GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020

 

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata

 

Bài 3 - Chỉ có một Phúc Âm duy nhất

 

 

Chào anh chị em,

 

Thánh Phaolô hăng say dấn thân cho Phúc Âm và sứ vụ truyền bá phúc âm hóa. Đối với ngài dường như không còn gì khác ngoài sứ vụ được Chúa ủy thác cho ngài ấy. Hết mọi sự nơi ngài đều được cống hiến cho việc loan báo này, và ngài không còn hứng khởi nào khác ngoài Phúc Âm. Việc loan báo là tình yêu của Thánh Phaolô, là hứng khởi của ngài, là nghiệp vụ của ngài. Thậm chí ngài còn tiến tới chỗ nói được rằng "Chúa Kitô không sai tôi làm phép rửa mà là để giảng dạy Phúc Âm" (1Corinto 9:16). Thánh Phaolô cho rằng cả cuộc sống của ngài là một ơn gọi truyền bá phúc âm hóa, là để làm sáng tỏ sứ điệp của Chúa Kitô, là để làm cho Chúa Kitô được nhận biết: Ngài tuyên bố rằng "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Corinto 9:16). Khi viết cho Kitô hữu thành Roma, ngài chỉ biết nói về ngài như sau: "Phaolô, người tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô, được gọi làm tông đồ, được chọn để công bố Phúc Âm của Thiên Chúa" (Roma 1:1). Đó là ơn gọi của ngài. Tóm lại, ngài nhận thức được ngài đã được "tách biệt" để mang Phúc Âm đến cho tất cả mọi người, và ngài chỉ biết hết sức dấn thân cho sứ vụ này thôi.

 

Bởi thế người ta mới có thể hiểu được tâm trạng buồn rầu, thất vọng và thậm chí đắng cay nơi vị Tông Đồ này đối với Kitô hữu Galata, những con người ngài thấy được họ đang sai đường lạc hướng, sẽ dẫn họ đến chỗ không thể quay đầu lại: họ đã sai lạc mất rồi. Cái then chốt chi phối tất cả mọi sự là Phúc Âm. Thánh Phaolô không nghĩ về "bốn Phúc Âm", như chúng ta vẫn nghĩ. Thật vậy, vào thời điểm ngài gửi bức thư này đi thì 4 Phúc Âm chưa được viết. Đối với ngài thì Phúc Âm là những gì ngài rao giảng, được gọi là kerygma, tức là lời loan báo. Vậy thì loan báo gì? Loan báo cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu như nguồn mạch của ơn cứu độ. Một thứ Phúc Âm được diễn tả bởi 4 động từ: "Đức Ki-tô đã chết đi vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai" (1Corinto 15:3-5). Đó là việc loan báo của Thánh Phaolô, việc loan báo mang lại sự sống cho tất cả mọi người. Phúc Âm này là việc hoàn tất những lời hứa cùng với ơn cứu độ được cống hiến cho tất cả mọi người. Ai chấp nhận Phúc Âm này thì được hòa giải với Thiên Chúa, được đón nhận như người con đích thực và được thừa hưởng sự sống vĩnh hằng.

 

Thấy được tặng ân cao cả ấy đối với Kitô hữu Galata, nên vị Tông Đồ này không thể hiểu được tại sao họ lại có thể nghĩ đến chuyện chấp nhận một thứ "phúc âm" khác, có lẽ tinh vi hơn, tri thức hơn, tôi không biết..., thế nhưng là một thứ "phúc âm" khác. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là những Kitô hữu này chưa loại bỏ Phúc Âm được Thánh Phaolô loan báo. Vị Tông đồ này biết rằng họ vẫn còn thời gian để không tiến bước lệch lạc, nhưng ngài mạnh mẽ, thật mạnh mẽ cảnh giác họ. Luận điểm đầu tiên ngài trực tiếp nhắm đến là sự kiện việc rao giảng được thực hiện bởi những vị truyền giáo mới - những kẻ mang đến những gì là mới mẻ, những kẻ giảng dạy - không thể nào là Phúc Âm được. Trái lại, nó là một thứ loan báo bóp méo Phúc Âm chân thực, vì nó ngăn họ đạt đến thứ tự do có được bởi sống đức tin - chữ đức tin này không phải là chữ chính yếu hay sao? - nó ngăn họ vươn tới thứ tự do có được bởi sống đức tin. Các Kitô hữu Galata vẫn còn là "thành phần khởi sự", nên tình trạng mất định hướng của họ là những gì dễ hiểu thôi. Họ chưa thể biết được tính chất phức tạp của Luật Moisen, và lòng nhiệt thành của họ trong việc gắn bó với niềm tin tưởng vào Chúa Kitô dẫn họ tới chỗ lắng nghe theo những tay rao giảng mới mẻ ấy, họ tự dối mình khi cho rằng sứ điệp của họ là những gì bổ xung cho sứ điệp của Thánh Phaolô. Nhưng lại không phải như thế.

 

Tuy nhiên, vị Tông đồ này dứt khoát không thể nào liều mình thỏa hiệp được. Chỉ có một Phúc Âm duy nhất và là những gì ngài đã loan báo; không thể nào có thứ phúc âm nào khác. Hãy coi chừng! Thánh Phaolô không nói rằng Phúc Âm chân thực này là của ngài, không, ngài chỉ là người loan báo thôi! Ngài không nói như thế. Điều ấy là một thứ tự phụ, ngạo mạn. Trái lại, ngài khẳng định rằng Phúc Âm 'của ngài", như các vị Tông Đồ khác rao giảng ở các nơi, là một phúc âm đích thực, vì nó là phúc âm của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã viết như thế này: "Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người... nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải" (Galata 1:11-12). Chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Phaolô đã sử dụng những từ ngữ rất dữ dội. Hai lần ngài sử dụng kiểu diễn tả "tuyệt thông", ám chỉ cộng đồng cần phải xa tránh để khỏi bị đe dọa đến nền tảng của nó. Thứ "phúc âm" mới mẻ này là những gì đe dọa nền tảng của cộng đồng ấy. Tóm lại, về điểm này, vị Tông đồ không chấp nhận việc điều đình thương thảo: không thể nào có vấn đề thương thảo ở đây. Người ta không thể điều đình với nhau về sự thật của Phúc Âm. Một là anh chấp nhận Phúc Âm nguyên như vậy, như được loan báo, hai là anh chấp nhận một thứ phúc âm khác. Thế nhưng anh không thể nào thương thảo điều đình về Phúc Âm. Người ta không thể nào thỏa hiệp. Đức tin vào Chúa Kitô không phải là một thứ thẻ giá cả: mà là ơn cứu độ, là chuyện hội ngộ, là việc cứu chuộc. Không thể nào bị mang ra bán rẻ.

 

Tình trạng này, được diễn tả ở đầu bức Thư, dường như đối chọi nhau, vì tất cả những ai liên hệ đều cho thấy được tác động bởi những cảm giác tốt lành. Các Kitô hữu Galata lắng nghe những tay truyền giáo mới nghĩ rằng, nhờ việc cắt bì thì họ mới càng được dấn thân theo ý muốn của Thiên Chúa, nhờ đó mới càng làm hài lòng Thánh Phaolô. Các kẻ thù của Thánh Phaolô dường như được tác động bởi lòng trung thành với truyền thống của cha ông, và tin tưởng rằng đức tin chân thực là ở chỗ tuân giữ Lề Luật. Trước lòng trung thành tối thượng này, họ thậm chí còn biện minh cho những thứ luồn lách và ngờ vực của họ về Thánh Phaolô, vị bị coi là không chính thống về truyền thống. Chính vị Tông đồ này quá rõ là sứ vụ của ngài là một sứ vụ có bản chất thần linh - được chính Chúa Kitô mạc khải cho ngài - vì thế ngài đã được tác động bởi tất cả lòng nhiệt thành cho tính chất mới mẻ của Phúc Âm, một thứ mới mẻ nồng cốt, chứ không phải thứ mới mẻ thoáng qua: không có những thứ phúc âm "thời trang", Phúc Âm bao giờ cũng mới mẻ, phúc âm là những gì mới mẻ. Niềm nao nức mục vụ của ngài dẫn ngài đến chỗ nghiêm khắc, vì ngài thấy được cái nguy cơ lớn lao đối với các Kitô hữu Galata còn non trẻ.

 

Tóm lại, trong tình trạng rối rít của những ý định tốt lành ấy, cần phải gỡ rối bản thân mình để nắm bắt được chân lý tối hậu là những gì am hợp nhất với Con Người và việc rao giảng của Chúa Giêsu, cùng với việc mạc khải của Người về tình yêu Cha của Người. Vấn đề quan trọng là thế này, đó là biết cách nhận thức. Chúng ta rất thường thấy trong suốt giòng lịch sử, và chúng ta thậm chí còn thấy được hôm nay đây, có một số phong trào giảng dạy Phúc Âm theo kiểu cách của họ, đôi khi bằng những nhiệt tình thực sự và chân thực của họ; thế nhưng sau đó họ đã đi quá xa và biến tất cả Phúc Âm thành một "trào lưu". Đó không phải là Phúc Âm của Chúa Kitô: đó là Phúc Âm của một kẻ sáng lập, và đúng thế, nó có thể bổ ích vào lúc ban đầu, nhưng cuối cùng nó chẳng sinh hoa trái nhờ đâm rễ sâu xa. Vì thế mà lời lẽ minh tường và quyết liệt của Thánh Phaolô đã sinh ích cho các Kitô hữu Galata, và đang mang lại lợi ích cho cả chúng ta nữa. Phúc Âm là tặng ân của Chúa Kitô ban cho chúng ta, chính Người mạc khải cho chúng ta. Phúc Âm là những gì ban cho chúng ta sự sống. Cám ơn anh chị em.

 

 https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210804_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu