GẶP GỠ CHÚA KITÔ - DI SẢN NĂM THÁNH
MỘT HOÀI NIỆM QUÁ KHỨ

Trong phần thứ nhất này của bức tông thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc lại những biến cố chính yếu của Năm Thánh 2000, như việc Giáo Hội thanh tẩy ký ức ngày 12/3 (đoạn 6), việc tưởng niệm các chứng nhân đức tin ngày 7/5 (đoạn 7), việc giáo dân hành hương Năm Thánh (đoạn 8 và 10), việc giới trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XV (đoạn 9), việc tổ chức Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế và việc Đức Thánh Cha Hiến Dâng Tân Thiên Kỷ cho Mẹ Maria (đoạn 11), việc Đại Kết Kitô Giáo cùng nhau cử hành mừng Năm Thánh ngày 18/1 (đoạn 12), việc Đức Thánh Cha hành hương đến Đất Thánh (đoạn 13), và sau cùng là việc giảm nợ quốc tế (đoạn 14).

“Gặp Gỡ Chúa Kitô”: “Một Hoài Niệm Quá Khứ” về “Hình Ảnh Giáo Hội Lữ Hành”

Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, nếu việc “gặp gỡ Chúa Kitô là di sản của Năm Thánh, thì không còn gì ý nghĩa hơn là việc Hành Hương Năm Thánh của chính bản thân Ngài cũng như của đủ mọi thành phần giáo dân, nhất là của giới trẻ và của một số thành phần tiêu biểu, đã được Ngài đặc biệt đề cập đến trong Bức Tông Thư của Ngài như sau:

“Như muốn theo chân các Thánh, vô số con cái nam nữ của Giáo Hội đã tuốn đến Rôma như triều sóng, đến để tuyên xưng đức tin của mình nơi Mộ của Hai Thánh Tông Đồ, và đã xưng thú tội lỗi để lãnh nhận tình thương cứu độ. Năm nay Tôi đã cảm kích trước những đám đông dân chúng đến tràn đầy Quảng Trường Thánh Phêrô để tham dự nhiều cuộc cử hành. Tôi thường dừng lại để nhìn những hàng dài khách hành hương đang nhẫn nại đợi chờ bước qua Cửa Thánh. Nơi mỗi một người trong họ, Tôi đã hình dung thấy được truyện đời của họ, một cuộc đời làm nên bởi những niềm hân hoan, những nỗi âu lo, những đau khổ; một truyện đời của một người nào đó đã được Chúa Giêsu đón gặp và là một con người đã tái bắt đầu lại một cuộc hành trình hy vọng qua cuộc trao đổi với Người” (đoạn 8.1).

“Khi quan sát giòng người hành hương liên tục ấy, Tôi thấy họ như là một thứ hình ảnh cụ thể của Giáo Hội lữ hành, một Giáo Hội như Thánh Augustinô nói, ‘đi giữa những bách hại của thế gian và ơn an ủi của Thiên Chúa’ (De Civitate Dei, XVIII, 51, 2: PL 41, 614; x. Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế về Giáo Hội Lumen Gentium, 8)...” (đoạn 8.2).

“Nhiều cuộc qui tụ Mừng Kỷ Niệm đã tập hợp lại những nhóm người khác nhau nhất, và mức độ tham dự thật là cảm động, có những lúc vượt quá mức cố gắng của thành phần tổ chức và cộng sự viên thuộc Giáo Hội cũng như dân sự...” (đoạn 9.1)
Làm sao chúng ta lại bỏ qua không đặc biệt nhắc đến cuộc qui tụ nhộn nhịp và sinh động của giới trẻ? ... Đối với họ cũng như với những ai thấy họ không dễ gì quên được tuần lễ đó, một tuần lễ Rôma đã trở nên ‘trẻ trung với đám trẻ’. Không thể nào quên được Thánh Lễ ở khu Đại Học Tor Vergata’ (đoạn 9.2).

“Một lần nữa, giới trẻ đã tỏ ra cho thấy rằng họ là một món quà tặng đặc biệt của Thần Linh Thiên Chúa ban cho Rôma cũng như cho Giáo Hội. Đôi khi nhìn thấy đám trẻ có những vấn đề và yếu điểm làm nên đặc tính của chúng trong xã hội hiện đại, chúng ta thường hay có khuynh hướng bi quan. Thế nhưng, Cuộc Mừng Kỷ Niệm của Giới Trẻ đã làm thay đổi quan niệm ấy, đã cho chúng ta thấy rằng giới trẻ, bất cứ họ có những mập mờ nào đi nữa, họ vẫn có một lòng khát vọng sâu xa đối với những giá trị chân thực là những gì làm cho họ được nên viên trọn nơi Chúa Kitô... Nếu giới trẻ được dạy cho biết Chúa Kitô thực sự là ai thì họ sẽ cảm nghiệm thấy Người đúng là một đáp ứng trọn vẹn, và họ mới có thể chấp nhận sứ điệp của Người, cho dù sứ điệp này có gắt gao đòi hỏi và có ghi dấu vết Thánh Giá đi nữa. Vì lý do này, để đáp lại lòng nhiệt thành của họ, Tôi đã không ngần ngại xin họ hãy dứt khoát chọn lấy đức tin và sự sống, rồi trao cho họ một công việc trầm kha, đó là việc trở thành ‘những người canh gác ban mai’ (x Is 21:11-12) vào thời điểm rạng đông của một tân thiên niên kỷ” (đoạn 9.3).

“Hiển nhiên là Tôi không thể nào đi sâu vào chi tiết của mỗi một biến cố Mừng Kỷ Niệm riêng. Mỗi một cuộc mừng kỷ niệm này đều có đặc tính khác nhau, và đã để lại sứ điệp của nó, chẳng những cho thành phần trực tiếp tham dự  mà còn cho cả những ai nghe nói đến nó nữa hay tham dự cách xa xa qua phương tiện truyền thông xã hội. Thế nhưng, làm sao chúng ta quên được cung cách cử hành cuộc qui tụ đông đảo đầu tiên được dành cho trẻ em? Như thế, để bắt đầu với trẻ em tức là chúng ta đã tỏ ra tôn trọng lệnh truyền của Chúa Kitô, đó là ‘Hãy để cho trẻ em đến cùng Thày’ (Mk 10:14). Có lẽ việc bắt đầu với trẻ em còn nhắm đến cả việc làm theo những gì Người đã làm nữa, khi Người đặt một con trẻ ở giữa các môn đệ và biến em trở thành chính biểu hiệu tác hành mà chúng ta phải có nếu chúng ta muốn vào Vương Quốc của Thiên Chúa (x Mt 18:2-4)” (đoạn 10.1).

“Như thế, ở một ý nghĩa nào đó, chính vì theo chân các trẻ em mà tất cả mọi nhóm người lớn khác nhau đã đến tìm kiếm Ơn Mừng Kỷ Niệm, từ người già đến người bệnh và tật nguyền, từ những công nhân nơi hãng xưởng và đồng áng đến những tay thể thao, từ những nhà nghệ sĩ đến các giáo sư đại học, từ các vị Giám Mục và linh mục đến thành phần tận hiến tu trì, từ các nhân viên cảnh sát đến những ký giả, đến nhân viên quân đội tới để xác định lại ý nghĩa việc mình làm như là một việc làm cho hòa bình” (đoạn 10.2).

“Một trong những biến cố đáng ghi nhận nhất là cuộc qui tụ của các nhân công vào ngày mùng 1 tháng 5, ngày theo truyền thống vốn dành cho giới lao động. Tôi đã xin họ hãy sống linh đạo lao động theo gương Thánh Giuse cũng như theo gương của chính Chúa Giêsu. Cuộc qui tụ Mừng Kỷ Niệm này cũng đã cho Tôi cơ hội để mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi, hãy sửa lại những chênh lệch về kinh tế và xã hội hiện đang xẩy ra trong giới lao công, cũng như hãy thực hiện những nỗ lực quyết liệt để bảo đảm được rằng, những tiến trình toàn cầu hóa về kinh tế phải làm sao cẩn thận lưu ý đến mối đoàn kết và lòng trọng kính xứng với mọi người” (đoạn 10.3).

“Theo ý nghĩa cử hành không thể thiếu của mình, một lần nữa, trẻ em lại có mặt cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm của Các Gia Đình, một cuộc mừng kỷ niệm chúng đã được Tôi nâng lên cao trước mắt thế giới như là một ‘mùa xuân cho gia đình và xã hội’. Đây thực là một cuộc qui tụ quan trọng tập hợp vô số các gia đình từ những phần đất trên thế giới đổ về, để lấy lại nhiệt tình mới từ ánh sáng của Chúa Kitô, một thứ ánh sáng chiếu giãi cho thấy dự án nguyên thủy của Thiên Chúa liên quan đến họ (x Mk 10:6-8; Mt 19:4-6), cũng như để dấn thân mang ánh sáng ấy chiếu soi một thứ văn hóa đang lâm nguy một cách ái ngại trong tình trạng không còn nhìn thấy chính ý nghĩa của hôn nhân và của gia đình như là một cơ cấu nữa” (đoạn 10.4).

“Đối với Tôi, một trong những cuộc gặp gỡ cảm động nhất đó là cuộc gặp gỡ các tù nhân ở ngục thất Nữ Vương Thiên Đình Regina Coeli. Tôi đã thấy khổ đau hiện lên trong đôi mắt của họ, thế nhưng cũng có cả niềm thống hối và hy vọng nữa. Đối với họ, Cuộc Mừng Kỷ Niệm, một cách nào đó, chính là một ‘năm của lòng xót thương’” (đoạn 10.5).

“Sau hết, vào những ngày cuối cùng của năm nay, một cơ hội vui mừng diễn ra là cuộc gặp gỡ giới giúp vui, một giới có một ảnh hưởng mạnh mẽ trong quần chúng. Tôi đã nhắc nhở tất cả mọi người liên hệ về trách nhiệm quan trọng của họ trong việc sử dụng việc giúp vui để cống hiến một sứ điệp tích cực, một sứ điệp lành mạnh về luân lý và là một sứ điệp có thể truyền đạt tin tưởng và yêu thương” (đoạn 10.6).

“Tôi làm sao lại không nhắc tới Cuộc Mừng Kỷ Niệm của bản thân Tôi trên những nẻo đường của Đất Thánh? Tôi muốn bắt đầu khởi hành cuộc hành trình này ở Ur là xứ sở của những người Chaldean, để thực sự cụ thể việc theo chân Abraham, ‘cha của chúng ta trong đức tin’ (x Rm 4:11-16). Tuy nhiên, Tôi đã đành lòng phải thực hiện cuộc hành hương này trong tinh thần, vào dịp cử hành Phụng Vụ Lời Chúa gợi ý trong Cuộc Triều Kiến ở Sảnh Đường Phaolô VI hôm 23 tháng 2. Ngay sau cuộc hành hương tinh thần này thì cuộc hành hương thực đã diễn ra qua những chặng đường lịch sử cứu độ. Vậy Tôi đã hoan hỉ viếng thăm Núi Sinai, nơi Mười Điều Răn của Giao Ước được trao ban. Một tháng sau, Tôi lại lên đường tiến lên Núi Nebo, rồi đến chính những nơi Đấng Cứu Chuộc đã sống cũng là những nơi Người đã thánh hóa. Khó lòng mà diễn tả được cảm xúc Tôi trải qua trong việc có thể được đến kính viếng những nơi Người đã sinh ra và sinh sống ở Bêlem cũng như ở Nazarét, có thể cử hành Thánh Thể tại Căn Thượng Lầu, chính nơi bí tích này được thiết lập, có thể suy niệm một lần nữa mầu nhiệm Thập Giá trên đồi Gongota, nơi Người hiến mạng sống mình vì chúng ta. Ở những nơi ấy, những nơi vẫn còn gặp rắc rối và vừa mới xẩy ra bạo động, Tôi đã được đón tiếp hết sức đặc biệt, chẳng những bởi những phần tử của Giáo Hội, mà còn bởi cả các cộng đồng Dân Yến Duyên và dân Pha-Lệ-Tinh nữa. Tôi hết sức xúc động khi cầu nguyện tại Bức Tường Thành Phía Đông, cũng như khi tới thăm Mausoleum ở Yad Vashem, nơi gợi nhớ thương tâm đến các nạn nhân của những trại tử thần Nazi. Cuộc hành hương của Tôi là một giây phút của tình huynh đệ và hòa bình, và Tôi thích nhớ đến cuộc hành hương này như là một trong những tặng ân đẹp nhất của cả biến cố Mừng Kỷ Niệm vậy...” (đoạn 13).

Tất cả những biến cố Năm Thánh 2000 được Đức Thánh Cha nhắc lại trong phần thứ nhất của Bức Tông Thư “Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ” này đều có khởi điểm chung là việc “Kitô giáo được bắt nguồn trong lịch sử” và đều có mục đích là để “khơi lên một sinh lực mới”:

“Gặp Gỡ Chúa Kitô”: “Một Hoài Niệm Quá Khứ” về việc “Kitô giáo được bắt nguồn trong lịch sử”

Kitô giáo là một tôn giáo được bắt nguồn trong lịch sử! Chính nơi mảnh đất lịch sử này mà Thiên Chúa đã chọn để thiết lập giao ước với dân Yến Duyên và sửa soạn cho việc Con Ngài giáng sinh từ cung lòng Mẹ Maria ‘vào lúc thời gian viên trọn’ (Gal 4:4). Hiểu theo mầu nhiệm thần linh và nhân loại này của Người, Chúa Kitô là nền tảng và là tâm điểm của lịch sử, Người là ý nghĩa và là mục đích tối hậu của lịch sử. Thật vậy, chính nhờ Người là Lời và là hình ảnh của Cha mà ‘tất cả mọi sự được tạo thành’ (Jn 1:3; x Col 1:15). Việc nhập thể của Chúa Kitô, lên đến tuyệt đỉnh nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua cũng như nơi tặng ân Thần Linh, là hồn sống của thời gian, của giờ khắc mầu nhiệm Vương Quốc Thiên Chúa đến với chúng ta (x Mk 1:15), một vương quốc thực sự đã đâm rễ trong lịch sử của chúng ta như là một mầm mống để trở thành một cây vĩ đại (x Mk 4:30-32)” (đoạn 5.1).

“Gặp Gỡ Chúa Kitô”: “Một Hoài Niệm Quá Khứ” để “khơi lên một nguồn sinh lực mới”

Đó chỉ là một vài yếu tố của cuộc cử hành Mừng Kỷ Niệm. Cuộc mừng kỷ niệm này đã để lại nơi chúng ta nhiều nhung nhớ. Thế nhưng, nếu chúng ta hỏi cốt lỡi của di sản lớn lao lưu lại nơi chúng ta ấy là gì, Tôi sẽ không ngần ngại cho di sản lớn lao đó là việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, một Chúa Kitô được nhìn qua những tính chất lịch sử và mầu nhiệm của Người, một Chúa Kitô được nhận biết ở việc Người hiện diện nhiều mặt nơi Giáo Hội cũng như trên thế giới, và được tuyên xưng như là chính ý nghĩa của lịch sử cũng như là ánh sáng cho cuộc hành trình của cuộc sống” (đoạn 15.1).
“Giờ đây chúng ta phải nhìn về phía trước, chúng ta phải tin tưởng vào lời của Chúa Kitô: Duc in altum để ‘thả lưới ở chỗ nước sâu’. Những gì chúng ta đã thực hiện trong năm nay không thể biện minh cho cảm giác tự mãn, và càng không thể để cho những việc đó khiến chúng ta buông lơi việc dấn thân của mình. Ngược lại, cảm nghiệm chúng ta có được phải khơi lên trong chúng ta một nguồn sinh lực mới, và thôi thúc chúng ta đem nhiệt tình chúng ta đã cảm nghiệm được đầu tư vào những sáng kiến cụ thể. Chính Chúa Giêsu đã cảnh giác chúng ta rằng: ‘Ai đã tra tay vào cầy mà còn quay trở lại thì không xứng với vương quốc của Thiên Chúa’ (Lk 9:62). Vì Vương Quốc này mà chúng ta không có thời gian để nhìn lại, thậm chí càng không được trở thành lười biếng. Nhiều điều đang trông đợi chúng ta, và vì lý do đó  chúng ta phải bắt đầu phác họa một hoạch định về mục vụ hậu Năm Thánh cho có tác dụng” (đoạn 15.2).

“Tuy nhiên, điều quan trọng là những gì chúng ta phác họa, nhờ ơn Chúa giúp, cần phải được sâu xa thấm nhuần việc chiêm niệm và cầu nguyện. Thời gian chúng ta sống là một thời gian liên tục chuyển biến, thường đưa tới tình trạng hoạt động không ngừng nghỉ, có thể dẫn chúng ta đến nguy cơ là ‘làm là làm’ vậy thôi. Chúng ta phải chống lại xu hướng này bằng cách cố gắng ‘là’ đã trước khi nỗ lực ‘có’ sau. Điều này đã nhắc cho chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu trách móc Matta như thế nào: ‘Con lo lắng và bối rối nhiều chuyện; chỉ có một điều cần mà thôi’ (Lk 10:41-42). Trong tinh thần này, trước khi bắt đầu một số hướng dẫn thực tế tùy ý anh em cứu xét, Tôi muốn chia sẻ với anh em một số điểm về việc suy niệm mầu nhiệm Chúa Kitô, nền tảng tối hậu cho tất cả sinh hoạt mục vụ của chúng ta” (đoạn 15.3).