SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chúa Nhật 12 Quanh Năm Năm C
(Chúa Nhật này năm 2019 và năm 2022 bị át đi bởi Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, xin xem ở cái link sau đây:
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Năm C
hay
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu)
Phép Lạ Thánh Thể ở Bolsena
Nhà thờ Thánh Christina / Santa Cristina là một đền thờ Công giáo Roma ở Bolsena, giáo tỉnh Viterbo, miền Lazio Ý quốc.
Nhà thờ này trở thành nổi tiếng là vì đó là nơi xẩy ra Phép Lạ Thánh Thể năm 1263, và trở thành bất hủ bởi bức danh họa Mass of Bolsena của Raphael trong dinh Vatican,
đồng thời cũng là nơi chôn táng vị thánh nữ tử đạo Christina thành
Bolsena.
Bên trái của Nhà Thờ Thánh Christina là ngôi Nhà Thờ cũ, nơi có bàn thờ xẩy ra Phép Lạ Thánh Thể
3 tấm mầu trắng hình chữ nhật ở phía sau và 1 tấm cũng trắng gần như vuông ở chính giữa, đều có những vết Máu Thánh, được trưng ở bàn thờ trong gian nhà thờ cũ.
Phép lạ Thánh Thể này xẩy ra khi vị linh mục người Đức là Cha Phêrô ở Prague thuộc cộng hòa Czech, trên đường hành hương tới Roma đã ghé nhà Thờ Thánh Christina này dâng lễ,
nhưng bấy giờ ngài bị ảnh hưởng thời đại đã mang tâm trạng hoài nghi về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, nên sau khi ngài truyền phép thì 5 giọt máu đã chảy ra từ Bánh Thánh!
Đây mới là bàn thờ đã xẩy ra Phép Lạ Thánh Thể, ở gian bên phải bàn thờ lưu giữ 4 Vết Máu Thánh vừa rồi.
Ngay bên dưới lòng Bàn Thờ xẩy ra Phép Lạ Thánh Thể này có một tảng đá còn in 2 dấu chân lạ lùng của Thánh nữ tử đạo Christina, vị còn ngôi mộ ở ngay bên phải bàn thờ.
(Các tấm hình trên đây bé tĩnh đã chụp ngày 13/11/2021, trong chuyến Hành Hương Đức Tin - Chứng Tích Phục Sinh 2021 ở Ý quốc và Roma với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương)
Thứ Hai
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 17, 5-8. 13-15a. 18
"Chúa xua đuổi Israel khỏi mặt Chúa và chỉ còn lại chi họ Giuđa".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Salmanassar, vua dân Assyria, xâm chiếm khắp miền và bao vây Samaria trong ba năm. Năm thứ chín đời vua Hôsê, vua Assyria chiếm được Samaria, và đem dân Israel sang Assyria, định cư họ ở Hala và ở Habor, gần sông Gozan, và trong các thành thuộc nước Mêđia.
Xảy ra như thế, vì con cái Israel phạm đến Chúa là Thiên Chúa họ, Ðấng đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, khỏi quyền lực Pharaon, vua nước Ai-cập. Họ đã thờ các thần ngoại bang; họ noi theo các tập tục của dân ngoại mà Chúa đã xua đuổi trước bước tiến của con cái Israel, và họ đã theo các nghi lễ mà vua Israel đã quy định.
Chúa đã dùng các tiên tri, các vị tiên kiến mà khuyến cáo Israel và Giuđa rằng: "Các ngươi hãy cải tà quy chính, hãy tuân giữ các điều răn và nghi lễ, theo đúng lề luật Ta đã dùng các tiên tri tôi tớ Ta mà truyền cho cha ông các ngươi, và chuyển lại cho các ngươi". Nhưng họ không muốn nghe. Họ cứ cứng đầu cứng cổ như cha ông họ, không muốn vâng phục Chúa là Thiên Chúa. Họ chối bỏ các huấn lệnh của Chúa và lời giao ước Người đã ký kết với cha ông họ, và cả những mệnh lệnh rõ ràng Người đã truyền, nên Chúa nổi giận dân Israel, và xua đuổi họ khỏi mặt Chúa. Chỉ còn lại chi họ Giuđa mà thôi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 59, 3. 4-5. 12-13
Ðáp: Lạy Chúa, xin Chúa ra tay hữu phù trợ và nhậm lời chúng con (c. 7b).
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, Ngài đã hất hủi chúng con, Ngài đã làm cho hàng ngũ chúng con tan rã, Ngài đã thịnh nộ, nhưng xin cho chúng con được phục hồi! - Ðáp.
2) Ngài đã rung động đất nước và xâu xé, xin hàn lại chỗ đổ vỡ, vì nó đang xiêu té. Chúa để dân Ngài gặp những thử thách cam go, Ngài cho chúng con uống thứ rượu say mê choáng váng. - Ðáp.
3) Ôi Thiên Chúa, há không phải Ngài đã hất hủi chúng con ư? Ôi Thiên Chúa, Ngài đã không xuất trận cùng quân đội chúng con. Xin Chúa giúp đỡ chúng con chống lại quân thù, vì sự hỗ trợ của người trần là vộ hiệu quả. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 7, 1-5
"Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy. Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: "Ðể tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh", và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Ðồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Sự sống mù quáng
Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh vẫn tiếp tục sang Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, như trong phần phụng vụ Lời Chúa cho ngày Thứ Hai Tuần XII Thường Niên hôm nay cho thấy.
"Sự sống" đây là sự sống công chính, như giáo huấn Chúa Kitô dạy cho các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay (Mathêu 7:1-5), một bài phúc âm tiếp tục về Bài Giảng Trên Núi của Người cho các môn đệ của Người liên quan đến các Phúc Đức Trọn Lành mà các vị cần phải cảm nghiệm và theo đuổi mới xứng đáng làm môn đệ của Người và nhờ đó mới có thể làm chứng nhân cho Người.
Vấn đề được đặt ra ở đây là, với cương vị lãnh đạo sau này của mình trong Giáo Hội, các vị không thể nào không đoán xét để bảo vệ Giáo Hội cũng như để phân xử công minh, thế mà ở đây, Chúa Giêsu lại dạy các vị rằng: "Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét".
Tuy nhiên, lời khuyên của Chúa Giêsu ở đây không áp dụng vào việc quản trị Giáo Hội của các vị mà chỉ nhắm đến đời sống đức ái trọn hảo của bản thân các vị thôi. Đó là lý do Chúa Giêsu đã đề cập đến luật nhân quả, gieo gió gặt bão: "Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy".
Trên thế gian này đã xẩy ra đầy giẫy những chứng cớ về định luật "ác giả ác báo" này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là phạm nhân có nhận ra lỗi lầm cũ của mình để mà ăn năn thống hối và cải thiện đời sống hay chăng mới là những gì đáng quan tâm. Trong đường tu đức cũng thế, Thiên Chúa hay để cho những tâm hồn sốt sắng đạo đức mà lại hay khinh thường những người khô khan hơn mình, xa tránh những người tội lỗi xấu xa ở chung quanh mình, bị sa ngã phạm tội, cho dù cố gắng, nhờ đó họ biết cảm thương những người họ vốn khinh bỉ và xa tránh.
Một khi chúng ta xét đoán xấu cho người khác, chấp nhất người khác và chê trách người khác về những gì tiêu cực của họ, hay những gì vô tội nơi họ (tính tình hay tâm tưởng hoặc lối sống v.v.) nhưng chướng tai gai mắt chúng ta, chúng ta như thể ở trong trạng thái mù lòa không biết mình, đúng như lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người, khi Người đi từ chất vấn đến trách móc thành phần này trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: 'Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh', và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Đồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi".
"Cái đà" trong mắt của chúng ta đây là gì, nếu không phải là thành kiến, là ác cảm, là nghi kỵ... những gì khiến chúng ta không thể nào nghĩ tốt cho người khác, nhất là thành phần đối phương của mình, trái lại, chỉ toàn nghĩ xấu cho họ và luôn luôn nghĩ xấu về họ, thậm chí còn tự chế ra những gì họ không có theo óc tự suy của mình để hận thù oán ghét họ, lên án họ, nói hành nói xấu họ, ném đá họ...
Đối với tha nhân, con người không được mù quáng đoán xét nhau, vì họ chẳng những không biết được thâm tâm của nhau, mà nhất là không có quyền đoán xét nhau nữa. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa, Đấng vô cùng khôn ngoan và nhân hậu, con người cần phải tỏ ra mù quáng hơn ai hết và hơn bao giờ hết, ở chỗ hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Ngài ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự.
Một trong những điều Chúa Giêsu dạy các tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm nay là "các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy", thực sự đã ứng nghiệm hơn bao giờ hết và hơn ai hết nơi trường hợp của thành phần dân được Ngài tuyển chọn để tỏ mình ra cho họ, xuyên suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, ngoài Ngài ra không còn một Chúa tể nào khác, và chỉ có mình Ngài mới đáng họ tin tưởng và tôn thờ thôi. Thế nhưng, Ngài càng tỏ mình ra họ lại càng bất xứng với Ngài, họ vẫn cứ tiếp tục ương bướng chối bỏ Ngài mà gian dâm ngoại tình với các tà thần của dân ngoại hay như dân ngoại hoặc với chính các thứ ngẫu tượng họ tạo ra. Và đó là lý do họ đong đấu nào cho Thiên Chúa của họ thì họ cũng bị Ngài đong lại cho chính đấu ấy, đúng hơn họ phải hứng chịu hậu quả của chính đấu họ đối xử với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ.
Bài Đọc 1 hôm nay, được trích từ Sách Các Vua quyển thứ hai, đã chứng thực việc trao đổi đấu cho nhau rất tương xứng và công bằng giữa thành phần dân được ưu tuyển với Thiên Chúa của họ, trước hết là thành phần dân thuộc vương quốc Israel ở Miền Bắc (sau thời Vua Solomon, nước Do Thái được chia thành đôi, vương quốc Giuđa chỉ còn 2 chi tộc Giuđa và Lêvi ở miền nam) - biến cố lịch sử họ bị dân Assyria xâm chiếm và đầy ải vô cùng khốn nạn gây ra bởi chính tội bỏ Chúa của họ như sau:
"Trong những ngày ấy, Salmanassar, vua dân Assyria, xâm chiếm khắp miền và bao vây Samaria trong ba năm. Năm thứ chín đời vua Hôsê, vua Assyria chiếm được Samaria, và đem dân Israel sang Assyria, định cư họ ở Hala và ở Habor, gần sông Gozan, và trong các thành thuộc nước Mêđia. Xảy ra như thế, vì con cái Israel phạm đến Chúa là Thiên Chúa họ, Ðấng đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, khỏi quyền lực Pharaon, vua nước Ai-cập. Họ đã thờ các thần ngoại bang; họ noi theo các tập tục của dân ngoại mà Chúa đã xua đuổi trước bước tiến của con cái Israel, và họ đã theo các nghi lễ mà vua Israel đã quy định.
Thậm chí trước khi vì bất đắc dĩ Thiên Chúa đã nhẫn nại nhịn nhục sử dụng đến các ngôn sứ của Ngài sai đến cảnh giác họ và kêu gọi họ trở về với Ngài nhưng hoàn toàn vô hiệu trước tình trạng lòng chai dạ đó thật là mù quáng ngông cuồng của họ:
"Chúa đã dùng các tiên tri, các vị tiên kiến mà khuyến cáo Israel và Giuđa rằng: "Các ngươi hãy cải tà quy chính, hãy tuân giữ các điều răn và nghi lễ, theo đúng lề luật Ta đã dùng các tiên tri tôi tớ Ta mà truyền cho cha ông các ngươi, và chuyển lại cho các ngươi". Nhưng họ không muốn nghe. Họ cứ cứng đầu cứng cổ như cha ông họ, không muốn vâng phục Chúa là Thiên Chúa. Họ chối bỏ các huấn lệnh của Chúa và lời giao ước Người đã ký kết với cha ông họ, và cả những mệnh lệnh rõ ràng Người đã truyền, nên Chúa nổi giận dân Israel, và xua đuổi họ khỏi mặt Chúa. Chỉ còn lại chi họ Giuđa mà thôi".
Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu đâu có vui thích gì khi thấy con cái của mình phải khổ đau chết chóc, thế nhưng Ngài chỉ còn cách "của độc giải độc" và "gậy ông đập lưng ông" mà thôi, theo đường lối loài người. Chẳng những đối với thành phần dân ưu tuyển của Ngài, mà còn với những tâm hồn nào bất chấp lương tâm và các ơn soi động của Ngài, đều đi đến ngõ cụt "no way out", nơi một là họ thà tự tử chết, thà hư đi đời đời chứ nhất định không chịu quay đầu trở lại, hai là hoàn toàn tuyệt vọng không còn tin tưởng gì nữa, và ba là họ tỉnh giấc với những tâm tình giác ngộ như Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Ôi Thiên Chúa, Ngài đã hất hủi chúng con, Ngài đã làm cho hàng ngũ chúng con tan rã, Ngài đã thịnh nộ, nhưng xin cho chúng con được phục hồi!
2) Ngài đã rung động đất nước và xâu xé, xin hàn lại chỗ đổ vỡ, vì nó đang xiêu té. Chúa để dân Ngài gặp những thử thách cam go, Ngài cho chúng con uống thứ rượu say mê choáng váng.
3) Ôi Thiên Chúa, há không phải Ngài đã hất hủi chúng con ư? Ôi Thiên Chúa, Ngài đã không xuất trận cùng quân đội chúng con. Xin Chúa giúp đỡ chúng con chống lại quân thù, vì sự hỗ trợ của người trần là vộ hiệu quả.
Thứ Ba
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 19, 9b-11. 14-21. 31-35a. 36
"Ta sẽ che chở và cứu thành này vì danh Ta cùng vì Ðavít".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong các ngày ấy, Sennakêrib, vua dân Assyria, đã phái các sứ giả đến với vua Êdêkia và dặn rằng: "Các ngươi hãy nói với Êdêkia, vua Giuđa như thế này: "Chớ để Thiên Chúa, mà vua tin cậy, mê hoặc vua nghĩ rằng: Thành Giêrusalem sẽ không bị lọt vào tay vua dân Assyria. Vì chưng chính đức vua đã nghe biết những gì các vua Assyria đã làm khắp mọi nơi, đã tàn phá các nơi đó thế nào. Có lẽ nào một mình vua sẽ thoát khỏi?". Vua Êdêkia đã nhận và đọc thư do các sứ giả trao cho, vua lên đền thờ Chúa, trải bức thư đó ra trước mặt Chúa, và cầu nguyện cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, Ðấng ngự trên các Vệ Binh thần, chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa các vua trên mặt đất, Chúa đã dựng nên trời đất, xin lắng tai nghe; lạy Chúa, xin mở mắt nhìn xem. Chúa hãy nghe các lời vua Sennakêrib đã gửi đến, để lăng mạ Chúa hằng sống của chúng con. Lạy Chúa, quả thật các vua dân Assyria đã huỷ diệt các dân và đất đai chúng, đã vất các tượng thần của chúng vào lửa: vì các tượng thần đó không phải là Chúa, song là sản phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, nên bị họ huỷ diệt. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cứu chúng con khỏi tay vua Sennakêrib, để mọi vương quốc hoàn cầu biết rằng: chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa".
Vậy Isaia con trai Amos sai người đến tâu vua Êdêkia rằng: "Ðây là những điều Chúa là Thiên Chúa Israel phán: Ta đã nghe các điều ngươi cầu xin Ta về Sennakêrib, vua dân Assyria. Ðây là lời Thiên Chúa phán về vua ấy: Trinh nữ Sion khinh chê và cười ngạo ngươi; thiếu nữ Giêrusalem chế diễu sau lưng ngươi. Từ Giêrusalem sẽ còn lại một số người, và từ núi Sion sẽ có một số người được cứu thoát: Ðó là điều mà lòng nhiệt thành của Chúa các đạo binh sẽ thực hiện. Bởi thế, Chúa phán những điều này về vua dân Assyria: Vua sẽ không vào được thành này, sẽ chẳng bắn được một mũi tên nào vào thành, chẳng dùng thuẫn mà vây hãm thành, chẳng đắp lũy quanh thành: vua tới lối nào thì sẽ về lối ấy, và sẽ không vào được thành này, đó là lời sấm của Chúa. Ta sẽ che chở và cứu thành này, vì danh Ta cùng vì Ðavít tôi tớ Ta".
Chính đêm ấy, thiên thần Chúa đến giết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Sennakêrib, vua dân Assyria, trở về và ở lại thành Ninivê.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 10-11
Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành của Người tới muôn đời (c. 9d).
Xướng: 1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu. - Ðáp.
2) Núi Sion là cùng kiệt Phương Bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến luỹ. - Ðáp.
3) Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 7, 6. 12-14
"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.
"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Ðấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.
"Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".
Ðó là lời Chúa.
Con đường sự sống
Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XII Thường Niên hôm nay vẫn tiếp tục Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu được Thánh ký Mathêu (7:6,12-14) ghi lại 3 nguyên tắc sống khôn ngoan sau đây:
Nguyên tắc thứ nhất: "Đừng lấy của thánh mà đem cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt loài heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con".
Tại sao vậy? Tại vì chó hay heo là loài thú vật chẳng biết giá trị của những gì loài người vốn trân quí. Bởi thế, "lấy của thánh mà đem cho chó, và vất ngọc trai trước mặt loài heo" là một hành động hoàn toàn ngu xuẩn, phí của và vô ích, thậm chí còn nguy hiểm đến bản thân nữa là đàng khác, ở chỗ chúng cứ tưởng là chúng bị tấn công bằng các viên ngọc trai chẳng khác gì những cục đá vậy, nên chúng có thể "quay lại cắn xé các con".
Ở đây, nếu chú ý chúng ta thấy được hai con thú tiêu biểu được Chúa Giêsu sử dụng trong bài Phúc Âm, đó là con chó và con heo: "chó" có vẻ tinh khôn hơn nên liên quan đến "của thánh" linh thiêng và đến động từ "cho" có vẻ trân trọng chứ không phải là động từ "quẳng" có vẻ khinh bỉ; còn "heo" có vẻ xác thịt hơn nên liên quan đến "ngọc trai" là những gì thuần vật chất và đến động từ "quẳng".
Nhưng dù tinh khôn như "chó" cũng chẳng biết "của thánh" là gì, cũng chẳng nhờ đó mà được linh thiêng hơn, và cho dù xác thịt như "heo" cũng chẳng cần trang điểm bằng "ngọc trai" cho đẹp hơn và hãnh diện hơn. Phải chăng ở đây Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng giáo huấn của Người là những gì "thánh hảo" vô giá và quí báu hơn cả vàng bạc và "ngọc trai", được ban cho các vị để các vị mặc lấy và trang sức cho xứng với vai trò là môn đệ của Người?
Có thể áp dụng lời khuyên này của Chúa Giêsu về của thánh và loài thú bất xứng với của thánh vào những hành động tục hóa của chúng ta. Chẳng hạn chúng ta lên rước lễ chỉ vì cho người ta khen mình là đạo đức. Nghĩa là chúng ta biến Thánh Thể là một Bí Tích Cực Thánh thành phương tiện cho thỏa mãn đam mê nhục dục đê hèn như loài thú của chúng ta, lấy Thánh Thể làm tòa cho chúng ta lên ngôi vinh hiển....
Nguyên tắc thứ hai: "Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy".
Nguyên tắc thứ hai này là nguyên tắc "tri kỷ tri bỉ - biết mình biết người", có vẻ tích cực hơn nguyên tắc của Khổng giáo: "đừng làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình".
Nguyên tắc thứ hai này thường được gọi là luật vàng - golden rule, vì nó chất chứa trong tất cả "lề luật và các tiên tri dạy", vì nó phản ảnh giới luật bác ái "yêu người như thể thương thân - ái nhân như kỷ": yêu nhau như bản thân mình.
Nguyên tắc này thật sự là "của thánh", là viên "ngọc trai" quí báu đối với những ai kính sợ Chúa, nhưng lại là những gì quái gở đối với những kẻ gian ác bất chấp thủ đoạn trong mưu đồ thỏa mãn ý riêng và đam mê nhục dục của họ, dù giá phải trả cho những gì họ muốn chiếm đoạt chính là tha nhân.
Nguyên tắc thứ ba: "Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".
Đúng thế, muốn sống nguyên tắc thứ hai là yêu nhau như chính bản thân mình, con người cần phải bỏ mình đi, thậm chí cần phải coi người khác hơn mình. Như vậy thì chẳng khác nào con người cần phải "vào qua cửa hẹp", hoàn toàn đi ngược chiều với đa số phàm nhân luôn coi mình hơn tha nhân, không bao giờ chịu thua thiệt, nếu bị thua thiệt thì tìm cách triệt hạ đối phương hay lấy lại.
Trong các lời dạy của Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm hôm nay, có một lời đã ứng nghiệm nơi câu chuyện của Bài Đọc 1 hôm nay, đó là lời: "Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con". Đúng thế, nếu "của thánh" và "ngọc trai" đây là chung thành phần dân tuyển chọn của Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất, và riêng vị vua Edekia hoàn toàn tin tưởng vào Ngài trong một thời điểm lịch sử vô cùng nguy biến bất khả tránh cho vương quốc Giuđa của vua bấy giờ, thì có thể nói "chó" và "heo" đây là thành phần sống theo bản năng thú tính của mình, vô thần và hung ác, được tiêu biểu nơi nhân vật lịch sử "Sennakêrib, vua dân Assyria", một nhân vật đầy ngạo mạn coi trời bằng vung khi tung ra những lời đe dọa Vua Xứ Giuđa là Edekia thế này:
"Các ngươi hãy nói với Êdêkia, vua Giuđa như thế này: 'Chớ để Thiên Chúa, mà vua tin cậy, mê hoặc vua nghĩ rằng: Thành Giêrusalem sẽ không bị lọt vào tay vua dân Assyria. Vì chưng chính đức vua đã nghe biết những gì các vua Assyria đã làm khắp mọi nơi, đã tàn phá các nơi đó thế nào. Chẳng lẽ nào chỉ có một mình vua sẽ thoát khỏi hay sao?".
Biết sức mình bất khả thoát khỏi quyền lực hung tán của nhân vật đầy bản lãnh đệ nhất thiên hạ bấy giờ, Vua Edekia chỉ còn biết chạy đến với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình, hoàn toàn tin tưởng vào Ngài là Đấng duy nhất có thể cứu vương quốc của vua khỏi bị xâm chiếm và đầy ải như vương quốc Israel trong Bài Đọc 1 hôm qua, trái lại, qua vương quốc của mình, Thiên Chúa còn có thể tỏ mình ra cho cả dân Assyria biết Ngài là ai nữa:
"Vua Êdêkia đã nhận và đọc thư do các sứ giả trao cho, vua lên đền thờ Chúa, trải bức thư đó ra trước mặt Chúa, và cầu nguyện cùng Chúa rằng: 'Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, Ðấng ngự trên các Vệ Binh thần, chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa các vua trên mặt đất, Chúa đã dựng nên trời đất, xin lắng tai nghe; lạy Chúa, xin mở mắt nhìn xem. Chúa hãy nghe các lời vua Sennakêrib đã gửi đến, để lăng mạ Chúa hằng sống của chúng con. Lạy Chúa, quả thật các vua dân Assyria đã huỷ diệt các dân và đất đai chúng, đã vất các tượng thần của chúng vào lửa: vì các tượng thần đó không phải là Chúa, song là sản phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, nên bị họ huỷ diệt. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cứu chúng con khỏi tay vua Sennakêrib, để mọi vương quốc hoàn cầu biết rằng: chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa'".
Quả thực, Thiên Chúa đã áp dụng nguyên tắc được chính Con của Ngài dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay là "Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con" - "cắn xé các con" ở chỗ nếu Ngài để cho vua Assyria ngạo mạn chiếm Xứ Giuđa thì hắn lại càng ngạo mạn hơn nữa, coi như hắn là chúa tế, không có chúa nào khác ngoài hắn, và vì thế lại càng nhục cho Chúa. Do đó, Ngài đã ra tay bảo tồn "của thánh" là dân của Ngài và "ngọc trai" là lòng tin tưởng của Vua Xứ Giuđa, bằng cách: "Chính đêm ấy, thiên thần Chúa đến giết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Sennakêrib, vua dân Assyria, trở về và ở lại thành Ninivê", đúng như Ngài đã báo cho Vua Xứ Giuđa qua miệng tiên tri Amos: "Vua dân Assyria sẽ không vào được thành này, sẽ chẳng bắn được một mũi tên nào vào thành, chẳng dùng thuẫn mà vây hãm thành, chẳng đắp lũy quanh thành: vua tới lối nào thì sẽ về lối ấy, và sẽ không vào được thành này, đó là lời sấm của Chúa. Ta sẽ che chở và cứu thành này, vì danh Ta (vốn là "của thánh" - theo suy diễn của người viết) cùng vì Ðavít tôi tớ Ta (quí như "ngọc trai" - theo suy diễn của người viết)".
Bài Đáp Ca hôm nay là tâm tình nhận biết đầy tin tưởng và ngợi khen cảm tạ của Thánh Vịnh gia, hoàn toàn phản ảnh tâm tình của những ai tin vào Chúa như Vua Xứ Giuđa trong Bài Đọc 1 hôm nay nói riêng, cũng như của chung dân mỗi khi chứng kiến thấy bàn tay toàn năng của Chúa luôn ở với mình cho dù mình bất trung với Ngài song biết ăn năn thống hối trở về với Ngài:
1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.
2) Núi Sion là cùng kiệt Phương Bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến luỹ.
3) Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh.
Thứ Tư
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 22, 8-13; 23, 1-3
"Vua đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa, ký kết giao ước trước mặt Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, thượng tế Helcia nói với thư ký Saphan rằng: "Tôi tìm thấy sách luật trong Nhà Chúa". Helcia trao sách cho Saphan đọc. Rồi thư ký Saphan đến cùng vua, và thuật lại cho vua rằng: Tôi tớ vua đã thu lượm số bạc dâng cúng trong nhà Chúa, và trao cho đốc công nơi Ðền thờ Chúa, để phát lương cho thợ. Thư ký Saphan cũng thuật cho vua rằng: "Tư tế Helcia đã trao cho tôi cuốn sách". Thư ký Saphan đã đọc sách đó trước mặt vua. Khi nghe lời sách luật Chúa, vua liền xé áo mình, rồi truyền cho tư tế Helcia và Ahica con Saphan, Acôbor con Mica, và thư ký Saphan cùng Asaia người hầu cận vua rằng: "Các ngươi hãy đi hỏi ý Chúa cho trẫm, cho toàn dân và cho nhà Giuđa, về các lời sách vừa tìm thấy. Cơn thịnh nộ của Chúa đối với chúng ta nặng nề lắm, vì cha ông chúng ta không tuân giữ các lời trong sách này". Họ thuật lại cho vua các lời của Chúa.
Bấy giờ vua sai đi triệu tập các trưởng lão Giuđa và Giêrusalem đến cùng vua. Vua lên Ðền thờ Chúa với những người thuộc chi tộc Giuđa, toàn thể dân cư Giêrusalem, các tư tế, các tiên tri và toàn dân lớn bé, ông đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa. Vua đứng trên bệ, ký kết giao ước trước mặt Chúa, để ai nấy đi theo Chúa, cùng hết lòng hết sức tuân giữ các huấn lệnh, các lề luật và nghi lễ của Chúa. Họ làm sống lại các lời giao ước đã ghi chép trong sách này: cả dân đều chấp nhận bản giao ước.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 33. 34. 35. 36. 37. 40
Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài (c. 33a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài, để con tuân giữ cho bằng triệt để. - Ðáp.
2) Xin dạy con để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó. - Ðáp.
3) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ chị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng. - Ðáp.
4) Xin nghiêng lòng con theo lời Ngài nghiêm huấn, và chớ để con sa ngã vào chỗ lợi danh. - Ðáp.
5) Xin cho con ngoảnh mặt, khỏi thấy cảnh phù vân; xin cho con được sống noi theo đường lối Chúa. - Ðáp.
6) Này đây, con khao khát huấn lệnh của Ngài, theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 7, 15-20
"Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng".
Ðó là lời Chúa.
Chân dung của những "con sói... cắn xé"
Suy Niệm
Căn cứ vào lời Chúa khẳng định trên đây thì thành phần "tiên tri giả", được Người nhắc đến ngay ở đầu bài Phúc Âm hôm nay, cho dù "mặc lốt chiên", "nhưng bên trong là sói dữ" nên không thể sinh hoa trái tốt lành: "cây xấu không thể sinh trái tốt", trái lại, "cây xấu thì sinh trái xấu" là thứ hoa trái "cắn xé", sát hại, chia rẽ, phá hoại, tiêu diệt, hung tàn, bạo loạn v.v. những thứ hoa trái hiểm độc không thể nào tồn tại như hoa trái của sự sống, những thứ hoa trái cuối cùng "sẽ bị chặt đi và ném vào lửa" xứng với số phận bóng tối không thể nào át được ánh sáng, mà còn bị ánh sáng xua tan nữa.
1) Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài, để con tuân giữ cho bằng triệt để.
2) Xin dạy con để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó.
3) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ chị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.
4) Xin nghiêng lòng con theo lời Ngài nghiêm huấn, và chớ để con sa ngã vào chỗ lợi danh.
5) Xin cho con ngoảnh mặt, khỏi thấy cảnh phù vân; xin cho con được sống noi theo đường lối Chúa.
6) Này đây, con khao khát huấn lệnh của Ngài, theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống.
Năm 2022 Thứ Năm Tuần XII 23/6 này là
(Đáng lẽ Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả là ngày 24/6, nhưng năm 2022 ngày 24/6 là Thứ Sáu, Lễ Trọng Thánh Tâm Chúa, nên phải mừng lễ Thánh Gioan Tẩy Giả sớm 1 ngày)
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lễ Trọng
Bài Ðọc I: Gr 1, 4-10
"Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc". Và tôi đã thưa lại: "A, a, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít".
Nhưng Chúa phán cùng tôi rằng: "Ngươi đừng nói: "Con là con nít", vì ngươi sẽ đi đến với những kẻ Ta sẽ sai ngươi đi, ngươi sẽ nói mọi điều Ta sẽ truyền dạy ngươi nói. Ngươi đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi". Chúa phán như thế.
Và Chúa giơ tay sờ miệng tôi mà nói với tôi rằng: "Ðây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Ðây hôm nay Ta ban quyền cho ngươi trên các dân tộc và trên các vương quốc, để ngươi lật đổ và đập phá, phân tán và tiêu diệt, xây dựng và vun trồng".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15 và 17
Ðáp: Từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con (c. 6b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con; xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Ðáp.
2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Ðáp.
3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con từ hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu con, Chúa là Ðấng bảo vệ con; con đã luôn luôn trông cậy vào Chúa. - Ðáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 8-12
"Chính ơn cứu rỗi này là đối tượng các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em yêu mến Chúa Giêsu Kitô, dù không thấy Người, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Người, bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.
Chính ơn cứu rỗi này là đối tượng các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào, hoặc hoàn cảnh nào Thần Trí của Ðức Kitô chỉ cho các ngài biết phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Ðức Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình, mà là cho anh em, trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai xuống, Ðấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 7; Lc 1, 17
Alleluia, alleluia! - Ông đến để chứng minh về sự sáng; để chuẩn bị cho Chúa một dân tộc hoàn hảo. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 5-17
"Vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Dacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.
Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương, đang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ thiên thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy thì hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.
Nhưng thiên thần nói với ông rằng: "Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc con trẻ sinh ra. Vì trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men; sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Êlia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị sẵn sàng".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Chúa Giêsu đã khen tặng Vị Tiền Hô được sai đến trước Người là Đấng cao trọng hơn ông để dọn đường cho Người là Đấng đến sau ông:
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: 'Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!'" (Mathêu 11:11-15).
Trước hết, Chúa Giêsu đã minh định Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là con người cao cả nhất loài người, không một ai cao trọng hơn ngài, thậm chí có thể nói bao gồm cả Mẹ Maria. Phải chăng chính vì thế mà trong tất cả các thánh (ngoài trừ Mẹ Maria), chỉ có một mình Thánh Gioan Tẩy Giả mới được Giáo Hội mừng lễ sinh nhật trần gian của ngài, 24/6 (trước Lễ Giáng sinh 6 tháng), (lễ sinh nhật nước trời tưởng nhớ cái chết mất đầu của ngài 29/8) mà là mừng ở bậc Lễ Trọng (solemnity), hơn cả lễ sinh nhật Mẹ Maria ngày 8/9, chỉ ở bậc lễ kính (feast)?
Dầu sao nhân vật Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này, về cấp độ ân sủng, ngài không thể nào "Đầy Ơn Phúc" (Luca 1:28) như Mẹ Maria, và phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu đã ám chỉ về Mẹ Maria ngay sau khi khen tặng vị tiền hô của Người: "người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông"?
Đúng thế, nếu càng khiêm hạ nhỏ bé thì càng lớn lao cao trọng trên nước trời thì ai bé nhỏ bằng Mẹ Maria nên nhờ đó Mẹ Maria mới càng lớn lao cao trọng nhất trên Nước Trời, nghĩa là vì Mẹ càng nhỏ, càng trở thành hư không, thành zero, Mẹ mới càng đầy Thiên Chúa là sự hữu, là tất cả, mới càng giống Chúa Kitô, đến độ phản ảnh Người là mặt trời công chính, như Mẹ được Thánh ký Gioan thị kiến thấy và mô tả trong Sách Khải Huyền của ngài như "mặc mặt trời" (12:1), hay như Diễm Tình Ca cho biết là "rực rỡ như mặt trời" (6:10). Trong khi đó Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ là cái đèn soi mà thôi (xem Gioan 1:6-8;5:35).
Sở dĩ Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là một con người cao cả nhất loài người, tất nhiên không phải về lãnh vực ân sủng, như trên đã cảm nhận và phân tích, cho dù ngài có được cho rằng khỏi nguyên tội khi còn là thai nhi 6 tháng trong lòng thai mẫu, vào chính lúc ngài nhẩy mừng khi nghe thấy lời Mẹ Maria chào mẹ của ngài (xem Luca 1:44), mà là về vai trò của ngài, một vai trò không ai trên trần gian này có thể hơn được ngài. Giống như trường hợp các vị linh mục, cho dù không đầy ân phúc như Mẹ Maria trong cấp trật ân sủng, nhưng vẫn hơn Mẹ trong vai trò linh mục của các vị, bởi các vị được đồng hóa với Chúa Kitô và là Chúa Kitô (Alter Christus) khi các vị thi hành thừa tác vụ thánh.
Sứ vụ cao trọng vô tiền khoáng hậu của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này là ở chỗ ngài là vị trung gian giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy, nếu nền tảng của Nhà Thiên Chúa được xây trên "nền tảng các tông đồ và tiên tri" (Êphêsô 2:20), thì Thánh Gioan Tẩy Giả chẳng những là vị tiên tri của các vị tiên tri, "tiên tri của Đấng Tối Cao" (Luca 1:46) được tiên báo bởi chính một vị tiên tri trong Cựu Ước (xem Isaia 40:3), mà còn là "chàng phù rể" (Gioan 3:29) ở sát ngay bên với Chàng Rể Kitô hơn hết mọi người, đã nhận biết Chúa Kitô trước để rồi sau đó đã giới thiệu Người cho các tông đồ tiên khởi của Chúa Kitô (xem Gioan 1:35-51).
Chưa hết, sứ vụ cao trọng của ngài còn lên đến tột đỉnh ở chỗ ngài đã làm phép rửa cho chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, như thể ngài đã trở thành người cha thiêng liêng của Con Thiên Chúa làm người. Không một vị tiên tri nào trong Cựu Ước đã được tận mắt nhìn thấy Chúa Kitô và gặp Chúa Kitô, ngoài trừ Thánh Gioan Tẩy Giả. Và cũng không một tông đồ nào đã nhận biết Chúa Kitô như ngài, cho dù các vị đã sống với Chúa Kitô 3 năm, trong khi ngài chưa hề gặp Người mà vẫn có thể nhận ra Người để giới thiệu Người cho các vị (xem Gioan 1:33-34). Nếu các tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô trên thế giới nói chung thì Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân tiên khởi cho Chúa Kitô trước dân Do Thái cũng như trước các tông đồ của Chúa Kitô nói riêng.
Phải chăng Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng được lời Chúa qua miệng Tiên Tri Isaia (41:19) tiên báo và ám chỉ ở các câu sau đây: "Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này"? Phải chăng Thánh Gioan Tẩy Giả, với sứ vụ cao trọng đệ nhất thiên hạ của ngài chính là "cây hương nam trong hoang địa", là "cây tùng trong sa mạc"?
Việc "Lời đã hóa thành nhục thể", một mầu nhiệm vô cùng mầu nhiệm, rất khó có thể chấp nhận với tâm thức tự nhiên của con người, trái lại, còn có thể "trở thành cớ vấp phạm cho nhiều người trong Israel" (Luca 2:34), nên còn được Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã cẩn thận sửa soạn cho việc Người xuất hiện trước dân Do Thái của Ngài, ở chỗ sai "vị tiên tri của Đấng Tối Cao" là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đến trước để dọn đường cho "Người tỏ mình ra" (Gioan 1:31), nhờ đó dân của Ngài mới có thể nhận biết Người mà được cứu độ.
Thật vậy, vai trò của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả thật là quan trọng và cần thiết, ở chỗ, theo ý định thần linh cứu độ của Thiên Chúa, ngài cần phải được sai đến trước để dọn đường cho Người là Đấng đến sau, nên chính bản thân của vị tiền hô này cũng đã được thụ thai cách lạ trước Người 6 tháng (xem Luca 1:36), và là vị "còn hơn một tiên tri nữa", như Chúa Kitô đã minh định ngay trong bài Phúc Âm hôm nay, bởi vì ngài còn là "sứ thần" của Thiên Chúa,một vai trò tương đương với vai trò của sứ thần Gabiên từ trời xuống truyền tin cho thân phụ của ngài (xem Luca 1:19), hay cho thân mẫu của Chúa Giêsu (xem Luca 1:26), vị sứ thần đã được Trời Cao sai đến với dân Do Thái nên đã được chính Thánh Kinh Cựu Ước của dân này tiên báo, như Chúa Giêsu đã trích lại trong lời Người nói về vị tiền hô của mình: "Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con", và là vị được Chúa Kitô đã hết lời khen tặng, khen tặng hết lời: "Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông" (Mathêu 11:11).
Thứ Năm
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 24, 8-17
"Vua Babylon dẫn về Babylon Gioakim, và tất cả những binh sĩ thiện chiến làm tù binh".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Khi lên ngôi, vua Gioakim mới mười tám tuổi, và trị vì ở Giêrusalem ba tháng. Tên mẹ vua là Naestha, ái nữ của Elna-than, quê ở Giêrusalem. Vua làm điều mất lòng Chúa cũng như cha vua đã làm xưa.
Khi ấy binh sĩ của Nabucôđônôsôr, vua Babylon, tiến đến vây Giêrusalem. Nabucôđônôsôr, vua Babylon, thân chinh điều khiển binh sĩ đến tận nơi để tấn công thành. Khi ấy Gioakim, vua Giuđa, đầu hàng vua Babylon, cùng với mẹ, binh sĩ, quan tước và các thái giám. Vua Babylon bắt họ làm tù binh, khi ấy là năm thứ tám triều vua Babylon. Vua này mang về tất cả kho tàng của đền thờ Chúa, và đền vua, ông đập vỡ tất cả các bình vàng mà Salomon, vua Israel, đã đúc cho cung thánh của Chúa, như thế ứng nghiệm lời Chúa đã phán. Vua đã đem toàn thể Giêrusalem đi đày, gồm các sĩ quan, mười ngàn binh lính cường tráng, các thứ thợ thủ công, thợ rèn, không sót lại gì cả, ngoại trừ đám dân nghèo. Vua cũng dẫn về Babylon làm tù binh vua Gioakim và thái hậu, các hoàng hậu, các thái giám, những bậc vị vọng, bảy ngàn trai tráng, một ngàn thợ làm nghề thủ công, thợ rèn, tất cả những binh sĩ thiện chiến. Vua Babylon dẫn họ sang Babylon làm tù binh. Vua đặt hoàng thúc Matthania làm vua thay Gioakim, và đổi tên ông là Seđecia.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 78, 1-2. 3-5. 8. 9
Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa (c. 9bc).
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài, họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang. - Ðáp.
2) Họ đổ máu chư vị đó dường như nước lã quanh Giêrusalem mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con bị bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung? - Ðáp.
3) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! - Ðáp.
4) Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 7, 21-29
"Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Thầy: "Lạy Chúa, Lạy Chúa", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: "Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng con đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: "Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta".
"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".
Khi Chúa đã nói xong những lời trên, dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Người: vì Người dạy dỗ họ như Ðấng có quyền, chứ không như luật sĩ và các biệt phái của họ.
Ðó là lời Chúa.
Nền đá sự sống
Bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần XII Thường Niên hôm nay là bài phúc âm (Mathêi 7:21-29) kết thúc Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu. Qua bài phúc âm kết thúc Bài Giảng Trên Núi này, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ của Người rằng:
1- Chỉ có ý Chúa được thể hiện qua việc con người tin tưởng chấp nhận, đáp ứng và tuân hành mới mang lại ơn cứu độ cho họ: "Không phải tất cả những ai nói với Thầy: 'Lạy Chúa, Lạy Chúa', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời". Nghĩa là chỉ có những ai sống kết hợp ý mình với ý Chúa, chứ không phải thành phần theo ý riêng, dù là làm việc Chúa vẫn theo ý riêng, hay sống bôi bác giả hình bề ngoài, sống không thật, không bằng tất cả tấm lòng của mình.
2- Chứ không phải là những việc làm gì khác, cho dù là việc thu hút thế gian nhất, như nói tiên tri có vẻ thông biết mọi sự, hay trừ quỉ hoặc làm phép lạ với đầy quyền năng: "Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng con đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'". Thành phần "nhân danh Thày" đây phải chăng là chính các tông đồ và các vị thừa kế các ngài, và dù là các đấng bậc chăng nữa, có quyền giảng dạy ("tiên tri"), quyền trừ quỉ và làm phép lạ, như được Chúa Giêsu ban cho khi Người sai các vị đi rao giảng (xem Mathêu 10:1), cũng nguy hiểm và càng nguy hiểm nếu không biết sống trọn ý Chúa nơi mình.
3- Đời sống thiêng liêng cũng chỉ vững chắc khi được căn cứ vào lời của Người, vào giáo huấn vô cùng chân thật và trọn hảo của Người, vào tất cả những gì Người đã truyền dạy mà thôi: "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".
Ở đầu Bài Giảng Trên Núi, Thánh ký Mathêu cho biết là "thấy đoàn lũ dân chúng thì Chúa Giêsu lên núi; khi Người ngồi xuống thì các môn đệ đến cùng Người". Có nghĩa là giáo huấn về phúc đức trọn lành của Người trực tiếp ngỏ cùng thành phần được Người kêu gọi theo Người, nhờ đó họ có thể trở thành "muối đất", thành "ánh sáng thế gian".
Thế nhưng, kết thúc Bài Giảng Trên Núi này, Thánh ký Mathêu lại cho thấy là chính dân chúng cũng được nghe "ké" giáo huấn phúc đức trọn lành này của Chúa Giêsu nữa, hay cũng có thể tiếng của Người nói với các môn đệ càng lúc càng vang to hơn khi Người thấy dân chúng tiếp tục kéo đến gần ngay chỗ qui tụ của Người và các môn đệ bấy giờ: "Khi Chúa đã nói xong những lời trên, dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Người: vì Người dạy dỗ họ như Đấng có quyền, chứ không như luật sĩ và các biệt phái của họ".
Qua lời diễn tả ngay sau Bài Giảng Trên Núi này của Thánh ký Mathêu, chúng ta thấy 2 điều: 1- về phía dân chúng, cho dù ở tầm mức bình dân, không thông thái như thành phần luật sĩ và biệt phái, cũng có thể cảm nhận được giáo huấn cao siêu của Chúa Giêsu; 2- về phía Chúa Giêsu, giáo huấn phúc đức trọn lành của Người tuy cao siêu "chật hẹp" nhưng hoàn toàn hợp với lòng người, hợp với nhân bản, và nếu được mang ra áp dụng thực hành con người sẽ được biến đổi và thăng hóa theo đúng ơn gọi cùng thân phận làm người của họ.
Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy những gì xây trên cát tự nhiên trần gian hơn là xây trên đá đức tin chân thật sẽ bị sụp đổ khi gặp gian nan thử thách. Điển hình là trường hợp của vị vua trẻ Xứ Giuđa là Gioakim, "khi lên ngôi vua mới 18 tuổi và trị vì ở Giêrusalem ba tháng", nhưng "vua làm điều mất lòng Chúa cũng như cha vua đã làm xưa", mà "khi binh sĩ của Nabucôđônôsôr, vua Babylon, tiến đến vây Giêrusalem. Nabucôđônôsôr, vua Babylon, thân chinh điều khiển binh sĩ đến tận nơi để tấn công thành", thì "Gioakim, vua Giuđa, đầu hàng vua Babylon, cùng với mẹ, binh sĩ, quan tước và các thái giám".
Để rồi hậu quả vô cùng tai hại là "Vua (Babylon) đã đem toàn thể Giêrusalem đi đày, gồm các sĩ quan, mười ngàn binh lính cường tráng, các thứ thợ thủ công, thợ rèn, không sót lại gì cả, ngoại trừ đám dân nghèo. Vua cũng dẫn về Babylon làm tù binh vua Gioakim và thái hậu, các hoàng hậu, các thái giám, những bậc vị vọng, bảy ngàn trai tráng, một ngàn thợ làm nghề thủ công, thợ rèn, tất cả những binh sĩ thiện chiến. Vua Babylon dẫn họ sang Babylon làm tù binh".
Biến cố bị đi đầy sang Babylon của dân thuộc Vương quốc Giuđa trong Bài Đọc 1 hôm nay, và biến cố bị đi đầy sang Ninivê của dân thuộc Vương quốc Israel trước đó, như trong Bài Đọc 1 hôm Thứ Hai tuần này cho biết, đối với dân chúng là một tai họa vô cùng khủng khiếp, còn hơn là bị ngoại bang đô hộ khi họ còn sống trong đất nước của họ. Thế nhưng, họ không thể nào kêu trách Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ được, bởi Ngài đã từng sai các vị ngôn sứ của Ngài đến với họ để cảnh tỉnh họ và cảnh báo cho họ nhưng họ vẫn không chịu lắng nghe và đáp ứng, họ ưa nặng hơn ưa nhẹ, cho tới khi họ không ngờ phải hứng chịu một hậu quả mà họ đã được báo trước nhưng vẫn bất chấp, và cho tới bấy giờ họ mới chịu thống hối ăn năn, cho dù không còn kịp nữa, nhưng vẫn chưa muộn màng đối với LTXC và quyền toàn năng cứu độ của Vị Thiên Chúa là Chúa của họ.
Bài Đáp Ca hôm nay lá tất cả tâm tình than van khóc lóc cùng thống hối ăn năn của họ:
1) Ôi Thiên Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài, họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang.
2) Họ đổ máu chư vị đó dường như nước lã quanh Giêrusalem mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con bị bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung?
3) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!
4) Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.
Thứ Sáu sau Chúa Nhật II sau Lễ Hiện Xuống
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Năm C
Bài Ðọc I: Ed 34, 11-16
"Ta sẽ săn sóc đoàn chiên Ta và sẽ kiểm soát chúng".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, sẽ tụ họp chúng từ khắp mặt đất, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Ðáp.
2) (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 5, 5-11
"Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người Ðối với chúng ta ".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: GA 10,14
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 15, 3-7
"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải".
Ðó là lời Chúa.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là tiêu biểu cho cả Tình yêu của Thiên Chúa lẫn tình yêu của nhân loại
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bài Phúc Âm cho Phụng Vụ Chu Kỳ Năm B được lấy từ Phúc Âm Thánh Gioan (19:31-37), chứ không phải Thánh Marco, trong khi bài Phúc Âm Năm A vẫn Thánh Mathêu và Năm C vẫn Thánh Luca, vì Năm A và C có hai bài Phúc Âm thích hợp về Thánh Tâm Chúa Giêsu, một bài của Phúc Âm của Thánh Mathêu (11:25-30) về một Thánh Tâm "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Năm A) và một bài Phúc Âm của Thánh Luca (15:3-7) về Thánh Tâm yêu thương "con chiên lạc".
Còn bài Phúc Âm của Thánh Gioan cho Năm B là bài phúc âm về biến cố Chúa Giêsu tử giá bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn khiến máu cùng nước chảy ra: "Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra".
Sự kiện cho dù đã chết mà thân xác tử giá của Chúa Kitô vẫn bị lưỡi đòng đâm vào như thế chứng tỏ là "Người đã yêu thương những ai thuộc về Người thì Người muốn chứng tỏ rằng Người yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1), đến giọt máu cuối cùng, đến giọt nước cuối cùng, cả hai "máu" và "nước" đều biểu hiệu cho sự sống nơi thân thể của Người, đã hoàn toàn tiết ra hết không còn gì trong thân thể của Người nữa.
Sự kiện "máu và nước chảy ra" ở đây cũng tiêu biểu cho việc Giáo Hội được hạ sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô như nguyên tổ Evà từ cạnh sườn của Adong trong vườn địa đường vậy, một sự kiện có thể đã được cảm nghiệm bởi Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Thư Epheso: "... Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh hảo, thanh tẩy Giáo Hội trong nước bằng quyền năng lời của Người, để hiện lên trước nhan Người một Giáo Hội hiển vinh, thánh hảo và tinh tuyền, không nhăn nheo hay bất cứ sự gì như thế" (5:25-27).
Sự kiện "máu và nước chảy ra" đây còn tiêu biểu cho chính cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, "máu" (tiểu biểu cho cuộc tử nạn) chảy ra trước "nước" (tiêu biểu cho sự sống hay Thánh Linh) chảy ra sau. Nhưng cả hai đều tiêu biểu cho tình Ngài yêu thương Giáo Hội: "máu Thày sẽ đổ ra vì các con" (Luca 22:20), "các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22).
Thánh Tâm Chúa Giêsu quả thực là biểu hiệu cho tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với chung nhân loại và riêng Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, và chính bản thân của Người nói chung và Thánh Tâm của Người nói riêng là hiện thân của tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu tuyệt vời đã được mạc khải trong suốt Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, như được Tiên Tri Hosêa (11:1b,3-4,8c-9) thuật lại tất cả tâm can của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này hết sức cảm động như sau:
"Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.... Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn... Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".
Ở trong Thư Epheso (3:8-12,14-19), vị tông đồ Phaolô, một "kẻ hèn nhất trong các thánh" đã bày tỏ niềm nguyện cầu của mình cho Kitô hữu Thành Êphêsô được nhờ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô mà trở nên "con người thiêng liêng" đầy những kiến thức thần linh về mọi chiều kích của tình yêu Chúa Kitô:
"Tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa".
Tuy nhiên, vì Chúa Giêsu là một Ngôi Vị Thần Linh có hai bản tính: Thiên tính và nhân tính, là Thiên Chúa thật và là người thật, mà Trái Tim Người chẳng những là biểu hiệu cho tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa ở nơi Người mà còn là biểu hiệu của tình yêu của con người đối với Thiên Chúa nữa. Tức là con người đáp trả tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa bằng chính Trái Tim của Chúa Kitô, và chỉ có nhờ Trái Tim Chúa Kitô, với Trái Tim Chúa Kitô và trong Trái Tim Chúa Kitô con người mới xứng đáng và có khả năng đáp trả "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) mà thôi.
Bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu (11:25-30) cho Năm A bao gồm 2 chiều kích hay hai mặt của cùng một đồng tiền nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trước hết là chiều kích thiên tính liên quan đến Chúa Cha, đến Vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24), vị Thiên Chúa đã tỏ mình hết mình ra nơi Con của Ngài là chính Nhân Vật Lịch Sử Nazarét Thiên Sai, Đấng đã đến để "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9).
"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho".
Sau nữa là chiều kích nhân tính liên quan đến con người trần gian, mà chính Người là mô phạm và là lý tưởng, chính Người, nơi thân phận làm người của mình, cũng chẳng những đã cảm thấy "khó nhọc và gánh nặng" của con người, mà còn chịu "khó nhọc và gánh nặng" với con người và thay con người, như hình ảnh người Samaritanô Nhân Lành đối với nạn nhân đang quằn quại nguy tử dọc đường (xem Luca 10:25-37). Đó là lý do Người mới thông cảm và kêu gọi loài người nói chúng và những ai cần đến Người nói riêng như sau:
"Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin hoán cải con trở nên như những trẻ nhỏ của Lòng Thương Xót Chúa, để con biết nhìn hết mọi anh chị em con bằng ánh mắt của tình yêu vô cùng nhân hậu Chúa như Mẹ Maria, cho tất cả được hiệp nhất nên một trong Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Thứ Sáu
(theo Ngày trong Tuần XII Thường Niên, nếu không bị Lễ Trọng Thánh Tâm Chúa át đi)
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 25, 1-12
"Cả dân Giuđa bị di chuyển khỏi lãnh thổ mình".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Ngày mồng mười tháng mười năm thứ chín triều đại Sêđêcia đã xảy ra như thế này: Nabucôđônôsor vua Babylon kéo cả đạo quân tấn công Giêrusalem, dựng trại quanh thành và đào hầm quanh tường thành. Thành bị bao vây cho tới năm thứ mười một đời vua Sêđêcia. Ngày mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, dân chúng không còn bánh ăn. Tường thành bị chọc thủng một khoảng, thừa đêm tối tất cả các chiến sĩ chạy trốn qua lối cửa giữa hai tường, gần vườn vua. Khi ấy, quân Calđê vẫn bao vây thành. Vậy vua Sêđêcia chạy trốn qua con đường đi Araba. Nhưng quân Calđê đuổi theo kịp vua tại cánh đồng Giêricô: tất cả các chiến sĩ hộ tống vua đều bỏ vua mà chạy tứ tán.
Sêđêcia bị bắt và điệu về cho vua Babylon đang ngự tại Rebla: vua này tuyên án xử ngài; rồi truyền giết các con của Sêđêcia ngay trước mặt ngài, truyền khoét mắt vua và xiềng vua dẫn về Babylon.
Ngày mồng bảy tháng năm, chính là năm thứ mười chín triều đại vua Babylon, Nabuzarđan tướng quân, cận thần vua Baby-lon, đến Giêrusalem: đốt đền thờ Chúa, đền vua, và tất cả các nhà ở Giêrusalem. Tất cả các nhà đồ sộ, ông nổi lửa đốt hết. Quân binh Calđê đang ở với tướng quân, triệt hạ tường thành bao quanh Giêrusalem.
Nabuzarđan tướng quân bắt đi phần dân còn sót trong thành, cả những kẻ trốn theo vua Babylon và tất cả những người khác. Còn hạng cùng đinh chỉ để lại (làm) những kẻ trồng nho và những người làm ruộng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
Xướng: 1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. - Ðáp.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: "Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion". - Ðáp.
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. - Ðáp.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi, nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả. - Ðáp.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 8, 1-4
"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết".
Ðó là lời Chúa.
Giao ước sự sống
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên, Thánh ký Mathêu (8:1-4) đã cho biết ở ngay câu đầu của đoạn 8 là: "Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người". Tức là, sau Bài Giảng Trên Núi của Người, một bài giảng đã gây một tác dụng mãnh liệt nơi dân chúng như câu kết của đoạn 7 sau bài Giảng Trên Núi ở bài Phúc Âm hôm qua cho thấy: "Khi Chúa đã nói xong những lời trên, dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Người: vì Người dạy dỗ họ như Đấng có quyền, chứ không như luật sĩ và các biệt phái của họ".
Nhưng có một cái lạ là hình như trong đám đông dân chúng ấy có một người cùi, không biết nặng hay nhẹ, chắc là nhẹ thôi nên không ai chú ý lắm, bằng không anh ta đâu có thể lẻn vào đám đông như vậy được mà đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho một cách dễ dàng như thế: "Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: 'Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch'".
Còn một cái lạ hơn nữa, đó là, sau khi chữa cho người cùi được lành rồi, Chúa Giêsu chẳng những bảo anh ta đi trình diện các vị tư tế theo đúng luật định mà trước hết căn dặn anh ta phải giữ kín chuyện được chữa lành nữa: "Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: 'Ta muốn. Anh hãy lành bệnh'. Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: 'Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết'".
Nếu Chúa Giêsu đã chữa cho người cùi này lành mạnh ngay giữa đám đông dân chúng theo Người bấy giờ thì Người còn căn dặn "'Hãy ý tứ, đừng nói với ai" đây nghĩa là gì, trong khi đó bao nhiêu người bấy giờ đã biết chuyện anh ta được chữa lành và sẽ đồn ra khắp nơi, cho dù anh ta không nói. Hay là Chúa Giêsu đã gặp riêng người cùi này khi dân chúng đã tự động giải tán vào một lúc nào đó, vì Người cùng với các môn đệ đi vào một nơi hoang vắng nào đó, nơi ẩn náu của thành phần bị cùi hủi sống xa tránh dân chúng?
Thật ra, ngay trước Bài Giảng Trên Núi, theo Thánh ký Mathêu (4:23-25), Chúa Giêsu đã nổi tiếng tới tận Syria về các phép lạ Người chữa lành cho các thứ bệnh nạn tật nguyền rồi. Nhưng ngay sau Bài Giảng Trên Núi thì người cùi này là trường hợp cá nhân đầu tiên được kể đến bởi quyền năng chữa lành của Người.
Thái độ khiêm cung ("đến lạy Người") và hoàn toàn tin tưởng phó thác tùy ý Chúa muốn ("Lạy Ngài nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch") của nạn nhân phong cùi đã được Chúa Giêsu đáp ứng, bằng cách Người "giơ tay chạm đến anh ta và phán: 'Ta muốn. Anh hãy lành bệnh'".
Bệnh phong cùi là chứng bệnh làm hư hoại hình dạng của con người, một chứng bệnh tiêu biểu cho tác dụng của nguyên tội đã làm cho con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27) không còn nguyên vẹn hình hài tốt lành như thuở ban đầu nữa.
Thế nhưng, Thiên Chúa đã hứa cứu độ con người ngay sau khi nguyên tổ của họ sa ngã (xem Khởi Nguyên 3:15), để họ có thể lấy lại dung nhan hình hài thần linh của mình, bằng cách được trở nên giống Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Colose 3:15).
Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy một vương quốc Giuđa nói chung và Thành Thánh Giêrusalem nói riêng bị phong cùi đến độ hoàn toàn biến dạng và trở thành dị dạng gây ra bởi bàn tay của đế quốc dân ngoại Babylon. Chỉ vì sau đợt lưu đầy sang Babylon thứ nhất, vua Sêđêcia là chú của vua Gioakim, được Vua Babylon đặt lên thay người cháu bị bắt đầy sang Babylon, nhưng bất chấp biến cố người cháu làm vua trước mình có bị đi đầy sang Babylon và vương quốc của mình đang bị Babylon đô hộ, vẫn tiếp tục sống một cách gian ác. Để rồi cuối cùng phải hứng chịu một hậu quả còn ghê gớm hơn cháu của mình, liên quan đến bản thân vua, gia đình vua, dân của vua và thành trì của vua nữa, thật là tan hoang, chẳng còn hình thù gì nữa, chẳng khác gì như bị một chứng phong cùi rùng rợn:
"Vua Sêđêcia chạy trốn qua con đường đi Araba. Nhưng quân Calđê đuổi theo kịp vua tại cánh đồng Giêricô: tất cả các chiến sĩ hộ tống vua đều bỏ vua mà chạy tứ tán. Sêđêcia bị bắt và điệu về cho vua Babylon đang ngự tại Rebla: vua này tuyên án xử ngài; rồi truyền giết các con của Sêđêcia ngay trước mặt ngài, truyền khoét mắt vua và xiềng vua dẫn về Babylon. Ngày mồng bảy tháng năm, chính là năm thứ mười chín triều đại vua Babylon, Nabuzarđan tướng quân, cận thần vua Baby-lon, đến Giêrusalem: đốt đền thờ Chúa, đền vua, và tất cả các nhà ở Giêrusalem. Tất cả các nhà đồ sộ, ông nổi lửa đốt hết. Quân binh Calđê đang ở với tướng quân, triệt hạ tường thành bao quanh Giêrusalem. Nabuzarđan tướng quân bắt đi phần dân còn sót trong thành, cả những kẻ trốn theo vua Babylon và tất cả những người khác".
Và cũng chỉ khi nào thành phần dân ưu tuyển này phải hứng chịu gian nan khốn khổ đến tận cùng như thế, xứng với thái độ quá ư là mù quáng và cứng đầu cứng cổ ương ngạnh của họ, họ mới nhận biết tội lỗi mình mà kêu khóc xin Chúa đoán thương, như tâm tình ai oán than thân trách phận nơi lưu đầy tha hương ở đất khách quê người của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: "Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion".
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi, nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.
Thứ Bảy
Bài Ðọc I: (Năm II) Ac 2, 2. 10-14. 18-19
"Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Thiên Chúa".
Trích sách Ai Ca.
Chúa phá tan các báu vật nhà Giacóp chẳng nương tay: trong cơn thịnh nộ, Chúa phá huỷ thành luỹ thiếu nữ Giuđa. Người quật xuống đất và làm sỉ nhục cả vương quốc, cả quan chức cao sang.
Các kỳ lão của thiếu nữ Sion ngồi dưới đất thinh lặng, mình mang áo nhặm và rắc tro trên đầu. Còn các trinh nữ Giêrusalem gục đầu xuống đất. Mắt tôi hao mòn vì quá khóc than, lòng tôi bàng hoàng thổn thức, gan tôi đổ tràn trên đất, vì các tai hoạ của thiếu nữ dân tôi: các trẻ thơ, hài nhi măng sữa, xỉu la liệt giữa phố phường. Chúng xin mẹ: "Bánh mì rượu tốt ở đâu?" Chúng ngã xỉu ngoài đường phố như bị gươm đao. Chúng tắt thở ngay nơi lòng mẹ.
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, ta sánh ngươi cùng ai, ta ví ngươi như kẻ nào? Hỡi trinh nữ Sion, ta sánh ngươi cùng ai để an ủi? Vì nỗi khổ ngươi man mác tựa biển khơi, nào ai chữa nổi ngươi? Các tiên tri của ngươi nói bậy nói sai, chẳng vạch cho ngươi một vài gian ác, cùng chẳng giục ngươi khóc lóc ăn năn, mà chỉ tiên kiến những điều giả dối, khiến ngươi bị trục xuất và lưu đày.
Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Chúa. Hãy chan hoà suối lệ đêm ngày, đừng để mắt ngươi yên nghỉ. Hãy chỗi dậy, hãy ca ngợi mỗi đầu canh đêm, hãy giốc đổ lòng ra như nước trước Nhan Chúa, hãy giơ tay cầu khẩn Chúa cho lũ trẻ thơ, chúng ngã xỉu vì đói ở góc đường xó chợ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 73, 1-2. 3-5a. 5b-7. 20-21
Ðáp: Ðời sống con người cơ khổ, xin Chúa đừng nỡ quên hoài (c. 19b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, tại sao Chúa ruồng bỏ chúng con hoài? Tại sao Chúa nung nấu lửa hận với đoàn chiên Chúa? Xin nhớ lại cộng đồng Chúa thiết lập tự thuở xa xưa, xin nhớ bộ lạc Chúa đã chuộc để làm phần tư hữu, xin nhớ lại núi Sion, nơi Chúa đã đặt ngai toà! - Ðáp.
2) Xin Chúa dời gót tới nơi hoang tàn vĩnh viễn: tên thù đã tàn phá hết trong thánh điện của Ngài. Trong hội đường của Chúa, quân nghịch đã rống lên, chúng đã đặt cờ hiệu của chúng trên đài chiến thắng. - Ðáp.
3) Chúng giống như kẻ trong rừng rậm vung lưỡi rìu! Chúng cũng dùng rìu búa bổ vào cửa hội đường như thế, chúng đã châm lửa đốt thánh điện của Ngài, chúng chà đạp cung lâu danh Ngài tận đất! - Ðáp.
4) Xin Chúa nhìn lại lời minh ước, vì nơi hang hốc và đồng ruộng đầy dẫy bạo hành. Xin đừng để người khiêm cung trở về tủi hổ, xin cho người cơ hàn nghèo khổ được ngợi khen danh Chúa. - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 8, 5-17
"Những người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Ðoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: "Ông cứ về, ông được như ông đã tin". Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh.
Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài.
Ðến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta".
Ðó là lời Chúa.
Giao ước sự sống
(tiếp)
Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (8:5-17) cho Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên hôm nay tiếp tục bài phúc âm hôm qua, cả hai bài đều được vị thánh ký này ghi lại về 2 trường hợp chữa lành khác nhau, nhưng bài phúc âm hôm qua việc chữa lành của Người liên quan đến một người Do Thái, còn bài phúc âm hôm nay việc chữa lành của Người liên quan đến một người dân ngoại, đó là "một đại đội trưởng".
Thế nhưng, phải công nhận là viên đại đội trưởng Roma này có lòng bác ái yêu thương nên vừa nghe ông yêu cầu: "Lạy Thầy, thằng nhỏ giúp việc cho nhà tôi - my serving boy - đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!" nên đã được Chúa Giêsu đáp ứng liền: "Tôi sẽ đến chữa nó".
Đúng thế, viên đại đội trưởng Roma này đã tỏ ra chăm sóc cho cả thằng nhỏ đầy tớ giúp việc nhà cho ông, chứ không phải là con của ông. Nếu có máu đế quốc thì ông chẳng để ý đến nó làm gì, có thể đã bảo nó về nhà của nó để nghỉ ngơi cho đến khi nào khỏi bệnh thì trở lại.
Ngoài ra, có thể ông cũng biết nói cả tiếng Do Thái để sống với họ là thành phần sống dưới quyền đô hộ của đế quốc Rôma. Do đó, không thấy Thánh ký Mathêu nói có người thông dịch hay ông bảo ai nói thay ông. Thánh ký Luca, trong cùng câu chuyện, lại thuật rằng ông "sai một số vị trưởng lão Do Thái đến với Người" (7:3), chứ ông không đích thân đến như trong bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu hôm nay.
Ở Phúc Âm Thánh ký Luca, chúng ta còn thấy 1 chi tiết nữa cho thấy viên đại đội trưởng này sống bác ái yêu thương dân chúng bị đô hộ của mình nên được họ thương mến, đó là chi tiết được chính các vị trưởng lão do ông sai đến với Chúa Giêsu bày tỏ cho Người biết rằng: "Ông ta yêu thương dân chúng tôi, thậm chí xây dựng hội đường cho chúng tôi nữa" (Luca 3:5).
Tuy nhiên, không thể bác ái yêu thương nếu không có lòng khiêm nhượng. Viên đại đội trưởng này quả thực có cả một tấm lòng khiêm nhượng trong vai trò làm đại đội trưởng khá nhiều quyền lực trong vùng trách nhiệm của ông. Trước hết, theo Thánh ký Mathêu, chính ông có thể đã biết tiếng Do Thái (nhờ học hỏi giao tiếp) để sống hòa đồng với thành phần dân bị đế quốc ông đo hộ, chứ không cần nhờ người phụng dịch cho ông. Sau nữa, chính ông đích thân đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho thằng nhỏ đầy tớ Do Thái của ông, chứ không sai bảo ai dưới quyền ông. Sau hết, chính ông đích thân bày tỏ cái cảm giác bất xứng trong việc được diễm phúc đón rước vào nhà của ông một vị ông rất coi trọng, ngưỡng phục và đầy lòng tin tưởng là Chúa Giêsu:
"Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ đầy tớ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!"
Đó là lý do, không lạ gì, sau khi đối diện với viên đại đội trưởng này, nhất là sau khi nghe ông bày tỏ cả lòng bác ái lẫn khiên nhượng như vậy, Chúa Giêsu đã không ngớt lời khen tặng ông, như Thánh ký Mathêu đã ghi lại trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
Lòng bác ái yêu thương và khiêm nhượng của viên đại đội trương dân ngoại Rôma này phát xuất từ một đức tin hữu thần, dù sống trong một thế giới vô thần, một đức tin còn mãnh liệt hơn cả dân Do Thái của Người, một đức tin được bày tỏ với chính vị Thiên Chúa Làm Người, Đấng đã "nói với viên sĩ quan rằng: 'Ông cứ về, ông được như ông đã tin'. Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh".
Việc Chúa Giêsu chữa lành cho thằng nhỏ đầy tớ của viên đại đội trưởng dân ngoại Rôma cho thấy rằng Người đến không phải chỉ cứu dân Do Thái mà là để cứu chuộc cả loài người nói chung và những ai tin vào Người nói riêng. Bởi vì, Người tuy mang giòng máu Do Thái nhưng lại mặc lấy bản tính chung của loài người, một bản tính đã bị hư hoại bởi nguyên tội, và vì thế, đúng như câu cuối của bài Phúc Âm hôm nay trích lại lời tiên tri Isaia: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta".
"Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Lời Chúa Giêsu phán trong bài Phúc Âm hôm nay quả thực đã ứng nghiệm nơi thân phận lưu đầy của dân Do Thái là thành phần "con cái trong nước", vì họ không tin vào Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình hơn dân ngoại, trái lại, còn liên lỉ bất trung phản bội Ngài, cho đến khi họ "phải khóc lóc nghiến răng" như những gì được Sách Ai Ca diễn tả ở Bài Đọc 1 hôm nay:
"Chúa phá tan các báu vật nhà Giacóp chẳng nương tay: trong cơn thịnh nộ, Chúa phá huỷ thành luỹ thiếu nữ Giuđa. Người quật xuống đất và làm sỉ nhục cả vương quốc, cả quan chức cao sang.... các trẻ thơ, hài nhi măng sữa, xỉu la liệt giữa phố phường. ... Chúng ngã xỉu ngoài đường phố như bị gươm đao. Chúng tắt thở ngay nơi lòng mẹ...."
Cũng trong lúc "khóc lóc" như thế, họ đồng thời cũng "nghiến răng" khi nghĩ đến các tay tiên tri giả mà họ đã nghe theo, phủ nhận và bách hại tiên tri thật do Thiên Chúa sai đến cảnh báo và kêu gọi họ, bởi không hợp với xu hướng buông tuồng phản bội của họ, và vì hùa theo những tên tiên trỉ giá ấy đã khiến họ phải lâm vào cảnh khốn cùng ấy: "Các tiên tri của ngươi nói bậy nói sai, chẳng vạch cho ngươi một vài gian ác, cùng chẳng giục ngươi khóc lóc ăn năn, mà chỉ tiên kiến những điều giả dối, khiến ngươi bị trục xuất và lưu đày".
Thế nhưng, trong cảnh khốn cùng ấy họ mới có thể thức tỉnh mà nhận ra chân lý và tha thiết cầu xin cho được cứu độ: "Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Chúa. Hãy chan hoà suối lệ đêm ngày, đừng để mắt ngươi yên nghỉ. Hãy chỗi dậy, hãy ca ngợi mỗi đầu canh đêm, hãy giốc đổ lòng ra như nước trước Nhan Chúa, hãy giơ tay cầu khẩn Chúa cho lũ trẻ thơ, chúng ngã xỉu vì đói ở góc đường xó chợ".
Họ đặt vấn đề với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, chứ không dám trách móc Ngài, xin Ngài nhớ lại giao ước của Ngài mà thương cứu họ cho khỏi tay quân thù là thành phần chẳng những hành khổ họ mà còn phạm đến cả Thiên Chúa của họ ở những nơi thánh điện của Ngài, như tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay cho thấy:
1) Lạy Chúa, tại sao Chúa ruồng bỏ chúng con hoài? Tại sao Chúa nung nấu lửa hận với đoàn chiên Chúa? Xin nhớ lại cộng đồng Chúa thiết lập tự thuở xa xưa, xin nhớ bộ lạc Chúa đã chuộc để làm phần tư hữu, xin nhớ lại núi Sion, nơi Chúa đã đặt ngai toà!
2) Xin Chúa dời gót tới nơi hoang tàn vĩnh viễn: tên thù đã tàn phá hết trong thánh điện của Ngài. Trong hội đường của Chúa, quân nghịch đã rống lên, chúng đã đặt cờ hiệu của chúng trên đài chiến thắng.
3) Chúng giống như kẻ trong rừng rậm vung lưỡi rìu! Chúng cũng dùng rìu búa bổ vào cửa hội đường như thế, chúng đã châm lửa đốt thánh điện của Ngài, chúng chà đạp cung lâu danh Ngài tận đất!
4) Xin Chúa nhìn lại lời minh ước, vì nơi hang hốc và đồng ruộng đầy dẫy bạo hành. Xin đừng để người khiêm cung trở về tủi hổ, xin cho người cơ hàn nghèo khổ được ngợi khen danh Chúa.
LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẸ MARIA
(VÌ LÀ LỄ NHỚ KHÔNG BUỘC LÀM LỄ MÀ CHỈ BUỘC PHỤNG VỤ GIỜ KINH, NHƯNG CÓ THỂ ĐỌC CÁC BÀI SUY NIỆM VỀ TRÁI TIM MẸ SAU ĐÂY:)
Maria Giữ Tất Cả những Sự Ấy Trong Lòng Mình
(Thánh Lawrence Justinian, Giám Mục: sermo 8, in
festo purifications B.M.V.: Opera, 2, Venetiis 1751: 38-39)
Trong khi Maria chiêm ngưỡng tất cả những gì Người đã nhận
ra qua việc đọc sách, lắng nghe và quan sát, thì Người đều lớn lên trong đức
tin, tăng tiến nơi công nghiệp, càng được khôn ngoan soi sáng và càng được nung
nấu bởi lửa đức ái. Những mầu nhiệm trên trời được mở ra cho Người thấy, làm cho
Người được tràn đầy niềm vui; Người đã trở nên phong phú bởi Thần Linh, được dẫn
hướng về Thiên Chúa, cũng như được coi sóc một cách an toàn trên trần gian này.
Những ân huệ thần linh nổi vượt đến nỗi đã nâng một con người từ vực tối thẳm
sâu lên tới tuyệt đỉnh cao ngất, và đã biến đổi con người này được nên thánh
thiện cao cả hơn nữa. Thật là phúc đức biết bao tâm trí của Đức Trinh Nữ, một
tâm trí, nhờ Thần Linh ngự trị và hướng dẫn, đã luôn luôn và hết sức hướng về
quyền năng của Lời Thiên Chúa. Người không được hướng dẫn bởi cảm quan của
Người, hay bởi ý riêng của Người; nhờ thế, Người đã thực hiện bề ngoài, nơi thân
xác của mình, những gì đức khôn ngoan nội tâm chỉ dẫn cho đức tin của Người.
Thật là xứng hợp khi Đức Khôn Ngoan thần linh, một đức khôn ngoan lập cư nơi
Giáo Hội, dùng Đức Maria rất thánh để nhúng tay vào việc canh chừng lề luật,
thanh tẩy tâm trí, nêu gương khiêm nhượng và tỏ ra cho thấy một sự hy sinh
thiêng liêng.
Hãy bắt chước Người, Ôi linh hồn trung tín. Hãy vào sâu trong những tầng sâu
thẳm của trái tim Người, để anh chị em được thanh tẩy thiêng liêng cũng như được
sạch khỏi tội lỗi của mình. Thiên Chúa đặt nặng vấn đề thiện chí nơi tất cả
những gì chúng ta làm, hơn là nơi chính những việc làm của chúng ta. Bởi thế, dù
chúng ta có hiến thân cho Thiên Chúa nơi việc chiêm niệm hay trong việc chúng ta
phục vụ nhu cầu của tha nhân bằng những việc lành phúc đức, chúng ta cũng thực
hiện những việc ấy vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta. Của hiến dâng đáng
chấp nhận của việc thanh tẩy linh thiêng được thực hiện không phải ở nơi một thứ
đền thờ do bàn tay nhân loại làm nên, mà là nơi những tầng sâu thẳm của tâm hồn,
nơi Chúa Giêsu tự do tiến vào.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The
Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 1427-1428)
Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ với Biến Cố Fatima
Vẫn biết Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được Giáo Hội
chính thức thiết lập đầu tiên ở Balan từ năm 1765, và sau đó cho toàn thể Giáo
Hội vào năm 1856, tuy nhiên, Thánh Lễ này lại được gợi ý từ mạc khải tư vào hạ
bán thế kỷ 17. Thật vậy, Thánh Nữ Magarita Alacoc, nữ tu Dòng Thăm Viếng người
Pháp đã được nhiều lần thị kiến thấy trái tim Chúa Giêsu trong khoảng thời gian
từ năm 1673 đến 1675, Đấng đã kêu gọi rước lễ các Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, Làm
Giờ Thánh vào các Ngày Thứ Năm và việc cử hành Lễ Thánh Tâm hằng năm. Tuy nhiên,
không phải chỉ vì mạc khải tư mà Giáo Hội thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa, mà chính
vì Thánh Tâm Chúa cũng như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa có một nền tảng mạc khải
trong Thánh Kinh. Trước hết, Thánh Tâm Chúa bắt nguồn từ mạc khải Thánh Kinh ở
chỗ, nếu trái tim là biểu hiệu cho yêu thương, thì tình yêu Thiên Chúa được bộc
lộ hết cỡ nơi việc Chúa Kitô tự hiến mạng sống mình làm giá chuộc chung nhân
loại và thánh hóa riêng Giáo Hội trên thập giá của Người, bởi thế, mạc khải tình
yêu vô cùng tuyệt hảo xót thương của Thiên Chúa đã được tỏ ra cho loài người
thấy, khi máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn mở ra theo lưỡi đòng đâm vào thi
thể của Chúa Giêsu tử giá (xem Jn 19:34). Thứ đến, lòng tôn sùng Thánh Tâm cũng
được bắt nguồn từ Thánh Kinh nữa, ở chỗ Thánh Gioan Tông Đồ, người môn đệ được
Chúa Giêsu yêu, dựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly để có thể nghe
được những gì sâu kín nơi Người liên quan đến người môn đệ bội phản Thày (xem Jn
13:23). Giáo Hội đã tiếp tục lòng tôn sùng Thánh Tâm này, điển hình nhất là việc
Đức Thánh Cha Lêô XIII đã hiến dâng toàn thể loài người cho Thánh Tâm Chúa Giêsu
lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội năm 1899.
Sở dĩ Giáo Hội sắp xếp Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngay sau Lễ
Thánh Tâm Chúa là vì vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của Mẹ. Đó là lý do chúng ta
thấy Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại sự kiện “đừng kề bên thập giá Chúa Giêsu có
mẹ Người” (19:25). Như Thánh Tâm Chúa và lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa được bắt
nguồn từ Mạc Khải Thần Linh thế nào, thì Trái Tim Mẹ và lòng sùng kính Trái Tim
Mẹ cũng có nền tảng trong Thánh Kinh Tân Ước như vậy. Trước hết, nếu trái tim
liên quan đến Chúa Giêsu là biểu hiệu cho tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại
thế nào, thì trái tim liên quan đến Mẹ Maria cũng biểu hiệu cho lòng tin của Mẹ
đối với Thiên Chúa như vậy, một lòng tin có tác dụng cứu giúp loài ngưòi. Đúng
thế, Thánh Luca đã hai lần nhắc đến trái tim Mẹ Maria liên quan đến lòng tin của
Mẹ, một ở biến cố mục đồng đến viếng thăm hài nhi Giêsu trong máng cỏ, và một ở
biến cố Mẹ tìm được thiếu nhi Giêsu Con Mẹ trong đền thờ như sau: “Maria giữ tất
cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng” (2:19, 51). Và lòng tin của Mẹ đối với
Thiên Chúa đã có tác dụng cứu giúp loài người, như Thánh Gioan thuật lại biến cố
nước lã hóa thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana, qua lời Mẹ hết sức tin tưởng cầu
thay nguyện giúp (2:3, 5). Về lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ, hay việc noi gương bắt
chước lòng tin của Mẹ cũng thế, chúng ta thấy gương của nhóm phục dịch trong
tiệc cưới Cana, dù không biết Mẹ là ai, song đã tỏ lòng tin tưởng nơi Mẹ, ở chỗ,
tin tưởng vào Chúa, bằng cách ngoan ngoãn nghe lời Mẹ nhắn nhủ để làm theo ý
Chúa (2:7). Có thể nói, Chúa Kitô đã tỏ mình ra cho các môn đệ, chẳng những do
lòng Mẹ tin tưởng cầu thay nguyện giúp mà còn do cả lòng tin tưởng tôn sùng của
nhóm người này đối với Mẹ của Người nữa.
Đó là về nguồn gốc Trái Tim Mẹ và lòng sùng kính Trái Tim Mẹ theo Thánh Kinh.
Còn về Lễ Trái Tim Mẹ, trước Công Đồng Chung Vaticanô II, lễ này được Giáo Hội
kính vào ngày 22/8 hằng năm, nhưng sau Công Đồng, lễ này được chuyển vào ngay
sau Lễ Thánh Tâm. Theo lịch sử phụng vụ, Lễ Trái Tim Mẹ được Thánh Gioan Êuđê từ
năm 1646 đã vận động Giáo Hội để thiết lập. Tuy nhiên, sau khi hiến dâng cả loài
người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria lần đầu tiên vào ngày
31/10/1942, tức sau 25 năm Mẹ hiện ra ở Fatima, để kỷ niệm biến cố này, Đức
Thánh Cha Piô XII mới thiết lập Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria
ngày 4/5/1944. Như thế, tuy Trái Tim Mẹ Maria cũng có nền tảng trong Thánh Kinh
như trên vừa đề cập đến, Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, như Lễ
Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng được gợi ý từ mạc khải tư, mạc khải Mẹ hiện ra ở
Fatima năm 1917.
Thật vậy, Đức Mẹ đã tỏ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ra cho 3 Thiếu Nhi Fatima
thấy lần đầu tiên trong lịch sử loài người vào ngày 13/6/1917, một Trái Tim bị
quấn quanh bằng một vòng gai. Thế rồi, vào ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã tiết lộ Bí
Mật Fatima phần thứ hai cho các em biết rằng: “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng
tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, và “Mẹ sẽ đến để xin
hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Đức Mẹ đã thực sự trở
lại với chị Lucia ngày 13/6/1929, với lời lẽ như sau: “Đã đến lúc Thiên Chúa
muốn Đức Thánh Cha hợp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng
Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách
này”. Chính vì việc hiến dâng Nước Nga liên quan đến Đức Thánh Cha và vận mệnh
thế giới, do đó, ngày 24/10/1940, chị Lucia đã phải viết một bức thư đệ trình
lên Đức Thánh Cha Piô XII về ý muốn và cách thức Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha
hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thế rồi, như lịch sử cho
chúng ta thấy, ý định và cách thức Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái
Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trên thế giới vào thế kỷ 20, bằng việc Giáo Hội
hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, đã hoàn toàn được thực
hiện, đúng như lời Mẹ tiên báo ở đoạn kết phần thứ hai của Bí Mật Fatima, đó là
“Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Nước
Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ có một thời gian hòa bình”.
Ngày 18/5/1939, chị Lucia đã viết cho Cha Ganzalvez thế này: “Cách đây không bao
lâu, con có hỏi Chúa Giêsu là tại sao Người không làm cho Nước Nga trở lại mà
không cần Đức Thánh Cha phải hiến dâng như thế?”, rồi chị tiết lộ, Chúa đã thầm
cho chị biết là “Vì Cha muốn toàn thể Giáo Hội nhận biết rằng việc hiến dâng này
là một cuộc vinh thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, nhờ đó, Giáo
Hội đặt việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bên cạnh lòng tôn
sùng Thánh Tâm của Cha”. Như thế, việc Giáo Hội cử hành Lễ Trọng Kính Thánh Tâm
Chúa và Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào hai ngày liền nhau,
Thứ Sáu và Thứ Bảy tới đây, rất hợp với cả Mạc Khải Thần Linh và mạc khải thời
đại vậy.
Tóm lại, kể từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II, theo chiều hướng canh tân phụng vụ, Giáo Hội đã đặt hai lễ Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sát nhau, trong tuần sau Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một lễ được Chị Lucia đệ trình với Đức Thánh Cha Piô XII trong thư đề ngày 24/10/1940 xin ngài cho cả Giáo Hội hoàn vũ mừng kính và đã được chấp nhận và được kính vào ngày nhất định trong năm là 22/8. Đúng thế, sắc lệnh của thánh bộ Lễ Nghi ban hành ngày 4/5/1944 cho biết như sau: “để ghi nhớ cuộc hiến dâng này, (ở đây sắc lệnh muốn nói tới cuộc hiến dâng Giáo Hội hoàn vũ và cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ được Đức Thánh Cha Piô XII đã thực hiện ngày 31/10/1942 theo cùng thư đệ trình của Chị Lucia), Ngài đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Lễ này sẽ được cử hành mỗi năm vào ngày 22 tháng 8, thay ngày bát nhật lễ Đức Mẹ Mông Triệu, với bậc lễ hạng nhì...”.
Vấn đề được đặt ra ở đây không phải là tại sao Giáo Hội mừng hai Lễ Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngay sát nhau, vì tín hữu Công Giáo chúng ta quá hiểu là hai Trái Tim này không thể nào tách biệt nhau, mà là ở chỗ hai Trái Tim Chúa Mẹ này liên hệ mật thiết với nhau như thế nào hay ở chỗ nào. Mối liên hệ sâu xa bất khả phân ly giữa hai Trái Tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria là ở chỗ, nếu Thánh Tâm Chúa Giêsu là biệu hiện cho Mạc Khải Thần Linh, mạc khải về Tình Yêu Thương vô cùng nhân hậu của Cha trên trời đối với loài người tạo vật tội nhân vô cùng khốn nạn đáng thương, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là biểu hiện cho Đức Tin Tuân Phục của nhân loại trước Mạc Khải Thần Linh ấy, một đức tin tuân phục được thể hiện trong việc mau mắn đáp ứng một cách trọn vẹn và trọn hảo Tình Yêu của Thiên Chúa. Đó là lý do tinh thần tuân phục của Mẹ trong biến cố Truyền Tin khi Mẹ thưa Fiat và ca vịnh Magnificat Mẹ Ngợi Khen Long Thương Xót Chúa trong biến cố viếng thăm bao giờ cũng đi với nhau. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trần thế bằng tinh thần tôi tớ Xin Vâng và tâm tình Ngợi Khen cảm tạ Chúa của Mẹ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)
Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là tất cả Bí Mật Fatima
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Cho đến nay vẫn còn có một số người tuyên truyền rằng Tòa Thánh còn giấu diếm và chưa tiết lộ tất cả Bí Mật Fatima, dù Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, theo ý Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã công bố Bí Mật Fatima phần thứ ba này vào ngày 26/6 trong Đại Năm Thánh 2000, và dù chính chị Lucia đã công nhận, với vị đại diện Đức Thánh Cha đến gặp riêng chị, những gì chị viết về phần bí mật còn lại được Tòa Thánh giữ mật đều xác thực do chính chị viết. Họ đã phổ biến những tài liệu về Bí Mật Fatima phần thứ ba hoàn toàn ngụy tạo, khác hẳn với những gì được Tòa Thánh phổ biến và được chị Lucia công nhận là chị đã viết ra. Sở dĩ những người này vẫn không chịu công nhận phần Bí Mật Fatima Thứ Ba chính thức ấy là vì những gì được tiết lộ trong đó không được đúng như ý muốn của họ.
Việc họ phổ biến phần Bí Mật Fatima Thứ Ba theo như ý của họ nghĩ và cho đó là của Mẹ Maria tiết lộ là việc họ trực tiếp chẳng những cho rằng Tòa Thánh Vatican không phải chỉ giấu diếm mà còn phổ biến sai lạc những gì Đức Mẹ muốn tỏ cho loài người biết, và cũng cho rằng chị Lucia cũng gian trá, không trung thực, chỉ có họ mới là thành phần chính thức được thụ khải trực tiếp bởi Mẹ Maria năm 1917. Ai muốn tìm hiểu tất cả nội dung chân thực về Bí Mật Fatima, xin vào mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html.
Căn cứ vào nội dung Bí Mật Fatima phần thứ ba được Tòa Thánh chính thức phổ biến và được Chị Lucia công nhận thì những thứ bí mật Fatima thứ ba nào nói tới thế chiến thứ ba hay tới những tai họa trong ngày tận thế, như người viết đã từng được đọc và cố gắng ngăn chặn bao nhiêu có thể, đều là ngụy tạo, đều là lừa đảo, gây hoang mang hoảng sợ hơn là kêu gọi thống hối và dấn thân sống thánh chứng nhân, cần phải được bỏ đi ngay và đừng tiếp tay tuyên truyền thêm. Thật ra, nếu nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima 1917, người ta có thể khẳng định rằng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là tất cả Bí Mật Fatima và là cốt lõi của Bí Mật Fatima.
Cách đây đúng 91 năm, cũng vào tháng 6, vào ngày 13 năm 1917, tức vào lần thứ hai trong 6 lần hiện ra ở Fatima vào cùng ngày trong tháng (trừ Tháng 8), Mẹ Maria đã tỏ cho loài người thấy lần đầu tiên, qua 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một trái tim bị quấn chung quanh bởi một vòng gai, (khác với Trái Tim Mẹ Sầu Bi với lưỡi gươm đâm thâu qua), và sau đó Mẹ đã nói với chung 3 em nhất là với riêng em lớn nhất là Lucia vì em này chịu khổ bởi Biến Cố Fatima nhất trong 3 em rằng: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa”. Hình ảnh vòng gai quấn chung quanh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ này, vào ngày 10/12/1925, trong một thị kiến, Mẹ đã tỏ cho Lucia bấy giờ đã là nữ tu của Dòng Đôrôthêu ở Pontevedra bên Tây Ban Nha rằng những gai ấy là biểu hiệu cho những tội vô ơn và lộng ngôn của thành phần vô ơn bội nghĩa hằng liên lỉ đâm vào, cần phải được rút ra bằng việc đền tạ vào các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng.
Cũng chính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội này, vào lần hiện ra có thể nói là quan trọng nhất trong 6 lần, đó là lần hiện ra thứ ba ngày 13/7/1917, Mẹ Maria đã tiết lộ cho 3 em Thiếu Nhi Fatima toàn bộ 3 phần Bí Mật Fatima, hai phần đầu đã được chị Lucia viết lại trong tập Hồi Niệm của chị và được phổ biến từ thập niên 1930. Còn phần bí mật thứ ba mãi cho tới ngày 26/6/2000 mới được công bố bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã bị ám sát chết hụt vào ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917, và là vị Giáo Hoàng vào ngày 25/3/1984 đã hoàn tất lời Mẹ Maria kêu gọi qua chị Lucia ngày 13/6/1929 trong việc hiệp cùng với toàn thể các vị giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, vì ngài cảm thấy rằng mình chính là vị giám mục mặc áo trắng bị bắn trong thị kiến của phần Bí Mật Fatima thứ ba. Trong tác phẩm “Hồi Niệm Và Căn Tính” cuối đời của mình, ở phần phụ trương, ngài cũng cho biết là người anh em Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ Ali Agca vẫn thắc mắc về Bí Mật Fatima phần thứ ba này và không hiểu tại sao ngài lại có thể thoát chết trong bàn tay chuyên nghiệp của anh ta ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Bí Mật Fatima quả thực là một bí mật chẳng những với con người ám sát ngài mà còn bí mật đối với cả những ai đang tuyên tuyền những gì giả tạo đối với sự thật về Bí Mật Fatima ấy nữa.
Đúng thế, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là tất cả Bí Mật Fatima và là cốt lõi của Bí Mật Fatima được tỏ hiện ngay ở câu chuyển tiếp giữa phần thứ nhất và phần thứ hai của bí mật này, đó là câu: “Các con vừa thấy hỏa ngục, nơi có nhiều linh hồn phải sa vào. Để cứu họ (tức để cứu các linh hồn cho “khỏi sa hỏa ngục”) Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những gì Mẹ nói với các con ấy được thực hiện (tức Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ được loài người nhận biết và yêu mến), thì nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình…” Có thể nói, tất cả Dự Án Fatima là ở chỗ này, là ở chỗ đã đến thời điểm Thiên Chúa muốn cứu độ các linh hồn (về lãnh vực thiêng liêng và cá nhân), và ban hòa bình cho thế giới (liên quan tới lãnh vực trần thế và chung cộng đồng nhân loại), qua Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, hay nói ngược lại, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria chính là phương tiện cứu độ Thiên Chúa muốn dùng như chiếc tầu sống sót trong trận Đại Hồng Thủy thời Noe vậy. Chính vì “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trên thế giới”, chứ không phải chỉ trong Giáo Hội hay ở Bồ Đào Nha mà Ngài đã muốn Giáo Hội Hoàn Vũ, qua toàn thể hàng giáo phẩm, kể từ Đức Thánh Cha trở xuống, phải hiệp nhau để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, và Ngài đã thực sự làm cho Nước Nga trở lại qua việc họ từ bỏ chủ nghĩa và chế độ cộng sản vào chính gày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991.
Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu phần thứ nhất và phần thứ hai của Bí Mật Fatima được liên kết với nhau bằng Dự Án Fatima, bằng ý “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới” cho “nhiều linh hồn được cứu độ và thế giới sẽ có hòa bình”, thì Dự Án Fatima này, hay Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ấy, có liên quan gì tới Bí Mật Fatima phần thứ ba hay chăng? Nếu có thì liên quan như thế nào?
Có thể nói, kết cấu của toàn bộ Bí Mật Fatima như sau: phần thứ nhất liên quan tới phần rỗi của các linh hồn (với thị kiến hỏa ngục), phần thứ hai liên quan tới hòa bình thế giới (với những chi tiết về hai Thế Chiến I và II nói chung và Nước Nga nói riêng), và phần thứ ba liên quan tới thân phận của Giáo Hội Công Giáo (với thị kiến tử đạo của đủ mọi thành phần Kitô hữu, từ Giáo Hoàng trở xuống). Nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là tất cả Dự Án Fatima, là những gì liên kết giữa phần nhất và phần hai của Bí Mật Fatima, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cũng bao gồm cả phần thứ ba của bí mật này và càng tỏ hiện hơn nữa ở phần bí mật này. Ở chỗ, nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, tiêu biểu cho đức tin tuân phục hết sức đẹp lòng Chúa và có tác dụng Đồng Công Cứu Chuộc của Mẹ, Mẹ đã ra tay can thiệp một cách hiệu nghiệm dự tính trừng phạt thế giới tội lỗi của Thiên Chúa. Thay vào đó, để đền bù tội lỗi của một thế giới tội lỗi đến độ và đến lúc không thể không trừng phạt như thế, Mẹ đã phải đào luyện một Đạo Binh Dàn Trận (xem Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria số 50.7 và 54) theo gương đức tin tuân phục của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một đạo binh, như thị kiến ở phần thứ ba Bí Mật Fatima cho thấy, đã leo tới đỉnh của một ngọn núi dốc đứng (tiêu biểu đức tin mãnh liệt bất khuất của họ) và họ đã đến dưới chân thập tự giá (như Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu Con Mẹ trên Đồi Canve xưa). Chính máu của các vị bị ám sát chết ngay dưới chân Thập Tự Giá ấy đã được hai thiên thần vẩy lên thành phần tiến đến cùng Thiên Chúa, như thị kiến của Bí Mật Fatima phần thứ ba kết thúc.
Như thế, Bí Mật Fatima đã được mở màn (phần 1) và diễn tiến (phần 2) với đầy những bi quan là hỏa ngục (phần 1) và chiến tranh (phần 2), nhưng được kết thúc (phần 3) đầy lạc quan với máu đức tin chiến thắng thế gian của Giáo Hội Chúa Kitô nơi thành phần Kitô hữu Sống Thánh Chứng Nhân theo gương Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc để có thể mang lại phần rỗi đến cho những ai thành tâm tìm kiếm chân lý tối hậu là Thiên Chúa. Nếu ngay trước khi kết thúc Biến Cố Fatima 1917 vào lần hiện ra cuối cùng 13/10, Mẹ Maria, với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội bị vòng gai tội lỗi đâm thâu, đã thảm thiết và tha thiết kêu gọi loài người là “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, thì quả thực ngay trước khi kết thúc Bí Mật Fatima phần hai và tiến sang phần ba, lời Mẹ Maria quả quyết: “Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” đã được hoàn toàn ứng nghiệm ở phần thứ ba Bí Mật Fatima. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng không phải ở chỗ Mẹ đã làm cho Nước Nga trở lại (liên quan tới hòa bình thế giới) mà nhất là còn làm cho “nhiều linh hồn được cứu rỗi” nữa, đúng như Dự Án Fatima. Quả thực Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là tất cả Dự Án Fatima và là cốt lõi của Bí Mật Fatima vậy!