Trích Ðời Thênh Thang Sống của Cao tấn Tĩnh

 

2. LƯƠNG TRI LÀ ƠN GỌI LÀM NGƯỜI
 


Một nhóm thanh thiếu niên trung học tại Hạt Orange, gồm 2 em gốc Trung Hoa (1 là chủ mưu và 1 là nạn nhân), 3 em gốc Đại Hàn và 1 em người Mễ. Trừ em người Mễ bị chậm trí khôn, ngoài ra, tất cả đều xuất sắc về học lực và là con nhà giầu có. Vì một lý do nào đó, bạn bè đã trở thành thù địch bất cộng đái thiên (không đội trời chung) của nhau, cần phải tiêu diệt.

Bọn chủ mưu đã tập dượt kỹ lưỡng tiến trình thủ tiêu nạn nhân một ngày trước. Nạn nhân bị chết trong thế co quắp, vì bị hành hạ hội đồng hết sức dã man trong vòng 20 phút, bằng búa, bằng gậy chơi banh quật và còn bị bịt miệng uống cồn.

Thi thể nạn nhân được chôn vội ở một gốc cây sau vườn nhà của em người Mễ, tay đao thủ phủ đánh thuê trong cuộc. Chiếc xe hơi của nạn nhân được lệnh, đeo găng tay, lái bỏ ở một thành phố thuộc Hạt Los Angeles, để đánh lạc hướng cuộc điều tra. Tối hôm đó, chẳng những không cao bay xa chạy, cả bọn chủ mưu còn đi dự tiệc vui, như không sợ bị lộ tẩy tung tích.

Thế rồi, sau khi đi dự tiệc vui về, bị lương tâm cắn rứt dữ dội, một trong 3 em học sinh gốc Đại Hàn đã cho mẹ mình biết tất cả diễn tiến của án mạng mà em không ngờ xẩy ra quá ư là tàn nhẫn và khủng khiếp ngoài dự tưởng của em. Dù thương con, lương tâm vẫn thúc giục người mẹ khuyên đứa con vụng dại của mình đi tự thú. Để rồi, sau cú điện thoại từ gia đình này, vụ án mạng đã được phơi bày trước công lý và dư luận, như tờ Los Angeles Time đăng tải vào ngày Thứ Tư 6/1/1993.

Kể cả những kẻ đã mất lương tri, còn là người, tận thâm tâm, ai cũng phải công nhận là mình có một cái gì đó không phải là tầm thường, ở trong mình mà không thuộc về mình, lại có quyền chi phối tâm tư của mình, cũng như có quyền sửa trị và hành quyết việc làm sai trái bất chính không hợp với luân thường và đạo lý của mình.

Bởi thế, trước khi làm một điều gì có vẻ bất chính, con người cảm thấy áy náy, đến nỗi, nếu không dùng lý trí ngụy biện để trấn an tâm trạng áy náy này, họ sẽ không thể nào thực hiện được việc ấy.

Cho dù có bị lý trí của con người dùng ngụy biện để lấn át và đè bẹp dưới những hành động bất chính của họ, “cái gì đó” vẫn không thể nào bị tận diệt. Thế nên, họ vẫn cảm thấy khổ tâm bức rức, ăn không ngon, ngủ không yên. Nhiều khi họ bị khổ tâm đến nỗi, thà chịu luật pháp trừng phạt còn hơn bị lương tâm cắn rứt, như trường hợp của em học sinh gốc Đại Hàn trên đây.

Như thế, con người thật ra không phải chỉ là một con vật có lý trí mà thôi.

Nếu con người là một con vật có lý trí mà thôi, họ có thể sẽ trở nên một con vật đần độn nhất, gian ác nhất, mù quáng nhất, và hèn hạ nhất.

Nếu con người là một con vật có lý trí mà thôi, họ có thể sẽ là một con vật đần độn nhất.

Ở chỗ, họ sống theo duy ly, cho rằng chỉ có những gì họ nghĩ ra mới là những điều đúng nhất. Do đó, họ luôn chủ quan trong mọi sự. Cho dù có tránh hùm phải hạm họ cũng chưa chắc đã chịu mở mắt ra, hay lại càng làm cho họ càng thêm cố chấp.

Nếu con người là một con vật có lý trí mà thôi, họ có thể sẽ là một con vật gian ác nhất.

Ở chỗ, họ sống theo duy tâm, cho rằng chỉ có những gì họ muốn mới là tốt lành nhất, thiện hảo nhất. Họ là một con người tự ái đệ nhất thiên hạ. Điều hợp với mình, cho dù tự nó xấu đến đâu, hại đến mấy và bị chống đối thế nào đi nữa, với phương tiện biện minh cứu cánh, họ cũng phải tìm cách chiếm đoạt hay bảo vệ cho bằng được.

Nếu con người là một con vật có lý trí mà thôi, họ có thể sẽ là một con vật mù quáng nhất.

Ở chỗ, họ sống theo duy nghiệm, cho rằng chỉ có những gì họ cảm thấy được bằng ngũ quan của họ mới có thật, ngoài ra, tất cả chỉ là ảo giác, ảo tưởng và ảo vọng, sản phẩm do con người tưởng tượng mà ra. Tôn giáo đối với họ chỉ là thuốc phiện, ru ngủ và làm tê liệt hoạt động hiện sinh trần thế, cần phải loại trừ trước nhất.

Nếu con người là một con vật có lý trí mà thôi, họ có thể sẽ là một con vật hèn hạ nhất.

Ở chỗ, họ sống theo duy vật, cái gì có lợi thực tế mới làm; trái lại, hễ điều gì bất lợi thì hết sức trốn tránh hay tìm đủ mọi cách để loại trừ. Theo lý thuyết, họ sống theo luật tiến hóa tự nhiên, hơn nhau sẽ tồn tại, nhưng trên thực tế, họ áp dụng luật rừng mạnh được yếu thua.

Chủ thuyết và chế độ Cộng Sản đã diễn ra trong lịch sử loài người không phải là một trường hợp điển hình nhất về những trường hợp được mô tả trên đây, nếu con người là một con vật có lý trí mà thôi hay sao?

Nếu con người là một con vật có lý trí mà thôi, đầy duy lý, duy tâm, duy nghiệm và duy vật như thế, cộng sản hay tư bản cũng đồng nghĩa với nhau.

Không phải hay sao, sản phẩm r ràng nhất mà xã hội văn minh theo tư bản ngày nay đã và đang tăng gia sản xuất đó là con người duy ngã, con người sống theo niềm tin chính là hiện sinh và tôn thờ đạo giáo chính là cá nhân chủ nghĩa.

Ở chỗ, họ chỉ biết có nhân quyền, chứ không cần biết đến nhân nghĩa; họ chỉ tôn trọng công bằng, chứ không thực thi nhân ái; và họ chỉ sống theo luật làm người hơn là đạo làm người.

Thế nhưng, sống như vậy, đời của họ sẽ không bao giờ được bình an, vì con người của họ chưa đạt đến tầm vóc trọn hảo chính thức của nó. Xã hội loài người còn đầy những bất công là vì thế. Thế giới đã, đang và còn xẩy ra những cuộc đại chiến là vì thế. Đời sống gia đình đang xáo trộn và tan nát là vì thế v.v.

Thử hỏi, vào một lúc nào đó, các hành tinh trong vũ trụ bao la hầu như vô tận này không còn tuân theo định luật tự nhiên nữa, cái gì sẽ xẩy ra? Nếu không phải là tận thế! Sở dĩ vũ trụ này còn tồn tại cho tới bây giờ, là vì tất cả mọi hành tinh cũng như mỗi một hành tinh, trong đó có cả trái đất của chúng ta, không ngừng tuân theo nguyên lý vận hành chung của thiên nhiên.

Xã hội loài người cũng thế. Nếu mỗi người cũng như tất cả mọi người biết tuân theo nguyên tắc chung của cuộc sống làm người, gia đình, quốc gia và xã hội loài người sẽ không bao giờ có tình trạng không ngừng biến động, dọc suốt lịch sử, từ khi mở màn và có lẽ cho đến khi hạ màn.

Nguyên tắc chung của cuộc sống làm người đây là gì, nếu không phải là nguyên tắc luân lý phổ quát mà, đã là người, dù ở đâu và sống vào thời nào đi nữa, cũng phải công nhận và phải theo mới được.

Nguyên tắc luân lý phổ quát đó là: Yêu người như thể thương thân” (Thành Ngữ Việt Nam), hay “đừng làm cho người khác điều gì mìnhkhông muốn người khác làm cho mình” (Khổng giáo), hoặc “Hãy làm cho anh em điều ngươi muốn anh em làm cho mình” (Kitô giáo).

Vì là một nguyên tắc sống để làm người như vậy, đã là người có trí khôn lành mạnh và từ khi biết sử dụng trí khôn, ai cũng thấy rằng mình bị ràng buộc bởi nó.

Mặt trời cố định và tỏa sáng làm cho mọi vật trong vũ trụ sinh động điều hòa thế nào, trong tiểu vũ trụ là con người cũng vậy, theo một mức độ nào đó, lương tri được ví như mặt trời cố định và tỏa sáng giúp cho tâm trí trong con người, tác hành qua thân xác, được xứng với phẩm vị làm người của mình.

Bị chi phối bởi tình cảm, giác quan và bản năng tự nhiên, dù là một con vật có lý trí, vượt trên mọi loài thú vật, tự mình, con người cũng không thể nào khôn ngoan cho đủ, để làm lành lánh dữ, nếu không có lương tri.

Có những điều, theo lý trí, chúng ta cứ tưởng đó là lành, vì tác dụng của nó, nhưng, trên thực tế, nó lại là dữ, vì bản chất của nó.

Chẳng hạn, việc làm ơn cho người bệnh trầm trọng không còn cách cứu chữa được chết một cách êm dịu. Tiểu bang California, nơi đầu tiên trên thế giới, vào cuối năm 1992, đã đi tiên phong đưa ra một dự luật chết ân huệ này. Dự luật này đã bị giới Công Giáo trong tiểu bang kịch liệt phản đối bằng chiến dịch bỏ phiếu chống.

Trên thực tế, không phải tất cả mọi điều luật pháp do loài người tạo ra cũng hợp với lương tri của con người.

Nếu vậy, tại sao lại có những khoản luật gây ra phân rẽ trầm trọng trong xã hội. Nhóm thì pro-choice (quyền chọn), nhóm thì pro-life (quyền sống).

Do đó, không phải con người làm những gì luật pháp cho phép đều yên tâm. Thử hỏi, dù làm một việc hợp pháp, trong số những người mẹ lần đầu tiên phá thai có bao nhiêu bà được yên tâm?

Vẫn biết phạm tội không phải là trực tiếp phạm đến lương tri, cho bằng phạm đến nguyên tắc làm người mà lương tri nhắc nhở họ phải giữ, cũng như phạm đến thực tại mà lương tri ngăn cản họ đừng làm, như phạm đến cá nhân mà họ hãm giếp, cướp bóc, sát hại v.v.

Thế nhưng, không làm theo những nhắc nhở khách quan và chính đáng của lương tri chân thực là con người đã khinh thường và phủ nhận lương tri, một thái độ tự nó đã là mầm mống tội lỗi, và chắc chắn sẽ trở thành tội mỗi khi có dịp.

Trong cuốn sách Khởi Nguyên của Do Thái Giáo, lương tri của con người được ví như cây biết lành biết dữ mà Thiên Chúa trồng ở trong vườn địa đường, cây mà Ngài phán với ông Adong và bà Evà, tổ tông của loài người, ngay từ ban đầu là không được ăn, kẻo chết. Thế mà, nguyên tổ loài người đã ăn, tượng trưng cho việc nuốt tiếng lương tâm. Từ đó, theo niềm tin của chung Thiên Chúa Giáo, con người thực sự đã chết, với một bản tính hoàn toàn bị băng hoại về luân lý cũng như đạo lý.

Thật ra, khi làm sai trái điều gì, sau đó, con người cảm thấy mình bị cắn rứt và khổ tâm, thì không phải là vì, theo ngôn ngữ vẫn nói, bị lương tâm cắn rứt.

Ánh sáng mặt trời vẫn chiếu soi, tại sao lúc đau mắt, chúng ta cảm thấy nhức nhối khi đối diện với ánh sáng hơn là lúc mắt chúng ta bình thường, lúc mắt chúng ta cần đến ánh sáng hơn bao giờ hết.

Cũng thế, một khi lý trí của chúng ta bất bình thường, vì bị yếu kém, hay quá quen với bóng tối đam mê tội lỗi, khi gặp ánh sáng của lương tri, dù mờ mờ ảo ảo đi nữa, nó cũng cảm thấy khó chịu, đến nỗi nhiều khi nó phải nhắm lại hay quay đi cho đỡ chói.

Khi làm một việc bất chính mà vẫn không cảm thấy áy náy hay hối tiếc gì cả, đó là dấu hiệu chai đá nơi một con người mất lương tri, mà chúng ta hay gọi là một con người bất lương.

Một con người bất lương hay mất lương tri như thế, không phải là vì lương tri không còn ở với họ nữa, không còn chiếu soi họ nữa, mà vì lý trí của họ đã bị giam cầm trong những hang động tối tăm của tham vọng và duc vọng, hay chính họ đã đóng cửa lòng mình lại bằng thái độ chủ quan cố chấp bất chính của mình.

Một con người bất lương hay mất lương tri như thế cũng có thể được gọi là một con người mất gốc. Bởi vì, ở trong tình trạng này, họ hầu như đã hoàn toàn mất tính người. Tính người ở đây không phải là bản tính là người, được cấu tạo bởi hồn thiêng và xác chất, mà là phẩm tính làm người, được gọi là nhân phẩm.

Vì hướng hạ hơn là hướng thượng, tiềm tàng một sự chết liên lỉ tạo nên bởi sự phân rẽ kịch liệt giữa hồn linh và xác thể, lương tri, theo tác dụng của nó đối với con người, cũng được ví như mặt trời chói lọi chiếu vào thâm tâm tăm tối của mỗi người.

Thực ra, tự bản chất, lương tri không phải là mặt trời. Nó không phải chính là một bầu ánh sáng, tự mình phát sáng và ánh sáng phát ra từ nó làm sinh động tiểu vũ trụ con người, như mặt trời trong đại vũ trụ thiên nhiên.

Đối với con người, lương tri giống như vầng trăng soi sáng ban đêm, ánh sáng lãnh nhận từ mặt trời, ánh sáng làm cho con người, đang sống trong đêm tối của bản năng tự nhiên bị sự chết là tình trạng chia rẽ giữa hai phần thượng hạ trong mình bao chụp, có thể nhờ nó mà không bị lạc hướng làm người của mình.

Như vầng trăng xoay quanh trái đất, lương tri cũng xoay quanh con người mù tối, để trong đêm đen của cuộc đời khổ ải lại đầy gian ác này, họ khỏi rơi xuống hố trụy lạc.

Thế nhưng, để tăng trưởng và kiện toàn tầm vóc linh ư vạn vật của mình, con người, như trái đất, chẳng những phải tự xoay vần, bằng những nỗ lực không ngừng của mình, đồng thời còn phải xoay quanh mặt trời là nguồn sống của mình, bằng niềm tin là Văn Hóa Thần Linh chiếu tỏa từ mặt trời.

Không một vật nào trong vũ trụ có thể đến gần mặt trời. Song nó vẫn có đó, rất thực tế, rất cụ thể, bằng chính ánh sáng của nó, vừa để soi sáng, vừa để tạo nhiệt năng, mà tác dụng là làm sinh động vạn vật dưới ánh hưởng của nó.

Cũng thế, không ai có thể thấu triệt và đến gần được Thực Tại Thần Linh vô cùng siêu việt. Nhưng, Thực Tại này vẫn r ràng hiện diện mà con người, với một tâm trí lành mạnh, chắc chắn sẽ nhận ra. Nó chẳng những bao trùm họ, như ánh sáng mặt trời, mà còn ở ngay trong chính thâm tâm họ, bằng ánh sáng lương tri.

Tuy không phải là chính men làm dậy lên, trong và cho con người, tầm vóc hoàn thiện của họ, mà chỉ là muối ướp giữ cho họ khỏi ươn thối, lương tri cũng là một tấm gương, càng trong sáng bao nhiêu, càng phản chiếu Thực Tại Thần Linh này bấy nhiêu, một Thực Tại Thần Linh tự tỏ mình ra cho con người, (như mặt trời hiện diện là để chiếu soi vạn vật), làm sinh động và kiện toàn con người trong ảnh hưởng của nó là chính Văn Hóa Thần Linh tỏa xuống trên họ.

Văn Hóa Thần Linh là gì, nếu không phải là những gì phát xuất từ chính Thực Tại Thần Linh vô cùng siêu việt, để soi sáng cho trí khôn, tài năng nơi con người hướng về và tìm kiếm sự Toàn Chân, để sinh động lòng muốn, tài năng nơi con người hướng về và tìm kiếm sự Toàn Thiện, và để tăng triển tinh thần, sinh lực của con người hướng về và tìm kiếm sự Toàn Mỹ.
 

Nội Dung, Giới Thiệu và Nhập Ðề

1.- Sống Ðộng là tăng trưởng tầm vóc