GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 17/9/2005

NGÀY THÁNH MẪU

 

1)   NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

2) Tình Trạng Tự Do Tôn Giáo Trên Thế Giới

3) Giải Quyết Vấn Đề Nguyên Tử Đại Hàn: Vẫn Bế Tắc

   

 

 

NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

 

LM Peter Joseph

 

(tiếp 15 Thứ Năm 16 Thứ Sáu)

 

Dấu chỉ về tư tưởng người trần

 

“Tư tưởng người trần thì luôn hướng chiều về các thỏa mãn của riêng mình. Tư tưởng trần tục coi thú vui trần thế là thân hữu và mọi đau khổ là kẻ thù. Thực chất là luôn chiều theo cá tính, sở thích và vị kỉ riêng một cách thất thường, hoặc chỉ biết thỏa mãn lòng tự phụ của mình. Tư tưởng này không màng gì đến sự khiêm cung, tinh thần xám hối, quên mình hoặc hy sinh. Nếu một vị bề trên hay linh hướng có lời khuyên ngược lại với các ý hướng của đương sự thì họ sẽ bị chụp mũ là người không còn đủ thẩm quyền hay thích hợp với đương sự nữa. Tư tưởng người trần luôn nhắm đến thành công, danh dự, khen thưởng và thú vui. Nó luôn can dự vào việc cổ võ cho người khác ngưỡng mộ để được nổi danh. Tóm lại, tư tưởng người trần không muốn hiểu biết phải trái, cũng chẳng quan tâm đến điều gì khác ngoài lòng ích kỷ của mình.

 

“Trong thực tế nhiều khi khó phân biệt được mặc khải nào phát sinh từ thần dữ, tư tưởng trần tục hoặc óc vị kỉ. Tuy nhiên phân biệt mặc khải nào đến từ Thiên Chúa, mặc khải nào do ma quỷ hay con người tạo ra tương đối dễ dàng hơn. Đại đa số các trường hợp mặc khải không đến từ Thiên Chúa. Một khi xác định mặc khải đó không thể đến từ Thiên Chúa chúng ta phải mạnh dạn từ khước chúng ngay mà không cần quan tâm đến nguồn gốc của chúng phát xuất từ thần dữ hay người trần. (p.413)

 

Một số mẫu mực để phân định

 

“Sau đây là một số mẫu mực hướng dẫn cho việc phân định về các nguồn gốc thị kiến cho các vị linh hướng có trọng trách đối phó với các mặc khải và lời tiên tri:

 

1.      Bất cứ mặc khải nào đi ngược với các tín điều hay tín lý đều sai lầm, do đó phải bác bỏ ngay. Thiên Chúa không bao giờ tự mâu thuẫn được.

 

2.      Bất cứ mặc khải nào đi ngược với giáo huấn chung của các nhà thần học hoặc có dụng ý giải tỏa những cuộc tranh luận giữa các môn phái phải được kể vào loại rất đáng nghi ngờ.

 

3.      Nếu có một hay vài chi tiết sai lầm trong mặc khải, thì không nhất thiết cần bác bỏ toàn diện nội dung mặc khải. Các phần còn lại khác có thể là chính xác.

 

4.      Sự kiện một lời tiên tri đã được ứng nghiệm thì tự nó không thể đi đến kết luận là điều ấy phát nguồn từ Thiên Chúa. Điều đó vẫn có thể là một điểm khoa học tự nhiên chưa được tìm thấy, một phần cũng có thể là kết quả của trí khôn siêu việt tự nhiên của chính người thị kiến.

 

5.      Mặc khải nào chỉ hoàn toàn nhằm đến sự việc vô dụng hay thỏa mãn tính tò mò cũng nên bác bỏ ngay vì điều này không phát nguồn từ Thiên Chúa. Điều này cũng áp dụng vào những mặc khải có nội dung quá chi tiết, dài dòng, tràn đầy những lý luận và bằng chứng. Các mặc khải từ Thiên Chúa thường ngắn gọn sáng sủa rõ ràng và chính xác.

 

6.      Người nhận mặc khải cần được xem xét cẩn thận, đặc biệt về thái độ và tính tình. Nếu đương sự tỏ ra khiêm tốn, có nếp sống khá quân bình, thận trọng, đạo đức cao, thể xác và tâm thần đều khỏe mạnh, thì đấy là những lý do chính đáng để tiến xa hơn trong việc xét đến chính nội dung mặc khải. Nếu đương sự tỏ ra quá mệt nhọc do việc hy sinh hãm mình thái quá, mắc bệnh thần kinh, bị ảnh hưởng bởi nhiều đợt chán chường hay mệt mỏi trầm trọng, ham muốn truyền bá điều mặc khải, thì đó là những nguyên do đáng phải nghi ngờ.” (p. 430)

 

Óc tò mò

 

Tín điệp mặc khải có đem lại lợi ích cho sự cứu rỗi các linh hồn hay không? Nếu thuần túy chỉ nhằm thỏa mãn tính tò mò thì nhất quyết đó không phát nguồn từ Thiên Chúa. Một số người dùng thị kiến làm phương tiện hành nghề để đưa ra tin tức về sinh con, hôn nhân, tiến trình pháp luật, bệnh tật, biến cố chính trị. Thiên Chúa không điều hành Văn Phòng Cung Cấp Tin Tức như thế. Người có óc quan sát tài hoặc có trực giác giỏi có thể thành công với một số việc nhỏ. Tại các buổi cầu cơ, đồ dạc được di động qua lại, thần linh điều khiển tay một người nào đó viết ra những tín điệp v.v. Thiên Chúa chẳng khi nào làm những chuyện như vậy trong bất cứ cuộc mặc khải nào đã được Giáo Hội phê nhận, v.v.

 

Tính tò mò luôn xuất hiện nơi những người tự cho mình biết số phận cuối cùng của Công Chúa Diana, Frank Sinatra hay Elvis Presley, v.v. Mọi người chúng ta đều muốn biết ai lên hay không lên Thiên Đàng. Có một bà kia tôi nghe nói bà tự cho mình biết mọi người quá cố hiện đang ở đâu. Thật là kỳ cục hết chỗ nói: không ở Thiên Đàng thì ở luyện tội chứ sao! Tôi thiết nghĩ sẽ có tác dụng nguy hại cho việc làm ăn và danh tiếng của mình nếu người nào đó cho rằng một số người thân của mình đang ở hỏa ngục. Còn người nào tuyên bố như vậy về những người có tiếng tăm thì chắc hẳn sẽ bị thất tín ngay lập tức. Cũng thế các cuộc mặc khải mà chỉ nói về những điều hiển nhiên hay những điều vô dụng đều đáng phải nghi ngờ.

 

(còn tiếp)

 

Bản dịch của Thảo Nguyên

 

 

TOP

 

Tình Trạng Tự Do Tôn Giáo Trên Thế Giới

Trong cuốn Tường Trình 2005 về Tình Trạng Tự Do Tôn Giáo trên Thế Giới do cơ quan Cứu Trợ Giáo Hội Khẩn Trương, người ta đọc thấy chủ trương theo Chúa Kitô là chấp nhận bị kỳ thị khổ đau, thậm chí chịu tử đạo nữa. Vị giám đốc của phân bộ Ý quốc thuộc cơ quan bác ái quốc tế là Attilio Tamburrini đã cho biết tình hình tự do tôn giáo trên thế giới năm 2005 qua cuộc phỏng vấn với mạng điện toán Zenit như sau:

Vấn:        Năm nay bản tường trình này được trình bày bởi vị chủ tịch của Italy's Chamber of Deputies là Pier Ferdinando Casini, tại tổng hành dinh của cơ quan này, trước sự hiện diện của ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình. Cử chỉ này có ý nghĩa gì vậy?

Đáp:        Nó là một điều khách quan quan trọng, vì việc tố giác những vi phạm quyền tự do tôn giáo, những vi phạm đã được chúng tôi ghi nhận cả 7 năm qua, đã từ từ gây chú ý hơn, cả về phía Hiệp Chủng Quốc cũng như Giáo Hội. Nó là dấu hiệu hy vọng cho tương lai vậy.

Vấn:        Tại sao thế?

Đáp:        Bởi vì trên toàn thế giới tự do này, chỉ có một quốc gia duy nhất thực hiện một tổ chức quan tâm tới vấn đề tự do tôn giáo ở tầm mức cơ cấu là Hiệp Chủng Quốc mà thôi.

Nó là một ủy ban được thiết lập bởi Tổng Thống Bill Clinton, một ủy ban để thu thập tín liệu, khảo sát tình hình, gặp gỡ tổng thống, Thượng Viện và Hạ Viện, trình bày những dấu hiệu ở các xứ sở vi phạm đến quyền tự do tôn giáo, có thể bị những hậu quả cụ thể liên quan tới vấn đề kinh tế và ngoại giao.

Ở Âu Châu, ý tưởng là một quốc gia cần phải giải quyết các vi phạm tự do tôn giáo thậm chí cũng không có nữa; cùng lắm chúng tôi có những ủy ban hay nhóm chú trọng chung chung tới việc tôn trọng nhân quyền thôi.

Việc trình bày bản tường trình này ở Ý có thể là bước đầu tiên để mở ra một nhãn quan mới về những thứ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Ít là nó cho thấy mối quan tâm về vấn đề ấy.

Vấn:        Bản tường trình này có gì mới mẻ hay chăng?

Đáp:        Thành phần bảo thủ Ấn giáo, thành phần chúng tôi đã tố giác trong các bản tường trình khác, hiện nay đang tỏ ra đặc biệt hăng máu. Thật là lo âu khi thấy rằng các tiểu bang Ấn Độ có Đảng Ấn Giáo chiếm phần đông đang có khuynh hướng đồng hóa căn tính tôn giáo với quốc gia. Như thế, bất cứ ai không phải là tín đồ Ấn giáo đều là kẻ ngoại bang sống ở xứ sở đó.

Chúng ta đã chứng kiến thấy những cuộc tấn công gia tăng hơn bao giờ hết vào các nhà thờ và đền thờ, và, như cha Bernardo Cervellera, giám đốc cơ quan Tín Vụ Á Châu, đã tố giác, cả những cuộc tấn công vào các trung tâm giáo dục Kitô giáo nữa.

Những cuộc tấn công này xẩy ra là vì các trung tâm giáo dục Kitô giáo ấy mở cửa cho tất cả mọi người bất phân biệt ai, nhờ đó ngay cả thành phần cùng đinh học ở một đại học Kitô giáo có thể trở thành bác sĩ, trong khi đó, đối với cấu trúc về giai cấp của Ấn Độ thì vấn đề này là những gì bất khả chấp.

Một tin gần đây đang gây báo động khiến cho các vị giám mục Ấn Độ phải lên tiếng phản đối.

Ở tiểu bang Kerala Ấn Độ, nơi có trên 20% dân số là Kitô hữu, trường hợp đầu tiên xẩy ra là Đại Học Luật Sư đã bác bỏ không nhận cấp bằng chuyên nghiệp của một nữ tu thuộc dòng Mother of Carmel khi nữ tu này tham gia các hoạt động tôn giáo.

Nữ tu này là Teena Joseph có bằng luật do Đại Học Mahatma Gandhi cấp, và như các vị tu sĩ khác, sử dụng kiến thức của mình để bênh vực thành phần nghèo khổ nhất.

Động lực của Đại Học Đường Luật Sư này mang đến một thứ nguyên tắc kỳ thị, công khai phản lại với bản Hiến Pháp. Ngoài ra, nó còn thiết định một tiền lệ cấm đoán các hoạt động chuyên nghiệp của những cá nhân muốn tham gia vào những nỗ lực tôn giáo của Kitô Giáo.

Vấn:        Còn trường hợp ở thế giới đa số là Hồi hữu thì sao?

Đáp:        Tình hình rất ư là phức tạp, tranh sáng tranh tối. Sau khi xẩy ra chiến tranh ở Iraq thì có một số quốc gia đang được lãnh đạo bởi những chính phủ ôn hòa, cho dù một phần khá đông dân chúng bị thành phần bảo thủ lôi kéo, cũng bắt đầu từ từ giảm dần việc nâng đỡ các tay khủng bố và trở nên cởi mở hơn với Tây phương.

Ở Morocco chẳng hạn, đã có một cuộc cải cách về luật lệ gia đình, tạo lập việc bình đẳng hơn trong việc tôn trọng nữ giới.

Ai Cập đã đưa lễ Giáng Sinh vào lịch, và đã cho phép dạy về Kitô giáo một tiếng ở các học đường. Điều này có nghĩa là, mặc dù vẫn còn xẩy ra những hành động bạo lực, việc hiện diện của Kitô hữu ở Ai Cập đã được thừa nhận.

Qatar đã thiết lập mối liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh và cho phép xây cất một nhà thờ Công giáo.

Mặc dù đang xẩy ra tình trạng xung khắc liên tục giữa thành phần ôn hòa và bảo thủ, cũng như những trường hợp cực bảo thủ hóa, như đang xẩy ra ở Iran, cũng có những triệu chứng thay đổi nơi những thành phần Hồi hữu thấy cần phải sống chung với Kitô hữu.

Vấn:        Ở Trung Quốc, tình hình vừa bắt bớ vừa cởi mở hơn. Ông thấy tình hình này ra sao?

Đáp:        Vấn đề Trung Hoa là vấn đề kiểm soát phát triển. Họ sẽ không thể nào tiếp tục đạt được những lợi ích khổng lồ bằng việc khai thác dân chúng của họ. Việc giải hóa kinh tế tức là việc Trung Hoa sẽ cởi mở với những vấn đề họ ngăn ngừa bằng việc đàn áp. Để đối đầu với những đòi hỏi về tôn giáo không thể đàn áp, họ đang tái tung ra Lão giáo là tôn giáo được toàn thể quyền lực đế quốc tuân giữ.

Vấn:        Phải chăng Kitô hữu được chấp nhận trong nền văn hóa tục hóa hậu tân tiến này?

Đáp:        Khuynh hướng tục hóa gia tăng ngược lại với Kitô hữu là những gì rõ ràng được thấy nơi các nền văn hóa trần thế. Có một câu Đức Gioan Phaolô II nói chưa được hiểu trọn vẹn, đó là câu: “Cái thể chế dân chủ đang bị mất đi những giá trị qui chiếu là thể chế đang được biến thành một thứ độc tài”. Đức Biển Đức XVI đã gọi thứ độc tài này là thứ độc tài của chủ nghĩa tương đối.

Đó là vấn đề của việc chú trọng thái quá tới những giá trị giả thiết của thành phần được gọi là thiểu số đang gây tổn hại đến đa số.

Ở Pháp chẳng hạn, nhân danh thành phần thiểu số đồng tính luyến ái, người ta đang soạn thảo một luật trừng phạt một năm tù và một số tiền phát đáng kể cho những ai phê bình chỉ trích thành phần đồng tính luyến ái ấy, cho dù chỉ bằng ngôn từ.

Bởi thế, ĐHY Jean-Marie Lustiger, vị tổng giám mục Paris hồi hưu, đã nói rằng căn cứ vào thứ luật này thì các hình phạt cũng sẽ được áp dụng cho bất cứ ai bày tỏ ý nghĩ về Thánh Kinh hay về Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo liên quan tới các vấn đề về gia đình hay chiều hướng tính dục.

Cũng ở Pháp quốc chẳng hạn, thứ luật được áp dụng cho quyền tự do tôn giáo lại là thứ luật nhân danh việc phân biệt hiển nhiên giữa Giáo Hội và quốc gia đã gây ra những trường hợp nghịch thường và bất đồng. Thí dụ, theo luật này, những vị tuyên úy Công giáo nơi các trường công lập không được phép mặc áo tu trì của mình hay đeo các thứ biểu hiệu về tôn giáo ở trong những khu trường học.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 25/7/2005

 

TOP

 

 

Giải Quyết Vấn Đề Nguyên Tử Đại Hàn: Vẫn Bế Tắc

 

Sang đến ngày đàm phán thứ tư, 16/9/2005, mà vấn đề cũng chưa được giải quyết, tức vẫn còn bị bế tắc, vì Bắc Hàn vẫn nhất định không chịu bỏ ý định theo đuổi chương trình hạch nhân nếu vấn đề yêu cầu của họ là lò phản ứng nguyên tử điện nước không được thỏa đáng, cho dù Nam Hàn có cống hiến cho Bắc Hàn miễn phí nguồn điện lực 2000 megawatts. Hoa Kỳ cũng nhất định không chấp nhận điều Bắc Hàn yêu cầu ấy.

 

Bà ngoại trưởng Hoa Kỳ là Condoleezza Rice đã bày tỏ phản ứng về phía Hoa Kỳ trong cuộc phỏng vấn với New York Post như sau: “Quí vị biết rằng chúng tôi vẫn không ngồi yên đâu, chúng tôi đang thực hiện những biện pháp chống leo thang vũ khí nguyên tử là những biện pháp giúp bảo vệ chúng ta. Tổng thống đã ký một hành lệnh, như quí vị còn nhớ, trong việc ngăn chặn những tài trợ và một số những thực thể được chúng ta tin rằng liên quan tới vấn đề buôn bán thứ leo thang này”.

 

Vị thương lượng viên của Mỹ là Christopher Hill cũng cho biết là: “Chỉ trong mấy ngày vừa qua, họ đã quay về với một quan niệm hoàn toàn mới mẻ. Đó là một lò phản ứng điện nước. Bởi vậy chúng ta mới thực sự có vấn đề”.

 

Nếu lần đàm phán này không xong, thì Hoa Kỳ có thể sẽ mang vấn đề ra Hội Đồng Bảo An LHQ và yêu cầu cơ quan này phải thực hiện việc chế tài. Trung Hoa chống lại việc làm ấy, và Bắc Hàn cho biết những việc chế tài ấy là những gì tương đương với chiến tranh.

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ