SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXI Thường Niên B và lẻ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b

"Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi".

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này: "Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Dân trả lời rằng: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19. 20-21. 22-23

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. - Ðáp.

3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ; Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. - Ðáp.

4) Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Thiên Chúa luôn luôn giải thoát. Người giữ gìn họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. - Ðáp.

5) Sự độc dữ sẽ sát hại đứa ác nhân; kẻ ghét người hiền sẽ phải đích thân đền tội. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Ep 5, 21-32

"Mầu nhiệm này thật lớn lao: trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền. Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 61-70

"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.

 

What is the Holy Spirit & What Does He Do?

 

Image result for jn 6, 61-70

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

Bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan cho chu kỳ phụng vụ Năm B hôm nay, Chúa Nhật XXI Thường Niên, là bài Phúc Âm thứ 5 về chủ đề Bánh Hằng Sống (the living bread), Bánh Sự Sống (the bread of life), được Giáo Hội chọn đọc từ Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm B, chu kỳ theo Phúc Âm của Thánh ký Marcô.


Bài Phúc Âm hôm nay là phần cuối cùng của Đoạn 6 về chủ đề Bánh Sự Sống, phần liên quan đến tác dụng bất lợi về bài giảng chủ đề Bánh Sự Sống này, một tác dụng bất lợi xẩy ra không phải nơi dân chúng cho bằng ngay trong nội bộ thành phần môn đệ của Chúa Kitô: "Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: 'Những lời này nghe sao mà chói tai quá! Ai mà có thể chấp nhận được chứ!'"


Tuy nhiên, cho dù bài giảng của mình gây phản tác dụng rất trầm trọng như thế nơi chính nội bộ môn đệ đoàn của mình, Chúa Giêsu vẫn không hề hay không chịu đính chính gì hết, chẳng hạn như Người có thể trấn an các môn đệ của Người rằng: "Ồ các con hiểu lầm lời Thày nói mất rồi, Thày chỉ nói về Bánh Sự Sống theo nghĩa bóng mà thôi, chỉ là biểu hiệu thôi, chứ thực tế làm sao lại có chuyện người ta lại ăn thịt và uống máu Thày được chứ!"


Người chẳng những không đính chính và giải thích theo xu hướng mị dân như thế, trái lại Người còn nhất định và cương quyết tiếp tục giữ vững và bênh vực lập trường trung thực của Người, bênh vực những gì Người đã nói như là những chân lý bất khả sai lầm và không thể chối cãi:


"Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: 'Điều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin'".


Trong câu "chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống", Chúa Kitô đã khẳng định những gì Người đã nói là chân lý, là trung thực, không sai lầm, trái lại, còn mang lại sự sống nữa, chỉ cần tin vào lời Người nói, chứ đừng theo xác thịt thuộc thế giới hạ cấp không thể nào thấu hiểu được những gì thuộc thế giới thần linh huyền diệu siêu việt. 


Chính vì thái độ dứt khoát của Người với các môn đệ như thế, dứt khoát không đính chính, không ve vuốt, không mị dân, sau đó (chứ không phải trước đó) mới xẩy ra chuyện: "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa". Nhưng Người vẫn chấp nhận cái hậu quả ấy chứ không vì thế mà đem sự thật bất biến nơi lời Người dạy thỏa hiệp với xác thịt, với trần gian.


Thật ra, trước bài giảng về Bánh Sự Sống, Chúa Giêsu đã biết trước hậu quả của nó nơi thành phần môn đệ của Người rồi: "Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người". Nên Người cũng đã khẳng định với thành phần thính giả của Người ngay từ đầu những gì Người lập lại một lầmn nữa trong bài Phúc Âm hôm nay về nguyên tắc bất diệt và bất khả thiếu là cần phải có ơn sủng đặc biệt mới có thể đến với Người, mới có thể chấp nhận Người: "Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho" (xem lại câu Gioan 6:44 tương tự như câu 65 này)


Đúng thế, những môn đệ nào còn ở lại với Người, còn trung thành với Người, cho dù không nắm bắt được tất cả sự thật nơi những lời Người nói, là những tâm hồn "được Cha là Đấng sai Tôi lôi kéo" (Gioan 6:44). Bởi thế, họ chẳng những không bỏ đi như một số các môn đệ khác mà còn vững tin vào Thày của họ hơn bao giờ hết, được chứng thực qua câu tuyên xưng của vị tông đồ đại diện Phêrô ở cuối bài Phúc Âm hôm nay khi trả lời cho vấn nạn Người đặt ra:


"'Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?'. Simon Phêrô thưa Người: 'Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa'".


Trong câu trả lời này của vị tông đồ trưởng Phêrô, chúng ta thấy chỉ vì các tông đồ, trước hết và trên hết, tin vào bản thân Chúa Kitô, tin vào đúng căn tính của Người: "Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa", mà các vị mới có thể chấp nhận tất cả những lời Người nói và việc Người làm, nghĩa là những gì Người "là Đấng Kitô Con Thiên Chúanói và làm cũng đều chân thật, không bao giờ sai lầm, trái lại, còn ban sự sống nữa, nên các vị không thể nào bỏ Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai đây? Chỉ Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời thôi"


Thái độ và tinh thần gắn bó của các tông đồ đối với Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay, ở chỗ các vị không bỏ Người mà đi như một số môn đệ khác, là mô phạm cho Giáo Hội đối với Chúa Kitô như vậy, như lời khuyên của Thánh Phaolô ngỏ cùng các người làm vợ sau đây: 


"Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy"


Tại sao thế? Nếu không phải tại vì Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô và được Người yêu thương hiến mình cho Giáo Hội hay sao: "Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền".


Trong Bài Đọc 1 hôm nay, được trích từ Sách Gioduệ, cũng cho thấy dân Do Thái,  cho dù lịch sử cứu độ đã cho thấy họ đã liên lỉ bất trung bội nghĩa với Ngài, vẫn cảm nhận được Đấng đã tuyển chọn dân tộc của họ, nên khi họ được vị thủ lãnh của họ là Gioduệ đặt vấn đề với họ: 


"Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa".


Họ đã tỏ ra cương quyết trung thành với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, Đấng hằng ở với họ và cứu độ họ như sau: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào".


Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ nhận thức về thân phận của "người hiền đức" là tiêu biểu cho những ai tín phục Chúa, như các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay, hay như dân Do Thái trong Bài Đọc 1 hôm nay, hoặc Giáo Hội trong Bài Đọc 2 hôm nay, được Thiên Chúa quan tâm (câu 2), được Thiên Chúa cứu chữa (câu 3), được Thiên Chúa giải thoát (câu 4):


1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. 


2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. 


3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ; Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. 


4) Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Thiên Chúa luôn luôn giải thoát. Người giữ gìn họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. 


5) Sự độc dữ sẽ sát hại đứa ác nhân; kẻ ghét người hiền sẽ phải đích thân đền tội. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.


 

Thứ Hai

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 1, 1-5. 8b-10

"Anh em đã từ bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa, để trông đợi Con của Người, Ðấng mà Người cho sống lại".

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn Thêxalôni-ca trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em; trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng, tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín, như khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em.

Trong mọi nơi, lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, (Ðấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại) là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: 2 Cr 5, 19

Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 23, 13-22

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?

"Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 23, 13-22

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

coi cái trọng thành cái hèn và coi cái hèn thành cái trọng

 

Tiến trình của Phúc Âm cho ngày thường trong Mùa Thường Niên được phân chia như sau: 9 tuần lễ đầu (từ tuần 1 đến hết tuần 9, và là 9 tuần thường niên Hậu Mùa Giáng Sinh) theo Phúc Âm của Thánh ký Marcô, sau đó là 12 Tuần (từ tuần 10 sang Mùa Phục Sinh đến hết tuần 21) theo Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, và cuối cùng là 13 tuần (từ tuần 22 đến hết tuần 34) theo Phúc Âm của Thánh ký Luca. Còn Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho ngày thường trong tuần được Giáo Hội chọn đọc cho các mùa đặc biệt như Mùa Giáng Sinh (cả tuần trước lễ Hiển Linh) Mùa Chay (cả tuần 4 và 5) và Mùa Phục Sinh (liên tục từ Tuần 2 trở đi).

Tuần XXI Thường Niên này là tuần cuối cùng theo Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho ngày thường trong tuần. Ba ngày đầu là những bài Phúc Âm ở đoạn 23, liên quan đến những lời Chúa Giêsu thậm tệ khiển trách thành phần luật sĩ và biệt phái, theo chiều hướng của bài Phúc Âm của Thứ Bảy tuần trước, chiều hướng giả hình của 2 thành phần đóng vai trò làm thày dạy trong dân này
Trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, Chúa Giêsu chưa trực tiếp khiển trách 2 thành phần này, mà chỉ mới nói về họ với dân chúng và các môn đệ của Người thôi, về thái độ ham danh vọng của họ, và khuyên dân chúng và các môn đệ của Người đừng bắt chước họ liên quan đến 3 danh xưng họ thích được gọi là "cha", là "thày", là "xếp". Trong bài Phúc Âm hôm nay và 2 ngày tới, Người trực tiếp nói thẳng vào mặt họ, vạch trần những sai lầm của họ ra, không phải để bôi xấu họ cho bằng để bênh vực dân chúng cho khỏi chẳng những khuynh hướng ham danh của họ mà còn giáo huấn sai lầm của họ nữa, như Phúc Âm hôm nay cho thấy: 


"Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: 'Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc'. Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các người còn nói: 'Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc'. Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề".
Cái sai lầm lệch lạc nơi giáo huấn của hai thành phần sư phụ trong dân này là ở chỗ họ coi cái trọng thành cái hèn và coi cái hèn thành cái trọng, lấy cái chính làm cái phụ và lấy cái phụ làm cái chính, theo quan niệm thiển cận và phán đoán duy vật của họ, như Chúa Giêsu đã thẳng thắn phân tích cho họ biết một cách nặng lời không kiêng nể như sau: "Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?.... Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn?" 
Chính vì giáo huấn sai lầm như thế của họ mà Chúa Giêsu đã cảnh báo cho họ biết về hậu quả tại hại liên quan đến nguy hiểm cho thành phần được họ dẫn dắt chỉ bảo:

"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào... Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người".

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao thành phần chỉ đạo cho dân chúng là luật sĩ và biệt phái giả hình này sai lầm cả trong giáo huấn của họ như thế mà Chúa lại bảo cứ nghe họ như trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước? Có thể nói chỉ có người ban hành mới có thể sai lầm còn người tuân hành không bao giờ sai lầm, nếu vì lòng ngay không biết, do đó nếu thành phần tuân hành có sai trái cũng không bị phán xét và luận phạt.

Cho dù trước kia chàng Saolê thuộc thành phần biệt phái quá nhiệt thành với Do Thái giáo, với Luật Moisen, đến độ đã bách hại Kitô hữu, nhưng một khi đã trở thành một vị tông đồ dân ngoại, ngài đã chẳng những không phải là thành phần "các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người", mà trái lại những ai được ngài rao giảng về Chúa Kitô bằng tất cả cảm nghiệm thần linh của ngài, nên họ đã sống đức tin một cách chân chính, như ngài đã đề cập tới trong Thư 1 gửi giáo đoàn Thessalonica ở Bài Đọc 1 hôm nay:

 

"Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em; trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng, tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín, như khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Trong mọi nơi, lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa".

 

Đúng thế, vị tông đồ dân ngoại Phaolô này đã rao giảng Tin Mừng cho họ, "không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần". Bởi thế, cuộc sống đức tin chân chính của họ, dù có qua trung gian của ngài, nhưng chính yếu là do Thiên Chúa, Đấng được Thánh Vịnh 149 ở bài Đáp Ca hôm nay nhận biết và chúc tụng như sau:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

Santa Rosa de Lima: Peru's Most Iconic Female Saint | How to Peru

ThanhRosaLima.mp3 (23/8)

 

 

Thứ Ba

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 2, 1-8

"Chúng tôi rất vui lòng trao phó anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em cũng biết rằng sự chúng tôi đến với anh em không phải là luống công; nhưng dù khi trước chúng tôi phải khốn khổ, sỉ nhục tại thành Philipphê, như anh em đã biết, chúng tôi vẫn cậy trông vào Thiên Chúa chúng ta mà chuyên lo rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Vì chưng chúng tôi không khuyên dạy những điều sai lầm, những điều ô uế, những điều gian dối, nhưng như chúng tôi đã được Thiên Chúa thử thách để anh em được tin theo Tin Mừng thế nào, thì chúng tôi giảng dạy mà không muốn làm đẹp lòng người đời, nhưng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách tấm lòng chúng tôi như vậy.

Bởi vì chúng tôi không bao giờ nói lời dua nịnh, như anh em biết, và cũng không tìm dịp trục lợi, như Thiên Chúa chứng giám: chúng tôi không cầu vinh nơi loài người, dầu với anh em hay với ai khác, dù chúng tôi có thể làm phiền hà anh em, với danh nghĩa là Tông đồ của Ðức Kitô, nhưng chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 4-6

Ðáp: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con (c. 1a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con. Ngài biết con, lúc con ngồi khi con đứng; Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.

2) Khi lời nói chưa lên tới đầu lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả rồi; sau lưng hay trước mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt tay. Ðối với con sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con thực không thể hiểu ra. - Ðáp.

 

Alleluia: Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 23, 23-26

"Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

"Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 23, 23-26

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Coi trọng cái thường và coi thường cái trọng

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên vẫn tiếp tục những lời Chúa Giêsu khiển trách nặng nề thành phần luật sĩ và biệt phái. Nếu trong bài Phúc Âm hôm qua Người khiển trách họ đặc biệt về giáo huấn sai lầm của họ thì hôm nay Người khiển trách họ về khuynh hướng của họ, hoàn toàn phản ảnh thứ giáo huấn lệch lạc họ chủ trường và truyền dạy cho người khác, đó là coi trọng cái thường và coi thường cái trọng, đó là coi trọng bên ngoài mà lại coi thường bên trong:

 

Hai thành phần thày dạy trong dân này đã bị Chúa khiển trách là vì họ tỏ ra coi trọng cái thường và coi thường cái trọng:

"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà. 

Cái trọng đây là gì, nếu không phải "công lý, lòng nhân và thành tín", những điều thuộc về tinh thần, làm nên nhân phẩm cùng nhân cách của con người, nhưng lại là những điều bị họ coi nhẹ, không bằng những cái thường hơn là "nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng". 
Thế nhưng, chính Chúa cũng không coi nhẹ cái thường ấy. Bởi thế, Người còn nhấn mạnh thêm với họ để tránh thái độ thái quá bất cập rằng: "Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ". Dầu sao những gì được coi là thường cũng không thể thiếu bởi nó chứng tỏ hay cho thấy sự thực hữu và chân chính của cái chính yếu, của cái quan trọng hơn. 
Hai thành phần thày dạy trong dân này còn bị Chúa khiển trách là vì họ tỏ ra coi trọng những gì là bên ngoài mà lại coi thường những thứ ở bên trong:

"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Pharisiêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".
"Bên ngoài chén đĩa" thì họ rửa làm sao cho sạch còn "bên trong" chén đĩa thì hôi thối bẩn thỉu. Nếu "bên trong đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ" thì ở đây Chúa muốn nói đến "bên trong" lòng người là nơi xuất ra những gì xấu xa tội lỗi làm cho con người ra ô uế (Marcô 7:20-23; Mathêu 15:19-20). Và như thế, "bên ngoài chén đĩa" đây có thể hiểu là dáng vẻ đàng hoàng, ăn mặc tề chỉnh, điệu bộ tử tế.... Cả ở đây, cho dù nhấn mạnh đến bề trong, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến cả bên trong lẫn bên ngoài: "hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".
Đối với Chúa, căn cứ vào câu hay vào nguyên tắc Người vừa khẳng định thì bên ngoài lệ thuộc vào bên trong và bên trong chi phối bên ngoài: "hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch". Có nghĩa là một khi tinh thần của con người lành mạnh thì đời sống của họ cũng lành thánh, một khi tâm trí của con người chân thành thì hành động của họ cũng ngay thẳng, một khi bản chất của con người đơn sơ thì đời sống của họ dễ dạy v.v.

Đối với loài người thì không được coi thường cái trọng và coi trọng cài thường theo tinh thần của giáo huấn Chúa dạy trong bài Phúc Âm hôm nay. Nếu con người là tạo vật không thể hành ác để đạt được mục đích tốt, theo đường lối phương tiện biện minh cho cứu cánh của cộng sản, nhưng không thể áp dụng nguyên tắc này vào trường hợp của Thiên Chúa. Với tư cách là Thiên Chúa Hóa Công vô cùng khôn ngoan thượng trí và toàn năng đầy yêu thương, Ngài có thể sử dụng hay lạm dụng sự dữ để làm ra một sự lành hay mang lại sự lành cho tạo vật của Ngài vì lợi ích tối hậu của họ. Thậm chí Ngài còn có thể biến dữ thành lành.

Cũng thế, cho dù con người tạo vật không được coi thương cái trọng và coi trọng cái thường, nhưng không thể áp dụng nguyên tắc ấy vào trường hợp của Thiên Chúa, Đấng đã thực sự coi thường cái trọng và coi trọng cái thường vì lợi ích tối đa và tối hậu cho tạo vật của Ngài chỉ vì Ngài là Đấng Toàn Hảo, là Tình Yêu Thương Xót. Lịch sử cứu độ của riêng dân Do Thái cũng như của chung loài người đã chứng thực như vậy. Ở chỗ Thiên Chúa là Tình yêu Thương Xót đã coi thường cái trọng (là Con Ngài, là chính bản thân của Ngài) và coi trọng cái thường (là loài người tạo vật vô cùng khốn nạn tội lỗi chúng ta), khi "Thiên Chúa không dung tha cho Con Một mình, một đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), và "Thiên Chúa đã biến Đấng không biết đến tội lỗi trở thành tội lỗi, để trong Người chúng ta được nên chính sự công chính của Thiên Chúa" (2Corinto 5:21).

Chúng ta có thể noi gương bắt chước Thiên Chúa trong việc coi thường cái trọng và coi trọng cái thường ở chỗ đó, ở chỗ coi thường bản thân mình là những gì chúng ta vẫn coi trọng hơn tha nhân và coi trọng tha nhân, nhất là những người anh chị em hèn kém nhất của Chúa Kitô là thành phần thường bị xã nói nói chung và chúng ta nói riêng khinh thường, bao gồm nhất là những người anh chị em phạm đến chúng ta, khiến họ trở thành đối tượng chúng ta chẳng những khinh thường mà còn ghen ghét hận thù họ.

Sở dĩ thành phần biệt phái và luật sĩ là "những người dẫn đường đui mù" bởi họ giảng dạy sai trái kèm theo gương mù gương xấu của họ, là vì họ chưa được phúc như chàng biệt phái Saolê, ở chỗ bị "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) quật ngã trên đoạn đường chàng đang hăng say và mù quáng đi Damasco bách hại Kitô hữu, và chính nhờ được chiếm đoạt bởi "ánh sáng ban sự sống" (Gioan 8:12) là Chúa Kitô mà chàng mới xứng đáng và có đủ khả năng hoàn thành sứ vụ tông đồ dân ngoại của mình, với một thứ giáo huấn chân truyền có sức cứu độ, bằng đường lối chứng nhân trung thực của Chúa Kitô, như những gì ngài nói với giáo đoàn Thessalonica trong Thư 1 ở Bài Đọc 1 hôm nay:

 

"Chúng tôi không khuyên dạy những điều sai lầm, những điều ô uế, những điều gian dối, nhưng như chúng tôi đã được Thiên Chúa thử thách để anh em được tin theo Tin Mừng thế nào, thì chúng tôi giảng dạy mà không muốn làm đẹp lòng người đời, nhưng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách tấm lòng chúng tôi như vậy. Bởi vì chúng tôi không bao giờ nói lời dua nịnh, như anh em biết, và cũng không tìm dịp trục lợi, như Thiên Chúa chứng giám: chúng tôi không cầu vinh nơi loài người, dầu với anh em hay với ai khác, dù chúng tôi có thể làm phiền hà anh em, với danh nghĩa là Tông đồ của Ðức Kitô, nhưng chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi".

 

Những gì Thánh Phaolô nói trong Bài Đọc 1 hôm nay là những gì chân thật, xuất phát từ tận đáy lòng của ngài, chứ không phải để vuốt ve nịnh bợ giáo đoàn Thessalonica nhờ đó ngài được họ mến thương cảm phục. Nếu ngài muốn mị dân thì ngài đã chẳng khiển trách giáo đoàn Corintô về những vấn đề xẩy ra giữa họ, phản lại với Tin Mừng Phúc Âm ngài rao giảng cho họ. Ngài là con người của Chúa, nên ngài luôn sống trước nhan Chúa, với tất cả niềm tin tưởng của ngài, như những câu đầy xác tín của Thánh Vịnh 138 ở bài Đáp Ca hôm nay:

1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con. Ngài biết con, lúc con ngồi khi con đứng; Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con.

2) Khi lời nói chưa lên tới đầu lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả rồi; sau lưng hay trước mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt tay. Ðối với con sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con thực không thể hiểu ra.

 

 

Ngày 24 tháng 8

THÁNH BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô, TÔNG ĐỒ

lễ kính

Saint Bartholomew, Apostle - My Catholic Life!

Tiểu sử 
Thánh nhân còn được gọi là Na-tha-na-en, quê ở Ca-na. Chính tông đồ Phi-líp-phê là người đã giới thiệu thánh nhân với Chúa Giê-su ở bờ sông Gio-đan. Người nhập nhóm các môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi. Người ta không biết đích xác về hoạt động tông đồ của người sau lễ Hiện Xuống. Tương truyền rằng người đã loan báo Tin Mừng ở Ấn-độ và đã chịu tử đạo ở đó.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một lòng tin vững mạnh, để chúng con thật tình gắn bó với Đức Ki-tô, Con Một Chúa, như thánh Ba-tô-lô-mê-ô tông đồ. Xin Chúa cũng nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con sống thế nào, để muôn dân nhận biết Hội Thánh chính là bí tích cứu độ. Chúng con cầu xin

 


Thứ Tư

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 2, 9-13

"Chúng tôi làm việc ngày đêm để rao giảng Tin Mừng giữa anh em".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Chính anh em là nhân chứng và cả Thiên Chúa cũng làm chứng: chúng tôi ăn ở thánh thiện, công chính và không đáng trách điều gì đối với anh em là những kẻ đã tin. Như anh em biết, chúng tôi đối xử với mỗi người trong anh em như cha đối xử với con cái mình, khi chúng tôi khuyên răn, khích lệ và van nài anh em hãy ăn ở sao cho xứng đáng với Thiên Chúa, Ðấng đã kêu gọi anh em vào hưởng nước trời và vinh quang của Người.

Bởi thế, chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì khi anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 138, 7-8. 9-10. 11-12ab

Ðáp: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con (c. 1a).

Xướng: 1) Con đi đâu để xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được lên trời, thì cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đấy cũng có mặt Ngài. - Ðáp.

2) Nếu con mượn đôi cánh của hừng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đấy cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con. - Ðáp.

3) Nếu con nói: "Phải chi sự tối tăm che phủ, và sự sáng trở thành đêm bao quanh con", thì đối với Ngài sự tối sẽ không có tối, và đêm sẽ sáng sủa như ban ngày. - Ðáp.

 

Alleluia: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 23, 27-32

"Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: "Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri". Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 23, 27-32

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Cảnh giác thành phần giấu đầu hở đuôi

 

 

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên, Giáo Hội tiếp tục bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu liên quan đến thành phần sư phụ trong dân Do Thái là luật sĩ và biệt phái, như trong 2 bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia. 

 

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục khiển trách hai thành phần sư phụ trong dân này về thái độ giả hình chính yếu của họ, bề ngoài có vẻ đạo mạo tốt lành còn bề trong thì xấu xa ghê tởm, và bề ngoài có vẻ ta đây tốt lành chứ không giống như cha ông của mình đã từng sống bê bối tồi tàn.

 

Trước hết, về thái độ giả hình chính yếu của họ, bề ngoài có vẻ đạo mạo tốt lành còn bề trong thì xấu xa ghê tởm:

 

"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác".  

 

Đúng thế, "các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác", ở chỗ họ chủ trương công chính là tuân giữ trọn vẹn lề luật, nhưng một cách vị luật hơn là vị nhân, nghĩa là thà giữ luật hơn là làm lành và cứu giúp tha nhân khi cần trong ngày hưu lễ (xem Mathêu 12:10-12), như có bao nhiêu lần họ đã cự lại Chúa Giêsu vì Người đã chữa lành trong ngày hưu lễ. Bởi thế, đã có lần Người đã nhắc nhở họ rằng: "Hãy đi mà học ý nghĩa của câu 'Ta muốn tình thương chứ không phải tế vật'" (Mathêu 9:13;12:7). 

 

Họ đã chẳng coi lễ vật hơn tình thương là gì, đúng như giáo huấn và chủ trương lệch lạc của họ ở trong hai bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia về việc coi thường cái trọng và coi trọng cái thường, coi thường cái chính và coi trọng cái phụ. Họ quả thực đã không nắm bắt được nguyên tắc và mục đích của luật lệ họ nắm giữ đó là "ngày hưu lễ được thiết lập vì con người hơn là con người vì ngày hưu lễ" (Marco 2:27).

 

Sau nữa, về thái độ giả hình có vẻ ta đây tốt lành chứ không giống như cha ông của mình đã từng sống bê bối tồi tàn trong quá khứ:


"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: 'Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri'. Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi".

 

Thật vậy, "các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi", ở chỗ họ là hậu sinh của cha ông họ đã đích thân tố cáo tội lỗi của cha ông họ trong việc cha ông họ sát hại các tiên tri và những người công chính được Thiên Chúa sai đến với dân tộc họ trong giòng lịch sử cứu độ của họ. 

 

Và họ đã đích thân tố cáo tội lỗi cha ông của họ, đã "đong cho đầy đấu của cha ông" họ, bằng cách đã "xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính" là thành phần bị cha ông họ bách hại và sát hại. Thế nhưng, như Chúa Giêsu cho biết, chính việc làm này của họ lại tố cáo họ "là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri", chứ chẳng hơn gì cha ông của họ, một giòng dõi còn phạm tội nặng hơn cha ông mình nữa khi tìm cách sát hại chính Con Thiên Chúa làm người là bản thân Người, Đấng Thiên Sai của họ. 


Nếu thành phần biệt phái và luật sĩ "xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính... Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi" thế nào thì dân ngoại nói chung và giáo đoàn Thessalonica nói riêng, trong Bài Đọc 1 hôm nay cũng chứng thực cho thấy về vị tông đồ dân ngoại Phaolô đã được sai đến rao giảng cho họ ra sao, để nhờ đó họ nhận biết Chúa Kitô mà được cứu rỗi thế nào: "Anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin".

 

Nếu Thánh Phaolô rao giảng một cách bất xứng và thất cách, như thành phần luật sĩ và biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay, thì ngài không thể nào mang lại đức tin cho giáo đoàn Thessalonica như vậy. Trái lại, như ngài tự thú trong Bài Đọc 1 hôm nay rằng: "Chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Chính anh em là nhân chứng và cả Thiên Chúa cũng làm chứng: chúng tôi ăn ở thánh thiện, công chính và không đáng trách điều gì đối với anh em là những kẻ đã tin. Như anh em biết, chúng tôi đối xử với mỗi người trong anh em như cha đối xử với con cái mình, khi chúng tôi khuyên răn, khích lệ và van nài anh em hãy ăn ở sao cho xứng đáng với Thiên Chúa, Ðấng đã kêu gọi anh em vào hưởng nước trời và vinh quang của Người".

 

Tất cả những gì Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Thessalonica trong Bài Đọc 1 hôm nay, không phải là để khoe khoang và tự phụ tự mãn về những gì ngài làm, trái lại, như chính ngài minh định: "Chính anh em là nhân chứng và cả Thiên Chúa cũng làm chứng". Nghĩa là ngài chỉ nói lên tất cả sự thật để làm gương sống đức tin và đức ái cho họ mà thôi, một sự thật không thể chối cãi trước nhan Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tất cả mọi sự, như những xác tín của bài Đáp Ca hôm nay, cũng chính là những gì ngài xác tín như sau:

 

1) Con đi đâu để xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được lên trời, thì cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đấy cũng có mặt Ngài.

2) Nếu con mượn đôi cánh của hừng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đấy cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con.

3) Nếu con nói: "Phải chi sự tối tăm che phủ, và sự sáng trở thành đêm bao quanh con", thì đối với Ngài sự tối sẽ không có tối, và đêm sẽ sáng sủa như ban ngày.

 

Advice to a Catholic Statesman - St. Louis - Crossroads Initiative

 

ThanhLouisVuaNuocPhap.mp3 (25/8)

 


Thứ Năm

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 3, 7-13

"Xin Chúa ban cho anh em lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, vì đức tin anh em, chúng tôi được an ủi nơi anh em trong mọi nỗi quẫn bách và gian truân, hiện giờ chúng tôi cảm thấy được sống, vì thấy anh em đứng vững trong Chúa. Vậy chúng tôi phải cảm tạ ơn Chúa thế nào thay cho anh em, vì nỗi vui mừng chúng tôi được hưởng trước mặt Thiên Chúa chúng ta nhờ anh em. Ðêm ngày chúng tôi gia tăng lời cầu nguyện, để được gặp mặt anh em lại và bổ túc những gì thiếu sót trong đức tin của anh em. Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, dẫn đàng đưa chúng tôi tới anh em. Về phần anh em, xin Chúa ban cho anh em được gia tăng và dồi dào lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người, như chính chúng tôi yêu thương anh em: để làm cho lòng anh em nên vững vàng trong sự thánh thiện, không còn điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến làm một cùng tất cả các thánh của Người. Amen.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Xin cho chúng con sớm đươc no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).

Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". - Ðáp.

2) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Ðáp.

3) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con. Sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Ðáp.

 

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 24, 42-51

"Các con hãy sẵn sàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.

"Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Ðó là lời Chúa. 

 

Chờ Mong Chúa Đến (Mt 24, 44) - GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Cảnh giác thành phần đầy tớ vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm

 

Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên hôm nay, những ngày cuối cùng của tuần cuối cùng theo Phúc Âm Thánh Mathêu cho ngày thường trong tuần, bao gồm những câu cuối của đoạn 24, đoạn mà phần trên nói về ngày tận thế, một sự kiện cánh chung Giáo Hội chưa muốn nhắc đến ở đây và vào thời điểm phụng vụ giữa mùa thường niên này, mà là ở vào tuần lễ cuối cùng của phụng niên là tuần thứ 34, với các bài Phúc Âm của Thánh ký Luca đoạn 21, cho 3 ngày Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Năm trong tuần lễ cuối cùng này. 

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu không còn nói với cả dân chúng lẫn các môn đệ của Người nữa, như 4 bài Phúc Âm trước đây, về thành phần thày dạy trong dân là luật sĩ và biệt phái, mà nói riêng với các môn đệ của Người về chính phận sự phục vụ của các vị trong việc "coi sóc gia nhân để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ?" như là những người "đầy tớ trung tín và khôn ngoan" được chủ đã tuyển chọn. 

 

Thật vậy, các môn đệ của Chúa Kitô đã được Người tuyển chọn để phục vụ Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người để "phân phát lương thực" là Lời Chúa và Bí Tích Thánh, nhất là Bí Tích Thánh Thể để đáp ứng nhu cầu sống đức tin của Kitô hữu là thành phần "gia nhân" thuộc nhiệm thể Giáo Hội.

 

Trong câu "coi sóc gia nhân để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ?" này của Chúa Giêsu ở bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy bao gồm 3 sứ vụ hay chức năng chính yếu của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội là thành phần thừa kế các tông đồ: 1- "coi sóc": vai trò quản trị của hàng giáo phẩm nói chung và của từng vị giám mục ở địa phương nói riêng, 2- "phân phát": vai trò giảng dạy ("phân phát" Lời Chúa) và 3- thánh hóa (ban phát Bí Tích).

 

Những vị nào chu toàn 3 sứ vụ chính yếu này của mình thì là những người "đầy tớ trung tín và khôn ngoan", bằng không, họ là những người đầy tớ bất trung và bất khôn. 

 

Nếu thành phần "đầy tớ trung tín và khôn ngoanđược chủ tưởng thưởng ở chỗ: "đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông" thì thành phần đầy tớ bất trung (với phận sự phục vụ chính yếu của mình) và bất khôn (vì hưởng thụ hơn phục vụ theo gương chủ là Đấng đã tuyển chọn mình), họ sẽ bị trừng phạt xứng đáng, như Chúa Giêsu nói đến ở cuối bài Phúc Âm:

 

"Nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

 

Trong câu cảnh giác về thành phần đầy tớ bất trung và bất khôn này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy hình như vẫn còn lảng vảng đâu đây hình ảnh của thành phần thày dạy trong dân Do Thái là luật sĩ và biệt phái, khi Người bao gồm cụm từ: "chung số phận với những kẻ giả hình", thành phần mới bị Người thậm tệ quở trách trong 3 bài Phúc Âm đầu tuần này. 

 

Đáng lẽ đoạn nói về hạng sư phụ luật sĩ và biệt phái này ở đoạn 23 của Phúc Âm Thánh Mathêu còn được tiếp tục 6 câu nữa, từ câu 33 đến hết câu 39, nhưng Giáo Hội đã không chọn đọc, trong đó, Chúa Giêsu đã sử dụng đến những từ ngữ kinh hoàng chưa từng thấy liên quan đến hậu quả vô cùng khủng khiếp gây ra bởi cuộc đời giả hình mù quáng của họ: "Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục ch?" (Mathêu 23:33).


Bởi vậy, ngay ở đầu bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ các môn đệ của Người, cũng như những ai được Thiên Chúa tuyển chọn đóng vai trò thừa kế các tông đồ là các vị giám mục (kể cả các vị linh mục được giám mục truyền chức để thi hành thừa tác vụ thay giám mục và với giám mục) như một đầy tớ phục vụ cộng đồng Giáo Hội mà không sống trọn thánh chức của mình rằng: 

 

"Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến".

 

"Tỉnh thức" ở đây là ở chỗ sống đức tin hơn là sống theo tự nhiên, hứng thì làm không hứng thì bỏ, lúc sốt sắng thì làm cẩn thận, làm một cách có hồn còn lúc khô khan thì làm như cái máy, buông bỏ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, chưa kể gây ra những gương mù gương xấu khác, như đã và đang giết chiên  ăn thịt (lạm dụng tình dục trẻ em), hay trường hợp cưỡi lên chiên bằng đời sống xa xỉ sang trọng, và trường hợp các vị giành đấtchiếm lấy chiên của nhau, hoặc trường hợp nấp bóng chiên để chống đối hay bất tuân giáo quyền của mình v.v

 

Thay vì họ phải là thành phần "đi trước chiên và chiên theo họ" (Gioan 10:4), trong việc làm gương sáng và biết trước nhu cầu của chiên và đáp ứng, sẵn sàng hy sinh cho chiên, thì lại rụt rè đi sau chiên, sẵn sàng bỏ chiên mà chạy lấy thân khi vừa thấy sói xuất hiện, khi vừa thấy những gì bất lợi cho bản thân mình, nên họ chẳng bao giờ có thể nói như Chúa Kitô rằng: "Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi" (Gioan 10:27).

 

 

Nếu thành phần "đầy tớ trung tín và khôn ngoan được chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ" thì không còn ai như hay hơn vị tông đồ dân ngoại Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay, một bài đọc cho thấy những gì ngài quan tâm lo lắng đủ mọi thứ cho lợi ích thiêng liêng của tất cả các giáo đoàn, trong đó có giáo đoàn Thessalonica, như chính ngài đã bày tỏ muốn "bổ túc" cho họ, "gặp mặt" và "đến với" với họ trong Thư 1 ngài gửi cho họ như sau:
 

"Anh em thân mến, vì đức tin anh em, chúng tôi được an ủi nơi anh em trong mọi nỗi quẫn bách và gian truân, hiện giờ chúng tôi cảm thấy được sống, vì thấy anh em đứng vững trong Chúa... Ðêm ngày chúng tôi gia tăng lời cầu nguyện, để được gặp mặt anh em lại và bổ túc những gì thiếu sót trong đức tin của anh em. Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, dẫn đàng đưa chúng tôi đến với anh em. Về phần anh em, xin Chúa ban cho anh em được gia tăng và dồi dào lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người, như chính chúng tôi yêu thương anh em: để làm cho lòng anh em nên vững vàng trong sự thánh thiện, không còn điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến làm một cùng tất cả các thánh của Người. Amen'.

 

Tất cả mọi sự trên đời này rồi sẽ qua đi, ngoại trừ những gì hợp với ý muốn của Thiên Chúa (xem 1Gioan 2:17), Đấng bất biến và bất diệt, Đấng mà những ai sống đức tin chân chính và dấn thân rao giảng Tin Mừng cứu độ như vị tông đồ dân ngoại Phaolô, thì tất cả những gì họ làm hay ngài làm đều trở thành một sự nghiệp hoàn toàn bất hủ trước nhan Thiên Chúa, không bao giờ tàn phai. Đó là tâm tình của họ với đầy những ước nguyện thần linh trong Thánh Vịnh 89 ở bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".

2) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

3) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con. Sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

 

 

 

Thứ Sáu

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 4, 1-8

"Ðây cũng là thánh ý Thiên Chúa và cũng là sự nên thánh của anh em".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này là như anh em được chúng tôi dạy cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em. Vì chưng, đây là thánh ý Thiên Chúa, và cũng là sự nên thánh của anh em là anh em hãy giữ mình khỏi tội gian dâm, để mọi người trong anh em biết giữ thân xác mình trong sự thánh thiện và danh dự: anh em chớ nên buông theo dục tình đam mê, như Dân Ngoại không biết Thiên Chúa: và đừng ai xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình trong việc ấy, vì Chúa sẽ báo oán các điều đó, như chúng tôi đã bảo trước và đã minh chứng cho anh em. Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện. Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này, thì chẳng phải là khinh dể người phàm, nhưng là khinh dể Thiên Chúa, Ðấng cũng đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2b. 5-6. 10. 11-12

Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa (c. 12a).

Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan; trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.

3) Chúa yêu thương những ai ghét xa điều dữ; Người gìn giữ tâm hồn những tôi ngoan, và giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác. - Ðáp.

4) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Tx 2, 13

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của Thiên Chúa, và đích thực là thế. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 25, 1-13

"Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi". Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 25, 1-13

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Nửa Đêm Nghênh Đón

 

 

 

Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên hôm nay, cũng như cho ngày mai, ở đoạn 25 của Thánh ký Mathêu, nhưng không bao gồm phần cuối của đoạn này về sự kiện chung thẩm, mà chỉ liên quan đến 2 dụ ngôn cuối cùng liên quan đến thời cánh chung của Phúc Âm theo Thánh ký Mathêu

 

Sở dĩ 2 dụ ngôn cuối cùng trong bài Phúc Âm hôm nay và ngày mai có thể nói và dám nói là liên quan đến mầu nhiệm cánh chung là vì, theo cấu trúc và diễn tiến của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, thì chẳng những đoạn 24 ngay trước đó là đoạn Phúc Âm về ngày tận thế, mà phần cuối của đoạn 25 ngay sau 2 dụ ngôn này là cảnh chung thẩm. 


Thật thế, một trong 2 dụ ngôn cánh chung ấy là dụ ngôn về "10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rểở trong bài Phúc Âm cho Th Sáu Tuần XXI Thường Niên hôm nay, nhưng "trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả'. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn'".

 

Trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, muốn hiểu được phần nào ý nghĩa của dụ ngôn này, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của ít là 4 hình ảnh ẩn dụ sau đây: trinh nữ đón (1), chàng rể đến (2), tiếng hô to (3), và dầu đốt đèn (4)

 

1- Trinh nữ đón"Trinh nữ" đây ám chỉ ai, nếu không phải là Kitô hữu, vì họ là thành phần nhờ phép rửa đã được nên tinh tuyền và thánh hiến cho Chúa Kitô (xem Epheso 5:26-27). Có bản dịch là "phù dâu", cũng không sai, ở chỗ, ám chỉ thành phần tu sĩ và giáo sĩ, thành phần nhờ đời sống thánh hiến càng làm đẹp thêm cho cô dâu. Trong 10 cô này có 5 cô khôn và 5 cô dại, và khôn hay dại nơi các cô là ở chỗ có mang theo đèn và cả dầu nữa hay chăng. Chúng ta sẽ suy diễn về đèn và dầu sau, ở chi tiết thứ 4 cuối cùng.

 

2- Chàng r đến: Thời điểm chàng rể tới chính vào lúc "nửa đêm", chứ không phải giữa thanh thiên bạch nhật ban ngày. Nghĩa là chàng rể đến vào lúc người ta buồn ngủ nhất về tâm linh và đen tối nhất về môi sinhĐến độ, không phải chỉ có các cô khờ dại mới gục ngủ mà cả những cô trinh nữ khôn ngoan cũng thiếp ngủ nữa: "Thật vậy, nếu giai đoạn ấy không được rút ngắn lại thì không một con người nào được cứu độ" (Mathêu 24:22).

 

Tức là vào lúc Chúa đến lần thứ hai "không biết có còn đức tin trên thế gian này nữa hay chăng?" (Luca 18:8), một thời điểm "vì sự dữ gia tăng mà lòng người hầu hết trở nên nguội lạnh" (Mathêu 24:12), một thời điểm đầy như tối tăm gian dối nơi hiện tượng tiên tri giả và kitô giả đánh lừa được nhiều người (xem Mathêu 24:24).

 

3- Tiếng hô to: Thời điểm chàng rể đến chẳng những vào "nửa đêm" mà còn được kèm theo bằng một "tiếng hô to" nữa. Vậy thì "tiếng hô to" này xuất phát từ đâu, hay ai là người đã phát ra "tiếng hô toấy? Nếu Giáo Hội là cô dâu, chàng rể là Chúa Kitô, và thành phần trinh nữ là Kitô hữu, hay thành phần phù dâu là tu sĩ giáo sĩ, thì ai là người đã vang lên "tiếng hô to" ấy, nếu không phải là chính Đức Mẹ Maria.

 

Thật vậy, "tiếng hô to" ấy đã xuất phát từ Mẹ Maria qua những lần Mẹ hiện ra đây đó, đặc biệt nhất và "to" nhất là vào lần Mẹ hiện ra ở Linh Địa Fatima năm 1917, trong giai đoạn thế giới của thành phần "trinh nữ" Kitô giáo bị khủng hoảng đức tin hơn bao giờ hết, đến độ đã đi đến chỗ mất hết đức ái, và dữ dội sát hại nhau bằng các trận thế chiến ở tiền bán thế kỷ 20, cũng như bằng nạn diệt chủng phá thai và nạn ly dị ở hậu bán thế kỷ 20, những hiện tượng quái gở chưa từng có trong lịch sử loài người nơi một thế giới Tây phương càng văn minh con người càng bạo loạn và càng trở thành trung tâm của nền văn hóa chết chóc ti tăm.

 

4- Dầu đốt đèn: Nếu đèn ám chỉ đức tin, và ngọn lửa cháy sáng nơi cây đèn ám chỉ đức mến, thì dầu đèn đây có thể hiểu là đức cậy. Bởi vì, giai đoạn Chúa Kitô chàng rể tới "bị trì hoãn hay chậm trễ - delayed", như trong bài Phúc Âm hôm nay cho biết, mà thành phần trinh nữ hay phù dâu đợi chờ chàng cần phải nhẫn nại và hy vọng hơn bao giờ hết, bằng không, một khi tắt mất đức mến mà lại không còn đức cậy, mà lại mất hết hy vọng thì ngọn lửa đức mến sẽ không bao giờ có thể thắp lại được bởi thiếu dầu đức cậy. Thực tế cũng chứng thực như vậy, một khi con người thất vọng đến chỗ tuyệt vọng (như ngọn đèn hết dầu) thì chẳng còn muốn sống nữa, nên đã có những cuộc tử tử là như vậy. Hy vọng chính là sức sống của con người, trong con người và cho con người.

 

Dụ ngôn 10 cô trinh nữ trong bài Phúc Âm hôm nay tiêu biểu cho đời sống thánh thiện và tinh tuyền của thành phần Kitô hữu, những con người đã được thanh tẩy nên tinh tuyền xứng với nhiệm thể của thánh thiện của Chúa, nhờ Phép Rửa tái sinh, thành phần vì thế, cả về thân xác nữa, cũng cần phải sống thanh sạch như những lời huấn dụ của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thessalonica trong Bài Đọc 1 hôm nay:

 

"Đây là thánh ý Thiên Chúa, và cũng là sự nên thánh của anh em, đó là anh em hãy giữ mình khỏi tội gian dâm, để mọi người trong anh em biết giữ thân xác mình trong sự thánh thiện và danh dự: anh em chớ nên buông theo dục tình đam mê, như Dân Ngoại không biết Thiên Chúa: và đừng ai xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình trong việc ấy, vì Chúa sẽ báo oán các điều đó, như chúng tôi đã bảo trước và đã minh chứng cho anh em. Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện".

 

Và chỉ có những Kitô hữu sống khôn ngoan xứng với danh phận là trinh nữ của Chàng Rể Kitô mới có được cảm nghiệm hân hoan trong Chúa, vì được vào dự tiệc cưới với Người, tức được hiệp hoan thần linh với Người, ngay ở đời này, cái cảm nghiệm của Thánh Vịnh 96 ở bài Đáp Ca hôm nay:

1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.

2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan; trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. 

3) Chúa yêu thương những ai ghét xa điều dữ; Người gìn giữ tâm hồn những tôi ngoan, và giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác.

4) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người.

 

Ngày 27 tháng 8

Thánh nữ Mô-ni-ca

lễ nhớ bắt buộc

St. Monica - Saints & Angels - Catholic Online

Tiểu sử 
Thánh nữ sinh năm 331 tại Ta-gát, Châu Phi, trong một gia đình theo Ki-tô giáo. Lúc còn thanh xuân, thánh nữ đã kết hôn với anh Pa-tri-xi-ô và sinh được những người con, trong đó có thánh Âu-tinh. Khi Âu-tinh mất đức tin, thánh nữ đã dâng những dòng lệ tựa những lời cầu nguyện âm thầm lên Thiên Chúa. Khi thấy Âu-tinh trở lại, thánh nữ đã tràn ngập vui mừng. Người không còn gì để chờ đợi ở trần gian này nữa, Thiên Chúa đã gọi người về ở Ốt-ti-a, năm 387, khi người đang sửa soạn trở về Châu Phi, quê hương của người. Thánh nữ là tấm gương sáng chói cho những người làm mẹ : nuôi dưỡng lòng tin bằng lời cầu nguyện và chiếu toả ra bên ngoài bằng các nhân đức.

Bài đọc 2

Ta hãy tìm cách đạt tới sự khôn ngoan vĩnh cửu

Trích sách Tự thuật của thánh Âu-tinh, giám mục.

Hôm ấy, gần tới ngày mẹ con ra khỏi đời này -ngày mà Chúa biết rõ, còn chúng con thì không-, đã xảy ra một chuyện mà bây giờ con tin là đã do Chúa sắp đặt theo đường lối nhiệm mầu của Chúa : lúc đó chỉ có hai mẹ con chúng con đứng tựa cửa sổ quay ra thửa vườn bên cạnh ngôi nhà chúng con đang ở, gần Ốt-ti-a, bên bờ sông Ti-be. Nơi đây xa chỗ đông người, chúng con muốn nghỉ ngơi cho khoẻ lại sau những ngày đường xa mệt nhọc, hầu có thể lên tàu tiếp tục chuyến đi. Chỉ có hai mẹ con chúng con trò chuyện rất thân mật. Chúng con muốn quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Đứng trước Chân Lý là chính Chúa, chúng con cùng nhau tìm hiểu xem cuộc sống vĩnh cửu của các thánh sẽ ra sao, cuộc sống mà mắt không hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới. Chúng con nao nức mở rộng tâm hồn hớp lấy những dòng nước từ trời cao đổ xuống, nước suối nguồn của Chúa, suối ban sự sống bắt nguồn từ nơi Chúa.

Con đã nói những điều như trên đây, cho dầu cách nói có khác, từ dùng có khác. Nhưng lạy Chúa, Chúa biết là hôm ấy, đang khi chúng con nói với nhau những chuyện như thế, và đúng lúc thế gian này cùng với tất cả những khoái lạc của nó không còn chút giá trị gì nữa đối với chúng con qua những lời chúng con trao qua đổi lại, thì mẹ con nói : “Con ơi, riêng phần mẹ, mẹ chẳng còn lấy chi làm vui thích trên trần gian này nữa, chẳng còn biết làm gì nơi đây, cũng chẳng biết còn lý do nào mà ở lại đây. Mẹ chẳng còn trông mong gì trên đời này nữa. Trước đây, lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại thêm một chút trong cuộc sống này là để nhìn thấy con thành một Ki-tô hữu trong Hội Thánh Công Giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Thiên Chúa đã ban cho mẹ quá lòng mẹ mong ước : mẹ còn đang được thấy con khinh chê hạnh phúc trần gian mà làm tôi tớ phụng sự Người. Bây giờ mẹ ở đây làm gì nữa ?”

Con cũng chẳng nhớ rõ đã trả lời mẹ con thế nào, nhưng hơn kém năm ngày sau thì mẹ con ngã bệnh. Người bị sốt rét. Trong cơn bệnh ấy, một ngày kia, có lúc người bị ngất đi trong giây lát, không còn biết có ai đứng xung quanh nữa. Chúng con chạy cả lại, nhưng người hồi tỉnh ngay. Thấy hai anh em con đứng bên, người lên tiếng nói như thể đang tìm kiếm một cái gì : “Hồi nãy mẹ ở đâu thế ?”

Rồi thấy chúng con đứng chết lặng vì buồn phiền, người bảo : “Chôn cất mẹ ở đây, chúng con nhé !” Con nín thinh và cố cầm nước mắt. Em con thì nói câu gì đó tỏ ý ước mong mẹ con đừng bỏ thân nơi đất khách quê người, nhưng nên nhắm mắt tại quê hương xứ sở. Được như vậy thì hạnh phúc hơn. Nghe thấy thế, nét mặt lo âu, người nhìn em con, trách chú ấy sao lại thích những chuyện như vậy. Rồi người nhìn con mà bảo : “Con xem nó nói gì vậy ?” Lát sau, người bảo cả hai chúng con : “Xác này, cứ chôn chỗ nào cũng được. Đừng bận tâm lo lắng gì chuyện đó. Mẹ chỉ xin hai con một điều, là dù chúng con ở đâu, thì cũng nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa.” Sau khi đã cố tìm lời giải thích điều đó, người im tiếng luôn và chịu đau đớn nhiều vì cơn bệnh trở nên trầm trọng.

Lạy Chúa là Đấng an ủi những ai sầu khổ, Chúa đã đoái thương nhậm lời thánh Mô-ni-ca khóc than cầu khẩn, mà cho con bà là Âu-tinh được ăn năn trở lại cùng Chúa. Xin cũng nhậm lời hai thánh chuyển cầu, mà cho chúng con biết thật tình ăn năn hối lỗi, để được Chúa khoan hồng thứ tha. Chúng con cầu xin

 

 

Thứ Bảy

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 4, 9-11

"Chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải thương yêu nhau".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, về tình bác ái huynh đệ, thì chúng tôi không cần viết cho anh em: vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải thương yêu nhau. Vì chưng anh em đã thi hành điều đó với mọi anh em trong toàn xứ Macêđônia. Nhưng, anh em thân mến, chúng tôi xin anh em hãy tiến tới hơn nữa, hãy cố gắng sống cho hoà thuận, thi hành các việc bổn phận, dùng tay mà làm việc như chúng tôi đã truyền dạy anh em, ăn ở lương thiện với những người ngoài, và khỏi cần nhờ đến ai.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 7-8. 9

Ðáp: Chúa ngự trị cai quản chư dân trong đường chính trực (c. 9).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên; cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. - Ðáp.

3) Trước thiên nhan Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chánh trực. - Ðáp.

 

Alleluia: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 25, 14-30

"Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: "Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi". Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: "Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".

"Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: "Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi không phát, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại ông". Ông chủ trả lời người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc, nghiến răng".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

Một thứ nguyên vẹn ... hoàn toàn băng hoại

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên hôm nay tiếp theo bài Phúc Âm về 10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể hôm qua

 

Thật vậy, nếu bài Phúc Âm hôm qua về 10 trinh nữ, ám chỉ chung Kitô hữu trong thời cánh chung, như đã suy diễn, thì bài Phúc Âm hôm nay về thành phần "đầy tớ" được chủ "sắp đi xa... giao phó của cải mình cho", ám chỉ những vị lãnh đạo trong Giáo Hội. 

 

Sở dĩ cả 2 bài Phúc Âm hôm nay và hôm qua ở đoạn 25 liên quan đến thời cánh chung là vì, như đã nhận định, theo diễn tiến và cấu trúc của Phúc Âm Thánh Mathêu, thì đoạn 24 đã được Chúa Giêsu nói về ngày tận thế và cuối đoạn 25 ngay sau 2 bài Phúc Âm này là cảnh chung thẩm.

Đúng vậy, nếu bài Phúc Âm hôm qua về các cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể liên quan đến thời cánh chung vì trong bài Phúc Âm này bao gồm sự kiện chàng rể đến, đến lần thứ hai: "Kìa chàng rể đến, ra ra nghênh đón chàng", thì cũng thế, cũng liên quan đến thời cánh chung, bài Phúc Âm hôm nay về thành phần đầy tớ được chủ trao phó của cải cho để sinh lợi trong thời gian ông đi vắng, ám chỉ Chúa Kitô thăng thiên về cùng Cha, nhưng Người sẽ lại đến lần thứ hai, như trong bài Phúc Âm cho thấy: "Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ", có nghĩa là các vị lãnh đạo cộng đồng dân Chúa sẽ phải trả lẽ trước mặt Người


Nếu đoạn 25 của Phúc Âm Thánh Ký Mathêu bao gồm 3 dụ ngôn: dụ ngôn thứ nhất về 10 trinh nữ cần đèn đi nghênh đón chàng rể, ám chỉ chung Kitô hữu, ở bài Phúc Âm hôm qua, và dụ ngôn thứ hai về thành phần đầy tớ được trao tài sản để sinh lợiám chỉ các vị lãnh đạo cộng đồng dân Chúa, ở bài Phúc Âm hôm nay, thì dụ ngôn thứ 3 về cuộc chung thẩm giữa chiên và dê ám chỉ toàn thể nhân loại, và dụ ngôn chung thẩm này được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm A, Lễ Chúa Kitô Vua. Như thế, đoạn Phúc Âm 25 của Thánh ký Mathêu về thời điểm cánh chung bao gồm đủ mọi thành phần: từ riêng Kitô hữu và các vị lãnh đạo Giáo Hội đến chung toàn thể nhân loại

 

Nếu thành phần Kitô hữu trinh nữ được cứu rỗi hay chăng là ở lòng tin tưởng cậy trông của họ, được ám chỉ nơi dầu đèn họ cần có, như đã chia sẻ hôm qua, và nếu chung toàn thể nhân loại được xét xử và cứu rỗi là nhờ "đức tin thể hiện qua đức ái" của họ (xem Galata 5:6; xem Mathêu 25:37-40,42-46), thì thành phần lãnh đạo cộng đồng dân Chúa sẽ bị xét xử và cứu độ nhờ các vị có biết trung tín sinh lợi cho chủ hay chăng. 

 

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, thành phần lãnh đạo cộng đồng dân Chúa được gọi là "đầy tớ", tức là những người phục vụ, những người được gọi là "thừa tác viên - minister", thay Chúa Kitô là Đấng đã đến để phục vụ (xem Mathêu 20:28), mà đã là "đầy tớ" phục vụ thì phải làm theo ý chủ và đúng ý chủ mới thật sự chu toàn nhiệm vụ đầy tớ của mình, bằng không, sẽ lỗi trách nhiệm và sẽ bị trừng phạt. 

 

Đúng thế, "tùy khả năng riêng mỗi người", ông chủ đã khôn ngoan và công bằng trao cho "người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến"Trong khi "người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ". 


Thế rồi những gì đã xẩy ra cho 2 đầy tớ 5 yến và 2 yến, Phúc Âm hôm nay kể tiếp: 

 

"Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói : 'Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây'. Ông chủ nói với người ấy: 'Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!' Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: 'Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây'. Ông chủ nói với người ấy: 'Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!'"

 

Còn người đầy tớ được trao cho một yến thì sao, Phúc Âm cũng cho biết số phận bất hạnh không may của người đầy tớ cuối cùng này như sau: 

"Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: 'Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!' Ông chủ đáp: 'Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Vấn đề được đặt ra ở đây về trường hợp người đầy tớ được trao cho một yến bị trừng phạt này đó là tại sao người đầy tớ này trả lại cho chủ nguyên những gì được chủ trao cho, không hề bị mất mát đi một chút nào, mà vẫn bị trừng phạt dữ dội và khủng khiếp như thế?
Xin thưa, người đầy tớ được giao cho một yến này không bị trừng phạt xứng với tội mình không phải bởi không sinh lợi cân xứng với những gì được chủ trao phó cho bằng tinh thần và thái độ của người đầy tớ này. Vấn đề then chốt là ở chỗ tại sao người đầy tớ này không chịu sinh lợi cho chủ? Nếu không phải tại vì con người này không muốn làm "đầy tớ" cho chủ: "tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi", nghĩa là cho rằng chủ lợi dụng sức lực của mình để hưởng thụ, nên không muốn phục tùng, không muốn đáp ứng, không làm theo ý chủ, nghĩa là ngấm ngầm chống đối chủ, truất phế chủ, và gián tiếp tự cho mình là chủ, ở chỗ làm theo ý mình hơn là ý chủ. 
Tất cả vấn đề là ở chỗ đó, và người đầy tớ được trao cho một yến này bị trừng phạt cũng là vì vậy, chẳng khác gì như trường hợp của Luxiphe, con khủng long, ngay từ ban đầu đã dám cả gan chống lại ý định nhập thể Thiên Chúa, không chịu phục tùng ý định tối thượng của Ngài, coi ý mình hơn ý Chúa, như thể truất phế Thiên Chúa, cho mình mới là Thiên Chúa, nên hắn cùng 1/3 ngụy thần theo hắn đã bị trừng phạt vậy (xem Khải Huyền 12:4,9).
Cốt lõi của vấn đề ở đây là có nhận biết Thiên Chúa và kính mến Thiên Chúa mới gắn bó với Ngài và làm theo ý của Ngài, như hai người đầy tớ 5 yến và 2 yến. Mà tình yêu Thiên Chúa bất khả phân ly với tình yêu tha nhân, ở chỗ có kính mến Thiên Chúa thì mới phục vụ tha nhân, hay ngược lại việc phục vụ tha nhân được thúc đẩy và chi phối bởi tình yêu Thiên Chúa. Người đầy tớ được trao cho một yến trong bài Phúc Âm hôm nay không muốn sinh lợi cho chủ cũng có nghĩa là không muốn làm tôi phục vụ anh chị em của mình, trái lại, muốn người khác phải phục vụ mình

Ý nghĩa sâu xa của bài Phúc Âm hôm nay về lợi dụng tất cả những gì Thiên Chúa ban cho mình để dấn thân phục vụ tha nhân, nghĩa là làm cho những gì được trao cho mình sinh hoa kết trái bác ái yêu thương, được phản ảnh trong những lời khuyên của Thánh Phaolô cho giáo đoàn Thessalonica ở Bài Đọc 1 hôm nay như sau:

"Anh em thân mến, về tình bác ái huynh đệ, thì chúng tôi không cần viết cho anh em: vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải thương yêu nhau. Vì chưng anh em đã thi hành điều đó với mọi anh em trong toàn xứ Macêđônia. Nhưng, anh em thân mến, chúng tôi xin anh em hãy tiến tới hơn nữa, hãy cố gắng sống cho hoà thuận, thi hành các việc bổn phận, dùng tay mà làm việc như chúng tôi đã truyền dạy anh em, ăn ở lương thiện với những người ngoài, và khỏi cần nhờ đến ai".

 

Nếu con người biết mang tất cả những gì Thiên Chúa ban cho mình để phục vụ tha nhân, thì việc họ làm chẳng khác gì như việc họ chân nhận và tuyên xứng Thiên Chúa là chủ tể của họ và của tất cả mọi sự, Đấng làm nên những việc kỳ diệu, chẳng những trong thiên nhiên vạn vật, nhất là nơi loài người và cho loài người, qua loài người, để tỏ mình Ngài ra. Đó là nội dung của Thánh Vịnh 97 ở bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên; cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.

3) Trước thiên nhan Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chánh trực.

 

Ngày 28 tháng 8

Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

lễ nhớ bắt buộc

 

Stewardship Saint for August Saint Augustine of Hippo, bishop and Doctor of  the Church - International Catholic Stewardship Council

 

Tiểu sử 
Thánh nhân sinh năm 354 tại Ta-gát, châu Phi. Người đã trải qua giai đoạn thanh xuân đầy náo động cả về đạo lý lẫn cách sống cho tới khi được thánh Am-rô-xi-ô thanh tẩy cho năm 387. Người trở về quê hương và sống một cuộc đời khắc khổ. Rồi người được chọn làm giám mục giáo phận Híp-pôn. Trong suốt ba mươi bốn năm làm giám mục, người đã tận tuỵ chăm sóc đoàn chiên. Nhưng đáng kể nhất là tư tưởng và chứng tá đời sống của người đã lan toả. Người đã sống một cuộc đời hoàn toàn lo tìm kiếm Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh. Đối với người, Hội Thánh là cộng đoàn tín hữu Híp-pôn và đồng thời cũng là Thân Thể Chúa Ki-tô trải rộng khắp thế giới. Người qua đời năm 430.

Bài đọc 2

Ôi, Chúa là chân lý vĩnh cửu, là tình yêu chân thật
và là sự vĩnh cửu dấu yêu !

Trích sách Tự thuật của thánh Âu-tinh, giám mục.

Khi được nhắc nhở phải trở về với chính mình, nhờ Chúa hướng dẫn, con đã đi vào tận thâm tâm con, và con đã vào được vì có Chúa phù trì nâng đỡ. Con đã vào và, dầu mắt linh hồn con có thế nào chăng nữa, nhờ nó, con cũng đã thấy một thứ ánh sáng không hề thay đổi. Ánh sáng này vượt quá cả mắt linh hồn con, vượt quá trí khôn con. Đó không phải là ánh sáng thông thường trên trần gian mà xác phàm nào cũng thấy được. Đó cũng không phải như cùng loại với ánh sáng phàm trần, mà chỉ khác là có độ sáng mạnh hơn và mỗi ngày cứ mỗi sáng hơn mãi, rực chiếu khắp nơi. Không, không phải loại ánh sáng ấy, mà khác, khác hẳn với mọi loại ánh sáng nói trên. Ánh sáng đó cũng vượt quá trí khôn con, không phải chỉ như dầu ở trên nước, hay như trời vượt trên đất, nhưng vượt xa hẳn, vì đã làm ra con, và con ở dưới hẳn, vì đã được ánh sáng đó làm ra. Ai biết chân lý thì biết ánh sáng đó.

Ôi, Chúa là chân lý vĩnh cửu, là tình yêu chân thật và là sự vĩnh cửu dấu yêu ! Chúa là Thiên Chúa của con, đêm ngày con khao khát Chúa. Và khi con nhận biết Chúa lần đầu, Chúa đã nâng con lên, cho con thấy là có những điều con phải thấy nhưng con chưa tự mình thấy được. Chúa đã chiếu ánh sáng chói chang vào con, khiến cặp mắt mù loà của con có thể thấy được. Con run lên vì yêu mến và kính sợ. Con nhận ra rằng tại nơi cách biệt này, con còn thật xa Chúa. Dường như con nghe Chúa phán từ trời cao : “Ta là lương thực dành cho người lớn : cứ lớn lên rồi sẽ được ăn Ta. Chẳng phải con sẽ biến Ta thành con như biến đồ ăn thành thịt con, mà chính con sẽ được biến đổi nên Ta.”

Con tìm cách trở nên lớn mạnh để có thể thưởng thức lương thực là chính Chúa, nhưng tìm không ra. Con chỉ thành công khi ôm choàng lấy Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Người lên tiếng gọi và nói : Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Thần tính Chúa là lương thực trước đây con không dùng được, Người đem kết hợp với nhân tính người phàm : Ngôi Lời đã trở nên người phàm, để đức khôn ngoan Chúa đã dùng mà dựng nên muôn loài muôn vật, nay nên sữa nuôi chúng con đang còn thơ ấu.

Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi, con yêu Chúa quá muộn ! Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy con cứ ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài ! Con thật xấu khi mải chạy theo vẻ đẹp nơi các thụ tạo của Chúa. Chúa từng ở với con mà con chẳng ở với Chúa. Những sự vật vẫn giữ con xa Chúa, nếu chúng không ở trong Chúa thì chúng làm sao hiện hữu được ? Chúa gọi con, Chúa la to, và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng, Chúa chiếu toả và đã xua tan sự mù loà của con. Chúa toả hương thơm, con hít lấy và con khao khát Chúa. Con đã nếm thử và bây giờ con đói, con khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm bình an của Chúa.

Xướng đáp

XÔi chân lý, ánh sáng của lòng con, tối tăm của con chẳng nói gì với con nữa ; con đã lầm lạc và rồi tưởng nhớ Chúa.

ĐNày con đang nóng lòng, đang háo hức, đang tìm về mạch suối của Chúa.

XCon đâu phải là nguồn sống cho mình, tự mình con đã ăn ở xấu xa, nay con được hồi sinh trong Chúa.

ĐNày con đang nóng lòng, đang háo hức, đang tìm về mạch suối của Chúa.

Lạy Chúa, xin khơi dậy trong lòng Giáo Hội ơn Thánh Thần Chúa đã ban cho thánh giám mục Âu-tinh, để nhờ Thánh Thần nung nấu, chúng con chỉ khát khao một mình Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, và chỉ tìm kiếm một mình Chúa là Thiên Chúa Tình Thương. Chúng con cầu xin

Thứ Tư 27/2/2008 – Bài Giáo Lý 67 - Thánh giáo phụ  Âu Quốc Tinh