GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 18/9/2005,

NGÀY CỦA CHÚA

TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

 

1)   NGƯỜI LÀM THUÊ

2)   ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa"

3)   NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

   

 

NGƯỜI LÀM THUÊ

 

“Trong khi mùa màng còn bề bộn thì không ai được ngồi không”. Đó là lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong phần mở đầu của Thông Điệp Người Tín Hữu Giáo Dân, với chủ ý nhắm vào thành phần đông đảo dân Chúa đang sống và sinh hoạt giữa dòng đời. Ngài có ý muốn đặt họ vào vai trò chủ động trong sinh hoạt truyền giáo và mở mang nước Thiên Chúa.

 

Đức Gioan Phaolô II đã cảm hứng từ trích đoạn Tin Mừng của Thánh Mátthêu khi nói về việc người chủ vườn nho ra ngoài thuê mướn thợ. Trong số những người được thuê mướn ấy, kẻ trước người sau tùy vào thời điểm mà ông ra thuê họ. Trong trích đoạn Tin Mừng này, ngoài trừ yếu tố thuê mướn sớm hay muộn, điểm nổi bật nhất là thái độ của người được thuê cũng như người chủ vườn qua lối hành xử của ông khi trả tiền công cho mọi người. Thánh ký ghi nhận, từ ban sáng chủ vườn ra thuê một số thợ và đôi bên đã mặc cả về số lương trong ngày. Đôi bên thỏa thuận và mọi người được giao phó công việc.

 

Nhưng rồi do nhu cầu, hoặc cũng có thể do lòng hảo tâm muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thỉnh thoảng ông chủ vườn lại ra và thuê thêm thợ. Nhưng trong những lần thuê mướn sau này, đôi bên lại không hề đề cập đến giá cả hoặc tính chất nặng nhọc, vất vả và những công việc được giao phó. Người được thuê hoàn toàn tin tưởng vào chủ vườn, và cho là một một may mắn được có việc làm. Những người này đã trả lời chủ vườn khi hỏi họ: “Tại sao các anh đứng không ở đây cả ngày?” (Mt 20:6), bằng câu: “Vì không ai thuê chúng tôi” (Mt 20:7). Đó cũng là câu phỏng vấn duy nhất, và cũng là câu trả lời duy nhất. Cũng qua lối thuê mướn này, ta hiểu thêm rằng chính người chủ muốn tạo công ăn việc làm cho những ai đang cần việc, chứ không hẳn ông đã không có đủ thợ. Đây là mấu chốt để đưa đến thái độ ghen tỵ và phàn nàn của những người đã làm từ đầu ngày. Thánh ký kể lại những người làm từ đầu ngày đã phàn nàn với chủ, và ghen tỵ với các bạn mình khi nhận ra họ cũng chỉ được trả lương bằng những người được thuê mướn sau.

 

Phần đông chúng ta khi theo Chúa, khi tham dự vào sinh hoạt của vườn nho Chúa là Giáo Hội, cũng thường mang tâm trạng của những người thuộc nhóm làm công thứ nhất. Những người tự cho rằng mình xứng đáng để được đối xử đặc biệt, nhưng lại không dám hy sinh và sống chết với chủ.

 

Đúng ra, nếu xét về mặt tự nhiên, thì không ai lại đi làm không công cho người khác. Hoặc không ai lại đi làm cho một người mà không biết giá cả có tương xứng với những vất vả của công việc hay không. Nhưng điều làm cho những người thợ đầu tiên không được chủ ưu ái là thái độ ghen tương và bất mãn của họ, trong khi đúng ra không được quyền làm như thế. Và nếu nhìn họ bằng cặp mắt đức tin, thì đây là những Kitô hữu theo Chúa và mến Chúa cách hời hợt, đủ điểm để mong vào Thiên Đàng. Giữ đạo vì sợ hỏa ngục. Và chính vì thế, những gì họ làm, những gì họ suy nghĩ không vượt xa khỏi cái lợi của họ, hoàn toàn không phải vì Chúa. Không những thế, nhiều người trong bọn họ còn tỏ ra phân bì, so sánh và bất mãn khi thấy Chúa xử đối khoan hồng với anh chị em mình.

 

Trở lại việc thuê mướn, những lớp thợ tiếp nối sau giữa họ và chủ không có sự mà cả, hoặc phàn nàn về giá cả. Tất cả đều đặt trên sự tin tưởng và thiện chí. Vì đặt trên niềm tin, sự thành tín, nên cả chủ lẫn thợ đều cảm thấy thoải mái, thân thiết, và không ai phải buồn lòng. Thợ làm việc hết mình và tận tâm vì biết rằng mình được đối xử tử tế, và do đó, không muốn phụ lòng tốt của chủ. Do tâm tình biết ơn và trọng kính, họ coi công việc của chủ như công việc của chính mình, nên làm một cách chu đáo mà không cần phải đặt vấn đề lương bổng, hơn thiệt. Phần ông chủ, vì muốn đối xử nhân từ với những người làm công tốt bụng, mà vì chính ông đã động lòng thương cảm sự thiếu thốn và thất nghiệp của họ, nên không những ông đã đề nghị thuê họ trước khi họ nghĩ rằng mình sẽ được thuê. Cũng như lúc trả tiền, chính ông đã ra lệnh cho quản lý trả tiền họ trước. Không những được trả trước, mà còn được trả bằng với những người thợ đầu ngày, nắng nôi và vất vả suốt ngày, đến nỗi những người đến trước đã phải ghen tỵ: “Những người đến sau chỉ làm có một giờ mà ông cũng coi họ bằng chúng tôi vất vả và nóng bức suốt ngày?” (Mt 20-12).

 

Có lẽ chúng ta cũng nên coi lại thái độ và lối sống của mình trong khi đặt mình vào những người làm công của Thiên Chúa. Không được ngồi chơi trong khi cánh đồng của Chúa còn bề bộn đã là một lý do thúc bách chúng ta phải tích cực hơn trong việc đem Tin Mừng của Chúa đến cho muôn người tùy vào khả năng, và tùy vào công việc mà mình được thuê mướn – tùy vào ơn gọi, Nhưng điểm quan trọng nhất vẫn là chúng ta phải có thái độ nào và tâm tình nào đối với những công việc đã được trao phó. Làm để lấy công và làm cho có lệ? Hoặc làm vì lòng mến và làm một cách chân thành, thiết tha. Dĩ nhiên, dù làm với hình thức nào thì tính chất vất vả nhiều ít vẫn là điều đi liền với công việc, và vì thế so sánh, nghi kỵ, nhòm ngó, hoặc ghen tương nhau là điều cần phải nên tránh. Nhưng có lẽ chúng ta dù được thuê mướn trước hay sau, dù được chỉ định làm việc này hay làm việc khác, hoặc ở chỗ này hay ở chỗ kia trong vườn nho Chúa, thì cũng nên bắt chước tâm tình và thái độ của những người đã được chủ thuê mướn vào lúc cuối ngày. Đó là:

 

- Đến sau nhưng mang trọn tâm tình và ước muốn được làm và được vất vả cả ngày.

- Biết mình đến sau và được chủ ưu ái cho cơ hội được làm việc, nên không đặt điều kiện, không mà cả.

- Biết mình được thuê mướn sau và do lòng tốt của chủ nên đáp đền bằng với tất cả tấm lòng và sự yêu mến của mình.

- Làm ít nhưng làm với tất cả tấm lòng, làm tận tình và nhiệt tâm..

- Làm ít nhưng làm đúng ý chủ. 

- Làm ít nhưng làm với tâm tình biết ơn.

 

Thái độ trên chính là thái độ của người Kitô hữu mỗi khi nghĩ tới ơn gọi của mình, nghĩ tới vườn nho của Chúa là Giáo Hội. Nhất là nghĩ tới ơn huệ mà chủ vườn đã ưu ái mời chúng ta, giao công tác cho chúng ta, để chúng ta được tham gia vào công việc Phúc Âm hóa môi trường và Phúc Âm hóa thế giới, vì truyền giáo là một ơn gọi của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu. 

 

Trần Mỹ Duyệt

 

TOP

 

ĐTC GPII: Tông Thư "Ngày Của Chúa"

 

(tiếp Ngày 2/1 Ngày 9/1 Ngày 16/1 Ngày 23/1 Ngày 6/2 Ngày 13/2 Ngày 20/2 Ngày 27/2 Chúa Nhật 12/6)

 

Từ Thánh Lễ tới “việc truyền giáo”

 

45.           Khi nhận lãnh Bánh Sự Sống, thành phần môn đệ của Chúa Kitô, với sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh và Thần Linh của Người, dấn thân chấp nhận các công việc làm đang đợi chờ họ ở cuộc sống hằng ngày. Đối với tín hữu hiểu được ý nghĩa của những gì họ làm, thì việc cử hành Thánh Thể không ngừng lại ở cửa nhà thờ mà thôi. Như thành phần chứng nhân tiên khởi của biến cố Phục Sinh, những người Kitô hữu qui tụ lại vào mỗi Chúa Nhật để cảm nghiệm và loan báo việc hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh đều được kêu gọi để truyền bá phúc âm hóa và làm chứng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Có thế, Lời Nguyện sau Hiệp Lễ và Nghi Thức Kết Lễ – tức Phép Lành Kết Lễ và Lên Đường – là những gì cần phải được thẩm định và cảm nhận hơn nữa, có thế, tất cả mọi người được thông phần vào Thánh Thể mới sâu xa cảm nhận thấy trách nhiệm được ủy thác cho họ. Khi cộng đồng chia tay nhau, thành phần môn đệ của Chúa Kitô trở lại với môi trường thường nhật của mình bằng quyết tâm làm cho tất cả cuộc sống của họ thành một tặng ân, một hy tế linh thiêng đẹp lòng Thiên Chúa (x Rm 12:1). Họ cảm thấy nợ nần anh chị em của mình vì những gì họ nhận được nơi việc cử hành này, không phải khác với các môn đệ đi về làng Emmau, những vị môn đệ khi nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh “nơi việc bẻ bánh” (x Lk 24:30-32), cảm thấy cần phải lập tức trở về chia sẻ với anh chị em của mình niềm vui được gặp gỡ Chúa (x Lk 24:33-35).

 

Việc bắt buộc giữ Chúa Nhật

 

46.           Vì Thánh Thể là chính tâm điểm của Chúa Nhật, đó là lý do rõ ràng tại sao ngay từ những thế kỷ đầu tiên các vị Mục Tử của Giáo Hội đã không ngừng nhắc nhở tín hữu về nhu cầu cần phải tham gia vào cộng đồng phụng vụ. Bản văn kiện mang tên Didascalia ở thế kỷ thứ ba đã kêu gọi là “Vào Ngày Của Chúa hãy bỏ hết mọi sự mà siêng năng tham gia với cộng đoàn của anh em, vì nó là việc anh em chúc tụng Thiên Chúa. Bằng không, làm sao có thể chữa mình được với Thiên Chúa đây, thành phần không đến với nhau vào Ngày Của Chúa để nghe lời sự sống và lãnh nhận thứ thần dưỡng tồn tại muôn đời?” (75). Tín hữu nói chung đã chấp nhận lời mời gọi này của các vị Chủ Chiên bằng niềm xác tín trong tâm hồn, và, mặc dù có những lúc và những trường hợp không được đáp ứng một cách trọn vẹn, người ta cũng không thể nào quên được đức anh hùng chân chính của các vị linh mục và tín hữu đã làm trọn trách nhiệm ấy cho dù gặp hiểm nguy và bị mất quyền tự do tôn giáo, như được ghi nhận từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo cho tới thời đại của chúng ta đây.

 

Trong bài Hộ Giáo đầu tiên của mình ngỏ cùng Hoàng Đế Antoninus và Thượng Viện, Thánh Justine đã hãnh diện diễn tả việc thực hành Kitô giáo của cộng đồng Chúa Nhật, một cộng đồng qui tụ lại ở một nơi các Kitô hữu trong thành phố và ngoài miền quê (76). Trong cuộc bách hại của hoàng đế Diocletian, những cuộc hộp họp này bị triệt để nghiêm cấm, nhiều người vẫn đủ can đảm coi thường lệnh hoàng đế và chấp nhận chết chóc hơn là bị mất đi Thánh Thể Chúa Nhật. Đó là trường hợp của các vị tử đạo tại Abitina, trước Thống Đốc Phi Châu, những vị đã trả lời cho thành phần tố cáo các vị là: “Chúng tôi cử hành Bữa Chúa Kitô không sợ hãi gì cả, vì không thể nào thiếu được bữa này; đó là luật của chúng tôi”; “Chúng tôi không thể nào sống mà không có Bữa Của Chúa”. Khi tuyên xưng đức tin của mình, một nữ nhân trong số các vị tử đạo ấy đã nói: “Phải, tôi đến với cộng đồng ấy và tôi đã cử hành Bữa Của Chúa với anh chị em của tôi, vì tôi là một người Kitô hữu” (77). 

 

47.           Ngay cả vào những thời xa xưa nhất khi thấy chưa cần phải qui định thì Giáo Hội cũng đã không thôi khẳng định trách nhiệm bó buộc này theo lương tâm rồi, một trách nhiệm xuất phát từ nhu cầu nội tâm được Kitô hữu mãnh liệt cảm nhận ở các thế kỷ đầu tiên. Chỉ sau đó, khi xẩy ra tình trạng có một số người ơ hờ hay bỏ bê, Giáo Hội mới minh nhiên bắt buộc tham dự Lễ Chúa Nhật: điều này được thực hiện thường là dưới hình thức huấn dụ, thế nhưng có những lúc Giáo Hội đã phải sử dụng đến những qui định đặc biệt theo giáo luật. Đó là trường hợp xẩy ra ở một số Công Đồng địa phương từ thế kỷ thứ 4 trở đi (như ở Công Đồng Elvira năm 300, một công đồng không nói về trách nhiệm đòi buộc song nói tới những hình phạt nếu vắng mặt 3 lần) (78), và đặc biệt là hầu hết từ thế kỷ thứ sáu trở đi (như ở Công Đồng Adge năm 506) (79). Những sắc chỉ của các Công Đồng địa phương này đã dẫn đến một thực hành có tính cách toàn cầu, đến tính cách bắt buộc được coi là một điều gì đó hoàn toàn phải lẽ (80).

 

Bộ Giáo Luật 1917 là bộ luật đầu tiên đã thu thập truyền thống ấy để làm thành một thứ luật chung (81). Bộ luật hiện hành đã lập lại luật này mà rằng: “vào các ngày Chúa Nhật và các ngày thánh buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ” (82). Khoản luật này vốn được hiểu là bao gồm cả một trách nhiệm nghiêm trọng: đó là giáo huấn của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (83), và nếu ý thức chúng ta cũng dễ hiểu lý do tại sao Ngày Chúa Nhật quan trọng như thế nào đối với đời sống Kitô hữu.

 

48.           Ngày nay, như trong những thời anh hùng của thuở ban đầu, nhiều người muốn sống theo các đòi hỏi niềm tin của mình đang phải đương đầu với những tình trạng khó khăn ở những phần đất khác nhau trên thế giới. Họ sống trong những môi trường đôi khi hận thù dữ dội, và có những lúc – thực sự thường xẩy ra hơn – dửng dưng và ơ hờ với sứ điệp Phúc Âm. Nếu tín hữu không bị áp đảo, họ mới có thể cậy dựa vào việc nâng đỡ của cộng đồng Kitô hữu. Đó là lý do tại sao họ cần phải xác tín rằng, đối với đời sống đức tin họ rất cần phải đến với nhau vào các Chúa Nhật để cử hành Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô trong bí tích Tân Ước. Bởi thế, nhiệm vụ đặc biệt của các vị Giám Mục đó là làm sao để “bảo đảm rằng Chúa Nhật là ngày được tất cả mọi tín hữu cảm nhận, thánh hóa và cử hành như ‘Ngày Của Chúa’ thực sự, ngày Giáo Hội cùng nhau đến để lập lại việc tưởng nhớ tới mầu nhiệm Phục Sinh, nơi việc nghe lời Chúa, nơi việc hiến dâng hy tế của Chúa, nơi việc thánh hóa ngày này bằng cách nguyện cầu, làm việc bác ái và kiêng cử làm việc” (84). 

 

49.           Vì tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ trừ khi bị ngăn trở trầm trọng, các vị Mục Tử có trách nhiệm tương hợp trong việc cống hiến cho hết mọi người cơ hội thực sự trong việc chu toàn qui định ấy. Các khoản luật Giáo Hội đều theo chiều hướng này, chẳng hạn như việc ban năng quyền cho các vị linh mục, với phép trước của vị Giám Mục giáo phận, để cử hành hơn một Lễ vào các Chúa Nhật và ngày thánh (85), như việc thiết lập các Lễ ban tối (86) và khoản cho phép hoàn thành nhiệm vụ này từ tối Thứ Bảy trở đi, bắt đầu vào giờ Nguyện Kinh Chiều vọng Chúa Nhật (87). Thật vậy, theo quan điểm phụng vụ thì các ngày thánh được bắt đầu với Giờ Kinh Chiều (88). Do đó, phụng vụ về những gì được gọi là “Lễ Vọng” thực sự là Lễ “thuộc” Chúa Nhật, một lễ buộc vị chủ tế phải giảng và đọc Lời Nguyện Giáo Dân.

 

Ngoài ra, các vị Mục Tử cần phải nhắc nhở tín hữu rằng khi họ đi xa nhà vào Ngày Chúa Nhật họ phải để ý tham dự Thánh Lễ ở nơi nào có thể, làm phong phú cộng đồng địa phương bằng chứng từ riêng của họ. Các cộng đồng này đồng thời cũng phải tỏ ra nồng hậu đón tiếp những người anh chị em viếng thăm của mình, nhất là ở những nơi thu hút nhiều khách du lịch và hành hương, thành phần thường cần phải được trợ giúp đặc biệt về đạo nghĩa (89).

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

TOP

 

NHỮNG CUỘC HIỆN RA THẬT VÀ GIẢ

 

LM Peter Joseph

 

(tiếp 15 Thứ Năm,16 Thứ Sáu  và 17 Thứ Bảy)

 

Tại sao thần dữ lại làm chuyện đó?

 

Người Công Giáo phải luôn cẩn trọng khi tin tưởng vào những thị kiến hay tín điệp trước khi nhận được sự chuẩn nhận của Giáo Hội. Thần dữ đã từng tạo ra nhiều điều huyền bí giả tạo trong những năm gần đây. Có người hỏi: “Tại sao thần dữ lại đứng sau cuộc mặc khải để khuyến khích người ta cầu nguyện, ăn chay và xám hối? Chẳng lẽ bọn Satan lại mâu thuẫn với nhau sao?”

 

Đây là câu hỏi hợp tình hợp lý. Vậy thì tại sao thần dữ hành động như thế?

 

Trả lời: Chúng làm như vậy vì một số lý do, như nhằm đánh lạc hướng con người để không còn tin vào những cuộc mặc khải cá nhân xác thực; nhằm hướng con người đi đến việc thực hành những điều không được chúc lành bởi Thiên Chúa; nhằm biến cuộc mặc khải cá nhân phải mang tiếng xấu; nhằm làm cho hết tin tưởng hay lâm vào tình trạng khủng hoảng đức tin một khi người được thị kiến sau này bị coi là người lầm lạc, và tệ hơn nữa chúng còn ngầm ý xảo quyệt là lôi kéo một số người theo nhau rời bỏ Giáo Hội. Thần dữ sẵn sàng thua lỗ nếu chúng thắng về lâu về dài.

 

Thần dữ vui mừng khi các người Công Giáo bác bỏ những phương thế đã từng thực hiện đem lại lợi ích cho đời sống đức tin để rồi đuổi theo những điều tự được coi là phi thường, không được Giáo Hội chuẩn nhận. Giáo Hội luôn cảnh giác tối đa trước khi đưa ra lời chuẩn nhận một cuộc mặc khải cá nhân, lý do là vì Giáo Hội biết rõ cách thức “mà Satan thường giả dạng thành một thiên thần của ánh sáng” (2 Cor 11:14). Giáo Hội phải tránh tình trạng nhẹ dạ và niềm tin không có nền tảng. “Đừng gạt bỏ Chúa Thánh Linh, đừng coi thường lời tiên tri, nhưng phải kiểm chứng mọi sự!” đó là lời giáo huấn của thánh Phaolô (1 Thess 5:19-21). Đồng thời Thánh Gioan cũng khuyến cáo: “Anh chị em thân mến, đừng tin vào thần linh nào cả, nhưng hãy kiểm chứng lại các thần linh để biết có phải xuất phát từ Thiên Chúa hay không” (1 Jn 4:1). Một số thần linh rất dễ phân biệt, số khác phức tạp hơn. Riêng các linh mục phải biết làm gương đặc biệt về ơn khôn ngoan và đức vâng phục trong lãnh vực này.

 

Những gương về người thị kiến bị luận xét là lầm lạc

 

Một vài cá nhân đã từng bị nêu đích danh để luận tội, ví dụ như Vassula Ryden, Hòn sỏi nhỏ, William Kamm. Vassula Ryden đã từng bị Hội Thánh kết án hai lần (tức văn phòng của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin) với nguyên do là cuộc mặc khải của nàng không phát nguồn từ Thiên Chúa, lại còn chứa những sai lầm đi ngược lại Đức Tin. Bạn có thể nghe nói: “nhưng bài viết của nàng chứa đựng nhiều tư tưởng thật là tuyệt diệu và rất là siêu nhiên.” Tôi đồng ý về điều này. Có lẽ 99% bài viết của Vassula là phù hợp với Đức Tin Công Giáo - thế nhưng đó chỉ là cách thức thần dữ dùng để đánh lừa người Công Giáo đạo đức. Chỉ có 1% là nguy hại. Một trái táo có thuốc độc trông vẫn là trái táo ngon, tuy nhiên nó có tác dụng gây nguy hại cho bạn. Thần dữ không thể đánh lạc hướng những người Công Giáo sùng đạo bằng những lời lẽ lạc đạo thẳng thừng, nhưng chúng có thể nại đến lòng đạo đức của họ để rồi nhẹ nhàng gieo rắc sự sai lầm.

 

Trong mọi cuộc mặc khải đã được Giáo Hội chuẩn nhận từ trước đến nay, không có trường hợp nào Thiên Chúa dùng bàn tay con người để viết lên những tín điệp của Ngài. Thế nhưng bạn có thể tìm thấy những tín điệp được viết tay tại các buổi cầu cơ - và các buổi cầu cơ đều bị Giáo Hội lên án là một sinh hoạt của huyền bí chống lại luật lệ Thiên Chúa.

 

Tôi đã đọc một tập san tu đức lên tiếng bênh vực Vassula rằng Đức Hồng Y Ratzinger chưa hề ký lời minh định chống lại bài viết của nàng và đăng trên báo L'Osservatore Romano. Thực ra một người mà tôi quen biết đã gởi cho tập san này lời minh định trích từ tờ báo chính thức của Giáo Hội tên là Acta Apostolicae Sedis, có chữ ký của Đức Hồng Y phía dưới cùng với chữ ký của vị Giám Mục Thư Ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin nữa. Có điều đáng tiếc là vị chủ nhiệm tập san nói trên không có tinh thần khiêm nhường và trung thực đủ để cho đăng lời đính chính trong các số báo kế tiếp.

 

Một ví dụ khác: những cuộc hiện ra tại Garabandal miền Bắc Tây Ban Nha trong đó bốn cô gái tự cho rằng Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với các nàng từ năm 1961 đến 1965. Các vị giám mục kế tiếp của địa phận Santander đều nhất loạt không chuẩn nhận. Ngay vị giám mục hiện nay là Giám Mục Vilaplaua cũng đồng thanh với phán quyết đó. Bất chấp phán quyết này, một số hội đoàn vẫn còn tích cực lên tiếng bênh vực vụ Garabandal. Đây là một gương đơn giản về bất phục tùng đối với thẩm quyền hợp pháp.

 

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp không thể kể ra hết được. Chẳng hạn như còn có Montichiari tại Italy (1947), Necedah tại Hoa Kỳ(1949), Palmar de Troya tại Tây Ban Nha (1968), Bayside tại Hoa Kỳ. (1970), Dozule tại Pháp (1972), và hằng trăm trường hợp khác - đó là chưa kể tới tất cả những người tự nhận là sứ ngôn và người đưọc thị kiến trong quá khứ và hiện tại, như người đàn bà Ái Nhĩ Lan tên là Christina Gallagher và nhiều tâm hồn đáng thương khác bị lừa dối. Tín điệp của bà Gallagher có phần thể hiện tâm trạng âu lo thái quá của người phụ nữ khóc than cho tương lai đen tối của thế giới. Trong thực tế có rất nhiều hạng người lo âu cuồng nhiệt than khóc cho số phận của thế giới xuất thân là người Công Giáo đạo đức - tuy nhiên có điều nên lưu ý là Đức Trinh Nữ trên Thiên Đàng không nói giọng bực bội với người phàm như vậy đâu. Gán ghép những giọng nói như thế cho Đức Mẹ là một điều phỉ báng.

 

“Cứ có thị kiến đi? Rồi sẽ được du lịch.” Những người muốn xuất hiện trước công chúng như vậy không đáng được tin tưởng. Người thị kiến trung thực luôn né tránh công chúng. Những người này chẳng bao giờ đi đây đi đó với đoàn tháp tùng gồm nhiều nhiếp ảnh gia và máy chụp đâu. Họ chấp nhận để các thẩm quyền trong Giáo Hội điều tra mà không cần đến những cổ võ của đại chúng.

 

(còn tiếp)

 

Bản dịch của Thảo Nguyên

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ