SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

"Thày là Sự Sống"

 

Hiện Diện Thần Linh

 

Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần VI Phục Sinh

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

  Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh

(cho các Chúa Nhật).

....

 

 

 

Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.

 

Vậy, nếu chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho cả Chúa Nhật lẫn các ngày trong tuần lễ  II và III của Mùa Phục Sinh liên hệ tới chiều kích Tái Sinh Thần Linh và Bánh Sự Sống, trong tuần lễ IV của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Mục Tử Thần Linh, và trong tuần lễ V của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Liên Hệ Thần Linh trong gắn bó yêu thương, thì trong tuần của tuần lễ Thứ VI của Mùa Phục Sinh như thế nào? Nếu so sánh cả với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho tuần lễ VII còn lại nữa, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần VI Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Hiện Diện Thần Linh bởi Thánh Thần và trong Thánh Thần.

 

Chúa Nhật VI Phục Sinh: Sự Sống - Hiện Diện Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh vẫn theo Phúc Âm Thánh Gioan, tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" của 6 Tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng liên quan đến khía cạnh hiện diện thần linh, một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa (Năm A), một hiện diện thần linh được Thánh Thần tác động thực hiện đức ái trọn hảo như Chúa Kitô đã yêu (Năm B), và là một hiện diện thần linh được hiệp nhất nên một với Cha và Con (Năm C).
Năm A 

Sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa.



Phúc Âm 
(Gioan 14:15-21): "Nếu các con yêu mến Thày thì hãy giữ giới răn của Thày. Và Thày sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở cùng các con luôn mãi".

Bài đọc 1 
(Tông Vụ 8:5-8, 14-17) - sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa: "Khi đến nơi, hai ngài - Phêrô và Gioan - cầu nguyện cho họ được lãnh nhận Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu".
Bài đọc 2 (1Phêrô 3:15-18) - sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa: "Vì Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra, Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại". 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 8, 5-8. 14-17

"Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.

Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! (c. 1)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa! - Ðáp.

2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! - Ðáp.

3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời. - Ðáp.

4) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 15-18

"Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Ðức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 15-21

"Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".

Ðó là lời Chúa.


Suy Nghiệm Lời Chúa

Nếu Tuần V Phục Sinh, đề tài "sự sống" được phản ảnh nơi các bài Phúc Âm về mối liên hệ thần linh giữa Thày trò với nhau cũng như giữa các trò với nhau, thì Tuần VI Phục Sinh này liên quan đến nguyên lý hiệp thông thần linh đó là Thánh Linh, Đấng được Giáo Hội bắt đầu hướng về ngay từ Tuần VI này, Đấng sẽ được Chúa Kitô Thăng Thiên, vào thời điểm 10 ngày trước biến cố Thánh Thần Hiện Xuống, nghĩa là vào Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh này, Đấng được Chúa Kitô Thăng Thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người ấy, để từ Cha sai đến với Giáo Hội của Người. Và đó là lý do chúng ta thấy bài Phúc Âm hôm nay, cũng như các bài Phúc Âm trong tuần VI Phục Sinh này đều về Thánh Thần.

Thật vậy, bài Phúc Âm mở màn cho Tuần Vi Phục Sinh Chúa Nhật IV Năm A này đã cho các tông đồ thấy trước được một "Đấng Phù Trợ khác để ở cùng các con luôn mãi". Không biết bấy giờ các vị có hiểu được Thày của các vị muốn nói gì hay chăng. Không thấy các vị dồn dập hỏi Người, như phần đầu của bài Phúc Âm cùng đoạn 14 này, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật Tuần V Phục Sinh Năm A, liên quan đến vấn đề "Thày đi dọn chỗ cho các con", như đến ý nghĩa của "con đường" (vấn đề của Tông đồ Toma), cũng như đến "Cha" (vấn đề của Tông đồ Philip).

Trong lời tiên báo "Thày đi để dọn chỗ cho các con", Chúa Giêsu còn hứa rằng "Thày sẽ trở lại", còn trong câu tiên báo về "Đấng Phù Trợ khác" ở đầu bài Phúc Âm hôm nay, Người lại nói rằng "để Ngài ở với các con luôn mãi". Nghĩa là chính vì Người sẽ bỏ các tông đồ mà đi luôn, không trở lại với các vị nữa, mới có một vị được Người gọi là "Đấng Phù Trợ khác": trạng từ "khác" đây bao gồm ít là 2 ý nghĩa: "Đấng Phù Trợ" ấy không phải là chính Người, nhưng lại đóng vai trò như Người đã từng là "Đấng Phù Trợ" các vị cho tới khi Người phải rời bỏ họ mà về cùng Cha là Đấng đã sai Người.

Có lẽ các tông đồ không sôi nổi thắc mắc dường như ngơ ngác làm sao ấy ở trong bài Phúc Âm Thứ V Phục Sinh Năm A tuần trước, như bài Phúc Âm Thứ VI Phục Sinh Năm A tuần này, là vì tiếp sau đó các vị đã được nghe Thày của các vị trấn an các vị như sau: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con". Tuy nhiên, Người sẽ không đến với các vị bằng xương bằng thịt như chính lúc Người đang nói với các vị lúc bấy giờ nữa. Mà là nơi "Đấng Phụ Trợ khác" Người gửi đến cho các vị, Đấng thay Người, đúng hơn cùng Người "sẽ ở nơi các con và ở trong các con" như "các con biết Ngài".

"Đấng Phù Trợ khác"
này là Đấng chỉ được ban cho các vị là thành phần môn đệ được Người tuyển chọn làm tông đồ của Người để sau này được Người sai đi làm chứng về Người thôi, thành phần nhờ đó "không thuộc về thế gian" (Gioan 15:19), bằng không, một khi các vị vẫn còn thuộc về thế gian, các vị sẽ chẳng khác gì thế gian, cũng suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa, phát ngôn, tác hành và phản ứng theo xác thịt, mà "cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt" (Gioan 3:6), và chính vì thế mà "thế gian không thể đón nhận" được Đấng "Thày ban cho các con" là "Đấng Phù Trợ khác", và cũng chính vì thế mà "thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài".

Và cũng chính vì các vị có "Đấng Phù Trợ khác.... ở với luôn mãi" như thế mà trong khi "thế gian sẽ không còn thấy Thày", các vị vẫn cứ tiếp tục thấy Thày, dù Thày đã ra đi "dọn chỗ cho" các vị, hay đã về cùng Cha, họ không còn thấy Người nữa, nhưng Người vẫn đang hiện diện với các vị, một cách còn sâu xa và linh thiêng thực tại hơn bao giờ hết. Nghĩa là bấy giờ, các vị không còn thấy Người bằng con mắt xác thịt của thế gian nữa, mà bằng cảm nghiệm thần linh của đức tin, dưới tác động của "Đấng Phù Trợ khác" trong các vị. Ở chỗ, "Thày sống và các con cũng sẽ sống", nghĩa là họ sống chính sự sống của Thày và sống sự sống với Thày, như "Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con".

Trong Bài Đọc 1 hôm nay,
Sách Tông Vụ cho chúng ta thấy, sau khi Chúa Kitô Thăng Thiên về cùng Cha của Người trên Trời, để sai Thánh Thần xuống trên các vị tông đồ và từng vị tông đồ, nhờ đó "Thày ở trong các con", để "Thày sống và các con cũng sẽ sống", đến độ, nhờ đó, các ngài có thể thông truyền Thánh Thần cho những ai tin vào Chúa Kitô sau khi lãnh nhận Phép Rửa:

"Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần".

Trong Bài Đọc 2 hôm nay, Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô cho thấy những lời khuyên của vị trưởng tông đồ đoàn này, cho Kitô hữu Do Thái mà ngài muốn nhắn nhủ, đã hoàn toàn phản ảnh đời sống chứng nhân tông đồ của ngài, bởi ngài hoàn toàn tin tưởng cậy trông vào Đấng đã chọn ngài làm vị mục tử đầu tiên thay Người chăn dắt đoàn chiên của Người, bất chấp mọi gian nan khốn khó, cho đến khi "Thày ở đâu" ngài "cũng ở đó" (Gioan 14:3). Nghĩa là ngài đã sống thế nào thì khuyên đàn chiên Kitô hữu Do Thái của mình cũng sống tin tưởng và kiên trì cho đến cùng như vậy:

"Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác".

 

Đời sống của một Kitô hữu chứng nhân trung thực và sống động là sản phẩm của ân sủng, chứ tự họ vừa bất xứng vừa bất khả. Điển hình nhất là trường hợp của Thánh Phêrô trước và sau Chúa Kitô Phục Sinh, một người môn đệ lãnh đạo và được Thày tin tưởng nhưng lại quay ra trắng trợn chối bỏ Người, thế mà ngài đã được biến đổi để thực sự trở nên chứng cớ hùng hồn về ân sủng chữa lành và cứu độ, cho cả bản thân lẫn tha nhân. Thánh Vịnh 65 trong Bài Đáp Ca hôm nay là tâm tình hân hoan ngợi khen Thiên Chúa của những ai được ơn Chúa, nhận ra Chúa và làm tông đồ cho Chúa.

 

1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa!

2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!

3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.

4) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.



Năm B
 

Sự sống của một hiện diện thần linh nhờ ở trong tình yêu thần linh bằng việc tuân giữ lệnh truyền của Chúa Kitô.




Bài đọc 1 
(Tông Vụ 10:25-26,34-35,44-48) - sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa: "Phêrô đang nói các lời đó thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời... 'Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã lãnh nhận Thánh Thần như chúng ta?'"

Bài đọc 2 
(1Gioan 4:7-10) - 
sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa: "Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta đó là Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến trong thế gian, để nhờ Người mà chúng ta được sống".

Phúc Âm 
(Gioan 15:9-17): "Cha đã yêu mến Thày thế nào thì Thày cũng mến yêu các con như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thày. Nếu các con tuân lệnh Thày truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thày".

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48

"Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: "Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người".

Phêrô lên tiếng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!"

Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: "Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?" Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 4, 7-10

"Thiên Chúa là Tình Yêu".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta".

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 15, 9-17

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".

Ðó là lời Chúa.


Suy Nghiệm Lời Chúa

Chủ đề "Thày là sự sống" ở Chúa Nhật Tuần VI Phục Sinh này liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa, nguồn mạch vô cùng bất tận của sự sống thần linh, một nguồn mạch sự sống Ngài đã chẳng những tỏ ra cho chung loài người tội lỗi thấy nơi Người Con Nhập Thể và Tử Giá của Ngài, mà còn thông ban cho riêng Giáo Hội Con của Ngài khi ban Thánh Linh cho họ (xem Roma 5:5), "Đấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính). Và đó là lý do, ngay từ Thứ Hai tuần 2 Phục Sinh, Giáo Hội đã chọn đọc bài Phúc Âm về việc "tái sinh bởi trời" (Gioan 3:3), tức "tái sinh bởi nước và Thánh Linh" (Gioan 3:5), hay tái sinh bởi "nước" ám chỉ thân xác phục sinh của Chúa Kitô, một thân xác phục sinh đã thông ban Thánh Linh cho các vị tông đồ (xem Gioan 20:22) là nền tảng của Giáo Hội và đại diện cho cả Giáo Hội bấy giờ.

Trong Bài Đọc 2 hôm nay, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu đã thực sự cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa nên mới có thể loan truyền cho Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai cũng như cho Kitô hữu cho tới tận thế về tình yêu thương vô cùng bất tận của Thiên Chúa ở những điểm chính yếu sau đây: 1- "
tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra"; 2- "Thiên Chúa là Tình Yêu"; 3- "Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống"; 4- "Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta".

Đúng thế, tình yêu thương là chính bản tính của Thiên Chúa: "Thiên Chúa là tình yêu". Nghĩa là nếu Thiên Chúa không yêu theo bản tính của mình, như ánh sáng không chiếu soi, như muối không mặm mà, thì không còn là và không phải là Thiên Chúa nữa. Mà đã "là tình yêu" thì không phải chỉ ở chỗ không thể nào không yêu, mà còn ở chỗ yêu với tất cả bản thân là tình yêu của Ngài. Đến độ, dám hy sinh tất cả cho chúng ta, dù chúng ta chỉ là một loài tạo vật vô cùng hèn hạ lại còn xấu xa khốn nạn nữa, bằng cách tự động tỏ tình với chúng ta, thậm chí không tiếc Người Con duy nhất là chính Bản Thân vô cùng cao trọng và cao quí của Ngài cho chúng ta: "Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta".

"Thiên Chúa là tình yêu"
chẳng nhưng yêu thương chung loài tạo vật đã được Ngài dựng nên theo hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự như Ngài, mà còn yêu từng con người được Ngài dựng nên nữa, dù họ là ai.  Vị "Thiên Chúa là tình yêu" chẳng những thương riêng dân của Ngài và thương họ có vẻ như trên hết mọi dân tộc, đến độ Ngài có thể vì họ mà trừng phạt các dân tộc khác dám phạm đến họ, như đã xẩy ra cho dân Ai Cập trong cuộc
Xuất Hành của họ mà còn thương tất cả mọi dân tộc khác nữa qua chính dân tộc của Ngài. Đó là lý do vị lãnh đạo tông đồ đoàn Phêrô, sau khi chứng kiến thấy một trường hợp lạ lùng đầu tiên liên quan tới dân ngoại, mới thốt lên ở Bài Đọc 1 hôm nay rằng:

"Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: 'Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người'. Phêrô lên tiếng nói rằng: 'Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!' Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: 'Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?' Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày".

 

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới có tâm tình tràn đầy hoan lạc và ngợi khen về ơn cứu độ phổ quát của Vị "Thiên Chúa là tình yêu" như sau:

 

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

 

Chính vì tình yêu của Thiên Chúa đối với chung loài người như thế mà những ai được Ngài thương cũng phải yêu thương nhau như vậy, và cần phải làm sao để cho tình yêu thương của Ngài giành cho chúng ta được bừng phát lên, lan tỏa cho tất cả mọi người cũng như cho từng người đã được Ngài yêu thương nơi Con của Ngài và cứu chuộc nhờ Con của Ngài: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con", chính Chúa Giêsu đã khẳng định như thế trong Bài Phúc Âm hôm nay, Đấng đã tỏ hết tình yêu của Cha của Ngài ở trên trời cho loài người chúng ta qua cuộc Khổ Nạn và Tử Giá vô cùng nhục nhã và đớn đau của Người, đến độ Người đã trở thành đáng thương hơn cả chúng ta là loài tội lỗi đáng thương nữa.

Thế thì, theo nguyên tắc và đường lối truyền đạt yêu thương ấy, loài người chúng ta nói chung và Kitô hữu chúng ta nói riêng, cũng cần phải tỏ ra mình được thương yêu thế nào thì cũng yêu thương nhau như vậy. Nếu "Người đã yêu thương những ai thuộc về Người ở trên thế gian thì Người cũng muốn chứng tỏ rằng Người thương yêu họ cho đến cùng" (Gioan 13:1), thì chúng ta là môn đệ của Người cũng thế: "Những gì Thày làm là để nêu gương cho các con, để Thày làm thế nào các con cũng hãy làm theo như thế" (Gioan 13:15).Nên cũng trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ đích thực của Người rằng: "Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".

Và việc Kitô hữu môn đệ chúng ta đáp ứng lệnh truyền của Người "là các con hãy yêu mến nhau" như câu Người nói cuối cùng của Bài Phúc Âm hôm nay, chẳng những là việc chúng ta truyền đạt tình yêu vô cùng bất tận của Thiên Chúa mà còn chính là việc chúng ta trở về nguồn với tình yêu này, đáp lại tình yêu này, hay là "ở lại trong tình yêu của Thày", đúng như ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói ở đầu bài Phúc Âm hôm nay. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể "ở lại trong tình yêu của Thầy", chính Chúa Giêsu đã dẫn giải rõ ràng đó là: "Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người". Mà lệnh truyền của Thày đây là gì, nếu không phải như Người cũng đã khẳng định ngay sau đó rằng: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con".

Tuy nhiên, việc thành phần môn đệ Kitô hữu chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân không phải tự chúng ta là loài tạo vật hữu hạn và bất toàn lại còn đầy những tội lỗi không xứng đáng làm và có khả năng làm, mà chỉ là tác động đáp ứng tình yêu của Thiên Chúa giành cho chúng ta và đối với chúng ta, và chính tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta, nhất là khi đã hoàn toàn chiếm đoạt chúng ta và làm chủ chúng ta, mới làm cho chúng ta xứng đáng kính mến Ngài và mới giúp chúng ta có khả năng yêu thương tha nhân như Con của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định cảm nhận đáp ứng tình yêu Thiên Chúa và thông đạt tình yêu Thiên Chúa ở trong bài Phúc Âm hôm nay như sau: "Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con".





Năm C
 

Sự sống của một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương. 


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 15, 1-2. 22-29

"Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này.

Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau:

"Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5-6 và 8

Ðáp: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.

2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. - Ðáp.

3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Kh 21, 10-14. 22-23

"Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 23-29

"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Nghiệm Lời Chúa

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C hôm nay có những chi tiết liên quan đến 3 Lễ Trọng tiếp theo Chúa Nhật VI Phục Sinh này, đó là Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên (Thứ Năm tuần VI Phục Sinh): "Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy"; Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Chúa Nhật sau Chúa Nhật VII cuối Mùa Phục Sinh): "Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con"; và Lễ Chúa Ba Ngôi (Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống): "Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy".

Trong Tuần VI Phục Sinh này, không phải chỉ có Chúa Nhật mà cả suốt cả tuần, các bài Phúc Âm nói riêng và Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, đều nói về Chúa Thánh Thần. Vấn đề trước hết được đặt ra ở đây là tại sao Đại Lễ Chúa Thánh Thần cách 2 tuần nữa mà Giáo Hội đã bắt đầu chọn đọc các bài Phúc Âm về Chúa Thánh Thần ở ngay tuần Thứ Sáu Phục Sinh? Tại sao không để vào Chúa Nhật và cả tuần Thứ VII Phục Sinh cho gần hơn và sát hơn có phải hợp tình hợp lý hơn hay chăng?? Xin thưa, bởi vì Tuần Thứ VII Phục Sinh đã được Giáo Hội chọn đọc các bài Phúc Âm về Lời Nguyện Hiến Tế kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô, trong đó, Người xin cho tất cả được hiệp nhất nên một như Thiên Chúa. Mà tình trạng hiệp thông thần linh đây là tác động của Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp thông, bởi thế Chúa Thánh Thần cần phải được nói đến và biết đến ngay trong Tuần VI trước Tuần VII Phục Sinh.

Tuy nhiên, chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, vẫn thích hợp cho tới chính Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nghĩa là bao gồm cả Tuần VI và Tuần VII Phục Sinh. Bởi vì, Chúa Thánh Thần được nói đến trong Tuần VI Phục Sinh, chính là "Đấng ban sự sống", hay là nguồn sự sống thần linh, và mối hiệp thông thần linh, được chất chứa trong các bài Phúc Âm của Tuần VII Phục Sinh, (bao gồm cả 2 bài phúc âm, ở cuối đoạn 21 của Phúc Âm Thánh Gioan, không thuộc về Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly, nhưng cũng có ý nghĩa hiệp thông thần linh), là tột đỉnh của sự sống thần linh, là mục đích của việc tạo dựng ngay từ ban đầu của Thiên Chúa cùng với việc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, và là chính thực tại của sự sống thần linh.

Trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C này, Chúa Thánh Thần được Chúa Kitô mạc khải cho biết thứ tự như sau:

 

1- "Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy": Trước hết, trong nội bộ Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, Thánh Thần là Đấng nhiệm xuất từ Cha và Con như Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng: "Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính), chứ không phải chỉ từ Cha như Giáo Hội Chính Thống chủ trương. "Thánh Thần" là Ngôi Ba được "Cha sai đến", nhưng Ngài chỉ được "Cha sai đến" "nhân danh Thày" mà thôi, nghĩa là vì một vai vế cao hơn chính Ngôi Thánh Thần là Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa ... Thế nhưng, Ngài được "Cha sai đến" đâu và "đến" với ai, nếu không phải "đến" với Giáo Hội do chính Chúa Kitô thiết lập và là Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Và để làm gì? Câu trả lời sẽ được các bài phúc âm trong Tuần VI Phục Sinh này trả lời cho biết, bao gồm cả bài Phúc Âm của chính Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C hôm nay.

 

2- "Chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con". Trước hết, "Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thày" là để "dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con". Tuy nhiên, vì Chúa Thánh Thần được "Cha sai đến nhân danh Thày" nên Ngài sẽ không "dạy các con" những gì của riêng Ngài và theo ý của Ngài, tức là sẽ mạc khải thêm cho các tông đồ ngoài chính những gì Chúa Kitô đã mạc khải và là chính tất cả mạc khải thần linh. Chúa Kitô đã được Cha sai đến không hề làm theo ý mình thế nào thì Chúa Thành Thần được "Cha sai đến nhân danh Thày" cũng chỉ "dạy các con mọi sự" Thày đã truyền dạy các con mà thôi, bằng cách 'nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con", nghĩa là làm cho Giáo Hội càng ngày càng thấu hiểu hơn mạc khải thần linh nơi từng thời đại lịch sử loài người.

Điển hình nhất là trường hợp được Sách Tông Vụ trong Bài Đọc I hôm nay nhắc đến, đó là quyết định của các Thánh Tông Đồ, trong đó có 3 vị chính: Tông Đồ Phêrô là Giáo Hoàng tiên khởi đại diện Chúa Kitô trên trần gian lo cho đàn chiên phổ quát của Chúa Kitô, tiếp đến là Tông Đồ Giacôbê là Giám Mục cai quản Giáo Hội ở Giêrusalem thuộc cấp thẩm quyền địa phương bấy giờ, và còn có cả Tông Đồ Phaolô đặc trách dân ngoại, bao gồm các Giáo Hội mới được thành lập ở ngoài Giáo Phận Jerusalem. Quyết định của các vị nơi Công Đồng Chung Jerusalem của Giáo Hội sơ khai, Giáo Hội tiên khởi này đó là dân ngoại trở lại Kitô giáo không cần phải chịu phép cắt bì theo Do Thái giáo mới được cứu độ, như có một số tín hữu Do Thái giáo trở lại Kitô giáo chủ trương và loan truyền. Thế nhưng, trong Văn Thư chính thức của công đồng về quyết định ấy đã cho thấy quyết định ấy bởi "Thánh Thần và chúng tôi". "Thánh Thần" trước", "chúng tôi" sau. Có nghĩa là "Người sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con", đó là "Ai tin vào tin mừng và chịu phép rửa thì được cứu độ" (Marco 16:16), chứ không cần cắt bì nữa.

 

Cho dù Kitô hữu không cần phải chịu phép cắt bì của Do Thái giáo đi nữa, tuy nhiên, theo nguyên tắc thì "ơn cứu độ xuất phát từ dân Do Thái" (Gioan 4:22), nghĩa là, ở một ý nghĩa nào đó, từ chính Đấng sáng lập và thành phần tông đồ là nền tảng của Giáo Hội toàn là những con người thuộc "dân Do Thái", và từ "Jerusalem, khắp Giuđêa và Samaria" (Tông Vụ 1:8) là giáo đô của Do Thái giáo và những miền đất của "dân Do Thái". Chưa hết, Kitô giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo, từ lịch sử cứu độ của "dân Do Thái", một lịch sử cứu độ đã được nên trọn "khi thời gian đã nên mãn" (Galata 4:4). Thế nhưng, chính vì lịch sử cứu độ của "dân Do Thái" đã và chỉ đạt đến tột đỉnh nơi Đức Giêsu Thiên sai Cứu Thế, giáo tổ Kitô giáo mà chỉ cần tin vào tin mừng về Người và lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Người là đủ được cứu độ, một tin mừng do Giáo Hội rao giảng và một phép rửa do Giáo Hội ban phát. Như thế, cho dù Kitô giáo bắt nguồn từ Do Thái giáo, nhưng ngược lại Do Thái giáo chỉ nên trọn nơi Kitô giáo, hay nói ngược lại Kitô giáo là tầm vóc trọn hảo của Do Thái giáo.

 

Đó là lý do Sách Khải Huyền trong Bài Đọc II hôm nay đã cho thấy mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo bất khả thiếu và bất khả phân ly nơi hình ảnh về một Thành Thánh Giêrusalem, ám chỉ Giáo Hội vinh quang của Chúa Kitô ở vào tận điểm của Mầu Nhiệm Cánh Chung, đó là một "thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa... Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel... Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên". Trong bài đọc II này, hình ảnh Do Thái giáo được tiêu biểu nơi "mười hai cổng.. có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel", nơi phải qua mới có thể vào trong thành, và hình ảnh Kitô giáo được tiêu biểu nơi "mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên" mà "tường thành xây trên". Hình ảnh 12 cổng thành liên quan đến Do Thái giáo trước và 12 móng của tường thành liên quan đến Kitô giáo sau như thế không phải đã chất chứa ý nghĩa Do Thái giáo dẫn đến Kitô giáo và Kitô giáo là tầm vóc trọn hảo của Do Thái giáo hay sao?

 

Dù sao cả hai, 12 cổng vào thành ám chỉ Do Thái và 12 móng tường thành ám chỉ Kitô giáo này cũng là 2 yếu tố bất khả thiếu để làm nên thành thánh Giêrusalem vinh quang, làm nên Giáo Hội Cánh Chung của Chúa Kitô, bao gồm cả "dân Do Thái" lẫn tất cả dân ngoại, nghĩa là toàn thể loài người. Bởi vì Thiên Chúa dựng nên loài người chỉ muốn trở thành Thiên Chúa ở cùng họ, là Emmanuel của họ (xem Gioan 1:14), thành phần được "Ngài ban cho quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), được "Con tỏ danh Cha cho họ... để tình cha với họ sống trong họ và Con sống trong họ" (Gioan 17:26). Do đó mà Bài Đọc II đã kết thúc bằng một hình ảnh và một sự thật về "thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa" thật là chính xác như thế này: "Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên". Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới có những tâm tình hân hoan chúc tụng như sau:

 

1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.

2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.

 

Ghi Chú: Khi cử hành Lễ Thăng Thiên vào Chúa Nhật tới, thì trong Lễ Chúa Nhật VI Phục Sinh hôm nay có thể đọc Bài đọc II và Bài Tin Mừng của Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc II: Kh 22, 12-14. 16-17. 20

"Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã nghe tiếng phán cùng tôi rằng: "Này Ta đến ngay, Ta có phần thưởng để trả công cho mỗi người tuỳ các việc người ấy đã làm. Ta là Alpha và Ômêga, là thứ nhất và cuối cùng, là nguyên thuỷ và cùng đích. Phúc cho những ai giặt áo của mình trong máu Con Chiên, để được hưởng dùng cây sự sống, và được qua cửa để vào thành.

"Ta là Giêsu, đã sai thiên thần đến làm chứng cho các ngươi về những điều có liên quan đến các giáo đoàn. Ta là gốc rễ, là dòng dõi Ðavit, là sao mai sáng chói".

Thần Trí và tân nương nói: "Hãy đến!" Và kẻ nào nghe cũng hãy nói: "Hãy đến!" Và ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy nhận lãnh nhưng không nước sự sống.

Ðấng làm chứng những điều ấy phán: "Phải, Ta đến ngay". "Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến!"

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 18; 16, 22

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 17, 20-26

"Ðể chúng được hoàn toàn nên một".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chí thánh, Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một, và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con."

"Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng: Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 (theo PVLC bao gồm bài đọc II và bài Phúc Âm Chúa Nhật VII Phục Sinh Năm C, vì Chúa Nhật VII Năm C Tuần tới thường là Chúa Nhật cử hành Lễ Trọng Chúa Giêsu Thăng Thiên ở các giáo phận trên thế giới)

Tuần Thứ Sáu Phục Sinh vẫn tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống". Phụng vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C này nói chung và Bài Phúc Âm nói riêng đã cho thấy sự sống này là ở nơi tình trạng hiệp thông thần linh: "để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta ... Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một..."

Mối hiệp thông thần linh là nội tại và thực tại của sự sống thần linh đây bao gồm tất cả "mọi người": "để mọi người nên một", chứ không phải chỉ riêng dân Do Thái là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn để tỏ mình ra cho họ dọc suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, nhưng Ngài không chỉ tỏ cho họ mà qua họ tỏ cho cả dân ngoại bao gồm toàn thể loài người nữa, vì ngay từ ban đầu, ngay sau nguyên tội, Ngài đã hứa cứu chuộc chung nhân loại, trong đó có cả dân Do Thái sau này được Ngài tuyển chọn như một dân tộc tiền thân cho Giáo Hội Chúa Kitô là Dân Tân Ước của Ngài.

Và đó là lý do, Sách Tông Vụ trong Bài Đọc I hôm nay đã cho thấy đệ nhất Công Đồng Chung của Giáo Hội sơ khởi và tiên khởi ở Jerusalem đã quyết định rất chính xác theo tác động của Thánh Thần là Thần Chân Lý bất khả sai lầm: "Thánh Thần và chúng tôi xét...", về vấn đề tuyên truyền của một số người Do Thái bảo thủ chủ trương đối với thành phần dân ngoại: "nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ", "rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải".

Như thế, tất cả những ai được cứu độ đều có sự sống thần linh, tức được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Thiên Sai Cứu Thế, nhờ "Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính), là nguyên lý hiệp thông và đồng thời cũng là tác lực hiệp thông, và thực sự là chính mối hiệp thông. Trong Lời Cầu Thánh Hiến kết thúc Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, trong đó bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C (cũng là bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VII Phục Sinh Năm C nếu Chúa Nhật VII này không cử hành Lễ Chúa Kitô Thăng Thiên), là phần cuối, chỉ thấy có Cha và Con mà chẳng thấy Thánh Thần đâu. Tuy nhiên, nếu Thánh Thần là chính mối hiệp thông thần linh thì khi nói đến mối hiệp nhất Cha và Con là Chúa Giêsu đã nói đến Chúa Thánh Thần rồi vậy.

"Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng: Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con... Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa". Ở đây, dường như Chúa Kitô muốn nói đến các thánh tông đồ được Người tuyển chọn làm nền tảng Giáo Hội của Người, thành phần "những kẻ thuộc về Người" (Gioan 13:1), đã được Người nhắc đến 2 lần ở phần trên của cùng Lời Nguyện Hiến Tế kết thúc Bữa Tiệc Ly: "Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con" (Gioan 17:6), "những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha" (Gioan 17:9).

Đối với thành phần tông đồ này, Chúa Giêsu muốn "Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con", trước hết có thể hiểu là các tông đồ được chọn để nên giống hình ảnh Người, tức là được tham phần Khổ Nạn và Tử Giá với Người: "Thầy đi dọn chỗ cho anh em... Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó" (Gioan 14:2-3), tức các vị chính là: "Những ai Thiên Chúa đã biết trước thì Ngài cũng tiền định cho nên giống Con của Ngài" (Roma 8:29).

 

Và đó phải chăng là ý nghĩa của những gì Sách Khải Huyền trong Bài Đọc II hôm nay đã nói tới: "'Ta là Giêsu, đã sai thiên thần đến làm chứng cho các ngươi về những điều có liên quan đến các giáo đoàn. Ta là gốc rễ, là dòng dõi Ðavit, là sao mai sáng chói'. Thần Trí và tân nương nói: 'Hãy đến!' Và kẻ nào nghe cũng hãy nói: 'Hãy đến!' Và ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy nhận lãnh nhưng không nước sự sống". Câu này ám chỉ một cuộc hiệp thông thần linh giữa Chúa "Giêsu" và "tân nương" là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các tông đồ (xem Epheso 2:20). Đúng thế, "Thần Trí và tân nương" đây đã được phản ảnh nơi Bài Đọc I hôm nay: "Thánh Thần và chúng tôi". Cuộc hiệp thông thần linh đây là cuộc hiệp thông giữa Chúa Kitô là Đầu và Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người, một Nhiệm Thể Giáo Hội mà "Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa", bao gồm tất cả dân ngoại.

 

Thế nên, Đoạn Thánh Vịnh 66 trong Bài Đáp Ca hôm nay mới kêu gọi "các dân tộc" hay "chư dân", thành phần đã trở thành Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô, được hiệp thông thần linh với Người và trong Người với Cha rằng: "Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân (chứ không chỉ ưu ái riêng với dân Do Thái - xem Tông Vụ 10:34), và Ngài cai quản các nước địa cầu (bao gồm muôn dân trong đó có cả dân Do Thái)" (câu xướng 2). Bởi thế: "Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài" (câu xướng 3 cũng là chính câu Đáp).

 

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 16, 11-15

"Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe những lời Phaolô giảng dạy".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Chúng tôi xuống tàu tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê là thành thứ nhất vùng Macêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu lại thành này một ít ngày. Ðến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: "Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi". Bà nài ép chúng tôi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 13

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 15, 26-16, 4

"Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Ðấng Phù Trợ đến, Ðấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Ðã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

"Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24). "Thần Linh" ở đây không phải như kiểu thiên thần theo bản tính thiêng liêng cũng có thể gọi là "thần linh", "thần linh" theo tầm cấp tạo vật của các thiên thần thì không thể ở trong các tạo vật nói chung và nhất là trong linh hồn thiêng liêng của con người ta nói riêng. Chính sự kiện có thể ở trong linh hồn con người cũng như ở nơi chính các thiên thần trên trời cho thấy "Thiên Chúa là Thần Linh", là Hiện Diện Thần Linh. 

 

Trong bài phúc âm Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh hôm nay, thời điểm gần hết Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ, một bài phúc âm cũng như các bài Phúc Âm khác trong tuần này, Giáo Hội cố ý chọn đọc những đoạn Phúc Âm của Thánh ký Gioan về Thánh Linh (3 ngày đầu trong tuần VI Phục Sinh này) là Đấng sau khi thăng thiên về cùng Cha Người sẽ từ Cha sai đến với các tông đồ, với Giáo Hội, để Người có thể ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), nhờ đó Giáo Hội có thể hiên ngang bất khuất làm chứng nhân về Người và cho Người đến tận cùng trái đất và cho tới khi Người lại đến trong vinh quang.

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Khi Ðấng Phù Trợ đến, Ðấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Ðã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con'".

"Các con cũng sẽ làm chứng" ở đây, theo lời Chúa Giêsu, cần hai yếu tố bất khả thiếu, đó là Thánh Linh, "Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy" "ở với Thầy từ ban đầu", bằng không, không ai có thể làm chứng cho Chúa Kitô. Hai yếu tố bất khả thiếu là những gì cũng bất khả phân ly.

Trước hết là yếu tố "ở với Thày ngay từ ban đầu", điều kiện tối cần để chọn vị tông đồ thay cho tông đồ Giuđa Ích-Ca (xem Tông Vụ 1:21-22), vì không hiểu biết Chúa Kitô bằng chính cảm nghiệm bản thân gần gũi với Người, không thể làm chứng về Người và cho Người. Bởi thế mà Thánh Gioan Tông Đồ, ngay đầu Thư Thứ Nhất là nói đến sự kiện "điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời..." (1Gioan 1:1-2).

Sau nữa là yếu tố "Thần Chân Lý", được "Thày từ nơi Cha sai đến", một "Thần Chân Lý" là Đấng "thấu suốt mọi sự nơi Thiên Chúa" (1Corinto 2:10), bất khả thiếu cho thành phần chứng nhân tông đồ, thành phần chứng nhân tiên khởi. Vì cho dù được ở với Chúa Kitô ngay từ ban đầu đấy, các tông đồ vẫn không hoàn toàn hiểu được Chúa Kitô như Người thực sự là, trái lại, còn trắng trợn bán Người và chối bỏ Người. Bởi thế các vị cần đến Thánh Linh là "Thần Chân Lý", vì Ngài "bởi Cha mà ra", là chính Ý Thức Thần Linh của Cha về bản thân Cha là chính Người Con của Cha, nên chỉ có Vị "Thần Chân Lý" này mới biết được Đấng Cha sai hầu có thể "làm chứng về Thày", làm chứng qua các chứng nhân được "ở với Thày ngay từ ban đầu": "các con cũng sẽ làm chứng nữa". Nếu không có Thánh Linh là Thần Chân Lý, cho dù có ở với Thày ngay từ ban đầu, họ vẫn có thể trở thành một phản kitô, một kitô giả. Như trường hợp tông đồ Phêrô vừa tuyên xưng Thày xong đã trở thành Satan trước mặt Người.

"Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường". Nếu so sánh với Giáo Hội Công Giáo có nghĩa là tuyệt thông nếu không tin Chúa Kitô như Giáo Hội tin hay không tin các tín điều do Giáo Hội tuyên bố. Cho đến nay Do Thái giáo vẫn loại ra khỏi hội đường của họ, hay tuyệt thông những ai theo Do Thái giáo công nhận Nhân Vật Giêsu Nazarét là Đức Kitô Thiên Sai. Mà các vị tông đồ gốc gác từ Do Thái giáo nên bị hiọ loại ra khỏi hội đường bởi các vị rao giảng Nhân Vật Giêsu Nazarét là Đức Kitô Thiên Sai.

“Kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa” ở đây, vì họ nghĩ rằng Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ trong giòng Lịch Sử Cứu Độ không thể nào ở nơi một Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét cũng là người như họ. Điển hình là trường hợp của Hội Đồng Đầu Mục Do Thái đã nhân danh Thiên Chúa để lên án tử cho Chúa Giêsu là nhân vật đối với họ chỉ là người mà dám lộng ngôn cho mình ngang hàng với Thiên Chúa (xem Mathêu 26:65; Gioan 10:33). Lý do chính yếu là vì "họ không biết Cha, cũng không biết Thày"

"Khi Ðấng Phù Trợ đến, Ðấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu", trong câu đầu tiên của Bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy được "Đấng Phù Trợ" là ai? (1) Từ đâu đến? (2) Để làm gì? (3) Bằng cách nào? (4)

"Đấng Phù Trợ" là ai? - Là "Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con"; 2- "Đấng Phù Trợ" từ đâu đến? - "Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra"; 3- "Đấng Phù Trợ" đến để làm gì? - "Người sẽ làm chứng về Thầy"; 4- "Đấng Phù Trợ" thi hành sứ vụ bằng cách nào? - "các con cũng sẽ làm chứng", tức là qua và nhờ Giáo Hội Chúa Kitô trên trần gian.

Trước hết, "Đấng Phù Trợ" được Chúa Kitô "sai đến", như Chúa Kitô đã được Cha sai, và vì thế, về Ngôi Vị, theo thứ tự, Chúa Cha là Ngôi Nhất - Ngôi Cha, Chúa Kitô là Ngôi Hai - Ngôi Con, và "Đấng Phù Trợ" là Ngôi Ba - Thánh Linh. Tuy là Ngôi Ba trong Ba Ngôi nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa, "bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra", và như Chúa Con, Ngài "không phải được tạo thành", nhưng "đồng bản thể" với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, vì Ngài "bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra". Nghĩa là, theo ngôn ngữ thần học thì trong khi Chúa Con "nhiệm sinh" từ Chúa Cha thì Thánh Thần "nhiệm xuất" từ Chúa Cha và Chúa Con.

Thật ra, khi sống lại từ trong kẻ chết, Chúa Kitô đã ban Thành Thần của Người cho các tông đồ rồi (xem Gioan 20:22), nhưng "Đấng Phù Trợ" được Người nói đến ở đây, cũng là Thánh Thần, thì chỉ khi nào Người Thăng Thiên về cùng Cha, Người mới "sai đến với các con". Tuy nhiên, Giáo Hội Chính Thống chỉ tuyên xưng Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha mà ra thôi, như câu Chúa Giêsu nói ngay sau: "Ngài là Thần Chân lý bởi Cha mà ra". Đây là một trong những điểm tín lý, được gọi là "filioque", khác biệt chính yếu nhất giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống từ trước cho tới nay!

Sau nữa, vì chính Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa được nhiệm xuất từ Cha và Con, nên như Con bởi Cha mà ra đã đến để "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) cho dân Do Thái nói chung và cho các tông đồ nói riêng thế nào, thì Thánh Thần được Chúa Con sai đến, nghĩa là được Chúa Kitô Thăng Thiên về cùng Cha và ngự bên hữu Chúa Cha rồi, bấy giờ, với tư cách là Chúa Con, Người mới sai Ngài đến, do đó mà sứ vụ của Ngôi Ba Thánh Thần đến là để "làm chứng về Thày".

Nghĩa là Ngài được Thày từ Cha sai đến là để, trước hết và trên hết, tỏ Thày ra cho Giáo Hội, nghĩa là làm cho Giáo Hội thấm nhập Chúa Kitô và làm cho Chúa Kitô càng ngày càng hiện tỏ nơi Giáo Hội. Vì chỉ có Ngài "thấu suốt mọi sự nơi Thiên Chúa" (1Corinto 2:12), mới "là Thần Chân Lý... dẫn các con vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13), nhờ đó "Ngài sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu". Nghĩa là Chúa Thánh Thần tỏ Chúa Kitô ra cho Giáo Hội, để qua Giáo Hội, làm chứng về Người trước thế gian, bằng chính chứng từ đứa ái trọn hảo của Giáo Hội.

Nếu Chúa Thánh Thần "là Thần Chân lý bởi Cha mà ra", được sai đến để "làm chứng về Thày", nghĩa là để tỏ Thày ra: Thày là ai, và Thày đã tỏ mình ra nơi giáo huấn của Người cũng như nơi các gương sống của Người ra sao, thì thành phần Kitô hữu chứng nhân chân chính cũng phải hoàn toàn phản ảnh Người đúng như thế, chứ không thể nào làm chứng về Người bằng những gì Người không làm, như việc đặt tay trên ai thì người ấy ngã lăn quay, và Người cũng chẳng bao giờ căn dặn các tông đồ là phải luôn chực sẵn ở đằng sau những ai được Người đặt tay để đỡ họ khỏi ngã bổ ngửa ra đằng sau chẳng còn biết gì nữa, như chết vậy, trong khi Người đặt tay trên các con trẻ thì chẳng có em nào ngã ra hết (xem Mathêu 19:13-15), hay như hiện tượng nói tiếng lạ mà chính đương sự cùng người nghe chẳng hiểu gì, thì Người lại chẳng bao giờ có những hành vi cử chi ngộ nghĩnh buồn cười chỉ gây thêm thắc mắc như vậy. Người chẳng bao giờ làm dấu kỳ lạ cho người ta thưởng thức, và thu hút họ bằng những thứ ảo thuật như thế. Chứng từ trung thực nhất và sống động nhất nơi Kitô hữu môn đệ chân chính của Chúa Kitô đó là "đức tin được thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), yếu tố bất khả thiếu để thế gian nhận biết Chúa Kitô!

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 16:11-15)

 

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy sự hiện diện thần linh chẳng những ở nơi người giảng mà còn cả ở nơi người nghe nữa, bởi thế, một khi gặp ngay tần số thần linh giống nhau, "Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy", mới xẩy ra câu chuyện trở lại tiêu biểu (như các cuộc trở lại khác cũng nhờ sự hiện diện thần linh là chính Thánh Thần Thiên Chúa nơi cả đôi bên) của một người phụ nữ cùng với gia đình của bà sau khi nghe các nhà truyền giáo chuyên nghiệp Phaolô làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời rao giảng của ngài về Người.

 

"Chúng tôi xuống tàu tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê là thành thứ nhất vùng Macêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu lại thành này một ít ngày. Ðến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: 'Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi'. Bà nài ép chúng tôi".

Trường hợp phái đoàn truyền giáo của Thánh Phaolô "đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh" rất thích hợp với câu Đáp Ca 1 hôm nay: "Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ"; và câu Đáp Ca thứ 3 hôm nay "Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố" cũng rất thích đáng với chi tiết ở Bài Đọc 1 hôm nay: "Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: 'Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi'. Bà nài ép chúng tôi".

THÁNH ISIDORO - 15/5 

Catholic Rural Life

 

Chàng Isidore và nàng Toribia hay Maria de la Cabeza là hai vợ chồng ở Tây Ban Nha không thuộc giòng tộc quí phái hay hoàng triều như hầu hết các vị thánh sống đời hôn nhân gia đình vào thời Trung Cổ. Người viết lại câu truyện về chàng Isidore và đời sống hôn nhân của chàng là phó tế Johannes Aegidius of Zamora ở nhà thờ Thánh Anrê thủ đô MaNí trong thời khoảng 1232-1275; gần 150 năm sau khi chàng Isidore qua đời, vị phó tế này đã ghi lại những gì tai nghe mắt thấy: nghe về đời sống của chàng và chính mắt thấy các phép lạ tỏ tường xẩy ra tại ngôi mộ của chàng.  

Chàng Isidore sinh ra vào khoảng năm 1080 trong thành phố MaNí hay vùng phụ cận của thành phố thủ đô Tây Ban Nha này. Chàng là một tay lao động không biết mệt như chàng chuyên tâm nguyện cầu vậy. Chàng tham dự Thánh Lễ hằng ngày và bao giờ cũng tìm Nước Chúa trước, nên mọi sự phụ thuộc khác đã được Chúa ban cho, đến độ các công việc lao nhọc của chàng đã gặt hái được dồi dào phong phú, khiến chàng thu được nhiều lợi tức, số lợi tức chàng không hoan hưởng một mình mà đã quảng đại chia sẻ với người nghèo, không sợ chính bản thân mình bị thiếu thốn.  

Chàng đã lập gia đình với một người nữ trẻ cũng có đời sống nhân đức đạo hạnh như chàng, đó là cô Maria de la Cabeza. Cặp vợ chồng này sống thanh đạm bình dân quê mùa. Cả hai có một người con trai, nhưng sau khi người con trai duy nhất này qua đời lúc còn rất trẻ, đôi uyên ương này đã đồng ý với nhau hoàn toàn sống tiết dục trong đời sống vợ chồng, để nhờ đó hiến mình cho việc nguyện cầu và công việc sinh nhai.  

Là nông dân làm công cho một người chủ ruộng là Juan de Vergas, chàng Isidore đã tạo được niềm tin tưởng của chủ. Nhưng cũng vì thế đã gây ra ghen tị với các đồng nghiệp của chàng. Và họ đã đi tố cáo với chủ về chàng rằng chàng cứ chuyên chú cầu nguyện và đi nhà thờ nên đã bỏ bê nhiệm vụ của chàng. Được chủ hạch hỏi, chàng đã trả lời với chủ rằng chàng phải phụng sự Thiên Chúa trước hết mọi sự và nhờ đó Thiên Chúa đã lo cho chàng và đã giúp chàng chu toàn công việc của chàng qua các thiên thần của Ngài.  

Chính chủ nhân ông của chàng đã thực sự chứng kiến thấy vào một ngày kia có hai thiên thần cầy ruộng bằng hai con ngựa trắng trong khi Isidore đang tham dự Thánh Lễ. Chưa hết, các đồng nghiệp của chàng không chịu thua, còn vu oan giáng họa cho người vợ đạo hạnh của chàng nữa.  

Nàng Maria hằng ngày vốn có thói quen đến một nhà thờ nhỏ là nơi đặc biệt tôn kính Mẹ Maria. Ở đó, nàng thực hiện những việc tỏ lòng thành thực sùng kính Mẹ và giữ cho ngọn đèn chầu luôn cháy sáng bằng việc tiếp tục và liên tục cung cấp dầu cho nó. Nàng bị đồng nghiệp của chồng tố cáo là nàng đi đến đó để gặp một người chăn thú vật để lén lút tình tứ ân ái với hắn. Tuy nhiên, chàng Isidore quá biết về người vợ của mình và hoàn toàn tin tưởng rằng nàng chỉ một lòng thủy chung với mình.  

Hai vợ chồng nông dân nghèo khó này đã sống với nhau hạnh phúc trong Chúa. Không ai đã từng nghe thấy họ to tiếng với nhau. Họ đã cùng nhau chia sẻ với những người anh chị em nghèo khổ hơn họ bằng chính những đồng lương chẳng bao nhiêu do công khó của họ kiếm được. Chàng Isidore đã qua đời vào năm ngũ tuần, ngày 15/5/1130, sau khi chàng đã nói trước giờ chết của mình. Năm năm sau, vợ của chàng cũng theo chàng về đời sau. Nàng đã được kính như vị chân phước cho đến khi được chính thức tôn phong là Chân Phước của Giáo Hội bởi Đức Thánh Cha Innocent XII vào năm 1697, sau 75 năm chồng của nàng được phong thánh vào năm 1622, do yêu cầu của Vua Philip III Nước Tây Ban Nha.  

Đúng thế, lý do vị vua này yêu cầu như thế là vì vua đã lâm bệnh hiểm nghèo, đến độ các lương y đều bó tay đầu hàng, thì thành phần giáo sĩ đã long trọng kiệu hài cốt của Isidore vào phòng của vua. Khi hài cốt của Isidore rời Nhà Thờ Thánh Anrê ở MaNí thì cơn sốt của vua hạ xuống. Và khi hài cốt của Isidore được đặt trong phòng bệnh của vua thì vua chỗi dậy và hoàn toàn khỏi bệnh.  

Người chồng nông dân sống tiết dục với vợ sau khi đứa con trai duy nhất qua đời và cùng vợ sống đời nhân đức đầy bác ái này đã được Đức Giáo Hoàng Gregory XV phong thánh vào ngày 12/3/1622. Thật vậy, hôm ấy, ngoại trừ một vị Thánh người Ý là Thánh Philip Nêri sáng lập Dòng Oratory, còn có các vị Thánh thời danh của Tây Ban Nha cũng được tuyên phong bấy giờ là Thánh Ignatiô sáng lập Dòng Tên, Thánh Phanxicô Xavier cũng Dòng Tên là quan thày các xứ truyền giáo, và Thánh Teresa Avila canh tân Dòng Carmelo, có cả một vị thánh giáo dân tầm thường sống đời hôn nhân gia đình đó là Thánh Isidore.  

(Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL, phỏng theo cuốn Married saints and Blesseds through the Centuries, by Ferdinand Holbock, translated by Michael J. Miller, Ignatius Press San Francisco 2002)                                                              

 

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 16, 22-34

"Anh hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu thoát".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Ðược lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại.

Ðến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: "Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây". Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và nói: "Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?" Hai ngài đáp: "Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ".

Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành (c. 7c).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. - Ðáp.

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Ðáp.

3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 26

Alleluia, alleluia! - Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều; và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 16, 5b-11

"Nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Bây giờ Thầy về với Ðấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến,Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Nếu trong bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu đã nói xa xa đến biến cố Thăng Thiên của Người, thì trong bài Phúc Âm hôm nay, Người đã nói rõ ràng: "Thầy về với Ðấng đã sai Thầy", nhưng dù Người nói gần hay nói xa, biến cố Thăng Thiên của Người, cả ở trong bài Phúc Âm hôm qua lẫn hôm nay, đều liên quan đến Chúa Thánh Thần, đến "Đấng Phù Trợ". Trong bài Phúc Âm hôm qua, "Đấng Phù Trợ" được Người, sau khi Thăng Thiên về cùng Cha, từ Cha sai đến để "làm chứng về Thày" qua Giáo Hội và với Giáo Hội, nhưng trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cho biết "Đấng Phù Trợ" "làm chứng về Thày", bằng cách: "tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt". 

 

Chiều kích hiện diện thần linh trong chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh vẫn được tiếp tục trong bài Phúc Âm Thứ Ba Tuần VI hôm nay. Ở chỗ, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã báo trước cho các tông đồ về sự kiện Người Thăng Thiên về cùng Cha của Người. Và Ngưòi trấn an các tông đồ rằng việc Người về cùng Cha thì có lợi cho các vị. Ở chỗ, nếu Chúa Kitô tiếp tục ở trên thế gian này bằng nhân tính của Người nói chung, và bằng thần xác hữu hình của Người nói riêng, thì Người không thể nào hiện diện thần linh trong các tông đồ được, cho đến khi Người Phục Sinh và Thăng Thiên, nhờ đó Người mới có thể ở trong các vị bằng Thánh Thần từ Cha Người sai đến với các vị như là một Đấng Phù Trợ của các vị và ở cùng các vị để các vị được công chính hóa, vì các vị hoàn toàn sống bằng đức tin "không còn thấy Thày" mà chỉ theo tác động thần linh của Đấng Phù Trợ. 

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Bây giờ Thầy về với Ðấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử'".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn cho biết sứ vụ của Đấng Phù Trợ là minh chứng về tội lỗi liên quan đến thế gian, về sự công chính liên quan đến các môn đệ và về án phạt liên quan đến ma quỉ.

Thật vậy, nếu ngón tay của Thiên Chúa đây ám chỉ Thánh Thần (xem Mathêu 12:28 so với Luca 11:20) thì hai lần Chúa Giêsu đã lấy ngón tay viết trên đất trong vụ người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (xem Gioan 8:6,8) đã cho thấy ba khía cạnh tội lỗi, công chính và án phạt nơi sứ vụ của Đấng Phù Trợ.

Theo thứ tự tác hành của Chúa Giêsu trong vụ này thì lần thứ nhất Người đã viết chữ “tội lỗi”, nên sau đó Người đã đứng lên thách thức thành phần muốn ném đá nạn nhân phụ nữ ngoại tình rằng: “Ai không có tội thì…” (Gioan 8:7). Lần thứ hai Người viết trên đất là chữ “công chính”, bởi thành phần tố cáo người phụ nữ ngoại tình đã lần lượt bỏ đi hết, từ người già nhất, cho thấy họ đã nhận biết mình mà nên công chính.

Chúa Giêsu không viết chữ thứ ba là “án phạt” nữa, bởi tội lỗi nơi thành phần cáo buộc chị phụ nữ nạn nhân đã được nhìn nhận, và chính nữ nạn nhân ngoại tình này cũng không lãnh “án phạt” cho bằng tình thương của Đấng “đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại” (Luca 19:10).

Đúng thế, theo lời Chúa nói trong bài Phúc Âm hôm nay thì tội lỗi ở ngay chỗ không tin vào Người: "Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy", chứ không phải ở các hành vi cử chỉ lỗi phạm đến điều răn Chúa, đến lương tâm, đến luật Giáo Hội v.v. Bởi vì, con người không có đức tin, sống như vô thần thì vẫn còn ở trong tối tăm, tức "ngồi trong tối tăm và bóng chết chóc" (xem Luca 1:79), bởi thế mới cần được "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12) chiếu soi.

Thánh Thần được sai đến để, qua Giáo Hội nói chung và các môn đệ của Chúa Kitô nói riêng, "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:13), soi chiếu thế gian "không tin vào Thày" bằng lời rao giảng, nhất là bằng chứng từ của một "người công chính sống bởi đức tin" (Roma 1:17; Galata 3:11; Do Thái 10:28): "Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy".

Một khi thế gian được soi chiếu bằng ánh sáng đức tin của Giáo Hội Chúa Kitô thì kể như "Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử", một xét xử đã xẩy ra ngay khi Chúa Kitô hoàn tất ơn cứu chuộc của Người ở biến cố Vượt Qua, và còn được xét xử cho tới tận thế bởi "quyền lực chiến thắng thế gian là đức tin của chúng ta" (1Gioan 5:4), một đức tin có tác dụng làm sáng tỏ Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) trong thế gian tăm tối gây ra bởi ma quỉ ngay từ ban đầu nơi nguyên tội.

Cho dù Chúa Giêsu có tỏ mình ra cho chung dân Do Thái cũng như cho riêng các tông đồ, không một ai trong họ có thể tự mình thấu hiểu và chấp nhận được, cho đến khi "Đấng Phù Trợ" tới. Và vì thế, tất cả những tội nhân và tội ác phạm đến Con Thiên Chúa Làm Người, đối với LTXC, chỉ là "lầm không biết việc mình làm" (Luca 23:34), đáng tha thứ. Tuy nhiên, một khi "Đấng Phù Trợ" là "Thần Chân Lý" được Chúa Giêsu Thăng Thiên từ Cha sai đến "phù trợ" cho họ nhận biết "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế của cả dân Do Thái lẫn loài người mà họ vẫn không tin thì họ phạm một tội "không thể tha thứ được" (Mathêu 12:30-32).

Tóm lại, "Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử", chúng ta có thể suy diễn tóm gọn câu chính yếu của Bài Phúc Âm hôm nay ấy về "Đấng Phù Trợ" được Chúa Giêsu hứa hẹn sai đến với Giáo Hội để "làm chứng cho Thày" trước thế gian ở ba khía cạnh chính yếu liên quan đến ba thành phần (thế gian, tông đồ và ma quỉ) như thế này:

"Ngài sẽ tố cáo thế gian" đây nghĩa là Ngài làm chứng về Chúa Kitô, làm cho thế gian nhận biết Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô đã tỏ mình ra vào thời điểm lịch sử của Người nơi dân Do Thái bấy giờ, và còn được ghi nhận trong Thánh Kinh Tân Ước nói riêng và toàn bộ Kinh Thánh Kitô Giáo nói chung, cũng như được rao giảng và chứng thực nơi Giáo Hội của Người, để rồi "ai không tin vào Thầy" thì sẽ ở trong tình trạng "tội lỗi", trái lại, những ai tin tưởng chấp nhận, như các tông đồ và thành phần môn đệ chân chính của Chúa Kitô dọc suốt dòng thời gian lịch sử của Giáo Hội, thì được trở nên "công chính", còn "thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử" rồi, vì Con Khủng Long ngay từ đầu ở trên trời đã ngang nhiên chống lại ý định nhập thể của Thiên Chúa (xem Khải Huyền 12:4), một đệ nhất thần khi bị mất chỗ đứng của mình và rơi xuống đất, nghĩa là đã bị "án phạt" và đã trở thành Satan, vẫn tiếp tục xui giục "thế gian" không tin tưởng Thiên Chúa, không chấp nhận ơn cứu độ của Ngài nơi Chúa Giêsu Kitô được chứng thực bởi Thánh Thần là Thần Chân Lý.

Bài Đọc 1 hôm nay cũng cho thấy liên kết chặt chẽ về ý nghĩa với bài Phúc Âm liên quan đến 3 việc Thánh Thần làm như được Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người. Gia đình của viên cai ngục sống trong tăm tối của thế gian cho tới khi nhận được ánh sáng đức tin từ Tông Đồ Phaolô và đồng bạn Sila đang bị nhốt trong tù sau khi bị tra tấn nhừ tử, nhờ đó cả nhà của viên cai ngục này đã được cứu thoát khỏi quyền lực của ma quỉ.

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 16:22-34)

 

"Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Ðược lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại. Ðến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: 'Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây'. Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và nói: 'Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?' Hai ngài đáp: 'Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ'. Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa". 

 

Sự hiện diện thần linh bao giờ cũng có tác dụng thần linh. Đúng thế, đúng như lời Chúa Kitô báo trước cho các tông đồ về Đấng Phù Trợ trong bài phúc âm hôm nay, Đấng "sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt". 

 

Trước hết "về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy", như sự kiện xẩy ra trong bài đọc 1 hôm nay, đó là "trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Ðược lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại", ấy thế mà Thánh Phaolô và Sila vẫn được giải cứu nhờ "một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất".

 

Sau nữa "về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy", một sự công chính được thể hiện nơi các chứng nhân của Chúa Kitô trong bài đọc 1 hôm nay, ở chỗ, cho dù bị giam nhốt trong một mật thất chắc ăn nhất, "đến nửa đêm" các vị vẫn "cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa", và nhất là tỏ ra khoan dung với chính "viên cai ngục... rút gươm toan tự tử", bằng cách đã can ngăn anh: "Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây". 

 

Sau hết, "về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử", ở chỗ, cho dù hắn có lồng lên kịch liệt tấn công để triệt hạ cho bằng được thành phần chứng nhân của Chúa Kitô, hắn chẳng những không làm hại được các vị, trái lại, chính những thành phần tay sai loài người của hắn còn bị chinh phục ngược lại, như trong bài đọc 1 hôm nay cho thấy, qua trường hợp của viên cai ngục cùng gia đình của viên chức thành tâm này: "'Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?' Hai ngài đáp: 'Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ'".

 

Tất cả những gì được thuật lại trong Bài Đọc 1 hôm nay đều phản ảnh ý nghĩa nơi những cảm thức đức tin trong Thánh Vịnh 137, liên quan đến LTXC đối với những ai tin tưởng vào Người, như Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1, những cảm thức đức tin được vang lên trong Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

 

 

 

Thứ Tư sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 17, 15. 22 - 18,1

"Ðấng quý vị thờ mà không nhận biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, nhừng người tháp tùng Phaolô, dẫn đưa ngài cho đến Athêna; và khi đã nhận lệnh ngài truyền cho Sila và Timôthêu đến gặp ngài lập tức, họ liền ra đi.

Bấy giờ Phaolô đứng giữa đồi Arêôpagô mà nói: "Kính thưa quý vị người Athêna, tôi nhận thấy quý vị rất sùng tín về mọi mặt. Vì khi đi ngang qua, nhìn các tượng thần của quý vị, tôi cũng thấy một bàn thờ có ghi chữ: "Kính Thần vô danh". Vậy Ðấng quý vị thờ mà không nhận biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị. Thiên Chúa, Ðấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ, Người là Chúa trời đất, nên không ngự nơi đền thờ do tay người phàm làm ra. Người cũng không cần bàn tay người phàm phụng sự như thể thiếu thốn điều gì, vì chính Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và hết mọi sự. Người đã làm cho toàn thể loài người từ một nguyên tổ lan tràn khắp mặt đất. Người phân định thời hạn rõ rệt và biên giới chỗ họ ở, để họ tìm thấy Thiên Chúa nếu họ cố gắng dò dẫm tìm gặp Người, vì thật ra Người không ở xa mỗi người chúng ta. Vì chưng ta sống, ta cử động và ta hiện hữu trong Người, như có mấy thi sĩ của quý vị đã nói: "Chúng ta thuộc tông giống Người". Vậy bởi chúng ta là dòng giống của Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng Thần Linh giống như vàng, hoặc bạc, hay đá do nghệ thuật chạm trổ và suy tưởng của con người làm ra. Thiên Chúa không chấp những thời gian mê muội đó, nay Người loan báo cho nhân loại nhận biết để mọi người khắp nơi ăn năn hối cải, vì Người đã quy định ngày Người sẽ xét xử vũ trụ cách công minh, do Ðấng Người đã chỉ định và cho Ðấng ấy từ cõi chết sống lại để mọi người tin".

Khi họ nghe nói kẻ chết sống lại, thì có kẻ nhạo cười, có người lại nói rằng: "Ðể khi khác, chúng tôi sẽ nghe ông nói lại về điều đó". Thế là Phaolô bỏ họ ra đi. Nhưng cũng có vài người theo và tin ngài, trong số đó có Ðiônysiô nhân viên thuộc Arêôpagô, một phụ nữ tên Ðamari và mấy người khác nữa. Sau đó, Phaolô rời Athêna đi Côrintô.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 148, 1-2. 11-12ab. 12c-14a. 14bcd

Ðáp: Trời đất đầy vinh quang của Chúa.

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa từ muôn cõi trời, hãy ca tụng Người trên nơi cao thẳm. Các thiên thần Chúa, hãy ca tụng Người đi, ca tụng Người đi, hỡi các đạo thiên binh. - Ðáp.

2) Quân vương địa cầu và tất cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền trên cõi đất, các thanh niên và cả những cô gái tân, những ông cụ già với đoàn con trẻ. - Ðáp.

3) Họ hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm. Người tràn lan trên trời dưới đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người. - Ðáp.

4) Dân Người là đề tài ca tụng cho mọi tín hữu, cho hết thảy con cái Israel, dân tộc sống gần gũi với Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 16, 12-15

"Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Chiều kích Hiện Diện Thần Linh cho Tuần VI Phục Sinh tiếp tục liên quan đến Thánh Linh trong bài Phúc Âm Thứ Tư hôm nay. Ở chỗ, nhờ sự hiện diện thần linh của Ngài, trong khi thế gian được Ngài làm sáng tỏ cho thấy những gì là tội lỗi, công chính và hình phạt, các vị được Ngài "dẫn vào tất cả sự thật", nghĩa là được thông hiểu tất cả những gì Chúa Kitô đã mạc khải cho các vị và dạy dỗ các vị khi Người còn ở bên các vị và ở với các vị bằng xương bằng thịt, nhưng bấy giờ các vị chưa sâu xa cảm nhận và thấu hiểu, vì chưa có được chính Thần Linh thông biết của Người.

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: 'Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con'".

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô còn tỏ cho chúng ta thấy Mầu Nhiệm Ba Ngôi, về mối Liên Hệ Thần Linh nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở chỗ: "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: 'Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con'". 

 

Trước hết là mối liên hệ thần linh giữa Ngôi Cha và Ngôi Con: "tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy" tức Chúa Kitô là "hiện thân bản thể Cha" (Do Thái 1:3) - "Cha yêu Con và đã ban hết mọi sự cho Con" (Gioan 3:35); Cha thực sự ở nơi Người và tỏ mình ra qua Người là Đấng "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), cho đến độ "Cha và Ta là một" (Gioan 10:30) để "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9). 

 

Sau nữa là mối liên hệ thần linh giữa Cha và Con với Thánh Thần: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con", nghĩa là Thánh Thần chẳng những bởi Cha mà còn "bởi Con mà ra" như Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo vẫn tuyên xưng, và Vị "Thần Chân Lý" là Nội Tâm của Thiên Chúa này (xem 1Corintô 2:10), là chính Liên Hệ Thần Linh giữa Ngôi Cha và Ngôi Con ấy, truyền đạt cho các tông đồ nói riêng và Giáo Hội nói chung chính Chúa Kitô là tất cả mạc khải thần linh về Thiên Chúa và của Thiên Chúa, tức là làm cho Giáo Hội được hoàn toàn hiệp thông thần linh với Chúa Kitô: "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21).  

Ngoài ra, còn một chi tiết trong bài Phúc Âm hôm nay cần được sáng tỏ, đó là câu Chúa Giêsu nói: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con...". Người không có ý nói rằng Người còn nhiều điều "mới mẻ" chưa nói hết cần phải nói cho hết hay Thánh Thần sẽ đến "nói thêm" thay cho Người. Bởi vì, là Lời Nhập Thể, Người là tất cả mạc khải thần linh của Cha và về Cha, và Người "đã tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) bằng chính đời sống của Người, bằng tâm ngôn hành của Người, nhất là bằng cuộc Vượt Qua của Người. Người đã cho các môn đệ của Người nói riêng và dân Do Thái nói chung về cả những sự dưới đất cũng như trên trời (xem Gioan 3:12): những sự dưới đất đây bao gồm đường lối để con người tạo vật có thể đến cùng Thiên Chúa, trong đó có việc tái sinh bởi trời và các mối phúc đức v.v.; những sự trên trời đây bao gồm chính bản thân Thiên Chúa là ai, như thế nào và Nước Trời.

Thật ra không phải là Người còn nhiều điều (many things - về lượng) phải nói với các môn đệ, mà là Người còn phải nói nhiều hơn nữa (much more - về phẩm), nghĩa là không phải Người nói chưa hết những gì Người muốn nói, mà chỉ là những gì Người cần giải thích cho các vị hiểu thêm, hiểu hơn, hiểu hết về những gì Người đã tỏ ra cho các vị, và những dẫn giải này sẽ được Thánh Thần là Đấng Phù Trợ các vị do Người từ Cha sai đến với các vị sẽ làm cho các vị thấu triệt khi "Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật", nghĩa là nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của những gì Chúa Kitô tỏ ra cho các vị, nhất là bản thân của chính Người là Đấng các vị đã được mắt thấy, tai nghe và tay sờ (xem 1Gioan 1:1) để có thể làm chứng về Người dưới tác động thần linh của Thánh Thần.

Đó là lý do Giáo Hội vẫn chủ trương Thánh Thần đến là để tiếp tục và hoàn tất sứ vụ của Chúa Kitô mà thôi, chứ không phải để thi hành một sứ vụ khác, một sứ vụ hoàn toàn khác biệt với Chúa Kitô. Chính vì thế mà Thánh Thần đến là để "làm chứng về Thày", "Ngài không tự mình mà nói", trái lại, "Ngài sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con". Bởi thế, tất cả những gì được cho là xuất phát từ Thánh Linh mà không hoàn toàn và thực sự phản ảnh Chúa Kitô thì không phải từ Thánh Linh. Hay nói ngược lại, tất cả những gì Chúa Giêsu không nói, không làm, không phản ứng, như được Phúc Âm thuật lại, thì chẳng bao giờ Thánh Linh thúc đẩy người ta làm.

 

Căn cứ vào nguyên tắc này, một nguyên tắc liên hệ mật thiết giữa Chúa Kitô và Thánh Thần như thế, có thể nói rằng việc đặt tay chữa lành và nói tiếng lạ chẳng ai hiểu gì không xuất phát từ Thánh Linh và không phải của Thánh Linh, vì chẳng bao giờ thấy Chúa Kitô trong các Phúc Âm đặt tay ngã lăn quay (và luôn cần phải có người đỡ đằng sau cho "nạn nhân" khỏi ngã) mới có thể chữa lành hay chẳng bao giờ thấy Người nói tiếng lạ chẳng ai hiểu gì.

 

Có thể đặt vấn đề với những ai có thể đặt tay ngã lăn quay lẫn người cho rằng mình được chữa lành nhờ đặt tay, về cả thực tế liên quan đến hiện tượng Thánh Linh lẫn nguyên tắc liên quan đến thực tại Thánh Linh như sau:

 

Về hiện tượng Thánh Linh: 1- Hiện tượng đặt tay ngã lăn quay bởi đâu, bởi Thánh Linh hay bởi loài người hoặc bởi ma quỉ? 2- Nếu bởi Thánh Linh thì từ người đặt tay hay từ người được đặt tay? 3- Nếu từ người đặt tay thì tại sao các vị giám mục đặt truyền chức linh mục các vị phó tế không ngã lăn quay - như thế thì chẳng nhẽ việc truyền chức linh mục không thành, bởi Thánh Thần không xuống trên các vị thụ phong; nếu Thánh Linh từ người được đặt tay chứ không phải từ người đặt tay thì các vị phó tế tự phong chức linh mục cho mình, chẳng cần đến các vị đặt tay mà không có Thánh Linh?

 

Về thực tại Thánh Linh: 1- Thánh Linh từ đâu đến? 2- Thánh Linh được sai đến để làm gì? 3- Nếu Thánh Linh từ Cha mà đến và để làm chứng cho Chúa Kitô, mà Chúa Kitô không hề chữa lành bằng cách đặt tay ngã lăn quay và cần có người đỡ lưng cho khỏi té ngã, thì việc đặt tay ngã lăn quay không từ Thánh Linh và bởi Thánh Linh. Chính Chúa Kitô đã đặt tay trên các em bé nhưng chẳng có em nào ngã...! Vậy thì một là Người không có Thánh Linh hay là các em nhỏ không có Thánh Linh??? Ai dám cam đoan rằng mình đặt tay lên đầu Đức Giáo Hoàng thì ngài chắc chắn ngã lăn quay hay chăng?

 

Mới đây hiện tượng chữa lành bằng cách đặt tay ngã lăn quay lại còn có tính cách Lòng Thương Xót Chúa nữa, cho nó có vẻ chính đáng hơn. Tuy nhiên, hai vị Thánh tiêu biểu nhất của Lòng Thương Xót Chúa là Thánh Faustina và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không hề chữa lành bằng cách đặt tay ngã lăn quay như thế. Trái lại, các vị chỉ chữa lành bằng cách chịu đựng khổ đau để cứu các linh hồn về phần thiêng liêng mà thôi. Chính Chúa Kitô là Đấng vô cùng thương xót có thể xuống khỏi thập giá mà vẫn không tự cứu mình, trái lại, cứ tiếp tục chịu khổ cho đến cùng để cứu các linh hồn.

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 17:15,22 - 18:1)

 

Chính nhờ Hiện Diện Thần Linh của Thần Chân Lý mà vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã tỏ ra hết sức khôn ngoan trong bài giảng ở thủ đô của một đất nước có thể nói là văn minh nhất về tri thức bấy giờ đó là Hy Lạp, đến độ bài giảng này và đường lối của ngài diễn giải là mô phạm cho tính cách truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội và cho Giáo Hội. Ở chỗ, không đả phá, trái lại, còn biết lợi dụng chính những yếu tố được coi là mầm mống thần linh nơi tâm thức và văn hóa của con người, trong trường hợp của bài đọc 1 hôm nay là vị "Thần vô danh" để có thể phúc âm hóa, để hướng họ về "tất cả sự thật", về Vị "Thiên Chúa, Ðấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ", rồi từ đó, từ nguyên lý chung hợp với tâm thức của chung nhân loại ấy, ngài đã dẫn thành phần thính giả luôn tìm kiếm sự khôn ngoan, (như Người Do Thái tìm kiếm dấu lạ), đến Chúa Kitô Cứu Thế, "Ðấng từ cõi chết sống lại để mọi người tin". 

 

"Bấy giờ Phaolô đứng giữa đồi Arêôpagô mà nói: 'Kính thưa quý vị người Athêna, tôi nhận thấy quý vị rất sùng tín về mọi mặt. Vì khi đi ngang qua, nhìn các tượng thần của quý vị, tôi cũng thấy một bàn thờ có ghi chữ: Kính Thần vô danh. Vậy Ðấng quý vị thờ mà không nhận biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị. Thiên Chúa, Ðấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ, Người là Chúa trời đất, nên không ngự nơi đền thờ do tay người phàm làm ra. Người cũng không cần bàn tay người phàm phụng sự như thể thiếu thốn điều gì, vì chính Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và hết mọi sự. Người đã làm cho toàn thể loài người từ một nguyên tổ lan tràn khắp mặt đất. Người phân định thời hạn rõ rệt và biên giới chỗ họ ở, để họ tìm thấy Thiên Chúa nếu họ cố gắng dò dẫm tìm gặp Người, vì thật ra Người không ở xa mỗi người chúng ta. Vì chưng ta sống, ta cử động và ta hiện hữu trong Người, như có mấy thi sĩ của quý vị đã nói: 'Chúng ta thuộc tông giống Người'. Vậy bởi chúng ta là dòng giống của Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng Thần Linh giống như vàng, hoặc bạc, hay đá do nghệ thuật chạm trổ và suy tưởng của con người làm ra. Thiên Chúa không chấp những thời gian mê muội đó, nay Người loan báo cho nhân loại nhận biết để mọi người khắp nơi ăn năn hối cải, vì Người đã quy định ngày Người sẽ xét xử vũ trụ cách công minh, do Ðấng Người đã chỉ định và cho Ðấng ấy từ cõi chết sống lại để mọi người tin".

 

Tuy nhiên, cho dù đường lối truyền bá phúc âm hóa của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô thật là tuyệt hảo như thế vẫn không hoàn toàn gây tác hiệu thần linh nơi hầu hết thính giả của ngài, ngoại trừ "có vài người theo và tin ngài, trong số đó có Ðiônysiô nhân viên thuộc Arêôpagô, một phụ nữ tên Ðamari và mấy người khác nữa". Tại sao thế? Nếu không phải tại thành phần thính giả này chưa được chính tác nhân thần linh là "Thần Chân lý ... dẫn vào tất cả sự thật" như "vài người" trong họ. Tuy nhiên, họ cũng vẫn còn thiện chí: "Ðể khi khác, chúng tôi sẽ nghe ông nói lại về điều đó", nhờ đó, vào một lúc nào đó, họ sẽ nhận biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng họ (xem Gioan 8:32).

 

"Nhưng cũng có vài người theo và tin ngài, trong số đó có Ðiônysiô nhân viên thuộc Arêôpagô, một phụ nữ tên Ðamari và mấy người khác nữa", chi tiết về thành phần thiểu số trở lại này sau khi nghe bài giảng về "vị thần vô danh" của dân nước triết lý Hy Lạp tuy văn minh về lý trí nhưng vẫn đa thần về đạo lý, nhưng lại là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của dân Do Thái, được thuật lại trong Bài Đọc 1 hôm nay và đã được Thánh Vịnh 148:11-12 dường như ám chỉ đến thành phần thiểu số này ở câu xướng thứ 2 trong Bài Đáp Ca hôm nay: "tất cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền trên cõi đất, các thanh niên và cả những cô gái tân, những ông cụ già với đoàn con trẻ".

 

"Sau đó, Phaolô rời Athêna đi Côrintô" để cho thấy rằng thành quả truyền giáo là do Chúa ban cho những tâm hồn thành tâm tìm kiếm chân thiện mỹ và cởi mở trước mạc khải thần linh, nên Thánh Phaolô vẫn chẳng những không nản lòng mà còn hăng say hơn nữa, tìm đến một nơi khác, như chính ngài cũng đã thẳng thắn tuyên bố với dân Do Thái cứng lòng là ngài sẽ đi với dân ngoại, thay vì đến với những người như họ cứ nhất định chống đối ngài, bởi ngài hoàn toàn tin vào Đấng đã hoán cải ngài, chiếm đoạt ngài, mạc khải cho ngài và sai ngài đi "làm ánh sáng muôn dân để đem ơn cứu độ của Người đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 13:47), một tinh thần tông đồ truyền giáo đã được tuyên bố ở câu Đáp Ca thứ 3 như sau: "Vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm. Người tràn lan trên trời dưới đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người". Với tâm tình của Thánh Phaolô, chúng ta hãy lập lại nguyên văn những câu Thánh Vịnh 148 trong Bài Đáp Ca hôm nay sau đây:

1) Hãy ca tụng Chúa từ muôn cõi trời, hãy ca tụng Người trên nơi cao thẳm. Các thiên thần Chúa, hãy ca tụng Người đi, ca tụng Người đi, hỡi các đạo thiên binh.

2) Quân vương địa cầu và tất cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền trên cõi đất, các thanh niên và cả những cô gái tân, những ông cụ già với đoàn con trẻ.

3) Họ hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm. Người tràn lan trên trời dưới đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người.

4) Dân Người là đề tài ca tụng cho mọi tín hữu, cho hết thảy con cái Israel, dân tộc sống gần gũi với Người.

Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

 

(Hôm nay đúng 40 ngày sau Phục Sinh là Lễ Trọng Chúa Giêsu Thăng Thiên và là Lễ Buộc. 

Xin xem phần chia sẻ dưới đây ngay sau Thứ Bảy tuần này, nếu ở đâu cử hành đúng ngày.

Thường chỉ có Tòa Thánh Rôma và các Dòng Tu mới mừng đúng ngày, còn hầu như ở các giáo xứ sẽ mừng vào Chúa Nhật vì lý do mục vụ.

Bởi thế cho nên ở đây chúng ta vẫn tiếp tục phụng vụ Lời Chúa cho ngày Thứ Năm trong Tuần VI Phục Sinh liên tục như thường) 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 18, 1-8

"Ngài cư trú và làm việc tại nhà họ, và giảng trong hội đường".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô rời Athêna đi Côrintô; ngài gặp một người Do-thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa từ đất Ý-đại-lợi đến làm một với vợ là Priscilla (bởi vì vua Clauđiô đã ra lệnh trục xuất mọi người Do-thái khỏi Roma); Phaolô đến gặp họ. Và vì chung một nghề, nên ngài cư trú và làm việc tại nhà họ: họ làm nghề dệt bố để làm nhà lều. Mỗi ngày Sabbat, ngài đến tranh luận tại hội đường, nêu danh Chúa Giêsu, thuyết phục người Do-thái và Hy-lạp.

Khi Sila và Timôthêu từ Macêđônia đến, Phaolô chỉ chuyên lo việc giảng dạy, minh chứng cho người Do-thái biết Chúa Giêsu là Ðức Kitô. Nhưng họ công kích và lăng mạ Ngài, nên ngài dũ áo nói với họ: "Máu các ngươi đổ trên đầu các ngươi. Phần tôi, tôi vô can, từ đây, tôi sẽ đến với dân ngoại".

Ngài ra khỏi chỗ đó, vào nhà một người kia tên là Titô Giustô có lòng kính sợ Chúa, nhà ông ở bên cạnh hội đường. Bấy giờ Crispô trưởng hội đường, và cả nhà ông tin theo Chúa; nhiều người Corintô nghe giảng, cũng tin theo và chịu phép rửa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 16, 28

Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 16, 16-20

"Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha".

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: "Ðiều Người nói với chúng ta: "Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy", và "Vì Thầy về cùng Cha", như thế có ý nghĩa gì?" Họ nói: "Lời Người nói 'Một ít nữa' có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?"

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: "Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Sự Hiện Diện Thần Linh là những gì bất khả thiếu đức tin, vì chỉ có đức tin mới có thể cảm nhận được sự hiện diện thần linh mà thôi, cho dù là trong những lúc đau thương khốn khó nhất. Đó là lý do trong bài Phúc Âm cho Thứ Năm của Tuần VI Phục Sinh này, một bài Phúc Âm cũng rất thích hợp với ý nghĩa của biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên hôm nay, Chúa Giêsu mới nói đến một tình trạng rất ư là khó hiểu đối với tâm thức tự nhiên của các tông đồ: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy". 

 

"'Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.' Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: 'Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy và Thầy đến cùng Chúa Cha?' Vậy các ông nói: 'Ít lâu nữa' nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!' Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: 'Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui'". 

 

Chúa Giêsu tuy không trực tiếp trả lời cho những gì các vị thắc mắc về vấn đề thời gian 'ít lâu nữa' các vị 'không thấy Thày' rồi lại 'thấy Thày', nhưng Người đã trấn an các vị và khẳng định cho các vị thấy một dấu hiệu Người vẫn ở với các vị, sẽ hiện diện thần linh nơi các vị, ở chỗ, đó là cho dù các vị "sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng", cuối cùng các vị chẳng những không cảm thấy chán nản bỏ cuộc, trái lại, chính "nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui" nơi các vị, như đã từng xẩy ra thực sự nơi hai Tông Đồ Phêrô và Gioan sau khi bị đánh đòn và thả về: "Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su". (Tông Vụ 5:40-41)

"Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" ở đây thực sự là liên quan đến thực tại hiện diện thần linh. Câu này có thể hiểu hai nghĩa khác nhau nhưng tương tự như sau. Nghĩa thứ nhất đó là Chúa Giêsu bỏ môn đệ mà đi chịu chết: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy", nhưng đến ngày thứ ba Người đã phục sinh từ trong kẻ chết và hiện ra với các vị: "rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy". Nghĩa thứ hai đó là Chúa Kitô Thăng Thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy", nhưng sau đó Người đã từ Cha sai Thánh Linh đến để nhờ Ngài mà "ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mathêu 28:20).

Trong đời sống tu đức cũng thế, sự hiện diện thần linh theo kiểu "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" có thể hiểu về trường hợp hiệp lễ và trước hoặc sau hiệp lễ. Đúng thế, khi Kitô hữu hiệp lễ là họ được Chúa Kitô hiện diện nơi cả linh hồn và thân xác của họ bằng chính Mình Thánh và Máu Thánh của Người, nghĩa là một Chúa Kitô bằng xương bằng thịt đàng hoàng, nhưng dưới dạng Bánh Thánh và Rượu Thánh, như thể họ được thấy Người.

 

Thế nhưng, sự hiện diện của Chúa Kitô bằng Thánh Thể của Người, qua Bánh Thánh và Rượu Thánh, chỉ kéo dài trong chốc lát, cho tới khi Bánh Thánh và Rượu Thánh tan biến trong thân xác của họ, và bấy giờ Người hiện diện nơi họ bằng Thánh Thần của Người, một Thánh Thần Người ban cho họ mỗi khi họ rước lấy Mình Máu Thánh của Người, một thân xác đã phục sinh và đã hiện ra với các tông đồ để thông ban Thánh Thần của Người cho các vị thế nào thì Người cũng thông Thánh Thần của Người cho ai rước lấy Người như vậy, như thân nho thông truyền cho cành nho để họ nhờ đó sinh dồi dào hoa trái.

Ngoài ra, trong giòng lịch sử của Giáo Hội, vẫn có một thiểu số tâm hồn Kitô hữu nào đó, được đặc ân trải qua cảm nghiệm thần linh "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy"  bất khả thiếu để có thể được hiệp nhất nên một với Chúa bằng một đức tin tinh tuyền. Thật vậy, tu đức Kitô giáo, theo các thánh và các nhà thần bí, được chia ra làm 3 giai đoạn: khởi sinh (giai đoạn từ bỏ thế gian và tội lỗi), tiến sinh (giai đoạn tập tành các nhân đức trọn lành), và hiệp sinh (giai đoạn chiêm niệm bằng một tấm lòng gắn bó với Thiên Chúa và hiệp nhất nên một với Ngài, đến độ Ngài sống trong họ và làm chủ họ).

Tuy nhiên, để "vượt qua" từ giai đoạn tu đức tiến sinh lên giai đoạn hiệp sinh, tâm hồn thường phải trải qua một tình trạng được gọi là Đêm Tối Tăm, bằng một cuộc thử thách đức tin kinh hoàng, đến độ có những lúc cảm thấy mình bị Thiên Chúa loại trừ, và Thiên Chúa trở thành một hung thần v.v. Tuy nhiên, nếu tiếp tục sống đức tin, cho dù "không thấy Chúa đâu" (Mathêu 25:37-39,44), như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta từng trải nghiệm gần 50 năm tối tăm mịt mù mà vẫn vui tươi phục vụ những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, tâm hồn "sẽ lại được thấy Thày", nhưng bấy giờ ở một mức độ siêu việt, mức độ của một "sự sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10).

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 18:1-8)

 

Nếu nhờ sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô bởi Thánh Thần của Người nơi các tông đồ mà "anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui", thì đã quả thực xẩy ra nơi trường hợp của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay. Ở chỗ, vị tông đồ này bị chống đối bởi chính đồng hương và đồng đạo của mình, thật là đắng cay chua xót, như chính lời ngài thẳng thắn ngỏ cùng họ trong Bài Đọc 1 hôm nay. Tuy nhiên, nỗi xót xa cay đắng khổ tâm gây ra cho ngài bởi chính dân của ngài ấy đã trở thành niềm vui trong ngài khi ngài thấy tác động thần linh đã tỏ hiện lạ lùng nơi một gia đình "dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa" cũng như nơi nhiều người dân ngoại khác ở "Corinto":

 

"Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô. Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: 'Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại'. Ông rời bỏ chỗ ấy đến nhà một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, tên là Ti-xi-ô Giút-tô, ở sát bên hội đường. Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa".

Theo các trình thuật về sứ vụ truyền giáo của Thánh Phaolô thì chính vì sứ điệp ngài làm chứng và rao giảng là "Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô", phản lại với chủ trương của chung dân Do Thái về một Đấng Thiên Sai liên quan đến chính trị, nên đi đâu ngài cũng bị chính đồng hương Do Thái của ngài chống đối, bách hại và hành khổ. Tuy nhiên, chính trải nghiệm từ bản thân của ngài trước khi được Đấng ngài bắt bớ thương xót chặn đầu, rồi tỏ mình ra cho và sai đi, mà ngài cảm thương tình trạng lầm lạc của đồng hương Do Thái của ngài hơn ai hết, nên ngài cứ gắn bó với họ, cho tới thời điểm ngài cần phải dứt khoát với họ trong hành trình truyền giáo thứ 2, trong 3 chuyến truyền giáo của ngài, chuyên hành trình ở Hy Lạp, sau khi ngài từ thành Nhã Điển đến Thành Corintô, một trong 7 cộng đoàn ngài thành lập nhưng lại là nơi ngài đã phải khóc vì họ.

 

Câu họa của bài Đáp Ca hôm nay: "Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân" (Thánh Vịnh 97:2) thực sự được phản ảnh và ứng nghiệm nơi chính tinh thần tông đồ truyền giáo bất khuất của vị tông đồ dân ngoại này, chẳng những qua lời ngài rao giảng mà nhất là qua đời sống nhân chứng của ngài giống Chúa Kitô thương xót tràn đầy khổ nạn nhưng vượt qua, cũng chỉ vì Người là Đấng Thiên Sai bị hội đồng đầu mục Do Thái lên án, để mang lại ơn cứu độ cho chung nhân loại và cho riêng những ai tin vào Người, một Đấng Thiên Sai của dân Do Thái cũng chính là Chúa Cứu Thế của nhân loại, đã chứng thực khi Người từ cõi chết sống lại và hiện ra với các vị tông đồ để các vị trở thành "nhân chứng về các điều đó" (Luca 24:48), và trong thành phần chứng nhân tông đồ của Người, được Người hiện ra, tỏ mình và sai đi nổi bật nhất là Thánh Phaolô, như câu xướng thứ 3 của Bài Đáp Ca hôm nay: "Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta"  (Thánh Vịnh 97:4).

 

 

HAY

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên: Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh

cho những nơi cử hành đúng Thứ Năm 40 ngày sau Phục Sinh Lễ Thăng Thiên


                                                             

Ở những nơi cử hành Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên vào đúng Thứ Năm trong Tuần Thứ Sáu của Mùa Phục Sinh như ở Tòa Thánh Rôma, hay ở các đan việc hoặc dòng tu, tức cử hành vào đúng thời điểm 40 ngày sau khi Người Phục Sinh, thì phụng vụ lời Chúa cho Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên sẽ hoàn toàn thay cho phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Cho dù Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được hầu hết các giáo phận trên thế giới 
cử hành vào Chúa Nhật VII Phục Sinh, nhưng chủ đề của phụng vụ Lời Chúa vẫn không gì thay đổi, vẫn là chủ đề "Thày là Sự Sống" của 4 tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng ở khía cạnh Sự Sống - Hiệp Nhất Thần Linh như Chúa Nhật VII Phục Sinh.

Phúc Âm (
Mathêu 28:16-20; Marco 16:15-20; Luca 24:46-53)

Sự Sống nơi cuộc Hiệp Nhất Thần Linh với Chúa Kitô Thăng Thiên, ở chỗ luôn có sự hiện diện của Người: "Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Phúc Âm Thánh Mathêu - Năm A); 

ở chỗ luôn có Người đồng hành và hỗ trợ:
 "Các vị đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các vị, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo" (Phúc Âm Thánh Marco - Năm B); 

ở chỗ sống với Người bằng một đức tin thuần túy đến độ khi "Người rời khỏi các vị mà lên trời" thì các vị chẳng những không buồn, trái lại còn "trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các vị luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 1:1-11) - sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh càng vươn tới tột đỉnh vào lúc Chúa Giêsu Thăng Thiên, vì cho dù con mắt xác thịt của các tông đồ không còn được nhìn thấy Thày của các vị nữa nhưng nhờ đó mà các vị lại được rửa trong Thánh Thần để được biến đổi nên như Thày mà trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Thày và cho Thày: "Ít ngày nữa các con sẽ được rửa trong Thánh Thần... Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên nhân chứng cho Thày... cho đến tận cùng trái đất". 
Bài đọc 2 (Epheso 1:17-23) - sự sống ở chỗ hiệp nhất thần linh với chính Đấng đang ngự bên hữu Cha trên trời và là Đấng trổi vượt trên tất cả mọi đẳng cấp thần trời: "Chúa khiến mọi sự qui phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể của Người, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người"

 

Biến cố Chúa Kitô Thăng Thiên mang một ý nghĩa sâu xa, như đã chia sẻ ở cuối tuần trước cho Lễ Chúa Kitô Thăng Thiên cử hành vào chính Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh:

 

"'Đám mây bao phủ Người' đây ám chỉ Thánh Thần, như đã xẩy ra ở biến cố biến hình trên núi của Người nơi sự kiện 'có tiếng phán ra từ đám mây' (Mathêu 17:5; Marco 9:7; Luca 9:35). 'Một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông' phải chăng bao gồm mấy ý nghĩa sau đây: 

 

"1- Các tông đồ không còn được thấy Thày của mình bằng con mắt thể lý nữa, vì Người đã về cùng Cha trong mối hiệp thông thần linh đời đời với Cha trong Thánh Thần; 

 

"2- Sứ vụ trần thế của Người đã hoàn toàn thật sự hoàn tất sau 40 ngày Người sống lại, khoảng thời gian 40 ngày Người hiện diện một cách linh thiêng giữa các vị để 'nói với các vị về triều đại Thiên Chúa' (Tông Vụ 1:3); 

 "3- Các vị cần phải tiếp tục sứ vụ của Người 'cho đến tận cùng trái đất' (Tông Vụ 1:8) bằng 'quyền năng của Thánh Thần' (Tông Vụ 1:8; xem Luca 24:49) là Đấng Người sẽ từ Cha sai đến và cũng là Đấng đến để làm chứng về Người với họ và qua họ (xem Gioan 15:26-27). 

Chưa hết, theo đề tài Hiệp Nhất Thần Linh cho riêng của Tuần VII Phục Sinh này thì biến cố Thăng Thiên của Chúa Kitô còn mang một ý nghĩa khác nữa, bất khả thiếu, liên quan đến biến cố Thánh Linh Hiện Xuống, liên quan đến đời sống của Giáo Hội và liên quan đến việc truyền giáo của Giáo Hội.

Thật vậy, nếu Chúa Kitô không thăng thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người, thì nhân tính của Người, cho dù đã phục sinh nơi thân xác của Người và thân xác của Người đã trở thành thiêng liêng như các thần trời duy linh, vẫn chưa đạt đến tột đỉnh hiệp thông thần linh Cha.

Thật ra, ngay từ giây phút "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) trong cung lòng trinh nguyên của mẹ của mình là Trinh Nữ Nazarét Maria trong biến cố Truyền Tin, mầu nhiệm nhân tính của Người và thiên tính của Người đã trở nên một nơi mầu nhiệm Ngôi Hiệp, có nghĩa là Người là một Ngôi Vị có hai bản tính, bản tính Thiên Chúa - thiên tính, và bản tính nhân loại - nhân tính.

Thế nhưng, trong thời gian, nhân tính trở thành phương tiện hay đường lối hoặc dấu chỉ với tính cách bí tích của thiên tính, hay nói cách khác hoặc nói ngược lại, thiên tính tỏ mình ra và thông mình ra nơi nhân tính và qua nhân tính của Người, một cách càng ngày càng trọn vẹn, nhất là ở mầu nhiệm Vượt Qua.

Tuy nhiên, cho dù thần xác của Chúa Kitô có phục sinh và hoàn toàn trở nên thiêng liêng như các thần trời chăng nữa, tự mình vẫn chưa có thể ở trong các môn đệ của Người và "ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mathêu 28:20), và vì thế vẫn không thể nào xẩy ra tình trạng hay thực trạng hiệp thông thần linh như Người mong muốn đó là "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha... như Chúng Ta là một. Con sống trong họ, Cha sống trong Con để sự hiệp nhất của họ đưoọc trọn vẹn" (Gioan 17:21-23). Nếu Chúa Kitô không thăng thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người thì Người không thể "sống trong" chúng ta và chúng ta không thể "lưu lại - remain - trong Người" hay "sống trong - live in - Người và Người sống trong" chúng ta như cành nho liên hợp với thân nho để trổ sinh muôn vàn hoa trái (xem Gioan 15:4-7).

Đó là lý do, khi hiện ra với riêng người nữ đang tìm kiếm xác của mình ngoài mộ vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã nói với nàng là người đang tính chạm đến Người bấy giờ rằng: "Đừng đụng đến Ta, vì ta chưa về cùng Cha" (Gioan 20:17), và Người mới chỉ có thể "mở trí cho các vị hiểu lời Thánh Kinh" (Luca 24:45), thậm chí có thể thông Thánh Thần của Người cho các tông đồ vào buổi tối cùng ngày khi Người hiện ra với các vị lần đầu tiên: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh..." (Gioan 20:22), nhưng vẫn chưa có khả năng sai Thánh Thần từ Cha xuống trên các vị như Người hứa... cho đến khi Người thăng thiên về cùng Cha...

Biến cố Thăng Thiên của Chúa Kitô quả thực cho chúng ta thấy chung nhân tính của Người, cũng là của chúng ta đã được Người mặc lấy khi Nhập Thể để Vượt Qua, và riêng thân xác của Người, không phải chỉ được biến đổi thành thiêng liêng sáng láng tốt đẹp sau khi Người sống lại từ cõi chết, mà còn được hoàn toàn hiệp thông thần linh với Cha trên thiên đàng, trong cõi vĩnh hằng, một nhân tính sẽ trở thành một Tân Thành Thánh Giêrusalem từ trời ở nơi Thiên Chúa mà xuống (xem khải Huyền 21:2,10), một Tân Giêrusalem chẳng những có 12 cửa vào ám chỉ 12 chi tộc Do Thái (xem Khải Huyền 21:13-14) là giòng dõi theo huyết thống về phần xác của Chúa Kitô, mà còn có 12 bức tường bằng đá tông đồ ám chỉ Giáo Hội Chúa Kitô bao gồm toàn thể nhân loại, một Tân Giêrusalem vĩnh viễn trở thành nơi Thiên Chúa ở giữa loài người - Emmanuel (xem Khải Huyền 21:3; Gioan 1:14))!

 

 

 

 

Thánh Gioan I – giáo hoàng, tử đạo (523-526)

Ngày 18/5

 

Pope 'Turned Vatican Into Whorehouse' - On This Day

 

 

Thánh Gioan sinh tại Tuscia. Ngài được chọn làm giám mục Rôma ngày 13 tháng 8 năm 523. Người ta không biết gì về đời thơ ấu của thánh nhân, nhưng từ ngày lên kế vị thánh Phêrô, ngài đã nhiệt thành sống khẩu hiệu “tất cả vì danh Chúa”. Ngài đã có công hoàn thành nhạc bình ca mà các vị tiền nhiệm của ngài là Đức Celestinô I, Leo Cả và Galesiô khởi xướng.

Năm 624, vua Justinô I bên Tiểu Á muốn hiệp nhất Giáo hội cũng như nhằm mục đích chính trị đã đàn áp nhóm theo lạc giáo Ariô. Tại Rôma, vua Theodôricô là người theo lạc giáo Ariô đã tức giận bắt Đức Giáo hoàng Gioan dẫn đầu phái đoàn đi thương thuyết. Sau nhiều lần phản đối, ngài đã chấp nhận lên đường. Đây là lần đầu tiên có một vị giáo hoàng rời khỏi nước Ý. Vua Justinô và toàn dân Constantinopole hân hoan vui mừng đón tiếp Đức Giáo hoàng. Ngài đã cử hành lễ phục sinh tại thánh đường thánh nữ Sôphia và phong vương cho vua Justinô.

Trở lại Rôma, ngài bị vua Thêđôricô cho là đã hành động phản nghịch với mình. Tức giận, ông tính xử tử ngài, nhưng lại sợ dân chúng nổi loạn, nên bắt giam ngài tại Ravenna. Tại đây, Đức Giáo hoàng đã từ trần ngày 18 tháng 5 năm 526.

Ngày 27 tháng 5 năm 530 xác ngài được dời về Rôma. Niên lịch phụng vụ cử kính nhớ ngài vào ngày này.

Thánh Gioan I là gương sáng về lòng can đảm, xây dựng tinh thần hiệp nhất. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin Chúa giúp chúng ta luôn cam đảm làm chứng cho công lý và hòa bình để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-18-5-thanh-gioan-i-giao-hoang-tu-dao-39840

 

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ thánh Gioan I được cử hành vào ngày kỷ niệm ngài qua đời – theo Sách Giáo Hoàng (Liber pontificalis) – trong ngục thất tại Ravenne. Cuộc tử đạo của ngài bắt nguồn từ các cuộc đấu tranh giữa hoàng đế Công giáo Justin với vua Théodoric (454-526) theo lạc thuyết Arius.

Thánh Gioan I, quê tại Toscane, nước Ý, thuộc thành phần giáo sĩ Rôma trong tư cách linh mục và Tổng phó tế, trước khi lên ngôi Giáo Hoàng (523 –526). Triều đại Giáo Hoàng ngắn ngủi của ngài được nổi tiếng qua việc ngài sửa sang các nghĩa trang của thánh Achille và Nêrée cũng như nghĩa trang của thánh nữ Priscille và Pétronille. Ngài đã triệu tập nhiều Công đồng miền.

Năm 524, vua Théodoric ủng hộ nhóm Arius, từ Ravenne cai trị cả nước Ý. Vua phái Đức Giáo Hoàng Gioan đến Constantinople nhưng ngài từ chối việc tham gia vào bè rối Arius. Tại Đông Phương, ngài được Đức Thượng phụ Constantinople và hoàng đế Justin tiếp đón rất trân trọng. Hoàng đế cũng xin Đức Giáo Hoàng phong vương ngày 19 tháng 4 năm 526, trước sự hiện diện của các giáo sĩ Hy Lạp và La Tinh, cả triều thần và quần chúng. Ngay hôm ấy, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ Phục Sinh trong đại thánh đường Sophia. Nhưng khi trở về Ý, thánh nhân đã bị cầm tù tại Ravenne: Vì cho mình gạt, nên Théodoric đã bỏ đói ngài cho đến chết. Trên bia mộ ngài, người ta đọc được giòng chữ: “Bị tù ngục và chết vì Đức Kitô”. Bốn năm sau, năm 530, thi hài của ngài được chuyển về Rôma và mai táng trong đại thánh đường Phêrô, với các nghi thức trang trọng dành cho các vị tử đạo.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện riêng gợi lại “cuộc tử đạo”, “công đức” và “đức tin kiên vững” của Giáo Hoàng Gioan I. Lời nguyện vọng lại ý tưởng của bài đọc một (2 Tm 2,8 – 3,12): Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích … Đây là lời đáng tin cậy: nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Bài Tin Mừng Thánh lễ (Ga 15,18-21) trích một trong những lời của Đức Kitô: Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em (c. 20)

b. Các bài đọc trong Kinh sách đưa ra một bản văn trích từ thư của Jean d’Avila gửi cho các bạn hữu, trong đó ngài diễn giải lời thánh Phaolô: “Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi”. Rồi Jean d’Avila viết tiếp: “Thiên Chúa rộng mở đôi tay đón chúng ta, đôi cánh tay nhẹ nhàng thân ái và êm dịu biết bao, để tiếp rước những kẻ bị thương tích khi chiến đấu cho Người ! Chắc hẳn điều này mang lại một sự êm dịu ngọt ngào hơn mọi thứ mật ong mà công lao vất vả có thể sản xuất ra ở trên đời !” Nào là chúng ta bị hiểu lầm, bị bác bỏ và bị bách hại vì Tin Mừng. Jean d’Avila lại viết: “Đây là con đường mòn mà Chúa Kitô và những kẻ thuộc về Người đã đi. Người gọi đó là con đường hẹp, nhưng chính nó lại đưa thẳng tới sự sống.”

Enzo Lodi

https://www.tonggiaophanhanoi.org/ngay-18-5-thanh-gioan-i-giao-hoang-tu-dao-523-526/

Trong buổi tiếp kiến chung được truyền hình trực tiếp từ Dinh Tông tòa vào sáng thứ Tư 29/4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích Mối phúc cuối cùng: “Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Sống theo các Mối phúc có thể khiến chúng ta bị thế giới chối từ, bách hại. Tuy nhiên, bách hại lại là nguyên nhân giúp chúng ta được hưởng niềm vui trên thiên quốc. Con đường Mối phúc là hành trình phục sinh, đưa chúng ta từ sự ích kỷ đến cuộc sống theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cuộc đời các thánh cho chúng ta thấy rằng "bách hại giúp các Kitô hữu được giải thoát khỏi sự thỏa hiệp với thế gian.” 1 Ta có thể lấy một ví dụ nơi cuộc đời thánh Giáo hoàng Gioan I, nhìn cuộc đời ấy dưới lăng kính của mối phúc này để minh chứng rõ ràng rằng bách hại chẳng đủ sức làm cho ngài thỏa hiệp với thế gian, đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho người trẻ được ơn can đảm chiến đấu để bảo vệ đức tin.

Thánh Giáo hoàng Gioan I là linh mục của Rôma, sử sách không cho chúng ta biết gì về thời niên thiếu của ngài, chỉ biết rằng ngài sinh tại miền Tuscia nước Ý, là vị Giáo hoàng thứ 53 và lên ngôi Giáo hoàng năm 523. Lúc ấy, nhà cầm quyền nước Ý là Thêôđôric, thuộc gốc người Gôtíc, theo bè rối Ariô. Ông cho người đại diện đến thương lượng với hoàng đế Justinô I, dẫn đầu đoàn đại biểu là Đức Giáo hoàng Gioan I. Sứ vụ của Đức Giáo hoàng Gioan I hoàn thành tốt đẹp nhưng hoàng đế Thêôđôric vẫn không hài lòng. Sau khi trở về Rôma, Đức Giáo hoàng Gioan I bị các vệ sĩ của Thêôđôric bắt cóc bỏ tù. Trải qua nhiều gian khổ đói khát trong tù, thánh nhân qua đời ba năm sau đó.

Trong những lúc tù đày, Đức thánh Giáo hoàng Gioan I suy niệm về những khó khăn mà thánh Phaolô đã trải qua, ngài đã để lại những lời đầy thuyết phục như sau: “Trong tất cả những nỗi khổ cực ấy, người không kêu ca trách móc Thiên Chúa như những người yếu đức tin thường làm, cũng không buồn phiền như những kẻ háo danh và ham khoái lạc, không đòi Thiên Chúa giải gỡ cho khỏi những nỗi khổ cực ấy, như những kẻ không hiểu biết giá trị của những thứ đó nên tìm cách xa tránh. Người cũng không coi nhẹ như những kẻ khinh thường giá trị của những thứ đó. Nhưng một khi dẹp bỏ mọi ngu xuẩn và hèn nhát, người chúc tụng Thiên Chúa trong chính những nỗi gian truân và tạ ơn Đấng thi ân, như nhận được phần thưởng lớn. Người cho mình là hạnh phúc khi có thể chịu được một đôi điều để tôn kính Chúa, Đấng đã chịu biết bao ô nhục cách lạ lùng để cứu chúng ta khỏi những nỗi ô nhục chúng ta phải chịu vì tội.” 
2

Đọc lại tiểu sử Đức thánh Giáo hoàng Gioan I, ta cảm thấy tiếc nuối cho một con người thánh thiện, tài cao, lại phải bỏ lại hành trình sứ vụ còn dang dở. Tuy nhiên, ngài đã hoàn tất cuộc đời trong đức tin một cách trọn vẹn. Điều đó thật không dễ dàng! Và rất đáng ca ngợi.

Cảm thấu những khó khăn trong việc giữ đức tin, Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Không ai bắt con chối Chúa, nhưng có thể bắt con đi ngược lại với đường lối Chúa, lấy cớ ‘để giữ đức tin.’ Thật là mâu thuẫn: Đức tin của con sẽ chết vì con sợ chết, sợ đau, sợ cực.” 
3 Đây cũng là trăn trở mà chúng ta lo cho chính mình và cho các bạn trẻ trong thời đại này. Chắc chắn, có những bất trắc trở ngại khi người ta hành động vì đức tin. Vẫn biết, mỗi ngày người trẻ phải chống chọi với nhiều tư tưởng vô thần với những câu hỏi chất vấn niềm tin. Những lời động viên đầy nhiệt khí của Đức thánh Giáo hoàng Gioan I như thêm động lực giúp người tín hữu đặc biệt là những tín hữu trẻ được thêm mạnh mẽ: “Từ nỗi đau buồn hiện tại mà vinh quang dành cho chúng ta rực rỡ biết chừng nào! Thiên Chúa rộng mở đôi tay đón chúng ta, đôi cánh tay nhẹ nhàng thân ái và êm dịu biết bao, để tiếp rước những kẻ bị thương tích khi chiến đấu cho Người. Chắc hẳn điều này mang lại một sự êm dịu ngọt ngào hơn mọi thứ mật ong mà công lao vất vả có thể sản xuất ra ở trên đời.” 4

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giáo hoàng Gioan I, xin Chúa hướng dẫn chúng con biết cách trở nên những Kitô hữu can trường, xin Chúa ban cho các bạn trẻ biết sẵn sàng chấp nhận những thua thiệt ngang trái và biết cách đáp trả cho những chất vấn về niềm tin của mình một cách xứng hợp. Amen

1 https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/dtc-phanxico-ngay-nay-nhieu-kito-huu-bi-bach-hai-hon.html
2 Trích thư của Thánh Gioan Avila, bài đọc 2 - BĐKS, ngày 18/5.
3 Đường Hy Vọng, số 286.
4 Trích thư của Thánh Gioan Avila, bài đọc 2 - BĐKS, ngày 18/5.

http://daminhrosalima.net/phut-cau-nguyen-moi-ngay/ngay--185---thanh-gioan-i-giao-hoang--tu-dao-29190.html

 


Thứ Sáu sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 18, 9-18

"Trong thành này, Ta có một dân đông đảo".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

(Khi Phaolô đang ở Côrintô), một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: "Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo". Phaolô ở lại đó một năm sáu tháng mà giảng dạy lời Chúa cho họ.

(Ðến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: "Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật". Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: "Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy". Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.

2) Người bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã chọn cho chúng tôi phần gia sản, vinh dự của Giacob mà Người sủng ái. - Ðáp.

3) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta. - Ðáp.

 

Alleluia: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 16, 20-23a

"Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa".

Ðó là lời Chúa.


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Chiều kích hiện diện thần linh trong chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh càng tỏ hiện trong bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh hôm nay. Ở chỗ, "Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng", đến độ họ chỉ biết ngây ngất hoan hưởng sự hiện diện thần linh lạ lùng ấy không còn nói lên lời: "Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa".

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa'".

 

Sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô nơi các tông đồ nói riêng và chung Giáo Hội được chứng tỏ nơi 2 dấu hiệu: khổ đau và vui mừng, hay khổ đau để sinh hoa kết trái, như người đàn bà quằn quại sinh con, hay như cành nho vì dính chặt với thân nho đã sinh trái lại càng cần được cắt tỉa cho sai trái hơn (xem Gioan 15:2). Chính niềm vui hay hoa trái trổ sinh nơi tình trạng gian nan khốn khó của Kitô hữu là những gì chứng tỏ đích thực nhất sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô nơi họ, như thân nho tràn đầy nhựa sống thần linh tuôn sang cho họ để họ sinh hoa kết trái như Người mong muốn, xứng với quyền lực thần linh phục sinh của Người (xem Mathêu 28:18).

Trong bài Phúc Âm hôm nay còn chất chứa một hình ảnh về người đàn bà sinh con. Việc sinh con có triệu chứng đớn đau. Và cơn đau đớn khi sinh con này bởi đâu mà có ngay lúc bấy giờ, nếu không phải bởi chính đứa con, vai chính trong cuộc, đã tới ngày giờ cần phải được sinh ra nên đòi ra, từ đó gây ra những biến động co thắt nơi bụng dạ của người mẹ, khiến bà cảm thấy đau đớn.

Trong lãnh vực siêu nhiên cũng thế. Mẹ Maria chịu đớn đau nhất vào lúc Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn, và bấy giờ Người không còn đau nữa nhưng Mẹ Maria bị nhói lên, đau cái đau của Người và đau cái đau thay Người, mà cái đau như gươm sắc thâu qua lòng của Mẹ (xem Luca 2:35) bấy giờ không phải bởi lưỡi đòng gây ra cho Mẹ mà là bởi chính Người Con yêu dấu của Mẹ bị đâm, tức là chính Con Mẹ làm cho Mẹ đau, như thai nhi đạp bụng mẹ khiến mẹ đau để nó có thể lọt lòng mẹ mình vậy. Dấu hiệu đớn đau khi sinh con của người đàn bà theo tự nhiên cũng phản ảnh chẳng những cái đau đớn thiêng liêng để sinh Chúa Kitô ra cho các linh hồn mà còn cả vai trò chủ động của Chúa Kitô trong việc cứu các linh hồn nhờ những đau thương của chi thể của Người, như các cành nho đã sinh trái được cắt tỉa đi cho càng sinh hoa kết trái hơn nữa (xem Gioan 15:2).

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, để có thể sinh Chúa Giêsu ra cho các linh hồn, (hơn là, hay cũng là, sinh các linh hồn vào sự sống thần linh), linh hồn nào cũng phải trải qua một cơn đau đớn khủng khiếp với Chúa Giêsu và như Chúa Kitô Tử Giá, và chính cơn đau hiệp thông thần linh này là dấu hiệu cho thấy tình trạng hiệp thông thần linh của Kitô hữu đã lên đến tột đỉnh, đến độ Chúa Kitô nơi họ sắp được, hay đang được, sinh ra cho các linh hồn qua họ là một linh hồn được tuyển chọn, dù họ là nam nhân chứ không phải nữ nhân, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định “ai là mẹ Tôi” khi Người chỉ tay vào thành phần môn đệ nam nhân của Người bấy giờ (xem Mathêu 12:49-50).

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 18:9-18)

 

Sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô Phục Sinh và Thăng Thiên quả thực đã hiện diện một cách tỏ tường nơi vị tông đồ dân ngoại Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay, khi Người tỏ mình ra cho ngài vào "một đêm kia" và trấn an ngài trong một thị kiến rằng: "Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo". Bởi thế, cho dù ngài bị kịch liệt chống đối và bị điệu ra tòa, ngài vẫn đã có chính thẩm quyền dân sự bênh vực ngài:

 

"(Ðến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: 'Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật'. Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: 'Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy'. Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế".

 

Tình trạng gian nan khốn khổ của Thánh Phaolô trong chuyến truyền giáo thứ hai của ngài ở Hy Lạp, cùng với những lời trấn an và phấn khích ngài tiếp tục sứ vụ tông đồ truyền giáo của ngài trong Bài Đọc 1 hôm nay đã được bày tỏ trong Thánh Vịnh 46 nơi Bài Đáp Ca cùng ngày, nhất là ở câu xướng 1 và 2: Câu 1 - "Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian" (Đáp Ca câu xướng 1): "Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con" (Bài Đọc 1); Câu 2 - "Người bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã chọn cho chúng tôi phần gia sản" (Đáp Ca câu xướng 2): "trong thành này, Ta có một dân đông đảo".

 

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật VI Phục Sinh

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 18, 23-28

"Apollô trưng Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Sau khi ở lại Antiôkia ít lâu, Phaolô ra đi, lần lượt ngài đi qua các vùng Galata và Phrygia, làm cho tất cả môn đồ thêm vững mạnh.

Bấy giờ có một người Do-thái tên là Apollô, quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh Kinh, ông đến Êphêxô. Ông đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan. Vì thế ông bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường. Khi Priscilla và Aquila nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa. Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ xin họ tiếp đón ông. Ðến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 8-9. 10

Ðáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.

2) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.

3) Vua chúa của chư dân, đã nhập đoàn với dân riêng Thiên Chúa của Abraham. Vì các vua chúa địa cầu thuộc quyền Thiên Chúa: Người là Ðấng muôn phần cao cả! - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 16, 23b-28

"Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha".

Ðó là lời Chúa.

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô nơi thành phần môn đệ của Người sẽ lên tới tột đỉnh khi mà họ được hiệp nhất nên một với Người như thể họ là chính Người. Ở chỗ, như lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh đang tiếp tục chiều kích Hiện Diện Thần Linh theo chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh hậu Bát Nhật Phục Sinh, không phải họ chỉ "nhân danh Thầy mà xin Cha", mà còn lấy chính tư cách Chúa Kitô để xin Cha: "Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu". 

 

Tại vì chính họ được Cha của Người yêu thương nhờ sự hiện diện thần linh của Người nơi họ, tức là nhờ họ tin vào Người, tin rằng Người "bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha", chấp nhận Người đúng với căn tính thần linh của Người, chứ không tin Người chỉ là một con người thuần túy, và chỉ khư khư giữ chặt lấy Người như Người là của họ, thuộc về họ theo như ý của họ. 

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha'".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, ở câu cuối, chúng ta chẳng những đọc thấy những lời Chúa Kitô báo trước về biến cố thăng thiên về trời của Người: "Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha", mà còn, ở câu đầu, đọc thấy một hiện diện thần linh sâu xa, một hiệp thông thần linh trọn hảo giữa Chúa Kitô và Giáo Hội nói chung và các môn đệ của Người nói riêng, ở chỗ: "Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu".

Ở trong bài Phúc Âm hôm qua, chúng ta đã thấy được tột đỉnh của tình trạng hiệp thông thần linh nơi các môn đệ Chúa Kitô, đó là được thông phần đau khổ với Người và như Người, nhờ đó mới có thể làm chứng về Người và cho Người, nghĩa là mới có thể sinh Người ra nơi các linh hồn, ở chỗ làm cho các linh hồn nhận biết Người mà được sống, nhờ đó, những đau khổ của họ đã trở thành niềm vui cho họ là thế, vì được chịu khổ vì Chúa Kitô và cho phần rồi các linh hồn, một niềm vui thần linh tràn đầy bình an không thể nào có được trên thế gian này nếu không xuất phát từ quyền lực phục sinh của Chúa Kitô.

 

Tột đỉnh của tình trạng hiệp thông thần linh trong bài Phúc Âm hôm nay cũng thế, cũng trở nên một với Chúa Kitô, đến độ Người không cầu cho các môn đệ của Người nữa mà chính các môn đệ của Người cầu cùng Cha của Người như Người đã làm, và Cha của Người sẽ nghe họ như đã nghe Người. Tức là họ có thần thế trước nhan Cha của Người, Đấng nhìn thấy Người nơi họ và chắc chắn sẽ đáp ứng lời nguyện cầu của họ, và lời nguyện cầu của họ bấy giờ không phải của họ nữa mà là của chính Chúa Kitô, Đấng chỉ mong phần rỗi cho nhân loại, và chuyển cầu cho nhân loại được cứu rỗi, một lời chuyển cầu đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì Ngài sai Con Ngài xuống trần gian (xem Gioan 3:16) và không dung tha cho Con Ngài (xem Roma 8:32) chỉ có một mục đích duy nhất là cứu độ nhân loại mà thôi.

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 18:23-28)

 

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy Chúa Kitô hiện diện thần linh nơi một con người đặc biệt tuy chưa chính thức thuộc về thành phần môn đệ của Người, đó là Apollô, một con người chỉ mới biết phép rửa thống hối của Tiền hô Gioan, nhưng đã tỏ ra "nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô... bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường".

 

"Bấy giờ có một người Do-thái tên là Apollô, quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh Kinh, ông đến Êphêxô. Ông đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan. Vì thế ông bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường".

 

Vấn đề ở đây là với một con người như vậy, từ vô danh tiểu tốt tự nhiên được nổi tiếng, thế mà nhờ sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô trong thành phần môn đệ của Người, nên các vị chẳng những không ghen tị và đố kị, như tông đồ Gioan xưa kia tỏ ra đối với một người không thuộc về nhóm tông đồ đã nhân danh Thày mà trừ quỉ (xem Marco 9:38; Luca 9:49), trái lại, còn giúp thêm cho nhân vật mới lạ này nữa, để vị này càng nổi nang hơn, nghĩa là càng làm rạng danh Chúa Kitô hơn:

 

"Khi Priscilla và Aquila nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa. Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ xin họ tiếp đón ông. Ðến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô".

Nhân vật Apollo trong Bài Đọc 1 hôm nay, tuy chưa chính thức là môn đệ của Chúa Kitô, mà đã "thông biết Thánh Kinh", "đã học thông đạo Chúa", "nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô" "minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô Thiên sai" quả thật là trường hợp rất thích hợp với ý nghĩa của câu xướng thứ 1 và 3 trong Bài Đáp Ca hôm nay: "Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian" (Thánh Vịnh 46:2-3); "Vua chúa của chư dân, đã nhập đoàn với dân riêng Thiên Chúa của Abraham" (Thánh Vịnh 46:10)

 

 

Thánh Bênađinô Siêna

20/5

Thánh Bênađinô Siêna
Bênađinô Siêna có tâm hồn nhạy cảm. Ngài rất thương mến những người nghèo khổ.

 

THÁNH BÊNAĐINÔ SIÊNA HIỂN TU

Ngày 20 tháng 05

 

Thánh Bênađinô nổi tiếng là một chiến sĩ Phúc âm vì suốt đời ngài đã tận tụy rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho dân miền Tuscia, Lombađia, Rôma và Mác Ancônê... Thật ngài quả xứng đáng được người đương thời xưng tụng là “cán bộ trung kiên của Vua Trời”.

 

Bênađinô sinh ra và chịu phép rửa tội trong cùng một ngày 08-9-1380, sau này nhớ lại ngày hạnh phúc đó, Bênađinô đã viết những giòng đầy cảm động: “Ôi ngày hạnh phúc, ngày mà tôi được sinh ra làm người, và làm con đích thực của Thiên Chúa hằng sống”. Quả thế, vì muốn Bênađinô sớm trở thành người con riêng của mình, Thiên Chúa đã để cho ngài chịu số phận mồ côi mẹ hồi mới lên ba tuổi, và mất cha khi chưa được sáu tuổi. Cha mẹ Bênađinô là những tín hữu nhân đức, biết kính sợ Thiên Chúa và quảng đại với tha nhân. Sau hai lần chịu tang, Bênađinô được Chúa giao cho mấy bà dì đạo đức, là Điana, Poa và Batôlômêa. Các bà thay người chị quá cố, nuôi dưỡng và dậy dỗ cháu về mọi phương diện, nhất là đời sống trọn lành. Đáp lại lòng tốt của các dì, Bênađinô luôn sống ngoan ngoãn, vâng lời và cần mẫn. Năm 12 tuổi, cậu được gửi học tại Siêna, để chuyên về văn chương, triết lý, giáo luật, thần học và Kinh thánh. Năm 17 tuổi, Bênađinô xin gia nhập hội “Anh em con Đức Mẹ” và bắt đầu đời sống hiến thân cho Đức Mẹ. Gặp kỳ dân thành bị bệnh dịch, sinh viên Bênađinô hăng hái lao mình phục vụ bệnh nhân trong nhiều nhà thương. Làm việc như vậy suốt bốn tháng cho đến khi người dì cuối cùng, bà Batôlômêa được Chúa cất về, Bênađinô mới được tự do theo tiếng Chúa kêu gọi.

 

Không trì hoãn, sáng ngày 08-9-1402, thánh nhân đem tất cả gia tài phân phát cho người nghèo khó, rồi tiến thẳng đến gõ cửa một tu viện dòng thánh Phanxicô tại Siêna. Cha tu viện trưởng niềm nở đón nhận và năm sau cho Bênađinô mặc áo dòng. Nhưng hai tháng sau, Bênađinô lại xin rút lui vào một tu viện lập giữa rừng xanh. Ở đây thầy Bênađinô được sống những ngày thinh lặng và gần Chúa hơn lúc nào hết. Nhờ đó nhân đức của thầy không bao lâu đã trổi vượt hơn các tu sĩ khác. Thầy để ý riêng đến nhân đức trinh khiết. Ngày 08-9-1403 thầy Bênađinô được khấn dòng và năm sau chịu chức linh mục. Trong buổi lễ mở tay, cha Bênađinô đã giảng một bài rất sốt sắng về “Mầu nhiệm Sinh nhật của Đức Maria”. Cha cũng rất mộ mến sự thương khó Chúa nên đã có lần tự vác cây thánh giá rất nặng, đi chân không tới một làng gần miền Sangana để ôn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

 

Năm 1405, cha Bênađinô được lệnh bề trên cả sai đi giảng đạo. Mùa hè năm ấy, ngài giảng tại Siêna và Alberinô. Để duy trì ảnh hưởng lâu dài, cha Bênađinô đã lập tu viện Capriola tại Alberinô. Không những là một linh mục đi thuyết giáo, năm 1417, cha còn giữ chức giám thị tại tu viện Fiêôsôlê. Cha làm việc tại đấy cho đến khi được bài sai đi giảng đạo tại Lombađia.

 

Sung sướng như con trẻ được quà của mẹ, cha Bênađinô hân hoan lên đường. Cuối năm ấy, cha đến thành Milanô, một thành ngột những ảnh hưởng đồi phong bại tục. Mùa chay năm 1418, cha giảng tại nhà thờ chính toà Milanô. Dân chúng lũ lượt đến nghe lời cha. Lúc ra về, vẻ phấn khởi hiện trên nét mặt mỗi người, họ chuyền miệng nhau một lời quyết đoán: “Cha Bênađinô nhân đức quá, cha là sứ giả đích thực của Thiên Chúa...” Người ta còn kể, một lần kia đang giảng, cha bỗng yên lặng, mắt nhìn trời. Dân chúng bỡ ngỡ, trố mắt nhìn theo... Đến sau mới hay là chính lúc đó cha Bênađinô được Chúa cho trông thấy linh hồn trinh bạch của bà dì Điana, một thiếu phụ nhân đức đã giúp cha rất nhiều trong thời thơ ấu, được Chúa gọi về trời. Mọi người sung sướng và không ngớt lời ca tụng nhân đức của người tôi tớ Thiên Chúa! Tín nhiệm đời sống thánh thiện của cha, năm 1419, bề trên lại sai cha đi giảng tại nhiều tỉnh khác ở về phía bắc.

 

Công việc truyền giáo của cha Bênađinô được kết quả tốt đẹp một phần là nhờ ở những phép lạ Chúa đã làm qua tay cha. Năm 1420, tại Mantua, một tên lái đò ghét đạo, không chịu chở ngài qua sông, nhưng được ơn soi sáng cha cởi áo choàng, giơ tay làm dấu thánh giá rồi trải ra làm mảng qua sông. Tại Bergnô và Brescia cha đã khéo léo dàn xếp và gây tình đoàn kết giữa nhiều đảng phái. Năm 1423, tại Vêronnê, cha lại cải tử hoàn sinh một người bị chết vì hoả hoạn.

 

Từ đó tiếng nhân đức của cha Bênađinô càng vang xa. Nhiều Giám mục và cha xứ biên thư xin cha đến giảng các tuần đại phúc. Lợi dụng những dịp đặc biệt này cha Bênađinô cổ võ việc tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu. Số người đến nghe cha giảng rất đông. Có lần tới hai vạn người chen chúc nhau không kể chi những cơn mưa giông của chiều hè. Trong số thính giả trung thành của cha, người ta kể đến Đức Piô II khi đó còn là một sinh viên đại học thành Siêna. Ngoài ra cha Bênađinô còn vận động dựng nhiều tượng đài đặt tượng Đức Mẹ để giáo hữu lui tới cầu nguyện. Kết quả và hoạt động tông đồ của cha là một số rất đông người khô khan trở nên sốt sắng, người chưa biết đức tin được ánh sáng Phúc âm chiếu dọi.

 

Năm 1427, cha Bênađinô lần lượt giảng mùa chay tại Ombria và Viterbê. Sau đó cha sang Rôma để biện bạch những lời vu cáo của bè rối. Trước mặt Đức Giáo Hoàng Máctinô V và một số các cha dòng Đaminh, cha Bênađinô đã trả lời khiêm tốn, gẫy gọn và xác đáng những vấn nạn hội đồng nêu lên. Và kết quả sau cùng là Đức Giáo Hoàng tuyên bố chuẩn nhận lời rao giảng của cha Bênađinô là không có gì trái với đức tin và luân lý công giáo. Sau đó cha lại được mời giảng tại Rôma. Cha giảng 114 bài kèm theo nhiều phép lạ. Vì cảm mến, giáo dân thành Siêna đệ đơn xin Đức Giáo Hoàng đặt cha làm Giám mục, nhưng cha đã khôn khéo và khiêm tốn từ chối.

 

Năm 1431, cha Bênađinô lại đến giảng tuần đại phúc tại Tuscia, Lombađia, Macancônê. Cuốn biên niên sử do một số sử gia thành Forli chép, cho chúng ta biết phần nào kết quả rực rỡ Chúa đã ban cho cha trong thời gian này. Lời Thánh vịnh sau đây áp dụng về cha thật rất đúng: “Miệng người công chính giảng lời khôn ngoan” (Tv.31,30).

 

Sau nhiều năm đi rao giảng, năm 1438, cha Bênađinô được làm bề trên tỉnh dòng Phanxicô cải tổ tại Italia. Với lòng nhiệt thành sẵn có, cha tận tâm giúp các tu sĩ sống nhiệm nhặt theo đúng tinh thần luật dòng. Nhưng mấy năm sau, vì có nhiều tu viện tỏ ý phản đối nếp sống khắc khổ của cha, cha Bênađinô bèn xin Đức Giáo Hoàng Êugiêniô IV cho từ chức. Từ đó cha Bênađinô lại tiếp tục lăn mình vào công việc truyền giáo, dù khi đó cha đã tuổi già sức yếu! Cha giảng thuyết tại Milanô, phản đối những tư tưởng rối đạo của một giáo sư đại học tên là Amêđi. Mùa chay năm 1443, theo lời mời của hai hầu tước thành Ferrarê và Pađôva, cha đến giảng tại nhà thờ chính toà của mỗi thành và được dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng!

 

Năm sau, cha Bênađinô đến ngụ tại tu viện Capriôla. Tại đây ngài dọn nhiều bài giảng về “Tám mối phúc thật” và viết một cuốn sách nhỏ nhan đề là “Đời sống Kitô hữu” (Christiana vita). Mùa chay năm ấy cha đi giảng tại Missa. Nơi đây cha đã làm phép lạ chữa khỏi một người bất toại từ nhỏ. Sau đó cha tiếp tục đi diễn thuyết tại thành Đômê với đề tài “Đức thanh liêm của chính quyền...”. Cha làm việc liên lỉ như thế... cho đến ngày 20-5, ngày vọng lễ Chúa Lên Trời, bất ưng cha ngã bệnh nặng. Biết giờ đã đến, cha xin chịu các phép sau hết và êm ái trút hơi thở cuối cùng.

 

Tin buồn loan đi, dân chúng nô nức kéo đến viếng xác cha, vì số dân đông quá, người ta phải để thi hài cha tại nhà thờ suốt 20 ngày; trong thời gian đó, như để thưởng công đời sống đạo đức của cha, Chúa đã ban ơn cho nhiều người được khỏi bệnh khi chạm đến thi thể hay đồ dùng của cha. Vì thế số người tứ xứ kéo đến xin các đồ dùng của cha về làm vật kỷ niệm cứ mỗi ngày một đông.

V

ì lòng sùng mộ, ngay năm đó nhiều nơi đã đệ lên xin Đức Giáo Hoàng cho phép kính cha như một vị thánh. Riêng cha Gioan Capitranô còn đến Napôli cộng tác với Hoàng đế Anphong Aragon cổ động phong trào phong thánh cho cha Bênađinô. Hàng trăm lá đơn thỉnh cầu được đệ lên Đức Giáo Hoàng. Đầu tiên Đức Nicôla V chỉ muốn giãn lại để việc điều tra được kỹ lưỡng. Nhưng vì phong trào vận động mỗi ngày một sôi nổi, nên ngày 24-5-1450, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Đức Giáo Hoàng đã long trọng tuyên bố ghi tên cha Bênađinô vào sổ các vị hiển thánh.

http://tinmung.net

http://bangiaoly.org/tu-duc/phung-vu-chu-thanh/19-05-thanh-benadino-siena/


Nhờ việc tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu và lòng sùng kính Mẹ Maria, Bênađinô Siêna đã đem hàng ngàn người trên khắp nước Ý trở về với Giáo hội.

Thánh Bênađinô Siêna sinh năm 1380 tại một thị trấn gần thành phố Siêna, nước Ý. Ngài là con trai của một nhà chức sắc người Ý. Song thân Bênađinô qua đời khi ngài mới lên bảy. Những người bà con của Bênađinô quý mến ngài như con ruột của họ. Họ cũng cho Bênađinô ăn học đến nơi đến chốn. Bênađinô trưởng thành với dáng vẻ một cậu trai cao to đĩnh đạc. Bênađinô có tính pha trò nên các bạn bè của Bênađinô thích được ở bên ngài. Tuy nhiên, họ biết rằng không nên nói bất cứ lời thô tục nào khi có sự hiện diện của Bênađinô, vì ngài sẽ không khoan thứ cho điều ấy. Hai lần khi một gã thanh niên kia dụ dỗ Bênađinô phạm tội, cả hai lần Bênađinô đã tặng cho hắn một quả đấm và đuổi hắn đi.

Thánh Bênađinô Siêna có một tình yêu đặc biệt nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria. Chính Đức Mẹ là Đấng gìn giữ tâm hồn ngài trong sạch. Ngay khi còn ở tuổi niên thiếu, Thánh Bênađinô Siêna đã đơn sơ cầu nguyện với Đức Mẹ y như một con trẻ thưa truyện với mẹ nó vậy.

Bênađinô Siêna có tâm hồn nhạy cảm. Ngài rất thương mến những người nghèo khổ. Lần kia, người cô của Bênađinô Siêna không còn thức ăn cho thêm một người hành khất nữa, cậu bé liền la lớn tiếng: “Thà con chịu bỏ đói còn hơn là để cho người đàn ông đáng thương ấy phải ra đi mà chẳng được chút gì!” Năm 1400, khi cơn dịch tả tấn công thành phố, Thánh Bênađinô và các đồng bạn của ngài đã tình nguyện tới giúp bệnh viện. Họ ngày đêm săn sóc những người đau yếu và hấp hối suốt sáu tuần lễ cho tới khi cơn dịch chấm dứt.

Khi lên hai mươi hai tuổi, Bênađinô Siêna gia nhập dòng Thánh Phanxicô khó khăn. Rồi Bênađinô Siêna làm linh mục. Sau nhiều năm phục vụ, thánh nhân được chỉ định tới các thị trấn và thành phố rao giảng. Thánh Bênađinô Siêna đã nhắc nhớ cho mọi người về lòng yêu thương của Đức Chúa Giêsu. Trong những ngày ấy, các thói xấu làm suy vi tinh thần đạo đức của cả người già lẫn con trẻ. “Làm sao con có thể tự mình cứu lấy những người này?” trong lời kinh, Bênađinô Siêna đã hỏi Thiên Chúa. “Con có thể dùng thứ vũ khí nào để chống lại ma quỷ?” và Thiên Chúa trả lời: “Thánh Danh Ta đủ cho con!” Vì thế, Bênađinô Siêna đã rao giảng lòng tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu. Ngài sử dụng Thánh Danh này rất nhiều lần trong mỗi bài giảng. Thánh nhân xin người ta in Thánh Danh Chúa Giêsu và dán trên các cổng ra vào của thành phố, trên khắp các cánh cửa... Nhờ việc tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu và lòng sùng kính Mẹ Maria, Bênađinô Siêna đã đem hàng ngàn người trên khắp nước Ý trở về với Giáo hội.

Thánh Bênađinô Siêna đã trải qua bốn mươi hai năm trong đời tu dòng Phanxicô. Thánh nhân qua đời ngày 20 tháng Năm năm 1444 tại Aquila, nước Ý, hưởng thọ sáu mươi tư tuổi. Chỉ sáu năm sau, năm 1450, Bênađinô Siêna được đức thánh cha Nicôla V tôn phong hiển thánh.

 Thánh Bênađinô Siêna đã thực sự quan tâm đến mọi người. Thánh nhân đã dùng tất cả nghị lực và niềm vui của mình để phục vụ Đức Chúa Giêsu và làm cho người ta yêu mến Thánh Danh Chúa. Chúng ta cũng hãy năng cầu xin “Thánh Danh Chúa Giêsu.”

Nguồn:https://dongten.net

https://dongten.net/2019/05/19/hanh-cac-thanh-20-05-thanh-benadino-siena/

http://www.cgvdt.vn/lich/hanh-cac-thanh/thanh-benadino-siena_a2242

http://www.donggioanthienchua.net/hanh-cac-thanh-20-05-thanh-benadino-siena.html

 

Một trung gian cần thiết

Chúng tôi lại kiên quyết chủ trì quan điểm của chúng tôi nhờ uy tín thánh Giêrônimô, hoặc, theo ý kiến một ít người, nhờ uy tín của một văn gia cổ nhân, tác giả một bài giảng được in gồm trong tác phẩm của thánh tiến sĩ. Trong bài đó, ta còn đọc thấy những lời này: “Trong Chúa Giêsu, ân sủng dư đầy như trong đầu, để từ đó phát nguyên; còn trong Mẹ Maria, thì ân sủng sung mãn như trong cổ, dẫn lộ ban phát ra”. Ý nghĩa câu trên là Chúa Giêsu choán gồm sung mãn mọi ân sủng, và chúng ta, những chi thể của Chúa, chúng ta phải đến lĩnh nhận từ Chúa mọi sức sống, tức là những cứu trợ chí linh cần thiết để được sống đời đời. Nhưng Mẹ Maria thì choán gồm mọi ân sủng như cổ gồm chứa sức sống để thông lưu mọi phần chi thể. Tư tưởng đó cũng là của thánh Bênađinô Siêna; thánh nhân còn giảng rõ ràng hơn nữa rằng: “Nhờ Mẹ Maria điều hành, hết mọi ân sủng của đời sống thiêng liêng phát nguyên từ Chúa là đầu, đã chan hòa đổ xuống trên các tín hữu là nhiệm thể Chúa”.

Thánh Bonaventura cũng luận lý như sau: “Thiên Chúa đã đoái đến cư ngụ trong lòng Mẹ Đồng Trinh chân phúc, nên tôi không ngại quả quyết rằng từ đó, Mẹ đã thu dụng một quyền lợi trên toàn thể các ân sủng, vì từ cõi lòng trinh vẹn của Mẹ, như từ một đại dương thiên quốc, hết mọi dòng sông ân tứ đã phát nguyên cùng với Chúa Giêsu”. Thánh Bênađinô Siêna còn trình bày tư tưởng trên bằng những lời văn trang trọng và quả quyết hơn nữa, ngài viết: “Từ ngày Mẹ Đồng Trinh phôi dựng Ngôi Lời Thiên Chúa, Mẹ đã được sử dụng toàn quyền tài phán đối với tất cả những cuộc nhiệm sinh của Thánh Linh nơi trần gian – nghĩa là hết mọi linh ân Thánh Linh thông ban cho loài người – đến nỗi từ ngày đó, không một ai được Chúa ban ân sủng, mà lại không phải đến lĩnh nhận qua trung gian và qua bàn tay của Mẹ Maria, Người Mẹ nhân từ âu yếm của chúng ta”.

Cũng theo cùng một chiều hướng vấn đề chúng ta đang theo dõi, một tác giả đã chú giảng một câu trong sách tiên tri Giêrêmia, lúc nhà tiên tri nói đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đã tiên báo một nữ nhân sẽ vòng quanh Thiên Chúa làm Người (Gr 31, 22). Tác giả đó viết: “Như một đường thẳng kéo từ tâm một vòng tròn không thể ra miền ngoài vòng tròn được, nếu không cắt đường tròn, thì cũng không thể có ân sủng nào phát xuất từ Chúa Giêsu, tâm điểm mọi ơn lành, đến với chúng ta được mà không qua Mẹ Maria, Người đã thực sự vòng quanh Con Thiên Chúa mọi chiều, khi thụ thai trong lòng Mẹ”.

Căn cứ vào những lẽ trên, thánh Bênađinô Siêna kết luận: “Tất cả mọi ơn trời, tất cả mọi nhân đức cũng như tất cả mọi ân sủng đều do tay Mẹ Maria ban phát, phát cho ai, phát lúc nào, phát thế nào, tùy ý Mẹ cả”. Và cha Risa cũng làm dội lại lời thánh nhân: “Trong tất cả các ơn lành ban cho thụ tạo, Chúa không muốn một ơn nào được ban ra mà không qua tay Mẹ Maria”. Thế nên, đức viện phụ đáng kính đan viện Celles khuyến khích mọi người chúng ta chạy đến cùng Đấng mà ngài xưng tụng là “Quản Thủ kho trời ân sủng”. Ngài kêu gọi: Đến đi, anh em, đến với Mẹ Đồng Trinh vinh phúc, vì phải nhờ Mẹ làm trung gian, thế giới và toàn thể nhân loại mới thấy các nguyện vọng của mình đựơc thực hiện, khi giơ tay lĩnh nhận ơn lành.

Điều đó thực quá rõ ràng. Khi quả quyết rằng hết mọi ân sủng chỉ trào xuống chúng ta qua Mẹ Maria, các thánh và các tác giả, mà chúng tôi hân hạnh được viện chứng, hẳn đã chỉ chú ý nói rằng: chúng ta đã nhờ Mẹ Maria mà được Chúa Giêsu là nguyên ủy mọi ơn lành, như tác giả chúng tôi đã nói trên kia chủ trương, nhưng các ngài cũng lại quả quyết rằng: ban Chúa Giêsu cho chúng ta rồi, Thiên Chúa còn muốn phàm bất cứ ân sủng nào đã, đang và sẽ được ban ra cho đến tận thế nhờ công trạng Chúa Cứu Thế lập, đều phải được ban ra hết thảy nhờ Mẹ Maria can thiệp và ban phát.

Thánh Anphong Ligouri

http://www.dongcong.net/MeMaria/VinhQuangDM1/73.htm

 

 

Lễ Thăng Thiên Năm A-B-C

 Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh hay Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

"Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng: "Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa' hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! - Ðáp.

3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

"Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời".

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 28, 16-20 (Năm A)

"Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy".

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

Ðó là lời Chúa.

 

Phúc Âm: Mc 16, 15-20 (Năm B)

"Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.

 

Phúc Âm: Lc 24, 46-53 (Năm C)

"Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống". Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.

Ðó là lời Chúa.

 

(XIN XEM CHIA SẺ PVLC CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN ĐẦU TUẦN VII)

Phụng Vụ Giờ Kinh

Đây ngày thánh muôn dân từng mong đợi
Đã bừng lên thật chói lọi huy hoàng :
Đức Ki-tô niềm tin của thế giới
Lên cõi trời ngợp vinh hiển cao sang.

Bên Thánh Phụ Người tỏ bày chi tiết
Cuộc giao tranh qua thập tự máu hồng.
Thủ lãnh thế gian chính Người tiêu diệt,
Thân thể Người đầy chiến tích oai phong.

Người ngự giá trên mây trời lộng lẫy,
Gieo niềm tin cho tín hữu chắc rằng :
Cửa thiên quốc, tội A-đam đóng lại,
Nhờ ơn Người, nay mở rộng thênh thang.

Ôi vĩ đại, niềm hân hoan khôn tả :
Này người con Trinh Nữ Ma-ri-a
Sau bao nỗi khổ hình, sau thập giá,
Được lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.

Nào ta hãy cùng dâng lên Cứu Chúa
Muôn muôn lời cảm tạ với ca khen :
Người cất nhắc lên cõi trời muôn thuở
Xác phàm nhân, thân cát bụi yếu hèn.

Nguyện xin Chúa cho đoàn con chia sẻ
Nỗi vui mừng của chư thánh thiên cung,
Nơi Chúa ban cho các ngài phỉ chí,
Chúng con xin được đôi chút thoả lòng.

Hôm nay Chúa lên trời cao vời vợi,
Xin nâng lòng nhân thế mãi vươn cao,
Và gửi xuống Ngôi Thánh Thần an ủi
Như nguồn ơn hằng tuôn chảy dạt dào.

 

Quỳ lạy Chúa Giê-su Cứu Thế,
Khắp càn khôn yêu quý hết tình.
Ngài là Tạo Hoá uy linh,
Nhưng thời sau hết giáng sinh làm người.

Lòng nhân hậu cao vời đến nỗi
Chúa vui lòng gánh tội trần gian,
Lại cam chịu chết nhục nhằn
Cho đoàn con khỏi tử thần lôi đi.

Ngài phá vỡ âm ty ngục thất,
Kẻ tù đày, giải thoát đưa ra,
Khải hoàn cao ngự thiên toà,
Vinh quang bên hữu Chúa Cha muôn trùng.

Xin lượng cả bao dung tha thứ
Muôn lỗi lầm và rủ lòng thương,
Ngày nao tới cõi thiên đường
Chúng con được thấy tỏ tường Thánh Nhan.

Ngài là Đấng sẽ ban ân thưởng,
Xin giờ đây đổ xuống niềm vui,
Chờ mong vinh hiển đời đời
Cùng Ngài chung hưởng trên nơi thanh nhàn.

 

 

Bài đọc 2

Chúa lên trời tăng thêm đức tin cho chúng ta

Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng.

Dịp đại lễ Vượt Qua, Chúa sống lại đã là lý do vui mừng cho chúng ta thế nào, thì Chúa lên trời cũng là đề tài hoan hỷ cho chúng ta hôm nay như vậy. Chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Ki-tô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha. Nhờ các công trình Chúa xếp đặt như vậy, chúng ta được xây dựng trên nền móng vững chắc, để, một khi không còn thấy những điều lạ lùng kinh ngạc nữa mà đức tin vẫn không suy giảm, đức cậy không lung lay, đức ái không lạnh nhạt, thì tình thương của Thiên Chúa lại càng tỏ ra diệu kỳ.

Sức mạnh của những bậc thượng trí, ánh sáng của những tâm hồn tín trung là đây : tin không do dự những gì mắt phàm không xem thấy, và trông cậy không nao núng những gì tầm nhìn không tới được. Nhưng lòng đạo đức này bởi đâu mà phát sinh, hoặc làm sao ai đó được nên công chính nhờ đức tin, nếu ơn cứu độ chúng ta chỉ hệ tại những gì mắt thấy ?

Vậy điều xưa kia thấy được nơi Đấng cứu chuộc chúng ta, nay đã chuyển thành bí tích ; để đức tin nên tinh tuyền và vững chắc hơn, thì lời giáo huấn đã thay cho giác quan, khiến tâm hồn các tín hữu được ánh sáng Chúa chiếu soi, sẵn sàng vâng theo lời giáo huấn đầy thẩm quyền đó. Nhờ được mầu nhiệm Chúa lên trời gia tăng và ân huệ Chúa Thánh Thần củng cố, đức tin đó không khiếp sợ gông cùm, tù tội, lưu đày, đói khát, lửa thiêu, hùm beo cắn xé hay những cực hình tinh vi của những kẻ bách hại. Chính vì đức tin ấy mà khắp nơi trên hoàn cầu không những đàn ông mà cả đàn bà, trẻ con non nớt cũng như thiếu nữ liễu yếu đào tơ, đã chiến đấu đến đổ máu mình ra. Đức tin ấy đã xua trừ ma quỷ, đẩy lui bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại.

Bởi đó, chính các thánh Tông Đồ trước kia, dù đã được bấy nhiêu phép lạ củng cố và bao lời giáo huấn chỉ dạy mà vẫn khiếp sợ trước cuộc Thương Khó dữ dằn của Chúa và do dự không chịu tin Chúa đã sống lại thật, thì nay nhờ mầu nhiệm Chúa lên trời, các ông đã tiến bộ đến nỗi tất cả những gì đã làm cho các ông khiếp sợ đều biến thành niềm vui.

Vì không còn nhìn thấy thân xác của Người nữa, nên tâm trí nhạy bén của các ông dễ nhìn ngắm Đấng, khi xuống trần không rời xa Chúa Cha và khi lên trời cũng chẳng lìa bỏ các môn đệ. Vậy, anh em rất thân mến, khi được đón nhận vào vinh quang rực rỡ của Chúa Cha thì Con Người hiển hiện là Con Thiên Chúa cách tuyệt vời và thánh thiêng hơn lúc nào hết. Và Đấng rời xa các môn đệ theo nhân tính lại bắt đầu hiện diện cách khôn tả theo thần tính. Bấy giờ đức tin sáng suốt hơn bao giờ hết bắt đầu hiểu được Chúa Con ngang hàng với Chúa Cha và không cần phải đụng chạm tới phần xác thể nơi Đức Ki-tô là phần làm cho Người thua kém Chúa Cha. Đành rằng bản tính của thân xác hiển vinh của Chúa vẫn còn đó, nhưng các tín hữu được kêu mời lấy đức tin tiếp xúc với Đấng là Con Một ngang hàng với Chúa Cha, đụng chạm tới Người không phải bằng bàn tay, nhưng bằng tâm trí.

Xướng đápHr 8,1b ; 10,22.23

XChúng ta có một Vị Thượng Tế cao cả ngự bên hữu ngai Đấng uy linh trên trời.

ĐChúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm. Ha-lê-lui-a.

XChúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.

ĐChúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm. Ha-lê-lui-a.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển ; là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.