II- Nội Dung Thiên Chúa Mạc Khải

 

 

Xác Tín 3: 

 

            Thiên Chúa mạc khải về chính bản thân của Ngài: Ngài là một Thiên Chúa yêu thương. 

 

Mạc Khải

 

A- Qua Các Tiên Tri:

(Thiên Chúa mạc khải về chính bản thân của Ngài: Ngài là một Thiên Chúa yêu thương).

 

1- Tiên Tri Isaia

 

Vậy Chúa phán, thế nhưng giờ đây ai đã tạo dựng nên ngươi, Ôi Giacóp, và ai đã hình thành ngươi, Ôi Yến-Duyên (Israel)' đừng sợ, vì Ta đã cứu vớt ngươi' Ta đã gọi đích danh ngươi' ngươi là của Ta. (43:1)

 

Vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng Thánh của Yến-Duyên, đấng cứu vớt ngươi. Ta thí Ai Cập làm giá chuộc ngươi, thí Ethiopia và Seba để đổi lấy ngươi. Vì trước mắt của Ta người cao qúi và hiển vinh, và vì Ta yêu thương ngươi, Ta thí con người để đổi lấy ngươi, cũng như thí các dân thay cho mạng sống của ngươi. (43:3-4)

 

Mọi người mang tên gọi đều là của Ta, thành phần Ta đã tạo dựng cho vinh quang của Ta, thành phần Ta đã hình thành và tạo tác. (43:7)

 

Ôi nhà Giacóp, tất cả mọi người còn thuộc về nhà Yến-Duyên, hãy nghe Ta đây. Từ khi người sinh ra, Ta đã vất vả vì ngươi, và từ khi người còn nhỏ, Ta đã ôm ấp ngươi. (46:3)

 

Cho dù người có già đi, Ta vẫn nguyên như vậy, cho dù ngươi có bạc đầu, Ta vẫn mang vác ngươi' chính Ta là Đấng đã làm như vậy, Ta còn tiếp tục làm và Ta sẽ mang ngươi đến chỗ an toàn. (46:4)

 

Có người mẹ nào quên được đứa con nhỏ của mình, không âu yếm đứa con của lòng mình chăng? Cho dù bà có quên đi chăng nữa, Ta vẫn không bao giờ quên ngươi. Hãy coi đây, tên của ngươi đã được viết trên các bàn tay của Ta' các tường thành của ngươi hằng ở trước nhan Ta. (49:15-16)

 

Trong cơn bừng giận chốc lát, Ta đã ẩn mặt khỏi ngươi' nhưng với tình yêu dài lâu, Ta vẫn thương xót ngươi, Chúa là đấng cứu vớt ngươi phán. (54:8)

 

2- Tiên Tri Giêrêmia

 

Chúa phán, vào lúc ấy, Ta sẽ là Thiên Chúa của tất cả mọi chi tộc Yến-Duyên, và họ sẽ là dân của Ta. Vậy Chúa phán: Đám dân thoát khỏi gươm giáo tìm thấy sủng ái trong sa mạc. Khi Yến-Duyên tiến lên để được an nghỉ, thì Chúa từ xa đã tỏ hiện ra cho nó. Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu vĩnh cửu' bởi thế Ta vẫn một lòng thương đối với ngươi. (31:1-3)

 

3- Tiên Tri Hosêa

 

Chúa phán, vào ngày ấy, Nàng sẽ gọi ta là "Phu quân của em", và không bao giờ còn gọi "Thần Baan của em" nữa. (2:1)

 

Ta sẽ muôn đời kết duyên với ngươi' Ta sẽ kết duyên với ngươi trong chính trực và công minh, trong tình yêu và thương xót. Ta sẽ kết duyên với người trong thủy chung và ngươi sẽ nhận biết Chúa. (2:21-22)

 

Khi Yến-Duyên còn là một đứa bé Ta đã yêu thương nó, Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập. Ta càng gọi chúng, chúng càng rời xa Ta. Chúng cúng tế các thần Baan và dâng hương các ngẫu tượng. Thế mà chính Ta lại là Đấng đã dạy Ephraim bước đi, Đấng đã ẵm chúng trong cánh tay' Ta đã lôi kéo chúng bằng những sợi giây nhân loại, bằng những bàn tay yêu thương' Ta đã dưỡng nuôi chúng như một người nâng một đứa nhỏ lên tới ngực của mình' thế mà, mặc dù Ta đã cúi xuống để chăn nuôi đứa con của Ta, chúng vẫn không nhận biết Ta là đấng chữa trị của chúng. (11:1-4)

 

Ta sẽ chữa lành nỗi khiếm khuyết của chúng, Ta sẽ tha hồ mà yêu thương chúng' vì cơn giận của Ta không còn nhắm vào chúng nữa. (14:5)

 

 

B- Qua Đức Giêsu Kitô:

(Thiên Chúa mạc khải về chính bản thân của Ngài: Ngài là một Thiên Chúa yêu thương).

 

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con một của mình, để ai tin vào Người (Con) sẽ không phải chết, song được sự sống đời đời (Jn. 3:16)

 

Vào ngày đó, các con sẽ nhân danh Thày mà xin, Thày không nói là Thày sẽ nguyện xin Chúa Cha cho các con. Chúa Cha vốn yêu thương các con, vì các con đã yêu mến Thày và đã tin rằng Thày từ Cha mà đến. (Jn.16:26-27)

 

Con đã tỏ danh Cha cho những kẻ Cha đã ban cho con giữa thế gian. Những người Cha đã ban cho Con đây là của Cha, họ đã giữ lời Cha. Giờ đây họ nhận thức được rằng tất cả mọi sự Cha ban cho Con đều từ Cha mà đến. (Jn.17:6-7)

 

Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con để họ được nên một như Chúng Ta là một - Con sống trong họ, Cha sống trong Con - để sự hiệp nhất của họ được nên trọn. Nhờ đó thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con, và Cha đã thương họ như Cha đã yêu Con. (Jn.17:22-23)

 

 

Nhận Thức

 

(Thiên Chúa mạc khải về chính bản thân của Ngài: Ngài là một Thiên Chúa yêu thương).

 

Theo mạc khải, Thiên Chúa chính là và thật là một Thiên Chúa yêu thương.

 

Theo luận lý và tâm lý tự nhiên cũng cho thấy được sự thật này. Bởi vì, nếu đã nói đến Thiên Chúa, đến Thượng Đế, đến Ông Trời, là nói đến một Thần Linh Siêu Việt, mà ngôn ngữ triết học gọi là Siêu Việt Thể, ngôn ngữ thần học gọi là Đệ Nhất Hữu Thể, và ngôn ngữ bình dân gọi là Đấng Tối Cao, tức là một Đấng Vô Cùng Toàn Hảo.

 

Siêu Việt Thể, Đệ Nhất Hữu Thể hay Đấng Tối Cao này, theo quan niệm chung của loài người, phải vô cùng toàn hảo, vượt trên tất cả mọi sự ở trên đời này.

 

Tuy nhiên, trong khi hầu hết các đạo giáo chính yếu trên thế giới, mặc nhiên hay minh nhiên, công nhận Đấng Tối Cao của họ vô cùng toàn hảo qua việc làm toàn năng của Ngài, thì chỉ có Kitô giáo, theo mạc khải thần linh, tin nhận Đấng Tối Cao của mình vô cùng toàn hảo chẳng những qua việc làm toàn năng của Ngài, mà nhất là ở nơi ngay chính bản tính toàn thiện của Ngài nữa.

 

Ngoài ra, các đạo giáo khác chỉ tin có Đấng Tối Cao và Đấng Tối Cao của họ là một Vị Thần Linh quyền năng hơn họ, chứ không biết tí gì về chính bản tính thần linh nơi Đấng Tối Cao của mình như Kitô giáo.

 

Thật thế, theo Thánh Kinh Tân Ước, chỉ có một mình Kitô giáo là nhận biết và tuyên xưng:

 

"Thiên Chúa là tình yêu"

(1Jn.4:8,16).

 

Như thế, theo Kitô giáo, nếu Thiên Chúa chỉ toàn năng mà không phải "là tình yêu" thì đó không phải là Thiên Chúa đích thực.

 

Đúng vậy, nếu Thiên Chúa chỉ là một Đấng Toàn Năng, làm được những gì con người bất lực và đầu hàng, thì Thiên Chúa có thể là một tạo vật và ngược lại tạo vật cũng có thể là thiên chúa.

 

Chẳng hạn, cái được con người văn minh ngày nay gọi là "mother earth" cũng có thể là Thiên Chúa, vì vị "nữ chúa" này có quyền lực gây ra tai ương (sự dữ thể lý) làm nhân loại không thể nào ngăn ngừa và chống lại được.

 

Cũng theo chiều hướng ấy, Thiên Chúa cũng có thể là chính ma qủi, tức một vị thần u minh, có quyền năng làm con người không thể chống lại được các chước cám dỗ (sự dữ luân lý) v.v.

 

Ngoài ra, trước quyền lực cao cả, con người chỉ biết cảm phục và kính sợ mà thôi, chứ không cảm mến và dám đến gần. Tuy nhiên, trong thâm tâm, con người vẫn ham muốn và tìm cách tạo cho mình một quyền lực để có thể tự vệ cũng như để thống trị mọi sự.

 

Thực tế cho thấy, nếu không có tình yêu chân chính, với quyền hạn (authority) hay quyền lực (pơwer) trong tay, con người không còn tin thần linh nào nữa, không còn là anh em của nhau nữa, mà chính họ là một thần linh toàn quyền sát sinh, cho phép giết người (abortion, mercy killing v.v.), bằng khả năng phát minh y khoa của mình để ăn tươi nuốt sống nhau.

 

Hiện tượng con người tự tôn và phong thần cho mình ngày nay, cũng như quan niệm tự nhiên về thần linh quyền năng xưa kia của họ, càng chứng tỏ mạc khải Kitô giáo có tính cách xác thực, một mạc khải đã tỏ cho Kitô giáo thấy Thiên Chúa đích thực phải là Đấng như thế nào, và con người phải ra sao mới thực là hoàn thiện.

 

"Thiên Chúa" mà Kitô giáo tin thờ và kính mến trên hết mọi sự đó phải "là tình yêu".

 

"Tình yêu" được đồng hóa với Thiên Chúa là Đấng Tối Cao như thế, nó phải là một tình yêu toàn năng. Tình yêu toàn năng biểu hiệu cho Thiên Chúa đây, về phương diện tiêu cực, phải là một tình yêu có thể giải cứu con người khỏi tội lỗi (sự dữ luân lý) và sự chết (sự dữ thể lý), và về phương diện tích cực, còn có thể làm cho con người phát triển và nên trọn hảo, đúng với ơn gọi, thân phận và tầm mức có tính chất thần linh của họ nữa, (xin xem chương hai về "con người: đối tượng mạc khải").

 

Đó là tất cả ý nghĩa cứu độ (salvation) của Kitô giáo: con người bất toàn về bản tính và bất lực về quyền năng chẳng những được giải cứu khỏi sự chết là sự dữ tiêu biểu và cuối cùng, mà còn được thần linh hóa trong sự sống là sự thiện tiêu biểu và trên hết.

 

Bởi thế, nói theo ngôn ngữ mạc khải thì đường lối để con người được cứu độ của Kitô giáo và theo Kitô giáo đó là "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Jn.5:24).