2.

 

Đối Tượng Mạc Khải: Tạo Vật

 

Nếu chủ thể mạc khải là Thiên Chúa thì đối tượng mạc khải phải là tạo vật của Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa không thể nào lại mạc khải cho chính mình.

 

Câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: "Thày gọi các con là bạn hữu, vì Thày đã tỏ cho các con biết tất cả những gì Thày đã nghe nơi Cha Thày" (Jn.15:15), do đó, phải được hiểu theo ý nghĩa thần hiệp, như chính Chúa Giêsu công bố với người Do Thái: "Như Cha có sự sống nơi Ngài thế nào, Ngài cũng ban nó cho Con để Con cũng có sự sống nơi Con như vậy" (Jn.5:26).

 

Nhận được sự sống từ Cha như thế, Chúa Giêsu mới cần phải thực hiện một sứ mệnh là, theo lời Người tuyên bố: "Như Cha đã làm cho kẻ chết chỗi dậy và ban cho họ sự sống thế nào, Con cũng ban sự sống cho kẻ Người muốn như vậy" (Jn.5:21).

Bởi thế, việc "Con cũng ban sự sống cho kẻ Người muốn" đây chính là việc Người làm chứng về Cha, tức là việc Người "tỏ danh Cha cho những người Cha đã ban cho Con giữa thế gian" (Jn.17:6), đúng như Phúc Âm Thánh Gioan ghi nhận: "Không ai đã từng thấy Thiên Chúa. Chính Chúa Con duy nhất hằng ở bên Cha đã tỏ Ngài ra" (Jn.1:18).

 

Như thế, qủa thật đối tượng mạc khải của Thiên Chúa đây chính là toàn thể tạo vật của Ngài, đúng như lệnh Chúa Giêsu Kitô truyền cho các môn đệ của Người sau khi Người sống lại từ kẻ chết:

 

"Các con hãy đi khắp thế gian mà loan báo tin mừng cho tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15)

 

Thế nhưng,

 

            - "Tất cả mọi tạo vật" đây là những thành phần nào (Thành Phần được Mạc Khải)? Và

 

            - "Tất cả mọi tạo vật" nhận được mạc khải ra sao (Cấp Trật được Mạc Khải)?

 

Sau đây là phần trình bày về Thành Phần được Thiên Chúa  Mạc Khải và Cấp Trật Thiên Chúa muốn Mạc Khải. Cũng giống như các phần khác trong cuốn sách này, thể thức trình bày mỗi vấn đề sẽ theo thứ tự như sau:

 

1- Xác Tín vấn đề (giáo lý).

2- Mạc Khải vấn đề (Lời Chúa).

3- Nhận Thức vấn đề (diễn giải).


 

III- Thành Phần được T.C. Mạc Khải

 

Xác Tín 7 

           

            Tất cả mọi tạo vật được Thiên Chúa mạc khải đây là thành phần Thiên Chúa đã dựng nên trong Con của Ngài, nhờ Con của Ngài và cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. 

 

Mạc Khải

 

Theo Phúc Âm:

"Nhờ Người (Lời) mà mọi sự được hiện hữu, ngoài Người ra không gì hiện hữu được. Điều gì được hiện hữu trong Người thì có sự sống, một sự sống sáng soi con người" (Jn.1:3-4)

 

Theo Chứng Nhân Tân Ước:

 

"Người (Đức Giêsu Kitô) là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của tất cả mọi tạo vật. Trong Người mọi sự trên trời dưới đất được tạo dựng nên, những sự hữu hình cũng như vô hình, dù là các thiên tòa hay là các thiên chủ, dù là các thiên phủ hay là các thiên năng, tất cả đều phải nhờ Người và cho Người mà được tạo dựng nên. Người có trước tất cả mọi sự. Trong Người mà mọi sự tiếp tục được hiện hữu". (Col.1:15-16).

 

Nhận Thức

 

Theo mạc khải Thánh Kinh Tân Ước trên đây, "tất cả mọi tạo vật" là đối tượng mạc khải của Thiên Chúa được chia làm hai loài chính: "Hữu hình cũng như vô hình".

 

Thật vậy, theo tự nhiên, ngoài thế giới hữu hình cụ thể cảm nghiệm được ở chung quanh mình, con người cũng còn tin có cả thần thiêng vô hình nữa. Điển hình nhất là tại Mỹ quốc, một nước đại tân tiến về siêu kỹ thuật và khoa học thực nghiệm, thế mà, trên màn ảnh nhỏ T.V. càng ngày lại càng xuất hiện những trình chiếu về ma quái nhiều hơn bao giờ hết! 

 

Căn cứ vào mạc khải về hai loài được tạo dựng này, giáo lý Công Giáo gọi chung "những sự vô hình" là thiên thần, và "những sự hữu hình" là tất cả những gì hiện hữu trong bầu trời cũng như trên trái đất có tính cách thời gian này, tức là những gì thuộc về vũ trụ thiên nhiên.

Tuy nhiên, trong khi căn cứ vào các giả thuyết tiến hóa (more than one hypothesis in the theory of revolution) chủ trương định luật "chọn lựa tự nhiên" (natural selection), khoa học có khuynh hướng cho rằng mọi sự là do tự nhiên mà có, thì theo mạc khải Thánh Kinh Cựu Ước của Kitô giáo, nguồn gốc và xuất xứ của "những sự hữu hình cũng như vô hình" được cho biết như sau:

 

1-         "Tất cả mọi tạo vật" được biểu hiệu nơi hình ảnh "các tầng trời và đất"

 

Đúng thế, ngay câu đầu tiên của toàn bộ Thánh Kinh của Kitô giáo nói chung và của phần Thánh Kinh Cựu Ước nói riêng, Sách Khởi Nguyên đã tỏ cho thấy "những sự vô hình" được biểu hiệu qua hình ảnh "các tầng trời" và "những sự hữu hình" được tượng trưng qua hình ảnh "đất":

"Vào lúc khởi nguyên, lúc mà Thiên Chúa dựng nên các tầng trời và đất, thì đất còn là một hoang thổ vô hình thể..." (Gen.1:1)

 

Tuy nhiên, "các tầng trời" (the heavens) ở đây, theo Sách Khởi Nguyên trong cùng một trình thuật sáng tạo này, không phải là "bầu trời" (the sky) trong vũ trụ thiên nhiên như được Thiên Chúa tạo dựng nên trong ngày thứ hai, và "đất" (the earth) cũng không phải là "đất khô" (the dry land) như Thiên Chúa dựng nên trong ngày thứ ba.

 

2-         "Tất cả mọi tạo vật" được hình thành theo thời gian và trong thời gian.

 

Việc diễn tiến về nguồn gốc hình thành của "tất cả mọi tạo vật" là đối tượng mạc khải của Thiên Chúa xẩy ra theo thời gian và trong thời gian được Sách Khởi Nguyên gọi bằng hình ảnh của một "ngày", như thành ngữ được Sách Khởi Nguyên dùng để kết thúc mỗi một "ngày" tạo dựng trong sáu ngày như sau:

"Thế là buổi chiều tối đến rồi sau đó là buổi sáng - ngày thứ nhất... ngày thứ hai... ngày thứ ba... ngày thứ bốn... ngày thứ năm... ngày thứ sáu" (Gen.1:5,8,13,19,23,31)

 

3-             "Những sự vô hình" được Thiên Chúa tạo dựng nên vào ngày thứ nhất trong sáu ngày             tạo dựng của Ngài.

 

Vì Thiên Chúa tạo dựng nên "tất cả mọi tạo vật" có sáu ngày, một biểu hiệu cho thời gian, một thời gian bao gồm "tất cả mọi tạo vật" được hình thành theo thời gian và trong thời gian, do đó, bốn hệ luận có thể được suy ra như sau:

 

Hệ luận thứ nhất: Vì các thiên thần thuộc về "những sự vô hình" do đó các ngài cũng được hình thành theo thời gian và trong thời gian. Các thiên thần được Thiên Chúa tạo dựng nên theo thời gian, đó là khi Ngài dựng nên các vị vào "ngày thứ nhất", ngày Ngài dựng nên "ánh sáng", bản chất thiêng liêng vô hình của thần thiêng, một thứ ánh sáng siêu hình khác với thứ "ánh sáng" hữu hình như Ngài tạo dựng nên trong ngày thứ bốn sau đó.

 

Hệ luận thứ hai: Các thiên thần chẳng những được Thiên Chúa tạo dựng nên theo thời gian mà còn cả trong thời gian nữa. Vì các thiên thần, tuy vô hình giống "Thiên Chúa vô hình" (Col.1:15), tự bản tính vẫn không phải là chính "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn.4:24), Đấng Tự Hữu ở ngoài thời gian và vượt trên thời gian, các vị, tuy không lệ thuộc vào thời gian như "những sự hữu hình", cũng ở trong thời gian hay thuộc về thời gian, ít là thời gian các vị bắt đầu được hiện hữu.

 

Hệ luận thứ ba: Nếu các thiên thần được Thiên Chúa dựng nên theo thời gian và trong thời gian như thế, thì thời gian của các thiên thần là một thời gian siêu hình, tức là một thứ thời gian bất không gian và vượt không gian. Bởi thế, nếu có "những sự vô hình cũng như hữu hình" thì phải có siêu thời gian thuộc lãnh vực của "những sự vô hình", cùng với hạn thời gian thuộc lãnh vực của "những sự hữu hình".

 

Hệ luận thứ bốn: Nếu thời gian nói chung là biểu hiệu cho và là thực tại của "tất cả mọi tạo vật" được tạo thành thì vĩnh cửu cũng là biểu hiệu cho và là thực tại của Thiên Chúa. Do đó, nếu vĩnh cửu phô diễn mình qua thời gian, nhờ thời gian và trong thời gian, một Thực Tại Tạo Thành bao gồm "tất cả mọi tạo vật", thì thời gian phải được bắt nguồn từ vĩnh cửu để hướng về vĩnh cửu, rồi trở về với vĩnh cửu và nên một với vĩnh cửu, một Thực Tại Thần Linh là cùng đích của mình.

 

4-         "Tất cả mọi tạo vật" được Thiên Chúa tạo dựng nên từ hư không, bằng ý muốn vô cùng             toàn năng của Ngài.

 

Nếu công nhận "tất cả mọi tạo vật" được hình thành theo thời gian và trong thời gian, như hệ luận thứ 2 trên đây đề cập đến, và nếu công nhận thời gian là biểu hiệu cho và là Thực Tại Tạo Thành của "tất cả mọi tạo vật", như hệ luận thứ ba trên đây đã nói, thì trước khi có thời gian đã không có một sự gì hết, ngoại trừ Nguyên Lý Đệ Nhất hay Hữu Thể Đệ Nhất là Thiên Chúa, cho đến khi, như Sách Khởi Nguyên trình thuật:

-   "Bấy giờ Thiên Chúa phán: 'Hãy có ánh sáng', liền có ánh sáng" (Gen.1:3)

-  "Đoạn Thiên Chúa phán: 'Hãy có một cái vòm ở giữa các nguồn nước để phân biệt phần nước này khỏi phần nước kia'. Và nó đã xẩy ra như vậy" (Gen.1:6)

-  "Đoạn Thiên Chúa phán: 'Hãy có các thứ ánh sáng trên vòm trời để phân biệt ngày và đêm...' Và nó đã xẩy ra như vậy" (Gen.1:14-15)

 

"Hãy có" theo ngôn ngữ mạc khải của Thánh Kinh Cựu Ước ở đây bao gồm hai ý nghĩa như sau:

 

Ý nghĩa thứ nhất: "Hãy có" nghĩa là trước đó chưa có hay không có gì cả, tức là trước đó hữu thể sẽ được Thiên Chúa tạo dựng còn là hư không, hay nói theo ngôn ngữ triết lý và thần học, tức nó hoàn toàn còn là một năng thể thuần túy trước khi, bởi ý muốn của Đấng Tạo Hóa, chính thức được trở thành một hiện thể.

 

Ý nghĩa thứ hai: "Hãy có" nghĩa là một mệnh lệnh tỏ ra ý  của một Đấng Tối Cao muốn tạo dựng một sự gì đó. Và vì Ngài là Đấng Tự Hữu, tức tự mình mà có, nên Ngài cũng là Đấng tuyệt đối tự do, hoàn toàn không lệ thuộc ngoại tại, tự mình làm gì cũng được, vô cùng toàn năng. Do đó, khi Ngài phán "hãy có" thì "liền có", như trường hợp Ngài dựng nên "ánh sáng" trong ngày thứ nhất, hay "nó đã xẩy ra như vậy", như trường hợp Ngài dựng nên "một cái vòm" trong ngày thứ hai, hay "các thứ ánh sáng trên vòm trời" trong ngày thứ ba.

 

5-             "Những sự hữu hình" được Thiên Chúa tạo dựng nên thứ tự từ mầm mống đến kiện toàn.

 

Nếu "những sự vô hình", theo nhận thức thứ ba trên đây, được Thiên Chúa dựng nên vào ngày thứ nhất, thì "những sự hữu hình", tất nhiên, phải được Thiên Chúa tạo dựng nên vào 5 ngày tạo dựng còn lại của Ngài.

 

Tuy nhiên, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan của mình, qua trình thuật về việc tạo dựng của Sách Khởi Nguyên cho thấy, "những sự hữu hình" chỉ thực sự xuất đầu lộ diện từ ngày thứ bốn trở đi, còn ngày thứ hai và nhất là ngày thứ ba, nó mới có mầm mống mà thôi.

 

Thế nên, nếu để ý sẽ thấy, trong hai ngày tạo dựng thứ nhất và thứ hai, là hai ngày Thiên Chúa tạo dựng thuần túy "những sự vô hình", sau khi Ngài hoàn tất những gì Ngài muốn tạo dựng nên trong ngày ấy, thì Thánh Kinh diễn đạt là "Thiên Chúa gọi" (Gen.1:5,8,10), chứ không phải là "Thiên Chúa thấy" (Gen.1:10,18,21,25) như sau khi Ngài  dựng nên những tạo vật từ ngày thứ ba trở đi, ngày "đất khô" là hình ảnh sống động nhất của sự sống tự nhiên, một sự sống được hữu hình hóa nơi "tất cả mọi tạo vật" là hiện thân của nó xuất đầu lộ diện.

 

Ngày tạo dựng thứ hai: "Những sự hữu hình" mới có mầm mống của mình được biểu hiện qua hình ảnh, như Sách Khởi Nguyên viết, "phần nước ở dưới cái vòm" (Gen.1:7). Như sẽ được nhận thức sau này về ý nghĩa của việc "Thiên Chúa phân ánh sáng ra khỏi tối tăm" (Gen.1:4) trong ngày tạo dựng thứ nhất, "phần nước ở dưới cái vòm" ở đây có thể được hiểu là ám chỉ về thứ sự sống tự nhiên, khác với "phần nước ở trên cái vòm" (Gen.1:7) ám chỉ về thứ sự sống siêu nhiên, sự sống ân sủng. (Xin xem cuốn Hận Thù Quyết Thắng, Cao-Bùi, 5/1996, chương 8, trang 105-121).

 

Ngày tạo dựng thứ ba: "Những sự hữu hình" mới có mầm mống của mình, sau nữa, còn được biểu hiệu qua hình ảnh "đất khô" (Gen.1:9-10), một hình ảnh của sự sống tự nhiên là một sự sống nói lên bản chất thiếu nước và cần nước để có thể làm cho "cây cỏ mang hạt giống" (Gen.1:11) sẵn có trong mình nẩy mầm và sinh hoa kết trái tốt tươi, một sự sống hoàn toàn khác biệt với sự sống đức tin, song lại không thể nào thiếu được sự sống đức tin, mà "biển khơi" (Gen.1:10) là hình ảnh tiêu biểu, để có thể trở nên một mảnh "đất tốt" (Mt.13:8,23) cho "hạt giống là Lời của Thiên Chúa" (Lk.8:11).

 

Ngày tạo dựng thứ bốn: Sự sống tự nhiên, về phương diện đạo lý, cần được vây bọc bởi nước của "biển khơi" đức tin thế nào, thì về phương diện thể lý, cũng cần phải được phát triển nhờ năng lượng sinh động của "các thứ ánh sáng trên vòm trời" (Gen.1:14) được Thiên Chúa tạo nên trong ngày tạo dựng thứ bốn như vậy. Thế rồi, cũng kể từ ngày tạo dựng thứ bốn này, sự sống tự nhiên bắt đầu bị chi phối bởi "hạn thời gian" (một thứ thời gian khác với siêu thời gian, xin xem lại nhận thức thứ hai), và chỉ đạt đến tầm vóc trọn vẹn của mình trong một khoảng "thời gian ấn định" (Gen.1:14), dưới ảnh hưởng của "hai nguồn sáng lớn, nguồn sáng to thì cai quản ban ngày, và nguồn sáng nhỏ thì cai quan ban đêm" (Gen.1:16).

Ngày tạo dựng thứ năm: Sự sống tự nhiên, trước hết có mầm mống trong đất là các hạt giống thuộc loài thảo mộc, như được tạo dựng nên trong ngày thứ ba, nhưng những hạt giống này chỉ bắt đầu nẩy mầm và mọc lên theo thời gian và trong thời gian kể từ sau ngày tạo dựng thứ bốn là thời điểm thế giới hữu hình đã có ánh sáng và nhiệt năng tự nhiên mà thôi. Nếu đất có mầm mống sự sống tự nhiên là các hạt giống thuộc loài thảo mộc thế nào, thì nước cũng có mầm mống sự sống tự nhiên như vậy, và cũng kể từ sau ngày tạo dựng thứ bốn, tức theo thời gian và trong thời gian, sẽ được phát triển thành đủ mọi hình thể riêng biệt của mình là "tất cả các giống bơi lội và tất cả các thứ chim có cánh bay" (Gen.1:21).

 

Ngày tạo dựng thứ sáu: Sự sống tự nhiên, sau ngày tạo dựng thứ bốn, tức theo thời gian và trong thời gian, đã phát triển hình thể thành tất cả những loài như cây cỏ mọc trên mặt đất, cá mú bơi lội trong nước và chim muông bay lượn trên vòm trời. Tuy nhiên, sự sống tự nhiên, theo ý định vô cùng khôn ngoan và quyền phép vô cùng toàn năng của Đấng Hóa Công, chỉ đạt đến hình thể trọn vẹn của mình nơi ngày tạo dựng thứ sáu, khi Ngài dựng nên các "sinh vật di động trên mặt đất" (Gen.1:28), đó là "tất cả mọi loài sinh vật: gia thú, các loài bò sát và các hoang thú đủ loại" (Gen.1:24), nhất là khi Ngài dựng nên một loài vừa di động trên mặt đất lại vừa có khả năng lẫn quyền thế trong việc "làm chủ cá biển, chim trời và tất cả mọi sinh vật di động trên mặt đất" (Gen.1:28) nữa, đó là lúc "Thiên Chúa phán: 'Chúng Ta hãy làm nên con người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta..." (Gen.1:26).

 

6-             "Những sự hữu hình" trên địa cầu được Thiên Chúa ban cho khả năng tiến hóa.

 

Mạc khải từ Sách Khởi Nguyên liên quan đến trình thuật về sáu ngày tạo dựng của Thiên Chúa, như được sơ diễn trên đây, còn cho thấy cách thức Thiên Chúa dựng nên "tất cả mọi tạo vật". Căn cứ vào lời Thiên Chúa truyền phán khi Ngài  tạo dựng từng ngày trong sáu ngày tạo dựng của Ngài, có thể nói, Ngài chẳng những đã dựng nên "tất cả mọi tạo vật" trực tiếp mà còn gián tiếp nữa.

 

Thiên Chúa đã tạo dựng một cách trực tiếp khi Ngài phán: "Hãy có..." cái gì đó, nghĩa là hãy từ không có (vô hữu) ra có (hiện hữu) như trường hợp Ngài dựng nên "ánh sáng" trong ngày tạo dựng thứ nhất, nên "một cái vòm" trong ngày tạo dựng thứ hai, nên "các thứ ánh sáng trên vòm trời" trong ngày tạo dựng thứ bốn.

 

Thiên Chúa đã dựng nên một cách gián tiếp khi Ngài phán Cái gì đó "Hãy..." thế này thế kia, chứ không phải "hãy có..." cái này hay cái kia nữa. Khi Thiên Chúa phán cái gì đó "hãy..." thế này thế kia tức là Ngài ban cho cái đã hiện hữu, đã được Ngài dựng nên từ vô hữu trước đó, có một tiềm năng bẩm sinh và một khả năng phát sinh theo định luật tiến hóa tự nhiên đúng như ý định của Ngài, để một năng thể khác, tức một hậu sinh vốn được chất chứa trong nó, nhờ nó là một tiền thân, có thể xuất thân.

 

Tuy nhiên, việc tiến hóa nơi tạo vật ở đây, vì tiến hóa theo khả năng bẩm sinh được Tạo Hóa ban cho, nên tạo vật chỉ  tiến hóa theo định luật được Ngài ấn định mà thôi. Chính bởi thế mà, theo mạc khải được ghi nhận trong Kinh Thánh nơi đoạn đầu của Sách Khởi Nguyên, tạo vật chỉ tiến hóa và hình thành theo tầm vóc hiện hữu ấn định trong ngày tạo dựng riêng của mình.

 

Qua đường lối Thiên Chúa tạo dựng gián tiếp, những hậu sinh đã được từ từ hình thành theo thời gian và trong thời gian qua những ngày tạo dựng của Thiên Chúa có thể được kể đến như sau:

 

- "Đất khô" trong ngày tạo dựng thứ ba, khi Thiên Chúa phán "Nước dưới bầu trời hãy tụ lại thành một cái hồ, để đất khô có thể lộ ra" (Gen.1:9)'

 

- Cá biển chim trời trong ngày tạo dựng thứ năm, khi Ngài phán: "Nước hãy phát sinh muôn vàn các sinh vật (loài bơi lội), và trên mặt đất chim (loài có cánh) hãy bay dưới vòm trời" (Gen.1:20)' và

 

- Các sinh thú trên mặt đất, khi Ngài phán: "Đất hãy phát sinh tất cả mọi thứ sinh vật: gia súc, các thứ bò sát cùng các dã thú đủ mọi loại" (Gen.1:24).

 

Con người, theo bản tính 'linh ư vạn vật' của mình, tuy là một loài tạo vật cao cả nhất trong "những sự hữu hình", về thể lý, cũng được Thiên Chúa gián tiếp dựng nên trong ngày tạo dựng thứ sáu, khi "Thiên Chúa hình thành con người từ đất sét" (Gen.2:7).

 

Như thế có nghĩa là thân xác hữu hình của con người, như thân xác của các loài thú (xem Gen.1:24), cũng được và cùng được phát sinh từ đất, chứ không phải thân xác của con người được phát sinh hay được tiến hóa từ loài thú có trước.

Như thế còn có nghĩa là, "đất khô", theo ý định của Thiên Chúa, xuất thân trong ngày tạo dựng thứ ba và là hiện thân cho sự sống tự nhiên, vốn chất chứa những mầm mống mà, vào thời điểm của mình, sẽ được phát hiện đúng với nòi giống và tầm vóc thụ tạo của mình, như đã xẩy ra nơi các loài thực vật chỉ có sinh hồn trong ngày Thiên Chúa tạo dựng thứ năm, hay các loài động vật chẳng những có sinh hồn mà còn có cả giác hồn trong ngày Thiên Chúa tạo dựng thứ sáu, ngày con người theo xác thể giống như loài động vật cũng được Thiên Chúa dựng nên.

 

Thế nhưng, việc con người được hình thành về thể lý không phải chỉ hoàn toàn xẩy ra một cách tự nhiên vậy thôi, mà còn có một tính cách thần linh và siêu nhiên, một tính cách được phản ảnh qua ý Thiên Chúa muốn "dựng nên con người giống hình ảnh Ngài" (Gen.1:27), cũng như được diễn đạt qua cách Thiên Chúa thực hiện trong việc dựng nên con người "để con người trở thành một hữu thể sống động" (Gen.2:7).

 

7-         "Tất cả mọi sự" được Thiên Chúa dựng nên bắt đầu từ tình trạng chưa trọn đến tình trạng viên trọn theo đúng như ý Ngài muốn.

 

Nhận thức này được căn cứ vào ngôn từ và cách thức mà Sách Khởi Nguyên sử dụng và diễn tả trong việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất trong sáu ngày, để nói lên những gì Thiên Chúa muốn mạc khải.

 

Nhận thức này, trước hết, được sáng tỏ qua câu Sách Khởi Nguyên kết thúc mỗi một ngày Thiên Chúa tạo dựng: "Chiều tối đến và tiếp theo là buổi sáng - ngày thứ nhất...hai...ba...bốn...năm...sáu" (Gen.1:5,8,13,19,23,31).

 

Tại sao ở đây, theo ngôn từ và cách diễn đạt của Thánh Kinh, "buổi chiều tối" lại đến đến trước "buổi sáng", ngược hẳn với  hiện tượng ngày đêm sáng tối tự nhiên?

 

Nếu "chiều tối" biểu hiệu cho những gì tàn phai và "buổi sáng" là biểu hiệu cho những gì tươi tốt, thì không phải hay sao, những ngôn từ Thánh Kinh này đã nói lên tiến trình hình thành của tạo vật từ tình trạng hay trình độ "chiều tối" lờ mờ thiếu ánh sáng, đến tình trạng hay trình độ "buổi sáng" tỏ tường trước ánh sáng mặt trời.

 

Chính vì tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng nên theo tiến trình từ chưa trọn đến viên trọn như thế, mà sau khi chúng được tạo dựng, Thánh Kinh diễn tả là: "Thiên Chúa gọi" (Gen.1:5,8,10), hay "Thiên Chúa thấy" (Gen.1:10,18,21,25), tức là chúng đã trở nên đích thực như Thiên Chúa muốn "gọi", như trường hợp tạo dựng xẩy ra nơi "những sự vô hình", hay là chúng thành hình một cách "tốt đẹp" (Gen.1:10,12,18,25) đúng như Thiên Chúa muốn "thấy", như trường hợp tạo dựng xẩy ra nơi "những sự hữu hình".

 

Bởi thế, "tất cả mọi tạo vật" chỉ thực sự là mình và mang tính chất tốt đẹp khi ở trong hay sống trong Thánh Ý Chúa, Tạo Hóa Chí Tôn của mình cũng là Sự Thiện Tuyệt Đối  của mình mà thôi:

"Nhờ Người (Lời) mà mọi sự được hiện hữu, ngoài Người ra không có gì hiện hữu được. Điều gì được hiện hữu trong Người thì có sự sống, một sự sống sáng soi con người" (Jn.1:3-4).

Thế nhưng, làm sao "tất cả mọi tạo vật" có thể nhận thức được mình như Thiên Chúa muốn và sống đúng với ý của Đấng Tạo Dựng mình, nếu chúng không được Ngài mạc khải cho biết Ngài.

 

Mạc khải qủa thực chính là việc Thiên Chúa làm trong "ngày thứ bảy" (Gen.1:2-3), đó là việc Thiên Chúa thánh hoá "tất cả mọi tạo vật" Ngài đã tạo dựng nên trong sáu ngày, bằng cách tỏ mình Ngài ra.

 

Nếu nhờ mạc khải của Thiên Chúa mà "tất cả mọi tạo vật" được thánh hóa trong ngày thứ bảy thế nào, thì mạc khải cũng là việc Thiên Chúa muốn thông mình cho "tất cả mọi tạo vật", để "tất cả mọi tạo vật" có thể chia sẻ sự sống thần linh vô cùng trọn hảo và viên mãn  của Ngài như thế.

 

Vậy Thiên Chúa đã tỏ mình Ngài ra cho "tất cả mọi tạo vật" như thế nào, nếu không phải Ngài đã mạc khải cho "tất cả mọi tạo vật" theo thứ tự của cấp trật ân sủng được ban phát trong Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng "nhờ Người mà muôn vật được tạo thành"?