GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 9/11/2005

 

?   Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình: Bản Thập Điều về Đạo Lý và Môi Trường

   Một Nữ Tu bị Sát Hại trong Lễ Nghi Tế Thần Satan bắt đầu tiến trình án tôn phong

?  Nổi Loạn tại Pháp Quốc và Nam Mỹ Châu (tiếp 7 Thứ Hai & 8 Thứ Ba): Pháp quyết liệt thẳng tay chống những cuộc nổi loạn đang tung hoành khắp chốn và quyết định thực hiện chương trình cải cách xã hội

 

?   Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình: Bản Thập Điều về Đạo Lý và Môi Trường

Trong hội nghị “Đạo Lý và Môi Trường” hôm Thứ Hai 7/11/2005 được tổ chức tại Đại Học Âu Châu ở Rôma, ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đã đọc bài diễn văn ở hội nghị này, trong khi đó, Đức Giám Mục Giampaolo Crepaldi, thư ký của hội đồng này đã tóm tắt thành mười giới răn những giáo huấn ở chương thứ 10 của Cuốn Tổng Lược Giáo Huấn về Xã Hội của Giáo Hội. Sau đây là bản thập điều này:

1.                  Thánh Kinh phải chi phối các nguyên tắc luân lý trọng yếu về dự án của Thiên Chúa đối với mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên tạo vật.

2.                  Cần phải khai triển một thứ lương tâm về môi sinh tỏ ra hữu trách đối với thiên nhiên tạo vật và nhân loại.

3.                  Vấn đề môi trường bao gồm cả hành tinh này như thể nó là một sự thiện chung.

4.                  Cần phải coi trọng tính cách chính yếu của đạo lý cũng như của quyền lợi của con người hơn là kỹ thuật.

5.                  Thiên nhiên tạo vật không được coi như là một thực tại có bản chất thần linh; bởi thế, nó không được tách khỏi hoạt động của con người.

6.                  Những sản vật trên trái đất này được Thiên Chúa dựng nên cho thiện ích của tất cả mọi người. Cần phải nhấn mạnh đến mục đích phổ quát của các sản vật.

7.                  Cần phải thực hiện việc hợp tác trong việc phát triển lớp lang ở những miền đất nghèo khổ nhất.

8.                  Việc hợp tác quốc tế, quyền được phát triển, một môi trường lành mạnh và vấn đề hòa bình là những gì cần phải được cứu xét đến nơi những pháp chế khác nhau.

9.                  Cần phải chấp nhận những lối sống điều độ hơn nữa.

10.              Cần phải cống hiến một đáp ứng linh thiêng trong việc không tôn thờ thiên nhiên tạo vật.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/11/2005

  TOP

 

   Một Nữ Tu bị Sát Hại trong Lễ Nghi Tế Thần Satan bắt đầu tiến trình án tôn phong

 

Ngày 23/10/2005, Đức Giám Mục Alessandro Maggiolini giáo phận Como Ý quốc đã long trọng bắt đầu tiến trình tôn phong ở Chiavenna cho nữ tu Maria Laura Mainetti, 60 tuổi, người đã bị ba thiếu nữ sát hại trong một nghi thức Tế Thần Satan vào năm 2000, tức sau 5 năm đúng như ấn định của Giáo Hội.

 

Nữ tu này bị đâm 18 lần vào đêm 6-7/6/2000, sau khi bị 2 thiếu nữ 17 tuổi và 1 thiếu nữ 16 tuổi bắt đi và dẫn đến một ngõ tối.

 

Đức Ông Balatti cho biết là “Ba đứa con gái bất hạnh này không tìm được lý nào hay hơn để dụ dỗ Nữ Tu Laura là thuyết phục bà rằng một trong 3 em sắp sinh nở, song em bị gia đình và bạn trai của em bỏ rơi, nên em chẳng biết phải làm gì hay đi đâu nữa”.

 

“Điều khiến tôi giận dữ là lúc họ nói rằng Nữ Tu Laura tỏ ra ngây ngô. Nữ tu này đã tỏ ra hết sức thận trọng, thế những mấy đứa con gái này cũng thận trọng nữa. Họ đã có thể bày ra một mưu cơ tinh ranh quái quỉ.

 

“Làm sao Nữ Tu Laura, người được sinh ra đã làm thiệt mạng sống của mẹ mình, một người mẹ đã chết đi sau mấy hôm nữ tu vào đời, lại không chịu giúp cho đứa con gái trẻ là người nói rằng nó là một người mẹ cơ chứ?”

 

Nữ Tu Laura “đặc biệt yêu chuộng giới trẻ”, thành phần bà “coi là thực sự là nghèo khổ ngày nay: Bà thấy họ bị lạc loài, vất vưởng không có điểm tựa, trở thành mồi ngon cho cái trống rỗng của cuộc đời”.

 

Trong cuộc thẩm vấn, thành phần bị tố cáo đã nói rằng họ sát hại vị nữ tu này là để “loại trừ cái buồn chán của một đời sống không có gì là đổi thay trong thành phố nhỏ này”.

 

Những viên chức sớm biết được rằng ba thiếu nữ này thoạt tiên muốn tế thần một vị linh mục trong nghi thức tôn thờ Satan – và chúng đầu tiên đã chọn một nạn nhân đó là Đức Ông Balatti.

 

Đức ông này cho biết rằng: “Vào lúc ấy, việc hào hứng với trào lưu phò Satan và huyền bí nhiệm là một kiểu thời trang. Ngay cả quần áo, ca nhạc và một số sách vở cũng đã góp phần vào việc phổ biến một thứ khuynh hướng như thế.

 

“Nhiều giới trẻ hùa theo bởi chỉ muốn được chú ý tới, chỉ muốn khinh khi luật pháp. Khuynh hướng này phát triển nơi một số người vì họ cảm thấy hận thù Thiên Chúa, có lẽ bởi những trục trặc cá nhân, bởi những rắc rối trong gia đình”.

 

Trong lễ nghi bắt đầu tiến trình tôn phong này, một số tư tưởng của vị nữ tu ấy được đọc lên: “Lạy Chúa Giêsu, sự sống của con thuộc về Chúa”, “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy cái bé mọn con có và cái khốn nạn con là”.

 

Chính thành phần sát hại nữ tu đã thú nhận rằng khi nữ tu sắp chết, bà đã vận dụng sức mạnh để nguyện cầu cho họ rằng: “Lạy Chúa, xin hãy thứ tha cho họ”.

 

ĐGM Maggiolini nói rằng: “Tôi tin  rằng tất cả những điều ấy sẽ phản ảnh tốt đẹp nơi ba đứa con gái này: Nữ Tu Laura là ánh sáng giúp họ tăng trưởng và chín chắn trưởng thành”.

 

Nữ Tu Laura, được rửa tội ở Teresina, sinh ở Colico, Ý quốc, vào ngày 20/8/1939. Khi qua đời bà đang là bề trên của Cộng Đồng Nữ Tử Thánh Giá ở Học Viện Đức Maria Vô Nhiễm Chiavenna.

 

Một tổ chức và một loạt dịch vụ bác ái và phò sự sống đã được thiết lập để tưởng kính bà. Một số trung tâm thuộc hệ phái của Kitô giáo ở Ý và Phi Châu đã lấy tên của bà.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/11/2005

 TOP

 

? Nổi Loạn tại Pháp Quốc và Nam Mỹ Châu (tiếp 7 Thứ Hai & 8 Thứ Ba): Pháp quyết liệt thẳng tay chống những cuộc nổi loạn đang tung hoành khắp chốn và quyết định thực hiện chương trình cải cách xã hội

Năm 2005 là một năm dường như có nhiều biến động nhất từ trước đến nay, cả về thiên tai lẫn nhân tai. Thiên tai thì có bão lụt khắp nơi trên thế giới từ cuối tháng 8 sang tới tháng 11, có trận động đất khủng khiếp ở Pakistan trong tháng 10, có lở đất ở Trung Mỹ Châu cũng trong Tháng 10, có dịch cúm gà bắt đầu lan sang Âu Châu cũng vào tháng 10. Về nhân tai, cũng trong Tháng 10, lại xẩy ra bạo loạn ở Thánh Địa, rồi việc Iran đòi xóa tên nước Do Thái trên bản đồ thế giới, và sang đầu Tháng 11, hai cuộc nổi loạn đã diễn ra, một ở Pháp quốc và một ở Nam Mỹ.

Thứ Hai, 7/11/2005, Thủ Tướng Pháp Dominique de Villepin, trong cuộc phỏng vấn riêng với đài truyền hình TF1, đã nói rằng để đương đầu với cuộc nổi loạn càng ngày càng trở nên dữ dội và lan tràn này, chính phủ sẽ gia tăng lực lượng cảnh sát và sẽ thực hiện những việc chưa từng có là cho phép các thị trưởng được quyền ban hành lệnh giới nghiêm địa phương.

 

Những lời tuyên bố này của Thủ Tướng Pháp xẩy ra vào chính ngày có một thiệt mạng đầu tiên xẩy ra cho một người đàn ông 61 tuổi tên là Jean Jacques Le Chenadec, một cư dân ở Stains vùng ngoại ô Balê thuộc miền Seine-Saint Dennis, người bị chết vì thương tích gây ra ngoài khu chung cư của ông đêm hôm Thứ Sáu, và đã bị hôn mê khi nhập bệnh viện.

 

Vị Thủ Tướng Pháp cho biết “chính quyền phản ứng mạnh mẽ”, và cho biết đêm Thứ Hai có 8 ngàn cảnh sát viên tuần hành và làm việc cùng với lực lượng trừ bị của 1.500 nhân viên nữa sẽ được sử dụng để dập tắt cuộc bạo loạn này.  

 

Ông nói rằng cho đến bấy giờ đã có 1.200 người bị giam giữ. Ông qui trách một số trong cuộc bạo loạn này cho “những tổ chức tội ác”, song nói rằng nhiều cuộc bạo loạn này được thực hiện bởi “những băng đảng của những con người rất trẻ”, thành phần cảm thấy mình bị kỳ thị và sống trụy lạc.

 

Ngoài ra, theo ông, theo khoản luật 1955 thì các nhà lãnh đạo thành phố có thể “áp dụng việc giới nghiêm để bảo đảm tình trạng an bình và lắng đọng”.

 

Ông nhận định là giới trẻ ở Pháp, có 57 ngàn người thuộc thành phần thất nghiệp dài hạn, họ là những người “cần phải cống hiến niềm hy vọng cho họ”.

 

Ông cho biết chính phủ có một dự án tam điểm: Điểm thứ nhất đó là cho các vị thị trưởng thêm quyền hạn để họ “có quyền phục hồi trật tự”.

 

Ngoài ra, ông nói, cần phải cung cấp việc huấn luyện để ở vào năm 14 tuổi trẻ em nào không còn muốn tiếp tục đi học nữa thì có thể tìm việc làm: “Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể gặp gỡ họ, thẩm định hoàn cảnh của họ, và trong vòng 3 tháng cống hiến một hợp đồng huấn luyện. Mọi người đều phải tìm kiếm một giải đáp nào đó”.

 

Ông không nghĩ rằng cuộc nổi loạn này là do lỗi của chính quyền đối với Hồi giáo và luật của Pháp cấm nữ giới Hồi giáo đội khăn ở trong các trường công: “Chúng ta không được bỏ qua điểm cuối cùng ở đây là vấn đề kỳ thị. Chúng ta phải chiến đấu chống lại kỳ thị. Hành vị cử chỉ của mọi người cần phải đổi thay… Chúng ta cần phải là một nền cộng hòa cởi mở, nơi tỏ ra tôn trọng hết mọi người”.

 

Ông cũng cho biết rằng ông đã nói chuyện với gia đình của hai em thiếu niên nạn nhân bị chết, biến cố đã khởi đầu cuộc nổi loạn, và hứa là sẽ thực hiện một cuộc điều tra minh bạch đàng hoàng xem sao. Nhưng ông cũng xác nhận là đền thờ hồi giáo ở gần đó không hề bị cảnh sát tấn công.

 

Cuộc nổi loạn ở Pháp đã lan sang cả hải ngoại thuộc Âu Châu. Nguyên hôm Thứ Hai, 7/11/2005, đã có 5 chiếc xe bị đốt cháy ở cả Brussels Bỉ quốc và Bá Linh Đức quốc. Cảnh sát đang điều tra xem có phải là bởi ảnh hưởng của cuộc nổi loạn ở Pháp hay chăng.

 

Theo vị cảnh sát trưởng toàn nước Pháp cho biết thì nửa đêm về sáng ngày Chúa Nhật sang Thứ Hai là đêm xe cộ bị tàn phá nhiều nhất, với 1.408 chiếc ở 247 tỉnh, nâng tổng số xe bị đốt sau 11 ngày nổi loạn lên 4.300 chiếc. Phát ngôn viên cảnh sát toàn nước Pháp là Patrick Hamon cho biết đã có 10 cảnh sát viên bị thương, hai người đã được đưa vào bệnh viện nhưng không nguy hiểm tới tính mạng. 

 

Úc Châu, Áo quốc, Hiệp Vương Quốc, Đức và Hung Gia Lợi khuyên công dân của mình cẩn thận hành xử ở Pháp, và các nước này hợp với Hoa Kỳ và Nga cảnh giác thành phần du lịch hãy tránh xa những vùng bị bạo loạn gây ra bởi nạn dịch nổi loạn đốt phá liên tục gần hai tuần lễ này.

 

Bởi thế, sau đêm thứ 12 kể từ khi xẩy ra biến cố này, Bộ Nội Các của Pháp đã chấp thuận những biện pháp khẩn cấp cho cảnh sát thêm quyền hạn và các viên chức địa phương được quyền ra lệnh giới nghiêm ở những cộng đồng đang có cơ nguy nổi loạn. Và lệnh giới nghiêm có thể được bắt đầu từ Đêm Thứ Ba rạng Thứ Tư ngày 8-9/11/2005. Cảnh sát có thể ập vô lục soát các chỗ hồ nghi chứa vũ khí. Và những biện pháp khẩn cấp này được phép kéo dài trong vòng 12 ngày.

 

Thật vậy, Tổng Thống Pháp là Chirac đã triệu tập một phiên họp với Bộ Nội Các hôm Thứ Ba 8/11 để cứu xét khoản luật 1955 là khoản cho phép ra lệnh giới nghiêm. Khoản luật này được thông qua trước đây để ngăn chặn cuộc tranh đấu của Algeria muồn giành độc lập.

 

Cảnh sát cho cơ quan thông tín AP biết rằng cho dù đã có lệnh giới nghiêm ở một số nơi vào đêm Thứ Hai rạng Thứ Ba 7-8/11, con số xe cộ bị đốt phá vẫn xẩy ra không kém đêm hôm trước, với 1.173 chiếc xe ở 226 tỉnh. Nếu đêm có 1.408 chiếc xe bị đốt  có 395 người bị giam giữ thì đêm có 1.173 chiếc bị đốt phá có 330 người bị nhốt. Tổng số người bị bắt giữ là 1.500, trong đó có 600 bị giam nhốt và 100 người bị tống ngục.

 

Trong bài diễn văn ngỏ cùng Hội Đồng Quốc Gia là quốc hội Pháp, Thủ Tướng de Villepin đã nhìn nhận rằng cuộc nổi loạn này gây ra bởi việc Pháp đã không cung cấp hy vọng cho hằng ngàn ngàn giới trẻ, hầu hết là công dân Pháp, trẻ em thuộc thành phần di dân Hồi giáo từ miền bắc Phi Châu. Theo ông, qua bài nói được chia làm hai phần, phần đầu về biện pháp dẹp loạn, và phần hai về việc cải cách xã hội liên quan tới vấn đề chống lại tình trạng kỳ thị trong nước:

 

“Vấn đề ở đây là nền cộng hóa của chúng ta và kiểu mẫu hội nhập của chúng ta là những gì được xây dựng trên việc nhìn nhận tất cả mọi người công dân đều bình đẳng. Cần phải lấy làm ưu tiên việc chống lại tất cả mọi thứ kỳ thị, vì nó làm cho cộng đồng của chúng ta phải trả một giá đắt đỏ. Quốc gia sẽ phải tỏ ra mạnh mẽ và công bằng. Chúng ta sẽ bảo đảm trật tự công cộng cho mỗi một người công dân của chúng ta”.

 

Ông cho biết có 9.500 cảnh sát viên, kể cả lực lượng trừ bị, đã được vận dụng để thực hiện mục tiêu “bảo đảm trật tự công cộng cho mỗi một người công dân của chúng ta” ấy, trước cuộc nổi loạn đã lan ttràn đến trên 200 tỉnh ở nước Pháp.

 

Về vấn đề giải quyết liên quan tới xã hội, vị thủ tướng này cho biết chính phủ sẽ chi tiêu 30 tỉ Đồng Âu cho các vùng nổi loạn, nhắm vào việc giúp thành phần giới trẻ, để cung cấp việc làm cho 1.5 triệu người thuộc 239 nơi cần nhất. Mức thất nghiệp trung bình ở Pháp là 10%, có nơi lên tới 40%. Số tiên khổng lồ này được chi tiêu cho thành phần 14 tuổi không muốn đi học nữa để học nghề song cũng để trở lại học đường, đồng thời số tiền này cũng được dùng vào việc cung cấp 100 ngàn học bổng, hay việc giúp cho học sinh dễ dàng hóa vấn đề vào các trường đại học.

 

Một cơ quan được thành lập mang tên là “cơ quan cấu kết xã hội” sẽ đi đến các vùng nổi loạn, trực tiếp làm việc với các thị trưởng và viên chức địa phương, và cung cấp các chương trìnmh liên quan tới những vấn đề nóng bỏng như thất nghiệp và kỳ thị. Ngoài ra, các hiệp hội địa phương cũng nhận được 100 ngàn Đồng Âu để thực hiện những chương trình cải cách xã hội theo chiều hướng của chính phủ nói tới đây.

 

Dù lệnh giới nghiêm được ban hành và áp dụng ở khắp nơi, thế mà đêm Thứ Ba rạng Thứ Tư 8-9/11/2005, vẫn có 600 chiếc xe bị đốt phá.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 7-9/11/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ