SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A
Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-28
"Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: 'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh (c. 11a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.
3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. - Ðáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 17-21
"Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Lc 24, 32
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 24, 13-35
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Ðó là lời Chúa.
Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B
Bài Ðọc I: Cv 3, 13-15. 17-19
"Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: "Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.
"Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 4, 2. 7. 9
Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! (c. 7a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu! - Ðáp.
2) Nhiều người nói: "Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?" Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! - Ðáp.
3) Ðược an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Ga 2, 1-5a
"Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Lc 24, 32
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 24, 35-48
"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".
Ðó là lời Chúa.
"Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ".
Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C
Bài Ðọc I: Cv 5, 27b-32. 40b-41
"Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: "Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?" Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!" Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b
Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Kh 5, 11-14
"Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, ...vinh quang và lời chúc tụng".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: "Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời". Bốn sinh vật thưa: "Amen", và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".]
Ðó là lời Chúa.
Thứ Hai sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 6, 8-15
"Họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. Bấy giờ có nhóm người kia thuộc hội đường mệnh danh là "của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria", và những người khác từ xứ Cilicia và Tiểu Á, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Họ xúi giục một số người nói lên rằng: "Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến Môsê và Thiên Chúa". Họ xách động dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ; rồi họ tuôn đến bắt Têphanô điệu tới công nghị. Họ đưa ra những người làm chứng gian nói rằng: "Tên này không ngớt nói những lời xúc phạm đến nơi thánh và lề luật, vì chúng tôi nghe nó nói rằng: "Ông Giêsu Nadarét sẽ phá nơi này, và thay đổi các tập tục Môsê truyền lại cho chúng ta". Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 23-24. 26-27. 29-30
Ðáp: Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Dầu vua chúa hội lại và buông lời đả kích, tôi tớ Ngài vẫn suy gẫm về thánh chỉ Ngài. Vì các lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. - Ðáp.
2) Con đã trình bày đường lối của con và Chúa nghe con, xin dạy bảo con các thánh chỉ của Ngài. Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Ðáp.
3) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 22-29
"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến".
Ðó là lời Chúa.
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III PS Năm A: "Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông".
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III PS Năm B: "'Ở đây các con có gì ăn không?' Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ".
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III PS Năm C: "'Các con hãy lại ăn'... Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế".
"Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?"
Và khi họ gặp được Người thì Người cho họ biết được cốt lõi của toàn bộ Thánh Kinh, của dự án cứu độ thần linh, đó là "công việc của Thiên Chúa", một "công việc" có hai mặt, mặt mạc khải thần linh về phía Thiên Chúa và mặt đức tin tuân phục về phía nhân loại. Ở chỗ, "công việc của Thiên Chúa" hay "việc làm của Thiên Chúa" về phía Thiên Chúa đó là việc Ngài liên lỉ tỏ mình ra cho nhân loại, và "việc làm của Thiên Chúa" về phía nhân loại đó là "tin", là nhận biết mạc khải thần linh của Ngài và chấp nhận mạc khải thần linh của Ngài là chính Chúa Giêsu Kitô Con Ngài. Có thể tóm lại cả hai mặt thành một ở chỗ "công việc của Thiên Chúa" hay "việc làm của Thiên Chúa" đó là làm cho nhân loại tin vào Ngài bằng cách tỏ mình ra cho họ vậy.
Chủ đề "Thày là sự sống" ở trong bài Phúc Âm hôm nay như thế nào, nếu không phải ở chỗ "của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi" và ở chỗ: "các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến". Thật vậy, "của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi", một "của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời" đây chính là những gì Chúa Giêsu nói và làm để cho dân của Người tin vào Người mà được sự sống.
Thoạt nghe thì tín hữu Công giáo hiểu "của ăn Con Người sẽ ban cho" họ đây ám chỉ về Thánh Thể, như Người sẽ từ từ tiết lộ trong đoạn Phúc Âm 6 của Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho ngày thường của Tuần III Phục Sinh này. Nhưng ở đây bao gồm tất cả những gì Người nói và làm, nhất là chính bản thân Người là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, một bản thân sẽ hoàn toàn tỏ hiện trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người. Tất cả những gì Người nói và làm đều là bánh ban sự sống thần linh bất diệt cho những ai tin tưởng đón nhận.
Nếu "của ăn của Thày là làm theo ý Đấng đã sai và hoàn tất công việc của Ngài" (Gioan 4:34) thì khi Chúa Giêsu nói và theo tất cả mọi sự theo ý Cha của Người là Người đang cống hiến cho chúng ta chính "của ăn" của Người, chính lương thực của Người. Bởi thế, đối với Thiên Chúa thì việc của Ngài là tỏ mình ra qua Chúa Giêsu Kitô Thiên Sai của Ngài, như thể Thiên Chúa ban cho con người lương thực thần linh để được sống, còn việc của con người là thành phần được Thiên Chúa tỏ mình ra hay ban bánh sự sống thần linh cho họ là "tin vào Đấng Ngài sai".
Thứ Ba sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 7, 51-59
"Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: "Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Ðấng Công chính sẽ đến, Ðấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ".
Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: "Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa". Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con". Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: "Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này". Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô).
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 7b và 8a. 17 và 21ab
Ðáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Ðáp.
2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. - Ðáp.
3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. - Ðáp.
Alleluia: Ga 16, 7 và 13
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến cùng các con; Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 30-35
"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian". Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".
Ðó là lời Chúa.
Thứ Tư sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 8, 1-8
"Ðến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.
Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. -Ðáp.
2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! - Ðáp.
3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 35-40
"Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".
Ðó là lời Chúa.
THÁNH ANSELMÔ, GIÁM
MỤC TIẾN SĨ
(1033-1109)
"Chúa đã mở miệng Người giảng dạy trong Giáo hội. Chúa đã ban cho Người đầy khôn ngoan và minh mẫn, đã mặc cho Người áo vinh quang trên trời". Đó là lời Giáo hội hát mừng trong ngày lễ kính thánh Giám mục tiến sĩ Anselmô. Lời ca khen trên đây không có gì là quá đáng, nếu chúng ta tìm hiểu đời sống đạo đức, thánh thiện và lề lối làm việc đầy khôn ngoan của ngài. Hơn ai hết thánh Anselmô quả xứng đáng với lời chúc khen trên đây.
Thánh nhân sinh tại Aosta một thành phố nhỏ nằm trên đường ranh giới xứ Piêmontê và Thụy sĩ. Gia đình thánh nhân thuộc dòng quý tộc. Bà thân mẫu là người rất đạo đức, nhưng ông thân sinh, trái lại có vẻ khô khan. Tuy nhiên khi về già, ông đã bỏ thế gian để hiến thân cho Chúa trong một tu viện.
Anselmô được cha mẹ cho đi học rất sớm. Các bạn học ai nấy đều cảm phục trí thông minh sắc sảo của Anselmô và khen cậu là người đức hạnh. Vừa lớn lên Anselmô đã nhận rõ chân tướng của cuộc đời đầy phù vân giả trá và nguy hiểm. Vì thế năm 15 tuổi, Anselmô đã nhất quyết bỏ thế gian để đi tu dòng. Nhưng chẳng may ý định bị ông thân sinh phản đối. Dẫu thế, Anselmô vẫn cương quyết lướt thắng mọi trở ngại để thực hiện bằng được ý định của mình. Cùng với một người bạn, Anselmô qua Pháp theo học tại tu viện Bec thuộc các cha dòng Biển Đức. Trong các môn học, Anselmô thích nhất Thánh Kinh. Đi đôi với việc dùi mài kinh sử, Anselmô còn đặc biệt chú ý đến việc tập luyện và trau dồi các nhân đức ngõ hầu trở nên hoàn thiện. Cũng trong thời gian này, Anselmô cảm thấy tiếng Chúa kêu gọi càng ngày càng mãnh liệt. Nhưng trước những nẻo đường trọn lành, Anselmô rất do dự không biết nên chọn gia nhập hàng giáo sĩ địa phận hay đời sống tu trì. Được tu viện trưởng Lanfranc, giới thiệu, Anselmô đánh bạo tới hỏi ý kiến Đức Tổng giám mục thành Ruăng (Rouen). Ngài khuyên Anselmô nên vào tu dòng. Vâng theo lời khuyên của Đức Tổng giám mục, Anselmô xin vào tu tại tu viện Bec, năm đó Anselmô được 27 tuổi.
Với ơn Chúa và nghị lực của tuổi thanh xuân, Anselmô say sưa công việc tu thân luyện đức. Không bao lâu, từ miền Nômanđia nước Pháp đến cả nước Anh, ai ai cũng đều ca tụng nhân đức của thầy Anselmô. Còn nói chi đến lòng tín nhiệm và kính yêu của toàn thể anh em trong dòng. Vì thế sau ít lâu, ngài đã được bầu làm bề trên. Từ ngày đó khách thập phương tuốn đến rất đông hầu được hân hạnh đàm đạo với thánh nhân. Nhiều người thông thái đạo đức đến xin thụ giáo để được hạnh phúc sống với sự chỉ dẫn của vị bề trên thánh thiện. Tuy nhiên, tu viện trưởng Anselmô rất thận trọng trong việc định đoạt và xét đoán ơn gọi của những người đến gõ cửa. Ngài không ích kỷ để chỉ lôi kéo nhiều người về cho dòng mình, nhưng hoàn toàn vô tư trình bày tôn chỉ và luật pháp của mỗi dòng, để các người được Chúa chọn có thể tự do lựa chọn con đường tu trì thích hợp với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người. Ngài thi hành chức vị bề trên với một lòng đạo đức và khôn ngoan hiếm có.
Qua mấy năm sau, thánh nhân phải cấp tốc sang Anh quốc để điều chỉnh lại mấy việc tại một tu viện bên đó. Nơi đây thánh Anselmô được tiếp đón rất nồng hậu. Niềm vui sướng của thánh nhân tăng gấp bội khi ngài được hầu chuyện Đức cha Lanfranc, Tổng Giám mục thành Cantôbêry và cũng là bề trên cũ của ngài. Đặc biệt hơn nữa là chính vua nước Anh, một ông vua có tiếng kiêu căng và cứng cỏi, cũng tới đàm đạo với thánh nhân và hết lòng mến phục ngài. Nhưng rồi lại có những sự việc không hay xảy đến làm cho thánh Anselmô một lần nữa, phải bỏ tu viện đi công cán tại Anh quốc. Thời đó vua nước Anh băng hà và truyền ngôi lại cho con. Vốn tính độc tài, tham nhũng vị tân vương tìm hết cách áp chế hàng giáo sĩ và chiếm đoạt tài sản của Giáo hội. Theo lời yêu cầu của nhiều vị cao cấp trong Giáo hội, thánh Anselmô đã lên đường sang Anh để khuyên bảo nhà vua bỏ ý định trên. Trước tài lợi khẩu và đức khôn ngoan hiếm có của thánh nhân, vua đổi hẳn thái độ, tỏ vẻ quyến luyến thánh nhân. Khi Đức Tổng giám mục thành Cantôbêry tạ thế, nhà vua liền đề nghị thánh Anselmô lên thay. Thánh nhân được tấn phong làm Tổng Giám mục ngày 4-12-1093 với sự đồng ý của toàn thể các Đức Giám mục Anh quốc.
Dần dần, tính tham lam cầu lợi chưa được gột rửa sạch lại khiến nhà vua đổi lòng. Ban đầu vua vồn vã tiếp đãi Đức Tổng giám mục, với hy vọng sẽ nhận được những món hàng khổng lồ do ngài trao tặng. Ngược với ý nghĩ của nhà vua, Đức Tổng giám mục lại đem tất cả tài sản của mình phân phát cho người nghèo khó. Thế là lòng tham lam và hà tiện đã nổi dậy xúi dục nhà vua thù ghét Đức Tổng giám mục. Nhà vua và bọn nịnh thần bắt đầu mở chiến dịch vu khống và lăng mạ Giáo hội. Thấy can ngăn cũng vô ích, thánh Anselmô nghĩ chỉ còn một phương thế độc nhất để giải quyết vấn đề là ngài tự rút lui. Ngài xin phép nhà vua về Rôma bái yết Đức Thánh Cha; vua đồng ý ngay cho thánh nhân ra khỏi nước, với điều kiện là không được trở về nữa. Sau khi đã dặn dò khuyên răn hàng giáo sĩ địa phận, thánh Anselmô lên đường sang Pháp lưu trú tại toà tổng giám mục thành Lyông.
Nghe tin Đức Cha Anselmô mới bị trục xuất khỏi Anh quốc, Đức Thánh Cha mời ngài qua Rôma. Tới giáo đô, thánh Anselmô được tiếp đón rất nồng hậu. Chính Đức Thánh Cha ban lời khen ngợi lòng can đảm và chí bất khuất của thánh nhân.
Thánh Anselmô lưu trú tại Rôma một thời gian khá lâu trong tu viện thánh Biển Đức. Tại đây, nhờ lời cầu nguyện và hy sinh, thánh nhân đã làm cho từ một tảng đá chảy ra một suối nước trong ngọt. Do đó người ta đặt tên giếng nước là "Giếng thánh Giám mục thành Cantôbêry". Thánh nhân cũng được Đức Thánh Cha mời tham dự công đồng chung Bari. Trong công đồng đó, với tài lợi khẩu và trí thông minh phi thường, thánh nhân đã thuyết phục được những người Hy lạp cố chấp; ngài đã minh chứng một cách chính xác và khôn ngoan tín điều Chúa Thánh Thần do Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất. Sau khi Đức Thánh Cha tuyên bố rút phép thông công vua nước Anh đồng loã về tội lăng mạ hàng giáo sĩ và tước đoạt tài sản của Giáo hội, thánh Anselmô bỏ Rôma trở về lưu trú tại Lyông. Một hôm, ngài được hung tin cho hay Anh hoàng trong khi đi săn đã bị quân thù ám hại. Được tin đó thánh nhân rất buồn và lo lắng cho số phận đời đời của nhà vua.
Anh hoàng băng hà nhường ngôi lại cho em là Henricô I. Vì sợ lòng dân không phục sẽ nổi loạn, nên ban đầu vua Henricô I muốn ve vãn Giáo hội để mua chuộc lòng dân. Vua tìm cách nâng đỡ hàng giáo sĩ, trùng tu các nhà thờ; vua còn cho mời thánh Anselmô về nước vì biết rằng thánh nhân được dân chúng hoàn toàn tín nhiệm. Nhưng khi hay tin Đức Thánh Cha đã ký sắc lệnh rút phép thông công vua nước Anh vì đã xâm phạm tới tài sản Giáo hội, nhà vua rất căm giận thánh Anselmô. Vua sai sứ giả sang khiếu nại với Toà thánh. Nhưng Đức Thánh Cha một mực từ chối. Ơn Chúa dần dần làm mềm lòng vua Anh. Cuối cùng vua đã chịu nhận lỗi và cam đoan tuân theo mọi chỉ thị của Toà thánh mà trả lại tài sản cho Giáo hội. Nhà vua cũng làm hòa với thánh Anselmô và triệu mời ngài về địa phận.
Trở về địa phận được một thời gian ngắn, thánh Anselmô bị bệnh đau dạ dầy rất nặng. Tuổi đã cao, sức đã kiệt, ngài linh cảm thấy giờ cuối cùng đã tới. Thánh nhân sốt sắng chịu các bí tích sau hết. Ngài cầu nguyện riêng cho vua và hoàng hậu cùng hoàng tử, các công chúa và toàn dân Anh được an ninh trường thọ và luôn luôn trung thành với giới luật Chúa. Sau khi chúc lành cho mọi người có mặt bên giường bệnh, ngài nhắm mắt từ trần. Hôm đó nhằm ngày 21-4-1109. Ngài hưởng thọ 76 tuổi.
Đương thời ngài, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ để tuyên dương công trạng và nhân đức thánh nhân. Lần kia một người bị bệnh phong cùi được mộng báo phải đến với Đức Cha Anselmô. Người đó ra đi đến tu viện Béc; Ngài cho ông uống nước rửa tay sau khi làm lễ và tự nhiên người đó được khỏi bệnh. Có lần lửa đang bốc cháy dữ dội, đe dọa phá huỷ cả một làng, thánh Anselmô cầu nguyện sốt sắng rồi làm dấu thánh giá trên đám cháy, lửa liền tắt ngay. Ngoài ra còn nhiều bệnh nhân mắc đủ mọi chứng bệnh đã đến xin thánh Anselmô cầu nguyện cho và họ đều được khỏi bệnh cả. Ngoài tài cai trị của thánh nhân, chúng ta còn phải kể tới tài văn chương, triết lý của ngài. Người ta có thể nói thánh Anselmô là một học giả lỗi lạc đã đề cập tới nhiều vấn đề mà trước ngài chưa ai nghĩ tới, nhất là những vấn đề thần học. Thánh nhân đã viết nhiều cuốn sách rất có giá trị làm giầu cho kho tàng giáo huấn và thư viện của Giáo hội. Thật ngài quả xứng đáng với danh hiệu là tiến sĩ của Giáo hội.
Để kết thúc, chúng ta mượn lời vị tu viện trưởng Trithêmô vẽ lại hình ảnh vị Thánh Giám mục tiến sĩ bằng mấy giòng sau: "Thánh Anselmô có một bộ mặt thần, một dáng đi bệ vệ, một cuộc sống thánh thiện, thông thạo khoa học phần đời, làu thông Kinh Thánh và là gương mẫu mọi nhân đức".
http://giaophanvinhlong.net/thanh-anselmo.html
Lời Trích
Thứ Năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40
"Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: "Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ". Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: "Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia". Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: "Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?" Nhà quan trả lời: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi". Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: "Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian". Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: "Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?" Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: "Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Philipphê nói: "Nếu ông tin hết lòng thì được". Nhà quan đáp lại: "Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa". Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 65, 8-9. 16-17. 20
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. - Ðáp.
2) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa là Ðấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 44-51
"Ta là bánh từ trời xuống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo". Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
Ðó là lời Chúa.
Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 9, 1-20
"Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Ðang khi đi đường lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: "Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán: "Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện". (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta". Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần". Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Ðáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 53-60
"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.
Ðó là lời Chúa.
Thánh Georgiô Tử Đạo (Khoảng 303)
Thánh Georgiô sinh tại Cappadoce, thuộc gia đình quý tộc. Trong tuổi
thiếu niên, ngài được giáo dục theo tinh thần Công Giáo. Lớn lên ngài tự
ý xin Rửa Tội.
Là trai thời loạn, ngài đã lên đường nhập ngũ. Với lòng can đảm, ngài đã
lập được nhiều chiến công hiển hách, và chẳng bao lâu được vinh thăng
cấp đại đội trưởng trong lữ đoàn của hoàng đế Đioclêtianô.
Thời đó, Đioclêtianô có ý định bách hại đạo Công Giáo và tỏ lộ ý định ấy
cho các sĩ quan. Ai nấy đều tán thưởng, chỉ trừ có mình đại úy Georgiô.
Ngài đứng lên phản đối cho là bất công, trái với ý của Thiên Chúa. Ngài
quả quyết sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin. Vua và các
quan cùng khuyến dụ Georgiô, nhưng đành chịu thất bại trước sự xác tín
của ngài.
Với hy vọng làm ngài đổi ý, vua ra lệnh dùng các hình phạt đau đớn,
nhưng cũng không làm lay chuyển được niềm tin của thánh nhân. Sau cùng,
họ dẫn ngài đến các tượng thần để buộc ngài tế lễ. Nhưng sau những lời
cầu nguyện của ngài, các tượng thần đổ vỡ tan tành. Các sư sãi hoảng
hốt, vội xúi giục dân chúng xông vào bắt ngài và xin trảm quyết ngay.
Trước khi chịu tử hình, ngài đã sốt sắng cầu nguyện cho chính mình và
cho những kẻ đã hãm hại ngài. Thánh nhân được phúc tử đạo ngày 23/4.
Ngày được các quân nhân và hướng đạo sinh tôn sùng đặc biệt những đức
tính can đảm và gương mẫu của ngài.
1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Thánh Georges “vị thánh tử đạo vĩ đại” như người Phương Đông thường gọi, được tôn kính tại Lydda (Lod) xứ Palestina từ hậu bán thế kỷ IV, trong một thánh đường xây trên ngôi mộ của ngài. Ngài thường được Tổng phó tế Théodose và tác giả vô danh thành Plaisance nhắc đến. Lễ của ngài được Giáo hội Byzantin cử hành cùng ngày này và liên kết với lễ đã cử hành tại Rô-ma, sau khi Đức Giáo Hoàng Lêô II (682 – 683) dâng kính ngài một đại giáo đường ở Vélabre.
Hạnh tử đạo của thánh Georges là một ngụy thư. Sách này kể rằng thánh Georges sinh tại Cappadoce và được mẹ giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Ngài đấu tranh chống ngoại giáo, phá hủy các ngẫu tượng và sát hại các tư tế chức sắc. Sau này, khi đã trở thành chiến binh và thủ lĩnh trong đạo quân của đế quốc Rôma, ngài kháng cự lại Dioclétien người bách hại tàn bạo các kitô hữu. Hoàng đế này cho tra tấn và ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 303.
Ở Tây Phương, người ta phổ biến rộng rãi câu chuyện ngắn về cuộc Tử đạo của thánh nhân. Các thập tự quân cũng phổ biến lòng tôn sùng ngài tại Phương Tây. Vì thế, vị thánh hiệp sĩ của chúng ta trở thành đấng bảo trợ không những miền Géorgie mà còn cả Catalogne, Aragon. Bồ Đào Nha, Anh quốc...và vài thành phố khác như Gênes, Barcelone ... hay bảo trợ cho các binh đoàn và rất nhiều Dòng hiệp sĩ. Sau cùng, ngài được Baden Powell chọn làm thánh bảo trợ cho hướng đạo sinh.
Nghệ thuật ảnh tượng biểu hiện thánh Georges hoặc đang đứng, mình mặc giáp trụ thập tự quân (tượng tại thánh đường Chartres), hoặc đang cỡi ngựa (quần tượng của Frémiet, Petit Palais). Trên các bích họa thế kỷ XIV tại thánh đường Clermont, người ta vẽ các biến cố tuần tự trong cuộc đời thánh nhân, còn điện Louvre trưng bày bức ảnh thánh Georges giao chiến với con rồng (của danh họa Raphael). Hình thánh Georges đang xung phong trước đoàn thập tự quân được xuất hiện trên những bức bích họa tại Poncé (Loir và Cher), Cressas (Charente) và tại Clermont-Ferrand. Biểu hiện của thánh Georges là Thánh giá đỏ trên nền trắng.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Thánh Georges được tôn kính tại Đông Phương như là vị “tử đạo vĩ đại”, một trong “Mười bốn thánh Bảo trợ” và là thánh quan thầy các quân nhân. Ngài cũng được mừng kính trên toàn thế giới trong tư cách người hiệp sĩ gương mẫu và người bảo vệ các phụ nữ. Theo truyền thuyết, thánh nhân đã giết con rồng để giải cứu công chúa đang bị tế cho rồng. Vì thế thánh Georges trở nên mẫu gương cho các hiệp sĩ. Tuy nhiên, ngày lễ của ngài nhằm vào mùa Phục Sinh, gợi lại không những sự giúp đỡ, mà còn lòng quảng đại và dũng cảm của ngài khi họa lại cuộc Thương khó của Chúa Giêsu (lời nguyện đầu lễ). Thật thế, khi đổ máu mình vì Đức Kitô, các vị tử đạo được tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Người. Vì lợi ích cho nhiệm thể Người là Hội thánh, họ hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu nơi những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu (Cl 1,24). Bài tin mừng Thánh lễ nói lên những thành quả do cuộc tử đạo mang lại, qua biểu tượng hạt lúa gieo vào lòng đất, phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12, 24-26).
b/ Trong bài giảng ngày lễ thánh Georges (các Bài đọc-Kinh sách), thánh Phêrô Damien cổ vũ chúng ta như sau: “Anh em thân mến, chúng ta không chỉ cảm phục, nhưng còn phải noi gương người chiến binh của đạo quân thiên quốc ... Vậy, một khi đã được tẩy sạch mọi vết nhơ tội xưa, và được bừng sáng nhờ đời sống mới, chúng ta phải cử hành mầu nhiệm vượt qua cách xứng đáng và phải thực sự noi theo gương sáng các vị tử đạo.”
Lời xướng đáp kết thúc bài đọc như sau: “Chúng ta hãy nắm vững trong tay khiên mộc đức tin và thanh gươm lời Chúa... để bắt mọi trào lưu tư tưởng tuân phục Đức Kitô”.
Enzo Lodi
https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-23-4-thanh-gio-gi-otu-dao-the-ky-thu-iv-54189
Thánh Giorgiô chịu chết vì đạo ở Lydda, Palestine có lẽ trước thời vua Constantinô. Đó là tất cả những gì chúng ta biết chắc về vị thánh thời danh này. Nhưng lòng tôn kính dành cho Ngài lan rộng cách mau chóng. Người Đông phương gọi Ngài là vị tử đạo vĩ đại, người Hy lạp mừng kính Ngài, các hiệp sĩ suy tôn Ngài, nước Anh chọn Ngài làm thánh bổn mạng và lễ kính của Ngài được coi là lễ nghỉ bắt buộc, tại đây cho tới năm 1778.
Có nhiều sách viết về thánh Giorgio nhưng lại khác biệt và không liên hệ gì với nhau:
Một tài liệu kể rằng: Thánh nhân sinh ra tại Cappatocia trong một gia đình quyền quí. Cha Ngài là lương dân, mẹ Ngài là một Kitô hữu. Khi thân phụ qua đời, Ngài theo người mẹ về Palestine. Sau này, Ngài ôm mộng làm lính chiến. Diocletianô đã nhận thấy khả năng chiến đấu của Ngài nên dù còn rất trẻ,
Ngài đã được xếp vào hàng sĩ quan cao cấp. Nhưng khi vị vua này ra sắc chỉ cấm đạo, Giorgiô đã can đảm chỉ trích ông trước hội nghị về sắc chỉ bất công này. Lời biện hộ làm mủi lòng người nghe, nhưng nhà vua đã nổi giận và ra lệnh hành hạ thánh nhân, Ông còn cho cột thánh nhân lại và giam vào ngục tối. Ông còn cho cột thánh nhân vào bánh xe với dao bén và mũi nhọn mà xoay vòng. Những hình phạt còn nhiều thứ độc dữ như đánh đòn, dầu sôi...
Tuy nhiên, khi tưởng thánh nhân đã chết, thì một phép lạ đã chữa lành mọi vết thương. Thấy mọi cực hình đều vô hiệu, nhà vua dịu giọng mở lời khuyên nhủ. Thánh nhân xin vua cho đến đền thờ. Tưởng thành công, ông đã triệu tập dân chúng lại và dọn sẵn lễ vật cho Giorgiô dâng kính các ngẫu thần.
Tại đền thờ, thánh nhân dùng tượng thần Apolô mà hỏi: - Người có phải là Thiên Chúa để cho chúng tôi dâng lễ vật không ?
Tượng thần bỗng lên tiếng : - Không, tôi không phải là Thiên Chúa.
Thánh Giorgiô liền làm dấu thánh giá và tượng thần đổ vỡ tan tành.
Mọi người run sợ. Nhà vua truyền lệnh chém đầu thánh nhân ngày hôm đó.
http://giaophanvinhlong.net/thanh-giorgio-tu-dao-303.html
Thứ Bảy sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42
"Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.
Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: "Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi". Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.
Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: "Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi". Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: "Tabitha, hãy chỗi dậy". Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? (c. 12)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. - Ðáp.
3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 61-70
"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Bảy trong Tuần III Phục Sinh về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến thái độ kiên trì của các tông đồ, một thái độ tin tưởng cho dù có trái tai bất khả chấp nhận theo bản tính tự nhiên, một thái độ được bày tỏ qua lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô đại diện cho Nhóm 12 về niềm tin của mình về Đức Kitô, Thày của các vị:
"Thầy đã bảo anh em: 'không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho'. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: 'Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?' Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: 'Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa'".
Ở đây, trong bài Phúc Âm này, qua lời tuyên ngôn của Tông Đồ Phêrô, chúng ta thấy được thêm ý nghĩa "Thày là sự sống" không phải chỉ ở máu thịt của Người được hy tế cho phần rỗi của chung nhân loại và của riêng Giáo Hội là những ai tin Người, mà còn ở chính Lời của Người nữa, hay nói cách khác Lời của Chúa Kitô cũng chính là Bánh Hằng Sống, Bánh Sự Sống, vì tự Người là Lời hay Ngôi Lời cũng thế: "Ngay từ ban đầu đã có Lời, Lời hằng ở nơi Thiên Chúa, Lời là Thiên Chúa... Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (xem Gioan 1:1,14). Đó là tất cả ý nghĩa lời tuyên ngôn của Tông Đồ Phêrô: "Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời", đúng như chính Chúa Kitô đã khẳng định trước đó: "Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin".
lý do sâu xa tại sao các môn đệ bỏ Chúa mà đi, không phải vì chính Lời
Chúa cho bằng bởi chính bản thân họ: "khó nghe" Lời
Chúa hay "chói tai" với Lời
Chúa. Nếu Lời Chúa mà họ tự nhiên có thể hiểu được thì chẳng còn gì là
mạc khải thần linh siêu việt nữa, một mạc khải được diễn tả ra bằng Lời
Chúa cần ơn Chúa mới hiểu được. Đó là lý do trong Bài Phúc Âm Thứ Năm
tuần III PS này, Chúa Giêsu đã khẳng định: "Không ai đến được với
Tôi nếu Cha tôi không lôi kéo họ".
Như thế, nếu Kitô hữu chúng ta đọc Lời Chúa mà không hiểu,
hay đúng hơn chưa hiểu, mà gấp sách lại, chẳng bao giờ đọc nữa thì, ở
một nghĩa nào đó, chẳng khác gì như các môn để bỏ đi ở bài Phúc Âm hôm
nay. Chính vì chúng ta không hiểu mới đọc Lời Chúa cho hiểu, và không
phải tự trí khôn hạn hẹp đầy mù tối và chủ quan cùng thiển cần lại đầy
thiên kiến của chúng ta có thể hiểu được Lời Chúa, trái lại, chính
Lời Chúa "là thần linh và là sự sống", như
Chúa Kitô khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, "Lời ban sự sống",
như Thánh Phêrô sau đó tuyên xưng, mới làm chúng ta hiểu,
nếu cứ tiếp tục đọc. Và cũng chính vì không chịu đọc Lời Chúa nữa mà
khi đụng độ với cám dỗ, với thử thách, với chọn lựa, chúng ta đã không
biết đâu mà mò, và đã chọn thứ khôn ngoan trần gian, theo đường rộng dẫn
tới hố diệt vong.
Chưa hết, Lời Chúa ở Phúc Âm Thứ 4 trong Bài Giảng về Bánh Hằng Sống ở đoạn 6 Phúc Âm Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc suốt Tuần III Phục Sinh này: "Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời", nhưng cuối cùng, trong bài Phúc Âm kết về Bánh Hằng Sống hôm nay, Người cũng khẳng định "Lời Tôi là thần linh và sự sống", vì chính bản thân Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), "là Bánh Bởi Trời xuống" (Gioan 6:41,51)!
Do đó, Kitô hữu chúng ta, cho dù "ăn thịt và uống máu" Người, bằng việc hiệp lễ dưới 2 hình hằng ngày chăng nữa, nếu chúng ta không sống Lời Chúa, chúng ta có thể, như thực tế cho thấy, bị tẩu hỏa nhập ma, ở chỗ: thay vì Chúa sống trong chúng ta, khiến chúng ta cảm nghĩ, nói năng, tác hành và phản ứng như Người, thì lưỡi chúng ta rước Người lại nói xấu, mỉa mai nhau, và lòng chúng ta rước Chúa lại hận thù ghen ghét nhau!
Nếu những lời Chúa Kitô về Bánh Hằng Sống trong bài Phúc Âm hôm nay được Người ngỏ cùng chung dân chúng bấy giờ sau khi được Người cho ăn no nê, liên quan máu và thịt của Người trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người, thì với riêng nội bộ môn đệ và tông đồ của người, lại là chính bản thân hay thực tại Ngôi Lời hay Lời của Người, tức liên quan đến thần tính của Người, một thần tính tỏ mình ra qua nhân tính và sử dụng thịt và máu nơi thân xác của Người để ban sự sống thần linh, sự sống đời đời của Người cho chung thế gian, nhất là cho những ai tin Người, đặc biệt là cho Nhiệm Thể Giáo Hội của Người, một Nhiệm Thể hiệp thông luôn Cử Hành Thánh Thể để tưởng nhớ đến Người và liên tục được hiệp thông với Người, được Người là cây nho thông nhựa sống Thần Linh cho để sinh hoa kết quả phong phú là phần rỗi của các linh hồn.
Như thế, "Thày là sự sống" trong bài Phúc Âm hôm nay, qua tuyên ngôn của tông đồ Phêrô, chẳng những ở nơi nội bộ Nhiệm Thể Giáo Hội của Người mà còn, qua Giáo Hội và nhờ Giáo Hội, cho cả thế gian nữa. Nếu Lời Người và Mình Người, hai yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly, hai yếu tố làm nên việc Cử Hành Thánh Thể của Giáo Hội, để Người thông ban sự sống của Người cho nội bộ Kitô hữu Giáo Hội, thì Giáo Hội là thừa tác viên ban phát các mầu nhiệm thánh của Người, nhất là bằng việc rao giảng Lời Chúa để làm Bánh Sự Sống cho muôn dân, cho những tâm hồn khao khát thần linh, chân thành tìm kiếm chân thiện mỹ và cởi mở với sự thật giải phóng họ, để cả họ nữa cũng được "sự sống và là sự sống viên mãn hơn" từ "Vị Chủ Chiên Nhân Lành thí mạng sống mình cho chiên" (Gioan 10:10), vị chủ chiên sẽ là chủ đề "Thày là sự sống" cho Chúa Nhật IV Phục Sinh ngày mai, Lễ Chúa Chiên Lành.
Thánh Fidele Sigmarina Linh Mục Tử Đạo (24/4)
1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV tôn phong ngài làm thánh tử đạo năm 1746. Lễ tưởng nhớ ngài liên quan đến các cuộc tranh cãi tôn giáo khiến các Giáo Hội đối nghịch nhau và các Kitô hữu bị phân rẽ tại châu Âu vào thế kỷ XVII.
Markus Roy sinh tại Sigmaringen, nước Đức, con trai ông thị trưởng. Ngài theo học ở Fribourg-en-Brisgau, đỗ cử nhân luật và triết học. Sau khi chu du khắp châu Âu, ngài hành nghề luật sư tại Colmar rồi vào Dòng anh em Hèn mọn Capucin ở Fribourg lúc ba mươi bốn tuổi và mang tên Fidèle. Người dấn thân rao giảng Tin Mừng và làm việc Tông Đồ với tư cách tuyên úy quân đội cho các đạo quân của hoàng đế nước Áo. Sau cùng, Hội Truyền Bá Đức Tin ở Rôma phái người sang Rhétie để củng cố đức tin của các Kitô hữu tại đó chống lại lạc thuyết Calvin. Ở đây, ngài giúp bá tước Rodolphe de Salis trở lại đạo Công Giáo.
Tại vùng Grisons thuộc Thụy Sĩ – nơi đây quyền hành nước Áo được thiết lập rất bền vững – sắc chỉ của Hoàng Đế nghiêm cấm người dân theo đạo Tin Lành. Điều này đã tạo sự phản đối mãnh liệt nơi những nông dân theo Calvin. Dưới sự chỉ đạo của một mục sư - về sau sẽ trở lại đạo – họ đã giết thánh nhân ngày 24 tháng 4 năm 1622, tại cửa nhà thờ Seewis trong quận Grison, nơi ngài đang hoạt động truyền giáo. Một ngày nọ, khi được mời theo giáo phái Calvin, ngài trả lời: “Tôi đến đây để chống lạc giáo chứ không phải để tiếp nhận lạc giáo”. Lúc ngã gục dưới các nhát gươm của lý hình, ngài đã kịp cầu nguyện như Đức Giêsu trên thập giá: Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng ...
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Đời thánh Fidèle thấm nhuần tình bác ái. Ngài được gọi là “luật sư của người nghèo” khi hành nghề tại Colmar và nhiệt thành yêu mến Chúa (lời nguyện đầu lễ) sau khi dấn thân vào đời sống tu trì và hiến trọn đời cho Thiên Chúa và tha nhân.
- Khi phong thánh cho người, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đã ca tụng lòng bác ái của ngài như sau: “Như một người cha, thánh nhân đã ôm lấy những người khốn khổ vào lòng, và nuôi nấng vô số người nghèo nhờ những của bố thí quyên góp được từ khắp nơi. Thánh nhân đem những gì các người quyền thế và các ông hoàng giúp đỡ mà săn sóc các cô nhi quả phụ... Trong mức độ có thể, người đã không ngừng trợ giúp những kẻ bị cầm tù, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thánh Nhân ân cần thăm viếng các bệnh nhân...” (Bài Đọc - Kinh Sách).
b. Thánh Nhân giàu lòng bác ái nên cũng nhiệt thành “truyền bá đức tin” (Lời Nguyện). Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV nói trong các cuộc truyền giáo ban đầu cho giới bình dân, sau đó cho người Tin Lành tại Grisons: “Ngoài tấm lòng bác ái như thế, thánh Fidèle còn là người trung tín, cả trong tên gọi lẫn trong đời sống, là người nổi bật về lòng nhiệt thành bênh vực đức tin Công Giáo. Thánh Nhân rao giảng đức tin ấy, không biết mệt. Ít ngày trước khi đổ máu để làm chứng cho đức tin, thánh nhân đã để lại những lời dưới đây như một di chúc: Ôi đức tin Công Giáo ! Đức tin chắc chắn, vững vàng sâu xa biết dường nào... Điều gì thúc đẩy các Kitô hữu chân chính dám dẹp bỏ những dễ dãi, khước từ nếp sống tiện nghi mà cam lòng chịu đựng những gian lao vất vả? Thưa chính là đức tin sống động, đức tin hành động nhờ đức ái”. (Bài Đọc - Kinh Sách).
Enzo Lodi
https://www.kath-vietnamesen.de/phung-vu-2/24-4-thanh-phidele-sigmaringen-linh-muc/
THÁNH FIĐÊLÊ đệ SIGMARINGA
Thánh nhân sinh năm 1577 tại Sigmaringa, Ngài có tên là Marc Rey, thuộc gia đình đạo đức và công chính. Thánh nhân học triết ở Fribourg, Thụy Sĩ. Ngài thông minh và học giỏi, nên được tặng cho danh hiệu là triết gia công giáo. Thánh nhân cũng chuyên về luật. Với ơn Chúa thúc đẩy, soi sáng, thánh nhân đã xin gia nhập dòng thánh Phanxicô. Ngài đã học thần học và sau đó được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Thánh nhân sống khó nghèo cách hết sức nhiệm nhặt theo mối phúc thứ nhất:” Phúc ai có tinh thần nghèo khó…”( Mt 5, 1 ). Cảm nghiệm sự thanh thoát của vật chất, thánh nhân đã dâng hết tài sản của mình cho quĩ bảo trợ cấp giáo sĩ. Thánh nhân có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria cách đặc biệt. Ngài bám chặt lấy Mẹ như thuẫn che chở và nhờ Mẹ để vượt khỏi tính ươn hèn, biếng nhác. Thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa, khuyên răn, giảng dạy và sửa trị giáo dân. Ngài luôn làm gương cho các tu sĩ khác bằng đời sống khó nghèo, khiêm nhượng của mình và thúc giục họ nên thánh vì Ngài ý thức:” Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rờ, dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời vinh quang”( Tv 73, 23 ). Thánh nhân có ơn Chúa ban đặc biệt, nên khi các bè rối nổi lên tung hoành khắp nơi, nhất là tại miền Grisons, thánh nhân được Bề Trên sai tới để chấn hưng đức tin công giáo. Nhiều người thuộc các bè rối đã ăn năn trở lại. Nhưng một số kẻ cuồng tín tức giận đã âm mưu hại Ngài và giết chết Ngài cho hả lòng căm tức cuồng nhiệt của họ.
“Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phiđen, lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và được phúc tử đạo đang khi Người truyền bá đức tin. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin ban cho chúng con một đức ái mãnh liệt để cùng Người, chúng con được nghiệm thấy quyền năng của Đức Kitô phục sinh”( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phiđen ).
Thánh Fidelê, tên thật là Marê Rey, sinh ra năm 1528 ở Sigmaringa nước Đức. Sau những ngày trong tuổi thơ ấu trong trắng vô tội, Ngài được gởi đi học tại đại học tại Friburg, Thụy Sĩ. Để tự chủ, Marê thực hiện nhiều việc bỏ mình nghiêm ngặt. Khi đã hoàn tất cấp bậc tiến sĩ về triết học, Ngài đã tỏ ra rất mực khôn ngoan đến nỗi người ta gọi Ngài là triết gia Kitô giáo.
Năm 1604, công tước Stotzngen xin Ngài hướng dẫn cho con mình và hai nhà quí phái khác trong một cuộc du hành khắp các vương quốc Âu Châu để học hiểu. Cuộc du hành kéo dài sáu năm. Marê đã khuyên nhủ họ nhiều điều không thể quên được. Ngài thúc giục họ phải biết thắng vượt chính mình: – Sống xa hoa nhẹ dạ, người ta bất xứng với vinh quang thực mà chỉ chinh phục được bằng nỗ lực và bằng việc chà đạp vui thú dưới chân.
Sau cuộc viễn du những nhà quí phái trẻ muốn Ngài đừng bỏ họ. Ngài đã theo học luật. Và sau khi nhận bằng tiến sĩ luật Ngài lập văn phòng luật sư ở Colmar. Ngài quyết thực thi đức ái đến nỗi Ngài được gọi là luật sư của dân nghèo. Nhưng nghề nghiệp đã cứu giúp Ngài khám phá ra được những bất lương của cuộc đời. Quyết định theo đuổi đời sống hoàn hảo, Ngài tới gõ cửa dòng Phanxicô. Năm 1612 Ngài được danh hiệu Fiđêlê.
Vị luật sư trở thành thầy dòng làm cho ma quỉ tức giận. Trước các cơn cám dỗ, thày Fiđêlê bối rối, nhưng thử thách tan biến khi Ngài đến giải bày nỗi lòng với một linh mục giàu kinh nghiệm, Người đã dạy Ngài cầu nguyện nhiều hơn,
Fiđêlê đã khẩn cầu tha thiết. – Lạy Chúa cứu chuộc con, xin trả lại niềm vui cần thiết và bình an tâm hồn. Xin hãy tẩy sạch mọi nghi ngờ để ý Chúa được thực hiện và để con thắng vượt quân thù, thắng con người và những đam mê của con.
Fiđêlê nỗ lực hy sinh hãm mình cho đến khi Thiên Chúa ban lại bình an cùng ánh sáng cho Ngài. Từ đó thánh nhân luôn trung thành quảng đại hiến mình cho Chúa. Ngài nói: – Thật bất hạnh nếu tôi là một chiến sĩ dưới quyền thủ lãnh đầu đội mão gai, mà lại chiến đấu một cách yếu hèn.
Khi được chọn làm bề trên tu viện ở Weltkirvhen, Ngài được ơn làm phép lạ để hoán cải người ta. Gặp thời dịch tể, Ngài hết mình phục vụ các bệnh nhân. Người ta thấy Ngài ở khắp nơi, trong nhà thương, ở tư gia, chạy trên đường phố, săn sóc thân xác linh hồn mọi người và thường chữa lành cho cả hồn lẫn xác.
Lạc giáo tàn phá miền Grisons. Đức giáo hoàng giao cho thánh Fiđêlê trách nhiệm đối phó với nhóm người theo phái Calvin. Thánh nhân giã từ tu viện, để lại bao nhiêu là xúc động, Ngài từ biệt dân Weltkirchen như đi chịu tử đạo.
Nhưng với các bạn đồng hành, Ngài khích lệ: – Nào chúng ta lên đường tới nơi mà Chúa kêu gọi và mùa gặt thúc bách.
Ngài giảng cho dân chúng, dạy người nghèo, thông truyền giáo lý cho trẻ em.
Để cứu một linh hồn, Ngài cũng sẵn sàng đi chân không vượt qua mọi sỏi đá tuyết sương. Những người Thệ phản bực tức vì sự anh dũng của thánh nhân nên họ quyết thủ tiêu Ngài. Thư từ Ngài viết còn ghi: – Thầy Fiđêlê sẽ sớm làm mồi cho sâu bọ.
Một lần kia, sau bài giảng hùng hồn, thánh nhân xin bạn mình ngồi tòa giải tội vì Ngài phải đi Seewis không biết có điều gì sẽ xảy ra, nhiều người lo lắng cầu nguyện cho Ngài.
Một người đã hỏi : – Nếu các người theo lạc giáo tấn công thì Cha làm sao ?
Thánh Fiđêlê trả lời : – Tôi sẽ làm như các vị tử đạo. Tôi sẽ vui mừng đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao dành cho tôi.
Ngài thường nói : – Lạy Chúa, con phải chịu khó với Chúa nếu con muốn được hoàn toàn thuộc về Chúa.
Tại Seewis, Ngài rung chuông tập họp dân chúng lại. Một tiếng súng nổ, nhưng không trúng Ngài. Trên đường về Grisch, Ngài bị một nhóm binh sĩ lạc giáo xông vào đánh đập, Ngài chỉ nói được trong hơi thở yếu ớt: – Tôi hiến mạng sống tôi để các bạn nhận biết đức tin của tổ tiên chúng ta.
Bị đập, Ngài vẫn gắng gượng để thốt lên : – Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ con.
Và Ngài đã xin Thiên Chúa tha cho kẻ thù mình và gục ngã dưới lưỡi gươm ngày 24 tháng 04 năm 1622.
https://huyha.net/thanh-fidele-de-sigmaringa-tu-dao-1528-1622-ngay-24-4/
http://giaophanvinhlong.net/thanh-fidele-de-sigmaringa-tu-dao-15281622.html