HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC

 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

Sáu Di Sản Đồng Công của Cha Thủ nơi tôi

 

 

 

4.1

 

Tinh thần Bình Dân Phục Vụ nơi TCV Simon Hòa Đà Lạt

 

 

 

 

Đ

úng thế, tôi đã được Cha Thủ sinh ra bằng lòng tin tưởng vào Chúa-Mẹ liên quan tới Tinh Thần Tận Hiến Đồng Công. Và vì là đứa con thiêng liêng của ngài, tôi đã được hân hạnh "không giống lông thì giống cánh", một đôi cánh bao gồm hai lòng sùng kính chân truyền đích thực của người Kitô hữu Công Giáo, đó là lòng tôn sùng Mẹ Maria liên quan tới Fatima và lòng tôn sùng Đức Thánh Cha liên quan tới việc gắn bó với Giáo Hội.

 

Phải công nhận là Di Sản Đồng Công chính yếu nhất và quan trọng nhất của Cha Thủ nơi tôi đó là lòng tin tưởng của ngài nơi Chúa - Mẹ, một di sản quí báu cũng đã được tôi thực sự mang đầu tư sinh lợi vô vàn, cho chính bản thân tôi cũng như cho các tâm hồn được tôi phục vụ hay làm việc với tôi, nơi hai hoạt động tông đồ giáo dân của tôi là Phong Trào Thiếu Nhi Fatima và chương trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống, như những gì tôi đã chia sẻ trên đây.

 

Nếu nói theo ngôn ngữ của Phim Tầu thì Cha Thủ chẳng những đã đả thông kinh mạch cho tôi, mà còn truyền thêm nội công thâm hậu của chính bản thân ngài cho tôi. Bởi thế, chính nhờ được một đệ nhất cao thủ về thánh đức đối với tôi bấy giờ đả thông những khuynh hướng và vướng mắc kiêu căng tự ái cố hữu nơi mình là những gì tự tôi bất khả thắng vượt, và lại nhận được nội công thâm hậu là lòng tin tưởng vào Chúa - Mẹ của tay cao thủ này cấp tốc truyền cho, tôi đã bình tĩnh hạ sơn hành hiệp và quả thực đã không làm cho ngài bị bẽ mặt và không hổ danh là một trong thành phần môn sinh chân truyền của ngài.

 

Tuy nhiên, lòng tin tưởng Chúa - Mẹ là Di Sản Đồng Công nguyên tuyền của Cha Thủ này nơi tôi sẽ không thể nào càng ngày càng "đâm rễ vươn cao", "đâm rễ" nơi tôi và "vươn cao" trong đời, nếu thiếu tinh thần bình dân và phục vụ của Dòng Đồng Công.

 

Quả vậy, theo kinh nghiệm hoạt động của mình, chính nhờ tinh thần bình dân hòa đồng với thành phần được trao phó và tinh thần phục vụ hoàn toàn vô vị lợi, theo gương Chúa Kitô và lời Chúa Kitô "Non Ministrari Sed Ministrare" (Mt 20:28), tôi đã gắt hái được hoa trái ngoài lòng mong ước, đầu tiên ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt (1972-1974), sau đó ở giới trẻ Thiếu Nhi Fatima TGP/LA và chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống.

 

Ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa, tôi chẳng những được Cha Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Nhượng và Cha Giám Học Vương Văn Điền trao trách nhiệm dạy học 10 tiếng một tuần cho 3 lớp nhỏ hai môn Việt Văn và Sử Địa, và Cha Giám Thị Nguyễn Hữu Duyên ủy thác việc coi học vào buổi chiều cũng cho 3 lớp nhỏ đệ nhất cấp này, mà còn được Cha Quản Lý Nguyễn Văn Tính nhờ phục vụ các tiểu chủng sinh trong việc mua bán các thứ đồ cần dùng cho các em, nhất là sau cơm trưa.

 

Ngoài ra, tôi còn được Cha Giám Đốc Trần Đức Huân mời kiêm nhiệm vai trò Trưởng Ban Cứu Thương, chuyên lo phát thuốc và chích thuốc cho các em sau điểm tâm sáng, đi kiếm thuốc và mua thuốc cho chủng sinh, nếu cần thì chở các em đi nhà thương trong ngày, kể cả việc thường xuyên bưng cơm bưng cháo cho các em bị đau yếu ở phòng bệnh hay tại bàn ăn v.v.

 

Ở môi trường giáo dục đầu tiên tôi được phục vụ này, tôi đã có được một kinh nghiệm thật là quí báu về việc phục vụ liên quan tới tác dụng hết sức tích cực trong lãnh vực giáo dục, đó là nghệ thuật "pro active", tức biết trước thành phần được mình phục vụ cần những gì để gợi ý và sẵn sàng đáp ứng, chứ không cần phải đợi đến khi họ chạy đến với mình, xin mình giúp đỡ.

 

Nghệ thuật “pro active” này thật ra cũng được bắt nguồn từ tinh thần phục vụ của Đấng đã “tự” hứa cứu độ loài người sau nguyên tội (cf. Gen 3:15), “tự“ thiết lập giao ước với Dân Do Thái và “tự“ trung thành với giao ước của mình cho tới cùng cho dù có bị dân này quá sức là bất trung với mình, “tự” hóa thành nhục thể (cf. Jn 1:14), “tự bỏ mạng sống mình đi” (Jn 10:18), “tự hiến” (Jn 17:19), mà thôi. Tại môi trường đào luyện linh mục này của một giáo phận trong các giáo phận, thành phần sẽ sống đời độc thân như dấu hiệu “không để được phục vụ mà là phục vụ” theo như câu được Dòng Đồng Công nhận làm tâm niệm, tinh thần bình dân và phục vụ của Đồng Công thật là nổi bật và hấp dẫn đối với một cơ cấu tổ chức vốn thiên về cấp trật và hướng đến “phẩm trật”.

 

Bởi thế, dù tôi có tỏ ra khá ngặt nghèo với các em về vấn đề kỷ luật, nhưng các em vẫn kính nể tôi, và thích chơi với tôi, nhất là sau giờ cơm tối. Vừa đọc xong kinh cám ơn cuối bữa ăn tối, một số em đã ùa lên bàn ăn chính của các cha ở giữa nhà cơm để kéo tôi đi với các em, làm tôi rất ngượng với các cha, và phải nói nhỏ với các em về chỗ hẹn hò (trước các lớp học của các em ở mặt tiền của chủng viện, gần phòng ngủ của tôi) sau bữa tối để cứ đến đó gặp nhau sau.

 

Thời gian hoạt động ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa, tuy hết sức vất vả, không còn giờ giấc gì cho mình, hoàn toàn sống cho các em tiểu chủng sinh, các vị linh mục tương lai của Giáo Hội, tôi lại thấy mình chẳng những gần gũi với Chúa hơn bao giờ hết, ở chỗ càng thành công càng thấy việc Chúa làm, mà còn ở chỗ sống gần gũi với tha nhân hơn bao giờ hết, khi hết mình phục vụ họ và được họ hết sức quí mến.

 

 

Nhà Nguyện ĐCV Minh Hòa Đà Lạt ngày 5/7/2006,

cũng là nhà nguyện của TCV Simon Hòa Đà Lạt 1972-1974

 

 

 

Nội Dung

  

Nhập Đề……………………………………………………….3

 

Mở: Sáu Di Sản Đồng Công của Cha Thủ nơi tôi…………5

 

1- Di Sản Tôn Sùng Mẹ Maria Liên Quan tới Fatima….…9

 

2- Di Sản Tôn Sùng Đức Thánh Cha và Giáo Hội……….19

 

3- Di Sản Tin Tưởng Chúa-Mẹ với Tinh Thần Tận Hiến..27

3.1- Qua Phong Trào Thiếu Nhi Fatima…………………..37

3.2- Qua CT Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống……………..44

 

4- Di Sản Tinh Thần Bình Dân Phục Vụ………………….49

4.1- Nơi Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt………………....58

4.2- Nơi Phong Trào Thiếu Nhi Fatima…………………..63

4.3- Nơi CT Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống……………..71

 

5- Di Sản Về Lời Chúa……………………………………...75

 

6- Di Sản Về Kinh Mân Côi………………………………...81

 

Kết : “Tất cả những gì tôi có được đều từ Cha Thủ…”…87