GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 25/7/2005

 

1) ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XVII Quanh Năm 24/7/2005 Về Căn Gốc Âu Châu

2) Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là “Một Đối Phó của Thiên Chúa với Khuynh Hướng Tục Hóa”

3) Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời: Những Hoạch Định Tổng Quát (tiếp)

   

   

ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XVII Quanh Năm 24/7/2005 Về Căn Gốc Âu Châu

Trước 8 ngàn người tập trung ở làng Alpine thuộc tỉnh Les Combes, ĐTC đã ban huấn từ Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 17 Thường Niên về căn gốc Âu Châu như sau:

Anh Chị Em thân mến!

Ngày mai là lễ kính người anh của Thánh Gioan là Thánh Tông Đồ Giacôbê, vị có thánh tích được tôn kính ở đền thánh nổi tiếng Santiago de Compostela thuộc tỉnh Galicia, nơi thu hút vô số giáo lữ từ khắp Âu Châu. Ngày hôm qua chúng ta đã tưởng kính Thánh Bridge người Thụy Điển, nữ quan thày của Châu Âu. Ngày 11/7 vừa rồi là lễ kính Thánh Biển Đức, một vị đại quan thày của “Thế Giới Cổ”. Khi chiêm ngưỡng các vị thánh này, người ta tự nhiên dừng lại để suy tư về những gì việc Kitô giáo góp phần và tiếp tục góp phần hình thành Âu Châu. 

Tôi làm như thế là vì nhớ lại cuộc hành hương của Vị Tôi Tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II năm 1982 đến Santiago de Compostela, nơi ngài long trọng cử hành “Việc Hiến Dâng Âu Châu”, một cử hành ngài đã đọc lên những lời ghi nhớ này: “Tôi, Vị Giám Mục Rôma và là mục tử của Giáo Hội hoàn vũ, từ Santiago, gửi đến ngươi, một Âu Châu cổ thời, tiếng kêu đầy yêu thương là Hãy trở về với bản thân mình. Hãy là chính mình. Hãy tái nhận thức nguồn gốc của mình. Hãy tái phục hồi những gốc tích của mình. Hãy làm tái sinh những giá trị làm nên lịch sử hiển vinh của người và làm tái sinh việc ngươi hiện diện mang lại lợi ích giữa các châu lục khác”.

Như thế là Đức Gioan Phaolô II đã khai mào dự án cho một Âu Châu nhận thức về mối hiệp nhất về thiêng liêng của nó, dựa trên nền tảng các giá trị Kitô giáo. Ngài đã trở về với vấn đề này vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1989 là ngày cũng đã diễn ra ngay tại Santiago de Compostela. Ngài đã bày tỏ niềm ước mong thấy một Âu Châu vô biên giới, một Âu Châu không ruồng bỏ các căn gốc Kitô giáo của mình là những gì nó xuất phát, cũng như không chối bỏ chủ nghĩa nhân bản đích thực của Phúc Âm Chúa Kitô! Lời kêu gọi này vẫn còn hợp thời biết bao, theo chiều hướng của những biến cố mới đây nơi địa lục Âu Châu này!

Chưa đầy 1 tháng nữa, tôi cũng sẽ đi đến một vương cung thánh đường lịch sử của Âu Châu như một người hành hương, đó là vương cung thánh đường Cologne, nơi giới trẻ đã hẹn gặp nhau cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX. Chúng ta hãy cầu nguyện để các thế hệ mới, khi rút lấy nhựa sống từ Chúa Kitô, có thể trở thành thứ men cho một tân nhân loại ở xã hội Âu Châu, một thứ tân nhân loại trong đó đức tin và lý trí cùng nhau đối thoại một cách tốt đẹp để phát huy con người và thực hiện một nền hòa bình chân chính. Chúng ta hãy cầu cùng Chúa cho điều này, nhờ lời chuyển cầu của Rất Thánh Maria, vị là Mẹ và là Nữ Vương đang trông chừng đường đi nước bước của tất cả mọi dân nước.

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)

Những ngày an bình và nghỉ ngơi này cũng bị xáo trộn bởi những tin tức thể thảm về những cuộc khủng bố tấn công hạ cấp, những cuộc khủng bố gây ra chết chóc, hủy hoại và khổ đau ở một số quốc gia, như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Hiệp Vương Quốc. Trong khi ký thác cho lòng lành của Chúa những người đã chết, bị thương và các người thân yêu của họ, những nạn nhân của những hành vi cử chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa và con người, chúng ta kêu xin Đấng Toàn Năng hãy ngăn chặn tay sát hại của những ai thực hiện những việc ấy vì cuồng tín và hận thù, và hoán cải lòng họ nghĩ tới việc hòa giải và hòa bình.

Theo vị giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh là Joaquín Navarro Valls thì ĐTC BĐXVI đang viết một cuốn sách chứ không phải là một thông điệp. Ngài viết cuốn sách này vào buổi sáng trong thời gian nghỉ hè. Vì đây là dự án của ngài cả 3 năm nay rồi. Cuốn sách này tên là gì và nội dung ra sao thì chỉ khi nào phát hành mới biết được mà thôi.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 24/7/2005

 

TOP


Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là “Một Đối Phó của Thiên Chúa với Khuynh Hướng Tục Hóa”

 

ĐTGM Paul Cordes, một người bạn lâu đời của ĐHY Joseph Ratzinger tin rằng vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI là “Một Đối Phó của Thiên Chúa” đối với tình trạng tràn lan chủ nghĩa trần tục. Trong cuộc phỏng vấn với mạng lưới điện toán toàn cầu Zenit, vị chủ tịch 70 tuổi của Hội Đồng Tòa Thánh “Đồng Tâm” Cor Unum, đã diễn tả một số đặc tính chính yếu của Đức Thánh Cha Biển Đức như sau:  

 

Vấn:     Theo một số quan sát viên thì Đức Gioan Phaolô II đã là vị giáo hoàng đối phó với chủ nghĩa hưởng thụ và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ là vị giáo hoàng đối phó với chủ nghĩa tương đối về luân lý và tôn giáo. Theo ý của ĐTGM thì chủ trương này xác thực tới đâu?

 

Đáp:    Với những chọn tuyển của mình, chắc chắn Thiên Chúa đã có trong trí của mình về tiểu sử từng trải và khả năng chuyên biệt của thành phần sứ giả được Ngài sai đến.

 

Vào thời trẻ của mình và với vai trò làm giám mục ở Krakow, cuộc sống của Đức cố Giáo Hoàng đã trải qua kinh nghiệm cộng sản đau thương. Và vì lý do đó, ngài đã chiến đấu một cách nhiệt liệt các lực lượng vô thần của chế độ này…

 

Với tư cách là Giám Mục Rôma, ngài không thôi tranh đấu trước các vị hoàng vương và tổng thống cho tự do và phẩm giá con người. Tiếc thay, ước vọng muốn viếng thăm Nga Sô và Trung Quốc của ngài không được đáp ứng.

 

Là một giáo sư thần học, ĐGH Biển Đức XVI bao giờ cũng truyền đạt chân lý đức tin và Truyền Thống một cách minh bạch và trọn vẹn. Ngài đã hình thành các vị linh mục và giáo lý viên tương lai ở đại học đường. Ngài đã cố gắng nhận định và truyền bá trong giới trí thức những luận cứ để hiểu biết Mạc Khải.

 

Là tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ngài đã giúp Đức Gioan Phaolô II trong việc hình thành những chỉ dẫn về thần học cho dân Chúa; chỉ cần nghĩ đến việc soạn thảo cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo là đủ.

 

Bởi thế, là Giáo Hoàng, ngài sẽ không thôi đương đầu với chủ nghĩa tương đối về luân lý và đạo nghĩa.


Vấn:     Có một ký giả đã nói rằng Đức Gioan Phaolô II là vị làm đầy những quảng trường, còn Đức Biển Đức XVI là vị làm đầy những nhà thờ. Căn cứ vào nhiệt tình diễn ra trong những tháng đều tiên này thì dường như Đức Biển Đức XVI sẽ làm đầy cả các quảng trường lẫn các nhà thờ. ĐTGM nghĩ sao?

 

Đáp:    Tôi hoàn toàn đồng ý với quí vị. Đoàn lũ hành hương tuốn đến Rôma là những gì đủ cho thấy rằng nhận định này của người phóng viên ấy thật là vững chắc.

 

Chắc chắn Đức Gioan Phaolô II từ trời cao đã giúp và tiếp tục giúp vào việc làm cho việc mộ mến con người và thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng Joseph Ratzinger có một âm hưởng lạ lùng như thế…
 
(còn tiếp)
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 21/7/2005

  

TOP

 

Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời

(Tiếp 19 Thứ Ba, 20 Thứ Tư, 21 Thứ Năm, 22 Thứ Sáu, 23 Thứ Bảy 24 Chúa Nhật)

Những Hoạch Định Tổng Quát

18.       Việc cung cấp dịch vụ

a)         Giáo Hội có thể cống hiến một số dịch vụ dồi dào khác nhau cho thành phần nạn nhân hành nghề mãi dâm, như nhà trọ, giới thiệu, chăm sóc sức khỏe, điện thoại khẩn trương, hỗ trợ pháp lý, khuyên giải, huấn nghệ, giáo dục, phục hồi bản chất, các cuộc vận động bênh chữa và hiểu biết, bảo vệ trước những thứ đe dọa, liên hệ với gia đình, hỗ trợ việc tự nguyện trở về và tái hội nhập vào quốc gia nguyên thủy của họ, hỗ trợ việc xin giấy thông hành để ở lại nếu không thể hồi hương. Trong bất cứ trường hợp nào thì việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Người Samaritanô Nhân Lành và là Đấng Cứu Thế, là một yếu tố rất ư là quan trọng của việc giải thoát và cứu chuộc cho cả thành phần nạn nhân của nạn mãi dâm (x Acts 2:21, 4:12; Mk 16:16; Rm 10:9; Phil 2:11; 1Thess 1:9-10).

b)         Những ai hoạt động trực tiếp với nữ giới bị buôn làm nghề mãi dâm cần phải đặc biệt khéo léo đối xử với họ để không đưa họ đến chỗ hiểm nguy.

c)         Tiến đến với nữ giới và các em nữ bụi đời là một việc làm phức tạp và cần thiết. Việc ngăn ngừa và các hoạt động nâng cao ý thức cần phải xẩy ra ở các quốc gia khởi xuất, các quốc gia chuyển tiếp và các quốc gia mục tiêu của thành phần nữ giới bị buôn làm nghề mãi dâm. Những khởi động tái hội nhập là điều quan trọng ở các quốc gia xuất phát thành phần nữ giới này, nếu họ trở về đó. Cần phải thực hiện việc bênh chữa và việc móc nối với nhau.

d)         Các khía cạnh về pháp lý của vấn đề mãi dâm và buôn người – cấm đoán, luật lệ, hủy bỏ – cần phải được thi hành áp dụng ở hết mọi quốc gia. Cần phải chia sẻ những gương thực hành tốt đẹp (như ở Thụy Điển chẳng hạn).

e)         Những dự phóng được phác họa của Giáo Hội có tính cách đa chiều kích sẽ cống hiến những dấu hiệu hữu hình của mối quan tâm giáo phận hay giáo xứ cùng việc dấn thân của họ.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/7/2005

  

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ