HUẤN TỪ TRUYỀN TIN 2006

Lễ Thánh Gia Chúa Nhật 31/12/2006

Lễ Thánh Stêphanô Tử Đạo Thứ Ba 26/12/2006

Chúa Nhật III Mùa Vọng 17/12/2006 về Niềm Vui Giáng Sinh đích thực

Chúa Nhật II Mùa Vọng 10/12/2006 về Việc Xây Nhà cho Chúa ngự giữa loài người

Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2006 về Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc

Chúa Nhật I Mùa Vọng 3/12/2006 về tổng quan chuyến  Tông Du vừa qua và về Mùa Vọng với ý nghĩa việc Chúa đến

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên 26/11/2006 về Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên 19/11/2006 về Lễ Mẹ Dâng Mình 21/11/2006 và Ngày Hướng Về Cộng Đồng Tu Kín

Chúa Nhật XXXII Thường Niên 12/11/2006 về Ý Nghĩa Ngày Lễ Tạ Ơn ở Ý Quốc

Chúa Nhật XXXI Thường Niên 5/11/2006 về Ý Nghĩa Sự Chết

Lễ Các Thánh Thứ Tư 1/11/2006

Chúa Nhật XXX Thường Niên 29/10/2006 về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù trong Bài Phúc Âm

Chúa Nhật XXIX Thường Niên 22/10/2006 về Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80

Chúa Nhật XXVII Thường Niên 8/10/2006 về vấn đề hôn nhân theo lời Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm

Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Kinh Mân Côi và Truyền Giáo

Chúa Nhật XXV Thường Niên 24/9/2006 về Lý Lẽ Yêu Thương đến hy hiến bản thân, như Chị Dòng người Ý Leonella Sgorbati

Chúa Nhật XXIV Thường Niên 17/9/2006 về bài diễn văn gây hiểu lầm và về Lễ Tôn Vinh Thánh Giá cùng Lễ Mẹ Đau Thương

Chúa Nhật XXIII 10/9/2006 ở Munich Đức quốc về vai trò Mẹ Maria là quan thày của xứ Bavaria

Chúa Nhật XXII Thường Niên 3/9/2006 về Thánh Grêgôriô Cả

Chúa Nhật XXI Thường Niên 27/8/2006 về Thánh Monica và Âu Quốc Tinh

Chúa Nhật XX Thường Niên 20/8/2006 về Thánh Bênađô

Thứ Ba 15/8/2006 về Lễ Trọng Kính Đức Mẹ Mông Triệu

Chúa Nhật XIX Thường Niên 13/8/2006 về Ý Nghĩa Thiêng Liêng của Việc Nghỉ Ngơi Mùa Hè

Chúa Nhật XVIII Thường Niên 6/8/2006 về Lễ Chúa Giêsu Biến Hình

Chúa Nhật XVII Thường Niên 30/7/2006 Kêu Gọi Hòa Bình Trung Đông

Chúa Nhật XVI 23/7 về Ngày Cầu cho Hòa Bình ở Trung Đông và hai lễ kính hai vị Thánh Nữ - Mai Đệ Liên và Brigita

Chúa Nhật XV Thường Niên 16/7 về Đức Mẹ Carmêlô

Chúa Nhật XIII Thường Niên 2/7 về Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần V

Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6

Chúa Nhật XII Thường Niên 25/6 về 4 lễ trọng chung quanh thời điểm này

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi 11/6 về Chúa 3 Ngôi

Chúa Nhật Hiện Xuống 4/6 về Thánh Linh: “Cả Giáo Hội chỉ là một Đại Phong Trào duy nhất”

Chúa Nhật VII Phục Sinh 28/5 với Giới Trẻ tại Công Viên Blonie ở Krakow Balan

Chúa Nhật VI Phục Sinh 21/5 về Ý Nghĩa Lễ Thăng Thiên và Vấn Đề Truyền Thông Xã Hội

Chúa Nhật V Phục Sinh 14/5 về Đời Sống Nội Tâm Kitô Giáo và Ngày 13/5 năm 1917 và 1981

Chúa Nhật IV Mùa Chay 26/3 về Các Nạn Nhân của Quyền Tự Do Tôn Giáo

Chúa Nhật III Mùa Chay về Thánh Giuse 19/3

Chúa Nhật II Mùa Chay 12/3 về Biến Cố Chúa Giêsu Biến Hình

Chúa Nhật I Mùa Chay 5/3 về Chước Cám Dỗ

Chúa Nhật VIII Thường Niên 26/2 về Việc Sống Trọn Mùa Chay

 Chúa Nhật VII Thường Niên 19/2 về Việc Chúa Kitô Chữa Lành

Chúa Nhật VI Thường Niên 12/2 về Việc Chúa Kitô Chữa Lành

Chúa Nhật V Thường Niên 5/2 về Việc Bênh Vực và Cổ Võ Sự Sống

Chúa Nhật IV Thường Niên 29/1 về Thành Phần Nhân Chứng của Tình Yêu

Chúa Nhật III Thường Niên 22/1 về Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo

Chúa Nhật II Thường Niên 15/1 về ý nghĩa Tìm Kiếm và Tìm Thấy Chúa Kitô

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa 8/1 về Phép Rửa Kitô Giáo

Lễ Hiển Linh 6/1 về Ba Vị Đạo Sĩ

 Lễ Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa Bình 1/1

 

Lễ Thánh Gia Chúa Nhật 31/12/2006

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Vào Chúa Nhật cuối cùng trong năm đây, chúng ta c ử hành lễ Thánh Gia Nazarét. Tôi hân hoan chào tất cả mọi gia đình khắp thế giới, chúc họ an bình và yêu thương được Chúa Giêsu ban cho chúng ta, khi đến giữa chúng ta vào ngày Lễ Giáng Sinh.

 

Trong Phúc Âm chúng ta không thấy những lời về gia đình, mà là một biến cố còn có giá trị hơn bất cứ một lời lẽ nào khác, đó là Thiên Chúa muốn được hạsinh và lớn lên trong một gia đình nhân loại. Như thế, Người đã thánh hiến gia đình như là đường lối đầu tiên và thường tình của việc Người gặp gỡ nhân loại.

 

Trong cuộc sống của Người ở Nazarét, Chúa Giêsu đã tôn kính Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse công chính, phục tùng quyền bính của các v ị trong suốt cuộc đời ấu nhi và thanh thiếu niên của Người (Lk 2:51-52). Nhờ đó, Người làm sáng tỏ giá trị căn bản của gia đình trong việc giáo dục con người. Chúa Giêsu được Mẹ Maria và Thánh Giuse đưa vào  cộng đồng tôn giáo, hay lui tới hội đường ở Nazarét. 

 

Cùng với các vị, Người đã biết thực hiện cuộc hành hương lên Gia Liêm, như được kể lại trong đoạn Phúc Âm mà phụng vụ của ngày hôm nay đề ra cho chúng ta suy niệm. Khi Người lên 12 tuổi, Người đã ở lại trong đền thờ, và cha mẹ Người mất 3 ngày mới tìm thấy Người. Qua cử chỉ này, Người đã dẫn các vị đến chỗ hiểu rằng Người phải ‘lo công chuyện cho Cha của Người’, tức là thực hiện sứ vụ được Thiên Chúa ủy thác cho Người (x Lk 2:41-52). 

 

Đoạn Phúc Âm này cho chúng ta thấy ơn gọi đích thực và sâu xa nhất của gia đình, đó là ơn gọi nâng đỡ nhau giữa các phần tử trong gia đình trên con đường khám phá ra Thiên Chúa cũng như dự án do Ngài ấn định cho họ. Mẹ Maria và Thánh Giuse trước hết đã giáo dục Chúa Giêsu bằng gương của các vị: Người đã học từ cha mẹ của Người tất cả những gì là đẹp đẽ của niềm tin tưởng, của tình yêu mến Thiên Chúa và lề luật Thiên Chúa, cũng như những nhu cầu về công lý là những gì được nên trọn trong yêu thương (Rm 13:10).

 

Trước hết Người đã học từ các vị là con người cần phải làm theo ý muốn của Thiên Chúa, và mối liên hệ thiêng liêng cao giá hơn là mối liên hệ về huyết nhục. Thánh Gia thực sự là ‘mô phạm’ của hết mọi gia đình Kitô hữu, một cơ cấu, được liên kết bằng bí tích hôn nhân và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được kêu gọi để thực hiện ơn gọi và sứ vụ tuyệt vời trong việc trở thành một tế bào sống chẳng những của xã hội mà còn của Giáo Hội, một Giáo Hội là dấu chỉ và là dụng cụ cho mối hiệp nhất của toàn  thể nhân loại.

 

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau kêu cầu Rất Thánh Maria và Thánh Giuse hãy bảo vệ hết mọi gia đình, đặc biệt là những gia đình đang gặp khó khăn. Chớ gì các gia đình ấy được nâng đỡ, để họ có thể chống lại với những động lực làm phân chia gây ra bởi một thứ văn hóa đương thời nào đó làm suy yếu chính nền tảng của cơ cấu gia đình. Chớ gì các vị giúp cho các gia đình Kitô hữu khắp thế giới trở thành hình ảnh sống động của tình yêu Thiên Chúa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/1/2007

 

 

 

TOP

 

 

Lễ Thánh Stêphanô Tử Đạo Thứ Ba 26/12/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vào ngày sau lễ trọng Giáng Sinh, hôm nay chúng ta cử hành lễ kính Thánh Stephanô, phó tế và là vị tử đạo tiên khởi. Thoạt nhìn thì việc liên kết cuộc tưởng niệm vị ‘tử đạo tiên khởi’ này và việc giáng sinh của Chúa Cứu Thế có thể là những gì gây ngỡ ngàng, vì cái tương phản giữa niềm an bình và hân hoan ở Bêlem với tình trạng thảm thương của Thánh Stephanô bị ném đá ở Gia Liêm trong cuộc bách hại đầu tiên Giáo Hội sơ khai phải chịu.

 

Thật vậy, cái ngược ngạo rõ ràng này được thắng vượt nếu chúng ta phân tích sâu xa mầu nhiệm Giáng Sinh. Con Trẻ Giêsu, nằm trong hang đá, là Người Con duy nhất của Thiên  Chúa làm người. Người sẽ cứu nhân loại bằng việc chết trên cây thập tự giá.

 

Giờ đây chúng ta thấy Người được bọc trong khăn nằm trong máng cỏ, sau cuộc tử giá, Người lại được quấn khăn niệm và đặt trong mồ đá. Không phải là vô cớ mà tranh ảnh về Giáng Sinh đôi khi trình bày cho thấy Con Trẻ thần linh mới sinh ở trong một quan tài bằng đá nhỏ, ám chỉ là Đấng Cứu Thể được hạ sinh để chết đi, Người được hạ sinh để hiến sự sống làm giá chuộc cho tất cả mọi người.

 

Thánh Stephanô là vị đầu tiên theo bước chân của Chúa Kitô bằng việc tử đạo: như Vị Thành thần linh của mình, ngài đã chết trong khi thứ tha và nguyện cầu cho những kẻ hành quyết ngài (x Acts 7:60). Trong 4 thế kỷ đầu của Kitô Giáo, tất cả mọi vị thánh được Giáo Hội tôn kính đều là các vị tử đạo.

 

Các vị là một đám đông vô số kể, được phụng vụ gọi là ‘đạo bạch binh tử đạo’ (martyrum candidates exercitus). Cái chết của các vị không phải là một lý do để sợ hãi và buồn bã mà là lý do để sinh động tinh thần là những gì luôn làm bừng lên những Kitô hữu mới. Đối với các tín hữu thì ngày qua đời, thậm chí còn hơn thế nữa, ngày tử đạo, không phải là cùng tận của hết mọi sự, mà là ‘cuộc đi vào’ sự sống bất diệt, ngày hạ sinh sau hết, ‘dies natalis’. Có thể mới hiểu được cái liên kết giữa ‘dies natalis’ của Chúa Kitô và ‘dies natalis’ của Thánh Stephanô. Nếu Chúa Giêsu không được sinh vào trần gian này thì con người không thể nào được sinh vào nước trời. Chính vì Chúa Kitô đã được hạ sinh mà chúng ta mới được ‘tái sinh’.

 

Mẹ Maria cũng thế, vị đã ôm lấy Chúa Cứu Thế trong vòng tay của mình ở Bê Lem, đã trải qua một cuộc tử đạo nội tâm. Mẹ đã chia sẻ với Cuộc Khổ Nạn của Người và đã ôm lấy Người một lần nũa trong vòng tay của Mẹ, khi Người được tháo xuống khỏi thập giá. Chún g ta hãy ký thác cho người mẹ này, người đã cảm thấy niềm vui của việc hạ sinh và nỗi sầu thương về cái chết nơi Người Con thần linh của Mẹ, những ai đang bị bách hại và những ai đang trải qua khổ đau, bằng các cách thức khác nhau, để làm chứng và phục vụ cho Phúc Âm.

 

Bằng mối liên kết thiêng liêng đặc biệt, tôi cũng nghĩ tới những người Công Giáo đang còn trung thành với Tòa Thánh Phêrô một cách cương quyết, thậm chí có những lúc phải trả bằng giá những khổ đau tê tái. Toàn thể Giáo Hội ca ngợi gương của họ và cầu xin để họ có thể mạnh mẽ kiên trì, biết rằng những gian nan khốn khó của họ là nguồn mạch vinh thắng, cho dù lúc này đây họ dường như bị thua bại.

 

Một lần nữa xin chúc tất cả anh chị em được hưởng một Giáng Sinh hạnh phúc!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/1/2007

 

 

TOP

 

 

 

Chúa Nhật III Mùa Vọng 17/12/2006 về Niềm Vui Giáng Sinh đích thực

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Vào Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng này, phụng vụ mời gọi chúng ta đến với niềm vui của tinh thần, bằng một câu tụng ca được lấy từ lời khuyến dụ của Thánh Tông Đồ Phaolô: ‘Hãy hớn hở trong Chúa… Chúa gần đến rồi’ (x Phil 4:4,5). Bài đọc thứ nhất cho Thánh Lễ cũng mời gọi hân hoan. Vào cuốùi thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, tiên tri Zephaniah đã ngỏ cùng thành Gia Liêm và dân cư của thành ấy những lời này: ‘Ôi nữ tử Duyên Ân (Sion), hãy hát to lên; Ôi Yến Duyên (Israel), hãy hô lên! Hãy vui mừng hớn hở với tất cả tấm lòng của mình, Ôi nữ tử Gia-Liêm! … Chúa là Thiên Chúa của các người đang ở giữa các người, một chiến binh mang lại chiến thắng’ (3:14,17). 

 

Chính Thiên Chúa cũng được cho thấy có cùng một tâm tình như thế: ‘Ngài sẽ vui mừng hơn hở về các người, Ngài sẽ canh tân các người trong tình yêu thương của Ngài; Ngài sẽ hoan hỉ về các người bằng tiếng ca vang to như vào một ngày lễ hội’ (Zep 3:17,18a). Lời hứa hẹn này đã được hoàn toàn nên trọn nơi mầu nhiệm Giáng Sinh, một mầu nhiệm chúng ta cử hành trong một tuần lễ nữa, và là một mầu nhiệm cần phải được đổi mới vào ‘ngày hôm nay đây’ của cuộc sống chúng ta cũng như trong lịch sử.

 

Niềm vui được phụng vụ khơi lên ấy trong tâm hồn của các tín hữu không phải là những gì chỉ giành riêng cho họ mà thôi: Nó là một lời loan báo ngôn sứ nhắm tới toàn thể nhân loại, nhất là thành phần bần cùng nhất, những người nghèo ở đây là thành phần nghèo khó trong tinh thần!

 

Chúng ta hãy nghĩ đến anh chị em của chúng ta, nhất là ở Trung Đông, ở một số miền thuộc Phi Châu và ở những phần đất khác trên thế giới, đang sống trong thảm trạng của chiến tranh. Họ cảm thấy được niềm vui nào đây? Giáng Sinh của họ sẽ ra sao? Chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những người bệnh nhân và những ai cô đơn, thành phần, ngoài tình trạng khổ đau về thể lý, đang chịu đựng khốn khổ về tinh thần nữa, vì họ thường cảm thấy họ bị bỏ rơi. Làm sao chúng ta có thể chia sẻ niềm vui với họ mà lại không chú trọng tới nỗi khổ đau của họ?

 

Thế nhưng, chúng ta cũng nghĩ tới những ai, đặc biệt là giới trẻ, thành phần đã mất đi cảm quan vui mừng thực sự, và là những người đang tìm kiếm niềm vui này trong vô vọng nơi không thể tìm thấy, như nơi cuộc đua định thân và thành đạt quá khích, nơi những cuộc vui chơi sai lạc, nơi khuynh hưởng hưởng thụ, nơi những giây phút say sưa, nơi địa đường nhân tạo của thuốc phiện và của những hình thức tâm thần khác. Chúng ta không thể không đối đầu với phụng vụ hôm nay cùng với lời mời gọi của phụng vụ – ‘Hãy vui lên’ – khi biết được những thực tại thảm thương ấy.

 

Vào thời điểm của tiên tri Zephaniah, Lời Chúa được thực sự ngỏ cùng những ai đang bị thử thách, ‘cho cuộc sống bị tổn thương và những cô nhi thiếu thốn niềm vui’. Lời mời gọi vui mừng không phải là một sứ điệo xa lạ, hay là một xoa dịu khô cằn, mà là một lời loan báo ơn cứu độ, một lời kêu gọi phục hồi những gì được bắt đầu bằng việc canh tân đổi mới.

 

Để biến đổi thế giới này, Thiên Chúa đã chọn một nữ tỳ thấp hèn ở một tỉnh xứ Galilêa, đó là Đức Maria thành Nazarét, và đã kêu gọi Mẹ bằng lời chào này: ‘Chào đầy ơn phúc, Chúa ở cùng người’. Chất chứa nơi những lời này là cái bí mật của Lễ Giáng Sinh đích thực. Thiên Chúa đã lập lại những lời ấy cho Giáo Hội cũng như cho mỗi một người chúng ta. Hãy vui lên, Chúa sắp đến rồi! Nhờ Mẹ Maria phù giúp, chúng ta hãy khiêm nhượng và can đảm hiến mình để thế giới đón nhận Chúa Kitô, Đấng là nguồn vui chân thực.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/12/2006

 

 

TOP

 

Chúa Nhật II Mùa Vọng 10/12/2006 về Việc Xây Nhà cho Chúa ngự giữa loài người

Anh Chị Em thân mến!

 

Sáng nay tôi đã hân hoan cung hiến một ngôi nhà thờ mới của giáo xứ Maria Ngôi Sao Truyền Bá Phúc Âm Hóa, ở vùng North Torrino quanh vùng Rôma. Đây là một biến cố mà, mặc dù chỉ liên quan tới vùng lân cận ấy thôi, cũng có được một ý nghĩa tiêu biểu trong Mùa Vọng là thời điểm chúng ta đang sửa soạn cử hành việc Chúa Giáng Sinh.

 

Trong những ngày này, phụng vụ đang liên lỉ nhắc nhở chúng ta rằng ‘Chúa đến’ viếng thăm dân của Ngài, để ngự giữa loài người và để cùng với họ làm thành một hiệp thông yêu thương và sự sống, tức là một gia đình. Bởi thế Phúc Âm Thánh Gioan mới diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể là: ‘Lời đã hóa thành  nhục thể và ở giữa chúng ta’; nói một cách dễ hiểu là ‘Người lập cư ở với chúng ta’ (Jn 1:14). Không phải hay sao một ngôi thánh đường ở giữa các căn nhà của một khu làng hay vùng lân cận của một thành phố có lẽ cũng gợi lên cho thấy cái đại tặng ân và đại mầu nhiệm này?

 

Ngôi nhà thờ ấy là một dấu hiệu cụ thể của cộng đồng Giáo Hội, được làm nên bởi những ‘viên  đá sống’ là thành phần tín hữu, một hình ảnh được các vị tông đồ yêu thích. Thánh Phêrô (2:4-5) và Thánh Phaolô (Eph 2:20-22), đều đã nhấn mạnh đến làm thế nào ‘viên đá góc tường’ của ngôi đền thờ thiêng liêng này là Chúa Kitô và là viên đá góc tường mà nếu liên kết với Người một cách khắng khít, chúng ta cũng được kêu gọi để dự phần vào việc dựng xây ngôi đền thờ sống độn g ấy.

 

Bởi thế, mặc dù là Thiên Chúa là Đấng đã khởi động đến ngự giữa loài người, và Ngài bao giờ cũng là kiến trúc sư chính yếu của dự án này, Ngài thực sự cũng không muốn thực hiện điều ấy mà lại thiếu việc chủ động hợp tác của chúng ta. Bởi thế, để sửa soạn cho Giáng Sinh tức là dấn thân xây dựng ‘nơi cư trú của Thiên Chúa ở với loài người’. Không ai bị loại trừ cả, hết mọi người đều có thể và cần phải đóng góp hầu ngôi nhà hiệp thông này trở thành quí giá và mỹ miều hơn.

 

Vào ngày cùng tháng tận ngôi nhà hiệp thông ấy sẽ được hoàn tất và sẽ trở thành một ‘Gia Liêm thiên  quốc’: ‘Tôi đã thấy trời mới đất mới’ – chúng ta đã đọc trong Sách Khải Huyền – ‘Tôi cũng thấy thành thánh, một tân Gia Liêm, từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, diễm lệ như hôn thê nghênh đón phu quân của mình… Đó là nơi Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người’ (Rev 21:1-3). Mùa Vọng mời gọi chún g ta hãy hướng mắt về ‘Gia Liêm  thiên quốc’, đích điểm tối hậu của cuộc hành trình trần  thế của chúng ta. Đồng thời nó cũng kêu gọi chúng ta hãy thiết tha nguyện cầu, hoán cải và hành thiện, để đón nhận Chúa Giêsu trong cuoôc soông của chúng ta, để cùng Người xây dựng ngôi nhà thiêng liêng này, ngôi nhà mà mỗi người chúng ta, gia đình chúng ta và cộng đồng chúng ta là một viên đá quí.

 

Trong số tất cả những viên  đá làm nên Gia Liêm thiên đình này, chắc chắn viên đá sáng giá nhất, vì trong những viên đá ấy viên đá này gần Chúa Kitô nhất, gần tảng đá góc tường nhất, đó là Mẹ Maria Rất Thánh. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng ta hãy nguyện xin để Mùa Vọng này, đối với toàn thêå Giáo Hội, trở thành một thời điểm của việc xây dựng thiêng liêng, nhờ đó làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa chóng trị đến.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 11/12/2006

 

TOP

 

 

Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2006 về Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay chúng ta cử hành một trong những lễ tuyệt vời nhất và phổ thông nhất của Đức Trinh Nữ – đó là lễ Mẹ Hoài Thai Vô NHiễm Nguyên Tội. Mẹ Maria chẳng những không phạm bất cứ một tội nào, Mẹ còn được gìn giữ khỏi cái di sản chung của loài người là nguyên tội, vì sứ vụ Thiên Chúa giành cho Mẹ từ thuởi đời đời, đó là sứ vụ làm mẹ Đấng Cứu Chuộc.

 

Tất cả những điều ấy được chất chứa nơi sự thật đức tin về Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên  Tội. Nền tảng Thánh Kinh về tín điều này được thấy nơi những lời Thiên Thần ngỏ cùng người nữ tỳ Nazarét: ‘Kính chào đầy ơn  phúc, Chúa ở cùng người!’ (Lk 1:28). ‘Đầy ơn phúc’, theo nguyên ngữ Hy Lạp là ‘kecharitomene’, là tên gọi tuyệt đẹp nhất của Mẹ Maria, danh xưng chính Thiên Chúa đã ban cho Mẹ để nói lên rằng từ đời đời và muôn thuở Mẹ là người được yêu thương, là người được  chọn lựa, được chọn để lãnh nhận tặng ân cao quí nhất là Chúa Giêsu, ‘tình yêu nhập thể của Thiên Chúa’ (Deus Caritas Est, 12).

 

Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa đã chọn, trong tất cả mọi người nữ, Mẹ Maria thành Nazarét  một cách đặc biệt? Câu trả lời được giấu ẩn nơi mầu nhiệm khôn thấu của ý muốn thần linh. Tuy nhiên, có một lý do được Phúc Âm đề cao đó là lòng khiêm nhượng của Mẹ.

 

Thi hào Dante Alighieri đã nhấn mạnh đến điều này trong đoạn cuối cùng của vở kịch ‘Địa Đường’: ‘Hỡi trinh mẫu, nữ tử của Con mình, khiêm nhượng và cao cả hơn mọi tạo vật khác, danh xưng được ấn định theo ý muốn hằng hữu’ (Địa Đàng, XXXIII: 1-3). Chính vị Trinh Nữ này trong ca vịnh Ngợi Khen, ca vịnh chúc tụng của m ình, đã nói đến điều ấy: ‘Linh hồn tôi công bố những điều cao cả của Chúa…. Vì Ngài đã nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Chúa’ (Lk 1:46,48). Phải, Thiên Chúa bị chiếm đoạt trước lòng khiêm nhượng của Mẹ Maria, một con người đã được ân nghĩa với Ngài  (x Lk 1:30). Nhờ đó, Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa, hình ảnh và là mô phạm của Giáo Hội, một Giáo Hội được chọn giữa chư dân để lãnh nhận phép lành của Chúa và để tỏa nó ra cho toàn thể gia đình nhân loại.  

 

‘Phúc lành’ này là chính Chúa Giêsu Kitô. Người là nguồn ‘ân sủng’ mà Mẹ Maria được tràn đầy từ giây phút đầu tiên trong cuộc sống của Mẹ. Bằng lòng tin tưởng, Mẹ đã lãnh nhận Chúa Giêsu, và bằng tình yêu thương, Mẹ đã ban tặng Người cho trần gian. Đó cũng là ơn gọi của chúng ta và sứ vụ của chúng ta, một ơn gọi và sứ vụ của Giáo Hội, đó là nhận lãnh Chúa Kitô trong đời sống của mình và trao ban Người cho trần gian ‘hầu trần gian nhờ Người mà được cứu độ’ (Jn 3:17).

 

Anh Chị Em thân  mến: lễ Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội soi sáng như một đèn hiệu mùa Vọng, một thời gian tỉnh thức và tin tưởng đợi chờ Đấng Cứu Thế. Trong khi chúng ta tiến lên gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang đến, chúng ta hãy nhìn lean Mẹ Maria là vị ‘chiếu giãi như một dấu hiệu của niềm hy vọng vững chắc và ủi an cho dân Chúa trong cuộc lữ hành’ (Lumen Gentium, 68).

 

Với ý thức ấy, tôi mời anh chị em hãy hợp với tôi vào buổi chiều hôm nay, tại tháp trụ Piaoãa di Spagna, tôi sẽ lập lại việc tôn kính truyền  thống giành cho Người Mẹ dịu dàng bởi ân sủng và của ân sủng này. Giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ bằng lời nguyện cầu gợi lại việc truyền  tin của thiên thần.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/12/2006

 

 

TOP

 

 

 

Chúa Nhật I Mùa Vọng 3/12/2006 về tổng quan chuyến  Tông Du vừa qua và về Mùa Vọng với ý nghĩa việc Chúa đến

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Cùng với anh chị em, một lần nữa, tôi xin tạ ơn Chúa về chuyến tông du ở Thổ Nhĩ Kỳ tôi vừa thực hiện trong mấy ngày vừa qua: Tôi cảm thấy được hỗ trợ và nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của toàn thể cộng đồng Kitô hữu. Tôi xin gửi tới tất cả mọi người lòng tri ân thân ái của tôi!

 

Thứ Tư tới đây, trong buổi triều kiến chung, tôi sẽ có dịp để nói dài hơn về cảm nghiệm linh thiêng và mục vụ không thể nào quên được ấy, một cảm nghiệm tôi hy vọng sẽ mang lại thành quả tốt đẹp cho việc hợp tác hơn bao giờ hết nơi thành phần môn đệ Chúa Kitô cũng như cho việc đối thoại với các tín đồ Hồi Giáo.

 

Giờ đây, tôi buộc phải lập lại lời cám ơn của tôi với những ai tổ chức chuyến đi này và một cách nào đó đã góp phần vào việc thực hiện  nó một cách bình an và thành quả. Tôi đặc biệt cám ơn các vị thẩm quyền Thổ Nhĩ Kỳ và nhân dân thân tình Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã đón tiếp tôi xứng đáng với tinh thần hiếu khách truyền thống của họ.

 

Trước hết, tôi mến thương nhớ đến và tri ân cộng đồng Công Giáo thân yêu, một cộng đồng sống ở mảnh đất Thổ Nhĩ Kỳ.  Tôi nghĩ đến cộng đồng ấy khi chúng ta tiến vào Chúa Nhật này trong Mùa Vọng đây.

 

Tôi đã có thể thấy và cử hành Thánh Lễ với anh chị em ấy của chúng ta, những người anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh thường gặp phải khốn khó. Đó thực sự là một đàn chiên bé nhỏ và khác nhau, giầu lòng nhiệt thành và đức tin, có thể nói, sống cảm nghiệm Mùa Vọng liên lỉ và thiết tha, một cảm nghiệm được nâng đỡ bởi niềm hy vọng.

 

Trong Mùa Vọng, phụng vụ thường lập lại và bảo đảm với chúng ta, như thể tìm cách chế ngự niềm nghi hoặc của chúng ta, rằng Thiên Chúa ‘đang đến’: Ngài đang đến để ở với chúng ta, nơi mỗi một người chún g ta trong các hoàn cảnh của chúng ta; Ngài đến để sống giữa chúng ta, để sống với chúng ta và sống trong chúng ta; Ngài đến để làm cho khoảng cách chia rẽ và phân ly chúng ta được lấp đầy; Ngài đến để hòa giải chúng ta với Ngài và với nhau. Ngài đến trong lịch sử nhân loại để gõ cửa hết mọi con người nam nữ thiện chí, nhờ đó cống hiến cho mọi cá nhân, gia đình và dân tộc tặng ân huynh đệ, thái hòa và bình an.

 

Bởi thế, Mùa Vọng trên hết là thời điểm của niềm hy vọng cậy trông, thời điểm tín hữu tin vào Chúa Kitô được mời gọi để sống niềm trông đợi một cách tỉnh thức và chủ động, một niềm mong đợi được dưỡng nuôi bằng việc nguyện cầu cũng như bằng việc dấn thân yêu thương một cách cụ thể. Chớ gì việc giáng sinh sắp tới của Chúa Kitô làm cho lòng Kitô hữu tràn đầy niềm vui, thanh thản và an bình!

 

Để sống Mùa Vọng này một cách chân thực và hiệu quả hơn, phụng vụ khuyến dụ chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria rất thánh và hãy thực hiện cuộc hành trình thiêng liêng đến Bêlem cùng với Mẹ. Khi Thiên Chúa gõ cửa lòng tuổi trẻ của Mẹ, Mẹ đã lãnh nhận Ngài bằng niềm tin tưởng và tình yêu mến. Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Mẹ nơi mầu nhiệm rạng ngời của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng ta hãy ngây ngất trước vẻ đẹp của Mẹ, một vẻ đẹp phản ảnh vinh quan g thần linh, nhờ đó, ‘việc Thiên Chúa đang đến’ sẽ tìm thấy nơi mỗi người chúng ta một con tim cở mở và tốt lành, để Ngài có thể ban tràn đầy các tặng ân của Ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/12/2006  

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên 26/11/2006 về Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của phụng niên này, chúng ta cử hành lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Phúc Âm hôm nay trình bày một sứ điệp liên quan tới điều chất vấn bi thảm được Philatô đặt ra với Chúa Giêsu, khi Người bị trao nộp cho ông với lời tố cáo là đã tiếm đoạt tước hiệu “vua dân Do Thái”.

 

Chúa Giêsu đã đáp lại những lời chất vấn của quan tổng trấn Roma bằng việc khẳng định rằng Người là Vua nhưng không thuộc về thế gian này (x Jn 18:36). Người không đến để cai trị dân chúng và các lãnh thổ, mà là để giải thoát con người khỏi tình trạng làm tôi cho tội lỗi và làm hòa với Thiên Chúa. Rồi Người thêm: “Tôi đã được sinh ra, và tôi đã đến trong thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi” (Jn 18:37).

 

Thế nhưng, Chúa Kitô đã đến trong thế gian để làm chứng cho “chân lý” nào? Cả cuộc đời của Người cho thấy Thiên Chúa là tình yêu. Đó là sự thật Người đã hoàn toàn làm chứng bằng việc hy sinh mạng sống mình trên đồi Canvê. Cây thập tự giá là “ngai tòa” được Người dùng để tỏ ra vương quyền cao cả của Vị Thiên Chúa Tình Yêu. Bằng việc hiến mình đền tội cho thế gian, Người đã chế ngự quyền lực của “chúa tể trần gian này” (Jn 18:31) và vĩnh viễn thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa. Một Vương Quốc được tỏ hiện hoàn toàn vào ngày cùng tháng tận, sau khi tất cả mọi kẻ thù của Người mà kẻ thù cuối cùng là sự chết qui phục Người (x 1Cor 15:25-26).

 

Bấy giờ Con sẽ trao Vương Quốc này cho Cha để cuối cùng Thiên Chúa là “tất cả trong môi sự” (1Cor 15:28). Con đường để đạt tới đích điểm này thì dài và không thể đốt giai đoạn. Mỗi người cần phải tự do chấp nhận sự thật về tình yêu của Thiên Chúa. Ngài là Tình Yêu và là Chân Lý, mà tình yêu và chân lý không bao giờ áp đặt nhau: Chúng là những gì gõ cửa lòng trí và chúng mang an bình cùng hân hoan đến nơi chúng tới. Đó là đường lối Thiên Chúa cai trị; đó là dự án cứu độ của Ngài, là một “mầu nhiệm”, theo nghĩa thánh kinh của từ ngữ tức là một dự án được từ từ mạc khải trong giòng lịch sử.

 

Trinh Nữ Maria được được liên hệ rất đặc biệt với vương quốc của Chúa Kitô. Thiên Chúa đã xin Mẹ, người nữ tỳ khiêm hạ ở Nazarét, hãy trở nên Mẹ của Đấng Thiên Sai, và Mẹ Maria đã đáp ứng lời mời gọi này bằng cả con người của Mẹ, kết hiệp lời ‘xin vâng’ hoàn toàn với lời xin vâng của Con Mẹ là Chúa Giêsu, đến cùng với Người vâng lời cho đến hy hiến. Vì thế Thiên Chúa đã vinh thăng Mẹ trên tất cả mọi thụ tạo và Chúa Kitô đã đội triều thiên cho Mẹ làm Nữ Vương Trời đất. Chúng ta hãy ký thác Giáo Hội và toàn thể nhân loại cho việc chuyển cầu của Mẹ, nhờ đó tình yêu Thiên Chúa được hiển trị nơi tất cả mọi tâm can và dự án công lý và hòa bình của Người được nên trọn.

 

(Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:)

 

Anh chị em thân mến: Như anh chị em đã biết là vào mấy ngày nữa đây tôi sẽ đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Từ giây phút này, tôi muốn gửi lời chào thân ái tới nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ thân yêu, một dân tộc có cả một sự phong phú lớn lao về lịch sử và văn hóa. Tôi xin bày tỏ lòng cảm mến và chân tình với quốc gia này cùng quí vị đại diện của quốc gia ấy.

 

Với lòng cảm mến, tôi muốn gặp gỡ cộng đồng Công Giáo, một cộng đồng luôn được ấp ủ trong lòng tôi, và hiệp nhất tình huynh đệ với Giáo Hội Chính Thống, nhân dịp Lễ Thánh Tông Đồ Anrê.

 

Bằng niềm tin tưởng, tôi muốn theo gót các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, và tôi xin Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII từ trên trời bảo vệ, vị đã là khâm sứ của Tòa Thánh 10 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ với đầy lòng quí mến và trân trọng đất nước ấy. Tôi xin tất cả mọi anh chị em hãy đồng hành với tôi bằng lời nguyện cầu để chuyến hành trình này mang lại nhiều kết quả theo ý Chúa.

 

Vào ngày 1/12 tới đây, Ngày Thế Giới Hội Chứng Liệt Kháng được cử hành. Tôi hết lòng hy vọng rằng cần phải nuôi dưỗng một trách nhiệm hơn nữa đối với việc chữa trị bệnh tình này, cũng như đối với việc quyết tâm tránh đi tất cả mọi thứ kỳ thị liên quan tới thành phần bị nhiễm chứng bệnh ấy. Trong khi nguyện cầu cùng Chúa ban ơn an ủi cho thành phần bệnh nhân này cùng gia đình của họ, tôi muốn phấn khích nhiều hoạt động đang được Giáo Hội thực hiện trong lãnh vực này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/11/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên 19/11/2006 về Lễ Mẹ Dâng Mình 21/11/2006 và Ngày Hướng Về Cộng Đồng Tu Kín

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Ngày kia, 21/11, vào dịp lễ nhớ Mẹ Maria Dâng Mình Vào Đền Thánh, chúng ta cử hành Ngày ‘pro Orantibus’, một ngày giành để tưởng nhớ các cộng đồng đan viện kín. Thật là một dịp thích hợp để cám ơn Chúa về tặng ân có rất nhiều người, trong các đan viện và ẩn viện, hoàn toàn hiến cuộc đời cho Thiên Chúa trong nguyện cầu, thinh lặng và ẩn thân.

 

Một số người ngẫm nghĩ về ý nghĩa và giá trị của việc họ hiện diện trong thời đại của chúng ta, một thời đại có nhiều tình trạng nghèo nàn và túng thiếu khẩn trương cần phải được giải quyết. Tại sao lại vĩnh viễn “thu mình” ở đằng sau những bức tường của một đan viện, làm cho những người khác bị thiếu mất việc đóng góp những tài năng và kinh nghiệm của con người? Cầu nguyện mang lại hiệu quả ra sao trong việc giải quyết nhiều vấn đề cụ thể tiếp tục làm cho con người bị khốn đốn đây?

 

Thật vậy, ngày nay cũng có nhiều người thường gây ngạc nhiên cho bạn bè và người thân quen khi họ từ bỏ những nghề nghiệp chuyên môn, thường là những nghề nghiệp hứa hẹn, để ôm lấy thứ luật lệ khổ chế ngặt nghèo của một đn viện kín. Điều gì dẫn họ đến chỗ thực hiện việc dấn thân như thế, nếu họ không hiểu được, như Phúc Âm dạy rằng Nước Trời là “một kho tàng” xứng đáng với việc từ bỏ hết mọi sự (x Mt 13:44)?

 

Những người anh chị em âm thầm làm chứng rằng ở giữa những thăng trầm thường nhật, có những lúc hết sức náo loạn, thì chỉ có một mình Thiên Chúa là sự đỡ nâng không bao giờ bỏ cuộc, là tảng đá trung thành và yêu thương bất khả đổ vỡ. “todo se pasa, Dios no se muda” (Hết mọi sự qua đi, Thiên Chúa thì bất biến), vị đại sư về đàng thiêng liêng là Thánh Têrêsa Avila đã nói thế trong tác phẩm nổi tiếng của ngài. Và nếu nhiều người cảm thấy một nhu cầu lan tràn muốn lìa xa nhịp sống hằng ngày của những cuộc kết tụ nơi những phố phường lớn để tìm kiếm những nơi chốn thích hợp cho việc thinh lặng và suy niệm, thì các đan viện sống đời chiêm niệm trở thành ‘những ốc đảo’, trong đó, con người, một kẻ lữ hành trên trái đất này, có thể tiến tới với nguồn mạch Thần Linh để làm dịu cơn khát của họ trên con đường đi ấy.

 

Những nơi ấy, có vẻ là vô dụng, trái lại là những gì bất khả thiếu, như những “lá phổi” xanh một thành phố: Chúng đều có lợi cho tất cả mọi người, bao gồm cả những ai không viếng thăm chúngï, hay có thể là không biết rằng chúng hiện hữu nữa.

 

Anh chị em thân mến: Chúng ta hãy cám ơn Chúa, Đấng theo sự quan phòng của mình đã muốn thấy có các cộng đồng tu kín, nam cũng như nữ. Chớ gì chúng ta không bỏ qua việc nâng đỡ tinh thần và cả vật chất của mình, để nhờ đó họ có thể hoàn thành sứ vụ của họ trong việc làm sống động nơi Giáo Hội niềm thiết tha mong đợi Chúa Kitô trở lại. Đó là lý do chúng ta hãy cậy nhờ đến việc chuyển cầu của Mẹ Maria, Người Mẹ mà, trong phụng vụ lễ Dâng Mình vào Đền Thánh tới đây, chúng ta sẽ chiêm ngắm Mẹ vừa là mẹ và là mô phạm của Giáo Hội, một Người Mẹ kết hợp nơi bản thân mình cả hai ơn gọi, ơn gọi khiết trinh và ơn gọi hôn nhân, ơn gọi chiêm niệm và ơn gọi sống đời hoạt động.           

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/11/2006 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXXII Thường Niên 12/11/2006 về Ý Nghĩa Ngày Lễ Tạ Ơn ở Ý Quốc

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay ở Ý quốc cử hành hằng năm Ngày Lễ Tạ Ơn, với chủ đề ‘Trái Đất là Một Quà Tặng cho Toàn Thể Gia Đình Nhân Loại’. Trong các gia đình của mình, chúng ta dạy cho các em nhỏ luôn tạ ơn Chúa trước khi ăn, bằng một lời nguyện vắn tắt và dấu thánh giá. Tục lệ này cần phải được bảo tồn và tái nhận thức, vì nó dạy cho chúng ta chẳng những lãnh nhận ‘lương thực hằng ngày’ được ban cho mà còn nhìn nhận nơi nó tặng ân của Đấng Quan Phòng nữa.

 

Chúng ta cần phải có thói quen chúc tụng Đấng Hóa Công về từng sự một: về khí thở và nước nôi, những yếu tố quí giá là căn bản cho sự sống trên hành tinh của chúng ta đây; cũng như về lương thực mà, nhờ tính chất phì nhiêu của trái đất, Thiên Chúa đã ban tặng để bảo trì chúng ta. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người cầu nguyện, xin Cha trên trời không phải là cho ‘con’ mà là cho ‘chúng con’ lương thực hằng ngày. Bởi thế Ngài muốn hết mọi người hãy cảm thấy đồng trách nhiệm đối với anh chị em mình, nhờ đó không ai thiếu thốn những gì cần để sống. Những sản vật của trái đất là tặng ân Thiên Chúa ban ‘cho toàn thể gia đình nhân loại’.

 

Ở đây chúng ta đụng chạm tới một điểm rất đau thương, đó là thảm trạng đói khổ, một tình trạng, cho dù xẩy ra sự kiện là thậm chí gần đây nó đã được nói lên ở những lãnh vực cơ cấu cao nhất, như Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là Tổ Chức Lương Nông, vẫn tiếp tục mãi mãi là những gì thê thảm. Bản tường trình hằng năm mới đây của Tổ Chức Lương Nông đã xác nhận những gì Giáo Hội biết rất rõ bởi kinh nghiệm trực tiếp của các cộng đồng và các vị thừa sai, đó là có trên 800 triệu người sống trong tình trạng mạo dưỡng và rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em, chết vì đói.

 

Làm thế nào mà tình trạng được đề cập đến này, mặc dù đã được liên tục tố giác, vẫn chưa được giải quyết, trái lại, còn trở nên tệ hơn ở những cách thức khác nhau? Chắc chắn là cần phải loại trừ đi những căn nguyên về cơ cấu dính dáng tới guồng máy quản trị nền kinh tế thế giới, một guồng máy phân phối một phần lớn các tài nguyên của hành tinh này cho một thiểu số dân chúng. Điều bất công này đã bị chỉ trích phê bình ở những dịp khác nhau bởi những vị tiền nhiệm của tôi là những vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI và Gioan Phaolô II.

 

Để có thể chi phối cả một tầm vóc bao rộng, cần phải ‘hoán cải’ mẫu thức phát triển toàn cầu; hiện nay điều này đòi hỏi chẳng những bởi cảnh khốn nạn của đói khổ mà còn bởi tình trạng nguy cấp về môi trường và năng lượng nữa. Tuy nhiên, mỗi một người và từng gia đình có thể và cần phải làm một điều gì đó để làm giảm bớt đói khổ trên thế giới, chấp nhận một lối sống và tiêu thụ xứng với việc bảo toàn thiên nhiên cũng như với các qui tắc công bình đối với những ai trồng cấy đất đai ở hết mọi quốc gia.

 

Anh Chị Em thân mến: Ngày Tạ Ơn hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về các hoa trái của lao công nông nghiệp, và mặt khác, nó phấn khích chúng ta hãy cụ thể dấn thân nhổ tận gốc rễ nạn đói khổ. Chớ gì Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết tạ ơn về những ân phúc của Đấng Quan Phòng và cổ võ công lý lẫn kết đoàn ở tất cả mọi phần đất trên thế giới.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/11/2006

 

 

TOP

 

Chúa Nhật XXXI Thường Niên 5/11/2006 về Ý Nghĩa Sự Chết

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Trong những ngày theo sau việc phụng vụ tưởng nhở đến kẻ chết, nhiều giáo xứ cử hành một tuần bát nhật cho người chết, một cơ hội thuận lợi để tưởng nhớ nguyện cầu cho những người thân yêu cũng như để suy niệm về thực tại của sự chết, một thực tại bị “thứ văn minh của tiện nghi” thường cố gắng loại bỏ khỏi tâm thức của con người, nhận chìm vào những bận bịu lo âu thường nhật.

 

Thật vậy, chết là những gì thuộc về cuộc sống, và không phải chỉ là cái kết thúc cuộc sống mà, nếu chúng ta chú ý, nó còn ở hết mọi lúc trong cuộc đời nữa. Cho dù có xẩy ra đủ mọi thứ phân tâm đi chăng nữa, việc mất mát đi một người thân yêu cũng là những gì giúp cho chúng ta nhận thức được ‘cái trục trặc’ này, khiến chúng ta cảm thấy sự chết như là một sự hiện diện hoàn toàn đối địch với ơn gọi tự nhiên muốn sống và hạnh phúc của chúng ta.

 

Chúa Giêsu đã làm đảo lộn ý nghĩa của sự chết. Người đã làm như thế bằng giáo huấn của Người, nhất là bằng việc đích thân đương đầu với sự chết. Phụng vụ mùa Phục Sinh xướng lên rằng: ‘Người chết để hủy diệt sự chết’. Một vị Giáo Phụ đã viết ‘Nhờ vị Thần Linh bất tử, Chúa Kitô đã đánh bại sử chết là những gì đã sát hại con người’ (Melito of Sardis, "On Easter," 66). Nhờ đó, Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ thân phận loài người của chúng ta, hướng nó đến chân trời hy vọng. Thật ra Người đã được sinh ra để có thể chết đi và nhờ đó giải thoát chúng ta khỏi làm tôi cho sự chết. Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã viết: ‘Bằng ân sủng của Thiên Chúa Người đã nếm trải sự chết cho hết mọi người’ (2:9).

 

Từ đó, sự chết không còn như trước nữa: Nó thực sự đã bị tước đoạt đi cái ‘nọc độc’ của nó. Tình yêu thương của Thiên Chúa, một tình yêu thương tác động nơi Chúa Giêsu, đã cống hiến một ý nghĩa mới cho tất cả cuộc sống của con người, nhờ đó cũng đã biến đổi chính sự chết. Nếu nơi Chúa Kitô, sự sống của con người là ‘việc lìa bỏ’ thế gian về nhà Cha’ (Jn 13:1) thế nào, thì giờ chết chính là giây phút diễn ra một cách cụ thể và cuối cùng việc lìa bỏ này vậy.

 

Những ai dấn thân sống như Người đều được thoát khỏi nỗi hãi sợ sự chết, họ không còn nở ra nụ cười châm biếm của một kẻ thù nữa, mà là tỏ ra một dung mạo thân tình của ‘người chị em’, như Thánh Phanxicô đã viết trong bài ‘Ca Vịnh Tạo Sinh’. Nhờ đó, Thiên Chúa vì thế được chúc tụng ngợi khen: ‘Lạy Chúa, chúc tụng Chúa về người Chị Em Tử Thần Về Xác Thân của chúng con’. Đức tin nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không được sợ hãi sự chết, vì nó chỉ là một giấc mơ mà một ngày kia chúng ta tỉnh giấc thôi.

 

Cái chết thực sự mà người ta cần phải sợ đó là sự chết về phần linh hồn, một sự chết được Sách Khải Huyền gọi là ‘cái chết thứ hai’ (x 20:14-15, 21:8). Thật vậy, người nào chết trong tình trạng có tội trọng mà không chịu ăn năn thống hối, cứ nhất định ngạo mạn phủ nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, là người tự loại mình khỏi Vương Quốc của sự sống vậy.

 

Nhờ lời chuyển cầu của Rất Thánh Nữ Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy nguyện cầu cùng Chúa ban cho chúng ta ơn biết nghiêm chỉnh dọn mình ra khỏi đời này vào lúc Ngài gọi chúng ta, với niềm hy vọng được đời đời ở cùng Ngài, cùng với các thánh và những người quá cố thân yêu của chúng ta.

 

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp bằng tiếng Ý liên quan tới tình hình Thánh Địa:)

 

Tôi hết sức lo âu theo dõi tin tức về tình hình suy thoái ở Giải Gaza, nên tôi muốn bày tỏ với thành phần dân chúng ở đó việc tôi lưu ý tới nỗi khổ đau họ chịu gây ra bởi bạo lực.

 

Tôi xin anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện xin Thiên Chúa Tòan Năng và Nhân Hậu sáng soi thành phần thẩm quyền Do Thái và Palestine, cũng như những quốc gia có trách nhiệm đặc biệt ở miền này, để họ quyết tâm ngăn chặn tình trạng đổ máu, gia tăng những hoạt động trợ giúp nhân đạo, và cổ võ việc tái diễn ngay một cuộc thương thảo nghiêm chỉnh và cụ thể.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/11/2006 

Qua bài huấn từ truyền tin ngắn gọn về sự chết trên đây của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, không biết chúng ta có cảm thấy hết sức thấm thía về 5 điểm chính yếu sau đây hay chăng?

 

Thứ nhất, ngài nhận định rằng thế giới văn minh ngày nay hầu như quên đi hay không muốn nghĩ tới sự chết. Ngài nói: “Sự chết là một thực tại bị ‘thứ văn minh của tiện nghi’ thường cố gắng loại bỏ khỏi tâm thức của con người, nhận chìm nó vào những bận bịu lo âu thường nhật”.

 

Thứ hai, ngài còn cảm nhận rằng “chết là những gì thuộc về cuộc sống, và không phải chỉ là cái kết thúc cuộc sống mà, nếu chúng ta chú ý, nó còn ở hết mọi lúc trong cuộc đời nữa”. Tại sao thế? Ngài đã tiếp tục diễn giải cái lý do của nó là vì, ngài nói: “chúng ta cảm thấy sự chết như là một sự hiện diện hoàn toàn đối địch với ơn gọi tự nhiên muốn sống và hạnh phúc của chúng ta”.

 

Thứ ba, thế nhưng, theo niềm tin Kitô Giáo được ngài xác tín rằng: “Chúa Giêsu đã làm đảo lộn ý nghĩa của sự chết bằng việc đích thân đương đầu với sự chết”. Đó là lý do, cũng theo niềm tin Kitô Giáo, ngài đã tuyên xưng rằng: “Từ đó, sự chết không còn như trước nữa: Nó thực sự đã bị tước đoạt đi cái ‘nọc độc’ của nó”.

 

Thứ bốn, nếu sự chết đã được hoàn toàn biến đổi như thế thì tự nhiên phát sinh ra hai hệ quả, hệ quả trước nhất ở ngay chính ý nghĩa tích cực của sự chết – chết là về cùng Cha, như ngài cảm nhận: “nếu nơi Chúa Kitô, sự sống của con người là ‘việc lìa bỏ’ thế gian về nhà Cha’ (Jn 13:1) thế nào, thì giờ chết chính là giây phút diễn ra một cách cụ thể và cuối cùng việc lìa bỏ thế gian này vậy”; và hệ quả thứ hai xẩy ra nơi tâm trạng có tính cách tích cực của người chết, như ngài khẳng định: “chúng ta không được sợ hãi sự chết, vì nó chỉ là một giấc mơ mà vào một ngày kia chúng ta tỉnh giấc thôi”.

 

Thứ năm, cái làm cho con người sợ chết là trọng tội, là ở trong tình trạng liều mất linh hồn, và tình trạng chết về phần hồn này, tình trạng chết hoàn toàn mất Ơn Nghĩa Chúa này mới là những gì đáng sợ và đáng tránh, vì nó là cái chết thứ hai, cái chết đời đời, không còn bao giờ được cứu độ nữa. Đức Thánh Cha đã cảnh báo như sau: “Cái chết thực sự mà người ta cần phải sợ đó là sự chết về phần linh hồn, một sự chết được Sách Khải Huyền gọi là ‘cái chết thứ hai’ (x 20:14-15, 21:8). Thật thế, người nào chết trong tình trạng có tội trọng mà không chịu ăn năn thống hối, cứ nhất định ngạo mạn phủ nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, là người tự loại mình ra khỏi Vương Quốc của sự sống vậy”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, phân tích để học hỏi trong chương trình phát thanh Tin Mừng Sự Sống www.tinmungsusong.org hôm 17/11/06

 

 

TOP

 

 

Lễ Các Thánh Thứ Tư 1/11/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta long trọng cử hành Lễ Chư Thánh, và ngày mai chúng ta tưởng nhớ đến thành phần tín hữu đã ly trần.

 

Hai cử hành phụng vụ sâu xa cảm xúc này cống hiến cho chúng ta một cơ hội đặc biệt để suy niệm về sự sống trường sinh. Phải chăng con người tân tiến vẫn còn tìm kiếm sự sống đời đời và phải chăng họ nghĩ rằng nó thuộc về những gì là hoang đường thần thoại chúng ta đã vượt thoát?

 

Trong thời đại của chúng ta đây, còn hơn thế nữa trong quá khứ, chúng ta đã bị những sự trần gian thu hút đến nỗi chúng ta khó nghĩ về Thiên Chúa như vị thủ vai chính trong lịch sử cũng như trong đời sống riêng của chúng ta. Tuy nhiên, tự bản chất của mình, đời sống của con người hướng tới một cái gì đó cao cả hơn, một cái gì đó biến đổi nó. Nỗi khát vọng này nơi con người hướng tới tầm vóc viên trọn của công lý, sự thật và hạnh phúc là những gì bất khả đè nén. 

 

Trước cái bí ẩn của chết chóc, nhiều người vẫn còn ước mong và hy vọng thấy được những người yêu dấu của mình một lần nữa ở trên cao. Như niềm tin tưởng mãnh liệt vào cuộc chung thẩm là biến cố sẽ tái thiết công lý thế nào thì niềm mong đợi của cuộc đối chọi cuối cùng cũng giúp cho mỗi người lãnh nhận được những gì họ xứng đáng.

 

Tuy nhiên, “sự sống đời đời”, đối với Kitô hữu chúng ta, không chỉ có nghĩa là một sự sống kéo dài tới muôn đời, mà còn là một tính chất mới của việc hiện hữu hoàn toàn được ngập ngục vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu giải phóng chúng ta khỏi sự dữ và sự chết, và là một tình yêu đưa chúng ta vào mối hiệp thông vĩnh hằng với tất cả mọi anh chị em cùng tham phần vào cùng một tình yêu thương ấy.

 

Như thế, sự sống đời đời có thể đã hiện diện ngay tâm điểm của sự sống trần gian tạm thời này, khi mà, nhờ ân sủng, linh hồn được liên kết với Thiên Chúa là nền tảng tối hậu của nó. Hết mọi sự sẽ qua đi, chỉ một mình Thiên Chúa là không đổi thay. Có bài Thánh Vịnh đã viết: “Xác thịt của tôi và tâm can của tôi trở nên sầu héo; thế nhưng Thiên Chúa là đá tảng của lòng tôi, Thiên Chúa là gia phần của tôi đời đời kiếp kiếp” (Ps 72{73]:26).

 

Tất cả mọi Kitô hữu, được kêu gọi nên thánh, là thành phần nam nữ gắn bó vững chắc vào “tảng đá” này; chân của họ đi trên mặt đất này nhưng lòng của họ đã ở trên trời rồi, hoàn toàn ngự trị với bạn bè của Thiên Chúa.

 

Anh chị em thân mến, chúng ta suy niệm về thực tại này với linh hồn của chúng ta hướng tới định mệnh cuối cùng và tối hậu của mình, một thực tại mang lại ý nghĩa cho các cảnh đời của cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy phục hồi cảm thức hân hoan về mối hiệp thông các thánh, và hãy để mình được các vị lôi kéo đến mục đích cuộc sống của chúng ta, đó là được nhãn tiền hội ngộ cùng Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy nguyện cầu để cuộc hội ngộ này là gia sản của tất cả mọi tín hữu đã ly trần, chẳng những của các kẻ thân yêu của chúng ta mà còn của tất cả mọi linh hồn, nhất là của thành phần bị lãng quên và cần đến lòng thương xót Chúa nhất. Chớ gì Đức Trinh Nữ Maria, nữ vương các thánh, giúp chúng ta luôn luôn biết chọn sự sống đời đời – “sự sống đời sau”, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính; một đời sau đã được khai mào bằng cuộc phục sinh của Chúa Kitô, và bằng việc thực tình hoán cải cùng thực hiện các việc làm bác ái của mình, chúng ta có thể hớn hở đón chờ Người đến.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/11/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXX Thường Niên 29/10/2006 về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù trong Bài Phúc Âm

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Chúng ta đọc thấy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (Mk 10:46-52) rằng, trong khi Chúa đi ngang qua những đường phố Giêricô thì có một người mù tên là Batimê lên tiếng nói với Người bằng cách kêu lớn tiếng rằng: ‘Hỡi Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi cùng!’ Điều này đã làm Chúa Giêsu động lòng, Người đã dừng bước, gọi anh ta đến và chữa lành cho anh ta.

 

Giây phút quyết liệt này là cuộc hội ngộ riêng tư trực tiếp giữa Chúa Giêsu và con người khổ đau ấy. Hai bên đối diện với nhau. Thiên Chúa có ý muốn chữa lành và con người ấy muốn được chữa lành. Hai quyền tự do, hai ý muốn đồng qui: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Chúa Kitô hỏi anh ta. Người mù đáp: “Xin cho tôi được thấy”. “Được, đức tin của anh đã cứu chữa anh”.

 

Với những lời ấy, phép lạ đã xẩy ra. Thiên Chúa hân hoan, con người vui sướng. Và Batimê, người đã được sáng mắt – như Phúc Âm trình thuật – “đã đi theo Người”: Tức là, anh trở nên môn đệ của Người và đi theo Vị Sư Phụ này lên Giêrusalem để dự phần với Người vào mầu nhiệm cứu độ. Căn cứ vào ý chính của những lời lẽ đó thì đoạn trình thuật này cho thấy hành trình của thành phần dự tòng hướng đến phép rửa, một cuộc hành trình vào thời Giáo Hội sơ khai cũng được gọi là ‘cuộc soi sáng’.

 

Đức tin là một đường lối sáng soi; nó được bắt đầu từ lòng khiêm nhượng nhận biết nhu cầu cần được cứu độ của mình và tiến tới chỗ gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng gọi con người theo Người trên con đường yêu thương. Căn cứ vào mẫu thức này, những cuộc hành trình khai tâm Kitô Giáo ấy đã được thiết lập trong Giáo Hội để sửa soạn cho việc lãnh nhận bí tích rửa tội, thêm sức và Thánh Thể.

 

Ở những địa điểm được truyền bá phúc âm hóa trước đây – nơi bí tích rửa tội cho trẻ em được thịnh hành – thì các cảm nghiệm về giáo lý và tu đức được dạy cho giới trẻ và người lớn hầu giúp cho họ có thể đi vào con đường tái nhận thức đức tin một cách trưởng thành và ý thức, để sau đó thiết tha lãnh nhận trách nhiệm chứng nhân. Các vị chủ chiên và giáo lý viên cần phải thi hành công việc này biết bao!

 

Việc tái nhận thức giá trị nơi phép rửa của mình là nền tảng cho việc dấn thân truyền giáo của hết mọi Kitô hữu, vì chúng ta thấy nơi Phúc Âm rằng ai để cho Chúa Kitô thu hút không thể nào không tỏ ra niềm vui của việc theo Người. Trong tháng 10, tháng đặc biệt giành cho việc truyền giáo, chúng ta thậm chí còn hiểu hơn là, vì phép rửa, chúng ta vồn được kêu gọi thực hiện việc truyền giáo.

 

Chúng ta hãy nguyện cầu cùng Trinh Nữ Maria để gia tăng thành phần thừa sai của Phúc Âm. Mật thiết liên kết với Chúa Kitô, chờ gì hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa nghe thấy rằng họ được kêu gọi để loan truyền tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, bằng chứng từ của đời sống riêng mình.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/10/2006 

  

TOP

 

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIX Thường Niên 22/10/2006 về Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 80. Ngày này được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập, vị đã đẩy mạnh việc truyền  giáo “cho muôn dân – ad gentes”, và trong Năm Thánh 1925 ngài đã phát động một cuộc triển lãm vĩ đại sau này đã trở thành một Cuộc Thu Thập Cuộc Truyền Giáo Sắc Tộc Học cho Các Bảo Tàng Viện của Vatican. Năm nay, trong sứ điệp bình thường nhân dịp ngày này, tôi đã nêu lên đề tài “Đức Ái là Hồn Sống của Việc Truyền Giáo”. Thật vậy, nếu việc truyền giáo không được tác động bởi yêu thương, thì nó biến thành một thứ hoạt động bác ái và xã hội. Tuy nhiên, đối với Kitô hữu, những lời của Thánh Phaolô là những gì có thể ứng dụng: “Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cor 5:14).

 

Đức ái đã khiến Chúa Cha sai Con mình vào thế gian, và Con hiến mình cho chúng ta đến chết trên thập tự giá, cũng đức ái ấy đã được Thánh Linh tuôn đổ vào tâm can của các tín hữu. Mỗi một người được lãnh nhận phép rửa, như một chồi nho được liên kết với cây nho, có thể cộng tác với sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ có thể được tóm gọn như thế này: đó là mang tin mừng cho hết mọi người biết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” và chính vì thế Ngài muốn cứu độ thế giới.

 

Sứ vụ này xuất phát từ tâm can, ở chỗ, khi con người thinh lặng nguyện cầu trước một cây thập tự giá, nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu, họ không thể nào lại không cảm thấy trong bản thân mình niềm vui nhận biết rằng họ được yêu thương và mong muốn yêu mến và muốn mình trở thành dụng cụ cho tình thương và sự hòa giải. Đó là những gì đã xẩy ra, đúng 800 năm trước đây, cho con người trẻ Phanxicô Assisi, trong ngôi nhà thờ nhỏ ở San Damiano, một ngôi nhà thờ bấy giờ đã bị xiêu vẹo. Từ cây thập giá, giờ đây đang được cất giữ ở Đền Thờ Thánh Claire, Thánh Phanxicô đã nghe thấy Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đi sửa chữa ngôi nhà của Cha, như con thấy nó đang bị tàn rụi”.

 

“Ngôi nhà” ấy trước tiên là cuộc đời của ngài, một cuộc đời đã được “sửa chữa” bằng một cuộc thực tâm hoán cải; ngôi nhà ấy cũng là Giáo Hội, không phải là ngôi nhà được làm bằng gạch mà bằng con người sống động, thành phần luôn cần phải được thanh tẩy. Ngôi nhà ấy cũng là toàn thể nhân loại là nơi Thiên Chúa muốn trú ngụ. Việc truyền giáo bao giờ cũng xuất phát từ một con tim được tình yêu Thiên Chúa biến đổi, như được chứng thực bởi muôn vàn tích truyện các thánh nhân và các vị tử đạo, thành phần đã hiến cuộc sống mình phục vụ Phúc Âm bằng những đường lối khác nhau.

 

Bởi thế, việc truyền giáo là nguồn mạch bao gồm tất cả mọi người: đối với những ai quyết tâm hiện thực vương quốc của Thiên Chúa trong ngôi nhà riêng của mình; đối với những ai thực hiện việc làm chuyên nghiệp của mình theo tinh thần Kitô hữu; đối với những ai hoàn toàn hiến mình cho Chúa; đối với những ai theo Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành nơi thừa tác vụ thánh chức đối với Dân Thiên Chúa; đối với những ai đặc biệt loan báo Chúa Kitô cho thành phần chưa nhận biết Ngài. Chớ gì Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta sống niềm vui và lòng can đảm của việc truyền giáo bằng một động lực mới, tùy hoàn cảnh theo Quan Phòng Thần Linh giành cho mỗi người.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2006 

 

  

TOP

 

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVII Thường Niên 8/10/2006 về vấn đề hôn nhân theo lời Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Chúa Nhật này, bài Phúc Âm trình bày cho chúng ta những lời của Chúa Giêsu về đời sống hôn nhân. Để trả lời cho câu hỏi là chồng có được phép bỏ vợ mình hay chăng, như được ấn định theo chỉ thị của luật Moisen (x Deuteronomy 24:1), Người đã trả lời rằng Moisen đã nhượng bộ vì “sự cứng lòng”, trong khi sự thật về hôn nhân đi ngược lại “thuở ban đầu của việc tạo dựng”, khi mà, như được viết trong Sách Khởi Nguyên, thì Thiên Chúa “đã dựng nên họ có nam có nữ. Vì thế mà người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ, và cả hai trở nên một” (Mk 10:6-7; x. Gen 1:27,2:24).

 

Và Chúa Giêsu nói thêm: “Bởi thế họ không còn là hai mà là một. Do đó, những gì Thiên Chúa đã kết hợp thì không ai được phép phân chia” (Mk 10:8-9). Đó là dự định ban đầu của Thiên Chúa, như Công Đồng Chung Vaticanô II cũng nhắc nhở trong hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”: “Mối thân hữu sâu xa của đời sống và tình yêu hôn nhân đã được Đấng Hóa Công thiết lập và được luật lệ của Ngài trân quí, cũng như được cắm rễ vào giao ước hôn nhân…. Vì chính Thiên Chúa là tác giả của đời sống hôn nhân vợ chồng” (số 48).

 

Trí khôn tôi nhớ đến tất cả thành phần phối ngẫu Kitô Giáo: Cùng với họ tôi tạ ơn Chúa về tặng ân bí tích hôn phối, và khuyến dụ họ hãy trung thành với ơn gọi của mình ở mỗi giai đoạn đời sống họ, “khi vui cũng như lúc buồn, lúc mạnh khỏe cũng như đau yếu”, như họ thề nguyền trong nghi thức bí tích.

 

Chớ gì các đôi phối ngẫu Kitô Giáo, ý thức được ân sủng đã lãnh nhận, xây dựng một gia đình hướng về sự sống và có thể cùng nhau đối diện với muôn vàn thách đố phức tạp trong thời đại của chúng ta. Chứng từ của họ đặc biệt cần thiết hôm nay đây. Các gia đình cần phải làm sao đừng để mình bị lôi cuốn bởi những trào lưu văn hóa tân tiến đầy chủ nghĩa khoái lạc và tương đối, và sẵn sàng hiện thực sứ vụ của mình trong Giáo Hội và xã hội bằng việc quảng đại dấn thân.

 

Trong tông huấn “Familiaris Consortio”, Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II đã viết rằng bí tích hôn nhân “làm cho các đôi vợ chồng và cha mẹ thành chứng nhân của Chúa Kitô ‘cho tới tận cùng trái đất’, như thành phần ‘thừa sai’ đích thực của yêu thương và sự sống” (x Số 54). Sứ vụ này hướng tới cả đời sống nội bộ trong gia đình – nhất là trong việc phục vụ nhau cũng như trong việc giáo dục con cái – cũng như đời sống bên ngoài: thật vậy, cộng đồng tại gia này được kêu gọi trở nên dấu hiệu của tình Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Gia đình chỉ có thể hoàn thành sứ vụ này nếu nó được ân sủng thần linh nâng đỡ. Đó là lý do cần phải không ngừng nguyện cầu và kiên trì trong nỗ lực hằng ngày để giữ những lấy những quyết tâm đã thể hiện trong ngày cưới.

 

Tôi nguyện cầu việc bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ và việc hỗ trợ của Thánh Giuse là phu quân của Mẹ cho tất cả mọi gia đình, nhất là những gia đình đang gặp phải khó khăn. Hỡi Mẹ Maria là Nữ Vương Gia Đình, xin cầu cho chúng con!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/10/2006 

 

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Kinh Mân Côi và Truyền Giáo

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay là ngày đầu Tháng Mười, tôi xin chia sẻ về hai khía cạnh nổi bật trong tháng này nơi cộng đồng giáo hội, đó là khía cạnh cầu kinh mân côi và việc dấn thân cho các vấn đề truyền giáo.

 

Thứ Bảy tới đây, ngày 7/10, chúng ta cử hành lễ Trinh Nữ Mân Côi; nó như thể hằng năm Đức Mẹ mời gọi chúng ta hãy khám phá ra vẻ đẹp của kinh nguyện này, một kinh nguyện rất đơn sơ mà lại sâu xa.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta là một vị đại tông đồ của kinh mân côi: Chúng ta nhớ đến việc ngài quí với chuỗi hạt trong tay, chìm ngập vào việc chiêm ngắm Chúa Kitô, như chính ngài muốn mời gọi chúng ta hãy thực hiện Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”.

 

Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, một kinh nguyện gắn liền với việc suy niệm Thánh Kinh. Nó là kinh nguyện của Kitô hữu đang tiến bước trong cuộc hành trình đức tin theo bước chân của Chúa Giêsu, được Mẹ Maria đi trước dẫn dường mở lối. Anh chị em thân mến, tôi muốn mời anh chị em hãy cầu kinh mân côi chung với gia đình trong tháng này, cũng như trong cộng đồng và trong giáo xứ, theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, cho việc truyền giáo của Giáo Hội cũng như cho Hòa Bình thế giới.

 

Tháng mười cũng là tháng truyền giáo, và ngày Chúa Nhật 22/10 chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly rằng: “Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21).

 

Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô: đó là sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể. Trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, tôi đã trình bày cho thấy đức ái thực sự là “hồn sống của việc truyền giáo”.

 

Thánh Phaolô, vị tông đồ của thành phần Dân Ngoại, đã viết rằng: “Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cor 5:14). Chớ gì hết mọi Kitô hữu lấy những lời đó làm của mình, hân hoan cảm nghiệm được việc mình là một thừa sai của tình yêu ở những nơi được Đấng Quan Phòng sai đến, bằng tấm lòng khiêm nhượng và can đảm, phục vụ tha nhân một cách bất vụ lợi, và cầu nguyện cho mình được mãnh lực của một đức ái hân hoan và tận tụy (Thiên Chúa là Tình Yêu, 32-39).

 

Vị quan thày thế giới cho việc truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một trinh nữ tu Carmêlô và là một tiến sĩ của Giáo Hội, vị chúng ta thực sự tưởng kính vào ngày hôm nay đây. Chớ gì chị, người đã nhận thấy con đường “đơn sơ” nên thánh là tin tưởng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân uy tín của Phúc Âm bác ái. Xin Mẹ Maria rất thánh, vị trinh nữ của kinh mân côi và là nữ vương của việc truyền giáo, dẫn tất cả chúng ta tới Chúa Kitô là Đấng cứu độ của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/10/2006

 

Phân Tích Lời Đức Thánh Cha Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Kinh Mân Côi

 

“Hôm nay là ngày đầu Tháng Mười, tôi xin chia sẻ về hai khía cạnh nổi bật trong tháng này nơi cộng đồng giáo hội, đó là khía cạnh cầu kinh mân côi và việc dấn thân cho các vấn đề truyền giáo.

 

“Thứ Bảy tới đây, ngày 7/10, chúng ta cử hành lễ Trinh Nữ Mân Côi; nó như thể hằng năm Đức Mẹ mời gọi chúng ta hãy khám phá ra vẻ đẹp của kinh nguyện này, một kinh nguyện rất đơn sơ mà lại sâu xa.

 

“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta là một vị đại tông đồ của kinh mân côi: Chúng ta nhớ đến việc ngài quí với chuỗi hạt trong tay, chìm ngập vào việc chiêm ngắm Chúa Kitô, như chính ngài muốn mời gọi chúng ta hãy thực hiện Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”.

 

“Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, một kinh nguyện gắn liền với việc suy niệm Thánh Kinh. Nó là kinh nguyện của Kitô hữu đang tiến bước trong cuộc hành trình đức tin theo bước chân của Chúa Giêsu, được Mẹ Maria đi trước dẫn dường mở lối. Anh chị em thân mến, tôi muốn mời anh chị em hãy cầu kinh mân côi chung với gia đình trong tháng này, cũng như trong cộng đồng và trong giáo xứ, theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, cho việc truyền giáo của Giáo Hội cũng như cho Hòa Bình thế giới”.

 

Trong bài huấn từ truyền tin cho Chúa Nhật đầu tháng 10/2006 này, riêng về khía cạnh Kinh Mân Côi, ĐTC đã đề cập tới 6 điểm quan trọng sau đây chúng ta cần lưu ý:

 

Thứ 1, ngài kêu gọi chúng ta là “hãy cầu kinh mân côi”, chứ không phải đọc kinh mân côi hay lần hạt mân côi. Bởi vì, cầu kinh mân côi là vừa đọc kinh mân côi vừa suy niệm mầu nhiệm mân côi, tức là đọc kinh mân côi bằng cả tấm lòng, chứ không phải chỉ thuần túy đọc kinh mân côi ngoài môi miệng, còn lòng trí thì xa cách Đấng chúng ta nguyện cầu. Đó là lý do ở Fatima, cả 6 lần hiện ra, Mẹ Maria cũng kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima là “hãy cầu kinh mân côi hằng ngày”, chứ Mẹ không kêu gọi “đọc kinh mân côi”.

 

Thứ 2, ngài cảm nhận rằng kinh Mân Côi là “một kinh nguyện rất đơn sơ mà lại sâu xa”. Thật vậy, kinh Mân Côi đơn sơ là ở chỗ dễ đọc và dễ thuộc, thành phần trẻ em hay quê mùa cũng thuộc, nhưng lại hết sức sâu xa, chẳng những vì ý nghĩa chất chứa ngay trong Kinh Kính Mừng là kinh chính trong kinh mân côi, một ý nghĩa phản ảnh tất cả Mầu Nhiệm Thánh Mẫu Đồng Công, mà còn vì mầu nhiệm Mân Côi gồm tóm tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô Cứu Chuộc.

 

Thứ 3, ngài truyền dạy rằng: “Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm lấy Chúa Kitô làm tâm điểm”. Thật vậy, kinh mân côi gồm có hai phần, khẩu nguyện và tâm nguyện. Khẩu nguyện là tác động đọc các chục kinh Kính Mừng, và tâm nguyện là tác động suy ngắm Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Nếu chỉ đọc kinh mân côi mà không suy niệm, tức không chiêm ngắm Chúa Kitô, thì như Đức Thánh Cha Phaolô VI ví thì như thể xác không hồn. Bởi thế, Đức Gioan Phaolô II mới định nghĩa cầu kinh mân côi là cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô.

 

Thứ 4, ngài cảm nghiệm rằng: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện của Kitô hữu đang tiến bước trong cuộc hành trình đức tin theo bước chân của Chúa Giêsu, được Mẹ Maria đi trước dẫn đường mở lối”. Thật thế, bởi vì, nếu Mầu Nhiệm Mân Côi bao gồm tất cả Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Đấng là tột đỉnh Mạc Khải Thần Linh và là tất cả Mạc Khải Thần Linh, tức Người là tột đỉnh và là tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, thì kinh Kính Mừng, kinh gồm tóm tất cả Mầu Nhiệm Thánh Mẫu, là biểu hiệu cho đức tin thuận phục của Mẹ Maria, cho việc loài người hoàn toàn “xin vâng” chấp nhận Mạc Khải Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể và Vượt Qua. Cầu kinh Mân Côi là Kitô hữu cùng với và nhờ Mẹ Maria tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần vậy.

 

Thứ 5, ngài mời gọi chúng ta hãy thực hành việc “cầu kinh mân côi chung với gia đình trong tháng này, cũng như trong cộng đồng và trong giáo xứ”. Bởi vì, nếu chính Mẹ Maria đã tiên báo trong ca vịnh Ngợi Khen Magnificat của Mẹ rằng “từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”, thì một mình ca ngợi Mẹ không đủ, phải cả gia đình, cả cộng đoàn và cả giáo xứ, cả giáo hội và thế giới nữa, không phải là một thế hệ mà là muôn thế hệ mới có thể phần nào cùng Mẹ tri ân cảm tạ “Chúa là Đấng toàn năng đã làm những sự trọng đại” không phải chỉ cho riêng cá nhân Mẹ, mà cho chung con cái loài người của Mẹ.

 

Thứ 6, ngài dặn chúng ta hãy cầu kinh Mân Côi “theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, cho việc truyền giáo của Giáo Hội cũng như cho Hòa Bình thế giới”. Riêng về ý chỉ của Đức Giáo Hoàng trong Tháng 10/2006 như sau: Ý Chung - “Xin cho tất cả những ai lãnh nhận phép rửa được trưởng thành trong đức tin của mình, và biết bộc lộ đức tin ấy ra nơi những quyết định minh nhiên, thiết tha và can đảm trong cuộc đời”; Ý Truyền Giáo - “Xin cho việc cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo làm gia tăng ở khắp mọi nơi tinh thần của lòng nhiệt thành truyền giáo và việc hợp tác truyền giáo”.

 

Phân Tích Lời Đức Thánh Cha Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Việc Truyền Giáo

 

“Tháng mười cũng là tháng truyền giáo, và ngày Chúa Nhật 22/10 chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly rằng: ‘Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy’ (Jn 20:21).

 

“Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô: đó là sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể. Trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, tôi đã trình bày cho thấy đức ái thực sự là “hồn sống của việc truyền giáo”.

 

“Thánh Phaolô, vị tông đồ của thành phần Dân Ngoại, đã viết rằng:’Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2 Cor 5:14). Chớ gì hết mọi Kitô hữu lấy những lời đó làm của mình, hân hoan cảm nghiệm được việc mình là một thừa sai của tình yêu ở những nơi được Đấng Quan Phòng sai đến, bằng tấm lòng khiêm nhượng và can đảm, phục vụ tha nhân một cách bất vụ lợi, và cầu nguyện cho mình được mãnh lực của một đức ái hân hoan và tận tụy (Thiên Chúa là Tình Yêu, 32-39).

 

“Vị quan thày thế giới cho việc truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một trinh nữ tu Carmêlô và là một tiến sĩ của Giáo Hội, vị chúng ta thực sự tưởng kính vào ngày hôm nay đây. Chớ gì chị, người đã nhận thấy con đường ‘đơn sơ’ nên thánh là tin tưởng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân uy tín của Phúc Âm bác ái. Xin Mẹ Maria rất thánh, vị trinh nữ của kinh mân côi và là nữ vương của việc truyền giáo, dẫn tất cả chúng ta tới Chúa Kitô là Đấng cứu độ của chúng ta.

 

Trong bài huấn từ truyền tin cho Chúa Nhật đầu tháng 10/2006 này, riêng về khía cạnh Kinh Mân Côi, ĐTC đã đề cập tới 5 điểm quan trọng sau đây chúng ta cần lưu ý:

 

Thứ nhất, Đức Thánh Cha đã xác nhận niềm tin của Giáo Hội về bản chất của Giáo Hội là truyền giáo: “Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo”.

 

Thứ hai, Đức Thánh Cha dẫn giải tính cách thực sự của việc truyền giáo, theo ngài, “Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”.

 

Thứ ba, cũng theo ngài, nếu “Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”, thì “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”.

 

Thứ bốn, ngài dẫn giải thêm, nếu “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”, thì “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo”, như ngài đã diễn giải “trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo” 22/10/2006.

 

Thứ năm, ngài còn dẫn chứng niềm xác tín “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo”  bằng gương truyền giáo của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, của nhị vị Thánh Quan Thày của việc truyền giáo là Phanxicô Xavier và nhất là gương của Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu bằng đường lối sống “bé nhỏ”, vị Thánh được Giáo Hội mừng kính ngay đầu tháng 10 là tháng truyền giáo của Giáo Hội.

 

Trong Tháng Mười và kể từ Tháng Mười 2006 này, Thời Điểm Maria sẽ tiếp tục phổ biến giáo huấn của Giáo Hội về việc truyền giáo, nhất là hai văn kiện truyền giáo của hai Đức Thánh Cha: một của Đức Phaolô VI là Tông Huấn Evangelii Nuntiandi và một của Đức Gioan Phaolô II là Thông Điệp Redemptoris Missio.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXV Thường Niên 24/9/2006 về Lý Lẽ Yêu Thương đến hy hiến bản thân, như Chị Dòng người Ý Leonella Sgorbati

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu lần thứ hai đã loan báo cho các môn đệ của Người biết cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Người (x Mk 9:30-31). Thánh Ký Marcô nhấn mạnh tới cái tương phản mạnh mẽ giữa tâm thức của Người và tâm thức của 12 Tông Đồ, thành phần chẳng những không hiểu những lời của Sư Phụ và trắng trợn phủ nhận ý nghĩ là Người sắp sửa đương đầu tử thần (x Mk 8:32), mà còn tranh cãi với nhau về vấn đề trong họ ai là người được coi là “kẻ cả” (x Mk 9:34). Chúa Giêsu đã nhẫn nại giải thích cho các vị cái lý lẽ của Người, cái lý lẽ của yêu thương hàm chứa cả việc phục vụ cho đến độ hiến tặng cả bản thân mình: “Nếu ai muốn làm đầu thì họ phải làm kẻ bé mọn nhất và làm tôi cho tất cả mọi người” (Mk 9:35).

 

Đó là lý lẽ của Kitô Giáo, một lý lẽ đáp ứng sự thật con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó cũng là một thứ lý lẽ phản lại với cái tôi là hậu quả nguyên tội của họ. Hết mọi người đều cảm thấy thu hút bởi yêu thương – một thứ yêu thương tối hậu là chính Thiên Chúa – thế nhưng, con người lại thường lầm lạc nơi những cách thức cụ thể yêu thương, bởi đó, mới xuất hiện những ý hướng và hành động xấu xa từ một khuynh hướng mới đầu có tính cách tích cực, cho dù bị tội lỗi làm ô nhiễm.

 

Phụng vụ hôm nay cũng đã nhắc nhở trong Thư của Thánh Giacôbê rằng: “Ở đâu có ghen tị và vị kỷ, thì ở đó xẩy ra lệch lạc và đủ mọi thứ việc làm xấu xa nhơ nhuốc. Thế nhưng, đức khôn ngoan từ trên cao trước hết là những gì tinh tuyền, rồi an bình, nhân ái, tuân hợp, đầy xót thương và hoa trái tốt lành, không bất nhất hay thiếu chân thành”. Vị tông đồ này kết luận: “Hoa trái của đức công chính là những gì được gieo trong an bình cho những ai vun trồng bình an” (3:16-18).

 

Lời này khiến cho chúng ta nhớ đến chứng từ của rất nhiều Kitô hữu, thành phần, bằng lòng khiêm nhượng và trong âm thầm, đã vì Chúa Giêsu hiến đời mình để phục vụ kẻ khác, hoạt động một cách cụ thể như thành phần tôi tớ của yêu thương và bởi đó là “những kiến tạo gia” hòa bình. Một số đã được kêu gọi để cống hiến chứng từ bằng máu cao cả, như đã xẩy ra mới đây mấy hôm cho một tu sĩ người Ý là Nữ Tu Leonella Sgorbati, người nữ tu đã trở thành nạn nhân của bạo lực. Người nữ tu này, người đã nhiều năm phục vụ thành phần nghèo khổ và trẻ em ở Somalia, đã chết khi thốt lên lời “tha thứ”: Đó là chứng từ Kitô Giáo đích thực nhất, một dấu hiệu phản khắc đầy an bình cho thấy cuộc vinh thắng của tình yêu trên hận thù và sự dữ.

 

Đi theo Chúa Kitô chắc chắn là việc khó khăn, thế nhưng, như Người đã nói, chỉ có những ai mất mạng sống mình vì Phúc Âm mới giữ được sự sống mà thôi (x Mk 8:35), vì nó mang lại cho cuộc sống con người trọn vẹn ý nghĩa. Không còn đường lối nào khác để làm môn đệ của Người, không còn con đường nào khác để làm chứng nhân cho tình yêu của Người và hướng tới sự trọn lành của phúc âm.

 

Hỡi Mẹ Maria, vị chúng con kêu cầu hôm nay đây là Đức Mẹ Tình Thương, xin giúp chúng con biết mở lòng mình ra mỗi ngày một hơn trước tình yêu của Thiên Chúa, mầu nhiệm của niềm vui và thánh đức.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/9/2006

 

 

Người Nữ Tu bị ám sát chết có thể liên quan tới bài diễn văn của Đức Thánh Cha không ngờ gây bạo lực ở thế giới Hồi Giáo

 

Hôm Thứ Hai 18/9/2006, khi ngỏ lời cùng Hội Đồng Thường Trực của hội đồng giám mục Ý quốc, ĐHY Camillo Ruini, đại diện Giáo Phận Rôma kiêm chủ tịch hội đồng giám mục Ý, đã bày tỏ mối nghi ngờ của ngài về sự liên hệ giữa cái chết của nữ tu này với bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hôm Thứ Ba 12/9/2006 gây phẫn nộ thế giới Hồi Giáo.

 

Thật vậy, vào trưa Chúa Nhật 17/9/2006, nữ tu dòng truyền giáo Consolata là Leonella Sgorbati, người Ý, 65 tuổi, đang băng ngang qua đường giữa Bệnh Viện SOS là nơi nữ tu làm việc và Làng SOS là nơi nữ tu và 4 chị em khác cư trú, thì bị hai tay súng xuất hiện đằng sau gần những chiếc xe taxi và những hàng quán bên đường bắn. Nữ tu này đã vội chạy đến Bệnh Viện SOS và chết sau đó ít lâu.

 

Theo tường thuật của chị em cùng dòng ở tại đó cho cơ quan Tín Vụ Công Giáo Phi Châu (CISA: Catholic Information Service of Africa) ở Nairobi biết vào cùng ngày thì “Chị biết rằng chị sắp chết, vì chị cứ nói rằng ‘tôi không thở được’. Những lời cuối cùng của chị là ‘tôi tha thứ, tôi tha thư’”.

 

Cũng theo chị em cùng dòng, thì thi thể của người nữ tu này bị những vết thương gây ra bởi 7 viên đạn. Hai kẻ tình nghi đã bị bắt giam và các cuộc điều tra đã được thực hiện bởi Khối Tòa Án Hồi Giáo. Thánh Lễ an táng được cử hành hôm Thứ Năm 21/9 tại Giáo Xứ Đền Thánh Consolata ở Westlands, Nairobi, và sau đó thi thể của nữ tu nạn nhân được chôn táng tại nghĩa trang Bệnh Viện Nazarét ở Kiambu, Kenya.

 

Nữ tu Leonella Sgorbati vào đời ở Gaoãola, Piacenza, Ý quốc ngày 9/12/1940. Chị nhập dòng Chị Em Thừa Sai Consolata ở San Fre, Cuneo, vào Tháng 5/1963, và tuyên lời khấn vĩnh thệ vào tháng 11/1972.

 

Sau khi tốt nghiệp trường y tá ở Anh quốc (1966-1968), chị được chỉ định đến phục vụ ở Kenya, và chị đến đó vào tháng 9/1970. Từ đó cho tới năm 1983, chị phục vụ luân chuyển tại Bệnh Viện Consolata, ở Mathari, Nyeri, và Bệnh Viện Nazareth ở Kiambu thuộc các vùng ngoại ô phía bắc của Nairobi.

 

Vào giữa năm 1983, chị bắt đầu khóa y tá cao cấp và vào năm 1985 chị trở thành người dạy kèm chính ở trường y tá sát liền Bệnh Viện Nkubu ở Meru. Vào tháng 11/1993, chị được chọn làm bề trên vùng Chị Em Thừa Sai Consolata ở Kenya, và chị kiêm nhiệm chức vụ này 6 năm trời.

 

Sau một thời gian nghỉ ngơi, vào năm 2001, chị đã sống mấy tháng ở Mogadishu, tìm cách mở một trường y tá ở bệnh viện được điều hành bởi tổ chức SOS Village. Để rồi chị là người điều khiển Hermann Gnemer School của Registered Community Nursing là nơi được khai trương vào năm 2002, và cũng là nơi huấn luyện mãn khóa cùng năm cho 32 y tá, với cấp bằng được chính Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới WHO, vì Somalia đã không có chính phủ từ năm 1991.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/9/2006

 

 

TOP

 

 

 

Chúa Nhật XXIV Thường Niên 17/9/2006 về bài diễn văn gây hiểu lầm và về Lễ Tôn Vinh Thánh Giá cùng Lễ Mẹ Đau Thương

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Chuyến tông du tôi vừa thực hiện tới Bavaria là một cảm nghiệm linh thiêng sâu xa, làm cho những hồi niệm riêng tư của tôi liên quan tới những địa điểm quá quen thuộc đối với tôi liên kết với những hoạt động mục vụ hướng tới một cuộc hiệu nghiệm loan báo Phúc Ậm cho ngày nay.

 

Tôi xin cảm tạ Thiên Chúa về niềm vui nội tâm mà Ngài đã cho hiện thực ấy, và tôi cũng cám ơn tất cả những ai vất vả hoạt động cho việc thành công của chuyến tông du mục vụ này. Như thói quen, tôi sẽ nói thêm về chuyến tông du này vào buổi triều kiến chung Thứ Tư tới đây.

 

Vào lúc này đây, tôi cũng muốn nói thêm là tôi hết sức buồn tiếc về những phản ứng ở một số quốc gia trước một ít đoạn trong bài diễn văn của tôi ở Đại Học Regensburg, những đoạn bị coi là xúc phạm tới cảm thức của tín đồ Hồi Giáo.

 

Những đoạn ấy thực sự là một đoạn trích dẫn từ một cuốn sách thời trung cổ, những đoạn không thể nào biểu hiện cho ý nghĩ riêng tư của tôi.

 

Hôm qua, hồng y quốc vụ khanh đã phổ biến một bản tuyên cáo về vấn đề này, trong đó, ngài giải thích ý nghĩa thực sự những lời tôi nói. Tôi hy vọng rằng bản tuyên cáo đó là những gì sẽ giúp làm lắng dịu nhiều tâm can và làm sáng tỏ ý nghĩa thực sự của bài diễn văn của tôi, một bài diễn văn với tất cả nội dung của nó đã và đang là một lời mời gọi hãy thực hiện một cuộc đối thoại thẳng thắn và chân thành, với tấm lòng hết sức tôn trọng lẫn nhau.

 

Giờ đây, trước khi nguyện kinh Thánh Mẫu, tôi muốn chia sẻ về hai lễ quan trọng mới đây: Lễ tôn vinh Thánh Giá được cử hành hôm 14/9, và lễ nhớ Mẹ Sầu Bi, được cử hành vào ngày hôm sau. Hai việc cử hành phụng vụ này tóm lại thành một hình ảnh Cây Thập Tự Giá một cách tượng hình, cho thấy Trinh Nữ Maria đứng dưới chân Thập Giá, theo Thánh Ký Gioan diễn tả, vị Tông Đồ duy nhất ở với Chúa Giêsu vào giờ lâm chung của Người.

 

Thế nhưng, ‘việc suy tôn’ Thánh Giá đây nghĩa là gì? Không phải hay sao đó là một việc xấu xa khi tôn kính một cái giá treo thây ô nhục? Tông Đồ Phaolô đã nói: ‘Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh, một vấp ngã đối với người Do Thái và điên rồ đối với thành phần Dân Ngoại’ (1Cor 1:23). Tuy nhiên, Kitô hữu không suy tôn bất cứ một cây thập giá nào, mà là thập giá được Chúa Giêsu thánh hóa bằng cuộc hy sinh của Người, thành quả và là chứng từ cho tình yêu vô biên.

 

Trên cây thập giá, Chúa Kitô đã đổ hết máu mình ra để giải thoát nhân loại khỏi làm tôi cho tội lỗi và sự chết. Đó là lý do, thập giá được biến từ một dấu hiệu nguyền rủa thành dấu hiệu phúc lành, từ dấu hiệu chết chóc đến dấu hiệu tuyệt vời của một tình yêu có thể thắng vượt hận thù và bạo lực và làm phát sinh ra sự sống bất diệt. ‘Ôi cây thập giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi’, phụng vụ xướng lên như thế ‘O Crux, ave spes unica!’

 

Vị thánh ký còn viết: Đứng dưới chân Thập Giá có Mẹ Maria (x Jn 19:25-27). Nỗi sầu thương của Mẹ là một nỗi sầu thương với Con Mẹ. Nó là một nỗi sầu thương đầy tin tưởng và yêu thương. Trên Đồi Canvê, Đức Trinh Nữ đã tham dự vào quyền năng cứu độ của Chúa Kitô, liên kết tiếng ‘fiat’ của mình với tiếng ‘xin vâng’ của Con Mẹ.

 

Anh chị em thân mến: Hiệp nhật trong tinh thần với Mẹ Sầu Bi, chúng ta cũng hãy lập lại tiếng ‘xin vâng’ của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng đã chọn đường lối thánh giá để cứu độ chúng ta. Nó là một mầu nhiệm cao cả vẫn còn đang xẩy ra cho đến ngày cùng tháng tận của thế giới này, và cũng kêu gọi chúng ta hãy cộng tác vào. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết vác lấy thập giá của chúng ta hằng ngày mà theo Chúa Giêsu một cách trung thành trên con đường tuân phục, hy sinh và yêu thương.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/9/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXIII 10/9/2006 ở Munich Đức quốc về vai trò Mẹ Maria là quan thày của xứ Bavaria

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Trước khi kết thúc việc cử hành Thánh Thể của chúng ta bằng phép lành trọng thể, chúng ta hãy tĩnh lặng nguyện kinh Truyền Tin.

 

Khi suy niệm các bài đọc trong Thánh Lễ, chúng ta nhận thấy cần thiết biết bao – cho cả đời sống cá nhân cũng như cho cả cuộc chung sống thanh thản an bình với kẻ khác – việc coi Thiên Chúa như là tâm điểm của mọi thực tại và là tâm điểm cho cuộc sống riêng tư của chúng ta.

 

Mẫu gương tối hậu cho thái độ này là Mẹ Maria, Mẹ Chúa. Suốt cuộc sống trần gian của mình, Mẹ là một người nữ lắng nghe, là vị trinh nữ cởi mở trước Thiên Chúa và tha nhân. Tín hữu đã hiểu điều này từ những thế kỷ sơ khai của Kitô Giáo, bởi thế, nơi tất cả mọi nhu cầu và thử thách của mình, họ đều tin tưởng chạy đến với Mẹ, van nài Mẹ cứu giúp và chuyển cầu cùng Thiên Chúa.

 

Như chứng từ cho việc này, ở mảnh neat cha ông Baravia của chúng ta đây, có hằng trăm nhà thờ và đền thánh được dâng kính Mẹ Maria. Chúng là những nơi qui tụ vô vàn khách hành hương quanh năm suốt tháng, thành phần phó mình cho tình yêu thương và niềm quan tâm từ mẫu của Mẹ.

 

Ở Munich đây, tại trung tâm thành phố này, vươn lên trụ cột Mariensaeule, nơi đúng 390 trước đây, Bavaria đã long trọng phó thác cho việc bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa. Hôm qua, cũng tại nơi này, tôi đã lại van xin phúc lành của Vị Quan Thày Bavaria ‘Patrona Bavariae’ cho thành phố này và đất nước đây.

 

Làm sao chúng ta không đặc biệt nghĩ đến đền thánh Altoetting, nơi tôi sẽ đến hành hương ngày mai? Ở đó tôi hân hoan long trọng khánh thành nguyện đường tôn thờ mới, chính tại nơi ấy, một nguyện đường là dấu hiệu hùng hồn về vai trò của Mẹ Maria: Mẹ là và mãi là nữ tỳ của Chúa, người tỳ nữ không bao giờ đặt mình làm tâm điểm, nhưng muốn hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, muốn dạy chúng ta con đường sống là nhìn nhận Thiên Chúa như tâm điểm của mọi thực tại và là tâm điểm của đời sống cá nhân chúng ta. 

 

Giờ đây chúng ta hãy dâng lên Mẹ lời nguyện cầu của chúng ta.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/angelus/2006/documents/hf_ben-xvi_ang_20060910_munich_en.html

 

TOP

 

Chúa Nhật XXII Thường Niên 3/9/2006 về Thánh Grêgôriô Cả

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay, niên lịch Rôma tưởng nhớ Thánh Grêgôriô Cả, Giáo Hoàng và tiến sĩ của Giáo Hội (vào thời khoảng năm 540-604). Hình ảnh đặc thù của ngài, tôi có thể nói là hầu như chuyên nhất, là một gương mẫu cần phải được nêu lên cho cả các vị mục tử của Giáo Hội lẫn thành phần quản trị dân sự: Thật thế, vì đầu tiên ngài là một vị quan thái thú rồi sau đó làm Giám Mục Rôma.

 

Là một quan chức của đế triều, ngài trổi vượt về khả năng quản trị của mình cũng như về tính cách luân lý thanh liêm, cho đến độ, mới ở vào tuổi 30, ngài đã giữ một chức vị dân sự cao nhất là ‘đô trưởng’ (‘Praefectus Urbis’).

 

Trong khi đó thì nội tâm của ngài lại hoàn toàn hướng tới ơn gọi sống đời đan tu, một cuộc sống ngài đã thực hiện vào năm 574, khi thân phụ của ngài qua đời. Sau đó, Luật Dòng Biển Đức đã trở thành nền tảng cho cuộc sống của ngài. Thậm chí khi ngài được Đức Giáo Hoàng sai cử làm đại diện tới hoàng đế Rôma ở đông phương, ngài vẫn sống theo lối sống đan tu, giản dị và nghèo hèn.

 

Khi được gọi trở về Rôma, mặc dù sống ở một đan viện, ngài đã là một cộng tác viên thân cận của Giáo Hoàng Palagius II, để rồi sau khi vị giáo hoàng này băng hà vì bị dịch hạch, Thánh Grêgôriô đã được mọi người đồng thanh tuyên bố là vị thừa kế giáo hoàng qua đời.

 

Ngài đã hết sức tránh né việc bổ nhiệm này, thế nhưng cuối cùng ngài đã phải chấp nhận, và hết sức luyến tiếc rời bỏ đan viện, để dấn thân cho cộng đồng, biết rằng ngài thực hiện nhiệm vụ của mình và ngài chỉ là ‘một người đầy tớ cho các tôi tớ Chúa’.

 

Ngài viết: ‘Kẻ không thực sự khiêm tốn là kẻ hiểu được rằng họ cần phải lãnh đạo người khác theo chỉ thị của ý muốn thần linh mà lại khinh khi chức cao quyền trọng này. Trái lại, nếu họ thuận phục những sự ấn định thần linh và không tỏ ra cứng đầu bướng bỉnh cùng sẵn sàng mang lại lợi ích cho kẻ khác bằng những tặng ân ấy, khi vị thế cao trọng nơi vai trò chăn dắt các linh hồn được chỉ định cho họ, thì lòng họ cần phải thoát ly nó, nhưng họ lại phải tỏ ra phải tuân phục trái với ý muốn của họ’ ("Pastoral Rule," I, 6).

 

Những lời ấy như là một cuộc ngài đối thoại với chính bản thân của ngài. Bằng một cái nhìn thấu triệt, Thánh Grêgôriô trực giác thấy rằng một nền văn minh mới bấy giờ đang hiện lên nơi cuộc gặp gỡ giữa gia sản Rôma và các thành phần dân chúng được gọi là ‘man di mọi rợ’, nhờ năng lực kết hợp và tính cách cao quí về luân lý của Kitô Giáo. Đời sống đan tu da94 trở thành một kho tàng chẳng những đối với Giáo Hội mà còn đối với toàn thể xã hội nữa.

 

Dù yếu về thể lý nhưng mạnh về luân lý, Thánh Gr6egôriô Cả đã thực hiện nhiều hoạt động mục vụ và dân sự. Ngài đã lưu lại một bộ rất lớn các thư tín, các bài giảng hay, một cuốn dẫn giải nổi tiếng về Sách Ông Gióp và các bản viết về Thánh Biển Đức, cùng nhiều bản văn phụng vụ, nổi tiếng trong việc canh tân thánh ca được gọi theo tên của ngài là ‘nhạc Grêgôriô’.

 

Tuy nhiên, tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài chắc chắn là ‘Cuốn Luật Mục Vụ’, một cuốn luật có tầm quan trọng đối với hàng giáo sĩ như cuốn Luật Biển Đức đối với các đan sĩ Thời Trung Cổ vậy. Đời sống của vị mục tử chăn dắt các linh hồn cần phải là một tổng hợp quân bình giữa việc chiêm niệm và hoạt động, một hoạt động được thúc đẩy bởi một tình yêu thương ‘vươn lên tới tuyệt đỉnh là lúc nó thương cảm cúi mình xuống tới những yếu bệnh trầm trọng nhất của kẻ khác. Khả năng có thể cuí mình xuống trên nỗi khốn cùng của người khác là mức độ của năng lực ban mình của con người cho người khác vậy’ (II,5). Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticanô II đã được soi động theo giáo huấn này, một giáo huấn bao giờ cũng hợp thời, để diễn tả hình ảnh của vị mục tử thuộc thời đại của chúng ta.

 

Chúng ta hãy cầu cùng Trinh Nữ Maria cho các vị mục tử trong Giáo Hội cũng như các vị lãnh đạo những tổ chức dân sự biết theo gương mẫu và giáo huấn của Thánh Grêgôriô Cả.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/9/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XXI Thường Niên 27/8/2006 về Thánh Monica và Âu Quốc Tinh

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay, 27/8, chúng ta tưởng nhớ Thánh Monica, và ngày mai chúng ta sẽ nhớ đến người con của thánh nữ này là Thánh Âu Quốc Tinh: Những chứng từ của các vị có thể là niềm an ủi lớn lao và giúp cho nhiều gia đình trong cả thời đại của chúng ta đây.

 

Thánh Monica, vào đời ở Tagaste, ở Algeria (thuộc Souk-Arhas) ngày nay, từ một gia đình Kitô giáo, đã sống một cách gương mẫu sứ vụ làm vợ và làm mẹ của mình, giúp chống là Patricius từ từ khám phá ra vẻ đẹp của niềm tin tưởng vào Chúa Kitô cũng như sức mạnh của lòng mến yêu phúc âm có thể chế ngự sự dữ bằng sự lành.

 

Sau khi ông chết, một cái chết xẩy ra sớm sủa, Thánh Monica đã dấn thân để chăm sóc cho 3 đứa con của bà, 2 trai và 1 gái, trong đó có Âu Quốc Tinh, người ngay từ đầu đã làm cho bà khổ sở vì tính nết nổi loạn chống đối của mình.

 

Chính Thánh Âu Quốc Tinh sau này đã nói rằng mẹ ngài đã sinh ra ngài hai lần; lần thứ hai đòi phải làm bồn thiêng liêng lâu dài bằng nguyện cầu và nước mắt, thế nhưng cuối cùng đã được hoan hưởng niềm vui thấy ngài chẳng những tha thiết với đức tin và lãnh nhận phép rửa, mà còn hoàn toàn dấn thân phụng sự Chúa Kitô.

 

Biết bao nhiêu là khó khăn cũng xẩy ra nơi mối liên hệ gia đình ngày nay, và có biết bao nhiêu là bà mẹ sầu khổ vì con cái của mình chọn đi theo những con đường sai lạc!

 

Thánh Monica, một người đàn bà khôn ngoan và vững vàng trong đức tin, mời gọi họ đừng chán nản, nhưng hãy kiên trì với sứ vụ làm vợ và làm mẹ của mình, mạnh mẽ tin tưởng vào Thiên Chúa và thiết tha kiên trì nguyện cầu.

 

Còn về Thánh Âu Quốc Tinh, cả cuộc đời của ngài là một cuộc hăng say tìm kiếm chân lý. Cuối cùng, sau một cơn bão tố nội tâm lâu dài, ngài đã khám phá ra nơi Chúa Kitô cái ý nghĩa tối hậu và trọn vẹn cho đời sống của ngài cũng như cho toàn thể lịch sử loài người. Ở tuổi thanh thiếu niên, bị thu hút bởi vẻ đẹp trần gian, ngài đã ‘say mê’ nó – như ngài thành thật cho biết (Tự Thú 10,27-38) – một cách vị kỷ và chiếm hữu bằng hành vi gây cho sầu thương cho người mẹ đạo hạnh của ngài.

 

Thế nhưng, nhờ cuộc hành trình khổ ải, cũng nhờ những lời nguyện cầu của bà, Âu Quốc Tinh đã hướng về cái trọn vẹn của sự thật và yêu thương, cho đến độ thực hiện việc hoán cải, một biến cố xẩy ra ở Milan, qua sự hướng dẫn của Thánh Ambrôsiô.

 

Bởi thế ngài là mô phạm về đường lối đến với Thiên Chúa là sự thật và sự thiện tối cao. Ngài đã viết trong cuốn sách Tự Thú nổi tiếng của ngài rằng: ‘Thế rồi con đã mến yêu Ngài. Ôi sự mỹ rất cổ song cũng rất mới… Vì này đây Chúa đã ở trong con, và con đã ở ngoài mình; con tìm kiếm Chúa ở ngoài con… Chúa đã ở với con mà con lại không ở với Chúa… Chúa đã gọi con và kêu con, đã bật mở đôi tai điếc lác của con ra: Và Ngài đã soi chiếu trên con và săn đuổi cái mù quáng của con’ (ibid).

 

Chớ gì Thánh Âu Quốc Tinh cũng xin cho chúng ta được tặng ân được thực sự và sâu xa gặp gỡ Chúa Kitô, một cuộc gặp gỡ trước hết cũng cho tất cả giới trẻ là thành phần khao khát hạnh phúc, tìm kiếm hạnh phúc bằng những đường lối sai lầm và bị lạc vào những ngõ cụt đường cùng.

 

Thánh Monica và Thánh Âu Quốc Tinh mời gọi chúng ta hãy tin tưởng hướng về Mẹ Maria là tòa đức khôn ngoan. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ thành phần cha mẹ Kitô giáo, để như Thánh Monica, họ biết nâng đỡ con cái của mình trong cuộc sống của chúng bằng gương lành và lời nguyện cầu của họ.

 

Chúng ta trao phó cho người mẹ trinh nguyên của Thiên Chúa giới trẻ, để như Thánh Âu Quốc Tinh, họ biết luôn hướng tới tầm vóc viên trọn của sự thật và yêu thương là Chúa Kitô: Đấng duy nhất có thể làm mãn nguyện những nhu cầu sâu xa của tâm can con người.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/8/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XX Thường Niên 20/8/2006 về Thánh Bênađô

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Trong số các vị thánh theo ngày, phụng niên đề cập tới Thánh Bênađô Clairvaux, một vị đại tiến sĩ của Giáo Hội, vị đã sống vào thời khoảng giữa thế kỷ 11 và 12 (1091-1153). Gương của ngài cùng với các giáo huấn của ngài đặc biệt hữu ích cho cả thời đại của chúng ta nữa.

 

Sau khi từ giã thế gian sau một giai đoạn đầy bấn loạn nội tâm, ngài đã được chọn làm đan viện phụ đan viện Xitô ở vào tuổi 25, và tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đan viện này 38 năm, cho tới khi qua đời.

 

Việc ngài chuyên tâm thinh lặng và chiêm niệm cũng không ngăn trở ngài hăng hái thi hành hoạt động tông đồ. Ngài còn làm gương trong việc dấn thân chế ngự tính nóng của ngài, cũng như trong việc khiêm tốn nhìn nhận những hạn hữu và lầm lỗi của mình.

 

khoa thần học của ngài phong phú và giá trị chẳng những vì những chiều kích mới cởi mở của ngài, mà còn vì việc ngài thành đạt trong vấn đề nói lên những sự thật của đức tin một cách sáng sủa và sâu sắc, có thể lôi cuốn những ai nghe ngài và hướng tâm linh về việc hòa giải và nguyện cầu.

 

Mỗi một bản văn của ngài đều âm vang một cảm nghiệm nội tâm phong phú, một cảm nghiệm ngài tiếp tục thông đạt cho người khác với một khả năng thuyết phục.

 

Đối với ngài, tình yêu là mãnh lực mãnh liệt nhất của đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, vì yêu thương tạo dựng nên con người và vì yêu thương giải cứu họ. Ơn cứu độ của tất cả mọi con người, thành phần bị tử thương bởi nguyên tội và bị đè nặng bởi các tư tội, hệ tại ở việc mạnh mẽ gắn bó với đức ái thần linh, một đức ái được trọn vẹn tỏ cho chúng ta trong Chúa Kitô tử giá và phục sinh.

 

Bằng tình yêu của mình, Thiên Chúa chữa lành ý muốn của chúng ta và lý trí bệnh hoạn của chúng ta, nâng chúng lên tới mức độ cao nhất của mối hiệp nhất với Ngài, tức là tới mức độ thánh đức và thần hiệp.

 

Thánh Bênađô nói về điều này, trong số những điều khác, ở tập sách ngắn nhưng nhất quán ‘Liber de diligendo Deo’ (Tập Sách về Tình Yêu Thiên Chúa). Ngài có một bản viết khác tôi muốn nêu lên, đó là cuốn ‘De Consideratione’, một văn kiện ngắn ngủi ngỏ cùng Đức Giáo Hoàng Eugene III. Đề tài chủ yếu của tập sách này, hoàn toàn riêng tư, là tầm quan trọng của vấn đề phản tỉnh nội tâm, một yếu tố thiết yếu cho lòng đạo đức – và ngài đã nói điều này với một vị Giáo Hoàng.

 

Cần phải chú ý tới những mối nguy hiểm nơi việc hoạt động quá trớn, bất kể hoàn cảnh và nghề nghiệp của con người, thánh nhân nhận định, vì – như ngài với vị Giáo Hoàng lúc ấy, và với tất cả mọi vị Giáo Hoàng cũng như với tất cả chúng ta – những bận bịu đủ thứ thường dẫn đến ‘tình trạng cứng lòng’, ‘chúng chính là những gì làm tổn thương đến tinh thần, làm mất đi sự sáng suốt và phân tán ân sủng’ (II, 3).

 

Lời khuyên can này là những gì hiệu lực đối với tất cả mọi thứ nghề nghiệp, bao gồm cả những ai vốn gắn liền với việc quản trị của Giáo Hội. Theo chiều hướng này, sứ điệp được Thánh Bênađô ngỏ cùng Đức Giáo Hoàng, vị từng làm môn đệ của ngài ở Claivaux, là một sứ điệp khích động: ‘Hãy coi chừng  những xâm chiếm tai hại này chi phối ngài, nếu ngài cứ tiếp tục đánh mất mình nơi chúng – không giành lại cho mình bất cứ điều gì của bản thân mình’ (ibid).

 

Lời kêu gọi này ích lợi biết bao đối với chúng ta liên quan tới tầm quan trọng của việc nguyện cầu! Chớ gì Thánh Bênađô, vị đã có thể hòa hợp nỗi khát vọng giữa việc sống cô quạnh và bình lặng của một đan sĩ trong viện tu với tính cách cần thiết của các sứ vụ quan trọng và phức tạp nơi việc phục vụ Giáo Hội, giúp chúng ta biết cụ thể hóa khát vọng này nơi đời sống của chúng ta, nơi các hoàn cảnh và cơ hội sống của chúng ta.

 

Chúng ta ký thác niềm ước ao khó khăn này trong việc tìm kiếm mức quân bình giữa tính cách nội tâm và hoạt động cần thiết cho việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, vị ngài đã mến yêu từ hồi còn nhỏ bằng một lòng sùng mộ thiết tha và thơ thảo, cho đến nỗi chiếm được danh hiệu ‘Tiến Sĩ Thánh Mẫu’.

 

Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ để Mẹ mang lại bình an chân chính và lâu dài cho toàn thế giới. Trong một bài diễn từ nổi tiếng, Thánh Bênađô đã ví Mẹ Maria với ngôi sao mà thành phần thủy thủ tìm kiếm để khỏi bị lạc hướng.

 

Ngài đã viết những lời lừng danh này như sau: ‘Dù bạn là ai đi nữa, đang thấy mình trong cuộc đời chết chóc này đang bị trôi giạt theo giòng nước phũ phàng theo sóng gió, thay vì bước đi trên nền đất vững, thì đừng rời mắt của mình khỏi ánh sáng của ngôi sao dẫn lối, trừ khi bạn muốn bị bão tố nhận chìm…. Hãy nhín lên ngôi sao ấy, hãy kêu lên Maria…. Theo Mẹ hướng dẫn, bạn không lầm đường, trong khi kêu cầu Mẹ, bạn sẽ không bao giờ nản chí… nếu Mẹ đi trước bạn, bạn sã không mệt mỏi; nếu Mẹ nâng đỡ bạn., bạn sẽ tiến tới đích điểm’ ("Homilia super Missus est," II, 17).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/8/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XIX Thường Niên 13/8/2006 về Ý Nghĩa Thiêng Liêng của Việc Nghỉ Ngơi Mùa Hè

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong giai đoạn mùa hè này, có nhiều người đã bỏ thành phố để tìm đến những nơi du lịch hay về quê hương của mình để nghỉ ngơi mùa hè. Tôi mong rằng cuộc nghỉ ngơi được trông đợi này giúp cho họ được củng cố về tâm trí cũng như thân thể là những gì hằng ngày đã phải trải qua một tình trạng liên tục mệt mỏi và căng thẳng trong môi trường náo động của sống tân tiến này.

 

Những ngày nghỉ này cũng tạo nên một dịp quí báu để sống nhiều giờ hơn với họ hàng thân thuộc, để viếng thăm gia đình và bạn hữu, tóm lại, để giành chỗ hơn cho những mối liên hệ nhân tình mà việc vun trồng cần thiết cho những mối liên hệ ấy bị ngăn trở bởi nhịp sống của các nhiệm vụ hằng ngày.

 

Thực sự không phải là ai cũng có thể lợi dụng thời gian nghỉ hè và nhiều người cần phải bỏ qua thời gian này vì những lý do khác nhau. Tôi đặc biệt nghĩ đến những ai cô đơn, đến những người già và bệnh nhân thường cảm thấy cô độc ngay cả trong thời gian này.

 

Tôi muốn bày tỏ lòng gắn bó của tôi với những người anh chị em ấy, với niềm thiết tha mong muốn thấy không một ai trong họ bị thiếu thốn việc nâng đỡ và ủi an của thành phần thân hữu.

 

Đối với nhiều người thì việc nghỉ hè trở thành một cơ hội lợi ích cho những liên hệ về văn hóa, cho những giây phút nguyện cầu lâu giờ và chiêm ngắm ngoài thiên nhiên hoặc trong các đan viện và khung cảnh tu trì.

 

Với giờ rảnh rỗi hơn, người ta có thể chuyên chú một cách dễ dàng hơn vào việc tâm sự với Thiên Chúa, suy niệm Thánh Kinh và đọc sách vở tìm hiểu hữu ích. Những ai cảm thấy được việc nghỉ ngơi thiêng liêng này biết rằng cần thiết biết bao trong việc đừng biến các cuộc nghỉ hè thành việc thuần túy xả hơi và giải trí.

 

Việc trung thành tham dự Lễ Chúa Nhật là những gì giúp cho con người cảm thấy là một phần tử sống động của cộng đồng giáo hội, ngay cả khi họ ở ngoài giáo xứ của họ. Bất cứ ở đâu, chúng ta bao giờ cũng cần phải được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể.

 

Bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta về điều này khi cho thấy Chúa Giêsu như là bánh sự sống. Chính Người, theo những gì được Thánh Gioan viết, tuyên bố mình là ‘bánh hằng sống từ trời xuống’ (x Jn 6:31), bánh nuôi dưỡng đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng mối hiệp thông nơi tất cả mọi Kitô hữu.

 

Trong thời gian nghỉ hè chúng ta cũng không được quên cuộc xung đột trầm trọng ở Trung Đông. Cuộc diễn tiến cuối cùng làm bùng lên niềm hy vọng là các cuộc xung đột sẽ đi đến chỗ chấm dứt và việc sẵn sàng và hiệu nghiệm cứu trợ về nhân đạo sẽ được bảo đảm cho dân chúng.

 

Tất cả mọi người đều hy vọng rằng hòa bình cuối cùng sẽ thắng vượt bạo lực và sức mạnh của các thứ vũ khí. Chúng ta hãy cầu xin điều này bằng việc tin tưởng Mẹ Maria chuyển cầu là những gì Mẹ bao giờ cũng sẵn sàng thực hiện trong vinh quang thiên đình của Mẹ – vinh quang chúng ta sẽ chiêm ngưỡng việc Mẹ mông triệu vào ngày mốt đây – cho con cái của Mẹ và hỗ trợ các nhu cầu của họ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/8/2006

 

TOP

 

 

Thứ Ba 15/8/2006 về Lễ Trọng Kính Đức Mẹ Mông Triệu

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Truyền thống Kitô Giáo đã đưa vào tâm điểm của mùa hè một trong những thánh lễ Thánh Mẫu cổ kính nhất và tưởng nhớ nhất, đó là lễ trọng kính Cuộc Mông Triệu của Trinh Nữ Maria. Như Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết và đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha thế nào thì Mẹ Maria cũng được mông triệu về trời như vậy vào cuối cuộc sống trần thế của Mẹ.

 

Phụng vụ nhắc nhở chúng ta hôm nay về sự thật đức tin an ủi này, khi chúc tụng Mẹ là vị được tôn vinh khôn sánh. Chúng ta đọc thấy trong đoạn Sách Khải Huyền được đề ra cho chúng ta suy niệm rằng ‘Trên trời xuất hiện một điềm lạ cả thể, đó là một người nữ mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 tinh tú’ (12:1). Nơi người nữ này, rạng ngời ánh sáng, Các Giáo Phụ đã nhìn nhận là Mẹ Maria. Nơi cuộc vinh thắng của Mẹ, dân Kitô hữu, thành phần hành trình trong lịch sử, thấy được niềm mong đợi của mình được nên trọn và dấu hiệu chắc chắn cho niềm hy vọng của mình.

 

Mẹ Maria là mẫu gương và là sự đỡ nâng cho tất cả mọi tín hữu: Mẹ phấn khích chúng ta đừng mất niềm tin tưởng trước những cơn khốn khó và những trụ ctrặc bất khả tránh trong cuộc sống hằng ngày. Mẹ bảo đảm với chúng ta về việc hỗ trợ của Mẹ và nhắc nhở chúng ta rằng những gì thiết yếu đó là việc tìm kiếm và ước mong ‘những sự trên trời chứ không phải những sự dưới thế’ (x Col 3:2). Bị chìm ngập vào những bận bịu hằng ngày, chúng ta có nguy cơ tin tưởng rằng mục đích của cuộc sống của con người ở trên đời này, nơi chúng ta chỉ qua đi thôi. Tuy nhiên, Thiên Đàng mới là mục đích thực sự cho cuộc hành trình trần thế của chúng ta. Những ngày sống của chúng ta trở nên khác biết bao khi chúng được tác động bởi quan điểm này! Nó là những gì đã xẩy ra nơi các vị thánh. Cuộc sống của con người chứng kiến thấy rằng khi một con người sống bằng một con tim liên lỉ hướng về trời thì các thực tại trần gian này được sống bằng giá trị chân chính của chúng, vì chúng được sáng soi bởi sự thật vĩnh hằng của tình yêu thần linh.

 

Tôi xin ký thác một lần nữa những mối quan tâm của nhân loại ở mọi nơi trên thế giới đang bị bạo lực hành hạ cho vị Nữ Vương Hòa Bình, vị xhúng ta chiêm ngưỡng trong vinh quang thiên đình. Chúng ta hợp cùng anh chị em của chúng ta vào giờ này đang qui tụ lại ở Đền Thánh Đức Bà Lebanon ở Harissa để tham dự Thánh Lễ do Đức Hồng Y Roger Etchegaray chủ tế, vị đã đến Lebanon như đặc sứ của tôi, để an ủi và cụ thể tỏ tình gắn bó với tất cả những nạn nhân của cuộc xung đột này và nguyện cầu tha thiết xin ơn hòa bình.

 

Chúng ta cũng hiệp thông với những vị chủ chiên và tín hữu của Giáo Hội ở Thánh Địa đang qui tụ ở Đền Thờ Truyền Tin Nazarét, chung quanh vị đại diện của giáo hoàng ở Do Thái và Palestine là Tổng Giám Mục Antonio Franco, để nguyện cầu với cùng một ý chỉ.

 

Tôi cũng nghĩ tới quốc gia Sri Lanka thân yêu đang bị đe dọa bởi tình trạng tồi tệ của cuộc xung khắc chủng tộc, đến Iraq là nơi xẩy ra cuộc thử thách đổ máu thê thảm hằng ngày, làm mất đi cái viễn ảnh của vấn đề hòa giải và tái thiết. Xin Mẹ Maria làm bùng lên nơi tất cả mọi cảm tình cảm thông một ý muốn thông cảm và ước muốn thuận hòa!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/8/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XVIII Thường Niên 6/8/2006 về Lễ Chúa Giêsu Biến Hình

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Chúa Nhật này, Thánh Ký Marcô trình thuật rằng Chúa Giêsu đã mang Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao với Người và đã biến hình trước mặt các vị, trở nên chói lọi đến nỗi ‘trắng hơn thợ tẩy có thể làm được’ (Mk 9:2-10).

 

Hôm nay, phụng vụ kêu mời chúng ta hãy gắn mắt tâm hồn của chúng ta vào mầu nhiệm ánh sáng. Trên bộ mặt hiển dung của Chúa Giêsu, một tia sáng được Người giữ lấy bên trong chiếu tỏa ra. Cũng ánh sáng này đã rạng ngời trên dung nhan của Chúa Giêsu trong ngày phục sinh. Theo ý nghĩa ấy thì biến cố Biến Hình như là một tiên hưởng Mầu Nhiệm Vượt Qua vậy. 

 

Cuộc Biến Hình kêu mời chúng ta hãy mở con mắt tâm hồn của chúng tar a trước mầu nhiệm ánh sáng của Thiên Chúa hiện diện suốt giòng lịch sử cứu độ. Khi bắt đầu tạo dựng, Đấng Toàn Năng đã phán: ‘Fiat lux – hãy có ánh sáng’ (Gen 1:2), và ánh sáng được tách khỏi bóng tối. Như các vật tạo sinh khác, ánh sáng là một dấu hiệu cho thấy một cái gì đó về Thiên Chúa. Nó thực sự là phản ánh vinh quang của Ngài qua việc tỏ hiện của vinh quang này. Khi Thiên Chúa xuất hiện thì ‘sự rạng ngời của Ngài như ánh sáng, những tia sáng lóe ra từ tay của Ngài’ (Heb 3:3ff).

 

Trong các bài thánh vịnh, ánh sáng là chiếc áo choàng được Thiên Chúa che phủ chính mình Ngài (x Ps 104:2). Trong Sách Khôn Ngoan, cái biệu hiệu ánh sáng được sử dụng để diễn tả chính yếu tính của Thiên Chúa: Đức Khôn Ngoan, từ vinh quang của Ngài tuôn tỏa, là ‘phản ảnh ánh sáng vĩnh hằng’, trổi vượt hơn bất cứ một ánh sáng tự nhiên nào (x Wis 7:27,29ff).

 

Trong Tân Ước, chính Chúa Kitô là Đấng cho thấy trọn vẹn việc tỏ hiện của ánh sáng Thiên Chúa. Việc Phục Sinh của Người đã đánh bại quyền lực tối tăm của sự dữ đến muôn đời. Với Chúa Kitô Phục Sinh, sự thật và tình yêu chiến thắng gian dồi và tội lỗi. Nơi Người, ánh sáng của Thiên Chúa nhờ đó vĩnh viễn chiếu soi đời sống của con người và giòng lịch sử: ‘Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không bước đi trong tăm tối song sẽ được ánh sáng sự sống’, Người đã phán như thế trong Phúc Âm (Jn 8:12).

 

Ở cả thời đại của chúng ta nữa, chúng ta cũng hết sức cần phải ra khỏi bóng tối tăm của sự dữ, cần phải cảm nghiệm được niềm vui của thành phần con cái sự sáng! Chớ gì Mẹ Maria, Vị chúng ta tưởng kính hôm qua một cách đặc biệt sùng mến nhân dịp lễ nhớ hằng năm Đền Thờ Đức Bà Cả được cung hiến, xin cho chúng ta được tặng ân này. Chớ gì Đức Trinh Nữ này cũng xin ban hòa bình cho các dân tộc ở Trung Đông đang bị chới với bởi cuộc chiến huynh đệ tương tàn! Chúng ta quá biết là hòa bình trước hết và trên hết là tặng ân của Thiên Chúa ban cần phải thiết tha van nài cầu nguyện, thế nhưng đồng thời chúng ta cũng cần nhớ rằng nó cũng là việc dấn thân của tất cả mọi con người thiện tâm. Chớ gì đừng có một ai lẫn tránh nhiệm vụ này!

 

Bởi thế, trước niềm đau thương nhận thấy rằng cho đến nay các tiếng nói yêu cầu thực hiện một cuộc ngưng chiến ngay ở miền đất bị giày vò ấy không được đáp ứng, tôi cảm thấy rất cần phải lập lại lời kêu gọi khẩn trương của mình về vấn đề này, xin mọi người hãy thực hiện một việc đóng góp hiệu nghiệm vào việc xây dựng một nền hòa bình chân chính và bền bỉ. Tôi xin ký thác lời kêu gọi mới này cho việc chuyển cầu của Rất Thánh Trinh Nữ Maria.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/8/2006

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XVII Thường Niên 30/7/2006 Kêu Gọi Hòa Bình Trung Đông

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hai ngày trước đây, việc tôi ở Aosta Valley đã kết thúc, và tôi đã đi thẳng đến Castel Gandolfo đây, nơi tôi sẽ ở cho tới hết mùa hè, ngoại trừ một lần gián đoạn ngắn vào Tháng Chín bởi chuyến tông du Bavaria. Trước hết, tôi muốn ngỏ lời chào ưu ái tới cộng đồng giáo hội và dân sự của phố thị đẹp đẽ này, nơi tôi lúc nào cũng cảm thấy khi có dịp trở về.

 

Tôi thân ái cám ơn đức giám mục Albano, giáo xứ cùng các vị linh mục, cũng như ông thị trưởng cùng ban điều hành thành phố và các vị thẩm quyền dân sự khác. Tôi đặc biệt nghĩ tới ban giám đốc và nhân viên thuộc biệt thự của tòa thánh, cũng như nhân viên cảnh sát, những người tôi xin cám lơn về việc phục vụ quí báu của họ.

 

Ngoài ra, tôi gửi lời chào đến nhiều người hành hương, bằng sự hiện diện nồng hậu của mình, góp phần vào việc làm cho bầu khí của nơi nghỉ hè này, thành hiện lộ và tự nhiên hơn, chiều kích giáo hội toàn cầu của nơi chốn này, của việc chúng ta gặp gỡ cho buổi nguyện kinh Thánh Mẫu đây.

 

Vào lúc này đây, tôi không thể không nghĩ đến tình hình, trầm trọng và thảm thương hơn bao giờ hết, đang diễn tiến ở Trung Đông, với cả hằng mấy trăm nhân mạng, nhiều người bị thương, một số khổng lồ những người vô gia cư và tụ nạn, nhà cửa, phố xá và hạ tầng cơ sở bị hủy hoại; trong khi đó hận thù và ý muốn trả đũa gia tăng nơi lòng của nhiều người.

 

Những sự kiện này rõ ràng chứng tỏ cho thấy rằng anh chị em không thể nào tái thiết lập công lý, thiết lập một trật tự mới và dựng xây hòa bình đích thực khi anh chị em sử dụng phương tiện bạo lực.

 

Hơn bao giờ hết, chúng ta thấy lời của Giáo Hội là những gì tiên tri và thực tế biết bao, khi Giáo Hội vạch ra đường lối liên quan đến sự thật, công lý, yêu thương và tự do (cf. encyclical "Pacem in Terris"), khi xẩy ra đủ mọi thứ chiến tranh và xung đột. Ngày nay nhân loại cũng cần phải vượt qua con đường này để đạt được hòa bình chân thực theo lòng mong ước.

 

Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi tất cả những ai có trách nhiệm về cơn lốc bạo lực đây, xin đôi bên bỏ vũ khí xuống ngay lập tức! Tôi xin các vị lãnh đạo chính quyền và các tổ chức quốc tế vận dụng mọi nỗ lực để đạt được việc ngăn chận cần thiết những cuộc đánh nhau ấy, nhờ đó có thể bắt đầu xây dựng bằng việc đối thoại một hòa ước bền bỉ và vững chắc cho tất cả mọi dân tộc ở Trung Đông.

 

Tôi kêu gọi tất cả mọi người thiện chí hãy tiếp tục và gia tăng việc chuyển hàng hóa viện trợ nhân đạo đeên cho những thành phần đang gặp khốn khó và thiếu thốn. Nhưng tôi đặc biệt xin hết mọi tâm hồn hãy tiếp tục dâng lời nguyện cầu hy vọng lên vị Thiên Chúa nhân lành và xót thương để Ngài ban hòa bình cho miền đấy ấy cũng như cho toàn thế giới.

 

Tôi xin phó thác lời khẩn cầu đau thương này cho việc chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ của Vua Hòa Bình và là Nữ Vương Hòa Bình, vị rất được sùng kính ở các quốc gia Trung Đông, nơi chúng ta hy vọng chẳng bao lâu sẽ thấy xẩy ra việc hòa giải được Chúa Giêsu cống hiến bằng Máu châu báu của Người.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/7/2006

  

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XVI về Ngày Cầu cho Hòa Bình ở Trung Đông và hai lễ kính hai vị Thánh Nữ - Mai Đệ Liên và Brigita

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Trước hết, Huynh Giám Mục thân mến, cám ơn huynh rất nhiều về lời chào thân ái nhất của huynh, và cám ơn tất cả anh chị em về việc anh chị em tỏ ra nồng hậu và thân ái đón tiếp tôi như thế này. Xin cám ơn!

 

Huynh Giám Mục đã đề cập đến là Thứ Năm vừa rồi, vì tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Trung Đông, tôi đã kêu gọi ngày cầu nguyện và thống hối vào Chúa Nhật hôm nay, kêu gọi các vị mục tử, tín hữu và tất cả mọi người có tín ngưỡng hãy nài xin Thiên Chúa ban tặng ân hòa bình.

 

Tôi hết sức muốn lập lại lời kêu gọi này với đôi bên đang xung đột nhau trong việc chấp nhận việc ngưng bắn ngay tức khắc, và hãy cho phép thực hiện việc viện trợ nhân đạo, nhờ đó, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tìm cách bắt đầu thực hiện những cuộc thương thảo với nhau.

 

Tôi xin lợi dụng dịp này để tái khẳng định quyền lợi của nhân dân Lebanon được có một xứ sở nguyên vẹn và chủ quyền, quyền lợi của nhân dân Israel được sống trong hòa bình nơi đất nước của mình, và quyền lợi của nhân dân Palestine được có một quê hương tự do và chủ quyền.

 

Ngoài ra, tôi đặc biệt cảm thấy gắn bó với thành phần dân chúng không thể tự vệ, bị ảnh hưởng một cách bất công trong một cuộc xung đột mà họ chỉ là nạn nhân: cả những người dân ở Galilêa, bị bắt buộc phải sống trong các chỗ nương trú, cũng như đại đa số người dân Lebanon, thành phần đã hơn một lần chứng kiến xứ sở của mình bị tàn phá, và đành phải bỏ lại tất cả để sống còn ở một nơi khác.

 

Tôi dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu đau thương, xin cho ước nguyện hòa bình của đại đa số dân chúng sớm được hiện thực, nhờ việc dấn thân chung của những ai hữu trách. Tôi cũng xin lập lại lời kêu gọi của tôi với tất cả mọi tổ chức bác ái hãy biểu lộ một cách đặc biệt tình đoàn kết với những thành phần ấy.

 

Hôm qua chúng ta đã cử hành lễ Thánh Maria Mai Đệ Liên, người môn đệ của Chúa Kitô, vị đã đóng một vai trò chính yếu trong Phúc Âm. Thánh Luca trình bày ngài trong số những người theo Chúa Giêsu, sau khi “đã được chữa cho khỏi các thần ô uế và yếu bệnh”, đặc biệt là chị “đã được trừ cho bảy quỉ” (Lk 8:2).

 

Thánh Mai Đệ Liên cũng có mặt ở dưới chân cây thập giá, cùng với mẹ của Chúa Giêsu và những phụ nữ khác. Vào buổi sáng ngày thứ nhất sau Lễ Vượt Qua, chị đã khám phá ra ngôi mộ trống, là nơi chị đứng gần đó khóc cho tới khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với chị (x Jn 20:11).

 

Câu truyện về Thánh Maria Mai Đệ Liên nhắc nhở hết mọi người một sự thật nền tảng: Chị là một người môn đệ của Chúa Kitô, người mà, với kinh nghiệm yếu đuối của loài người, đã khiêm nhượng xin Người giúp đỡ, đã được Người chữa lành, và đã theo Người khắn khít, trở thành chứng nhân cho quyền năng của tình yêu nhân hậu Người là một tình yêu mạnh hơn tội lỗi và sự chết.

 

Hôm nay chúng ta cử hành lễ thánh Brigita, một trong những nữ thánh quan thày của Âu Châu, người Thụy Điển, sống ở Rôma và đi hành hương tới Thánh Địa. Như thế, thánh nữ mời chúng ta hãy giúp cho nhân loại trong việc tìm kiếm hòa bình cho một miền rộng lớn cũng chính là ở Thánh Địa vậy.

 

Tôi phó thác toàn thể nhân loại cho quyền năng của tình yêu thần linh, và kêu gọi tất cả mọi người hãy nguyện cầu để các dân tộc thân yêu ở Trung Đông có thể loại bỏ con đường tranh đấu bằng võ lực, và xây dựng một nền hòa bình chân chính và bền bỉ bằng sự kiên trì đối thoại. Chớ gì Mẹ Maria, nữ vương hòa bình, cầu cho chúng ta!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/7/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XV Thường Niên 16/7/2006 về Đức Mẹ Carmêlô

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đang nghĩ hè 17 ngày ở khu nghỉ mát Les Combes thuộc miền Valle d’Aosta Ý quốc, từ ngày 11-28/7/2006. Trong thời gian này, ngài sẽ tạm ngưng các cuộc triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, (cho tới ngày 2/8), song vẫn ban huấn từ Truyền Tin vào Chúa Nhật 16 và 23. Sau thời gian ngắn ở đây, ngài sẽ về nhà nghỉ hè của giáo hoàng ở Castelgandolfo 30 cây số cách Rôma về phía nam, nơi ngài sẽ ở cho tới hết tháng 9/2006. Trong thời gian ở nhà nghỉ hè này, ngài sẽ thực hiện chuyến tông du thứ hai (cũng là chuyến tông du thứ 2 trong giáo triều 1 năm rưỡi của ngài) về Đức từ ngày 9-14/9/2006. Sau đây là nguyện văn bài huấn từ Truyền Tin Chúa Nhật XV Thường Niên về Mẹ Carmêlô.

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Năm nay tôi cũng vui mừng dùng một thời gian nghỉ ngơi ở nơi đây, trong Aosta Valley, nơi ngôi nhà nhiều lần đã tiếp đón Đức Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Tôi cảm thấy tràn ngập ngay cái phong cảnh tuyệt vời của dẫy núi Alpine làm cho cá thân xác và tinh thần lấy lại sức sống này, và hôm nay tôi vui mừng được sống cuộc gặp gỡ gia đình này – tôi thân ái chào mỗi người trong anh chị em, những cư dân và những người phục vụ các cuộc nghỉ ngơi.

 

Trước hết tôi gửi lời chào và cám ơn vị mục tử Giáo Hội sống ở thung lũng này, đức giám mục ở Aosta là Giuseppe Anfossi cũng như các vị linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân thuộc cộng đồng giáo phận này. Tôi hứa sẽ nhớ cầu nguyện cho mỗi người trong anh chị em, nhất là cho thành phần bệnh nhân và những ai đang khổ đau. Ngoài ra, tôi xin cám ơn các tu sĩ dòng Salêsiêng đã để cho Vị Giáo Hoàng này sử dụng ngôi nhà của mình. Tôi trân trọng gửi lời chào tới các vị thẩm quyền tiểu bang và địa phương, tới vị quản trị thành phố Introd, tới các lực lượng an ninh và tới tất cả những ai hợp tác một cách khác nhau vào việc cư trú an toàn của tôi. Xin Chúa trả công cho anh chị em!

 

Thật là một trùng hợp, Chúa Nhật này là ngày 16/7, ngày phụng vụ tưởng nhớ Rất Thánh Trinh Nữ Maria Núi Carmêlô. Carmêlô, một mũi đất cao mọc lên ở miền đông duyên hải của Địa Trung Hải, ở mức độ cao trên mặt biển của xứ Galilê, có nhiều hang động thiên nhiên được các vị ẩn sĩ ưa chuộng.

 

Nổi tiếng nhất trong những con người của Thiên Chúa ấy là vị đại tiên tri Êlia, vị vào thế kỷ thứ 9 trước Chúa Kitô, đã can đảm bênh vực tính cách tinh tuyền của đức tin nơi vị Thiên Chúa chân thật duy nhất cho khỏi bị nhiễm lây bởi các thứ sùng bái ngẫu tượng. Được đánh động bởi hình ảnh Elia, hội dòng chiêm niệm Carmêlô đã xuất hiện, một cộng đồng tu sĩ có những vị đại thánh trong số các phần tử của mình, như Thánh Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá, Thêrêsa Hài Đồng Giêsu và Têrêsa Benedicta Thánh Giá (tên tục là Edith Stein).

 

Các tu sĩ Dòng Carmêlô đã truyền bá nơi dân Kitô Giáo lòng tôn sùng Rất Thánh Trinh Nữ Núi Carmêlô, hướng về Mẹ như mẫu gương của đời cầu nguyện, chiêm niệm và hiến thân cho Thiên Chúa. Thật vậy, Mẹ Maria, một con người đã tin tưởng và cảm thấy trước tiên một cách bất khả trổi vượt rằng Chúa Giêsu, Lời nhập thể, là tột độ, là tuyệt đỉnh của việc con người gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Hoàn toàn chấp nhận Lời Chúa, ‘Mẹ hạnh phúc tiến tới núi thánh’ (Lời Nguyện của Lễ Nhớ Chung), và vĩnh viễn sống với Chúa nơi linh hồn và thân xác của mình. Hôm nay tôi xin phó dâng cho Vị Nữ Vương của Núi Carmêlô tất cả mọi cộng đồng sống chiêm niệm trên khắp thế giới, nhất là những ai thuộc Hội Dòng Carmêlô, trong số đó tôi nhớ đến tu viện Quart, không xa đây lắm. Xin Mẹ Maria giúp cho hết mọi Kitô hữu được gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.

 

(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, ngài nói tiếp như sau:)

 

Trong những ngày gần đây, tin tức ở Thánh Địa khiến cho tất cả chúng ta cảm thấy có những quan tâm mới và quan trọng, đặc biệt vì tình trạng lan tràn những hành động chiến tranh xẩy ra cũng ở Lebanon, và vì có nhiều nạn nhân thường dân trong dân chúng. Trọng tâm của những cuộc đối chọi dữ dội này, thảm thay, là những trường hợp khách quan vi phạm đến luật lệ và công lý. Thế nhưng, không một hành động khủng bố lẫn trả đũa nào là chính đáng cả, nhất là khi chúng bao gồm các hậu quả thê thảm gây ra cho thành phần dân sự. Việc sử dụng những đường lối giải quyết như thế, như kinh nghiệm nghiệt ngã cho thấy, chẳng đạt được những thành quả tích cực nào hết.

 

Hôm nay là ngày kính nhớ Đức Bà Carmêlô, một Núi ở Thánh Địa mà, chỉ cách Lebanon có mấy cây số, làm nổi bật thành phố Haifa ở Do Thái, một thành phố cũng mới bị nạn nữa. Chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, nài xin Thiên Chúa ban tặng ân hòa thuận sâu xa, đưa thành phần lãnh đạo chính trị về lại con đường lý trí, và hướng tới những cơ hội mới của việc đối thoại và hiệp ước. Theo chiều hướng ấy, tôi mời các Giáo Hội địa phương hãy dâng lời nguyện cầu đặc biệt cho hòa bình ở Thánh Địa cũng như cho toàn vùng Trung Đông.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/7/2006

 

(ĐTC đề cập tới tình hình Thánh Địa và Trung Đông trong thời điểm này)

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XIII Thường Niên 2/7/2006 về Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần V

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần thứ V sẽ diễn ra vào Thứ Bảy và Chúa Nhật tuần tới ở thành phố Valencia, Tây Ban Nha. Cuộc họp như thế đầu tiên đã được tổ chức ở Rôma năm 1994, vào dịp Năm Quốc Tế về Gia Đình do Liên Hiệp Quốc phát động.

 

Nhân dịp ấy, Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta đã viết một bài suy niệm dài và xúc động về gia đình, một bài được ngài ngỏ bằng hình thức một bức thư gửi các gia đình trên thế giới. Cuộc họp vĩ đại các gia đình ấy được tiếp nối bởi các cuộc họp khác: ở Rio de Janeiro năm 1997; ở Rôma năm 2000 nhân dịp Ngày Mừng Năm Thánh của Các Gia Đình; ở Manilla năm 2004, một cuộc gặp gỡ ngài không thể đích thân tham dự mà chỉ gửi một sứ điệp theo thính thị.

 

Các gia đình hôm nay cũng cần phải lắng nghe lời kêu gọi đáng nhớ của Đức Gioan Phaolô gửi cho họ cách đây 25 năm trong tông huấn ‘Familiaris Consortio’: ‘Hỡi gia đình, hãy trở thành những gì là gia đình!’ (số 17).

 

Đề tài cho cuộc gặp gỡ tới đây ở Valencia đó là việc truyền đạt đức tin trong gia đình. Đề tài cho chuyến tông du tới thành phố ấy được cảm hứng theo cuộc dấn thân ấy như sau: ‘Hỡi gia đình, Hãy Sống và Truyền Đạt Đức Tin!’

 

Nơi rất nhiều cộng đồng mà ngày nay đang bị tục hóa thì việc cần trước nhất đối với thành phần tin tưởng vào Chúa Kitô chính là việc lập lại đức tin của thành phần trưởng thành, nhờ đó họ có thể truyền đạt nó cho các thế hệ mới.

Đằng khác, cuộc hành trình gia nhập Kitô Giáo của trẻ em và thanh thiếu niên có thể trở thành một cơ hội để cha mẹ trở về với Giáo Hội và suy nghĩ hơn nữa về vẻ đẹp và sự thật của Phúc Âm.

 

Nói tóm lại, gia đình là một cơ cấu sống động, nơi xẩy ra việc trao đổi các tặng ân. Điều quan trọng đó là lời Chúa là những gì giữ cho ngọn lửa đức tin cháy sáng không bao giờ mất đi. Bằng một cử chỉ đặc biệt đáng kể, trong lễ nghi rửa tội, cha mẹ đỡ đầu thắp lên cây nến từ cây nến phục sinh, biểu hiệu cho Chúa Kitô phục sinh đoạn vị cử hành đọc rằng: ‘công việc giữ gìn ánh sáng này được úy thác cho anh chị em là  những người làm cha mẹ và ông bà, để đứa trẻ này, được Chúa Kitô sáng soi, có thể luôn sống như là con cái của ánh sáng’.

 

Nếu cử chỉ này, qua đó, tất cả ý nghĩa của việc truyền đạt đức tin trong gia đình được gói ghém, là những gì đích thực, thì nó cần phải được dẫn tiến và kèm theo bởi việc dấn thân của cha mẹ cho việc họ hiểu biết hơn về đức tin của mình, tái khêu lên ngọn lửa này bằng việc nguyện cầu và chuyên chăm lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể.

 

Chúng ta hãy ký thác cho Trinh Nữ Maria việc thành công của cuộc họp lớn lao tới đây ở Valencia, cũng như của các gia đình trên thế giới, nhờ đó họ trở thành những cộng đồng thực sự của yêu thương và sự sống, trong đó ngọn lửa đức tin được truyền từ thế hệ này tới thế hệ kia.

 

(Sau Kinh Truyền Tin, ngài nói tiếp như sau:)

 

Tôi càng ngày càng quan tâm theo dõi những biến cố xẩy ra ở Iraq và Thánh Địa. Trước tình trạng một đàng thì xẩy ra bạo động một cách mù quáng gây ra những cuộc sát hại tàn ác, đàng khác, mối đe dọa gia tăng trầm trọng cuộc khủng hoảng trải qua mấy ngày vừa rồi này đã trở thành thậm chí thảm thương hơn nữa, cần phải có những gì là công lý, và việc thực hiện một cuộc dấn thân nghiêm trọng khả tín cho hòa bình, tiếc thay, lại không xẩy ra.

 

Bởi thế, tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy tin tưởng và kiên tâm nguyện cầu để Chúa soi sáng các tâm can và để không ai miễn chấp cho mình nhiệm vụ xây dựng một cuộc chung sống thuận hòa, bằng việc nhìn nhận nhau là an hem, bất lể quốc gia họ thuộc về.

 

Một cuộc họp thượng đỉnh quan trọng của các vị lãnh đạo tôn giáo, được tổ chức bởi Hội Đồng Liên Tôn Nga Sô, sẽ được tổ chức ở Moscow từ ngày 3 đến 5 tháng 7.

 

Theo lời mời của đức thượng phụ Moscow, Giáo Hội Công Giáo sẽ tham gia với một phái đoàn đại biểu của mình. Tôi muốn gửi lời chào thân ái tới đức thượng phụ Alexy II cùng tất cả mọi tham dự viên. Cuộc họp quan trọng này của rất nhiều người tiêu biểu của các tôn giáo trên thế giới cho thấy ước muốn chung trong việc cổ võ cuộc đối thoại giữa các nền văn minh cùng việc theo đuổi thực hiện một trật tự thế giới công chính và an bình hơn.

 

Tôi hy vọng rằng, nhờ việc chân thành dấn thân của tất cả mọi người, các lãnh vực sẽ được tìm thấy cho việc hữu hiệu hợp tác để giải quyết những thách đố ngày nay một cách tương kiến và tương kiến. Nơi trường hợp của các Kitô hữu, nó là vấn đề biết nhau sâu xa hơn nữa và cảm nhận nhau một cách hỗ tương, theo chiều kích về phẩm giá con người và định mệnh trường vĩnh của họ.

 

Bằng việc hứa nguyện cầu để xin Chúa ban cho cuộc họp của cuộc thượng nghị này thành đạt, tôi xin cho tất cả mọi anh chị em được dồi dào phép lành của trời cao.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/7/2006

 

 

TOP

 

 

Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay chúng ta long trọng tôn kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, ‘những vị Tông Đồ của Chúa Kitô, những trụ cột và là nền tảng của thành đô Thiên Chúa”, như phụng vụ hôm nay nói. Việc các ngài tử đạo được coi là tác động thực sự và xứng hợp cho việc hạ sinh của Giáo Hội Rôma.

 

Hai vị tông đồ này cống hiến chứng từ cao cả của mình trong một khoảng cách ngắn về thời gian và không gian: Ơ Rôma đây, Thánh Phêrô đã bị đóng đanh và sau đó Thánh Phaolô bị lấy đầu.

 

Máu của các vị, bởi thế, thấm nhập vào nhau hầu như thành một chứng từ duy nhất cho Chúa Kitô, khiến cho Thánh Irênêô, giám mục Lyon, vào giữa thế kỷ thứ hai, đã nói về ‘Giáo Hội này được xây dựng và thiết lập ở Rôma bởi hai vị Tông Đồ hiển vinh Phêrô và Phaolô’ ("Against Heresies" III, 3, 2).

 

Sau đó ít lâu, ở Bắc Phi Châu, giáo phụ Tertullian đã than lên: ‘Giáo Hội Rôma này, một giáo hội có phúc biết bao! Chính các vị Tông Đồ này, những vị bằng máu của mình, đã đổ ra cho giáo hội ấy toàn bộ tín lý’ ("Prescription against the Heretics," 36).

 

Chính vì thế mà vị Giám Mục Rôma, vị Thừa Kế Tông Đồ Phêrô, thực hiện một thừa tác vụ đặc biệt trong việc phục vụ mối hiệp nhất về tín lý và mục vụ của dân Chúa khắp thế giới.

 

Theo ý nghĩa ấy, người ta cũng hiểu được hơn nữa ý nghĩa của lễ nghi được chúng ta lập lại sáng nay, trong Thánh Lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô, tức là việc lãnh nhận giây tông phẩm, một huy hiệu phụng vụ cổ thời, diễn tả mối hiệp thông đặc biệt của các vị mục tử này với vị Thừa Kế Thánh Phêrô.

 

Tôi gửi lời chào tới quí chư huynh tổng giám mục khả kính cùng tất cả những ai đi theo các vị, trong khi đó tôi xin kêu gọi tất cả mọi người, anh chị em thân mến, hãy cầu nguyện cho các vị cũng như cho các Giáo Hội được ký thác cho các vị.

 

Vẫn còn một lý do khác làm cho niềm vui của chúng ta hôm nay thậm chí còn lớn lao hơn nữa, đó là có sự hiện diện ở Rôma đây, nhân dịp lễ trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, của một phái đoàn đại biểu đặc biệt của Đức Thượng Phụ Hoàn Vũ ở Constantinople là Bartholomew I.

 

Tôi xin  ưu ái lập lại cùng các phần tử thuộc phái đoàn đại biểu này việc chào mừng và chân thành biết ơn của tôi với vị thượng phụ, về việc biểu lộ hơn nữa, qua cử chỉ ấy, mối liên hệ huynh đệ đang có giữa hai Giáo Hội của chúng ta. 

 

Chớ gì Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, vị chúng ta tin tưởng kêu cầu, xin cho các Kitô hữu được tặng ân hiệp nhất trọn vẹn.

 

Với sự trợ giúp của Mẹ và theo bước chân của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, chớ gì Giáo Hội ở Rôma cùng với toàn thể dân Chúa cống hiến cho thế giới chứng từ hiệp nhất và việc can đảm dấn thân cho Phúc Âm của Chúa Kitô.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/6/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật XII Thường Niên 25/6/2006 về 4 lễ trọng chung quanh thời điểm này

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Chúa Nhật này là Chúa Nhật 12 Thường Niên, một Chúa Nhật như thể được ‘bao quanh’ bởi những dịp long trọng cử hành phụng vụ. Thứ Sáu vừa rồi chúng ta đã cử hành Thánh Tâm Chúa Giêsu, một cử hành liên kết một cách xác đáng việc tôn sùng phổ thông với ý nghĩa sâu xa về thần học. Việc tận hiến cho Thánh Tâm Chúa đã là – và tiếp tục là ở một số quốc gia – một truyền thống nơi các gia đình, một truyền thống treo hình ảnh Thánh tâm Chúa trong nhà mình.

 

Nguồn gốc của việc tôn sùng này được bắt nguồn sâu xa từ mầu nhiệm Nhập Thể: Chính qua Trái Tim của Chúa Giêsu mà Tình Yêu của Thiên Chúa đối với loài người được bộc lộ một cách cao quí. Đó là lý do việc đích thực tôn thờ Thánh Tâm Chúa hoàn toàn giữ được giá trị của mình và đặc biệt thu hút các linh hồn khao khát tình thương của Thiên Chúa, một mạch nguồn vô tận đối với họ, nhờ đó họ có thể kín múc được thứ nước sự sống có thể tưới dội những vùng sa mạc của linh hồn và làm cho hy vọng tái nở hoa.

 

Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là Ngày Thế Giới Nguyện Cầu cho Việc Thánh Hóa Các Linh Mục: Tôi xin lợi dụng dịp này để kêu gọi tất cả anh chị em, hỡi Anh Chị Em thân mến, hãy luôn nguyện cầu cho các vị linh mục để các vị có thể là những nhân chứng cho tình yêu thương của Chúa Kitô.

 

Hôm qua, phụng vụ cũng cho phép chúng ta cử hành Ngày Sinh Nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả, một vị thánh duy nhất được tưởng kính ngày sinh nhật, vì ngày sinh nhật này đánh dấu việc mở màn cho việc hoàn thành những lời hứa hẹn thần linh: Gioan là ‘vị tiên tri’, được đồng hóa với Elia, vị được tiền định đến ngay trước Đấng Thiên Sai để dọn lòng dân Do Thái hướng về việc xuất hiện của Người (x Mt 11:14; 17:10-13). 

 

Lễ kính thánh nhân nhắc nhở cho chúng ta rằng toàn thể cuộc sống của chúng ta bao giờ cũng phải lệ thuộc vào Chúa Kitô và đạt được tầm vóc viên trọn của mình khi lãnh nhận Người là Lời, là Ánh Sáng và là Vị Phụ Quân, Đấng chúng ta chỉ là tiếng, là đèn dầu và là bạn hữu (x Jn 1:2,23;1:7-8;3:29). ‘Người cần phải lớn lên còn tôi cần phải hạ xuống’ (Jn 3:30): Lời phát biểu này của Vị Tẩy Giả là chương trình sống đối với hết mọi Kitô hữu vậy.

 

Việc để cho ‘cái tôi’ của Chúa Kitô thay thế cho ‘cái tôi’ của chúng ta một cách gương mẫu đó là niềm mong ước của Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những vị sẽ được Giáo Hội long trọng tưởng kính vào ngày 29/6. Thánh Phaolô đã viết về chính mình ngài rằng: ‘Không phải là tôi sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gal 2:20).

 

Trước nhị vị này, cũng như trước bất cứ một vị thánh nào khác, vị đã sống thực tại này là Đức Maria Rất Thánh, vị đã lưu giữ những lời của Chúa Giêsu Con Mẹ trong lòng mình. Hôm qua, chúng ta đã chiêm ngưỡng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, trái tim của một Người Mẹ, vị tiếp tục canh chừng tất cả chúng ta bằng mối quan tâm ưu ái. Chớ gì việc chuyển cầu của Mẹ giúp chúng ta có thể luôn luôn trung thành với ơn gọi Kitô hữu của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/6/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi 11/6/2006 về Chúa 3 Ngôi

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Chúa Nhật này, sau Chúa Nhật Hiện Xuống, chúng ta cử hành Lễ Trọng Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Nhờ Thánh Linh, Đấng giúp chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu và hướng dẫn chúng ta vào tất cả sự thật (John 14:26; 16:13), thành phần tín hữu có thể biết được thâm cung của chính Thiên Chúa, khám phá ra rằng Ngài không phải là Đấng vô cùng cô đơn mà là mối hiệp thông ánh sáng và tình yêu, là sự sống được trao ban và nhận lãnh bằng một cuộc trao đổi vĩnh hằng, như Thánh Âu Quốc Tinh nói, giữa Cha và Con trong Thánh Thần – chủ thể yêu, đối tượng yêu và tình yêu.

 

Vậy không ai có thể thấy được Thiên Chúa mà chính Ngài tỏ mình ra để cùng với Tông Đồ Gioan chúng ta có thể khẳng định rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (!Jn 4:8,16), ‘chúng ta nhận biết và tin tưởng tình Thiên Chúa yêu thương đối với chúng ta’ (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, đoạn 1; x. 1Jn 4:16).

 

Ai gặp được Chúa Kitô và đi sâu vào mối liên hệ thân thiết với Người thì được hiệp thông với Ba Ngôi nơi linh hồn của mình, đúng như lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ của Người rằng: ‘Nếu ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu họ, rồi Chúng Ta sẽ đến với họ và lập cư nơi họ’ (Jn 14:23).

 

Đối với người có đức tin thì toàn thể vũ trụ này đều nói về Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi. Từ không gian mêng mông tinh tú tới các phân tử vi kính, tất cả những gì hiện hữu đều qui về hữu thể là Đấng thông đạt mình ra nơi tính cách đa bội và đa diện của các yếu tố, như nơi một bản hợp ca vĩ đại.

 

Tất cả mọi hữu thể đều được sắp xếp theo một cơ cấu hòa hợp nhau, chúng ta có thể gọi một cách tương tự là ‘tình yêu’. Thế nhưng, chỉ có nơi con người, một hữu thể tự do và hữu tri, cơ cấu này mới trở thành một tình yêu linh thiêng, hữu trách, như một đáp ứng với Thiên Chúa cũng như với tha nhân của họ bằng việc trao ban bản thân mình. Nơi tình yêu này, nhân loại tìm thấy được sự thật và hạnh phúc của mình.  

 

Trong số những sánh ví khác nhau về mầu nhiệm bất khả xóa mở của Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi, một mầu nhiệm tín hữu có khả năng nhận thấy, tôi xin đề cập tới gia đình. Gia đình được gọi là một cộng đồng yêu thương và sự sống, một cộng đồng hòa hợp các khác biệt để trở thành một ‘dụ ngôn của mối hiệp thông’.

 

Kiệt tác của Thiên Chúa Ba Ngôi giữ atất cả mọi tạo vật đó là Đức Trinh Nữ Maria: Nơi tâm hồn khiêm tốn của Mẹ đầy tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài đã sửa soạn một nơi cư ngụ xứng đáng cho chính mình Ngài, để hoàn tất mầu nhiệm cứu độ của Ngài. Tình yêu thần linh tìm thấy nơi Mẹ sự tương ứng trọn hảo, và Người Con duy nhất đã làm người trong lòng Mẹ. Bằng lòng tin tưởng của người con cái, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, để, nhờ sự trợ giúp của Mẹ, chúng ta mới có thể tiến bộ trong yêu thương và mới làm cho cuộc đời của chúng ta trở thành bài ca chúc tụng Chúa Cha, nơi Chúa Con trong Thánh Thần.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 11/6/2006

  

 

TOP

 

 

 Chúa Nhật Hiện Xuống 4/6/2006 về Thánh Linh: “Cả Giáo Hội chỉ là một Đại Phong Trào duy nhất”

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Lễ trọng Thánh Thần Hiện Xuống kêu gọi chúng ta trở lại với nguồn gốc của Giáo Hội, một nguồn gốc, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã khẳng định, ‘được tỏ hiện bằng việc tuôn đổ Thần Linh’ (Lumen Gentium, 2). Vào Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội cho thấy tính cách duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; Giáo Hội cho thấy mình là truyền giáo, với tặng ân nói được tất cả mọi ngôn từ trên thế giới, vì tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa là để loan truyền cho tất cả mọi dân nước.

 

‘Giáo Hội, một Giáo Hội được Thần Linh hướng dẫn theo con đường toàn chân và được Ngài hiệp nhất trong mối hiệp thông cũng như trong các công cuộc tác vụ, được Người vừa trang bị vừa hướng dẫn bằng các tặng ân giáo phẩm và đặc sủng cùng tô điểm cho bằng các hoa trái của Người’ (ibid. 4).

 

Trong số các thực tại được Thần Linh khởi động trong Giáo Hội là các phong trào và cộng đồng trong giáo hội, những tổ chức tôi đã hân hoan gặp gỡ ở Quảng Trường này hôm qua. Toàn thể Giáo Hội, như Đức Gioan Phaolô thích nói, chỉ là một đại phong trào duy nhất được Thánh Linh tác động, một giòng sông chảy qua lịch sử để tưới gội lịch sử bằng ân sủng của Thiên Chúa cũng như để làm cho đời sống của Giáo Hội trổ sinh hoa trái trong thiện hảo, kiều diễm, công lý và bình an.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/6/2006

TOP

Chúa Nhật VII Phục Sinh 28/5/2006 với Giới Trẻ tại Công Viên Blonie ở Krakow Balan

 

Trước khi kết thúc việc long trọng cử hành phụng vụ này bằng việc hát Kinh Lạy Nữ Vương và ban phép lành, tôi một lần nữa chào dân chúng ở Krakow cùng nhiều người khách từ khắp Balan đến tham dự Thánh Lễ này. Tôi xin trao phó tất cả anh chị em cho Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, và xin Mẹ hướng dẫn anh chị em sống đức tin của anh chị em. Tôi xin cám ơn việc anh chị em hiện diện nơi đây cũng như việc anh chị em làm chứng cho đức tin của anh chị em.

 

Tôi đặc biệt ngỏ lời cùng giới trẻ, những người hôm qua đã bày tỏ việc họ gắn bó với Chúa Kitô và với Giáo Hội. Hôm qua quí bạn đã tặng tôi món quà là cuốn sách chứng từ của quí bạn: ‘Tôi không sử dụng chúng, tôi không nghiện hút’. Giờ đây, với tư cách là cha của quí bạn, tôi xin quí bạn: Hãy trung thành với lời hứa này. Nó là một vấn đề về đời sống của quí bạn và tự do của quí bạn.

 

Quí bạn đừng để mình trở thành nạn nhân với những ảo ảnh của thế giới này…

 

(Ba đoạn rất ngắn sau cùng ĐTC chào quí chức đạo đời và cám ơn mọi người. Hôm Thứ Sáu, tại Tòa Tổng Giám Mục Krakow, Đức Thánh Cha cũng đã ngỏ lời cùng giới trẻ như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Theo việc thực hành xuất phát từ những cuộc viếng thăm Krakow của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, anh chị em đã qui tụ lại trước Tòa Tổng Giám Mục đây để chào mừng Giáo Hoàng. Cám ơn anh chị em về việc hiện diện ở nơi đây và nồng hậu đón mừng.

 

Tôi biết rằng, vào ngày thứ hai mỗi tháng, vào giờ chết của Vị Tiền Nhiệm tôi yêu dấu, anh chị em cùng nhau đến đây để tưởng nhớ đến ngài và cầu nguyện cho việc ngài được tôn vinh trên bàn thờ. Việc cầu nguyện này là những gì hỗ trợ cho những ai đang làm việc về Án Phong Thánh của ngài, và làm cho lòng của anh chị em tràn đầy mọi ân phúc. Trong cuộc viếng thăm Balan lần cuối cùng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã nói cùng anh chị em liên quan tới việc thời gian qua đi như sau: ‘Chúng ta không thể cứu chữa được thời gian. Chỉ có một cứu chữa duy nhất. Đó là Chúa Giêsu. Thày là sự sống lại và là sự sống nghĩa là – bất kể tuổi tác, bất chấp sự chết – tính cách trẻ trung là ở nơi Thiên Chúa. Đó là điều tôi mong muốn cho anh chị em, cho tất cả mọi người trẻ ở Krakow, ở Balan, và trên thế giới’ (17/8/2002). Đó là niềm tin của ngài, niềm xác tin mãnh liệt của ngài, chứng từ của ngài. Và hôm nay đây, bất chấp sự chết, ngài – trẻ trung trong Thiên Chúa – đang ở giữa chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hãy tái kiên cường ơn đức tin, hãy canh tân đổi mới trong Thần Linh và hãy ‘mặc lấy con người mới được dựng nên tương tự như Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện chân thực’ (Eph 4:24).

 

Một lần nữa cám ơn anh chị em đã muốn ở với tôi tối hôm nay. Xin chuyển lời chào và phép lành của tôi tới các phần tử thuộc gia đình anh chị em và bạn bè của anh chị em. Cám ơn anh chị em!

 

(Phép lành bằng tiếng Latinh).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/angelus/2006/documents/hf_ben-xvi_reg_20060528_krakow_en.html

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060526_cracovia_en.html

TOP

Chúa Nhật VI Phục Sinh 21/5/2006 về Ý Nghĩa Lễ Thăng Thiên và Vấn Đề Truyền Thông Xã Hội

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Sách Tông Vụ viết rằng Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, đã hiện ra với các môn đệ trong 40 ngày rồi sau đó ‘khi họ ngước nhìn lên thì Người cất mình lên cao’ (1:9). Đó là Lễ Thăng Thiên, một lễ chúng ta cử hành vào Thứ Năm 25/5, mặc dù ở một số quốc gia lễ này được chuyển vào Chúa Nhật tới.

 

Ý nghĩa của cử chỉ cuối cùng này của Chúa Giêsu là một ý nghĩa lưỡng diện. Trước hết, khi lên ’cao’ là Người hoàn toàn tỏ hiện thần tính của mình, ở chỗ, Người đã trở về nơi Người xuất phát, tức là về với Thiên Chúa, sau khi Người đã hoàn tất sứ vụ của Người trên trần gian. Hơn nữa, Chúa Kitô lên trời với nhân tính được Người mặc lấy và là nhân tính đã phục sinh từ trong kẻ chết: Nhân tính đó là nhân tính của chúng ta, một nhân tính đã được biến đổi, được thần linh hóa và được trở thành vĩnh hằng. Bởi thế, Lễ Thăng Thiên cho thấy ‘ơn gọi cao cả’ (Hiến Chế ‘Vui Mừng và Hy Vọng’, đoạn 22) của mọi người – được kêu gọi đến sự sống trường sinh nơi vương quốc Thiên Chúa, vương quốc yêu thương, ánh sáng và an bình.

 

Cũng được cử hành vào lễ Thăng Thiên là Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội, một ngày được Công Đồng Chung Vaticanô II khởi xướng cho đến nay là năm thứ 40. Đề tài của năm nay là ‘Truyền Thông Đại Chung là Phương Tiện Truyền Đạt, Hiệp Thông và Hợp Tác’. Giáo Hội chú trọng tới việc truyền thông đại chúng, vì nó là một phương tiện quan trọng trong việc phổ biến Phúc Âm và duy trì tình liên kết giữa các dân nước, chú trọng tới những vấn đề lớn lao vẫn còn sâu xa ở nơi họ.

 

Chẳngbhạn, hôm nay, việc Walk the World do Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc phát động, là những gì đang tìm cách thức tỉnh các chính quyền và dư luận quần chúng về nhu cầu cụ thể và hoạt động hợo thời trong việc bảo đảm cho tất cả mọi người, nhất là trẻ em, ‘thoát khỏi đói khổ’. Bằng lời nguyện cầu tôi muốn gắn bó với việc biểu lộ ấy, một việc biểu dương đang diễn tiến ở Rôma cũng như ở các thành phố khác trong khoảng 100 quốc gia.

 

Tôi thiết tha hy vọng rằng, nhờ việc góp phần của tất cả mọi người, mà nạn đói sẽ được thắng vượt, một nạn đói vẫn còn hạnh hạ loài người, gây tai hại rất nhiều cho niềm hy vọng sống còn của bao nhiêu là triệu con người. Trước hết tôi đang nghĩ đến tình trạng khẩn trương và thể thảm ở Darfur, Sudan, nơi những khó khăn mạnh mẽ liên lỉ kéo dài trong việc thỏa đáng thậm chí những nhu cầu lương thực căn bản của dân chúng.

 

Bằng việc nguyện kinh ‘Lạy Nữ Vương’ theo thường lệ này, chúng ta đặc biệt ký thác ngày hôm nay cho Đức Trinh Nữ Maria những người anh chị em của chún g ta đang vị áp đảo bởi nạn đói khổ, tất cả những ai đang rat ay cứu trợ và những ai, qua phương tiện truyền thông xã hội, góp phần vào việc củng cố mối liên kết và an bình giữa các dân nước. Chúng ta cũng cầu cùng Đức Mẹ cho chuyến tông du Balan được tôá đẹp, chuyến tông du nếu Chúa muốn tôi sẽ thực hiện từ Thứ Năm tới Chúa Nhật tuần tới để tưởng niệm vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/5/2006
 

 

 

TOP

 

Chúa Nhật V Phục Sinh 14/5/2006 về Đời Sống Nội Tâm Kitô Giáo và Ngày 13/5 năm 1917 và 1981

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vào Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Năm này, phụng vụ cho đọc đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ trong bữa tiệc ly rằng hãy liên kết hiệp nhất với Người như cành nho. Đây là một dụ ngôn thật là ý nghĩa, vì nó giải thích rất sâu sắc về cuộc sống của người Kitô hữu là một mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Giêsu: ‘Ai ở trong Thày và Thày ở trong họ thì sinh nhiều hoa trái, vì ngoài Thày ra các con chẳng làm gì được hết’ (Jn 15:5).

 

Cái bí mật của thành quả thiêng liêng là mới hiệp nhất với Thiên Chúa, mối hiệp nhất được thể hiện trước nhất nơi Thánh Thể, cũng được gọi là Hiệp Thông. Tôi muốn nhấn mạnh đến mầu nhiệm hiệp nhất này ở vào thời điểm trong năm đây, một thời điểm có nhiều cộng đồng giáo xứ cử hành việc rước lễ lần đầu cho các em.

 

Tôi đặc biệt chào tất cả các em trong những tuần lễ được hội ngộ với Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích Thánh Thể lần đầu tiên, hy vọng các em sẽ trở thành những cành của cây nho là Chúa Giêsu, và lớn lên như những người môn đệ đích thực của Người.

 

Có một cách thức để kết hợp với Chúa Kitô, như cành nho với cây nho, đó là chạy đến với việc chuyển cầu của Mẹ Maria, vị chúng ta tôn kính hôm qua là ngày 13/5 để đặc biệt nhớ lại những lần Mẹ hiện ra ở Fatima mấy lần trong năm 1917 với ba em mục đồng nhỏ là Phanxicô, Giaxinta và Lucia.

 

Sứ điệp Mẹ gửi cho họ, tiếp tục sứ điệp ở Lộ Đức, là một lời thiết tha kêu gọi nguyện cầu và hoán cải, một sứ điệp thật sự là hợp thời, nhất là khi người ta thấy rằng thế kỷ 20 bị thảm họa bởi những hủy hoại chưa từng thấy, gây ra bởi chiến tranh và các chế độ độc tài chuyên chế, cùng với những cuộc bách hại rộng rãi chống lại Giáo Hội Công Giáo.

 

Ngoài ra, vào ngày 13/5/1981, 25 năm trước đây, người tôi tớ Chúa là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã cảm thấy rằng mình đã được thoát chết một cách nhiệm mầu bởi việc can thiệp của ‘bàn tay từ mẫu’, như chính ngài nói, và toàn thể giáo triều của ngài được đánh dấu bởi những gì được Vị Trinh Nữ này đã nói ở Fatima.

 

Mặc dù không thiếu những lo âu và khổ đau, không thiếu những lý do e ngại về tương lai nhân loại, lời ‘Bà mặc áo trắng’ đã hứa với các em mục đồng vẫn là những gì an ủi, đó là ‘Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng?’

 

Với niềm xác tín như thế, giờ đây chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria rất thánh, cám ơn Mẹ về việc liên lỉ chuyển cầu của Mẹ và xin Mẹ hãy tiếp tục trông coi đường đi nước bước của Giáo Hội và của nhân loại, nhất là của các gia đình, của các người mẹ và của những trẻ em.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/5/2006

TOP

 

Chúa Nhật IV Mùa Chay 26/3 về Các Nạn Nhân của Quyền Tự Do Tôn Giáo

Anh Chị Em thân mến,

Cuộc mật nghị hồng y được thực hiện mới đây để bổ nhiệm 15 tân hồng y là một cảm nghiệm sâu xa của Giáo Hội, khiến chúng ta có thể nếm hưởng được cái phong phú thiêng liêng của đoàn tính, trong việc thấy mình qui tụ lại giữa các anh em thuộc  các lai lịch khác, tất cả đều được liên kết lại tình yêu mến duy nhất Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.

Một cách nào đó chúng ta đã sống lại thực tại của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, qui tụ lại chung quanh Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và chung quanh Phêrô, để lãnh nhận tặng ân Thần Linh và để dấn thân loan truyền Phúc Âm trên khắp thế giới. Lòng trung thành với sứ vụ này cho tới hy sinh mạng sống của mình là tính chất chuyên biệt của các vị hồn g y, như được chứng tỏ nơi lời thề của các vị cũng như được biểu hiệu nơi mầu đỏ là mầu sắc của máu vậy.

Bằng việc trùng hợp thích đáng, cuộc mật nghị hồng y đã được diễn tiến vào ngày 24/3, ngày tưởng nhớ các vị thừa sai năm ngoái đã ngã xuống nơi tuyến đầu của việc truyền bá phúc âm hóa cũng như của việc phục vụ con người ở các phần đất trên trái đất này. Bởi thế, cuộc mật nghị này là một cơ hội để cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết với tất cả những Kitô hữu chịu bắt bớ vì đức tin. Chứng từ của các vị, những chứng từ chúng ta biết được qua tin tức hằng ngày, nhất là việc hy sinh của những ai bị sát hại, đối với chúng ta là lý do để xây dựng và thúc đẩy chúng ta chân thành và quảng đại dấn thân truyền bá phúc âm hóa hơn bao giờ hết.

Tôi đặc biệt nghĩ đến những cộng đồng đang sống ở các quốc gia thiếu tự do tôn giáo, hay thực sự là đang chịu nhiều hạn chế, mặc dù trên giấy tờ quyền tự do tôn giáo có được công nhận chăng nữa. Tôi xin gửi đến họ lời phấn khích cảm mến của tôi, để họ kiên trì một cách nhẫn nại và bằng đức ái của  Chúa Kitô, một đức ái là mầm mống của Vương Quốc Thiên Chúa đang đến, một đức ái thực sự đã được gieo trồng trên thế gian. Tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết sâu xa nhất của tôi nhấn danh toàn thể Giáo Hội với tất cả những ai đang hoạt động phục vụ Phúc Âm nơi những hoàn cảnh khó khăn, và đồng thời cũng hứa nhớ đến họ trong lời nguyện cầu hằng ngày của tôi.

Giáo Hội tiến bước trong giòng lịch sử và làn tràn trên thế gian này với Mẹ Maria là Nữ Vương Các Vị Tông Đồ đồng hành. Như trong nhà tiệc ly, Vị Trinh Nữ Thánh này, đối với Kitô hữu, bao giờ cũng là ký ức sống động về Chúa Giêsu. Mẹ linh động hóa việc nguyện cầu của họ và nâng đỡ niềm hy vọng của họ. Chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn cuộc hành trình hằng ngày của chúng ta và đặc biệt ưu ái bảo vệ những cộng đồng Kitô hữu đang trải qua các điều kiện đặc biệt khốn khó và khổ đau.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/3/2006

 

TOP

 

Chúa Nhật III Mùa Chay về Thánh Giuse 19/3

Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay, ngày 19/3, là lễ trọng kính Thánh Giuse, nhưng vì trùng với Chúa Nhật III Mùa Chay nên phụng vụ được dời vào ngày mai. Tuy nhiên, khung cảnh Thánh Mẫu của buổi nguyện Kinh Truyền Tin kêu mời chúng ta hãy kính can suy niệm về hình ảnh vị hôn phu của Trinh Nữ Maria Rất Thánh, quan thày của Giáo Hội hoàn vũ. Tôi muốn nhắc lại là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta cũng rất sùng kính Thánh Giuse, vị được ngài giành hẳn một bức tông thư ‘Redemptoris Custos’, Vị Bảo Hộ Của Đấng Cứu Chuộc, và là giáo hoàng chắc chắn đã cảm thấy được sự hỗ trợ của thánh nhân trong giờ lâm tử.

Hình ảnh của vị đại thánh này, cho dù vẫn âm thầm kín ẩn, có một tầm vóc quan trọng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Trước hết, vì thuộc về chi tộc Giuđa, thánh nhân đã có liên hệ với Chúa Giêsu theo giòng dõi vua Đavít, bởi đó, khi hiện thực những lời hứa về Đấng Thiên Sai, người con của Trinh Nữ Maria mới thực sự được gọi là ‘con vua Đavít’.

Phúc Âm Thánh Mathêu nhấn mạnh một cách đặc biệt đến những lời tiên tri về đấng thiên sai được nên trọn nơi vai trò của Thánh Giuse: nơi việc Chúa Giêsu được hạ sinh (2:13-15); tên gọi ‘Nazarene’ (2:22-23). Trong tất cả những điều này, thánh nhân đã cho thấy bản thân của ngài, như vị hôn thê Maria của mình, là giòng dõi đích thực của đức tin Abraham: niềm tin nơi Thiên Chúa đã hướng dẫn các biến cố lịch sử theo dự án cứu độ thần linh của Ngài. Sự cao cả của thánh nhân, như Mẹ Maria, còn trổi vượt hơn nữa, vì sứ vụ của thánh nhân được thực hiện trong khiêm hạ cũng như trong sự khuất kín ở nhà Nazarét. Hơn nữa, chính Thiên Chúa, nơi bản thân Người Con nhập thể của Ngài, đã chọn đường lối cùng lối sống ấy trên cuộc đời trần gian.

Từ gương mẫu của Thánh Giuse, tất cả chúng ta lãnh nhận một lời mời mmạnh mẽ trong việc trung thành, đơn sơ và khiêm hạ công việc được Thiên Chúa quan phòng ấn định cho chúng ta. Trước hết tôi đang nghĩ đến những người làm cha làm mẹ, và tôi nguyện cầu để họ luôn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của một đời sống giản dị và cần cù, chuyên chú vun trồng mối liên hệ vợ chồng và nhiệt thành làm trọn sứ vụ giáo dục cao cả nhưng không dễ dàng gì.

Xin Thánh Giuse cầu cho các vị linh mục là thành phần thực thi vai trò làm cha đối với cộng đồng giáo hội biết yêu mến Giáo Hội một cách thiết tha và hoàn toàn dấn thân phục vụ, và nâng đỡ thành phần tu trì tận hiến biệt hân hoan và trung thành tuân giữ các lời khuyên của Phúc Âm sống khó nghèo, thanh tịnh và tuân phục. Xin thánh nhân bảo vệ thành phần lao động trên thế giới để họ góp phần bằng các nghề nghiệp khác nhau của họ cho sự tiến bộ của toàn thể nhân loại, và xin thánh nhân giúp cho hết mọi Kitô hữu nhận biết ý muốn của Thiên Chúa một cách tin tưởng và mến yêu, nhờ đó cộng tác vào việc làm trọn công cuộc cứu độ.

Khi Đức Thánh Cha vừa nói hết câu đầu tiên của bài huấn từ truyền tin trên đây, câu “Anh Chị Em thân mến. Hôm nay, ngày 19/3, là lễ trọng kính Thánh Giuse”, liên được đoàn hành hương cả 50 ngàn người vỗ tay vang rền khu Quảng Trường Thánh Phêrô. Có một số người cầm biểu ngữ với những chữ như “Auguri, Joseph!” (Chúc Mừng Giuse). Đức Thánh Cha đã mỉm cười và nói cám ơn mấy lần.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/3/2006

 

TOP

 

Chúa Nhật II Mùa Chay 12/3/2006 về Biến Cố Chúa Giêsu Biến Hình

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Sáng hôm qua tuần phòng đã chấm dứt, một tuần phòng được giảng ở đây, trong Tông Điện, bởi một vị giáo chủ hưu trí ở Venice, đó là Đức Hồng Y Marco Cé. Đó là những ngày hoàn toàn giành để lắng nghe Chúa là Đấng luôn nói với chúng ta, nhưng cũng là Đấng mong chúng ta chuyên tâm hơn, nhất là trong Mùa Chay này.

 

Đoạn Phúc Âm hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta về điều này, khi trình thuật biến cố Chúa Kitô biến hình trên Núi Tabor. Bàng hoàng trước Vị Chúa biến hình, Đấng đã nói chuyện với Moisen và Elia, Phêrô, Giacôbê và Gioan bỗng nhiên được một đám mây vây phủ và từ đám mây có tiếng phán ra rằng: ‘Này là Người Con yêu dấu của Ta, hãy lắng nghe Người’ (Mk 9:7).

 

Khi con người được ơn cảm nghiệm mãnh liệt về Thiên Chúa thì họ như thể thấy một điều gì đó giống như những gì các môn đệ cảm nghiệm được trong biến cố Biến Hình: Vì trong chốc lát họ cảm thấy trước một cái gì đó sẽ làm nên hạnh phúc thiên đàng. Nói chung thì nó là những cảm nghiệm ngắn ngủi được Chúa ban cho vào những dịp nào đó, nhất là trước khi xẩy ra những cơn thử thách dữ dội. Tuy nhiên, không ai sống ‘trên núi Tabor’ khi còn ở trên đời này cả. 

 

Cuộc sống của con người là một cuộc hành trình đức tin, và bởi đó tiến bước trong tăm tối hơn là trong ánh sáng rạng ngời, với những lúc mù mịt và thậm chí có những lúc rất ư là tăm tối. Trong khi chúng ta còn sống trên trần gian này thì mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa được phát triển nhờ ở việc lắng nghe hơn là trông thấy; và ngay cả trong trường hợp chiêm niệm, có thể nói, bằng đôi mắt nhắm lại, xẩy ra là nhờ ánh sáng nội tâm thắp lên trong chúng ta do lời Chúa.

 

Chính Trinh Nữ Maria, cho dù Mẹ có là một tạo vật gần gũi Thiên Chúa nhất, cũng đã bước đi từ ngày này qua ngày khác như một cuộc hành trình đức tin vậy (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 58), bằng việc liên lỉ gìn giữ và suy niệm trong lòng mình lời Chúa nói với Mẹ, hoặc qua Sách Thánh hay qua các biến cố nơi đời sống Con của Mẹ, là tất cả những gì nhờ đó Mẹ nhận biết và chấp nhận tiếng nói nhiệm mầu của Chúa.

 

Bởi thế, tặng ân và việc dấn thân cho mỗi một người chúng ta trong Mùa Chay đó là như Mẹ Maria lắng nghe Chúa Kitô. Hãy lắng nghe Người nơi ngôn từ được trình bày trong Sách Thánh. Hãy lắng nghe Người ở ngay chính các biến cố đời sống của chúng ta, cố gắng đọc thấy nơi chúng những sứ điệp quan phòng. Hãy lắng nghe Người, sau hết, nơi anh chị em của chúng ta, nhất là nơi thành phần bè mọn và nghèo khổ, thành phần được chính Chúa Giêsu xin chúng ta hãy thực hiện tình yêu thương một cách cụ thể. Hãy lắng nghe Chúa Kitô và hãy vâng theo tiếng nói của Người. Đó là đường lối duy nhất dẫn tới niềm vui và yêu thương.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/3/2006

 

TOP

 

Chúa Nhật I Mùa Chay 5/3/2006 về Chước Cám Dỗ

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Thứ Tư vừa rồi chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay và hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật thứ nhất của mùa phụng vụ này, một mùa phụng vụ phấn khích Kitô hữu hãy dấn thân cho cuộc hành trình sửa soạn cho Lễ Phục Sinh. Bài Phúc Âm nhắc nhở chúng ta hôm nay rằng, sau khi lãnh nhận phép rửa ở Sống Dược Đăng, Chúa Giêsu - được Thánh Thần ở nơi Người tác động, tỏ mình ra cho thấy Người là Đức Kitô – đã vào vùng hoang địa xứ Giuđêa 40 đêm ngày là nơi Người chống lại các chước cám dỗ của quỉ ma (x Mk 1:12-13). Theo gương vị sư phụ và là Chúa của mình, Kitô hữu cũng tiến vào một cách thiêng liêng vùng hoang địa Mùa Chay để cùng với Người đương đầu với “cuộc chiến nay chống lại thần dữ”.

 

Hình ảnh về hoang địa là mỹ từ rất sống động cho thân phận của con người. Sách Xuất Hành đã kể lại kinh nghiệm của dân Yến Duyên là, sau khi ra khỏi Ai Cập, đã đi lang thang trong sa mạc Sinai 40 năm trước khi tiến vào Đất Hứa.

 

Trong cuộc hành trình dài này, người Do Thái cảm thấy tất cả cái mãnh lực và dai dẳng của tên cám dỗ muốn dẫn họ tới chỗ mất đi niềm tin tưởng và quay trở lại; thế nhưng, cũng nhờ việc môi giới của Moisen, họ đã biết lắng nghe tiếng Chúa Đấng kêu gọi họ trở nên dân thánh của Ngài.

 

Suy niệm đoạn Thánh Linh này, chúng ta hiểu rằngđể hoàn trọn cuộc sống của chúng ta trong tự do, cần phải thắng vượt cuộc thử thách là chước cám dỗ vốn bao hàm nơi quyền tự do của họ. Chỉ khi nào được thoát khỏi sai lầm và tội lỗi con người mới có thể, nhờ đức tin tuân phục hướng họ về chân lý, tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của việc họ hiện hữu và mới có bình an, yêu thương và hoan lạc.

 

Chính vì lý do này mà Mùa Chay là một mùa thuận lợi cho việc can thận cải thiện đời sống trong suy tư, nguyện cầu và thống hối. Tuần phòng, theo truyền thống, sẽ được bắt đầu từ chiều hôm nay cho đến Thứ Bảy ở Tông Dinh này, sẽ giúp cho tôi cũng như cho những người hợp tác với tôi trong Giáo Triều Rôma tiến vào bầu khí đặc biệt của Mùa Chay này một cách ý thức hơn nữa.

 

Anh Chị Em thân mến, tôi xin anh chị em hãy nâng đỡ tôi bằng lời nguyện cầu của anh chị em, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em trước nhan Thiên Chúa, để Mùa Chay đối với tất cả mọi Kitô hữu trở thành một cơ hội hoán cải và phấn khởi nên thánh hơn. Đó là lý do chúng ta hãy kêu xin Trinh Nữ Maria chuyển cầu cho chúng ta.

 

(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)

 

Thứ Bảy tuần tới, ngày 11/3, vào lúc 5 giờ chiều, ở Sảnh Đường Phaolô VI, sẽ có một đêm canh thức  Thánh Mẫu, được tổ chức bởi các sinh viên đại học ở Rôma. Qua những nối kết truyền thanh và truyền hình, sinh viên thuộc các quốc gia khác ở Âu Châu và Phi Châu cũng tham dự nữa. Nó sẽ là một cơ hội thuận lợi để nguyện cầu cùng Đức Trinh Nữ hãy mở ra những con đường mới nơi cuộc hợp tác giữa các dân tộc ở Âu Châu và Phi Châu.

 

Giới trẻ thân mến, tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tham dự rất đông đảo!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/3/2006

 

 

TOP

 

Chúa Nhật VIII Thường Niên 26/2/2006 về Việc Sống Trọn Mùa Chay

Trong bài Huấn Từ của mình trước khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC đã ghép ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật VIII Thường Niên với Mùa Chay như sau:

Anh Chị Em thân mến,

Phúc Âm Thánh Marcô, phúc âm chủ đề cho các Chúa Nhật của phụng niên năm nay, cho thấy moat cuộc hành trình giáo lý, một cuộc hành trình dẫn thành phần môn đệ Chúa Kitô đến chỗ nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Một cuộc trùng hợp thích đáng đó là đoạn phúc âm hôm nay chạm đến vấn đề về chay tịnh: Như anh chị em đều biết, Thứ Tư tuần tới bắt dầu Mùa Chay với lễ nghi xức tro và chay tịnh thống hối. Đó là lý do Bài Phúc Âm hôm nay đặc biệt là thích hợp.

Bài Phúc Âm kể lại về việc Chúa Giêsu bay giờ đang ngồi ở bàn ăn tại nhà của một người thu thuế Levi, thành phần Pharisiêu và môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đặt vấn đề với Người rằng tại sao các môn đệ của Người không chay tịnh như họ. Chúa Giêsu đã trả lời rằng các khách dự tiệc không thể nào chay tịnh khi chàng rể còn ở với họ; họ sẽ chay tịnh khi chàng rể bị mang đi khỏi họ (x Mk 2:18-20).

Với những lời lẽ ấy, Chúa Giêsu cho thấy căn tính Thiên Sai của mình là chàng rể của Yến Duyên, Đấng đến để đính hôn với dân của Người. Những ai nhận biết và noun tiếp Người thì hân hoan vui sướng. Tuy nhiên, Người cũng sẽ bị loại trừ và sát hại bởi chính dân riêng của Người: Vào lúc bấy giờ, vào lúc xẩy ra Cuộc Khổ Nạn và tử giá của Người, mới tới giờ khóc than và chay tịnh.

Như tôi đã đề cập, bài Phúc Âm này ngưỡng vọng về ý nghĩa của Mùa Chay. Theo chiều hướng chung, bài Phúc Âm này tạo nên việc tưởng niệm sâu xa cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, sửa soạn cho cuộc sống lại của Lễ Phục Sinh. Trong giai đoạn Mùa Chay này không hát lời ‘Hãy Vui Lên’ và chúng ta được mời gọi thực hành những hình thức thích hợp của việc từ bỏ có tính cách thống hối.

Mùa Chay không được mặc một bộ mặt của thứ tinh thần ‘cổ xưa’, như thể nó là một thứ ép buộc nặng nề và buồn chán, song với một tinh thần mới của con người tìm thấy nơi Chúa Giêsu cũng như nơi mầu nhiệm vượt qua của Người ý nghĩa của đời sống, và bởi vậy cảm thấy rằng mọi sự cần phải qui về Người. Đây là thái độ của Tông Đồ Phaolô, vị đã khẳng định rằng ngài đã từ bỏ mọi sự để có thể nhận biết Chúa Kitô “và quyền năng phục sinh của Người, nhờ đó có thể chia sẻ với những khổ đau của Người, trở thành như Người nơi cuộc tử giá của Người, hầu tôi có thể đạt được sự phục sinh từ trong kẻ cheat” (Phil 3:10-11).

Chớ gì Mẹ Maria Rất Thánh là vị hướng đạo và là thày dạy của chúng ta trong cuộc hành trình Mùa Chay này, vị đã theo Chúa Giêsu bằng tất cả niềm tin của mình khi Người quyết định lean Giêrusalem để chịu đựng cuộc khổ nạn. Như một ‘bình rượu mới’, Mẹ đã lãnh nhận ‘thứ rượu mới’ được Người Con này dọn cho cuộc đính hôn thiên sai của mình (x Mk 2:22). Nhờ đó, Mẹ là người đầu tiên ở dưới cây Thập Tự Giá lãnh nhận ân sủng được tuôn ra từ cạnh sườn của Người Con này, hiện thân của tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, mà chính Mẹ, theo trực giá của một người mẹ, đã xin cho đôi tân hôn ở Cana (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 13-15).

Cuối Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật VIII Thường Niên 26/2/2006 về Việc Sống Trọn Mùa Chay, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đề cập tới hai biến cố hết sức sôi bỏng trong tuần vừa qua, đó là biến cố "nội chiến Iraq"biến cố giáo chiến ở Nigeria, hai biến cố đã được thoidiemmaria theo dõi và phổ biến từ đầu.

 

Nguyên văn những lời ngài nói về hai biến cố này như sau:

"Tin tức tiếp tục cho biết trong những ngày này các cuộc bạo động tiếp tục xẩy ra ở Iraq, với các cuộc tấn công vào chính các đền thờ. Đó là các hành động gieo rắc thương đau, gây thêm hận thù và ngăn trở trầm trọng tới công việc tái thiết xứ sở này vốn đã khó khăn.

"Ở Nigeria, trong mấy ngày cũng diễn ra những cuộc đụng độ giữa Kitô Hữu và Hồi Hữu, khiến nhiều người trở thành nạn nhân và gây tàn phá đến cho các nhà thờ và đền thờ. Trong khi bày tỏ việc lân án mạnh mẽ của tôi đối với việc bạo động phạm đến các nơi thờ phượng, tôi xin ký thác cho Chúa tất cả những ai đã qua đời và những ai thương khóc họ.

"Ngoài ra, tôi mời gọi tất cả mọi người hãy gia tăng nguyện cầu và thống hối trong Mùa Chay thánh này, để Chúa cất đi mối đe dọa của những cuộc xung đột như thế khỏi những quốc gia thân yêu này, cũng như khỏi tất cả mọi phần đất khác trên thế giới.

"Hoa trái của niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa không phải là những thứ phản kháng tàn phá mà là tinh thần huynh đệ và hợp tác vì công ích. Thiên Chúa, Đấng Hóa Công và là Thân Phụ của tất cả mọi người, sẽ bắt phải trả lẽ tất cả những ai gây đổ máu anh chị em mình nhân danh Ngài. Chớ gì tất cả mọi người, nhờ lời chuyển cầu của Đức Thánh Nữ Trinh, được gặp gỡ Người, Đấng là hòa bình chân thực của chúng ta!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/2/2006

 

TOP

 

Chúa Nhật VII Thường Niên 19/2/2006 về Việc Chúa Kitô Chữa Lành

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Những ngày Chúa Nhật này được phụng vụ cho thấy qua Phúc Âm trình thuật về một số việc chữa lành của Chúa Kitô. Chúa Nhật vừa rồi là người phong cuì; hôm nay tới người bất toại được 4 người khiêng đến với Chúa Giêsu. Thấy đức tin của họ, Người nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi của con đã được thứ tha” (Mk 2:5).

 

Làm như thế là Người muốn chứng tỏ cho thấy rằng trước hết Người muốn chữa lành tâm thần. Bệnh bất toại là hình ảnh của tất cả loài người bị tội lỗi ngăn cản không thể tự do cử động, không thể tự do bước trên con đường thiện hảo, dù cố gắng hết sức. Thật vậy, sự dữ, ẩn nấp trong tâm thần, trói buộc con người bằng những sợi giây thong gian dối, giận dữ, ghen hờn cùng các tội lỗi khác, để rồi từ từ làm họ bị tê liệt.  

 

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, đầu tiên Người đã nói “Tội lỗi của con đã được thứ tha, những lời gây gương mù trước mắt thành phần luật sĩ bấy giờ, và chỉ sau đó, để tỏ ra Người được Thiên Chúa ban cho quyền tha tội, mới thêm: “Hãy đứng dậy, vác chõng mà về” (Mk 2:11) và hoàn toàn chữa cho anh ta. Vấn đề thật là rõ ràng: Con người, bị tội lỗi làm cho bất toại, cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa được Chúa Kitô mang đến cho họ, để nhờ đó, được chữa lành tâm can, toàn thể cuộc đời của họ lại được thăng hoa.

 

Ngày nay nhân loại cũng mang những dấu hiệu tội lỗi là những gì ngăn trở họ nhanh chóng tiến bộ nơi những giá trị về huynh đệ, công lý và hòa bình là những gì cũng đã được ấn định nơi những bản tuyên ngôn trang trọng. Tại sao? Cái gì ngăn cản đường lối của họ? Cái gì làm tê liệt đi việc phát triển trọn vẹn này?

 

Chúng ta quá rõ là, trên bình diện lịch sử, những nguyên nhân thì nhiều và vấn đề lại phức tạp. Thế nhưng, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn bằng đức tin và hãy tin tưởng, như thành phần khiêng người bị bất toại, con người chỉ có thể được chữa lành bởi một mình Chúa Giêsu mà thôi. Ước muốn căn bản nơi  các vị tiền nhiệm của tôi, nhất là của Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta, đó là dẫn con người của thời đại chúng ta đến với Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc, nhờ đó, qua việc chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm, Người có thể chữa lành cho họ.

 

Tôi cũng muốn tiến theo con đường này nữa. Nhất là, bằng bức thông điệp đầu tiên “Thiên Chúa là Tình Yêu”, tôi muốn nói với tín hữu và toàn thế giới rằng Thiên Chúa là nguồn tình yêu chân thực. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể canh tân lòng người, và chỉ khi nào con tim của nhân loại bị bất toại được chữa lành thì họ mới có thể đứng lên bước đi mà thôi. Tình yêu của Thiên Chúa thực sự là một quyền lực canh tân thế giới vậy.

 

Chúng ta hãy cùng nhau kêu xin Trinh Nữ Maria chuyển cầu, để tất cả mọi người mở lòng mình ta trước tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, nhờ đó, gia đình nhân loại được thực sự chữa lành khỏi những sự dữ đang hành hạ nó.

 

(Sau Kinh Truyền Tin:)

 

Lòng chúng ta đặc biệt hướng về tất cả những ai đang phải chịu đựng những hậu quả của vụ bùn lở ở Phi Luật Tân. Tôi xin anh chị em hãy hợp với tôi nguyện cầu cho các nạn nhân, cho những người thân yêu của họ và cho tất cả mọi người bị thảm trạng này. Chớ gì các gia đình đang đau buồn cảm nghiệm được sự an ủi của việc Chúa hiện diện, và những nhân viên giải cứu được chúng ta quan tâm và nâng đỡ. 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/2/2006

 

 

 

TOP

 

Chúa Nhật VI Thường Niên 12/2/2006 về Việc Chúa Kitô Chữ Lành

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm qua, 11/2, Lễ Mẹ Lộ Đức, chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, ngày năm nay có những việc cử hành chính yếu ở Adelaide Úc Đại Lợi, bao gồm cả một hội nghị quốc tế về chủ đề tâm bệnh khẩn trương hơn bao giờ hết. Bệnh nạn là một đặc tính thông thường của thân phận con người, đến nỗi, nó có thể trở thành một thứ ẩn dụ hiện thực, như Thánh Âu Quốc Tinh đã diễn tả cách rõ ràng về nó ở một trong những lời nguyện cầu của ngài: “Xin xót thương con, Lạy Chúa! Này đây, con không che giấu Chúa những thương tích của con. Chúa là lương y, con là bệnh nhân; Chúa là Đấng xót thương, con là kẻ khốn cùng” (Tự Thú, X, 39).

 

Chúa Kitô là “lương y” của nhân loại, Đấng được Cha trên trời sai đến trần gian để chữa lành cho con người là thành phần bị tội lỗi cùng các hậu quả của nó ghi dấu vết trên cả xác thân lẫn tâm thần. Chính vào những ngày Chúa Nhật này, Phúc Âm Thánh Marcô đã trình thuật cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, vào lúc mở màn cho thừa tác vụ công khai của mình, đã hoàn toàn chú trọng tới việc rao giảng và chữa lành bệnh nạn ở các làng mạc xứ Galilêa.

 

Muôn vàn dấu lạ Người thực hiện nơi thành phần bệnh nhân là những gì nói lên “tin mừng” của Vương Quốc Thiên Chúa. Phúc Âm hôm nay thuật lại việc chữa lành một người bị phong cùi và cho thấy một cách rất hiệu nghiệm mối liên hệ mạnh mẽ giữa Thiên Chúa và loài người, được tóm tắt ở cuộc đối thoại tuyệt vời như sau: Người tật phong nói “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi lành sạch”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi muốn, anh hãy lành sạch”, khi Người cầm lấy tay anh ta và chữa anh ta khỏi phong cùi” (Mk 1:40-42).

 

Trong đoạn Phúc Âm này, chúng ta thấy qui tụ tất cả lịch sử cứu độ: Cử chỉ này của Chúa Giêsu, vị đã giang tay mình ra, chạm tới thân xác đớn đau của con người kêu xin Người, cho thấy Thiên Chúa hoàn toàn muốn chữa lành tạo vật sa ngã của Ngài, phục hồi sự sống cho họ “một cách dồi dào” (Jn 10:10), một sự sống tràn đầy, hạnh phúc và vĩnh cửu. Chúa Kitô là “bàn tay” của Thiên Chúa giang ra về phía nhân loại, để nhân loại có thể được cứu khỏi những thứ cát bệnh nạn và chết chóc chao đảo, hầu tái chỗi dậy bằng việc tựa vào tảng đá tình yêu thần linh vững chắc (x Ps 39:2-3).

 

Hôm nay tôi xin ký thác cho Mẹ Maria, “Sinh Lực của Bệnh Nhân”, nhất là những ai trên khắp thế giới chẳng những chịu khổ vị thiếu sức khỏe mà còn bị cô đơn, bần cùng và loại trừ. Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến tất cả những ai đang ở trong các bệnh viện hay trong các trung tâm khác chăm sóc cho bệnh nhân và lo lắng đến việc chữa trị cho họ. Xin Đức Trinh Nữ giúp cho mỗi người được tìm thấy niềm ủi an nơi thân xác và tâm thần, nhờ việc chăm sóc sức khỏe cách thích đáng, và nhờ tình bác ái huynh đệ được hiện thân nơi việc cụ thể chăm sóc trong tình đoàn kết.

 

(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin:)

 

Hai ngày trước đây, Thế Vận Hội Mùa Đông kỳ 20 được bắt đầu. Tôi gửi lời chào thân ái tới ban tổ chức, tới các nhân viên thuộc Tiểu Ban Thế Vận Hội Quốc Tế và tới các lực sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi hy vọng cuộc tranh tài thể thao tuyệt vời này sẽ cho thấy những giá trị Thế Vận Hội là trung thành, hân hoan và huynh đệ, để nhờ đó góp phần xây dựng hòa bình giữa các dân tộc.

 

Ngày 12/2 này là ngày mừng 75 năm khánh thành Đài Phát Thanh Vatican và sứ điệp phát thanh đầu tiên Đức Piô XI gửi thế giới, vị Giáo Hoàng đã yêu cầu nhà bác học Guglielmo Marconi thiết kế đào phát thanh Vatican. Qua truyền thanh, sau đó là truyền hình, sứ điệp Phúc Âm và lời của các vị Giáo Hoàng đã được vang tới tất cả mọi dân tộc mau chóng hơn và dễ dàng hơn.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/2/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật V Thường Niên 5/2/2006 về Việc Bênh Vực và Cổ Võ Sự Sống

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay, ở Ý cử hành Ngày Phò Sự Sống, một ngày tạo nên một cơ hội quí báu cho việc cầu nguyện và suy tư về những vấn đề bênh vực và cổ võ sự sống con người, nhất là khi nó rơi vào tình trạng khó khăn. Hiện diện ở Quảng Trường Thánh Phêrô này đây có nhiều tín hữu giáo dân đang hoạt động trong lãnh vực này, một số dấn thân vào Phong Trào Phò Sự Sống.

 

Tôi gửi lời chào tới họ, nhất là Đức Hồng Y Camillo Ruini, vị đang ở bên họ, và tôi, một lần nữa, biết ơn hoạt động họ đang thực hiện để sự sống luôn được đón nhận như quà tặng và được nâng đỡ trong yêu thương.

 

Trong khi tôi mời gọi anh chị em hãy suy nghĩ về sứ điệp của các vị giám mục ý về chủ đề “Tôn Trọng Sự Sống”, tôi nhớ đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta, vị đã liên lỉ chú trọng tới những vấn đề này.

 

Tôi đặc biệt muốn nhắc lại thông điệp “Phúc Âm Sự Sống”, một thông điệp được ngài ban hành vào năm 1995, và là một thông điệp tiêu biểu cho nền tảng đích thực của giáo huấn Giáo Hội về một vấn đề hiện đại quyết liệt này.

 

Trong việc trình bày các khía cạnh về luân lý ở một môi trường bao rộng về tinh thần và văn hóa, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, trong một số dịp, đã khẳng định rằng sự sống con người là giá trị chính yếu cần phải được nhìn nhận, và Phúc Âm kêu gọi luôn luôn tôn trọng nó.

 

Theo chiều hướng của bức thông điệp mới đây của tôi về tình yêu Kitô Giáo, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng nơi “việc phục vụ của đức bác ái” để ủng hộ việc cổ võ sự sống con người. Về khía cạnh này, ngay cả trước khi thực hiện những sáng kiến hoạt động, cần phải cổ võ một “thái độ đối với nhau” một cách thích đáng: thật vậy, nền văn hóa sự sống được căn cứ vào việc chú trọng tới nhau, không loại trừ hay kỳ thị.

 

Có thế, “tất cả” sự sống con người đều đáng được và luôn cần được bênh vực và cổ võ. Chúng ta quá biết rằng sự thật này đang có cơ nguy bị phản khắc thường bởi chủ nghĩa khoái lạc đang lan tràn ở những xã hội được gọi là phúc hạnh: Sự sống được tôn vinh khi nó là những gì có thể hoan hưởng, thế nhưng có có khuynh hướng không còn tôn trọng nó nữa, khi nó yếu bệnh hay bị một thứ tật nguyền nào đó. 

 

Trái lại, có được bắt đầu từ tình yêu thương sâu xa đối với mọi người, mới có thể áp dụng những hình thức hiệu nghiệm của việc phục vụ sự sống: cả sự sống mới phát sinh cũng như sự sống mang dấu vết dị thường hay đau khổ, nhất là trong giai đoạn tận cùng của nó.

 

Đức Trinh Nữ Maria đã lãnh nhận bằng một tình yêu trọn hảo lời sự sống là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian để con người “được sự sống và là sự sống viên mãn” (Jn 10:10). Chúng ta phó dâng cho Mẹ những người nữ đang có thai, các gia đình, những tác nhân lo chăm sóc sức khỏe và thành phần tình nguyện viên dấn thân phục vụ sự sống bằng những cách thức khác nhau.

 

Chúng ta đặc biệt nguyện cầu cho những người đang ở trong những trường hợp khốn khó trầm trọng.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/2/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật IV Thường Niên 29/1/2006 về Thành Phần Nhân Chứng của Tình Yêu

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bức thông điệp được ban hành vào ngày Thứ Tư tuần trước, khi tái xác nhận tính cách nồng cốt của đức ái trong đời sống Kitô hữu và Giáo Hội, tôi đã muốn nhắc nhở rằng thành phần chứng nhân đặc biệt của đức ái nồng cốt này là các vị thánh nhân, những vị đã biến cuộc sống của mình thành một bản thánh ca với cả hằng ngàn cung điệu dâng lên Thiên Chúa – Tình Yêu.

 

Phụng vụ giúp chúng ta hát lên bản thánh ca này hằng ngày trong năm. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến những vị chúng ta đang tưởng kính trong những ngày này: Thánh Tông Đồ Phaolô, với hai vị môn đệ là Tomôthêu và Titô, Thánh Angela Merici, Thánh Tôma Aquinas, Thánh Don Boscô. Các vị là những thánh nhân rất ư là khác nhau: Những vị đầu thuộc về thuở Giáo Hội sơ khai; các vị là thành phần thừa sai của cuộc truyền bá phúc âm hóa tiên khởi.

 

Trong Thời Trung Cổ, Thánh Tôma Aquinas là mô phạm của thần học gia Công Giáo, vị thấy nơi Chúa Kitô cái tổng hợp tối hậu về sự thật và tình yêu. Trong thời Phục Hưng, Thánh Angela Merici cho thấy con đường thánh thiện cho cả những ai sống trong môi trường trần thế nữa. Vào thời tân tiến, Thánh Don Bosco, được nung nấu bởi lòng yêu mến Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, đã chăm sóc cho các em trai bị thiệt thòi nhất và trở thành người cha lẫn người thày của họ.

 

Thật vậy, toàn thể lịch sử Giáo Hội là một lịch sử thánh đức, một lịch sử được sinh động bởi một Tình Yêu duy nhất xuất phát từ Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có đức ái siêu nhiên, một đức ái bao giờ cũng tuôn ra một cách mới mẻ từ trái tim Chúa Giêsu, mới có thể giải thích được cuộc nở hoa diệu kỳ qua các thế kỷ của các hội dòng, các viện tu nam nữ và những hình thức khác của đời tận hiến. Trong số các vị thánh, nổi nhất về đức ái của mình được tôi đề cập tới trong bức thông điệp này là Thánh Gioan Thiên Chúa, Thánh Camillus Lelis, Thánh Vinh Sơn Phaolô, Thánh Louise de Marillac, Thánh Joseph Cottolengo, Thánh Luis Orione và Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta (số 40).

 

Những con người nam nữ này, thành phần được tinh thần của Chúa Kitô khuôn đúc, làm cho các vị thành những mô phạm của việc dấn thân truyền bá phúc âm hóa, dẫn chúng ta tới chỗ chú ý tới tầm quan trọng của một đời sống tận hiến như thể hiện và học đường của đức ái. Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh rằng việc bắt chước Chúa Kitô sống thanh sạch, khó nghèo và tuân phục là những gì hoàn toàn hướng đến việc đạt tới đức ái trọn hảo (x “Perfectae Caritatis”, 1). Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng và giá trị của đời sống tận hiến, Giáo Hội cử hành ngày 2/2 tới đây, Lễ Dâng Chúa Vào Đền Thánh, Ngay Tân Hiến. Vào buổi chiều, như Đức Gioan Phaolô II vẫn làm, tôi sẽ chủ tế Thánh Lễ ở đền thờ Vatican, có các tu sĩ nam nữ ở Rôma được đặc biệt mời tới tham dự.

 

Cùng nhau chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về tặng ân đời tận hiến và nguyện cầu để nó được tiếp tục trở thành một dấu hiệu sống động cho tình yêu nhân hậu của Ngài trên thế giới.

 

Giờ đây chúng ta hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, mẫu gương của đức ái: Bằng việc hỗ trợ từ mẫu của mình, xin Mẹ giúp Kitô hữu, đặc biệt là thành phần tận hiến, hoạt bước và hoan bước trên con đường thánh thiện.

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Hôm nay là Ngày Thế Giới Phong Cùi, được Raoul Follereau bắt đầu trên 50 năm nay, và được các hiệp hội theo tinh thần hoạt động nhân đạo của tổ chức này phát động. Tôi gửi lời chào đặc biệt tới tất cả những ai đang chịu khổ vì bệnh tật này, và tôi phấn khích các vị thừa sai, các tác nhân sức khỏe, và thành phần tình nguyện viên dấn thân đi tiên phong trong việc phục vụ con người.

 

Phong cùi là một triệu chứng của một thứ bệnh trầm trọng và lan tràn, là một thứ nghèo khổ khốn nạn. Vì lý do ấy, như các vị tiền nhiệm của tôi đã làm, tôi xin lập lại lời kêu gọi của tôi với các vị lãnh đạo quốc gia trong việc hết sức cố gắng để cùng nhau thắng vượt những bất quân bình trầm trọng vẫn còn đang hành hạ phần đông nhân loại.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
29/1/2006



TOP

 

 

Chúa Nhật III Thường Niên 22/1/2006 về Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Chúa Nhật này được cử hành vào giữa Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, một tuần lễ được cử hành hằng năm từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Đây là một sáng kiến xuất phát từ đầu thế kỷ vừa qua, một sáng kiến đã diễn tiến tốt đẹp, càng ngày càng trở thành một cứ điểm của vấn đề đại kết giúp cho Kitô hữu thuộc các chủ trương khác nhau cùng nguyện cầu và suy tư về cùng một bài Thánh Kinh.

 

Câu được chọn cho năm nay được trích từ Đoạn 18 theo Phúc Âm Thánh Mathêu, một Phúc Âm đề cập tới một số những giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến cộng đồng môn đệ của Người. Trong số những giáo huấn này, Phúc Âm ấy xác nhận là “Nếu hai người trong các con trên trần gian này hợp nhau xin bất cứ điều gì thì sẽ được Cha Thày ở trên trời ban cho. Vì đâu có hai hay ba người qui tụ lại vì danh Thày thì Thày ở đó giữa họ” (Mt 18:19-20).

 

Những lời này của Chúa Giêsu là những gì mang lại đầy tin tưởng và hy vọng! Đặc biệt những lời ấy mời gọi Kitô hữu hãy cùng nhau xin Chúa ban cho họ mối hiệp nhất trọn vẹn ấy, một mối hiệp nhất đã được chính Chúa Kitô thiết tha nguyện cầu cùng Cha trong Bữa Tiệc Ly (x Jn 17:11,21,23). Bởi thế chúng ta hiểu được lý do tại sao Kitô hữu chúng ta rất cần phải kêu xin tặng ân hiệp nhất này một cách kiên trì. Nếu chúng ta tin tưởng làm như thế chúng ta mới có thể nắm chắc là lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng. Chúng ta không biết khi nào hay cách nào, vì nó không phải là điều chúng ta cần biết, nhưng chúng ta không được ngờ vực là một ngày kia chúng ta sẽ là “một”, như Chúa Giêsu và Chúa Cha hiệp nhất trong Thánh Thần vậy.

 

Việc cầu nguyện cho hiệp nhất là linh hồn của phong trào đại kết, một phong trào, nhờ Chúa, phát triển khắp thế giới. Dĩ nhiên là không thiếu những khó khăn và thử thách, thế nhưng những điều này có tính cách hữu dụng thiêng liêng của chúng, khi chúng thúc đẩy chúng ta đến chỗ nhẫn nại và kiên trì cũng như gia tăng đức bác ái huynh đệ. Thiên Chúa là tình yêu và chỉ khi nào chúng ta trở về với Ngài và chấp nhận Lời của Ngài chúng ta tất cả mới có thể hiệp nhất trong một Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô.

 

Lời diễn tả “Thiên Chúa là tình yêu”, theo tiếng Latinh “Deus Caritas Est”, là đầu đề của bức thông điệp tiên khởi của tôi, một thông điệp sẽ được ban hành vào ngày Thứ Tư tới đây, 25/1/2006, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại. Tôi lấy làm vui mừng khi thấy nó trùng vào ngày kết thúc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo. Vào hôm ấy, tôi sẽ đến Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để chủ sự Giờ Kinh Tối có sự tham dự của thành phần đại diện các giáo hội và các cộng đồng giáo hội. Xin Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, chuyển cầu cho chúng ta.

 

(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Năm trăm năm trước đây, vào ngày 22/1/1506, Giáo Hoàng Julius đã đón nhận và chúc lành cho đạo quân đầu tiên của Thành Phần Hộ Vệ Thụy Sĩ đến Rôma để bảo đảm việc bênh vực bản thân ngài cũng như Tông Dinh của Tòa Thánh. Nhờ đó đã phát xuất ra Vệ Binh Thụy Sĩ Giáo Hoàng. Khi nhắc lại biến cố lịch sử này, tôi hân hoan chào tất cả những ai làm nên đạo quân nổi bật ấy, như dấu hiệu cảm nhận và nhìn nhận, tôi đặc biệt ban phép lành tòa thánh.

 

Trong số nhiều quan tâm về tình hình quốc tế, giờ đây tôi lại nghĩ tới Phi Châu, đặc biệt đến Ivory Coast là nơi những căng thẳng trầm trọng nơi những yếu tố xã hội và chính trị khác nhau. Tôi kêu mời tất cả mọi người hãy tiếp tục cuộc đối thoại xây dựng này để đạt tới chỗ hòa giải và an bình. Tôi ký thác những ý hướng này cho việc chuyển cầu của Trinh Nữ Thánh là vị được nhân dân  Ivory thân mến.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/1/2006

 

 

TOP

 

Chúa Nhật II Thường Niên 15/1/2006 về ý nghĩa Tìm Kiếm và Tìm Thấy Chúa Kitô

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Chúa Nhật vừa rồi, Chúa Nhật chúng ta cử hành Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, là thời điểm bắt đầu Mùa Thường Niên. Cái đẹp của mùa này là ở chỗ nó mời gọi chúng ta hãy sống cuộc đời bình thường của mình như đường lối để nên thánh, tức là như cách để sống đức tin và thân tình với Chúa Giêsu, Đấng liên tục được nhận thức và tái nhận thức như là Thày và là Chúa, là đường, là sự thật và là sự sống của con người.

 

Đó là những gì Phúc Âm Thánh Gioan cho chúng ta thấy trong phụng vụ hôm nay, khi trình bày cho chúng ta về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu với một số những người trở thành tông đồ của Người. Họ là những môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả, và thánh nhân đã thực sự mang họ đến với Chúa Giêsu, khi thánh nhân giới thiệu Người như “Chiên Thiên Chúa” (Jn 1:36) sau khi làm phép rửa cho Người ở Sông Dược Đăng.

 

Hai trong số những người môn đệ của thánh nhân bấy giờ đã đi theo Đấng Thiên Chúa, vị hỏi họ rằng: “Các anh tìm kiếm chi đó?” Hai người họi Người rằng: “Thưa Thày, Thày hiện đang ở đâu?” Và Chúa Giêsu đáp: “Hãy đến mà xem”, tức là, Người đã mời gọi họ hãy theo Người và bỏ giờ ra sống với Người.

 

Họ đã lấy làm cảm phục qua mấy tiếng đồng hồ ở với Chúa Giêsu, đến nỗi môä trong hai người họ là Anrê lập tức đi tìm người anh em của mình là Simon để nói với người anh em này là: “Chúng tôi đã gặp được Đấng Thiên Sai”. Ở đây chúng ta thấy có hai từ ngữ đặc biệt quan trọng, đoólà “tìm kiếm” (seek) và “tìm thấy” (find).

 

Chúng ta có thể diễn giải hai động từ này từ sứ điệp của bài Phúc Âm hôm nay và rút tỉa một hướng dẫn căn bản cho năm mới, một thời điểm chúng ta muốn canh tân cuộc hành trình thiêng liêng của mình với Chúa Giêsu, với niềm vui không ngừng tìm kiếm Người và tìm thấy Người. Thật vậy, niềm vui đích thực nhất là ở nơi mối liên hệ với Người, ở nơi việc tìm thấy Người, theo Người, nhận biết và yêu mến Người, bằng việc chuyên chú liên tục của tâm trí.

 

Được làm môn đệ của Chúa Kitô: đó là đủ cho thành phần Kitô hữu. Mối thân hữu với Chúa Vị Sư Phụ này bảo đảm linh hồn sống sâu xa bằng an và yên hàn, thậm chí trong những lúc tối tăm và những cơn thử thách khốn khó nhất. Khi đức tin trải qua những đêm tăm tối, khi con người không còn “nghe” hay “thấy” sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, thì tình bằng hữu với Chúa Giêsu bảo đảm rằng thực sự không có gì phân tách nổi chúng ta khỏi tình yêu của Người hết (x Rm 8:39).

 

Việc tìm kiếm và tìm thấy Chúa Kitô, mạch nguồn vô tận của sự thật và sự sống, là những gì lời Chúa mời gọi chúng ta hãy bắt đầu lại, vào lúc mở màn cho một tân niên đây, cuộc hành trình đức tin không bao giờ kết thúc này. “Thưa Thày, Thày hiện sống ở đâu?” Chúng ta cũng hỏi Chúa Kitô và được Người đáp là “Hãy đến mà xem”.

 

Đối với tín hữu, đó là một việc liên lỉ tìm kiếm và là một cuộc khám phá mới mẻ, vì Chúa Kitô vẫn thế cả hôm qua, hôm nay và mãi mãi, còn chúng ta, thế giới, lịch sử lại không bao giờ vẫn thế, nên Người đến với chúng ta để ban cho chúng ta mối hiệp thông của Người và sự sống viên mãn của Người. Chúng ta hãy xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu, hằng ngày cảm nghiệm được niềm vui thấm nhập hơn nữa vào mầu nhiệm của Người.

 

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn 2006 được cử hành hôm nay đây. Các cuộc di dân tạo nên một hiện tượng rất lan rộng trong thế giới ngày nay: chúng ta một “dấu chỉ thời đại”. Hiện tượng này xuất hiện ở những cách thứ crất khác nhau: Việc di dân có thể là tự nguyện hay bị bắt buộc, hợp pháp hay bất hợp pháp, vì lý do công ăn việc làm hay học hành. Nếu, một đàng, cần phải tỏ ra tôn trọng những khác biệt về chủng tộc và văn hóa, thì mặt khác, lại có những khó khăn trong việc chấp nhận và hội nhập.

 

Giáo Hội khuyến khích việc lợi dụng những gì là tích cực của dấu chỉ thời đại này, bằng việc thắng vượt hết mọi hình thức kỳ thị, bất công và khinh miệt con người, vì mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa.

 

Hôm nay Giáo Phận Rôma cử hành Ngày Học Đường Công Giáo. Tôi gửi lời chào tới các vị hiệu trưởng, giáo chức, phụ huynh và học sinh qui tụ nơi đây, và tôi xin họ hãy tiếp tục dấn thân cho một nền giáo dục toàn diện, một thứ giáo dục nỗ lực liên kết tính chất của việc giáo dục với quan điểm của Kitô Giáo về con người và về xã hội.

 

Tôi mong ước thấy được sự hợp tác liên lỉ giữa gia đình và học đường, cũng như việc hết sức nhìn nhận công việc phục vụ của các học đường Công Giáo. Xin chúc một năm học tốt đẹp!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/1/2006

 

 

TOP

 

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa 8/1/2006 về Phép Rửa Kitô Giáo

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Vào ngày Chúa Nhật sau lễ trọng Hiển Linh, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một lễ kết thúc mùa phụng vụ Giáng Sinh. Hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Đấng ở vào tuổi 30, được Thánh Gioan làm phép rửa cho ở Sông Dược Đăng. Đó là phép rửa thống hối, phép rửa sử dụng biểu hiệu nước để diễn tả việc thanh tẩy con tim và đời sống.

 

Gioan, được gọi là “Tẩy Giả”, tức là ngài, vị làm phép rửa, đã rao giảng phép rửa này cho dân Yến Duyên để sửa soạn cho Đấng Thiên Sai sắp tới, và ngài nói với tất cả mọi người rằng sau ngài còn có một người khác sẽ đến, cao trọng hơn ngài, Đấng sẽ không làm phép rửa bằng nước mà bằng Thánh Linh (x Mk 1:7-8). Khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa ở Sông Dược Đăng thì Thánh Thần xuống đậu trên Người qua sự xuất hiện thể lý của một con chim câu, làm cho Thánh Gioan Tẩy Giả nhận ra rằng Người là Chúa Kitô, “Chiên Thiên Chúa”, Đấng đến để xóa tội trần gian” (x Jn 1:29).

 

Bởi thế, phép rửa ở Sông Dược Đăng cũng là một thứ “hiển linh”, một cuộc biểu lộ căn tính thiên sai của Chúa cũng như của công cuộc cứu chuộc của Người, một công cuộc sẽ lên tới tột đỉnh bằng một “phép rửa” khác, phép rửa tử nạn và phục sinh, nhờ đó thế giới sẽ được thanh tẩy trong ngọn lửa tình thương thần linh (x Lk 12:49-50).

 

Vào ngày lễ này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường ban bí tích thanh tẩy cho một số em bé. Sáng hôm nay, lần đầu tiên tôi cũng hân hoan làm phép rửa ở Nguyện Đường Sistine cho 10 em bé mới sinh. Tôi cảm mến lập lại lời chào tới các em nhỏ, tới gia đình của các em cũng như tới các bõ đỡ đầu nam nữ.

 

Phép rửa tội trẻ em bày tỏ và hiện thực mầu nhiệm tái sinh vào sự sống thần linh trong Đức Kitô: Những bậc làm phụ huynh tin tưởng mang con cái tới giếng rửa tội, một hình ảnh tiêu biểu cho “lòng” Giáo Hội, nơi con cái Chúa được tái sinh bởi nước thánh. Tặng ân các em sơ sinh nhận được cần các em chấp thuận, một khi các em trở thành người lớn, một cách tự do và hữu trách: Tiến trình trưởng thành này sau đó sẽ dẫn họ tới lãnh nhận bí tích thêm sức là bí tích thực sự củng cố cho phép rửa của họ và sẽ ban cho họ “ấn tín” Thánh Linh.

 

Anh Chị Em thân mến, chớ gì lễ trọng hôm nay là một cơ hội thuận lợi để tất cả mọi Kitô hữu tái nhận thức được niềm vui và vẻ đẹp của phép rửa họ đã lãnh nhận, để hằng trở thành một thực tại nơi việc sống bằng đức tin: Nó tiếp tục canh tân chúng ta theo hình ảnh của con người mới, thánh thiện trong tư tưởng và việc làm. Hơn thế nữa, phép rửa còn liên kết Kitô hữu thuộc mọi niềm tin nữa. Vì được lãnh nhận phép rửa, chúng ta tất cả đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là Thày và là Chúa của chúng ta. Chớ gì trinh nữ Maria xin cho chúng ta ơn hiểu biết hơn bao giờ hết giá trị phép rửa của chúng ta và làm chứng cho phép rửa này bằng một hạnh kiểm của đời sống xứng đáng.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/1/2006

 

 

TOP

 

 

Lễ Hiển Linh 6/1/2006 về Ba Vị Đạo Sĩ

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Chúa Hiển Linh, tức cử hành việc Người tỏ mình ra cho Dân Ngoại được tiêu biểu nơi Ba Nhà Đạo Sĩ, thành phần lạ lùng đến từ Đông Phương được Phúc Âm Thánh Mathêu nói tới (2:1-12). Việc các vị Đạo Sĩ thờ lạy Chúa Giêsu đã được nhận thấy ngay như là những gì hoàn tất Sách Thánh tiên báo. Chúng ta đọc thấy trong sách Tiên Tri Isaia rằng “và các quốc gia sẽ đến với ánh sáng của ngươi, rồi các vua chúa đến với ánh quang hiện lên của ngươi… Họ sẽ mang theo vàng và nhũ hương, rồi sẽ dâng lời chúc tụng Chúa” (60:3,6). Ánh sáng của Chúa Kitô, một thứ ánh sáng được chất chứa nơi hang Bêlem, ngày nay lan tỏa với tất cả ánh rạng ngời của mình. Tôi đặc biệt nghĩ tới anh chị em thân yêu của chúng ta thuộc các Giáo Hội Đông Phương, những người theo lịch Julian, hôm nay cử hành Lễ Giáng Sinh: tôi xin gửi đến họ lời chào bình an và thiện hảo trong Chúa thân ái nhất của tôi.

 

Hôm nay cũng là ngày tự nhiên nhắc nhở tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tháng Tám vừa rồi, qui tụ lại ở Cologne có trên 1 triệu giới trẻ, thành phần tâm niệm những lời của ba Nhà Đạo Sĩ liên quan tới Chúa Giêsu là: “Chúng tôi đến bái thờ Người” (Mt 2:2). Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe và lập lại những lời ấy! Giờ đây chúng ta không thể nào nghe những lời ấy mà tinh thần chúng ta không trở về với biến cố đáng nhớ tiêu biểu cho một “cuộc hiển linh” thực sự. Thật thế, cuộc hành triìh của giới trẻ, theo chiều kích sâu xa nhất của nó, có thể được thấy như là một cuộc hành trình được hướng dẫn bởi ánh sáng của một “ngôi sao”, bởi ánh sáng của đức tin. Và hôm nay đây tôi muốn gửi tới cả toàn thể Giáo Hội sứ điệp tôi bấy giờ nêu lên cho giới trẻ tập trung ở bờ Sông Rhine, đó là: “Các bạn hãy mở rộng cửa lòng mình cho Thiên Chúa; các bạn hãy cảm thấy ngất ngây trước Chúa Kitô! Các bạn hãy mở các cánh cửa tự do của các bạn cho tình yêu thương nhân hậu của Người! Các bạn hãy tỏ cho Chúa Kitô biết niềm vui và sầu khổ của mình, để Người soi chiếu tâm trí của các bạn bằng ánh sáng của Người và chạm tới tâm can của các bạn bằng ân sủng của Người” (Huấn Từ ngày 18/8/2005).

 

Tôi xin toàn thể Giáo Hội hãy hít thở, như ở Cologne, bầu khí của “hiển linh”, và của việc dấn thân truyền giáo thực sự được gợi lên từ cuộc tỏ mình của Chúa Kitô là ánh sáng thế gian, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để hòa giải và hiệp nhất loài người bằng quyền lực yêu thương. Với tinh thần ấy, chúng ta hãy thiết tha nguyện cầu cho việc trọn vẹn hiệp nhất Kitô Giáo, để chứng từ của họ trở thành men hiệp thông cho toàn thế giới. Đó là lý do chúng ta hãy kêu cầu lời chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh là Mẹ của Chúa Kitô và là Mẹ của Giáo Hội.

 

(Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Vào ngày lễ Hiển Linh này cũng cử hành Ngày Truyền Giáo của Trẻ Em nữa, ngày được Đức Piô XII đáng kính nhớ thiết lập. Với chủ đề “Trẻ Em Giúp Trẻ Em”, hằng ngàn hoạt động đoàn kết được bởi Hội Tòa Thánh Về Trẻ Em Truyền Giáo bảo trợ, dạy cho các em phát triển tinh thần cởi mở trước thế giới và chú ý tới những khó khăn của thành phần đương thời kém may mắn của các em. Đối với thừa tác vụ của mình, tôi cũng tin tưởng vào lời cầu nguyện của trẻ em và vào việc các em chủ động tham dự vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội nữa.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/1/2006

 

 

TOP

 

 

Chúa Nhật Lễ Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa Bình 1/1/2006

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Vào ngày đầu tiên trong năm này, Giáo Hội chiêm ngưỡng Người Mẹ thiên đình của Thiên Chúa, vị đã ẵm trong cánh tay mình Hài Nhi Giêsu là mạch nguồn của tất cả mọi phúc ân. “Kính mừng Người Mẹ thánh hảo, Mẹ đã hạ sinh Vua cai trị trời đất vô cùng”.

 

Việc các thiên  thần loan báo ở Bêlem đã vang vọng nơi tấm lòng từ mẫu của Mẹ với đầy những ngỡ ngàng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Ngài thương!” (Lk 2:14). Và Phúc Âm còn thêm rằng Mẹ Maria “đã giữ tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:19). Như Mẹ, Giáo Hội cũng giữ và suy niệm Lời Chúa, áp dụng lời Chúa vào những trường hợp khác nhau và thay đổi Giáo Hội gặp thấy trong cuộc hành trình của mình.  

 

Khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô, Đấng đã đến thế gian để ban cho chúng ta bình an, cùng với năm mới, chúng ta cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới, một ngày đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập 38 năm trước đây. Trong sứ điệp đầu tiên của tôi gửi cho dịp này, tôi muốn tiếp tục cho năm nay một đề tài liên tục theo huấn quyền của các vị tiền nhiệm tôi, bắt đầu bằng bức thông điệp đáng nhớ của Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII “Bình An Dưới Thế”: đề tài về sự thật như là nền tảng của hòa bình chân thực: “Hòa Bình trong Chân Lý” là đề tài tôi muốn trình bày để mọi người thiện chí suy nghĩ.

 

Khi con người theo sự hướng dẫn của ánh quang chân lý, họ trở thành một kiến trúc sư can trường sâu xa trong việc xây dựng hòa bình. Thời điểm phụng vụ chúng ta đang sống đây chống hiến cho chúng ta một bài học lớn lao, đó là, để đón nhận tặng ân hòa bình, chúng ta cần phải mở lòng mình ra trước chân lý là những gì đã được tỏ hiện nơi con người của Chúa Giêsu, Đấng đã dạy chúng ta “cái nội dung” cùng với “cái phương pháp” của hòa bình là yêu thương.

 

Thật vậy, Thiên Chúa, Đấng là tình yêu trọn hảo và vĩnh tồn, đã mạc khải mình ra nơi Chúa Giêsu trong thân phận loài người của chúng ta. Nhờ đó, Ngài cũng đã cho chúng ta thấy cả đường lối hòa bình là đối thoại, thứ tha, đoàn kết. Đây là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình đích thật mà thôi.

 

Chúng ta hãy hướng mắt về Mẹ Maria Rất Thánh, vị mà hôm nay đây mang lại ân phúc cho toàn thế giới khi tỏ Người Con thần linh của Mẹ là “Ông Vua Thái Bình” (Is 9:5) ra. Với lòng tin tưởng, chúng ta hãy kêu xin lời chuyển cầu toàn năng của Mẹ để gia đình nhân loại, bằng việc mở lòng mình ra trước sứ điệp phúc âm, sống một năm được bắt đầu hôm nay đây trong tình huynh đệ và an bình. Bằng những niềm cảm mến ấy, tôi bày tỏ cùng tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, cũng như tất cả mọi người liên kết với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình, lời chúc hòa bình và thiện hảo thân ái nhất của tôi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 1/1/2006

 

 

TOP