GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 29/10/2005,

NGÀY THÁNH MẪU

 

?   CHUỖI HẠT TRONG TÚI

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới” (tiếp)

? Tân Lãnh Tụ Iran: “Loại Trừ Do Thái khỏi bản đồ thế giới

 

?   CHUỖI HẠT TRONG TÚI
 

Vào Mùa Chay năm 1995, Cha Đỗ Quang Biên ở San Diego, cha bố của Đức Cha Bùi Văn Đọc, cũng là cha linh hồn của vợ tôi, được Cha Lê Sơn Hà mời lên Giảng Tĩnh Tâm cho cộng đoàn Đức Mẹ Mân Côi ở Pomona, California. Gia đình chúng tôi đã dẫn ngài đến thăm ông bà Chu Văn Hữu ở Baldwin Park thuộc TGP/LA (bấy giờ), vì ông bà rất thân quen với cha từ Đà Lạt và bấy giờ bà đang bị bệnh hầu như tê liệt tất cả mọi hoạt động bên ngoài, không đi đâu được, kể cả đi lễ. Trong bữa tiếp tân của ông bà, chúng tôi đã được nghe ông Hữu kể lại câu truyện sau đây.

Ông vừa đi đưa đám tang của bác sĩ Trung ở San Diego, sau khi giúp cho vị bác sĩ này trở lại, bằng cách mời cha Đỗ Quang Biên đến ban Bí Tích Rửa Tội cho ông. Ông Hữu cho chúng tôi biết rằng, bác sĩ Trung này rất giỏi, có tiếng từ Việt Nam. Con cái đứa nào cũng công thành danh toại, cũng bác sĩ, nha sĩ v.v. Tuy nhiên, khi ông bị bệnh nặng gần chết, không một đứa nào về thăm ông, chỉ trừ một đứa duy nhất (vì lý do gì đó không biết). Bởi vì, theo ông Hữu, chúng nó hận bố chúng nó, vì người bố này đã sống một cuộc sống rất bê bối về luân lý, đến nỗi, đã làm cho mẹ của họ bị chứng bệnh điên loạn tâm thần, rất khốn nạn đáng thương. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã hối hận và trở lại chẳng những với vợ con mà còn với cả Thiên Chúa nữa.

Nghe thế, tôi thắc mắc hỏi ông bà Hữu: “Anh chị có nghĩ là tự nhiên ông bác sĩ bê bối này trở lại với Chúa không? Em nghĩ là thế nào cũng phải có một cái gì đó nơi cuộc đời của ông ta?” Ông Hữu ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời: “Ở Việt Nam, sau năm 1975, trong nhà ông bao giờ cũng đốt một cây nến trước tượng Đức Mẹ. Không một ai được phép tắt đi”.

 

Nghe thấy chồng kể như vậy, bà Hữu mới nhớ ra một chi tiết về ông bác sĩ này, liền tiếp, đại khái như sau: “Có dạo bác sĩ này đã đến thăm gia đình chúng tôi mấy hôm… Lần ấy tôi thu quần áo trong nhà đi giặt, trong đó có quần áo của cả ông khách. Trước khi giặt bao giờ tôi cũng kiểm xem có gì trong tất cả mọi túi quần áo. Tôi thấy trong túi quần của ông ta có một cỗ tràng hạt Mân Côi…”.

“À thì ra thế!”. Tôi cảm nhận.

Chúng ta không biết vị bác sĩ cả đời ngoại giáo và bê bối này có bao giờ lần chuỗi hay chăng, và tại sao ông lại có tràng chuỗi trong túi, ai đã cho ông, vì nguyên do nào ông đã làm như vậy? Tất cả đều vẫn còn là một bí mật. Chúng ta chỉ biết rằng, cuối cùng ông bác sĩ này đã được cứu độ, chỉ vì đời sống của ông có một chút dính dáng đến Mẹ Maria, thế thôi.

Tôi xin thuật lại truyện nghe kể này để chúng ta Cùng Mẹ Ngợi Khen Chúa, và để nhớ đến bà Hữu, nhũ danh là Maria Phạm Thị Mùi, ngườ
i đã qua đi sau gần 74 năm sống trên trần gian vào lúc 11 giờ đêm ngày 22/10/2005, ngày kỷ niệm đúng 27 năm đăng quang của ĐTC GPII, sau 45 năm chịu bệnh..., chịu bệnh với tràng chuỗi Mân Côi không bao giờ rời tay, nhất là những giây phút đớn đau nhất, nguy tử nhất, trong thời gian cuối đời nằm trong phòng ICU tại bệnh viện UCI ở Orange County California, và hôm nay, Thứ Bảy 29/10/2005, bà đã được an táng tại nghĩa trang Rose Hills trong TGP/LA, để chờ ngày thân xác hơn nửa đời bệnh hoạn của bà được biến đổi nên giống như thân xác phục sinh của Chúa Kitô Tái Giáng!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

 

 

TOP

 

 

   “Thánh Thể là Bánh Sự Sống cho Hòa Bình Thế Giới”

 

(tiếp 27 Thứ Năm 28 Thứ Sáu)

 

Trong phiên họp chung thứ 20 hôm Thứ Sáu 21/10/2005, các vị nghị phụ đã chấp thuận Sứ Điệp của Thượng Nghị Giám Mục gửi Dân Chúa khi kết thúc biến cố Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI. Sau đây là nguyên văn bản sứ điệp này:

 

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”

 

7.         Vào tối áp cuộc khổ nạn của mình, “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, làm phép, bẻ ra, và trao cho các môn đệ mà phán ‘Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thày’. Đoạn Người cầm lấy chén, và khi dâng lời tạ ơn, Người đã trao cho các vị mà phán ‘Tất cả các con hãy uống chén này; vì đây là máu Thày, máu giao ước đổ ra cho nhiều người được tha tội (Mt 26:25-28). Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19; 1Cor 11:24-25). Từ ban đầu, Giáo Hội đã tưởng nhớ đến cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu bằng cùng những lời lẽ và tác động của Bữa Tiệc Ly, bằng cách xin Thần Linh biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô. Chúng tôi mạnh mẽ tin tưởng và chúng tôi truyền dạy theo truyền thống liên lỉ của Giáo Hội rằng những lời lẽ Chúa Giêsu được vị linh mục công bố trong Thánh Lễ, theo quyền năng của Thánh Thần, là những gì tác hiệu những gì lời lời ấy muốn nói lên. Những lời ấy làm phát sinh sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô phục sinh (CCC 1366). Giáo Hội sống bởi tặng ân tuyệt hảo này, một tặng ân qui tụ Giáo Hội, thanh tẩy Giáo Hội và biến đổi Giáo Hội thành thân thể duy nhất của Chúa Kitô là thân thể được sinh động bởi một Thần Linh duy nhất (x Eph 5:29).


Thánh Thể là tặng ân của tình yêu, tình yêu của Chúa Cha đã sai Người Con duy nhất của mình đến để thế gian được cứu độ (x Jn 3:16-17); tình yêu của Chúa Kitô là Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng (x Jn 13:1); tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Linh (x Rm 5:5) là Đấng kêu lên trong chúng ta “Abba, Cha ơi!” (Gal 4:6). Bởi thế, trong việc cử hành Hy Tế Thánh, chúng ta hân hoan loan báo ơn cứu độ thế giới khi tuyên xưng cuộc tự nạn vinh thắng của Chúa Kitô cho đến khi Người lại tới. Trong mối hiệp thông với Mình Chúa Kitô, chúng ta lãnh nhận “bảo chứng” phục sinh của chúng ta.

 

8.         Bốn mươi năm sau Công Đồng Chung Vaticanô II, chúng tôi muốn kiểm điểm lại xem cho tới mức độ nào những mầu nhiệm đức tin được thể hiện một cách thích đáng và được cử hành nơi các cộng đồng phụng vụ của chúng ta. Thượng Nghị này tái xác nhận rằng Công Đồng Chung Vaticanô II đã đặt một nền tảng cần thiết cho một cuộc canh tân phụng vụ đích thực. Giờ đây cần phải vun trồng những hoa trái của cuộc canh tân này, và sửa chữa những lạm dụng đã lọt vào được việc thực hành phụng vụ. Chúng tôi tin rằng việc tôn trọng tính chất linh thánh của phụng vụ được truyền đạt bởi sự trung thành chân thực với các qui chuẩn phụng vụ của thẩm quyền hợp pháp. Không ai được coi mình là chủ nhân ông của phụng vụ Giáo Hội. Niềm tin sống động nhìn nhận sự hiện diện của Chúa là điều kiện tiên khởi cho những việc cử hành phụng vụ tuyệt vời, những việc cử hành vang lên tiếng “Amen” chân chính cho vinh quang Thiên Chúa. Những việc cử hành mang lại ánh sáng nơi đời sống Thánh Thể của Giáo Hội.

 

9.         Công cuộc của Thượng Nghị này đã tiến hành trong một bầu khí hân hoan huynh đệ được nuôi dưỡng bằng việc bàn luận cởi mở về những vấn đề khác nhau và những chia sẻ tự phát về những hoa trái của Năm Thánh Thể. Việc hiện diện lắng nghe và những góp ý của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã là một mẫu gương cho tất cả chúng ta và là một thứ nâng đỡ quí báu. Nhiều cuộc góp ý đã tường trình cho thấy sự kiện tích cực và vui mừng, chẳng hạn như việc ý thức lại tầm quan trọng của Thánh Lễ Chúa Nhật; việc gia tăng số ơn gọi linh mục và sống đời tận hiến ở những nơi khác nhau trên thế giới; những cảm nghiệm mãnh liệt về các Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đã lên tới tột độ ở Cologne Đức quốc; việc phát triển nhiều sáng kiến về việc tôn thờ Bí Tích Thánh hầu hết ở mọi nơi trên thế giới; việc cải tiến vấn đề giáo lý về Phép Rửa và Thánh Thể theo chiều hướng Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo; việc phát triển những phong trào và các cộng đồng là những nơi tạo nên các vị thừa sai cho việc tân truyền bá phúc âm hóa; việc gia tăng thành phần giúp lễ trẻ trung mang mầm hy vọng cho những ơn gọi mới, và nhiều sự kiện khác khiến chúng ta phải dâng lời tạ ơn.

 

Sau hết, các vị Nghị Phụ hy vọng rằng Năm Thánh Thể là khởi sự và là khởi điểm cho một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa nhân loại được toàn cầu hóa chúng ta đây, một cuộc tân truyền bá phúc âm hóa được bắt đầu với Thánh Thể.

 

10.       Chúng tôi ước mong rằng “”cái ngỡ ngàng về Thánh Thể” (EE 6) dẫn tín hữu đến một đời sống đức tin luôn mãnh liệt hơn. Để được như thế, các truyền thống Giáo Hội Đông phương và Công giáo cử hành Phụng Vụ Thần Linh, vun trồng kinh nguyện của Chúa Giêsu và việc chay tịnh Thánh Thể, trong khi đó, truyền thống Latinh lại nuôi dưỡng một thứ “linh đạo Thánh Thể”, một linh đạo đạt đến tột đỉnh của nó nơi việc cử hành Thánh Thể. Cũng thực hiện việc tôn thờ Bí Tích Thánh ngoài Thánh Lễ, Phép Lành Thánh Thể, kiệu rước Thánh Thể, cùng những cuộc bộc lộ lành mạnh của lòng đạo đức phổ thông. Thứ linh đạo như vậy chắc chắn sẽ cho thấy là một nguồn rất phong phú để nâng đỡ cuộc sống hằng ngày cũng như để kiên cường chứng tá của chúng ta.

 

11.       Chúng ta tạ ơn Chúa vì ở nhiều xứ sở không có linh mục, hay buộc phải sống cảnh hầm trú, giờ đây Giáo Hội được tự do cử hành các Mầu Nhiệm Thánh. Quyền tự do rao giảng Phúc Âm và những chứng tá với lòng sốt sắng mới mẻ đang tái khơi dậy niềm tin từng chút một, nơi những miền bại hoại Kitô giáo sâu đậm. Chúng tôi thân ái chào thăm và khích lệ tất cả những ai tiếp tục chịu bách hại. Chúng tôi cũng xin rằng ở những nơi Kitô hữu là thành phần thiểu số họ cũng được quyền hoàn toàn tự do để cử hành Ngày của Chúa.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2005

 TOP

? Tân Lãnh Tụ Iran: “Loại Trừ Do Thái khỏi bản đồ thế giới

Thứ Tư 26/10: Những lời tuyên bố đầy khiêu khích và hận thù của lãnh tụ Iran

 

Mạng điện toán CNN, hôm Thứ Năm 27/10/2005 đã loan tin rằng, theo Cơ Quan Tín Vụ Cộng Hòa Hồi Giáo IRNA (Islamic Republic News Agency) thì vị tân tổng thống Iran là Mahmoud Ahmadinejad, hôm Thứ Tư 26/10/2005, đã tung ra một lời tuyên bố nẩy lửa trong thời điểm đang có biến cố toàn quốc kéo dài cả tháng trời được tổ chức để chống lại Do Thái với chủ điểm “Thế Giới Phi Do Thái Chủ Nghĩa”.

 

Thật vậy, trong cuộc họp tại Bộ Nội Vụ với sinh viên xuống đường, vị tổng thống này đã trích lại lời của vị sáng lập cuộc cách mạng Hồi Giáo của Iran là Ayatollah Khomeini, vị đã nói rằng Do Thái “cần phải được xóa tên trên bản đồ thế giới”. Đoạn vị tổng thống này nhấn mạnh rằng: “Và nếu Chúa muốn, bằng quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sớm thấy được một thế giới phi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Do Thái Chủ Nghĩa”.

 

Quốc gia Do Thái đã có những liên hệ ngoại giao với các quốc gia Hồi giáo chính, như Ai Cập, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, và việc rút khỏi giải Gaza của Do Thái đã giúp vào việc cải tiến liên hệ giữa họ và một số các quốc gia cùng các vị lãnh đạo Hồi giáo khác. Thế nhưng, vị tân tổng thống Iran cho rằng: “đợt sóng mới của những cuộc đụng độ xuất phát ở Palestine cùng với tình trạng gia tăng hỗn loạn ở thế giới Hồi giáo là những gì sẽ không thể nào làm cho Do Thái bị loại trừ”.

 

Ông cho rằng việc Do Thái rút khỏi giải Gaza là một “mưu đồ” có ý làm cho “các quốc gia Hồi giáo nhìn nhận chế độ Do Thái Chủ Nghĩa của Do Thái”. Ông nói rằng Hoa Kỳ và Do Thái đang gieo rắng “tình trạng bất hòa nơi các lực lượng chiến đấu ở Palestine cũng như ở các phần khác thuộc thế giới Hồi giáo”. Theo tiến trình này, theo ông nghĩ, những nỗ lực ấy sẽ buộc các quốc gia Hồi giáo phải bình thường hóa với Do Thái. Đó là lý do ông dữ dội tuyên bố rằng: “Bất cứ ai nhìn nhận nước Do Thái sẽ bị thiêu hủy bởi lửa giận dữ của quốc gia Hồi giáo này”.

 

Nhận định của thoidiemmaria ở đây là, nếu vị tân tổng thống Iran này chủ trương muốn loại trừ Do Thái, mà tình trạng chia rẽ ở khối Hồi Giáo nói chung, như ông công nhận, sẽ không thể nào làm được điều ấy, ngoài ra, nếu các quốc gia Hồi giáo công nhận Do Thái đều bị nước Iran của ông thiêu hủy, thì thử hỏi cuộc chia rẽ giữa Iran và các quốc gia Hồi giáo như thế có thể nào tiêu diệt được Do Thái như ông dự tính hay chăng? 

 

Một vị lãnh đạo tôn giáo hàng đầu của Iran là Ayatollah Nori Hamadani đã viết trong một văn kiện là những người Hồi giáo có phận sự phải giật Palestine khỏi tay Do Thái. Ông thúc giục những người Iran xuống đường vào ngày Thứ Sáu 28/10/2005 – cũng là Ngày Giêrusalem, ngày được người Iran tưởng kính Giêrusalem, nơi Do Thái thiết lập thủ đô của họ, và lập lại việc nhân dân Iran ủng hộ việc thiết lập quốc gia Palestine.

 

Thứ Năm 27/10: Phản ứng của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Tây Phương

 

Trong bản văn được phổ biến hôm Thứ Năm 27/10/2005, ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là Kofi Annan đã nhắc nhở rằng: “tất cả mọi quốc gia phần tử của LHQ mà Do Thái là một phần tử lâu đời đều có các quyền lợi và trách nhiệm giống như mọi quốc gia khác. Theo Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc thì tất cả mọi phần tử cần phải kiềm chế việc đe dọa hay sử dụng võ lực phạm đến tính chất nguyên vẹn về lãnh thổ hay quyền độc lập về chính trị của bất cứ quốc gia nào”.

 

Phản ứng của chính Do Thái đó là, theo Thủ Tướng Ariel Sharon, Iran cần phải được loại trừ khỏi LHQ, vì, qua lời ông tuyên bố được văn phòng báo chí chính phủ Do Thái phổ biến, bất cứ nước nào đòi hủy diệt nhau không thể nào lại là một phần tử của Liên Hiệp Quốc được.

 

Bản văn của LHQ không đề cập đến chi tiết này, nhưng cho biết là ông “đã quyết định viếng thăm Iran trong vài tuần tới để bàn luận về các vấn đề khác”.

 

Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair cho những nhận định của Tổng Thống Iran là những gì “hoàn toàn và hết sức bất khả chấp. Tôi cảm thấy có một ý nghĩa thực sự là rùng rợn nơi những lời nhận định ấy… vì anh chị em tưởng tượng thấy một quốc gia như thế, với một thái độ như thế, có trong tay khí giới nguyên tử”.

 

Phát ngôn viên của Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ là Sean McCormack nói rằng quan điểm của vị tân tổng thống Iran “càng làm gia tăng mối quan tâm của chúng ta cũng như của cộng đồng quốc tế về việc Iran theo đuổi các thứ khí giới nguyên tử”. 

 

Bộ Trưởng Ngoại Giao Canada là Pierre Pettigrew cũng phản ứng như sau: “Chúng ta không thể nào chấp nhận những lời lẽ hận thù như thế, những lời lẽ bài Do Thái như thế, những lời lẽ bất nhẫn như thế. Những lời lẽ này lại càng là những gì gây rắc rối trong khi chúng ta đang biết được tham vọng nguyên tử của Iran”.

 

Vị Chủ Tịch của Ủy Ban Âu Châu là Jose Manuel Barroso, hôm Thứ Năm 27/10/2005, đã nói với đài phát thanh BBC về lời lẽ của vị tân tổng thống Iran: “Dĩ nhiên nó là một lời phát biểu hoàn toàn bất khả chấp. Chúng ta cần phải tôn trọng biên giới và tôn trọng tính cách nguyên vẹn của Do Thái, và chúng ta muốn Do Thái sống an bình với các nước láng giềng của họ. Tôi hết sức lên án lời phát biểu ấy”.

 

Ở Balê, vị bộ trưởng ngoại giáo Pháp là Philippe Douste-Blazy đã triệu mời vị đại sứ của Iran tới để tìm hiểu về lời tuyên bố của vị tân tổng thống Iran mà ông được nghe từ tin tức: “Nếu những lời lẽ ấy là đúng thì không thể chấp nhận được. Tôi hết sức lên án những lời lẽ ấy và tôi xin vị đại sứ Iran ở Balê đến Bộ Ngoại Giao để giải thích vấn đề. Đối với Pháp quốc, không được bàn luận gì tới quyền hiện hữu của Do Thái. Quốc gia này được thành lập bởi quyết định của Tổng Hội Đồng LHQ. Luật quốc tế này áp dụng cho tất cả mọi quốc gia. Vấn đề xung khắc giữa Do Thái và Palestine không thể được sử dụng như tấm bình phong để đặt vấn đề quyền hiện hữu chính yếu của Do Thái ở đây”. 

 

Các bộ ngoại giao ở Bá Linh Đức Quốc, Ma Ní Tây Ban Nha và Rôma Ý quốc đều lên tiếng chống lại những lời lẽ của vị tân tổng thống Iran. Trong khi Tây Ban Nha và Đức Quốc đòi đại sứ hay đại diện của Iran giải thích về lời lẽ của vị tổng thống Iran này, thì Ý nói rằng những lời lẽ ấy càng khẳng định mối quan tâm về chương trình nguyên tử của Iran, và bộ ngoại giao của Ý đã bày tỏ “việc khó chịu và quân tâm tới vị đại sứ Iran ở Rôma”: “Nội dung và giọng điệu của những lời phát biểu bất khả chấp đó là những gì củng cố những mối lo âu về những chủ trương chính trị đang được vị tân lãnh đạo Iran này theo đuổi, nhất là liên quan tới hồ sơ hạch nhân”.

 

Thứ Sáu 28/10: Cuộc xuống đường chống Do Thái và Hoa Kỳ

 

Thứ Sáu 28/10/2005, bất chấp những lời chỉ trích và lên án của các cường quốc Tây phương trên đây, theo lời kêu gọi của vị lãnh đạo tôn giáo cao cấp của mình ngày hôm trước, hàng ngàn người Iran đã xuống đường chống Do Thái theo chiều hướng của vị tân tổng thống cực bảo thủ tuyên bố hôm Thứ Tư, trong số thành phần xuống đường này có cả chính vị tổng thống này nữa, nghĩa là ông cương quyết giữ lời tuyên bố của mình chứ không rút lại trước áp lực quốc tế và dù có được các viên chức của ông ở các nước chữa chạy lời lẽ của ông.

 

Ông nói với IRNA rằng: “Lời của tôi vẫn không thay đổi như là lời của quốc gia Iran này thôi. Họ có quyền tự do phát biểu nhưng các lời lẽ của họ chẳng có một uy tín nào cả”.

 

Trong số các biểu ngữ của thành phần xuống đường người ta thấy có những giòng chữ như sau: “Giết Chết Do Thái đi, giết chết Hoa Kỳ đi”. Cuộc xuống đường toàn quốc đầu tiên diễn ra ở Iran xẩy ra vào năm 1979 sau khi giáo phái Shiite Hồi giáo lên nắm chính quyền ở nước này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu của CNN ngày 27-28/10/2005

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ