Thông Điệp

Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể
Ecclesia de Eucharistia

chuyển dịch từ
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_17042003_ecclesia-de-eucharistia_en.html

 

Nếu "việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người là 'chương trình' tôi đã đề ra cho Giáo Hội vào lúc rạng đông của đệ tam thiên kỷ”, thì Thông Điệp Giáo Hội sống bởi Thánh Thể này là cốt lõi của di sản Đức Gioan Phaolô II lưu lại cho thiên kỷ thứ ba Kitô giáo, nhất là Chương  1, 2, 3 và 6.


 
Mầu Nhiệm Đức Tin

 11.       “Chúa Giêsu vào đêm Người bị phản nộp” (1Cor 11:23) đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể mình máu của Người. Nhũng lời của Thánh Tông Đồ Phaolô mang chúng ta trở về với thảm cảnh hạ sinh Thánh Thể. Thánh Thể được đánh dấu bất khả phai mờ bằng biến cố khổ nạn và tử nạn của Chúa Kitô, nhờ đó Thánh Thể chẳng những là một sự nhắc nhở mà còn là một tái hiện thực về bí tích nữa. Chính hy tế Thập Giá đã được kéo dài qua các thế kỷ (9). Chân lý này được diễn tả rõ ràng nơi những lời cộng đồng theo lễ nghi Latinh đáp lời công bố “Mầu Nhiệm Đức Tin” của vị linh mục, đó là “Ôi Chúa, chúng tôi loan truyền việc Chúa chịu chết”.
Giáo Hội đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể từ Đức Kitô là Chúa của mình, không phải như là một tặng ân duy nhất, cho dù quí báu đến đâu chăng nữa, trong số nhiều tặng ân khác, mà là một tặng ân tuyệt hạng, vì đó là tặng ân chính bản thân Người, tằng ân ngôi vị của Người nơi nhân tính linh thánh của Người, cũng như tặng ân công cuộc cứu độ của Người. Tặng ân này cũng không chỉ giới hạn trong quá khứ, vì “tất cả những gì Chúa Kitô là – tất cả những gì Chúa Kitô làm và chịu vì toàn thể con người – đều tham dự vào sự vĩnh hằng thần linh, do đó siêu việt qua tất cả mọi thời đại” (10)
Khi Giáo Hội cử hành Thánh Thể, cuộc tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại, thì biến cố cứu độ trọng yếu này trở nên hiện tại thực sự và “công cuộc cứu chuộc của chúng ta được thể hiện” (11). Hy tế này quyết liệt cho phần rỗi loài người đến nỗi Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng hy tế này và về cùng Cha chỉ sau khi Người đã để lại cho chúng ta phương tiện để chia sẻ vào hy tế ấy như thể chúng ta đã hiện diện ở đó bấy giờ. Mỗi một phần tử tín hữu đều có thể tham dự vào hy tế này và hái được vô tận hoa trái của hy tế ấy. Đó là niềm tin đã làm cho các thế hệ Kitô hữu sống động qua các thế hệ. Huấn Quyền của Giáo Hội đã liên lỉ tái xác định niềm tin này với một tấm lòng hân hoan tri ân về tặng ân vô giá này (12). Một lần nữa Tôi muốn nhắc lại sự thật ấy và muốn hợp với anh chị em, hỡi anh chị em thân mến, để tôn thờ trước mầu nhiệm này, một mầu nhiệm cao cả, một mầu nhiệm tình thương. Chúa Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn được nữa đây? Thật vậy, nơi Thánh Thể, Người tỏ cho chúng ta thấy một tình yêu “đến cùng” (x Jn 13:1), một tình yêu vô hạn.

12.       Khía cạnh bác ái đại đồng này của Hiến Tế Thánh Thể được chính Đấng Cứu Thế cống bố. Trong việc thiết lập Hiến Tế Thánh Thể này, Người không chỉ nói: “Này là mình Thày”, “Này là máu Thày”, mà còn thêm: “hiến cho các con”, “đổ ra cho các con” (Lk 22:19-20). Chúa Giêsu không chỉ nói rằng những gì Người bấy giờ đang ban cho họ để ăn và uống là mình Người và máu Người; Người còn cho thấy ý nghĩa hy sinh của Hiến Tế Thánh Thể và làm cho hiến tế của Người hiện diện một cách bí tích, một hiến tế sắp được hiến dâng trên Thập Giá cho phần rỗi của tất cả mọi người. “Thánh Lễ đồng thời không thể tách biệt với việc tưởng niệm hiến tế, một hiến tế Thập Giá được kéo dài và là một bữa tiệc thánh hiệp thông với mình máu Chúa Kitô” (13).
Giáo Hội liên lỉ kín múc sự sống của mình từ hiến tế cứu chuộc này; Giáo Hội tiến đến với hiến tế này chẳng những bằng việc tưởng nhớ đầy tin tưởng, mà còn bằng một giao tiếp thực sự nữa, vì hiến tế này hiện thực một cách hoàn toàn mới mẻ, được kéo dài một cách bí tích, nơi mọi cộng đồng hiến dâng hy tế ấy nơi bàn tay của vị thừa tác viên thánh chức. Như thế, Thánh Thể được áp dụng cho con người nam nữ ngày nay mối hòa giải Chúa Kitô đã chiếm được một lần dứt khoát cho nhân loại ở mọi thời đại. “Hiến tế của Chúa Kitô và hiến tế Thánh Thể là một hiến tế duy nhất” (14). Thánh Gioan Chrystostom đã nói đúng: “Chúng ta bao giờ cũng hiến dâng cùng một Con Chiên, chứ không phải một con hôm nay và con khác ngày mai, nhưng lúc nào cũng chỉ có một con giống nhau. Bởi thế hiến tế này bao giờ cũng là một hiến tế duy nhất… Ngay cả hiện nay chúng ta hiến dâng tế vật đã một lần được dâng hiến và sẽ không bao giờ bị tiêu hao đi” (15).
Thánh Lễ làm cho hiến tế Thập Giá hiện thực; Thánh Lễ không thêm vào hiến tế ấy cũng như không tăng thêm cho hiến tế ấy (16). Những gì được lập lại là việc cử hành tưởng niệm của hiến tế ấy, “việc tưởng nhớ tái hiện thực” của hiến tế này (17), việc làm cho hiến tế cứu chuộc tối hậu duy nhất của Chúa Kitô lúc nào cũng hiện thực qua thời gian. Bản chất hiến tế của mầu nhiệm Thánh Thể, bởi thế, không được hiểu như là một điều gì tách biệt, không dính dáng gì với Thập Giá hay chỉ gián tiếp liên quan đến hiến tế Canvê.

13.       Vì mối liên hệ chặt chẽ với hiến tế Gongôta, Thánh Thể là một hiến tế theo nghĩa ngặt, chứ không phải một cách tổng quát, như thể hiến tế này chỉ là vấn đề Chúa Kitô tự hiến cho tín hữu như là lương thực thiêng liêng vậy thôi. Tặng ân của tình Người yêu thương và việc Người vâng lời cho đến hy hiến mạng sống mình (x Jn 10:17-18) trước hết là một tặng ân hiến dâng lên Cha của Người. Hiến tế này đã hẳn cũng là một tặng ân ban cho chúng ta nữa, thật ra ban cho tất cả nhân loại (x Mt 26:28; Mk 14:24; Lk 22:20; Jn 10:15), tuy nhiên, trước hết và trên hết là một tặng vật hiến dâng lên Chúa Cha: “một hiến tế được Chúa Cha chấp nhận, khi ban tặng ân phụ thân của mình, tức là ban sự sống bất tử mới ở việc phục sinh, để đáp lại việc toàn hiến này của Người Con đã ‘vâng lời cho đến chết trên thập giá’ (Phil 2:8)” (18).
Trong việc ban cho Giáo Hội hiến tế này của mình, Chúa Kitô cũng làm cho hiến tế của Giáo Hội thành của Người, một Giáo Hội được kêu gọi tự hiến làm một hiến tế với Chúa Kitô. Đây là giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II liên quan đến tất cả mọi tín hữu: “Khi tham dự vào Hiến Tế Thánh Thể, một hiến tế là nguồn mạch và là tuyệt đỉnh của tất cả đời sống Kitô hữu, họ hiến dâng tế vật thần linh lên Thiên Chúa, và hiến dâng bản thân mình làm một với hiến tế đó” (19).

14.       Cuộc vượt qua của Chúa Kitô chẳng những bao gồm cuộc khổ nạn và tử nạn của Người mà còn cả cuộc phục sinh của Người nữa. Điều này được nhắc nhớ qua lời cộng đồng tung hô sau phần truyền phép: “Chúng tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại”. Hy Tế Thánh Thể hiện thực chẳng những mầu nhiệm khổ nạn và tử nạn của Chúa Cứu Thế mà còn cả mầu nhiệm phục sinh làm hiển vinh hiến tế của Người nữa. Chính vì là Đấng hằng sống và phục sinh mà Chúa Kitô mới có thể trở thành “bánh ban sự sống” (Jn 6:35,48), “bánh sống” (Jn 6:51) trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Ambrôsiô đã nhắc nhở thành phần mới được khai tâm Kitô giáo rằng Thánh Thể thể hiện biến cố phục sinh vào cuộc sống của họ: “Hôm nay đây Chúa Kitô là của anh chị em, thế nhưng hằng ngày Người sống lại một lần nữa cho anh chị em” (20). Thánh Cylilô Alexandria cũng làm sáng tỏ vấn đề về việc thông phần vào các mầu nhiệm linh thánh “là một việc thực sự tuyên xưng và là việc tưởng nhớ rằng Chúa đã chịu chết và sống lại vì chúng ta và cho chúng ta” (21).

15.       Việc tái hiện thực một cách bí tích hiến tế của Chúa Kitô, một hiến tế được hiển vinh bởi cuộc phục sinh, nơi Thánh Lễ chất chứa một thứ hiện diện đặc biệt nhất như lời Đức Phaolô VI nói “được gọi là ‘có thực’, không phải kiểu loại trừ tất cả mọi kiểu hiện diện khác như những kiểu hiện diện ấy ‘không có thực’, song bởi đây là kiểu hiện diện trọn nghĩa nhất, một hiện diện chính yếu nhờ đó Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa Làm Người, hiện diện một cách trọn vẹn và hoàn toàn” (22). Điều này là điều lập lại giáo huấn bền vững của Công Đồng Chung Triđentinô, đó là “việc thánh hiến bánh và rượu làm biến đổi tất cả bản thể bánh thành bản thể thân mình của Đức Kitô Chúa chúng ta, và tất cả bản thể rượu thành bản thể máu của Người. Giáo Hội Công Giáo thánh thiện đã gọi việc biến đổi này một cách xác đáng và xứng hợp là việc biến thể” (23). Thánh Thể thực sự là một mysterium fidei mầu nhiệm đức tin, một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta và chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin mà thôi, như vẫn thường được nhắc đến trong những bài giáo lý của các Vị Giáo Phụ liên quan tới bí tích thần linh này. Thánh Cylilô Giêrusalem đã khuyến dụ: “Đừng thấy nơi bánh và rượu này chỉ là những chất tự nhiên, vì Chúa đã tỏ tường phán chúng là mình và máu của Người: đức tin bảo đảm với anh em về điều này, cho dù giác quan có cảm thấy khác đi nữa” (24).
Cùng với vị Tiến Sĩ Thiên Thần chúng ta hãy tiếp tục xướng lên rằng adoro te devote, latens Deitas. Trước mầu nhiệm yêu thương này, trí khôn nhân loại hoàn toàn cảm thấy cái hạn hẹp của nó. Người ta hiểu được tại sao qua các thế kỷ chân lý này đã từng kích thích khoa thần học nỗ lực tìm hiểu nó mỗi ngày một sâu xa hơn.
Đó là những nỗ lực đáng khen, những nỗ lực lại càng hữu ích và minh tường hơn nữa ở chỗ chúng góp phần suy tư cần thiết vào “đức tin sống động” của Giáo Hội, một đức tin được đặc biệt nắm giữ bởi Huấn Quyền liên quan đến “đặc sủng vững vàng về chân lý” cũng như đến “cảm quan sâu xa về các thực tại linh thiêng” (25) là những gì được thành phần đặc biệt các thánh nhân đạt tới. Đức Phaolô VI còn đề cập đến một giới hạn như sau: “Hết mọi thứ giải thích của thần học tìm cách hiểu được phần nào mầu nhiệm này, để am hợp với đức tin Công Giáo, đều phải mạnh mẽ chủ trương rằng nơi thực tại khách quan, hoàn toàn độc lập với lý trí của chúng ta, bánh và rượu không còn hiện hữu nữa sau lời truyền phép, để từ giây phút đó mình và máu đáng tôn thờ của Chúa Giêsu thực sự hiện diện ở trước chúng ta dưới các hình dạng bí tích bánh rượu (26).

16.       Hiệu năng cứu độ của hiến tế này được hoàn toàn hiện thực khi lãnh nhận mình máu Chúa lúc hiệp lễ. Hiến Tế Thánh Thể tự bản chất nhắm đến việc hiệp nhất nội tâm của tín hữu với Chúa Kitô qua việc hiệp lễ; chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta lãnh nhận thân thể Người đã trao nộp cho chúng ta trên Thập Giá cũng như lãnh nhận máu Người “đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26:28). Chúng ta được lời Người nhắc nhớ rằng: “Như Cha hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống bởi Cha thế nào, thì ai ăn Tôi cũng sẽ sống bởi Tôi như vậy” (Jn 6:57). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng việc hiệp nhất này, một thứ hiệp nhất được Người so sánh với việc hiệp nhất sự sống Ba Ngôi, được thực sự thể hiện. Thánh Thể thực sự là một bữa tiệc Chúa Kitô đã tự hiến mình làm của dưỡng nuôi chúng ta. Vào lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về thứ dưỡng nuôi này, thành phần nghe Người bấy giờ lấy làm lạ lùng và bối rối khiến Vị Thày này bắt buộc phải nhấn mạnh đến chân lý khách quan của những lời Người nói: “Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho quí vị hay, trừ phi quí vị ăn thịt Con Người và uống máu của Người, bằng không quí vị sẽ không có sự sống nơi bản thân quí vị” (Jn 6:53). Đây không phải là thứ lương thực bóng bẩy mỹ từ, bởi vì “Thịït Tôi thực sự là của ăn và máu Tôi thực sự là của uống” (Jn 6:55).

17.       Qua việc chúng ta được hiệp thông với mình máu của Người, Chúa Kitô cũng ban cho chúng ta Thần Linh của Người nữa. Thánh Ephrem viết: “Người đã gọi thứ bánh này là thân mình của Người và Người đã làm cho bánh ấy tràn đầy Người cùng với Thần Linh của Người…
Ai lấy đức tin mà ăn bánh ấy là ăn Lửa và Thần Linh… Hãy nhận lấy mà ăn, tất cả anh chị em, và hãy ăn Thánh Linh nơi bánh này. Vì đó thật là mình của Tôi nên ai ăn bánh ấy sẽ được sự sống đời đời” (27). Giáo Hội kêu xin Tặng Ân thần linh này, nguồn mạch của hết mọi tặng ân khác, nơi việc nguyện cầu Thánh Thần xuống để biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong Giờ Thần Vụ của Thánh John Chrysostom chẳng hạn, chúng ta thấy có lời nguyện rằng: “Chúng tôi cầu khẩn, kêu xinvà van nài Chúa hãy sai Thánh Thần của Chúa xuống trên tất cả chúng con cũng như trên những lễ vật này… để những ai lãnh nhận những lễ vật ấy được tinh sạch trong tâm hồn, được ơn tha thứ lỗi lầm, và được thông phần Thánh Thần” (28). Trong Sách Lễ Rôma, vị chủ tế nguyện rằng: “Xin ban cho chúng con là những kẻ được nuôi dưỡng bởi mình máu Người được tràn đầy Thánh Thần của Người, và được trở nên một thân thể, một tinh thần duy nhất trong Chúa Kitô” (29). Như thế, nhờ tặng ân mình máu của Người, Chúa Kitô làm tăng lên trong chúng ta tặng ân Thàn Linh của Người đã được tuonân đå xuống trên chúng ta qua Phép Rửa cũng như đã được ban xuống cho chúng ta như “dấu ấn” qua bí tích Thêm Sức.

18.       Lời tung hô của cộng đồng sau phần truyền phép được chấm dứt một cách rất thích đáng với câu diễn tả cái trục cánh chung là yếu tố làm nên đặc tính của việc cử hành Thánh Thể (x 1Cor 11:26), đó là câu “cho đến khi Chúa lại đến”. Thánh Thể là một vươn rộng kéo dài tới đích điểm, là một tiên hưởng niềm vui trọn vẹn như Chúa Kitô hứa hẹn (x Jn 15:11); Thánh Thể là tiên vọng được thừa hưởng nước trời một cách nào đó, là “một bảo chứng cho vinh quang mai hậu” (30). Thánh Thể chất chứa tất cả những gì là tin tưởng đợi trông “với một niềm hân hoan hy vọng về việc tái giáng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta” (31). Những ai được Chúa Kitô dưỡng nuôi bằng Thánh Thể không cần phải đời chờ cho đến đời sau mới thừa hưởng sự sống trường sinh, vì họ đã chiếm hữu được sự sống này ngay trên trần gian, như là những hoa trái đầu mùa của một tình trạng toàn mãn mai hậu, một tình trạng sẽ làm cho con người nên thành toàn trọn vẹn. Vì nơi Thánh Thể, chúng ta cũng có cả bảo chứng về việc phục sinh của thân xác vào ngày tận thế: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:54). Lời bảo chứng cho việc sống lại sau này ấy phát xuất từ sự kiện là xác thịt của Con Người được ban hiến như lương thực, là thân thể của Người ở trong tình trạng vinh hiển sau cuộc phục sinh. Lãnh nhận Thánh Thể là chúng ta thực sự tiêu hóa “cái bí mật” của việc phục sinh vậy. Đó là lý do Thánh Ignatiô Antiôkia đã có lý cho Bánh Thánh Thể là “một phương dược bất tử, là một kháng tố chống tử vong” (32).

19.       Chiều kích cánh chung được Thánh Thể thắp lên đã thể hiện và củng cố mối hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội thiên đình. Không phải là ngẫu nhiên mà các bài Kinh Nguyện Thánh Thể Đông Phương và Latinh đã tôn kính Mẹ Maria, người Mẹ trọn đời Trinh Nguyên của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta, tôn kính các thiên thần, các thánh tông đồ, các vị tử đạo hiển vinh cùng tất cả mọi vị thánh nam nữ. Đây là một khía cạnh của Thánh Thể cần phải chú trọng hơn nữa, ở chỗ, khi cử hành hiến tế của Con Chiên là chúng ta được hiệp nhất với “phụng vụ” thiên đình, và trở thành một phần trong trong đám đông vô số người kêu lên rằng: “Ơn cứu độ là của Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai, và của Con Chiên!” (Rev 7:10). Thánh Thể thực sự là một thoáng nhìn về trời xuất hiện trên thế gian này. Thánh Thể là một tia sáng hiển vinh của Thành Giêrusalem thiên quốc xuyên thấu các tầng mây lịch sử của chúng ta để soi đường dẫn lối cho cuộc lữ hành của chúng ta.

20.       Thành quả đáng kể của chiều kích cánh chung chất chứa nơi Thánh Thể còn ở sự kiện là Thánh Thể thúc đẩy chúng ta tiến bước lữ hành qua giòng lịch sử và gieo một mầm mống hy vọng sống động nơi việc dấn thân hằng ngày của chúng ta đối với công việc trước mắt. Nhãn quan Kitô giáo bao giờ cũng dẫn đến niềm trông đợi “trời mới” và “đất mới” (Rev 21:1), thế nhưng nhãn quan này thay vì làm suy yếu lại làm tăng thêm cảm quan trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay (33). Tôi muốn tái xác nhận điều này một cách mạnh mẽ vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ đây, để Kitô hữu cảm nhận được hơn bao giờ hết trách nhiệm không được lơ là với nhiệm vụ là công dân trần thế của mình. Nhiệm vụ của họ đó là việc họ theo tinh thần Phúc Âm đóng góp vào vấn đề xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới hoàn toàn hòa hợp với dự án của Thiên Chúa.
Nhiều vấn đề đã làm tăm tối cả chân trời thời đại của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến nhu cầu khẩn trương trong việc hoạt động cho hòa bình, trong việc đặt các mối liên hệ giữa các dân tộc trên những nền tảng công lý và đoàn kết vững vàng, cũng như trong việc bênh vực sự sống con người từ khi được hoài thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Và chúng ta phải nói làm sao về cả hàng ngàn thứ bất nhất ở một thế giới “được toàn cầu hóa”, nơi mà thành phần yếu kém nhất, thành phần bất lực nhất và thành phần bần cùng nhất là những thành phần dường như chẳng có hy vọng là bao! Chính trong một thế giới như vậy mà niềm hy vọng Kitô giáo cần phải sáng tỏ! Cũng chính vì lý do này nữa mà Chúa Kitô muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể, bằng cách biến việc hiện diện của Người qua hình thức bữa ăn và hiến tế thành một niềm hứa hẹn cho một thứ nhân loại được canh tân bởi tình yêu của Người. Thật vậy, qua trình thuật về Bữa Tiệc Ly của mình, trong khi các Phúc Âm Nhất Lãm đã kể lại việc thiết lập Thánh Thể, thì Phúc Âm Thánh Gioan, như để mang lại ý nghĩa sâu xa của việc thiết lập này, lại kể đến đoạn “rửa chân”, đoạn cho thấy Chúa Giêsu tỏ mình ra như một vị tôn sư về mối hiệp thông và phục vụ (x Jn 13:1-20). Về phần mình, Thánh Tông Đồ Phaolô đã nói rằng thật là “bất xứng” cho một cộng đồng Kitô hữu tham phần vào Bữa Tối của Chúa mà lại ở trong tình trạng chia rẽ và dửng dưng với thành phần nghèo khổ (x 1Cor 11:17-22,27-34) (34).
Lời công bố việc Chúa chịu chết “cho đến khi Chúa lại đến” (1Cor 11:26) đòi tất cả những ai tham dự vào Thánh Thể phải quyết tâm thay đổi cuộc đời của mình và làm cho nó hoàn toàn là “Thánh Thể” một cách nào đó. Chính hoa trái của một cuộc sống được biến đổi cũng như của một cuộc dấn thân biến đổi thế giới theo tinh thần Phúc Âm này là những gì làm sáng tỏ rạng ngời chiều kích cánh chung được chất chứa nơi cả việc cử hành Thánh Thể cũng như nơi đời sống Kitô hữu: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Rev 22:20).


 
Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội

21.       Công Đồng Chung Vaticanô II dạy rằng việc cử hành Thánh Thể là tâm điểm của tiến trình Giáo Hội phát triển. Sau khi nói rằng “Giáo Hội, với tư cách là Vương Quốc của Chúa Kitô vốn hiện diện một cách mầu nhiệm, phát triển một cách hữu hình trên thể giới bởi quyền năng của Thiên Chúa” (35), thế rồi, như để trả lời cho vấn nạn “Giáo Hội phát triển ra sao?”, Công Đồng thêm: “bao lâu hiến tế Thập Giá do ‘Chúa Kitô là cuộc vượt qua của chúng ta hiến tế’ (1Cor 5:7) được cử hành trên bàn thờ, thì bấy lâu công cuộc cứu chuộc của chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nơi bí tích của tấm bánh Thánh Thể, mối hiệp nhất của tín hữu, thành phần làm nên một thân thể duy nhất nơi Chúa Kitô (x 1Cor10:17), được thể hiện và phát sinh” (36).
Tác dụng nguyên hệ của Thánh Thể vốn hiện hữu ở ngay chính nguồn gốc của Giáo Hội. Các Thánh Ký đã nói rõ là 12 Vị, tức các Tông Đồ, đã qui tụ lại với Chúa Giêsu ở Bữa Tiệc Ly (x Mt 26:20; Mk 14:17; Lk 22:14). Đây là một chi tiết quan trọng đặc biệt, vì các Vị Tông Đồ “vừa là mầm mống của dân Do Thái vừa là khởi nguyên của hàng giáo phẩm linh thánh” (37). Qua việc cống hiến cho các vị mình máu mình làm lương thực, Chúa Kitô đã bao hàm một cách mầu nhiệm các vị vào hiến tế sẽ được hoàn tất sau đó trên Đồi Can vê. So sánh với Giao Ước ở Núi Sanai, một giao ước được niêm ấn bằng hiến tế và việc rẩy máu (38), thì những tác động và lời lẽ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã đặt nền tảng cho cộng đồng thiên sai mới, tức thành phần Dân Tân Ước. 
Các vị Tông Đồ, bằng việc chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Căn Thượng Lầu Tiệc Ly: “Hãy nhận lấy mà ăn”, “tất cả các con hãy uống” (Mt 26:26-27), lần đầu tiên đã tiến vào mối hiệp thông bí tích với Người. Từ đó trở đi, cho đến tận thế, Giáo Hội được xây dựng qua mối hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến tế vì chúng ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày… Các con hãy làm việc này bao lâu các con uống để nhớ đến Thày” (1Cor 11:24-25; x Lk 22:19).

22.       Việc được tháp nhập vào Chúa Kitô bởi Phép Rửa được liên lỉ lập lại và củng cố bằng việc thông phần vào Thánh Thể, nhất là bằng việc hoàn toàn thông phần xẩy ra qua mối hiệp thông bí tích. Chúng ta chẳng những có thể nói rằng mỗi một người trong chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô mà còn có thể nói rằng Chúa Kitô lãnh lấy tøng người chúng ta nữa. Người tỏ ra thân tình với chúng ta: “Các con là bạn hữu của Thày” (Jn 15:14). Thật vậy, chính bởi Người mà chúng ta được sự sống: “Ai ăn Tôi sẽ sống bởi Tôi” (Jn 6:57). Mối hiệp thông Thánh Thể mang lại “việc tương ngụ” cao quí giữa Chúa Kitô và mỗi một người môn đệ của Người: “Các con hãy ở trong Thày và Thày ở trong các con” (Jn 15:4).
Nhờ được nên một với Chúa Kitô, Dân Tân Ước, chẳng những không gắn liền với chính mình, lại còn trở thành một “bí tích” cho nhân loại nữa (39), thành một dấu hiệu và là một dụng cụ cứu độ do Chúa Kitô lập được, thành ánh sáng thế gian và muối đất (x Mt 5:13-16), cho ơn cứu chuộc của tất cả mọi người (40). Sứ vụ của Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô: “Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21). Từ việc kéo dài của hiến tế Thập Giá và mối hiệp thông của Giáo Hội với mình máu Chúa Kitô nơi Thánh Thể, Giáo Hội kín múc được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để thi hành sứ vụ của Giáo Hội. Như thế Giáo Hội tỏ ra vừa là nguồn gốc vừa là tuyệt đỉnh của tất cả mọi việc truyền bá phúc âm hóa, vì mục tiêu của Giáo Hội là mối hiệp thông giữa nhân loại với Chúa Kitô, rồi trong Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (41).

23.       Mối hiệp thông Thánh Thể cũng củng cố sự hiệp nhất Giáo Hội như thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đề cập đến quyền năng hiệp nhất liên quan tới việc tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể này khi thánh nhân viết cho các Kitô hữu Corintô: “Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc hiệp thông vào thân thể Chúa Kitô hay sao? Vì chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều song cũng chỉ là một thân thể duy nhất, bởi tất cả chúng ta đều thông phần vào cùng một tấm bánh” (1Cor 10:16-17). Thánh John Chrysostom dẫn giải về những lời này một cách sâu xa và nhận thức như sau: “Tấm bánh này là gì? Đó là thân thể Chúa Kitô. Và những ai lãnh nhận tấm bánh ấy sẽ trở nên những gì? Thân thể Chúa Kitô – không phải là nhiều thân thể mà là một thân thể duy nhất. Vì như bánh hoàn toàn chỉ là một, cho dù được làm nên bởi nhiều hạt lúa miến, và những hạt lúa miến ấy, mặc dù không thấy, song vẫn hiện diện, ở chỗ cái khác biệt của chúng không hiện lộ vì chúng được trở thành một toàn khối trọn vẹn, chúng ta cũng thế, cũng hiệp lại với nhau và cùng nhau hiệp nhất với Chúa Kitô” (42). Lập luận này thật là mãnh liệt, ở chỗ, việc chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô, một tặng ân và là ân huệ cho mỗi một người trong chúng ta, có thể thực hiện trong Người để chúng ta được thông phần vào mối hiệp nhất của thân thể Giáo Hội của Người. Thánh Thể củng cố việc tháp nhập vào Chúa Kitô được thực hiện nơi Phép Rửa nhờ tặng ân Thần Linh (x 1Cor 12:13,27).
Hoạt động liên kết bất khả phân ly của Chúa Con và Thánh Linh ở ngay khởi nguyên của Giáo Hội, liên quan đến việc gắn bó vững chắc của Giáo Hội cũng như đến sự sống liên tục của Giáo Hội, là hoạt động vẫn đang diễn tiến nơi Thánh Thể. Điều này thật rõ ràng đối với vị tác giả của Phụng Vụ của Thánh Giacôbê: ở lời nguyện xin Thánh Thần của Kinh Nguyện Thánh Thể, Thiên Chúa Ngôi Cha được nguyện xin sai Thánh Thần xuống trên tín hữu cũng như trên các lễ vật, để mình và máu Chúa Kitô “trở nên một thứ trợ giúp cho tất cả những ai tham hưởng… nhờ đó hồn xác họ được thánh hóa” (43). Giáo Hội được kiên cường bởi Đấng An Ủi thần linh qua việc Ngài thánh hóa tín hữu nơi Thánh Thể.

24.       Tặng ân Chúa Kitô và Thần Linh của Người chúng ta lãnh nhận được nơi mối hiệp thông Thánh Thể làm tràn đầy muôn vàn niềm ước vọng vốn được đâm rễ sâu trong tâm can con người về việc hiệp nhất huynh đệ; tặng ân ấy cũng đồng thời thăng hoa cả cảm nghiệm về tình yêu huynh đệ vốn đã hiện hữu nơi việc chúng ta cùng nhau chia sẻ cùng một bàn tiệc Thánh Thể, tới độ vượt quá cảm nghiệm thuần nhân loại trong việc chia sẻ một bữa ăn. Bằng việc được hiệp thông với thân mình Chúa Kitô, Giáo Hội càng tiến đến chỗ sâu xa hơn nữa “ở trong Chúa Kitô theo bản tính của một bí tích, tức là, của một dấu hiệu và là một dụng cụ cho mối hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa cũng như cho mối hiệp nhất toàn thể nhân loại” (44).
Những mầm mống chia rẽ, những mầm mống mà kinh nghiệm hằng ngày cho thấy đã đâm rễ rất sâu xa nơi nhân loại như là hậu quả của tội lỗi, bị quyền năng hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô đối kháng. Thánh Thể, chính nhờ việc xây dựng Giáo Hội, kiến tạo nên cộng đồng nhân loại vậy.

25.       Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ có một lợi ích khôn lường cho đời sống của Giáo Hội. Việc tôn thờ này hết sức gắn liền với việc cử hành Hiến Tế Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Kitô dưới các dạng thức linh thánh sau Thánh Lễ, một sự hiện diện kéo dài bao lâu hình bánh và rượu còn (45), phát xuất từ việc cử hành hiến tế ấy và hướng về mối hiệp thông cả về phương diện bí tích lẫn thiêng liêng (46). Các Vị Chủ Chiên có trách nhiệm phải khuyến khích, bằng chứng từ bản thân các vị, việc tôn thờ Thánh Thể, nhất là việc đặt chầu Bí Tích Thánh, cũng như việc cầu nguyện tôn thờ trước Chúa Kitô hiện diện dưới các dạng thức Thánh Thể (47).
Thật là sung sướng khi bỏ giờ ra ở với Người, để ngả mình vào ngực của Người như Người Môn Đệ Yêu Dấu (x Jn 13:25), cũng như để cảm thấy tình yêu vô biên đang hiện diện trong trái tim Người. Nếu trong thời đại của chúng ta đây, Kitô hữu cần phải được phân biệt trên hết bằng “nghệ thuật cầu nguyện” (48), thì làm sao chúng ta lại không cảm thấy một nhu cầu mới trong việc bỏ giờ truyện vãn thiêng liêng, im lặng tôn thờ, yêu thương cảm mến trước Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh? Anh chị em thân mến, Tôi thường cảm nghiệm được điều này và kín múc được sức mạnh, nguồn ủi an và nâng đỡ từ những giây phút ấy biết bao!
Việc thực hành này, một việc Huấn Quyền không ngớt khen ngợi và khuyến dụ, được thực hiện bởi gương của nhiều vị thánh. Nổi bật nhất về vấn đề này là Thánh Alphonsus Ligouri, vị đã viết: “Trong tất cả mọi việc tôn sùng thì việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh là việc tôn sùng cao cả nhất trong các phép bí tích, một việc tôn sùng Thiên Chúa yêu thích nhất và là việc hữu ích nhất đối với chúng ta” (50). Thánh Thể là một kho tàng vô giá: không phải chỉ ở việc cử hành mà còn ở việc cầu nguyện trước Thánh Thể ngoài Thánh Lễ là những gì chúng ta có thể thực hiện việc giao tiếp với chính mạch suối ân sủng. Một cộng đồng Kitô hữu thao thức chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô theo tinh thần Tôi nêu lên trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ cũng như trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria không thể không khai triển khía cạnh tôn thờ Thánh Thể này, một việc tôn thờ kéo dài và tăng thêm các hoa trái của mối hiệp thông vào mình máu Chúa.
“Trong ngày sống, tín hữu không được thiếu vắng việc viếng Bí Tích Thánh, một Bí Tích mà theo luật phụng vụ cần phải hết sức cung kính để trong các nhà thờ ở một nơi hết sức trang trọng. Những việc viếng thăm ấy là dấu hiệu chứng tỏ lòng biết ơn, biểu lộ lòng yêu mến và nhận biết sự hiện diện của Chúa” (Paul VI, Encyclical Letter Mysterium Fidei [3 September 1965]: AAS 57 [1965], 771).


Tính Cách Tông Truyền
của Thánh Thể và của Giáo Hội 

26.       Nếu, như Tôi đã nói, Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội thực hiện Thánh Thể thì cả hai có một mối liên hệ sâu xa, tới nỗi chúng ta có thể áp dụng mầu nhiệm Thánh Thể chính những lời chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicene-Constantinopolitan là Giáo Hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Cả Thánh Thể nữa cũng duy nhất và công giáo. Thánh Thể còn thánh thiện, thực sự là một Bí Tích Cực Thánh. Thế nhưng, trước hết, chúng ta giờ đây cần phải nhận định về tính cách tông truyền của Thánh Thể.

27.       Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khi giải thích làm sao Giáo Hội tông truyền được căn cứ vào các Vị Tông Đồ, đã thấy được ba ý nghĩa nơi lời phát biểu này. Trước hết, “Giáo Hội đã và vẫn được xây dựng trên ‘nền tảng các Vị Tông Đồ’ (Eph 2:20), những vị chứng nhân được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi truyền giáo” (51). Thánh Thể cũng có nền tảng trên các Vị Tông Đồ, không phải ở chỗ Thánh Thể không bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, mà là ở chỗ Thánh Thể được Chúa Giêsu ký thác cho các Vị Tông Đồ và đã được các vị cùng những người thừa kế các vị truyền lại cho chúng ta. Chính vì việc tiếp tục thực hiện theo các Vị Tông Đồ tuân giữ lệnh truyền của Chúa mà Giáo Hội vẫn cử hành Thánh Thể qua các thế kỷ.
Ý nghĩa thứ hai cho thấy Giáo Hội tông truyền, như Sách Giáo Lý trình bày, đó là “được sứ nâng đỡ của Thần Linh ở trong mình, Giáo Hội gìn giữ và truyền đạt giáo huấn, ‘kho tàng thiện hảo’, những lời tác hiệu Giáo Hội đã nghe từ các Vị Tông Đồ” (52). Thánh Thể cũng tông truyền cả ở chỗ này nữa. Vì Thánh Thể được cử hành hợp với đức tin của các Vị Tông Đồ. Ở vào những thời điểm khác nhau trong giòng lịch sử 2000 năm của Dân Tân Ước, Huấn Quyền của Giáo Hội đã truyền dạy chính xác hơn nữa về Thánh Thể, bao gồm cả vấn đề ngữ pháp xứng hợp, chính là để bảo toàn đức tin  tông truyền liên quan đến mầu nhiệm cao quí này. Niềm tin này vẫn không thay đổi và Giáo Hội cần phải làm sao để niềm tin này không đổi thay.

28.       Sau hết, Giáo Hội còn tông truyền theo nghĩa là Giáo Hội “tiếp tục được dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn bởi các Vị Tông Đồ cho đến khi Chúa Kitô tái giáng, qua những người thừa kế của các vị trong vai trò mục vụ là Giám Mục đoàn được các linh mục hỗ trợ, hợp nhất với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, vị mục tử tối cao của Giáo Hội” (53). Việc kế thừa các Vị Tông Đồ trong vai trò mục tử cần đến bí tích Truyền Chức Thánh, tức là tính cách liên tục không bị gián đoạn ngay từ ban đầu nơi những việc truyền chức hàng giáo phẩm (54). Việc thừa kế là việc thiết yếu đối với Giáo Hội để hiện hữu một cách xứng hợp và trọn vẹn.
Thánh Thể cũng thể hiện ý nghĩa tông truyền này nữa. Như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy, “tín hữu tham dự vào việc hiến dâng Thánh Thể vì vai trò tư tế vương giả của họ” (55), tuy nhiên chỉ có vị tư tế có chức thánh, “tác hành thay ngôi vị Chúa Kitô, thực hiện Hy Tế Thánh Thể và hiến dâng Hy Tế lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân Chúa” (56). Vì lý do này, Lễ Nghi Rôma qui định rằng chỉ có linh mục mới đọc Lời Nguyện Thánh Thể, trong khi đó dân Chúa tham dự vào bằng đức tin và trong thinh lặng (57).

29.       Công Đồng Chung Vaticanô II sử dụng nhiều lần lời diễn tả “thành phần linh mục thừa tác, tác hành thay ngôi vị Chúa Kitô, mới là vị thực hiện Hiến Tế Thánh Thể” (58), là lời diễn tả đã được bắt nguồn sâu xa từ giáo huấn của giáo hoàng (59). Như Tôi đã nói đến ở các lần khác, câu in persona Christi “có nghĩa còn hơn là việc hiến dâng ‘nhân danh’ hay ‘thay cho’ Chúa Kitô. In persona nghĩa là đồng hóa đặc biệt về bí tích với Vị Thượng Tế đời đời, Đấng là tác giả và là chủ thể chính của hiến tế này của Người, một hiến tế thực sự không ai có thể thay Người” (60). Thừa tác vụ của các vị linh mục, thành phần đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, trong công cuộc cứu độ được Chúa Kitô tuyển chọn, là thừa tác vụ cho thấy rõ Thánh Thể được các vị cử hành là một tặng ân hoàn toàn trổi vượt trên quyền hạn của cộng đồng, và là một tặng ân hết sức cần thiết cho mối liên hệ thành hiệu giữa việc thánh hiến Thánh Thể với hiến tế Thập Tự cũng như với Bữa Tiệc Ly. Cộng đồng qui tụ lại với nhau để cử hành Thánh Thể, nếu thật sự là cộng đồng Thánh Thể, tuyệt đối cần phải có sự hiện diện của một vị linh mục có chức thánh chủ sự. Ngoài ra, cộng đồng này, tự mình không thể cung cấp một vị thừa tác viên có chức thánh. Vị thừa tác viên này là một tặng ân cộng đồng nhận được qua việc thừa kế hàng giáo phẩm bắt nguồn từ các Vị Tông Đồ. Chính vị Giám Mục, vị qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, làm nên một vị tư tế mới bằng việc ban cho họ quyền thánh hiến Thánh Thể. Tóm lại, “mầu nhiệm Thánh Thể không thể được cử hành nơi bất cứ một cộng đoàn nào ngoại trừ bởi một vị linh mục có chức thánh, như Công Đồng Chung Latêranô IV minh nhiên truyền dạy” (61).

30.       Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về mối liên hệ giữa thừa tác vụ tư tế và Thánh Thể, cũng như giáo huấn về Hiến Tế Thánh Thể đều là chủ đề đối thoại tốt đẹp trong lãnh vực đại kết trong những thập niên gần đây. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi về sự tiến bộ và chiều hướng qui hội đáng kể đạt được về khía cạnh này là những gì khiến chúng ta hy vọng rằng một ngày kia sẽ tiến tới chỗ trọn vẹn chia sẻ niềm tin. Tuy nhiên, những nhận định của Công Đồng Chung Vaticanô II về các Cộng Đồng Giáo Hội phát xuất ở Tây Phương từ thế kỷ 16 trở đi và là những cộng đồng tách khỏi Giáo Hội Công Giáo vẫn còn là những nhận định hoàn toàn xác thực: “Các Cộng Đồng Giáo Hộitách khỏi chúng ta thiếu hẳn mối hiệp nhất với chúng ta là mối hiệp nhất bắt nguồn từ Phép Rửa, và chúng ta tin rằng vì đặc biệt thiếu bí tích Truyền Chức Thánh họ đã không giữ được thực tại chuyên chính và trọn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, khi họ tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại trong Bữa Dạ Tiệc Thánh là họ tuyên xưng rằng bữa tiệc này tiêu biểu cho sự sống hiệp thông với Chúa Kitô và họ đợi chờ việc Người lại đến trong vinh quang” (62). 
Bởi thế, tín hữu Công giáo, tuy vẫn tôn trọng niềm xác tín tôn giáo của anh chị em ly khai này, cũng phải tránh không được lãnh nhận việc hiệp thông được họ phân phát trong các cuộc cử hành của họ, để không tỏ ra coi thường tính cách mập mờ về bản chất Thánh Thể, từ đó, không chịu thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc minh nhiên làm chứng cho chân lý. Điều này đưa đến chỗ làm chậm bước tiến đã được thực hiện về việc hoàn toàn hiệp nhất nên về hình thức bề ngoài. Cũng thế, không thể chấp nhận được việc thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật bằng những việc cử hành lời Chúa theo đại kết hay bằng những buổi cầu nguyện chung với Kitô hữu thuộc các Cộng Đồng Giáo Hội được đề cập tới trước đây, hoặc bằng việc tham dự vào những buổi phụng vụ riêng của họ.  Những cuộc cử hành và những buổi như thế, dù sao  vẫn đáng ca ngợi ở một số trường hợp, cũng sửa soạn cho mục đích hoàn toàn hiệp thông, kể cả việc hiệp thông Thánh Thể, song họ không thể thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật.
Sự kiện quyền năng thánh hiến Thánh Thể đã được trao phó cho các vị Giám Mục và linh mục mà thôi không phải là việc coi thường một cách nào đó phần Dân Chúa còn lại, vì nơi mối hiệp thông của một thân thể Chúa Kitô duy nhất là Giáo Hội thì tặng ân quyền linh này mang lại thiện ích cho tất cả mọi người.

31.       Nếu Thánh Thể là tâm điểm và là tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội thì Thánh Thể cũng là tâm điểm và là tuyệt đỉnh của thừa tác vụ tư tế. Bởi thế, bằng một tấm lòng hết sức biết ơn Chúa chúng ta Giêsu Kitô, Tôi xin lập lại rằng Thánh Thể “là lý do chính yếu và trọng tâm của bí tích linh mục, một bí tích hiện hữu một cách hiệu thành vào chính lúc thiết lập Thánh Thể” (63).
Các vị linh mục dấn thân thực hiện nhiều hoạt động mục vụ khác nhau. Nếu chúng ta xét đến những điều kiện về xã hội và văn hóa của thế giới tân tiến này, chúng ta sẽ dễ hiểu được các vị linh mục phải đối diện ra sao với chính mối nguy cơ thực sự nơi tình trạng không còn tập trung được nữa giữa cả đống việc khác nhau như vậy. Công Đồng Chung Vaticanô II đã thấy nơi việc bác ái mục vụ mối giây liên kết đời sống và hoạt động của vị linh mục. Công Đồng nói thêm là mối giây ấy “chính yếu được bắt nguồn từ Hiến Tế Thánh Thể là hiến tế bởi thế là tâm điểm và là căn gốc của tất cả đời sống tư tế” (64). Như thế, chúng ta có thể hiểu được tầm vóc quan trọng ra sao, đối với đời sống thiêng liêng của vị linh mục, cũng như đối với thiện ích của Giáo Hội và thế giới, việc linh mục tuân theo khuyến dụ của Công Đồng này trong việc cử hành Thánh Thể hằng ngày: “Cho dù tín hữu không thể hiện diện, thì đó cũng là tác động của Chúa Kitô và của Giáo Hội” (65). Có như thế, vị linh mục mới có thể đối đầu với các thứ căng thẳng hằng ngày đưa đến chỗ thiếu tập trung và các vị sẽ tìm thấy nơi Hiến Tế Thánh Thể, tâm điểm thực sự của đời sống và thừa tác vụ của các ngài, sức mạnh thiêng liêng cần thiết để đối đầu với những trách nhiệm mục vụ khác nhau. Nhờ vậy sinh hoạt hằng ngày của các vị mới thực sự trở thành sinh hoạt Thánh Thể.
Tính cách trung tâm điểm của Thánh Thể nơi đời sống và thừa tác vụ của linh mục là căn bản chính yếu của việc cổ võ mục vụ ơn gọi linh mục. Chính ở nơi Thánh Thể mà lời cầu nguyện cho ơn gọi mới là lời cầu nguyện liên kết chặt chẽ nhất với lời nguyện của Chúa Kitô Thượng Tế Đời Đời. Đồng thời việc linh mục chuyên tâm thi hành thừa tác vụ Thánh Thể, cùng với sự tham dự vào Thánh Thể một cách ý thức, chủ động và tốt đẹp của tín hữu, là những gì cống hiến cho giới trẻ một tấm gương và niềm khích lệ mãnh liệt trong việc quảng đại đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa. Việc linh mục nhiệt thành bác ái thi hành mục vụ thường là những gì Chúa dùng để gieo rắc và làm trổ sinh hoa trái nơi tâm can giới trẻ hạt giống ơn gọi linh mục.

32.       Tất cả những điều ấy cho thấy buồn thảm và bất thường biết bao cho tình trạng của một cộng đồng Kitô hữu, mặc dù có đủ số tín hữu khác nhau để hình thành một giáo xứ mà lại thiếu linh mục dẫn dắt. Các giáo xứ là những cộng đồng của thành phần lãnh nhận phép rửa, thành phần bày tỏ và thể hiện căn tính của mình trước hết qua việc cử hành Hiến Tế Thánh Thể. Thế nhưng, điều này đòi phải có sự hiện diện của vị tư tế là vị duy nhất có khả năng hiến dâng Thánh Thể với tư cách Chúa Kitô in persona Christi. Ở một cộng đồng thiếu linh mục thì cần phải thực hiện những nỗ lực đứng đắn để làm sao bù đắp tình trạng này, nhờ đó cộng đồng có thể tiếp tục những việc cử hành Chúa Nhật, và những vị tu sĩ cùng giáo dân hướng dẫn anh chị em mình nguyện cầu là thi hành một cách đáng khen vai trò linh mục phổ quát của tất cả mọi tín hữu có được do ơn Phép Rửa. Thế nhưng, những giải pháp như vậy phải được coi là tạm thời mà thôi trong khi cộng đồng chờ đợi linh mục.
Những việc cử hành không trọn vẹn tính cách bí tích này trước hết phải tác động toàn thể cộng đồng tha thiết nguyện cầu hơn nữa để xin Chúa sai thợ đến làm mùa (x Mt 9:38). Cũng nên vận dụng tất cả mọi nguồn liệu cần thiết để thực hiện đầy đủ việc mục vụ cổ võ ơn thiên triệu, nhưng vẫn không chiều theo khuynh hướng tìm kiếm những giải pháp hạ thấp các tiêu chuẩn về luân lý và huấn luyện cần thiết của các ứng sinh học làm linh mục. 

33.       Vì khan hiếm linh mục, các phần tử không có chức thánh thuộc thành phần tín hữu được ủy thác cho việc tham dự vào việc chăm sóc mục vụ ở giáo xứ thì họ phải nhớ rằng, như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy, “không một cộng đồng Kitô hữu nào có thể được xây dựng trừ phi cộng đồng ấy có nền tảng và trọng tâm ở việc cử hành Thánh Thể Cực Thánh” (66). Bởi thế, các phần tử ấy có trọng trách làm sao giữ được “cơn đói” Thánh Thể thực sự trong cộng đồng này, nhờ đó nó sẽ không bỏ lỡ một cơ hội cử hành Thánh Lễ nào, cũng bằng việc lợi dụng sự hiện diện tùy lúc của một vị linh mục không bị luật Giáo Hội ngăn cấm cử hành Thánh Lễ.


Tại Học Ðường Maria, “Người Nữ Thánh Thể”

53.       Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của nó thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria, là Mẹ và là mô phạm của Giáo Hội. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, Tôi đã cho thấy Đức Trinh Nữ Maria là vị tôn sư của chúng ta trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và trong các mầu nhiệm ánh sáng, Tôi đã bao gồm cả việc thiết lập Thánh Thể (102). Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy.

Thoạt nhìn thì hình như Phúc Âm không nói gì đến vấn đề này. Trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh không hề đề cập đến Mẹ Maria. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Mẹ đã hiện diện giữa các vị Tông Đồ, những vị “đồng tâm nhất trí” (cf Acts 1:14) nguyện cầu nơi một cộng đồng tiên khởi qui tụ lại với nhau sau khi Chúa Kitô Thăng Thiên để mong chờ Thánh Thần Hiện Xuống. Mẹ Maria chắc chắn phải có mặt ở những lần cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi, thành phần sốt sắng “với việc bẻ bánh” (Acts 2:42).

Thế nhưng, ngoài việc Mẹ thông phần vào bữa tiệc Thánh Thể, một hình ảnh gián tiếp khả dĩ về mối liên hệ giữa Mẹ với Thánh Thể, bắt đầu bằng việc sửa soạn nội tâm của Mẹ, Mẹ Maria còn là một “người nữ của Thánh Thể” suốt cuộc đời của Mẹ. Giáo Hội, nhìn lên Mẹ Maria như mô phạm của mình, cũng được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này.

54.       Mysterium fidei! Nếu Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin hoàn toàn vượt trên sự hiểu biết của chúng ta, đến nỗi đòi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa, thì không còn ai như Mẹ Maria đã tác hành để nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong việc dọn mình này. Khi lập lại những gì Chúa Kitô đã làm ở Bữa Tiệc Ly theo lệnh truyền của Người: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày!”, chúng ta cũng chấp nhận lời mời gọi của Mẹ Maria trong việc mau mắn vâng lời Người: “Hãy làm theo những gì Người bảo” (Jn 2:5). Bằng cùng một mối quan tâm từ mẫu được Mẹ tỏ ra ở tiệc cưới Cana, Mẹ Maria dường như muốn nói với chúng ta rằng: “Đừng ngần ngại; hãy tin tưởng vào những lời nói của Con Mẹ. Nếu Người có thể biến nước thành rượu thì Người cũng có thể biến bánh và rượu thành mình và máu của Người, để rồi, qua mầu nhiệm này, Người trao tặng cho các tín hữu việc tưởng niệm sống động về cuộc vượt qua của Người, hầu trở thành ‘bánh sự sống’”.

55.       Ở một nghĩa nào đó, Mẹ Maria đã sống đức tin Thánh Thể của Mẹ thậm chí ngay cả trước việc thiết lập Thánh Thể, ở chính sự kiện là Mẹ đã cống hiến cung long trinh nguyên của Mẹ cho việc Nhập Thể của Lời Thiên Chúa. Thánh Thể, dù là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh, còn tiếp nối cả việc nhập thể nữa. Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa về thể lý mình máu của Người, nhờ đó nơi Mẹ mới thể hiện trước những gì, ở một mức độ nào đó, cũng xẩy ra một cách bí tích nơi hết mọi tín hữu khi họ lãnh nhận mình máu Chúa dưới hình bánh rượu.

Do đó mới có một cái tương tự sâu xa giữa tiếng Fiat được Mẹ Maria thưa cùng vị thiên thần và tiếng Amen được mọi tín hữu tuyên xưng khi lãnh nhận mình Chúa. Mẹ Maria cần phải tin rằng Đấng Mẹ thụ thai “bởi Thánh Linh” là “Con Thiên Chúa” (Lk 1:30-35). Tiếp nối đức tin của Vị Trinh Nữ này, nơi mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cũng cần phải tin rằng cùng một Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Con Mẹ Maria ấy đã hiện diện nơi hình bánh và rượu với tất cả nhân tính và thần tính của Người.

“Phúc cho em vì đã tin” (Lk 1:45). Mẹ Maria cũng mong đợi, nơi mầu nhiệm nhập thể, đức tin của Giáo Hội nơi Thánh Thể. Ở biến cố Viếng Thăm, khi cưu mang nơi cung lòng của mình Lời nhập thể, một cách nào đó, Mẹ đã trở thành một “nhà tạm”, “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử, ở đó, Con Thiên Chúa, vẫn vô hình trước con mắt trần gian, để cho mình được bà Isave tôn thờ, khi thực sự chiếu tỏa ánh sáng của Người ra qua ánh mắt và giọng nói của Mẹ Maria. Ánh mắt ngất ngây của Mẹ Maria khi Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan của hài nhi Kitô và khi Mẹ ôm ẵm Người trong tay của mình này không phải là một mô thức yêu thương khôn sánh tác động chúng ta mỗi lần chúng ta lãnh nhận Thánh Thể hay sao?

56.       Mẹ Maria, trong suốt cuộc sống của Mẹ ở bên Chúa Kitô chứ không phải chỉ ở trên đồi Canvê, đã sống chiều kích hiến tế của Thánh Thể. Khi Mẹ mang con trẻ Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem “để hiến dâng Người cho Chúa” (Lk 2:22), Mẹ đã nghe vị lão thành Simêon loan báo rằng con trẻ của Mẹ sẽ trở thành “một dấu hiệu xung khắc” và lòng Mẹ sẽ bị một lưỡi gươm đâm thâu (x Lk 2:34-35). Thảm trạng về cuộc tử giá của Con Mẹ như thế đã được nói trước, và ở một nghĩa nào đó việc Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Mater Stabat đã được tiên báo. Trong cuộc hằng ngày sửa soạn đứng dưới chân thập giá ở đồi Canvê, Mẹ Maria đã cảm nghiệm được một thứ “ngưỡng vọng Thánh Thể”, có thể nói là “một cuộc hiệp thông thiêng liêng” của ước muốn cũng như của việc tế thần là những gì sẽ đạt đến tuyệt đỉnh trong việc Mẹ hiệp với Con Mẹ nơi cuộc khổ nạn của Người, và rồi sau khi Con Mẹ Phục Sinh còn được thể hiện qua việc Mẹ tham dự Thánh Thể do các vị Tông Đồ cử hành để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn ấy.

Mẹ Maria thật sự cảm thấy ra sao khi Mẹ nghe phát ra từ môi miệng của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê cũng như các vị Tông Đồ khác những lời đã được thốt lên trong Bữa Tiệc Ly: “Này là mình Thày sẽ hy hiến vì các con” (Lk 22:19)? Thân mình được hiến ban cho chúng ta và hiện thực dưới các hình thể bí tích cũng là chính thân mình đã được Mẹ thụ thai trong cung lòng của Mẹ! Đối với Mẹ Maria, việc lãnh nhận Thánh Thể cần phải có một nghĩa nào đó là việc đón nhận một lần nữa vào lòng Mẹ trái tim đã từng đập cùng một nhịp với trái tim của Mẹ và là việc sống lại những gì Mẹ đã cảm thấy dưới chân Thập Tự Giá.

57.       “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19). Trong việc “tưởng niệm” biến cố đồi Canvê tất cả những gì Chúa Kitô đã hoàn thành bằng cuộc khổ nạn và tử nạn của Người đều được hiện thực. Bởi thế, tất cả những gì Chúa Kitô đã làm với Mẹ của Người vì chúng ta cũng được hiện thực nữa. Người đã trao phó cho Mẹ người môn đệ yêu dấu, và nơi người môn đệ này, mỗi một người chúng ta: “Này là con Bà!”. Người còn nói với mỗi một người chúng ta rằng: “Này là Mẹ của con!” (cf Jn 19:26-27).

Vấn đề cảm nghiệm được việc tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Kitô nơi Thánh Thể cũng có nghĩa là tiếp tục lãnh nhận tặng ân này. Nó có nghĩa là, như Thánh Gioan, chấp nhận vị được ban cho chúng ta một lần nữa như Người Mẹ của chúng ta. Nó còn có nghĩa là dấn thân cố gắng trở nên giống Chúa Kitô, nhập trường học của Mẹ Người và để Mẹ hỗ trợ chúng ta. Mẹ Maria hiện diện, cùng với Giáo Hội và như Người Mẹ của Giáo Hội, ở mỗi cuộc cử hành Thánh Thể. Đó là lý do tại sao, từ thời xa xưa, việc tưởng nhớ đến Mẹ Maria vốn được bao gồm trong các cuộc cử hành Thánh Thể của Giáo Hội ở cả Đông lẫn Tây.

58.       Nơi Thánh Thể, Giáo Hội hoàn toàn liên kết với Chúa Kitô cùng hiến tế của Người, và có cùng một tinh thần như Mẹ Maria. Sự thật này có thể hiểu được sâu xa hơn khi đọc lại Ca Vịnh Ngợi Khen theo yếu tố Thánh Thể. Thánh Thể, như bài Ca Vịnh Mẹ Maria, là lời chúc tụng và tạ ơn đệ nhất và trên hết. Khi Mẹ Maria than lên: “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa và thần trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”, là lúc Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng của Mẹ rồi. Mẹ chúc tụng Thiên Chúa “nhờ” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng chúc tụng Ngài “trong” Chúa Giêsu và “với” Chúa Giêsu. Đó chính là “thái độ Thánh Thể” thực sự vậy.
Mẹ Maria đồng thời cũng nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ để hoàn tất lời Ngài đã hứa với các vị tổ phụ (x Lk 1:55), và loan báo một kỳ công vượt trên tất cả mọi kỳ công đó là việc nhập thể cứu chuộc. Sau hết, Ca Vịnh Ngợi Khen còn phản ảnh cả chiều kích cánh chung của Thánh Thể nữa. Mọi lần Con Thiên Chúa lại đến với chúng ta nơi “cảnh bần cùng” của các hình thể bí tích là bánh và rượu thì các hạt giống của một giòng lịch sử mới lại được đâm rễ vào thế giới này, một lịch sử mà kẻ quyền năng “bị hạ xuống khỏi ngai tòa của mình” và “những ai thấp hèn được nâng lên” (cf. Lk 1:52). Mẹ Maria hát lên bài ca vịnh về  “trời mới” và “đất mới” là những gì thể hiện nơi Thánh Thể việc trông ngóng của chúng, và ở một nghĩa nào đó, cả chương trình và dự án của chúng nữa. Ca Vịnh Ngợi Khen cho thấy linh đạo của Mẹ Maria, một linh đạo giúp chúng ta hơn hết trong việc cảm nghiệm thấy mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể được hiến ban cho chúng ta để cuộc sống của chúng ta, như cuộc sống của Mẹ Maria, có thể hoàn toàn trở thành một bài Ca Vịnh Ngợi Khen!