Lòng Thương Xót Chúa chẳng những là ưu phẩm tối cao của Thiên Chúa, mà còn là chính Ơn Cứu Độ của loài người hèn yếu khốn nạn tội lỗi và cho loài người mà chính vì thế mới càng đáng thương trước nhan vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, chẳng khác gì "như những con chiên không có người chăn tất tưởi bơ vơ". Bởi thế, cho dù con người, qua hai nguyên tổ của mình, sau khi sa ngã phạm tội, đã trở nên mù tối đến độ không hề xin Thiên Chúa thứ tha, Ngài vẫn tự động hứa cứu độ họ và toàn thể nhân loại là giòng dõi của họ (xem Khởi Nguyên 3:15).

 

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng Tiên Tri Isaia, chính Vị "Thiên Chúa là tình yêu" đã bày tỏ Lòng Thương Xót của Ngài với dân ưu tuyển của Ngài trong cảnh khốn khổ của họ như sau:

 

"Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo rằng: 'Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái'".

 

Trong câu trên đây, chúng ta thấy Thiên Chúa dù có thương yêu dân của Ngài mấy đi nữa, Ngài cũng không hề nuông chiều họ, trái lại, tình thương của Ngài phải làm sao có thể cải hóa họ cho họ xứng với bản tính trọn lành "là tình yêu" của Ngài.


Bởi thế, như Bài Đọc 1 cho thấy Ngài đã nuôi dưỡng họ bằng thứ lương thực đắng đót có tính cách vượt qua (xem Xuất Hành 12:8): "Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng", để đánh động họ nghĩ lại, chứ không phải là bỏ rơi hay đầy đọa họ: "Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng", nhờ đó họ có thể hướng về Ngài và chạy đến kêu cầu Ngài để Ngài được dịp tỏ tình thương của Ngài cho họ: "Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi". 


Sách Tiên Tri Isaia vẫn tiếp tục sử dụng từ ngữ "ngày ấy" để ám chỉ "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), khi "Thiên Chúa sai Con của Ngài được hạ sinh bởi một người n" (Galata 4:4), thời điểm nhờ "Lời đã hóa thành nhục th" như "Vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng sống mình vì chiên" (xem Gioan 10:11) mà "chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch", và là thời điểm nhờ "Lời đã hóa thành nhục th" như "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9) mà "Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày".

 

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay đã vang lên tâm tình tri ân cảm tạ cùng lời chúc tụng ngợi khen Vị "Thiên Chúa là tình yêu" vô cùng nhân hậu qua việc cứu độ của Ngài đối với riêng dân Ngài cũng như chung nhân loại, nhất là đối với những ai yếu hèn khiêm hạ:

 

1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. 

 

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

 

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. 

 

Ngày Thứ Bảy mùng 7/12/2019

 

Lễ Nhớ Thánh Ambrôsiô

 

Thánh giáo phụ Ambrose thành Milan

(xin xem bài giáo lý của ĐTC Biển Đức XVI về Thánh Ambrosio hôm nay ở cái link trên đây)

http://conggiao.info/thanh-ambrosio---giam-muc-va-tien-si-hoi-thanh-339---397-d-12307