HHọc Hỏi Thiếu Nhi Fatima
Biệt tặng Phong Trào Thiếu
Nhi Fatima" cho Mẹ được nhận biết và yêu mến"
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
-I- của chị Lucia |
-II- Học Hỏi cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi
của thánh
Louis Grignion de Montfort |
-III- Học Hỏi cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
của thánh
Louis Grignion de Montfort |
-IV- Học Hỏi cuốn Vinh Quang Mẹ Maria
của thánh
Anphongsô Ligôri |
1- "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" là gì?
2- Theo cuốn "Hồi Ký Lucia", Mẹ Maria đã nói gì với 3 Thiếu Nhi Fatima về việc sùng kính Mẹ?
3- Tại sao Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới?
4- Thiên Chúa muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới như thế nào?
5- Chị Lucia đã truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ra sao?
6- Tại sao Thiếu Nhi Fatima ngành Nghĩa cần phải học hỏi cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"?
7- Ai viết cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"?
8- Cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" đã được nói tiên tri như thế nào?
9- Tại sao con người cần phải "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"?
10- Tại sao Mẹ Maria cần phải đuợc con người "Thành Thực Sùng Kính" đặc biệt trong thời gian sau hết này?
11- Mục tiêu của lòng "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" là gì?
12- Bí quyết "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" là gì?
13- "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" giả tạo có những hình thức nào?
14- "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" thực sự có những dấu hiệu nào?
15- Cách thức thực hiện việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" bề ngoài.
16- Cách thức thực hiện việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" bề trong.
17- Cách thức thực hiện việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" tuyệt hảo.
18- Ý nghĩa của việc tận hiến cho Mẹ Maria.
19- Lý do thứ nhất tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
20- Lý do thứ hai tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
21- Lý do thứ ba tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
22- Lý do thứ bốn tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
23- Lý do thứ năm tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
24- Lý do thứ sáu tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
ï25- Lý do thứ bảy tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
26- Lý do thứ tám tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
27- Câu truyện tiêu biểu cho việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria".
28- Người tỏ ra "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" có những đặc tính nào?
29- Người không "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" có những đặc điểm nào?
30- Mẹ Maria đối với những ai "Thành Thực Sùng Kính Mẹ" ra sao?
31- Những hoa trái của việc tận hiến cho Mẹ Maria là gì?
32- Thực hành việc tận hiến cho Mẹ bề ngoài như thế nào?
33- Thực hành việc tận hiến cho Mẹ bề trong như thế nào?
1- "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" là gì?
Trong cuốn Thánh Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 61 và 62, thánh Montfort đã nói
đến ý nghĩa việc Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria như sau.
"Trong mọi cách tôn sùng, kính bái, người ta phải nhằm vào Chúa Giêsu như vật
đích cốt cán và chính yếu. Thiếu điều kiện này, những việc kia là vô hiệu lực,
vì Chúa Giêsu phải là "thủy chung mọi sự vật". Như Người đã phán: "Ta là thủy
chung mọi sự" (Apoc.I.8)...
"Dưới gầm trời, chỉ có tên Giêsu mới có thể cứu vãn được chúng ta. Giêsu là nền
tảng vững chắc Thiên Chúa đã đặt để xây dựng phần rỗi, trọn lành, thánh thiện và
hạnh phúc chúng ta. Ngôi nhà nào không được xây dựng trên tảng đá vững chắc này,
là nhà xây trên đống cát sẽ bị sụp đổ. Ai không liên kết với Chúa Giêsu như
ngành liên kết với cây thì khô héo đi và bị thiêu đốt trong lửa hỏa hào. Ngoài
Chúa Giêsu, người ta chỉ thấy sai lạc, giả dối, bất công, chết chóc và hình phạt
đời đời.
"Trái lại, nếu chúng ta sống động trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu sống động trong
chúng ta, thì không có lý do gì đáng lo ngại cho phần rỗi nữa. Dù các thiên thần
trên trời, các người dưới thế, các ma qủi trong hoả ngục, hay bất cứ một loài
thọ sinh nào khác cũng không thể làm hại được chúng ta, vì không loài nào có thể
làm cho chúng ta mất lòng kính mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu. Nhờ Chúa Giêsu,
với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được liên kết mật thiết với Chúa
Thánh Thần để làm vinh danh Đức Chúa Cha, để làm cho chúng ta nên trọn lành, nên
hương hoa xông tỏa mùi thơm tho sự sống bất diệt cho anh em ta.
"Theo nguyên tắc nói trên, người ta có thể kết luận rằng: Sự tôn sùng Mẹ Maria
chẳng qua chỉ là một phương pháp tiện lợi và hữu hiệu để nhân loại tìm đến với
Chúa Giêsu và tôn thờ Người cách hoàn hảo hơn. Giả như sự tôn sùng này làm ngăn
trở bước đường tiến tới Chúa Giêsu, thì chúng ta phải cương quyết tẩy chay ngay
lập tức và coi như là việc ma qủi bày đặt! Nhưng đâu phải thếù! Chúng ta cần
phải tôn sùng Mẹ Maria để nhờ đó, có thể dễ dàng tìm đến với Chúa Giêsu, thiết
tha yêu mến và hết dạ làm tôi Người mà thôi".
2- Theo cuốn "Hồi Ký Lucia", Mẹ Maria đã nói gì với 3 Thiếu Nhi Fatima về việc sùng kính Mẹ?
Theo cuốn Hồi Ký Lucia, Mẹ Maria đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima
biết về việc sùng kính Mẹ như sau.
Trước hết, vào lần hiện ra thứ hai, 13-6-1917, Mẹ nói với Lucia về sự liên hệ
mật thiết giữa Trái Tim Mẹ với cuộc sống của Lucia: "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên
Tội Mẹ sẽ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa", rồi
ngay sau đó Mẹ đã tỏ cho các em thấy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị vòng gai
quấn chung quanh đâm vào. Như thế, việc sùng kính Mẹ Maria ở tại việc tôn sùng
Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một Trái Tim vô tội song đầy đau thương vì bị
vòng gai tội lỗi loài người đâm vào cần phải được Rước Lễ Đền Tạ vào các Thứ Bảy
Đầu Tháng như Mẹ xin.
Sau nữa, cũng vào lần hiện ra thứ hai trên đây, trưóc khi Mẹ cho Thiếu Nhi
Fatima Lucia biết về mối liên hệ mật thiết giữa cuộc sống của chị với Trái Tim
Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Mẹ đã cho chị biết thêm về ơn gọi và sứ mệnh riêng đặc
biệt của chị, đó là: "Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và
yêu mến". Như thế, căn cứ vào câu nói của Mẹ này, 3 suy luận cần được nêu lên:
thứ nhất, việc sùng kính Mẹ Maria không phải chỉ là một việc tôn sùng cá nhân mà
là một việc tôn sùng chung; thứ hai, việc tôn sùng Mẹ Maria đây chính là việc
nhận biết và yêu mến Mẹ; và thứ ba, việc tôn sùng Mẹ Maria còn đòi hỏi việc
truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
3-
Tại sao Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô
Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới?
Vào lần hiện ra thứ ba,
13-7-1917, sau khi đã cho 3 Thiếu Nhi Fatima được thị kiến thấy hỏa ngục, Mẹ
Maria đa tỏ cho các em biết sự liên hệ cấp thiết và không thể tách rời giữa phần
rỗi đời đời của các linh hồn cũng như giữa vận mệnh thế giới với lòng tôn sùng
Trái Tim Mẹ, khi Mẹ long trọng công bố ý định của Thiên Chúa là: "Các con vừa
thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn tội nhân khốn nạn rơi vào. Để cứu các tội nhân
khốn nạn, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội
Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói với các con được thực hiện thì nhiều linh hồn
sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình".
Như thế, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ
trên thế giới là vì Ngài muốùn cứu các tội nhân khốn nạn đồng thới Ngài cũng
muốn cứu thế giới cho khỏi bị diệt vong. Thật ra, Thiên Chúa đã cứu thế gian nơi
chính Con của Ngài, Đấng đã "đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều
người" (Mt.20:28) rồi. Tuy nhiên, trong thời điểm mà lòng đạo đã và đang "trở
nên nguội lạnh" (Mt.24:12) của chung thế kỷ 20, để có thể lãnh nhận ơn cứu độ
của Ngài nơi Giáo Hội Con Ngài qua việc lãnh nhận các Bí Tích Thánh, con người
văn minh càng tân tiến càng tội lỗi, hơn bao giờ hết, lại cần phải được Trái Tim
Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bù đắp, chở che và cầu bầu cho họ trước Thiên Chúa
là Cha.
4-
Thiên Chúa muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên
thế giới như thế nào?
Cũng vào lần hiện ra thứ ba,
13-7-1917, sau khi tiết lộ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết hai phần đầu của Bí Mật
Fatima là nhiều linh hồn tội nhân đáng thương bị sa hỏa ngục, và ý định của
Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế
giới là để cứu các tội nhân, Mẹ đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết cách thức hay
đường lối Thiên Chúa sẽ dùng và muốn dùng để thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô
Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đó là việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên
Tội Mẹ: "Mẹ sẽ đến để xin hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội
Mẹ". Và thực sự Mẹ đã đến vào ngày 13-6-1929 với chị Lucia ở thành Tuy bên nước
Tây Ban Nha mà báo động: "Đã đến lúc Thiên Chúa xin Đức Thánh Cha hiệp với tất
cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên
Tội Mẹ, nhờ thế Ngài hứa cứu Nước Nga".
Như thế, nếu ngày xưa Thiên Chúa đã tỏ mình cho dân ngoại qua Dân Do Thái ra
sao, thì trong thế kỷ 20 này, Ngài cũng muốn tỏ mình cho thế giới qua trường hợp
Nước Nga như vậy. Ở chỗ, như hiện tượng mặt trời nhảy múa trong ngày 13-10-1917
Mẹ đã làm là để cho mọi người thời đó và thuộc vùng đó tin việc Mẹ hiện ra ở
Fatima thế nào, thì hiện tượng Nước Nga, nơi phát xuất chế độ cộng sản duy vật
vô thần, trở lại cũng là việc làm cho thế giới nhận biết và yêu mến Mẹ Maria như
vậy. Mà nhận biết và yêu mến Mẹ là gì, nếu không phải là thành thực tôn sùng Mẹ.
Thật thế, cũng vào lần hiện ra thứ ba, 13-7-1917, Mẹ Maria còn cho 3 Thiếu Nhi
Fatima biết về tác dụng của việc Thiên Chúa muốn Giáo Hội Con Ngài, tiêu biểu là
Đức Thánh Cha và hàng giáo phẩm thế giới, hiến dâng Nước Nga cho Mẹ để Ngài có
thể nhờ đó thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế
giới, khi Mẹ nói: "Nếu những điều Mẹ yêu cầu được lắng nghe thì Nước Nga sẽ trở
lại và sẽ có hòa bình".
Bởi thế, việc Nước Nga trở lại không phải chỉ là việc Thiên Chúa làm cho một
mình dân Nga nhận biết và yêu mến Mẹ Maria thôi, mà còn làm cho cả thế giới nhận
biết và yêu mến Mẹ nữa, khi họ hoan hưởng một nền hoà bình được ban cho họ,
ngoài tầm tay và lòng mong ước của họ nếu Nước Nga không được chính Thiên Chúa
toàn năng làm cho trở lại. Và một khi Mẹ Maria được thế giới nhận biết và yêu
mến, dù chỉ là một số nhỏ ở khắp nơi khi thấy hiện tượng Nước Nga trở lại mầu
nhiệm này, cũng đủ để Thiên Chúa thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm
Nguyên Tội trên thế giới rồi vậy.
5- Chị Lucia đã truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ra sao?
Để chu toàn ơn gọi và sứ mệnh của mình là làm cho Mẹ được nhận
biết và yêu mến như Chúa Giêsu muốn và được Đức Mẹ cho biết vào lần hiện ra thứ
hai, 13-6-1917, chị Lucia, sau khi trưởng thành và trở thành một nữ tu dòng
thánh Đôrôthêô, chẳng những đã vận động để được giáo quyền địa phương Fatima hợp
thức hoá việc giữ 5 Thứ Bảy Đầu Tháng vào ngày 13-9-1939, mà còn thực hiện những
việc quan trọng khác sau đây.
Thứ nhất là việc chị viết 4 tập Hồi Niệm để thuật lại tất cả Biến Cố Fatima cùng
Sứ Điệp Fatima mà Mẹ Maria đã thực hiện và ban bố khi hiện ra ở Fatima. Nếu cuốn
Hồi Ký có tính cách sử liệu này không được chính chị là nhân chứng sống viết lại
thì nhân loại nói chung và Giáo Hội nói riêng không có chứng tích đích thực về
những gì xẩy ra trên thế giới liên quan đến Bí Mật Fatima phần thứ hai, chẳng
hạn như biến cố Đông Âu sụp đổ vào cuối năm 1989 và biến cố Nước Nga trở lại vào
chính ngày Giáng Sinh năm 1991, như là một kết quả tất yếu theo sau việc Giáo
Hội hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 25-3-1984.
Thứ hai là việc chị viết thư đệ lên Đức Thánh Cha Piô XI và Piô XII. Trong thư
đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24-10-1940, chị đã lập lại điều yêu cầu của
Mẹ trong việc Thiên Chúa muốn Giáo Hội hiệp dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm
Nguyên Tội Mẹ. Trong cũng bức thư này, chị còn xin Đức Thánh Cha Piô XII cho
thiết lập lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là một lễ chính cho cả Giáo Hội
hoàn vũ. Kết quả là Đức Thánh Cha Piô XII đã hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô
Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 31-10-1942 nhân dịp mừng ngân khánh Biến Cố
Fatima. Và ngày 7-7-1952, Đức Thánh Cha đã hiến dâng đích danh Nước Nga cho Trái
Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một việc hiến dâng đã được Đức Thánh Cha Gioan
Phaolô II hoàn tất ngày 25-3-1984, đúng như cách thức Thiên Chúa muốn, nên Ngài
đã thực sự làm cho Nước Nga trở lại ngày Lễ Giáng Sinh 1991. Còn về Lễ Trái Tim
Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria như chị Lucia xin với Đức Thánh Cha Piô XII, thì
theo văn thư của thánh bộ Lễ Nghi ban hành ngày 4-5-1944, Đức Thánh Cha Piô XII
đã chính thức cho mừng vào ngày 22-8 hằng năm, như để ghi nhớ việc ngài hiến
dâng loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 31-10-1942 trước đó.
Thứ ba là việc chị Lucia, cho dù đã trở thành một nữ tu âm thầm của dòng Kín
Carmêlô từ năm 1948, ngay trước khi Biến Cố Đông Âu chưa có một động tĩnh nào
gọi là sụp đổ, đã báo cho thế giới biết rằng Thiên Chúa sẽ giữ lời Ngài hứa, vì
Đức Thánh Cha đã cùng với tất cả các giám mục trên thế giới để hiệp dâng Nước
Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, đúng như lời Mẹ cho chị Lucia biết từ
ngày 13-6-1929. Và quả nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (8-1989), lời
tiên báo của chị Lucia đã trở thành sự thực hiển nhiên đầy ngỡ ngàng trước sự
chứng kiến của tất cả các nước, một biến cố chưa từng có trong lịch sử thế giới,
cũng như hiện tượng mặt trời nhảy múa chưa từng có trong trật tự thiên nhiên.
6- Tại sao Thiếu Nhi Fatima ngành Nghĩa cần phải học hỏi cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"?
Thiếu Nhi Fatima ngành Nghĩa cần phải học hỏi cuốn Thành Thật
Sùng Kính Mẹ Maria là vì những lý do liên quan đến tuổi đời cũng như đến mẫu
sống Thiếu Nhi Fatima của các em như sau
Trước hết, theo tuổi đời của mình, các em ngành Nghĩa ở vào tuổi từ 14 đến 17
tuổi, tức ở vào tuổi lớn hơn Phanxicô là Thiếu Nhi Fatima chết năm gần 11 tuổi
(11/06/1908-4/4/1919), tuổi của ngành Thiếu (10-13), và cũng ở vào tuổi lớn hơn
cả Giaxinta là Thiếu Nhi Fatima chết năm gần 10 tuổi (11/3/1910-20/2/1920), tuổi
của ngành Ấu (6-9), và bằng lứa tuổi của Lucia là Thiếu Nhi Fatima còn sống sót
sau khi Giaxinta qua đi, tuổi chưa trưởng thành và chưa dâng mình cho Chúa trong
viện tu.
Sau nữa, mẫu sống Thiếu Nhi Fatima của ngành Nghĩa là chị Lucia dưới 18 tuổi.
Chị Lucia dưới 18 tuổi tức là chị Lucia chưa đi tu. Mà chị Lucia chưa đi tu tức
là chị Lucia chưa đến lúc bắt tay vào việc làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến,
như đã đề cập đến trong câu hỏi thứ ba. Thế nhưng, để làm cho người ta nhận biết
và yêu mến Mẹ, thời gian trước năm 18 tuổi là thời gian chị Lucia nung nấu lòng
tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễãm Nguyên Tội Mẹ, vì, như Mẹ đã nói với chị: "Trái Tim
Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến với
Thiên Chúa".
7- Ai viết cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"?
Cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" do thánh Louis Grignion de
Montfort viết ra. Nó là một cuốn sách lừng danh nhất của thánh nhân, vì phải
công nhận rằng, thánh nhân đã được Chúa Thánh Thần soi sáng viết lên những điều
chưa hề có thánh nhân nào trước ngài viết về Mẹ Maria và chủ trương một việc
thực hành đối với Mẹ Maria, có tính cách như là một học thuyết và là một linh
đạo. Sau đây là cảm nhận của chính thánh nhân khi viết cuốn sách này, nhận xét
của ngài về phần thực hành của cuốn sách, ước vọng của thánh nhân khi viết cuốn
sách, và thời điểm thánh nhân thấy cần phải phổ biến chủ trương của cuốn sách
như sau.
Thánh nhân đã cảm nhận khi viết cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria ở trong đoạn
13 như sau: "Đây là những điều trí tôi suy tưởng, tay tôi viết ra, và lòng tôi
cảm thấy một niềm vui vô tận! Ấy cũng là tang chứng tỏ ra: cho đến ngày nay,
nhân loại chưa khám phá, chưa am hiểu Mẹ cho đầy đủ, do đó, nhân loại cũng chưa
nhận biết, tin thờ Chúa Giêsu cách xứng đáng. Sở dĩ thế giới nhìn nhận và thần
phục vương quyền Chúa Giêsu, là vì trước hết đã nhìn nhận và phục mạng trinh nữ
Maria, Đấng đã sinh đẻ Chúa Giêsu trong thế giới, thì cũng sẽ làm vinh danh
Người trước mặt muôn dân".
Thánh nhân cũng nhận xét về phần thực hành của cuốn sách ở đoạn 82 như sau:
"Phương pháp chúng tôi trình bày ra đây thật là một bí thuật siêu nhiên, mà phần
đa số giáo dân chưa biết đến, cả những người đạo đức cũng ít khi nghe biết, do
đó, chưa mấy kẻ đưa ra thực hành".
Ước vọng của thánh nhân khi viết cuốn sách này đã được ngài bộc lộ ở đoạn 112
như sau: "Giả như có thể lấy máu của tôi, một đứa con hèn hạ, một đầy tớ bất
trung, để viết vào tâm can mọi người những lý do thúc đẩy người ta kính mến
Maria, Mẹ Thiên Chúa, thì tôi vui lòng thực hành ngay, để khuyến khích nhiều
linh hồn trung thành dõi theo con đường chúng tôi đã vạch ra, và để lấp đầy một
phần nào lỗ hổng mà chúng tôi đã khơi ra vì thiếu lòng kính mến Thiên Chúa và
tôn sùng Mẹ Maria chí thánh".
Thánh nhân cũng cho thấy chủ trương trong cuốn sách cần phải được phổ biến vì
thời điểm của nó ở đoạn 54, 55 và 59 như sau: "Quyền thống trị của Mẹ Maria sẽ
được đề cao sáng tỏ nhất là trong thời gian cuối cùng, lúc mà con rắn già sẽ
rình mò cắn gót chân Người... Trong lúc này, hơn bất cứ lúc nào khác, Thiên Chúa
ứơc muốn cho thế giới nhận biết, yêu mến, tôn sùng Mẹ Maria chí thánh; điều ước
muốn này sẽ được thực hiện, một khi những linh hồn được kén chọn rõi theo con
đường mầu nhiệm và hoàn hảo do Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng, theo như
chúng tôi sẽ đề cập đến sau đây... Đây là những vị Tông đồ đại danh; Mẹ Maria sẽ
vâng lệnh Thiên Chúa tung ra mặt trận để chiến đấu và chiếm lại cương giới đã bị
đối phương trấn đóng. Nhưng bao giờ biến cố này sẽ xẩy đến và được thực hiện
bằng cách nào, đó là điều bí mật, chỉ có một mình Thiên Chúa biết mà thôi. Chúng
ta chỉ có quyền im lặng, cầu nguyện, than thở và chờ đợi".
8- Cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" đã được nói tiên tri như thế nào?
Chính vì tính cách được
linh ứng của mình, với một nội dung vô tiền khoáng hậu về Thánh Mẫu, có thể mang
lại một tác dụng khủng khiếp sau này, mà cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" đã
bị chôn vùi trong bóng tối cả 126 năm, từ khi thánh nhân chết đi vào năm 1716
đến năm 1842, không được ai biết đến.
Một ví dụ điển hình về tác dụng khủng khiếp của cuốn "Thành Thật Sùng Kính Mẹ
Maria" là khẩu hiệu của vị đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Totus Tuus",
một khẩu hiệu được chính Đức Thánh Cha thú nhận trong cuốn "Tặng Ân và Huyền
Nhiệm" của ngài ở chương 3 như sau: "Đây là gốc gác của khẩu hiệu 'Totus Tuus'.
Cụm từ này là của Thánh Louis Grignion de Montfort. Nó là một rút gọn của cả một
mẫu dâng mình cho Mẹ Thiên Chúa như thế này 'Totus Tuus ego sum et onmia mea Tua
sunt. Accipio Te in mea omnia mea. sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mibi
cor Tuum, Maria'. Và nhờ Thánh Louis, Tôi bắt đầu khám phá ra những kho tàng
mênh mông của lòng tôn sùng Mẹ Maria theo những chiều hướng mới...". Chính vị
Giáo Hoàng mang khẩu hiệu "Totus Tuus" bị ám sát không chết vào ngày 13-5-1981,
kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima, đã hoàn tất việc hiến dâng Nước Nga cho Trái
Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 25-3-1984, để nhờ đó, Nước Nga đã trở lại.
Thánh tác giả đã linh cảm thấy tác dụng của cuốn "Thánh Thật Sùng Kính Mẹ Maria"
mà ngài viết và đã dám nói tiên tri về thân phận của nó ở đoạn 114 như sau:
"Chúng tôi trông thấy trước một bầy ác thú đang tiến đến và dùng nanh vuốt
cắn xé Tập nhỏ này, cũng như tác giả mà Chúa Thánh Thần đã dùng để chép nó ra;
hay ít ra, chúng dụng tâm giấu đi ở một nơi thật kín đáo để khỏi đưa ra ánh
sáng. Sau cùng chúng sẽ lên mặt công kích phản đối những độc giả, và nhất là
người sẽ đem áp dụng những phương pháp ghi trong đó. Nhưng không hề gì, càng
thấy thế, chúng tôi càng vững tâm trông cậy rồi đây sẽ lượm được nhiều kết quả,
nghiã là được nhiều người nam nữ hiên ngang như những chiến sĩ ngoài mặt trận đã
tận hiến cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, để cương quyết chiến đấu với ma qủi, thế
gian và xác thịt hôi thối tội lỗi trong thời kỳ nguy hiểm sắp tới. Độc giả hãy
cố gắng tìm hiểu. Mà đã hiểu thì phải hiểu cho thấu đáo!"
"Lời tiên tri của tác giả đã ứng nghiệm từng chữ: Tác phẩm của tác giả bị
một tay địch đem giấu kín tận đáy hòm giữa những đống sách cũ rách! Năm 1842,
một linh mục Dòng Đức Mẹ mới tìm thấy. Ngoài ra, trong thế kỷ XVIII, con cái
thánh Grignion de Montfort đã bị bè rối Giăngsênít bách hại và quấy nhiễu chỉ vì
các ngài muốn thực hiện cách tôn sùng Mẹ Maria theo tinh thần và phương pháp
thánh phụ đã vạch ra, như chúng ta được hân hạnh đọc trong tác phẩm này" (Những
chú giải này là của người dịch thêm vào ở cuối trang sách có lời thánh tác giả
tiên báo trên đây).
9- Tại sao con người cần phải "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria"?
Thánh Montfort đã cho biết
hai lý do tại sao con người cần "Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria" trong cuốn Thành
Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 37 và 39 như sau.
"Thứ nhất: Đức Mẹ được quyền săn sóc các linh hồn do Thiên Chúa chọn lọc và được
cứu rỗi. Đối với các linh hồn đó, Đức Mẹ có quyền thống trị, sinh dưỡng, giáo
huấn và hướng dẫn trên con đường trường sinh như người mẹ hướng dẫn con đẻ của
mình. Ngoài ra, Người có quyền thâu nhận các linh hồn ấy như gia sản qúi báu
Chúa ban tặng để làm cho các linh hồn đó và Chúa Giêsu liên kết chặt chẽ với
nhau; vun giống các nhân đức và cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc thánh
hoá các linh hồn đó.
"Thứ hai: Như Thiên Chúa đã cần phải nhờ đến Maria để thực hiện chương trình và
ý định của Mình, thì nhân loại lại cần nhờ đến Maria để đạt tới mục đích sau
he1t của mình. Do đó, sự tôn sùng Mẹ Maria có tính cách đặc biệt, siêu việt hơn
sự tôn sùng các thánh, chứ không phải vấn đề phụ thuộc không cần cho việc lo
phần rỗi".
Để chứng minh cho lý do thứ nhất tại sao con người cần phải thành thực sùng kính
Mẹ Maria trên đây, thánh Montfort đã diễn giải sâu xa hơn nữa vai trò và khả
năng sinh sản thiêng liêng của Mẹ Maria bởi Chúa Thánh Thần, ở đoạn 20 và 36 như
sau:
"Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, thì Ngôi Ba son sẻ không sinh ra Ngôi nào khác. Tuy
nhiên, nhờ có Maria, Bạn khiết tịnh, mà Chúa Thánh Thần có nguồn sinh lực dồi
dào để tác tạo Ngôi Hai nhập thể, một kỳ công kiệt tác, cũng như tác tạo những
linh hồn được cứu rỗi và những phần tử trong nhiệm thể có Chúa Giêsu làm đầu.
Công trình vĩ đại này, Chúa đã thực hiện với sự hợp tác của Đức Mẹ và do Đức Mẹ.
Bởi đó, khi thấy Maria, Bạn chí thánh của Mình ngự trị và hoạt động trong linh
hồn nào, thì lập tức Chúa Thánh Thần thi ân cách dư dật và cố gắng tái sinh Chúa
Giêsu trong các linh hồn ấy, cũng như tái sinh linh hồn ấy trong Chúa Giêsu".
"Sở dĩ ngày nay Chúa Thánh Thần không thực hiện nhiều việc lạ lùng trong thế
giới nhân loại nữa, là vì nhân loại không liên kết mật thiết với Maria, Bạn trăm
năm của Chúa Thánh Thần. Nói rằng: Maria là Bạn trăm năm của Chúa Thánh Thần, là
vì từ khi Ngôi Thánh Thần, Tình yêu chính yếu của Ngôi Cha và Ngôi Con, đã hợp
tác với Mẹ Maria để sinh ra Chúa Giêsu Cứu Thế, Đầu mầu nhiệm các linh hồn được
ơn chọn lọc, thì Đức Mẹ vẫn giữ một niềm trung tín và sinh sản nhiều con cái
thiêng liêng cho Chúa"
Về lý do thứ hai con người cần phải thành thật sùng kính Mẹ Maria như đã nói đến
trên đây, Thánh Grignion đã cùng với các thánh giáo phụ và các nhà thần học
khẳng định một cách dứt khoát là không tôn sùng Mẹ sẽ không được cứu rỗi, ở đoạn
40 như sau:
"Muốn được cứu rỗi, cần phải thành thực tôn sùng Mẹ Maria... Sự không có lòng
sùng kính, tôn thờ Đức Trinh Nữ Maria, là triệu chứng chắc chắn sẽ bị trầm luân,
trái lại, sự thành thực sùng kính Mẹ sẽ là một đảm bảo chắc cho phần rỗi".
10-
Tại sao Mẹ Maria cần phải đuợc con người "Thành Thực Sùng
Kính" đặc biệt trong thời gian sau hết này?
Thánh Montfort còn nhấn
mạnh đặc biệt đến lý do tại sao vào thời gian sau hết Mẹ Maria càng cần phải
được con người thành thật sùng kính, ở đoạn 50 trong cuốn Thành Thật Sùng Kính
Mẹ Maria, như sau.
"Đây là những lý do khiến cho Thiên Chúa muốn đề cao Maria trong thời gian sau
hết này:
1) Vì lúc sinh thời, Đức Mẹ đã tự hạ mình xuống ở khiêm nhường, coi mình hèn hạ
hơn bụi đất: Người đã thiết tha nài xin Thiên Chúa cũng như các thánh Tông Đồ và
các thánh Sử nói rất ít về mình.
2) Vì Maria là một kỳ công kiệt tác do tay Thiên Chúa tạo thành bằng ơn thánh
khi Người còn sinh sống ở trần gian, và bằng phúc thanh nhàn trên thiên đàng.
Bởi đó, Thiên Chúa muốn cho vạn vật biết đến và tung hô sự nghiệp vĩ đại của
Người.
3) Vì Maria là Rạng đông báo hiệu mặt trời công chính là Chúa Giêsu sẽ mọc ra,
nên người ta phải nhận biết Maria trước, rồi mới nhận thấy Chúa Giêsu sau.
4) Vì Maria là con đường Chúa Giêsu đã trải qua khi thân hành đến với nhân loại
lần thứ nhất, thì cũng sẽ là con đường Người trải qua khi thân hiện xuống lần
thứ hai, mặc dầu hai lần ấy có khác nhau về cách thức và mục đích.
5) Vì Maria là nơi gặp gỡ, là con đường thẳng thắn dẫn đưa nhân loại tìm đến với
Chúa Giêsu. Chính nhờ có Maria mà nhiều nhân vật đã tìm được Chúa Giêsu và được
hoàn toàn thánh hoá.
6) Lúc này đây, Đức Mẹ phải được đề cao trước con mắt nhân loại về ba đặc điểm
cao qúi, tức là lòng nhân từ, thanh thế và ơn nghĩa Chúa.
a- Đức Mẹ phải được đề cao về lòng nhân từ, thương xót, vì lấy tư cách người Mẹ
hiền, Maria sẽ vui lòng đón nhận tất cả những đứa con bội bạc, nhưng thật lòng
sám hối, quyết tâm trở lại với Giáo Hội.
b- Đức Mẹ phải được đề cao thanh thế, vì Người sẽ dùng quyền phép đã sẵn có để
chiến thắng quân địch của Thiên Chúa, tức là những kẻ thờ bụt thần ma qủi, bè lũ
phản đạo, bọn Do Thái cứng cổ và những dân tộc ngoại giáo, sau cùng là những
người cố chấp phản chân lý bằng những lời tuyên truyền xảo quyệt, bằng những thủ
đoạn tra tấn, giam cầm, hãm hại những người không đồng quan điểm với chúng.
c- Sau cùng, Maria phải được đề cao về ơn nghĩa Chúa mà Người đã thâu nhận cách
dư dật để thông cho các chiến sĩ đang chiến đấu cho Thiên Chúa ngoài chiến
tuyến.
7) Vì trong thời gian cuối cùng này, tà thần và bè lũ sẽ tăng cường ở khắp đó
đây, nhất quyết một phen sống mái với con cái Đức Mẹ, những phần tử mà tụi chúng
đã biết mình không thể chiến thắng một cách dễ dàng; chúng thừa biết rằng: thời
gian hãm hại phần rỗi các linh hồn sắp hết rồi, nên chúng ra công hoạt động ráo
riết. Nhưng dầu sao, chúng không thể đương đầu với một Nữ Tướng anh dũng như cả
một cơ đội sẵn sàng lăn mình vào trận địa".Õ
11- Mục tiêu của lòng "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" là gì?
Theo Thánh Montfort,
mục tiêu của lòng thành thực sùng kính Mẹ là để nhờ Mẹ dẫn chúng ta, thành phần
nô lệ tình nguyện phụng sự Thiên Chúa, đến với Chúa Giêsu là trung tâm điểm của
Đức Tin Kitô giáo và là cùng đích của tất cả mọi sự. Thánh nhân đã diễn giải chủ
trương này ở các đoạn 68, 69, 70, 73, 74 và 75 trong cuốn Thành Thật Sùng Kính
Mẹ Maria, như sau.
"Sở dĩ chúng ta sinh ra ở đời là để thực hiện việc phước thiện trong Chúa Kitô.
Chính Người mới là thủy chung mọi tư tưởng, mọi ngôn ngữ, mọi hành động của
chúng ta, theo lời Chúa Thánh Thần. Do đó, chúng ta phải làm việc không những
như đầy tớ làm vì công lênh, nhưng còn làm việc như nô lệ làm cho Chúa mình nữa.
"Ở đời, có hai cách lệ thuộc và tùng phục kẻ khác: lệ thuộc như đầy tớ; và lệ
thuộc như nô lệ. Theo nghĩa thông thường, 'Đầy tớ' tức là người tình nguyện làm
công cho kẻ khác với một số lương do hai bên cùng thỏa thuận. Trái lại, "Nô lệ"
tức là người không có quyền tự quyết nào, hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chủ
gia, kể cả quyền sinh tử. Thứ người này làm việc không công như các gia súc vậy.
"Nô lệ tái phân làm ba thứ: a- Nô lệ tự nhiên (như tạo vật đối với Đấng Hoá
Công); b- Nô lệ cưỡng bách (như ma qủi và các linh hồn hư đi với Đấng Tối Cao);
c- Nô lệ tình nguyện (như các người lành với Chúa là Thiên Chúa của mình)...
"Theo ý chúng tôi, nhân loại phải lệ thuộc Chúa Giêsu không những theo tư cách
người làm công, mà lại theo tư cách nô lệ tình nguyện, do lòng kính mến gây nên,
chính vì lòng kính mến đó người ta mới có sức tận hiến cho Chúa, hoàn toàn lệ
thuộc Người. Trước khi chịu phép rửa tội, chúng ta đều là tôi tá ma qủi; nhưng
sau khi được chịu phép đó, chúng ta đã trở nên tôi tá Chúa Giêsu. Người công
giáo chỉ có một trong hai cách sinh sống: một là làm nô lệ Chúa, hai là làm nô
lệ ma qủi.
"Theo nguyên tắc, những điều gì nói trực tiếp về Chúa Giêsu, cũng có thể hiểu
gián tiếp về Mẹ Maria, Đấng đã được ơn kén chọn làm bạn đồng hành với Chúa từ
khi sinh ra cho đến lúc hơi thở cuối cùng, khi hưởng phúc thiên thai cũng như
lúc cai trị thần nhân vạn vật.
"Tất cả mọi quyền hành thanh thế Chúa tự lập được, thì đã thông ra cho Mẹ Maria
thừa hưởng. Theo ý các thánh: phàm ơn phúc gì xứng hợp với Chúa Giêsu do bản
tính, thì cũng thích hợp với Mẹ Maria do ơn thánh. Theo đó, người ta có thể kết
luận rằng: cả hai Mẹ Con chỉ có một ý muốn, một quyền phép, và cũng có những tôi
tá, nô lệ tình nguyện, trung thành như nhau.
"Theo nguyên tắc này, chúng ta có thể làm tôi và xưng mình làm tôi Mẹ Maria để
nhờ đó, chúng ta tận hiến và làm nô lệ Chúa cách hoàn hảo hơn. Mẹ Maria đã là
con đường Chúa thân đến với nhân loại, thì lẽ tất nhiên, cũng sẽ là con đường để
nhân loại thân đến với Chúa Giêsu... Chúng ta nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa Giêsu
như thế thì làm cho Người sung sướng, cũng như khi thần dân trong nước muốn làm
tôi bà quốc mẫu để nhờ bà mà có thể làm tôi trung thành của hoàng tử, cử chỉ đó
làm hài lòng hoàng tử biết bao!... 'Đức Nữ Trinh Maria là con đường đưa chúng ta
đến với Chúa Giêsu'".
12- Bí quyết "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" là gì?
Nếu mục tiêu của việc
thành thực sùng kính mẹ Maria, như câu hỏi 11 xác định, là nhờ Mẹ đến với cùng
đích của mình là Chúa Giêsu, thì bí quyết của việc thành thực sùng kính Mẹ
Maria, theo Thánh Montfort trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 82,
83, 85 và 89 là hoàn toàn cậy trông nương dựa vào Mẹ.
"Trong những cách thức sùng kính Mẹ Maria, chúng ta phải chọn lọc cách thức nào
tốt nhất giúp chúng ta dễ từ bỏ mình đi hơn để chóng được nên thánh... Trong bậc
tự nhiên, cũng có bí thuật làm việc vừa dễ dàng vừa đỡ phí tổn, mà chóng thành
công, thì trong bậc siêu nhiên cũng có bí thuật, chỉ cần biết lợi dụng là có thể
thực hiện nhiều công việc siêu nhiên vừa nhanh chóng, vừa dễ dàng. Bí thuật đó
chính là khước từ mình đi, kết hợp mật thiết với Chúa để chóng nên trọn lành,
nên thánh.
"Muốn thân đến với Chúa, chúng ta cần phải nhờ nhân vật nào làm trung gian giới
thiệu ta với Chúa... Không phải vô tình mà Thiên Chúa đề cử những nhân vật làm
môi giới cho ta trước tòa Người; vì biết rằng chúng ta không xứng đáng, bất khả
kham, nên đã sẵn sàng ban cho chúng ta những nhân vật có quyền hành thanh thế để
đứng ra can thiệp và bầu cử cho chúng ta được những ơn lành hồn xác Chúa muốn
ban...
"Đồng ý với thánh Bênađô, chúng ta phải quả quyết rằng: nhân loại cần phải có
một đấng trung gian giữa mình và Đấng làm Môi giới nơi Đức Chúa Cha. Việc từ
thiện bác ái này, chỉ có Maria có thể thực hiện được. Nếu Chúa Giêsu đã cậy nhờ
Maria làm trung gian để đến với chúng ta, thì lẽ tất nhiên, chúng ta cũng phải
nhờ Maria để đến với Chúa Giêsu.
"Nếu chúng ta không dám trực tiếp đến với Chúa Giêsu hoặc vị Người oai nghi,
hoặc vì ta thấp kém vô cùng, thì ta hãy can đảm, cậy trông, thiết tha nài xin
Maria, người Mẹ nhân từ bầu cử cho. Maria không phải thứ người nghiêm nghị, khắt
khe; không phải thứ người làm kiêu làm đại như ai kia! Nhìn vào Mẹ, chúng ta
thấy người giống hệt bản tính ta. Người không phải như mặt trời làm lóe mắt kẻ
nhìn cắm vào mình. Trái lại, Người trong trắng, êm dịu, tốt đẹp như mặt trăng.
Mặt trăng có nhiệm vụ chịu lấy ánh sáng mặt trời, làm cho êm dịu đi vừa tầm con
mắt yếu đuối của những kẻ muốn ngước lên ngắm nghía. Maria vốn một lòng từ bi
nhân ái, không hề từ chối một người nào khi họ cầu cứu đến Người, mặc dầu họ là
một tội nhân đến đâu đi nữa
"... Với uy quyền thanh thế đã sẵn có, Mẹ cầu xin cho ai, đều được đắt lời.
Người chỉ việc thân đến trước mặt Con yêu dấu giãi bày tâm sự, là được như ý sở
cầu. Vì tình Mẫu Tử chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, Chúa Giêsu không nỡ nào
từ chối Mẹ mình một điều gì.
"Sống ở giữa thế giới tội lỗi này mà giữ được lòng vững vàng trong đàng công
chính, không phải là điều dễ dàng gì... Cần phải có phép lạ cả thể mói khỏi bị
nhiễm mùi xú uế do tội lỗi xông ra. Phép lạ này chỉ có Mẹ Maria mới thực hiện
được nơi những kẻ thành thực làm tôi Người, vì Người đã ở hết lòng trung tín với
Chúa, nên ma qủi không thể tác hại được Người".
13- "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" giả tạo có những hình thức nào?
Thánh Montfort đã vạch ra 7
cách tôn sùng Mẹ Maria giả tạo, không thật, trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ
Maria, đoạn 92, và ngài đã cắt nghĩa mỗi cách giả tạo này một cách rõ ràng từ
đoạn 93 đến hết đoạn 103, rồi ngài kết luận ở đoạn 104 như sau.
"Bạn cần phải khôn ngoan sáng suốt, không nên hòa mình:
1) Với những người sùng kính có tính cách "bài bác", cứng lòng tin, nhưng lại
hay bình phẩm kẻ khác...
2) Với những người sùng bái có tính cách "đa nghi", chỉ sợ kính mến Đức Mẹ cách
quá đáng!
3) Với những người sùng kính có tính cách "ngoại phu", quá chú trọng đến cái vỏ
mà bỏ cái ruột.
4) Với những người sùng kính có tính cách "tự phụ", quá ỷ lại vào sự tôn sùng
của mình để tha hồ dung túng cho tình dục.
5) Với những người sùng kính có tính cách "bấp bênh" tráo trở như giở bàn tay,
hay phất phơ như cờ theo gió...
6) Với những người sùng kính có tính cách "trá hình", để người ta ngờ mình là
đạo đức, nhưng thực ra không có gì.
7) Với những người sùng kính có tính cách "vị lợi", chỉ biết chạy đến Đức Mẹ để
được những ơn lành phần xác cho đời này mà thôi".
14- "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" thực sự có những dấu hiệu nào?
Thánh Montfort đã liệt kê 5 cách thành thực sùng kính Mẹ Maria ở
đoạn 105 trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, và lần lượt cắt nghĩa từng
cách một từ đoạn 106 đến đoạn 110 như sau.
"1) Sùng kính có tính cách thành thực tức là một thứ sùng kính phát xuất tự đáy
lòng: Theo cách này, người ta dùng cả 'tâm' cả 'trí' để tôn sùng và kính mến: Do
trí hiểu biết một phần nào chức sang, quyền trọng của Mẹ Maria, mà lòng sinh qúi
mến cậy trông.
2) Sùng kính có tính cách thiết tha: là thứ tôn sùng của những người con thảo
hết sức tín nhiệm cây trông vào Mẹ hiền. Trong mọi cơn gian nan khốn khóù hồn
xác, đứa con thảo dù không bảo cũng tự nhiên chạy đến cùng Mẹ với một lòng chân
thành, kính mến, cậy trông, và cầu xin Người giơ tay bang trợ trong mọi trường
hợp, mọi hoàn cảnh xoay vần của cuộc đời; khi nghi nan, lầm lạc, bị cám dỗ, yếu
liệt, sa ngã hoặc thối chí, thì đã có người Mẹ hiền sẵn một bên để chỉ bảo,
hướng dẫn, nâng đỡ, bổ sức, vỗ về và khuyến khích... Nói tóm lại, trong hết mọi
hoàn cảnh éo le của cuộc đời, người con thảo lúc nào cũng chỉ biết chạy đến với
Mẹ mình, không sợ vì thế mà Người phải phiền lòng.
3) Sùng kính có tính cách trong sạch: là thứ tôn sùng của những người một đàng
cương quyết tránh lánh tội lỗi, đàng khác, cố gắng bắt chước các nhân đức Mẹ
Maria, nhất là đức khiêm nhường, đức tin cậy, đức chịu lụy, sự cầu nguyện, lòng
hy sinh, đức kính mến, sự nhịn nhục, đức hiền lành, khôn ngoan và lòng sạch sẽ
hoàn toàn về mọi phương diện. Đây là mười nhân Đức đặc biệt Mẹ Maria đã thực
hiện lúc sinh thời.
4) Sùng kính có tính cách vững vàng: là thứ tôn sùng có bảo đảm chắc chắn trong
những việc quen làm dâng cho Đức Mẹ, chứ không hay thay đổi phất phơ như cờ theo
gió. Một khi có lòng sùng kính này, đương sự sẽ có đủ can trường chống chọi với
tất cả mưu mô cám dỗ của ma qủi, xác thịt và thế gian, không biết sự thay đổi,
bối rối, buồn phiền, sợ hãi là gì. Trong trường hợp này, tuy đương sự còn có thể
phạm tội, còn có thể thay đổi theo tình cảm, tuy nhiên, trong lúc đó, họ sẽ
hướng về Mẹ để xin nài một ơn nâng đỡ. Khi gặp cơn khô khan, chán nản, họ sẽ
không thối chí sờn lòng, vì họ đã sẵn sàng kính mến Chúa, tôn sùng Mẹ bằng đức
tin vững chắc, chứ không bằng tình cảm hay qua.
5) Sùng kính có tính cách vô vị lợi: là thứ tôn sùng không vì tư lợi phần xác,
một vì mục đích cao thượng làm vinh danh Thiên Chúa và Mẹ Maria chí thánh. Một
khi có được lòng sùng kính này, người ta sẽ không quan tâm đến của cải, đến lợi
lãi ở đời, một kính mến Mẹ vì Mẹ đáng kính mến, và vì Mẹ đã tận tình kính mến
Thiên Chúa. Đó là dấu thành thực sùng kính Mẹ. Khi khô khan, lúc sốt sắng, khi
gặp khổ đau trên núi sọ, cũng như lúc được vui mừng trong tiệc cưới Cana, người
ta vẫn một mực trung thành kính mến. Đáng khen thay những tâm hồn tôn sùng Mẹ
Maria với một tư cách vô vị lợi, kính mến chỉ vì biết Mẹ đáng kính mến!
15- Cách thức thực hiện việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" bề trong.
Thánh Montfort, trong cuốn
Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 115, đã chia việc thành thực sùng kính Mẹ
Maria làm hai: bề trong và bề ngoài. Và cũng trong chính đoạn 115 này, thánh
nhân đã liệt kê những việc thành thực sùng kính Mẹ Maria bề trong như sau.
"Tôn sùng bề trong tái phân thành nhiều thứ, nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin đề
cập đến mấy thứ quan trọng hơn:
1) Tôn sùng Maria cách xứng đáng với thiên chức 'Thiên Chúa Thánh mẫu', nghĩa là
tôn sùng cách đặc biệt, trổi vượt hơn cách tôn sùng các thánh khác. Vì Mẹ Maria
thật là một kỳ công kiệt tác trong bậc siêu nhiên, do đó, trên thiên đàng, Người
được phước ngự tòa cực trọng bên cạnh Toà Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa,
vừa là nhân loại.
2) Suy ngắm các nhân đức cao cả cùng những hồng ân đặc biệt và những công việc
Đức Mẹ đã thực thi khi còn tại thế.
3) Suy ngắm chức sang quyền trọng của Đức Mẹ.
4) Yêu mến, cao rao và cảm tạ Mẹ.
5) Cầu xin Mẹ một cách thiết tha và trông cậy.
6) Tận hiến và hợp nhất với Mẹ.
7) Thực hành mọi công việc cho sáng danh Mẹ.
8) Trước khi, đang khi và sau khi làm việc, đều chỉ một ý làm VÌ Mẹ, TRONG Mẹ,
VỚI Mẹ và CHO Mẹ để các việc đó cũng được thực hiện VÌ Giêsu, CHO Giêsu, là mục
đích sau hết của nhân loại".
16- Cách thức thực hiện việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" bề ngoài.
Thánh Montfort, trong
cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 116, còn nói đến việc tôn sùng Mẹ Maria
bề ngoài như sau.
"Tôn sùng bề ngoài cũng tái phân nhiều thứ
1) Xin gia nhập các Hội Đoàn đã được thành lập để biệt kính Mẹ.
2) Xin tu trong các dòng đã được lập ra để chuyên môn tôn sùng Mẹ.
3) Cao rao quyền phép Mẹ.
4) Thực hành việc từ thiện bác ái, hy sinh nội ngoại.
5) Đeo luôn trong mình tràng hạt Mân Côi, áo Đức Bà, hoặc ảnh thánh.
6) Lần hạt 150 kinh Mân Côi cách nghiêm trang, cầm trí và sốt sắng, đồng thời
suy gẫm 15 mầu nhiệm cốt yếu về Chúa Giêsu... Ngoài ra, còn có cách đọc sáu bảy
kinh kính nhớ những năm tháng ngày giờ Mẹ còn sống và hoạt động khi còn tại thế.
Cũng có cách đọc kinh 'triều thiên' gồm 3 Kinh Lạy Cha và 12 Kinh Kính Mừng, để
kính triều thiên Mẹ gồm 12 ngôi sao chỉ 12 ơn đặc biệt Thiên Chúa ban cho Mẹ.
Cũng có thể đọc Kinh Nhật Khóa Đức Bà, là kinh Giáo Hội đã công nhận và cho phép
đọc. Hay là Ca vịnh nhỏ do thánh Bonaventura đã soạn với giọng điệu sốt sắng, ai
đọc cũng phải cảm động. Hay là đọc 14 Kinh Lạy Cha, 14 Kinh Kính Mừng để kính
nhớ 14 sự vui mừng của Mẹ. Hay là đọc các ca vịnh do Giáo Hội đã lập ra kính Mẹ
như Salve Regina; Alma Redemptoris Mater; Ave Regina caelorum; Ave maris stella;
O gloriosa Domina; Magnificat tùy trường hợp và hoàn cảnh.
7) Hát và tập cho kẻ khác biết hát những ca vãn kính Mẹ.
8) Ban sáng sớm, qùi gối đọc cách sốt sắng 60 hay 100 lần kinh Virgo fidelis...
có ý xin Mẹ bầu cử cho ta được ở trung thành với ơn Chúa ban cho trong ngày hôm
đó. Đến tối lại đọc kinh Mater misericodiae để Mẹ cầu xin cho ta được ơn tha thứ
các lỗi lầm đã trót phạm trong ngày hôm ấy.
9) Chỉnh đốn tu bổ các Hội Đoàn kính Mẹ, trang hoàng và trưng bày hoa nến trên
bàn thờ Mẹ.
10) Đeo dấu hiệu của đoàn thể khi đi kiệu. Đeo luôn trong mình ảnh thánh Mẹ như
khí giới thiêng liêng để chiến đấu với ma qủi, xác thịt và thế gian.
11) Trưng bày ảnh thánh Mẹ hoặc tên Mẹ trong các thánh đường, nơi công viên hay
tại tư gia.
12) Hoàn toàn tận hiến cho Mẹ".
17- Cách thức thực hiện việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" tuyệt hảo.
Trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 120 và 121, Thánh
Montfort đã cho thấy cách thức thực hiện việc thành thực sùng kính Mẹ Maria
tuyệt hảo nhất là tận hiến cho Mẹ Maria. Thánh nhân đã lập luận, kết luận và chủ
trương như sau.
"Bởi vì mọi sự trọn lành của chúng ta là tại được nên giống Chúa Giêsu, liên kết
và tận hiến cho Người. Do đó, có thể kết luận: phàm cách tôn sùng nào giúp chúng
ta nên giống Chúa Giêsu, liên kết và tận hiến cho Người cách hoàn toàn hơn, thì
là cách tôn sùng tuyệt hảo, thánh thiên hơn.
"Trong con cái loài người, chỉ có Mẹ Maria đã được nên giống Chúa Giêsu mọi
đàng. Do đó, sự tôn sùng Mẹ Maria là phương pháp tuyệt hảo để liên kết, tận hiến
và nên giống Chúa Giêsu hơn các cách khác. Ai càng thuộc về Mẹ Maria bao nhiêu,
thì càng thuộc về Chúa Giêsu bấy nhiêu. Do đó, tận hiến cho Mẹ Maria, cũng là
tận hiến cho Chúa Giêsu...
"Tôn sùng cách tuyệt hảo tức là TẬN HIẾN CHO MẸ MARIA, để nhờ Mẹ, chúng ta được
hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Chúng ta phải tình nguyện tận hiến cho Mẹ:
1) Toàn thân chúng ta; tứ chi và ngũ quan;
2) Linh hồn và tâm tư;
3) Của cải vật chất mệnh danh là tài sản hiện hữu và tương lai;
4) Của cải thiêng liêng là các công nghiệp, các nhân đức cũng như các việc lành
đã, đang và sẽ được thực hiện.
Nói tóm lại, chúng ta tình nguyện tận hiến cho Mẹ Maria tất cả những gì thuộc về
ta phần hồn phần xác, tự nhiên hay siêu nhiên mà hiện chúng ta đã, đang hoặc sẽ
có, kể cả phước thanh nhàn trên thiên đàng, không giữ lại cho mình một phần nhỏ
mọn nào, lại tận hiến như vậy cho đến hết đời, không trông một mối lợi nào khác
ngoài sự được nhờ Mẹ, chung sống với Mẹ để được hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu.
Đó là một lý tưởng chúng ta muốn thực hiện, mặc dầu không được Mẹ đối xử lại
cách rộng rãi về đàng khác".
18- Ý nghĩa của việc tận hiến cho Mẹ Maria.
Sau khi nêu lên cách thành
thực sùng kính Mẹ Maria cách tuyệt hảo là tận hiến cho Mẹ, như câu hỏi 17 đã đề
cập đến, Thánh Montfort đồng thời cũng nói đến ý nghĩa sâu xa của việc tận hiến
cho Mẹ này trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 125 và 126 như sau.
"Do đó, tận hiến cho Mẹ Maria chẳng qua chỉ là một phương pháp tuyệt hảo được áp
dụng để chúng ta liên kết mật thiết và tận hiến cho Chúa Giêsu Cứu Thế, Đấng đã
khứng ban mọi ơn lành cho chúng ta và là thủy chung mọi sự vật.
"Nói cho đúng, cách sùng kính tuyệt hảo này chỉ là cách tái diễn lời tuyên thệ
khi chịu phép thánh tẩy mà thôi. Trước khi chịu phép này, chúng ta là tôi tá ma
qủi và thuộc về chúng. Nhưng trong khi chịu phép ấy, hoặc chính chúng ta, hoặc
cha mẹ cầm đầu đã long trọng tuyên thệ khước từ ma qủi cùng những sự xa hoa của
chúng, để nhìn nhận, tôn thờ, suy phục Chúa Giêsu và hoàn toàn thuộc về Người.
"Căn cứ vào bản Kinh tận hiến, theo cách tôn sùng tuyệt hảo này, đương sự cũng
tuyên bố khước từ ma qủi, xác thịt, thế gian, tội lỗi, để nhờ Mẹ Maria tận hiến
cho Chúa Giêsu, nhưng có khác điều này là khi chịu phép thánh tẩy, phần đa số
phải nhờ người khác để tuyên thệ; trái lại, trong việc tận hiến này, chính mình
chúng ta tình nguyện thực hiện với tất cả sự am hiểu sáng suốt về lý do và kết
quả của nó.
"Ngoài ra, khi chịu phép thánh tẩy, chúng ta không cậy nhờ Mẹ Maria - ít là cách
công nhiên - để tận hiến cho Chúa Giêsu. Đàng khác, chúng ta còn giữ chủ quyền
trên các việc lành phúc đức sẽ thực hiện, muốn chỉ cho ai hay giữ lại cho mình
cũng được; trái lại, trong cách tôn sùng tuyệt hảo này, chúng ta công nhiên và
long trọng cậy nhờ Mẹ Maria để tận hiến trót mình và tất cả mọi sự thuộc về mình
cho Chúa Giêsu".
19- Lý do thứ nhất tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật
Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 135, Thánh Montfort đã cho biết ly do thứ nhất tại sao
cần phải tận hiến cho Mẹ Maria, rồi trong đoạn 136 và 137 thánh nhân đã diễn
giải lý do thứ nhất này như sau.
"Lý do thứ nhất là sự quan trọng của việc Tận Hiến cho Chúa Giêsu qua sự trung
gian của Đức Mẹ.
"Nếu ở đời này, chúng ta không thể tưởng tượng được việc nào quan trọng, cao qúi
cho bằng thờ phượng làm tôi Thiên Chúa... Nếu một người đầy tớ Chúa cũng có
quyền cao chức trọng hơn các bậc đế vương, thì chúng ta phải nói gì về kẻ trung
thành tận hiến cho Thiên Chúa? Tận hiến tức là làm tôi Chúa cách trung thành và
hoàn toàn hơn hết vì nhờ Mẹ Maria để tận hiến cho Chúa Giêsu, không giữ lại một
phần nhỏ mọn nào. Đối với việc quan trọng này, tất cả vàng bạc, hạt trai qúi
giá, kể cả những huyền diệu của vũ trụ cũng không đủ để đắp bù.
"Tuy rằng: các Dòng nam nữ, các Hội Đoàn cổ kim được lập nên để tôn kính Chúa
Giêsu và Đức Mẹ, đã thực hiện được nhiều công trọng trong Giáo Hội, tuy nhiên,
các đoàn viên không buộc mình tận hiến; có chăng nữa, họ chỉ giữ đôi ba điều,
hoặc làm ít nhiều việc lành phúc đức, còn bao nhiêu họ được tự do muốn làm gì và
lúc nào cũng được. Nhưng trong việc Tận hiến này, đương sự phải dâng cho Chúa
Giêsu và Đức Mẹ mọi tư tưởng, ngôn ngữ và hành động trọn đời mình. Và như thế,
thì dù ăn uống, nghỉ ngơi, chơi bời, dù thực hành những công tác bất kỳ lớn nhỏ,
lúc nào họ cũng có thể nói rằng: Bao nhiêu việc của tôi cũng là của Chúa Giêsu
và Đức Mẹ, mặc dầu đang khi thực hiện các việc đó, tôi không có ý chỉ rõ ràng
như thế. Qúi quá thay!
"Chúng tôi đã nói: chỉ có cách tận hiến này mới khước từ được hết mọi quyền lợi
và ý muốn hưởng dùng những ơn ích do việc lành phát xuất. Để ban thưởng lòng
quảng đại hy sinh vô vị lợi đó, Chúa nhân từ rộng rãi đã nhờ Mẹ Maria để ban cho
đương sự tất cả mọi công ơn vô giá Chúa đã lập được. Nếu - theo lời Chúa phán -
những kẻ từ bỏ của cải đời này mà còn được thưởng gấp trăm, thì những kẻ tình
nguyện tận hiến toàn thân cho Chúa sẽ được thưởng đến gấp mấy trăm lần".
20- Lý do thứ hai tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 139, 142 và 143,
Thánh Montfort đã nói đến và diễn giải lý do thứ hai cần phải tận hiến cho Mẹ
Maria như sau.
"Lý do thứ hai: sự tận hiến cho Mẹ Maria để nhờ Mẹ tận hiến cho Chúa Giêsu là
một việc làm theo phép công bằng và hữu ích.
"Vì yêu chúng ta, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, tự giam mình trong lòng đồng
trinh Mẹ Maria như một tù nhân tình nguyện; đến sau đã suy phục chịu lụy Người
trong 30 năm. Suy như thế, người ta có thể hiểu rằng: mặc dầu có thể trực tiếp
ban Mình cho thế giới, nhưng Chúa đã không muốn làm như thế, một nhờ Mẹ Maria để
đến với thế giới. Người đã không giáng sinh dưới hình thức một người thành niên,
đứng tuổi, nhưng đã giáng sinh dưới hình thức một hài nhi yếu đuối, phải nhờ Mẹ
Maria ẵm bế, săn sóc và dưỡng nuôi.
"Người vẫn thiết tha làm vinh danh Cha trên trời và cứu rỗi người trần thế;
nhưng để thực hiện hai mục tiêu đó, mặc dầu khôn ngoan vô cùng, Chúa cũng không
tìm được phương pháp nào hữu hiệu hơn là hoàn toàn suy phục Mẹ Maria, không phải
trong 8, 9 năm, 15, 20 năm, nhưng trong trọn 30 năm!
Với sự tùng phục ấy, Người đã làm vinh danh Cha trên trời hơn là làm phép lạ cả
thể, hoặc giảng giải và cứu rỗi toàn thế giới.
"A! khi ta bắt chước Chúa Giêsu mà suy phục Mẹ Maria, thì làm vinh danh Thiên
Chúa chừng nào! Một khi đã có sẵn gương sáng chói như thế mà người ta không chịu
noi theo, còn muốn tìm phương pháp khác coi như hiệu nghiệm hơn, thì thật là dại
dột hết chỗ nóí!
"Theo ý thánh Bênađô, Thiên Chúa thấy chúng ta không xứng đáng trực tiếp đón
nhận hồng ân Người ban cho, nên đã hoàn toàn trao vào tay Mẹ Maria, để Người tự
do phân phát cho chúng ta; nên để tỏ lòng biết ơn cho xứng đáng, chúng ta cũng
phải nhờ Mẹ dâng lên Thiên Chúa lòng kính mến, biết ơn và thành kính, và do đó,
Thiên Chúa được hiển vinh... Linh hồn tận hiến cho Mẹ Maria không làm gì khác
hơn là dâng tất cả những sự vật của mình cho Mẹ, để nhờ Mẹ dâng cho Chúa Giêsu
để tỏ lòng cám mến, biết ơn và làm vinh danh Người.
"Ngoài ra, việc tận hiến này còn là phương pháp thực hiện đức khiêm nhường, một
nhân đức được Thiên Chúa yêu thích hơn hết: Ai cất mình lên sẽ bị hạ xuống; trái
lại, ai hạ mình xuống sẽ được cất lên. Thiên Chúa vẫn chống lại kẻ tự kiêu...
"Cách Tận hiến chúng tôi trình bày ở đây, chính là để có dịp tập đức khiêm
nhượng ấy; Theo cách này, người ta sẽ không dám tự tiện đến trước mặt Thiên Chúa
oai nghi, mặc dầu Người từ bi nhân ái đến đâu đi nữa. Nhưng bao giờ cũng sẽ cậy
nhờ Đức Mẹ để dâng trót mình cho Người, liên kết mật thiết với Người".
21- Lý do thứ ba tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật Sùng
Kính Mẹ Maria, đoạn 144, 146, 147 148 và 149, Thánh Montfort đã nói đến và diễn
giải lý do thứ ba cần phải tận hiến cho Mẹ Maria như sau.
"Lý do thứ ba là lòng nhân từ, thương xót, quảng đại của Mẹ Maria đối với những
linh hồn tận hiến.
"Một khi thấy linh hồn nào tận hiến thân mình cùng mọi sự vật yêu qúi nhất để
làm tôi phụng sự Người, Mẹ Maria liền thông trót Mình cho linh hồn ấy, ban phát
mọi ơn thiêng liêng: lấy công nghiệp của Người để trang sức; dùng quyền thế để
bênh vực; lấy ánh sáng của Người mà soi dẫn; lấy lửa kính mến để đốt nóng lòng
nguội lạnh; đồng thời lại ban cho các nhân đức mà Người đã có sẵn như đức khiêm
nhường, tin cậy, kính mến, và đức khiết tịnh v.v. Ngoài ra, Người tự đứng ra
bênh vực, che chở và lo liệu mọi sự nơi Chúa Giêsu thay cho linh hồn ấy. Nói tóm
lại, vì linh hồn ấy đã tận hiến mọi sự cho Mẹ Maria, thì ngược lại, Mẹ Maria sẽ
nên mọi sự cho linh hồn ấy. Sau khi được phước đón nhận Maria làm Mẹ, thánh
Gioan nói: Đầy tớ ấy đón nhận Người (Maria) như Mẹ mình. Câu nói qúi hóa đó,
ngày nay người ta cũng được phép đặt lên môi miệng những linh hồn tận hiến...
"Một khi linh hồn nào tận hiến cho Mẹ Maria, thì Người liền thanh sạch hoá tất
cả mọi công việc của linh hồn đó xứng đáng được Chúa Con công nhận:
1) Mẹ Maria sẽ tẩy uế lòng tự ái và quyến luyến vật thụ tạo vẫn ẩn khuất trong
tất cả các việc thực hiện hằng ngày. Một khi chúng ta đặt vào tay đồng trinh Mẹ
những công trạng của chúng ta, thì tay thanh sạch đó sẽ làm cho các công trạng
đó trở nên sạch sẽ, tốt đẹp và có giá trị.
2) Ngoài ra, Mẹ Maria sẽ lấy công nghiệp của Mình để trang sức và thêm vẻ đẹp
cho công trạng của chúng ta: Muốn dâng tiến lên ngai vàng bệ ngọc một chút gọi
là 'cây nhà lá vườn', bác tá điền đã nhờ tay bà hoàng hậu để dâng lên; sau khi
nhận được lễ vật mọn đó, bà có nhã ý đặt vào một điã vàng trang sức đẹp đẽ rồi
mới tiến lên cho ngôi báu: tuy là nhỏ mọn, nhưng một khi được đặt vào điã vàng
do tay hoàng hậu dâng tiến, lễ vật đó có giá trị đặc biệt, đáng được nhà vua
chấp thuận.
3) Sau khi nhận được của lễ ta dâng lên, Mẹ Maria liền vội vàng đem tiến cho
Chúa hết không giữ lại một phần nào; mỗi khi nhận được lễ vật chúng ta dâng lên,
Mẹ liền nhận và đồng thời ngợi khen Thiên Chúa. Mỗi khi chúng ta cao rao, ngợi
khen Mẹ, Mẹ liền cất tiếng hát mừng cảm tạ Chúa như khi nghe bà Isave chúc tụng
Người mà rằng: 'Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa
"... Trong trường hợp này, Chúa chỉ quan tâm đến thanh thế, địa vị kẻ dâng hơn
là đến chính lễ vật.
"Sở dĩ Mẹ Maria đã làm được cho Chúa khứng nhận lễ vật của chúng ta là vì Chúa
không bao giờ từ chối Người điều gì, trái lại, vẫn sẵn sàng theo ý Người; do đó,
phàm lễ vật nào đã do tay Người dâng lên là được công nhận hết".
22- Lý do thứ bốn tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật Sùng
Kính Mẹ Maria, đoạn 151, Thánh Montfort đã nói đến và diễn giải lý do thứ bốn
cần phải tận hiến cho Mẹ Maria như sau.
"Lý do thứ bốn là sự vinh danh Thiên Chúa người ta có thể thực hiện được do sự
tận hiến.
"Trong tất cả mọi hành động thường nhật, chúng ta phải tận tâm tìm cầu vinh danh
Thiên Chúa. Vậy Mẹ Maria
1) đã am hiểu tường tận bí thuật làm vinh danh Thiên Chúa mà phần đông chúng ta
không biết đến;
2) và luôn luôn hành động để theo đuổi mục đích đó, điều mà phần đông chúng ta
không có đủ can đảm để thực hiện.
"Do đó, một khi tận hiến cho Mẹ Maria, đương sự có thể tin tưởng chắc chắn Người
sẽ lợi dụng công việc của mình làm để mưu cầu vinh danh Thiên Chúa, trừ trường
hợp đương sự ấy tự ý trừu lại thiện ý của mình và làm ngăn trở cho hoạt động của
Mẹ.
Đó là nguồn yên ủi duy nhất của một linh hồn muốn sống trong tình yêu cao
thượng, thanh sạch, vô vị lợi, thiết tha tìm cầu vinh danh Thiên Chúa hơn lợi
riêng mình".
23- Lý do thứ năm tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật
Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 152, 155, 157, 159, 164, 165, 166 và 168, Thánh
Montfort đã nói đến và diễn giải lý do thứ năm cần phải tận hiến cho Mẹ Maria
như sau.
"Lý do thứ năm là sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa mà người ta có thể thực
hiện cách 1) dễ dàng, 2) mau chóng, 3) hoàn toàn và 4) chắc chắn do sự tận hiến
cho Mẹ Maria.
1) Sự tận hiến cho Mẹ Maria là con đường rất thuận tiện Chúa Giêsu đã khai quang
để thân đến với chúng ta; do đó, cũng là con đường thuận tiện để chúng ta tiến
đến với Người... Con đường Maria là con đường an toàn dễ đi nhất... Người khách
lữ hành của chúng ta bao giờ cũng có Maria đứng bên cạnh để soi sáng khi tối
tăm; vỗ về khi bối rối; yên ủi lúc lo âu; ủng hộ khi chiến đấu và bênh vực lúc
lâm nguy...
2) Cách tôn sùng này là con đường vắn tắt để tìm đến với Chúa Giêsu... Theo Mẹ
Maria mà đi trên con đường trường, người ta có cảm tưởng là con đường ngắn lại;
trái lại, khi theo ý riêng mình mà đi, người ta phải mất bao nhiêu năm trường
mới tới đích. Một khi đi theo Mẹ Maria, người ta chắc chằn sẽ được hát khúc ca
khải hoàn. Lẽ dĩ nhiên, đối phương sẽ cố gắng làm ngãng trở bước đường tiến của
họ, bắt họ phải rút lui hay là tìm cách đánh tập kích; nhưng, nhờ có sự bênh vực
và hướng dẫn của Mẹ, người ta sẽ được nhẹ bước tiến trên con đường chiến thắng
vinh quang.
"Bạn muốn biết vì lý do gì, khi còn sống tại thế, Chúa Giêsu đã vui lòng vâng
lời Mẹ Maria không? Ấy chính nhờ có sự tùng phục đó mà trong quãng thời gian
ngắn ngủi, Người đã thực hiện được bao nhiêu sự nghiệp vĩ đại, để bù đắp những
thiệt hại lớn lao do Adong đã gây nên...
3) Tận hiến cho Mẹ Maria là con đường tuyệt hảo để chúng ta liên kết mật thiết
với Chúa Giêsu. Vì trong các vật thụ tạo, chỉ có Maria là hoàn toàn thánh thiện
và có đủ thực lực làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Lại nữa, chính Chúa
Giêsu, khi thân đến với nhân loại, đã không chọn con đường nào khác cho cuộc
hành trình của Mình ngoài con đường Maria!
"... Đấng vô lượng vô biên đã tự để cho Maria am hiểu và chứa chịu mà không sợ
mất tình cách vô biên của Mình; ngược lại, chúng ta cũng phải đi qua Maria để
hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Đấng cao xa đã dùng Maria để tự hạ Mình xuống
đến gần chúng ta, liên kết mật thiết hoàn toàn với nhân tính mà không lo mất uy
quyền của Mình; ngượỉc lại, chúng ta cũng phải qua Maria để trình diện Thiên
Chúa, liên kết với Đấng chí tôn cách mật thiết mà không sợ bị khai trừ. Đấng
Hằng Hữu đã muốn thân đến với vật hư vô để làm cho vật hư vô trở nên vật thường
hữu trong Đấng Hằng Hữu, và Người đã thực hiện được công trình vĩ đại đó khi
hoàn toàn ban Mình và thần phục Trinh Nữ Maria mà không sợ mất trong không gian
và thời gian tư cách Đấng Hằng Hữu; ngược lại, mặc dầu là những vật hư vô, chúng
ta cũng có thể nhờ Maria để trở nên giống Thiên Chúa do ơn thánh và phúc thanh
nhàn, chỉ cần chúng ta hoàn toàn phó thác cho Người...
4) Tận hiến cho Mẹ Maria là con đường chắc chắn để thân đến với Chúa Giêsu và
liên kết mật thiết vùi Người...
"Cách tôn sùng này là một phương pháp chắc chắn để đến với Chúa Giêsu, vì sở
trường của Mẹ Maria là dìu dắt chúng ta một cách chắc chắn đến với Chúa Giêsu,
cũng như sở trường của Chúa Giêsu là dìu dắt chúng ta một cách chắc chắn đến với
Cha trên trời...
"Bạn hãy tin chắc rằng: càng cố gắng, càng tìm cầu Maria bao nhiêu, bạn càng dễ
gặp Chúa Giêsu bấy nhiêu, vì Người luôn luôn ở với Maria...
"Ở đâu có sự hiện diện của Maria, thì ma qủi không có thể vác mặt đến đấy. Ai
tôn sùng Mẹ Maria, hay tưởng nhớ và nhắc nhớ đến Người, đó là một trong những
triệu chứng chắc chắn tỏ ra người ấy vẫn được dìu dắt theo chính lộ...
"Cho nên, muốn tiến bước trên con đường thánh thiện và tìm thấy Chúa Giêsu một
cách chắc chắn, không sợ lầm lạc, bạn hãy cố gắng thực hiện việc tận hiến cho Mẹ
Maria. Đó là phương pháp tuyệt hảo, bạn nên thực hiện ngay đi. Nếu từ trước đến
giờ bạn chưa biết, thì hôm nay đây, chúng tôi hân hạnh giới thiệu với bạn. Chính
Chúa Giêsu, Đấng khôn ngoan vô cùng đã tìm ra phương pháp này. Như một Đại Tướng
giầu kinh nghiệm, Chúa đã khai sáng con đường Maria, để chúng ta, những bộ hạ
của Người, được chắc tâm tiến vào con đường đã khai quang, không sợ lạc hướng
nữa".
24- Lý do thứ sáu tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật
Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 169 và 170, Thánh Montfort đã nói đến và diễn giải lý
do thứ sáu cần phải tận hiến cho Mẹ Maria như sau.
"Lý do thứ sáu: kẻ thực hiên cách tôn sùng này cách trung thành, sẽ được tận
hưởng tự do giành riêng cho con cái Chúa.
"Theo cách tôn sùng này, người ta dâng trót mình làm tôi Chúa Giêsu. Cho nên, để
thưởng công cho những kẻ đã tận hiến cho Mình, Chúa Giêsu 1) giải thoát tất cả
mọi sự lo lắng, sợ sệt, áy náy có thể giầy vò và ràng buộc một linh hồn; 2) in
sâu vào tâm khảm một niềm tin tưởng vô biên vào lòng nhân từ Cha thân ái; 3)
thông cảm một tình yêu tha thiết giữa Cha con!
"Thay vì nêu ra lý do làm chứng cho chân lý này, chúng tôi xin thuật lại một mẫu
truyện Bà Mẹ Agnes de Jésus, Dòng Đaminh thuộc tu viện Langreac trong xứ
Auvergne, có tiếng đạo đức và qua đời năm 1634. Khi mới lên 7 tuổi, Agnes phải
qua một cơn khủng hoảng về tinh thần. Một ngày kia, em nghe có tiếng bảo: nếu
muốn được cứu thoát, cần phải dâng mình làm tôi Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Mặc dù em
chưa am hiểu tường tận việc đó ra sao, nhưng khi trở về nhà riêng, em cũng dọn
mình sốt sắng làm việc tận hiến cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và để làm chứng việc
mình mới thi hành, em lấy một xiềng sắt buộc ngang thắt lưng và mang trong mình
mãi cho tới chết. Sau đó em thấy biến đi mất tất cả những nỗi lòng áy náy lo sợ,
và được tận hưởng một êm vui an toàn. Từ đó về sau, Agnes đã lợi dụng mọi trường
hợp để tuyên truyền cho những người đạo đức sống chung quanh, và bà đã thu hoạch
được nhiều kết quả khả quan. Trong số những nhân vật được hưởng nhờ ơn đó, người
ta thấùy có linh mục Olier, Vị sáng lập Hội Dòng Xuân Bích, và rất nhiều linh
mục khác đồng hội.
"Một hôm Đức Mẹ thân hiện đến đeo vào cổ bà một vòng vàng tiêu biểu sự hoan lạc
Người cảm thấy khi nhận bà vào sổ nô lệ của Chúa Giêsu và của Mình. Đồng thời
Cecilia, một thánh nữ trong đoàn tùy tòng nói: Hạnh phúc thay những tôi tá trung
thành của Đức Nữ Vương, vì chúng sẽ được tận hưởng quyền tự do chính đáng".
25- Lý do thứ bảy tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật Sùng
Kính Mẹ Maria, đoạn 171 và 172, Thánh Montfort đã nói đến và diễn giải lý do thứ
bảy cần phải tận hiến cho Mẹ Maria như sau.
"Lý do thứ bảy khuyến khích chúng ta thực hiện cách tôn sùng này là những lợi
ích lớn lao đồng bào được hưởng nhờ.
"Thật ra, mỗi khi làm việc tận hiến, tức là chúng ta đặt vào bàn tay Mẹ Maria
tất cả các việc lành phúc đức, không giữ lại cho mình một tư tưởng hoặc một hy
sinh nhỏ mọn nào, để Đức Mẹ tư do phân phát cho kẻ khác; đó là một cử chỉ bác ái
cao cả.
"Do việc tận hiến này, người ta dâng cho Mẹ Maria tất cả những việc lành đã,
đang hoặc sẽ thực hiện cho đến chết để Người tự do định đoạt , thí dụ để cầu cho
tội nhân được ơn cải thiện, hoặc chỉ cho các đẳng...
"Muốn đánh giá trị lý do này, cần phải biết sự cải thiện tội nhân và cứu vớt các
đẳng là việc quan trọng đến đâu. Nói cho đúng, việc này có giá trị hơn việc tạo
thiên lập địa, vì làm cho một linh hồn được chịu lấy chính Thiên Chúa. Cho rằng
suốt cả một đời, người ta chỉ lợi dụng việc tận hiến như phương pháp cải thiện
được một tội nhân và cấp cứu được một linh hồn mà thôi, thì cũng là lý do khuyến
khích những người sốt sắng thực hiện việc ấy rồi.
"Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng: một khi được đặt vào tay Mẹ Maria, các việc
lành của chúng ta được thêm giá trị đặc biệt cả về hai phương diện lập công và
đền tội, do đó cũng có thần lực cấp cứu các đẳng và cải thiện tội nhân hơn khi
không được qua tay Mẹ. Một việc nhỏ mọn được thực hiện với tinh thần bác ái, với
lòng vị tha, và được qua tay Mẹ Maria, thì có thần lực làm nguôi cơn thịnh nộ
Thiên Chúa, và xin ơn tha thứ. Khi đến giờ lâm chung, linh hồn tận hiến sẽ nhận
thấy nhờ việc này mà mình đã cứu vớt bao nhiêu linh hồn được ơn cải thiện và
khỏi lửa luyện tội, mặc dầu mình chỉ làm những việc rất tầm thường. Ôi! sung
sướng biết bao trong ngày công phán! Ôí! vinh hiển biết mấy trên nơi vĩnh phúc,
chốn trường sinh?"
26- Lý do thứ tám tại sao cần phải tận hiến cho Mẹ Maria.
Trong cuốn Thành Thật Sùng
Kính Mẹ Maria, đoạn 173, 174 và 175, Thánh Montfort đã nói đến và diễn giải lý
do thứ tám cần phải tận hiến cho Mẹ Maria như sau.
"Lý do thứ tám khuyến khích người ta thực hiện việc tận hiến là vì việc ấy giúp
cho người ta được ơn vững bền trong ơn nghĩa Chúa.
"Bạn có biết tại sao đa số tội nhân không đứng vững trên con đường trở về với
Thiên Chúa? Bạn có biết vì sao họ tái phạm một cách dễ dàng như thế? Vì lý do gì
đa số kẻ lành không tấn tới trên con đường thánh thiện và được thêm ơn phúc,
trái lại, họ phải mất đi những gì đã có trước?
"Lý do của sự thất bại này là vì, mặc dầu có sẵn tính mê nết xấu trong mình, mặc
dầu tính tự nhiên yếu đuối và hay thay đổi, người ta vẫn tự phụ cậy vào sức
riêng của mình, tin tưởng mình có đủ thần lực cẩn thủ được kho tàng châu báu là
các nhân đức và công nghiệp đã lập được. Trái lại, do việc tận hiến, người giáo
hữu hoàn toàn phó thác cho Mẹ Maria tất cả những gì họ đang chiếm hữu, đồng thời
xin Mẹ lãnh trách nhiệm người thụ thác các của cải tự nhiên và siêu nhiên, và
hoàn toàn đặt tín nhiệm vào lòng trung trực, vào quyền hành, và lòng thương xót
của Mẹ, để Mẹ cẩn thủ, gia tăng công phúc cho mình, không còn lo ngại ma qủi,
thế gian, xác thịt cướp lấy nữa.
"Thánh Bênađô nói: Nếu được Mẹ Martia nâng đỡ, nhất định bạn không ngã; nếu được
Mẹ Maria bênh vực, nhất định bạn không lo ngại điều gì; nếu được Mẹ Maria dẫn
đạo, nhất định bạn không bao giờ mỏi mệt; nếu được Mẹ Maria ủng hộ, nhất định
bạn sẽ được cứu rỗi...
"Maria là một Trinh Nữ trung thành, với lòng trung thành ấy, Người đã sửa lại
tất cả những thiệt hại do bà Evà thất trung đã gây nên; đàng khác, Người còn làm
cho những linh hồn liên kết với Người được ơn trung thành và ơn bền vững cho đến
chết. Do đó, một đấng thánh sánh ví Maria với mỏ neo chắc chắn giữ con tầu cho
khỏi chìm dưới vực sâu của đời gió bụi, nơi mà bao nhiêu người đã bị hư đi vì
không chịu liên kết với Maria. Sở dĩ các thánh đã tự cứu thoát được mình là vì
các ngài đã liên kết mật thiết với Maria, và đã giúp đỡ kẻ khác tiến bước trên
con đường nhân đức.
"Hạnh phúc thay những linh hồn này biết bám riết vào Mẹ như bám vào mỏ neo chắc
chắn, phong ba bão táp đến đâu cũng không thể đánh chìm họ xuống vực sâu của thế
giới tội lỗi, và mất được báu vật của trời ban xuống. Hạnh phúc thay những linh
hồn được phước bước vào con tầu mới của ông Noe. Mặc dầu nước lụt của tội lỗi
tràn ngập khắp thế giới, nhưng cũng không thể gây nên một thiệt hại nào cho họ,
vì theo lời đấng khôn ngoan nói: ai liên kết mật thiết với ta để lo phần rỗi thì
không thể phạm tội".
27-
Câu truyện tiêu biểu cho việc "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria".
Trong cuốn Thành Thực Sùng
Kính Mẹ Maria, đoạn 183, Thánh Montfort đã thuật lại một câu truyện trong Cựu
Ước để phân biệt hai thành phần đối với lòng sùng kính Mẹ Maria và Mẹ Maria đối
với họ (như sẽ được tìm hiểu ở các câu hỏi tiếp theo), như sau.
"Trong sách Sáng Thế Ký, Chúa Thánh Thần tường thuật câu chuyện Giacóp được thân
phụ Isaac chúc phúc lành nhờ có thân mẫu Rebecca khéo giàn cảnh. Câu chuyện này
chẳng qua chỉ là tượng trưng những chân lý chúng tôi mới trình bày có quan hệ
đến Maria và các kẻ làm tôi tá Người. Bạn hãy nghe câu chuyện đầu đuôi ra sao
đã, rồi chúng tôi sẽ thêm một vài cảm tưởng riêng.
"Sau khi Esau đã bán quyền trưởng nam cho Giacóp, thì Rebecca, thân mẫu của hai
anh em, đã tìm được một phương pháp tinh vi khéo léo đầy bí nhiệm để bảo vệ
quyền gia trưởng cho Giacóp vì bà vốn có lòng thương yêu con cách riêng. Một
ngày kia, nhận thấy mình đã về già, Isaac muốn chúc phúc cho các con trước khi
tạ thế, ông cho gọi Esau đến và bảo đi săn kiếm thịt về làm cơm cho ông xơi,
đoạn sẽ chúc phúc cho hắn. Khi Esau đi rồi, bà Rebecca bảo Giacóp vào chuồng bắt
con bê béo để giết làm một món mà bà đã biết ông Isaac thích ăn nhất; đoạn lấy
áo của Esau bà đang giữ cho Giacóp mặc; lấy da dê bọc chung quanh cổ tay, để ít
ra khi ông Isaac sờ đến tay con thì tưởng là Esau, mặc dầu nghe tiếng Giacóp
nói.
"Quả thật, khi nghe con nói, Isaac nghe rõ là tiếng Giacóp, cụ lấy làm ngạc
nhiên, liền truyền cho con đến gần, khi sờ thấy tay con có lông, cụ nói lẩm bẩm
một mình: lạ thật, giọng nói là giọng Giacóp mà tay thực là tay Esau! Khi ăn
uống xong đâu vào đấy, cụ vui vẻ hôn Giacóp và khi ngửi thấy mùi thơm bởi áo con
xông ra, cụ sung sướng cầu chúc cho con được mọi ơn lành trên trời dưới đất,
đồng thời đặt con làm gia trưởng trên các anh em, đoạn kết thúc bằng những lời
này: 'Con nguyền rủa ai, kẻ ấy bị nguyền rủa; con chúc phúc cho ai, kẻ ấy sẽ
được mọi sự lành'.
"Khi Isaac vừa nói dứt lời, thì Esau bưng món thịt săn đến mời cha xơi để chúc
phúc cho mình. Cụ vô cùng ngạc nhiên khi thấy công việc đã trót xẩy ra như thế,
tuy nhiên, cụ không muốn rút lời, trái lại, còn chấp thuận, vì cụ nhận thấy rõ
ràng có cánh tay Thiên Chúa trong việc này. Nhưng Esau lăn ra khóc lóc la lối và
tố cáo em qủi quyệt, đồng thời hỏi cha già xem có còn lời cầu chúc nào nữa hay
không...
"Isaac rất lo ngại khi nghe Esau la lối, nên để cho yên truyện, cụ chúc cho hắn
được những hoa lợi vật chất ở đời, nhưng buộc hắn phải ở dưới quyền em. Do đó,
Esau nuôi một mối thù đối với Giacóp và chỉ chờ cho thân phụ chết đi là hắn ám
sát em để trả thú! Theo thường tình mà nói, Giacóp không thể nào tránh được sự
thù hằn của Esau, nếu không được bà Rebecca bảo đảm và giàn cảnh cách khôn ngoan
để cứu sống cho con".
28- Người tỏ ra "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" có những đặc tính nào?
Căn cứ vào con người và
đời sống của Giacóp ở đoạn 191, Thánh Montfort đã suy diễn về những đặc tính của
những người tỏ ra thành thực sùng kính Mẹ, nghĩa là thành phần được cứu rỗi
(đoạn 185), ở đoạn 196 đến hết đoạn 200 trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
như sau.
"Bây giờ đây bạn hãy nhận xét hành vi cử chỉ của kẻ lành:
1) Kẻ lành thì hay ở nhà với mẹ, nghĩa là có tính thích ở yên tĩnh, siêng năng
cầu nguyện, học đòi bắt chước và ở bên cạnh Mẹ Maria, Đấng đã cố ý giấu kín tất
cả vinh hiển của mình tận đáy lòng, và trót đời chỉ thích ở những nơi thanh vắng
để cầu nguyện...
2) Kẻ lành yêu mến cách thiết tha và tôn trọng Maria như Người Mẹ đáng kính. Họ
yêu mến Mẹ không những bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm. Họ tôn kính Mẹ
không những theo thủ tục bề ngoài, nhưng còn bằng sự thật bên trong. Họ cố gắng
tránh tất cả những gì có thể làm phật ý Mẹ, và thi hành tất cả những gì làm đẹp
lòng Người.
3) Kẻ lành sẵn sàng tuân phục Mẹ Maria như Giacóp vâng phục mẹ mình vậy. Bà này
thường nói với con thân yêu: 'Hỡi con, con hãy nghe lời mẹ chỉ bảo'. Do sự vâng
lời mẹ, Giacóp đã được thân phụ chúc phúc một cách không ngờ, thứ chúc phúc đáng
lẽ ra, em không được thừa hưởng. Cũng bởi vâng lời Mẹ Maria mà những người bồi
bàn trong tiệc cưới Cana được chứng kiến phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm cho
nước trở nên rượu vì lời Mẹ cầu xin...
4) Kẻ lành hoàn toàn tín nhiệm vào Maria, Người Mẹ nhân từ, vạn năng. Trong mọi
trường hợp, họ chỉ biết kêu cầu Mẹ, nhìn lên Mẹ như kẻ vượt biển nhìn lên sao
Bắc Đẩu để cập bến bình an; thành thực cởi mở nỗi lòng băn khuăn bối rối; nại
đến lòng nhân từ thương xót để được ơn tha thứ, hoặc để được yên ủi vỗ về trong
khi gặp bước gian nan; gục đầu vào lòng đồng trinh Mẹ để được Người thông cho
một tình yêu thanh sạch, tẩy uế những vết nhơ tội lỗi, để được hưởng mặt Chúa
Giêsu đang ngự trị trong lòng Maria như ngự trong tòa vinh hiển của mình.
5) Sau cùng, kẻ lành hằng dõi theo con đường Maria đã đi, do đó, họ cảm thấy
mình hạnh phúc vì mang trong mình triệu chứng ơn tiền định... Họ được hạnh phúc
lúc ở đời này, vì được tận hưởng dư dật tất cả mọi ơn lành và nếm thử sự ngọt
ngào Mẹ thông ra cho họ hơn nhiều kẻ khác. Họ được hạnh phúc lúc sinh thì, vì Mẹ
sẽ cho họ được chết cách bằng an êm ái. Trong giờ nghiêm trọng đó, Mẹ sẽ thân
đến rước họ về quê trời, để đời đời hưởng phúc trường sinh".
29- Người không "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" có những đặc điểm nào?
Căn cứ vào con người và đời
sống của Esau ở đoạn 185, Thánh Montfort đã suy diễn về những đặc tính của những
người không sùng kính Mẹ, nghĩa là thành phần hư mất (đoạn 185), ở đoạn 186 đến
hết đoạn 190 trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria như sau.
"Và đây là hành vi cử chỉ của những kẻ có tiền án bị khai trừ:
1) Họ thích khoe tài cậy sức trong các công vụ của đời; bọn họ khoẻ mạnh, gan
góc, tinh nhanh, tài giỏi quán xuyến công việc của thế tục, nhưng lại tỏ ra rất
dại dột, yếu đuối và ngu muội đối với những việc ở bên kia thế giới, do đó,
2) Họ không thích ở nhà, nghĩa là không để ý đến nội tâm, nơi Thiên Chúa đã tác
tạo nên để linh hồn tập sống với mình như Thiên Chúa luôn luôn sống với Mình.
Bọn họ không thích ở những nơi thanh vắng tĩnh mạc, không cảm thấy hương vị
trong các việc thiêng liêng và sự sốt sắng bề trong. Do đó, khi họ thấy ai
chuyên về nội tâm, tránh sự huyên náo của đời, thì họ liền cho là đàn bà trẻ
con, ngớ ngẩn, khờ khạc!
3) Những kẻ có tiền án bị khai trừ rất thờ ơ với việc tôn sùng Maria, Mẹ lân ái
của những linh hồn được ơn tiền định. Lẽ dĩ nhiên, họ không chủ tâm bác bỏ lòng
tôn sùng đó; trái lại, còn tán thưởng và xưng mình có lòng kính mến và làm đôi
ba việc lành kính Người, nhưng họ không thể đi sâu vào lòng kính mến ấy. Họ lên
án cách sùng kính của những con cái trung thành quen thi hành. Họ cho rằng:
không chủ tâm bác bỏ, không công khai công kích lòng tôn sùng Mẹ cũng đã đáng Mẹ
ban cho những ơn lành cần thiết. Họ tự cho mình có lòng tôn sùng Mẹ vì đôi khi
đọc vài kinh kính Người, nhưng đàng khác không có cảm tình tha thiết, không cố
gắng cải thiện đời sống và tránh lánh tội lỗi.
4) Những kẻ bị khai trừ đã đang tâm bán quyền trưởng nam nghĩa là quyền vinh
phúc trên thiên đàng để đổi lấy một bát cháo, nghĩa là những thú vui của tục
trần. Họ ăn uống no say, chơi bời, múa nhẩy không để ý ăn ở xứng đáng lời cầu
chúc của Cha trên trời. Nói tóm lại: bọn họ chỉ nghĩ tưởng, nói năng, thực hành
những việc gì có tính cách tục trần. Vì một chút vui thú của nhục dục, vì một
chút đất vật hèn, họ vui lòng bán ơn thánh và sự thanh sạch của linh hồn cũng
như gia sản trên nước trời.
5) Sau cùng, kẻ dữ quen dùng mọi phương pháp hoặc công khai hoặc ngấm ngầm để đả
đảo và theo dõi kẻ lành, bọn họ tỏ vẻ khinh bỉ, bình phẩm, hạch lạc, phản đối,
lăng mạ và vu khống. Đàng khác, họ bày ra trăm mưu nghìn chước để lừa bịp, hãm
hại, giồn vào chỗ bế tắc để họ được tự do chơi bời, ăn mặc đàng hoàng, sung
sướng, có đủ mọi tiện nghi..."
30- Mẹ Maria đối với những ai "Thành Thực Sùng Kính Mẹ" ra sao?
Trong cuốn Thành Thực Sùng
Kính Mẹ Maria, từ đoạn 201, 202, 208 đến 212, Thánh Montfort đã nói đến việc Mẹ
Maria đối xử với thành phần thành thực sùng kính Mẹ như sau.
"1- Mẹ Maria thương yêu họ... Mẹ yêu họ vì:
a) Người là thân mẫu họ. Người mẹ bao giờ cũng yêu con cái mình.
b) Mẹ yêu họ để đáp lại tình yêu của họ đối với Người.
c) Mẹ yêu họ vì họ kính mến Chúa Giêsu.
d) Mẹ yêu họ vì họ đã tận hiến cho Người, hoàn toàn thuộc về gia sản Người.
Mẹ yêu họ cách nồng nhiệt hơn hết các bà mẹ yêu con đẻ của mình... Mẹ Maria
thương yêu một cách hữu hiệu như bà Rebecca yêu Giacóp và hơn nữa..
"2- Việc bác ái thứ hai Mẹ Maria thực hiện đối với linh hồn tận hiến là cung cấp
những nhu cầu hồn xác... Vì là thủ kho trời, và cấp phát viên mọi ơn qúi hoá của
Đấng chí tôn, Mẹ Maria sẽ chọn phần tốt nhất để phân phát cho con cái.
"3- Việc bác ái thứ ba Mẹ Maria thực hiện đối với linh hồn tận hiến là hướng dẫn
trên con đường thánh thiện... Maria như vì sao sáng hướng dẫn con cái trên biển
đời để tới bến bình an; Mẹ chỉ cho họ biết chính lộ đi đến chốn thường sinh, đạp
đổ chướng ngại vật trên đường đời; Mẹ nâng đỡ họ cho khỏi ngã, Mẹ quở phạt họ
khi sai lỗi. Do đó, một linh hồn tận hiến vâng lời Mẹ, thì không thể lạc hướng
trên con đường phần rỗi.
"4- Việc bác ái thứ tư của Mẹ Maria thực hiện đối với linh hồn tận hiến là bảo
vệ họ trước những cuộc tấn công của địch... Maria, người Mẹ của kẻ lành, che chở
họ như gà ủ con dưới cánh. Mẹ yên ủi, vỗ về, tha thứ những lỗi lầm nhỏ mọn, đề
phòng bênh vực cho khỏi mưu thâm chước độc do địch gây ra. Mẹ theo dõi họ từng
bước, bao bọc họ như đạo binh hùng dũng. Đã như thế, linh hồn tận hiến không còn
lý do gì phải lo ngại trước những cuộc tấn công của địch...
"5- Việc bác ái thứ năm Mẹ Maria thực hiện đối với linh hồn tận hiến là bầu cử
trước mặt Con yêu dấu, và liên kết chặt chẽ với Người. Với tài giàn cảnh đặc
biệt, bà Rebecca đã liệu cho Giacóp đến gần giường cha già, để người ôm ấp và
hôn con với tất cả vui mừng của một đời người sắp tàn, khiến cho người sung
sướng mà nói: 'Con ta thơm tho như cả một cánh đồng lúa chín mà Thiên Chúa đã
chúc phúc cho'. Đồng lúa chín đây là gì, nếu không phải là Mẹ Maria mà trong đó
Thiên Chúa đã gieo vãi hạt giống tốt tượng trưng những linh hồn sẽ được cứu rỗi.
Sau khi đã ban ơn dư dật cho những linh hồn tận hiến, đã làm cho Cha trên trời
chúc phúc, đã liên kết mật thiết giữa Chúa Giêsu, Mẹ Maria còn tiếp tục gìn giữ
mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và các con cưng của Mẹ; đàng khác, Mẹ luôn
luôn đề phòng cho họ khỏi mất ơn nghĩa Chúa, khỏi sa vào sào huyệt của địch và
làm cho họ được giữ vững lập trường của mình cho đến cùng".
31- Những hoa trái của việc tận hiến cho Mẹ Maria là gì?
Từ đoạn 213 đến hết
đoạn 219 của cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, Thánh Montfort đã liệt tả những
hoa trái của việc tận hiến cho Mẹ Maria như sau.
"Bạn hãy tin tưởng rằng: một khi thực hiện việc tận hiến cho Mẹ cách trung
thành, bạn sẽ thâu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp mà chúng tôi hân hạnh xin
giới thiệu trước với bạn:
1- Chúa Thánh Thần sẽ dùng Maria, Bạn Thanh Sạch của Người, để chiếu một ánh
sáng làm cho bạn biết tất cả những gì xấu xa, hư hoại và bất lực trong người
bạn... Mẹ Maria sẽ thông cho bạn lòng khiêm nhượng của Người, để nhờ đó bạn tự
khinh chê mình, không dám khinh bỉ ai, và ước ao cho kẻ khác khinh dể bạn nữa.
2- Mẹ Maria sẽ thông cho bạn một phần nào nhân đức tin của Người... Mẹ sẽ thông
cho bạn: a) một đức tin thanh sạch, khiến cho bạn không cần quan tâm đến cái gì
là cảm giác hoặc phi thương; b) một đức tin sống động khiến cho bạn thi hành mọi
công việc vì lòng mến Chúa yêu Mẹ mà thôi; c) một đức tin vững chắc như khối đá
bất di dịch ở giữa phong ba sóng cả; d) một đức tin linh động thấu nhập vào
những mầu nhiệm của Chúa Giêsu, vào mục đích sau hết của con người, thậm chí còn
thấu nhập đến tận nội tâm Thiên Chúa; e) một đức tin đầy sinh lực, giúp bạn
cương quyết thực hiện công việc vĩ đại làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi nhiều
linh hồn; g) sau cùng, một đức tin vừa là đèn soi sáng, vừa là chính sự sống
Thiên Chúa, vừa là kho tàng tích chứa đầy sự khôn ngoan thông sáng, vừa là khí
giới sắc bén...
"3- Maria, người Mẹ của tình yêu tốt đẹp, sẽ làm cho bạn được khỏi mọi bối rối,
nghi nan, sợ sệt. Mẹ sẽ khai quang con đường rộng rãi, sáng sủa, phẳng phiu để
ban thực hành giới răn Con yếu dấu Người với một tinh thần tự do chính đáng,
xứng kẻ làm con cái Thiên Chúa, và cũng do con đường này, Mẹ sẽ đem lại cho bạn
một tình yêu vẹn sạch, thâm thúy đã sẵn có, để bạn không còn kính mến Thiên Chúa
với một sự dè dặt, nhút nhát như trước; trái lại, sẽ đến với Người với một tình
yêu vô vị lợi, xả kỷ, hy sinh...
"4- Mẹ Maria sẽ ban cho bạn được lòng trông cậy vô biên nơi Chúa và nơi Người.
a) Vì sau khi tận hiến, bạn sẽ qua Maria để thân đến với Chúa Giêsu, chứ không
phải đi một mình nữa. b) Vì bạn đã hoàn toàn phó thác các công phúc cùng mọi sự
cho Mẹ để Người được quyền tự do định đoạt; do đó, Người cũng sẽ ban cho bạn tất
cả công nghiệp, nhân đức của Người, đến nỗi bạn có thể nhân danh Mẹ mà thưa cùng
Chúa rằng: 'Này con đây, con là tôi tá Chúa, xin hãy thi hành mọi sự như ý Chúa
muốn'...
"5- Nếu trung thành trong việc tận hiến cho Mẹ, bạn sẽ thấy rồi đây Mẹ thông cho
bạn trót linh hồn Người để ngợi khen Thiên Chúa; trót tâm trí Người để vui mừng
trong Chúa thay cho bạn...
"6- Maria là cây hằng sống, nếu bạn đem trồng trong vườn thiêng liêng của bạn và
chịu khó vun tưới bằng cách tận hiến cho Mẹ, thì rồi đây, Người sẽ đâm chồi nẩy
lộc, khai hoa kết quả; quả ấy chính là Chúa Giêsu...
"Chúng tôi xin nhấn mạnh vào điểm này: Các thánh đã được nung đúc trong khuôn
Maria. 'Đúc tượng' và 'tạc tượng' hai công trình này khác nhau một trời một vực!
Khi tạc tượng, người thợ phải mất nhiều công phu và tốn phí thì giờ; trái lại,
khi đúc tượng, người thợ đỡ vất vả, và làm được rất nhiều trong một thời gian
ngắn. Thánh Augustinô gọi Mẹ là khuôn đúc hình ảnh Thiên Chúa: Forma Dei. Thật
ra Mẹ là khuôn đúc nên các thánh. Ai được hạnh phúc đúc trong khuôn này, thì
chẳng bao lâu sẽ nên giống hình ảnh Chúa Giêsu. Chính trong khuôn này, Ngôi Hai
Thiên Chúa đã được đúc thành hình một nhân vật đặc biệt: Thiên Chúa Nhập Thể".
32- Thực hành việc tận hiến cho Mẹ bề ngoài như thế nào?
Trong cuốn Thành Thực
Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 226, 227, 234, 236, 242, 243, 249, 253, 255 và 256,
Thánh Montfort đã kể đến những thực hành tận hiến cho Mẹ bề ngoài như sau.
"Tuy rằng: điều cốt yếu của việc tận hiến ở tại nội tâm, nhưng không phải vì thế
có thể bỏ qua những phương pháp ngoại...
"Chú ý: Việc bề ngoài không có nghiã là những việc chỉ được thi hành như máy
móc, không có sự linh cảm bên trong; gọi thế vì khi thi hành những việc đó,
người ta phải dùng đến các phần thân xác; lại để phân tách với những việc hoàn
toàn có tính cách nội tâm.
"1- Việc thứ nhất: Muốn đi sâu vào con đường tận hiến, trước hết phải cố gắng ít
là trong vòng 12 ngày tẩy sạch tinh thần thế gian, xung khắc với tinh thần Chúa
Giêsu; đoạn sẽ dùng 3 tuần lễ để nhờ Mẹ chỉ huy, đi sâu vào tinh thần Chúa
Giêsu...
"2- Việc thứ hai: Nếu có thể được, bạn sẽ đọc hằng ngày Kinh Triều Thiên, gồm 3
Kinh Lạy Cha và 12 Kinh Kính Mừng để kính 12 đặc ân của Mẹ Maria...
"3- Việc thứ ba: là mang trong mình một xích nhỏ có làm phép, tượng trưng một
hình thức nô lệ... Xích nhỏ này có thể đeo ở cổ, cánh tay, ngang thắt lưng hay
là ở cổ chân tùy ý...
"4- Việc thứ bốn: là tôn sùng cách đặc biệt mầu nhiệm Truyền Tin, lễ kính ngày
25-3 dương lịch. Mầu nhiệm này thích hợp với việc tận hiến. Chính Chúa Thánh
Thần đã soi sáng lập nên lễ này để chúng ta có dịp bắt chước sự Con Thiên Chúa
đã vui lòng chịu lụy Mẹ Maria cho sáng danh Cha trên trời. Sự tùy phục này có
tính cách đặc biệt là vì Chúa Giêsu đã tự đặt mình làm tù nhân và nô lệ tình
nguyện trong lòng Mẹ Maria. Mầu nhiệm này còn là dịp để toàn thể nhân loại dâng
lên Cha trên trời lời cảm tạ nồng hậu vì những hồng ân vô đối đã ban cho Maria
khi chọn Người lên chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế: và đấy là hai mục đích chính yếu
Chúa Giêsu dự định khi tình nguyện hiến toàn thân cho Mẹ Maria...
"5- Việc thứ năm: là đọc Kinh Kính Mừng cách sốt sắng. Theo ý kiến các thánh,
Kinh Kính Mừng được đọc khoan thai sốt sắng, sẽ là kẻ thù số một của ma qủi, vì
có sức khu trừ chúng dễ như không; ngoài ra, kinh đó còn là búa đánh dập đầu
chúng ra: Kinh Kính Mừng là bí thuật thánh hoá các linh hồn, làm cho các thiên
thần vui mừng khoái lạc, là tiếng du dương rót vào tai kẻ lành, là khúc ca khải
hoàn của Tân Ước, làm cho Mẹ vui mừng và Chúa Ba Ngôi sung sướng...
"6- Việc thứ sáu: là đọc Kinh Magnificat, để hợp cùng Mẹ Maria cảm tạ Chúa vì
những hồng ân Người đã khứng ban cho Mẹ. Đây là lời ca duy nhất chính Mẹ đã dọn,
hay nói cho đúng: chính Chúa Giêsu ngự trong lòng đồng trinh Mẹ đã dọn cho Người
đọc trước hết...
"7- Việc thứ bảy phải thực hiện là ghét bỏ, khinh chê và tránh xa những sự phù
hoa thế tục...Õ
33- Thực hành việc tận hiến cho Mẹ bề trong như thế nào?
Để thực hành tận hiến
cho Mẹ bề trong, Thánh Montfort đã bàn đến trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ
Maria, đoạn 257, 258, 259, 260, 261, 264 và 265 như sau.
"Đừng kể những phương pháp ngoại phải được áp dụng tùy trường hợp và điạ vị của
mỗi người, còn những phương pháp nội rất thích hợp với những linh hồn được ơn
Chúa Thánh Thần kêu gọi vào con đường trọn lành thánh thiện. Những phương pháp
ấy, nói cho đúng, ở tại làm mọi việc nhờ Maria, với Maria, trong Maria và cho
Maria, để do đó, người ta có thể thi hành các việc đó cách hoàn hảo hơn nhờ
Giêsu, với Giêsu, trong Giêsu và cho Giêsu.
"1- Nhờ Mẹ: Chúng ta cần phải nhờ Mẹ Maria để thi hành mọi công tác, nghĩa là
phải sẵn sàng vâng lời Mẹ trong mọi sự, hoạt động theo tinh thần Mẹ, chính là
tinh thần Chúa... Muốn được hướng dẫn theo tinh thần Mẹ, cần phải: a) Khước từ
tinh thần và ý hướng riêng mình; b) Hoàn toàn phó thác cho Mẹ, để Người tự do
điều khiển, hướng dẫn theo ý Người... Một cử chỉ, một ý muốn của Mẹ được tỏ ra
là tức khắc phải tuân theo; c) Trước khi, đang khi và sau khi làm việc, thỉnh
thoảng phải nhắc lại ý hướng muốn liên kết với Mẹ; càng nhắc lại nhiều lần, càng
chóng được thánh hoá và chóng được liên kết với Chúa Giêsu.
"2- Với Mẹ: nghiã là trong khi hình sự, cần phải ngước mắt trông lên Mẹ như
gương mẫu hoàn toàn về mọi nhân đức và sự thánh thiện do chính Chúa Thánh Thần
đã tạo thành trong một loài thụ sinh, vừa tầm chúng ta có thể bắt chước được.
Bởi vậy, phàm khi làm việc gì, bạn phải tự hỏi: nếu Mẹ Maria ở vào địa vị của
tôi đây, thì Người sẽ thi hành việc này cách nào? Và để biết Mẹ có thái độ nào
trong khi hành sự, bạn nên suy gẫm những nhân đức cao cả Mẹ đã thực hiện được
lúc sinh thời, nhất là nhân đức tin mạnh mẽ... Rồi đến nhân đức khiêm nhượng;
sau cùng là nhân đức đồng trinh...
"3- Trong Mẹ: Mẹ Maria là vườn địa đàng của Adong đệ nhị... Trong vườn địa đàng
này có đủ mọi hoa thơm quả ngọt, có đủ mọi sung sướng, vui tươi mà Chúa Giêsu,
đệ nhị Adong đã gây dựng nên cho có... Sau khi đã được phước nhận vào vườn này,
cần phải ở lại trong đó để tận hưởng hòa bình; hoàn toàn tin cậy, phó thác để
được bảo đảm. Linh hồn nào được phước ẩn trong lòng đồng trinh Mẹ, sẽ được nuôi
mình bằng sữa nhân từ thương xót; sẽ được cứu thoát mọi nỗi gian nan, áy náy, sợ
sệt; được hoàn toàn bảo đảm trước những mưu thâm chước độc của ma qủi, thế gian,
xác thịt và tội lỗi.
"4- Cho Mẹ: Nghĩa là một khi đã hoàn toàn tận hiến cho Mẹ Maria, linh hồn có bổn
phận thi hành mọi công việc cho Mẹ, như nô lệ làm việc cho thân chủ. Nhưng thái
độ đó không có nghĩa là làm cho Mẹ như mục đích sau hết mọi hành động của mình.
Làm cho Mẹ chỉ có nghĩa là dâng cho Mẹ những công đức đó, để nhờ Mẹ tận hiến cho
Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu mới là vật đích sau hết của chúng ta".