GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 25/9/2005,

NGÀY CỦA CHÚA

TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

 

 

1)   NGƯỜI LÀM THUÊ (suy niệm Phúc Âm CN 26)

2)   ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa" (tiếp)

3)   KINH NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA

   

 

 

TRONG NƯỚC TRỜI

 

Một Kitô hữu bình thường vẫn được dậy dỗ và đã thuộc lòng chân lý này, đó là: Thiên Đàng - Nước Trời - là nơi Thiên Chúa thưởng kẻ lành, và hỏa ngục là nơi Ngài phạt kẻ dữ. Do đó, trong nước Thiên Chúa chắc chắn sẽ không có thành phần đầu trộm, đuôi cướp, và đĩ điếm. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với các luật sỹ, Pharisiêu, và các thượng tế thời Ngài như sau: “Tôi bảo thật, những kẻ thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ngươi” (Mt 21:31). Và điều này hẳn làm cho nhiều người vốn nghĩ về Nước Trời – Thiên Đàng với ý niệm và thâm tín như trên cảm thấy khó chịu và thất vọng.

 

Chúa nói rồi Chúa làm. Và cũng qua Tin Mừng thuật lại, chúng ta đã thấy trong nước của Ngài, ít nhất cũng đã có mấy người mà bọn luật sỹ, Pharisiêu và thượng tế không muốn nhìn thấy ở đó là: Mađalêna, một cô điếm nổi danh ở Giêrusalem. Máthhêu, nhân viên thu thế. Giakêu. Và tên cướp cùng bị đóng đanh bên phải Chúa trên đồi Golgotha. Saolê hay cũng được gọi là Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại sau này. Danh sách này chắc còn dài và nhiều lắm, vì cũng chính Chúa Giêsu đã có lần nói: “Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi”. Trong danh sách dài những người như vậy được vào Nước Trời gần với chúng ta nhất là Augustine, chàng trai phóng đãng, kiêu căng đã bị Chúa chinh phục, đã tìm gặp Ngài và trở nên đại thánh.

 

Điều này chứng tỏ ở trong Nước Thiên Chúa không phải chỉ có những thành phần thánh thiện, đạo đức và tốt lành, nhưng là có cả những thành phần mà như Chúa Giêsu vừa đề cập đến tức là gồm cả kẻ tội lỗi, xấu nết. Và nó cũng cho chúng ta biết thêm về một chân lý này, đó là, chúng ta tất cả cũng chỉ là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Những con nợ, những kẻ làm công ế ẩm đáng thương mà nếu ông chủ nhân lành không rộng rãi tha cho, hoặc ban cho một cơ may được làm việc trong vườn nho của ông, thì cũng đành mắc nợ trọn đời, hoặc chết đói vì túng thiếu.

 

Nếu ai đã từng đọc qua cuộc khảo cứu của một linh mục Dòng Phanxicô nổi tiếng về khoa chiết tự học, sẽ nhận ra chân lý trên. Vị linh mục này được trao cho việc khảo cứu và phân tích tự bút – chữ viết - của hơn 20 vị thánh. Nhưng để khách quan và chuyên nghiệp, ông đã không được thông báo và cho biết những chữ viết ấy là của ai và xuất xứ từ đâu. Và sau đó, kết quả được trình với các vị có thẩm quyền. Theo đó, chỉ có 2 vị trong số những thánh nhân lẫy lừng của Giáo Hội ở vào thời đại gần đây, còn lưu lại được chữ viết, là có căn tính, có khuynh hướng, và có tâm hồn đạo hạnh từ thuở nhỏ. Ngược lại những vị như Tiến sĩ Têrêsa D’avilla, cải tổ dòng kín Camêlô. Tiến sĩ Têrêsâ Hài Đồng Giêsu. Inhaxiô, sáng lập dòng Tên. Phanxicô, sáng lập dòng Phanxicô. Đaminh, sáng lập dòng Đaminh. Gioan Bosco, sáng lập dòng Don Boscô, và đông đảo trong số còn lại đều có những khuynh hướng, và cá tính tầm thường, ngược lại với đời sống đạo hạnh như ghen tương, đa mê nhục dục, ham danh lợi, chủ quan, bủn xỉn, và hẹp hòi... Hai vị có bản chất đạo đức đó là Thánh Giáo Hoàng Piô X, và Đaminh Saviô.

 

Qua kết quả cuộc khảo cứu trên, chứng tỏ rằng những người đã vào và sống trong Nước Trời, không phải là những người sinh ra với bản tính, tâm thức thánh thiện, hoàn hảo. Họ không nên thánh từ lúc mới sinh. Nhưng như bất cứ ai khác, họ cũng mang trong mình những khuyết điểm, những yếu đuối, và lỗi lầm.

 

Điều mà Chúa Giêsu nói với người Do Thái thời đó, cách riêng, cho những thượng tế, Pharisiêu, và luật sĩ, Ngài cũng muốn nhắn gửi mọi Kitô hữu sau này về thái độ và lề thói phán đoán, xét xử người này, người khác dựa vào ngoại hình, thái độ và địa vị. Một sự so sánh, đáng giá nhằm thỏa mãn sự kiêu căng và tự phụ của họ. Thực tế, họ lại không hơn gì những người mà họ cho là đĩ điếm, trộm cướp, vì tấm lòng của những người này không hẳn như thế, và hoàn cảnh đưa đẩy những người ấy vào những việc làm như thế đôi khi ngoài sự kiểm soát và ước muốn của họ. Tuy nhiên, những người này không vào Thiên Đàng, không tham dự bàn tiệc Nước Chúa với danh nghĩa một tên cướp, một cô gái điếm, hay một chàng sở khanh, lường gạt. Nhưng bằng tấm lòng tan nát khiêm cung, và cậy dựa vào lòng nhân từ của Thiên Chúa.

 

Dụ ngôn người chủ vườn ra thuê thợ cho thấy điều này, ông chủ vì muốn tạo công ăn việc làm, và vì thương những người đứng chờ đợi cả ngày mà không ai thuê họ. Dụ ngôn ông vua nhân từ đã tha cho tên đầy tới bất lương một số nợ, mà dù có bán y, vợ con y, và gia tài y cũng không đủ để trả. Việc Chúa đón nhận Matthêu, Giakêu, tên cướp thống hối, Mađalêna, hay mọi người chúng ta hôm nay trong Giáo Hội của Ngài, cho được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa đã nói lên rằng không ai có thể vào Thiên Đàng, vào Nước Chúa với khả năng và sức lực của mình. Và thông điệp mà Chúa muốn nhắn gửi mọi Kitô hữu qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay là:

 

  1. Lòng nhân lành của Thiên Chúa vượt xa mọi tội lỗi của con người. Không ai được thất vọng, và từ chối sự tha thứ của Ngài.

 

  1. Chúng ta không được phê bình, đoán xét, hoặc kết án anh chị em mình dù họ là bất cứ ai. Hãy để việc đoán xét, kết án cho Chúa. Phần chúng ta hãy đối xử thân tình và coi mọi người là anh chị em.

 

  1. Tất cả chúng ta, mỗi người đều phải chấp nhận thân phận yếu hèn của mình. Tuy nhiên, không ai được quyền dừng lại ở những khuyết điểm ấy, mà phải vươn lên, phải chỗi dậy như người con đi hoang, đã can đảm chỗi dậy và về cùng cha anh.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

TOP

 

ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa"

 

(tiếp 2005 ngày 2/1 9/1 16/1,  23/1,  6/2,  13/2,  20/2,  27/2 , 12/6, 18/9)

 

Một cuộc hân hoan cử hành bằng ca hát

 

50.           Nếu bản chất của Thánh Lễ Chúa Nhật và tầm quan trọng của nó nơi đời sống tín hữu như thế, thì cần phải chú trọng đặc biệt tới việc sửa soạn. Theo kinh nghiệm mục vụ và tục lệ địa phương theo các qui chuẩn phụng vụ, cần phải thực hiện những nỗ lực để làm sao bảo đảm được rằng việc cử hành này có tính cách long trọng thích hợp với ngày tưởng niệm biến cố Phục Sinh của Chúa. Để được như thế, cần phải chú ý tới những bài hát được cộng đồng sử dụng, vì ca hát là cách thức xứng hợp đặc biệt để bày tỏ tâm hồn vui tươi, gia tăng tính cách long trọng của việc cử hành và nuôi dưỡng cảm quan của một đức tin yêu chung. Cần phải lưu tâm để bảo đảm tính chất, cả về lời ca lẫn cung điệu, nhờ đó những gì ngày nay được cho là mới mẻ và sáng tạo mới hợp với các đòi hỏi của phụng vụ và mới xứng đáng với truyền thống của Giáo Hội, một truyền thống hãnh diện về một gia sản vô giá nơi lãnh vực thánh nhạc.

 

Một cử hành bao gồm tất cả mọi người

 

51.           Cũng cần phải làm sao để bào đảm là tất cả mọi người hiện diện, trẻ em lẫn người lớn, chủ động tham dự, bằng cách khuyến khích họ tham phần vào những chỗ được phụng vụ gợi ý và khuyên làm (90). Dĩ nhiên, chỉ có những ai thực hành thừa tác vụ tư tế mới làm công hiệu Hy Tế Thánh Thể và có thể nhân danh toàn dân hiến dâng hy tế ấy lên Thiên Chúa mà thôi (91). Đó là căn bản của việc phân biệt, một biệt phân vượt lên trên cả vấn đề về kỷ luật, giữa công việc xứng hợp với vị chủ tế và công việc thuộc về phó tế và tín hữu không có chức thánh (92). Tuy nhiên, tín hữu cần phải ý thức rằng, vì chức linh mục chung được lãnh nhận nơi Phép Rửa, “họ được tham dự vào việc hiến dâng Thánh Thể” (93). Mặc dù có sự phận biệt về vai trò, họ vận “hiến dâng lên Thiên Chúa tế vật thần linh và cùng với tế vật này chính bản thân mình. Khi hiến dâng hy tế và hiệp lễ, họ chủ động tham dự vào phụng vụ” (94), tìm thấy nơi phụng vụ ánh sáng và sức mạnh để sống chức linh mục thánh tẩy và đời sống thánh chứng nhân của mình.

 

Những giây phút khác của Chúa Nhật Kitô Giáo

 

52.           Việc thông phần vào Thánh Thể là tâm điểm của Chúa Nhật, thế nhưng nhiệm vụ giữ thánh Chúa Nhật này không thể chỉ giới hạn có thế thôi. Thật vậy, Ngày Của Chúa được sống tốt đẹp nếu từ đầu đến cuối nó mang tính cách tri ân và chủ động tưởng nhớ đến công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Điều này thúc đẩy mỗi một người môn đệ của Chúa Kitô làm nên các giây phút khác trong ngày của họ – những giây phút ngoài khung cảnh phụng vụ, đó là đời sống gia đình, các thứ giao tiếp về xã hội, những giây phút xả hơi giải trí – ở chỗ an bình và niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh được thể hiện nơi các biến cố bình thường của đời sống. Chẳng hạn, việc tụ họp lại nghỉ ngơi của cha mẹ và con cái có thể là cơ hội chẳng những để nghe nhau mà còn là những giây phút giáo huấn và chia sẻ nữa. Ngay trong cuộc sống trần thế nữa, khi có thể, tại sao lại không giành riêng những lúc nguyện cầu – nhất là long trọng cử hành các Giờ Kinh Tối chẳng hạn – hay những giây phút giáo lý, những giây phút áp Chúa Nhật hay vào chiều Chúa Nhật để sửa soạn cho hay để làm viên trọn tặng ân Thánh Thể nơi tâm can con người?

 

Cách thức có tính cách truyền thống hơn này để giữ thánh Chúa Nhật như thế có lẽ là những gì khó khăn đối với nhiều người; thế nhưng, Giáo Hội chứng tỏ niềm tin của mình ở nơi sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh và ở quyền năng của Thánh Thần, bằng việc cho thấy rằng, hơn bao giờ hết là lúc này đây, Giáo Hội không muốn sống ở tầm mức đức tin tối thiểu và tầm thường. Giáo Hội muốn giúp các Kitô hữu thực hiện những gì đúng đắn nhất và làm hài lòng Chúa nhất. Bất chấp khó khăn, vẫn có những dấu hiệu tích cực và phấn khởi. Ở nhiều nơi trong Giáo Hội đang cảm thấy một nhu cầu mới đối với việc nguyện cầu qua nhiều hình thức của nó; và đó là một tặng ân của Thánh Linh. Cũng có cả việc tái tấu những thực hành đạo nghĩa cổ thời nữa, như các thứ hành hương; và tín hữu thường lời dụng nghỉ ngơi Chúa Nhật đến viếng thăm một Đền Thánh nào đó, nơi mà cả gia đình có thể sống những giây phút cảm nghiệm đức tin sâu xa hơn nữa. Đó là những giây phút ân sủng cần phải được duy trì qua việc truyền bá phúc âm hóa và được hướng dẫn bởi đức khôn ngoan mục vụ chân thực.

 

Các cộng đồng Chúa Nhật thiếu linh mục

 

53.           Vẫn còn vấn đề giáo xứ không có thừa tác vụ linh mục để cử hành Thánh Thể Chúa Nhật. Đây thường là trường hợp ở các Giáo Hội trẻ, nơi chỉ có một vị linh mục duy nhất phải chịu trách nhiệm mục vụ cho thành phần tín hữu ở phân tán ở một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, những trường hợp khẩn trương cũng có thể xuất hiện ở các xứ sở có truyền thống Kitô giáo lâu đời, nơi con số giáo sĩ giảm sút khioến không thể bảo đảm được việc hiện diện của một vị linh mục nào đó nơi mọi cộng đồng giáo xứ. Ở những trường hợp không thể cử hành Thánh Thể, Giáo Hội khuyên là cộng đồng Chúa Nhật hãy đến với nhau cho dù thiếu linh mục (95), theo những ấn định và hướng dẫn của Tòa Thánh đã được ủy thác cho các Hội Đồng Giám Mục áp dụng (96). Tuy nhiên, mục tiêu bao giờ cũng vẫn là việc cử hành Hy Tế Thánh Lễ, cách thức duy nhất để làm cho Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thực sự hiện hiện, việc hiện thực trọn vẹn duy nhất của cộng đồng Thánh Thể được vị linh mục chủ tế nhân danh Chúa Kitô, bằng việc bẻ bánh lời Chúa và Thánh Thể. Bởi thế, về lãnh vực mục vụ, cần phải thực hiện mọi sự để đảm bảo làm sao cho Hy Tế Thánh Lễ được thuận lợi thường xuyên bao nhiêu có thể cho tín hữu là thành phần thường bị hụt hẫng, hoặc bởi việc sắp xếp linh mục tùy theo từng lúc, hay bởi việc lợi dụng mọi cơ hội tổ chức qui tụ lại một nơi chính dễ dàng cho các nhóm ở phân tán.

 

Truyền thanh và truyền hình

 

54.           Sau hết, người tín hữu, vì bị bệnh, tật nguyền, hay những lý do hệ trọng nào khác, không thể tham dự, cần phải hiệp nhất bao nhiêu có thể với việc cử hành Lễ Chúa Nhật từ xa, nhất là bằng những bài đọc và những lời nguyện của Lễ hôm đó, cũng như bằng việc khao khát Thánh Thể (97). Ở nhiều xứ sở, truyền thanh và truyền hình giúp có thể tham dự vào việc cử hành Thánh Thể được truyền đi từ một nơi linh thánh nào đó (98). Dĩ nhiên là loại truyền thanh truyền hình này tự nó không làm trọn trách nhiệm Chúa Nhật, một trách nhiệm đòi phải tham gia với cộng đoàn huynh đệ ở một nơi có thể hiệp Lễ. Thế nhưng, đối với những ai không thể tham dự Thánh Thể và những ai bởi thế được miễn trừ trách nhiệm ấy, thì truyền thanh và truyền hình là một cách hỗ trợ quí báu, nhất là được kèm theo bằng việc phục vụ quảng đại của những thừa tác viên ngoại lệ mang Thánh Thể đến cho bệnh nhân, cũng như mang đến họ lời chào hỏi và tình đoàn kết của toàn thể cộng đoàn. Thánh Lễ Chúa Nhật nhờ đó cũng làm phát sinh những hoa trái dồi dào cho cả những Kitô hữu ấy nữa, và họ thực sự có thể cảm nghiệm Chúa Nhật là “Ngày Của Chúa” và là “Ngày Của Giáo Hội”.

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

TOP

 

KINH NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA

 

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới gởi một thư chung mục vụ 2005 cho toàn thể mọi thành phần Dân Chúa.

 

Khi soi đời tôi vào thư đó, tôi như đọc thấy Lời Chúa viết trong đời mình.

 

Có thể nói, Lời Chúa thực sự đã viết trong tôi. Viết trong trí khôn, trí nhớ, trí sáng tạo. Có những Lời đã viết sâu tận tiềm thức, vô thức. Bình thường tưởng như những Lời ấy đã bị quên, nhưng thực sự chúng đã biến thành sự sống.

 

Lời Chúa được viết trong tôi và đã trở thành một sự sống hoán cải tôi. Bởi vì những Lời ấy không do người nào đã viết, nhưng do chính Chúa đã pha trộn vào sự sống của tôi. Lời Chúa là một sự sống. Sự sống ấy gieo vào sự sống của tôi những tiềm năng sự thiện.

 

Những tiềm năng sự thiện ấy đã lớn lên dần dần trong tôi theo tuổi đời tôi. Nếu muốn đưa ra cái nhìn về vài ích lợi trong muôn vàn của Lời Chúa trong đời tôi, thì tôi xin chia sẻ đôi chút như sau:

 

1/ Lời Chúa hướng dẫn tôi đi tìm và phát triển sự thiện

 

Tôi vẫn quan niệm rằng: Sự sống của tôi phải hướng về sự thiện và phát triển sự thiện. Sự thiện cho bản thân tôi và sự thiện cho mọi người, ưu tiên là cho những ai tôi có liên đới và trách nhiệm.

 

Để biết cái gì là sự thiện, tôi có thể hỏi lương tri, giáo dục, tập quán xã hội và dư luận. Nhưng mọi ngả ấy đều có thể cung cấp những chỉ dẫn sai lạc. Để biết chắc đâu là thiện, tôi tìm đến Chúa. Chúa trả lời tôi bằng Lời Chúa.

 

Có một điều tôi muốn nêu lên ở đây, đó là Lời Chúa giúp tôi yêu mến sự thiện, khát khao sự thiện, đi tìm sự thiện. Nhất là khi sự thiện tôi khao khát đi tìm với hết sức mình là chính Nước Trời.

 

Có lần Chúa Giêsu đã phán: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy

 

"Nước Trời lại giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có để mua lấy viên ngọc ấy" (Mt 13,44-45).

 

Khi tôi được gọi làm giám mục, tình hình đời đạo trên quê hương Việt Nam đang diễn tiến phức tạp trong khói lửa mịt mù. Lúc đó, tôi chọn cho đời mục tử của tôi Lời Chúa sau đây: "Điều răn mới". Đó là lời vắn tắt trích từ một lời dài Chúa Giêsu đã trối trong bữa tiệc ly: "Thầy trao cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 14,34).

 

Lời Chúa trên đây đã là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho tôi, và là nguồn sống thiêng liêng nuôi dưỡng tôi. Nhờ đó, tôi thấy rõ hướng tôi sẽ đi để phát triển cho dân tộc, cho địa phương, cho Giáo Hội, nhất là cho những người nghèo khổ.

 

Cũng nhờ Lời Chúa đã trở thành đường đi của đời tôi, nên tôi đã biết chống lại sự ác một cách có hiệu quả.

 

2/ Lời Chúa hướng dẫn tôi chống lại sự ác bằng sự thiện

 

Trong cuộc sống, sự ác là một thứ đồng hành không tránh được. Có muôn vàn thứ ác. Chúng mạnh và xuất hiện dưới nhiều hình thức. Để sống tốt, tôi phải chống lại chúng.

 

Tôi có thể chống ác bằng sự ác. Nhưng cách đó sẽ đưa tới tồi tệ. Nên, theo Lời Chúa hướng dẫn, tôi luôn chống ác bằng sự thiện.

 

Nhưng để sự thiện có sức thắng sự ác, tôi cần sống Lời Chúa một cách sâu xa. Nhờ vậy, tôi sẽ biết dùng sự thiện để đối phó với sự ác cách nào, lúc nào và mức nào.

 

Nhờ Lời Chúa dạy, đôi khi do sự thinh lặng, tôi đã thắng được một sự ác lớn, chứ không do tranh cãi ồn ào.

 

Nhờ Lời Chúa dạy, nhiều khi do sự cầu nguyện âm thầm, tôi đánh bại sự ác nguy hiểm, chứ không do những tranh đấu rầm rộ.

 

Trong mọi trường hợp đấu tranh với sự ác, tôi luôn nhớ Lời Chúa dạy qua thánh Phaolô: "Hãy đứng vững, lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an. Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho là Lời Thiên Chúa" (Ep 6,14-17).

 

Dùng sự thiện để chống lại sự ác. Lời Chúa dạy như vậy đã luôn ứng nghiệm trong đời tôi. Ngoài ra,

 

3/ Lời Chúa còn giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa đời tôi

 

Xin thú thực là: Điều làm sung sướng nhất trong đời, chính là tôi được làm con Chúa. Ngoài ra, điều làm tôi coi mình được vinh dự nhất, chính là được phần nào nên giống Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu, mà thánh Phaolô đã ca tụng bằng những bước xuống vì yêu thương loài người:

 

"Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không dành cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người huỷ bỏ chính mình, mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá" (Pl 2,6-11).

 

Trên đây là tấm bảng chỉ cho tôi thấy ý nghĩa đời tôi. Tôi càng đi sâu vào hướng đó, tôi sẽ càng thấy mình được là cành của thân cây nho là Chúa Giêsu (x. Ga 15,1-5).

 

Đời tôi cũng như đời mỗi người đều có hai chiều kích: Một là chiều kích bề ngang, hai là chiều kích bề cao. Chiều kích bề ngang là những quan hệ với các loại người, với môi trường, với vũ trụ. Chiều kích bề cao là quan hệ với Chúa.

 

Tôi được may mắn dùng những thời gian của tuổi già, để làm cho chiều kích bề cao mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Kitô hơn.

 

Thế là ý nghĩa đời tôi đã được xác định rõ. Dù với vô vàn giới hạn, đời tôi như một dòng tình yêu chảy về Biển Cả vô biên là Thiên Chúa Tình Yêu.

 

Trên đây là một thoáng nhìn về kinh nghiệm của tôi sống Lời Chúa. Kinh nghiệm diễn tả được vẫn nghèo so với kinh nghiệm không sao diễn tả được.

 

Hành trình tôi Sống Lời Chúa đã được thực hiện giữa một giai đoạn lịch sử Việt Nam không thiếu thử thách.

 

Hành trình này rất ẩn dật, khó nghèo, nhưng được Chúa cho cộng tác phần nào vào công trình cứu độ của Chúa. Xin tạ ơn Chúa đến muôn đời.

 

         + Gm. GB. BÙI TUẦN

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ